T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Cách mà Marcus Aurelius định nghĩa “Kỷ luật Hành động” của người Khắc kỷ trên ba phương diện cụ thể gắn liền với mọi ý định.
- Làm thế nào để thực hiện một hành động nào đó với một “mệnh đề dự phòng”, để có thể thanh thản không lo về kết quả.
- Các hành động được thực hiện “vì lợi ích chung”, để phục vụ con người, trên tinh thần thống nhất về mục đích như thế nào.
- Người Khắc kỷ hàm ý gì khi nói hành động “phù hợp với giá trị”, vai trò của tính thận trọng và công bằng trong việc lựa chọn kết quả “được ưu tiên”.
Người Khắc kỷ nói rằng người khôn ngoan không gặp điều gì trái với mong muốn, động lực hay mục đích của họ, vì thực tế là trong những trường hợp như vậy, họ đều hành động với một “mệnh đề dự phòng” và không gặp các chướng ngại không được lường trước.
(Stobaeus, 2.115)
Đây là những gì bạn có thể thấy ở những người chơi bóng điêu luyện. Họ chẳng bao giờ để tâm tới quả bóng, như thể đó là thứ gì đó có tính tốt xấu, họ chỉ quan tâm đến việc ném bóng và bắt bóng. […] Nhưng nếu chúng ta ném bóng hay bắt bóng với sự lo lắng và sợ hãi, thì còn lại niềm vui gì, và làm thế nào một tay chơi bóng có thể đạt phong độ tốt nhất, làm sao anh ta có thể tập trung vào màn thi đấu của mình? Một người nói “ném bóng đi”, một người khác bảo “đừng ném”, và người thứ ba thúc giục “đã đến lượt của anh rồi”. Đó sẽ không còn là một cuộc chơi nữa, mà là một trận cãi vã.
(Epictetuc, Discourses, 2.5)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ và Kỷ luật Hành động
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Cách tốt nhất để thực hiện bất kỳ hành động nào là ngay từ đầu phải hoàn toàn chấp nhận rằng mọi việc có thể không diễn ra như định liệu.
2. Sự viên mãn đến từ việc thực hiện một cách nhất quán các hành động nhằm mục đích phục vụ phúc lợi chung, vì quyền lợi của loài người.
3. Các hành động nên được dẫn dắt bởi giá trị tự nhiên mà chúng ta xác lập trên các yếu tố ngoại tại, dẫu đây không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
Kỷ luật Hành động là gì?
Làm thế nào để những người Khắc kỷ dung hòa giữa tầm quan trọng của việc thừa nhận Kỷ luật Khát khao với nhu cầu hành động trong cuộc sống? Việc chấp nhận mọi thứ không khiến chúng ta trở thành những “tấm thảm chùi chân” thụ động sao? Hành động được thực hiện như thế nào trong thế giới thực, nhất là trong các vấn đề phức tạp của con người, mà không hy sinh sự thanh thản của chúng ta? Đây là một số trong những câu hỏi đề cập trong “Kỷ luật Hành động” của người Khắc kỷ.
Hadot gọi kỷ luật thứ hai này của Epictetus là “hành động vì sự phụng sự loài người”. Ông diễn giải điều này như là đức tính sống hòa hợp với người khác, điều cốt yếu của lòng bác ái hay tình yêu nhân loại của người Khắc kỷ. Theo nghĩa chuyên môn hơn, Epictetus nói “Kỷ luật Hành động” giải quyết các trường hợp cụ thể về sự thôi thúc hành động (hormê) của chúng ta, nghĩa là ý định của chúng ta trong việc tìm kiếm hoặc tránh những điều nhất định trong cuộc sống. Ông nói thêm rằng, nó liên quan tới bổn phận hoặc các hành động phù hợp (kathêkonta) của người Khắc kỷ, hành động “một cách thứ tự, có lý do đúng đắn và không cẩu thả” (Discourses, 3.2).
Như đã nói trên, ông nói thêm rằng điều này có nghĩa “ta không nên vô cảm như một bức tượng, mà cần duy trì các mối quan hệ của mình, cả quan hệ tự nhiên lẫn được xây đắp mà thành, như là một người có tín ngưỡng, như là người con, người anh em, người cha, một công dân”. Nói cách khác, đòi hỏi phải có các bài tập tâm lý và các chiến lược được thiết kế nhằm giúp các môn sinh Khắc kỷ “làm những điều đúng đắn” một cách nhất quán, xuyên suốt các tình huống cụ thể phát sinh trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống và trong các mối quan hệ của họ với người khác, mà không phải hy sinh đức hạnh hay sự thanh thản. Marcus Aurelius thường đặt khuôn khổ hành động này ngang với đức tính công bằng (Hadot, 1998, tr. 219). Nó chắc hẳn cũng liên quan tới quá trình “chiếm hữu” (oikeiôsis1) cho phép chúng ta sống hòa hợp hơn với nhân loại.
1 Xem lại giải thích về khái niệm này ở trang….
So với Epictetus, Marcus dường như chú trọng nhiều hơn về hành động với công lý và lòng nhân từ đối với phần còn lại của nhân loại. Tuy nhiên, khi thảo luận về ba kiểu kỷ luật, Marcus đã thêm một công thức rất cụ thể liên quan tới Kỷ luật Hành động, điều mà có vẻ ông đã dành sự tôn vinh cho công lao của Epictetus, cho dù nó không được thể hiện trong cuốn Discourses còn sót lại. Chúng ta cần chăm chú cảnh giác với các thôi thúc hành động của mình, lưu ý rằng tất cả các ý định của chúng ta đều được thực hiện:
1. “Với một mệnh đề dự phòng” (hupexairesis), nghĩa là ta sẽ thêm vào mệnh đề “nếu không có gì ngăn cản”, hay “số phận cho phép”, và hành động với thái độ bình thản không lo về kết quả, bình tĩnh chấp nhận ngay từ đầu rằng sự việc có thể không diễn ra như dự tính.
2. “Vì lợi ích chung” của nhân loại (koinônikai), nghĩa là mọi hành động trong suốt cuộc đời của ta đều tận tụy hướng tới một mục tiêu ngoại tại duy nhất, phục vụ một mục đích chung, hoặc ít ra là không xung đột với nó, đó là sự hòa hợp cao nhất và tình bằng hữu trong cộng đồng nhân loại, đồng thời vì Hạnh phúc và sự thịnh vượng chung.
3. “Phù hợp với giá trị” (kat’ axian), nghĩa là với tri thức và đức hạnh, ta cư xử công bằng với người khác bằng cách chọn những thứ ngoại tại “được ưu tiên”, những thứ được đánh giá một cách lý trí là phù hợp nhất trong các hoàn cảnh cụ thể này.
