Nhiều năm trước, tôi đã đóng vai Sethe trong bộ phim Beloved, phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đầy dằn vặt của tác giả Toni Morrison.
Sethe từng là nô lệ, bị ám ảnh bởi cái chết kinh hoàng của Beloved, con gái mình. Trong phim, Beloved đã trở lại với Sethe, tái sinh trong hình hài một đứa trẻ tàn tật được Sethe đưa về nhà. Trong suốt phần đời còn lại, Sethe đã “đền tội” với Beloved, họ ngày càng quấn chặt lấy nhau và khiến nhau suy kiệt.
Một ngày nọ, chúng tôi quay cảnh Sethe đưa Beloved vào giường và dỗ cô bé ngủ. Lời chỉ dẫn duy nhất tôi nhận được từ đạo diễn Jonathan Demme là: “Nào, tấn chăn, dỗ ngủ”. Tôi đi lại từng góc giường, kéo chăn thật ngay ngắn rồi nhét dưới đệm.
“Cắt!”. Jonathan hét lên từ phía sau máy quay. “Oprah, không phải như vậy”.
Thế nên tôi lặp lại quy trình đó, cẩn thận hơn, chú ý hơn, tôi nhét từng góc chăn vào dưới đệm.
“Cắt!”. Jonathan bước tới chỗ tôi. “Chị đang làm gì vậy?”.
“Tôi đang tấn chăn”. Tôi có thể cảm thấy sự sợ hãi xen lẫn bối rối đang dần dâng lên, tôi cũng không biết tại sao.
“Chị đang dọn giường”, anh ấy nói. “Chứ không phải là đang dỗ con ngủ”.
Ngay lúc ấy, tôi vỡ òa. Sâu sắc. Tôi nhìn Jonathan chăm chăm. “Tôi không biết ‘dỗ ngủ’ nghĩa là gì”, tôi nói khẽ. “Tôi không biết làm việc đó thế nào”.
Cuối cùng thì cả hai chúng tôi đều hiểu chuyện gì đang xảy ra. Jonathan nhẹ nhàng dạy tôi cách đặt cô bé vào trong tấm chăn đầy yêu thương. Khi chúng tôi cùng di chuyển quanh giường, tôi buồn ghê gớm.
Tôi không nhớ mình đã từng được dỗ ngủ.
Tôi chưa bao giờ cảm nhận được hay nhớ được có ai từng đắp chăn cho tôi với thật nhiều yêu thương.
À, ra đó là tình yêu của mẹ.
Nhiều năm sau, tôi có dịp “tham quan” căn bếp nhà cô bạn Urania của mình cùng cô con gái nhỏ của cô ấy – Kylee. Urania hỏi Kylee có muốn ăn gì không. “Vâng, có ạ”, Kylee đáp.
Urania mở tủ lạnh lấy một ít dâu tây, rửa sạch rồi lấy dao và bắt đầu thái. Tôi đã thấy cô ấy làm việc này nhiều lần rồi. Theo đường di chuyển của lưỡi dao, hình dáng một bông hồng mỏng manh dần hiện ra. “Một bông hồng dâu!”. Tôi thấy thần kỳ quá. Urania cẩn thận xếp những quả dâu xinh đẹp vào đĩa và đưa cho con gái. Tôi nhìn theo mà ứa nước mắt. Sự dịu dàng của cô ấy như thiêu đốt tâm hồn tôi.
Một lần nữa, tôi tự nhủ:
À, ra đó là tình yêu của mẹ.
Mối quan hệ giữa tôi và mẹ tôi khá phức tạp. Như đã đề cập, tôi trải qua thời thơ ấu – sáu năm đầu đời – với bà. Tôi không có ký ức gì về mẹ trong giai đoạn đó.
Khi bà bị ốm, tôi đột ngột được đưa đến Milwaukee để sống cùng mẹ. Đây không phải một cuộc đoàn tụ mẹ con vui vẻ. Tôi có thể cảm nhận rằng, tôi đã không được chào đón.
Đêm tôi đến Milwaukee, cô Miller, người ở cùng mẹ, đã liếc nhìn tôi và nói: “Con bé sẽ phải ngủ ngoài hiên”. Cô Miller có làn da sáng, gần như có thể gọi là trắng, và sẽ không cho “đứa trẻ đen thui đầu bù tóc rối” như tôi ở trong nhà.
Mẹ tôi nói: “Được thôi”.
