Cậu thanh niên đứng ngâm mình trong hồ bơi, nước đến thắt lưng, đang dẫn dắt một lớp thể dục dưới nước cho người già. Cậu mặc chiếc áo phông màu xanh có logo của nhà an dưỡng hưu trí, cổ đeo còi và trên áo có một bảng tên lớn. Tuy không đọc được, nhưng tôi biết, đó là Jesse, đứa bé ta đã nhắc đến ở Chương 3.
Lần cuối cùng tôi thấy Jesse, 10 năm trước, em vẫn đang hôn mê trên giường bệnh.
Tôi quan sát Jesse qua cửa sổ. Em đang nhiệt tình dẫn dắt tám thành viên cộng đồng hưu trí theo nhịp độ của mỗi người. Em mỉm cười đi từ người này sang người khác, chỉnh tư thế cho họ, nhẹ nhàng đỡ phần vai cho một phụ nữ. Có thể thấy rõ là họ quý Jesse và em cũng quý họ. Em vui vẻ, họ cũng vui. Cậu bé thuộc về nơi này.
Lần đầu tôi đánh giá Jesse là trong buổi tham vấn với nhóm lâm sàng ở một tiểu bang khác. Sau cuộc hội chẩn trực tiếp ban đầu, diễn ra trong lúc Jesse vẫn hôn mê, tôi tiếp tục theo dõi sự tiến bộ của em và hội ý từ xa cùng nhóm của Jesse. Sau khoảng một tháng, Jesse tỉnh dậy. Tuy ban đầu có dấu hiệu tổn thương não nghiêm trọng, nhưng dần dần, chầm chậm, mọi chức năng cơ thể đều đã trở lại, ngoại trừ một số khía cạnh về trí nhớ dài hạn, đặc biệt là ký ức tường thuật. Ký ức “tự truyện” của em về cuộc sống trước khi hôn mê nằm trong những mảnh vỡ lộn xộn. Khi được hỏi về con người, địa điểm và sự kiện, Jesse không nhớ được. Nhóm nghiên cứu thần kinh cho rằng điều này liên quan đến chấn thương não em gặp phải. Nhưng bởi từng chứng kiến nhiều trường hợp mất trí nhớ sau chấn thương, tôi lại không chắc như vậy. Khuyến nghị của tôi là hãy kiên nhẫn chờ đợi. Hãy giúp cậu bé trở lại với việc đi bộ, trò chuyện, di chuyển, giao tiếp xã hội. Chúng tôi theo dõi trí nhớ của Jesse, tập trung vào các kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn. Quan trọng nhất, hãy đưa em đến một môi trường an toàn, ổn định và bảo bọc, lần đầu tiên trong đời.
Ban đầu, do lộ trình phục hồi chức năng, Jesse cần một kế hoạch theo nhu cầu đặc biệt. Một nhân viên xã hội trong nhóm, quả là thông minh hơn tôi rất nhiều, đã đề nghị đưa em vào một cộng đồng hưu trí địa phương, nơi có môi trường sinh hoạt liên tục, từ các căn hộ sở hữu độc lập đến các phòng đơn kiểu ký túc xá, đến các giường phục hồi chức năng đặc biệt cho các nhu cầu truyền thống. Một số nhân viên lớn tuổi của cộng đồng được cung cấp nơi ăn chốn ở tại chỗ như một phần thù lao cho công sức bỏ ra – các nhân viên xã hội là một trong những người như vậy. Cả hai sống cùng nhau trong khuôn viên cộng đồng hưu trí, và họ đồng ý “nhận nuôi” Jesse. Đó là một cộng đồng thực sự – có nhiều tòa nhà, có vườn, có phòng tập, có hồ bơi và các phòng vận động, có thư viện, tiệm làm tóc, vài phòng ăn và một quán cà phê. Quả thực là một địa điểm tuyệt vời.