Tương tự vậy, Hadot tóm tắt các qui tắc chi phối hành động phù hợp, hay bổn phận của người Khắc kỷ, và Kỷ luật Hành động như sau (Hadot, 1998, tr. 183):
1. Chúng ta phải hành động vì sự phục vụ Tự nhiên hoặc theo ngôn ngữ thần học là Chúa trời, bằng cách chấp nhận rằng số phận của chúng ta được vũ trụ định đoạt. Đây chính là “mệnh đề dự phòng” cốt lõi của người Khắc kỷ.
2. Chúng ta cần khao khát yêu thương nhân loại, coi mình như mọi người, là chân tay trên một cơ thể duy nhất.
3. Trong hành động của mình, chúng ta phải tôn trọng trật tự hợp lý của các giá trị, vốn là những điều quyết định các hành động phù hợp.
Các khái niệm này xuất hiện trong các bài thuyết giảng của Epictetus, nhưng chính Marcus Aurelius đã cô đọng chúng lại thành một công thức rõ ràng cho hành động. Trong chương trước chúng ra đã đề cập tới khái niệm về hành động phù hợp với giá trị. Điều này nghĩa là hiểu giá trị tự nhiên của những thứ khách quan khác nhau trong cuộc sống, trong khi phân biệt chúng với “cái tốt” tối thượng được tìm thấy trong đức hạnh. Vì thế, dưới đây chúng ta sẽ tập trung vào hai điều còn lại. Trong hai điều này, có lẽ điều đầu tiên quan trọng hơn vì nếu không có “mệnh đề dự phòng” thì không hành động nào được thực hiện một cách an toàn.
Các hành động bác ái phải được thực hiện một cách cao thượng, nói cách khác, đủ tách biệt với hậu quả để duy trì sự sáng suốt và thanh thản, thay vì cho phép bản thân tức giận khi khao khát bị ngăn trở bởi hoàn cảnh bên ngoài. “Ở trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới” – theo cách nói của người theo Thiên chúa giáo. Người Khắc kỷ cố nhiên thích được sống trong nền Cộng hòa lý tưởng của Zeno, giữa cộng đồng những người bạn được khai sáng, trong khi vẫn chấp nhận rằng thế giới thật giống như một “cuộc hội hè” hay “nhà tắm tập thể”, đầy những nhân vật thô lỗ, lộn xộn, vô vị, đầy tiếng ồn và những trò tiêu khiển.
Điển cứu: James Stockdale ở Việt Nam
“Ngày chín, tháng Chín, năm 1965, tôi bay với tốc độ 500 hải lý/giờ thẳng vào một bẫy hỏa lực phòng không, từ độ cao một ngọn cây, trong một chiếc máy bay A-4 nhỏ, với các vách ngăn buồng lái cách nhau chưa đầy chín mươi centimet, chiếc máy bay mà tôi không thể lái được nữa sau khi nó bốc cháy, hệ thống kiểm soát đã bị bắn hỏng”, James Stockdale đã viết như vậy. Sau khi bị đuổi ra khỏi địa phận miền Bắc Việt Nam, trong khi đáp xuống ngôi làng bên dưới và cầm chắc sẽ bị bắt làm tù binh chiến tranh, suy nghĩ cuối cùng của ông với tư cách một người tự do vụt qua trong tâm trí: “Phải ở đây năm năm là ít nhất. Mình đang rời bỏ thế giới của công nghệ và tiến vào thế giới của Epictetus!” (Stockdale , 1995, tr.189).
Khi Hoa Kỳ mới bắt đầu tham chiến tại Việt Nam, Stockdale đã bị một đám đông gồm 15 dân làng bắt giữ, họ giận dữ đánh ông thừa sống thiếu chết. Họ đánh vào chân ông, để lại thương tật vĩnh viễn, giống như người nô lệ Epictetus với đôi chân bị què, người đã viết cuốn Handbook cổ về triết lý của người Khắc kỷ mà Stockdale đã đọc ngấu nghiến sau khi học thạc sĩ triết học tại trường Đại học Standford. Sau đó ông trở tù binh của quân đội miền Bắc Việt Nam và được đưa ra Hà Nội, nơi ông (một sĩ quan cao cấp nhất của Hải quân Mỹ) trở thành lãnh đạo của một cộng đồng lính Mỹ bị bắt, khoảng trên 400 người. Stockdale bị giam trong một phòng giam kiến trúc thời thực dân Pháp, là một phần của Hỏa Lò, còn được gọi đùa là “Hilton Hà Nội”. Các tù binh chiến tranh Mỹ tại đây phải trải qua nhiều phiên đấu trí với những cai tù và những người chuyên tra khảo.
Stockdale bị giam ở đó bảy năm rưỡi, trong đó có bốn năm bị biệt giam, hai năm chân đeo còng sắt. Ông bị tra tấn 15 lần bằng phương pháp “quấn dây thừng”. Tuy nhiên, trong suốt thời gian bị giam giữ, ông đã được cứu rỗi bởi nhiều đoạn viết của Epictetus mà ông đã thuộc lòng, ông gọi chúng là niềm an ủi và là “vũ khí bí mật” trong thời gian bị giam cầm. Sau khi được thả, ông trở thành anh hùng quân đội, một trong những sĩ quan được tặng thưởng huân chương cao nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ và làm tới chức Phó Đô đốc Hải quân. Ông bắt đầu diễn thuyết về sự liên quan của triết lý Khắc kỷ đối với đời sống quân đội hiện đại. Tập hợp các bài nói chuyện và các bài luận của ông được đăng trong cuốn Thoughts of a Philosophical Fighter Pilot (tạm dịch: Tư tưởng của một phi công chiến đấu theo đuổi triết học) (Stockdale, 1995).
Câu chuyện đặc biệt của ông cho thấy chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại đã được áp dụng thành công để duy trì tâm ý vững vàng trước những tai họa tồi tệ nhất mà con người có thể hình dung trong thế giới hiện đại. Trong những tình huống thế này, người Khắc kỷ đã dung hòa được những mong muốn tự nhiên, ý thức về bổn phận với thực tế rằng có rất ít yếu tố của môi trường bên ngoài có thể nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp của họ. Tuy vậy, họ luôn có đủ tự do dể duy trì tính chính trực, hay đức hạnh, điều luôn là mục tiêu cao cả nhất của họ.