Tôi chưa bao giờ ngủ ở đâu khác ngoài giường của bà. Dù hiên nhà được che kín, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng ồn ào ngoài phố. Nhìn mẹ đóng cửa nhà để đi đến chiếc giường mà tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ được ngủ ở đấy, tôi chìm trong cảm giác cô đơn kinh khủng, đến mức tôi đã òa khóc. Tôi tưởng tượng sẽ có một tên trộm vồ lấy tôi hoặc sẽ có người phá cửa sổ và bóp ngạt tôi. Đêm đầu tiên đó, tôi đã quỳ gối và cầu nguyện, xin Chúa gửi các thiên thần đến bảo vệ tôi.
Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, nỗi kinh hoàng đã biến mất, nhưng cảm giác không an toàn khi ngủ vẫn ám ảnh trong phần lớn cuộc đời tôi. Một điều gì đó đã ngập tràn tâm hồn tôi. Ở tuổi lên sáu, tôi cảm thấy mình đơn độc và không có ai bảo vệ mình ngoài Chúa.
Nỗi đau của tôi và những quyết định theo sau nó đã trở thành một vòng tuần hoàn còn lặp đi lặp lại nhiều lần. Tôi tin, tin sâu sắc, đấy chính là cái mạch chạy xuyên suốt cuộc đời mình. Những khó khăn mà tôi phải chịu đựng khi còn nhỏ cho phép tôi nhận ra và quan tâm đến nỗi đau của người khác. Sự công nhận mà tôi khao khát khi còn nhỏ khiến tôi thấy những người khác cũng khao khát mãnh liệt không kém. Hàng nghìn người đã can đảm chia sẻ câu chuyện của họ với tôi, vì câu chuyện của họ là câu chuyện của tôi. Nỗi đau của họ là nỗi đau của tôi.
Vì mọi nỗi đau đều giống nhau.
–Oprah
OPRAH: Có rất nhiều câu chuyện đẹp về những người đã phá vỡ được vòng lặp lạm dụng hoặc tổn thương trong gia đình mình. Có thể ngăn chặn hoàn toàn việc truyền lại tác động tiêu cực hoặc độc hại của những trải nghiệm ngược đãi hay đau đớn không?
TIẾN SĨ PERRY: Phải làm rõ là, hầu hết những người bị ngược đãi không tiếp tục ngược đãi người khác theo cùng cách họ đã bị ngược đãi. Mặt khác, rõ ràng là, rất hiếm người từng bị ngược đãi không sở hữu các hình thức thích nghi tác động đến cách họ đối xử với mọi người. Đó không hẳn là một bệnh lý, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cách bạn hình thành và duy trì các mối quan hệ.
Điều này đưa ta trở lại với cuộc trò chuyện về lý do tại sao một số người dường như luôn tìm kiếm các mối quan hệ lạm dụng hoặc ngược đãi. Bộ não của chúng ta, tâm trí của chúng ta, kéo chúng ta đến những khuôn mẫu quen thuộc – ngay cả khi những khuôn mẫu đó là tiêu cực. Mọi người, đến cuối cùng, sẽ lặp lại các mô thức hành vi không thích hợp, không lành mạnh cũ, và thường thì chúng ta cũng không nhận ra việc đó. Trong phần lớn trường hợp, những người xung quanh sẽ nhìn ra điều đó rõ hơn ta.
OPRAH: Vâng, và thường thì sự thay đổi sẽ không thể xảy ra cho đến khi ta tự nhìn ra được các khuôn mẫu hành vi của bản thân. Từ rất sớm, tôi đã biết rằng, nếu muốn đạt được thứ gì đó thì tôi sẽ phải tự làm. Không có “giàn giáo” nào, như cách anh vẫn gọi, được dựng sẵn cho tôi cả. Song, trong những năm qua, một số thầy cô giáo đặc biệt đã dành thời gian nuôi dưỡng tiềm năng mà họ nhận ra ở tôi. Và đó là điều anh đang đề cập. Thực sự, có thể chỉ có một số ít người nhìn ra ta qua một lăng kính mới và dành thời gian giúp ta. Các giáo viên của tôi đã không được đào tạo để hiểu biết về sang chấn. Bây giờ thì một số người đã được đào tạo rồi, và khi công trình đột phá của anh được công bố, nó đã tạo nên hiệu ứng gợn sóng trên toàn thế giới. Sẽ có nhiều người được chữa lành hơn, anh có đặt nhiều hy vọng vào chuyện đó không?
