T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- “Lối sống của người Khắc kỷ không phải là vô cảm, và người Khắc kỷ nuôi dưỡng tình thương mến tự nhiên và tình bằng hữu như thế nào.
- Các nhà Khắc kỷ xác định cái đẹp thật sự vốn ngự trị trong tính cách của chúng ta chứ không phải ở hình thức bên ngoài.
- Cách mà các nhà Khắc kỷ chiêm nghiệm về nhà Hiền triết lý tưởng giả định và các đức hạnh của hình mẫu này để noi theo thái độ và đạo đức của họ.
Không trường học nào tốt đẹp và nhẹ nhàng hơn; không ai yêu thương loài người hơn, cũng chẳng có sự chú tâm nào hơn đến cái tốt thông thường. Mục tiêu đặt ra cho chúng ta là sống có ích, giúp đỡ người khác, không chỉ chăm lo cho bản thân mà còn lo cho mọi người nói chung và từng người nói riêng.
(Epictetus, Discourses, 4.13)
Nếu anh gặp một người không bao giờ sợ hãi hiểm nguy, không bao giờ bị tác động bởi những khát khao, người tìm thấy hạnh phúc trong gian khổ, bình thản trong bão tố, nhìn xuống nhân loại từ trên cao, ngang tầm các vị thần, lẽ nào anh không thấy dâng trào niềm tôn kính người ấy sao?
(Marcus Aurelius, Meditations, 4.23)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ đối với người khác
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Điều khiến một người thật sự đẹp đẽ là tính cách chứ không phải hình thức bên ngoài của họ.
2. Để thật sự yêu thương người nào đó, anh phải hoàn toàn chấp nhận một ngày nào đó anh có thể sẽ mất họ.
3. Việc chiêm nghiệm cách một người khôn ngoan hoàn hảo nói và làm khi đối diện các vấn đề khác nhau trong cuộc sống là rất quan trọng.
Chủ nghĩa Khắc kỷ và triết lý về tình yêu
Quan niệm phổ biến về các nhà Khắc kỷ cổ đại là họ khao khát có lý trí lạnh lùng, như một con robot, hay như nhân vật ngài Spock trong phim Star Trek (tạm dịch: Du hành giữa các vì sao). Tuy nhiên, nếu điều này hóa ra lại là một quan niệm sai lầm thì sao? Nếu việc chiến thắng các Cảm xúc phi lý và không lành mạnh thật ra bao hàm cả việc nuôi dưỡng các cảm xúc lý trí và lành mạnh thì sao?
Đạo đức học Khắc kỷ được dựa trên kinh nghiệm tự nhiên về “tình yêu thương gia đình” mà con người và các loài động vật khác dành cho con cái. Chúng ta thậm chí có thể tiếp cận vấn đề từ quan điểm ấy, rằng về phương diện nào đó, chủ nghĩa Khắc kỷ cung cấp một triết lý về tình yêu, tình thương mến tự nhiên và tình bằng hữu.
Như chúng ta đã thấy, từ “triết học” (philosophia) có nghĩa là “yêu mến trí tuệ”. Người Khắc kỷ diễn giải từ này theo nghĩa đen. Philia có thể được dịch là “tình yêu”, “tình thương” hay “tình bằng hữu” – cũng là nội dung chính của chương này. Khi con người trưởng thành, chúng ta sẽ tự nhiên phát triển lòng ham thích ngày càng lớn với bản chất lý trí của mình. Chúng ta tìm cách gìn giữ phẩm cách, chứ không chỉ giữa gìn cuộc sống, chúng ta nỗ lực phát triển cả về tinh thần và thể chất. Tự nhiên đã để quá trình này còn dở dang, và vì vậy mục tiêu cuộc sống là chủ động hoàn thành công việc của Tự nhiên, tiến tới trí tuệ và đức hạnh hoàn hảo của một bậc hiền nhân Khắc kỷ lý tưởng.
Người Khắc kỷ coi sự ưu tú và phát triển mạnh mẽ là cái thật sự đẹp và cái đáng để yêu. Trong tác phẩm Republic (Cộng hòa) của mình, Zeno đã nói rằng chỉ những người có được sự khôn ngoan và các đức hạnh khác mới được coi là những công dân thực thụ, là bạn bè, là họ hàng, và những người tự do đích thực; còn những kẻ thiếu sự khôn ngoan sẽ bị kết tội là “những kẻ đối nghịch, kẻ thù, nô lệ, người xa lạ của nhau, dù là bố mẹ với con cái, anh em với anh em, họ hàng với họ hàng cũng như vậy” (Laertius, Lives, 7.32-33). Tuy nhiên, những người Khắc kỷ đầy nhiệt huyết, dẫu có khiếm khuyết và có những ý tưởng điên rồ, rõ ràng là vẫn thiết tha yêu mến đức hạnh như cái tốt đẹp tối thượng trong đời. Hơn nữa, như Cicero có nói, khi chúng ta gặp gỡ những người đức hạnh khác, tình thương mến tự nhiên sẽ khởi sinh nhờ “ánh sáng chói ngời của sự tốt đẹp và ưu tú” trong phẩm cách của họ. Ngay cả khi không gặp mặt mà chỉ nghe những câu chuyện về họ, chúng ta cũng như được hút về phía sự khôn ngoan và tốt đẹp ấy, đồng thời nỗ lực tiến bộ về mặt đạo đức bằng cách noi gương họ.
Với các nhà Khắc kỷ, những người có đức hạnh hoàn hảo duy nhất là thần Zeus và nhà Hiền triết lý tưởng. Tuy nhiên, xét một cách nghiêm túc thì dù đa số mọi người không đạt được chính xác các tiêu chuẩn đức hạnh của người Khắc kỷ, nhưng họ vẫn có thể đạt được một phần những đức tính đó. Các nhà Khắc kỷ, đặc biệt là những người sống trong thời đế chế La Mã, rõ ràng vẫn tin rằng chúng ta có thể học hỏi bằng cách suy ngẫm về những tấm gương đức hạnh chưa hoàn hảo của những người bình thường, thậm chí của kẻ thù hay những triết gia thuộc các trường phái đối lập. Vì thế, lòng yêu mến tự nhiên rộng mở đến toàn thể loài người, kể cả những kẻ ngốc và những kẻ xấu xa, vì chúng ta sở hữu lý trí chung và mầm mống của đức hạnh. Cho nên, các nhà Khắc kỷ mong ước mọi người đều cùng phát triển, được khai sáng và sống hòa hợp, theo số mệnh.
Chẳng hạn, như ta đã thấy, Marcus Aurelius liên tục tự nhắc nhở mình phải “yêu nhân loại” và khen ngợi người trợ giáo Khắc kỷ của mình là Sextus xứ Chaeronea vì đã “thoát khỏi Cảm xúc cuồng nhiệt mà vẫn tràn đầy tình yêu”, hay “lòng thương mến tự nhiên” dành cho người khác (Meditations, 1.9).
Theo lời Epictetus nói với học trò của mình, quan điểm sai lầm phổ biến cho rằng các nhà Khắc kỷ là những người vô cảm, có trái tim sắt đá, đã bị xói mòn bởi “Kỷ luật hành Động”, và đặc biệt là cách người Khắc kỷ gắn kết với các mối quan hệ gia đình và xã hội. Trường phái triết học Epicurus đối lập (với chủ nghĩa Khắc kỷ) phủ nhận tình bằng hữu thực chất giữa con người, tìm kiếm sự thanh thản và sự giải thoát khỏi những đau đớn cảm xúc (ataraxia) bằng cách né tránh các trách nhiệm xã hội và tự thu mình vào trong vòng quan hệ bạn bè gần gũi.
Ngược lại, người Khắc kỷ tin rằng chúng ta, về bản chất, là những sinh vật có tính xã hội, có tình thương mến tự nhiên và có mối quan hệ thân thuộc với tất cả mọi người. Điều này tạo nên cơ sở cho lòng nhân ái Khắc kỷ, tình yêu lý trí với anh em bằng hữu trong vũ trụ. Một người tốt “thể hiện tình yêu thương với đồng loại, cũng như sự hào hiệp, công bằng, tử tế và quan tâm với những người xung quanh”, và đối với hạnh phúc ở nơi anh ta sống (Musonius, Lectures, 14).
Tất nhiên những người khác là “ngoại tại” với chúng ta, vì vậy đức hạnh của họ không phải là điều tốt đẹp của ta, nó không tùy thuộc vào ta, và không đóng góp trực tiếp vào eudaimonia của ta – rốt cuộc, đó là việc của họ, chứ đâu phải của ta. Tuy nhiên, giữa những điều ngoại tại được xếp vào loại không quan trọng, thì đức hạnh của người khác rõ ràng là một trường hợp đặc biệt. Đặc trưng của người Khắc kỷ là sẵn sàng gọi người khác là “tốt đẹp”, dù với một ý nghĩa khác với “cái tốt” hay “hữu ích” cho bản thân, và họ nói về những tấm gương người tốt một cách không mệt mỏi.
Một cách tự nhiên, sự tốt đẹp ở người khác gợi lên trong ta tình cảm thương mến và tình bằng hữu, không phải vì nó mang lại cho ta ích lợi vật chất, mà vì nó là tấm gương phản chiếu tiềm năng trở thành người đức hạnh của chính ta. Đó là yêu thương vị yêu thương. Chẳng hạn, vị chính khách người La Mã Laelius Thông thái, nổi tiếng vì tình bạn mẫu mực của ông với Scipio Africanus Trẻ, người đã nghiên cứu chủ nghĩa Khắc kỷ dưới sự hướng dẫn của học giả Diogenes xứ Babylon và Panaetius. Trong một tác phẩm đối thoại có nhan đề On Friendship, Cicero đã vẽ lên chân dung của Laelius bằng mô tả “không gì khác trên toàn bộ thế giới này hoàn toàn hòa hợp với Tự nhiên” bằng tình bằng hữu, sự đồng thuận sâu sắc trong cảm xúc và giá trị của hai người được ủng hộ bằng thiện ý và lòng thương mến nhau.
