Là tín đồ Phật giáo, đệ tử Tam Bảo nhất thiết phải có nhân sinh quan đúng đắn. Cái gọi là nhân sinh quan ở đây chính là đi tìm gốc rễ nguyên nhân vì sao chúng ta lại có mặt trên thế giới này. Xét về góc độ Phật giáo, thì có hai nguyên nhân chính: thứ nhất, chúng ta đến thế giới này để thụ báo; thứ hai, chúng ta đến để “trả nguyện – thực hiện lời nguyện ước” chứ không phải đến để trả nợ, tâm lí trả nợ thật là đau khổ!
Tiếp nhận quả báo bởi chúng ta tin rằng trước khi đến với kiếp này ta đã phải trải qua vô vàn kiếp trước, sinh tử vô cùng tận, đối đãi với người với ta, đã tạo ra hàng loạt thiện nghiệp, ác nghiệp và kết quả là kiếp này đến để thụ báo. Nhưng cũng có người ngờ vực rằng : vì sao trong cuộc sống nhân sinh hiện thực lại có người tốt gặp ác báo, còn kẻ ác lại gặp thiện báo? Thực ra, chúng ta không hiểu rõ mình đã làm những gì, nói những gì, từng có ý niệm nào, có lúc không nhận ra thậm chí còn quên đi những điều đó; hoặc cố gắng để không nhớ đến nó. Chúng ta không hiểu rõ về kiếp này thì làm sao mà hiểu được kiếp trước mình đã làm gì?
“Báo” có hai loại, một loại là phúc báo còn loại kia là khổ báo. Mọi người ai ai cũng hi vọng mình giàu có, tiền của đầy nhà, hồng phúc tề thiên, nhưng cái chính là họ không nghĩ tới liệu bản thân mình thực sự có được phúc báo như thế không ? Phúc báo có được sẽ dựa vào thiện nghiệp, việc tốt có ý nghĩa cho chính ta và cho cả chúng sinh mà ta tạo ở kiếp trước, còn bây giờ chỉ là lúc ta thu hồi lại kết quả. Còn khổ báo thì trái ngược hẳn với phúc báo, có đau khổ, có vui sướng ; vui sướng chính là phúc báo, còn đau khổ do kiếp trước ta tạo ác nghiệp nên kiếp này phải chịu tội, cũng giống như ta gặp phải hàng ngàn sự dằn vặt đày đọa, trắc trở và cả những việc không thuận lợi.
Con người ta khi gặp khổ nạn hay khó khăn thường cho rằng đó là lỗi lầm của kẻ khác đã khiến mình chịu đau khổ như vậy, hoặc chính hoàn cảnh xô đẩy khiến ta rơi vào tình cảnh khốn đốn, nhưng liệu đó có phải là sự thực không ? Trước tiên, ta cần tự thức tỉnh và kiểm điểm liệu có phải gần đây sức khỏe không tốt, tâm tính buồn phiền do vậy mà gặp bất cứ việc gì hay bất cứ người nào đều cảm thấy phiền lòng. Nếu sau đó thấy nguyên nhân không phải xuất phát từ bản thân thì cần tiếp nhận nó bằng tâm thái hoàn nguyên, khi đối diện bằng tâm thái đó ắt trong lòng không còn cảm thấy buồn phiền lo âu đau khổ nữa, và tất nhiên khổ báo cũng không còn nữa!
Tôi nghĩ chúng ta ai ai cũng từng có kinh nghiệm sau: người thân chịu thiệt thòi ấm ức ở bên ngoài, khi về đến nhà liền trút cơn giận lên đầu bạn, có thể bạn sẽ đem cơn bực tức này trút lên đầu người khác. Thực ra, giận cá chém thớt không giúp bạn nguôi đi cơn bực tức, chỉ là biến vấn đề khó khăn của mình thành vấn đề khó khăn của người khác, và sau đó người này giận cá chém thớt người kia. V ì vậy mà khi chúng ta rơi vào tình cảnh giận cá chém thớt thì điều trước tiên cần nghĩ đến là bản thân mình đến để thụ báo, sau đó thì nên nghĩ rằng đã thụ báo rồi sẽ giúp người khác nguôi giận, chẳng đúng là một mũi tên trúng hai đích sao! Nếu có thể làm được như vậy, thì bạn là người có tấm lòng Bồ-tát rồi!