Jesse chuyển đến và ngay lập tức được các nhân viên lẫn cư dân chào đón. Sau thời gian đầu học ở nhà, trong vòng một năm em đã có thể đi bộ xuống phố để đến trường công lập. Em tiếp thu được các nội dung học, không gặp phải vấn đề gì về hành vi cả ở nhà hay ở trường. Nhưng dù có kết giao với vài người bạn, Jesse chẳng thật thân thiết hay thoải mái với bạn bè cùng lứa dù ai cũng mến cậu. Mối quan hệ tốt nhất em có là với cha mẹ nuôi và những người lớn tuổi. Em bắt đầu làm phụ tá, giúp cư dân di chuyển khắp khu phức hợp và đến các cuộc hẹn khác nhau của họ trong cộng đồng, rồi em học lái xe. Năm 18 tuổi, em được phép chuyển sang một nơi sống tự lập ngay cạnh nhà cha mẹ nuôi. Rồi em tốt nghiệp trung học. Khi này, ở tuổi 23, em đã độc lập về mặt pháp lý nhưng vẫn gắn kết với cha mẹ nuôi và luôn được coi là một phần của gia đình. Em học bán thời gian tại trường đại học cộng đồng, tập trung vào các lớp giáo dục thể chất với nguyện vọng trở thành một nhà vật lý trị liệu. Tại cộng đồng hưu trí, em được thăng chức lên vai trò trợ lý quản lý mảng giải trí, một phần thù lao được quy thành nơi ăn chốn ở. Jesse đã tìm thấy mái nhà an toàn, ổn định và bảo bọc mình. Hàng nghìn, hàng nghìn khoảnh khắc trị liệu phi cấu trúc trong cộng đồng đã giúp em được chữa lành.
Thỉnh thoảng, tôi được các đồng nghiệp cập nhật thông tin. Tôi vẫn băn khoăn về trí nhớ của Jesse. Em đã phải trải qua một tuổi thơ kinh hoàng – bị lạm dụng dưới nhiều hình thức, bị bỏ rơi, bị phản bội, bị hạ nhục kinh khủng. Tuy nhiên, khi hồi phục sau chấn thương vùng đầu, em không bốc đồng, hung hăng, thiếu chú ý hay thù địch. Mặc dù có phản ứng sinh lý với một số dấu hiệu khơi gợi nhất định, song em vẫn không bị PTSD hoặc các triệu chứng liên quan đến sang chấn dễ quan sát khác. Các chức năng cảm xúc và hành vi của em chưa bao giờ là thứ khiến những người lớn bình thường – hoặc chính em – tìm đến sự trợ giúp về sức khoẻ tâm thần.
Tiến sĩ Anderson là bác sĩ thần kinh đã làm việc với Jesse trong nhiều năm. Bởi sắp đến thị trấn, tôi đã hỏi ông ấy về tình hình của Jesse. Ông ấy đề nghị tôi tự quan sát và đã hỏi Jesse xem liệu em có sẵn lòng ăn trưa cùng tôi không.
“Cháu không nhớ đâu, Jesse”, tôi nói khi chúng tôi gặp nhau, “nhưng bác là một trong những bác sĩ đã cùng làm việc với Tiến sĩ Anderson khi cháu bị chấn thương não. Cảm ơn cháu vì đã đồng ý gặp bác”.
Jesse mỉm cười và đưa tay ra. “Vâng, cảm ơn bác khi ấy đã giúp cháu”.
Chúng tôi đến một phòng ăn kiểu quán cà phê, xếp hàng để chọn bữa trưa rồi ngồi trò chuyện. Những câu chuyện xã giao. Jesse hỏi về Texas; tôi hỏi về trường học của Jesse. Chúng tôi cứ nói qua nói lại như vậy cho đến khi Jesse hỏi một cách lịch sự: “Bác đến để phân tích cháu à?”.
Tôi đùa: “Không. Thế thì cậu phải trả tiền cho tôi đấy”.
Jesse mỉm cười. Chúng tôi nhìn nhau, mỗi người đều hiện diện đầy đủ trong khoảnh khắc im lặng, kết nối.
“Nhưng bác thực sự muốn hỏi về trí nhớ của cháu”.
Nỗi buồn từ từ hiện trên khuôn mặt, Jesse nhìn chăm chăm xuống không gian chứa đầy ký ức đau buồn. Tôi để cho những âm thanh ồn ã của căng tin cuốn đi giây phút ấy.
Một người phụ nữ lớn tuổi đến và hôn lên trán Jesse. “Cảm ơn những bông hoa của cháu nhé”, bà nói. “Bà thích lắm”.
Cử chỉ này phá vỡ sự thinh lặng, và Jesse tươi cười, năng động trở lại. “Cháu biết bà sẽ thích mà. Chiều nay mình ra vườn hái thêm một ít nhé bà”.
Khi người phụ nữ bước đi, Jesse có vẻ xấu hổ. Không phải bởi tương tác của họ, mà bởi khoảnh khắc buồn bã trước đó. “Khi cháu mới hồi phục chấn thương đầu, tiến sĩ Anderson nói rằng cháu không còn nhớ gì về thời thơ ấu”, tôi mở lời.
Jesse nhún vai: “Cháu thực sự không muốn nghĩ về tất cả những điều ấy”.
