Người tài là những ai? Cố nhân thường nói “tam nhân hành tất hữu ngã sư” – tức trong ba người cùng đi thế nào cũng có người làm thầy ta. Nói đến người thông thái không nhất thiết phải nhắc đến hai nhà triết học vĩ đại thời cổ Hy Lạp – Socrates (496 – 399 TCN) hay Plato (427 – 347 TCN), mà người thông thái tồn tại ngay bên cạnh chúng ta, thậm chí là những người bạn trò chuyện với ta hàng ngày. Ví như một người nào đó đột nhiên nảy ra ý tưởng mới, sau một hồi suy nghĩ thấy bản thân mình có thể làm được theo ý tưởng đó, điều đó có nghĩa anh ta là người thông thái đáng để ta học hỏi.
Người thông thái là người có đầu óc minh mẫn, biết kìm nén bản thân. Hay nói cách khác, nếu bạn hiểu rõ và đưa ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề đó thì bạn là người thông thái; ngược lại, nếu bạn không rõ ràng gốc rễ của sự việc và còn nhiều điểm chưa hiểu hết thì bạn không phải là người thông thái. Nhưng nó không phản ánh trí tuệ, năng lực hơn người hoặc thua kém người khác của bạn.
Tôi được nghe ý kiến của nhiều người cho rằng, việc họ cảm thấy có thể làm được thì lập tức thi hành, nếu cần suy nghĩ xem xét, điều chỉnh, tìm hiểu một thời gian thì họ tham khảo thêm ý kiến của nhiều người khác, để cùng giải quyết vấn đề. Thảo luận nhóm hay lấy ý kiến của nhiều người đôi khi khiến hiệu quả công việc chậm lại bởi có nhiều ý kiến bất đồng quan điểm, hoặc không toàn diện; đôi khi chỉ là sự nhìn nhận vấn đề dựa trên sự hiểu biết có hạn của một cá nhân nào đó. Do vậy, cần phải biết lắng nghe, chắt lọc, xem xét, điều chỉnh lại để đưa ra được giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề.
Trí tuệ của đại chúng thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân chủ, do đó không được cho rằng mình là một phần vô cùng nhỏ bé không đáng kể nên không cần phải đóng góp ý kiến gì. Nói theo khuôn mẫu sẽ khiến bạn trở thành người thiếu tự chủ, bị động.
Một nhân viên tốt là người có cách suy nghĩ, cách làm riêng của mình, đồng thời họ cũng biết cách giao tiếp, biết chia sẻ công việc và kinh nghiệm với những người xung quanh. Khi trong đầu có ý nghĩ, có phương pháp làm, mà không có cách nào chia sẻ cùng người khác, đơn thương độc mã, tự làm một mình, thì e rằng bạn sẽ gặp nhiều phiền toái. Ví như trong bốn con ngựa cùng kéo một xe hàng, bạn là con lớn tuổi nhất và biết rõ đường đi nhất nhưng không nói cho ba con còn lại biết, mà cứ kéo họ chạy theo một cách mệt mỏi, khổ sở, thì kết quả cuối cùng bạn sẽ là người tổn hao sức lực nhiều nhất, sẽ mệt mà chết. Dụng ý của tôi là khuyên mỗi người nên có cách nghĩ, cách làm riêng của mình nhưng nhất định phải hợp tác cùng mọi người, không nên chuyên quyền độc đoán chỉ làm theo ý mình mà không suy xét ý kiến của người khác.
Còn những người năng lực thấp kém đều nuôi hy vọng cấp trên sẽ sắp xếp cho mình công việc ổn định, sau đó chỉ cần làm theo yêu cầu là được, hễ gặp rắc rồi liền hỏi ngay câu: “Vậy tiếp theo tôi cần phải làm gì?”. Tôi nghĩ đây là những nhân viên tồi nhất trong công ty. Nhưng trên thực tế, có nhiều vị lãnh đạo lại thích những người như vậy bởi họ rất nghe lời, bảo gì làm đấy. Như vậy không những không thể bồi dưỡng khả năng làm việc độc lập chuyên môn và tinh thần chia sẻ gánh nặng công việc của nhân viên mà còn tự rước thêm bực dọc mệt mỏi vào người. Do đó, người lãnh đạo nhất thiết phải hiểu rõ ngọn ngành vấn đề, không nhất thiết việc gì cũng phải đích thân tự làm, nên để cho nhân viên có cơ hội phát huy khả năng để rèn luyện trở thành “nhà thông thái”.