T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Khái niệm cổ xưa về “cái chết đẹp” và ý nghĩa của việc có được thái độ bình thản hay thái độ Khắc kỷ đối với cái chết của bản thân.
- Làm thế nào để thực hành bài tập tâm lý mà Socrates gọi là “thiền định về cái chết” (melete thanatou) rất phổ biến trong các trường phái triết học khác nhau.
- Cách mà việc đối diện với cái chết biến đổi cuộc sống qua việc giúp chúng ta đánh giá ý nghĩa của ý thức “bây giờ và ở đây”.
- Người Khắc kỷ hàm ý gì khi nói sự sống và cái chết là những điều “không quan trọng” và họ rèn luyện thế nào để duy trì quan điểm này.
Hãy ngẫm rằng chẳng có điều xấu xa nào có thể khiến người đã chết đau đớn, rằng những câu chuyện kể về địa ngục như một nơi đầy khiếp sợ chẳng qua chỉ là chuyện hoang đường, rằng chẳng bóng tối nào dọa dẫm cái chết, chẳng có ngục tù hay những dòng sông ngập tràn lửa dữ, không có dòng sông Quên lãng hay phòng xử án, không kẻ phạm tội nào phải trả lời cho tội ác của mình, hay ở nơi thiếu gông cùm đó những bạo chúa sẽ lần nữa tự do: đây chỉ là tưởng tượng của các thi sĩ, những người tra tấn chúng ta bằng nỗi sợ vô căn cứ. Cái chết là sự giải thoát khỏi mọi đau đớn, là ranh giới mà nỗi khổ của chúng ta không thể vượt qua; nó trả chúng ta về trạng thái bình yên ta từng có trước khi ra đời. Nếu ai đó thương tiếc những người đã chết, hãy để anh ta tiếc thương cho cả những người chưa được sinh ra. Cái chết không tốt đẹp cũng chẳng xấu xa, vì thứ là cái gì đó thì mới có thể tốt đẹp hay xấu xa, còn thứ mà bản thân không là gì và hóa mọi sự thành hư không thì chẳng thuộc về một hạng loại nào.
(Seneca, Consolation to Marcia, 19)
Hãy quên mọi thứ khác đi Lucilius, hãy tập trung mọi suy nghĩ vào điều duy nhất này: không sợ hãi tên của cái chết. Hãy suy ngẫm sâu sắc và biến cái chết thành một trong những người quen thân thuộc của anh, để khi hoàn cảnh xảy đến, anh có thể bước ra và gặp hắn.
(Seneca, On Earthquakes)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ đối với cái chết
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Cái chết không khiến tôi sợ hãi lắm.
2. Sống tốt quan trọng hơn sống lâu.
3. Sự sống và cái chết vốn không tốt cũng chẳng xấu, nó phụ thuộc vào việc chúng ta sống hay chết như thế nào..
Tại sao việc suy ngẫm về cái chết lại quan trọng?
Bạn đã chuẩn bị tâm thế ra sao để đối diện với cái chết của chính mình? Cái chết có ý nghĩa thế nào với bạn và vai trò của nó trong cuộc sống của bạn là gì? Một ngày nào đó bạn sẽ chết: Tự nhiên đã cho bạn thừa mứa các bằng chứng từ các tấm gương của người khác. Người Khắc kỷ, như hầu hết các triết gia cổ, tin rằng việc thiền định thường xuyên về viễn cảnh cái chết của bản thân và chất vấn nỗi sợ mà hầu hết người khác có về cái chết là việc rất quan trọng. Epictetus nói rằng khi các tướng lĩnh La Mã hát khúc khải hoàn và ăn mừng chiến thắng quân sự vĩ đại, họ vẫn được nô lệ không ngừng thì thầm nhắc nhở về tính hữu tử của họ (Discourses, 3.24). Đây chính là nguồn gốc của thành ngữ memento mori (“hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết”). Người Khắc kỷ phát triển nhiều chiến lược tương tự vì cho rằng cái chết là nỗi sợ (hay “ác cảm”) quan trọng nhất mà con người phải vượt qua, thông qua Kỷ luật Khát khao và chán ghét.
Thành ngữ memento mori được nhiều người biết đến như một mô tả của một công trình nghệ thuật, từ những bức tranh Vanitas thời Phục Hưng tới những con thú được lưu giữ trong chất formaldehyde của Damien Hirst. Những thứ này khơi gợi thái độ có tính suy ngẫm hoặc bình thản đối với cái chết của chính chúng ta. Chẳng hạn, bức họa “The Arcadian Shepherds” (Những người chăn cừu Arcadia) của Nicholas Poussin mô tả một ngôi mộ khắc chữ et in Arcadia ego, là lời nhắc nhở của thần Chết: “Dù ở tận trên thiên đường ta cũng sẽ tìm ngươi”. Chủ đề tương tự cũng quen thuộc trong các tác phẩm văn chương. Việc nhân vật Ebeneezer Scrooge trong A Christmas Carol1 (1843) của Charles Dickens phải đối mặt với ngôi mộ của chính mình đã dẫn tới sự thấu tỏ làm biến đổi tính cách của ông ta. Khái niệm thiền định có tính suy ngẫm về sự tất yếu của cái chết và sự nhất thời của cuộc sống vẫn rất phổ biến trong triết học mãi cho tới những thế kỷ gần đây. Hình tượng Hamlet của Shakespeare, một môn sinh triết học trẻ tuổi nâng cao cái sọ người bạn thời niên thiếu Yorick của mình cũng đã được khán giả dưới thời Elizabeth nhìn nhận như một sự liên tưởng tới các bài thực hành triết học phổ biến mà có bao gồm việc suy ngẫm về hình ảnh của cái chết.
1 Tác phẩm đã được First News chuyển ngữ và phát hành với nhan đề “Giáng sinh yêu thương”.
Người Khắc kỷ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng luyện tập để vượt qua nỗi sợ cái chết. Epictetus dạy học trò cần suy ngẫm về nghịch lý của người Khắc kỷ, rằng “nguồn gốc mọi điều xấu xa của con người, sự ác tâm và hèn nhát, không phải là cái chết mà là nỗi sợ chết”. Đó là nỗi sợ hãi nguy hiểm nhất trong mọi nỗi sợ hãi. Theo ông, nếu muốn tiến bộ trên con đường làm người Khắc kỷ, chúng ta phải chuyên tâm thảo luận, học tập và thực hành để hướng tới mục tiêu căn bản là rèn cho mình vượt qua nỗi sợ chết, vì đây là cách duy nhất để có được tự do và giải thoát khỏi thân phận nô lệ tự áp đặt của Cảm xúc (Discourses, 3.25). Theo Seneca, chúng ta cần nhận ra điều trớ trêu là chính việc sợ chết thái quá thường dẫn đến cái chết sớm hơn (On the Tranquillity of the Mind, 11). Ông thậm chí còn đi xa hơn nữa khi nói người sợ chết sẽ chẳng bao giờ làm gì xứng đáng với sự sống.
Gần đoạn mở đầu cuốn Discourses, Epictetus trình bày một hình mẫu nêu gương, đó là triết gia Khắc kỷ đáng kính Paconius Agrippinus, người đã cực kỳ điềm tĩnh khi được thông báo về cuộc hành quyết đang chờ – ông ngồi xuống dùng xong bữa trưa với bạn. Đây chính là ý nghĩa của việc luyện tập và nắm rõ những bài học từ Kỷ luật Khát khao và chán ghét của người Khắc kỷ, giúp ta thoát khỏi mọi trở lực và thăng trầm của may rủi bên ngoài.
Ta sẽ phải chết. Nếu nó xảy ra sớm thì ta chết; còn nếu có chậm trễ lại một chút thì ta ăn trưa đã, vì đã tới giờ ăn trưa, và sau đó ta sẽ chết vào giờ đã ấn định. Sao nào? Ta chỉ trả lại những thứ vốn thuộc về người khác.