Ghi nhớ: Hành động “phù hợp với giá trị”
Ở phần đầu chúng ta đã thảo luận về thuyết “không quan trọng” của người Khắc kỷ, cũng như quan niệm của họ rằng có tồn tại một hệ thống phân cấp các giá trị bắt nguồn từ bản chất động vật của chúng ta. Điều này bắt đầu từ bản năng sinh tồn, và mở rộng đến tình cảm thân thuộc tự nhiên mà chúng ta có với con cái, gia đình, bạn bè và nhân loại. Mặc dù những thứ tại ngoại không có giá trị đối với eudaimonia, thì việc sống khôn ngoan vẫn đòi hỏi chúng ta đối đãi phù hợp với cơ thể mình, với tài sản, tiền bạc và với người khác.
Hành động với một “mệnh đề dự phòng”
Một trong các bài thuyết giảng của Epictetus trong cuốn Discouses có tựa đề: “Làm thế nào sự lo lắng có thể cùng tồn tại với sự cao quý của tâm hồn?” Ý ông là: Làm sao chúng ta có thể dung hòa mong muốn hành động phù hợp trong cuộc sống, và làm điều đúng đắn, với sự thờ ơ cần có để duy trì sự thanh thản? Kỷ luật Hành động, điều thường đòi hỏi một nỗ lực để thay đổi thế giới, nhân danh công lý đặt ra một thách thức cho Kỷ luật Khát khao với trọng tâm là sự chấp nhận và sự trung lập về mặt cảm xúc. Câu trả lời của Epictetus là chúng ta nên tiếp cận cuộc sống theo cách coi nó như một trò chơi. Chúng ta như những người chơi bài xúc xắc để giải trí, mục tiêu là chơi hay, công bằng và chơi với tinh thần tốt, tuân theo luật chơi. Kết quả thắng hay thua không có gì khác biệt. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận bất kể mặt xúc xắc nào được đổ ra một cách ngẫu nhiên, và phải tận dụng nó tối đa. Chúng ta cố thắng để là người chơi tốt, nhưng điều quan trọng nhất không phải là chiến thắng mà là việc tham gia vào cuộc chơi. Tương tự, tinh thần của chúng ta trong cuộc sống và việc hoàn thành vai trò của mình quan trọng hơn điều may rủi ta gặp, xét về thành công hay thất bại khách quan. Khi mọi sự không xảy ra như mong muốn, người Khắc kỷ có thể tự nhủ: “Ý định của tôi là đúng, và đó là những gì mà bất cứ ai cũng có thể đòi hỏi; nếu Số phận quyết định khác đi, tôi sẽ chấp nhận điều đó như thể đó là ý muốn của mình ngay từ đầu”. Đức hạnh vì vậy đòi hỏi sự bình thản hơn là tính công bằng, và cần Kỷ luật Khát khao hơn là Kỷ luật Hành động.
Người Khắc kỷ sử dụng một chiến lược tâm lý thông minh cho phép họ tương tác với các sự kiện khách quan, kể cả với người khác mà không cần tổn hại đến nguyên tắc của mình là chỉ chọn mưu cầu những gì trong phạm vi kiểm soát của họ. Họ thường nói về hành động thực hiện “với một mệnh đề dự phòng” nghĩa là thêm vào một sự “đón đầu” như “tùy duyên”, “theo ý trời” hay “nếu không có gì cản trở”. Điều này cũng giống một thành ngữ: “Hãy làm điều anh phải làm, nhưng hãy để nó xảy ra theo cách của nó”. Về lý trí, tôi không thể đòi hỏi hành động của tôi phải thành công xét về kết quả dự định, vì vậy tôi bước vào mọi cuộc hành trình với một tâm trí cởi mở, sẵn sàng chấp nhận chiến thắng hay thất bại với tinh thần thanh thản hoàn toàn.
Do vậy, mọi hành động cần được thực hiện với sự lưu tâm và hoàn toàn chấp nhận thực tế rằng kết quả có thể không như dự liệu. Tuy nhiên, khái niệm này không chỉ được tìm thấy trong chủ nghĩa Khắc kỷ. Người Thiên chúa giáo từng viết: “D.V.”, hay “Deo Volente” (tiếng Latinh, nghĩa là “theo ý Chúa”) vào cuối các bức thư để bao hàm ý nghĩa tương tự. “Insha’ Allah” (tiếng Ả Rập, nghĩa là “theo ý Chúa) cũng mang ý nghĩa tương tự trong Hồi giáo. Kinh Tân Ước có một đoạn mô tả khá rõ ràng về khái niệm này, nghe giống điều người Khắc kỷ đã viết:
Nghe này, ngươi nói: “Hôm nay hay ngày mai chúng ta sẽ đi tới thành phố này hay thành phố kia, ở đó một năm, làm việc và kiếm tiền”. Tại sao? Ngươi còn không biết điều gì sẽ xảy ra ngày mai kia mà. Cuộc sống của ngươi là gì? Ngươi là một màn sương xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Thay vì vậy, ngươi nên nói: “Nếu đó là ý Chúa Trời, chúng ta sẽ sống và làm việc này hay việc kia”.
(James, 4.13-15)
Chúa Jesus cũng được miêu tả tương tự như vậy khi người kêu lên “Thưa Đức Cha, nếu có thể, hãy lấy chiếc cốc này từ con. Nhưng không phải theo ý con, mà theo ý Người” (Matthew, 26.39). Phiên bản của người Khắc kỷ có dạng thức khác nhưng khái niệm và thái độ bao hàm cũng giống như vậy. Chẳng hạn, Seneca bàn về “mệnh đề dự phòng” của người Khắc kỷ rất rõ ràng, trong nhiều bài viết, dưới dạng công thức:
Ta muốn làm điều này việc nọ, chừng nào không có gì xảy ra có thể gây cản trở tới quyết định của ta.
(On Peace of Mind, 13)
Một lần khác, ông cũng đưa ra ví dụ: “Ta sẽ dong buồm dọc theo đại dương nếu không có gì ngăn cản ta”. Bởi vậy nhà Hiền triết cho là sẽ luôn có gì đó ngăn trở kế hoạch của anh ta. Theo Seneca, ông chọn suy nghĩ theo cách này, vì cảm xúc đau khổ do thất bại chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn đối với những ai không tự hứa hẹn trước thành công cho bản thân.