“Chúng ta không cần phải nói tiếp nếu cháu không muốn, Jesse”.
“Không có gì đâu ạ. Cháu chỉ không muốn nghĩ về nó và không muốn làm buồn lòng bất cứ ai”.
“Bác hiểu. Có thể cháu đã biết bác làm việc với rất nhiều người, và họ đã phải trải qua những điều vô cùng tồi tệ, cả trẻ em lẫn người lớn. Và mỗi người đều đã giúp bác hiểu thêm một chút về việc bác phải làm thế nào để có thể giúp đỡ người khác tốt hơn. Vậy nên, khi cháu đã sẵn sàng, bác rất muốn học hỏi từ cháu”. Jesse nhìn tôi chăm chú khi tôi nói. “Cháu đã có một khởi đầu thực sự khó khăn, Jesse. Và bây giờ, cháu ở đây, sau tất cả những gì đã trải qua, học tập, có một công việc tuyệt vời, nhiều mối quan hệ tuyệt vời và có vẻ khá hạnh phúc. Bác cho rằng cháu có thể dạy bác rất nhiều điều”.
“Đôi khi cháu không ngủ được”.
Tôi gật đầu.
“Nhưng lúc đấy thì cháu chỉ dậy và vận động thôi, chạy bộ. Điều đó thực sự hữu ích. Cháu cũng dễ lo âu khi có quá nhiều người xung quanh. Mỗi khi ra ngoài lâu là cháu thực sự chỉ muốn được về nhà”.
“Nhưng ở đây xung quanh cháu lúc nào cũng có người, Jesse nhỉ”.
“Vâng. Đúng vậy. Ý cháu là, cháu không thực sự thích ở gần những người trẻ hơn, hay trẻ con. Quá ồn ào, quá điên rồ”.
Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra nhiều dấu hiệu khơi gợi của Jesse liên quan đến trẻ em và thời thơ ấu. Giọng nói, mùi, trò chơi, phim hoạt hình, thức ăn, bất cứ thứ gì của trẻ em – tuổi thơ của Jesse bị ngập trong đe dọa đến nỗi não của em, vốn đang vật lộn để hiểu về thế giới, đã liên kết hầu hết mọi điều trong thế giới nhỏ bé, bị lạm dụng của em với sự đe dọa. Trong khi đó cuộc sống mới, cuộc sống sau khi em ấn nút reset – khởi động lại, lại diễn ra trong thế giới của những người già. Ngôi nhà hưu trí chứa đầy những trải nghiệm đem lại cảm giác hoàn toàn khác với ở lớp học của trẻ em hay nhà tập thể dành cho thanh thiếu niên. Loại chuyển động, tốc độ chuyển động, cao độ của giọng nói, mùi hương, hình ảnh, lịch trình, âm nhạc, kênh truyền hình yêu thích – tất cả đều khác. Các tương tác quan hệ cũng khác – tương đồng hơn và ít gợi về thời thơ ấu của em hơn. Nơi này thậm chí còn tuyệt vời hơn tôi tưởng. Môi trường này đơn giản là có ít dấu hiệu gợi nhắc gây rối loạn cho Jesse hơn. Ở đây em có được những trải nghiệm ôn hòa, dễ đoán và dễ kiểm soát. Em có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các tương tác; em đẩy xe cho những người ngồi xe lăn; họ phụ thuộc vào em. Theo thời gian, em đã xây dựng cho mình một danh mục “an toàn và quen thuộc” hoàn toàn mới làm nền tảng cho sự chữa lành. Và hàng ngàn tương tác tích cực, mang tính hàn gắn trong 10 năm tại môi trường ổn định này đã khiến em mạnh mẽ hơn.
“Vậy, việc mất trí nhớ...?”, tôi hỏi.
Jesse nhìn tôi, với nụ cười buồn vui lẫn lộn rất khẽ. “Cháu nhớ khá rõ, mọi điều”.
“Ừ, bác hiểu rồi. Một trong những điều bác hiểu được sau nhiều năm là những gì đã xảy ra với ta không dễ mà biến mất. Những trải nghiệm thời thơ ấu có thể tác động đến ta theo nhiều cách. Tuy nhiên, luôn có nhiều cách để ta được chữa lành. Vì vậy, nếu có bất kỳ kỷ niệm nào làm phiền cháu hoặc cháu cảm thấy hoang mang hoặc khó chịu, đừng ngần ngại nhờ giúp nhé. Có nhiều cách có thể khiến những sang chấn dễ vượt qua hơn đấy”. Tôi đưa cho Jesse danh thiếp của mình.
