T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Làm thế nào để sử dụng phương pháp nổi tiếng nhất về xây dựng sự vững vàng theo chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại: tiên liệu tai ương (praemeditatio malorum).
- Làm thế nào để ngăn sự tiên liệu mang tính triết học này trở thành nỗi lo lắng vô ích.
- Các quá trình tâm lý khác nhau có thể được sử dụng trong việc tiên liệu mang tính triết học như thế nào.
Bất kỳ người nào tự tin nói, “Hỡi vận mệnh, ta đã ra đòn phủ đầu với người, và ta cũng đã tước bỏ mọi sai sót mà người tạo ra”, đều không dựa vào những phương pháp thật sự có ích mà dựa vào các nguyên tắc và lập luận mà ai cũng có thể dùng nếu muốn. […] Vì nếu trí óc đã thành bê tha, lúc nào cũng chỉ chọn con đường dễ nhất, trốn chạy khỏi các vấn đề không hay hòng mong có được sự sung sướng tối đa, hậu quả sẽ là sự yếu đuối và nhu nhược sinh ra từ sự thiếu nỗ lực; còn một trí óc được tôi luyện và làm việc liên tục để sử dụng tính hợp lý hình dung ra được hình ảnh của bệnh tật, đau đớn và tù đày một cách lý trí và chi tiết, sẽ nhận ra rằng có rất nhiều điều không có thật, thiển cận và thiếu lành mạnh trong các vấn đề hiển nhiên cũng như trong những điều khủng khiếp mà các vấn đề ấy mang lại.
(Plutarch, On Contentment, 467c)
Mỗi ngày, hình dung trước mắt mình hình ảnh của cái chết, tù đày và tất cả những gì được coi là tai họa, nhưng hơn hết là cái chết; thì anh sẽ không bao giờ có những suy nghĩ thấp hèn, và cũng chẳng bao giờ thèm khát điều gì một cách thái quá.
(Encheiridion, 21)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ đối với những nghịch cảnh tương lai
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Tiên liệu được những thất bại hay trở ngại và xóa bỏ cảm giác sốc hay ngạc nhiên vì những điều đó là rất quan trọng.
2. Thay vì tránh nghĩ về các vấn đề khó khăn trong tương lai, chúng ta nên luyện tập bản thân để điềm tĩnh đối diện những điều tồi tệ nhất.
3. Nếu, bằng trí tưởng tượng của mình, tôi kiên nhẫn đối diện với nỗi sợ hãi đủ lâu, thì nỗi lo lắng của tôi cuối cùng cũng sẽ giảm bớt đi.
Tại sao dự liệu được những rủi ro trong tương lai lại quan trọng?
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong đời bạn có thể là gì? Bạn sẽ đương đầu với nó thế nào? Bạn đã chuẩn bị cho mình sẵn sàng thế nào trước những tai ương mà bạn thấy đã xảy ra với người khác? Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong kho tàng của chủ nghĩa Khắc kỷ: nhìn xa thấy trước. Thực vậy, khi được hỏi đã học được gì từ triết học, Diogenes người theo chủ nghĩa khuyển nho đã nói: “Sẵn sàng cho mọi vận rủi”. Thật ra Epictetus còn đi xa hơn khi nói nghiên cứu triết học Khắc kỷ có ý nghĩa tất yếu là “chuẩn bị tinh thần cho các sự kiện xảy ra trong tương lai”. Tương tự, Seneca nói chúng ta nên luyện cho bản thân trở nên cứng rắn để đương đầu với các khó khăn có thể giáng xuống, hãy nhớ rằng luôn luôn có thể có một tên trộm hay một kẻ thù “kề dao vào cổ anh”.
Như đã nói ở đầu sách, bằng tiếng Anh hiện đại, chúng ta nói về một người “bình thản” (philosophical, cũng có nghĩa là “hợp với triết học”) trong khó khăn đôi khi đồng nghĩa với một người rất “khắc kỷ” (stoical), với một ý nghĩa phổ biến của từ này: bình tĩnh đối mặt với tai ương. Tương tự, Horace viết: “Hãy nhớ giữ tâm trí bình tĩnh và cân bằng khi đối diện với tai ương” (Odes, 2.3). Người Khắc kỷ luyện bản thân duy trì sự bình thản và miễn nhiễm với những đau đớn về mặt cảm xúc khi đối diện với “những bất hạnh”, họ làm vậy bằng cách thường xuyên hình dung và chuẩn bị tinh thần để đối diện với các sự kiện này.
Kỹ thuật tâm lý nổi tiếng này được Seneca gọi là “tiên liệu tai ương” (tiếng Latinh là praemeditatio malorum). Đối với người Khắc kỷ, trọng điểm chính là những rủi ro hiển nhiên hay cái gọi là rủi ro được họ hình dung ra không phải là thứ thật sự tiêu cực, mà hoàn toàn trung lập. Về cơ bản, sự bàng quan trước những “tai họa đáng sợ” chính là cái mà người Khắc kỷ mưu cầu củng cố bằng cách suy ngẫm về tương lai qua việc đặt mình vào những tai họa tưởng tượng đó. Không lo lắng về những “tai họa đáng sợ”, cũng không tránh suy nghĩ về chúng, mà đối diện với chúng một cách bình tĩnh, kiên nhẫn, trong khi duy trì một “thái độ triết học”.
Các tác gia hiện đại đặc biệt bị hấp dẫn bởi chủ nghĩa Khắc kỷ vì họ thấy học thuyết này cung cấp một phương pháp tâm lý đáng tin cậy thay thế cho các chiến thuật “suy nghĩ tích cực” hời hợt, bề ngoài, vốn rất phổ biến ngày nay. “Áp dụng tính duy lý nghiêm ngặt của mình vào tình huống, người Khắc kỷ đưa ra một phương pháp tao nhã, bình tĩnh và vững vàng hơn để xử lý khả năng sự việc đi sai hướng: thay vì cố hết sức tránh mọi suy nghĩ về các tình huống tồi tệ nhất, họ khuyên chúng ta nên tích cực xem xét chúng, nhìn trực diện vào chúng” (Burkeman, 2012, tr. 32).
Trong thế giới cổ đại, không như chúng ta, có vẻ ít có người cho rằng những suy nghĩ tích cực là lành mạnh, và có lẽ họ đúng. Mục tiêu của triết học là nuôi dưỡng niềm tin lý trí và thực tế chứ không chỉ cố suy nghĩ về những ý nghĩ vui vẻ. Các nghiên cứu tâm lý học gần đây có xu hướng chỉ rõ rằng những người sẵn sàng chấp nhận những ý nghĩ và cảm xúc không dễ chịu mà không để chúng áp đảo, thì sẽ vững vàng hơn những người cố đánh lạc hướng bản thân và tránh những trải nghiệm như vậy bằng những chiến lược như suy nghĩ tích cực (Hayes, Strosahl, & Wilson, 2012; Robertson, 2012).
Mặc dù, như chúng ta sẽ thấy, các nghiên cứu hiện đại nhận diện nhiều cơ chế tâm lý dựa trên các kỹ thuật hình ảnh tinh thần loại này, thì người Khắc kỷ lại tin rằng việc tiên liệu ấy chủ yếu được coi là một cơ hội phát triển đức hạnh với việc nhắc lại các câu châm ngôn triết lý cốt lõi của họ. Qua suy ngẫm về tương lai kiểu này, mục tiêu của người Khắc kỷ không chỉ là làm giảm nhẹ cảm giác sốc trước những rủi ro và duy trì sự thanh thản nội tại, mà còn để nhấm chìm tâm trí họ vào các nguyên tắc của triết học Khắc kỷ và thấu hiểu chúng sâu sắc hơn.
