T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Về kỷ luật sự phán xét trong thực tiễn, hay “sự đồng thuận” (với ấn tượng ban đầu), và điều này liên quan tới chủ đề lý thuyết của Logic học Khắc kỷ như thế nào.
- Làm thế nào để sử dụng các bài tập tâm lý về định nghĩa theo vật lý để phát triển cái gọi “sự mô tả khách quan”.
- Làm thế nào để sử dụng chánh niệm và “tạo khoảng cách nhận thức” để tránh việc bị ấn tượng ban đầu cuốn đi.
Người ta không phiền muộn bởi các sự kiện mà bởi sự phán xét của họ về chúng. Chẳng hạn, cái chết chẳng có gì khủng khiếp (nếu không thì Socrates hẳn đã tỏ ra ghê sợ cái chết), mà chính bản thân sự phán xét liên quan đến cái chết đã diễn giải nó thành một điều khủng khiếp: chính sự phán xét này mới là khủng khiếp.
(Epictetus, Encheiridion, 5)
Do vậy, hãy rèn luyện bản thân không ngần ngại phản ứng trước mọi sự kiện khó khăn, rằng: “ngươi chỉ là bề ngoài và không hề thật chút nào”. Tiếp theo hãy kiểm nghiệm nó, đánh giá nó dựa trên các quy tắc (mang tính triết lý) và chuẩn mực bạn có, nhưng đầu tiên và trên hết phải xét điều này: việc này liên quan tới những thứ trong tầm kiểm soát hay ngoài tầm kiểm soát của ta. Nếu nó có liên qua tới những thứ không nằm trong tầm kiểm soát, hãy có sẵn câu trả lời: “Việc này chẳng là gì đối với ta”. (Encheiridion, 1)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ và Kỷ luật Phán xét
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Chúng ta nên đáp lại các cảm giác khó chịu ban đầu bằng cách nhắc nhở bản thân rằng chúng chỉ là các sự kiện trong tâm trí chúng ta, chứ không phải những gì chúng đại diện.
2. Tôi nên lùi lại trước những khát khao hay cảm xúc mạnh mẽ tới khi chúng lắng xuống và tôi sẽ đánh giá chúng tốt hơn.
3. Rất có ích khi nhắc nhở bản thân rằng chính các phán xét về sự vật mới làm ta bối rối chứ không phải do bản thân chúng.
Kỷ luật Phán xét là gì?
Làm thế nào để biến triết học từ lý thuyết thuần túy trong sách vở trở thành một kỷ luật thực tiễn ngấm vào đời sống của chúng ta?
Không có một người thầy khôn ngoan chỉ ra điểm dễ bị tổn thương nhất của chúng ta trước những khát khao và cảm xúc lầm lạc, làm thế nào để chúng ta nhận diện chúng trước khi quá muộn? Socrates có một câu nói nổi tiếng, rằng một cuộc đời không suy xét là một cuộc đời không đáng sống. Vậy một triết gia bắt đầu suy xét cuộc sống của mình – suy nghĩ, cảm xúc, hành động của mình – như thế nào? Như chúng ta sẽ thấy, người Khắc kỷ thực hành một dạng bài tập tâm lý có tên gọiprosochê (nghĩa là chú ý tới tâm trí), một phương pháp tương đồng với “chánh niệm” trong Phật giáo. Phương pháp này sẽ trả lời cho rất nhiều câu hỏi liên quan tới việc áp dụng triết học vào cuộc sống thường nhật.
Để đơn giản hóa, tôi gọi kỷ luật thứ ba của Epictetus là Kỷ luật Phán xét. Ông gọi nó là kỷ luật đối với việc “tán thành” hay sunkatathesis, từ này có nghĩa là đồng ý hoặc thuận theo cảm giác hay cảm tưởng ban đầu nào đó. Kỷ luật này nói về việc đưa ra sự tán thành hay từ chối tán thành khi đáp lại cảm tưởng ban đầu trước một sự kiện nào đó trong cuộc sống thường nhật, nhất là những phản ứng có sự tham gia của các phán xét giá trị có thể dẫn tới các Cảm xúc phi lý như sợ hãi hoặc khát khao gây xáo trộn. Hadot cho rằng điều này kế thừa nhiều bài luyện tập tâm lý thực tiễn tương ứng với lĩnh vực lý thuyết rộng hơn của chủ nghĩa Khắc kỷ: Logic học Khắc kỷ.
Dẫu thế nào thì, kỷ luật này được đặt nền móng trên sự thực hành cơ bản là áp dụng một cách nhìn nhận khách quan về sự vật. Nói tóm lại, “kỷ luật tán thành về cơ bản bao hàm việc từ chối chấp nhận trong tâm thức mọi sự mô tả không khách quan và không đủ cơ sở” (Hadot, 1998, tr. 101). Do vậy, Hadot diễn giải kỷ luật này giống như cách sống hòa hợp với lý trí, thứ mà người Khắc kỷ coi là bản chất cốt yếu của chúng ta. Nó có thể kết nối với đức hạnh cốt yếu là khôn ngoan và trung thực. Trên thực tế, theo Epictetus, Zeno cũng định nghĩa học thuyết cơ bản của chủ nghĩa Khắc kỷ là coi điều tốt đẹp nhất của con người – sự khôn ngoan – có bao hàm cả việc “sử dụng ấn tượng ban đầu một cách đúng đắn”.
Một cách mà người Khắc kỷ diễn giải học thuyết nổi tiếng nhất của mình, “sống thuận theo Tự nhiên”, chính là bám sát thực tế và mô tả các sự kiện một cách “tự nhiên” và khách quan, không lẫn lộn giữa “những phán xét giá trị về các sự kiện” với “thực tế khách quan”. “Con chó của tôi chết rồi” là một thực tế, một sự mô tả theo quy luật tự nhiên; “Con chó của tôi chết rồi. Thật kinh khủng!” là một phán xét giá trị vượt ra ngoài thực tế. Những phán xét giá trị của chúng ta thường vượt quá thực tế khách quan của bất kỳ tình huống nào và vì vậy đẩy chúng vào sự xung đột với Tự nhiên.
Sự mô tả khách quan của các sự vật dường như là một điểm giao nhau giữa Logic học Khắc kỷ và Vật lý học Khắc kỷ hay “triết học tự nhiên”. Theo cách tương tự, phương pháp nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng tìm cách hiểu được các thực tế về “Tự nhiên” bằng cách xem xét chúng một cách khách quan, đình chỉ mọi phán xét giá trị hay các hình thức tu từ cảm xúc, ưu tiên sự quan sát và mô tả không thiên vị. Tuy vậy, trong chủ nghĩa Khắc kỷ, phương thức này trở thành một dạng bài tập tâm lý liệu pháp và tinh thần.
