T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- “Kỷ luật Khát khao” là một hình thức trị liệu các Cảm xúc dựa trên các bài tập tâm lý đúc kết từ Vật lý học Khắc kỷ.
- Cách suy ngẫm về khoảnh khắc hiện tại và rằng chủ nghĩa Khắc kỷ về bản chất là triết lý về “bây giờ và ở đây”.
- Cách thực hành thái độ chấp nhận, được gọi là amor fati hay là “yêu số mệnh của mình”, theo thuyết tất định nhân quả của chủ nghĩa Khắc kỷ.
Ta chỉ quan tâm tới cái thuộc về mình, cái không bị cản trở, cái vốn tự do. Đó là bản chất đích thực của điều tốt, là cái ta có; hãy để những thứ khác như Chúa đã ban, nó chẳng tạo ra sự khác biệt gì ở ta.
(Epictetus, Discourses, 4.13)
Tất cả những gì hòa hợp với người thì cũng hòa hợp với ta, hỡi Thế gian! Chẳng có gì xảy ra đúng lúc với người mà lại quá sớm hay quá muộn với ta. Mọi thứ mà các mùa của người tạo nên là hoa trái với ta. Vạn vật đều từ người mà ra; vạn vật đều ở trong người, và vạn vật đều về với người.
(Marcus Aurelius, Meditations, 4.23)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ và Kỷ luật Khát khao
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Vạn vật đều được định đoạt bởi sự tất yếu của luật nhân quả nghiêm ngặt, kể cả hành động của chính ta.
2. Khi chúng ta dồn hết sự tập trung vào “bây giờ và ở đây” và làm tuần tự từng thứ một, khó khăn thường sẽ được hóa giải.
3. Thay vì mong cho các sự kiện ngoài tầm kiểm soát xảy ra như ý muốn của ta, nên ước rằng chúng sẽ xảy ra theo cách của chúng.
Kỷ luật Khát khao là gì?
Tại sao chúng ta nên “chấp nhận” bất kỳ điều gì xảy đến với chúng ta, và các nhà Khắc kỷ có ý gì khi nói vậy? Khác biệt giữa “chấp nhận” với đầu hàng và cam chịu thụ động trước những điều xấu là gì? Những câu hỏi này được Epictetus đề cập trong kỷ luật đầu tiên của thuyết Khắc kỷ: Kỷ luật Khát khao (orexis) và Chán ghét (ekklisis). Kỷ luật này được mô tả như một hình thức kỷ luật hay trị liệu Cảm xúc vì nó bao gồm ngăn ngừa hoặc khắc chế các khát khao không lành mạnh và những nỗi sợ hãi phi lý. Do vậy, chúng ta thường sẽ gọi nó là “Kỷ luật Khát khao” hay “trị liệu Cảm xúc”.
Theo Epictetus, mục tiêu của kỷ luật này là để ta không trở nên tuyệt vọng trong những khát khao của mình cũng như không sa vào những gì chúng ta chán ghét và muốn né tránh, và điều này có thể đạt được thông qua việc học cách bình thản chấp nhận số mệnh. Thái độ triết học trước các sự kiện như vậy được gói gọn trong một châm ngôn quan trọng và nổi bật nhất của cuốn Handbook:
Đừng mong mọi việc xảy ra như bạn muốn, mà hãy ước chúng xảy ra theo cách của chúng và cuộc đời bạn sẽ trôi đi êm ả.
(Encheiridion, 8)
Câu trích dẫn này có vẻ ám chỉ đến cuộc sống thanh bình, trôi chảy êm ả mà từ đầu Zeno đã xác định là mục tiêu của chủ nghĩa Khắc kỷ – sống hòa hợp với Tự nhiên. Kỷ luật Khát khao vì thế đặc biệt liên quan tới việc đạt được sự thanh thản, nghĩa là vượt qua mọi cảm xúc đau khổ (apatheia). Kỷ luật Khắc kỷ này liên quan mật thiết tới chủ nghĩa khuyển nho với trọng tâm là tính tự chủ.
Hadot diễn giải điều này là sống hòa hợp với toàn thể Tự nhiên, thông qua sự chấp nhận theo kiểu Khắc kỷ. Theo Marcus, kỷ luật này liên quan tới lời khuyên của Epictetus là nên tuyệt đối tránh sự khát khao và sợ hãi những điều ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, nó chắc chắn liên quan tới câu khẩu hiệu nổi tiếng của Epictetus “chịu đựng và buông bỏ”. Ý của ông là người mới học chủ nghĩa Khắc kỷ nên bắt đầu bằng cách ngày ngày rèn luyện bản thân:
1. Kiên trì và can đảm chịu đựng những điều ta sợ hãi hoặc chán ghét một cách phi lý.
2. Bằng sự suy xét khôn ngoan và kỷ luật tự giác, buông bỏ hoặc tiết chế những điều ta khao khát một cách phi lý.
Đa số mọi người khao khát niềm vui, sức khỏe, của cải, danh vọng và những thứ không quan trọng khác, những thứ họ ngây thơ đánh giá là “tốt” về bản chất và cần cho Hạnh phúc. Họ sợ hãi và tránh né những điều ngược lại: nỗi đau thể chất, sự bất tiện, bệnh tật, nghèo đói và sự nhục mạ. Khao khát giàu có và sợ chết đôi khi được xem là những Cảm xúc có sức nặng, khó vượt qua nhất. Seneca đã diễn đạt điều này bằng ngôn ngữ ấn tượng khi ông nói rằng sự hứa hẹn của triết học nằm ở chỗ ánh sáng chói lọi của vàng sẽ không làm lóa mắt chúng ta hơn ánh sáng lóe lên từ thanh kiếm, và vì vậy chúng ta có thể “dũng cảm giẫm lên những thứ mọi người khát khao và sợ hãi” (Letters, 48).
Như chúng ta đã biết, người theo chủ nghĩa khuyển nho chấp nhận lối sống khổ hạnh, tự nguyện sống đời nghèo khó về mọi mặt và những thử thách gay go về thể chất. Dù người Khắc kỷ cho rằng điều đó thật đáng ngưỡng mộ, thậm chí là “con đường tắt dẫn tới đức hạnh”, nhưng họ vẫn cho rằng làm vậy là không cần thiết và không phù hợp với hầu hết mọi người. Họ cũng e ngại rằng một số cách thực hành của các nhà khuyển nho có thể đáng tranh cãi khi được thực hành chỉ để phô diễn, và vì vậy các nhà Khắc kỷ khuyên học trò nên che đậy một số khía cạnh nhất định trong cách rèn luyện của mình khi có thể. Hơn nữa, theo quan điểm của các nhà Khắc kỷ, chúng ta không nhất thiết phải hoàn toàn tránh xa mọi thứ “không quan trọng”, miễn là chúng ta giữ mình tách biệt về mặt cảm xúc với chúng.