(Discourses, 1.1)
Nói cách khác, chết là trả lại thứ mà Tự nhiên đã cho chúng ta “mượn” tạm. Cái chết là điều tất yếu và vì vậy trên cơ sở triết học tự nhiên, chúng ta không nên bất ngờ khi ngày đó cuối cùng cũng tới, nhưng phải chuẩn bị trước để có thể rời bỏ cuộc sống một cách cao thượng. Phương pháp thực hành này rất phổ biến trong hầu hết các trường phái triết học và thực tế Seneca đã cung cấp một trong những luận điểm ấn tượng nhất về chủ đề này khi thảo luận với đối thủ, trường phái triết học hưởng lạc Epicurean:
[Epicurus nói] “Hãy tập luyện trước về cái chết”, hay diễn đạt ý của ông ấy theo cách dễ hiểu hơn thì là “Học cách chết là việc rất vĩ đại”. Có lẽ bạn sẽ cho rằng học một thứ gì đó mà ta chỉ thực hiện một lần là việc thừa thãi. Đây chính là lý do vì sao chúng ta phải thực hành; với thứ không thể thử nghiệm xem mình đã biết hay chưa, chúng ta luôn phải học. “Hãy thực hành cái chết!”. Người nói điều này đang đề xứng chúng ta thực hành tự do. Người đã học chết sẽ không còn là nô lệ; anh ta đã cao hơn mọi quyền năng, hay ít ra là đã ngoài tầm với của nó. Tù đày, lính canh và những cánh cửa khóa chặt còn có ý nghĩa gì khi anh ta đã có đường thoát ra ngoài. Ràng buộc duy nhất níu giữ chúng ta đó là tình yêu cuộc sống, ngay cả khi điều này không nên bị chối bỏ thì nó cũng nên được giảm bớt sao cho khi hoàn cảnh đòi hỏi, sẽ không còn gì níu kéo chúng ta hay ngăn cản chúng ta sẵn sàng cho mọi hành động cần thiết.
(Letters, 26)
Đây là chủ đề cơ bản xuyên suốt chủ nghĩa Khắc kỷ. Ở một trong những đoạn thấm thía nhất của cuốn The Meditations, Marcus Aurelius lồng ghép quan điểm Khắc kỷ với quan điểm của Socrates – cho rằng triết lý đích thực trên hết là “vui lòng đợi chờ cái chết”, tâm niệm rằng cái chết chỉ đơn thuần là một sự phân tán nguyên tử tự nhiên và tất yếu, không cần phải sợ hãi nó như một kết thúc bi thảm (Meditations, 2.17). Thực vậy, thiền định về cái chết là đỉnh của mọi bài tập Khắc kỷ liên quan tới dự liệu tai ương. Bằng cách học để có thái độ thanh thản trước cái chết của chính mình, cung cách hành động của bạn có thể sẽ biến đổi về cơ bản, biến thành bài tập tâm lý và đạo đức. Tư tưởng Khắc kỷ cho rằng nhà Hiền triết, người chúng ta nên noi gương, “thấy rằng sống là một niềm vui, dẫu vậy chẳng ngần ngại chết”, nhà Hiền triết chấp nhận sự hữu hạn của bản thân và đối diện nó một cách đầy phẩm giá khi ngày đó tới (Letters, 54). Do vậy, Marcus khuyên người ta nên suy ngẫm về cái chết trong mỗi hành động, tập trung tâm trí vào giá trị đích thực: “Trong mỗi hành động, hãy dừng một chút ở mỗi bước và tự hỏi: Có phải cái chết được coi là thảm kịch bởi vì ta sẽ đánh mất điều này?” (Meditations, 10.29). Tương tự như vậy, Seneca hình dung rằng chúng ta nên đáp lại những ai sợ hãi cái chết bằng cách nói: “Vậy lúc này anh có sống hay không?”. Nghịch lý là chúng ta không thể thật sự sống khi còn là nô lệ cho các nỗi sợ hãi, đặc biệt là sợ chết (Letters, 77). Chúng ta biến mình thành con rối của may rủi và nhất là biến mình thành nô lệ cho người khác khi coi trọng thứ nằm trong quyền lực của họ. Những người anh hùng Khắc kỷ như Cato được coi là “bất khả xâm phạm” đối với những kẻ bạo chúa như Caesar bởi vì họ không sẵn sàng hy sinh các giá trị của bản thân để đổi lấy sự sống.
Tuy nhiên, khái niệm có tính lý thuyết rằng cái chết là “không quan trọng” thì không đủ để làm biến đổi cá nhân. Những lời giáo huấn của chủ nghĩa Khắc kỷ cần được chuyển hóa thành một điều chắc chắn được nắm bắt triệt để, thứ đòi hỏi không ngừng luyện tập hằng ngày. Vì vậy, Seneca nói rằng những người Khắc kỷ nhiệt huyết trước hết phải luyện coi thường cái chết, một điều “có hiệu quả chống lại mọi loại vũ khí và mọi loại kẻ thù” (Letters, 36). Theo lẽ tự nhiên, chúng ta yêu mến cuộc sống từ khi ra đời và sợ hãi cái chết một cách có thể hiểu được; nếu không thì chúng ta đã không phải luyện tập để nhìn nhận nó khác đi. Người Khắc kỷ nhắm đến việc định danh bản chất của mình một sinh vật có lý trí, nghĩa là vượt lên nỗi sợ trẻ con bản năng. Vì vậy, người Khắc kỷ khuyên chúng ta nên thường xuyên hình dung về cái chết của bản thân nhiều lần trong ngày, vào mỗi thời điểm khác nhau lại nghĩ khác đi một chút. Chẳng hạn, hãy lên giường ngủ với lòng biết ơn cuộc sống cho tới giờ khắc này, hay khi thức dậy vào buổi sáng, hãy chuẩn bị kế hoạch cho ngày mới như thể đây là cơ hội cuối cùng để thật sự sống cho ra sống.
Trong các tài liệu Khắc kỷ, chúng ta có thể xác định các bài thiền định về cái chết dưới đây:
1. Hình dung trong tâm trí về cái chết của bản thân theo nhiều cách khác nhau, như thể có thể quan sát nó đang xảy ra.
2. Đọc, thảo luận và suy ngẫm về “câu chuyện” của Cato và Socrates như tấm gương về những “cái chết đẹp”.
3. Tự nhủ “ngày mai ta phải chết” và suy ngẫm về những lời này vào những thời điểm nhất định.
4. Suy ngẫm về sự nhất thời của vật chất và sự hữu hạn của con người nói chung, như trong các buổi thiền định mang tính chất vũ trụ học.
Vì vậy, bài tập suy tưởng về cái chết chồng lấp lên các bài tập Khắc kỷ khác, và cùng với khái niệm “góc nhìn từ trên cao”, nó có thể được đặt ở trung tâm của Kỷ luật Khát khao và liệu pháp Khắc kỷ về Cảm xúc. Chẳng hạn, việc suy tưởng về cái chết rõ ràng liên quan tới bài thực hành Khắc kỷ nhấn mạnh vào “bây giờ và ở đây”. Thật thú vị khi việc nhắc nhở bản thân về cái chết lại có thể làm sâu sắc thêm trải nghiệm sống. Sự cần thiết của việc “nắm bắt từng ngày” – bởi vì cái chết là điều chắc chắn – là một chủ đề vô cùng phổ biến trong thơ ca cổ, nhất là ở những nơi chịu ảnh hưởng của triết học Khắc kỷ.
Trong một thế giới rách nát bởi hy vọng và lo âu, sợ hãi và tức giận, hãy tưởng tượng rằng mỗi bình minh thức dậy là ngày cuối cùng anh thấy, giờ khắc anh chưa từng mong đợi sẽ hóa ra một điều ngạc nhiên may mắn.
(Horace, Letters, 1.4)
Người Khắc kỷ Persius cũng viết :
Chẳng mấy chốc người sẽ trở thành cát bụi, thành bóng mà và những lời truyền miệng. Hãy sống mà luôn nghĩ tới cái chết trong tâm trí; thời gian trôi nhanh – lời của ta sẽ giảm tốc nó.
(Satires, 5)
Seneca viết: “Hãy tưởng tượng đây là ngày cuối cuộc đời anh, nếu không thì cũng là ngày áp cuối” (Letters, 15). Tương tự, Musonius Rufus nói: “Hôm nay anh không thể sống tốt trừ phi anh coi nó là ngày cuối cùng được sống” (Fragments, 22). Marcus nhiều lần đào sâu chủ đề này, liên tục nhắc nhở mình sống “ở đây và ngay bây giờ”, như thể cái chết đã ló ra ở chân trời. Ông nói chúng ta sẽ tiến tới đức hạnh và hoàn thiện tính cách của mình nếu hành động một cách có mục đích trong khi coi mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, bởi chúng ta có thể ra đi bất cứ lúc nào (Meditations, 2.11; 2.5, 7.69). Ý thức cao độ về cái chết của chính mình có khả năng biến đổi mạnh mẽ trải nghiệm sống, đây là điều mà vô số người trải qua thập tử nhất sinh đã chứng nhận.