Đây là lý do vì sao chúng ta nói mọi thứ với anh ta đều ổn, không có gì xảy ra ngược với mong đợi của anh ta, vì anh ta luôn tâm niệm rằng có thể có điều gì đó xảy ra ngăn cản việc thực hiện dự án của anh ta. Sẽ là thiếu thận trọng khi tin rằng may mắn sẽ đứng về phía chúng ta. Người khôn ngoan xem xét hai mặt: anh ta biết sức mạnh của sai lầm lớn thế nào, việc làm của con người không chắc chắn ra sao, và có bao nhiêu trở ngại trên con đường tới thành công của các kế hoạch. Không ép buộc mình, anh ta chờ đợi những vấn đề thất thường và đáng ngờ của các sự kiện, và so sánh lợi hại giữa sự chắc chắn của mục đích với sự không chắc chắn của kết quả. Tuy nhiên, ở đây anh ta cũng được bảo vệ bởi “mệnh đề dự phòng”, nếu không có nó anh ta không quyết định được gì mà cũng chẳng bắt đầu làm điều gì.
(On Benefits, 4.34)
Do vậy, các môn sinh Khắc kỷ sử dụng một chiến lược tâm lý suốt đời, bao gồm việc làm nhẹ bớt mọi ý định bằng cách đưa ra sự khác biệt giữa ý chí của bản thân và các yếu tố bên ngoài vượt tầm kiểm soát của mình. Họ mưu cầu cuộc sống đức hạnh trong khi vẫn giữ các mong ước của mình hợp với các yếu tố khách quan. Điều này tương tự với định nghĩa của Chrysippus là sống hòa hợp với Tự nhiên cả nội tại lẫn ngoại tại.
Cuốn Handbook của Epictetus nói rằng các học trò Khắc kỷ cần hoàn toàn rút khỏi các khao khát và cả ác cảm đối với các yếu tố ngoại tại, thôi không phán xét chúng là “tốt” hay “xấu”, chấp nhận chúng trong sự phù hợp với Kỷ luật Khát khao. Tuy vậy, chúng ta lại được bảo rằng Kỷ luật Hành động đòi hỏi chúng ta lựa chọn các mục tiêu tại ngoại và các hành động phù hợp, cho dù là hành động “nhẹ nhàng và không căng thẳng”, rồi thêm vào “mệnh đề dự phòng” (Encheiridion, 2).
Chúng ta nên diễn tập tinh thần cho bất kỳ thách thức có thể xảy ra và có những quy tắc cụ thể để đối mặt với chúng một cách khôn ngoan. Khi lập kế hoạch cho bất kỳ hoạt động nào, ngay cả những việc nhỏ nhặt như đi tới một nhà tắm công cộng (có thể coi đây là phép ẩn dụ mô tả những sự thô lỗ và lộn xộn trong cuộc đời nói chung), hãy hình dung trước những thứ có thể đi chệch hướng và làm hỏng kế hoạch của bạn. Khi đó hãy tự nhủ: “Mình muốn làm điều này điều kia, nhưng cũng muốn giữ cho điều mong ước của mình hòa hợp với Tự nhiên” bằng cách sẵn sàng chấp nhận bất kỳ điều gì có thể xảy ra (Encheiridion, 4). Bằng cách đó, nếu sau đó các hành động của bạn bị cản trở, bạn có thể nói: “Đây không phải là cái mình muốn, nhưng điều này là để giữ cho ý chí của ta thuận với Tự nhiên, và ta không thể làm vậy nếu ta bực bội với điều đang xảy ra”. Nói cách khác, “sống hòa hợp với Tự nhiên” hàm nghĩa có sự linh hoạt với các sự kiện khách quan, khi số phận định đoạt như vậy.
Marcus Aurelius đã đề cập rất cụ thể về hành động “với một mệnh đề dự phòng” khoảng năm lần, nêu tên Epictetus như một nguồn trích dẫn, nhưng có bổ sung quan điểm khác. Ông nói, ý thức của con người có một sự linh hoạt không giới hạn, nó có thể thích nghi với bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc sống, đây là một trong những món quà quí giá nhất của lý trí. Ý thức không cần những yếu tố ngoại tại để phát triển, vì trong khi đi tìm mọi điều ưu tiên trong cuộc sống, ý thức có thể sử dụng “mệnh đề dự phòng”, chuẩn bị chuyển đổi bất kỳ điều không may nào gặp phải thành cơ hội để phát triển đức hạnh và vì vậy thúc đẩy chúng ta tiến tới eudaimonia. Người Khắc kỷ cổ đại tin rằng trí óc được tạo thành từ một vật chất cao quý giống như lửa. Do vậy Marcus nói rằng hành động với mệnh đề dự phòng giúp cho trí óc tận dụng bất kỳ điều gì nó gặp, “cũng như lửa – nó bén vào vật được ném vào nó” (Meditations, 4.1).
Trong đoạn đối thoại dưới đây, dường như Marcus đang hình dung một cuộc tranh luận giả định với nhà Hiền triết đóng vai người trợ giáo của mình, hoặc có thể ông đang gợi nhớ lại một cuội đối thoại với một trong những người thầy của ông:
[Nhà Hiền triết]: Từng hành động một, anh phải xây dựng cuộc đời mình, và hãy hài lòng nếu mỗi hành động có được kết quả của nó. Không ai có thể ngăn cản anh làm điều này.
[Marcus]: Nhưng chắc chắn có điều khách quan nào đó sẽ ngăn trở điều này!
[Nhà Hiền triết]: Không ai có thể ngăn cản anh hành động với sự công bằng, kỷ luật tự giác và trí tuệ thực tiễn.
[Marcus]: Nhưng nếu một khía cạnh khác của hành động bị cản trở thì sao?
[Nhà Hiền triết]: Sẽ có, nhưng nếu anh có thể mang thái độ bình thản chấp nhận cản trở đó, và nếu anh biết cách thận trọng trở lại với điều anh có thể làm thì sẽ có một hành động khác thay thế vào và nó sẽ vừa vặn với cuộc sống hài hòa mà chúng ta đang nói tới.
(Meditations, 8.32)
Nói cách khác, người Khắc kỷ sẽ không bao giờ lệ thuộc thái quá vào một kết quả dự liệu hay kế hoạch hành động nào đó. Nếu ai đó ngăn cản ý định hành động đúng đắn và nhân từ của chúng ta đối với người khác, ứng với Kỷ luật Hành động, nghĩa là họ vừa cho ta cơ hội để rèn luyện đức tính kỷ luật tự giác và lòng can đảm, ứng với Kỷ luật Khát khao.
Tư tưởng chính: Mệnh đề dự phòng
Trong nhiều văn bản Khắc kỷ, đặc biệt là của Epictetus và Marcus Aurelius, chúng ta tìm thấy thuật ngữ Hy Lạp hupexhairesis, nghĩa là hành động “với một mệnh đề dự phòng”, “với điều kiện hạn chế”, hoặc “với một ngoại lệ” trong tâm trí. Trong các văn bản của Seneca, khái niệm tương tự cũng được nói tới bằng tiếng Latinh là exceptio. Từ này có nghĩa là hành động với thái độ tách bạch khỏi kết quả, cái được taọ ra không phụ thuộc vào cái được khao khát. Nhà Hiền triết luôn thực hiện hành động với điều kiện hạn chế này trong tâm trí, anh ta nghĩ: “Tôi sẽ làm điều này điều kia, tùy ‘duyên số’ hay ’theo ý trời’” v.v..