Vì thế, Epictetus không có ý nói rằng chúng ta phải tự tra tấn mình. Mà đúng hơn là nếu muốn sống khôn ngoan, chúng ta phải tăng cường đức tính tự chủ bằng cách tự luyện tập một cách hợp lý để có thể chịu đựng khó khăn và tránh xa các thú vui thiếu lành mạnh có thể khiến chúng ta bị ràng buộc quá mức. Tuy nhiên, một số nhà Khắc kỷ như Seneca khuyến cáo rằng chúng ta nên định kỳ thực hành lối sống giản dị nhất có thể, chịu đựng lối sống khắc nghiệt hơn, ngủ trên tấm chiếu mỏng, chỉ uống nước lã và ăn những thức ăn cơ bản nhất nhằm rèn luyện khả năng chịu đựng và đức tính tự chủ. Ông khuyên học trò của mình mỗi tháng nên dành ba, bốn ngày trở lên để sống trong nghèo khổ, giảm nhu cầu sống xuống mức “chiếu rơm, chăn lính, bánh mì khô” (Letters, 18). Dĩ nhiên, trong thế giới cổ đại, nhiều người đã sống như vậy, những người lính trong các cuộc chinh chiến có lẽ cũng đã chịu đựng các điều kiện như vậy. Nếu điều đó vẫn nghe như là sự tự trừng phạt, hãy xem xét các nhà Khắc kỷ hiện đại để được cung cấp những phương pháp “bình thường” và “lành mạnh” để phát triển khả năng chịu đựng và tiết chế – họ đơn giản là tham gia vào các bài rèn luyện thể chất, tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, hoặc đi cắm trại nằm lều trong một tuần.
Epictetus cũng nhấn mạnh rằng kỷ luật đầu tiên này là quan trọng nhất đối với những học trò mới theo học chủ nghĩa Khắc kỷ vì nó liên quan tới các Cảm xúc, là thứ gây rối loạn khi chúng ta nhận thức là mình đã chịu đựng một điều bất hạnh chỉ bởi vì khát khao hay sự chán ghét của chúng ta xung đột với sự xếp đặt của số phận. Dĩ nhiên chúng ta sẽ không thể suy nghĩ một cách rõ ràng khi bị những khao khát hoặc cảm xúc mãnh liệt như vậy siết chặt lấy mình, nên triết học thực hành phải bắt đầu từ một kiểu trị liệu cảm xúc, để chuẩn bị nền tảng cho rèn luyện Đạo đức học và sau đó là Logic học.
Do vậy, các môn đệ của trường phái Epictetus được khuyên hãy gác sang một bên hai kỷ luật còn lại cho tới khi đạt được những tiến bộ với Kỷ luật Khát khao. Như đã lưu ý ở trên, điều này gợi đến sự nghiệp triết học của Zeno, nhà triết học ban đầu theo chủ nghĩa khuyển nho và gần như chỉ tập trung vào việc đạt được tính tự chủ. Thực tế phiền muộn của chúng ta và việc cuộc đời ta không trôi đi êm ả bởi những khát khao và cảm xúc gây đảo lộn chính là dấu hiệu cảnh báo rằng chúng ta chưa thấu triệt hoàn toàn học thuyết căn bản của Đạo đức học Khắc kỷ: Đức hạnh là điều tốt đẹp duy nhất và những thứ ta không kiểm soát được là những thứ không quan trọng. Chừng nào ta còn cảm thấy mọi thứ đều đang chống lại mình, rằng mình không có được điều mình khao khát mà chỉ nhận được những điều mình chán ghét, thì điều đó cho thấy ta đang bị lệ thuộc vào các Cảm xúc của mình và vẫn chỉ là người mới chập chững bước vào triết học. Ngược lại, nhà Hiền triết có được tự do tuyệt đối – vì chỉ khát khao những gì trong tầm kiểm soát, thế nên anh ta sẽ không bao giờ bị nản lòng và cuộc đời anh trôi đi êm ả.
Hadot gọi mục tiêu của kỷ luật đầu tiên này là “amor fati” nghĩa là yêu mến hay chấp nhận số mệnh của mình – một thành ngữ ông mượn từ triết gia người Đức thế kỷ 19, Friedrich Nietzsche. Nietzsche đã viết câu châm ngôn nổi tiếng: “Từ trường học quân sự cuộc đời – cái không thể giết chết ta thì chỉ làm ta mạnh mẽ hơn”. Câu này nghe rất hợp để mô tả Kỷ luật Khát khao của chủ nghĩa Khắc kỷ. Sống hòa hợp với số mệnh của mình theo cách này là chấm dứt việc xa rời Tự nhiên toàn thể, để trở thành “công dân vũ trụ” thực thụ.
Bởi vậy, người luyện tập Kỷ luật Khát khao và thừa nhận vai trò mà cuộc sống trao cho mình thì “không còn là người xa lạ ở quê hương mình” mà trở nên “xứng đáng với thế giới đã tạo ra anh ta” (Meditations, 12.1). Có nhận ra hay không thì tất cả chúng ta đều đang sống cuộc đời mà số phận đã ban cho, dù tự nguyện hay không tự nguyện. Zeno đã minh họa điều này bằng một phép ẩn dụ sâu sắc sau: Người khôn ngoan như một con chó bị buộc vào chiếc xe kéo, luôn chạy theo và giữ tốc độ nhịp nhàng với chiếc xe, trong khi kẻ ngốc sẽ như con chó vừa chạy vừa chống lại sự trói buộc nhưng cuối cùng vẫn bị kéo theo chiếc xe. Tương tự, Seneca so sánh thần Zeus như một vị tướng còn nhân loại là đội quân của người. Chúng ta phải theo người, dù muốn hay không, nhưng “một người lính tồi sẽ vừa đi theo người chỉ huy vừa càu nhàu than vãn” (Letters, 108).
Một phép ẩn dụ khác của Chrysippus so sánh cuộc sống con người như bàn chân của một người bước trong bùn – chân trần hoặc chỉ mang dép quai. Nếu như bàn chân có trí óc và hiểu được chức năng của mình trong cuộc đời thì nó sẽ sẵn sàng chấp nhận số phận và tự nguyện nhấn mình xuống bùn hết lần này đến lần khác, bước đi đều đặn, không do dự. Cuối cùng, Hymn to Zeus (tạm dịch: Bài tụng ca thần Zeus) của Cleanthes có đoạn: “Người sẵn sàng sẽ được số phận dẫn đường, người ngần ngại sẽ bị số phận lôi đi”. Epictetus khích lệ học trò của mình thường xuyên suy ngẫm về lời tụng ca này. Tuy nhiên, thái độ chấp nhận có tính triết học này không có ý nói đến một sự cam chịu thụ động và nếu một người Khắc kỷ nhận thấy mình đang ở trong một mối quan hệ mà anh ta bị ngược đãi, anh ta chắc chắn sẽ không chịu đựng nó. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Kỷ luật Hành động sau, nhưng tóm lại, người Khắc kỷ sẽ tự nhiên muốn rời khỏi tình huống bị ngược đãi hay không lành mạnh để thực hiện hành động thích hợp nhằm bảo vệ mình, vì tương lai có tính bất định. Tuy nhiên, một khi điều không hay thật sự xảy ra, thì sự khôn ngoan nằm ở chỗ thừa nhận thực tế của sự kiện thay vì khiến bản thân phiền muộn bằng việc ước ao thay đổi quá khứ.
