H
ỎI: Để nuôi con bằng sữa bình, tôi cần chuẩn bị những gì?
ĐÁP: Để nuôi con bằng sữa bình bạn cần những dụng cụ sau:
• Tám bình đựng sữa theo kích thước chuẩn có nắp đậy
• Tám núm vú giả hoặc nhiều hơn do núm vú giả dễ bị rách và mòn
• Nồi hấp tiệt trùng
• Sữa bột đóng hộp (pha theo công thức) với muỗng lớn để đong sữa
• Một dao nhỏ (dao thẳng bằng nhựa dẻo là tốt nhất)
• Một bình để đong sữa (có thể không cần)
• Một bàn chải nhỏ để lau bình
• Muối bọt (nếu bạn dùng núm vú giả bằng cao su)
• Một cái phễu nhựa
HỎI: Chọn loại núm vú giả nào là tốt nhất?
ĐÁP: Loại núm vú giả tốt nhất là loại vừa với miệng con bạn. Dùng loại núm vú cao su đơn giản là rẻ nhất. Bạn nên chọn loại có lỗ vừa phải, trừ khi nữ hộ sinh có hướng dẫn khác. Nếu lỗ của núm vú quá lớn, sữa có thể làm ngạt bé, còn nếu lỗ quá nhỏ thì có thể làm bé khó bú. Núm vú giả bằng cao su dễ bị hư và có thời gian sử dụng ngắn. Bạn nên vứt bỏ khi chúng bị rách hay trở nên dinh dính.
HỎI: Các loại sữa pha theo công thức có khác nhau nhiều không và loại nào là tốt nhất?
ĐÁP: Các loại sữa hiện có trên thị trường chỉ khác nhau chút ít về thành phần và hương vị. Bạn nên chọn loại sữa đã được bỏ bớt các chất không đông (còn gọi là sữa sơ chế). Những loại sữa này thích hợp cho hệ tiêu hóa và thận của bé hơn. Một số loại sữa dành cho người ăn chay cũng có sẵn trên thị trường – bạn nên hỏi ý kiến của nữ hộ sinh xem.
HỎI: Tôi có thể đổi loại sữa bột bé đang dùng sang loại khác được không?
ĐÁP: Thường thì bạn không nên đổi sữa của bé, trong thời gian đầu hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện và bé cần làm quen với việc tiêu hóa một loại sữa thôi. Ngoài ra, sữa được đổi cũng chưa chắc sẽ thích hợp khẩu vị bé nữa. Tuy nhiên, bạn cũng nên xin ý kiến bác sĩ về việc đổi sữa nếu bạn lo lắng vì bé chậm lớn.
HỎI: Tôi có nên thêm thứ gì đó vào sữa không?
ĐÁP: Câu trả lời hầu như luôn luôn là “KHÔNG”. Tuy nhiên, nếu bé vẫn bị táo bón dù bạn đã pha thêm nhiều nước hơn vào sữa cũng như cho bé uống thêm nước thì bác sĩ cũng như những nhân viên y tế có thể gợi ý cho bạn cho thêm đường mía vào sữa pha cho bé. Đường mía có tác dụng làm mềm phân và sẽ giúp bé đi tiêu dễ hơn. Nhưng điều này có thể có tác dụng xấu cho việc mọc răng cũng như khiến con bạn quen với những thức ăn ngọt. Vì vậy không nên lạm dụng.
HỎI: Tôi có thể hâm nóng sữa bình bằng lò vi ba không?
ĐÁP: Bạn tuyệt đối không nên hâm nóng sữa bình bằng lò vi ba. Làm như vậy sữa sẽ nóng lên rất nhanh và có thể làm tiêu hao một số dưỡng chất có trong sữa cũng như làm phỏng con bạn. Đặc biệt, mô niêm mạc họng miệng của bé rất mỏng manh, nếu bị bỏng chúng sẽ sưng lên, gây tắc nghẽn đường thở và có thể gây ngạt thở.
HỎI: Tôi đựng những bình sữa đã pha sẵn trong túi đựng đồ và mang theo cả ngày có an toàn không?
ĐÁP: Làm như vậy sẽ an toàn nếu bạn bảo quản lạnh các bình sữa đó. Bạn nên dùng túi đựng đồ khi đi dã ngoại hay túi trữ lạnh, tốt nhất là dùng túi nhựa dẻo đựng đá. Ngoài ra, trên thị trường cũng có loại túi cách nhiệt được thiết kế riêng cho bình đựng sữa của trẻ.
