T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Cách người Khắc kỷ thực hành chánh niệm hay chú tâm tới năng lực kiểm soát của mình và nghệ thuật phân biệt giữa những điều trong tầm kiểm soát với những điều ngoài tầm kiểm soát.
- Cách sử dụng chiến lược trì hoãn cổ xưa nhờ không vội đáp lại các cảm giác ban đầu cho tới khi có thể bình tĩnh đánh giá chúng.
- Cách người Khắc kỷ áp dụng các bài thực hành thiền định buổi sáng và buổi tối từ các môn đồ của Pythagoras để duy trì kỷ luật tự giác và thói quen rèn tính bình thản một cách có bài bản mỗi ngày.
Khi anh buông lỏng sự chú ý dẫu trong chốc lát, đừng tưởng rằng hễ muốn là anh sẽ khôi phục được nó ngay, hãy nhớ rằng vì lỗi lầm phạm phải hôm nay mà tình cảnh của anh nhất định sẽ tồi tệ hơn trong mọi sự. Bởi, đầu tiên - và đây cũng là điều tệ nhất - anh hình thành thói quen không chú ý, sau đó là thói quen trì hoãn sự chú ý và rồi hết lần này đến lần khác anh dần quen với việc thoái thác một lối sống thanh thản và phù hợp, lối sống hòa hợp với Tự nhiên, và anh mãi mãi lạc lối như vậy.
(Epictetus, Discourses, 4.12)
Mỗi tối trên giường, đừng vội khép mi chìm vào giấc ngủ
Khi anh còn chưa kiểm điểm mọi hành động trong ngày bằng lý trí.
Có việc nào ta đã làm sai? Ta đã làm gì? Có điều gì nên làm mà ta bỏ sót ?
Trong cuộc kiểm điểm này, nếu anh thấy mình đã làm sai, hãy nghiêm khắc tự khiển trách chính mình;
Nếu anh làm điều gì tốt, hãy tự hào.
Thực hành thật kỹ những điều này, suy ngẫm về chúng và nên yêu quý chúng hết lòng.
Bởi chính chúng sẽ đưa anh vào con đường của đức hạnh cao quý.
(The Golden Verses of Pythagoras)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ về tự vấn
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Lưu tâm đến những phán xét giá trị của mình suốt cả ngày là việc rất quan trọng.
2. Điều quan trọng nhất cần đánh giá là liệu các cảm giác rối loạn có liên quan tới những thứ trong tầm kiểm soát của mình hay không.
3. Mỗi buổi sáng chúng ta nên lập kế hoạch cho hành động của mình, sau đó xem xét chúng vào mỗi buổi tối, đánh giá xem mình đã sống khôn ngoan hay chưa.
Sự phát triển của tự nhận thức trong chủ nghĩa Khắc kỷ
Ngày nay nhiều người bị thu hút bởi các truyền thống phương Đông, như Phật giáo, vì chúng cung cấp sự hướng dẫn về nghệ thuật sống. Một trong những khía cạnh nổi tiếng nhất của thực hành Phật giáo là nhấn mạnh việc tu dưỡng “chánh niệm” trong lúc thiền định và trong cuộc sống thường nhật. Như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại cũng đặc biệt coi trọng những khái niệm và những bài thực hành tương tự. Gần sát nhất với thuật ngữ “chánh niệm”, người Khắc kỷ có thuật ngữ prosochê, hay “sự chú ý”, chỉ việc không ngừng tự kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình khi chúng xảy ra.
Sự chú ý (prosochê) là trạng thái tinh thần Khắc kỷ cơ bản. Đó là sự cảnh giác và hiện diện không ngừng của tâm trí, của sự tự ý thức không ngơi nghỉ và một tinh thần không bao giờ lơi lỏng. Nhờ thái độ này, triết gia hoàn toàn ý thức được việc mình làm trong mỗi thời khắc và quyết chí hành động một cách trọn vẹn.
(Hadot, 1995, tr. 84)
Người Khắc kỷ không tu dưỡng chánh niệm về cơ thể hay hơi thở mà đặc biệt quan tâm đến “năng lực kiểm soát” có ý thức (hêgemonikon), chức năng trung tâm và quan trọng nhất của trí óc. Nói về năng lực kiểm soát, Epictetus cho rằng một triết gia giỏi “có rất nhiều con mắt” và rằng so với một triết gia giỏi thì Argus Panoptes – “người thấy tất cả”, gã khổng lồ trăm mắt trong thần thoại – hoàn toàn mù tịt, bởi vì ở năng lực kiểm soát này đã tập trung sự chú ý nghiêm túc (prosochê) và năng lượng của anh ta (Discourses, 3.22).
Theo một nghĩa nào đó, Đạo đức học Khắc kỷ chắc chắn dẫn tới một kiểu chánh niệm có ý nghĩa hơn. Một khi chấp nhận rằng bản chất đích thực của “điều tốt” tối thượng là đức hạnh, thứ vốn ngụ bên trong mỗi người, chúng ta tự nhiên sẽ tập trung chú ý vào nguồn gốc của nó, vì nó là điều quan trọng nhất trong vũ trụ.
Thực hành Khắc kỷ cơ bản là một bài tập chiêm nghiệm về “cái tốt” và vì vậy cũng là một bài tập chánh niệm về phán xét và hành động chủ động của chúng ta. Hơn nữa, đối với người Khắc kỷ, “năng lực kiểm soát” có ý thức là bản chất của cái tôi đích thực. Tự nhận thức hơn cũng chính là nhận thức rõ ràng hơn về tự do vốn có của chúng ta, và theo một cách hiểu nào đó cũng là giác ngộ hơn. Epictetus thường xuyên nhắc nhở học trò rằng Tự nhiên đã giao phó cho họ một ngọn lửa thiêng là năng lực lý trí, và trách nhiệm thiêng liêng của họ là liên tục canh giữ và bảo vệ nó trong mọi hoàn cảnh. Ba kỷ luật Khắc kỷ đối với khát khao, hành động và phán xét dẫn đến một kiểu chánh niệm về ba chức năng của năng lực kiểm soát, từ đó chúng ta có thể đạt được sự kiểm soát chủ động.
Epictetus có bài giảng On Attention (tạm dịch: Về sự chú ý) (hay prosochê) nói về khái niệm chánh niệm của người Khắc kỷ. Ông đưa ra một câu hỏi tu từ: “Người không chú ý thì có thể làm được điều gì tốt hơn?”. Ông cũng hỏi học trò rất cụ thể: “Vậy thì ta cần chú tâm vào những điều gì?”. Câu trả lời nằm trong hai “nguyên tắc chung” của chủ nghĩa Khắc kỷ mà chúng ta nên ghi nhớ trong mọi tình huống:
1. Không ai kiểm soát ý chí và mục đích đạo đức của người khác
2. Cái tốt và xấu của mỗi người duy được tìm thấy duy nhất trong ý chí của người đó.
Nói cách khác, người Khắc kỷ cần liên tục lưu tâm tới ý chí (prohairesis) của mình. Và suy nghĩ, hành động chủ động là thứ duy nhất hoàn toàn trong tầm kiểm soát của ta.
Chúng ta phải thường xuyên canh chừng bản thân, đặc biệt khi liên quan tới những điều “có lợi” hay “có hại” nhất đối với một cuộc sống tốt và đạt được Hạnh phúc hoàn hảo (eudaimonia). Đạo đức Kinh của Lão Tử nói rằng người khôn ngoan luôn “thận trọng như người băng qua một dòng suối mùa đông”. Epictetus cũng nói người Khắc kỷ phải luôn thận trọng trong mọi hành động để không sa đà vào cái xấu, cái dại và làm tổn hại tới “năng lực kiểm soát” của mình.