Tình huống ví dụ: Cái chết của Socrates
Xenophon viết rằng Socrates, người bạn và người thầy của ông, đã đối diện với buổi hành quyết của mình bằng thái độ thanh thản và ngoan cường tuyệt đối, và “nhìn chung đồng ý rằng chưa từng nhớ có ai đối mặt với cái chết của mình theo cách cao quý hơn” (Memorabilia, 4.8). Chúng ta đã đề cập tới các sự kiện xung quanh vụ xử Socrates. Người Khắc kỷ chắc chắn coi đây là một mẫu mực của “cái chết đẹp”. Theo một nghĩa nào đó, khi đọc về cách Socrates sẵn sàng đối mặt với cái chết của ông là chúng ta cũng đồng hành cùng ông và tự chuẩn bị cho cái chết của mình.
Mặc dù Plato không có mặt lúc đó nhưng trong một bài đối thoại đề tên ông, Plato đã miêu tả sinh động việc Phaedo1 kể lại ấn tượng của mình trước sự điềm tĩnh của Socrates trong những giờ cuối cùng.
1 Tác phẩm Phaedo của Plato viết về những cuộc đối thoại được kể dưới góc nhìn của Phaedo of Elis, một học trò của Socrates, người đã ở bên Socrates khi ông qua đời.
Mặc dù chứng kiến cái chết của một người là bạn mình, tôi không hề có cảm giác xót thương, bởi ông ấy trông thật hạnh phúc, trong cả thái độ lẫn lời nói, khi ra đi trong một cái chết cao quý, không hề sợ hãi.
(Phaedo, 58e)
Vậy Socrates đã làm gì? Thật ra ông chỉ hành động bình thường. Ông thấy những người kẻ ngược đãi ông, những kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của ông đơn giản là bị lạc lối hơn là đáng ghét. Cuốn Encheiridion của Epictetus đưa ra kết luận bằng chính lời trích dẫn đáng nhớ từ Socrates: “Anytus và Meletus (những người thi hành án) có thể giết ta, nhưng không thể làm tổn hại tới ta”. Đó cũng là câu trích dẫn ưa thích của Thrasea, lãnh đạo phe Đối lập Khắc kỷ2, người đã mạnh dạn chỉnh sửa câu nói thành: “Nero có thể giết ta, nhưng không thể làm tổn hại tới ta”. (Obi-wan Kenobi đã lặp lại câu nói này trong phim Star War!).
2 Nhóm các triết gia khắc kỷ tích cực chống lại sự chuyên quyền của một số hoàng đế thế kỷ 1, đặc biệt là Nero và Domitian. (BBT)
Trong tù, khi chờ hành quyết, Socrates dành thời gian để sáng tác thơ và tranh luận triết học ôn hòa với các bạn mình. Khi cái chết đến gần, ông lựa chọn khám phá điều gì sẽ xảy ra với linh hồn sau khi chết, ông bình tĩnh xem xét đến nhiều khả năng trong khi giữ tâm trí cởi mở, khoan dung trước những điều không chắc chắn. Quan trọng hơn, ông giải thích quan điểm của mình, rằng triết học về cơ bản phải là “sự thiền định về cái chết” suốt đời (melete thanatou), đó chính là lý do của thái độ bàng quang đáng kinh ngạc của ông. Ông nói rằng những ai thực hành triết học một cách đúng đắn chính là đang không ngừng rèn luyện cho cái chết, và các triết gia thực thụ ít là những người ít sợ chết nhất (Phaedo, 67e).
Vì vậy, “suy ngẫm về cái chết” nổi lên ngay vào thời điểm nhiều cảm xúc nhất trong sự ra đời của triết học phương Tây, nói lên trọng tâm của cái mà Socrates gọi là tác phẩm triết học cuối cùng của mình. Khi thời khắc tới, ông bình thản uống liều thuốc độc và chờ chết. Ông rõ ràng đã hòa mình vào cái chết, đương đầu với nó bằng thái độ thư thái và tò mò một cách đầy triết học.
Tư tưởng chính: Sự sống và cái chết là không quan trọng
Người Khắc kỷ nói chung không tin vào sự bất tử của linh hồn, cái họ cho là một dạng vật chất tinh tế, giống như lửa, tràn khắp thân thể như vòi bạch tuộc. (Đây là tiền thân nguyên thủy của khái niệm hệ thống thần kinh trung ương hiện đại).
Một số người Khắc kỷ có lẽ tin linh hồn vẫn tồn tại tạm thời sau cái chết thể xác, nhưng họ cũng chấp nhận rằng định mệnh của tất cả chúng ta là cuối cùng đều sẽ bị hủy diệt. Tuy nhiên, cả sự sống và cái chết rõ ràng đều được xếp vào loại “không quan trọng”, bản thân chúng không tốt cũng không xấu. Chúng có thể được sử dụng một cách khôn ngoan hoặc ngu ngốc, cho những mục đích đức hạnh hoặc xấu xa. Tuy thế, sự sống được xếp vào loại điều không quan trọng “được ưa thích hơn”, còn cái chết là “không được ưa thích”. Vì vậy, người Khắc kỷ coi việc người trưởng thành ưa thích sự sống là điều hiển nhiên, trẻ em và động vật cũng vậy; dẫu rằng nhờ có ngôn ngữ và lý trí, điều tốt chính yếu mà chúng ta hướng đến chính là trí tuệ và các đức hạnh có lý trí. Đơn thuần thực tế sống hay chết không khiến chúng ta khôn ngoan hơn hay tốt đẹp hơn. Tuy vậy, sống khôn ngoan hay chết đẹp đẽ là điều có thể có được nếu chúng ta tiếp cận chúng bằng tri thức và đức hạnh.
Đối với người Khắc kỷ, chúng ta cần sống để tiến gần tới tri thức thay vì kiếm tìm tri thức để bằng cách nào đó kéo dài cuộc sống của ta. Ngược lại, chúng ta thà không sống còn hơn là sống điên rồ và bất công với người khác.
Ghi nhớ: Cái chết là điều chắc chắn
Như đã thấy, Epictetus đã miêu tả một tiến trình ba giai đoạn, hình thành nên Kỷ luật Khát khao (Discourses, 3.24). Ông khuyên chúng ta nên tập nói: “Tôi biết mình hữu tử” để dự liệu cho cái chết của bản thân. Chiến lược ba tầng này có thể được áp dụng trong suy ngẫm về cái chết như sau:
1. Chúng ta nên nhắc nhở bản thân về sự tất yếu của cái chết để chuẩn bị trước, để không bị bất ngờ hay ngạc nhiên khi ngày đó cuối cùng cũng tới.
2. Chúng ta nên nhớ rằng cái chết không phụ thuộc ở chúng ta và vì thế nó không phải là điều xấu xa, mà là điều “không quan trọng” đối với Hạnh phúc và sự viên mãn.
3. Cái chết là một quá trình tự nhiên và chúng ta nên chấp nhận nó như đã được định đoạt bởi chuỗi nhân quả vốn đã định hình toàn thể Tự nhiên, và chấp nhận số phận của chúng ta – đây là cách tư duy mà Epictetus cho là có tính quyết định nhất.
Chúng ta sẽ lần lượt xem xét những khía cạnh này, bắt đầu bằng hướng dẫn phải luôn nhớ cái chết của mình là điều tất yếu. Những vần thơ của Horace đã nhiều lần trở lại chủ đề này: “hãy nhớ rằng cái chết của anh là điều chắc chắn” (Odes, 2.3).
Làm sao chúng ta có thể quên đi sự hữu hạn của mình trong khi có quá nhiều chứng cứ cho thấy rằng cuối cùng ai cũng đều phải chết. Tuy vậy, có vẻ như con người ta lại thường như thế. Có lẽ niềm tin tôn giáo về cuộc sống sau cái chết mâu thuẫn với điều này và gây ra sự không chắc chắn. Chúng ta thường phản ứng như thể rất sửng sốt khi cuộc sống hiện tại phải chấm dứt, và như vậy, ta tiếp tục bị cái chết làm cho lo âu, khổ sở. Thấu hiểu sự chắc chắn của cái chết là loại bỏ cảm giác ngạc nhiên phi lý, thứ góp phần vào các rối loạn cảm xúc. Thực vậy, nghiên cứu hiện đại về chứng lo âu gợi ý rằng việc xem việc đáng sợ nào đó là điều chắc chắn sẽ tới thường giúp chúng ta đỡ khổ sở hơn khi coi nó không chắc chắn và mơ hồ.
Chúng ta biết về sự chắc chắn của cái chết chủ yếu bằng cách quan sát thấy tất cả mọi người đều chết. Vì vậy, Marcus Aurelius nhiều lần nhắc bản thân về cái chết của các nhân vật lịch sử vĩ đại (Medittions, 3.3, 4.48). Ngay cả những nhà chinh phạt vĩ đại như Alexander Đại đế hay Julius Caesar hoặc các triết gia lớn như Socrates và Zeno – điều gì đã xảy ra với họ?