Marcus Aurelius nói rằng Kỷ luật Phán xét đòi hỏi chúng ta học “nghệ thuật thực tế đích thực” hay là kỹ thuật tán thành. Trước khi bắt đầu tranh cãi với các suy nghĩ của mình, thông qua logic và biện chứng, chúng ta phải nhận biết được chúng, lùi lại một bước và nhìn chúng như thể chúng là những giả định tối thiểu cần tranh luận. Đây chính là cái mà thuật ngữ “từ chối tán thành” các cảm tưởng ban đầu nói đến. Kỷ luật này bao gồm thừa nhận một thái độ biện chứng hay khách quan, để đánh giá các cảm tưởng ban đầu một cách lý trí, trước khi quyết định nên chấp nhận hay chối bỏ nó. Đây là điều kiện tiên quyết của bất kỳ sự tự vấn mang tính triết học nghiêm túc nào. Vì vậy Epictetus cho rằng kỷ luật tán thành đặc biệt liên quan tới “tránh hấp tấp và mắc lỗi” trong suy nghĩ của mình (Discourses, 3.2):
1. Không hấp tấp, nghĩa là trước hết chúng ta phải luyện tập để thật sự nhận biết được các cảm giác ban đầu của mình khi chúng xảy ra, và trì hoãn “sự tán thành” của chúng ta đối với các phán xét giá trị có vấn đề, thay vì bị chúng cuốn vào các Cảm xúc không lành mạnh như sợ hãi phi lý và khao khát thái quá.
2. Không mắc lỗi, nghĩa là chúng ta phải học cách xem xét và đánh giá cảm giác ban đầu này một cách lý trí, đặc biệt bằng cách tham khảo học thuyết Khắc kỷ về điều gì là tốt, xấu và không quan trọng, và sau cùng là với sự hỗ trợ của Logic học Khắc kỷ.
Epictetus nói rõ rằng câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra trong khi xem xét suy nghĩ của mình là liệu chúng có liên quan tới những điều trong tầm kiểm soát của chúng ta hay không (chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong chương sau). Trong chương này, chúng ta sẽ tập trung vào nhiệm vụ đầu tiên: tránh hấp tấp trong việc tán thành hoặc không tán thành với những cảm giác ban đầu của mình. Chúng ta có thể xem đây là kỹ năng trung tâm trong việc phát triển “chánh niệm Khắc kỷ”.
Epictetus nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ nên rèn luyện kỷ luật thứ ba này sau khi đã tiến bộ với Kỷ luật Khát khao và Kỷ luật Hành động. Có thể ông đơn giản muốn nói rằng các khía cạnh của kỷ luật thứ ba này, thứ vốn bao gồm việc rèn luyện nâng cao Logic học Khắc kỷ, nên được hoãn lại sau, bởi nó chủ yếu nhằm tăng cường hiểu biết về các nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên, có một số khía cạnh nhất định của kỷ luật này có vẻ cần thiết ngay từ đầu, đặc biệt là khả năng tránh sự tán thành quá hấp tấp và bị cuốn theo cảm giác ban đầu – điều mà Epictetus liên tục cảnh báo học trò của mình nên tránh.
Kỹ thuật thực tiễn trọng tâm ở đây bao gồm nhận biết các Cảm xúc phi lý đang phát triển và dập tắt chúng ngay trong trứng nước, bằng cách không tán thành đi theo cảm giác ban đầu. Epictetus nói rằng trước hết chúng ta phải kháng cự, không để mình bị cuốn đi theo phản xạ vô thức ban đầu, thay vào đó, hãy nói: “Cảm giác! Hãy đợi một chút, hãy để ta hiểu ngươi là ai, ngươi là dạng cảm giác gì; Để ta kiểm tra ngươi trước đã”. Đoạn mở đầu của Encheiridion có mô tả tương tự về việc người Khắc kỷ nên làm thế nào để sớm nhận diện được các cảm giác khó chịu ban đầu, gọi tên nó, trò chuyện với nó như thể nói chuyện với một người khác. Họ nên nói: “Ngươi chỉ là một cảm giác thôi, ngươi không phải là tất cả những thứ ngươi tự gắn vào mình”, sau đó hãy xem xét chúng trong trường hợp chúng bị phán xét sai, thay vì xem xét chúng như một mô tả khách quan của các sự kiện.
Những phán xét giá trị của chúng ta là cốt lõi của chúng ta với tư cách những sinh vật có lý trí, đồng thời là nguồn gốc tự do của chúng ta. Nhận thức về các phán xét giá trị của mình trong từng khoảnh khắc cũng chính là nhận thức sâu sắc về bản thân. Đây có vẻ là cách mà người Khắc kỷ diễn giải câu châm ngôn Delphic1: “Tự biết mình”. Marcus Aurelius đã nhiều lần đề cập đến phép thực hành ẩn cư trong thành trì tâm trí bằng cách kiềm chế những phán xét giá trị đối với những sự kiện ngoại tại. Chúng ta được biết rằng người Khắc kỷ thời kỳ đầu đề cập tới Logic học một cách ẩn dụ, ví nó như xương và gân trong cơ thể một con vật, như lớp vỏ của một cái trứng, và, như chúng ta đã thấy, như bức tường bao bảo vệ một khu vườn. Thông điệp ở đây là việc nghiên cứu Logic học Khắc kỷ giúp chúng ta mạnh mẽ và bảo vệ chúng ta khỏi thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người thực hành triết học Khắc kỷ thì việc trốn vào thành trì nội tại vẫn là điều luôn có thể đạt được, nó chỉ đòi hỏi chúng ta nhận biết sự phán xét của mình và lùi một bước thay vì để cho nó cuốn ta đi. Bằng cách thật sự hiểu bản thân, liên tục chú ý, không ngừng chú tâm vào cốt lõi của chúng ta với tư cách những sinh vật có lý trí, quan sát suy nghĩ và phán xét giá trị của mình, chúng ta sẽ cho phép mình giữ khoảng cách với thế giới bên ngoài, vượt lên trên các sự kiện ngoại tại, nhờ một bản tính vô tư hoặc sự thanh lọc tâm trí. Bằng cách tránh hấp tấp tán thành các cảm giác ban đầu, chúng ta ngày càng nhận thức rõ ràng hơn, rằng rốt cuộc, không phải chúng ta phiền muộn bởi những sự việc khách quan kia, mà là bởi những phán xét của chính chúng ta về các sự việc ấy.
1 Trên các trụ cột ở lối đi của Đền thờ Apollo tại Delphi, Hy Lạp có khắc các câu châm ngôn mà ngày nay đã trở nên nổi tiếng, “tự biết mình” (bản khắc bằng tiếng Hy Lạp, được dịch sang tiếng Anh là “Know thyself”) là một trong số đó.
Tư tưởng chính: Người chơi đàn xi-ta lo lắng
Trong bài diễn thuyết On Anxiety (tạm dịch: Về nỗi bất an), Epictetus kể câu chuyện về một người nhạc công, một ca sĩ luôn mang theo mình cây đàn xi-ta1. Anh ta khốn khổ vì cái gọi là chứng “sợ sân khấu” (Discourses 2.13). Khi chơi đàn một mình, người nhạc công này có những mà trình diễn hoàn hảo, hoàn toàn không sợ hãi. Đến khi anh ta vào nhà hát và đứng trước khán giả thì trái ngược hoàn toàn. Epictetus giải thích tình huống này một cách sắc sảo, rằng đây là bằng chứng cho thấy sự lo âu được gây ra bởi nhận thức của người nhạc công về tình huống, từ khát khao làm hài lòng khán giả và từ nỗi sợ bị khán giả phê phán.
1 Cithara, một loại nhạc cụ lớn, phỏng theo kết cấu của đàn Lia, với một mặt gỗ to bản, xuất hiện tại Hy Lạp từ thế kỷ VII.