Các ý định của nhà Hiền triết không bao giờ bị cản trở vì anh ta chỉ mong ước được làm những điều mà không gì có thể ngăn cản anh ta. Ngược lại, các Cảm xúc phi lý, như thèm khát, không thể được thực hiện với một mệnh đề dự phòng vì chúng mưu cầu đạt được điều gì đó ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, hành động được đánh giá là “tốt” hay “xấu”, đồi bại hay đức hạnh trong chủ nghĩa Khắc kỷ, đơn thuần dựa trên ý định của hành động ấy, bất kể kết quả ra sao (Cicero, De Finibus, 3.32).
Thực hành: Hành động với “mệnh đề dự phòng”
Chọn một nhiệm vụ để thực hiện với “một mệnh đề dự phòng” trong tâm trí. Tập trung vào ý định hành động một cách trọn vẹn trong khi chấp nhận kết quả một cách thanh thản. Hãy làm theo các bước sau:
1. Lên kế hoạch làm điều gì đó trong hôm nay, liên quan tới các yếu tố khách quan.
2. Hãy hình dung ra những điều cản trở xảy ra trong quá trình thực hiện, sẵn sàng chấp nhận rằng mọi thứ có thể sẽ đi ngược lại với mong muốn của mình.
3. Tập nói với bản thân “Ta sẽ làm điều nọ điều kia” và thêm vào điều kiện “… nếu không có gì cản trở” hay “tùy duyên số”.
4. Nếu mọi sự không diễn ra như dự liệu, hãy tập trung sự chú ý của mình vào việc chấp nhận bất kỳ kết quả nào, như đã được dạy trong phần Kỷ luật Khát khao.
Cố gắng thực hành bài tập này càng nhiều càng tốt, cho tới khi bạn có thể tiếp cận hầu hết các tình huống với cùng một thái độ, sẵn sàng hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào với “một mệnh đề dự phòng” và giữ cho ý chí của mình hòa hợp với các sự kiện.
Người bắn cung Khắc kỷ
Nhân vật Cato của Cicero giải thích về thuyết hành động của người Khắc kỷ bằng phép ẩn dụ về một người bắn cung. Anh ta lắp mũi tên lên cánh cung và kéo dây cung căng hết mức có thể, một khi mũi tên đã bay đi, anh ta chỉ có thể chờ xem nó có trúng mục tiêu không. Một cơn gió bất chợt có thể đưa mũi tên đi chệch đường bay, hoặc mục tiêu (chẳng hạn một con thú hoang) có thể di chuyển. Ý định là thứ nằm trong tầm kiểm soát của anh ta, cũng như động lực ban đầu hay hành động lắp mũi tên và nhắm bắn, nhưng kết quả rốt cuộc lại phụ thuộc vào số mệnh – hay là những yếu tố khách quan xảy ra ngoài tầm kiểm soát của anh ta.
Người Khắc kỷ đôi khi phân biệt giữa “mục tiêu” (skopos) được nhắm đến trong một hành động (theo nghĩa đen là điểm đánh dấu mà ta tập trung vào), và “kết quả” của hành động hay mục đích (telos) (theo nghĩa đen là “sự hoàn thành”). Cato trình bày điều này như một ẩn dụ cho sự phân biệt giữa cái ngoại tại “được ưa thích hơn” và mục tiêu cuộc sống. Mặc dù trong cuộc sống, người Khắc kỷ kiếm tìm những thứ tương tự với đại đa số người khác, như sức khỏe, tình bằng hữu, nhưng họ làm điều này theo một cách vô tư vô cùng tinh tế. Mục tiêu đích thực của cuộc sống là trí tuệ thực tiễn và đức hạnh, và điều này bao hàm trong nghệ thuật sống, cách chúng ta làm những việc khác nhau, bất kể kết quả thế nào.
Chẳng hạn, “mục tiêu” tại ngoại của một hành động có thể vì lợi ích của bạn bè thông qua việc giáo dục và khích lệ họ hướng tới đức hạnh như cách Socrat đã làm. Tuy nhiên, việc điều đó có thành công hay không phần nào nằm trong tay Thần số mệnh, như mô tả của các học trò ít tiếng tăm hơn của Socrat. Mục tiêu của nhà Hiền triết không phải vì lợi ích của người khác, vì điều này không nằm trong tầm kiểm soát của anh ta, mà mục tiêu là làm hết sức có thể để đem lại điều lợi cho họ. Như cung thủ đã bắn đi mũi tên của mình, công việc của anh ta hoàn tất khi anh ta đã làm tốt nhất phần việc của mình: hành động với các đức tính công bằng và lòng bác ái, còn việc liệu anh ta có thật sự bắn trúng mục tiêu hay không là nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta.
Mục tiêu chúng ta nhắm tới (skopos) hay kết quả của bất kỳ hành động nào, về bản chất là luôn nằm ở tương lai. Ngược lại, ý định đạt được điều này thì tồn tại trong hiện tại. Nếu khởi sự với thái độ đúng đắn, chúng ta đã có thể đạt được kết quả hành động (telos) ngay từ khi bắt đầu các nỗ lực của mình. Như đã thấy, Epictetus làm một so sánh tương tự giữa cuộc sống và chơi trò ném bóng. Mặc dù ta cố xử lý và chuyền bóng, nhưng chúng ta không coi nó có giá trị nội tại – đó chỉ là một trò chơi. Điều quan trọng là chúng ta chơi tốt, với tinh thần thể thao (đức hạnh), điều này thường có nghĩa là khi trận đấu không có kết quả như ta mong muốn ta cũng không phiền lòng.
