1. Công việc và cuộc sống
Từ khi đi làm thì 1/3 thời gian mỗi ngày chúng ta dành cho công việc, cho đến khi chúng ta nghỉ hưu, thời gian chúng ta đã dành cho công việc là khoảng 35 năm. Nếu dùng mức tuổi thọ trung bình là 70 tuổi, 35 năm chiếm một nửa thời gian trong cả cuộc đời của chúng ta. Hơn nữa, 35 năm này là thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời chúng ta – là tuổi thanh xuân với những cảm xúc mãnh liệt nhất, giàu sức sáng tạo nhất và là tuổi trung niên chín chắn hiểu đời. Cho nên, ý nghĩa của công việc nằm ở đâu? Lựa chọn nghề nghiệp như thế nào? Có thái độ như thế nào với nghề nghiệp? Những vấn đề này liên quan đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, liên quan đến ý nghĩa sự sống của chúng ta, là điều mà chúng ta cần phải suy xét và trả lời.
Đối với mỗi người, nghề nghiệp có ba tầng ý nghĩa: Sinh tồn, vai trò xã hội và khẳng định giá trị bản thân. Đa phần mọi người đều xác định làm việc để mưu sinh, đây cũng là mục đích cơ bản nhất của một công việc. Vậy liệu nó có nghĩa là: Nếu chúng ta có đủ tiền rồi, không phải lo cái ăn cái mặc nữa, thì có thể không cần làm việc nữa?
Năm 1954, một số nhà xã hội học Mỹ đã từng hỏi hàng trăm người Mỹ một câu hỏi như sau: Khi bạn đã có một khoản tiền đủ lớn để mà không cần làm việc vẫn đủ sinh sống, liệu bạn nghỉ làm không? Kết quả cho thấy, có tới 80% trả lời rằng: “Cho dù tôi vô cùng giàu có, tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc”. Vì các lí do sau:
- Tôi thích làm việc;
- Hy vọng luôn giữ được nội tâm phong phú;
- Làm việc để rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ bản thân
- Thúc đẩy mối quan hệ giao tiếp giữa người với người qua công việc
- Chứng minh sự tồn tại của bản thân
- Giữ sự tự tôn, tự trọng;
……
Một câu hỏi khác đó là: “Nếu không làm việc, bạn sẽ thế nào?”, phần lớn mọi người đều cho rằng:
- Ngày ngày ăn ngủ chơi, lâu dần sẽ thấy nhàm chán;
- Không còn cảm thấy bản thân tràn đầy nhiệt huyết và nhựa sống nữa;
- Cảm thấy bản thân như thể đã trở thành người thừa;
……
Từ đó chúng ta có thể thấy rằng, đối với mỗi người, công việc hay sự nghiệp ngoài để kiếm sống ra, còn có ý nghĩa quan trọng hơn, đó chính là khẳng định sự tồn tại của bản thân trong xã hội, giúp chúng ta thể hiện giá trị của mình. Nếu nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng như vậy đối với mỗi người, vậy thì, chúng ta không có lí do gì để xem nhẹ hoặc xem thường nó, mà nên trân trọng nó, đây chính là lòng yêu nghề.
2. Yêu nghề là tiêu chuẩn tuyển dụng quan trọng của các công ty
Yêu nghề là tâm thái tích cực khi làm việc, là giá trị quan và niềm tin của người lao động tại nơi làm việc.
Một điều tra ở nước ngoài cho thấy: Học lực đã không còn là điều kiện tuyển dụng hàng đầu của các công ty. Đa số nhà tuyển dụng cho rằng, thái độ làm việc đúng đắn là điều mà công ty cần phải xem xét đến đầu tiên khi tuyển dụng nhân viên; tiếp đến mới là kĩ năng nghề nghiệp; sau cùng mới là kinh nghiệm làm việc. Không còn nghi ngờ gì nữa, thái độ làm việc được xem là tiêu chuẩn quan trọng khi tuyển chọn nhân tài.
Một du học sinh Trung Quốc làm thêm trong một nhà hàng ở Tokyo Nhật Bản, ông chủ yêu cầu khi rửa khay đựng phải chà rửa sáu lần. Mới đầu cậu ta làm theo đúng yêu cầu, rồi cậu ta cho rằng bớt đi một lần khay đựng cũng vẫn rất sạch sẽ, thế là chỉ làm năm lần. Về sau, cậu ta thấy nếu bớt đi một lần nữa chiếc khay vẫn rất sạch, thế là lại giảm đi một lần nữa, chỉ còn bốn lần. Cậu ta ngầm để ý thấy một người Nhật Bản cùng làm vẫn ngoan ngoãn rửa đúng sáu lần, tất nhiên tốc độ làm việc sẽ chậm hơn mình rất nhiều. Thế là, xuất phát từ “lòng tốt”, cậu ta khẽ bảo nhân viên người Nhật kia có thể giảm một lần, ông chủ cũng sẽ không biết. Nào ngờ nhân viên người Nhật kia vừa nghe thấy thế đã ngạc nhiên nói: “Quy định là phải sáu lần, thì cứ làm sáu lần, sao lại có thể giảm một lần kia chứ?”