Vì cái chết là tất yếu với tất cả mọi người nên nó thường được xem như cỗ máy kiến tạo bình đẳng vĩ đại. Không ai thoát được thực tế rằng rốt cuộc họ sẽ chết. Seneca giải thích rằng bởi vì mọi người đều bình đẳng khi đến với cái chết, nên hoàn cảnh dù có thế nào rốt cuộc cũng chẳng quan trọng: “Đánh vào đâu thì cái chết cũng hiệu lực như nhau” (On Earthquakes). Như Marcus Aurelius nói, cái chết đã đưa Alexander Đại đế và người đánh la của ông về cùng một vị thế (Meditations, 6.24). Chủ đề này tái hiện trong thơ ca của Horace, thần chết tới gõ cửa túp lều của người nghèo khổ và lâu đài của vị vua theo cách như nhau (Odes, 1.5). Giàu hay nghèo “thì cũng chỉ là một. Ngươi và ta đều là vật tế của Thần Chết hay Diêm Vương nhẫn tâm” (Odes, 2.3). Bài thơ Ozymandias (1818) của nhà thơ Shelley sử dụng một đề từ văn chương có liên quan gọi là ubi sunt (“Giờ này họ ở đâu?”).
Và trên bệ đá những dòng chữ này xuất hiện:
“Tên ta là Ozymandias, vua của các vị vua:
Hỡi đấng hùng mạnh, hãy nhìn thành quả của ta và thất vọng !”
Chẳng còn lại gì cạnh bên. Xung quanh sự mục nát
Của đống hoang tàn vĩ đại, mênh mông và trơ trụi
Bờ cát bằng phẳng đơn độc trải dài tít tận xa.
Các ngôi mộ và bia mộ được thiết kế để tạo hiệu ứng tương tự, không chỉ nhắc nhở chúng ta về những người đã khuất mà cả về tính hữu tử của chính mình. Seneca quan sát thấy rằng mặc dù rất nhiều đám tang đã đi qua cửa gia đình mình và các thân bằng quyến thuộc ở La Mã, nhưng chúng ít khi thể hiện tính tất yếu trong cái chết của chính họ (Consolation to Marcia, 9). Nhưng chúng ta nên học từ số mệnh của người khác để chuẩn bị cho chính mình về số mệnh chung của nhân loại. Chúng ta có thể thấy được rằng khắp nơi trên thế giới, bất cứ lúc nào cũng có hàng ngàn người và các sinh vật sống khác đang chết.
Ngoài sự chắc chắn về cái chết sau cùng của mình, người Khắc kỷ có một khẩu hiệu khác mang ý nghĩa rõ ràng rằng cả sống và chết đều có thể tự nguyện:
Cánh cửa luôn mở sẵn. Sao phải khóc thương?
(Discourses, 1.9)
Mặc dù tư tưởng cái chết tự nguyện này có thể được coi là bệnh hoạn, nhưng đối với người Khắc kỷ, nó truyền tải một ý nghĩa đạo đức và tâm lý học vô cùng to lớn. Chúng ta chỉ tồn tại trên trái đất chừng nào còn tiếp tục lựa chọn cuộc sống, và “cánh cửa luôn mở sẵn” nếu ta muốn rời khỏi, thế nên, nếu đã lựa chọn ở lại với cuộc đời thì việc phàn nàn liên tục là đạo đức giả, bởi chúng ta ở đây là hoàn toàn tự nguyện (Discourses, 1.25).
Chuyện kể rằng vào lúc tuổi già, khi đã ốm yếu và không thể tiếp tục thuyết giảng, Zeno đã tự kết thúc cuộc sống của mình. Sau khi vấp chân và ngã xuống đất, ông đã nói đùa: “Ta đến từ ý chí của chính mình; vậy sao lại gọi ta?” (Lives, 7.1). Người Khắc kỷ muốn đến với cái chết trong tâm trạng vui vẻ khi thời khắc ấy tới.
Tư tưởng chính: Nhớ rằng cái chết là điều chắc chắn (memento mori)
Suy ngẫm về cái chết của bản thân và học cách thể hiện một thái độ bình thản và can đảm khi đối với cái chết là một trong các bài tập cơ bản nhất của thực hành Khắc kỷ. Epictetus nói với học trò của mình rằng mỗi ngày đều phải suy ngẫm về những thứ được coi là tai họa, đặc biệt là suy ngẫm về cái chết (Encheiridion, 21). Bài tập suy tưởng này có nhiều dạng, thấm đẫm trong truyền thống Khắc kỷ, đôi khi ở dạng viết, chẳng hạn nhật ký, như ta đã thấy qua cuốn Meditations của Marcus Aurelius, nhưng thường thì nó được thực hiện bằng cách nhẫn nại hình dung về cái chết. Ngoài ra cũng có nhiều tham chiếu cho thấy người Khắc kỷ sử dụng cả hình thức nhẩm miệng để tự nhắc nhở mình.
Như chúng ta đã thấy, Epictetus đề cập đến việc các vị tướng La Mã khi chiến thắng luôn để những lời nhắc nhở về tính hữu tử của bản thân thì thầm bên tai, có lẽ đó là câu memento mori (“Nhớ rằng ngươi sẽ chết”). Ông còn nói chúng ta nên thì thầm bên tai bạn đời và những đứa con đang say ngủ của mình rằng “Ngày mai người sẽ chết”, và nhắc bản thân rằng chúng ta đang hôn một người hữu tử. Việc này có lẽ bắt nguồn từ một giai thoại nổi tiếng. Khi được báo tin rằng một trong những con trai của mình đã hy sinh trên chiến trường, Xenophon chỉ nói: “Ta biết nó hữu tử”. Epictetus cũng huấn thị cho học trò thường xuyên tự nói với chính mình: “Ta biết rằng mình là hữu tử” (Discourses, 3.24).
Tương tự, Seneca gợi ý rằng mối tối đi ngủ chúng ta nên tự nhủ “Ta có thể sẽ không thức dậy nữa”, và mỗi sáng thức dậy thì tự nhủ “Ta có thể sẽ không bao giờ ngủ nữa”, để nhắc nhở về tính hữu tử của mình (Letters, 49). Ông cũng nói rằng mỗi đêm chúng ta nên tập nói: “Ta đã sống cuộc sống của mình trên con đường mà Thần số mệnh đã ban cho” (Letters, 12), bởi ông cho rằng làm như vậy sẽ giúp chúng ta biết ơn mỗi ngày mới mà cuộc đời ban tặng.
Thực hành: Ngẫm về “cái chết đẹp” của một người khôn ngoan
Hãy đọc về những ngày cuối cùng của Socrates trong cuốn Apology và Crito (tạm dịch: Đối thoại với Crito) của Plato. Nếu không bạn cũng có thể đọc về cái chết của Seneca trong cuốn Annals của Tacitus, cái chết của Cato trong Parallel Lives của Plutarch, hay bất kỳ các tấm gương đáng khen ngợi nào khác mà bạn tìm thấy.
1. Hãy đặt mình vào vị trí của Socrates, Cato, Seneca hay bất kỳ ai mà bạn chọn, chia sẻ suy nghĩ, hành động, cảm xúc của họ khi đối diện với cái chết.
2. Bạn có thể làm gì ở vị trí của họ nếu cũng hành động với tri thức và lòng can đảm? Bạn sẽ làm gì nếu bị kết án tử hình bằng thuốc độc như Socrates?
3. Bạn sẽ xử lý tình huống giống họ hay khác đi? Hãy so sánh hành động của bạn với hành động của họ. Bạn cảm thấy thế nào?
Hãy cố suy ngẫm nhiều ví dụ khác nhau và so sánh chúng với nhau. Bạn rút ra được bài học gì từ thí nghiệm tư duy này và có thể áp dụng gì vào cuộc sống nói chung?
Tư tưởng chính: Cái chết đẹp
Cái chết tự nó là “vô thưởng vô phạt”, nhưng chúng ta có thể có cái chết đẹp bằng cách sống có tri thức và đức hạnh. Đối với hầu hết người Khắc kỷ, Socrates chắc chắn là tấm gương lớn lao nhất về thái độ bình thản khi đối diện với cái chết. Đối với người Khắc kỷ sau này, Cato cũng được coi là một hình mẫu quan trọng. Văn chương Khắc kỷ chứa đầy những tấm gương khác nhau về “cái chết đẹp”.