Các quá trình tâm lý khác có thể cũng giúp ích, nhưng mục tiêu chính của chủ nghĩa Khắc kỷ phải là nắm bắt được đức hạnh, từ đó có được Hạnh phúc và viên mãn (eudaimonia). Một câu chuyện ngụ ngôn của Aesop thể hiện khái niệm này rất hay: “Có một con lợn rừng đang mài nanh vào một thân cây thì một con cáo đi tới gần và hỏi tại sao lợn rừng lại làm như vậy. ‘Tôi không thấy có lý do nào khiến anh làm vậy’, cáo nói, ‘chẳng có thợ săn hay chó săn nào quanh đây, thực tế thì ngay lúc này tôi chẳng thấy có mối đe dọa nào cả’. Lợn rừng đáp: ‘Đúng vậy, nhưng khi nguy hiểm xuất hiện thì tôi có nhiều thứ khác phải lo nghĩ hơn là mài sắc vũ khí của mình’”. Vào thời bình, hãy chuẩn bị cho thời chiến. Đối với người Khắc kỷ, việc chuẩn bị này là việc làm cả đời, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần:
Chính vào những lúc an toàn, phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với khi khó khăn. Khi được ban tặng vận may cũng chính là lúc cần củng cố để phòng lúc đổi vận. Giữa thời bình, người lính diễn tập, đào công sự để chống lại kẻ thù không tồn tại, ra sức làm những công việc nặng nhọc đến mệt nhoài để phòng khi cần. Nếu anh muốn một người nào đó giữ vững tinh thần khi xảy ra khủng hoảng, anh phải cho anh ta luyện tập trước khi khủng hoảng xảy tới.
(Seneca, Letters, 18)
Antisthenes nói “Đức hạnh một thứ vũ khí không thể bị tước đoạt của con người” (Lives, 6.1). Đối với người Khắc kỷ và người khuyển nho, cuộc đời là trận chiến. Chính vì vậy, chúng ta có thể nghĩ về đức hạnh và những lời giáo huấn của người Khắc kỷ như vũ khí và việc dự liệu tai ương giống như một hình thức tập trận mỗi ngày.
Việc luyện tập suy ngẫm cho phép chúng ta sẵn sàng vào một thời điểm khi một hoàn cảnh bất ngờ, có thể bi thảm, xảy ra. Trong bài luyện có tên gọi “tiên liệu tai ương” (praemeditatio malorum), chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh nghèo đói, đau khổ và cái chết. Chúng ta phải đối mặt một cách trực diện với những khó khăn của cuộc đời, tâm niệm rằng chúng không phải cái xấu ác, bởi chúng không phụ thuộc vào chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta phải khắc ghi các câu châm ngôn nổi bật trong tâm trí, để khi cần, chúng sẽ giúp chúng ta chấp nhận các sự kiện, điều vốn nằm trong tiến trình của Tự nhiên. Chúng ta sẽ “có sẵn” những câu châm ngôn và những câu nói. Điều ta cần là công thức hay các lập luận có sức thuyết phục (epilogismoi) để lặp lại cho bản thân trong những hoàn cảnh khó khăn, nhằm để kìm hãm những động thái của nỗi sợ hãi, tức giận hay buồn khổ.
(Hadot, 1995, tr. 85)
Nói cách khác, triết lý, lập luận lý tính và những lời giáo huấn được coi là sự phòng vệ vững chắc nhất chống lại sự thăng trầm của may rủi.
Seneca là người Khắc kỷ nói nhiều nhất về dự liệu tai ương như một hình thức rèn luyện tính kiên cường về mặt cảm xúc và đạo đức. Chẳng hạn, trước một tai họa khủng khiếp của một người bạn, ông đã phản ứng với lời khuyên rằng chúng ta phải để suy nghĩ của mình đi trước ở mỗi diễn biến và đoán trước mọi sự không may có thể xảy ra, không chỉ với những sự kiện thông thường, mà cả những tai họa như tù đày, tra tấn, chiến tranh, đắm tàu. Một cách hệ thống, điều này được tiếp cận như là một bài luyện suy ngẫm hằng ngày của người Khắc kỷ. Tuy nhiên, Seneca còn tiếp tục nhấn mạnh rằng cách người Khắc kỷ suy ngẫm về sự nhất thời của sự vật sẽ làm giảm nhẹ căng thẳng cho chúng ta.
Thay vì lo lắng về những điều này, người Khắc kỷ tiếp tục bình tĩnh và kiên nhẫn đánh giá các mối đe dọa mà họ nhận thức được, nhất là khi chúng thật sự tồi tệ hay thảm khốc. Đối mặt với các “tai họa” nhận thức được, những đòn đánh của hoàn cảnh, chúng ta sẽ hiểu được rằng hiện thực “không bao giờ nghiêm trọng như lời đồn đoán” (Letters, 91). Châm ngôn phổ quát của đạo đức Khắc kỷ nên được coi là cơ sở của việc dự liệu tai ương: rằng có những điều ta kiểm soát được, có những điều không, và những thứ khách quan, nằm ngoài ý chí của chúng ta, về cơ bản là những điều không quan trọng đối với chúng ta.
Bất kể tai họa nào mà người Khắc kỷ tưởng tượng sẽ giáng xuống mình, thì trong thí nghiệm tư duy này kết quả luôn luôn giống nhau: Các sự kiện khách quan không tốt cũng không xấu, mà chính phản ứng của chúng ta với các sự kiện này mới tốt hoặc xấu. Đa số chúng ta giống như trẻ nhỏ, sợ hãi trước một người đeo mặt nạ dữ dằn, nhưng sẽ lập tức hoàn hồn khi mặt nạ được bỏ ra. Chúng ta sẽ thấy những tai họa được tiên liệu thật sự có tính trung lập, nếu chúng ta suy ngẫm một cách bình tĩnh và lý trí về bản chất của chúng.
Bởi vậy, chúng ta nên chứng minh cho bản thân rằng mình đã thật sự hiểu được bản chất của các điều xui rủi mà ta vẫn thường nghe nói tới, bằng cách nghĩ về “những điều có thể xảy ra như những điều sắp xảy ra”. Như Epictetus nói, triết lý Khắc kỷ hiệu nghiệm như cây gậy thần của Hermes: khi được sử dụng một cách khôn ngoan, mọi xui rủi mà nó chạm vào sẽ biến thành điều may mắn tốt đẹp. Ông khuyên rằng, khi suy ngẫm về các thảm họa như phá sản hay tổn thương thân thể, chúng ta có thể nói: “Phi ý chí, [vì vậy] không xấu!”. Người Khắc kỷ rèn luyện bản thân ghi nhớ định nghĩa của chủ nghĩa Khắc kỷ về điều tốt, và cả những lời giáo huấn có liên quan, trong khi diễn tập mọi sự kiện không may có thể thật sự giáng xuống cuộc đời mình, đây chính là cơ sở của sự vững vàng cảm xúc và sự “miễn dịch” với những điều may rủi của người Khắc kỷ. Khi không có những tai ương thật sự, người Khắc kỷ tìm kiếm sự thách thức trong trí tưởng tượng, bằng cách đối diện trước với những khó khăn trong tương lai. Bằng cách đó, không những người Khắc kỷ được chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ điều gì có thể xảy đến trong cuộc sống, mà còn có vô vàn cơ hội để luyện tập các đức tính chịu đựng và kỷ luật tự giác Khắc kỷ, không giới hạn bản thân trong những thách thức của thời điểm hiện tại. Như vậy, người Khắc kỷ sẽ hoàn thành cái mà Epictetus gọi là “bài luyện mùa đông”, một loại bài tập huấn luyện tăng cường trong quân đội đã từng được sử dụng bởi đội quân cổ đại khi chuẩn bị cho một trận đánh quyết định.
Bởi tai họa lớn nhất mà người Khắc kỷ quan tâm là cái chết của chính mình, nên phương pháp dự liệu tai ương cũng dẫn tới một khái niệm rộng lớn là suy ngẫm về cái chết của bản thân. Người Khắc kỷ phải có can đảm nghĩ tới điều không tưởng, và liên tục đương đầu với các sự kiện thảm khốc trong tâm trí (điều đa số người khác thường lảng tránh) nhằm nắm chắc bản chất trung lập của chúng. Phương pháp dự liệu tai ương vì vậy mà kết nối kỷ luật cảm xúc với Kỷ luật Hành động, bằng cách khuyến khích chúng ta vượt qua nỗi lo lắng trước khi nó xảy đến, trong khi dự liệu các trở ngại và hoạch định các hành động thích hợp, luôn ghi nhớ trong đầu “mệnh đề dự phòng”. Thật vậy, Marcus Aurelius mô tả một buổi thiền buổi sáng giống như việc dự liệu tai ương mỗi sáng sau khi thức dậy:
Hãy tự nhủ lúc bình minh: Ta sẽ gặp người bao đồng, kẻ vô ơn, hống hách, bội bạc, đố kỵ và người chống đối xã hội. Tất cả những điều này xảy ra với họ như vậy là bởi họ không phân biệt được điều tốt xấu.