Việc không bao giờ mắc lỗi là bất khả, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng cam kết cố gắng không mắc lỗi và có thể hài lòng nếu tránh được vài lỗi nhờ “không bao giờ lơi lỏng chú ý”. Tương tự như vậy, Musonius Rufus nói thẳng rằng chúng ta không bao giờ được buông lỏng sự chú ý của mình, vì nếu “để cho tâm trí lơi lỏng thì ta sẽ đánh mất nó” (Sayings, 52). Theo một nghĩa nào đó, bỏ mặc chánh niệm chính là không có đầu óc.
Theo đó, Epictetus nhấn mạnh rằng một khi sự chú ý đã được phép đi lang thang thì việc triệu hồi nó không còn hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta nữa. Khi hành động như những cỗ máy tự động, chúng ta đã không còn là triết gia, không còn là người Khắc kỷ. Nói “Ngày mai tôi sẽ chú ý” nghĩa là chúng ta đang ngầm nói với bản thân rằng hôm nay ta tình nguyện hy sinh sự suy xét khôn ngoan và cẩn trọng, cho phép bản thân phiền muộn bởi hành động của người khác, để mình giận dữ và để sự ghen tức chế ngự. Epictetus giải thích rằng có thể coi đây là một dạng giao dịch tài chính, chúng ta trao đi sự tự nhận thức để đổi lấy một thứ khác. Tuy nhiên, lơi lỏng sự chú ý thì giao dịch không bao giờ “có lãi”, vì trong bất kỳ giao dịch nào hy sinh tự do và đức hạnh, chúng ta đều đã bán khống chính mình. Sách The Gospel of Mark (tạm dịch: Sách Phúc Âm Mark) cũng có lời tương tự: “Anh ta lời lãi gì khi có được cả thế giới nhưng lại đánh mất linh hồn mình?” (8.36).
Do vậy, luyện tập chánh niệm và “tự vấn” theo triết học là một phần không thể tách rời của chủ nghĩa Khắc kỷ. Nói về việc làm chủ Cảm xúc của mình, Galen, thầy thuốc của Marcus Aurelius, cho rằng chúng ta phải chiêm nghiệm The Golden Verses of Pythagoras (tạm dịch: Những lời vàng của Pythagoras) ít nhất hai lần mỗi ngày như một phần của việc trị liệu cảm xúc. Ông khuyên mỗi sáng trước khi làm công việc thường ngày, chúng ta nên đọc những đoạn thơ sau đó đọc to lên lần nữa, và mỗi tối trước khi đi ngủ cũng vậy. Cả Seneca và Epictetus đều dạy người khác sử dụng kỹ thuật thiền định Pythagoras mỗi tối như một phần của bài luyện Khắc kỷ, nhưng các ông này không đi sâu vào chi tiết thể thức luyện tập.
Rất may là chúng ta có thêm được thông tin từ các triết gia Tân Plato đặc biệt quan tâm tới học thuyết Pythagoras. Theo Iamblichus1, những người theo học thuyết Pythagoras thường dậy trước bình minh, lặng ngắm và tôn sùng mặt trời mọc, tựa một phần của thiền định vũ trụ học. Pythagoras dạy họ đừng bao giờ làm điều gì trước khi đánh giá một cách lý trí và thảo luận với người khác, đồng thời phải lập kế hoạch hành động cho ngày mới vào mỗi buổi sáng. Mỗi tối, họ xem xét lại hành động của ngày hôm đó; việc này có hai mục đích. Một là tăng cường trí nhớ và hai là cho phép họ đánh giá lại cách cư xử của mình. Thầy dạy của Iamblichus là Porphyry đã đưa ra mô tả chi tiết hơn, ông nói rằng Pythagoras khuyên chúng ta cần đặc biệt tập trung chú ý hai lần mỗi ngày: khi đi ngủ chúng ta nên xem xét lại các hành động đã qua của mình, giải thích chúng với chính mình, và mỗi sáng khi thức giấc ta nên lên kế hoạch những việc cần làm một cách khôn ngoan. Giống như Galen, ông cũng khuyên chúng ta nên đọc kỹ The Golden Verses of Pythagoras và lặp lại những lời sau đây trước khi ngủ:
1 Iamblichus (245–325) là triết gia người Syria, một trong những tên tuổi quan trọng của của trường phái Tân Plato.
Đừng để giấc ngủ khép mắt anh
Chừng nào còn chưa suy ngẫm ba lượt về những gì anh làm trong ngày;
Anh lầm lỡ ra sao?
Anh có thành tích gì không?
Có nhiệm vụ nào anh còn dang dở?
(Porphyry, Life of Pythagoras)
Sau khi thức giấc, chúng ta nên đọc những dòng sau đây:
Ngay khi anh thức giấc, hãy lên kế hoạch tuần tự
Việc cần làm ngày hôm nay.
Như chúng ta sẽ thấy, từ nhiều thế kỷ trước người Khắc kỷ đã sử dụng những dòng tương tự để thực hành thiền định. Đây là thói quen luyện trí óc, và cũng giống như mọi chế độ luyện tập thể chất, nó đòi hỏi kỷ luật tự giác để mỗi sáng kiên nhẫn nhẩm trước những việc cần làm và mỗi tối nghiêm túc tự kiểm điểm hành động của bản thân. Nghi thức của các môn đồ Pythagoras này đã cung cấp nền tảng thực hành hằng ngày quan trọng cho người Khắc kỷ.
Điển cứu: Zeno diện kiến Vua Antigonus
Nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng sẽ làm gì để tránh chứng “sợ sân khấu” nếu ở vào vị trí của người chơi đàn xi-ta được đề cập ở trên? Epictetus nói rằng ông sẽ tự rèn trước cho bản thân thấu hiểu tính trung lập của những điều ngoại tại, để “không bao giờ cảm thấy bị cản trở, không bao giờ thấy bị kìm chế, không bao giờ cảm thấy lo lắng” (Discourses, 2.13). Ông dẫn ví dụ về Zeno, người đã luyện tập gắt gao để vượt qua chứng sợ xã hội khi bắt đầu học triết học dưới sự chỉ dẫn của Crates, một người nổi tiếng của chủ nghĩa khuyển nho. Sau vụ đắm tàu và phải đi khắp Athens mà không một xu dính túi, Zeno lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình.
Một ngày nọ, Crates yêu cầu ông ôm một cái nồi đất đựng đầy súp đậu lăng đi qua khu của những người thợ gốm. Đây thật ra là một bài luyện tập phổ biến của người theo chủ nghĩa khuyển nho để luyện tinh thần “không xấu hổ”. Zeno sợ mình trông quá ngốc nghếch nên cố giấu chiếc nồi dưới lớp áo choàng. Khi phát hiện Zeno làm vậy, Crates đã đập nát chiếc nồi, khiến súp đổ hết lên khắp người Zeno, chảy từ trên người xuống dưới chân. “Can đảm lên người Phoenicia bé nhỏ của ta”, Crates nói, “có gì kinh khủng đâu, chỉ là súp thôi mà!”. Các bài luyện “tấn công sự xấu hổ” tương tự, như buộc dây vào một quả chuối rồi kéo đi vòng quanh khu mua sắm, đôi khi được sử dụng trong liệu pháp CBT hiện đại, nhằm giúp người ta vượt qua cảm giác xấu hổ về việc mình trông ngốc nghếch trong mắt người khác.
Những bài tập luyện này có vẻ thật sự đã giúp Zeno không còn quá bận tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình. Do vậy mà nhiều thập kỷ sau Epictetus khuyên chúng ta suy ngẫm về tấm gương không lo lắng gì của Zeno khi diện kiến nhà vua xứ Macedonia, Antigonus II Gonatas, một lãnh tụ quân sự và chính trị hùng mạnh. Antigonus lúc bấy giờ đang tìm các triết gia khuyển nho và Khắc kỷ tháp tùng trong chuyến đi tới Athens để nghe bài thuyết giảng của Zeno tại Stoa Poikilê. Nghe kể rằng đây là lần đầu tiên diện kiến nhà vua nhưng Zeno chẳng hề bận tâm, vì quyền lực của nhà vua không là gì với những điều mà Zeno coi là quan trọng và ông cũng chẳng hề muốn sở hữu những gì nhà vua có. Ngược lại, vua Antigonus mới là người hồi hộp về cuộc gặp gỡ vì muốn gây ấn tượng với vị triết gia - điều vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngài.