Boethius viết: “Cái chết vinh quang đem về danh tiếng mà các thế hệ sẽ còn tôn vinh. Những người không bị khuất phục trước hình phạt đã để lại cho người khác minh chứng cho thấy điều xấu xa không thể đánh gục đức hạnh” (Consolation of Phiosophy, 4.6). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở cái chết đẹp đẽ là người ta đến với nó bằng tri thức và các ý định tốt đẹp hơn là những gì họ để lại gì cho người khác – điều chủ yếu nằm trong tay số phận. Thậm chí một số người không tên tuổi cũng có thể “chết đẹp” nếu đã sống với phẩm giá và lòng can đảm.
Thực hành: Hình dung cái chết của bản thân
Hãy dành vài phút để ngẫm về cái chết của bản thân như thể nó đang xảy ra lúc này. Hãy nghĩ về những điều bạn đã học trong chương này và nhớ lại một số bài tập trong chương dự liệu tai ương. Trong lúc làm vậy, bạn hãy nhớ lại giáo huấn Khắc kỷ rằng mặc dù đương nhiên ta thích sống hơn nhưng cái chết không phải là điều xấu xa, mà thực chất là cơ hội cho đức hạnh.
1. Hãy nói với bản thân rằng cái chết là điều tất yếu và cần thiết, là số phận được định đoạt bởi Tự nhiên.
2. Dành thời gian để suy ngẫm về mọi việc một cách khách quan nhất có thể, không có bất kỳ phán xét giá trị nào, như thể bạn đang xem xét cái chết của mình theo quan điểm khoa học, như một sự việc tự nhiên tất yếu, gạt bỏ suy nghĩ rằng cái chết là tai họa.
3. Tiếp theo, cố hình dung những điều trong tầm kiểm soát của bạn và hình dung bạn có thể thực hành tri thức và đức hạnh khi đối mặt với cái chết đến mức nào.
4. Nếu cần, hãy trở lại với suy ngẫm về những người khôn ngoan, nhất là về cái chết đẹp đẽ của các triết gia như Socrates, và tưởng tượng nhà Hiền triết lý tưởng đương đầu với cái chết mà bạn đang hình dung như thế nào. Sẽ thế nào nếu bạn noi theo những tấm gương đáng khen ngợi của họ?
Một cách khác là hình dung bạn đang chứng kiến đám tang của chính mình, như nhân vật Scrooge trong cuốn A Christmas Carol. Hãy nghĩ về các bài học có thể rút ra từ việc này, để áp dụng vào cuộc sống nói chung.
Ghi nhớ: Quan điểm Khắc kỷ về cái chết tự nguyện (euthanasia)
Trong thế giới cổ đại, người ta thường xuyên đối diện với các tình huống trong đó việc tự sát được coi là một phản ứng hợp lý, như trong hoàn cảnh bị nô dịch hay tra tấn. Tuy nhiên ngày nay, việc nhiều người đối diện với tuổi già, trong đó họ tiếp tục cuộc sống trong tình trạng bệnh tật và ngày càng sa sút về thể chất đã trở thành một tình thế lưỡng nan nghiêm trọng về mặt đạo đức. Quan điểm Khắc kỷ liên quan rất nhiều tới cuộc tranh luận tiêu chuẩn đạo đức hiện đại về euthanasia (nghĩa đen là “cái chết đẹp”). Không như một số tôn giáo, Đạo đức học Khắc kỷ không coi việc tự sát lúc nào cũng là sai.
Điều quan trọng nằm ở các phán xét và ý định để đưa ra quyết định này. Nếu ai đó tự tước đi mạng sống của mình do các cảm xúc phi lý trí và không lành mạnh thì sai – tức tự sát do tình trạng trầm uất bệnh lý là sai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cái chết tự nguyện có thể được coi là hợp lý nếu quyết định được đưa ra với một “trí óc minh mẫn” và khôn ngoan. Các nhà sáng lập của chủ nghĩa Khắc kỷ nói trong nhiều trường hợp, cái chết tự nguyện là phù hợp đối với những người khôn ngoan, chừng mực và can đảm; tuy nhiên đối với những người dại dột, bốc đồng hoặc hèn nhát, tốt nhất là cứ sống còn hơn là tự đoạt mạng mình vì những lý do sai lầm. Người Khắc kỷ tin rằng Socrates và Cato đã có lý khi tự sát do hoàn cảnh đặc biệt mà họ phải đối mặt. Một câu chuyện kể rằng, Zeno, người sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ, đã “phải khổ sở nhiều vì tuổi già” và cuối cùng đã tự sát ở độ tuổi khoảng bảy mươi (Lives, 7.1).
Cái chết không phải là điều xấu
Theo người Khắc kỷ, thật phi lý khi phán xét một điều gì đó là “xấu” một khi chúng ta đã chấp nhận nó như điều tất yếu, bởi vì gọi một điều gì đó là xấu chẳng khác nào nói rằng phải tránh nó bằng mọi giá.
Khi cái chết bị coi là một điều xấu xa, chúng ta hẳn đã có sẵn lập luận rằng nhiệm vụ của mình là tránh những điều xấu, mà cái chết lại là một điều không thể tránh được.
(Discourses, 1.27)
Khái niệm có tính thách thức – cái chết không phải là điều xấu – là cơ sở cho thể loại thư an ủi trong thế giới cổ đại, được tìm thấy ở nhiều trường phái triết học khác nhau nhưng đặc biệt liên quan tới chủ nghĩa Khắc kỷ. Chẳng hạn, trong thư gửi Marcia, người đã khóc thương suốt ba năm cho cái chết của con trai mình là Metilius, Seneca đưa ra lập luận mạnh mẽ rằng cái chết rốt cuộc là điều “không quan trọng” đối với một cuộc đời tốt đẹp (Consolation to Marcia, 19). Chỉ những gì phụ thuộc vào chúng ta mới có thể thật sự tốt hay xấu, còn sự sống và cái chết, dù của chính chúng ta, đều được xếp vào loại “không quan trọng”, bởi chúng không hoàn toàn trong tầm kiểm soát của chúng ta. Người Khắc kỷ cũng lập luận rằng cuộc sống có thể bị sử dụng một cách tồi tệ, chính vì vậy bản thân cuộc sống không tốt hay xấu, mà chính cách chúng ta sử dụng nó mới tốt hay xấu. Bản thân sự sống và cái chết là “vô thưởng vô phạt”, chúng ta chỉ có thể khiến chúng “tốt” hay “đáng trọng” bằng tri thức và đức hạnh của mình. Seneca trích dẫn lời một triết gia Khắc kỷ khác, rằng: “Sống thôi chẳng phải là điều to tát”, vì nô lệ và súc vật cũng sống đó thôi, mà to tát vĩ đại ở chỗ sống và chết một cách đáng kính trọng, khôn ngoan và can đảm (Letters, 77).
Triết học Khắc kỷ, giống như cây đũa thần của thần Hermes, có thể biến bất kỳ thứ gì đến với chúng ta thành vàng, thậm chí cái chết cũng có thể trở thành một cơ hội để thực hành đức hạnh:
“Ngươi sẽ biến cái chết thành gì?”. Tại sao? Còn gì nữa ngoài việc biến nó thành vinh quang hay một cơ hội cho ngươi thể hiện bằng hành động tốt, qua đó chứng tỏ người đi theo ý chí của Tự nhiên là người như thế nào.
(Discourses, 3.2)
Tuy vậy, với người Khắc kỷ, việc con người, giống các loài động vật khác, thích sống hơn chết cũng là điều tự nhiên và có lý, miễn rằng điều này phù hợp với đức hạnh.
Nhưng “sự ưu tiên” ấy cũng chỉ là một khả năng bởi không ai chắc chắn được tương lai thế nào. Một khi cái chết của chúng ta vì một nguyên nhân đặc biệt nào đó mà trở thành chắc chắn và không thể tránh được, thì nó sẽ biến thành một điều hoàn toàn “vô thưởng vô phạt” mà chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận. Với thực tế chúng ta cuối cùng sẽ chết theo một cách nào đó, cái chết nói chung hiển nhiên là điều chắc chắn, và là điều chúng ta cần chấp nhận một cách không dè dặt.