CÁCH GIỮ VỆ SINH BÌNH SỮA
HỎI: Cách lau rửa bình sữa và núm vú?
ĐÁP: Bạn cần rửa hai dụng cụ này trong nước ấm pha xà phòng, dùng bàn chải chà rửa bên trong và bên ngoài bình, các mép của bình và nắp bình. Nếu bạn dùng núm vú cao su, hãy lộn bề ra, dùng ít muối bột xát lên từng mặt của núm rồi dùng ngón tay để kỳ sạch các phần sữa còn bám trước khi xối nước để rửa trôi hết muối.
HỎI: Cách tiệt trùng bình sữa và núm vú?
ĐÁP: Bạn cần phải tiệt trùng bình sữa và núm vú để tránh nguy cơ viêm dạ dày, bao gồm cả dao để gạt sữa bột khi đong bằng muỗng.
Có 3 phương pháp tiệt trùng chính:
• Tiệt trùng bằng nước lạnh dùng hóa chất (dạng viên hay dung dịch).
• Máy tiệt trùng bằng hơi nước: máy dùng để tiệt trùng bình sữa của bé. Hiện trên thị trường có hai loại máy, loại dùng điện và loại đặt vào lò vi ba.
• Bạn cũng có thể tiệt trùng bình sữa bằng cách đun với nước sôi trong vòng 10 phút, núm vú giả thì cần 4 phút. Làm theo cách này là có thể bỏ sót cặn trong bình nhưng lại rất tiện dụng khi cần dùng gấp.
Cách tiệt trùng tốt nhất là cách thích hợp nhất cho bạn. Tiệt trùng bằng hơi nước có lẽ là phương pháp dễ dàng nhất nhưng chi phí cho máy thì khá cao. Tuy nhiên, dù bạn chọn phương pháp tiệt trùng nào thì đầu tiên cũng phải rửa sạch bình sữa và núm vú giả bằng nước ấm pha xà phòng để loại bỏ tất cả những vết sữa còn sót lại.
HỎI: Phương pháp pha bằng bình đông sữa?
ĐÁP: Bạn phải luôn luôn rửa tay trước tiên, sau đó lấy bình, muỗng, dao, phễu ra khỏi máy hấp tiệt trùng. Khi này, các đồ dùng phải được dùng ngay thay vì rửa lại trước khi dùng. Bạn nên đun nước mới mỗi lần pha sữa, không dùng lại phần nước còn dư ở lần pha sữa tiếp theo. Bạn cũng không nên dùng nước đã làm “mềm”. Một số chất làm mềm nước dùng ở gia đình hiện nay có chứa nhiều sodium (natri), không tốt cho sức khỏe.
HỎI: Phương pháp pha sữa trực tiếp trong bình sữa?
ĐÁP: Đầu tiên bạn cần rửa tay sạch, sau đó lấy các bình sữa và núm vú giả ra khỏi máy tiệt trùng – đừng rửa lại. Chế nước đã đun sôi để nguội vào bình.
1. Chế đúng lượng nước theo công thức vào mỗi bình sữa. Chờ cho nước trong bình nguội bớt, nhiệt độ còn chừng 50 – 60oC.
2. Khi nước đã nguội vừa phải, cho sữa bột vào từng bình sữa (đong sữa theo công thức ghi trên hộp sữa). Nếu đếm không chính xác bạn phải pha lại.
3. Lượng sữa pha trong mỗi bình phải đảm bảo sao cho khi úp đầu núm vú giả vào bình thì đầu vú giả không chạm vào sữa. Vặn nắp bình thật chặt.
4. Lắc bình để làm tan những phần sữa bị vón cục. Bảo quản bình sữa trong tủ lạnh.
HỎI: Cách làm nóng sữa?
ĐÁP: Dựng đứng bình sữa vẫn còn vặn chặt nắp vào bình đong sữa hoặc một cái chậu nhỏ, chế nước ấm vào để làm nóng sữa. Nước trong bình đong sữa hay trong chậu càng nóng thì sữa trong bình càng mau nóng. Nước để làm nóng sữa này bạn có thể dùng nước sôi để nguội hoặc dùng nước sôi có pha thêm nước máy cho nguội bớt.
HỎI: Cách thử ước lượng nhiệt độ của sữa?