Ông nói rằng khi học trò của ông nhận ra ai đó có vẻ lo lắng, thông thường họ sẽ đặt câu hỏi: “Người này muốn gì vậy?” Ông cho rằng, rốt cuộc thì lo âu được sinh ra từ mong muốn có được hoặc tránh được điều gì đó ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Ngay cả khi người biểu diễn có giọng hát tốt và ngón đàn xi-ta điêu luyện, anh ta vẫn có thể tự khiến mình lo lắng “vì anh ta không chỉ muốn hát hay mà còn muốn được tán thưởng”. Bởi vì sự tán thưởng này vốn không chắc chắn và ngoài tầm kiểm soát của người nhạc công, nên anh cảm thấy không tự tin, mâu thuẫn và lo lắng, mắc kẹt trong một sai lầm cơ bản của việc phán xét. Một cách vô thức, anh ta đã đưa ra sự tán thành và để bản thân bị cuốn theo cảm giác sai lầm rằng phản ứng của khán giả về bản chất là quan trọng hơn cá tính hay phần trình diễn của anh. Mặc dù anh ta có thể là bậc thầy của nghệ thuật biểu diễn, nhưng anh không phải là bậc thầy của nghệ thuật sống, và anh thiếu tri thức thực tiễn – thứ có thể giải thoát anh ta khỏi các nỗi lo sợ như vậy. Ngược lại, đối với một người Khắc kỷ chơi đàn xi-ta đã được rèn luyện cả đời, mỗi khi các giác sợ hãi trỗi dậy, anh ta sẽ dừng lại để suy nghĩ và nhớ tới học thuyết Khắc kỷ, rằng chúng ta không buồn phiền vì bản thân sự kiện mà vì sự phán xét của chúng ta về chúng. Anh ta sẽ tự hỏi phản ứng khán giả có nằm trong tầm kiểm soát của anh ta hay không, và vì anh ta không kiểm soát điều này nên anh ta sẽ đáp lại cảm giác sợ hãi bằng cách nói: “Sự tán thưởng của họ chẳng là gì đối với ta”. Anh ta sẽ nhắc nhở mình rằng, mặc dù anh cũng thích họ tán thưởng, nhưng điều đó rốt cuộc cũng không liên quan gì tới hạnh phúc của anh. Cái thật sự quan trọng trong tình huống đó là khả năng nhận biết được điều này và bình thản chấp nhận bất kỳ điều gì xảy ra. Tuy vậy, việc phát triển khả năng này đòi hỏi nhiều sự luyện tập hơn so với học chơi một nhạc cụ.
Ghi nhớ: Cảm xúc chỉ là những cảm giác
Hãy nhớ rằng đối với người Khắc kỷ, mọi Cảm xúc về cơ bản chỉ là một dạng “những cảm giác” nhất định có kèm theo phán xét giá trị phi lý. Chúng là những cảm giác mà người Khắc kỷ muốn nhận biết nhất, để không bị chúng cuốn theo, và cái họ cần học cách đánh giá lại là những Cảm xúc, những nỗi sợ phi lý và những khao khát thiếu lành mạnh. Trì hoãn sự phản ứng với một nỗi sợ nghĩa là từ bỏ thái độ né tránh, không trốn chạy và đứng vững trên lập trường của mình. Trì hoãn phản ứng lại một nỗi khao khát nghĩa là không đầu hàng và không chiều theo khao khát. “Chịu đựng và buông bỏ” là khẩu hiệu nổi tiếng của Epictetus. Tránh để bị cuốn đi bởi cảm giác sợ hãi và khao khát ban đầu đòi hỏi các đức tính can đảm và kỷ luật tự giác.
Tâm lý học Khắc kỷ và lý thuyết về kiến thức
Chúng ta cần dừng lại một chút để xem xét nhanh một số khía cạnh của tâm lý học Khắc kỷ. Người Khắc kỷ tin rằng các cảm giác thể lý tạo ra một “cảm tưởng” nội tại (phantasia) về các sự kiện ngoại tại, một “diện mạo” của sự vật, khác biệt với bản thân sự vật. “Cảm tưởng” này truyền đến cho “năng lực kiểm soát” (hêgemonikon) của tâm trí, “nơi ngự trị” của của ý thức và lý trí. Chúng ta có thể hỏi liệu cảm tưởng mà chúng ta nhận được có chính xác và khách quan không, có là đại diện của thế giới bên ngoài hay không. Chúng ta cũng có thể hỏi cảm tưởng này tác động đến tâm trí chúng ta thế nào, nó có gây đau khổ không, nó có khơi gợi khao khát mãnh liệt hay sự chán ghét không. Chúng ta cũng có thể hình thành các “cảm tưởng” thông qua trí nhớ hoặc trí tưởng tượng, xây dựng các hình ảnh mới hoặc được tổng hợp, chẳng hạn hình ảnh nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng, và so sánh chúng với thực tế. Mặc dù phantasia thường được dịch nhầm thành “cảm tưởng ngoại tại”, nhưng nó là khái niệm rộng hơn thế, chứa đựng các hình thức thể hiện về mặt tinh thần khác nhau, bao gồm cái người ta gọi là “suy nghĩ” và “cảm giác” (Long, 2002, tr. 133, 214).
Những cảm tưởng ban đầu này gắn liền với diễn ngôn nội tâm và sự diễn giải về chúng, sử dụng ngôn ngữ và các khái niệm trừu tượng, mang tới ý nghĩa cho các sự kiện. Xét rằng các cảm tưởng bên ngoài được áp đặt lên chúng ta bởi cảm giác, nên ý nghĩa được gán cho chúng qua ngôn ngữ là một hoạt động của “năng lực kiểm soát” của tâm trí, mặc dù hai điều này hợp nhất một cách chặt chẽ trong các trải nhiệm hằng ngày của chúng ta. Theo Hadot, nói một cách chính xác thì đó là những ý nghĩa bằng lời nói của “sự tán thành” hoặc không tán thành có ý thức của chúng ta, mặc dù người Khắc kỷ thường diễn đạt là tán thành các “cảm tưởng”. Chỉ khi chúng ta chủ động tán thành một cảm tưởng ban đầu và đồng ý rằng đó là những gì thật sự diễn ra, thì cảm tưởng đó mới trở thành một “nhận thức” chính thức, đầy đủ về sự kiện ngoại tại.
Người Khắc kỷ đặc biệt lưu ý, một số cảm tưởng ban đầu có thể đánh lừa, và thật ra chúng không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Các nhà tâm ý học ngày nay có thể nói rằng chúng là các quá trình tư duy “tự động” chứ không phải “chủ động”. Ngược lại, “sự tán thành” có ý thức đối với các cảm tưởng phải là một quá trình chủ động và tự do, mang tới cho người trưởng thành khả năng tự ý thức chất vấn các cảm giác của mình, theo cách mà trẻ em và động vật không làm được.