Laelius nói: bên cạnh việc đạt được trí tuệ và đức hạnh, có được những người bạn tốt và khôn ngoan là điều quý giá nhất trên đời, có giá trị to lớn nhất trong số tất cả những thứ ngoại tại. Tương tự, Seneca viết rằng ngay cả nhà Hiền triết Khắc kỷ cũng “muốn có một người bạn, một người hàng xóm, một người ở chung nhà”, cho dù nếu không có họ, anh ta vẫn hài lòng và đủ đầy (Letters, 9). Anh ta có thể không có bạn, nhưng anh ta vẫn muốn có bạn hơn. Thật vậy, nhà Hiền triết muốn có càng nhiều bạn càng tốt do bản chất của anh ta là yêu thương nhân loại, dù anh ta không cần tới họ để có được Hạnh phúc.
Là những sinh vật xã hội, chính trong những mối quan hệ, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhất. Thực vậy, người Khắc kỷ lập luận rằng, là một sinh vật có lý trí, lợi ích của chính chúng ta tình cờ lại trùng với hạnh phúc của người khác. Chúng ta phát triển thịnh vượng với tư cách cá nhân thông qua việc đạt được những đức hạnh khôn ngoan và công bằng, nhưng điều này lại giúp chúng ta hòa hợp hơn với toàn thể nhân loại. Theo lẽ tự nhiên, động vật sẽ đấu tranh với nhau để giành giật những thứ ngoại tại như thức ăn, nhất là khi khan hiếm. Trái lại, không ai có thể đi lấy đi trí tuệ và đức hạnh của chúng ta, và những thứ này cũng không giảm bớt khi ta san sẻ cho người khác. Các nhà Khắc kỷ thờ ơ với những thứ mà đa số mọi người tranh giành lẫn nhau, vậy nên anh ta có thể thương yêu cả những người ngốc nghếch và kẻ xấu xa.
Do vậy, lòng nhân ái Khắc kỷ không phải chỉ là thứ gì hời hợt bên ngoài, mà chúng ta nên yêu thương nhân loại từ đáy lòng, lấy việc làm điều thiện cho người khác làm vui, coi đức hạnh là phần thưởng tự thân. Chúng ta mang lại lợi ích cho người khác nhiều nhất khi giúp họ sống hòa hợp, không xung đột, đưa xã hội của chúng ta tiến gần hơn một bước tới giấc mơ của Zeno về một nhà nước Cộng hòa Khắc kỷ lý tưởng, một cộng đồng hoàn hảo của những người bằng hữu đã được khai sáng. Việc xếp đức hạnh là điều tốt đẹp chính yếu còn cho phép người Khắc kỷ cầu chúc những điều tốt đẹp thậm chí cho kẻ thù, vì nếu họ khôn ngoan thì họ sẽ không còn là kẻ thù nữa. Thật vậy, mặc dù lẽ tự nhiên thì tình thương mến chỉ nên dành cho những cái đẹp và đức hạnh, nhưng người Khắc kỷ còn cởi mở với những người thiếu khôn ngoan, thậm chí những người cư xử như kẻ thù, vì tất cả chúng ta đều có năng lực lý trí, và do đó đều có hạt mầm của đức hạnh.
Đặc ân của con người là yêu thương cả những người lầm lỡ. Tình yêu thương này sẽ tới khi ngay khi anh nhận ra họ cũng giống với anh, họ chỉ làm những việc sai trái một cách vô thức và ngu ngốc, và rằng chẳng bao lâu nữa cả anh và họ đều sẽ chết. Trên hết, người này không làm hại gì đến anh, họ cũng không làm “năng lực kiểm soát” của anh kém hơn trước.
(Meditations, 7.22)
Theo một nghĩa nào đó, các nhà Khắc kỷ xem những kẻ ngu ngốc và xấu xa như những đứa trẻ ngỗ nghịch. Họ không thật sự hiểu mình đang làm gì, vì vậy không nên giận họ.
Có Tình yêu thương Tự nhiên để mà làm gì? Phải chăng nghĩa là không chỉ đối với những người thân thuộc mà còn đối với nhân loại, là một philanthrôpos [người có lòng bác ái, yêu thương nhân loại] thực thụ, không nhạo báng họ, không ghét bỏ họ, không khó chịu với họ, không ghê tởm họ, không khinh thường họ; thương xót họ trong chừng mực nào đó, yêu thương những người ti tiện nhất, nhất là những người giận dữ với anh, và trong lúc họ giận dữ nhất?
(Shaftesbury, 2005, tr.1)
Shaftesbury so sánh lòng bác ái Khắc kỷ với thái độ yêu thương của người mẹ hay một người y tá đối với đứa trẻ ốm yếu mà bà chăm sóc. Thật vậy, đối với các nhà Khắc kỷ cổ đại, “tình yêu thương tự nhiên” (philostorgia) của cha mẹ với con cái có tầm quan trọng sâu sắc. Chẳng hạn, Musonius nói nhờ tìm hiểu chủ nghĩa Khắc kỷ, thay vì trở nên vô cảm, người mẹ sẽ có được tình yêu sâu sắc và triết học hơn với các con: “Còn ai trên đời có thể yêu thương con hơn người mẹ?” (Lectures, 3)
Theo một nghĩa nào đó, trở thành nhà Khắc kỷ là cần phải học ý nghĩa của tình cảm yêu thương tự nhiên dành cho bạn bè, gia đình, phù hợp với sự khôn ngoan và đức hạnh. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các nhà Khắc kỷ cũng mở rộng nó thành thái độ lan tỏa hơn, gọi là “lòng bác ái” hay tình yêu thương nhân loại. Quan niệm này, rằng chủ nghĩa Khắc kỷ rao giảng về một ý nghĩa rộng mở, sâu sắc hơn của tình yêu thương và tình cảm của cha mẹ, chẳng phải mâu thuẫn rõ ràng với quan niệm sai lầm phổ biến rằng người Khắc kỷ là những con robot vô cảm sao?
Tư tưởng chính: “Tình yêu thương tự nhiên”, “quan hệ thân thuộc” hay “sự chiếm hữu”
Trong chủ nghĩa Khắc kỷ, tình yêu và tình bằng hữu là những khái niệm quan trọng, đặc biệt là kiểu tình cảm có tên philostorgia, tình cảm như giữa các thành viên thân thiết trong gia đình. Từ này đôi khi được dịch là “tình yêu thương tự nhiên” hay “tình yêu thương gia đình”. Người Khắc kỷ noi gương thần Zeus, cha của loài người, đấng có sự khôn ngoan và công bằng tuyệt đối, có tình yêu thương tự nhiên với chúng ta, con cái của người; với họ, người là vị thần của tình bằng hữu, thần hộ mệnh của gia đình. Khi mối quan hệ ruột thịt của họ với một lý trí hoàn hảo lớn dần, tình yêu thương tự nhiên của các triết gia từ đó mở rộng ra thành tình bác ái hay tình yêu nhân loại. Oikeiôsis là một thuật ngữ chuyên môn liên quan của người Khắc kỷ không dễ dịch ra tiếng khác. Nghĩa đen của nó là đưa ai đó hoặc điều gì đó về nhà, vì vậy có thể dịch là sự chiếm hữu, nghĩa là có quyền sở hữu đối với cái gì đó. Tuy nhiên, nó cũng được dịch là “quan hệ ruột thịt”, nghĩa là mối quan hệ ràng buộc tình cảm mà chúng ta phải có với con cái và họ hàng ruột thịt. Do vậy, người ta có thể nghĩ về nó như một quá trình gắn bó tự nhiên về mặt tâm lý với những người chúng ta yêu quý.
Chúng ta sinh ra đã có quan hệ thân thuộc theo bản năng đối với ruột thịt của chính mình, với con cái, nếu chúng ta sinh con. Tuy nhiên, khi có lý trí, chúng ta trở thành người có khả năng yêu thương hay gắn bó nhiều hơn, cả với năng lực lý trí của chính chúng ta và với toàn thể nhân loại. Nhưng đa số mọi người lại chán ghét hoặc xung đột với bản chất thực của mình và với loài người. Người Khắc kỷ khao khát phát triển một cảm giác thân thiết như ruột thịt với toàn bộ nhân loại bởi chúng ta sở hữu lý trí và hạt giống đức hạnh. Do vậy, Chrysippus viết rằng người tốt và khôn ngoan, tức người sống hòa hợp tuyệt đối với lý trí và Tự nhiên, thì không xa lạ với bất cứ điều gì, trong khi đó kẻ ngốc nghếch và tồi bại về đạo đức thì chẳng có tình cảm thương mến với ai cả.
Ý thức về quan hệ thân thuộc và lòng yêu mến tự nhiên này càng rộng mở cho cả nhân loại và toàn thể Tự nhiên thì nó càng trở nên lý trí và lành mạnh. Do vậy, nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng sống hòa hợp và gắn bó với bản chất đích thực của mình, với toàn cõi nhân loại, và với toàn thể Tự nhiên. Thật vậy, Marcus Aurelius đã lặp lại nhiều lần rằng mục đích của đời người là tình bằng hữu, và chúng ta nên chứng tỏ lòng yêu thương tự nhiên chân thật với những người chúng ta gặp trong đời, thậm chí với cả những người đối đầu với chúng ta.
