Mọi người đều biết Đức Quan Thế Âm Bồ-tát có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng và Nhật Bản. Người Trung Quốc có câu nói “nhà nhà Di-Đà, người người Quan Âm”, hơn thế ai ai cũng biết một trong những thánh địa “A Di Đà Phật” và “Quan Thế Âm Bồ-tát”, vì vậy mà Phật giáo của dân tộc Tạng cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma chính là hóa thân của Bồ-tát Quan Thế Âm. Vậy Đức Quan Thế Âm Bồ-tát là ai? Trong rất nhiều cuốn kinh Phật nổi tiếng, chúng ta đều có thể thấy Phật Đà nhắc đến Đức Quan Thế Âm Bồ-tát ví như “phẩm phổ môn” trong “Pháp hoa kinh”, phần “nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quan Thế Âm”; trong “Lăng Nghiêm kinh”, “Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni kinh”, và bản kinh mà mọi người thường hay đọc – “Tâm kinh”. Chỉ trong cuốn “Tâm kinh” thì Đức Quan Thế Âm Bồ-tát được gọi là Quán tự tại Bồ-tát; ngoài ra, trong cuốn “kinh Hoa Nghiêm” có ghi chép rằng Thiện Tài đồng tử có ghé qua núi Potalaka yết kiến Bồ-tát Quan Thế Âm.
Có thể các bạn cho rằng tôi hiểu sâu biết rộng, rất có học vấn, thực chất tôi đều dựa vào Đức Quan Thế Âm Bồ-tát. Học vấn và tri thức không có tác dụng nhiều trong những lúc cấp bách quan trọng, xã hội ngày nay có rất nhiều phép tắc về kiềm chế cảm xúc, rèn luyện nhân cách hoặc quy phạm đạo đức, có thể nó sẽ phát huy tác dụng trong những lúc bình thường hoặc khi không có sự việc phát sinh đột ngột, nhưng hễ khi có vấn đề rắc rối thì nó lại thành vô tác dụng. Ví dụ như cơn sóng thần ở Nam Á, khi sóng thần ập tới thì tiền của, tài sản, địa vị, quyền lực hoặc người thân có thể cứu nổi bạn không ? Hoặc khi sự nghiệp, chuyện tình cảm, tài sản, bị tổn thất nhiều hoặc gặp chuyện không may thì bạn nên làm thế nào? Có rất nhiều người khi gặp vấn đề rắc rối không thể giải quyết được liền tìm đến tôi, không chỉ người Trung Quốc, mà cả người nước ngoài, hay không chỉ người dân thường mà cả người có địa vị cao trong xã hội cũng tìm đến tâm sự, tuy tôi không có ba đầu sáu tay, nhưng tôi có thể dựa vào nghìn tay nghìn mắt của Đức Quan Thế Âm Bồ-tát giúp đỡ họ.
Tôi cũng thường nói, mỗi khi gặp khó khăn, ta chỉ cần đối mặt, tiếp nhận, xử lí và bỏ qua nó. Tất cả chúng ta đều biết trốn tránh không giải quyết được vấn đề, ta bắt buộc phải đối diện với nó và chấp nhận sự thực. Nhưng nói cho cùng thì vấn đề phải được giải quyết dù bằng cách nào đi nữa, vậy ta phải làm sao đây? Tôi không có trí tuệ, cũng không có bất cứ biện pháp hay kĩ xảo nào, cho nên chỉ có thể thỉnh giáo người khác, nếu ta không còn nơi nào có thể thỉnh giáo giúp đỡ thì cách duy nhất là niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát”. Sau khi cái phúc đi đến tâm linh thì ắt sẽ biết cách xử lí vấn đề như thế nào. Có lúc ta không biết nên làm thế nào mới tốt, sau khi niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát”, đột nhiên trong đầu ta sẽ xuất hiện một điểm gợi ý. Linh cảm đó không phải đến từ trí tuệ cá nhân, mà đó là một sự linh cảm mới – linh cảm của Bồ-tát.
Khi tâm thế có thể dịu lắng xuống ắt trí óc sẽ có suy nghĩ rõ ràng hơn, lúc đó ta có thể lập tức giải quyết vấn đề nhanh chóng từng bước một, đây cũng chính là lợi ích thứ nhất khi ta niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát”. Nếu niệm rồi mà ta vẫn chưa giải quyết được rắc rối, không cần phải vội vã, chỉ cần không ngừng niệm Phật, an định cái tâm ắt tự nhiên tình thế xoay chuyển sẽ xuất hiện, đôi khi có thể xuất hiện một nhân vật nào đó hoặc một tình huống nào đó giúp ta giải quyết vấn đề.