Chúng ta cũng có thể so sánh cuộc sống với việc múa hát cho vui, mục tiêu của hoạt động nằm ở phần biểu diễn, với việc múa hoặc hát thật tốt, chứ không phải nằm ở kết quả tại ngoại. Tuy nhiên, một buổi biểu diễn bằng cơ thể có thể bị gián đoạn, trong khi ý định thuộc về đạo đức của chúng ta đã hoàn thành ngay từ lúc bắt đầu và không thể bị phá vỡ. Điều này rất quan trọng đối với người Khắc kỷ vì nó có nghĩa là chúng ta không bao giờ gặp cản trở trong việc đạt được đức hạnh – nó xảy ra trong chớp mắt, ngay khi một quyết định có đạo đức được đưa ra, “ở đây và tại thời khắc này”. Epictetus hỏi học trò của mình: “Các anh có thể tìm cho ta một người quan tâm tới cách anh ta làm những gì đã làm, và chú ý tới cách thức thực hiện hoạt động của chính mình, chứ không quan tâm tới những kết quả đạt được không?” (Discourses, 2.16). Chính cách chúng ta thực hiện hành động mới quan trọng chứ không phải việc chúng ta thành công hay thất bại. Như Seneca nói: “Tóm lại, người khôn ngoan nhìn về mục đích của mọi hành động, không phải kết quả của chúng. Sự bắt đầu nằm trong khả năng của ta, nhưng chính thần may mắn mới là người quyết định kết quả, và ta không để người phán xét chính mình” (Letters, 14).
Tư tưởng chính: “Sự thôi thúc” và “các hành động phù hợp”
“Sự thôi thúc”, theo tâm lý học Khắc kỷ, về cơ bản là sự khởi đầu của các hành động chủ động. Nó nằm đâu đó giữa ý định và hành động và nó dựa trên hành động “đồng tình” với những cảm tưởng cụ thể. Ví dụ, chúng ta được biết “sự thôi thúc” còn có các hình thức khác như mục đích, nỗ lực, sự chuẩn bị, lựa chọn, ước ao, mong muốn. Các Cảm xúc, như sợ hãi và khao khát, hay đau khổ và thích thú là các dạng đặc biệt quan trọng của “thôi thúc”. Khi các ý định của chúng ta phù hợp với lý trí và các giá trị tự nhiên của vạn vật, hành động của chúng ta sẽ được đánh giá là “phù hợp” với hoàn cảnh.
Zeno đặt ra thuật ngữ “hành động phù hợp” (kathêkonta) vì tính tương đồng của nó với cách nói “áp dụng cho một số người nhất định” (kata tina hêkein), để nói đến những thứ phù hợp cho các cá nhân cụ thể có thể thực hiện trong những tình huống cụ thể. Thường thì điều này chỉ có thể phán xét dựa trên cơ sở tính khả năng, tức là điều gì là hợp lý để được “ưu tiên hơn”, chẳng hạn, cho hay không cho ai đó vay tiền trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó thì có thích hợp không. Ngược lại, chúng ta có thể hiểu chắc chắn rằng có đức hạnh và một ý định (sự thôi thúc) làm điều gì đó dựa theo công lý chính là điều “tốt”. Thuật ngữ của người Khắc kỷ phân biệt giữa kathêkonta – hành động phù hợp mà ai cũng có thể hoàn thành, và katorthômata – hành động hoàn hảo, chỉ có thể thực hiện bởi nhà Hiền triết (Long, 2002, tr.257). Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể làm điều đúng đắn, nhưng chỉ nhà Hiền triết mới hành động vừa phù hợp vừa thấu hiểu, trên cơ sở tri thức hoàn hảo, sự khôn ngoan và đức hạnh.
Ghi nhớ: Nhà Hiền triết thực hiện mọi hành động với “mệnh đề dự phòng”
Marcus Aurelius lần đầu tiên liệt kê các “mệnh đề dự phòng” khi mô tả ba mệnh đề định nghĩa Kỷ luật Hành động của người Khắc kỷ (Meditation, 11.37). Nếu không thêm lời cảnh báo trước này vào mỗi ý định, người Khắc kỷ không thể sống một cách an toàn trong sự hòa hợp với đức hạnh trong khi phải tương tác với thế giới của những điều “không quan trọng” và những người khác. Theo ngôn ngữ lý thuyết, anh ta bằng lòng với những gì được trao cho bản thân anh ta, cho bạn bè và cộng đồng của mình một cách tự nhiên, nhưng chỉ khi Chúa trời cũng mong muốn những điều tương tự. Nếu sự việc không được như mong muốn, người Khắc kỷ sẽ chấp nhận thực tế và thích nghi thay vì cảm thấy tức giận. Bởi vậy, như Seneca nói, ngay cả một nhà Hiền triết hoàn hảo cũng sử dụng chiến lược này khi trù tính bất kỳ hành động nào.
Hành động vì hạnh phúc chung của nhân loại
Như chúng ta đã biết, người Khắc kỷ đặc biệt coi trọng việc suy ngẫm về lý tưởng mang tính giả định về nhà Hiền triết, coi đó là kim chỉ nam trong cuộc sống, nhưng lý tưởng giả định về một cộng đồng các nhà Hiền triết, giấc mơ về một nền “Cộng hòa” Khắc kỷ lý tưởng, có phục vụ cho một chức năng tương tự hay không? Marcus Aurelius viết trong nhật ký của mình: “Đừng chờ đợi nền Cộng hòa của Plato! Thay vì vậy, hãy hài lòng nếu một điều nhỏ bé đạt được chút tiến triển, và hãy suy ngẫm về thực tế rằng kết quả từ kiều nhỏ bé này sẽ không hề nhỏ chút nào!” (Meditations, 9.29). Như chúng ta thấy, Marcus cũng cho rằng Kỷ luật Hành động của Epictetus có thêm mệnh đề “vì hạnh phúc chung” (của nhân loại) vào mọi ý định.
Người ta có thể cho rằng một cách để diễn giải điều này chính là Kỷ luật Hành động đòi hỏi chúng ta ngay từ đầu đã phải xác định một mục tiêu duy nhất cho mỗi hành động, nền Cộng hòa lý tưởng hay cộng đồng triết học khai sáng. Mặc dù là Hoàng đế La Mã, người Khắc kỷ hùng mạnh nhất về chính trị và quân sự từng có trên đời, Marcus có vẻ vẫn hài lòng ngay cả khi những hành động của cá nhân ông chỉ là những bước nhỏ trên lộ trình chung này. Thực vậy, xuyên suốt tác phẩmMeditations, ông liên tục nhắc nhở bản thân cống hiến các hành động của mình cho hạnh phúc chung của nhân loại, với tư cách công dân của vũ trụ.