300 năm trước khi Kinh Tân Ước ra đời, cuốn Republic của Plato đã viết rằng Socrates tuyên bố những chuyện hoang đường về địa ngục nên được hoàn toàn xóa khỏi các tác phẩm văn chương, để tránh gieo rắc những điều dị đoan và nỗi sợ cái chết vào đầu óc trẻ nhỏ (3.386). Trong cuốn Phaedo của Plato, Socrates được những người bạn yêu cầu ông nói chuyện với họ như thể trong họ vẫn còn là đứa trẻ sợ cái chết như sợ ông kẹ, và trấn an họ rằng không có gì phải sợ. Ông đáp: “Các anh nên hát một câu chú cho đứa trẻ ấy mỗi ngày cho tới khi dẫn dụ được nỗi sợ rời đi” (Phaedo, 77e). Người Khắc kỷ cũng so sánh cái chết như ông kẹ hay như những chiếc mặt nạ đáng sợ dọa trẻ con. Chúng ta nên gạt bỏ những câu chuyện hoang đường và những phán xét giá trị khiến cho cái chết hiện ra như một ông kẹ: “Xoay nó lại, và hiểu nó là gì. Thấy không, nó có cắn được đâu” (Discourses, 2.1). Seneca sử dụng cách tương tự để miêu tả phương pháp dự liệu tai ương, như lột bỏ cái mặt nạ đáng sợ dùng để dọa trẻ con, những đứa trẻ không hiểu rằng người đeo nó thực ra chẳng có hại gì (Letters, 24).
Vì thế, người Khắc kỷ phủ nhận các câu chuyện thần thoại về cuộc sống sau cái chết, coi đó là chuyện dị đoan được bịa ra để dọa trẻ con. Tuy vậy, họ cũng sử dụng nhiều lập luận mang tính triết lý để diễn tập và ghi nhớ dưới nhiều hình thức, nhằm nắm chắc được nguyên tắc đạo đức rằng cái chết về cơ bản là “vô thưởng vô phạt”. Một trong những lập luận Khắc kỷ đơn giản nhất là “cái chết vốn không xấu hay có hại, nếu không thì ai cũng đều đã thấy như vậy.” Nói cách khác, không phải ai cũng nhìn nhận về nó theo cách giống nhau. Dưới đây liệt kê tóm tắt một vài ví dụ về lập luận này được tìm thấy trong văn chương Khắc kỷ.
- Những nghệ sĩ xiếc sẵn sàng liều chết để đổi lấy những tràng vỗ tay khen ngợi
- Người lính chọn đối mặt với cái chết vì vinh quang
- Cha mẹ nguyện hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ con cái
- Những người yêu nhau sẽ liều mạng sống vì người mình yêu
- Người già hay người ốm yếu đôi khi tự nguyện tìm cái chết (euthanasia) để tránh phải chịu khổ sở
- Nhiều người tự tử vì nhiều lý do (tốt hay xấu) bởi coi cái chết tốt hơn là sự sống
- Quan trọng hơn cả: những người khôn ngoan, như Socrates và Cato, không cho rằng cái chết của mình là đáng sợ và thảm khốc
Tất cả những ví dụ trên minh họa cho một luận điểm rằng con người đôi khi đánh giá một số điều khác quan trọng hơn sự sống của chính họ. Không phải ai cũng coi cái chết là xấu. Ngay cả những người thiếu khôn ngoan cũng chấp nhận liều chết vì sự giàu sang, vinh quang hay vì lòng yêu mến dành cho người khác. Do vậy, Marcus nói rằng một phương pháp mạnh mẽ để dạy bản thân coi thường cái chết là hãy nhớ có bao nhiêu kẻ coi lạc thú là tốt, đau đớn là xấu vẫn có thể đối diện với cái chết không hề sợ hãi (Meditations, 12.34). Tuy nhiên, người khôn ngoan sẽ đối diện với cái chết khi cần để phục vụ đức hạnh và eudaimonia, cái tốt tối cao của cuộc sống. Do vậy, liệu cái chết có thể là thứ xấu xa về bản chất hay không nếu biết bao người đã và đang sẵn sàng liều mạng để đổi lấy điều gì đó họ coi là đáng giá hơn?
Điều này dẫn tới quan điểm Khắc kỷ nổi tiếng rằng thật sự không phải bản thân cái chết gây đau đớn hay tổn hại mà chính phán xét giá trị sai lầm của chúng ta về nó mới là thứ gây đau đớn. Nỗi sợ chết còn tệ hơn bản thân cái chết, vì chính Cảm xúc phi lý đã gây phương hại cho trí óc của chúng ta và ngăn chúng ta phát triển. Trên thực tế, đây là lập luận trung tâm cuốn Handbook của Epictetus.
Người ta không phiền muộn bởi các sự kiện mà bởi sự phán xét của họ về chúng. Chẳng hạn, cái chết chẳng có gì khủng khiếp (nếu không thì Socrates hẳn đã tỏ ra ghê sợ cái chết), mà chính bản thân sự phán xét liên quan đến cái chết đã diễn giải nó thành một điều khủng khiếp: chính sự phán xét này mới là khủng khiếp.
(Encheiridion, 5)
Khi đối diện với cái chết, trước tiên tâm trí chúng ta phải nắm chắc một điều rằng cái gì là của ta, cái gì không phải của ta: “Ta phải chết: vậy ta có phải khóc than đến chết luôn không?” (Discourses, 1.1). Đây là những lập luận mà người Khắc kỷ nhiệt huyết nên luyện tập mỗi ngày, nhẩm chúng trong đầu và viết ra, “từ sáng đến tối”, cho tới khi chúng trở thành bản năng thứ hai của mình. Seneca nói rằng lý tưởng của người Khắc kỷ là nhìn nhận cái chết của mình với cùng một thái độ và cùng sự khách quan như khi nghe về cái chết của một người xa lạ (On the Happy Life, 20). Cái chết của bản thân là điều nằm ngoài ý chí, giống như cái chết của một người ở cách nửa vòng trái đất, của một người trong quá khứ hay tương lai xa xôi.
Người Khắc kỷ coi nỗi sợ chết là một trong những Cảm xúc phi lý cơ bản và quỷ quyệt nhất. Họ lập luận rằng, chúng ta không thể nào hình dung được nhà Hiền triết lý tưởng sẽ phán xét cái chết của anh ta là điều xấu, bởi nếu thế anh ta sẽ kết tội mình sống một cuộc đời nô lệ và hèn nhát. Cái chết của anh ta có thể nằm trong tay một kẻ bạo ngược và để không phải chết, anh ta buộc phải tuân theo đòi hỏi của kẻ độc ác. Trong khi đó, nếu anh ta đặt đức hạnh cao hơn việc giữ lại mạng sống của mình thì không kẻ bạo ngược nào có quyền ép buộc anh ta nữa. Hãy xem cuộc đời của ai đáng khen hơn: một người sợ chết hơn mọi thứ và tìm cách giữ mạng sống bằng mọi giá hay một người tuy thích sống hơn chết nhưng trọng danh dự và không sợ hãi cái chết?
Người Khắc kỷ cũng thường đưa ra các lập luận về tính vô thưởng vô phạt của cái chết dựa trên quan điểm rằng nó đơn thuần chỉ là một dạng không tồn tại. Chẳng hạn, Seneca nói rằng người muốn sống thêm ngàn năm nữa cũng vô minh chẳng kém gì kẻ ước được sinh ra từ ngàn năm trước, vì chúng ta đang trở về tình trạng không tồn tại như trước khi chúng ta ra đời (Letters, 77).
Chẳng có nỗi đau đớn nào là to lớn nếu nó có kết thúc. Cái chết đang đến với anh: nếu nó cùng tồn tại với anh thì hẳn sẽ phải đáng sợ lắm. Nhưng hoặc nó chẳng với được anh, hoặc nó đi qua anh.
(Letters, 4)
Không tồn tại thì không thể tốt hay xấu:
- Sau “trải nghiệm” cái chết, chẳng ai còn tồn tại để mà hưởng lợi hay bị tổn hại bởi trải nghiệm ấy.
- Trên thực tế, mặc dù chúng ta có thể nhận thức được việc đang chết dần nhưng trạng thái chết thậm chí còn không phải là một trải nghiệm, nói gì tới tốt hay xấu.
- Nếu không tồn tại là điều thật sự xấu thì sự vô tận của thời gian trước khi chúng ta ra đời cũng khủng khiếp như sự vô tận thời gian sau cái chết.
Ngoài những lập luận này, người Khắc kỷ sử dụng một nghịch lý thú vị để thách thức nỗi sợ cái chết. Trong bài luận On Earthquakes, Seneca nhấn mạnh sự dại dột khi sợ chết vì động đất hay vì bất kỳ sự kiện cụ thể nào trong khi cái chết vây quanh ta và có thể tấn công ta bằng vô số cách. Chúng ta có thể dễ dàng bị giết bởi một cục đá hay cả thành phố sụp đổ trên đầu. Ông viết: “Nếu anh muốn không sợ gì, hãy coi mọi thứ đều đáng sợ”. Trong một tài liệu khác, ông viết: “Chẳng biết thần chết đang đợi anh ở đâu, vậy tốt nhất anh nên đợi ông ta ở mọi nơi” (Letters, 26).
