T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Nghiên cứu cổ đại về Tự nhiên, hay “Vật lý học” trong triết học, liên quan tới các bài tập tâm lý học quan trọng.
- Phép ẩn dụ mà người Khắc kỷ tiếp nhận từ thuyết Pythagoras cổ đại – ngẫm về cuộc đời như một lễ hội.
- Cách thực hành bài thiền định Khắc kỷ mà các học giả hiện đại gọi là “góc nhìn từ trên cao”.
- Cách suy ngẫm về thời gian và tính nhất thời của mọi thứ vật chất, cá nhân, chấp nhận quan điểm vũ trụ học về cuộc sống.
Hãy nhìn thế giới từ trên cao: biết bao hội hè, biết bao nghi lễ, bao chuyến hải trình trên biển êm hay biển động, những cách thức khác nhau mà vạn vật bước vào thế giới này, trở thành một phần của nó, rồi rời đi. Cũng hãy chiêm nghiệm về cuộc sống hàng ngàn năm trước, cuộc sống đời đời sau, cuộc sống ở những miền xa lạ, bao nhiêu người thậm chí chưa từng nghe tới tên anh và bao nhiêu người sẽ mau chóng quên anh, bao nhiêu người hôm nay khen ngợi nhưng sẽ chẳng mấy chốc là quay sang đổ lỗi. Kỷ niệm, danh tiếng, hay bất kỳ điều gì đều chẳng có chi nghĩa lý.
(Meditations, 9.30)
Mỗi chúng ta được phân cho một lát thời gian mới nhỏ bé làm sao trong bể thời gian vô tận! Chỉ trong chớp mắt thôi, nó sẽ tiêu biến vào cõi vĩnh hằng. Vật chất của vũ trụ, linh hồn của vũ trụ đều nhỏ bé làm sao! Và khoảnh đất mà anh đang lê bước đó cũng nhỏ bé làm sao! Hãy luôn ghi nhớ những điều này và đừng nghĩ gì về chốc lát, ngoại trừ làm những điều Tự nhiên dẫn dắt anh làm và chấp nhận những gì vũ trụ mang đến cho anh.
(Meditations, 12.32)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ đối với vũ trụ học
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Việc hình dung các sự kiện từ góc nhìn trên cao có thể giúp tôi thanh thản và nhìn nhận mọi việc một cách có lý trí.
2. Cuộc đời như một lễ hội hay một đám rước lộng lẫy, diễn ra trong thời gian ngắn ngủi và chúng ta nên biết ơn vì đã được tham gia.
3. Khi nghĩ về sự ngắn ngủi của cuộc đời trong khuôn khổ lịch sử vũ trụ, tôi được nhắc nhở phải coi trọng hành động của bản thân hơn những gì tôi sở hữu.
Tại sao việc suy ngẫm về Tự nhiên lại quan trọng?
Sẽ ra sao nếu bạn lùi lại một bước và quan sát cuộc đời mình từ góc nhìn khác? Bức tranh rộng lớn hơn trông ra sao? Đây là những câu hỏi cơ sở của bài luyện thay đổi góc nhìn cơ bản mà người Khắc kỷ sử dụng như một dạng suy ngẫm có tính triết học. Chương này đặc biệt xem xét các bài thiền định liên quan tới Vật lý học Khắc kỷ, được thiết kế để phát huy tối đa trí tưởng tượng, khuyến khích chấp nhận các sự kiện một cách khách quan vô tư, phù hợp với Kỷ luật Khát khao và trị liệu cảm xúc của người Khắc kỷ. Những bài này tập cho chúng ta mở rộng ý thức trong khi giảm bớt tầm quan trọng mà nhiều người vẫn gán cho những điều ngoại tại.
Khái niệm mở mang tâm trí này liên quan tới một đức tính khác gọi là “sự cao thượng” (megalopsuchia) nghĩa là “linh hồn quảng đại” hay “tâm hồn cao cả”. Đức tính này được định nghĩa như một phẩm chất giúp chúng ta ở trên cao và tách biệt khỏi những điều xảy ra trong cuộc sống, bất kể là điều tốt đẹp hay xấu xa – theo nhận định của số đông, vốn là những đối tượng bình thường của khát khao và sợ hãi. Zeno viết rằng bản thân đức tính cao thượng đã đủ để “nâng chúng ta lên cao trên hết thảy”, và vì nó là một phần thiết yếu của đức hạnh, nhà Hiền triết nhất định sẽ “xem thường những điều có vẻ phiền toái” và có được hạnh phúc hay eudaimoniabất chấp điều kiện ngoại cảnh.
Theo Seneca, người Khắc kỷ tin rằng mọi điều tốt thật sự vốn ngự trị trong tâm trí hơn là ở ngoại cảnh hay trên thân thể, và theo đó, bất cứ điều gì củng cố, tăng cường hay mở mang trí óc đều là “tốt”. Đức hạnh, dưới hình hài của sự cao thượng, nâng trí óc lên cao trên mọi điều “không quan trọng” và mở mang trí óc vượt khỏi tầm ảnh hưởng của những điều này. Ngược lại, sự gắn bó với những điều ngoại tại hay thuộc về thân thể sẽ “trì kéo” trí óc và khiến nó cùn mòn hoặc trống rỗng thay vì phát triển và mở mang một cách tự nhiên. Khi chúng ta mải mê với những điều tầm thường như theo đuổi của cải hay danh vọng, theo nghĩa nào đó, trí óc của chúng ta sẽ bị thu rút lại và bị lôi vào một góc nhìn hạn hẹp.
Vì vậy, mở mang trí óc phù hợp với tri thức và đức hạnh là một đặc tính quan trọng của Vật lý học Khắc kỷ và kỷ luật Khát khao. Một trong những chủ đề chính trong cuốn Meditations của Marcus Aurelius là sự rộng lớn bao la của không gian và thời gian, trong khi thân thể và cuộc đời của chúng ta nhỏ bé và ngắn ngủi ra sao. Chỉ cần đọc những gì ông viết trở đi trở lại trong cuốn sách này cũng đủ để khơi gợi một cảm giác ý thức mở mang cho nhiều người. Marcus nói “không gì có lợi cho tâm trí quảng đại”, hay sự cao thượng, bằng việc thực hành các bài tập của Vật lý học Khắc kỷ. Ví dụ, việc thực hiện nghiên cứu chi tiết về các quá trình của Tự nhiên, “sự biến đổi tương hỗ của vạn vật” từ dạng này sang dạng khác và xem xét vạn vật một cách khách quan, rũ bỏ mọi phán xét giá trị, trong phạm vi toàn thể Tự nhiên (Meditations, 10.11, 3.11). Dường như vũ trụ ban tặng ta món quà ý thức như thế chính là để chúng ta có thể mở mang tâm trí theo cách này.
Tri thức là thứ vĩ đại và mênh mông; nó cần không gian ; người ta phải học về các vấn đề, về thánh thần và con người, về quá khứ và tương lai, về những điều ngắn ngủi và những điều vĩnh cửu, về thời gian.
(Seneca, Letters, 88)
Về cơ bản, người Khắc kỷ theo thuyết phiếm thần, đối với họ, Tự nhiên và Chúa trời (hay Zeus) thực chất là như nhau. Zeus là một sinh vật bất tử, có lý trí siêu phàm, hoàn toàn Hạnh phúc, ngài đứng ngoài mọi điều xấu xa và trông chừng toàn thể vũ trụ. Nhưng Zeus không mang hình người, không phải một vị thần râu tóc bạc phơ ngự trên một đám mây. Các vị thần khác đơn giản chỉ là hiện thân của ngài dưới các lốt khác. Thân thể của ngài là toàn thể Tự nhiên, ý chí của ngài là chuỗi nhân quả vô tận gọi là “Số mệnh”, định đoạt kết quả của mọi sự kiện một cách tự nhiên. Như vậy, đối với Marcus, việc coi vũ trụ như một cơ thể duy nhất và chúng ta thảy đều là chân tay trở thành bài tập tâm lý quan trọng: “hãy thường xuyên suy ngẫm về sự hợp nhất mật thiết và sự lệ thuộc lẫn nhau của vạn vật trong vũ trụ” (Meditations, 6.38).