Một truyền thuyết tương tự kể rằng Alexander Đại đế có lần đến thăm nhà khuyển nho Diogenes, người mà ngài vô cùng ngưỡng mộ. Đại đế hỏi Diogenes có muốn ngài làm gì cho ông không, và đã nhận được câu trả lời: “Có, nhờ ngài tránh sang một bên, ngài đang che khuất ánh sáng”.
Trong cả hai câu chuyện, nhà vua hùng mạnh với của cải vật chất và quyền lực bỗng bị hạ thấp địa vị khi đối diện với sự bàng quan hoàn toàn trước những điều ngoại tại của các vị triết gia không xu dính túi. Tương truyền, về sau vua Antigonus ngưỡng mộ Zeno đến mức ngài có thể nói tự coi mình là một người Khắc kỷ đầy ý chí. Ngài còn viết một bức thư khẩn nài Zeno tới Macedonia làm thầy riêng cho mình, nhưng Zeno đã quá già yếu để có thể thực hiện chuyến đi đó nên đã cử một trong những học trò ưu tú nhất của mình là Persaeus đi thay (Lives, 7.6). Vua Antigonus viết cho Zeno bức thư, viết rằng: “Trong khi xét về của cải và danh vọng, ta có thể coi mình cao hơn ông, nhưng xét về lý trí và giáo dục, cũng như xét về Hạnh phúc hoàn hảo (eudaimonia) mà ông đạt được, ta coi mình là kẻ dưới trước ông”.
Tư tưởng chính: Chánh niệm Khắc kỷ
Từ prosochê, nghĩa đen là “sự chú ý” tới “năng lực kiểm soát” có ý thức của con người, có thể diễn giải là chánh niệm Khắc kỷ. Từ này thật ra không được dùng thường xuyên trong các tài liệu còn sót lại nhưng rõ ràng nó đề cập tới một khái niệm trung tâm của thực hành Khắc kỷ và chúng ta có hẳn một bài giảng của Epictetus bàn về khái niệm này (Discourses, 4.12). Bởi vì con người thường tự nhiên chú ý tới những điều quan trọng nhất, nên nhà Hiền triết khắc kỷ không ngừng chú tâm tới nguồn gốc của đức hạnh, tới phán xét và hành động chủ động của mình, việc này giúp anh ta tự chủ một cách khác thường trong bất kỳ tình huống nào. Một trong những “Cảm xúc lành mạnh” được tu dưỡng trong chủ nghĩa Khắc kỷ, gọi là eulabeia, nghĩa là “cẩn trọng” hay “suy xét khôn ngoan”, cũng có thể được xem là một hình thức chánh niệm. Nó được định nghĩa là một cảm xúc lý trí không muốn bị rơi vào điều tồi tệ hay xấu xa, một dạng tự ý thức lành mạnh giữ cho chúng ta không bị cuốn theo những nỗi sợ hãi hay khát khao không lành mạnh.
Chiếc nĩa Khắc kỷ
Như chúng ta đã thấy, chánh niệm của người Khắc kỷ bắt nguồn từ giáo lý trung tâm rằng chỉ những gì trong tầm kiểm soát của chúng ta mới có thể “tốt” hay “xấu”, còn thì tất cả những thứ ngoại tại đều “không quan trọng”. Phần mở đầu cuốn Handbook (hay Encheiridion) được Arrian, học trò của Epictetus, biên soạn từ các bài giảng của ông, đã giải thích rõ ràng giáo lý này và mối quan hệ của nó với việc thực hành Khắc kỷ. Đây là một trong những đoạn viết quan trọng nhất trong số các tài liệu Khắc kỷ còn sót lại, đặc biệt để áp dụng chủ nghĩa Khắc kỷ vào cuộc sống thường nhật. Đoạn viết có thể được tóm lược lại như sau:
- Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, một số điều khác thì không.
- Phán xét là thứ nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nhất là các phán xét giá trị về điều gì là “tốt”, “xấu”, “có ích” và “có hại”, cũng như “những thôi thúc” hay ý định hành động chủ động của chúng ta, nỗi khao khát và chán ghét dựa trên đó, tóm lại là mọi hành động chủ động của chúng ta.
- Ngược lại, cơ thể không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, cũng như của cải, danh tiếng, địa vị xã hội hay nghề nghiệp, tóm lại là tất cả những thứ không thuộc hành động chủ động của chúng ta.
- Cái gì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta thì chính là cái tôi đích thực của ta, và nó cố nhiên tự do, không bị ngăn trở, không bị chặn đứng; trong khi những gì nằm ngoài tầm kiểm soát thì yếu đuối, lệ thuộc, bị cản trở và xa lạ với chúng ta, không phải cái tôi đích thực của ta.
- Vì vậy, hãy nhớ rằng nếu bạn lẫn lộn những điều này, mong chờ thứ vốn lệ thuộc được tự do, mong thứ không thuộc về bạn trở thành của bạn, thì bạn sẽ cảm thấy bị cản trở, đau khổ và phiền muộn, rồi bạn sẽ tức giận đổ lỗi cho nhân loại, chán ghét cuộc sống và thậm chí thù ghét các thần linh.
- Ngược lại, điều mà triết học hứa hẹn là nếu bạn nghĩ chỉ cái gì thuộc về bạn mới là của bạn, cái gì không thuộc về bạn thì không phải là của bạn, thì sẽ chẳng ai bắt buộc được bạn làm điều gì hay ngăn cản bạn không được làm điều gì. Bạn sẽ không bao giờ phàn nàn hay phê phán ai, cũng sẽ không làm điều gì trái với ý chí của mình. Bạn sẽ không có kẻ thù, không bị ai hại, bởi chẳng có điều tai hại nào có thể chạm tới cái tôi đích thực của bạn.
- Với những mục tiêu tham vọng như thế, bạn phải nhớ thôi thúc mình theo đuổi mục tiêu không chút do dự, vì chúng ta không thể cùng lúc thờ hai chủ. Bạn sẽ phải từ bỏ hẳn một số mục tiêu trong cuộc sống và tạm xếp một số mục tiêu khác sang một bên. Bởi nếu bạn mong muốn có được cả Hạnh phúc lẫn địa vị xã hội và của cải, thì bạn có thể chẳng được may mắn với những mong muốn này, vì điều bạn nhắm tới là tri thức và đức hạnh. Quan trọng hơn cả, bạn còn chắc chắn không đạt được tri thức và đức hạnh, vốn là những điều mang đến tự do và Hạnh phúc (eudaimonia).
- Vì vậy, hãy rèn luyện bản thân để có thể không ngần ngại đáp lại các cảm giác ẩn dưới những Cảm xúc gây xáo trộn rằng “ngươi chỉ là vẻ ngoài chứ không phải là điều đang thực xảy ra”.
- Tiếp theo, hãy kiểm điểm và đánh giá cảm giác dựa vào các chuẩn mực và quy tắc triết lý của mình, nhưng trước tiên, hãy xem liệu nó liên quan tới những phán xét giá trị về những điều nằm trong tầm kiểm soát của ta hay nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Nếu nó liên quan tới những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, hãy đánh giá nó là “không quan trọng”, không liên quan gì tới việc đạt được đức hạnh và Hạnh phúc, câu trả lời đơn giản là: “Cảm giác này chẳng là gì đối với ta”.