Cái chết có thể đến từ mọi hướng, vào bất cứ thời điểm nào. Theo truyền thuyết, nhà viết kịch Hy Lạp Aeschylus đã chết vì bị con rùa mà một con đại bàng đang quắp trên cao thả rơi trúng. Ngày mai bạn có thể bị một chiếc xe buýt tông phải. Nỗi sợ của chúng ta có xu hướng chọn lọc một cách phi lý và khi đương đầu với một logic tuyệt đối như “Nếu anh lo lắng về điều đó thì điều gì anh cũng phải lo”, con người ta thường buộc phải thừa nhận rằng việc bận tâm về các tai họa giả định nói chung chỉ làm mất thời gian và sức lực. Cái gì cũng làm tức chẳng làm gì, và cái gì cũng sợ nghĩa là chẳng sợ gì.
Ghi nhớ: Nỗi sợ chết còn tệ hơn bản thân cái chết
Người Khắc kỷ tin rằng nỗi sợ chết là một trong những Cảm xúc phi lý quỷ quyệt và độc hại nhất trong mọi Cảm xúc phi lý. Vậy nên, nghịch lý thay, nỗi sợ chết còn tệ hơn bản thân cái chết. Theo Seneca, “Anh nghĩ cái chết tệ hơn tất cả mọi điều tồi tệ, mặc dù trên thực tế nó chẳng có gì xấu cả, ngoại trừ cái tới trước nó, tức nỗi sợ cái chết” (Letters, 104). Người Khắc kỷ thật sự tin rằng nỗi sợ chết nằm ở gốc rễ của hầu hết các nỗi sợ phi lý và là căn nguyên của thói hèn nhát.
Marcus nói rằng ngoài các lập luận liên quan tới tính “vô thưởng vô phạt” của cái chết thì còn có một lý lẽ “phi triết học” mạnh mẽ, đó là đơn thuần tự hỏi: “Anh có thật sự muốn noi theo kiểu người sợ chết hơn mọi thứ không?”. Hãy điểm tên của một số người cố đeo bám cuộc sống, và tự hỏi liệu những người ấy có vì thế mà hạnh phúc và an nhiên hơn không (Meditations, 4.50). Epictetus đã từng dạy rằng sự nguy hại lớn nhất có thể giáng xuống con người “không phải cái chết mà là nỗi sợ chết” và chúng ta phải vận dụng lý trí để chiến thắng nỗi sợ này vì đó là “cách duy nhất con người có thể có được tự do” (Discourses, 3.26).
Cái chết được định đoạt bởi Tự nhiên
Theo Epictetus, liên quan đến cái chết thì bước thực hành có tính quyết định nhất trong Kỷ luật Khát khao chính là xem cái chết là thứ được định đoạt bởi toàn thể Tự nhiên hoặc bởi ý chí thiêng liêng của thần Zeus. Đối với người Khắc kỷ cổ đại, việc chấp nhận số phận như ý chí thiêng liêng của thần Zeus là biểu hiện của lòng mộ đạo. Độc giả hiện đại có thể khó chấp nhận tư tưởng này, nhất là những người theo thuyết vô thần hoặc thuyết bất khả tri. Tuy nhiên, trong chủ nghĩa Khắc kỷ, thần Zeus cũng đồng nghĩa với Tự nhiên và có thể vẫn có những cách để chúng ta học cách bình thản chấp nhận các sự kiện không mong muốn, kể cả cái chết của bản thân, bằng cách xem xét chúng trong một bối cảnh rộng lớn hơn và dưới sự định đoạt của toàn thể Tự nhiên. Thực vậy, học thuyết cơ bản của chủ nghĩa Khắc kỷ là chúng ta cần “sống hòa hợp với Tự nhiên”, tức chấp nhận số phận là thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Một khi đã chấp nhận cái chết là số mệnh không thể tránh khỏi của mọi sự sống, người Khắc kỷ lý luận rằng cuộc sống của chúng ta dài hay ngắn rốt cuộc không còn quan trọng.
Đâu đó, Marcus đã nói rằng dẫu sống ba ngày hay ba thế kỷ thì cũng không quan trọng gì, vì từ điểm nhìn của thời gian vĩnh cửu, hai khoảng thời gian này là một. Nói cách khác, chúng ta ca ngợi cuộc đời người khác vì phẩm chất cuộc đời họ chứ không phải vì độ dài. Phán xét cuộc đời của bản thân theo một chuẩn mực khác thì thật đạo đức giả. Chết một cách đáng kính còn hơn là sống lâu mà dại dột và làm nô lệ cho các nỗi sợ hãi và khát khao. Epictetus sử dụng một phép ẩn dụ cổ về “lễ hội” để minh họa cho khái niệm của người Khắc kỷ, rằng chúng ta luôn phải ghi nhớ cuộc sống của mình là được vay mượn từ Tự nhiên. Lòng mộ đạo thật sự không phải ở chỗ hát tụng ca trong nhà thờ hay đền đài, mà là duy trì lòng biết ơn tận đáy lòng vì cơ hội được sống, đồng thời chấp nhận cuộc sống ấy là nhất thời và sẵn sàng ra đi khi tới lúc mà chẳng lời phàn nàn.
Thực vậy, chết là quy luật của Tự nhiên, là một phần của cơ cấu sự sống. Một số người Khắc kỷ còn lập luận rằng mỗi ngày chúng ta đều chết đi một ít. Cái chết được xem là một quá trình diễn ra từ từ, bắt đầu từ khi sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời. Do vậy, Seneca do vậy nói nếu muốn thay nỗi sợ cái chết bằng tâm thế bình thản, chúng ta nên suy ngẫm về tư tưởng này một cách sâu sắc từ đáy lòng, rằng kể từ ngày được sinh ra, chúng ta đã và vẫn đang đi trên con đường tiến tới cái chết.
(Letters, 4)
Marcus Aurelius gợi ý rằng chúng ta nên suy ngẫm về cuộc sống của mình theo các giai đoạn riêng biệt và sự chuyển tiếp từ giai đoạn này tới giai đoạn tiếp theo như một dạng của cái chết. Từ khi chúng ta còn là trẻ sơ sinh cho tới tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của tuổi trưởng thành, rất nhiều thứ đã chấm dứt hoặc thay đổi. Đứa trẻ chết đi khi người đàn ông được sinh ra. Chúng ta nên tự hỏi mình: “Có thảm họa nào ở đây không?” (Meditations, 9.21). Thế nên, cũng chẳng có gì là thảm họa ở cuối chặng đường, ở cái chết của chúng ta cả. Việc xem cái chết là sự kiện xảy ra mỗi ngày, một quá trình diễn ra từ từ hơn là một cú knock-out sẽ cho chúng ta cả đời để luyện tập sống hòa bình với sự hữu hạn của mình. Mỗi ngày ta tiến gần hơn một bước tới cái chết, ta cần sẵn sàng hy sinh một giọt cuộc đời mình cho Tự nhiên, mỗi tối ngã lưng xuống giường ta cần buông bỏ ngày đã trôi qua, như một sự chuẩn bị cho việc buông bỏ hoàn toàn khi cuộc sống kết thúc. Như vậy, chúng ta sẽ đón chào mỗi ngày mới với tâm thế biết ơn như đón nhận món quà của Tự nhiên.
Người Khắc kỷ cũng lý luận rằng chết là một quá trình tự nhiên và tất yếu, do vậy không thể là điều xấu, bởi chẳng có điều gì thuận theo Tự nhiên mà đáng sợ đối với một người thông thái. Marcus viết rằng từ quan điểm của triết học tự nhiên, cuộc sống của con người là cực ngắn, cơ thể con người đi theo một quá trình hủy hoại tự nhiên và tương lai thì bất định. Ông nhắc bản thân rằng cái chết chỉ đơn giản là vật chất biến đổi từ dạng này sang dạng khác theo một chu trình tự nhiên. Chúng ta không nên để cho cái chết tất yếu của bản thân và sự phân hủy của cơ thể quấy nhiễu: “Vì đó là tiến trình của Tự nhiên và trong tiến trình của Tự nhiên thì không có gì là xấu” (Meditations, 2.17). Suy ngẫm về sự suy tàn của thân thể một cách khách quan và khoa học dường như là một hình thức luyện tập quan trọng của người Khắc kỷ mà chúng ta gọi là “định nghĩa theo vật lý”.
Cái chết, cũng như sự sinh ra, chỉ là một quá trình tự nhiên, có các yếu tố vật chất kết hợp, trưởng thành, suy tàn, cuối cùng tách rời và hoàn toàn phân tán.