Vì vậy, ngoài việc suy ngẫm về nhà Hiền triết lý tưởng hữu tử, người Khắc kỷ cũng đã chiêm nghiệm quan điểm về thần Zeus bất tử, khôn ngoan và đức hạnh hoàn hảo, lý tưởng, bằng cách suy ngẫm toàn thể Tự nhiên như một khối thống nhất. Họ hình dung thần Zeus hẳn xa lánh mọi lo toan trần thế theo cách tương tự và nội tâm của ngài hoàn toàn thanh thản. Họ cũng theo đuổi việc đương đầu với cuộc sống theo quan điểm thánh thần, bao quát hết những tạo tác của thành thần trong một tầm nhìn duy nhất. Bằng cách sử dụng Vật lý học Khắc kỷ như một dạng bài tập suy ngẫm mở mang trí óc, họ hy vọng noi gương sự thanh thản tuyệt đối và sự cao thượng của các vị thánh thần.
Theo Cicero, ba chủ đề triết học mang tính lý thuyết thường bắt đầu với Vật lý học, sự chiêm nghiệm về các vì sao và trạng thái tự nhiên của vũ trụ, đặc biệt là sự sống và cái chết, tính nhất thời và biến đổi của vạn vật, thuận theo sắp xếp của luật nhân quả. Bằng cách đắm mình vào những suy tưởng về bản chất vũ trụ cả ngày lẫn đêm ngày và đêm, chúng ta sẽ tiến gần hơn tới tri thức và niềm vui lý trí, cho tới khi có thể bình thản coi nhẹ những lo toan của cuộc sống thường nhật, những điều sẽ thật nhỏ nhặt nếu đem ra so sánh với toàn thể.
Nghịch lý là, mặc dù tách khỏi mọi sự ngoại tại, nhà Hiền triết Khắc kỷ lại thành ra bám chặt hơn vào Tự nhiên, hòa hợp hơn với vũ trụ và thật sự cảm thấy đấy chính là nhà của mình. Epictetus thường xuyên nhắc học trò nhớ rằng khi Socrates được hỏi ông là người nước nào, ông đã nói: “Ta là công dân của vũ trụ”. Về sau, điều này được lặp lại bởi Diogenes, người theo chủ nghĩa khuyển nho và Khắc kỷ, “người theo chủ nghĩa thế giới”, theo đúng nghĩa nguyên bản và triết học của từ này. Tương tự, Marcus cũng nói mục tiêu của triết học là sống theo Tự nhiên và nhờ đó mà “không còn là kẻ lạ trên chính quê hương của mình”, thay vào đó, ta trở thành một Công dân vũ trụ đích thực, nghĩa là không phụ thuộc vào những điều ngoại tại, cũng không bị chúng làm cho bất ngờ.
Thông qua Kỷ luật Khát khao, người Khắc kỷ đồng nhất mình với Tự nhiên, coi mình như một phần của toàn thể – theo một nghĩa nào đó, toàn thể ở đây là nền tảng tồn tại của cô ấy, và nhân dạng đích thực của cô – không phải là người Athens hay người La Mã mà là người của thế giới, từ trong bản chất.
Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu hai bài thực hành suy tưởng của người Khắc kỷ. Bài thực hành thứ nhất dựa trên phép ẩn dụ Pythagoras cổ đại, khuyến khích các triết gia xem cuộc sống như “một bữa tiệc” hay một lễ rước. Bài thực hành thứ hai được Pierre Hadot đặt tên là “Góc nhìn từ trên cao”. Ông gọi nó là “bản chất của triết học” – có thể tìm thấy bản chất này ở nhiều ví dụ trong văn chương cổ còn sót lại dưới nhiều hình thức và trong các trường phái triết học khác nhau. Bài thực hành này bao hàm việc hình dung cuộc sống trên trái đất từ góc nhìn trên cao và hiển nhiên dẫn tới một sự mở rộng tầm nhìn về không gian và thời gian. Bài tập này có những phần chồng lấp lên các bài thiền vũ trụ học của người Khắc kỷ.
Mặc dù thoạt nhìn thì đây là những bài luyện khác nhau nhưng chúng phục vụ chung một mục đích. Cuộc sống là một màn trình diễn và mặc dù ngắn ngủi, nó là cơ hội để tận hưởng như một món quà của Tự nhiên, dẫu là từ góc nhìn tách biệt của một người khách qua đường. Cả hai bài luyện này cho chúng ta được cái nhìn thoáng qua về sự cao thượng, về việc “vươn lên cao”, tách khỏi sự ồn ào, hối hả của cuộc sống bình thường và những ảo tưởng về các giá trị quy ước.
Điển cứu: Giấc mơ của Scipio
Scipio Aemilianus (185-129 trước Công nguyên) là một chính trị gia và một vị tướng La Mã, sau này được biết đến dưới tên Scipio Africanus Trẻ, theo tên người ông đỡ đầu của ông. Scipo quy tụ xung quanh mình các nhà trí thức, gọi là “Giới Scipio”, trong đó có cả người bạn Khắc kỷ của ông là Laelius Thông thái và học giả Panaetius. Bài Giấc mơ của Scipio trong cuốn Republic của Cicero là một đoản văn nổi tiếng về sự nghiệp thuở ban đầu của ông, và là một trong những ví dụ có tính biểu tượng nhất về khái niệm “góc nhìn từ trên cao”.
Chuyện xảy ra vào thời điểm nổ ra Chiến tranh Punic1 thứ ba (149-146 trước Công nguyên), các đội quan La Mã hùng mạnh bao vây thành phố cổ Carthage ở Bắc Phi. Khi vừa tới nơi, người sĩ quan trẻ Scipio yết kiến nhà vua Masinissa xứ Numidia. Họ trò chuyện tới tận khuya về Africanus Già , người bạn cũ của nhà vua, người mà sau khi qua đời đã được dân La Mã coi như một vị thần, bởi chiến thắng của ông trước thiên tài quân sự Hannibal của Carthage nhiều thập kỷ trước đó. Scipio đã ngủ thiếp đi và trải qua một giấc mơ lạ lùng và huyền bí. Trong giấc mơ, ông lên thiên đàng để gặp Africanus Già và họ cùng nhìn xuống vũ trụ bao la bên dưới. Scipio Aemilianus kêu lên rằng trái đất trông quá nhỏ bé và nói thêm “Tôi bắt đầu bớt nghĩ về đế chế của chúng ta, thứ vốn chỉ bằng một đầu kim trên bề mặt của vũ trụ”. Trong ông tràn ngập khâm phục trước vẻ đẹp choáng ngợp và sự hài hòa của vũ trụ. Africanus Già2 cho ông thấy rằng trái đất và sự sống hữu hạn chỉ là những phần nhỏ bé của vũ trụ và “miệng thiên hạ không thể cho con danh vọng hay vinh quang đáng để kiếm tìm”.
1 Chiến tranh Punic là cuộc chiến diễn ra giữ La Mã cổ đại và đế chế Carthage (người Carthage là hậu duệ của Phoenicia, vì vậy họ còn được gọi là người Punic).
2 Publius Cornelius Scipio Africanus (236–183 TCN) hay còn gọi là Scipio Africanus, Scipio Africanus Già (Scipio Africanus the Elder), là nhà chính trị, nhà quân sự đại tài của La Mã, ông nổi bật bởi những chiến công hiển hách trong Chiến tranh Punic lần hai.
Aemilianus nhận ra rằng La Mã cũng chỉ là một phần của trái đất, hầu hết bề mặt của nó không có người ở, hoặc có cũng là những người không bao giờ biết đến thành tựu của ông. Ngay cả những người đã biết thì rồi cũng sớm qua đời và huyền thoại truyền tới các thế hệ sau chắc chắn rồi cũng phai mờ theo thời gian.