Sau khi bữa trưa kết thúc, một nhóm phụ nữ lớn tuổi đã thích thú kéo Jesse đến buổi tập thể dục tiếp theo, một lớp Zumba đã được điều chỉnh các động tác cho phù hợp với người tập. Khi bước xuống sảnh, em nhìn tấm danh thiếp trên tay, quay lại vẫy tay và nhún nhảy bước đi.
Chúng tôi nói chuyện vài lần một năm. Jesse đang sống rất tốt.
Cả hai chúng tôi đều vẫn đang học hỏi.
–Tiến sĩ Perry
Vào ngày 22 tháng 11 năm 2018, mẹ tôi, Vernita Lee, qua đời .
Cho đến tận giây phút cuối cùng, mối quan hệ này trong tôi vẫn đầy mâu thuẫn.
Sự thật là phải đến khi tôi thành công, mẹ tôi mới bắt đầu quan tâm đến tôi hơn. Tôi đánh vật với câu hỏi phải chăm sóc bà ấy như thế nào. Tôi nợ gì người phụ nữ đã đưa tôi đến cuộc đời này? Kinh Thánh nói: “Hãy hiếu kính cha mẹ”. Nhưng điều đó thực sự có nghĩa gì?
Tôi quyết định rằng một trong những cách hiếu kính khả dĩ là chăm sóc bà về mặt tài chính. Tôi luôn đảm bảo bà có được mọi thứ cần thiết để sống thoải mái, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có bất kỳ mối liên kết thực sự nào. Tôi có thể nói rằng khán giả truyền hình còn hiểu tôi hơn mẹ tôi.
Khi sức khỏe của mẹ bắt đầu giảm sút vào khoảng vài năm trước, tôi biết mình cần chuẩn bị tinh thần cho thay đổi sắp đến. Chỉ vài ngày trước Lễ Tạ ơn, em tôi, Patricia, gọi điện bảo rằng có lẽ đã đến lúc. Tôi lập tức bay đến Milwaukee.
Tôi ngồi với mẹ hàng giờ trong căn phòng 26-27oC – đó là mức nhiệt mẹ mặc định trong căn phòng của mẹ. Chúng tôi hết xem các chương trình của Steve Harvey rồi lại xem đến One Life to Live (tạm dịch: Một đời để sống). Tôi cố nghĩ ra chuyện để nói. Thậm chí, có lúc tôi còn xem cả sách hướng dẫn do nhân viên nhà an dưỡng cuối đời để lại. Tôi đọc những lời khuyên của họ. Trong suốt thời gian ấy, nghĩ mới buồn làm sao, khi tôi, Oprah Winfrey, người từng nói chuyện trực tiếp với hàng nghìn người, lại phải đọc một cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc ở giai đoạn cuối đời để tìm chuyện nói với mẹ mình.
Đến lúc rời đi, dẫu linh tính mách bảo đây sẽ là lần cuối cùng gặp mẹ, nhưng tôi vẫn chỉ quay đi. Những lời cần nói đã không thốt lên được thành tiếng. Tôi chỉ có thể nói rằng: “Tạm biệt mẹ, con sẽ lại đến”.
Và trớ trêu ở chỗ, tôi đã rời đi để đến một buổi diễn thuyết.
Trên chuyến bay về nhà đêm hôm đó, giọng nói nhỏ trong đầu đột nhiên thì thầm điều mà tôi biết trong lòng là sự thật: “Cô sẽ hối hận vì điều này. Cô vẫn chưa làm cho trọn”. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy mình như một kẻ đạo đức giả. Nếu bất kỳ ai khác ở vào hoàn cạnh của tôi, tôi sẽ khăng khăng nói với họ: “Cô cần phải quay lại đó, để nói điều cần phải nói”.
Tôi quay trở lại Milwaukee.
Trải qua thêm một ngày nữa trong căn phòng nóng nực, tôi vẫn không thốt ra thêm được lời nào. Đêm đó tôi đã cầu nguyện xin được giúp đỡ. Vào buổi sáng, tôi thiền. Khi chuẩn bị ra khỏi cửa, tôi cầm điện thoại lên và nhận thấy bài hát đang phát – Precious Lord (tạm dịch: Chúa dấu yêu) của Mahalia Jackson. Nếu có cái gọi là “tín hiệu của vũ trụ” trên đời thì chính là đây. Tôi không biết sao lại có Mahalia Jackson trong danh sách phát của mình, nhưng khi lắng nghe lời hát – “Lạy Chúa dấu yêu, xin nắm lấy tay con. Dẫn dắt con, cho con đứng vững. Con mệt mỏi, con yếu đuối, con mỏi mòn. Hãy dắt con đi qua ánh sáng. Xin nắm lấy tay con”. Tôi chợt biết mình phải làm gì.