Ngay cả các nhà Hiền triết cũng bị tác động bởi các cảm tưởng vô thức về sự nguy hiểm và có thể giật mình và hoảng hốt bởi một tiếng ồn đột ngột. Tuy nhiên, một người hay lo lắng sẽ tiếp tục lo lắng, cuốn theo cảm giác ban đầu, trong khi đó các nhà Hiền triết sẽ dừng lại và đánh giá sự việc một cách lý trí, và nếu nhận định cảm giác này là giả, nhà Hiền triết sẽ khôi phục sự bình thản của mình. Ví dụ, giả sử có một sự kiện bên ngoài được liên lạc tới não tôi thông qua thị giác và thính giác, như ai đó đang chỉ trích tôi chẳng hạn.Theo phân tích của Hadot, trong thuyết Khắc kỷ, quá trình tán thành theo sau thông tin này bao gồm các giai đoạn điển hình sau đây (Hadot, 1998, tr. 103-104).
1. “Điều gì đã xảy ra?”. Một cảm tưởng nội tâm “nguyên thủy” xảy ra, thông qua những gì mà sự kiện đó được mô tả một cách tự động trong tâm trí, và mô tả này yêu cầu một phản hồi bằng cách ngầm đặt câu hỏi: “Cái gì vậy?”.
2. “Có người phê bình tôi”. Một cách tự nhiên, chúng ta sẽ phản hồi lại bằng cách sử dụng ngôn ngữ và lý lẽ để mô tả sự kiện. Đây là nhận định ban đầu mà người Khắc kỷ gọi là “sự mô tả khách quan” vì nó chỉ lặp lại các sự kiện hiển nhiên của tình huống, theo nghĩa đen là “đồng ý với Tự nhiên”.
3. “Anh ta đã làm hại tôi!”. Sau đó chúng ta có thể tiếp tục thêm vào một phán xét giá trị (hupolêpsis). Tuy nhiên, người Khắc kỷ đã rèn luyện bản thân trì hoãn phán xét như vậy thay vì thêm vào sự đánh giá rằng điều xảy ra là “tốt” hay “xấu”, “có ích” hay “có hại”,…
Epictetus và Marcus Aurelius đã cung cấp nhiều ví dụ khá rõ ràng trong đó chuỗi các sự kiện tâm lý này được giải thích như một dạng đối thoại nội tâm giữa cá nhân và cảm tưởng của mình.
Anh ta bị tống giam. (Cảm tưởng ban đầu tới từ các giác quan.)
Điều gì đã xảy ra? (Điều này thôi thúc đưa ra một nhận định hay giải thích.)
Anh ta bị tống giam. (Chúng ta đáp lại bằng một nhận định khách quan bằng lời nói, đơn giản là lặp lại thực tế hiển nhiên.)
Nhưng “Anh ta rất đau buồn” (một phán xét giá trị không cần thiết) là được chính chúng ta thêm vào.
Discourses (3.8)
Marcus Aurelius viết trong nhật ký của ông rằng chúng ta không nên hoan nghênh “bất kỳ điều gì ngoài điều ta có từ cảm giác ban đầu”, hãy bám lấy chúng, đừng phỏng đoán, thì sẽ không có tai họa nào giáng xuống (Meditations, 8.9). Các ví dụ ông đưa ra là:
Chẳng hạn, có kẻ đã sỉ nhục anh.
Nhưng điều đó không làm hại anh.
Con ta ốm – điều này ta có thể nhìn thấy.
Nhưng, “nó có thể chết vì ốm” – điều này thì không.
Bởi vậy người Khắc kỷ cố giữ “sự mô tả khách quan”, phù hợp với tự nhiên, không thêm các phán xét giá trị hay sự suy luận nào, vì những điều này hình thành các Cảm xúc phi lý trí. Tuy vậy, các phán xét giá trị vẫn thường lén lút kết hợp với các cảm tượng ngoại tại của chúng ta, thông qua thói quen hay một vài lý do khác. Hoặc là chúng ta hấp tấp để các cảm tưởng ban đầu cuốn theo, dẫn đến các Cảm xúc phi lý, hoặc là chúng ta dừng lại, giữ khoảng cách, và tạm thời trì hoãn tán thành cho tới khi chúng ta có cơ hội đánh giá sự việc một cách bình thản.
Tư tưởng chính: Sự mô tả khách quan
Phantasia katalêtikê là một trong những thuật ngữ Khắc kỷ khó dịch nhất, gây đau đầu cho nhiều học giả. Người Khắc kỷ tin rằng một số cảm tưởng xảy ra trong trí óc là hiển nhiên và có thể nắm bắt một cách chắc chắn. Ngược lại, đối thủ của họ, trường phái hoài nghi học viện1 từ chối thừa nhận rằng có bất kỳ cảm tưởng nào có thể nắm bắt một cách thực tế với sự chắc chắn và vì vậy họ phê phán người Khắc kỷ, gọi họ là những người giáo điều. Đã có một cuộc tranh luận triết học phức tạp và kéo dài, tuy nhiên trong phạm vi mục đích của chúng ta, chỉ cần ghi nhớ rằng nhiều người kết luận chủ nghĩa hoài nghi triết học khá bế tắc khi làm cơ sở triết lý cuộc sống. (Chính Học viện Plato đã từ bỏ chủ nghĩa hoài nghi vào khoảng năm 90 trước Công nguyên và chuyển sang một lập trường gần gũi hơn với chủ nghĩa Khắc kỷ, lập trường này được biết tới là “chủ nghĩa Plato trung gian”.)
1 Thuộc nhánh chủ nghĩa hoài nghi của học viện Plato.
Lập trường của chủ nghĩa Khắc kỷ cũng gần gũi hơn với quan điểm theo lẽ thường rằng nói chung chúng ta có thể tin vào các giác quan của mình. Phantasia là một cảm tưởng hay một suy nghĩ đại diện cho điều gì đó, như hình ảnh tinh thần về thực tế bên ngoài – có thể đúng hay sai, chính xác hay không chính xác. Ngược lại,Phantasia katalêptikê là một ấn tượng chắc chắn và đáng tin cậy, “nắm bắt” được các sự kiện một cách chính xác. Cụm từ này đôi khi được dịch là “mô tả khách quan” vì sự vật được nắm bắt với các đặc tính tự nhiên của chúng mà không thêm các phán xét giá trị mạnh mẽ.
Tư tưởng chính: Bàn tay nắm chặt của Zeno
Zeno nổi tiếng vì sử dụng các động tác của bàn tay để tượng trưng cho các cấp bậc hoặc giai đoạn của kiến thức:
1. Một cảm tưởng hay cảm giác (phantasia) được tượng trưng bởi bàn tay phải mở, các ngón xòe rộng, như thể cảm giác được trú ngụ một cách lỏng lẻo trên đó.
2. Sự tán thành (sunkatathesis) được thể hiện bởi các ngón tay nắm hờ, như thể giữ lấy cảm tưởng.
3. Sự chắc chắn (katalêpsis) là bàn tay nắm chặt thành một nắm đấm, thể hiện việc “nắm bắt” một cảm tưởng – điều này tới từ nhận thức về các cảm tưởng một cách rõ ràng và minh bạch, và nắm bắt bản chất của chúng một cách hoàn toàn khách quan.
4. Kiến thức (epistemê) được tượng trưng bởi nắm đấm bàn tay phải được ôm trọn trong lòng bàn tay và các ngón tay của bàn tay trái.