Scipio Africanus khuyến khích ông nhìn vượt ra ngoài quan điểm nông cạn của đa số người và thành thực với bản chất nội tâm của mình. “Cố gắng lên!”, vị tướng già khuyên, “Hãy hiểu rằng con là một vị thần”. Ông cần phải quên đi danh vọng và hành động đơn thuần vì tri thức và đức hạnh, bởi khi một linh hồn làm như vậy thì “sẽ dễ dàng bay tới nơi này, nơi trú ngụ và ngôi nhà đích thực của mình”. Ông nói thêm rằng con đường đi lên sẽ dễ dàng hơn nếu trong cuộc đời, dẫu bị giam cầm trong thân xác, linh hồn vẫn “được tự do đi xa bằng việc hình dung và chiêm nghiệm về những điều nằm ngoài bản thân mình, học cách tách rời khỏi thân xác, đi xa nhất có thể”.
Như đã được tiên tri trong giấc mơ, sự nghiệp của Scipio tiến nhanh vượt bậc. Trong vòng một năm, ông trở thành quan chấp chính tối cao của La Mã, sau đó lãnh đạo quân đoàn tại châu Phi. Sau cùng, Carthage thất thủ trước đạo quân La Mã dưới sự lãnh đạo của ông, giúp ông nhận được tên hiệu cao quý như ông của mình: “Africanus”. Carthage sụp đổ, bị san bằng, đặt dấu chấm hết cho kẻ thù hùng mạnh nhất của La Mã và củng cố quyền lực của đế chế này trong nhiều thế kỷ sau đó. Dẫu vậy, ngay khi quan sát từ điểm nhìn vũ trụ, Scipio đã suy ngẫm rằng một ngày nào đó La Mã cũng sẽ bị diệt vong, mọi sự đều chỉ là tạm bợ.
“Lễ hội” của thuyết Pythagoras
Người theo thuyết Pythagoras so sánh vai trò của triết gia như một khán giả trong một “lễ hội” (panêguris) đông đúc, có nhiều sự kiện thể thao và các hình thức giải trí. Ông ngụ ý rằng họ là những khán giả của vũ trụ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và trật tự của toàn thể vũ trụ. Diogenes người theo chủ nghĩa khuyển nho cũng nói một người “tốt” coi mỗi ngày là một lễ hội, và về sau nữa, Epictetus cũng dạy học trò của mình chiêm nghiệm cuộc đời theo cách này. Người Khắc kỷ sử dụng phép ẩn dụ này để chuyển tải ý thức biết ơn cuộc đời, trong khi chấp nhận cuộc sống là tạm thời và sẽ có lúc kết thúc. Cũng theo Epictetus, đa số người trong “lễ hội” hay “đám rước” cuộc đời chỉ quan tâm tới các thành tựu vật chất, như gia súc chỉ quan tâm tới cỏ khô, trái lại, có một nhóm nhỏ con người “tham dự lễ hội vì yêu quý khán giả”. Những khán giả này là những người đặt câu hỏi tò mò: “Vũ trụ là gì và ai là người cai quản nó?”, hay “Tất cả những điều này nghĩa là gì?”. Bởi câu hỏi này, các triết gia tự nhiên bị cuốn vào mưu cầu tìm hiểu, thứ trở thành mục tiêu chính yếu của họ trong cuộc sống: “nghiên cứu về lễ hội trước khi rời bỏ nó”.
Epictetus nhấn mạnh rằng do vậy mà các triết gia hiển nhiên bị những người mưu cầu của cải và vinh quang chế nhạo. Tuy nhiên, triết gia sẽ chẳng phiền lòng trước sự nhạo báng của những kẻ vô minh, bởi nếu bầy gia súc biết nói, “chúng cũng sẽ cười nhạo những ai hâm mộ bất cứ gì ngoài cỏ khô của chúng!”. Mặc dù hầu hết mọi người đang chấp nhận một góc nhìn hạn hẹp về cuộc sống, mải mê kiếm tìm những điều tầm thường, thì trên hết thảy, các triết gia vẫn tìm kiếm tri thức bằng việc chiêm nghiệm về toàn thể Tự nhiên.
Epictetus nhiều lần sử dụng phép ẩn dụ này, yêu cầu học trò Khắc kỷ của mình quan sát các biến động của cuộc sống với thái độ tách biệt như thể chúng chỉ là những ồn ào náo nhiệt của một lễ hội đông đúc, như Thế vận hội. Ở đó không ai phàn nàn về sự ồn ào hay về những đám đông chen lấn xô đẩy, mọi người đều chấp nhận rằng cuối cùng họ cũng sẽ phải rời đi, mặc dù hiển nhiên ai muốn ở lại. Epictetus cho rằng chúng ta nên tiếp cận cuộc sống với thái độ như vậy, tâm niệm rằng sự sống của chúng ta vốn là một sự vay mượn từ Tự nhiên và ta cần phải biết ơn vì đã được tham dự vào cuộc sống này, dẫu chỉ là nhất thời. Người Khắc kỷ tin rằng thần Zeus đã tạo ra loài người và ngài ban cho con người món quà ý thức và lý trí chính là để tận hưởng cảnh tượng Tự nhiên. Việc nghiên cứu triết học tự nhiên cho phép chúng ta mở mang chiêm nghiệm, để thấu hiểu hơn sự sáng tạo này. Bổn phận của chúng ta là hướng về tri thức, sống hòa hợp với trải nghiệm Tự nhiên, vì “Thượng đế đâu cần một khán giả ưa vạch lá tìm sâu”.
Tư tưởng chính: “Lễ hội” và “ba lối sống” theo thuyết Pythagoras
Có truyền thuyết cho rằng Pythagoras đã đặt ra thuật ngữ “triết gia”, hay người yêu chuộng tri thức và giải thích bằng lối nói ẩn dụ ví cuộc sống con người như một lễ hội đông đúc, giống như Thế vận hội cổ đại. Các vận động viên tranh tài vì vinh quang, các chủ quầy hàng bán vì lợi nhuận, còn khán giả thì chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm mọi điều xung quanh. Đây cũng chính là minh họa cho ba lối sống theo thuyết của Pythagoras:
1. Người tham vọng (các đấu thủ) coi sự tôn vinh của đám đông và danh tiếng như điều tốt chính yếu trong đời.
2. Người tham lam (các thương nhân) là những người coi của cải và thành tựu vật chất là trên hết.
3. Triết gia hay người yêu chuộng tri thức (các khán giả) quý trọng chân lý và kiến thức, mong hiểu được cuộc sống trong sự trọn vẹn của nó.
Triết gia đứng tách biệt khỏi sự kiện và không bị lệ thuộc vào những khao khát của cải và danh vọng, mà chỉ vui hưởng cơ hội chứng kiến quang cảnh lễ hội. Epictetus nhấn mạnh rằng tri thức cốt ở lòng biết ơn lễ hội cuộc đời, trong khi chấp nhận rằng cuộc đời là thứ chúng ta vay mượn và hiển nhiên rồi sẽ kết thúc.
Thực hành: Chiêm nghiệm lễ hội cuộc đời
Hãy tưởng tượng bạn đang tham dự một lễ hội âm nhạc lớn, chẳng hạn lễ hội Glastonbury1 hay một sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội, cũng có thể là cuộc triển lãm tại một bảo tàng hay một phòng trưng bày nghệ thuật. Khi bắt đầu công việc hằng ngày, hãy nghĩ về điều này như một phép ẩn dụ về cuộc sống. Bạn chỉ là một người khách, rồi chẳng mấy chốc mọi sự sẽ kết thúc và rốt cuộc cả khu vực sẽ được dọn quang. Hãy coi chiếc vé của bạn như một món quà và bạn có đặc ân được tới đây, kể cả khi thời gian tham dự chỉ tính bằng ngày. Không có gì ở đây thật sự là của bạn, toàn bộ trải nghiệm đều là tạm thời và đang vay mượn.
1 Glastonbury là lễ hội âm nhạc ngoài trời lớn nhất thể giới, được tổ chức hàng năm tại Somerset, nước Anh. Mỗi kỳ lễ hội kéo dài năm ngày, quy tụ nhiều ngôi sao lớn và thu hút lượng khán giả khổng lồ.
