D
ị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn nhiễm phản ứng mạnh với một số chất nào đó và gây ra những hậu quả xấu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của con người. Bởi vì, hệ miễn nhiễm của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên thường dễ bị dị ứng với những món ăn thông thường, như trứng hay gluten (một loại protein có trong bột của lúa mì, lúa mạch...). Chính vì vậy, bạn chớ vội cho trẻ dùng những món này. Những trẻ đã bị dị ứng thực phẩm, thì thường miễn nhiễm khi đã lên ba, nhưng nếu vẫn bị dị ứng thì trong trường hợp này chỉ còn một cách là tránh dùng thực phẩm gây dị ứng đó suốt đời.
NHỮNG CHỨNG DỊ ỨNG THÔNG THƯỜNG
Những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng đối với trẻ:
• Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa
• Các loại hạt có mầm
• Trứng
• Thực phẩm chế biến từ bột mì
• Cá và các loại động vật có vỏ (tôm, cua, sò, hến...)
• Đậu nành
• Hạt mè, dâu, nước ép trái cây và kiwi thỉnh thoảng cũng gây dị ứng ở một số trẻ mẫn cảm.
Dị ứng với sữa bò (chất đạm)
Trẻ dị ứng với một trong những chất đạm có trong sữa bò, hoặc sữa formula, các sản phẩm chế biến từ sữa thường có những biểu hiện như tiêu chảy, ói mửa, đau bụng, nổi mề đay hay không dung nạp được lactose. Đối với trẻ bị dị ứng với sữa, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và cho trẻ dùng một loại sữa có nguồn gốc từ đậu nành gọi là hypoallergenic (ít gây dị ứng) nếu bạn không thể cho trẻ bú sữa mẹ. Hoặc nếu đối với những trẻ lớn hơn, bạn có thể đề ra một chế độ dinh dưỡng không có sữa sau khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hay chuyên gia dinh dưỡng.
Dị ứng với các loại đậu
Dù trường hợp này hiếm khi xảy ra, nhưng trẻ dị ứng với đậu phộng là một trong những chứng dị ứng nghiêm trọng nhất, gọi là sốc quá mẫn (anaphylactic shock) khiến cổ họng sưng phồng, dẫn đến việc hô hấp trở nên khó khăn. Đối với những gia đình có tiền sử dị ứng (kể cả bị hen suyễn, mề đay và dị ứng thực phẩm), không nên cho trẻ dưới 3 tuổi dùng những sản phẩm có chứa đậu phộng hoặc dầu phộng chưa tinh chế. Nếu trường hợp gia đình không có tiền sử dị ứng, bạn có thể cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên làm quen với bơ đậu phộng. Ngoài ra, không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn hạt dẻ vì rất dễ bị hóc, nghẹn.
Hiện nay, ngày càng nhiều người bị dị ứng với hạt mè, tuy không phổ biến so với dị ứng đậu phộng (1/2000), nhưng nếu có, hậu quả của nó khá nghiêm trọng.
Triệu chứng dị ứng với thực phẩm
Thông thường, trẻ dị ứng với thực phẩm có những biểu hiện như sau:
• Môi, lưỡi sưng phồng lên và chảy nước mũi
• Bị tiêu chảy liên tục
• Nôn, mửa
• Thở khò khè hoặc khó thở
• Đau bụng
• Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc quá mẫn - một phản ứng xảy ra rất đột ngột và có thể đe dọa đến tính mạng (đậu phộng hoặc các sản phẩm được chế biến từ đậu phộng thường là nguyên nhân gây ra những trường hợp này)
Chẩn đoán tình trạng dị ứng thực phẩm
Khi trẻ có dấu hiệu bị dị ứng thực phẩm, cách chính xác để chẩn đoán tình trạng này là loại bỏ tất cả các thực phẩm có thể gây dị ứng trong bữa ăn của trẻ và đợi cho các triệu chứng này qua khỏi. Vài tuần sau, lần lượt cho trẻ ăn thử lại từng loại thực phẩm trên đến khi triệu chứng dị ứng xuất hiện trở lại. Rõ ràng, bạn nên loại bỏ ngay món nào gây dị ứng cho trẻ. Tiến trình này chỉ nên thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia dinh dưỡng.
Tuy nhiên, hãy duy trì những thực phẩm chính trong bữa ăn của trẻ. Nếu trẻ bị dị ứng từ các món ăn chính như sữa, bột mì, bạn hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, nhờ họ giúp bạn lập ra chế độ ăn cân bằng cho trẻ. Tuyệt đối không nên tự ý cho trẻ ngưng sử dụng sữa hay các món ăn chế biến từ bột mì...