Vì vậy, sự phân biệt cơ bản giữa điều nằm trong tầm kiểm soát và điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta được coi là cơ sở của toàn bộ Handbook, cuốn sách về thực hành Khắc kỷ. Tôi mô tả sự phân biệt này bằng hình ảnh “chiếc nĩa Khắc kỷ” vì nó liên quan tới một sự phân chia dứt khoát, rõ ràng. Đây là chủ đề thường xuyên trở lại trong các tác phẩm của Epictetus, được nhắc dưới nhiều hình thức trong vô số các đoạn viết. Nó là cốt lõi trong chủ nghĩa Khắc kỷ của Epictetus và ứng dụng thực tế của nó là rất rõ ràng:
Vậy, cần phải làm gì? Hãy tận dụng những gì trong phạm vi quyền hạn của chúng ta và để tất cả những việc còn lại diễn ra tự nhiên.
(Discourses, 1.1).
“Lời nguyện an tĩnh” mà chúng ta đã đề cập ở phần trước cũng thể hiện tư tưởng tương tự – làm những gì có thể làm và thanh thản chấp nhận những điều ta không thể thay đổi – và có mọi dấu hiệu cho thấy lời nguyện này cũng được bắt nguồn từ chủ nghĩa Khắc kỷ (Pietsch, 1990).
Tư tưởng chính: Chiếc nĩa Khắc kỷ
Chánh niệm Khắc kỷ tập trung vào sự phân biệt cơ bản giữa điều gì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta và điều gì thì không. Đây là trung tâm trong chủ nghĩa Khắc kỷ của Epictetus và được nhắc đến ngay từ câu đầu tiên của cuốn Encheiridion: “Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, một số điều khác thì không”. Tương tự như vậy, Shaftesbury mô tả điều này như nguyên tắc “tối cao” của chủ nghĩa Khắc kỷ (Shaftesbury, 2005, tr. 233). Như chúng ta đã thấy, sự phân chia cơ bản này được thể hiện rất rõ trong “Lời nguyện an tĩnh” hiện đại.
Tuy nhiên, đối với người Khắc kỷ, điều duy nhất hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta là những phán xét và ý định hành động chủ động của mình. Những nỗi sợ hãi và khát khao, những vui thú lầm lạc và khổ sở tình cảm của chúng ta rốt cuộc đều dựa trên những điều này, bởi vậy chúng ta phải chịu trách nhiệm cho Cảm xúc của mình. Bởi vậy, ba kỷ luật đối với khát khao, hành động và phán xét của Epictectus là tương ứng với ba năng lực có khả năng nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Ngược lại, những điều thuộc về thân thể và ngoại tại - như sức khỏe, của cải và danh vọng - không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và cũng không phải là kết quả từ hành động của chúng ta nói chung, vì chúng rốt cuộc vẫn nằm trong tay của thần may rủi. Đạo đức học Khắc kỷ và các liệu pháp cảm xúc đòi hỏi chúng ta luôn ghi nhớ sự khác biệt này để ứng dụng vào mỗi tình huống cụ thể và suy ngẫm sâu sắc về các tác động của chúng. Phép lưỡng phân này cũng có thể được hiểu như đường ranh giới rõ ràng bao quanh thành trì của cái tôi đích thực.
Ghi nhớ: Bốn chiến lược xử lý Cảm xúc
Epictetus cung cấp cho học trò của mình nhiều lựa chọn để xử lý các nỗi sợ hãi phi lý và khao khát không lành mạnh… Các chiến lược này giả định rằng bạn đã tìm cách nhận biết các Cảm xúc của mình từ trước hoặc đã tạo được “khoảng cách nhận thức” với chúng, không để cảm xúc hay khát khao gây xáo trộn vượt khỏi tầm kiểm soát:
• Chiến lược Trì hoãn. Nếu bạn cảm thấy bị choáng ngợp bởi những cảm giác của mình, hãy cố gắng không làm gì, dừng lại một chút và trì hoãn phản ứng cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh và đã có thời gian suy nghĩ một cách thấu đáo và lý trí.
• Chiến lược Noi gương. Nếu bạn không chắc phải làm gì, hãy nghĩ đến tấm gương giả định là một nhà Hiền triết lý tưởng hay một cá nhân mẫu mực nào đó trong thực tế hoặc hư cấu mà bạn có thể bắt chước. Họ sẽ làm gì trong tình huống tương tự? Họ có thể sẽ khuyên bạn làm gì?
• Chiến lược Đương đầu. Hãy tự hỏi, bạn đã được Tự nhiên ban cho nguồn lực hay đức tính nào để xử lý vấn đề, chẳng hạn thử xem xét xem tình huống có yêu cầu bạn nên thận trọng, rộng lượng, can đảm hay kiềm chế không.
• Chiến lược Tranh luận triết học. Hãy cố áp dụng các học thuyết triết học Khắc kỷ vào các cảm giác ban đầu của bạn, đặc biệt tự hỏi rằng những điều mà bạn nhận định là quan trọng (“tốt” hay “xấu”, “có ích” hay “có hại”) thật ra có nằm trong tầm kiểm soát của bạn hay không. Nếu không thì hãy tự nhủ rằng: “Điều này không là gì với ta,” hay “Điều gì không trong tầm kiểm soát của ta thì không quan trọng với ta”.
Những chiến lược này tương tự với những chiến lược thường được sử dụng trong liệu pháp CBT hiện đại, và vì vậy ngày nay chúng ta có các bằng chứng kinh nghiệm chứng minh rằng nếu được thực hiện đúng đắn thì những chiến lược này có thể là phương cách lành mạnh để phản ứng lại các cảm xúc tiêu cực hay chẳng đem lại ích lợi gì.
Chiến lược trì hoãn – không để bị cuốn đi
Như đã thấy, xuyên suốt hai cuốn Discourses và Encheiridion, Epictetus đã nói nhiều về nguy cơ bị cuốn theo các Cảm xúc. Ví dụ, bài giảng nhan đề “Chúng ta đấu tranh với các cảm giác của mình như thế nào?” nói về khả năng của chúng ta trong việc bước lùi lại, tránh khỏi những phản ứng vô thức ban đầu thay vì để bị cuốn vào nỗi lo lắng và phiền muộn (Discourses, 2.18). Epictetus bắt đầu bằng việc giải thích rằng các Cảm xúc cũng giống như những năng lực thể chất, chúng ta càng nương theo thì chúng càng có xu hướng trở thành thói quen tự động, cho tới khi ta thậm chí không còn để ý nữa bởi vì chúng đã trở thành một phần tính cách của chúng ta.
Vì vậy, nói chung, nếu anh muốn làm gì đó, hãy biến nó thành thói quen; nếu anh không muốn làm gì đó, hãy tránh làm và thay vào đó tập cho bản thân quen với những điều khác.
(Discourses, 2.18)
Ví dụ, việc thường xuyên nuông chiều các khao khát nhục dục không lành mạnh hoặc ham muốn tiền bạc sẽ khiến chúng ăn sâu bám rễ trong đầu chúng ta. Tuy nhiên, khi lý trí được áp dụng vào các cảm giác tương ứng, nó có thể có tác dụng như một phương thuốc chữa bệnh. Theo chủ nghĩa Khắc kỷ, bản thân tình dục và tiền bạc không tốt cũng chẳng xấu, nhưng lệ thuộc thái quá vào chúng hay chán ghét chúng thì đều là độc hại. Khi chúng ta thấu hiểu rằng những điều ngoại tại là “không quan trọng”, chỉ có tính cách và hành động của bản thân mới quan trọng thì những cảm xúc có vấn đề sẽ tự suy yếu đi và nằm trong khả năng điều khiển của chúng ta. Bước đầu tiên trong phương pháp trị liệu cảm xúc của người Khắc kỷ là tham gia vào quá trình “tự giám sát” triệu chứng, như cách gọi của các nhà trị liệu ngày nay. Một ví dụ được Epictetus đưa ra là đếm những ngày bạn tức giận và ghi chép lại tiến trình các triệu chứng này giảm đi theo thời gian. Ông nói, nếu có ba mươi ngày liên tiếp không giận dữ, chúng ta nên vui mừng. Mặc dù vậy, theo ông, chúng ta có thể mất hai hay ba tháng mới có thể thay đổi đặc điểm tính cách cơ bản. Vì vậy, thực hành Khắc kỷ đòi hỏi phải luyện các bài tập này như những vận động viên, nếu không thì chẳng khác nào chỉ nói mà không làm.