Người Khắc kỷ nói rằng kiến thức thật sự chỉ được sở hữu bởi nhà Hiền triết, và rằng đức hạnh chính là một kiến thức như vậy, về điều tốt, điều xấu và điều không quan trọng. Tuy nhiên, kiến thức được xây dựng từ các cảm tưởng được nắm bắt chắc chắn và ai cũng có thể có được sự chắc chắn này. Kiến thức thật sự được ra đời khi có sự hỗ trợ của lý trí và từ đó hợp nhất với các cảm tưởng đã được nhận thức rõ ràng.
Sự mô tả khách quan và định nghĩa theo vật lý
Thuật ngữ phantasia katalêptikê của người Khắc kỷ theo nghĩa đen là “một cảm tưởng được nắm bắt”, mang ý nghĩa rõ ràng rằng đó là một cảm tưởng được tâm trí coi là hiển nhiên. Thuật ngữ này thường được dịch là “sự mô tả khách quan”. Tương tự như một nhà khoa học hay một triết gia tự nhiên, một người có cảm giác “kateleptic” cũng nắm bắt được thực tế một cách chắc chắn, không bị che mờ bởi các phán xét giá trị. Bằng cách nắm bắt bản chất sự việc một cách khách quan và thực tế, người Khắc kỷ tự ngăn mình để không bị các Cảm xúc không lành mạnh cuốn đi. Epictetus đã khuyên học trò thách thức cảm giác của mình như sau:
Hãy nhận biết! Muốn tán thành, vậy anh có dấu hiệu từ Tự nhiên, thứ mà mọi cảm tưởng đều cần có hay không?
(Discourses, 3.12)
Ông hàm ý rằng chúng ta nên kiểm tra xem cảm tưởng chúng ta có có phải là sự mô tả khách quan thật sự của sự kiện hay không. Nếu không, chúng ta nên từ chối tán thành, đặc biệt nếu nó chứa phán xét giá trị có dạng liên quan tới Cảm xúc.
Do vậy, khái niệm phantasia katalêptikê cung cấp cơ sở cho một dạng bài tập tâm lý hoặc bài tập bằng lời trong chủ nghĩa Khắc kỷ, được Hadot gọi là thực hành “định nghĩa theo vật lý” (Hadot 1998, tr. 104 – 105). Có nhiều ví dụ như vậy trong tác phẩm Meditations.
Anh luôn phải định nghĩa hay mô tả đối tượng xuất hiện trong một cảm tưởng, để có thể nhìn thấy chính nó, bản chất của nó, sự trần trụi của nó, sự toàn vẹn của nó, và mọi chi tiết của nó. Anh phải tự gọi ra cái tên đặc thù của nó cũng như các bộ phận cấu thành nên nó, và nó sẽ chuyển sang dạng gì.
(Meditations, 3.11)
Marcus cũng đưa ra nhiều ví dụ cụ thể khác:
Cách mô tả quan trọng làm sao khi nói về món ăn được trang trí đẹp mắt hay các món tương tự: “Đây là xác của một con cá, còn kia là xác con chim hay con lợn”. Tương tự như vậy, “Món rượu vang (đắt tiền) vùng Falernian này là một loại nước ép nho”, và “Cái áo hoàng bào màu tím này được làm từ len lông cừu được nhuộm bằng chất dịch trong những con ốc gai”. Hay khi nói về cuộc giao hoa, chúng ta phải nói: “Đây là những thân thể cọ xát, kèm theo là sự phóng tiết một dịch nhầy.” Thật quan trọng làm sao khi các cảm tưởng (khách quan) này chạm vào ngay sự việc và xuyên qua nó, để ta có thể nhìn thấy sự việc trong thực tế.
(Meditations, 6.13)
Marcus đang nói về cái áo bào hoàng đế của ông và thứ thuốc nhuộm màu tím đắt tiền dùng để nhuộm chiếc áo, thứ mà, trớ trêu thay, được chiết xuất từ một loại ốc gai nổi tiếng là kinh tởm và bốc mùi. Thứ thuốc nhuộm này thật ra chính là hàng hóa mà Zeno đã mất trong vụ đắm tàu, vì vậy nó đã trở thành lời cửa miệng của người Khắc kỷ khi nói về những vật quý giá nhưng xét về mặt khách quan lại là thứ vô giá trị, thậm chí còn kinh tởm. Hoàng đế Napoleon cũng nói một điều giống Marcus: “Ngai vàng chỉ là một cái ghế ngồi được phủ nhung”.
Khi bám vào thực tế như vậy và mô tả các sự kiện một cách khách quan mà không hàm chứa giá trị của sự kiện, chúng ta đang làm một việc giống như sự quan sát trung lập cần có trong các môn khoa học tự nhiên. Như vậy quá trình định nghĩa theo vật lý này cũng hình thành một phần các bài tập tâm lý trị liệu rút ra từ Vật lý học Khắc kỷ hay triết học tự nhiên. Vì vậy kỷ luật đối với tán thành này bao gồm nỗ lực không ngừng để tách bạch phán xét giá trị khỏi tất cả những điều ngoại tại khác, những điều không trong tầm kiểm soát của chúng ta, và chúng được Đạo đức học Khắc kỷ xếp vào loại “không quan trọng”. Nói cách khác, đó là sự luyện tập chánh niệm và tính khách quan Khắc kỷ không ngừng, ngày này qua ngày khác. Sự tự nhận thức về các phán xét giá trị của chúng ta biến “năng lực kiểm soát” của chúng ta thành thành lũy bên trong của chủ nghĩa Khắc kỷ, hình thành cơ sở cho tri thức thực tiễn, đức hạnh chính yếu và bản chất của chính triết học.
Thực hành: Bài tập “định nghĩa theo vật lý”
Bài tập này sử dụng bài thực hành Khắc kỷ có tên gọi “định nghĩa theo vật lý”, tập trung vào việc mô tả sự vật một cách khách quan, không áp đặt phán xét giá trị.
• Hãy nghĩ về một sự kiện mà bạn thấy có đôi chút phiền muộn, không phải là sự kiện quá đau đầu.
• Nhắm mắt và tưởng tượng bạn đang ở trong tình huống đó và nó đang thật sự xảy ra.
• Thử xem bạn có thể tóm tắt bản chất sự việc một cách khách quan dưới dạng tóm tắt hay mô tả ngắn gọn, chẳng hạn “Ai đó nói điều gì đó mà tôi không đồng tình”.
• Cố gắng mô tả các đặc tính tự nhiên của tình huống chi tiết nhất có thể, gọi tên mỗi thành phần đi cùng để hình thành toàn bộ tình huống “một cách thực tế”. Hãy thực hiện bước này chậm rãi.
• Tránh mọi phán xét giá trị hay sự suy luận, chỉ bám vào các dữ liệu thô, các thực tế của tình huống. Cố ngăn mình thêm thắt bất kỳ điều gì vào cảm giác ban đầu, không đi xa hơn bằng cách nhận định tốt hay xấu, chỉ xem xét tình huống với thái độ trung lập của người Khắc kỷ.
Thực hiện bài tập chậm rãi và kiên nhẫn. Bạn có thể sẽ nhận ra rằng các cảm giác của bạn được giảm nhẹ dần dần. Tập trung vào việc cố nhìn xuyên qua các phán xét giá trị, nỗi sợ hãi và khao khát, để nắm bắt được bản chất vốn có của tình huống.
