Vị trưởng lão người Maori dẫn chúng tôi đến cánh cổng dưới chân ngọn đồi thoai thoải. Trên đỉnh đồi là một tòa nhà hình chữ nhật tuyệt đẹp với các thanh dầm và cột trụ được chạm khắc tinh xảo. Cánh cổng tòa nhà dẫn vào marae, một khu vực khép kín và là trung tâm của đời sống cộng đồng Maori. Đây là nơi hội họp, còn gọi là wharenui. Vài chục thành viên của cộng đồng Maori xếp hàng dọc con đường dẫn lên đó. Một trong những người cao tuổi tiến lại gần chúng tôi, cầm một cây gậy và nói lớn bằng tiếng Maori, sau đó đặt một chiếc lá dương xỉ lên mặt đất trước mắt tôi. Một cụ bà bắt đầu hát. Những người khác hòa giọng. Lễ chào đón chúng tôi, lễ powhiri, đã bắt đầu.
25 năm trước, Tiến sĩ Robin Fancourt, người tiên phong trong ngành nhi khoa ở New Zealand, đã đề nghị tôi đến thăm và dạy lại những gì tôi nghiên cứu được về sang chấn phát triển và não bộ. Đổi lại, tôi nhờ bà ấy thu xếp để tôi có thể gặp một số thầy thuốc người Maori. Tôi luôn muốn hiểu thêm về các phương pháp chữa bệnh của người bản địa. Sang chấn luôn là một phần trong hành trình của con người, tổ tiên của chúng ta hiểu rất rõ về nó. Tôi đã dành thời gian lắng nghe và học hỏi từ những người cao tuổi và thầy thuốc từ các cộng đồng những dân tộc đầu tiên (First Nations – người Canada bản địa), người Métis và người Mỹ bản địa; và nhận thấy có các phương pháp chữa bệnh chung – nổi bật nhất là sử dụng nhịp điệu và tập trung vào sự hòa hợp với tự nhiên. Tuy vậy, tôi biết rằng mình vẫn còn nhiều điều chưa biết.
Trong hai ngày tiếp đó, tôi đã tìm hiểu về sang chấn và cách chữa lành qua lăng kính của cộng đồng người Maori. Bài học đầu tiên tôi nhận được là về giáo dục. Những vị cao tuổi không bắt tôi ngồi xuống rồi đọc hoặc thuyết cho một bài dài về cách chữa bệnh truyền thống. Họ để tôi hòa mình vào cộng đồng trong suốt hai ngày. Sự thông thái của họ đã cho tôi cơ hội để học hỏi, để trải nghiệm. Tôi đã khám phá được một điều rất sâu sắc, nhưng điều ấy lại nằm ở chính tôi. Tôi có để cho mình đủ cởi mở để thực sự học hỏi – hay tôi đơn giản sẽ lọc hết các trải nghiệm này qua lăng kính y học Tây phương rồi coi đó chỉ như một chú giải về nhân học là lạ, hay hay?
Trong ngày và đêm đầu tiên, cộng đồng đã cùng đến marae. Chúng tôi tập trung trong phòng họp, ngồi trên sàn nhà. Nhiều người nói chuyện với tôi về những phương cách truyền thống. Rất nhanh tôi đã nhận ra họ không phân tách khái niệm vấn đề hoặc giải pháp vào các phân nhóm như giáo dục, sức khỏe tâm thần, luật pháp cho trẻ vị thành niên hoặc phúc lợi trẻ em. Có sự toàn vẹn trong cách suy nghĩ và hiện hữu của họ. Điều này rất giống với thế giới quan mà các trưởng lão Cree và Métis đã chia sẻ. Ngoài ra còn cần nhận thức thật rõ về hành trình cho đến thời điểm hiện tại – nhận thức rằng, để hiểu rõ nhất về điểm hiện tại, ta cần biết mình đến từ đâu, chuyện gì đã xảy ra với ta và tổ tiên của ta.
Khi ai đó nói chuyện với nhóm, người này sẽ đi đến một góc mà ai cũng có thể thấy họ và họ có thể thấy tất cả mọi người. Người nói sẽ tự giới thiệu theo cách lần ngược lại dòng họ của mình và nêu lên các nét đặc trưng của tổ tiên. Việc lần theo di sản của tổ tiên mang lại nhận thức tiếp nối về mối liên kết giữa các thế hệ. Tiếp sau đó họ mới nói và thường kể chuyện để nêu ra điểm mấu chốt.
Trong suốt hai ngày này, chúng tôi sẽ có những bữa ăn chung – kết hợp giữa nghi lễ, trò chuyện, trò chơi, kể chuyện. Tất cả đều chứa đựng rất nhiều tiếng cười và những cái ôm. Cảm giác như một buổi gặp mặt gia đình. Có thể cảm nhận được sự ấm áp và sức mạnh từ cộng đồng. Đến đêm, tất cả chúng tôi đều ngủ trong wharenui, cùng nhau.
Trong cả hai ngày, tôi vinh dự được hai thầy thuốc cao tuổi dẫn đường đi dạo trong rừng và trên bãi biển. Đôi khi họ dừng lại, rẽ sang chỗ một cái cây, hái một chiếc lá, bẻ ít vỏ cây, hoặc đào bới rễ cây. Họ cho tôi ngửi và nếm, cho tôi biết về những công dụng tiềm năng. “Tạo hỗn hợp sệt với nước biển” hoặc “Thứ này giúp giảm đau”.
Các trưởng lão rất kiên nhẫn với sự tò mò của tôi, cười hiền trước các mô tả bệnh theo mẫu y học phương Tây khi tôi hỏi cách giải quyết chứng trầm cảm, khó ngủ, lạm dụng ma túy và sang chấn. Họ tiếp tục cố gắng giúp tôi hiểu rằng các vấn đề ấy về cơ bản “là một”. Tất cả các vấn đề được kết nối với nhau. Trong tâm thần học phương Tây, chúng tôi muốn tách chúng ra, nhưng làm như thế là đã bỏ mất bản chất thực sự của vấn đề. Chúng tôi đang chạy theo các triệu chứng, chứ không phải chữa lành tận gốc rễ cho mọi người.
Với các vị gia chủ Maori, đau đớn, khổ sở và rối loạn chức năng phát sinh từ một số dạng phân mảnh, mất kết nối, không đồng bộ. