Tại một vài cơ quan công sở, số lượng nhân viên mới không ngừng tăng lên, đồng thời cũng có nhiều nhân viên cũ thôi việc. Đôi khi, có người vừa vào làm tại một đơn vị chưa được bao lâu liền cảm thấy không phù hợp mà nguyên nhân chủ yếu là khối lượng công việc nhiều, không thích ứng với văn hóa công ty, nhưng cũng có người làm lâu năm cho rằng công việc ổn định và làm việc rất vui vẻ.
Tốt nhất nên đảm bảo công việc ổn định, một mặt vừa khiến mình yên tâm làm việc, một mặt vừa có thể tiếp nhận sự bồi dưỡng đào tạo chuyên sâu của công ty. Khi công việc ổn định thì bản thân mình cũng thấy yên tâm. Công việc thường xuyên thay đổi là việc vô cùng khó khăn vất vả, lúc nào cũng trong trạng thái thích ứng với môi trường hoàn cảnh mới, dù làm việc ở đâu cũng được coi là nhân viên mới. Vì vậy, điều quan trọng là luôn giữ được thái độ “đã tới thì an tâm ở lại”, như vậy ta mới học hỏi được nhiều điều và trưởng thành nhanh hơn.
Tuy nhiên có người lại thích thường xuyên thay đổi công việc. Nay đây mai đó có thể gặp gỡ và hiểu biết nhiều mặt xã hội, nhưng sẽ không có năng lực chuyên ngành, cũng không thể xây dựng được nền tảng kiến thức chuyên sâu cần thiết cho bản thân. Thật là đáng tiếc bởi tốn quá nhiều thời gian.
Con người ta thường có hai loại tập tính, một loại là “có mới nới cũ”, một loại là “thích cũ ghét mới”. Có mới nới cũ là thích con người, sự vật, sự việc mới mẻ và ghét bỏ những thứ đã cũ; thích cũ ghét mới chỉ việc khi sự việc mới phát sinh liền lo lắng cuộc sống của mình cũng thay đổi theo, cho nên hoài niệm về những cái cũ. Đây là lẽ thường tình của con người, cũng giống như con ngựa nuôi trong nhà nhìn thấy một con ngựa khác phi qua liền cảm thấy lo lắng và cảnh giới đề phòng.
Lần đầu tiên tham gia đại hội Phật giáo ở Mỹ, các vị nguyên lão vừa hoan nghênh lại vừa lo lắng cho tôi. Họ hoan nghênh là bởi hy vọng tôi sẽ đem lại một vài cống hiến mới, họ lo lắng là vì sợ tôi giở trò bịp bợm gì, cho nên có đôi chút bất an. Thế là tôi nói với họ rằng : các ngài không nên mong đợi kỳ vọng vào tôi quá nhiều, cũng không cần phải sợ tôi như thế. Tôi đến đây là để tham gia với đoàn thể, thích ứng với đoàn thể; nhưng tôi có hoàn cảnh trưởng thành, ưu nhược điểm và nguyên tắc làm người, làm việc riêng của mình, do vậy có thể là giúp ích đôi chút hoặc có thể đem lại nhiều phiền toái cho các vị. Dù là tốt hay xấu, xin mọi người lượng thứ và tiếp nhận tôi, tôi sẽ cố hết sức hợp tác cùng mọi người, khiến mọi người hài lòng”.
Ra nhập vào đoàn thể mới ở đâu cần phải theo phong tục ở đó, học hỏi, tìm hiểu và thích ứng với văn hóa nơi đó. Cho đến khi thích ứng và hòa nhập được với đoàn thể nó sẽ biến thành đoàn thể của bạn, và bạn có quyền đại diện cho đoàn thể đó. Làm người ai cũng có thói quen, thói quen ở đây chỉ cái chủ quan cá nhân, cái tôi trung tâm, giá trị quan của bản thân, lòng tự tôn của bản thân; tất cả những cái tôi đó đều dễ làm tổn thương người khác và cũng rất dễ bị làm tổn thương. Phàm những người có cái tôi trung tâm mạnh mẽ, ý thức chủ quan nặng nề nhất định có nhiều phiền não hơn người khác, không những tự hại bản thân mình mà còn gây tổn thương cho người khác.
Toàn tâm toàn ý phục vụ, cống hiến cho tập thể, dù công việc bận rộn đến đâu đều cảm thấy vui vẻ, có mệt cũng cảm thấy thích thú, bởi đó là việc mình tình nguyện làm. Làm việc bằng thái độ đó không những khiến bạn cảm thấy vui vẻ mà chất lượng công việc sẽ tốt hơn rất nhiều.’’