Điển cứu: Những ngày cuối cùng của Socrates
Hình mẫu quan trọng nhất của phái Khắc kỷ về một nhà Hiền triết chắc chắn là Socrates. Xenophon, người đã truyền cảm hứng cho Zeno theo đuổi triết học, gọi Socrates là “tấm gương hoàn hảo về lòng tốt và hạnh phúc” (Memorabilia, 4.8). Cuộc hành quyết của ông sẽ được nói tới trong chương suy ngẫm về cái chết, nhưng ở đây ta sẽ xem xét thêm về tư cách đạo đức của ông trước phiên tòa. Năm 399 trước Công nguyên, lúc đó Socrates khoảng 70 tuổi, bị đưa ra xét xử tại tòa án Athens vì hai tội danh: làm suy đồi đạo đức của thanh niên và truyền bá sự bất kính, có lẽ là thuyết vô thần – những tội danh mà ông phủ nhận.
Những lời buộc tội này, những cáo buộc mà đối với bạn bè của Socrates là hoàn toàn lố bịch, có thể chỉ là cái cớ bề ngoài. Nói thẳng ra, ông đơn giản là đã đặt quá nhiều câu hỏi, gây đảo lộn và khiến giới giàu có, nhiều quyền lực cảm thấy khó chịu. Bồi thẩm đoàn đã kết tội Socrates rõ ràng chỉ là một nhóm nhỏ. Luật pháp Athens cho phép người bị luận tội và bên khởi tố đưa ra hình phạt lựa chọn, sau đó bồi thẩm đoàn sẽ chọn phương án ở giữa. Socrates, sau khi đùa rằng ông nên bị phạt bằng những bữa ăn miễn phí, đã đề nghị trả ba mươi đồng bạc, một số tiền rất lớn. Phần lớn số bạc này do bạn bè và người ủng hộ của ông quyên góp, vì bản thân ông không giàu có và ông dạy triết học miễn phí.
Điều gây ấn tượng đối với người Khắc kỷ là Socrates đã nêu gương như một người đương đầu với số phận bằng sự điềm tĩnh tuyệt vời và sự trung thành kiên định với các nguyên tắc của mình. Lời bào chữa của ông trước tòa, như được ghi chép trong văn bản Apology (tạm dịch: Lời tự biện) của Plato, vô cùng hùng hồn. Thay vì tự bào chữa hòng cứu lấy mạng sống của mình, ông đã dùng cơ hội này để bảo vệ cho lối sống triết học. Ông phát biểu tùy thích và thuyết giảng cho bồi thẩm đoàn về sự khôn ngoan và đức hạnh, chứ không hề kể lể còn vợ con và cầu xin sự thương xót, như hầu hết những người khác sẽ làm. Có lẽ giận dữ vì điều này, toàn bộ bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu đồng ý án tử hình theo đề nghị của của bên nguyên, và tuyên bố ông phải thi hành án tử hình bằng cách tự uống thuốc độc chiết từ cây độc cần. Người ta hẳn đã nghĩ rằng ông sẽ trốn đi sống lưu vong, thế nhưng ông vẫn ở lại và uống chén thuốc độc ấy mặc cho các môn đồ hết lòng can ngăn. Ông lập tức trở thành tấm gương tử vì đạo cho triết học, cái chết của ông đã gây nên những làn sóng chấn động khắp thế giới cổ đại. Socrates đã trở thành một tấm gương bất diệt về lòng yêu chuộng trí tuệ vượt trên của cải, danh vọng, thậm chí hơn cả mạng sống. Chính tấm gương ấy đã đảm bảo tương lai của nền triết học lý tính trong xã hội phương Tây suốt hàng ngàn năm sau đó.
Ghi nhớ: Chủ nghĩa Khắc kỷ là triết học về tình yêu và lòng vị tha
Nếu chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại có vẻ khắc nghiệt và lạnh lùng, thì chúng ta cũng nên ghi nhớ vai trò trung tâm của “tình yêu” trong hệ thống triết học này. Đặc biệt, tình yêu và tình thương mến con người tự nhiên hướng về con cái và gia đình (philostorgia) là nền tảng cho thái độ bác ái đối với nhân loại mà các nhà Khắc kỷ khát khao nuôi dưỡng.
Thậm chí chúng ta cũng có thể tiếp cận chủ nghĩa Khắc kỷ từ quan điểm này, và hiểu rằng về căn bản nó là triết học về tình yêu, là một nỗ lực để hiểu cái cách mà tình yêu bản thân và tình cảm yêu thương gia đình được lý trí biến đổi thành tình yêu của người Khắc kỷ đối với tri thức và loài người: thông qua triết học và lòng bác ái. Các nhà Khắc kỷ cho rằng ý định giúp đỡ người khác của chúng ta, cho dù liên quan những điều ngoại tại hay về đức hạnh, rốt cuộc cũng sẽ mang lại ích lợi cho chúng ta vì nó tạo nên một dạng đức hạnh và phát triển. Theo nghĩa này, giữa sự tư lợi và lòng vị tha không có gì khác biệt. Những gì lành mạnh và có lợi cho chúng ta đồng nghĩa với những gì đáng kính trọng và đáng ca ngợi, bao gồm công lý, lòng nhân từ và tình thương yêu tự nhiên dành cho nhau.
Lòng bác ái Khắc kỷ và tình cảm thân thuộc dành cho người khác
Epictetus nói “khi một đứa trẻ ra đời, ta không còn khả năng quyết định việc có không yêu thương và không quan tâm tới nó nữa”; chẳng hạn, việc cha mẹ chăm sóc đứa con bị đau là bản năng tự nhiên (Discourses, 1.11; 1.23). Tình cảm thương yêu tự nhiên đối với những người thân thuộc chẳng những không bị chủ nghĩa Khắc kỷ loại bỏ mà được mở rộng và biến đổi theo trí tuệ và đức hạnh. Như Seneca nói, các nhà Khắc kỷ coi loài người là một phần của Tự nhiên, là anh em thân thiết với nhau và với Thượng đế, như thể là các thành viên của một gia đình, cùng chung tình thân, hình thành nên cơ sở cho tình yêu thương và bằng hữu với nhau.
Tương tự, Marcus Aurelius nói nếu coi bản thân là những bộ phận tách rời của loài người, không phải là tay chân của một cơ thể, thì chúng ta không thể hết lòng yêu thương người khác, cũng như không thể vui mừng trong hạnh phúc của nhân loại như một điều tốt đẹp tự thân. Vì chúng ta cùng có lý trí và tiềm năng đạt được đức hạnh, nên tình yêu thương tự nhiên dành cho mọi người khác được coi như tình anh em (philadelphia, giống như tên một thành phố), hay tình yêu nhân loại (philanthrôpia). Theo Hadot, Kỷ luật Hành động của người Khắc kỷ, đặc biệt trong các bài viết của Marcus Aurelius, phát triển lên đỉnh điểm thành tình yêu đối với loài người và một cảm giác gần như thần bí về tinh thần hòa hợp với người khác.
Vậy thì, không thể nói “yêu người khác như yêu bản thân mình” là một phát minh của người Cơ đốc giáo. Đúng hơn là, có thể nhấn mạnh rằng tình yêu của người Khắc kỷ giống như tình yêu của người Cơ đốc giáo. […] Thậm chí tình yêu dành cho kẻ thù cũng không hề vắng bóng trong chủ nghĩa Khắc kỷ.
(Hadot, 1998, tr. 231)
Tư tưởng của người Khắc kỷ về tình yêu cũng có thể so sánh với khái niệm karuņā hay lòng từ bi đối với các sinh vật có tri giác trong Phật giáo, mặc dù cũng giống như Cơ Đốc giáo, chủ nghĩa Khắc kỷ chủ yếu quan tâm tới các sinh vật có lý trí khác, một tình yêu dành cho toàn thể nhân loại.
Dẫu vậy, lòng thương yêu nguyên thủy dành cho người khác chỉ trở nên tốt đẹp khi nó liên quan tới sự khôn ngoan và đức hạnh. Khi tình yêu gắn với sự xấu xa và nhận thức sai lệch rằng những vui thú thể xác và lợi ích bên ngoài là “tốt”, về bản chất thì tình yêu sẽ hạ cấp xuống thành sự tham muốn hay thèm khát (epithumia) thú tính, một trong những cảm xúc phi lý, không phù hợp với Hạnh phúc và sự viên mãn tối thượng.
Các nhà Khắc kỷ nói rằng người khôn ngoan sẽ trải nghiệm tình yêu, và họ định nghĩa bản thân tình yêu là nỗ lực tạo ra tình bằng hữu từ vẻ cái đẹp bề ngoài. Tình yêu nào trên đời mà không có bất an, không có mong chờ, không có lo lắng, không có thở dài, nên cứ mặc thế thôi! Vì tình yêu thoát khỏi mọi ràng buộc của ham muốn.
(Tusculan Disputations, 4.72).
Tình yêu bao hàm sự mong ước chân thành rằng người khác được phát triển tự nhiên, như trái chín, và đạt được Hạnh phúc phù hợp với đức hạnh. Có lẽ điều này là động cơ để Zeno và các môn đồ của ông đi thuyết giảng và viết rất nhiều sách về triết học vì lợi ích của người khác. Tuy nhiên, quá trình người khác tiến đến đức hạnh là một sự kiện ngoại tại, ngoài tầm kiểm soát của ta, điều mà người Khắc kỷ coi là “mệnh đề dự phòng”. Ví dụ: “Tôi ước anh phát triển và có được hạnh phúc,tùy theo số phận”.
Chúng ta giúp người khác như thế nào? Zeno dạy họ về đức hạnh, điều được coi là mang lại lợi ích lớn nhất, mặc dù người Khắc kỷ nhận thấy không phải ai cũng dễ lĩnh hội. Ví dụ, nhân vật Cato của Cicero giải thích rằng một khi nắm bắt được mối quan hệ ruột thịt tất yếu có với phần còn lại của nhân loại, chúng ta sẽ được thôi thúc bởi mong ước có lý trí là giúp ích cho càng nhiều người càng tốt, nhất là giáo dục cho họ về trí tuệ thực tiễn, về những tốt xấu trong cuộc sống.