Ngoài việc tự giám sát, Epictetus khuyên học trò cố gắng không để những cảm giác không lành mạnh cuốn đi từ đầu, vì dù chỉ đơn giản là “câu giờ và trì hoãn” chúng ta cũng sẽ dễ dàng ra lệnh cho trí óc của mình hơn (Encheiridion, 20). Khi bắt đầu luyện tập hoặc khi cảm xúc dường như lấn át, cần trì hoãn việc phản ứng lại chúng và đừng làm gì cả, cho tới khi chúng lắng xuống. Sau đó chúng ta có thể đánh giá các cảm giác nằm sâu bên dưới một cách bình tĩnh và có lý trí, với thái độ bình thản.
Chúng ta phải ngừng hình dung kết quả của nỗi sợ hãi hay khát khao cho tới khi có thể làm điều đó một cách bình tĩnh và có lý trí. Đặc biệt, chúng ta phải bám lấy thực tế khách quan và kiềm chế việc bổ sung bất kỳ phán xét giá trị nào. Khả năng đơn giản này – trì hoãn phản ứng lại các cảm giác mãnh liệt – chính là cơ sở của đức hạnh và tính tự chủ. Lời khuyên khôn ngoan rằng không nên quyết định bất cứ điều gì quan trọng khi đang cáu giận cũng bắt nguồn từ những người theo học thuyết Pythagoras cổ đại.
Nếu bất kỳ ai, vào lúc nào đó, rơi vào cơn thịnh nộ hay thoái chí, anh ta nên rút lui khỏi đám bạn bè của mình và tìm nơi vắng vẻ, cố gắng thấu hiểu và chữa lành Cảm xúc. Người ta cũng nói rằng không có ai trong số các triết gia theo học thuyết Pythagoras từng trừng phạt người hầu hay quở mắng một người tự do khi đang trong cơn giận dữ, mà họ chờ cho tới khi lấy lại bình tĩnh. Họ sử dụng một từ đặc biệt – “paidartan”– để biểu thị sự khiển trách [tự kiềm chế] đó, lấy lại bình tĩnh bằng cách im lặng.
(Iamblichus, Life of Pythgoras)
Kỹ thuật “trì hoãn” hay “câu giờ” tương tự cũng được sử dụng trong liệu pháp hiện đại để triệt tiêu những cơn bốc đồng từ trong trứng nước, trước khi chúng có cơ hội chuyển thành những cơn tức giận, lo lắng, trầm uất nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn, nghiên cứu tâm lý hiện đại cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng bằng cách trì hoãn suy nghĩ về các vấn đề cho tới một thời điểm xác định nào đó, thì cường độ và sự kéo dài của cơn lo lắng có thể giảm xuống một nửa. Do vậy, chiến lược “trì hoãn” này trở thành một phần quan trọng trong nhiều hình thức hiện đại của liệu pháp CBT nhằm điều trị các chứng rối loạn lo âu phổ quát.
Epictetus gợi ý rằng khi chúng ta đủ bình tĩnh để đương đầu với những cảm giác phiền hà một cách có lý trí sau thời gian trì hoãn thì có khá nhiều chiến lược mà ta có thể sử dụng. Chúng ta nên “thu mình vào hội những người tốt và ưu tú”, và so sánh cách cư xử của mình với chuẩn mực lý tưởng của nhà Hiền triết hay với những điều ta thấy đáng khen ngợi ở người khác. Khi những Cảm xúc như vậy trỗi dậy trong tương lai, nếu chúng ta sẵn sàng đương đầu với những cảm giác ban đầu bằng tấm gương “cao quý và đẹp đẽ” của những người mẫu mực, chúng ta sẽ khiến chúng bị suy yếu và không để chúng cuốn đi (Discourses, 2.18).
Cuối cùng, hãy tự hỏi mình có sở hữu đức tính hay phẩm chất tự nhiên nào có thể giúp bạn đương đầu với tình huống hay không. Thay vì bị dẫn dắt bởi các Cảm xúc phi lý, chúng ta nên khen ngợi bản thân vì mỗi hành động vượt lên những suy nghĩ và thôi thúc ban đầu, bởi làm như vậy chính là cơ sở của đức hạnh. Theo Epictetus, bí quyết của việc tránh để nỗi sợ hãi và khát khao cuốn đi rốt cuộc chỉ đơn giản là nắm bắt cốt lõi của Đạo đức học Khắc kỷ. Điều này đồng nghĩa với việc nắm bắt được điều quan trọng nhất trong đời chính là con đường đức hạnh đưa tới sự viên mãn (eudaimonia).
Thực hành: Tự giám sát và chiến lược trì hoãn của người Khắc kỷ
Trong ngày, hãy cố lưu tâm tới suy nghĩ và cảm xúc của mình, đặc biệt là cách bạn đáp lại chúng. Người Khắc kỷ cổ đại sử dụng kỹ thuật tự giám sát để làm việc này. Các môn đồ hiện đại của chủ nghĩa Khắc kỷ có thể cũng sẽ thấy hữu ích khi sử dụng biểu mẫu tự giám sát của phương pháp CBT được chỉnh sửa, như mẫu ghi lại các thông tin dưới đây:
1. Các cảm giác gây xáo trộn như lo âu, tức giận hoặc khát khao vô bổ xảy ra ở đâu và khi nào? (Không như liệu pháp nhận thức, chủ nghĩa Khắc kỷ nhóm cả những sự xúc động và khao khát lại với nhau thành các dạng “Cảm xúc” và coi tức giận là mong mỏi ai đó chịu tổn hại).
2. Bạn đã từng trải nghiệm những sự xúc động và khao khát (“Cảm xúc”) nào? Cũng cần ghi lại mọi “dấu hiệu cảnh báo sớm” khi các nhiễu loạn bắt đầu hình thành, chẳng hạn sự căng thẳng hay các cảm giác thể chất.
3. Các suy nghĩ hay phán xét cụ thể nào là cơ sở cho những cảm xúc đó? (Cố gắng nhận diện các phán xét giá trị có vấn đề có thể là nguồn gốc của những sự xúc động và khao khát không lành mạnh).
4. Bạn đã thật sự nghĩ gì và làm gì? Nếu bạn có tránh làm gì đó, thì đó là gì? Hãy cố ghi lại tất cả những thứ này ngay khi bạn cảm nhận được chúng. Để bắt đầu, hãy luyện tự giám sát và viết ra mọi việc một cách kiên nhẫn và súc tích để hiểu rõ hơn về “khoảng cách nhận thức” với các cảm giác rối loạn ban đầu. Khi nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sớm về một Cảm xúc không lành mạnh, thay vì để bị cuốn đi, bạn hãy nhắc nhở bản thân rằng chính “cảm giác” mới là thứ khiến bạn khó chịu chứ không phải bản thân sự việc đó. Nếu có thể, bạn đừng làm gì cả, mà hãy trì hoãn phản ứng cho tới khi mọi cảm xúc đã lắng xuống – nhất là khi đối diện với nỗi xúc động và khao khát lấn át. Việc này có thể mất cả giờ đồng hồ hay lâu hơn, có khi sang cả ngày hôm sau. Hãy tự nhủ “ta sẽ trở lại vấn đề này sau khi đã trấn tĩnh” thay vì để cảm giác tự ý điều khiển suy nghĩ của bản thân.
