B
éo phì hiện đang là chứng bệnh phổ biến ở các nước phương Tây. Đây là chứng bệnh rối loạn về dinh dưỡng. Một số trẻ béo phì, tuy mới 5 tuổi nhưng đã có những biểu hiện của bệnh tim. Trước đây, bệnh tiểu đường loại II thường chỉ thấy ở người lớn, nhưng bây giờ trẻ em cũng mắc phải. Ngày nay, trong y học xuất hiện nhiều căn bệnh khó chữa trị và số người mắc bệnh ngày càng cao, trong đó nguyên nhân gây bệnh một phần có liên quan đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Đối với trẻ em, hiện nay đa số trẻ tiếp nhận một lượng muối cao gấp hai hoặc ba lần so với mức yêu cầu thiết yếu; đồng thời ăn những món ăn không có nhiều rau xanh và trái cây để củng cố hệ miễn dịch, và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư khi đến tuổi trưởng thành.
“95 đến 99% thực phẩm dành cho trẻ em được quảng cáo trên các phương tiện thông tin có chứa nhiều chất béo, đường và muối.”
NGUYÊN NHÂN GÂY BÉO PHÌ Ở TRẺ
Ở Anh, hơn 1/5 trẻ em dưới 4 tuổi có trọng lượng vượt quá mức cho phép và gần 1/10 trẻ bị xếp vào loại mắc bệnh béo phì. Thống kê còn cho biết, hầu hết những trẻ này có cùng sở thích là xem truyền hình, phim ảnh, chơi game và ăn vặt. Những đứa trẻ này không những sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe khi trưởng thành, mà ngay bây giờ chúng phải đối mặt với một số căn bệnh có liên quan đến dinh dưỡng.
Nguyên nhân chủ yếu do trẻ ăn quá nhiều thức ăn béo, thức ăn đã chế biến sẵn, trong khi lại hạn chế ăn thức ăn tươi và rau củ quả. Càng ngày trẻ càng bị thu hút bởi những thực phẩm được quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên việc ăn uống không có chừng mực của trẻ. Mặc dù, nhiều món ăn khi quảng cáo đều cho rằng đây là thực phẩm đặc biệt dành cho trẻ đang phát triển, nhưng thật ra hầu hết chúng đều gây tác hại cho sức khỏe của trẻ. Những thực phẩm này thường có nhiều đường, muối và các chất béo bão hòa, đồng thời được chế biến quá kỹ khiến nhiều chất dinh dưỡng bị phân hủy hoặc biến chất... Thậm chí, nhiều trẻ còn ăn một lượng thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa vượt quá mức cho phép so với mức tối đa dành cho người lớn.
Chế độ dinh dưỡng cân đối
Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển và lớn lên từng ngày, vì vậy chúng phải được ăn các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe như thực phẩm có chứa nhiều can-xi, chất đạm, chất sắt cùng các dưỡng chất cần thiết khác.
Đối với những trẻ có trọng lượng vượt quá mức, bạn không nên vội vã tìm cách giảm cân cho trẻ, tốt hơn hết hãy cố gắng giữ cho trẻ có một thân trọng ổn định để phát triển và tương xứng với chiều cao.
Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục
Hãy khuyến khích trẻ béo phì tham gia vận động, luyện tập thể dục thể thao vì những trẻ này có tâm lý e ngại, không muốn tham gia vào các hoạt động rèn luyện thể chất.
Trong trường hợp này, cha mẹ phải làm gương cho trẻ. Thay vì ngồi xem truyền hình, bạn hãy bày ra các trò chơi vận động thú vị để lôi cuốn trẻ tham gia. Đồng thời, hãy mua những trang thiết bị cần thiết để tạo điều kiện cho trẻ tập leo trèo vận động. Vào những ngày nghỉ, bạn có thể khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng đi bơi, chơi quần vợt, đánh banh... hoặc đưa trẻ đến công viên để trẻ tự do thoải mái vận động. Nếu có thể, bạn hãy xây dựng thói quen vận động cho cả gia đình tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho con tham gia các khóa học về điền kinh, bơi lội hay khiêu vũ chẳng hạn...
CẢNH GIÁC VỚI MUỐI
Hàng ngày, có hơn một nửa trẻ em trên thế giới nạp vào cơ thể một lượng muối nhiều gấp đôi mức cần thiết, vì thế bạn cần phải cảnh giác với muối khi chế biến thức ăn cho trẻ. Các thống kê y học cho biết, đối với người lớn nếu giảm được 3g từ lượng muối hấp thu mỗi ngày thì sẽ giảm được 14% số người bị đột quỵ và 10% số người bị đau tim. Giảm lượng muối đưa vào cơ thể cũng có lợi cho xương, bởi vì lượng muối thặng dư sẽ làm tiêu hao can-xi khiến cho xương bị mỏng đi, dẫn đến tình trạng loãng xương hoặc gãy xương.