Việc của bạn là nhận thức đầy đủ và thật sự hiểu được giá trị của cơ hội này. Hãy chú ý kỹ toàn bộ quang cảnh xung quanh một cách tách biệt và bình thản, như thể bạn mới nhìn thấy lần đầu tiên. Đa số mọi người có thể đang mê mải theo đuổi của cải, kiếm tìm danh vọng hay chìm đắm trong những thú vui nông cạn. Đôi lúc họ có thể ầm ĩ hay va vào bạn, điều đó là không thể tránh khỏi – đó là một phần của sự ồn ào náo nhiệt tự nhiên. Phàn nàn là vô nghĩa, bạn đã ở đây rồi, nếu bạn không thích chương trình của các sự kiện, đừng cảm thấy phẫn uất, cũng đừng làm một khán giả “vạch lá tìm sâu”. Hãy chỉ hiện diện và đón nhận mỗi khoảnh khắc đến với bạn. Ngay hiện tại, đó chính là tất cả. Tóm lại là hãy lùi lại, rời khỏi cuộc đua tranh và bắt đầu thật sự nhận biết cuộc sống, biết ơn vì thời khắc này, tại chốn đây.
Ghi nhớ: Vật lý học Khắc kỷ như một bài thiền định chiêm nghiệm
Chrysippus nói Vật lý học Khắc kỷ, hay triết học tự nhiên được nghiên cứu chủ yếu để đạt tiến bộ trong Đạo đức học, biến chuyển tính cách qua việc đạt được đức hạnh. Mặc dù đôi khi có hình thức giống như nghiên cứu triết học và khoa học cổ xưa, nhưng nghiên cứu tự nhiên cũng đạt đỉnh cao trong các bài tập chiêm nghiệm, thứ có thể thay đổi cách nhìn cuộc sống của chúng ta. “Mục tiêu luyện tập tinh thần của Vật lý học là để tái định vị sự tồn tại của con người trong sự vô tận của không gian và thời gian, trong điểm nhìn của các quy luật tự nhiên vĩ đại” (Hadot, 1995, tr. 244). Người Khắc kỷ tin rằng những bài tập này có tác dụng trị liệu mạnh mẽ, liên quan tới Kỷ luật Khát khao. Vì vậy, Marcus Aurelius viết: “Tầm nhìn như vậy gột sạch những cặn bã của cuộc sống trần tục” (Meditations, 7.47).
Chiêm nghiệm một cách bình thản (hay triết học) về Tự nhiên có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm ngẫm về trái đất nhìn từ trên cao, thậm chí từ toàn bộ không gian và thời gian trong một tầm nhìn rộng lớn. Vật lý học Khắc kỷ được sử dụng như một cách vượt qua những nỗi sợ hãi không lành mạnh, làm chủ những khát khao thái quá bằng cách xem vật chất và danh vọng nhất thời và cuối cùng cũng chỉ là vô nghĩa.
“Góc nhìn từ trên cao” và “ý thức vũ trụ”
Cuốn sách đã thất lạc nhan đề On the Whole (tạm dịch: Về toàn thể) của Zeno có thể đã đặt ra khái niệm về vũ trụ là nền tảng cho Vật lý học Khắc kỷ buổi đầu. Như chúng ta đã thấy, triết học tự nhiên cổ đại thường đạt đỉnh cao trong các bài tập tâm lý, với các tác động đạo đức và trị liệu. Đặc biệt, chiêm nghiệm về Tự nhiên toàn thể, hay trên quy mô lớn, thường được mô tả như một bài thực hành có sức chuyển đổi mạnh mẽ. Ngày nay chúng ta vẫn nói về việc “nhìn xa trông rộng”, nhìn vào “bức tranh toàn cảnh”, hay xem xét cách mà các sự kiện được sắp đặt vừa vặn trong “tổng thể”…
Hadot đặt ra thuật ngữ “góc nhìn từ trên cao” để mô tả một trong các bài thiền định phổ biến nhất. Theo quan điểm của ông, Vật lý học Khắc kỷ dưới hình thức thực hành suy tưởng bắt đầu bằng “một bài tập chủ yếu tập trung vào việc nhìn nhận bản thân như một phần của toàn thể, nâng mình lên tầm nhận thức vũ trụ hoặc đắm mình trong tính toàn vẹn của vũ trụ”. Và “để đạt được điều này, chúng ta thực hành bài tập tưởng tượng nhìn vào vạn vật từ góc nhìn trên cao” (Hadot, 2002, tr. 136).
Giống như thiền định về cái chết và suy tưởng về nhà Hiền triết, “góc nhìn từ trên cao” có vẻ là cơ sở của toàn bộ thực hành triết lý Khắc kỷ, vì nó gộp nhiều chủ đề quan trọng trong một hình ảnh duy nhất. Theo Shaftesbury, chúng ta cần “đắm chìm trong tưởng tượng” về toàn bộ vũ trụ và lịch sử vũ trụ, nếu không thì ta sẽ giống những đứa trẻ chỉ biết mê mải với mớ đồ chơi trẻ con của mình, lãng quên thực tại xung quanh (Shaftestbury, 2005, tr. 19). Những vấn đề của con người và đặc biệt là sự bất hạnh của chúng ta sẽ chẳng còn là gì đáng kể khi nhìn từ góc độ này, ông nói thêm.
Justus Lipsius, người theo chủ nghĩa Tân Khắc kỷ thời Phục Hưng mô tả “góc nhìn từ trên cao” như một bài tập tưởng tượng trong đó hình dung về thế giới như đang được nhìn từ đỉnh Olympus. Điều này có lẽ bắt nguồn từ khái niệm cổ xưa rằng thần Zeus đã nhìn xuống cuộc sống của người trần hữu sinh hữu tử theo cách này. Một số miêu tả sinh động nhất về bài tập này được tìm thấy trong Meditations của Marcus Aurelius. Ông liên tục nhắc nhở mình tưởng tượng việc nhìn xuống các vấn đề của nhân loại từ góc nhìn trên cao. Một cách tự nhiên, ông cũng thấy mình “nhìn xuống” các vấn đề ấy theo ý nghĩa đạo đức – chẳng hạn, nhìn với sự trung lập tuyệt đối. Nhìn vào sự mênh mông của bầu trời và hằng hà sa số các vì sao trong “một khung cảnh”, vạn vật dường như đều trở thành nhỏ bé: “mọi thứ đồng nhất về thứ hạng, vạn vật đều thoáng qua” (Meditations, 12.24). Có vẻ Marcus cho những câu nói này là của Plato mặc dù chúng không xuất hiện trong các tác phẩm còn sót lại của ông:
Hãy coi mình là một vì sao bên cạnh những vì sao khác và quan sát hành trình của chúng, và không ngừng suy nghĩ về những sự chuyển hóa qua lại giữa các nguyên tố, vì những suy nghĩ thế này sẽ thanh lọc tâm trí chúng ta khỏi bụi trần thế tục.
Lời này của Plato thật đẹp. Bất cứ ai muốn nói về loài người cũng cần quan sát vạn vật trên trái đất như từ một tháp canh trên cao: những gặt hái trong chiến tranh và hòa bình, hôn nhân và chia biệt, sinh và tử, sự ồn ào của pháp đình và sự thinh lặng của sa mạc, muôn kiểu người ngoại quốc, yến tiệc và tang tóc và chợ búa, tất cả sự hỗn tạp, và trật tự hài hòa của những điều trái ngược.
Nhìn lại những điều xa xôi từ trong quá khứ và sự nối tiếp những quyền bất tận. Anh cũng có thể nhìn xa và thấy tương lai. Vì chắc chắn nó sẽ có cùng đặc điểm, không có cách nào khác ngoài tiếp tục nhịp điệu của những điều hiện hữu. Bởi vậy, nó sẽ vẫn là một, là như nhau, bất kể ta có chứng kiến cuộc sống trong bốn mươi năm hay mười ngàn năm. Bởi anh có thể thấy thêm điều gì khác nữa?
(Meditations, 7.47-49).