ĐÁP: Bạn nên thử nhiệt độ của sữa đã pha bằng cách: Đầu tiên hãy lắc bình sữa, mở nắp ngoài bình sữa (phần che núm vú giả) và xịt hay nhỏ một ít sữa vào mặt trong cổ tay bạn. Nhiệt độ tốt nhất là khoảng 37oC, bằng với “thân nhiệt”, nghĩa là sữa nhỏ lên cổ tay sẽ bình thường chứ không tạo cảm giác nóng hay lạnh. Nếu sữa không đủ ấm, bạn cần vặn lại nắp ngoài của bình sữa và đặt lại bình sữa vào nước ấm. Nếu sữa quá nóng, bạn hãy chế thêm nước lạnh vào nước ngâm bình để làm giảm nhiệt độ của sữa.
HỎI: Cách cho bé bú bình?
ĐÁP:
1. Đưa bình sữa ấm đến miệng bé. Dùng đầu núm vú giả chạm nhẹ vào môi hay khóe miệng của bé. Với phản xạ tìm kiếm ngay lập tức bé sẽ xoay đầu về phía bình và sau đó sẽ bắt đầu bú.
2. Giữ bình sữa ở một góc sao cho sữa luôn luôn ngập phần phía trong của núm vú giả, làm như vậy sẽ giữ cho con bạn không nuốt phải không khí vào quá nhiều. Bạn cũng cần theo dõi mực sữa trong bình và trong núm vú giả, không được để cho núm vú này bị xẹp hoàn toàn. Nếu bị xẹp, cần lấy núm vú ra khỏi miệng bé, nhẹ nhàng làm phồng lại chỗ bị xẹp và sau đó cho bé bú tiếp.
HỎI: Cần làm gì nếu bé ngủ gục khi đang bú bình?
ĐÁP: Nếu bé ngủ gục khi đang bú thì bạn không thể giúp bé ợ lúc này vì sẽ làm bé thức giấc. Đừng lo lắng. Nếu bình thường bé cưng của bạn cũng thường hay ợ thì bạn chỉ cần bế bé ngồi thẳng trong giây lát, bé sẽ ợ ngay khi đang ngủ. Bạn cũng có thể cho bé tựa vào vai. Miễn là bạn giữ cho đầu bé không gục qua gục lại, bạn sẽ có thể giúp bé ợ ngay cả khi bé đang ngủ.
NHỮNG MỐI QUAN TÂM KHI NUÔI CON BẰNG SỮA BÌNH
HỎI: Làm sao tôi biết được con tôi đã bú đủ sữa?
ĐÁP: Bé sẽ ngưng bú khi no. Khi đó có thể bé chưa nhả núm vú của bình ra, và bé cũng có thể còn thức hay đã thiêm thiếp ngủ, nhưng bé đã ngưng bú. Lúc này, bạn hãy nhẹ nhàng lấy bình ra và đặt xuống. Bạn nên đổ bỏ sữa còn thừa và rửa sạch bình, hoặc bạn có thể để một lúc sau rồi hãy làm những việc này. Tuy nhiên, nếu bé bú đến cạn bình thì bạn sẽ không thể biết được là lượng sữa như vậy đã đủ cho bé hay chưa, vì vậy bạn nên pha sữa hơi dư so với nhu cầu của bé.
HỎI: Tôi có nên cho con bú thêm nước ngoài việc bú sữa bình không?
ĐÁP: Chắc chắn là bạn cần cho bé bú thêm nước. Mặc dù sữa pha theo công thức thường đã đủ, nhưng có thể bé sẽ khát nếu cơ thể bé hơi nóng bất thường hoặc hơi sốt, hay khi thời tiết ấm hoặc nóng nực hơn bình thường. Sữa pha theo công thức ngoài thành phần chính là nước còn chứa nhiều muối, chất đạm, chất đường và nhiều chất dinh dưỡng khác. Do vậy, nếu bé bị khát mà bạn chỉ tăng lượng sữa cho bé bú thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu nước cũng như không ngăn được chứng thiếu nước ở bé. Ở trường hợp này, nếu bé đã bú hết sữa pha mà vẫn còn muốn bú thêm bạn nên cho nước đun sôi để nguội vào bình cho bé bú.
HỎI: Khi cho con bú sữa bình, tôi có thể dựng chai sữa cho bé tự bú không?