TIẾN SĨ PERRY: Tôi có nhiều hy vọng hơn so với 20 năm về trước. Tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để cố gắng thấu hiểu cũng như giúp đỡ trẻ em, thanh niên và người lớn sau sang chấn. Đối với chúng tôi, đó là một tiến bộ lớn khi cuối cùng chúng tôi cũng có thể chuyển kiến thức khoa học thần kinh phức tạp thành các mô hình hữu ích cho việc thăm khám.
Mô hình Tuần tự Thần kinh cho phép ta hình dung về cách não bộ được tổ chức, cơ bản giống như kiểm tra một ngôi nhà. Bằng cách hỏi về lịch sử xây dựng – điều gì đã xảy ra – chúng tôi có thể nhắm đến những vấn đề có nhiều khả năng xảy ra nhất. Chị có thể dự đoán điều gì có nhiều khả năng xảy ra nhất nếu họ không đổ xi măng khi làm móng hoặc không đi đường ống đàng hoàng lên tầng hai.
Khi đã biết nguồn gốc của vấn đề, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn cách khắc phục. Theo trình tự phỏng lại quá trình xây dựng ban đầu của ngôi nhà – bộ não, chúng tôi sẽ đưa ra một kế hoạch “xây dựng lại” hoặc “cải tạo”. Chúng tôi chủ đích nhắm vào các khu vực có vấn đề, từ đó cung cấp các trải nghiệm – cả giáo dục và trị liệu – giúp khởi động và tổ chức lại các hệ thống đã phải chịu ảnh hưởng từ sự bỏ bê, nghịch cảnh và sang chấn. Chúng tôi nảy ra được nhiều ý tưởng tốt hơn về cách lựa chọn và xâu chuỗi các trải nghiệm trị liệu – hiểu rõ hơn rằng chúng tôi có thể làm gì để giúp đỡ và nên can thiệp khi nào.
Tuy còn nhiều điều phải học, nhưng chúng tôi thật sự khá lạc quan. Hàng trăm nghìn trẻ em, thanh niên và người lớn từ hơn 26 quốc gia đã được hưởng lợi từ các dịch vụ giáo dục và thăm khám qua lăng kính phát triển thần kinh và hiểu biết về sang chấn này.
Hãy nhớ lại Mike Roseman. Cuối cùng, chúng tôi đã bắt đầu phương pháp tiếp cận từ dưới lên để điều chỉnh CRN nhạy cảm với sang chấn của ông ấy. Đó là phiên bản thử nghiệm của phương pháp tiếp cận Mô hình Tuần tự Thần kinh: giải quyết các vấn đề của não theo trình tự thích hợp và tập trung vào các mạng dưới thấp trước khi chuyển sang vấn đề ở các vùng cao hơn.
OPRAH: Điều hòa, kết nối, sau đó lý luận, như anh nói.
TIẾN SĨ PERRY: Tôi sẽ cho chị thêm một ví dụ nữa, thậm chí còn chi tiết hơn về cách thức hoạt động của phương pháp này. Khoảng 20 năm trước, chúng tôi được yêu cầu gặp Susan, một cô bé bảy tuổi được nhận làm con nuôi lúc hai tuổi. Hành vi của cô bé đã vượt quá khả năng xử lý của cha mẹ, giáo viên và chuyên gia trị liệu.
Năm hai tuổi, khi được nhận nuôi, Susan đã sẵn có một số vấn đề về giấc ngủ. Em cũng không nói được, giận dữ ăn vạ kéo dài, có khi chỉ nhìn chằm chằm vào khoảng trống và không phản ứng khi có người nói chuyện hay chạm vào. Không chỉ thế, cô bé còn thực hiện những hành vi tự hủy hoại như cào mặt và rứt da cho đến khi chảy máu. Khi Susan lớn hơn, có rất nhiều người đã tham gia vào việc chăm sóc cô bé, trong đó có: các chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, giáo viên, chuyên gia sức khỏe tâm thần đến sống cùng em, viên trợ lý tại trường, bác sĩ phát triển nhi khoa, chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần. Cô bé đã trải qua 5 năm thay đổi từ hết phương pháp chẩn đoán và điều trị này đến phương pháp chẩn đoán và điều trị khác, song tiến bộ đạt được vẫn vô cùng nhỏ nhoi.