Từ sự việc trên chúng ta có thể thấy được sự khác biệt cơ bản giữa hai thái độ làm việc, nếu bạn là ông chủ, bạn muốn sử dụng nhân viên có thái độ làm việc như thế nào?
CEO Trương Hồ Dương của công ty Sohu nói: “Điểm nhấn tuyển dụng của công ty chúng tôi là tinh thần yêu nghề. Tôi cho rằng, thái độ làm việc là vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp. Ở Mỹ, nếu một người không làm tốt công việc của mình, anh ta sẽ mất sự tín nhiệm và danh dự, tìm công việc khác, cũng không dễ dàng nữa! Tinh thần yêu nghề là một khái niệm khá lí tính, nhưng khi thực hiện, có thể cảm nhận được một cách rõ ràng, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một người có coi trọng công việc của mình hay không, có biết phối hợp với những người khác để làm tốt công việc hay không”.
3. Yêu nghề là bí quyết thành công
Một công ty chuyên thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát rất nổi tiếng của Mỹ từng tiến hành một cuộc khảo sát bằng câu hỏi đối với 200 CEO hàng đầu nước Mỹ, trong tờ phiếu điều tra có một câu hỏi như sau: Trong số những người thành công mà bạn đã từng gặp, phương diện nào dưới đây là nguyên nhân chính dẫn tới thành công của họ - mối quan hệ, lòng quyết tâm, siêng năng làm việc, tri thức, vận may.
Có tới 40% người được phỏng vấn đã lựa chọn “siêng năng làm việc”, 38% lựa chọn “sự quyết tâm”, hai phương diện này cộng lại với nhau chiếm tới 78%. Từ đây chúng ta có thể thấy, bí quyết có được thành công của những nhân vật kiệt xuất này chính là ở lòng yêu nghề.
Đầu những năm 50 của thế kỉ XX, một bạn trẻ tên là Colin, ngày ngày dậy sớm tới toà cao ốc của Hiệp hội lái xe tải để tìm việc vặt làm thêm. Không lâu sau, một xí nghiệp sản xuất đồ uống nổi tiếng cần người lau dọn trong nhà kho của công xưởng, vì công việc rất vất vả, không ai muốn tới xin làm, nhưng Colin đã nhận làm. Vì anh biết, bất kể là làm công việc gì, sẽ luôn có người chú ý. Vì vậy anh sớm xác định, phải làm một công nhân dọn vệ sinh giỏi nhất.
Một lần, người khác bất cẩn đánh vỡ năm mươi thùng nước giải khát có ga, khiến nền nhà xưởng dính nhơm nhớp. Colin rất bực mình, nhưng vẫn nhẫn nại lau dọn nền nhà.
Vì Colin luôn làm việc cẩn thận, năm thứ hai anh được điều tới bộ phận đóng chai, năm thứ ba được thăng chức làm phó quản đốc.
Trong quá trình làm việc Colin đã rút ra một đạo lí quan trọng: “Mọi công việc đều vinh quang”. Anh viết trong hồi kí của mình: “Mãi mãi nỗ lực hết mình, vì sẽ luôn có cặp mắt âm thầm dõi theo hành động của bạn”.
Nhiều năm sau, toàn thế giới đổ dồn ánh mắt về phía anh chàng công nhân quét dọn vệ sinh năm nào - Colin Luther Powell đã đảm nhận chức vụ ngoại trưởng Mỹ.
Có người từng hỏi bí quyết thành công của Thomas Edison là gì, ông đã trả lời rằng: “Để giải quyết một vấn đề, tôi có thể nỗ lực không ngừng, dốc không biết bao nhiêu tinh lực mà không cảm thấy mệt mỏi, đây là bí quyết thành công của tôi”.
Trường Đại học Harvard Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu với 1000 người thành công, kết quả cho thấy trong số các nhân tố thôi thúc nhóm người này giành được thành công, các nhân tố về thái độ như: Tích cực, chủ động, nỗ lực, nghị lực, sự lạc quan, lòng tin, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm,… chiếm khoảng 80%.
Tóm lại, bất kể bạn chọn làm công việc gì, nền tảng để có được thành công đều là thái độ làm việc của bạn. Thái độ của một người đối với công việc quyết định thành tựu mà họ đạt được trong nghề nghiệp.