Khi đã sẵn sàng hành động một cách bình tĩnh hơn, hãy kiểm điểm và đánh giá cảm giác bằng cách sử dụng các nguyên tắc triết học của mình. Nên định ra thời gian và nơi chốn cụ thể cho việc này, có thể trong khoảng thời gian thiền định sáng và tối. Trước hết hãy áp dụng hình ảnh “Chiếc nĩa Khắc kỷ” bằng cách tự hỏi mình có đang đưa ra các phán xét giá trị hay đang trải qua các “Cảm xúc” hay không, có liên quan tới những điều nằm tầm kiểm soát của mình hay không. Hãy nhắc nhở mình về lập luận rằng những thứ thuộc về thân thể và ngoại tại không tốt cũng không xấu, mà là “không quan trọng” đối với eudaimonia. Cũng hãy xem xem nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng sẽ làm gì và cố gắng noi theo, đồng thời tự hỏi bản thân đã được Tự nhiên ban tặng nguồn lực nội tại nào để đương đầu với thách thức đang đối mặt.
Càng rèn luyện, bạn sẽ càng thấy mình có khả năng phản ứng lại các suy nghĩ và cảm giác rối loạn một cách bình tĩnh mà không cần phải trì hoãn. Việc ghi nhớ các tuyên bố ngắn gọn súc tích cũng hữu ích. Chẳng hạn, Epictetus dạy học trò đáp lại những điều “không quan trọng” bằng cách tự nhủ: “Điều này chẳng là gì với ta”, hay “không thuộc về ý chí thì không xấu”. Bạn nên tự tạo cho mình những câu châm ngôn hay những tuyên bố để đương đầu, sử dụng chúng thường xuyên tới khi chúng trở thành phản ứng theo thói quen.
Dưới đây là một ví dụ về bảng ghi chép cảm xúc mà bạn có thể thực hiện:
Ghi nhớ: Làm thế nào để trì hoãn việc đáp lại Cảm xúc
Epictetus liên tục khuyên học trò trì hoãn việc phản ứng lại với các cảm giác và Cảm xúc không lành mạnh. Các chiến lược tương tự cũng cho thấy hiệu quả trong nghiên cứu về liệu pháp CBT hiện đại, miễn là không lạm dụng chúng như một hình thức đè nén hay tránh né cảm xúc. Quá trình này có thể tóm lượt thành ba giai đoạn:
1. Nhận diện cảm xúc: Epictetus nói chúng ta nên gắn nhãn dán cho các Cảm xúc độc hại của mình, hoặc có thể ghi chép chi tiết như ở trên, đặc biệt là nhận diện “những dấu hiệu cảnh báo sớm” về những nỗi sợ hãi hay khát khao phi lý. Điều này làm tăng nhận thức và giúp ta tạo “khoảng cách nhận thức” với các cảm giác vô thức.
2. Trì hoãn phản ứng: Nếu những Cảm xúc gây khó chịu có khả năng lấn át, hãy tránh không để chúng cuốn đi bằng cách hoãn sự tán đồng với những ấn tượng ban đầu đã sinh ra các Cảm xúc này. Hãy “câu giờ” và trì hoãn hành động cho tới khi bạn đã bình tĩnh và các cảm giác không còn “tươi mới” trong tâm trí. Cố đạt được “khoảng cách nhận thức” bằng cách nhắc nhở mình rằng đây chỉ là cảm giác, không phải là sự việc mà chúng đòi đại diện, rằng bạn đang bị khó chịu vì phán xét giá trị của chính bạn chứ không phải vì bản thân sự việc.
3. Đánh giá một cách bình thản: Khi bạn đã bình tĩnh và lý trí, hãy bắt đầu áp dụng nguyên tắc Khắc kỷ vào các cảm giác làm bạn khó chịu. Trước tiên hãy kiểm tra xem bạn có đưa ra những phán xét giá trị mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản là chỉ những gì trong tầm kiểm soát của chúng ta mới có thể thật sự tốt hoặc xấu hay không. Bạn cũng có thể cân nhắc xem một tấm gương mẫu mực hay nhà Hiền triết lý tưởng sẽ phản ứng ra sao trong tình huống tương tự. Bạn có thể tự hỏi mình có các đức tính hay năng lực nào có thể giúp đương đầu tốt hơn trong tình huống này.
Tại sao cần thiền định sáng và tối
thiền định buổi sáng (dự tính tương lai)
Epictetus nói rằng mỗi sáng thức dậy người Khắc kỷ nên nhẩm trước cho ngày mới và đến cuối ngày cần xem xét lại quá trình của họ vào hôm đó. Mỗi rạng đông, chúng ta nên tự hỏi: “Ta vẫn còn thiếu điều gì để được giải thoát khỏi các Cảm xúc (apatheia)?”, “Làm gì để có được sự thanh thản?” (Discourses, 4.6). Sau đó chúng ta nên đặt một câu hỏi dựa trên câu nói nổi tiếng được khắc ở đền thờ Delphi, nơi thờ phụng thần Apollo: “Tự biết mình.” Đối với người Khắc kỷ, nếu để cho sự chú tâm tuột đi, chúng ta có nguy cơ xa rời bản chất thực của mình và tụt xuống mức của thú hoang hay động vật không có ý thức. Vậy, câu hỏi cần hỏi là: “Ta là gì?”.
Người Khắc kỷ cố phát triển mối quan hệ với bản chất sinh vật có lý trí của mình, thay vì chỉ định danh bản thân qua thân thể vật lý, của cải và danh vọng như đa số vẫn thường làm. Chúng ta có thể tự hỏi Tự nhiên đòi hỏi gì ở mình và nhẩm trước những hành động phù hợp cho ngày mới, để rồi xem xét lại quá trình vào cuối ngày. Marcus Aurelius cũng từng có lời tương tự như vậy :
Khi miễn cưỡng thức dậy lúc hừng đông, hãy suy nghĩ trong đầu rằng : “Ta đang thức dậy để thực hiện công việc của một con người”.
(Meditations, 5.1)
Ông cũng tập trung vào việc chuẩn bị để sống hòa hợp với cả nhân loại, tự nhủ rằng mình có thể sẽ gặp những người hay gây sự, vô ơn, hống hách, phản bội, đố kỵ, những người rối loạn nhân cách chống xã hội, và hãy dự liệu điều tồi tệ nhất có thể xảy ra như thể là tất yếu (Meditations 2.1). Tuy nhiên, ông có sẵn các nguyên tắc Khắc kỷ để nhắc nhở mình rằng những người kia hành động như vậy vì họ thiếu tri thức và không hiểu được bản chất của điều tốt và điều xấu. Quan trọng nhất là ông nắm bắt được bản chất của điều tốt. Ông cũng tự nhắc mình rằng những người chống lại ông và làm những điều sai trái về cơ bản là có quan hệ với ông – “không phải cùng máu mủ với ta, nhưng họ có đầu óc như ta” – có cùng tia lửa lý trí thiêng liêng. Ông thận trọng nhẩm lại các lời giáo huấn Khắc kỷ rằng không ai thật sự có thể làm hại ông hay lôi kéo ông liên can vào các hành động xấu xa của họ, và ông không thể cảm thấy những Cảm xúc tức giận hay căm thù họ khi đã nhận ra quan hệ với họ, và rằng xung đột là điều phi tự nhiên. “Chúng ta sinh ra để làm việc cùng nhau như thể tay chân mắt mũi, như răng kề răng”.
Marcus cũng đề cập tới thực tế những người theo học thuyết Pythagoras cổ đại thiền định mỗi sáng dưới các vì sao và mặt trời đang mọc. Họ hẳn đã đưa các yếu tố vũ trụ học vào buổi thiền định mỗi sáng của mình.