Tuy nhiên, theo người Khắc kỷ, sống để nêu gương, như Zeno, và hoàn thiện mình để giúp người khác bằng tấm gương mẫu mực ấy còn quan trọng hơn thuyết giảng cho họ. Dẫu vậy, các nhà Khắc kỷ cũng thừa nhận rằng khi cư xử với đa số mọi người, đôi khi chúng ta phải nói hoặc làm như thể chúng ta đồng tình với những giá trị quy ước, coi những thứ không quan trọng là tốt hay xấu từ bản chất. Theo Epictetus, khi thấy ai đó khóc lóc đau khổ, chúng ta nên thể hiện sự đồng cảm ra mặt, còn nội tâm vẫn phải cảnh giác với những phán xét giá trị sai lệch của họ (Encheiridion, 16). Với cùng một “tai họa”, một nhà Hiền triết có thể nhìn nhận nó với một sự thờ ơ hết mức. Do vậy, việc bản thân và người khác “ưu tiên” một số điều ngoại tại hay những thứ thuộc về xác phàm này đôi khi cũng hợp lý, miễn là chúng ta không lẫn lộn chúng với Hạnh phúc.
Đức tính chủ yếu liên quan tới phạm vi xã hội, với các mối quan hệ của chúng ta, là đức tính công bằng (dikaiosunê). Người Khắc kỷ dùng từ này để bao hàm việc đối xử công bằng và hành động nhân từ với người khác, ước mong cho họ cũng phát triển phù hợp với đức hạnh, tùy theo số phận. Vậy nên Seneca nói rằng sống với lẽ công bằng đòi hỏi người Khắc kỷ “yêu quý bạn như bản thân mình, nghĩ rằng một kẻ thù cũng có thể trở thành bạn, khơi gợi tình yêu từ những người bạn và kiềm chế lòng căm hận của kẻ thù” (Letters, 95). Khi hành động một cách khôn ngoan và công bằng với người khác, thật sự tin tưởng vào điều mình đang làm, thì tự nhiên chúng ta sẽ cảm thấy có thiện chí với họ.
Tuy nhiên, các cảm xúc lành mạnh đòi hỏi sự kiên định. Điều này chỉ khả dĩ nếu thái độ căn bản của chúng ta về lòng nhân từ theo một ý nghĩa nào đó là vô điều kiện và không hề bị lay chuyển chỉ vì người khác thay đổi hành vi của họ, thậm chí cả khi họ hành động xấu xa hay cư xử như kẻ thù. Điều quan trọng là, mặc dù việc yêu thương người khác nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng có được yêu thương lại hay không thì ta lại không quyết định được. Điều này có nghĩa là người Khắc kỷ sẽ yêu thương người khác dù có được yêu thương lại hay không.
Nào, hãy xem anh có thể yêu thương bất vụ lợi được không.
“Cám ơn người anh em (anh, chị, em, bạn), vì đã cho ta một phần hào phóng như vậy để ta có thể yêu thương dẫu không được yêu thương.”
(Shaftesbury, 2005, tr.108).
Do vậy, Epictetus nói con người có thể thật sự là bạn bè và yêu thương nhau nếu họ đặt sự tư lợi của mình chủ yếu vào sự tốt đẹp của phẩm cách và ý chí của chính mình, bằng cách trau dồi trí tuệ, sự công bằng và các đức hạnh khác. Tuy nhiên, đầu tiên và trên hết, khi chúng ta mong muốn bản thân trở nên chính nghĩa, công bằng và nhân hậu trong mọi mối quan hệ, thì chúng ta cũng phải thật lòng mong muốn người khác cũng phát triển như vậy.
Tư tưởng chính: Tình bằng hữu và cái đẹp trong chủ nghĩa Khắc kỷ
Nền cộng hòa Khắc kỷ lý tưởng của Zeno gồm những nhà Hiền triết sống với nhau trong tình bằng hữu và hòa hợp. Những từ được sử dụng cho “tình bằng hữu” cũng có nghĩa là “tình yêu” hay “tình thương” giữa những người bạn và tình bạn thân thiết thậm chí có vẻ là mục đích của tình yêu nhục dục trong thuyết Khắc kỷ. Zeno cũng nói chỉ có những hiền nhân hoàn hảo mới có năng lực cho tình bạn đích thực và những người không phải hiền nhân nhất định sẽ trở thành kẻ thù. Tuy nhiên, không rõ ông có nói điều này với nghĩa đen hay không, vì người Khắc kỷ vốn coi tình bằng hữu, dù theo một kiểu không hoàn hảo, là điều cần nắm giữ và đáng để vun đắp. Cả Zeno lẫn những người kế tục đều không cho mình là nhà Hiền triết, nhưng rõ ràng họ không nghĩ bản thân mình là kẻ thù của học trò! Dù sao, các nhà Khắc kỷ chắc chắn tin rằng việc noi gương nhà Hiền triết lý tưởng, người thể hiện tình yêu và tình bằng hữu với người khác, là rất quan trọng.
Đa số mọi người mưu cầu tình bạn vì lợi ích có qua có lại, liên quan tới những thứ không quan trọng như của cải, danh vọng, nhưng đó không phải là tình bạn đích thực của người khôn ngoan. Có bạn bè quanh mình là “một điều không quan trọng được ưa thích”, đương nhiên nó có giá trị, nhưng nó ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của chúng ta. Dù sao thì tình bạn theo nghĩa đích thực nhất chính là bản thân bạn phải là một người bạn đối với người khác, vì họ xứng đáng có được tình bạn của bạn chứ không phải vì những lợi ích bên ngoài. Thực tế, Seneca từng nói rằng dù không có bạn bè thì nhà Hiền triết vẫn hài lòng và đầy đủ, nhưng anh ta muốn có bạn chủ yếu để rèn luyện các đức hạnh trong mối quan hệ bằng hữu. Tuy vậy, như nhân vật Laelius của Cicero mô tả, có những người bạn đền đáp lại tình cảm của mình chỉ là việc thứ yếu trong mục tiêu trở nên tốt đẹp và khôn ngoan, điều này cho thấy ông coi tình bạn là điều quan trọng nhất trong số những thứ không quan trọng được ưa chuộng. Do vậy, người Khắc kỷ tìm cách có được cho mình những người bạn (và cũng là người cố vấn) tốt đẹp và khôn ngoan, có thể với sự dự báo của số phận.
Theo các nhà Khắc kỷ thời kỳ đầu, “điều tốt” (agathos) cũng là kalos, có nghĩa là đẹp đẽ hay đáng kính trong tiếng Hy Lạp. Với người Khắc kỷ, những từ này thật sự đồng nghĩa vì chúng coi bản chất vẻ đẹp con người là đức hạnh chứ không phải hình thức bên ngoài. Tương tự, Xenophon nói rằng Socrates thường nói đùa về tình yêu thương có qua có lại giữa ông với những người bạn thân thiết, nhưng “bất kỳ ai cũng nhận thấy điều thu hút ông không phải là vẻ đẹp bề ngoài mà là trí óc và phẩm cách xuất sắc” (Memorabilia, 4.1).
Chúng ta coi mỗi thứ là “đẹp” theo cách phù hợp với bản chất của nó: cái làm cho một con ngựa đẹp khác với cái làm cho một chiếc vòng cổ đẹp. Khi con người tỏa sáng từ bản chất trong cốt cách của họ, với tư cách một sinh vật có lý trí, chúng ta làm cho mình trở nên đẹp đẽ theo ý nghĩa đích thực, trái lại, những điều điên rồ và xấu xa lại làm cho tính cách của chúng ta trở nên “xấu xí”. Vì vậy, Epictetus nói chúng ta nên nỗ lực “làm đẹp cho bản chất thật sự của mình – là lý trí, năng lực phán xét của nó và các hoạt động của nó” (Discourses, 4.11).
Thực hành: Vòng tròn Hierocles
Triết gia Khắc kỷ Hierocles, người cùng thời với Marcus Aurelius, đã mô tả các bài thực hành tâm lý để mở rộng oikeiôsis, ý thức của chúng ta về tình cảm ruột thịt dành cho người khác. Ông nói rằng các mối quan hệ của chúng ta có thể được trình bày như một loạt các vòng tròn đồng tâm, tỏa ra từ bản thân chúng ta và họ hàng thân thích (xem hình bên dưới). Các nhà Khắc kỷ sẽ “vẽ các vòng tròn hướng tâm”, chủ động giảm bớt khoảng cách tâm lý trong các mối quan hệ của họ. Ông còn gợi ý các kỹ thuật dùng lời nói, ví dụ gọi người quen là “bạn”, hoặc gọi bạn thân là “anh em”. Hierocles khuyên chúng ta nên đối xử với anh chị em như thể họ là các bộ phận cơ thể mình, như tay với chân. Zeno nói rằng một người bạn là một “bản thân khác” của mình, có lẽ là để khuyến khích chúng ta đưa người khác vào sâu hơn trong vòng tròn tình thân và lòng thương mến tự nhiên. Vì thế, các nhận xét của Hierocles về oikeiôsis có thể được chuyển thành các bài tập suy tưởng:
1. Hãy nhắm mắt và dành vài phút thư giãn rồi tập trung chú ý vào trí tưởng tượng của bạn.
2. Hãy vẽ một vòng tròn ánh sáng bao quanh cơ thể bạn. Dành một chút thời gian tưởng tượng rằng vòng ánh sáng này tượng trưng cho tình cảm ngày càng tăng với bản thân, với tư cách là một sinh vật có lý trí, có năng lực trí tuệ và đức hạnh, tức điều tốt đẹp chính yếu trong đời.
Các vòng tròn được đơn giản hóa của Hierocles
3. Bây giờ hãy tưởng tượng rằng vòng tròn đang mở rộng để bao lấy các thành viên gia đình bạn, hoặc những người rất thân thiết với bạn, những người mà hiện giờ bạn đang phóng chiếu tình thương mến tự nhiên về phía họ, như thể họ là các bộ phận cơ thể bạn.