(Meditations, 2.1)
Như vậy, có vẻ như ngoài việc suy ngẫm về bản chất trung lập của các sự kiện khách quan, theo cách tương tự, người Khắc kỷ có thể cũng đoán trước về những sự bực dọc mà người khác gây ra, nhưng kèm với đó còn có sự quan sát rằng hành động của những người đó được gây ra bởi sự thiếu tri thức, thiếu hiểu biết về bản chất đích thực của điều tốt và sự trung lập của những thứ ngoại tại mà họ quan tâm.
Trong tác phẩm On Anger của Seneca cũng có một đoạn văn nếu ý khá tương đồng, đoạn này mô tả cách mà một người khôn ngoan đi ra ngoài mỗi ngày, sẵn sàng gặp người vô ơn, tham lam… và nhìn họ “một cách nhân từ như thầy thuốc nhìn bệnh nhân của mình” (2.10). Tương tự như vậy, Epictetus nói rằng khi ai đó bất đồng hay xung đột với chúng ta, chúng ta phải nhận ra rằng anh ta đơn giản là muốn cái anh ta cho là đúng, và hãy tự nhủ: “Đối với anh ta, việc này chính là như vậy” (Encheiridion, 42).
Tư tưởng chính: Tiên liệu tai ương (Praemeditatio Malorum)
Các triết gia thuộc các truyền thống triết học khác nhau, mà đặc biệt là các nhà Khắc kỷ, nói về bài tập tâm lý bao gồm việc liên tục tưởng tượng ra các tai họa trong tương lai như thể chúng đang xảy ra ngay trước mắt. Trong thư tịch cổ, các ví dụ như tù đày, bệnh tật, nghèo đói, mất người thân và cả cái chết của chính mình vẫn thường được sử dụng. Theo người Khắc kỷ, việc này nhằm củng cố tâm trí, luyện tập các đức tính và học thuyết triết học mà các đức tính này lấy làm nền tảng.
Nói cách khác, con người có thể vươn lên trong những điều kiện ngược đãi bất công và thậm chí cái chết, như ví dụ về những người anh hùng Khắc kỷ như Hercules, Socrates, Diogenes và Cato. Việc suy ngẫm về những tai ương trong tương lai cho phép chúng ta diễn tập các tình huống với “thái độ bình thản” (philosophical), tự nhắc mình rằng không có hiện tượng khách quan nào là xấu về bản chất.
Người Khắc kỷ cũng nhấn mạnh rằng bằng việc dự liệu trước những điều tồi tệ, chúng ta có thể nhổ bỏ cái ngòi độc của các sự kiện này, qua việc loại bỏ cảm giác phi lý trí, ngạc nhiên hay sốc, nếu các sự kiện thật sự xảy ra. Tiên liệu tai ương bao gồm việc hình dung tạm thời các sự kiện như thể chúng đang xảy ra ngay trước mắt, nhưng chắc bạn cũng nhớ rằng người Khắc kỷ chỉ quy một số giá trị có chọn lọc cho các sự kiện tương lai. Bởi vậy nó bao hàm việc coi các sự kiện “không được ưu tiên” như thể chúng hoàn toàn “không quan trọng” và không có tính tiêu cực theo bất kỳ nghĩa nào.
Ghi nhớ: Trong chủ nghĩa Khắc kỷ, các sự kiện “tiêu cực” bên ngoài hay “những điều xui rủi” là trung lập
Irvine gọi điều này là “sự hình dung tiêu cực” (Irvin, 2009). Tuy nhiên, chữ “tiêu cực” đôi khi là nguồn cơn của nhiều sự nhầm lẫn. Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Khắc kỷ, và của bài tập này, là cái được gọi là “điều xui rủi” ngoại tại không hề tiêu cực chút nào. Theo chủ nghĩa Khắc kỷ, các sự kiện bên ngoài, không là điều tốt (tích cực) cũng chẳng xấu (tiêu cực) về bản chất, mà đơn thuần là mang tính trung lập. Do vậy, mục đích của bài tập là diễn tập việc chú trọng phản ứng của chúng ta đối với sự kiện thay vì chú tâm vào bản thân sự kiện. Như Hadot nói, người Khắc kỷ diễn tập những điều tồi tệ tương lai trong khi “tâm niệm rằng chúng không xấu” (Hadot, 1995, tr. 85), hay, như các nhà tâm lý học hiện đại nói, rằng chúng không thật sự là “thảm họa”. Epictetus còn dạy các học trò của mình đáp lại suy nghĩ về các sự kiện đáng sợ bằng cách nói thẳng: “việc này chẳng là gì với ta!”.
Điển cứu: Buổi hành quyết Seneca
Có lẽ không có một ví dụ về tiên liệu tai ương của người Khắc kỷ nào hay hơn câu chuyện về cái chết của Seneca (năm 65 Công nguyên) được ghi chép lại trong tác phẩm Annals (tạm dịch: Biên niên sử) của nhà sử học La Mã Tacitus. Seneca được bổ nhiệm làm gia sư và cố vấn cho Nero khi ông này trở thành Hoàng đế ở tuổi 17 vào năm 54 Công nguyên. Tuy nhiên, càng lớn và càng nắm nhiều quyền lực, Nero trở nên ngày càng hoang tưởng và bất định. Ông ta ra lệnh thi hành nhiều cuộc giết chóc tàn bạo, bao gồm cả anh trai và mẹ ông, ngày nay ông ta được nhớ tới như một trong những hoàng đế La Mã bạo ngược và thối nát nhất.
Vì vậy, một âm mưu gồm khoảng bốn mươi người tham gia, còn gọi là âm mưu Pisonian, đã được vạch ra để giết Nero và chỉ định Gaius Calpurnius Piso làm hoàng đế mới. Khi âm mưu bị lộ, Nero chớp ngay cơ hội khép Seneca vào tội phản nghịch và một viên quan hộ dân đã được phái đi để thông truyền lời cáo buộc của Nero. Seneca khăng khăng rằng ông không hề tham gia vào âm mưu. Khi quan hộ dân trở về báo tin này, Nero giận dữ hỏi có phải người Khắc kỷ kia đã sợ hãi một cách phù hợp về cái chết sắp xảy đến của ông ta không. Viên quan báo cáo rằng ông “không thấy dấu hiệu sợ hãi, cũng không nhận thấy sự buồn bã trong lời nói hay trong ánh nhìn” của Seneca. Điều này càng khiến Nero tức điên. Vị hoàng đế phái viên quan trở lại để tuyên án tử hình cho Seneca.
Khi những quân lính tới gõ cửa, Seneca gần như thản nhiên và chỉ hỏi xin tấm bảng con để viết di chúc. Yêu cầu của ông bị từ chối một cách tàn nhẫn. Ông quay sang những người bạn và gia đình đang vây quanh và nói đùa rằng dẫu thế nào thì điều quý giá nhất ông sở hữu chính là cách sống hòa hợp với triết học Khắc kỷ của ông, không ai có thể ngăn cản ông truyền lại nó cho đời sau bằng việc tự mình làm gương. Việc hành quyết được thực hiện bằng cách buộc phạm nhân tự sát, cách hành hình đặc trưng của thời đó. Tacitus mô tả những chi tiết đẫm máu cảnh Seneca dùng một chiếc dao găm để cắt động mạch trên cánh tay và chân mình như thế nào.