“Góc nhìn từ bên trên” và chiêm nghiệm về sự nhất thời đạt tới đỉnh cao một cách tự nhiên ở một góc nhìn còn toàn diện hơn, có tên gọi “điểm nhìn vũ trụ” hay “ý thức vũ trụ”. “Điểm nhìn vũ trụ” này có lẽ phát sinh từ một thuyết thần học siêu hình và phức tạp hơn, trong đó thần Zeus có mặt ở mọi nơi và nhìn thấy vạn vật trong một tầm nhìn rộng lớn, thống nhất. Marcus tóm tắt điều này một cách rõ ràng và coi đó là một bài tập suy ngẫm thường lệ: “Hãy liên tục nhận thức về toàn thể không gian và thời gian, về quy mô và tuổi thọ của mọi thứ quanh ta. Một hạt nho trong sự vô tận của không gian. Nửa vòng xoay ốc vít trong thời gian vĩnh cửu” (Meditations, 10.17).
Rõ ràng người Khắc kỷ sử dụng điều này như một liệu pháp tâm lý đối với các Cảm xúc. Chẳng hạn, Marcus cho rằng chúng ta có khả năng rũ bỏ nhiều phiền toái không cần thiết, thứ vốn chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Và chúng ta có thể làm vậy khi đặt mình trong một không gian mở rộng, “ôm trọn toàn thể vũ trụ trong tâm trí và bao gồm sự bất tận của thời gian vào tầm quan sát của mình”, quan sát sự nhất thời của vạn vật, bao gồm chính cuộc đời mình (Meditations, 9.32).
Một trong những miêu tả nổi bật nhất về bài luyện chiêm nghiệm như vậy được tìm thấy trong những bài viết của Plotinus, người đã đồng hóa các khía cạnh của chủ nghĩa Khắc kỷ vào thuyết Tân Plato của mình sau này. Ông nói, chúng ta nên liên tục hình dung một quả cầu thủy tinh chứa toàn bộ vũ trụ và mọi sinh vật sống, như một kiểu quả cầu tuyết vũ trụ. “Chúng ta hãy hình thành trong tâm trí hình ảnh về vũ trụ này”, ông nói, và “hoan nghênh màn biểu diễn sáng ngời của quả cầu, chứa đựng toàn bộ tạo vật”, mỗi phần được coi là riêng rẽ nhưng vẫn tạo thành một thể thống nhất. Chính vì vậy, chúng ta nên hình dung toàn bộ những vì sao trong vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, trái đất, đất liền và đại dương, và mọi sinh vật sống trong một tầm nhìn duy nhất, “như thể chúng được nhìn thấy trong một quả cầu trong suốt” (Enneads, 5.8)1.
1 Enneads (tạm dịch: Bộ chín) là các tác phẩm của Plotinus được biên soạn bởi học trò của ông là Porphyry. Porphyry chia các chuyên luận của thầy mình thành từng nhóm chín bài, và đặt tên là Enneads (bộ chín).
Có một ví dụ ấn tượng khác về dạng bài tập tương tự trong văn bản cổ của cái gọi là truyền thống “giả kim” (Hermetic) của người Hy Lạp, chịu ảnh hưởng từ trào lưu Tân Plato.
Hãy suy ngẫm về Thượng đế theo cách này, như thể ngài mang vạn vật trong chính mình: Vũ trụ, bản thân ngài, cái toàn thể. Nếu anh không khiến mình ngang bằng Thượng đế, anh sẽ không thể hiểu được ngài. Giống nhau thì hiểu nhau. Vươn mình tới vô hạn. Đừng lệ thuộc vào người khác, hãy vượt khỏi thời gian. Hãy trở thành vĩnh cửu, và anh sẽ hiểu được Thượng đế. Hãy coi như đối với anh không có gì là không thể. Hãy coi mình bất tử và có khả năng hiểu được mọi thứ: nghệ thuật, khoa học và bản chất của mọi sinh vật sống. Hãy cao hơn mọi đỉnh cao, thấp hơn mọi độ sâu. Hãy cảm nhận trong bản thân toàn bộ tạo vật: lửa, nước, thứ khô ráo và thứ ẩm ướt. Hãy nghĩ đến bản thân cùng lúc ở khắp mọi nơi: trên mặt đất, trên biển, trên trời; khi anh chưa ra đời, khi anh vẫn còn trong bụng mẹ, anh còn trẻ, đã già, đã chết; khi anh vượt ra ngoài cái chết. Hãy cùng lúc nghĩ đến những điều này: thời gian, nơi chốn, hành động, chất lượng, số lượng, và rồi anh sẽ hiểu được Thượng đế.
(Corpus Hermeticum, 11.18-22)
Hãy mở mang tâm trí theo cách này và mở rộng ý thức liên quan tới “sự cao thượng”, khả năng nhìn nhận một cách trung lập về những điều mà con người đã định giá sai như của cải, tài sản, địa vị xã hội.
Tư tưởng chính: “Góc nhìn từ trên cao” và “ý thức vũ trụ”
Hadot đã đặt tên cho một trong những bài tập tâm lý chính yếu của chủ nghĩa Khắc kỷ là “góc nhìn từ trên cao”, bao gồm việc hình dung thế giới như được nhìn từ bên trên – “góc nhìn từ đỉnh Olympus”. Có nhiều phiên bản khác nhau của bài tập rất cổ xưa này xuất hiện trong văn chương kinh điển, trong các trường phái triết học khác nhau. Quan sát thế giới từ trên cao là đi theo quan điểm triết học tự nhiên qua việc chiêm nghiệm tạo hóa, vũ trụ thực thể, với một tâm thế hoàn toàn tách biệt. Có một bài tập khác tương tự, bao gồm việc tưởng tượng toàn bộ không gian và thời gian như thể được nhìn từ góc nhìn của Thượng đế hay sự vĩnh cửu – một “điểm nhìn vũ trụ”.
Đây là một bài thiền thuộc vũ trụ học, chiêm nghiệm về toàn thể Tự nhiên như một thực thể duy nhất. Đối với người Khắc kỷ, những người theo thuyết phiếm thần, điều này tương đương với việc có cái nhìn thoáng qua về góc nhìn của thần Zeus, sự bình thản sâu sắc của ngài, sự cao thượng và không vướng bận nỗi đau của ngài. Như vậy, bài tập này liên kết triết học tự nhiên, thuyết thần học và liệu pháp tâm lý. Marcus Aurelius khuyên chúng ta “đừng bao giờ ngừng suy nghĩ về vũ trụ như một sinh vật sống, sở hữu một bản chất duy nhất và một tinh thần duy nhất” (Medittions, 4.40), và ông coi khái niệm này làm một kiểu bài tập tâm lý. Ngay cả khi ngày nay chúng ta tiếp cận khái niệm này đơn thuần như một ẩn dụ hay một “thí nghiệm tưởng tượng” thì chúng ta vẫn được lợi từ lời khuyên của ông.
Thực hành: Suy ngẫm về “Góc nhìn từ trên cao” và “điểm nhìn vũ trụ”
Đây là một bài tập lớn… Hãy nhắm mắt và thư giãn một chút trước khi thực hành, vì việc suy tưởng này sẽ đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực, hơn nữa còn cần thực hiện thường xuyên.
1. Tưởng tượng bạn thoát khỏi thể xác, vươn lên cao và nhìn xuống bản thân cùng những thứ xung quanh.
2. Trước tiên hãy hình dung lúc ấy bạn trông như thế nào, nếu từ ngoài nhìn vào.
3. Bây giờ hãy lên cao nữa và tưởng tượng những thứ xung quanh bạn trông ra sao khi nhìn từ trên cao. Nếu ở trong nhà, hãy tưởng tượng rằng trần nhà đã biến mất và bạn có thể quan sát mọi vật từ bên trên.
4. Bây giờ hãy lên cao nữa và tưởng tượng đang nhìn xuống thành phố bạn đang sống, suy ngẫm xem có bao nhiêu con người khác nhau ở đó, đang làm những việc khác nhau.
5. Hãy lên cao nữa, tưởng tượng về đất nước bạn đang sống, đất đai sông biển ở đó, suy ngẫm về thực tế có những vùng đông đúc hơn vùng khác và có vô số những điều đang xảy ra dưới đó.
6. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn lên tận trời và nhìn xuống toàn bộ hành tinh trái đất như nhìn từ không gian; nhìn thấy chỏm băng Bắc Cực và Nam Cực, những vùng đất và đại dương nằm giữa hai cực đó.
7. Nhớ lại thân xác của mình vẫn đang ở dưới đó, chỉ là một cư dân nhỏ bé trong hành tinh khổng lồ và đa dạng, nhưng đồng thời nhận thức rằng trí óc của bạn có khả năng thấu hiểu khái niệm toàn thể Tự nhiên. Hãy suy nghĩ về sự nhất thời và sự tương tác của vật chất và tưởng tượng vạn vật là một, là những bộ phận của một tổng thể duy nhất.
8. Nhận thức rằng cuộc sống của bạn là một phần của toàn bộ mạng lưới các sự kiện diễn ra trên trái đất bên dưới, ta chỉ là một trong hơn bảy tỷ người.
Theo thời gian, hãy cố mở rộng tầm nhìn để ngẫm nghĩ về toàn bộ không gian và thời gian, từ một “điểm nhìn có tính vũ trụ học” hơn. Nếu muốn, bạn có thể thử suy ngẫm về vũ trụ như được chứa đựng trong một quả cầu thủy tinh, như mô tả của Plotinus, hoặc thử nghiệm với những biến tấu khác. Trong quá trình suy ngẫm, hãy xem đâu là điều có vẻ tầm thường, đâu là điều quan trọng, và suy ngẫm xem việc suy tưởng này liên quan thế nào tới triết học Khắc kỷ mà bạn đang tìm hiểu. Hãy cố ghi nhớ những điều mà bài tập suy tưởng nói với bạn về cuộc sống, có thể bằng vài ghi chép ngắn gọn.
Ghi nhớ: Bạn không thể hình dung cả vũ trụ
Một số người nói thật khó mà hình dung toàn bộ không gian và thời gian! Chắc chắn là vậy rồi. Tuy nhiên, nếu đã có thể nói về nó thì chúng ta cũng có thể suy ngẫm về ý nghĩa của nó, và đó là tất cả những gì thật sự cần làm. Bạn có thể suy nghĩ sâu hơn về khái niệm trừu tượng, hoặc hình dung những mảnh hình ảnh nhỏ nhưng sẽ giúp được bạn ngẫm ngợi khái niệm về toàn bộ Tự nhiên theo cách này. Bạn cũng thể trình bày về Tự nhiên cho mình dưới dạng giản đồ bằng cách vẽ hay hình dung ra một dạng biểu đồ nào đó, thậm chí có thể đơn giản chỉ là một vòng tròn với một chấm nhỏ ở trung tâm để thể hiện toàn thể Tự nhiên là một thực thể duy nhất, và cơ thể bạn chiếm một phần nhỏ vô cùng trong không gian và thời gian lúc này.
Suy ngẫm về tính nhất thời và “sự tái diễn vĩnh cửu”
Cuốn Discourses còn sót lại của Epictetus đề cập rất ít đến Vật lý học, nhưng ông vẫn khuyên học trò thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng vũ trụ là một thực thể duy nhất là luôn biến đổi không ngừng – như các triết gia tự nhiên đã dạy. Điều này tất yếu dẫn tới việc suy ngẫm về tính chất ngắn ngủi của cuộc sống chúng ta.
Ta không bất tử, ta chỉ là một con người, là một phần của toàn thể, như một giờ của một ngày. Như một giờ, ta phải tới, và như một giờ, ta phải trôi đi.
(Discourses 2.5)
Thay đổi là quy luật của Tự nhiên. Bản thân chúng ta cũng không ngừng biến đổi, theo một nghĩa nào đó là không ngừng suy vi, và dần dần đi tới diệt vong cùng với toàn bộ vũ trụ. Epictetus dạy rằng nếu chúng ta coi bản thân tách biệt khỏi phần còn lại của vũ trụ, ta sẽ quên đi sự hữu hạn, tính hữu tử của mình. Tuy nhiên, nếu nhắc nhở bản thân rằng ta là một phần của chuỗi nhân quả đan xen, chúng ta sẽ nhớ về sự nhạy cảm trước những yếu tố ngoài tầm kiểm soát, thứ có thể hủy hoại thân thể. Đây là một quan điểm nhún nhường. Nhưng dẫu vậy, theo ông, khi tách rời bản thân khỏi Tự nhiên, theo đuổi ảo tưởng độc lập, chúng ta sẽ làm tổn hại tới bản chất cốt lõi của mình và không còn là con người thật sự.
Như đã thấy, Marcus cũng đã rèn luyện trí óc với triết học tự nhiên, để suy ngẫm về tính nhất thời của vật chất và sự biến đổi của chúng từ dạng này sang dạng khác, vì “không gì có ích cho sự lớn lao của trí óc đến thế” (Meditations, 10.11). Theo ông, bằng cách đó chúng ta sẽ giảm lệ thuộc vào thân xác và loại bỏ các nỗi sợ hãi hay khát khao những điều ngoại tại. Nó giải phóng chúng ta để trau dồi đức hạnh trong hành động và chấp nhận bất kỳ điều gì số phận dành cho mình. Do vậy, Marcus nhắc bản thân suy nghĩ về phép ẩn dụ nổi tiếng của Heraclitus, rằng thời gian như một dòng sông mà ở đó tất cả những gì là vật chất đều trôi đi, không ngừng biến đổi.
Hãy thường xuyên nghĩ về sự chóng vánh, rằng những điều đang tồn tại và những điều sắp sinh ra rồi cũng đều nhanh chóng bị cuốn qua ta và biến mất khỏi tầm mắt. Vì mọi vật chất là một dòng sông không ngừng chảy, hoạt động của nó không ngừng thay đổi và căn nguyên của nó có vô vàn biến thể, chẳng có gì là ổn định; bên cạnh chúng ta luôn luôn là sự vô tận của quá khứ và vực thẳm toác miệng của tương lai, nơi mọi sự sẽ biến mất. Há chẳng điên rồ hay sao nếu anh dương dương tự đắc trong môi trường đó, hoặc quẫn trú, hoặc phiền muộn như thể rắc rối sẽ cứ kéo dài và còn mãi?
(Meditations, 5.23)
Seneca nói thêm rằng đứng trên góc nhìn vĩnh cửu thì cuộc sống của con người ngắn hay dài chẳng có gì khác biệt nếu chúng ta so sánh số năm một người sống với số năm người ấy không tồn tại – trước và sau sự sống của anh ta.
Mọi con người đều có số phận là một cuộc đời ngắn ngủi, sẽ tàn lụi, và trong vô tận của thời gian chúng chẳng có nghĩa lý gì. Nếu tính theo quy mô của vũ trụ thì trái đất này với những thành phố, những dân tộc, những dòng sông và biển cả bao quanh chỉ nhỏ như một đầu kim; nếu so với toàn dòng thời gian thì cuộc sống của chúng ta chiếm chỗ còn nhỏ hơn rất nhiều so với đầu kim, vì sự vĩnh viễn của thời gian còn lớn hơn rất nhiều so với quy mô của vũ trụ – vũ trụ hiển nhiên không ngừng đổi mới trong suốt diễn tiến của thời gian.
(Seneca, Consolations to Marcia, 21)
Sức khỏe, của cải, danh vọng rốt cuộc dường như không còn quan trọng nữa khi chúng ta ngẫm đến phần thời gian thoáng qua của chúng trong vũ trụ. Tuy nhiên, người Khắc kỷ cũng tin rằng đức hạnh và eudaimonia thì muôn đời ưu tú và giá trị của chúng sẽ không giảm đi bởi khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi. Một hành động của tri thức và lòng can đảm mẫu mực dẫu xảy ra chỉ trong giây lát vẫn là một điều tốt về bản chất, trong khi đó khoảnh khắc của nỗi đau là thứ mà đa số người có thể coi là không đáng kể.