Tạo khoảng cách nhận thức
Epictetus liên tục nhấn mạnh với học trò của mình rằng việc đánh giá các cảm tưởng ban đầu theo học thuyết của triết học Khắc kỷ bao hàm một chiến lược tâm lý cơ bản hơn. Mặc dù điều này có tầm quan trọng thực tiễn to lớn đối với chủ nghĩa Khắc kỷ, nó lại thường bị các nhà bình luận hiện đại coi nhẹ. Trước khi bắt đầu chất vấn các cảm tưởng của mình, trước hết chúng ta phải phát hiện ra chúng. Điều này khó hơn ta tưởng, vì chúng ta thường xem suy nghĩ của mình là sự thật về thế giới, và chỉ trong những khoảnh khắc suy ngẫm chúng ta mới đặt chúng vào sự chất vấn, nhìn nhận chúng như là những suy nghĩ, nghĩa là các phán xét hay giả thuyết, có thể đúng hoặc sai. Liệu pháp CBT hiện đại rõ ràng cũng rơi vào thế lưỡng nan tương tự.
Chúng ta chỉ có thể đánh giá các suy nghĩ vô thức hoặc thay đổi phản ứng của mình một khi chúng ta “bắt” được chúng và lùi lại một bước. Quá trình này được gọi là “tạo khoảng cách nhận thức”. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải tách biệt về mặt cảm xúc khỏi sự kiện, bằng cách kìm nén cảm xúc hoặc tạo khoảng cách giữa chúng ta với sự việc. Hơn thế, chúng ta thực hiện một điều căn bản và tinh tế hơn: Tạo khoảng cách giữa chúng ta với thực tế, bằng cách nhìn nhận chúng chỉ đơn thuần là sự mô tả của trí não.
Điều này thường được minh họa bằng mô tả tương tự như đeo một cặp kính màu. Thông thường chúng ta nhìn thế giới “qua” lăng kính của sự phán xét tích cực hay tiêu cực, giống như một người nhìn thế giới qua cặp kính “màu hồng” hay cặp kính đen. Chúng ta có thể quên rằng mình đang đeo kính rồi cho rằng đó thật sự là vẻ ngoài của những điều ngoại tại và mọi người khác cũng nhìn thấy chúng như vậy. Tạo khoảng cách nhận thức chính là quá trình bỏ kính ra và nhìn vào chúng, thay vì nhìn thông qua chúng. Chính xác hơn, bạn phải nhận ra những gì bạn nhìn thấy là đến từ màu sắc của cặp kính chứ không phải là thực tế của thế giới. Tương tự như vậy, Marcus Aurelius so sánh các phán xét giá trị với những tia sáng mặt trời phản chiếu những sự vật mà chúng rọi vào.
Trong các phiên bản thời kỳ đầu của liệu pháp CBT, đặc biệt là liệu pháp REBT của Albert Ellis, bệnh nhân thật sự được dạy những câu trích dẫn nổi tiếng của Epictetus để minh họa cho khái niệm sau: “Con người không bị xáo trộn bởi sự vật, mà bởi cách họ nhìn nhận chúng”. Do vậy, bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp CBT thường bắt đầu được dạy cách nhận diện các suy nghĩ vô thức, viết chúng xuống và xem xét chúng với thái độ biện chứng, khoa học, duy lý và vô tư. Họ thực hành đối xử với suy nghĩ của mình như thể chúng là những giả thuyết đáng để xem xét một cách lý trí và thử nghiệm theo kinh nghiệm, thay vì đơn giản coi chúng là sự thật của thế giới. Thực vậy, các nhà nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng việc tạo khoảng cách nhận thức như vậy có thể là một trong những quá trình quan trọng nhất trong tâm lý học.
Kỹ thuật tâm lý gần giống như vậy đã được nhấn mạnh trong tài liệu Khắc kỷ cổ đại. Epictetus nhiều lần nói rằng chúng ta nên ngăn bản thân bị cuốn đi bởi những cảm giác ban đầu khi các Cảm xúc không lành mạnh bắt đầu trỗi dậy, bằng cách nhắc nhở bản thân về các nguyên tắc Khắc kỷ, đã được trích dẫn trong liệu pháp REBT, rằng chúng ta không muộn phiền vì sự việc mà bởi cách chúng ta phán xét chúng. Chẳng hạn, ông khuyên học trò:
- Không bị cuốn đi bởi cảm tưởng về vận may của ai đó, khi họ có được của cải và địa vị. Thay vì vậy, nhắc bản thân rằng điều tốt duy nhất có thể đến với bạn là tự do, và điều này nằm trong năng lực của bạn, nếu bạn có thể nhìn vào sự vật ngoại tại bằng cái nhìn trung lập (Encheiridion, 19).
- Ngay cả khi bạn chứng kiến một điềm gở, như quạ kêu, đừng để sự xuất hiện của những dự cảm về xui rủi cuốn bạn đi. Hãy nhắc bản thân rằng những điều không may có thể chỉ có thể được dự báo cho thân thể hay tài sản của bạn, còn tâm trí của bạn thì luôn sẵn sàng biến nó thành vận may, bằng cách dùng đức hạnh để đáp lại (Encheiridion, 18).
- Khi bạn thấy ai đó đang khốn khổ (đối với người Khắc kỷ, điều này bao gồm các nhân vật trong những thảm họa nổi tiếng), đừng để bị cuốn đi bởi các cảm giác tai họa đang giáng xuống đầu anh ta. Nhắc bản thân rằng, không phải sự việc, mà chính sự phán xét đã làm anh ta khốn khổ, nếu không thì những người khác cũng đã chịu ảnh hưởng giống như anh (Encheiridion, 16).
- Khi ai đó có vẻ xúc phạm hay sỉ nhục bạn, trước hết, hãy cố không để bị những cảm giác như vậy cuốn đi. Hãy nhắc bản thân rằng không phải hành vi của người đó, mà chính phán xét của bạn đã xúc phạm và trêu tức bạn (Encheiridion, 20).
Epictetus ám chỉ rằng việc lùi ra xa khỏi sự xuất hiện của “sự khó chịu” hay “phiền hà” ban đầu, nghĩa là trong đó đã chứa đựng phán xét giá trị: “Đây là mối phiền hà”, thay vì phantasia katalêptikê hay mô tả khách quan về sự việc. Thực vậy, nghịch lý thay, đối với người Khắc kỷ, mối nguy hiểm hay tai hại duy nhất có thể giáng xuống chúng ta nằm ở việc dại dột đưa ra sự tán thành cho các cảm tưởng ban đầu như thế này. Vì lý do này, họ nói rằng cái chết không là tai họa lớn nhất mà chính là nỗi sợ chết mới phải, nghĩa là cảm tưởng rằng cái chết là một tai họa.
Tư tưởng chính: Khái niệm “Tạo khoảng cách nhận thức” trong liệu pháp CBT
Thuật ngữ “tạo khoảng cách” hay có được “khoảng cách nhận thức” được sử dụng bởi Aaron T. Beck, người khai sinh ra liệu pháp nhận thức. Thuật ngữ này đã trở thành khái niệm ngày càng quan trọng trong liệu pháp CBT. Nó bao hàm khả năng coi suy nghĩ của mình chỉ là các suy nghĩ, các giả thuyết về thực tế, thay vì lẫn lộn chúng với thực tế. Ví dụ: có sự khác biệt hoàn toàn giữa hai cách nói: “Tình huống này thật tồi tệ”, và “Tôi có suy nghĩ rằng ‘tình huống này thật tồi tệ’”. Đây là định nghĩa của Beck: “Tạo khoảng cách liên quan tới khả năng nhìn nhận suy nghĩ (hay niềm tin) của bản thân như một sự phỏng dựng thực tế thay vì bản thân thực tế đó”. (Alford & Beck, 1997, tr. 142). Trong liệu pháp nhận thức, điều này nhất định phải đi trước các kỹ thuật khác, chẳng hạn cân nhắc bằng chứng bảo vệ hay chống lại một suy nghĩ. Một nhóm các nhà nghiên cứu khác thí nghiệm một cách tiếp cận nhấn mạnh hơn vào bước ban đầu này, và gọi phương pháp này là “Tạo khoảng cách toàn diện”. Về sau, phương pháp này được phát triển thành một liệu pháp mới có tên gọi Phương pháp trị liệu Chấp nhận và Cam kết (ACT – Acceptance and Commitment Therapy). Tương tự như vậy, các phương pháp trị liệu khác “dựa trên cơ sở chánh niệm và chấp nhận”, đôi khi được gọi là làn sóng thứ ba của liệu pháp CBT, nói chung đã ngày càng đặt trọng tâm vào các chiến lược tâm lý như “tạo khoảng cách”.
Ghi nhớ: Chúng ta không phiền muộn vì các sự kiện mà vì phán xét của chúng ta về chúng
Epictetus liên tục nhắc nhở học trò của mình tránh bị các ấn tượng ban đầu cuốn đi, khi các Cảm xúc độc hại trỗi dậy. Họ cần nhớ rằng chính những phán xét giá trị là thứ khiến họ phiền muộn chứ không phải các sự kiện bên ngoài. Đây là một chiến lược nổi tiếng của người Khắc kỷ và là nguyên tắc cơ bản trong tác phẩmHandbook của Epictetus. Một kỹ thuật tương tự là nhắc nhở bản thân rằng người khác có thể nhìn nhận cùng một sự kiện theo các cách hoàn toàn khác biệt, có thể với thái độ bàng quan, và chính những suy nghĩ cùng phán xét của bạn mới chịu trách nhiệm cho những sầu khổ của bạn. Hãy nhớ rằng giữ khoảng cách với cảm giác không giống với cố gắng né tránh hay đè nén chúng. Trên thực tế, đây là một dạng chấp nhận, chấp nhận sự hiện diện của các suy nghĩ gây nhiễu trong khi xem xét chúng với thái độ khách quan.
Tư tưởng chính: Các chiến lược “Tạo khoảng cách nhận thức” trong liệu pháp CBT
Trong hầu hết các bài viết của mình, Beck mô tả nhiều chiến lược khác nhau được thiết kế để tạo khoảng cách nhận thức. Dưới đây là một số ví dụ:
1. Nhận diện các suy nghĩ vô thức, thoáng qua và viết thật súc tích vào một bản ghi chép tự theo dõi để có thể xem lại chúng một cách khách quan.
2. Cẩn thận phân biệt cảm xúc với những suy nghĩ và niềm tin làm nền tảng cho chúng, từ đó những suy nghĩ có thể được xem là đại diện của thực tế đúng hoặc sai..
3. Viết các suy nghĩ lên một tấm bảng rồi lùi lại một bước theo đúng nghĩa đen và nhìn chúng từ một khoảng cách, như nhìn một vật gì đó “đằng kia”.
4. Nói về suy nghĩ của bạn dưới ngôi thứ ba, ví dụ: “Tôi nhận ra rằng Donald bắt đầu thấy bực rồi và đang nghĩ rằng người kia vừa xúc phạm ông ấy...”.
5. Dùng thẻ hoặc sổ ghi chép để ghi lại tần số các suy nghĩ hay cảm xúc vô thức đặc biệt trong ngày, xem xét chúng thường xuyên và lặp đi lặp lại, như những sự soi rọi chứ không phải những kết luận hữu lý.
6. Thay đổi góc nhìn và thử đặt mình ở vị trí của người khác, người có thể nhìn sự việc theo cách khác, có thể khám phá nhiều góc nhìn khác nhau đối với cùng một tình huống.
Việc thực hành thiền chánh niệm lấy cảm hứng từ phương pháp của Phật giáo đã trở thành trung tâm của nhiều liệu pháp thuộc làn sóng thứ ba , sử dụng một quá trình cơ bản giống với “tạo khoảng cách nhận thức”. Trong quá trình thiền định, khi một suy nghĩ vô thức xâm nhập, chúng ta nên nhìn nó một cách khách quan và để mặc nó trôi đi như chiếc lá theo dòng nước thay vì tương tác với nó. Như chúng ta sẽ thấy, hầu hết các kỹ thuật này nhất quán với các phương pháp thực hành Khắc kỷ, và thực vậy, chúng giống các chiến lược tâm lý tìm thấy trong tài liệu Khắc kỷ cổ xưa. Sự giống nhau giữa phương pháp trị liệu Khắc kỷ cổ và phương pháp trị liệu nhận thức hiện đại là rất quan trọng, bởi vì có một khối lượng đáng kể các bằng chứng khoa học ngày nay hỗ trợ hiệu quả cho các chiến lược “tạo khoảng cách”.
Thực hành: Đạt được khoảng cách nhận thức trong chủ nghĩa Khắc kỷ
Chúng ta có thể mở rộng một số lời khuyên của Epictetus trong tác phẩm Handbook bằng cách kết hợp chúng với các yếu tố của liệu pháp CBT hiện đại. Khi bạn nhận diện sự trỗi dậy của một nỗi sợ hãi phi lý hoặc một khát khao thái quá, hay bất kỳ một dạng Cảm xúc thiếu lành mạnh nào đó, hãy dừng lại và đừng để bị cuốn theo những cảm giác chứa đựng trong đó, đặc biệt là các phán xét giá trị về điều tốt hay điều xấu, có ích hay có hại. Luyện tập trì hoãn tán thành, xem xét cảm giác một cách khách quan, đáp lại những cảm giác này bằng cách:
• Đáp lại cảm giác: Ngươi chỉ là bề ngoài thôi. Ngươi không phải là toàn bộ những gì ngươi tự cho rằng mình đang đại diện.
• Tự nhủ: Chúng ta không muộn phiền vì bản thân sự việc mà vì phán xét của chúng ta về sự việc đó.
• Tự nhủ: Những điều ngoại tại và những điều thuộc thân thể về cơ bản là “không quan trọng” trong việc trở thành một người tốt.
• Tự nhủ: Nhà Hiền triết sẽ vượt lên trên cảm giác, xem nó chẳng liên quan tới hạnh phúc (eudaimonia) của anh ta.
Đặc biệt hãy tập trung vào việc xem xét cảm giác như một mô tả tinh thần, chứa đựng phán xét rằng đó gì đó tốt hay xấu. Hãy nhớ rằng đó chỉ là ấn tượng hay bề ngoài, là thứ khác với cái mà nó tuyên bố rằng nó đang đại diện.