(Meditations, 4.5)
Tương tự như vậy, Epictetus dạy học trò của mình nghĩ về cái chết một cách dửng dưng, coi đó như sự trở về với Tự nhiên. Khi Marcus chết, người La Mã nói không phải ông đã mất đi mà ông đã trở về với Tự nhiên, có lẽ bởi những người bạn của ông đã sử dụng đoạn văn Khắc kỷ này như bài văn điếu tại đám tang của ông.
“Nhưng lúc này đã đến lúc để chết”. Tại sao lại nói “chết”? Hãy đừng biến nó thành sự phô diễn bi thảm mà hãy nói về nó như nó vốn thế: “Bây giờ là lúc để các vật chất hình thành nên anh phục hồi lại thành những nguyên tố ban đầu”. Việc đó thì có gì là thê thảm chứ? Có thứ nào trong những thứ hình thành nên vũ trụ sẽ mất đi, thứ lạ thường hay vô lý nào sẽ thay thế? Có phải vì điều này mà những tên bạo chúa gây ra nỗi sợ hãi không?
(Discourses, 4.7)
Nói cách khác, nếu bạn nhìn vào vấn đề “cái chết là gì” một cách lý trí và khách quan, gạt bỏ những bóng ma sợ hãi, bạn sẽ thấy nó đơn giản là chức năng của Tự nhiên – nghĩa là thật trẻ con nếu sợ hãi nó (Meditations, 2.12). Những quá trình biến đổi tự nhiên này nằm trong tay số phận chứ không hoàn toàn trong tầm kiểm soát của chúng ta. Mà theo Đạo đức học Khắc kỷ, cái gì ngoài ý chí của chúng ta thì về cơ bản là vô thưởng vô phạt. Người Khắc kỷ đưa ra nhiều lý lẽ bổ sung để khẳng định cái chết là một quá trình tự nhiên.
- Chết chỉ đơn giản là quá trình phân hủy tự nhiên và không một quá trình tự nhiên nào là tốt hay xấu về bản chất.
- Cơ thể con người phụ thuộc vào các ảnh hưởng bên ngoài, ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vì vậy cái chết rốt cuộc cũng nằm trong tay số mệnh.
- Mọi vật chất có tính nhất thời (vạn vật đều chuyển động) và cái chết của con người chỉ là một ví dụ gần gũi nhất cho điều này.
- Những gì được ghép lại thì luôn có thể tách rời. Con người là một sự tổng hợp và vì thế sự tan rã và cái chết là điều tất yếu.
- Bạn đã ở trong quá trình đi đến chết. Chết không phải là một sự kiện riêng lẻ mà là quá trình đã bắt đầu từ lúc bạn sinh ra, diễn ra thành nhiều giai đoạn, và vì vậy đã quá trễ để có thể tránh né nó.
- Chết được định đoạt bởi tự nhiên, là số mệnh của chúng ta, là ý chí của thần Zeus và sẽ là “bất kính” nếu ta không bằng lòng với nó.
Từ quan điểm này, việc suy ngẫm về cái chết đặc biệt liên quan gần gũi với Vật lý học Khắc kỷ và chồng lấp với suy ngẫm về Tự nhiên toàn thể, đặc biệt là tính nhất thời của vạn vật vật chất.
Thực hành: Suy ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc sống
Hãy dành một phút để thật sự suy ngẫm về tính nhất thời của sự sống và thực tế rằng cái chết là số mệnh của loài người.
1. Nêu tên của ba nhân vật lịch sử có quyền lực ngoại tại hay ảnh hưởng lớn và ngẫm xem, dù thành công đến mức nào thì họ cũng đã chết từ lâu. Hãy thử nghĩ xem họ có thể đã nhìn nhận về cái chết của chính mình thế nào. Chẳng hạn, Marcus đưa ra những cái tên: Alexander Đại đế, Pompey và Julius Caesar.
2. Nêu tên ba nhân vật lịch sử mà bạn ngưỡng mộ vì có tri thức và đức hạnh vĩ đại. Ngẫm xem, dù hiểu biết đến mức nào thì họ cũng đã chết từ lâu. Những con người này có thể đã nhìn nhận cái chết của chính mình thế nào? Marcus đưa ra những cái tên như Socrates, Diogenes và Heraclitus.
3. Hãy ngẫm xem có bao nhiêu con người đã chết trong quá khứ, bao nhiêu con người sẽ chết trong tương lai.
4. Hãy suy nghĩ về sự lụi tàn của các đế chế và các nền văn minh, như Đế chế La Mã, và rằng trong tương lai nền văn minh của chính bạn cũng tất yếu sẽ thay đổi và cuối cùng diệt vong.
5. Hãy suy nghĩ về sự lụi tàn của hành tinh trái đất trong tương lai xa và có thể cả sự diệt vong của vũ trụ này, như người Khắc kỷ đã tưởng tượng về “trận hỏa hoạn lớn” ở tận cùng thời gian.
6. Hãy suy tưởng về khoảng thời gian mênh mông trước khi bạn ra đời, khi bạn chưa tồn tại, và khoảng thời gian mênh mông sau cái chết của bạn, khi một lần nữa bạn là hư vô.
Vậy, theo quan điểm này, đời bạn có ngắn hay dài thì cũng khác biệt bao nhiêu? Đâu là điều quan trọng nhất trong cách bạn đang sống cuộc đời của mình? Bạn còn rút ra được kết luận gì khác cho thái độ của bạn về sự sống và cái chết nói chung?
Ghi nhớ: Cái chết không “xấu” cũng không “tốt”
Người Khắc kỷ không quan niệm chết là “điều tốt”, điều đó cũng sai như khi nhìn nhận rằng chết là “xấu”. Bản thân cái chết không tốt cũng không xấu, chính cách chúng ta sử dụng cái chết và thái độ của chúng ta với nó mới là tốt hay xấu. “Cuộc sống là thứ chúng ta tạo ra”, và cái chết cũng vậy. Tuy vậy, một số người có thể cảm thấy khía cạnh này của chủ nghĩa Khắc kỷ là thiếu lành mạnh. Ngay cả triết gia Spinoza của thế kỷ 17, người được cho là “Khắc kỷ hơn cả người người Khắc kỷ”, cũng đã phản đối: “Một người tự do không nghĩ nhiều về cái chết, và sự khôn ngoan của anh ta không phải để suy ngẫm về cái chết mà để suy ngẫm về sự sống” (Ethica, 4.17). Nhiều người khác có thể cho rằng sợ cái chết của chính mình là việc thuận tự nhiên và hợp lý. Chẳng phải cuộc sống thật quý giá sao? Nếu gạt bỏ nỗi sợ chết, chẳng phải ta sẽ có nguy cơ đánh giá cuộc sống của mình quá rẻ mạt sao?
Tuy nhiên, bạn đâu cần phải sợ chết thì mới biết không nên rảo bưới ở rìa mỏm đá cao, bạn cũng như đâu cần sợ run trước viễn cảnh bị ướt để biết không nên đứng dưới trời mưa. Việc suy ngẫm về cái chết của bản thân không có nghĩa phải rơi vào trạng thái ốm o u sầu. Ngược lại, mục đích chính của bài tập này là để đương đầu và chiến thắng nỗi sợ hãi và đau buồn gây ra bởi một điều không thể tránh, thay vì kéo dài nỗi đau và chìm đắm trong nó. Tư tưởng của nhà Hiền triết khắc kỷ, từ tấm gương Socrates, là yêu mến cuộc sống và không sợ hãi cái chết. Tình yêu cuộc sống của người Khắc kỷ là có điều kiện, anh ta mong ước tận hưởng cuộc sống và sức khỏe, tùy theo số phận. Tuy vậy, anh ta cũng sẵn sàng đối mặt với cái chết một cách bình thản.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Thường xuyên luyện tập suy ngẫm về cái chết của bản thân (melete thanatou) là một trong những bài tập tâm lý cơ bản nhất của người Khắc kỷ, nhằm thay thế nỗi sợ chết bằng một thái độ bình tĩnh và thanh thản hơn.
• Đối với người Khắc kỷ, cái chết không tốt cũng không xấu, mà là điều “vô thưởng vô phạt” đối với eudaimonia và một cuộc sống hạnh phúc.
• Tuy nhiên, sức khỏe và cuộc sống vốn “được ưa thích” hơn những điều ngược lại, miễn là nó phù hợp với đức hạnh. Chúng ta không nhất thiết phải sợ hãi cái chết một cách phi lý để chọn bảo toàn sự sống.
• Theo người Khắc kỷ, cái chết tự nguyện có thể được chấp nhận về mặt đạo đức nhưng chỉ khi nó được lựa chọn một cách tỉnh táo và can đảm, không phải trong sự rối loạn, sợ hãi hay đau khổ, ví dụ trong cơn trầm uất bệnh lý.