Giai đoạn đầu đời của Susan hết sức bất hạnh, các kết nối và mối quan hệ của em chỉ ở mức tối thiểu. “Nền móng” của cô bé rất yếu và mỏng manh. Cô bé là con của một người mẹ đơn thân có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bản thân người mẹ đã bị tách khỏi cha mẹ ruột khi lên bốn, suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ lang bạt hết từ nhà cha mẹ nuôi này sang nhà cha mẹ nuôi khác. Ở tuổi 18 – quá tuổi tiếp tục ở lại hệ thống, cô chỉ còn có một mình. Cô ngay lập tức mang thai nhưng không thể chăm sóc cho Susan. Hệ thống phúc lợi trẻ em đã tách Susan khỏi mẹ khi em mới 4 tháng tuổi và cuối cùng là tước luôn quyền làm mẹ của người mẹ tội nghiệp. Từ đó, Susan sống dưới sự bảo trợ của nhà nước. Dạng sang chấn từ thế hệ này sang thế hệ khác như vậy thực tế không hề hiếm gặp trong hệ thống bảo vệ trẻ em của chúng ta.
Khi bị tách khỏi mẹ, Susan sống 2 tháng trong nhà bảo trợ, sau đó được chuyển qua 3 nhà nuôi dưỡng khác trước khi cuối cùng được nhận làm con nuôi. Hãy thử hình dung thế giới quan của cô bé về sự an toàn và đáng tin cậy của người lớn. Quá trình “dựng nhà” của cô bé liên tục bị gián đoạn; hệ thống đường điện, ống nước và khung nhà bị ảnh hưởng bởi trong 2 năm đầu đời, các hệ thống ứng phó với căng thẳng bị kích hoạt quá độ, không thể đoán trước và vượt tầm kiểm soát. Không có gì ngạc nhiên khi cô bé có các triệu chứng điển hình của một hệ thống phân ly mẫn cảm. Việc cô bé tự làm đau mình, như đã nói tới, chính là một nỗ lực tự điều chỉnh bản thân.
Đối mặt với những đau đớn, khổ sở không thể tránh được, cô bé đã tách mình ra – em nhìn chằm chằm vào khoảng không và không phản ứng. Các thành phần kích thích phản ứng căng thẳng của cô bé cũng bị mẫn cảm hóa (xem Hình 5): những cơn giận dữ của cô bé chính là phản ứng chạy hoặc chiến của em. Đây là một đứa trẻ đầy sợ hãi, hoang mang và chưa phát triển.
Một phần vấn đề nằm ở chỗ, hệ thống giáo dục và sức khỏe tâm thần, chưa kể đến cha mẹ Susan, luôn xem cô bé là một đứa trẻ bảy tuổi. Nhưng cô bé chỉ lên bảy về mặt sinh học mà thôi, tuổi phát triển của em vẫn chưa đạt được con số đó. Susan có các kỹ năng xã hội của một đứa trẻ sơ sinh, kỹ năng điều chỉnh của một đứa trẻ hai tuổi và kỹ năng nhận thức của một đứa trẻ ba tuổi. Cha mẹ, giáo viên và bác sĩ trị liệu cứ tiếp tục ra sức lý luận với cô bé. Họ giải thích các quy tắc và cố gắng khám phá tại sao cô bé lại cứ “hư” như thế. Họ đã cố gắng hết sức có thể. Họ không hiểu về hoạt động phụ thuộc trạng thái và không biết rằng ta có thể dự đoán các thách thức phát triển khi xem xét những gì Susan đã trải qua.
Mô hình Tuần tự Thần kinh của chúng tôi cho phép tạo ra một kế hoạch trị liệu chi tiết bắt đầu từ “nền móng” – các phần dưới cùng của bộ não. Cô bé có những vấn đề nghiêm trọng về tích hợp giác quan: cô bé không thể chịu được khi bị chạm vào; khi có nhiều hơn một người đang nói chuyện trong phòng, cô bé liền bị ngợp; cô bé không chịu được một số loại chất liệu tiếp xúc vào da; cô bé luôn vùi mình dưới đống chăn và gối,... Vì vậy chúng tôi bắt đầu bằng cách tạo ra một tập hợp các trải nghiệm xúc giác có khuôn mẫu và có thể đoán trước: chăn trọng lực, dần dần giới thiệu liệu pháp massage, một “chế độ điều hòa giác quan” phong phú được cung cấp bởi một bác sĩ phục hồi chức năng có hiểu biết về sang chấn. Chúng tôi không tập trung vào các vấn đề của Susan với bạn bè cùng trang lứa, việc cô bé không thể tập trung chú ý trong lớp, các triệu chứng của trầm cảm, những cơn bộc phát hay thậm chí cả các vấn đề về khả năng nói chuyện. Chúng tôi đi theo trình tự. Chúng tôi bắt đầu với các hệ thống bên dưới, rồi tiếp tục giải quyết các vấn đề khác sau, trong quá trình điều trị.