Tuy nhiên, có lẽ ông không phải nghĩ tới nền Cộng hòa của Plato theo nghĩa đen. Các tác gia Hy Lạp có xu hướng dễ dãi trong việc nhắc đến bất kỳ mô tả mang tính triết học nào về một xã hội lý tưởng bằng lối diễn đạt “nền Cộng hòa của Plato”. Chẳng hạn, chính khách La Mã Cicero phê phán người bạn Cato của mình, cũng là một chính khách và nổi tiếng là một người Khắc kỷ kiên quyết, vì hành động như thể ông đã sống trong “nền Cộng hòa của Plato” hơn là sẵn sàng vận hành chính trị thực dụng. Văn bản sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ là “Cộng hòa” (Politeia) của Zeno, đối lập sâu sắc với cuốn sách có cùng tên của Plato và chứa đựng nhiều ý kiến phê phán xã hội lý tưởng của Plato. Vì vậy Marcus và Cicero chỉ đang diễn đạt theo kiểu dễ dãi và nhiều khả năng chính lý tưởng Khắc kỷ mới là thứ họ đang nghĩ tới. Một khác biệt mấu chốt chính đó là xã hội lý tưởng của Plato có sự phân cấp rõ ràng và được chia thành ba giai cấp xã hội, sự hài hòa phụ thuộc vào mỗi cá nhân nhận thức địa vị của mình, trong khi đó nền Cộng hòa của Zeno đối xử với mọi công dân một cách bình đẳng. Dường như không cần tiền bạc, vũ khí, tòa án hay đền đài trong nền Cộng hòa của người Khắc kỷ, đàn ông và đàn bà thì mặc quần áo giống nhau.
Một lần khác, Marcus định nghĩa mục tiêu cao nhất của cuộc sống chính là sống như một công dân trung thành của “Thành phố” hay “nền Cộng hòa” vĩ đại nhất, tức toàn thể Tự nhiên, tuân thủ luật lệ và theo chỉ dẫn của của Tự nhiên, ngay trong những hành động nhỏ nhất. Điều này có nghĩa là xem thành phố hay đất nước thực thể mà ta sống đơn thuần là một khu vực nhỏ bé của cả Thành phố Vũ trụ, của Tự nhiên toàn thể, vốn có địa vị cao hơn. Vì vậy, Epictetus hỏi: “Con người là gì?” và đáp rằng con người là “một phần của thành phố” (Discourses, 2.5). Trên hết, về bản chất, con người là một công dân của thành phố vũ trụ thống nhất toàn thể nhân loại, là người theo chủ nghĩa thế giới, sau đó mới là công dân của thành phố thực thể nơi anh ta sống.
Đối với người Khắc kỷ, khi nhận ra rằng toàn thể nhân loại, về bản chất, là cùng giống nòi, chúng ta bắt đầu coi bản thân chỉ là các bộ phận của một cộng đồng rộng lớn hơn. Như Cato trong tác phẩm của Cicero nói, từ thực tế rằng tất cả chúng ta được coi là những bộ phận của Thành phố Vũ trụ, chúng ta sẽ tự nhiên coi trọng lợi ích chung của nhân loại hơn là những thứ của riêng mình.
Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều sống trong một nền Cộng hòa của vũ trụ, mặc dù chỉ nhà Hiền triết mới thật sự trở thành công dân ở đó, vì anh ta tuân theo các luật lệ với việc sống thuận theo Tự nhiên. Dẫu vậy, bằng cách sống như một người Khắc kỷ nhiệt huyết, tất cả chúng ta đều từng bước tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn, một xã hội lý tưởng. Mục tiêu của Epictetus – có “một thành phố nhỏ”, nơi chúng ta sống, cộng đồng thật sự của chúng ta, tiến gần nhất đến việc hiện thực hóa nền Cộng hòa Khắc kỷ lý tưởng, có lẽ được xếp vào “điều không quan trọng được ưu tiên”, bởi vì để đạt được điều này phụ thuộc vào người khác, và tất yếu nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Điều này chỉ có thể mưu cầu với mệnh đề dự phòng, “tùy số phận định đoạt”.
Như trong phép ẩn dụ của Cicero về người bắn cung, Marcus sử dụng thuật ngữ skopos để mô tả mục tiêu tại ngoại là cải thiện phúc lợi chung của nhân loaik và của nhà nước. Ông nói, chúng ta không thể sống nhất quán, trong sự hòa hợp với Tự nhiên, trừ phi chúng ta có cùng quan điểm về mục tiêu, điều cần được xác định rõ ràng: “Chúng ta phải đặt mục tiêu hạnh phúc chung của nhân loại và phúc lợi chung của đất nước lên trên bản thân mình”. Một khía cạnh quan trọng của Kỷ luật Hành động mà người Khắc kỷ hướng tới là hành động trong khuôn khổ Tự nhiên thống nhất, cống hiến mọi hành động của mình cho mục đích cơ bản duy nhất của cuộc sống. Tuy nhiên, điều này có thể được hiểu là bao gồm hai yếu tố: mục tiêu nội tại là hành động một cách công bằng, và mục tiêu ngoại tại tương ứng là mang lại phúc lợi cho toàn thể nhân loại, bằng cách thực hiện từng bước nhỏ hướng tới hiện thực hóa nền Cộng hòa Khắc kỷ lý tưởng. Chrysippus cho là ngay cả nhà Hiền triết, thay vì rút khỏi thế giới con người, cũng “sẽ tham gia vào chính trị, nếu không có gì ngăn cản”, để quảng bá những điều tốt đẹp và hạn chế những điều xấu xa giữa con người.
Tư tưởng chính: Giấc mơ của Zeno về một nền Cộng hòa Khắc kỷ lý tưởng
Zeno có vẻ đã viết cuốn Republic “mô tả (nền Cộng hòa) như thể đó là một giấc mơ hay hình ảnh một xã hội có các thể chế tốt của một triết gia” (Plutarch, On the Fortune of Alexander, 329a). Nói cách khác Republic mô tả một xã hội Khắc kỷ lý tưởng và khuyến khích độc giả hình dung về một xã hội hòa hợp hoàn hảo giả định. Plutarch cho rằng Republic, cuốn sách được ngưỡng mộ rộng rãi, đã tập trung vào học thuyết “là chúng ta cần xếp gia đình và sống cuộc sống của mình, không phải như những thành viên của các dân tộc hay các thể chế chính trị khác nhau, mà chúng ta phải coi mọi người khác đều là đồng bào của cả thế giới, có cùng chung cách sống, giống như một bầy đàn được chăn thả cùng nhau, và cùng được giáo dục bởi một luật lệ chung”.
Thú vị nhất là, đối lập tuyệt đối với hình ảnh phổ biến về người Khắc kỷ vô cảm, cộng đồng xã hội của Zeno dường như được đặt trên cơ sở tình yêu thương. Ông viết trong tác phẩm Republic rằng: “Eros là vị thần đã đóng góp cho an ninh của thành phố” vì người là thần của “tình bằng hữu và tự do” mang lại sự hòa hợp giữa người với người (Athenaeus, 561). Mặc dù từ erôs có nghĩa thông thường tình yêu nhục dục, nhưng có lẽ Zeno đã chịu ảnh hưởng bởi khái niệm “tình yêu kiểu Plato”, một loại tình yêu phi nhục dục dựa trên nhận thức về vẻ đẹp ẩn giấu trong tâm hồn hay trong tính cách, không ở dáng vẻ bên ngoài.