ĐÁP: Bạn không nên làm như vậy vì cách này có thể làm con bạn bị sặc và ngạt thở. Ngoài ra, bé sẽ bị thiếu đi sự thân mật vì không được trìu mến trong vòng tay của bạn khi bạn cho bé bú. Sau vài tuần đầu, nếu cần để một tay tự do, bạn có thể thử dùng thêm gối để cho bé tựa trong lúc một tay bạn giữ bình sữa cho bé bú. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn dùng cách này thì bé cũng sẽ mất đi sự tiếp xúc về da thịt với bạn, sự tiếp xúc vốn rất quan trọng cho cả bạn và bé. Chúng tôi cho rằng khi cho bé bú bình, việc dùng cả hai tay để cho bé bú cũng như dành tất cả sự chú ý của bạn vào việc này là điều rất quan trọng.
HỎI: Tại sao con tôi lại ọc sữa nhiều quá?
ĐÁP: Người ta không rõ tại sao có bé lại ọc sữa nhiều hơn các bé khác. Những bé bú càng nhanh, càng tham lam và vội vàng thì càng có xu hướng bị ọc sữa nhiều hơn. Nhưng cũng có khi bé ọc sữa là do bé đã bú nhiều hơn nhu cầu. Lượng sữa bé ọc ra thực sự luôn ít hơn so với lượng sữa mà bạn cảm thấy. Bạn có thể kiểm tra điều này bằng cách để bé ọc sữa vào một cái khăn hay miếng vải chẳng hạn, sau khi lọc lại, bạn sẽ chỉ thu được chừng 10 ml sữa. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên về lượng sữa này. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ hỏi ý kiến bác sĩ nếu bé ói dữ dội, ọc ra nhiều sữa hoặc bé không khỏe.
HỎI: Tại sao con tôi bị táo bón?
ĐÁP: Bé được nuôi bằng sữa bình thông thường sẽ có phân đặc hơn bé được nuôi bằng sữa mẹ, phân của các bé này thậm chí còn có thể vón lại, cứng hơn và làm cho bé bị đau khi đi tiêu. Chứng táo bón còn có những nguyên nhân khác, có thể là do bé bú không đủ về số lần bú hoặc bé bú không đủ lượng sữa theo nhu cầu của bé. Cũng có thể bé bị mất nước, điều này thường xảy ra khi thời tiết nóng hoặc khi bé bị sốt hoặc bé bị các rối loạn khác, như thiểu năng tuyến giáp, hoặc phình đại tràng. Cả hai bệnh này đều hiếm gặp. Riêng bệnh thiểu năng tuyến giáp, dùng thử nghiệm Guthrie có thể giúp phát hiện và loại trừ được. Chứng táo bón có thể giảm khi bạn cho bé bú thêm nhiều sữa pha, đồng thời cho bé uống thêm nước đun sôi để nguội. Nếu con bạn bú sữa bình thì nên pha sữa loãng hơn so với công thức pha. Nếu con bạn đã hơn 4 tuần tuổi, bạn có thể cho bé uống thêm nước ép trái cây có pha thêm nước đun sôi để nguội. Nếu táo bón kéo dài, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.
HỎI: Tôi áy náy và cảm giác có tội khi cho bé bú sữa bình chứ không phải sữa mẹ?!
ĐÁP: Nhân viên y tế và nhiều người làm cha mẹ không thích chuyện cho bé bú sữa bình. Thế nên bạn sẽ có cảm giác không được ủng hộ hoặc nhận được ít thông tin hướng dẫn khi bạn chọn cách không nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng có một số điểm bạn cần biết:
• Sữa pha theo công thức hầu như cũng bổ dưỡng như sữa mẹ.
• Nuôi con bằng sữa bình không hề đồng nghĩa với việc làm giảm đi tình cảm mẹ con bạn.
• Khi cho bé bú bình, bạn vẫn có những điều thú vị riêng.
• Bé vẫn có thể được âu yếm chiều chuộng.
• Nếu nuôi con bằng sữa mẹ trong tâm trạng bạn không muốn như vậy có khi sẽ làm cho bạn không thấy được hạnh phúc. Vì vậy, nếu bạn quyết định nuôi con bằng sữa bình, đây không phải là thất bại trong việc nuôi bé bằng sữa mẹ. Bạn chỉ cần trung thực và tự tin rồi sẽ thấy tâm trạng khá hơn. Hãy gần gũi với con bạn và vui đùa với bé.