Một phần quan trọng của phương pháp tiếp cận tuần tự thần kinh là giúp cha mẹ, giáo viên và bác sĩ lâm sàng hiểu được “giai đoạn” và quan sát “trạng thái”. Nghĩa là chúng tôi muốn giúp họ tìm hiểu khả năng phát triển thực tế của trẻ – giai đoạn thực tế, chứ không phải là độ tuổi của trẻ. Và chúng tôi muốn giúp họ nhận thức được sự phụ thuộc vào trạng thái. Chúng tôi khuyến khích họ tự hỏi: “Đứa trẻ này có đang ở trong trạng thái có thể ‘nghe’ một cách hiệu quả những gì tôi đang cố gắng nói hoặc dạy không?”.
Thật ngạc nhiên là chúng ta lại thường bỏ qua điều này. Như đã thảo luận, nếu đứa trẻ quá mất kiểm soát, chúng sẽ không cởi mở tiếp nhận bất kỳ bài học hoặc trải nghiệm mới nào. Khi này, nếu cứ tiếp tục mong đợi trẻ chú ý, tập trung và học hỏi, bạn sẽ làm xói mòn cảm giác an toàn khi trẻ ở bên bạn. Bạn sẽ làm hỏng mối quan hệ thấu cảm giữa hai người – trong khi toàn bộ cơ hội thay đổi phụ thuộc vào đây. Vậy nên hãy tránh xa việc “giảng giải”, “huấn luyện” và “lý luận” khi trẻ đang trong trạng thái không thể học được. Hãy tập trung vào việc sẵn sàng giúp đỡ và điều chỉnh bản thân khi bạn bắt đầu cảm thấy thất vọng, không được tôn trọng hoặc tức giận vì không được trẻ lắng nghe. Nếu bạn lùi lại và bình tĩnh, bạn sẽ vào lại được vỏ não của mình để ghi nhớ các cách giúp điều chỉnh trẻ. Mối quan hệ của bạn được duy trì, và điều đó giúp bạn có thể dạy dỗ vào một ngày khác.
Công việc của chúng tôi với Susan kéo dài trong bốn năm. Cô bé đã tiến bộ chậm nhưng chắc chắn. Các kỹ thuật trị liệu cơ bản được phát triển dần dần – từ cảm giác đến nhịp điệu và điều hòa (bao gồm sử dụng phương pháp trị liệu có sự hỗ trợ của chó) đến mối quan hệ và cuối cùng là về nhận thức (như trị liệu nhận thức – hành vi tập trung vào sang chấn – TF-CBT). Điều thú vị là cuối cùng chúng tôi đã sử dụng lại nhiều phương pháp trị liệu từng thất bại. Các phương pháp ấy vốn dĩ không hề sai – chỉ đơn giản là chúng đã được áp dụng vào thời điểm Susan không thể nhận được lợi ích từ chúng. Tuần tự thần kinh. Quan trọng là trình tự. Bộ não tuần tự phát triển, xử lý các kích thích giác quan, và chữa lành.
Đến cuối quá trình trị liệu này, Susan đã tham gia vào một lớp học chính khóa và có được vài người bạn. Cô bé không còn có những hành vi bộc phát hay tự làm đau mình nữa. Cô bé đã chuyển sang các hình thức phân ly được xã hội chấp nhận và lành mạnh hơn – đọc sách, vẽ tranh, đóng kịch. Cô bé cũng dần phát triển sự tốt bụng và lòng trắc ẩn của mình. Cha mẹ cô bé không còn kiệt sức và căng thẳng nữa.
OPRAH: Và bài học là, bất kể điều gì đã xảy ra, ta vẫn có cơ hội viết lại kịch bản.
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác. Không bao giờ thực sự là quá muộn cả. Ai cũng có thể chữa lành. Quan trọng là ta biết bắt đầu từ đâu, và điều gì là phù hợp với nhu cầu phát triển tâm thần của người đó.