Người Khắc kỷ coi toàn thể nhân loại là một cộng đồng xã hội duy nhất gồm những sinh vật có lý trí – những công dân của vũ trụ và là con của thần Zeus. Thực vậy, Marcus và những người Khắc kỷ khác coi bổn phận của họ là yêu thương nhân loại bất kể khiếm khuyết của họ, vì họ có tiềm năng sở hữu đức hạnh. Mong ước được sống trong tình bằng hữu và sự hòa hợp với những người mà số phận đã mang lại cho chúng ta, có lẽ là một bước nhỏ đầu tiên hướng tới một cộng đồng được khai sáng hoàn hảo – nền Cộng hòa Khắc kỷ lý tưởng.
Thực hành: Mơ về nền Cộng hòa Khắc kỷ lý tưởng
Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm xem một xã hội Khắc kỷ lý tưởng sẽ như thế nào, và cố gắng hình dung xã hội ấy trong đầu, như một kiểu hình ảnh tưởng tượng về xã hội lý tưởng. Hãy tưởng tượng về một thành phố có những con người khôn ngoan hơn và đáng kính hơn cả người có tầm cỡ, như Socrates chẳng hạn.
1. Hãy bắt đầu từ giả thuyết rằng đó là một cộng đồng gồm những cá nhân khôn ngoan và chính trực hoàn hảo, những nhà Hiền triết, những người là bằng hữu của nhau một cách tự nhiên.
2. Có chỗ nào cho xung đột không ? Họ xử lý của cải và tiền bạc ra sao?
3. Thái độ của họ với nhau thế nào và họ tương tác với nhau ra sao ?
4. Họ xử lý chuyện hôn nhân và chăm sóc con cái thế nào ?
Theo người Khắc kỷ, trẻ em không có năng lực đạt được tri thức thực tiễn hoặc đức hạnh đích thực, cho tới khi chúng lớn đủ để phát triển lý trí và tính tự chủ. Hãy xem một người bình thường, không hoàn hảo, thiếu tri thức thực tiễn – như một đứa trẻ nếu so với nhà Hiền triết – được đối xử thế nào trong nền Cộng hòa lý tưởng. Hãy cố gắng kết nối thí nghiệm tư duy này vào cuộc sống của mình bằng cách suy nghĩ về cộng đồng những người gần gũi nhất với bạn, bạn bè và gia đình của bạn như một thế giới thu nhỏ của nền Cộng hòa Khắc kỷ.
Thực hành: Tận tâm thực hiện hành động vì hạnh phúc chung của nhân loại
Cam kết mọi hành động của bạn đều phục vụ cho sự thịnh vượng chung của loài người gần như là một nhiệm vụ quá nặng nề! Tuy nhiên, có một số những bước nhỏ ban đầu bạn nên bắt đầu thực hiện, và như Marcus nói, hài lòng với những bước nhỏ theo hướng tích cực, “và suy ngẫm về thực tế rằng kết quả từ kiều nhỏ bé này sẽ không hề nhỏ chút nào!” (Meditations, 9.29).
1. Trong ngày, trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào, hãy tự hỏi mình về thái độ nội tại và ý định của mình: “Điều này phù hợp với tri thức thực tiễn và sự vượt trội về đạo đức như thế nào?”, và “Điều này đóng góp Hạnh phúc và sự viên mãn ra sao?”.
2. Liên quan đến kết quả khách quan mà bạn dự kiến, cũng hãy tự hỏi mình: “Hành động này phục vụ cộng đồng nhân loại như thế nào?”.
3. Ngay cả khi hành động nào đó dường như không phục vụ mục đích cao cả hơn này, nếu chúng không xung đột với lợi ích chung của nhân loại, thì chúng cũng có thể được chấp nhận.
Nhận thức rằng việc mọi hành động của bạn điều chủ ý quy về mục đích cơ bản duy nhất có thể là một điều vô cùng mạnh mẽ, và đây chắc chắn là một phần mà người Khắc kỷ thời kỳ đầu muốn nói qua việc cho rằng mục tiêu cao nhất của cuộc sống là sống hòa hợp hoặc sống một cách nhất quán.
Ghi nhớ: Sống hòa hợp
Zeno khởi xướng định nghĩa mục tiêu cao nhất của cuộc sống là “sống hòa hợp”, sau đó được một số người kế tục của ông mở rộng thành “sống hòa hợp với Tự nhiên”. Tuy nhiên, người Khắc kỷ nói chung đều hiểu eudaimonia và sự khôn đòi hỏi sự nhất quán trong cuộc sống, theo nghĩa các hành động được xây dựng xung quanh một mục tiêu hoặc mục đích thống nhất. Marcus đã nhiều lần nói rằng điều này đến từ việc hành động với sự khôn ngoan và đức tính công bằng, hướng mọi hành động tới sự phúc lợi chung của loài người, và không làm điều gì một cách ngẫu nhiên hoặc không suy xét. Sự nhất quán này là một phần quan trọng của Kỷ luật Hành động.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Theo Marcus Aurelius, Kỷ luật Hành động chỉ thị cho người Khắc kỷ không ngừng đảm bảo rằng mọi hành động và ý định cần có “mệnh đề dự phòng”, “vì sự thịnh vượng chung”, và “phù hợp với giá trị”.
• Ngay cả nhà Hiền triết cũng không hành động mà không liệu trước những cản trở hay thất bại, với “mệnh đề dự phòng” – “Ta sẽ làm điều này nếu không có gì cản trở”.
• Khi hành động bị ngăn trở hoặc các sự kiện chống lại chúng ta, người Khắc kỷ sẽ chấp nhận những điều ngoại tại là “không quan trọng”, theo Kỷ luật Khát khao.
Bước tiếp theo
Kỷ luật hành động đưa chúng ta vào chủ đề “tiên liệu” của người Khắc kỷ, hay là dự đoán về các hành động được lên kế hoạch và những kết quá có khả năng xảy ra của chúng. Epictetus nêu rõ rằng việc dự đoán được thất bại cho phép chúng ta thực hiện hành động “với một mệnh đề dự phòng”, theo đúng Kỷ luật Hành động, nhưng cũng cho chúng ta phạm vị rộng lớn hơn để thực hành Kỷ luật Khát khao và sự chấp nhận theo cách của người Khắc kỷ, thông qua hình ảnh tinh thần.