Người ta cũng tin rằng suy ngẫm về Vật lý học Khắc kỷ là để khám phá “tính đồng nhất” hay sự giống nhau và sự lặp đi lặp lại của vạn vật. Đối với nhà Hiền triết, không có gì là mới mẻ. Seneca trích dẫn câu nói kinh điển của Heraclitus: “Một ngày như mọi ngày” (Letters, 12).
Người thấy hiện tại là đã thấy tất cả: tất cả mọi sự đã xảy ra từ vĩnh cửu và mọi sự sẽ xảy ra đến vô tận, vì vạn vật đều đồng nhất và có dạng giống hệt nhau.
(Meditations, 6.37)
Vật lý học Khắc kỷ tin rằng vũ trụ biến đổi nhanh chóng và không ngừng, xét về các đặc tính vật lý của nó. Tuy nhiên, từ một quan điểm khác, thì những điều quan trọng nhất trong cuộc sống sẽ luôn duy trì tuyệt đối tính nhất quán. Đây là quan điểm của Vật lý học Khắc kỷ và Kỷ luật Hành động, vì mọi đức hạnh là một và mọi sự kiện ngoại tại đều (tuyệt đối) không quan trọng ngang nhau, có vai trò “chẳng khác gì nhau” đối với cuộc sống hạnh phúc. Có rất nhiều thế hệ trước chúng ta, và nhiều thế hệ sẽ tới sau ta. Mặc cho những khác biệt bề ngoài, tất cả đều đối diện với cùng thách thức cơ bản: trở thành người tốt bằng cách phát triển bản chất cốt yếu của mình.
Mặc dù đa số bị lóa mắt vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, nhưng mỗi khoảnh khắc chúng ta trải qua về cơ bản đều đẩy chúng ta vào cùng một tình thế lưỡng nan về mặt đạo đức, dưới những lớp vỏ khác nhau. Chúng ta nhảy từ thứ ngoại tại này sang thứ ngoại tại khác, nhưng quyết định thật sự mà chúng ta liên tục phải đương đầu đơn giản vẫn chỉ là nên đặt cái tốt của chúng ta vào điều nội tại hay ngoại tại, ở những điều trong tầm kiểm soát hay ngoài tầm kiểm soát.
Mỗi khi nâng mình lên thế này, hãy quan sát thế sự của cõi người từ trên cao, anh sẽ luôn nhìn thấy cùng một điều: sự đồng dạng và sự ngắn ngủi. Nghĩ xem, lại chính là điều con người hay khoe khoang.
(Meditations, 12.24)
Do vậy, nhà Hiền triết Khắc kỷ trước sau như một, không bị lay chuyển bởi hoàn cảnh thay đổi. Anh ta nhận thức rằng mặc dù thể xác đòi hỏi vô số thứ nhưng trí óc chỉ cần đức hạnh, thứ về cơ bản là không thay đổi trong mọi hoàn cảnh. Vậy nên, thấu hiểu được “sự không đổi” ẩn tàng này là một con đường khác để Vật ký học Khắc kỷ dẫn tới Kỷ luật Khát khao và hướng về sự cao thượng lớn lao hơn.
Tuy nhiên, người Khắc kỷ còn có một quan điểm khác về thời gian, một quan điểm có đôi chút mù mờ mà có lẽ họ thừa hưởng từ các triết gia thời kỳ trước. Họ tin rằng vũ trụ một ngày nào đó sẽ bị hủy diệt trong một “trận đại hỏa hoạn” hay một vụ nổ lớn. Tuy nhiên, họ cũng tin nó sẽ tự tái tạo trong hình hài tương tự và chu kỳ này sẽ lặp lại bất tận. Có lẽ do niềm tin vào sự định đoạt của luật nhân quả mà họ cho rằng toàn bộ chuỗi các sự kiện mỗi lần lặp lại sẽ hoàn toàn giống y như cũ.
Không rõ người Khắc kỷ có thật sự sử dụng khái niệm “tái diễn vĩnh viễn” như một bài tập tâm lý hay không. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, Nietzsche đã tận dụng nó như một phương tiện để phát triển cái mà ông gọi là amor fati (yêu số mệnh của mình). Theo lý thuyết tái tạo vĩnh viễn, mặc dù các sự kiện riêng lẻ là thoáng qua và nhất thời nhưng khi được nhìn từ quan điểm vũ trụ học chúng cũng là vô tận trong một ý nghĩa riêng biệt rằng chúng được lặp đi lặp lại vô số lần, dẫu trong mỗi chu kỳ của vũ trụ thì chỉ xảy ra một lần. Chính vì vậy, theo người Khắc kỷ, mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời của bạn vừa là thoáng qua vừa là vĩnh viễn. Đây chắc chắn là một khái niệm bẻ cong tâm trí. Có thể bạn đã đọc cuốn sách này hàng tỉ tỉ lần trước đây, có cùng những suy nghĩ và cảm xúc giống hệt, và sẽ còn tiếp tục như vậy nhiều lần nữa, muôn đời…
Tư tưởng chính: “Vạn vật đều chuyển động” và “sự tái diễn vĩnh cữu”
Ngày nay nhiều người biết đến học thuyết “vô thường” như một trong những nền tảng của triết lý Phật giáo. Tuy nhiên, hơn 500 năm trước khi bản kinh Phật đầu tiên được viết ra, triết gia bí ẩn thời tiền Socrates là Heraclitus đã đưa ra một học thuyết nổi tiếng có tên gọi panta rhei hay là “vạn vật đều chuyển động”. Theo Heraclitus, không có gì là mãi mãi không thay đổi và ông minh họa bằng phép ẩn dụ nổi tiếng về dòng sông: “Anh không thể tắm hai lần trên một dòng sông, vì dòng nước mới đã chảy tới”.
Ý tưởng này trở nên rất nổi tiếng qua các đoạn đối thoại của Plato. Tuy nhiên, Vật lý học Khắc kỷ rõ ràng chịu ảnh hưởng từ triết học tự nhiên của Heraclitus. Marcus Aurelius đề cập tới thuyết của Heraclitus xuyên suốt trong cuốn Meditations, đặt ông bên cạnh những triết gia vĩ đại khác như Socrates, Diogenes, Pythagoras (Meditations, 6.47, 8.3). Với người Khắc kỷ, thuyết “vạn vật đều chuyển động” quan trọng, bởi – như một phần của Kỷ luật Khát khao – nó có tác động tâm lý giảm nhẹ tầm quan trọng được gán cho những điều ngoại tại và sự gắn bó (hay chán ghét) của chúng ta đối với chúng.
Người Khắc kỷ tin rằng linh hồn không bất tử mà thuộc về thân thể, vì vậy mà có tính nhất thời. Vậy làm sao chúng ta có thể chấp nhận sự hữu hạn của mình? Họ có một học thuyết kỳ lạ đưa ra lời giải cho câu hỏi này, nó thu hút các triết gia khác, đáng chú ý nhất là Friedrich Nietzsche. Thuyết “tái diễn vĩnh cửu” cho rằng vũ trụ sẽ được tái tạo, bắt đầu và kết thúc bằng một trận hỏa hoạn mang tầm vũ trụ. Nietzsche coi điều này là sự nối tiếp của quan điểm cho rằng vũ trụ bắt đầu từ hư không và vạn vật được định đoạt bởi quy luật Tự nhiên. Rốt cuộc vũ trụ sẽ trở về hư không và từ đó toàn bộ chu kỳ sẽ lại bắt đầu, theo một chu trình y hệt. Không rõ đây có chính xác là những gì người Khắc kỷ muốn nói hay không. Tuy nhiên, Nietzsche có thể đã đúng khi nhìn nhận điều này như một tư tưởng giàu sức mạnh về tâm lý học. Có lẽ chúng ta không cần phải bất tử, miễn là ta có thể tái sinh?
Thực hành: Suy tưởng về sự vô tận của thời gian và sự tái diễn vĩnh cửu
Đây lại cũng là một bài tập lớn… Một lần nữa, bạn hãy thu xếp thời gian thả lỏng và ổn định, nhắm mắt, để cơ thể thật thoải mái và tâm trí thật sẵn sàng trước khi bắt đầu.