Thực hành: Bài tập thiền định về những chiếc lá trôi theo dòng nước
Đây là một bài tập phỏng theo “làn sóng thứ ba” thuộc liệu pháp CBT hiện đại, có tên gọi là Phương pháp trị liệu Chấp nhận và Cam kết (ACT)(Heyes, Strosahl & Wilson, 2012). Bài tập này cung cấp một phương pháp thực hành một số kỹ năng tâm lý mà người Khắc kỷ cũng đã đánh giá cao.
1. Nhắm mắt, ngồi ở một vị trí thoải mái, dành một chút thời gian thả lỏng và ổn định trước khi bắt đầu cẩn thận quan sát dòng ý thức.
2. Hình dung một dòng suối hay dòng sông chảy lững lờ, có thể tưởng tượng hoặc trích hình ảnh trong ký ức. Hãy tưởng tượng lúc này là mùa thu và có một vài cái lá rơi xuống dòng nước rồi chậm chậm bị cuốn đi, lướt qua bạn và cứ thế xuôi dòng. Hãy tưởng tượng bạn đang quan sát sự việc từ một khoảng cách, từ trên bờ cao hay trên một chiếc cầu. Điều này cho bạn một cái gì đó để không ngừng chú ý.
3. Đương nhiên đôi lúc tâm trí bạn cũng sẽ lan man hoặc có vài suy nghĩ hay cảm xúc khác tự ý xuất hiện. Thay vì coi chúng là những thứ gây xao lãng và cố ngăn chúng, hãy chấp nhận những suy nghĩ (hay “cảm giác”) vô thức này là bình thường và vô hại, và gộp chúng vào trong bài luyện như bước tiếp theo.
4. Khi tâm trí lan man hoặc một suy nghĩ xâm nhập, hãy nắm bắt nó càng sớm càng tốt và nhẹ nhàng đưa sự tập trung về với hình ảnh dòng sông.
5. Biến suy nghĩ thành một vật thể. Ví dụ, nếu từ ngữ đi qua tâm trí bạn, hãy tưởng tượng chúng được viết trên một mẩu giấy nhỏ; nếu một ký ức hoặc một hình ảnh xuất hiện trong tâm trí bạn, biến chúng thành một bức ảnh; nếu một cảm xúc hay một xung động cơ thể nắm giữ sự chú ý của bạn, hãy hình dung nó là một màu sắc hay một hình dạng.
6. Bây giờ hãy đặt vật thể đó lên trên những chiếc lá trên dòng nước, những chiếc lá “ở đằng kia”, cách bạn một khoảng, và để nó trôi đi, cho phép nó chao lượn tự nhiên theo dòng chảy cho tới khi biến mất khỏi tầm nhìn.
7. Hãy tiếp tục nắm bắt thật nhanh các suy nghĩ hoặc cảm giác, biến chúng thành các vật thể, đặt chúng lên trên những chiếc lá cách bạn một khoảng và để nó trôi đi. Việc những suy nghĩ hay cảm xúc cũ quay trở lại cũng là điều hoàn toàn bình thường, cứ phản ứng với chúng theo cùng một cách thức.
Điều quan trọng là bạn không tiếp cận phương pháp này như một cách để tránh né hay gạt bỏ những suy nghĩ vô thức. Mục tiêu của bạn là tập trung vào việc nhận biết và chấp nhận bất kỳ điều gì đi vào dòng ý thức của mình với một ý thức về khoảng cách nhận thức. Lý tưởng nhất là bạn không bám lấy các suy nghĩ này cũng không đẩy chúng ra xa, mà cho phép chúng dần phai nhạt trong tâm trí một cách tự nhiên theo thời gian. Người Khắc kỷ tin rằng các cảm giác xảy ra trong tâm trí một cách vô thức và chúng vốn “không quan trọng”, chính phản ứng của chúng ta với chúng mới là điều quan trọng nhất. Theo Epictetus, nền tảng của tri thức và đức hạnh là “sử dụng những cảm giác của chúng ta một cách đúng đắn”. Điều này bắt đầu với việc chúng ta có khả năng nhận diện chúng mà không để cho chúng cuốn đi và chúng ta làm vậy bằng cách trì hoãn phản ứng của mình với những cảm giác này.
Ghi nhớ: Bạn cần nhận diện được các cảm giác trước khi chất vấn chúng
Như Beck lưu ý, chúng ta cần nhận diện được các suy nghĩ vô thức và lùi lại một bước (có được khoảng cách nhận thức) trước khi bắt đầu thay đổi suy nghĩ bằng cách xem xét các bằng chứng… Nói cách khác, trước khi chất vấn các cảm giác của mình, chúng ta cần có khả năng coi ấn tượng của chúng ta về sự kiện chỉ là những giả thuyết có thể bị chất vấn, là những suy nghĩ hơn là sự thật. Người Khắc kỷ có vẻ cũng đã khám phá ra điều tương tự. Epictetus nhiều lần nói với học trò rằng trước khi đánh giá tính khách quan của các cảm giác theo học thuyết Khắc kỷ, họ phải tránh để không bị những cảm giác của mình cuốn đi, phải chậm lại và nhắc nhở bản thân rằng chúng chỉ là bề ngoài chứ không phải là thứ chúng cho rằng mình đang đại diện. Việc này có thể diễn ra sau một khoảng thời gian “để nguội”, trì hoãn bất kỳ sự đánh giá nào tới khi các cảm giác không còn mới mẻ và các cảm xúc đã yếu đi để chúng ta có thể suy nghĩ một cách bình tĩnh và mạch lạc. Theo Epictetus, câu hỏi trọng tâm mà chúng ta nên đặt ra là liệu sự việc diễn ra có nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta hay không. Chúng ta sẽ trở lại điều này trong chương sau.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Kỷ luật Phán xét, hay kỷ luật đối với việc “tán thành”, có liên quan tới Logic học Khắc kỷ và bao hàm việc tránh hấp tấp để những cảm giác ban đầu cuốn đi, tiếp đến là đánh giá những cảm giác này theo các nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc kỷ.
• Kỹ thuật của người Khắc kỷ có tên gọi “định nghĩa theo vật lý”, bao gồm loại bỏ các phán xét giá trị và bám lấy sự mô tả khách quan của sự kiện.
• Epictetus liên tục khuyên chúng ta phải đạt được điều mà các nhà trị liệu hiện đại gọi là “khoảng cách nhận thức” với những cảm giác gây phiền muộn, chẳng hạn bằng cách nói: “Ngươi đơn thuần chỉ là bề ngoài và không phải là thực chất của sự việc”, hay tự nhắc nhở mình rằng chúng ta phiền muộn bởi những phán xét giá trị của chúng ta về sự kiện hơn là bởi bản thân sự kiện.
Bước tiếp theo
Như chúng ta đã thấy, Epictetus nói rằng Kỷ luật Phán xét bao gồm hai bước cơ bản. Chúng ta vừa xem xét bước đầu tiên là tạo “khoảng cách nhận thức” với cảm giác ban đầu. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét bước tiếp theo: đánh giá cảm giác bằng các nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc kỷ. Theo ông, việc này chủ yếu bao gồm xem xét liệu nó có liên quan tới những thứ trong tầm kiểm soát của chúng ta hay không. Về điều này, tôi muốn nói đến “Chiếc nĩa của người khắc kỷ” bởi phép lưỡng phân này là trung tâm của thực hành Khắc kỷ, đặc biệt trong các bài thuyết giảng của Epictetus.