Vì lý do nào đó, việc này kéo dài qua lâu nên Seneca phải uống cả thuốc độc, nhưng thuốc độc cũng không có tác dụng. Cuối cùng, ông yêu cầu một số người bạn giúp đưa ông vào một bồn nước nóng bỏng da, thứ rốt cuộc đã giúp kết thúc cuộc đời ông. Tuy nhiên, khi hấp hối, nhìn thấy người khác khóc, Seneca cố nài họ hãy giữ bình tĩnh. Ông nói: “Ai mà không biết sự tàn bạo của Nero?” và “Sau khi đã giết mẹ và anh trai, còn gì khác ngoài việc tiêu diệt thêm một người bảo hộ và một gia sư”. Nói cách khác: kẻ ngốc nào cũng đã thấy điều này sẽ tới. Ông hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “Những lời giáo huấn triết học của ngươi đâu rồi? Bao năm tu dưỡng chuẩn bị chống lại quỷ dữ đâu rồi?”.
Những lời giáo huấn triết học Khắc kỷ, cùng với bao năm chuẩn bị, dường như là điều giúp Seneca bình thản đối diện với cuộc hành hình của chính mình, có lẽ đây cũng là những điều mà trong suốt các bức thư và bài luận của mình, ông đã mô tả bằng cụm từ “tiên liệu tai ương” (praemeditatio malorum).
Người Khắc kỷ tiên liệu tai ương như thế nào?
Triết gia người Pháp thế kỷ 20 Michel Foucault, trong bài diễn thuyết cuối cùng của mình, đã bàn về các bài tập tâm lý được tìm thấy trong triết học cổ đại. Ông mô tả việc tiên liệu tai ương (praemeditatio malorum) của người Khắc kỷ bao gồm ba thành tố riêng biệt (Foucault, 1998, tr. 36).
1. Thay vì tưởng tượng về một tương lai có thể xảy ra, người Khắc kỷ đã tưởng tượng ra kịch bản tồi tệ nhất, ngay cả khi không chắc nó có thể xảy ra.
2. Người Khắc kỷ hình dung tình huống gây sợ hãi như thể nó đang xảy ra ngay trước mắt thay vì trong tương lai, chẳng hạn, không phải cô ấy có thể sẽ bị lưu đày mà coi như cô đã bị lưu đày rồi.
3. Lý do căn bản chính là để cô ấy tập dượt thoát khỏi sự đau khổ phi lý trí (apaitheia) bằng cách bình tĩnh thuyết phục mình rằng những vận rủi ngoại tại này thật sự trung lập và chấp nhận chúng như những tình huống đơn thuần đòi hỏi chúng ta thể hiện đức hạnh và tính cách mạnh mẽ của mình.
Người Khắc kỷ liệt kê các mục tiêu đặc trưng cho việc tiên liệu tai ương như lưu đày, đói nghèo, đau yếu lúc tuổi già, bệnh tật, mất người thân v.v. Tuy nhiên, như Foucault viết, “Việc suy ngẫm về cái chết là đỉnh điểm của tất cả các bài tập này”. Seneca đặt câu hỏi tu từ: “Sao phải làm hỏng hiện tại bằng cách dự liệu tất cả những tai ương đó?”. Hầu hết mọi người cho rằng tốt nhất không nên lo lắng về những điều này cho tới khi chúng thật sự xảy ra, và nhờ vậy sẽ tránh được các cảm giác lo lắng về tương lai. Tuy nhiên, Seneca nói rằng, khác với đa số người, người Khắc kỷ đi theo một con đường khác tới sự giải thoát khỏi lo âu, bằng cách tưởng tượng rằng những điều chúng ta sợ hãi chắc chắn rồi sẽ xảy ra và chiêm nghiệm nó cho tới khi chúng ta có thể nghĩ về nó với sự bàng quang. Tập trung vào những điều chúng ta sợ hãi nhất thay vì cố tránh nghĩ về chúng, nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng người Khắc kỷ không phải là những người duy nhất thực hiện chiến lược này.
Một triết gia nổi tiếng khác của thế kỷ 20, Bertrand Russell, đã mô tả một phương pháp tương tự để vượt qua lo lắng, một phương pháp mà tôi cho là đáng để trích dẫn chi tiết ở đây. Ông bắt đầu bằng cách lưu ý rằng nhiều người khổ não bởi lo lắng và sợ hãi, những điều vốn có thể gây mệt mỏi và căng thẳng. Tuy vậy, họ có xu hướng tránh thực hiện điều thật sự có thể giúp họ tránh khỏi tình trạng này:
Có lẽ tất cả những người này đã dùng sai kỹ thuật khi xử lý nỗi sợ của mình; mỗi khi chúng xâm chiếm tâm trí, họ sẽ cố nghĩ về điều khác; họ đánh lạc hướng suy nghĩ của mình bằng cách đi thăm viện bảo tàng hay làm việc, hoặc những thứ linh tinh khác. Khi đó, mọi loại sợ hãi trở nên tồi tệ hơn vì không được để mắt tới. Nỗ lực đưa suy nghĩ chuyển hướng sang chỗ khác chính là một sự tôn vinh đối với nỗi khủng khiếp của bóng ma ám ảnh mà người ta đang cố ngoảnh đi đó. Cách đúng đắn đối diện với mọi loại sợ hãi là suy nghĩ về nó một cách bình tĩnh và lý trí, nhưng cần tập trung cao độ, tới khi nó trở nên quen thuộc. Cuối cùng, sự quen thuộc sẽ mài mòn nỗi sợ hãi; toàn bộ chủ đề đó sẽ trở nên nhàm chán và suy nghĩ của chúng ta sẽ rời xa nó, nhưng không còn như lúc trước là ta phải nỗ lực để làm vậy, mà giờ chúng ta đơn giản là còn quan tâm tới chủ đề này nữa. Khi thấy mình có xu hướng bị ám ảnh về điều gì, bất kỳ cái gì, cách tốt nhất là nghĩ về nó nhiều hơn bình thường cho tới khi cuối cùng sự hấp dẫn thiếu lành mạnh đó bị phai nhạt.
(Russel, 1930, tr. 60)
Russell giải thích về phương pháp này như sau:
Khi có rủi ro nào đó đe dọa, hãy nghiêm túc và quyết liệt cân nhắc xem điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì. Đối mặt với mối đe dọa có thể xảy ra này, hãy cho bản thân một lý do thuyết phục để nghĩ rằng rốt cuộc nó chẳng phải là một tai họa đáng sợ đến thế. Những lý do như vậy luôn luôn tồn tại, Luôn luôn tồn tại các lý do như vậy, bởi trong tình huống tệ nhất thì cũng chẳng có gì xảy ra với một người mà lại có tầm quan trọng quá lớn. Khi bạn đều đặn đối diện với khả năng xấu nhất trong một khoảng thời gian nào đó và tự nhủ với niềm tin thật sự, rằng: “Thôi thì, rốt cuộc điều này cũng chẳng có gì quan trọng lắm”, bạn sẽ thấy lo lắng của mình giảm đi đáng kể. Cần lặp lại quá trình vài lần, nhưng cuối cùng nếu bạn không còn lẩn tránh đối diện với điều xấu nhất có thể, bạn sẽ thấy rằng lo lắng của bạn biến mất hoàn toàn và thay vào đó là một dạng niềm vui.
(Russell, 1930, tr. 59-60)
Lối giải thích của Russell về việc dự liệu tai ương bao gồm nhẫn nại đối diện với nỗi sợ hãi tồi tệ nhất trong trí tưởng tượng và thuyết phục bản thân rằng chúng không đến nỗi thảm họa như chúng ta vẫn tưởng vào lúc đầu.
Đối với người Khắc kỷ, điều này đã được đơn giản hóa vì học thuyết cơ bản của họ tuyên bố rằng chẳng có gì thật sự tồi tệ ngoài việc thiếu hoặc suy đồi đạo đức.