OPRAH: Tôi đã từng trò chuyện với Belinda Pittman-McGee – người điều hành trung tâm Nia Imani ở Milwaukee, một cơ sở nhà tạm dài hạn dành cho những phụ nữ trẻ vô gia cư đang mang thai hoặc có con nhỏ. Belinda nói rằng những người phụ nữ đến với trung tâm thường mắc các chứng rối loạn hành vi như nóng nảy hoặc không có khả năng giữ việc làm – những hệ quả có thể sinh ra từ việc được nuôi dưỡng trong môi trường đau khổ, khốn khó. Khi bắt đầu dạy họ về sang chấn, Belinda kể, họ đã dần hiểu được rằng, sự chật vật trong cảm xúc và hành động của bản thân có liên quan đến những chuyện đã xảy ra. Chỉ riêng nhận thức đó thôi đã là một bước ngoặt có thể thay đổi cuộc đời khi ta vẫn đang tự cho mình là xấu xí hoặc ngu ngốc và tin rằng đó là số phận.
TIẾN SĨ PERRY: Tôi không thể đếm nổi có bao nhiêu người đã cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi được giảng giải về việc bộ não của họ đang hoạt động ra sao và tại sao lại như thế. Chúng tôi không gán cho họ cái mác tâm thần. Chúng tôi chỉ nói rằng con người anh đang được tổ chức theo cách như thế này, và điều này là hoàn toàn có thể lường trước dựa trên những chuyện gì đã xảy ra với anh. Sau đó, chúng tôi giúp họ hiểu rằng bộ não vốn dễ uốn nắn, “mềm dẻo”, có thể thay đổi. Rồi cùng nhau, chúng tôi đưa ra một kế hoạch nhằm thay đổi một số hệ thống có vẻ đang gây rắc rối cho họ.
OPRAH: Đó là sự công nhận, rằng: Những gì tôi trải qua đã khiến tôi cónhữngcảmgiácnhưthế này. Và tôi không phải là người duy nhất. Và nó hợp lý. Tôi là một người mẹ có ba hoặc bốn con, làm việc quá sức, lại có tiền sử bị sang chấn, tôi sẽ thấy việc cố tự mình gánh vác tất cả rất khó khăn. Hợp lý. Sức khỏe của tôi đang bị tổn hại theo những cách mà tôi thậm chí không nhận ra. Lý do khiến tôi cảm thấy quá tải là do tôi chưa tìm ra được cách để điều hòa bản thân.
Đây là lý do tại sao việc quay ngược lại với chính mình rất quan trọng. Nếu ta không ổn định được bản thân thì làm sao nuôi dạy con hoặc làm việc hiệu quả được?
TIẾN SĨ PERRY: Đó đúng là một điểm quan trọng. Chúng tôi thường được yêu cầu giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên bị ngược đãi hoặc bị sang chấn, hoặc tham vấn cho cộng đồng sau một sự kiện đau buồn. Và khi tôi nói rằng mình thực sự cũng cần làm việc với cả người lớn nữa, mọi người có vẻ khá bối rối. Nhưng nếu bản thân người lớn sống cùng – người dạy dỗ và điều trị cho các đứa trẻ lại không ổn định, họ sẽ không thể hoàn toàn có được lòng thương và sự ổn định để trao truyền. Chính những khoảnh khắc hiện diện đầy đủ là thứ điều hòa, tưởng thưởng và chữa lành cho trẻ. Nếu chúng ta giúp đỡ trẻ em nhưng không giải quyết được nhu cầu của người lớn, nỗ lực của chúng ta sẽ thu về rất ít kết quả hữu ích. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của bất kỳ phương pháp tiếp cận có hiểu biết về sang chấn nào: Ta phải giúp đỡ những người lớn ở tuyến đầu, những người trực tiếp làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên.
Sự thay đổi trọng tâm này là thách thức đối với một số hệ thống của chúng ta. Ví dụ, trong hệ thống sức khỏe tâm thần trẻ em, “bệnh nhân” là trẻ em. Mô hình kinh tế của hệ thống thường không bao gồm việc chi trả cho bác sĩ nếu người này muốn dành thời gian cho giáo viên, huấn luyện viên hoặc thậm chí cha mẹ của đứa trẻ. Thế là thiển cận. Chúng ta biết rằng một người lớn mất kiểm soát sẽ không thể điều hòa được một đứa trẻ mất kiểm soát. Một người lớn kiệt sức, thất vọng, mất kiểm soát không thể điều hòa được cho bất kỳ ai.