Như chúng ta sẽ thấy, “Kỷ luật Khát khao”, hay “trị liệu Cảm xúc” liên quan mật thiết với Vật lý học Khắc kỷ. Mới nghe qua thì điều này nghe có vẻ lạ thường, nhưng có nhiều bài tập thiền trong các tài liệu Khắc kỷ rõ ràng dựa trên triết học tự nhiên và thần học, và đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình khao khát và thái độ chán ghét của chúng ta. Thực vậy, Kỷ luật Khát khao có thể bao gồm rất nhiều các bài tập tâm lý quan trọng liên quan tới Vật lý học Khắc kỷ:
1. Coi tập trung sự chú ý vào “bây giờ và ở đây” là tâm điểm của sự kiểm soát và vì vậy cũng là tâm điểm của cái tốt chính yếu.
2. “Định nghĩa theo vật lý” của các sự kiện bên ngoài và “phương pháp phân chia ranh giới” hay phân tích thành các yếu tố.
3. Chấp nhận các sự kiện là do số mệnh hoặc luật nhân quả định đoạt, hay đón chào nó bằng niềm vui lý trí như thể đó là Ý chí của Thượng đế.
4. “Góc nhìn từ trên cao” và những suy ngẫm về vũ trụ luận có liên quan.
5. Suy ngẫm về tính thuần nhất (đồng nhất) và tính nhất thời của tất cả những thứ ngoại tại.
6. Cũng có thể suy ngẫm về sự “tái diễn bất tận” của vạn vật, như Nietzsche đã đề cập.
Chúng ta sẽ trở lại một số bài tập trong số này sau vì chúng liên quan tới các bài tập phức tạp về vũ trụ học. Còn trong chương này, ta sẽ chỉ tập trung vào các phương pháp thực hành suy ngẫm về hiện tại – “bây giờ và ở đây” và thực hành amor fati bằng cách sẵn sàng chấp nhận là số mệnh được định đoạt bởi sự tất yếu của luật nhân quả.
Điển cứu: Con tàu đắm của Zeno
Zeno, người sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ, là một lái buôn người Phoenicia ở cảng Citium xứ Cyprus. Ở tuổi ba mươi, khi câu chuyện này bắt đầu, ông đi từ Phoenicia tới cảng Piraeus, Hy Lạp mang theo một loại hàng giá trị cao là thuốc nhuộm màu tím (porphura), được làm từ loài ốc sên biển murex. Tàu đắm, ông mất hết tài sản. Ông đã ở lại Athens và trở thành tín đồ của nhà khuyển nho nổi tiếng Crates, dành hai mươi năm sau đó để nghiên cứu triết học dưới sự dìu dắt của một số triết gia hàng đầu thời đó. Thay vì than vãn về mất mát của mình, ông nói: “Số mệnh đã tài tình đưa tôi đến với triết học”. Thậm chí ông còn nói đùa: “Nhờ đắm tàu mà lần này tôi đã có một chuyến hải trình tốt đẹp” (Lives, 7.4-5). Đối với người Khắc kỷ, trí tuệ đạo đức mà Socrates và Zeno theo đuổi là vô giá, quý hơn bất kỳ của cải nào trên đời.
Một số tác gia cổ đã tranh cãi về câu chuyện này. Tuy nhiên, dẫu câu chuyện có chính xác về mặt lịch sử hay không, thì quan trọng là nó vẫn cung cấp một tấm gương về lòng yêu chuộng trí tuệ tuyệt đối và thái độ dửng dưng một cách triết học trước những mất mát hay tai họa đến từ bên ngoài. Các nhà khuyển nho sống như những người hành khất, có lẽ bởi vậy mà sau khi mất hết của cải ngoài khơi, Zeno thấy dễ dàng thích ứng với lối sống đơn giản của họ hơn – không sở hữu bất kỳ thứ gì ngoại trừ một cây gậy, một tấm áo choàng và một tay nải đựng thức ăn. Như các nhà Khắc kỷ từng nói, sự nghèo khổ có thể là một người thầy triết học tốt hơn bất kỳ sách vở hay bài giảng nào.
Từ đó trở đi, phép ẩn dụ về con tàu giữa biển động thường được sử dụng trong văn chương của người Khắc kỷ, tượng trưng cho thử thách khi đối diện với tai ương trong cuộc sống. Chẳng hạn, Epictetus đã bảo học trò của mình nên rèn luyện cách phản ứng lại với các xung động ban đầu: “Tàu của anh đắm rồi” thì chỉ đơn giản nói “Tàu của anh đắm rồi” như một thực tế mà không thêm các phán xét mang tính giá trị hoặc than phiền rằng cuộc đời thật bất công. Ngay cả khi “những đợt sóng” số mệnh có cuốn đi thân thể và của cải, thì chúng không thể nào vượt qua và nhấn chìm năng lực kiểm soát của chúng ta – nơi sự khôn ngoan và đức hạnh ngự trị – trừ phi chúng ta cho phép.
Tư tưởng chính: Tự do ý chí và thuyết tất định (thuyết tương hợp)
Cicero nói người Khắc kỷ chẳng hàm ý mê tín xa xôi gì khi nói đến thuật ngữ “số mệnh”, nó chỉ là một khái niệm trong triết học tự nhiên hay Vật lý học. Theo các nhà Khắc kỷ, về cơ bản số mệnh là một chuỗi các tác nhân sản sinh ra mọi vật trong vũ trụ. “Chẳng có điều gì đã xảy ra mà không được định trước sẽ xảy ra, tương tự, không điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân ẩn chứa trong Tự nhiên” (On Divination, 1.125.6). Trên thực tế, nói một cách nghiêm túc thì các nhà Khắc kỷ, như hầu hết các triết gia hiện đại, là những người theo thuyết tương hợp (compatibilist1). Họ tin rằng mọi sự kiện trên đời đều được định đoạt bởi hàng loạt nguyên nhân, kể từ khởi thủy của vũ trụ, nhưng họ cũng tin rằng điều này hoàn toàn tương hợp với sự thật về tự do của con người.