Nhất định phải xây dựng quan niệm rằng chúng ta đến với nhân gian là để thụ báo. Bởi đến để thụ báo nên mỗi khi gặp rắc rối ta không nên tức giận, cũng không nên đau khổ, dù sao cũng không còn con đường nào khác, nhưng không chỉ đơn giản là tiếp nhận thụ báo đó, ta cần nghĩ cách giải quyết vấn đề triệt để. Nếu trong lòng cảm thấy buồn rầu thì nên dùng Phật pháp hóa giải phiền não đó; còn nếu đối phương có vấn đề thì dùng trí tuệ giúp đỡ anh ta, chứ không phải ăn miếng trả miếng, lấy oán báo oán. Có thể đối mặt với sự thật như vậy thì chúng ta đều là hành giả Bồ-tát; ngược lại, không những tự thân đau khổ, mà còn khiến cho cả đối phương cũng đau khổ theo, tự phiền mình cũng tự phiền người khác, chính là việc hại người cũng chẳng có lợi cho mình.
Thêm vào đó, sinh mệnh của chúng ta đến để “trả nguyện”. Từ bé đến lớn, từ già đến trẻ có ai từng thề nguyện bao giờ chưa? Cái gọi là “thề nguyện” ở đây tức chỉ những điều ta hi vọng làm được, có được, đạt được. Ví như, sau này khi tôi trưởng thành nhất định sẽ đối xử tốt với mẹ, xã hội ngày nay thật loạn; hoặc giả dụ tôi có năng lực thì tôi sẽ cống hiến hết mình cho xã hội, khiến xã hội càng trở lên an định hơn; hay như những người này thật đáng thương, nếu tôi có năng lực tôi sẽ giúp đỡ họ. Tôi nghĩ chúng ta từng thề nguyện những mong ước như vậy, và cũng thề nguyện nhiều điều hơn thế trong cuộc sống này. Tôi tin rằng kiếp trước chúng ta đều là bố tát, đã từng phát bồ đề tâm qua từng kiếp với hi vọng có thể giúp ích tha nhân. Những người quy y tam bảo đều phải thề nguyện bốn lời thề lớn, đó là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, và “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Bởi tất cả Bồ-tát đều thành Phật, đều phải thề nguyện như trên, vì vậy mà ta gọi đó là thông nguyện.
Vậy phải thực hiện như thế nào đây? Chính việc cống hiến bản thân, giúp đỡ đại chúng là vô điều kiện, không mưu cầu báo đáp lại, đó cũng là tâm nguyện ta từng nói ra. Thề nguyện không phải để cho bản thân, mà để hi vọng tha nhân có được lợi ích và ân huệ, hi vọng bản thân có thể bỏ ra công sức tận tâm tận lực giúp ích cho đời. Nếu chúng ta chưa từng thề nguyện, thì hãy bắt đầu ngay từ bây giờ cũng vẫn chưa muộn; còn nếu nhất quyết không thề nguyện, nhân phẩm của ta sẽ không bao giờ được nâng cao, luôn có lòng tự tư giống như cái gai nhọn sắc vậy, có thể tổn hại bất cứ ai bên cạnh bạn, không những làm hại bản thân mà còn làm hại tha nhân nữa. Do đó cần mở rộng lòng mình, nhất định phải thề nguyện, giúp đỡ người khác.
Thụ báo là trách nhiệm, còn hoàn nguyên là nghĩa vụ. Nghĩa vụ nằm ngoài bổn phận trách nhiệm của ta; cống hiến hết mình, tạo ích chúng sinh mới chính là hoàn nguyên. Chịu khổ chịu nạn là thụ báo, còn cứu khổ cứu nạn là hoàn nguyên. Có thể cứu khổ cứu nạn trong khi chịu khổ chịu nạn là đấng Bồ-tát cao thượng rồi!
Tất cả chúng ta đều mang theo con người không hoàn mỹ đến với thế giới này, và nhìn nhận thế giới bằng cái không hoàn mỹ đó, thì thế giới này tuyệt đối cũng không phải là hoàn mỹ. Dù như vậy, nhưng chúng ta vẫn tiếp nhận hiện thực nhân sinh bằng tâm thái thụ báo đó, cải thiện sinh mệnh bằng tâm thái và quan niệm hoàn nguyên, đây mới chính là nhân sinh quan đúng đắn trong Phật giáo.