Người theo thuyết Pythagoras nói: Hãy nhìn lên bầu trời mỗi sớm mai để có thể thấy rằng các thiên thể luôn hoàn thành nhiệm vụ của chúng như thế nào – luôn cùng một con đường, cùng một cách thức. Và nhìn thấy hệ thống trật tự của chúng, sự thuần khiết của chúng, sự rõ ràng ràng của chúng; vì chẳng có màn trướng nào che trước một vì sao.
(Meditations, 11.27)
Bởi vậy người Khắc kỷ có khả năng thực hành việc “sống hòa hợp với Tự nhiên” ở ba cấp độ: một thái độ hòa hợp và lòng yêu mến tự nhiên đối với lý trí – bản chất cốt yếu của họ, đối với bằng hữu nhân loại và đối với toàn thể Tự nhiên hay vũ trụ.
Giống như ở người Khắc kỷ, người theo học thuyết Pythagoras cũng “lập kế hoạch những điều cần làm trong ngày” vào mỗi buổi sáng, dự liệu bất kỳ tai họa nào có thể giáng xuống, nhằm trau dồi tinh thần vững vàng và sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy đến.
Châm ngôn của họ là không một tai họa nào của con người nằm ngoài dự liệu của người hiểu biết, họ lường trước mọi điều mà họ không thể ngăn cản được.
(Life of Pythagoras, 31)
Như đã nói, khi lập kế hoạch cho bất kỳ hành động nào hoặc cho một ngày trước mắt, người Khắc kỷ luôn thêm “mệnh đề dự phòng”, như “tùy số phận”. Bất kể chúng ta lập kế hoạch thế nào thì thần may rủi đều có thể can thiệp và điều duy nhất chắc chắn là thân xác này của chúng ta rốt cuộc cũng sẽ tan vào hư không và chúng ta sẽ mất tất cả.
Thực hành: Thức giấc như một người Khắc kỷ
Mỗi sáng thức giấc, hãy dành giây lát để trấn tĩnh, sau đó dành 5-10 phút kiên nhẫn suy ngẫm về ngày mới. Làm thế nào để tiến thêm vài bước tới gần hơn với nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng? Làm thế nào để có hành động phù hợp trong khi chấp nhận những điều ngoài tầm kiểm soát?
1. Marcus nhắc tới cách thực hành của người theo học thuyết Pythagoras cổ đại là một mình tìm tới nơi vắng vẻ vào lúc rạng đông, suy ngẫm dưới các vì sao và mặt trời đang mọc, trong lúc phát triển chánh niệm của năng lực tư duy. Bạn nên dành một chỗ đặc biệt trong nhà để thực hành phương pháp này, chẳng hạn ngồi ở cuối giường hoặc đứng trước gương. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nghĩ về mặt trời mọc trên nền trời đầy sao – ta sẽ bàn thêm về kiểu thiền định “vũ trụ” này ở phần sau.
2. Hãy chọn một châm ngôn triết học đặc biệt mà bạn muốn nhẩm lại vài lần trước khi hình dung mình có thể bám vào tư tưởng của nó cả ngày. Để bắt đầu, chọn một nguyên tắc chung: “Một số điều trong tầm kiểm soát của chúng ta, một số điều khác thì không”. Tuy nhiên, bạn cũng nên tự hỏi mình có thể làm gì để tiến gần hơn tới eudaimonia.
3. Ngoài ra, bạn có thể chọn một đức tính cụ thể mà bạn muốn trau dồi và điểm qua ngày mới trong đầu, phác thảo các nét chính và tưởng tượng mình sẽ hành động thế nào nếu muốn thể hiện nhiều tri thức, tính công bằng, lòng can đảm hay kỷ luật tự giác hơn…
Một khi bạn đã có thói quen này, hãy thử tưởng tượng về việc đương đầu các thách thức lớn hơn, những người khó chịu hơn… như đã bàn đến trong chương nói về dự liệu tai ương. Như đã thấy, một số người Khắc kỷ cũng suy ngẫm về cái chết của chính mình trong khi dự định cho ngày mới. Chẳng hạn, Seneca thật sự đã khuyên rằng khi thức giấc mỗi buổi sáng chúng ta nên tự nhủ: “Ta có thể sẽ không bao giờ ngủ nữa”.
Tư tưởng chính: Thiền định buổi tối và buổi sáng
Người Khắc kỷ tiếp thu phương pháp thực hành của người theo học thuyết Pythagoras như được mô tả trong The Golden Verses: thực hành suy ngẫm một cách kiên nhẫn về các sự kiện trong ngày trước khi đi ngủ, nên thực hiện khoảng ba lần. Những câu hỏi mà Epictetus nhấn mạnh bao gồm: “Ta đã làm sai điều gì? Ta đã làm gì? Nhiệm vụ nào còn chưa hoàn thành?”. Đối với người Khắc kỷ, các câu hỏi này đều liên qua đến mục tiêu sau cùng của họ và vì vậy Epictetus đặc biệt khuyên chúng ta nên hỏi mình đã sai chỗ nào trên con đường đạt tới một cuộc sống êm ả và hòa hợp, phù hợp với tri thức và đức hạnh. Người Khắc kỷ cũng có thể kiểm điểm xem họ thật sự đã sống hòa hợp với bản chất lý trí của bản thân, với nhân loại và với toàn bộ Tự nhiên hay chưa, bởi đây là ba tầng tinh thần của việc “sống hòa hợp với Tự nhiên”.
Câu hỏi cơ bản mà một người Khắc kỷ nên đặt ra khi dự tính cho ngày mới là: “Làm thế nào để có thể tiến gần tới tri thức và đức hạnh, hay lý tưởng của nhà Hiền triết?”. Câu trả lời chắc chắn chịu ảnh hưởng bởi những gì người ấy học được từ các điểm yếu rút ra từ buổi thiền định đêm trước. Cần làm gì để chiến thắng các nỗi sợ hãi hay khát khao phi lý vẫn còn tồn tại? Ta có thiếu lòng can đảm không, có thiếu kỷ luật tự giác không, hay có đức tính khác mà cuộc sống đòi hỏi ở ta? Epictetus so sánh quá trình này với một vận động viên hay một giáo viên thanh nhạc lên kế hoạch cho một chế độ tập luyện và đưa vào thực hành. Khi thức dậy, người khắc kỷ cũng phải chuẩn bị áp dụng quy tắc chung của họ, rằng những điều ngoại tại là không quan trọng và cái tốt chính yếu nằm trong những điều chúng ta kiểm soát được, tức là đức hạnh. Thói quen thiền định buổi sáng trùng lắp với kỹ thuật “dự liệu tai ương” mà chúng ta đã bàn tới ở chương trước.
THIỀN ĐỊNH BUỔI TỐI (NGẪM VỀ QUÁ KHỨ)
Theo Seneca, triết gia La Mã Quintus Sextius đã kết hợp học thuyết Pythagoras với chủ nghĩa Khắc kỷ để thành một phương pháp thiền định buổi tối. Vị triết gia cho rằng, để tâm trí phát triển như dụng ý của Tự nhiên, chúng ta phải liên tục rèn luyện bản thân bằng cách đặt ra những câu hỏi như sau trước khi ngủ:
1. Hôm nay ta đã sửa được thói quen xấu nào?
2. Ta đã chống lại sai lầm nào?
3. Ta đã tiến bộ ở mặt nào?
Sự tự vấn mang tính triết lý và trị liệu này được so sánh như một phiên tòa: “Hằng ngày, ta biện hộ cho mình trước quan tòa là chính ta”. Ông nói Cảm xúc của chúng ta sẽ lắng xuống và chúng ta có thể kiểm soát chúng tốt hơn khi chúng biết mình sẽ phải trả lời trước một quan tòa vào mỗi tối. Nói cách khác, thiền định buổi tối giúp ta thực hành chánh niệm tốt hơn suốt cả ngày. Ngoài ra, theo Seneca, việc này chẳng những không kích động thêm lo lắng mà còn giúp chúng ta ngủ ngon hơn. Vậy nên, ngủ ngon là một dấu chỉ cho thấy bạn đang thực hành đúng cách.