1 Compatibilism (thuyết tương hợp) là học thuyết cân bằng giữ thuyết tự do ý chí và thuyết tất định. Học thuyết này tin rằng thuyết tự do ý chí và thuyết tất định là tương hợp với nhau, không mâu thuẫn nhau về mặt logic.
Điều này có thể gây bối rối cho nhiều người. Giả thiết phổ biến cho rằng tự do ý chí và thuyết tất định vốn không tương hợp với nhau, nhưng người ta cũng đã chỉ ra rằng điều này vốn dựa trên một sự hiểu nhầm. Khi nói rằng ai đó có “tự do” trong cuộc sống hằng ngày, thường chúng ta chỉ hiểu rằng không có gì ngăn cản anh ta hành động theo ý muốn của mình. Nhưng có thể không có sự mâu thuẫn về mặt logic nào giữa khái niệm “tự do” mỗi ngày và niềm tin rằng tính cách và khao khát của chúng ta vốn đã được định đoạt bởi những cái nhân từ trước.
Chỉ khi chúng ta đi xa hơn và cố gắng tuyên bố rằng chúng ta không chỉ tự do hành động, mà còn “tự do trước” những cái nhân đã có từ trước thì chúng ta mới bắt đầu đi đến khái niệm tự do ý chí siêu hình, được cho là rời rạc và đáng bàn cãi, điều mà những nhà Khắc kỷ sẽ bác bỏ. Kiểu “tự do” các nhà Khắc kỷ quan tâm là kiểu tự do đến từ kỷ luật thực tiễn, hoặc phát triển khả năng chịu đựng và kìm chế đủ để vượt qua sự chi phối của các Cảm xúc phi lý.
Thực hành: Chìm đắm vào hiện tại
Ở phần sau chúng ta sẽ xem xét các bài tập khác có tác dụng với “chánh niệm”, đồng thời tập trung sâu hơn vào “bây giờ và ở đây”. Tuy nhiên, lúc này hãy bắt đầu thử nghiệm tập trung cao độ vào thời khắc hiện tại bằng những cách sau:
• Trong ngày, hãy cố hướng suy nghĩ tập trung vào thời khắc hiện tại thay vì để đầu óc vẩn vơ suy nghĩ về quá khứ hay lo lắng về tương lai.
• Nếu bạn phải nghĩ về điều gì khác thì cũng không sao, nhưng hãy cố để mắt tới thời khắc hiện tại, cố gắng nhận biết cách bạn sử dụng cơ thể và tâm trí – để tâm vào mỗi giây phút trôi qua.
• Nếu thấy cần trợ giúp, hãy tưởng tượng thời khắc ấy là lần đầu tiên bạn nhìn thấy thế giới, hoặc tưởng tượng đây là ngày cuối cùng của cuộc đời, tập trung sự chú ý vào suy nghĩ và hành động trong từng thời khắc.
• Nhắc nhở bản thân rằng quá khứ và tương lai là “không quan trọng”, rằng cái tốt đẹp tối thượng (eudaimonia) chỉ có thể tồn tại trong bạn ngay lúc này, trong thời khắc hiện tại.
Hãy bắt đầu bằng cách nỗ lực dành nhiều thời gian để nhận thức về hiện tại, đặc biệt là với tư duy và hành động của mình. Sau đó, hãy đánh giá quá trình này. Có các lý lẽ nào để tán thành hay phản đối việc thực hiện điều này? Làm thế nào để tận dụng những điều có lợi và ngăn chặn những điều bất lợi thấy trước?
Ghi nhớ: “Lập luận lười biếng”
Đa số mọi người phản ứng với thuyết tất định của các nhà Khắc kỷ (thuyết cho rằng mọi việc trên đời nhất thiết phải xảy ra như đã được định sẵn) với lập luận: “Nếu mọi thứ đã được định đoạt sẵn, thì làm gì đi nữa cũng có ý nghĩa gì?”. Chrysippus gạt bỏ ngay lập luận này, cho đây là sự ngụy biện thô thiển mà ông gọi là “lập luận lười biếng” (agos logos) vì nó rõ ràng vừa lười biếng vừa cho thấy kiểu tư duy lười biếng. Các sự kiện không được định đoạt phải xảy ra theo một con đường cụ thể bất kể bạn làm gì, mà chúng xảy ra theo hành động của bạn. Suy nghĩ và hành động của bạn là một phần của chuỗi nguyên nhân tạo thành vũ trụ. Dù vậy, kết quả của các sự kiện vẫn thường phụ thuộc vào hành động của bạn.
Mọi thứ chỉ được “số mệnh định đoạt” như là hệ quả của các nguyên nhân đi trước, giống như khi bạn quẹt que diêm, nếu không có thứ gì khác ngăn cản, que diêm chắc chắn sẽ bùng cháy. Các nhà Khắc kỷ muốn nói rằng số mệnh thực hiện công việc của nó thông qua chúng ta, vì vậy, ngay cả khi có những điều có vẻ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để đạt được, thì việc chúng ta có nỗ lực hay không cũng được định đoạt song song với kết quả. Theo người Khắc kỷ, bạn đang đọc những dòng này vì sự tất yếu mang tính nhân quả đã đưa bạn tới thời điểm này.
Điều xảy ra sau đó phần nào phụ thuộc vào việc bạn chọn làm gì tiếp theo, vì bạn là một mắt xích trong toàn bộ cỗ máy vũ trụ mênh mông này. Tuy nhiên, bản thân lựa chọn của bạn là hệ quả của cả một chuỗi nhân quả to lớn, đặt trong chuyển động hàng tỷ năm trước khi bạn ra đời, từ thuở sơ khai của vũ trụ.
Suy ngẫm về hiện tại
Trong các phân tích học thuật về cuốn Meditations, Hadot đã đề cập tới một cảnh trong phim The Dead Poet Society (tạm dịch: Hội những nhà thơ quá cố, 1989) trong đó nhân vật do Robin William thủ vai, một người thầy dạy văn học Anh, đã yêu cầu học trò của ông quan sát kỹ bức ảnh chụp một nhóm học trò cũ của trường đã qua đời từ lâu (Hadot 1998, tr. 171). Ông yêu cầu một học trò đọc to bài thơ “To the Virgins, To Make much of Time” (tạm dịch: Hỡi các trinh nữ, hãy tận dụng thời gian, 1648) của Robert Herrick, lấy cảm hứng từ chủ đề triết học về sự ngắn ngủi và cái chết trong thơ ca La Mã cổ:
Hái những nụ hồng khi nàng còn có thể
Thời gian cứ trôi mãi trôi
Và nụ hồng này hôm nay còn hé nở
Ngày mai sẽ tàn phai
Ông so sánh điều này với thành ngữ Carpe diem nghĩa là “tận dụng từng ngày”, một câu trích dẫn của Horace, nhà thơ La Mã theo chủ nghĩa Khắc kỷ và cả chủ nghĩa Epicurus. Việc suy tưởng về các thế hệ đã qua đời và về sự ngắn ngủi của cuộc sống là một chiến lược tâm lý thường được các triết gia và nhà thơ Hy Lạp sử dụng để khích lệ chúng ta nhìn thấy giá trị của khoảnh khắc hiện tại. Chẳng hạn, Marcus Aurelius tự nhủ mình hãy hình dung lại cung điện của vị hoàng đế La Mã đầu tiên, Augustus, với tất cả các tướng lĩnh, quan lại và suy ngẫm về việc tất cả họ đã chết và ra đi như nhau ra sao.