TÌNH TRẠNG CƠ THỂ KHÔNG DUNG NẠP THỰC PHẨM
Khi trẻ ăn uống món gì mà cơ thể có những phản ứng bất lợi và điều này không liên quan đến hệ miễn nhiễm thì được gọi là dị ứng thực phẩm.
Vì cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên tạm thời chưa thể tiêu hóa được một số loại thực phẩm nào đó. Triệu chứng này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và đó không phải là dị ứng thực phẩm. Có hai loại phản ứng với thực phẩm: loại không dung nạp thực phẩm (ngắn hạn) và dị ứng thực phẩm (dài hạn).
Trường hợp không dung nạp lactose
Một số trẻ không uống được sữa bởi vì cơ thể thiếu một chất gọi là lactase. Đó là một enzyme rất cần thiết cho việc tiêu hóa lactose (đường sữa) có trong sữa. Đối với trẻ không tiêu hóa được cả sữa mẹ và sữa formula cần phải được bác sĩ kê toa cho dùng loại sữa có hàm lượng lactose rất thấp (thông thường được ký hiệu là LF). Khi uống sữa, trẻ không dung nạp lactose thường bị tiêu chảy hoặc sình hơi.
Hiện tượng không dung nạp lactose kéo dài là do trẻ bị viêm dạ dày đường ruột (các loại virus hay vi khuẩn phá hủy men đường ruột – nơi sản xuất lactase). Sau vài ngày hoặc vài tuần, chứng viêm ruột sẽ khỏi, enzyme được tái sản xuất và trẻ có thể uống sữa một cách bình thường. Trong quá trình điều trị, bạn có thể cho trẻ uống loại sữa formula có mức lactose thấp hoặc loại sữa formula chế biến từ đậu nành.
Trường hợp không dung nạp gluten
Một số trẻ không dung nạp được gluten - đây là một loại chất đạm thường thấy trong lúa mì, lúa mạch, yến mạch. So với trường hợp trên, trường hợp này có thể kéo dài suốt đời, hoặc xuất hiện vào bất kỳ độ tuổi nào. Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng các món ăn có gluten.
Hầu như những triệu chứng không dung nạp gluten sẽ biến mất khi đường ruột tự hồi phục sau khi tự sản xuất các enzyme. Trẻ không dung nạp gluten có những biểu hiện như biếng ăn, tay chân khẳng khiu, bụng căng phồng, mông teo tóp, hay đại tiện, phân nhiều và hôi, đồng thời trẻ thường cáu giận hoặc bơ phờ. Khi đó, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt cả về dinh dưỡng lẫn chăm sóc y tế.
Từ 6 tháng tuổi trở lên, cơ thể trẻ bắt đầu khỏe mạnh hơn và mới có thể thích nghi dần dần với các thực phẩm có chứa gluten. Bạn cũng có thể cho trẻ ăn một số loại ngũ cốc không có gluten như gạo, kê và bắp khi bắt đầu chuyển sang chế độ ăn dặm để tránh trường hợp không dung nạp gluten xảy ra khi cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.
Tiền sử dị ứng trong gia đình
• Không nên cho trẻ dưới 8 tháng tuổi dùng thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao nếu gia đình vốn có tiền sử bị dị ứng.
• Không nên bắt đầu cai sữa cho trẻ dưới 26 tuần tuổi.
• Khi bắt đầu cai sữa, cho trẻ ăn những thực phẩm ít có nguy cơ gây dị ứng như khoai tây, khoai lang, cà rốt, bông cải, táo, lê, đào, dưa và các loại bột nghiền.
• Khi cho trẻ dùng thử những món ăn lạ, nên cho ăn mỗi lần mỗi món để dễ phát hiện những thực phẩm gây dị ứng.
• Tránh cho trẻ dưới 8 tháng tuổi ăn những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao như trứng, cá, các loại đậu, bột mì, nước trái cây.
• Nếu trong gia đình đã có tiền sử dị ứng với một thực phẩm nào đó, thì trước khi cho trẻ ăn, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
• Ngoài ra, các bà mẹ cho con bú thì chế độ dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đứa con. Chẳng hạn, người mẹ tránh uống sữa bò, ăn cà chua, nho - điều này rất có lợi đối với những trẻ hay bị đau bụng hoặc chàm da do dị ứng.
Ngũ cốc không có gluten
• Gạo
• Kê
• Bắp