1. Tập trung sự chú ý vào việc bạn đang làm, chú tâm vào hành động trong khoảnh khắc hiện tại.
2. Từ từ mở rộng tầm nhìn về thời gian, nhận thức sự nhỏ nhoi của thời khắc hiện tại, về mỗi giây trôi qua trong tổng thời gian ban ngày bạn thức. Nếu cần, hãy quan sát kim giây trên đồng hồ của bạn và nhớ rằng có đến 86.400 giây mỗi ngày!
3. Bây giờ hãy nghĩ về thời khắc hiện tại đặt trong cả một cuộc đời, những năm tháng phía sau, phía trước, và cách mà những khoảnh khắc vừa trôi qua trước đó hay sẽ được tiếp nối bởi hằng hà sa số những khoảnh khắc khác - tất cả khác nhau mà cũng lại giống nhau.
4. Bây giờ hãy nghĩ về cuộc đời của bạn giữa rất nhiều cuộc đời khác, những người đi trước và hàng tỉ tỉ người khác sẽ theo sau. Hãy nghĩ đã bao người nổi tiếng và quan trọng đã sống và chết trước bạn (“Bây giờ họ ở đâu?”), cả những người sẽ sống và chết sau khi bạn đã ra đi.
5. Bây giờ hãy mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ về toàn bộ lịch sử nhân loại như một phần lịch sử tự nhiên của hành tinh trái đất. Hãy nghĩ xem sự hiện diện của loài người mới ngắn ngủi làm sao so với toàn bộ chiều dài sự sống của hành tinh này. Con người hiện đại mà chúng ta biết ngày nay mới xuất hiện khoảng vài trăm nghìn năm, nhưng sự sống của động vật đã có mặt trên trái đất hàng tỉ năm.
6. Bây giờ hãy nghĩ về toàn bộ lịch sử hành tinh trái đất, nó đã sinh ra từ tro tàn sau vụ nổ của một ngôi sao hàng tỉ năm trước và một ngày nào đó cũng sẽ bị nuốt chửng trong lửa mặt trời. Hãy ngẫm nghĩ về nơi chốn của chúng ta, ngay lúc này, trong kỷ nguyên vũ trụ mênh mông.
7. Cuối cùng, hãy suy ngẫm về lịch sử của toàn thể vũ trụ, xem thời khắc hiện tại nhỏ bé thế nào trong dòng sông thời gian – chỉ là một vòng quay của cái đinh ốc trong kỷ nguyên vũ trụ dài lâu không tả nổi; hãy nghĩ về tính nhất thời của vạn vật, bao gồm cả cuộc sống của chính bạn và suy ngẫm về mọi điều đã cùng xảy ra trong suốt thời gian như một, như những phần của một tấm thảm, những sợi chỉ đã được đan chặt vào nhau hình thành nên toàn bộ câu chuyện vũ trụ.
Nếu muốn, bạn cũng có thể tưởng tượng rằng dù mỗi thời khắc là thoáng qua nhưng toàn bộ vũ trụ một ngày nào đó rồi cũng sẽ bị hủy diệt, và giống như phượng hoàng, nó sẽ lại trỗi dậy trong đúng hình hài, vô số lần. Như vậy, mỗi khoảnh khắc cuộc đời của bạn đã được diễn ra vô số lần trước đó và sẽ tiếp tục được lặp lại đời đời trong tương lai. Hãy suy nghĩ về mỗi khoảnh khắc vừa nhất thời vừa vĩnh viễn theo cách riêng biệt này. Quan trọng không phải là điều gì xảy ra mà bạn đáp lại điều xảy ra như thế nào. Một lần nữa, hãy ghi nhớ những gì bạn nhớ được và tiếp tục suy ngẫm, kết nối bài thiền định này với việc nghiên cứu chủ nghĩa Khắc kỷ.
Ghi nhớ: Bài tập về sự cao thượng
Một số người có thể cho rằng những bài tập này khiến cho họ cảm thấy bản thân nhỏ bé và vô nghĩa theo kiểu hết sức nản lòng. Epictetus đáp lại phê bình này và dạy học trò của mình rằng mặc dù thân thể của chúng ta thật sự rất nhỏ bé và chỉ là một phần nhất thời của thế giới vật chất, nhưng nghịch lý là, xét về nhận thức, chúng ta lại ngang bằng với các vị thần linh, ta có thể với tới tận mênh mông của Tự nhiên. Theo chủ nghĩa phiếm thần, người Khắc kỷ cho rằng việc suy tưởng về toàn bộ sự tồn tại tương đương với việc đang sử dụng điểm nhìn của thần Zeus, người vĩnh viễn suy ngẫm về sáng tạo của mình. Bởi vậy, bài tập này chính là một cách để noi gương thần Zeus và mô phỏng theo điểm nhìn tựa thánh thần của nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng.
Theo Seneca, bởi điều tốt thật sự ngự trị duy nhất trong trí óc của chúng ta, trong “năng lực kiểm soát” hay nhận thức của chúng ta, nên ta phải bằng cách nào đó tìm cách mở mang phần đó trong mình, vì khi làm như vậy chúng ta sẽ “vượt lên trên” những thứ ngoại tại và giảm tầm quan trọng mà người ta đã gán cho chúng. Chúng ta sẽ trở nên “lớn hơn” những sự kiện khiến hầu hết mọi người khó chịu. Người Khắc kỷ nói “sự cao thượng” hay sự vĩ đại ấy của tâm hồn, là một đặc tính cốt yếu của mọi đức hạnh đích thực. Những vấn đề của nhân loại dường như nhỏ bé và xa cách, làm cho thái độ bàng quan của người Khắc kỷ dành cho chúng dễ được chấp nhận hơn.
Việc thường xuyên trở lại các bài tập thay đổi góc nhìn có thể giúp bạn quản lý các cảm xúc và khao khát, có được tia sáng của bình yên, và tiến từng bước nhỏ tới mục tiêu cao quý của người Khắc kỷ là eudaimonia.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Người Khắc kỷ tin rằng chúng ta có thể mở mang trí óc qua triết học tự nhiên hoặc qua nghiên cứu Vật lý học khi ta coi nó như một bài tập suy tưởng.
• “Góc nhìn từ trên cao” và phép ẩn dụ về “lễ hội” đã được người Khắc kỷ sử dụng để thay đổi góc nhìn về cuộc sống và luyện cho họ quan sát các sự kiện với sự cao cả và vô tư hơn.
• “Vật lý học” hay triết học về tự nhiên đã là cơ sở cho nhiều bài tập suy tưởng, được người Khắc kỷ sử dụng để chuyển đổi tâm lý và đạo đức như một phần của Kỷ luật Khát khao.
Bước tiếp theo
Trong chương cuối, chúng ta sẽ khám phá suy tưởng của người Khắc kỷ về cái chết, một sự tiếp nối tự nhiên sau “góc nhìn từ trên cao”. Tuy nhiên, tôi thấy cần phải ngưng một chút để quan tâm đến những lời tuyệt diệu đây của Spinoza1 :
Nếu con đường ta đã chỉ ra để dẫn tới đây quá khó khăn, nó vẫn có thể được khám phá.
Và rõ ràng nếu đã hiếm khi tìm thấy như thế, nó hẳn phải khó khăn.
Bởi nếu sự cứu rỗi ở ngay đây và có được không chút khó khăn, mọi người đều sẽ hờ hững đến chừng nào?
Nhưng mọi điều đẹp đẽ đều khó khăn, tựa sự hiếm hoi của chúng.
(Spinoza, Ethica, 5.42n)
1 Baruch Spinoza (1632–1677) là triết gia người Hà Lan – Do Thái. Ông được coi là một trong những người tiên phong của Thời kỳ Khai sáng, đề xướng khái niệm về bản thân và vạn vật. Ông là một trong những triết gia duy lý quan trọng nhất thế kỷ 17. Spinoza phê bình Kinh Thánh và bị khai trừ khỏi cộng đồng Do Thái từ khi còn trẻ, người đương thời coi ông là “kẻ vô thần”.