Điều này nhấn mạnh rằng tập trung vào “bây giờ và ở đây” là một bài tập tâm lý quan trọng của chủ nghĩa Khắc kỷ, nhất là trong cuốn Meditations của Marcus Aurelius. Nó liên quan tới ba kỷ luật của người Khắc kỷ, vì chỉ có sự phán xét, khao khát và hành động hiện tại của chúng ta mới thật sự “phụ thuộc vào ta” trong bất kỳ thời khắc nào.
Chẳng có gì quan trọng đối với trí óc của ta, ngoại trừ hành động của chính nó – thứ vốn nằm trong tầm kiểm soát của ta. Và chỉ có những hành động hiện tại mới đáng kể, hành động quá khứ và tương lai đều là vô nghĩa.
(Meditations, 6.32)
Tuy nhiên, triết lý tập trung vào “bây giờ và ở đây” dường như đặc biệt liên quan tới Vật lý học Khắc kỷ và mối quan hệ của chúng ta với Tự nhiên. Có hai lợi ích rõ rệt từ việc tập trung vào thời khắc hiện tại:
1. Khó khăn trở nên dễ chịu đựng hơn khi được quy giản thành một chuỗi những khoảnh khắc thoáng qua, khiến chúng ta dễ chấp nhận số mệnh của mình hơn.
2. Chánh niệm to lớn hơn được đưa vào phẩm chất (tốt hay xấu) trong các hành động hiện tại của chúng ta.
Marcus Aurelius mô tả phương pháp thứ nhất này như sau: “Hãy nhắc nhở bản thân anh rằng quá khứ hay tương lai chẳng có ý nghĩa với anh cả, mà chỉ có hiện tại, và hiện tại này sẽ trở nên nhỏ bé hơn nếu anh giới hạn và cô lập nó” (Meditations, 8.36). Bằng cách tập trung vào những điều hiện tại, thay vì lo lắng về tương lai, chúng ta có thể tiếp nhận sự việc từng bước một và vượt qua các trở ngại tưởng chừng quá sức.
Chiến lược quan sát thời khắc hiện tại một cách biệt lập này của các nhà Khắc kỷ dường như có quan hệ gần gũi với một kỹ thuật khác mà Hadot gọi là “định nghĩa theo vật lý”. Kỹ thuật này đòi hỏi trau dồi sự điềm tĩnh gắn với một triết gia tự nhiên hay một nhà khoa học. Chúng ta cần thực hành mô tả một sự vật hay một sự kiện đơn thuần dựa trên các đặc tính khách quan của nó, bỏ qua mọi lời lẽ mô tả hoa mỹ chủ quan hay những phán xét giá trị, để đạt được một “kiểu mô tả khách quan” (phantasia katalêptikê). (Chúng ta sẽ thảo luận về điều này khi nói đến phần “Kỷ luật Phán xét”). Tuy nhiên, điều này cũng có thể liên quan tới một phương pháp phân chia, đặc biệt là trong các tác phẩm của Marcus Aurelius, mà tôi gọi là “giảm nhẹ bằng phân tích”. Với phương pháp này, sự kiện được chia nhỏ và bình tĩnh mổ xẻ thành các thành tố hoặc các khía cạnh riêng lẻ.
Đây cũng là một khía cạnh quan trọng khác góp phần nâng Vật lý học Khắc kỷ tiến hóa thành một loại trị liệu tâm lý. Ví dụ, Marcus nhận thấy rằng nếu chúng ta chia nhỏ một điệu múa quyến rũ hoặc một tác phẩm âm nhạc thành các phần riêng lẻ, để phân tích khách quan, thì có lẽ chúng sẽ mất đi sức mạnh lôi cuốn tâm trí chúng ta. Khi cảm thấy bị choáng ngợp bởi lo lắng hay suy nghĩ, chúng ta cũng nên làm vậy, trong một lúc chỉ nên đối mặt với từng khía cạnh đơn lẻ của sự kiện và xem xét chúng một cách khách quan. Điều này cũng giống thái độ của một triết gia tự nhiên cổ đại, hoặc sự suy xét độc lập có lý trí và tính khách quan được các nhà khoa học hiện đại coi trọng. Thật vậy, ngoại trừ đức hạnh và những điều tốt đẹp khác, chúng ta nên lập tức nhắm đến các bộ phận của bất kỳ quá trình nào, chia nhỏ chúng cho tới khi có thể xem xét sự việc một cách vô tư, không thiên kiến.
Lợi ích thứ hai của việc tập trung vào thời khắc hiện tại là nó giúp tăng cường trải nghiệm tự nhận thức. Nếu không, chúng ta có xu hướng bị các suy nghĩ về quá khứ và tương lai cuốn đi, và rồi mất kết nối với thời khắc hiện tại. Seneca mô tả điều này trong một đoạn văn đặc biệt, trong đó ông quan sát một cách tinh tế rằng hầu hết đau khổ của con người có liên quan tới những suy tưởng về quá khứ hay lo lắng cho tương lai, rằng không ai giới hạn sự chú tâm của mình chỉ nằm gọn trong thời khắc hiện tại.
Khi nhìn thấy hiểm nguy, thú hoang bỏ chạy khỏi đó.
Một khi đã thoát, chúng sẽ hết lo lắng.
Còn chúng ta cứ tự tra tấn mình bằng cả quá khứ lẫn tương lai.
(Letters, 5)
Với người Khắc kỷ, điều tốt đẹp chỉ tồn tại “bây giờ và ở đây”, bởi đó chính là nơi khởi nguồn các hành động tự nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, mọi thứ trên đời thường kết hợp lại khiến tâm trí chúng ta lang thang khỏi khởi nguồn của nó. Điều này xảy ra càng nhiều thì tâm trí chúng ta càng trở nên ít tập trung và lơ đễnh. Đa số mọi người kiếm tìm Hạnh phúc một cách quanh co qua những thứ bên ngoài mà họ hy vọng có được trong tương lai. Ngược lại, các nhà Khắc kỷ cố tập trung chú ý vào việc trở nên tốt đẹp ngay lúc này, trong thời khắc hiện tại, vì đó là con đường trực tiếp và duy nhất dẫn tới eudaimonia hay Hạnh phúc đích thực. Bằng cách dồn hết sự tập trung vào hiện tại, không để quá khứ hay tương lai quấy nhiễu, chúng ta hoàn toàn có thể bình thản chấp nhận những thứ không quan trọng, trong khi vẫn nuôi dưỡng sự khôn ngoan và công bằng trong hành động. Liệu pháp trị liệu Cảm xúc của các nhà Khắc kỷ vì vậy đòi hỏi sự tập trung mạnh mẽ và liên tục trong từng thời khắc.