Thói quen thích ăn muối không phải tự nhiên mà có. Cho đến khi được 1 tuổi, hầu như trẻ không tiếp xúc với muối. Tuy nhiên, sau đó muối bắt đầu được đưa vào cơ thể của trẻ thông qua các loại thực phẩm bày bán trên thị trường như bánh mì, bánh snack... Trên thực tế, bắp rang chứa nhiều muối gần tương đương với nước biển. Theo thống kê, 3/4 lượng muối mà trẻ tiêu thụ được cung cấp bởi các thực phẩm chế biến sẵn. Vì vậy bạn nên giới hạn trẻ ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời cho trẻ ăn những thực phẩm tươi sống được nấu chín do bạn chế biến và không chứa muối. Như thế, bạn sẽ kiểm soát được lượng muối trẻ hấp thu vào cơ thể và phòng tránh nguy cơ trẻ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm khi trưởng thành.
Thông thường, bạn nhìn thấy ngoài bao bì các thực phẩm chế biến sẵn ghi tỷ lệ natri trên mỗi lạng (100g), 1g natri tương đương với 2,5g muối. Vì vậy, bạn hãy chú ý và chỉ mua những thực phẩm dành cho trẻ có hàm lượng natri dưới 0,2g trong mỗi lạng mà thôi.
Chỉ tiêu sử dụng muối cho trẻ
• Đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi, mỗi ngày chỉ nên dùng 2 gam muối; từ 4 đến 6 tuổi dùng 3 gam muối/ngày; từ 7 đến 10 tuổi dùng 5 gam muối/ngày.
• Kali có mối tương quan mật thiết với muối: nếu càng thu nạp nhiều kali thì hàm lượng natri trong cơ thể càng cao (natri là thành phần chính của muối). Các loại trái cây sấy khô, các loại hạt, chuối, củ hành, khoai tây và các loại đậu có hạt là những thực phẩm có chứa nhiều kali.
• Thông thường, các thực phẩm được bày bán trên thị trường đều liệt kê hàm lượng muối hoặc hàm lượng natri/ 100 gr ở ngoài bao bì. Nếu bạn muốn tính hàm lượng muối trong thực phẩm, chỉ việc lấy con số được thông báo nhân lên 2,5 lần.
ĂN NHIỀU TRÁI CÂY VÀ RAU XANH
Theo số liệu của các nhà nghiên cứu cho biết, một chế độ dinh dưỡng gồm nhiều rau quả (thay vì nhiều chất béo bão hòa hoặc thực phẩm tinh chế) kết hợp với sự gia tăng vận động thể lực có thể giảm nguy cơ ung thư ít nhất là 30%.
Trái cây và rau xanh có chứa những hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên rất tốt cho cơ thể (phytochemicals). Đây là những hợp chất tạo nên màu sắc của trái cây và rau quả, và có thể giúp cơ thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, đồng thời tăng cường hệ miễn nhiễm và đề kháng những vi trùng, vi khuẩn có hại.
Ngoài ra, trái cây và rau xanh cũng chứa nhiều chất kháng oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể, bằng cách triệt tiêu những gốc tự do (free radicals) có thể gây hại cho các tế bào và khiến cơ thể bị suy nhược.
Nói chung, thực phẩm càng có nhiều màu sắc thì càng có nhiều chất bổ, ví dụ cải bó xôi tốt hơn rau diếp, và khoai lang có màu sậm tốt hơn khoai lang thông thường. Cà chua và dưa hấu có màu đỏ tươi là do chứa nhiều lycopene - một chất kháng oxy-hóa rất mạnh có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim và một số bệnh ung thư.
Màu sắc của rau, củ, quả
Mỗi loại rau quả đều có màu sắc khác nhau, nên chứa các dưỡng chất khác nhau. Do thế, trong bữa ăn hàng ngày, chúng ta nên cố gắng ăn rau quả có nhiều màu sắc càng tốt.
• Màu vàng/cam: cà rốt, xoài, đu đủ, khoai lang…
• Màu đỏ: cà chua, ớt đỏ, dâu tây, quả mâm xôi…
• Màu xanh lá cây: bông cải xanh, cải bó xôi, đậu Hà Lan, kiwi...
• Màu lục/ tím: dâu tím, nho, dâu tằm…
• Màu trắng: súp lơ, hành tây, tỏi, lê, khoai tây…