Tuy nhiên, cả Russell và người Khắc kỷ dường như cùng công nhận rằng sự lảng tránh sẽ duy trì nỗi lo lắng, trong khi đương đầu với nỗi sợ một cách đúng đắn, chúng ta sẽ giảm tải nỗi đau khổ mà những sự kiện tồi tệ có thể gây ra. Đây là một trong những phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu hiện đại về chứng lo âu. Thật vậy, một số cơ chế tâm lý được cho là có thể hiện vai trò trong kỹ thuật hình dung trong trí óc và cần phân biệt cẩn thận sự khác biệt giữa các cơ chế này:
1. Sự thích ứng
2. Tái cơ cấu
3. Làm mẫu và luyện tập các kỹ năng đối phó
4. Loại bỏ sự bất ngờ
5. Đảo ngược hiệu ứng thích nghi với khoái cảm
Phần dưới đây sẽ lần lượt khám phá nhanh mỗi quá trình này.
Ghi nhớ: Dự liệu tai ương và “mệnh đề dự phòng”
Theo định nghĩa, bởi việc dự liệu tai ương liên quan tới các sự kiện tương lai, nên chúng ta không biết chắc kết quả sẽ ra sao hay chúng ta có thể kiểm soát chúng ở mức độ nào. Vì lý do đó, việc dự liệu tai ương thường sử dụng “mệnh đề dự phòng” của chủ nghĩa Khắc kỷ, bởi bất kỳ hành động hay kết quả nào diễn ra cũng phải được kèm bởi lời dự phòng: “Tùy số phận”. Điều này có thể giúp ngăn cản việc dự liệu tai ương biến thành nỗi lo lắng, điều thường xảy ra dưới dạng nỗ lực tuyệt vọng tìm cách giải quyết vấn đề, hay còn được các nhà tâm lý học gọi là “tính không thể chịu đựng của sự bất định”. Trong phương pháp dự liệu tai ương, trọng tâm phải là sự chấp nhận tự nguyện của bạn rằng có rất nhiều điều ngoài tầm kiểm soát của mình, những thứ nằm trong tầm định đoạt của Tự nhiên. Tuy nhiên, ngay cả nỗ lực của bạn trong việc đương đầu hay hành động theo cách nào đó cũng phải được kèm theo sự thừa nhận có lý trí về thực tế là có thể xảy ra các sự kiện can thiệp và cản trở mục tiêu của bạn.
Sự thích ứng và liệu pháp tiếp xúc tưởng tượng1
1 Imaginal exposure là một trong những “kỹ thuật nhận thức” của liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), kỹ thuật này sử dụng trí tưởng tượng để đối mặt với nỗi sợ hãi, lo lắng.
Quá trình tâm lý có tên gọi “sự thích ứng” là cơ sở cho phương pháp trị liệu hành vi uy tín, lâu đời đối với chứng lo âu, được biết tới với tên gọi “liệu pháp tiếp xúc” (exposure therapy). Nói một cách ngắn gọn, khi người ta đối diện với các tình huống gây lo âu trong thực tế, hay trong phạm vi hẹp hơn là trong tưởng tượng, thì có một khuynh hướng tự nhiên là sự lo âu đơn giản sẽ giảm đi theo thời gian, miễn là sự “tiếp xúc” có thời lượng và sự lặp lại đủ nhiều, đồng thời không có sự can thiệp của các yếu tố nhất định. Người Khắc kỷ cũng mô tả các Cảm xúc mãnh liệt gây ra bởi các ấn tượng “mới mẻ”, và những Cảm xúc này sẽ dịu đi theo thời gian. Như vậy, có thể họ đã nhận ra điều gì đó tương tự với quá trình thích ứng, như cách gọi của các nghiên cứu hiện đại. Thông qua sự tiếp xúc đủ lâu, khi chúng ta trở nên chán ngán hình ảnh trong tâm trí, thì sức mạnh cảm xúc của những hình ảnh ấy có xu hướng giảm đi, và có thể nói rằng nó không còn “mới mẻ” trong tâm trí ta nữa. Seneca và các tác gia cổ đại khác chắc chắn đã nhận ra rằng việc đơn giản tưởng tượng ra các sự kiện gây sợ hãi một cách có hệ thống có thể “làm cùn đi” hay “làm mờ đi” cơ chế đánh thức sự lo lắng, thậm chí còn có thể khiến nó trở nên nhàm chán.
Họ không ngã gục trước cú đấm của số mệnh, vì họ đã dự tính cho sự tấn công của nó từ trước. Với những điều xảy ra không theo ý của mình, thậm chí những điều đau đớn nhất, cũng có thể làm dịu đi khi đã được nhìn thấy trước. Như vậy suy nghĩ sẽ không còn gặp bất kỳ sự bất ngờ nào trong các sự kiện, trái lại nhận thức về chúng đã phai mờ, như thể suy nghĩ chỉ đang xử lý những điều đã mòn, đã cũ.
(Philo of Alexandria, On the Special Law, 2.46)
Phương pháp dự liệu tai ương của người Khắc kỷ thực ra rất giống các dạng của kỹ thuật “tiếp xúc tưởng tượng”, chiến lược trị liệu bằng hình ảnh tâm trí phổ biến nhất và có lẽ quan trọng nhất trong Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) dùng để đối phó với chứng lo âu. Hình dung trước các sự kiện trong tưởng tượng mỗi lần 15-30 phút, thực hiện hằng ngày, trong vài tuần đối với các trường hợp lo âu nghiêm trọng về mặt lâm sàng. Như vậy, đây không nhất thiết là một quá trình trị liệu nhanh đối với chứng rối loạn cảm xúc, mặc dù với hầu hết mọi người, đây là một phương pháp trị liệu đáng tin cậy và có kết quả lâu dài. Aaron T. Beck, nhà sáng lập phương pháp trị liệu nhận thức, mô tả một kỹ thuật trị liệu bao gồm việc cho “diễn tập lặp đi lặp lại” các hình ảnh trong tâm trí, đặc biệt giống các ví dụ trong những tài liệu Khắc kỷ:
Bằng cách diễn tập trong đầu điều mà họ sợ hãi, bệnh nhân có thể bắt đầu chấp nhận khả năng xảy ra của sự kiện đáng sợ đó. Trong quá trình diễn tập này, họ chống lại xu hướng tránh né của mình. Vào lúc bắt đầu quá trình diễn tập này, một bệnh nhân, một người bệnh bị ám ảnh với sự lão hóa, nghĩ: “Đối diện với điều này thật kinh khủng. Tôi không tin là nó đang xảy ra”. Sau đó, bà đã có thể tưởng tượng trực tiếp việc già đi thì sẽ như thế nào, với ít lo lắng hơn. Quá trình diễn tập trong đầu này giúp cho bệnh nhân đối diện với thực tế của tình huống và khiến nó có thể dễ chấp nhận hơn.
(Beck, Emery & Greenberg, 2005, tr. 250)
Người ta cũng quan sát thấy rằng điều này rất dễ bị lẫn lộn với việc nghiền ngẫm hay lo lắng không lành mạnh. Điểm khác biệt chủ yếu là quá trình luyện tập trí óc này được chuẩn bị kỹ càng và bao gồm những hình ảnh cụ thể chứ không phải chỉ là những suy nghĩ trừu tượng và những câu hỏi giả định luẩn quẩn “Nếu … thì sao?”.
Ghi nhớ: Dự liệu tai ương trái ngược với lo lắng
Dự liệu điều gì đó và lo lắng về nó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khi dự liệu về các tai ương trong tương lai, chúng ta có thể cảm thấy lo âu, nhưng người Khắc kỷ sẽ lùi lại một bước trước cảm giác ban đầu của mình, công nhận chúng, và không để chúng cuốn đi, chính thức biến thành những Cảm xúc mạnh mẽ như lo lắng. Đây là điều quan trọng cần nhớ, bởi những người có xu hướng lo lắng không lành mạnh hay tự giày vò bản thân bằng suy nghĩ có thể khó áp dụng được phương pháp dự liệu tai ương này. Phương pháp này đòi hỏi bệnh nhân luyện tập để học được cách can đảm và kiên trì đương đầu với những tình huống khó khăn, chịu đựng chúng đủ lâu để phát triển một cảm giác tin tưởng sâu sắc rằng chúng không hề tồi tệ hay có hại, mà chính sự phán xét giá trị sai lầm mới khiến chúng có vẻ như vậy. Người Khắc kỷ không cho phép mình bị cuốn đi bởi các suy nghĩ gây lo lắng mà họ dừng lại và xem xét tình huống một cách lý trí, duy trì suy nghĩ về các thực tế khách quan.