Tư tưởng chính: Tập trung vào hiện tại
Chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại chắc chắn là một triết thuyết về hiện tại, dù ngày nay nhiều người liên hệ khái niệm này với các trường phái triết học phương Đông, đặc biệt là Phật giáo. Sống tập trung vào thời khắc hiện tại là một bài thực hành được nhấn mạnh xuyên suốt trong cuốn Meditations của Marcus Aurelius. Với người Khắc kỷ, quá khứ và tương lai là không quan trọng vì chúng không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Điều tốt và điều xấu chỉ thật sự trú ngụ trong thời khắc hiện tại. Con người tiến hóa hơn các sinh vật khác ở khả năng hồi tưởng lại quá khứ hoặc lập kế hoạch cho tương lai, thông qua ngôn ngữ và lý trí. Tuy nhiên, làm vậy sẽ khiến chúng ta bỏ qua vai trò của ý chí trong thời khắc hiện tại, nơi đức hạnh có thể khởi đầu.
Vì vậy, các nhà Khắc kỷ luyện cho mình tập trung vào thời khắc hiện tại bằng cách thường xuyên tự nhắc nhở rằng họ có thể chết vào ngày mai, chính vậy cần “tận dụng từng ngày”, tìm kiếm sự thăng hoa và đạt được eudaimonia ngay “bây giờ và ở đây”. Nói cách khác, điều quan trọng nhất trong vũ trụ ngự trị ngay trong bản thân bạn, ở đây, trong thời khắc hiện tại này.
Thực hành: Chia và trị
Hãy thử làm bài tập này với nhiều tình huống khác nhau để xem bạn có thể thay đổi phản ứng cảm xúc của mình bằng cách mổ xẻ mọi thứ thành các bộ phận, tách chẻ trải nghiệm của mình ra và xem xét chúng một cách riêng rẽ hay không.
1. Hãy nhắm mắt và dành vài phút hình dung lại tình huống gần đây cho bạn cảm xúc hoặc khao khát mạnh mẽ, điều mà bạn cảm thấy sẽ lành mạnh và hữu lý hơn nếu được thay đổi.
2. Hãy từ từ mô tả sự kiện ấy cho chính mình bằng cách nói thành tiếng, không đánh giá, can thiệp hay dùng ngôn ngữ xúc động. Thay vào đó, hãy tưởng tượng bạn như một nhà khoa học ghi lại những gì quan sát được về tình huống ấy dưới góc nhìn vô tư và không thiên vị.
3. Chia nhỏ tình huống thành các thành tố và cố nghĩ về từng thành tố một, mổ xẻ chúng thành các phần tử riêng rẽ. Ví dụ, mùi của món ăn, các thành phần trên đĩa, màu sắc,…
4. Xem xét lần lượt từng thành tố, mỗi thành tố độc lập, tách rời khỏi những cái khác và với mỗi thành tố, hãy tự hỏi: “Cái phải cái này gây ra cảm giác đó không?”.
5. Tập trung vào việc chấp nhận mỗi thành tố là không quan trọng, hoàn toàn không liên quan gì tới eudaimonia.
Nếu mỗi thành tố của tình huống khi được xử lý riêng rẽ, độc lập với các bộ phận khác có vẻ dễ chịu đựng hơn, thì tại sao khi suy nghĩ về chúng cùng với nhau ta phải thấy choáng? Tiếp tục luyện tập phân tích mổ xẻ theo cách này, chia nhỏ hơn nữa nếu cần, cho tới khi kỹ năng này trở thành thói quen.
Ghi nhớ: Quan niệm về tự do của người Khắc kỷ
Người Khắc kỷ có một “nghịch lý” nổi tiếng, họ tin rằng nhà Hiền triết là người hoàn toàn tự do ngay cả khi bị giam cầm bởi một tên bạo chúa. Niềm tin này thường bị đặt vào thử thách vì các triết gia cổ đại thường bị tù đày, thậm chí bị hành quyết. Tự do của một người khôn ngoan nằm ở chỗ anh ta tuân theo bản chất lý tính của mình, thực hiện những gì nằm trong tầm kiểm soát của anh ta bằng sự khôn ngoan và đức hạnh. Trí óc của anh ta như ngọn lửa cháy sáng, nuốt trọn bất cứ thứ gì được ném vào đó. Các chướng ngại vật trên đường hành động của anh ta chỉ có thể trở thành cơ hội để anh ta thể hiện tính cách và các đức hạnh khác. Anh ta chỉ muốn sống khôn ngoan, thích nghi với các sự kiện theo một cách thức hòa hợp với lý trí và không gì có thể ngăn cản anh ta làm điều này. Thứ gì chắn đường sẽ trở thành đường. Có thêm cơ hội để rèn luyện đức hạnh là tất cả những gì anh ta thật sự muốn làm trong đời.
Do vậy, theo các nhà Khắc kỷ, một người tự do là người có niềm khao khát không bị ngăn trở. Nếu chỉ khao khát những gì trong tầm kiểm soát của mình thì chúng ta không bao giờ thất vọng, sự tự do của chúng ta được bảo đảm dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. Ngược lại, nếu khao khát những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho của cải và các khao khát của mình. Tệ hơn nữa, nếu ai đó kiểm soát những gì chúng ta khao khát, ta sẽ trở thành nô lệ của người đó. Các nhà Khắc kỷ thích lấy ví dụ về những người khôn ngoan thách thức các tên bạo chúa. Đa số mọi người đều có thể nằm dưới sự kiểm soát các tên bạo chúa, những kẻ đe dọa cuộc sống, nắm giữ tài sản của họ – những thứ họ khát khao níu giữ. Tuy nhiên, nhà Hiền triết coi những thứ này là không quan trọng, và tên bạo chúa không thể động tay vào bất cứ thứ gì mà nhà Hiền triết khao khát, cũng không bao giờ có thể khiến anh ta sợ hãi.
Yêu số mệnh của mình và vui vẻ chấp nhận
Thực thế Epictetus đã từng mô tả cho học trò của mình về một quá trình ba giai đoạn liên quan tới Kỷ luật Khát khao. Ông bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng các nhà Khắc kỷ cần phải nghiêm khắc tự rèn luyện mình trong việc tuân thủ các nguyên tắc và có sẵn những lời lẽ có thể được áp dụng mọi lúc. Những lời lẽ này nên được viết ra, đọc đi đọc lại, phân tích và thảo luận cho tới khi hiểu thấu và thuộc lòng. Chúng ta nên tập dượt trước những tình huống tai ương mà đa số mọi người đều lo sợ trong cuộc sống, chuẩn bị trước để đón nhận chúng.