4. Tiếp theo, hãy tưởng tượng vòng tròn mở rộng để chứa cả những người bạn tiếp xúc trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn đồng nghiệp, và phóng chiếu tình thương mến tự nhiên tới họ, như thể họ là thành viên gia đình bạn.
5. Một lần nữa, hãy mở rộng vòng tròn để thu hết mọi người ở đất nước bạn. Hãy tưởng tượng tình thương mến của bạn lan tới họ, trong chừng mực họ là những sinh vật lý trí như bạn và có khả năng có đức hạnh.
6. Hãy tưởng tượng vòng tròn giờ đây to đến mức bao trùm cả thế giới và toàn thể nhân loại trong một khối thống nhất, để cho cảm xúc và tình thương mến tự nhiên của bạn lan ra tới từng người, phát triển tình cảm thân thiết với họ, miễn là họ có lý trí và nhờ vậy có khả năng tiến tới sự khôn ngoan.
Hãy cố gắng có thái độ như vậy trong các hoạt động thường nhật. Seneca lập luận rằng việc mở rộng tình thương thành một thái độ bác ái bao trùm cả nhân loại dạy cho chúng ta yêu thương có tính triết học hơn mà không quá gắn bó với một cá nhân cụ thể nào. Ông nói thêm rằng: “Người nào không có khả năng yêu hơn một người thì thậm chí cũng không yêu người duy nhất đó cho lắm” (Letters, 63). Nhà Hiền triết không mê đắm một ai. Anh ta yêu mọi người trong khả năng mình, dù vẫn chấp nhận rằng họ có thể thay đổi và rằng một ngày nào đó họ sẽ chết.
Người Khắc kỷ yêu thế nào?
Epictetus thẳng thừng hỏi học trò rằng: “Vậy thì, ta sẽ yêu thương và thương mến như thế nào?” (Discouses, 3.24). Câu trả lời của ông là chúng ta nên yêu mến theo cách nhất quán với các quy tắc nền tảng và các học thuyết của triết học Khắc kỷ.
Người Khắc kỷ yêu thương người khác theo cách rất tự do và sẵn sàng cho đi. Tình yêu thương của anh ta hoàn toàn không có điều kiện là phải nhận được hồi đáp từ người mình yêu. Người Khắc kỷ tổn hại sự toàn vẹn đạo đức hay sự thanh thản tinh thần của bản thân mình trong tình yêu với người khác. Tình yêu của anh ta cũng không bị suy giảm khi nhận biết về khả năng người anh ta yêu thương rồi sẽ chết. Thay vì vậy, tình yêu và lòng thương mến tự nhiên của người Khắc kỷ được tôi luyện bằng lý trí. Tình yêu và lòng thương mến của anh ta chỉ bồi đắp thêm tính nhân văn của anh ta, chứ chẳng bao giờ hành hạ tinh thần anh ta.
(Stephens, 1996).
Đầu tiên và trên hết, chúng ta nên nhắc nhở bản thân rằng có những điều nằm trong tầm kiểm soát của ta, nhưng cũng có những điều không như vậy, và chỉ những gì phụ thuộc vào sự kiểm soát ta mới có thể thật sự tốt đẹp và là một phần của eudaimonia. Một trong những chìa khóa để nắm bắt được điều này là yêu thương một người “như một con người hữu tử”, một người có thể rời bỏ ta bất kỳ lúc nào. Chúng ta cũng nhìn vào tấm gương của những người tốt đẹp và khôn ngoan, như Socrates, người đã yêu thương gia đình có tiếng là rắc rối của mình.
Theo Epictetus, người khôn ngoan nhớ rằng gia đình họ cũng chỉ đơn thuần là một phần của toàn thể Tự nhiên (tức là Zeus) mà họ yêu hơn hết thảy. Do vậy, nhà Hiền triết Khắc kỷ yêu thương người khác trong sự hòa hợp với “Kỷ luật Khát khao”, chấp nhận rằng đến cuối cùng mối quan hệ cũng sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta, và thay đổi hay mất mát là vấn đề số phận. Tình yêu vì thế chuyển từ một Cảm xúc phi lý, một dạng thèm khát có đặc tính là sự gắn bó hoặc lệ thuộc thái quá, trở thành kiểu tình thương mến mang tính triết học hay ít lệ thuộc hơn. Điều này đưa ta tới sự hòa hợp với Tự nhiên bằng cách đặt các mối quan hệ của chúng ta với người khác trong một bối cảnh rộng hơn, chính là quan hệ của ta với toàn thể sự sống.
Ngược lại, khi yêu mà không có sự khôn ngoan, chúng ta sẽ trở nên gắn bó thái quá vào những vật thể hoặc cá thể, quên đi rằng những thứ ngoại tại ấy nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Điều này khiến chúng ta quay lại với những khao khát phi lý, và bị chao đảo giữa yêu và ghét, tùy thuộc vào hoàn cảnh ngoại tại: “Nói tóm lại, anh đau buồn, sợ hãi, ghen tức và bối rối, thì anh đã thay đổi” (Discourses, 2.22). Thực tế Epictetus đã nói rằng mọi sự thù hằn giữa người với người được quy về một phát xét kiểu này, họ “tự xếp bản thân và những gì thuộc về họ vào phạm trù những thứ nằm ngoài phạm vi ý muốn” (Discourses, 2.22). Khi thấy những con chó vẫy đuôi mừng rỡ với nhau, có thể chúng ta cho rằng chúng yêu mến nhau như bạn bè. Nhưng nếu ném ra một miếng thịt, chắc chắn sẽ nổ ta một cuộc tranh giành cắn xé. Epictetus nói, một khi những thứ ngoại tại lẫn lộn với cái tốt đẹp sau cùng, cứ thử đưa ra đất đai hay tiền bạc giữa cha và con, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ ràng buộc giữa họ mong manh ra sao (Discourses, 3.24).
Ông nói thêm rằng nếu cái chúng ta gọi là tình yêu hay thương mến khiến chúng ta thành nô lệ cho những Cảm xúc của mình và trở nên khốn khổ, thì nó không tốt cho chúng ta và là dấu hiệu rằng có điều gì đó sai trái. Ngược lại, nhà Hiền triết, người hiểu chắc chắn bản chất đích thực của điều tốt đẹp, sẽ không bị xáo trộn trong chính bản thân anh ta, cởi mở trong mối quan hệ với những người khôn ngoan khác, nhẫn nại và khoan dung với những người không khôn ngoan, như thể đối với những người chỉ đơn giản là mắc sai lầm với những điều vô cùng quan trọng.
Thực hành: “Bùa yêu” của người Khắc kỷ (thấu cảm như một người Khắc kỷ)
Người Khắc kỷ tin rằng yêu quan trọng hơn được yêu. Chúng ta vốn dĩ là động vật có tính xã hội, vì vậy mục tiêu sống hòa hợp với Tự nhiên, bao hàm sống hòa hợp với nhân loại, kể cả với người xấu, những người đối xử với ta như kẻ thù. Tuy vậy, được gia đình và bè bạn yêu thương vẫn thích hơn nhiều so với bị kẻ thù vây quanh, trong chừng mực số phận cho phép. Trớ trêu thay, các triết gia cho rằng làm cho bản thân thật sự đáng yêu thương là cách tốt nhất để có được những người bạn chân chính, và ta làm vậy nhờ có một phẩm cách tốt đẹp và nuôi dưỡng tình bạn lý trí với người khác.
Tương tự, Seneca đùa rằng triết gia Khắc kỷ Hecato xứ Rhodes đã phát hiện ra một loại “bùa yêu” rất mạnh: “Nếu anh muốn được yêu thì hãy yêu” (Letters, 9). Quan niệm cho rằng đức hạnh là “bùa yêu”, là “câu thần chú” để kết bạn và được yêu quý, được cho là bắt nguồn từ Socrates trong các tác phẩm Memorabilia và Symposium (tạm dịch: Yến hội) của Xenophon. Tuy nhiên, dù chúng ta có thể thích ai đó đáp lại tình cảm của mình, thì về cơ bản, việc họ có thật sự yêu mến ta hay không là “không quan trọng”.
Vậy chúng ta yêu quý người không đáp lại tình bạn hay tình thương mến của chúng ta như thế nào? Các nhà Khắc kỹ đã được rèn luyện kỹ lưỡng để xử sự với những người khó chịu, đặc biệt để tránh phản ứng cáu giận. Theo gương Socrates, họ khuyên chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu rằng họ có lý do khi hành động theo cách của họ, ở một mức độ nào đó, giả định (một cách sai lầm) rằng hành động của họ là phù hợp và vì lợi ích của họ. Chẳng hạn, hãy thử làm theo lời khuyên sau đây:
Bất cứ khi nào anh gặp ai đó, ngay từ đầu hãy tự nhủ rằng: “Anh ta nhận định thế nào về những điều tốt và xấu căn bản trong cuộc sống?”. Khi ai đó hành động như kẻ thù của anh, thóa mạ hay chống lại anh, hãy nhớ anh ta chỉ làm vậy vì anh ta cho rằng làm vậy là đúng, anh ta không biết điều gì hay hơn, và hãy tự nhủ: “Điều đó với anh ta có vẻ là đúng”.
(Encheiridon, 42).
Đừng ngạc nhiên vì cách người khác hành động. Nếu họ coi khoái lạc là điều quan trọng nhất trên đời, hay của cải, địa vị là những thứ tốt về bản chất, thì họ ắt sẽ hành động tương ứng với quan niệm ấy. Hãy coi họ là những đứa trẻ ngốc nghếch hay lầm lạc hơn là những kẻ xấu xa. Hãy nhớ rằng họ hành động như kẻ thù vì họ không biết rằng xử sự khôn ngoan hay đúng đắn chính là vì lợi ích của họ, và vì vậy họ cứ tiếp tục lệ thuộc vào ảo tưởng về những cái “tốt” bên ngoài.