Tư tưởng chính: Diễn tập các “tai ương” kinh điển
Cần nói một chút về cả hai điều này: diễn tập những “tai ương” như nhau mà người Khắc kỷ cổ đại đã nói đến và diễn tập những điều tội tệ rất có thể sẽ xảy ra trong cuộc sống của riêng bạn, trong thế giới hiện đại. Để bắt đầu, hãy đọc một trong các ví dụ kinh điển về một triết gia trong tai ương: tra tấn, chiến tranh, đắm tàu, giam cầm, mất người thân, hành quyết v.v. Hãy đọc về những ngày cuối cùng của Socrate, đặc biệt là trong tác phẩm Apology của Plato; hay hãy xem qua câu chuyện của Tacitus viết về cuộc hành quyết Seneca; cũng có thể đọc cuốn Pharsalia của Lucan mô tả về vị anh hùng Khắc kỷ Cato Trẻ bất lực nhìn nền Cộng hòa rơi vào tay bạo chúa Julius Caersar trong cuộc nội chiến của đế chế La Mã. Thực tế, Seneca đã nói rằng trước hết chúng ta nên bắt đầu chinh phục nỗi sợ về cái chết (đó chính là lý do chúng ta có hẳn bộ chương sách đặc biệt được dành cho chủ đề này) và tiếp theo chúng ta cần giải thoát cho mình khỏi nỗi sợ nghèo đói, điều dẫn tới việc thèm khát sự giàu có và của cải.
Kỹ thuật tái cơ cấu hình ảnh
Trong liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), việc phán xét rằng liệu sự kiện dự kiến có thật sự “khủng khiếp” hay “thảm khốc” được thử thách theo nhiều cách khác nhau, thẳng thừng nhất chính là lặp đi lặp lại câu hỏi “Nếu điều đó xảy ra thì đã sao?”, “Đó có thật sự là tận thế không?”. Trọng tâm ở đây là chuyển sang việc phát triển “kế hoạch đương đầu” và đánh giá lại bạn có thể xử lý tình huống thế nào cho tốt nhất. Người tiên phong của phương pháp “tái cơ cấu” trong trị liệu hiện đại là Albert Ellis, nhà sáng lập Phương pháp trị liệu hành vi cảm xúc lý trí (REBT), tiền thân chính của CBT. Albert Ellis đặc biệt chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Khắc kỷ. Kỹ thuật hình ảnh cơ bản được sử dụng trong phương pháp REBT có tên gọi là “Hình ảnh Cảm xúc – Lý trí” (REI) mà Ellis mô tả như sau:
Dùng hình ảnh cảm xúc lý trí để tưởng tượng một cách sinh động các sự kiện gây khó chịu trước khi chúng xảy ra; trong lúc tưởng tượng, cứ để bản thân cảm nhận sự khó chịu thiếu lành mạnh (lo âu, sầu não, giận dữ hay cảm giác tội lỗi); sau đó xử lý các cảm xúc của mình để biến đổi chúng thành những cảm xúc phù hợp (lo, buồn bã, giận dữ lành mạnh, hay hối hận) trong khi bạn tưởng tượng về những điều tồi tệ nhất đang xảy ra. Không dừng lại cho tới khi bạn thật sự thay đổi được cảm xúc của mình.
(Ellis & MacLaren, 2005, tr. 125-126)
Phương pháp này tương tự với kỹ thuật dự liệu tai ương của chủ nghĩa Khắc kỷ, mặc dù người Khắc kỷ sử dụng định nghĩa cơ bản của họ về bản chất của cái tốt để phủ nhận sự phán xét rằng các sự kiện ngoại tại có thể thật sự “xấu” hay “có hại”.
Tư tưởng chính: Dự liệu tai ương về các sự kiện ngoại tại (kỹ thuật tái cấu trúc)
Lập một danh sách bao gồm bốn hay năm thảm họa tồi tệ nhất có thể xảy ra trong đời bạn. Dù bạn đang diễn tập với các ví dụ kinh điển hay các tình huống có tính cá nhân hơn, cũng hãy xếp chúng theo các mức độ khó khăn và bắt đầu bằng sự kiện ít khó khăn nhất, sau đó chuyển sang các sự kiện khó hơn khi bạn thấy sẵn sàng. Người Khắc kỷ coi cái chết là một trong các sự kiện khó khăn nhất và quan trọng nhất mà con người khó có thể suy ngẫm và dự liệu với một thái độ bình thản (hay “triết học”).
1. Có thể bạn sẽ thấy việc viết ra một “kịch bản tai họa”, theo cách gọi của nhà trị liệu hiện đại, là hữu ích. Kịch bản này cần mô tả sự kiện càng chi tiết càng tốt, loại bỏ ngôn ngữ xúc cảm hay các phán xét giá trị, chỉ mô tả các thực tế của tình huống một cách tách bạch và khách quan, như thể chúng đang xảy ra với người khác.
2. Nhắm mắt và tưởng tượng rằng tai họa này đang xảy ra ngay lúc này. Thực hiện việc này một cách kiên nhẫn và bạn sẽ thấy căng thẳng giảm đi theo thời gian. Hãy tiếp tục cho tới khi lo âu giảm còn khoảng ít nhất 50%.
3. Hãy tự hỏi: “Nếu chuyện này xảy ra thì sao?”. Nó có thật sự “thảm họa” như chúng ta vẫn tưởng không? Nhắc bản thân về các nguyên tắc cơ bản của triết học Khắc kỷ: bản chất của điều tốt là đức hạnh con người, các sự kiện ngoại tại là không quan trọng, không liên quan tới hạnh phúc (eudaimonia) của ta.
4. Cũng hãy tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. “Tai họa” này sẽ kéo dài bao lâu? Cái gì có khả năng theo sau “tai họa” này? Tập trung vào bản chất nhất thời của hầu hết các tai ương sẽ khiến việc chịu đựng chúng dễ dàng hơn.
Hãy lặp lại bài luyện này mỗi ngày. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và bạn có thể sẽ bắt đầu chán, nhưng đó thường là dấu hiệu của sự tiến bộ trong việc vượt qua căng thẳng do các tai ương giả định gây ra. Các sự kiện gây căng thẳng hơn có thể cần được diễn tập trong 15–30 phút mỗi ngày, trong một tuần hoặc hơn. Tuy vậy, đối với các “tai họa” điển hình, để dự liệu về chúng mà không rơi vào trạng thái lo lắng thái quá, thường chỉ cần năm phút mỗi ngày là đủ.
Luyện tập các kỹ năng đối phó
Các phương pháp trị liệu hành vi khác noi theo cái gọi là phương pháp “kỹ năng đối phó”. Chúng tập trung vào việc sử dụng lặp đi lặp lại việc tiếp xúc với các tình huống gây căng thẳng, trong thực tế hay trong tưởng tượng, như một cơ hội diễn tập các chiến lược dựa trên hành vi mới. Nói cách khác, cả kỹ năng và sự tự tin trong việc phản ứng với nghịch cảnh đều được phát triển thông qua các bài diễn tập cảm xúc lặp đi lặp lại. Một số kỹ năng đối phó (tập trung vào cảm xúc) như thư giãn cơ bắp thường được sử dụng để kiểm soát các phản ứng cảm xúc, trong khi các kỹ năng khác (tập trung vào vấn đề khó khăn), như thái độ chấp nhận, được sử dụng để xử lý các tình huống khách quan. Chẳng hạn, một hình thức thời kỳ đầu của phương pháp CBT có tên gọi “Luyện tập miễn dịch với căng thẳng” (Stress Inoculation Training – SIT), được phát triển bởi nhà tâm lý học Donald Meichenbaum, cung cấp một phương pháp có hệ thống để dự liệu các điều tồi tệ trong tương lai và tập dượt các kỹ năng đối phó với chúng (Meichenbaum, 1985).