Vậy, nếu một trong những điều được coi là “không mong muốn” xảy ra, thì suy nghĩ tức thì rằng điều này đã được lường trước sẽ lập tức làm vơi bớt gánh nặng. Vì trong mọi trường hợp, sẽ rất có ích nếu ta có thể nói thế này: “Ta biết đứa con trai ta sinh ra rồi sẽ chết” [một câu nói nổi tiếng của Xenophone]. Tương tự, anh cũng có thể nói: “Ta biết rồi ta sẽ chết”, “Ta biết ta có thể bị lưu đày”, “Ta biết ta có thể bị giam cầm”. (Discourses, 3.24)
Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về tầm quan trọng của việc lường trước những điều này trong chương nói về việc “tiên liệu tai ương”. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét điều Epictetus đã nói với học trò, rằng họ phải làm gì khi một sự kiện đã lường trước thật sự xảy ra. Ông khuyến cáo người ta nên trải qua ba bước dưới đây:
1. Tự nhủ rằng bạn đã lường trước rằng vận rủi này có thể xảy ra, chẳng hạn: “Tôi biết con trai tôi rồi sẽ chết”.
2. Tự nhắc nhở mình rằng điều gì ngoài tầm kiểm soát của bạn thì không liên quan gì tới eudaimonia, chẳng hạn: “Đây là thứ ngoại tại nên không thật sự làm hại tới ta”.
3. Epictetus nói bước thứ ba là bước mang tính quyết định nhất: Tự nhủ bản thân rằng điều này là do số mệnh, từ ý chí của Thượng đế mà ra và đã được định đoạt bởi chuỗi nguyên nhân đã tạo nên toàn thể. Chẳng hạn: “Nếu đây là ý trời thì đành vậy”.
Người Khắc kỷ rõ ràng đã nhấn mạnh mục tiêu của việc rèn luyện thái độ thờ ơ trước những điều không quan trọng, nhưng họ cũng nói về việc vui vẻ chào đón mọi sự kiện bên ngoài – điều này nghe như một mâu thuẫn khó hiểu. Hadot giải thích như sau:
Bởi vì một sự kiện bên ngoài như vậy không phụ thuộc vào ta, bản thân nó thì không quan trọng, nên chúng ta có thể chắc rằng người Khắc kỷ chào đón nó với thái độ thờ ơ. Tuy nhiên, thờ ơ không có nghĩa là lạnh lùng. Ngược lại: bởi một sự kiện như vậy là biểu hiện của tình yêu mà Đấng toàn năng dành cho chính sự kiện, bởi nó có ích cho Đấng toàn năng và đến từ ý chí của Ngài, nên chúng ta phải mong muốn nó và yêu quý nó. Bằng cách đó, ý chí của ta sẽ đồng nhất với ý chí thánh thần, điều đã thúc đẩy sự kiện này xảy ra. Thờ ơ với những điều không quan trọng – những thứ không phụ thuộc vào ta – trên thực tế có nghĩa là không phân biệt giữa mọi thứ: nghĩa là yêu chúng bằng nhau, cũng như Tự nhiên hay Đấng toàn năng sản sinh ra chúng với tình yêu công bằng.
(Hadot, 1998, tr. 142)
Marcus cũng nói về nhu cầu tìm được sự thỏa mãn ở các sự kiện bên ngoài xảy đến với chúng ta, rằng chúng ta nên “vui vẻ chào đón chúng”, “vui vẻ chấp nhận chúng”, “yêu mến” chúng và “muốn” chúng xảy ra như số mệnh đã định đoạt. Chúng ta có thể so sánh điều này với khái niệm amor fati - yêu mến số phận, của Nietzche.
Công thức của tôi về cái vĩ đại ở nhân loại là amor fati: không ao ước bất kỳ điều gì hơn cái vốn có, dù là cái đã lùi về sau, cái trước mắt, hay cái tồn tại suốt cõi vĩnh hằng. Không chỉ chịu đựng những điều khó lòng tránh khỏi – lại càng không che giấu nó, bởi toàn bộ chủ nghĩa lý tưởng đang lừa dối chính mình khi đối mặt với điều tất yếu – mà còn yêu nó.
(Nietzche, Ecce Homo, 10)
Nietzche nói rằng thái độ amor fati này có liên quan mật thiết với một môn thực hành khác giống như Vật lý học Khắc kỷ, sự chiêm nghiệm về vạn vật hay “góc nhìn từ trên cao”:
Khi nhìn từ trên xuống và từ góc nhìn thể tổng thể nền kinh tế vĩ đại thì mọi thứ cần thiết đều có ích như nhau. Chúng ta không chỉ chịu đựng chúng mà còn phải yêu mến chúng. […] Amor fati: đó là bản chất sâu thẳm nhất bên trong tôi.
(Nietzsche contra Wagner, Epilogue)
Một lần khác, ông nói bằng cách làm cho bản thân mình hoàn toàn thỏa mãn với bất kỳ thứ gì, dù chỉ một khắc, chúng ta đã đồng tình với toàn bộ sự sống và với bản thân, chúng ta chấp nhận và xác nhận toàn cõi vĩnh hằng trong một hành động bất hủ. Điều này có lẽ giống một nhận xét của Chrysippus: “Nếu anh có được sự khôn ngoan trong một khắc, thì anh cũng không ít hạnh phúc hơn so với người sở hữu nó vĩnh viễn” (Plutarch, On Common Conceptions, 8.1062a).
Tư tưởng chính: Khái niệm yêu số mệnh (amor fati) của Nietzsche
Piere Hadot mượn thuật ngữ Latinh amor fati (yêu số mệnh của mình) từ Friedrich Nietzsche, triết gia người Đức thế kỷ 19. Nietzsche là một giáo sư triết học cổ điển, nghiên cứu ngôn ngữ, và có lẽ chính ông đã tạo ra thành ngữ này. Mặc dù các nhà Khắc kỷ không trực tiếp sử dụng thành ngữ này, nhưng Hadot cho rằng thành ngữ này nắm bắt cực kỳ chính xác thái độ triết học của các nhà Khắc kỷ đối với cuộc sống.