Như chị đã chỉ ra, nếu không trở ngược lại với chính mình, ta sẽ không thể trở thành một người năng suất – giáo viên, người lãnh đạo, người giám sát, phụ huynh, huấn luyện viên hay bất kỳ ai. Tự chăm sóc bản thân là việc rất quan trọng. Nhưng không may là nhiều người cảm thấy tội lỗi khi chăm sóc bản thân, họ xem đó là hành động ích kỷ. Nhưng chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ – đấy là việc cốt yếu phải làm. Hãy nhớ rằng, điều duy nhất mà bạn có để giúp người khác thay đổi – cho dù bạn đang ở vai trò cha mẹ, giáo viên, huấn luyện viên, chuyên viên trị liệu hay bạn bè – chính là bản thân bạn. Các mối quan hệ là điều kiện chính yếu mang đến sự thay đổi.
OPRAH: Chúng ta phải chăm sóc bản thân để có thể tự gồng gánh, vỗ về mình. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhiều người trong chúng ta đang phải mang theo những tổn thương hoặc nghịch cảnh từ quá khứ. Tôi sẽ không thể là con người như hiện tại nếu không trải qua những tổn thương đã trải qua. Vì vậy, tôi làm chủ chúng. Tôi định nghĩa chúng. Và, bằng cách đó, tôi tin mình đã tìm ra cách để sử dụng chúng – phục vụ cho người khác. Cảm thông, từ bi và tha thứ. Tất cả đều là một phần của quá trình thực hành giúp tôi tiến lên trong mọi quyết định hoặc cuộc gặp gỡ có được.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng, điều đó đưa chúng ta trở lại với sự thông thái sau sang chấn. Khi đã trải qua nghịch cảnh, chị có thể tiến đến một cột mốc mới trong đời – nơi chị có thể nhìn lại, suy ngẫm, học hỏi và phát triển từ trải nghiệm cũ. Tôi tin rằng, thật khó để hiểu được loài người nếu ta không hiểu được một chút về nghịch cảnh. Nghịch cảnh, thử thách, thất vọng, mất mát, chấn thương – tất cả đều có thể góp phần vào khả năng thấu cảm và sự thông thái, thấu suốt của ta. Theo một cách nào đó, sang chấn và nghịch cảnh là món quà. Và mỗi người trong chúng ta lại có một cách sử dụng món quà này khác nhau.
OPRAH: Thật thú vị khi nghe anh nói thế. Khi tôi lớn lên, tôi muốn sống như phim Leave It to Beaver (tạm dịch: Để nó cho hải ly). Trong lý tưởng của tôi, gia đình là như thế – trong nhà có sữa và bánh quy, bố và mẹ cùng chung sống. Nhưng tôi sẽ không trở thành con người mà tôi vẫn đang trong quá trình trở thành nếu đã có mọi thứ theo ý mình hoặc có được mọi thứ tôi muốn vào đúng thời điểm tôi nghĩ là tôi muốn.
TIẾN SĨ PERRY: Tôi cũng cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, đúng là cái giá phải trả cho sự thấu suốt có thể rất đắt. Và đối với nhiều người, nỗi đau là thứ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Những người khôn ngoan sẽ học được cách mang gánh nặng mà vẫn uyển chuyển, thường là để bảo vệ người khác khỏi cảm xúc mãnh liệt từ nỗi đau của họ.
OPRAH: Điều này khiến tôi liên tưởng đến Anthony Ray Hinton – người đã phải ở trong xà lim tử tù 30 năm vì tội giết người mà anh ấy không hề phạm. Trong ba năm đầu tiên thụ án, anh đã không hề mở miệng nói một lời. Anh ấy rất chán nản, sầu não, nói rằng cảm thấy như Chúa đã lấy đi mất giọng nói của mình. Điều giúp anh ấy sống sót là khả năng phân ly. Hinton dùng trí tưởng tượng, tự cho bản thân mình đủ loại trải nghiệm. Anh ấy đã chơi ở Wimbledon và giành chiến thắng năm lần. Anh ấy đã chơi ở NBA, đã gặp Nữ hoàng Anh, đã kết hôn với Halle Berry – anh ấy đã làm tất cả những điều đó trong tâm trí.