Miễn dịch căng thẳng là một phương pháp linh hoạt nhằm xây dựng sự vững vàng về tâm lý bằng cách diễn tập lặp lại các tình huống gây căng thẳng khác nhau, trong thực tế, trong bài diễn tập, hay trong tưởng tượng, đồng thời thực hành các cách đối phó hợp lý và mang tính xây dựng hơn. Như trong thuyết Khắc kỷ, một loạt các tình huống được diễn tập, để từ đó phát triển mọt sự vững vàng về mặt cảm xúc, thông qua một quá trình được giải thích tương tự với cơ chế miễn dịch. Bằng cách tiếp xúc một cách có kiểm soát với những liều nhỏ của sự căng thẳng cảm xúc, đôi khi trong tưởng tượng, bạn có thể hình thành khả năng bảo vệ mạnh mẽ hơn và trở nên cứng cỏi hơn khi đương đầu với các khó khăn có thật. Tuy nhiên, sự vững vàng tâm lý có xu hướng được nhân rộng, vì vậy ngay cả những tình huống chưa hề được dự liệu hay diễn tập trước cũng sẽ ít gây căng thẳng cảm xúc hơn, miễn là một loạt các rủi ro khác đã được dự liệu và đương đầu một cách vững vàng.
Các bệnh nhân theo phương pháp SIT diễn tập bằng cả những tuyên bố (chẳng hạn: “Tôi có thể xử lý được”) lẫn các kỹ năng đối phó chẳng hạn sự thư giãn hoặc khẳng định có kiểm soát. Tương tự, người Khắc kỷ luyện tập các câu giáo huấn triết lý (“Cái gì ngoài tầm kiểm soát của ta thì không quan trọng với ta”) và các hành động phù hợp, chẳng hạn hành động một cách can đảm và với thái độ chấp nhận, hướng tới đức hạnh và hạnh phúc viên mãn (eudaimonia). Các phương pháp kỹ năng đối phó thường bao gồm việc phỏng theo (hoặc noi gương) hành vi của người khác, những người thường thể hiện cảm xúc vững vàng trong các tình huống tương tự. Người Khắc kỷ thường xuyên nói đến quan điểm noi gương sự vững vàng trong hành vi của nhà Hiền triết lý tưởng và của những người từng chịu đựng nhiều “tai ương”, với sự khôn ngoan và can đảm. Seneca tuyên bố rõ ràng ông xem điều này là một phần của phương pháp dự liệu tai ương của người Khắc kỷ.
Tư tưởng chính: Luyện tập miễn dịch với căng thẳng (SIT)
Luyện tập miễn dịch căng thẳng (SIT) là một phương pháp trị liệu nhận thức - hành vi (CBT) được thiết kế để xây dựng sự vững vàng tâm lý, được phát triển bởi nhà tâm lý học Donald Meichenbaum trong những năm 1970. Tính hiệu quả của phương pháp này được hỗ trợ bởi rất nhiều bằng chứng nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng, được thực hiện với một phạm vi tương đối lớn các vấn đề khó khăn và trên các nhóm đối tượng khác nhau. Đây là một trong các phương pháp trị liệu tâm lý hiện đại tương đồng với kỹ thuật dự liệu tai ương của chủ nghĩa Khắc kỷ. Trong phương pháp SIT, cá nhân được tập luyện để đương đầu tốt hơn với căng thẳng qua nhiều tình huống khác nhau, thường là bằng việc diễn tập những mối đe dọa hoặc xui rủi có thể xảy ra trong tương lai. Bằng việc luyện tập đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn trong thực tế và tưởng tượng, sự vững vàng và tự tin vào năng lực bản thân có thể được phát triển.
Thực hành: Noi gương người Khắc kỷ
Seneca khuyến cáo rằng chúng ta nên đưa ra mỗi tai ương tồi tệ nhất có thể xảy ra với một người và “cầu viện sự hỗ trợ của những người coi nhẹ những tai ương này”, nói cách khác, hãy suy ngẫm về tấm gương của những người khôn ngoan và những vị anh hùng, những hình mẫu xứng đáng noi theo, những người đã đương đầu với các tình huống tương tự. Việc này giống với phép thực hành của người Khắc kỷ mà chúng ta gọi là “chiêm nghiệm về nhà Hiền triết”, chỉ khác là nó mở rộng với bất kỳ ai đáng để noi gương. Các tài liệu Khắc kỷ chứa đầy hình mẫu về những người khôn ngoan và những vị anh hùng, người đã đối mặt với tù đày, hành quyết, mất người thân, nghèo đói, cái chết, và các tai ương kinh điển khác bằng một thái độ bình thản (triết học). Vì vậy, đọc về những tấm gương này cũng là một khởi đầu tốt, mặc bạn cũng có thể tìm ra các tấm gương khác cho riêng mình, bao gồm cả những nhân vật đương thời hay thậm chí bạn bè và gia đình.
1. Dành thời gian để nghiên cứu các bài viết về cách các vị anh hùng Khắc kỷ (chẳng hạn Socrates và Cato) đối mặt với tai họa, hoặc tưởng tượng một nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng sẽ xử lý tình huống như thế nào.
2. Những thái độ hay hành động đức hạnh nào có thể giúp họ? Các hành động đáng để noi gương của họ là gì?
3. Hãy tưởng tượng mình là người mà bạn đang noi gương, đương đầu với khó khăn mà họ gặp, đặt mình vào vị trí của họ, như thể tình huống đang xảy ra với bản thân bạn vào lúc này.
4. Bây giờ hãy áp dụng điều đó vào cuộc sống của bạn, diễn tập trong tâm trí các tình huống tai ương mà bạn có thể gặp một ngày nào đó, cố phỏng theo những điều có ích và phù hợp nhất từ những người bạn noi gương.
Bạn cũng có thể ghi chép lại, như một kịch bản ngắn hay một câu chuyện mô tả cách hình mẫu của bạn đương đầu với tình huống. Xem xét và điều chỉnh lại chúng theo định kỳ, để chúng lúc nào cũng có sẵn trong trí nhớ của bạn như một tấm gương mà bạn noi theo trong cuộc sống.
Loại bỏ sự bất ngờ
Người Khắc kỷ cũng nhấn mạnh quan niệm cho rằng bằng cách dự liệu các tai họa trong tương lai, chúng ta có thể học cách loại bỏ “bất ngờ” hay cảm giác “sốc” vốn thường đi theo các tình huống đó, nhìn nhận chúng như những điều tự nhiên và trong một số trường hợp là điều tất yếu của cuộc sống. “Những gì đã được dự liệu từ sớm sẽ tới như một cú đánh khẽ” (Seneca, Letters, 78). Người Khắc kỷ đặc biệt quan tâm tới tác động tâm lý của sự bất ngờ phi lý trí trong các sự kiện không mong đợi, nhưng cách thức suy nghĩ này không thật sự là một sự nhấn mạnh rõ ràng của các liệu pháp tâm lý hiện đại. Chẳng hạn, Epictetus nói rằng, khi một tai họa xảy ra, việc có thể nói với bản thân rằng đây “không phải là việc không ngờ tới” chính là điều đầu tiên giúp giảm nhẹ gánh nặng (Discourses, 3.24).
Tương tự, Seneca viết rằng chúng ta nên đi trước một bước, dự tính về các sự kiện, để không có gì có thể làm ta bất ngờ, bởi “Điều gì bị ngó lơ thì sẽ có tác động phá hủy mạnh mẽ hơn, và việc không dự liệu làm tăng sức tàn phá của thảm họa” bằng cách khuyếch đại trải nghiệm đau đớn. Chính vì vậy chúng ta nên “hướng suy nghĩ đi trước” và tưởng tượng ra những xui rủi có thể nhận thức được nhằm “làm cho tâm trí mạnh mẽ hơn” khi đương đầu với chúng, hay, như cách chúng ta nói ngày nay, để phát triển sự vững vàng tâm lý khi đối diện với tai ương.