Tôi vào phòng, hỏi mẹ có muốn nghe bài hát ấy không. Mẹ gật đầu. Và tôi lại nảy ra một ý tưởng khác. Tôi gọi cho Wintley Phipps, một nhà thuyết giáo và nghệ sĩ Phúc Âm, để nhờ anh hát bài Precious Lord cho người mẹ đang hấp hối của tôi. Qua FaceTime, bên bàn ăn sáng, anh ấy đã hát cappella và sau đó cầu nguyện cho gia đình chúng tôi sẽ “không sợ hãi, chỉ bình an”.
Tôi có thể thấy rằng mẹ tôi rất xúc động. Bài hát và lời cầu nguyện đã tạo ra một sự mở đầu – cho cả hai chúng tôi.
Tôi bắt đầu nói chuyện với mẹ, về cuộc sống của mẹ, ước mơ của mẹ và tôi. Cuối cùng, những lời cần nói đã được nói.
Tôi nói: “Chắc mẹ đã chịu nhiều khó khăn lắm. Không được học hành, không có kỹ năng, không biết tương lai sẽ ra sao khi mẹ mang thai. Con chắc chắn nhiều người đã bảo rằng hãy bỏ thai”.
Bà ấy gật đầu.
“Nhưng mẹ đã không làm như vậy”, tôi nói. “Con muốn cảm ơn mẹ vì đã giữ lại đứa trẻ đó”. Tôi ngừng một lát. “Con biết rằng nhiều lúc mẹ đã không biết phải làm gì. Mẹ đã làm tốt nhất điều mà mẹ có thể, và con ổn với chuyện đó. Con ổn. Vậy nên bây giờ mẹ có thể đi, và biết rằng mọi chuyện ổn rồi. Tâm hồn con ổn rồi. Nó đã yên ổn lâu rồi”.
Đó là một khoảnh khắc thiêng liêng, đẹp đẽ, một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất cuộc đời tôi. Con người trưởng thành của tôi đã học cách nhìn mẹ qua một lăng kính khác – không phải là người mẹ không quan tâm, không bảo vệ, không yêu thương và không hiểu gì về tôi; mà là một cô gái trẻ, bản thân vẫn chỉ là một đứa trẻ, sợ hãi, đơn độc và chưa hề được trang bị gì để trở thành một người mẹ tràn đầy yêu thương.
Tôi đã tha thứ từ nhiều năm trước, về chuyện mẹ không phải là người mẹ mà tôi cần. Nhưng bà đã không biết điều đó. Và trong những giây phút cuối cùng còn bên nhau, tôi tin rằng tôi đã giải thoát mẹ khỏi sự hổ thẹn và cảm giác tội lỗi trong quá khứ.
Tôi đã trở lại và hoàn thành những điều tôi cần phải hoàn thành.
Tha thứ là từ bỏ hy vọng rằng quá khứ có thể đã khác. Nhưng chúng ta không thể tiến về phía trước nếu vẫn còn ôm chặt nỗi đau. Tất cả chúng ta, những người từng bị tổn thương và mang vết sẹo sang chấn đều có cơ hội biến những trải nghiệm của mình thành điều mà Tiến sĩ Perry và tôi đã nói đến: sự thông thái và thấu suốt sau sang chấn.
Hãy tha thứ cho chính mình, hãy tha thứ cho họ. Bước ra khỏi quá khứ và bước vào con đường tương lai.
Bạn của tôi, nhà thơ Mark Nepo, đã nói rằng: nỗi đau là điều cần thiết để biết được sự thật.
Nhưng chúng ta không cần phải giữ nỗi đau luôn sưng tấy để sự thật mãi sống.
Tôi đã làm hòa với mẹ khi ngừng so sánh mẹ với hình mẫu người mẹ mà tôi mong ước, khi tôi ngừng bám vào những thứ “nên có” hoặc “ đã có thể” để chuyển sang những gì “đã có” và “sẽ có thể”.
Bởi vì tôi biết chắc rằng, thứ đã xảy ra với bạn là thứ đã xảy ra vì bạn. Và khoảng thời gian đó, trong tất cả những khoảnh khắc đó, bạn đang bồi đắp sức mạnh.
Sức mạnh x Sức mạnh x Sức mạnh = Quyền năng.
Những gì đã xảy ra với bạn có thể là quyền năng của bạn.
–Oprah