TIẾN SĨ PERRY: Người này đã sử dụng siêu năng lực phân ly để bảo vệ bản thân khỏi nỗi đau không thể kiểm soát và không thể tránh khỏi khi bị giam cầm.
OPRAH: Và sau đó anh ấy đã tìm ra cách, quả là cái khó ló cái khôn – sự khôn ngoan và uyển chuyển mà anh đang nói đến. Sau khi bắt đầu kết nối với các tử tù khác, anh ấy thuyết phục quản giáo cho phép thành lập câu lạc bộ sách. Hinton nghĩ rằng, có thể những người khác không biết cách di chuyển trong tâm trí như cách bản thân anh đã làm, nhưng sách vở có thể giúp họ làm được điều đó. Anh ấy muốn họ tìm được một cách để bắt đầu chữa lành, như bản thân anh vậy.
Anh cũng thấy đấy, trong suốt những cuộc trò chuyện của chúng ta, tôi cứ trở đi trở lại chương trình đã thực hiện cùng Iyanla Vanzant nhiều năm trước. Chị ấy nói rằng chừng nào còn chưa chữa lành được vết thương trong quá khứ thì ta vẫn sẽ còn tiếp tục chảy máu. Vết thương sẽ cứ rỉ máu, thấm bẩn cuộc đời ta qua rượu, qua ma túy, qua tình dục, qua làm việc quá sức. Ta phải có can đảm phơi vết thương ra mà bắt đầu tự chữa lành.
Đây là bài học mà tôi hy vọng mọi người cũng rút ra được từ cuộc trò chuyện của chúng ta. Chúng ta phải hiểu và chữa lành vết thương của quá khứ trước khi có thể tiến tới tương lai.
TIẾN SĨ PERRY: Điều này áp dụng với cả xã hội chứ không chỉ riêng một cá nhân nào. Xã hội của chúng ta làm sao có thể tiến tới một tương lai nhân đạo hơn, công bằng, sáng tạo và hiệu quả hơn nếu không đối mặt với những tổn thương tập thể trong quá khứ? Cả những tổn thương đã trải qua lẫn đã gây ra. Nếu thực sự muốn hiểu bản thân, chúng ta cần hiểu quá khứ của ta – quá khứ thực của mình. Bởi vì tồn dư cảm xúc của quá khứ vẫn luôn đi theo ta.
OPRAH: Nhưng điều đó không thể xảy ra cho đến khi có một điểm bùng phát – một điểm ngoặt nhận thức về những gì chúng ta đã làm với bản thân trong tư cách con người, về tình trạng thực sự của con người, về tác động mà những tổn thương đã gây ra cho chúng ta. Đó là lúc chúng ta nhận ra ta cần phải làm gì đó khác đi.
TIẾN SĨ PERRY: Yếu tố cốt lõi là nhận thức đi đôi với kết nối. Cùng nhau, những điều ấy có thể tạo ra một cộng đồng có nhận thức đầy đủ về sang chấn.
OPRAH: Tôi nghĩ đó là điều mà thế giới chúng ta thực sự cần có nhiều hơn, ngay lúc này. Khi ta có thể thực sự nhìn thấy một người khác, đó là lòng trắc ẩn thực sự, và việc mở rộng lòng trắc ẩn với người khác sẽ thay đổi bản chất của các mối quan hệ, cộng đồng và cả thế giới. Sự công nhận mà một người dành cho một người khác là điều liên kết chúng ta. Việc hỏi rằng “Chuyện gì đã xảy ra với bạn?” sẽ mở rộng kết nối của con người.
TIẾN SĨ PERRY: Ta rất dễ bị nản lòng, choáng ngợp và thoái chí trước nhiều vấn đề trong xã hội. Ta cũng rất dễ bị mất tinh thần trước những bất công, nghịch cảnh và sang chấn đang quá phổ biến trong thế giới ngày nay. Nhưng nếu nghiên cứu lịch sử, chị sẽ nhận ra rằng quỹ đạo tổng thể của loài người vẫn luôn tích cực. Thế giới của chúng ta có rất nhiều người tốt, giỏi giang và sáng tạo. Chúng ta là một giống loài tò mò. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá, phát minh và học hỏi. Chúng ta có thể khiến thế giới của mình trở thành một nơi an toàn hơn, công bằng hơn và nhân đạo hơn cho tất cả mọi người.