Ghi nhớ: Người Khắc kỷ không có trái tim sắt đá
Những người Khắc kỷ thời kỳ đầu, có lẽ là Zeno và Chrysippus, rồi sau đó là Epictetus, Seneca, Marcus Aurelius, tất cả đều thách thức quan điểm sai lầm rằng chủ nghĩa Khắc kỷ nghĩa là khô khan hay vô cảm. Như đã thấy, họ nhấn mạnh rằng “thoát khỏi Cảm xúc” không có nghĩa là cư xử như một pho tượng hay con người đá. Mặc dầu những vật thuộc thể xác và ngoại tại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, nhưng các nhà Khắc kỷ vẫn cố gắng hành động phù hợp để bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác, trong chừng mực số phận cho phép. Người Khắc kỷ vun đắp những tình cảm lành mạnh và thiện chí với người khác, trong khi vẫn chấp nhận những phản ứng cảm xúc tự động, giai đoạn “tiền Cảm xúc”, là tự nhiên và không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Tuy nhiên, nhà Hiền triết không để những cảm giác của mình cuốn đi, và không cho phép chúng phát triển thành những Cảm xúc phi lý mạnh mẽ. Do đó, anh ta không phải vô cảm mà là anh vượt trên những phản ứng cảm xúc ban đầu của mình, trong khi thể hiện cả lý trí và tình yêu thương tự nhiên.
Tại sao nhà Hiền triết đóng vai trò quan trọng trong chủ nghĩa Khắc kỷ?
Người Khắc kỷ yêu chuộng đức hạnh và những ai tượng trưng cho đức hạnh, ý nghĩa căn cốt của điều này là nhà Hiền triết lý tưởng, người có phẩm hạnh chính là “cái đẹp” cao cả nhất theo nghĩa Khắc kỷ. Quan niệm về một người khôn ngoan và tốt đẹp một cách tuyệt đối này mang lại cho những người Khắc kỷ nhiệt huyết sự chỉ dẫn, cấu trúc và sự nhất quán trong phương cách thực hành của họ.
Từ thuở bình minh của tư tưởng Hy Lạp, nhà Hiền triết đã thể hiện chức năng là một hình mẫu sống động, cụ thể. Aristoteles đã xác nhận điều này trong một đoạn của tác phẩm Protrepticus: “Có tiêu chuẩn hay thước đo nào chính xác hơn nhà Hiền triết?”.
(Hadot, 1995, tr. 147).
Phép thực hành noi gương nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng, theo cách nào đó, có thể so sánh với việc noi gương Chúa Jesus, Đấng tiên tri Mohammed, Đức Phật và các nhà sáng lập tôn giáo khác. Tuy nhiên, nhà Hiền triết rõ ràng là một nhân vật hư cấu. Các nhà Khắc kỷ hồ nghi không biết anh ta có thật sự tồn tại bằng xương bằng thịt hay không, nếu thật sự có tồn tại thì chắc có lẽ hiếm như phượng hoàng châu Phi. Họ sử dụng quan niệm này như một hình mẫu lý tưởng giả định để chiêm nghiệm và so sánh với bản thân. Họ cũng nghiên cứu vô số tấm gương những người tương đối khôn ngoan và tốt đẹp, những người đóng vai trò rất quan trọng trong sự rèn luyện của họ. Chẳng hạn, Marcus Aurelius nhắc nhở mình “luôn luôn mang trong tâm trí mình một trong những nhân vật cổ đại đã sống cuộc đời đầy đức hạnh” (Meditations, 11.26).
Khi khởi đầu sự nghiệp triết học, Zeno đã xin ý kiến vị tiên tri xứ Dephi và được khuyên hãy thấm nhuần tư tưởng “màu của người chết”. Ông hiểu lời khuyên này nghĩa là ông cần đắm chìm vào việc nghiên cứu về những người khôn ngoan thuộc thế hệ trước. Người ta kể rằng sau khi đọc cuốn Memorabilia của Xelophon, Zeno ngay lập tức hỏi người bán sách gần đó: “Có thể tìm thấy những người như ông Socrates này ở đâu?”. Và “người chết” đầu tiên mà Zeno tìm kiếm để noi gương là Socrates, người đã bị dân Athens hành quyết gần một thế kỷ trước đó.
Không có một hình mẫu Socrates đang sống, người Khắc kỷ đã luyện tập chiêm nghiệm cuộc đời ông để có thể tiếp tục hưởng lợi ích từ tấm gương của ông ngay cả khi ông đã qua đời. Mặc dù Zeno cũng là một hình mẫu sống cho học trò, nhưng người Khắc kỷ không lệ thuộc vào sự hiện diện của người thầy yêu quý, một khi họ đã học được cách xây dựng sự dẫn dắt tinh thần cho chính mình. Học trò của Epictetus, có lẽ phần nào xấc xược, từng hỏi ông có phải là một nhà Hiền triết hay không. Ông trả lời: “Thề có các thần, ta ước ao và cầu nguyện rằng ta là một nhà Hiền triết, nhưng vẫn chưa!”. Ông nói tiếp: “Tuy vậy ta có thể cho các trò một tấm gương để các trò không phải kiếm tìm”, và ông nói với họ về Diogenes và sau đó là Socrates (Discourses, 4.1). Epictetus nói về Diogenes, người theo chủ nghĩa khuyển nho, gấp đôi những lần ông nói về Zeno, và nói về Socrates thì gấp bốn lần. Đây chắc chắn là hai tấm gương sáng chói được nghiên cứu chủ yếu tại học đường của ông và điều này có lẽ cũng đúng với chủ nghĩa Khắc kỷ của Zeno.
Do vậy, Epictetus thường xuyên nhắc nhở học trò rằng cuộc đời của Socrates luôn luôn ở đó như một hình mẫu ưu tú trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, và rằng chúng ta cần chiêm nghiệm và noi theo nếu muốn mưu cầu sự tự do và eudaimonia. Epictetus đi xa hơn khi tuyên bố rằng giờ đây, khi Socrates đã chết, ký ức về ông chẳng những không mang lại lợi ích kém hơn cho nhân loại, mà có lẽ còn lớn hơn nhiều so với thời ông còn sống.
Socrates tự hoàn thiện mình bằng việc không chú trọng đến gì khác ngoài lý trí, trong mọi điều ông đối mặt. Còn các anh, mặc dù chưa trở thành người như Socrates, các anh nên sống ít nhất như một người muốn trở thành Socrates.
(Encheiridion, 51).
Tuy nhiên người Khắc kỷ cổ đại còn ngưỡng mộ và thảo luận về rất nhiều cá nhân có tư cách đáng noi gương. Điều này có thể dẫn đến mở rộng việc kiếm tìm dấu vết của đức hạnh ở bạn bè, gia đình, thậm chí đối thủ hay các triết gia thuộc các trường phái đối lập, chẳng hạn như các triết gia phái Epicurus hay Plato.
Dẫu có thể chưa từng có một nhà Hiền triết hữu tử hoàn hảo nào, nhưng người Khắc kỷ tin rằng ít nhất luôn có một thực thể bất tử hoàn hảo, đó là thần Zeus. Thần Zeus của người Khắc kỷ có lý trí và đức hạnh hoàn hảo, như nhà Hiền triết, vì vậy người Khắc kỷ thường nhắc tới việc suy ngẫm về quan điểm của người với các vấn đề của nhân loại, vì “trong mọi điều ta nói và làm, ta phải hành động như một người mô phỏng thần thánh” (Discourses, 2.14). Dẫu có tin vào thần thánh hay không, chúng ta cũng có thể coi ý kiến của họ là cơ sở cho một dạng bài tập tâm lý. Hercules, người con trai yêu quý của thần Zeus, cũng được các nhà khuyển nho và Khắc kỷ tôn sùng như một vị anh hùng huyền thoại và là hình mẫu tiêu biểu. Nhà Hiền triết lý tưởng do vậy cũng như một vị thần, một người phàm đã tiến bộ xa đến mức có trí tuệ và eudaimonia ngang bằng trí tuệ và eudaimonia của thần Zeus. Những người Khắc kỷ giàu nhiệt huyết nỗ lực hướng tới tri thức hoàn hảo bằng cách thường xuyên suy tưởng về nhà Hiền triết, noi theo tư tưởng và hành động của anh ta.
Tư tưởng chính: Bản chất của nhà Hiền triết
Nhà Hiền triết là một hình mẫu lý tưởng giả định về một người khôn ngoan (tiếng Hy Lạp là sophos hay phrominos; tiếng Latinh là homo sapiens). Từ này thường được viết hoa vì nó biểu thị một cái gì đó trừu tượng hơn là một con người thật. Nhà Hiền triết vô cùng đức hạnh, là một con người hoàn hảo và là người gần nhất với hình mẫu thần Zeus. Anh ta là một người tốt đẹp toàn mỹ, sống một cuộc sống trọn vẹn và “trôi đi êm ả”. Anh ta có được Hạnh phúc và sự viên mãn tuyệt đối (eudaimonia). Anh ta sống hòa hợp với bản thân, với nhân loại và với Tự nhiên vì anh ta tuân theo lý trí và chấp nhận số mệnh một cách khoan dung, chừng mực, bởi nó ngoài tầm kiểm soát của anh. Anh ta vượt lên trên mọi khát khao và cảm xúc phi lý để đạt được thanh thản đầu óc. Dẫu muốn sống dài lâu và hưởng thụ lễ hội cuộc đời, nhưng anh ta hoàn toàn không sợ hãi cái chết.
