Trong kinh Pháp Hoa có nói: “Nhược nhân thuyết thử kinh, ưng nhập Như Lai thất, trước Như Lai y, nhi tọa Như Lai tọa – nếu có người diễn thuyết kinh này, nên vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai”, hay như “đại từ bi vi thất, nhu hòa nhẫn nhục y, chư pháp không vi tòa, xử thử vi thuyết pháp – tâm từ bi là nhà, nhu hòa nhẫn nhục là áo, các pháp đều không là chỗ ngồi, ở vào đó gọi là thuyết pháp”. Tức là, nếu chúng ta muốn vào phòng thất của Đức Như Lai thì cần phải có lòng bao dung với mọi người, muốn mặc áo cà sa của ngài thì phải có lòng mềm mỏng chịu đựng tất cả, muốn ngồi trên bảo tọa của ngài thì phải xử lí mọi việc bằng tâm trí tuệ, trong lòng không được có bất cứ nghi ngờ, ngờ vực nào. Tất cả nội dung khai thị trong kinh văn đều là con đường học Phật sơ khai ban đầu của chúng ta.
Trước tiên là vào phòng thất của Đức Như Lai. Khi chúng ta phát lòng đại từ bi cứu khổ chúng sinh cũng chính là đã bước vào phòng thất Như Lai. Đã phát đại từ bi tâm thì nên đối diện với tất cả chúng sinh bằng tấm lòng từ bi, không nên coi họ như kẻ thù mà tính toán so bì.
Tiếp đến là mặc áo cà sa của Đức Như Lai. Chiếc áo mà ngài khoác lên mình là chiếc áo mềm mỏng nhẫn nại, cái tâm của ta cũng cần phải mềm mỏng dịu dàng, không được quá cứng nhắc. Khi dùng từ bi tâm đối đãi tha nhân, nhất định cái tâm đó phải là mềm mỏng dịu dàng. Còn nhẫn nhục tức chỉ khi người khác đem lại rắc rối, dày vò, dằn vặt, thậm chí phiền toái dù trong lòng bạn cảm thấy vô cùng đau khổ và chịu thiệt thòi thì cũng nên tự thức tỉnh mình phải học tập đấng Quan Thế Âm Bồ-tát. Việc học tập Quan Thế Âm Bồ-tát cũng chính là ta đang khoác lên mình chiếc áo mềm mỏng của ngài, mềm mỏng có thể chiến thắng cương cường cứng nhắc. Khi vấn đề xảy ra với bạn, cần phải nhẫn nại bằng thái độ mềm mỏng. Cái gọi là “tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” hàm ý chỉ việc nhỏ nhặt nên nhẫn nại, việc to lớn cũng cần nhẫn nại, có thể chịu nhẫn tức bạn có phúc báo, có nhẫn bạn cũng có thể vượt qua muôn ngàn quan ải gian khổ bởi nhu có thể khắc cương.
Cuối cùng là nói đến việc ngồi trên bảo tọa của Đức Như Lai. Bảo tọa của ngài chính là pháp không tọa, tất cả mọi pháp thuật đều là hư không. Khi ta học tập tinh thần của Đức Bồ-tát nhất định sẽ lĩnh hội được tất cả mọi sự vật hiện tượng trên đời này không phải là vĩnh cửu, đều thoảng qua như mây khói. Dù là nghịch cảnh hay thuận cảnh, hoặc muôn vàn trạng thái tình hình khác nhau đều là hiện tượng tạm thời, và tất cả đều có thể thay đổi bất cứ khi nào, và đến khi thay đổi thì sự việc đó không còn tồn tại nữa. Đã là thay đổi rồi thì không thể vĩnh cửu, vĩnh hằng mãi mãi, năm nay có thể thế này, nhưng sang năm tới lại có thể thay đổi thành thế kia. Có người trong lòng luôn cảm thấy vội vàng hấp tấp, hi vọng hoàn cảnh đó mau chóng thay đổi, nhưng họ không biết rằng việc này cũng giống như ta trồng một hạt giống, đến đúng thì thì nó mới trưởng thành ra hoa kết trái và trái chín cây, chưa đủ thời gian sinh trưởng thì quả trên cây đó không chín và ăn không ngon, nhưng nếu để chín quá cũng sẽ không ăn được. Qua điều này ta thấy, vạn vật đều có tính tồn tại tạm thời, những sự việc chưa đến độ chín chắn thì không nên làm, còn những việc qua rồi thì cho qua luôn, đây mới chính là “không” trong Phật pháp. Bảo tọa của Đức Như Lai chỉ tất cả pháp lực, tất cả sự vật, hiện tượng đều tồn tại một cách tạm thời; nhưng cũng không nên vì sự tạm thời đó mà không hành động. Ví như, thân thể chúng ta cũng là tạm thời nhưng ta vẫn phải ăn uống, vẫn phải duy trì sinh mệnh để vận dụng nó làm điều có ích cho xã hội, cho cộng đồng, dùng nó để học tập đấng Quan Thế Âm Bồ-tát.
Quan Thế Âm Bồ-tát có tấm lòng từ bi, nhu nhuyễn, nhẫn nhục, ngài vừa có thể nhìn bao dung, vừa có thể thực hiện được điều mình muốn làm. Chúng ta dùng từ bi tâm để đối diện và tiếp nhận chúng sinh, sau đó xử lí sự việc bằng chính từ bi tâm, bằng sự nhẫn nhục, bằng sự mềm mỏng và trí tuệ, sau khi giải quyết xong là có thể rũ bỏ nhọc nhằn gian khó.
Vậy có cách nào khiến người ta không còn sợ hãi, không còn lo âu buồn phiền hoặc hoang mang hoảng hốt? Theo tôi, thì nên niệm nhiều câu “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát”, đây chính là phương pháp tu luyện tốt nhất trong Quan Âm pháp môn. Mọi người có thể cùng niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát”, cùng cầu Quan Thế Âm Bồ-tát, cùng học Quan Thế Âm Bồ-tát và có thể diễn vai Phật Bà Quan Thế Âm Bồ-tát nghìn tay nghìn mắt ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Sự hưởng thụ vật chất của thế gian là ăn ngon, dùng hết cho nên không đáng tin cậy; nhưng nếu học được phương pháp Quan Thế Âm Bồ-tát thì lại rất hữu ích, khiến ta có thể rời xa đau khổ đến với vui sướng, cả đời hưởng thụ.