Tất nhiên, triết học của Nietzche không giống chủ nghĩa Khắc kỷ, mặc dù cũng có một số điểm tương đồng mà ta sẽ đề cập sau. Khái niệm amor fati bao hàm thái độ chấp nhận của người Khắc kỷ, một thứ rất cơ bản đối với Kỷ luật Khát khao. Nhà Hiền triết có ý thức về “lòng mộ đạo” đối với Tự nhiên hay sự sùng kính đối với toàn thể vũ trụ, và mặc dù anh ta làm những gì anh ta cho là phù hợp trong những tình huống nhất định, đôi khi đòi hỏi lòng can đảm và đức tính kỷ luật tự giác cao độ, nhưng anh ta vẫn chấp nhận kết quả với sự thanh thản hoàn toàn. Nói rằng nhà Hiền triết sẽ vui vẻ chấp nhận cả cái chết của con mình thì có vẻ vô lý, chính xác hơn phải nói rằng anh ta vui vẻ chấp nhận cuộc sống như tổng thể, dù trong đó bao hàm những sự kiện riêng lẻ mà đa số mọi người sẽ đánh giá là “tồi tệ” hoặc “tai họa”.
Thực hành: Bài tập về thái độ chấp nhận kiểu Khắc kỷ
Hãy dành vài phút để luyện tập thái độ sẵn sàng chấp nhận hoàn toàn sự vật như nó vốn có chứ không phải như bạn mong muốn. Việc bạn thừa nhận số phận, mong muốn sự việc diễn ra theo chiều hướng nhất định trong tương lai có thể rất có lý và lành mạnh. Tuy nhiên, bạn lại chẳng thể thay đổi được quá khứ xa xôi hay thậm chí cả những điều vừa xảy ra. Bạn chỉ có thể tác động tới tương lai trong chừng mực nào đó bằng cách thay đổi cách suy nghĩ và hành động hiện tại. Vì vậy, hãy tập trung vào việc chấp nhận rằng quá khứ không thể thay đổi được nữa và tương lai cũng có thể không diễn ra như bạn mong muốn. Hãy thử làm các bài thử nghiệm tư duy sau đây:
1. Hãy hình dung vũ trụ đã được thiết kế để thỉnh thoảng mang tới cho bạn những thách thức, có thể coi như đó là một dạng liệu pháp mà thần Zeus chỉ định cho bạn, để bạn có thể tiến tới Hạnh phúc bằng cách chấp nhận chúng và phản ứng phù hợp bằng đức hạnh.
2. Tương tự, hãy hình dung rằng bạn đã vô thức lựa chọn và tạo ra toàn bộ số mệnh của chính mình, để giúp bạn học hỏi và trưởng thành như một cá nhân.
3. Suy ngẫm về ý tưởng cho rằng các sự kiện và cách bạn phản ứng với chúng, không thể diễn ra theo cách nào khác, mà đã được định đoạt một cách nghiêm ngặt bởi các quy luật của Tự nhiên, để diễn ra chính xác như cách chúng diễn ra. Như các nhà Khắc kỷ đã nói, chúng ta không thương tiếc việc đứa trẻ sơ sinh không biết nói, bởi đó là việc tự nhiên. Tương tự, ta chẳng thất vọng vì mình không có cánh như loài chim thì cũng chẳng có lý gì ta lại phải buồn bực vì những tai ương số mệnh mang lại.
4. Hãy tự nhủ rằng rốt cuộc thì chẳng có gì trên đời là quan trọng, ngoại trừ phản ứng chủ động hiện tại của bạn với các sự kiện, tức là bạn có thể chọn bất kỳ thời điểm nào để chấp nhận mọi thứ thuộc về thân thể và cái bên ngoài là không quan trọng, là tuyệt đối vô giá trị khi so với khả năng của bạn trong việc vượt lên trên chúng “một cách cao thượng”, thứ khả năng được bắt đầu bằng chính thái độ chấp nhận này.
Thử tìm những cách khác có thể giúp bạn tập luyện thái độ chấp nhận một cách triết học và thường xuyên luyện tập trong ngày.
Ghi nhớ: Chấp nhận không có nghĩa là từ bỏ
Đa số mọi người bị lẫn lộn giữa chấp nhận và từ bỏ. Dẫu sau thì, các nhà Khắc kỷ cổ đại hoàn toàn không phải là những cái “thảm chùi chân1”. Hình mẫu trong truyền thuyết của họ là thần Hercules, người đã đạt được mười hai kỳ công bằng lòng can đảm và tính nhẫn nại huyền thoại. Môn đồ của Zeno, vua Antigonus xứ Macedonia, là một trong các lãnh tụ quân sự hùng mạnh nhất thời ấy. Và học trò yêu quý của Zeno, Persaeus, đã dành cả đời để bảo vệ nguyên tắc của mình. Cato trở thành người anh hùng La Mã, đặc biệt đối với các nhà Khắc kỷ đời sau, khi ông đưa đội quân Cộng hòa đã kiệt quệ hành quân qua các sa mạc châu Phi để đấu trận cuối ở Utica trước quân đoàn đang tiến công của bạo chúa Julius Caesar. Hoàng đế Marcus Aurelius, sinh thời cũng là vị lãnh tụ quân sự chính trị hùng mạnh nhất, đã liên tục dẫn dắt quân đội của mình chinh chiến để bảo vệ thành Rome, chống lại sự tấn công của những người man dã. Tài liệu Khắc kỷ còn sót lại nhắc nhiều đến những người anh hùng với các chiến công khác. Trên thực tế, người Khắc kỷ quyết tâm thực hiện những hành động phù hợp trong thế giới, như chúng ta sẽ thấy khi chuyển sang thảo luận về “Kỷ luật Hành động”.
1 Một quan niệm sai lầm về người Khắc kỷ, ý nói người Khắc kỷ chấp nhận mọi thứ người khác đối xử với họ.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Kỷ luật Khát khao và Chán ghét đặc biệt liên quan tới liệu pháp kiểm soát Cảm xúc của người Khắc kỷ và liên quan tới việc chấp nhận rằng những điều nằm ngoài tầm kiểm soát là số mệnh của chúng ta và là một phần của toàn thể Tự nhiên.
• Suy ngẫm về hiện tại là một phần không thể tách rời của việc thực hành thuyết Khắc kỷ, đặc biệt liên quan tới Kỷ luật Khát khao.
• Amor fati, hay sẵn sàng, thậm chí vui vẻ chấp nhận số mệnh cũng là một thành tố nền tảng của việc thực hành thuyết Khắc kỷ.
Bước tiếp theo
Chúng ta đã thảo luận về các Cảm xúc phi lý. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ xem xét chi tiết thái độ của người Khắc kỷ đối với các cảm xúc lành mạnh như tình yêu và tình bằng hữu. Khía cạnh xã hội của chủ nghĩa Khắc kỷ, theo Epitetus, giải thích vì sao các nhà Khắc kỷ không đơn thuần là những người vô cảm như sắt đá, có lẽ vì nó dựa trên quan niệm nền tảng về “tình thương mến tự nhiên”, cơ sở của lòng nhân ái Khắc kỷ.