Anh ta có trí tuệ thực tiễn, tính công bằng, nhân từ, can đảm và tinh thần kỷ luật tự giác cao nhất. Phẩm cách của anh ta rất đáng ca ngợi, đáng kính và đẹp đẽ. Chính vì vậy, người Khắc kỷ chiêm nghiệm hình mẫu lý tưởng giả định là nhà Hiền triết để nắm bắt sự hoàn hảo của bản chất con người nói chung. Các triết gia, “những người yêu chuộng sự khôn ngoan” đương nhiên yêu quý và ngưỡng mộ anh ta như hiện thân của sự khôn ngoan. Các nhà Khắc kỷ luôn mang khái niệm về sự hoàn hảo này bên mình trên con đường hướng tới đức hạnh. Tuy nhiên, nhà Hiền triết của người Khắc kỷ là con người của sự nghịch lý. Anh ta là người có thể gọi là thật sự giàu có trong khi không sở hữu thứ gì, anh ta là người duy nhất thật sự tự do ngay cả khi bị bạo chúa giam cầm, anh ta là người bạn đích thực duy nhất ngay cả khi bị ngược đãi như kẻ thù, anh ta hạnh phúc và sống một cuộc sống hạnh phúc ngay cả khi cuộc đời anh ta chịu vô số tai ương bất hạnh bên ngoài.
Chiêm nghiệm về nhà Hiền triết
Bài tập chiêm nghiệm nhà Hiền triết lý tưởng phục vụ cho nhiều chức năng có quan hệ gần gũi trong thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ:
- Là một cách lên kế hoạch mục tiêu cuộc sống, hoàn thiện bản chất con người, dưới một hình thức cụ thể.
- Là một sự hướng dẫn cho thái độ (đức hạnh) đúng đắn và hành động phù hợp.
- Là một nhà quan sát và nhận xét tưởng tượng về hành động của bản thân, mà không cần một người thầy Khắc kỷ thật sự.
- Một cách để có được “khoảng cách nhận thức”, và tránh cho chúng ta bị cuốn đi bởi những phản ứng phi lý và thiếu lành mạnh.
Sau khi chiêm nghiệm các phẩm chất của nhà Hiền triết, khi đương đầu với các tình huống khó khăn, người Khắc kỷ sẽ đơn giản tự hỏi bản thân “Nhà Hiền triết sẽ làm gì?”. Tương tự, Marcus Aurelius cũng nhắc nhở bản thân “Hãy nhìn vào tâm trí họ, để biết người khôn ngoan sẽ làm gì và không làm gì” (Meditations, 4.38). Cùng một cách thức như người Cơ Đốc giáo tự hỏi: “Chúa Jesus sẽ làm gì?”, người Khắc kỷ tự hỏi nhà Hiền triết, hay các tấm gương cá nhân như Socrates, Diogenes, Zeno hay Cato, sẽ làm gì.
Epictetus cũng nói rằng chúng ta có thể ngăn bản thân bị cuốn theo những cảm giác khó chịu nếu giữ bên mình hình ảnh nhà Hiền triết để so sánh. Một trong những đoạn văn được trích dẫn rộng rãi nhất trích từ cuốn Handbook của Epictetus nhắc nhở rằng chúng ta không khó chịu vì bản thân các sự kiện mà là vì sự phán xét của chúng ta về chúng, và ngay sau đó là dẫn chứng về Socrates, người coi bản thân cái chết là không tốt cũng không xấu.
Chẳng hạn, cái chết chẳng có gì khủng khiếp (nếu không thì Socrates hẳn đã tỏ ra ghê sợ cái chết), mà chính bản thân sự phán xét liên quan đến cái chết đã diễn giải nó thành một điều khủng khiếp: chính sự phán xét này mới là khủng khiếp.
(Encheiridion, 5).
Việc hình dung một ai đó đáng tin cậy đưa ra phán xét rằng tình huống này là “không quan trọng” sẽ cho chúng ta sự linh hoạt về tâm lý và “khoảng cách nhận thức” cách xa khỏi những cảm tưởng vô thức rằng điều này thật kinh khủng. Nó cho chúng ta khoảng trống để cân nhắc xem liệu ấn tượng ban đầu có sai không.
Mặc dù không kiểm soát được hết các hành động của mình, và ngay cả Socrates cũng có những học trò ương ngạnh, nhưng người khôn ngoan thật sự sẽ giúp người khác bằng sự hiện diện và sự nêu gương của mình. Bởi vậy, Mosonius nói rằng “được một người tốt quan sát khi ta ăn, uống, ngủ nghỉ là vô cùng có lợi” (Lectures, 11). Các môn đồ của Epicurus coi trọng việc sở hữu các bức chân dung hoặc nhẫn có chân dung của ông, điều này có lẽ giúp họ tưởng tượng về sự hiện diện tốt đẹp của ông để đồng hành với họ trong đời. Bảo tàng Anh có một viên ngọc rất đẹp từ thời đế chế La Mã điêu khắc công phu chân dung Zeno, nhà sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ, có lẽ vì cùng mục đích này. Seneca cũng khuyên các nhà Khắc kỷ nên mang theo mình hình ảnh những nhân vật vĩ đại, thậm chí nên kỷ niệm sinh nhật của họ. Ông liệt kê các hình mẫu triết gia yêu thích của mình như sau:
- Socrates
- Plato – đề xuất có lẽ đáng ngạc nhiên đối với một người Khắc kỷ
- Zeno, nhà sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ
- Cleanthes, triết gia có ảnh hưởng thứ hai của chủ nghĩa Khắc kỷ
- Laerlius nhà Thông Thái, một trong những nhà Khắc kỷ nổi tiếng đầu tiên của La Mã
- Cato xứ Utica, người anh hùng chính trị Khắc kỷ vĩ đại thời La Mã
Ông đã viết một lời dẫn đẹp đẽ về cách thực hành này, dựa vào những lời giáo huấn của chủ nghĩa Epicurus.
“Chúng ta cần đặt tình cảm của mình vào một người tốt nào đó và liên tục đặt người đó trước mắt, để ta có thể sống như thể người đó luôn dõi mắt theo mọi việc ta làm”. Lucilius thân mến, đây chính là lời khuyên của Epicurus, và khi cho chúng ta lời khuyên này, ông đã cho chúng ta một người bảo vệ, một người giám hộ về đạo đức – và không phải là không có lý do: Những việc làm sai trái sẽ giảm bớt nếu có một người chứng kiến luôn đứng bên cạnh để ý đến mọi việc ta làm. Nhân vật này nên là một người đáng để tôn kính, một người có sức ảnh hưởng có thể khiến cả đời sống riêng tư và đời sống nội tâm trở nên thuần khiết hơn. Phúc thay người có thể giúp người khác trở nên tốt đẹp hơn, không chỉ khi có sự hiện diện của mình, mà còn cả khi anh ta chỉ tồn tại trong tâm trí người khác. Và cũng phúc thay cho người có thể kính trọng người khác để điều chỉnh và định hình phẩm cách của chính mình dù chỉ trong ánh sáng của hồi ức về con người ấy.
(Letters, 11).
Hình ảnh của người làm gương này nên được gợi nhắc thường xuyên như “người giám hộ hay tấm gương của bạn”, như một người dõi theo chúng ta, dẫn dắt chúng ta, là hình mẫu lý tưởng để ta noi theo. Có một câu nói rất hay của Seneca, rằng chúng ta cần hình tượng một người khôn ngoan và tốt đẹp chân chính làm chuẩn mực để đo lường bản thân, vì “không có một cây thước để canh đo, anh không thể khiến chỗ cong thẳng lại”.
Thực hành: Nhà Hiền triết sẽ làm gì?
Hãy bắt đầu bằng cách kiên nhẫn suy ngẫm xem nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng, người có trí tuệ và đức hạnh tối thượng, sở hữu phẩm cách gì, cho tới khi bạn hiểu tương đối rõ về hình tượng này.
1. Trước, trong khi và sau khi thực hiện nhiệm vụ hay đối diện với một tình huống nhất định, hãy tự hỏi bản thân: Nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng sẽ làm gì trong tình huống này?
2. Hẳn bạn sẽ tìm thấy sự hữu ích khi bắt đầu suy nghĩ về các nhân vật lịch sử hay thần thoại như Hercules, Socrates, Cato, hay các tác gia Khắc kỷ mà bạn biết rõ như Seneca, Epictetus hay Marcus Aurelius. Liệu những người này sẽ xử sự thế nào trong các sự kiện bạn phải đối mặt?
3. Bạn có thể tùy chọn và nghĩ về các tấm gương mẫu mực gần mình hơn, như bạn bè, đồng nghiệp hay các thành viên trong gia đình mà bạn ngưỡng mộ. Họ có gì đáng để noi theo?
4. Điều quan trọng nhất, hãy tự hỏi một nhà Hiền triết có tri thức thực tiễn hoàn hảo sẽ làm gì. Xem xét các đức hạnh khác, nhất là tính công bằng, can đảm và kỷ luật tự giác.
5. Điều này sẽ đưa bạn tới việc cân nhắc xem bản thân bạn sẽ làm gì nếu đã tiến gần tới tri thức và đức hạnh cao hơn.
Cố gắng sẵn sàng cho mọi sự kiện bằng cách sử dụng tấm gương của một người khôn ngoan và tốt đẹp như người dẫn dắt bạn, hoặc sau sự kiện thử nghiệm lại và học từ kinh nghiệm bằng cách suy nghĩ mình sẽ làm khác đi thế nào trong tương lai nếu noi gương họ. Cách khác, hãy tưởng tượng bạn đang được một nhà Hiền triết vô hình, một người khôn ngoan và tốt đẹp hoàn hảo đồng hành, quan sát bạn, giám sát suy nghĩ, hành động và cảm xúc của bạn. Chẳng hạn, bạn sẽ phản ứng với các sự kiện khác đi như thế nào nếu chính Socrates hay Cato dõi theo bạn? Họ có thể cho bạn lời khuyên nào? Hãy tự hỏi “Nhà Hiền triết sẽ làm gì?” và “Nhà Hiền triết sẽ bảo ta phải làm gì?”.