Nói cách khác, dự liệu tai ương là một trong những cách chủ yếu để ngăn ngừa sự bất ngờ trước các tai họa trong cuộc sống. Seneca đã viết trong một tài liệu rằng mặc dù không thể thoát khỏi các đòn đánh của số phận, chúng ta vẫn có thể học cách xem nhẹ chúng “nếu anh đã dự đoán được những diễn biến trong tương lai, bằng cách không ngừng suy ngẫm về chúng”.
Mọi người đều sẽ đối mặt một cách dũng cảm hơn với điều mà họ đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, thậm chí chống lại điều đau khổ nếu chúng đã được luyện tập trước. Ngược lại, những ai không chuẩn bị sẵn sàng sẽ bị quật ngã ngay cả bởi những sự kiện tầm thường. Chúng ta cần đảm bảo không có điều gì có thể khiến chúng ta bất ngờ. Bởi sự lạ lẫm luôn khiến mọi viêc trở nên kinh khủng hơn thực tế, nên thói quen liên tục dự liệu sẽ bảo đảm rằng bạn không phải là tay mơ trước bất kỳ một dạng tai ương nào.
(Letters, 107)
Tương tự, Plutarch dường như cũng đã chỉ ra rằng các suy nghĩ phi lý trí về sự bất ngờ là nguyên nhân của hầu hết chứng rối loạn lo âu:
Mấu chốt là, nếu bất kỳ sự việc không hay nào xảy ra mà không thuộc dạng “không ngờ tới”, thì kiểu chuẩn bị sẵn sàng và tính cách này sẽ không dành chút không gian nào cho những suy nghĩ như “Tôi không thể tượng tượng đến việc này”, “Đây không phải là điều tôi hy vọng”, và “Tôi không mong đợi điều này” v.v., và nhờ đó ngăn chặn tình trạng tim đập nhanh, loạn nhịp, rồi nhanh chóng đưa các xáo trộn và nhiễu loạn về trạng thái có tổ chức. Carneades (triết gia trường phái hoài nghi của Plato) từng nhắc nhở những người đảm nhiệm các công việc quan trọng rằng chính sự không ngờ là nguyên nhân chủ yếu của đau khổ và bất hạnh.
(On Contentment, 474e)
Ông nói thêm rằng, vì vậy, đau khổ hoàn toàn có thể tránh được, “bằng việc luyện tập để bản thân có được khả năng mở to mắt nhìn thẳng vào tai ương”.
Thực hành: Vạch ra kế hoạch đương đầu
Các nhà trị liệu hiện đại nói về việc viết ra một “kế hoạch đương đầu” chi tiết, mô tả bạn có thể xử lý các tình huống tai họa đã được dự liệu như thế nào. Tương tự, người Khắc kỷ chiêm nghiệm về việc họ có thể hành động với sự cẩn trọng, lòng can đảm và kỷ luật tự giác như thế nào khi đối mặt với tai họa. Vậy hãy xem xét bạn có thể làm thêm điều gì để đương đầu tốt với tình huống bạn đang tưởng tượng. Năng lực hay sức mạnh nào mà Tự nhiên đã ban tặng cho bạn để xử lý các hoàn cảnh như vậy?
1. Nếu có thể, dành một chút thời gian viết xuống một bản kế hoạch đương đầu, dựa trên sự lĩnh hội của bạn với triết lý của chủ nghĩa Khắc kỷ. Bắt đầu chỉ với một vài gạch đầu dòng cũng không sao, vì bạn còn có thể điều chỉnh tới lui cho đến khi phát triển được nó thành một bản kế hoạch chi tiết hơn hay một câu chuyện kể về việc bạn muốn đương đầu với tình huống như thế nào.
2. Việc noi gương các anh hùng Khắc kỷ giúp bạn như thế nào? Bạn học được gì từ tấm gương của những người khác? Một nhà Hiền triết có tri thức thực tiễn hoàn hảo và đức tính tự chủ sẽ làm gì?
3. Triết học Khắc kỷ giúp bạn như thế nào? Đặc biệt, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tập trung vào nguyên tắc cơ bản là chỉ có hành động của bản thân là thật sự “tốt” hay “xấu” còn những điều ngoại tại rốt cuộc đều “không quan trọng”.
4. Các năng lực hay điểm mạnh cụ thể nào Tự nhiên đã ban tặng bạn để đương đầu với tình huống này và bạn đã áp dụng tốt nhất ra sao? Tình huống này đòi hỏi các đức tính nào?
Bạn có thể cần phát triển một kế hoạch đương đầu chi tiết hơn bằng cách xem xét nó hằng ngày và điều chỉnh nó dưới ánh sáng của sự chiêm nghiệm. Tình huống này có vẻ “thảm họa” đến mức nào khi bạn tưởng tượng rằng mình đương đầu với nó bằng tất cả khả năng? Điều gì quan trọng hơn, sự kiện ngoại tại xảy tới với bạn, hay cách bạn lựa chọn để phản ứng lại nó?
Đảo ngược “hiệu ứng thích nghi với khoái cảm”
Về các quy trình chuẩn trong phương pháp CBT, Irvine đã bổ sung khái niệm “thích nghi với khoái cảm”. Ông cho rằng, bằng việc hình dung ra các tai ương có bao gồm sự mất mát những điều quý giá, chúng ta có thể ngăn bản thân coi những điều quý giá ấy là hiển nhiên đến mức chúng không còn đem lại niềm vui thích cho chúng ta nữa (Irvine, 2009). Do vậy, hình dung ra những mất mát trong tương lai là một cách để củng cố niềm vui hiện tại. Mặc dù, vẫn có một số dấu vết của khái niệm này trong các tài liệu Khắc kỷ, nhưng nó có khả năng xung đột với triết lý của chủ nghĩa này, triết lý cho rằng những điều ngoại tại và khoái cảm mà chúng đem lại là “không quan trọng” đối với Hạnh phúc và sự viên mãn đích thực (eudaimonia).
Theo chủ nghĩa Khắc kỷ, niềm vui lý trí chủ yếu đến từ việc chiêm nghiệm về đức hạnh và những hành động đức hạnh hơn là có được tối đa các niềm vui cảm tính. Thật vậy, khái niệm tăng cường niềm vui thích theo cách này có thể quyến rũ với trường phái đối lập là chủ nghĩa khoái lạc (Epicurean) hơn là đối với người Khắc kỷ. Đối với người Khắc kỷ, tưởng tượng ra khả năng phá sản trong tương lai như thể nó đang xảy ra vào lúc này không thật sự nhắm tới việc làm chúng ta thấy vui thích hơn với của cải hiện tại. Mục đích trọng tâm là dành cho khả năng phản ứng (với tình huống) bằng đức hạnh và sự khôn ngoan của chúng ta một sự quý trọng cao hơn hẳn so với các tình huống ngoại tại hay việc sở hữu vật chất.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Việc dự liệu tai ương của người Khắc kỷ được dựa trên cơ sở là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa này, rằng các “tai họa” từ bên ngoài không thật sự “xấu” hay “có hại”, bởi mọi thứ nằm ngoài phạm vi ý chí của chúng ta đều “không quan trọng”.
• Việc dự liệu mọi dạng tai họa có thể xảy ra giúp người Khắc kỷ diễn tập nguyên tắc của mình, củng cố tính cách và phát triển sự vững vàng trong cảm xúc thay vì lo lắng về mọi việc.
• Bằng cách này, yếu tố “bất ngờ” cũng được loại bỏ khỏi các tai ương, giúp cho các sự kiện xảy ra trở nên dễ xử lý hơn.
Bước tiếp theo
Dự liệu tai ương của người Khắc kỷ liên quan tới nhiều kiểu “tai ương” nhưng tai ương đáng quan tâm nhất chắc chắn là cái chết. Chủ đề này sẽ chiếm trọn một chương. Tuy nhiên, đã tới lúc chúng ta chuyển sang bàn về vai trò của Logic học Khắc kỷ liên quan tới kỷ luật phán định và thực hành chánh niệm của người khắc kỷ để hoàn tất cuộc khảo sát của về ba phương pháp và chủ đề cơ bản của chủ nghĩa Khắc kỷ.