Khi đèn tắt và người vợ vốn hiểu thói quen của ta đã nằm im, ta sẽ kiểm điểm lại mọi điều trong ngày, lần lại từng hành động và lời nói, ta không giấu bản thân điều gì, không bỏ sót điều chi. Bởi sao phải sợ lỗi lẫm của bản thân khi ta có thể nói: “Hãy cẩn thận, tránh lặp lại điều đó, còn lần này ta tha lỗi cho ngươi.”?
(On Anger, 3)
Các ví dụ của Seneca về việc tự phê bình đã làm rõ việc thay vì chiều theo kiểu tự phê phán không lành mạnh, ông đã dùng thái độ của một người bạn đưa ra những lời khuyên đầy khoan dung cho bản thân:
Trong cuộc thảo luận đó, ngươi đã nói quá hung hăng: lần sau đừng to tiếng với những người thiếu kinh nghiệm; những người ấy chưa từng được học nên chẳng sẵn sàng để học. Ngươi đã thẳng thắn hơn mức cần thiết trong việc phê phán người ấy, như vậy ngươi chỉ xúc phạm thay vì giúp anh ta tốt hơn. Sau này, đừng chỉ tập trung vào sự thật trong lời ngươi nói, mà phải để ý cả vấn đề đối phương có thể chấp nhận sự thật đó hay không: một người tốt sẽ đón nhận sự phê bình, nhưng người càng tệ bao nhiêu thì sẽ càng oán trách người chỉnh sửa anh ta bấy nhiêu.
(On Anger, 3)
Người ta cho rằng người theo thuyết Pythagoras thực hành việc xét lại các sự kiện trong ngày như một phương pháp cải thiện trí nhớ. Trong khi đó, người Khắc kỷ lại thích tập trung vào tiềm năng của kiểu thực hành này trong việc trở thành một phương pháp tự phân tích mang tính trị liệu và thuộc về đạo đức. Tuy nhiên, khác với Seneca, Epictetus trung thành với những câu hỏi chuẩn của Pythagoras, những câu hỏi mà ông bảo các học trò của mình luôn tâm niệm để sẵn sàng áp dụng vào cuộc sống thường nhật:
1. Ta đã làm sai điều gì?
2. Ta đã làm gì (đúng)?
3. Nhiệm vụ nào vẫn còn chưa hoàn thành?
Sau rốt, quá khứ là trung lập. Tuy nhiên, chúng ta có thể học được từ sai lầm và còn có thể “tự hào về những điều đã làm tốt”. Chúng ta cũng nên có lòng hoàn tất những gì còn dang dở, “tùy số phận”. Do vậy, thói quen thiền định buổi sáng và buổi tối dường như bổ sung cho nhau, hình thành các giai đoạn trong một quá trình có tính chu kỳ: suy ngẫm, học và chuẩn bị tinh thần hành động.
Thực hành: Ngủ như người Khắc kỷ
Mỗi tối, trước khi đi ngủ, bạn hãy dành 5-10 phút để bình tĩnh xem xét lại các sự kiện trong ngày, hình dung chúng trong đầu nếu có thể. Cố nhớ trình tự các lần bạn gặp gỡ những người khác nhau, những việc bạn tham gia, điều bạn nói hay làm… Mặc dù việc này có thể luyện và cải thiện trí nhớ nhưng đối với người Khắc kỷ, khía cạnh quan trọng nhất là bạn chất vấn mình còn có thể sống nhất quán hơn nữa để có được tri thức và eudaimonia hay không.
1. “Ta đã làm không tốt điều gì?”. Ta có để cho nỗi sợ hãi và khao khát phi lý hoặc không lành mạnh thống trị mình không ? Ta có hy sinh eudaimonia vì ngoại tại nào không?
2. “Ta đã làm tốt điều gì?”. Ta có tiến bộ hơn trong việc hướng tới tri thức và đức hạnh chưa? Ta có hành động thích đáng, phù hợp với các nguyên tắc của mình không?
3. “Ta đã bỏ sót điều gì?”. Có điều gì thích đáng mà ta chưa làm được, hay có nhiệm vụ nào ta chưa hoàn thành? Ta có bỏ qua cơ hội luyện tập tri thức thực tiễn, tính công bằng, lòng can đảm hay kỷ luật tự giác nào không?
4. Tự hỏi những gì đã được thực hiện không tốt hay không làm tới nơi tới chốn có thể được làm khác đi như thế nào trong tương lai. Nhà Hiền triết sẽ làm thế nào?
5. Hãy khen ngợi bản thân vì những việc đã làm tốt.
Bạn đang đóng vai một người bạn và một người cố vấn khôn ngoan đối với bản thân, và mối quan hệ này cần được ghi nhớ. Nói đúng ra thì tất cả những sự kiện này đã xảy ra trong quá khứ, do vậy chúng là “không quan trọng” với bạn và hãy chấp nhận chúng như chúng đã xảy ra theo định đoạt của số phận. Ở giai đoạn này, bạn có thể ghi lại quá trình thực hành trong một cuốn sổ tay, sử dụng các lời giáo huấn của người Khắc kỷ, theo cách Marcus Aurelius đã làm trong cuốn Meditations.
Ghi nhớ: Những vấn đề khi ngủ và khi thức dậy
Sẽ cần đến vài lần thử–và–sai để tìm ra những lệ thường tốt nhất cho mỗi sáng và tối, vì vậy bạn cần linh hoạt trong việc áp dụng các phương pháp. Nằm lim dim trên giường và cố tập có lẽ không phải là cách tốt nhất, thay vào đó, bạn nên ngồi hoặc đứng thẳng người trong trạng thái tỉnh táo. Nếu bạn lên kế hoạch và điểm lại các sự việc trong ngày theo “thời gian thực”, bạn có thể tốn tới 16 tiếng đồng hồ, nên tất nhiên bạn sẽ chỉ điểm qua mọi việc một cách khái quát, nhặt ra những sự kiện chính. Tránh lo lắng về những điều có vẻ rắc rối, nhất là nếu chúng có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn. Lo lắng thiếu lành mạnh hay nghĩ ngợi quá nhiều hoàn toàn không phải là việc bạn cần làm. Hãy luôn nhắc mình rằng những gì ngoài tầm kiểm soát của bạn đều là “không quan trọng”.
Các điểm trọng tâm: Những vấn đề khi ngủ và khi thức dậy
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Nhiều người nhận thấy khái niệm “chánh niệm” trong Phật giáo rất cuốn hút, nhưng còn có một phương pháp thực hành tương tự, gọi là prosochê nghĩa là “sự chú ý” tới “năng lực kiểm soát” có ý thức, là trung tâm của chủ nghĩa Khắc kỷ cổ xưa.
• Cuốn Handbook của Epictetus mở đầu bằng phương pháp thực hành đánh giá cảm giác, sử dụng hình ảnh “Chiếc nĩa Khắc kỷ”, phân biệt giữa điều chúng ta kiểm soát được và không kiểm soát được, nhắc nhở bản thân rằng những điều ngoại tại vốn là “không quan trọng” đối với đức hạnh và eudaimonia.
• Việc lập kế hoạch trước cho một ngày và điểm lại ngày đã qua có thể giúp bạn duy trì lối sống khôn ngoan, theo các nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc kỷ.
Bước tiếp theo
Chúng ta đã học xong lý thuyết Đạo đức học Khắc kỷ và các bài thực hành cơ bản trong ba kỷ luật của Epictetus cũng như khái niệm về lệ thường thiền định buổi sáng và buổi tối – cái khung cho sự tự vấn mang tính triết học. Giờ chúng ta sẽ chuyển sang xem xét một số bài tập suy tư Khắc kỷ khó và sâu sắc nhất.