Hạt mầm khôn ngoan trong mỗi người
Nó thẳng ra thì đối với các nhà Khắc kỷ, trừ nhà Hiền triết, mọi người đều ngốc nghếch và thiếu đức hạnh như nhau. Tuy nhiên, một số người nỗ lực tiến gần tới sự khôn ngoan và đức hạnh đích thực hơn so với những người khác. Các nhà Khắc kỷ sau này đặc biệt hay nói một cách thoải mái hơn về đức hạnh của những người bình thường. Rõ ràng họ nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi bằng cách chiêm nghiệm những dấu vết hoặc sự thoáng hiện của đức hạnh này ở người khác, dù những người đó không phải là nhà Hiền triết hoàn hảo. Thật vậy, suy ngẫm về đức hạnh của những người quanh ta, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, thậm chí kẻ thù hoặc những người gây khó khăn cho cuộc đời ta, có thể đem lại thêm lợi ích để cải thiện quan hệ với họ. Vì vậy, Seneca nói “chúng ta nên trang bị cho đời mình những tấm gương xuất sắc chứ không nhất thiết phải viện đến người xưa”, có lẽ như Socrates (Letters, 83).
Vì xét cho cùng, đó là những người chúng ta biết ơn vì đã lấy họ làm gương; dĩ nhiên họ chưa đạt đến trí tuệ hoàn hảo, nhưng chúng ta đã được quyền lựa chọn những người tiến gần nhất lý tưởng đó nhất.
(Cicero, Laerlius: On Friendship, 11).
Marcus Aurelius tự nhắc bản thân luôn ghi nhớ những đức hạnh của bạn bè và những người ông kết giao, như sự khiêm tốn, lòng hào hiệp, bởi không có gì mang tới một cảm giác lành mạnh của niềm vui lý trí bằng sự chiêm nghiệm giản đơn này. Ông thực hiện bài thực hành tâm lý trong cả chương đầu cuốn Meditations bằng cách nhận xét về đức hạnh của các nhân vật quan trọng nhất trong đời ông, thường được cô đọng trong vài lời. Đoạn dài nhất ở gần cuối là về người cha nuôi của ông là hoàng đế Antoninus Pius.
Từ cha ta, [ta đã học được] sự nhẹ nhàng, và một sự kiên định không nao núng đối các quyết định được đưa ra từ sự cân nhắc thận trọng; sự thờ ơ với cái gọi là danh vọng; một tình yêu đối với lao động và sự cẩn trọng; sự sẵn lòng khi lắng nghe những lời khuyên vì sự tốt đẹp chung; và một quyết tâm bền bỉ trong việc để trao cho từng người những gì anh ta đáng được hưởng.
(Meditations, 1.16).
Ông viết tiếp nhiều trang nữa, rồi kết luận bằng những lời sau:
Người ta có thể nói về ông bằng những lời lẽ mà ta đã nghe Xenophon nói về Socrates, rằng ông có thể tiết chế hay tận hưởng những thứ mà nhiều người không đủ mạnh mẽ để kìm chế và nghiêng về phía hưởng thụ quá nhiều. Tuy nhiên, có được nghị lực để bền bỉ trong trường hợp này và tiết chế trong trường hợp khác là điển hình cho một người có trí óc hoàn hảo và không thể bị khuất phục.
Marcus Aurelius nói ông đã học được từ chính người thầy Khắc kỷ của mình, Sextus xứ Chaeronea, “quan niệm về cuộc sống phù hợp với Tự nhiên”, và cả “phẩm giá không giả tạo, một sự suy xét có trực giác về những người bạn và sự khoan dung với những người thiếu học và thiếu lý trí”. Ngay cả khi một số bạn bè, gia đình và người thầy không được khôn ngoan lắm, ông vẫn có thể xác định được điểm mạnh của họ để học hỏi và noi gương họ. Tuy nhiên, bước đầu tiên để làm được điều này là phát biểu ra thành lời. Khi đặt tên và mô tả các đức hạnh của người khác, Marcus Aurelius đã tự giúp mình ghi nhớ và tập dượt xuyên suốt các bài tập trong cuốn Meditations.
Ghi nhớ: Có ai thật sự là nhà Hiền triết không?
Mặc dù người Khắc kỷ đã sử dụng nhiều tấm gương người tốt và khôn ngoan trong lịch sử, nhưng họ lại có xu hướng nghĩ rằng trí tuệ hoàn hảo là điều mà một người sống nào có thể đạt được, kể cả Zeno và những nhà sáng lập khác của chủ nghĩa Khắc kỷ. Do vậy, nhà Hiền triết được nói đến như một mẫu hình lý tưởng giả định. Tuy vậy, một số cá nhân mẫu mực đã tiến gần tới lý tưởng này. Socrates là một tấm gương “gần giống nhà Hiền triết” được các nhà Khắc kỷ yêu thích, tiếp đó là nhà khuyển nho Diogenes. Đôi khi Zeno, Pythagoras, Heraclitus và những người khác cũng được nêu gương như những tấm gương khôn ngoan mẫu mực. Nhưng rốt cuộc nhà Hiền triết chỉ đơn thuần là một quan niệm có tính chất dẫn dắt, được Tự nhiên gieo vào tâm trí chúng ta như một hình ảnh của mục tiêu sống. Bởi vậy, bằng cách từ chối đồng hóa nhà Hiền triết với một nhân vật lịch sử nào đó, người Khắc kỷ tránh được việc đặt những người như Zeno, Socrates lên một bục cao, như thể họ là những bậc thầy, và biến triết học của họ thành một tôn giáo hoặc sự tôn sùng cá nhân.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Tình cảm tự nhiên và lòng bác ái là những điểm cơ bản của chủ nghĩa Khắc kỷ: nhà Hiền triết được giải thoát khỏi các cảm xúc phi lý, nhưng lại đầy tình yêu lý trí, và yêu thương người khác thì quý giá hơn là được họ đáp lại tình yêu.
• Người Khắc kỷ yêu thương người khác trong nhận thức rằng họ là những con người hữu tử và là những sinh vật tự trị, chấp nhận sự tất yếu của đổi thay và cái chết là do toàn thể Tự nhiên định đoạt.
• Người Khắc kỷ suy tưởng về lý tưởng giả định của một nhà Hiền triết hoàn hảo hay một người khôn ngoan, cũng như vô số tấm gương mẫu mực của các nhân vật có “trí tuệ” và “đức hạnh” trong lịch sử.
Bước tiếp theo
Quan niệm về nhà Hiền triết lý tưởng giúp dẫn dắt các nhà Khắc kỷ đi đúng hướng trong cuộc sống, và khát khao đạt được mục tiêu này đã nối kết mọi hành động của họ. Tình yêu và tình bằng hữu là những cảm xúc tự nhiên và lành mạnh lấp đầy khoảng cách giữa lý thuyết Khắc kỷ về các Cảm xúc phi lý với hành động phù hợp, hoặc giữa liệu pháp tâm lý với hành vi đạo đức. Giờ đây, chúng ta đã sẵn sàng xem xét chi tiết về Kỷ luật Hành động của người Khắc kỷ.
Thực hành: Nhà Hiền triết sẽ làm gì?
Hãy bắt đầu bằng cách kiên nhẫn suy ngẫm xem nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng, người có trí tuệ và đức hạnh tối thượng, sở hữu phẩm cách gì, cho tới khi bạn hiểu tương đối rõ về hình tượng này.
1. Trước, trong khi và sau khi thực hiện nhiệm vụ hay đối diện với một tình huống nhất định, hãy tự hỏi bản thân: Nhà Hiền triết Khắc kỷ lý tưởng sẽ làm gì trong tình huống này?
2. Hẳn bạn sẽ tìm thấy sự hữu ích khi bắt đầu suy nghĩ về các nhân vật lịch sử hay thần thoại như Hercules, Socrates, Cato, hay các tác gia Khắc kỷ mà bạn biết rõ như Seneca, Epictetus hay Marcus Aurelius. Liệu những người này sẽ xử sự thế nào trong các sự kiện bạn phải đối mặt?
3. Bạn có thể tùy chọn và nghĩ về các tấm gương mẫu mực gần mình hơn, như bạn bè, đồng nghiệp hay các thành viên trong gia đình mà bạn ngưỡng mộ. Họ có gì đáng để noi theo?
4. Điều quan trọng nhất, hãy tự hỏi một nhà Hiền triết có tri thức thực tiễn hoàn hảo sẽ làm gì. Xem xét các đức hạnh khác, nhất là tính công bằng, can đảm và kỷ luật tự giác.
5. Điều này sẽ đưa bạn tới việc cân nhắc xem bản thân bạn sẽ làm gì nếu đã tiến gần tới tri thức và đức hạnh cao hơn.
Cố gắng sẵn sàng cho mọi sự kiện bằng cách sử dụng tấm gương của một người khôn ngoan và tốt đẹp như người dẫn dắt bạn, hoặc sau sự kiện thử nghiệm lại và học từ kinh nghiệm bằng cách suy nghĩ mình sẽ làm khác đi thế nào trong tương lai nếu noi gương họ. Cách khác, hãy tưởng tượng bạn đang được một nhà Hiền triết vô hình, một người khôn ngoan và tốt đẹp hoàn hảo đồng hành, quan sát bạn, giám sát suy nghĩ, hành động và cảm xúc của bạn. Chẳng hạn, bạn sẽ phản ứng với các sự kiện khác đi như thế nào nếu chính Socrates hay Cato dõi theo bạn? Họ có thể cho bạn lời khuyên nào? Hãy tự hỏi “Nhà Hiền triết sẽ làm gì?” và “Nhà Hiền triết sẽ bảo ta phải làm gì?”.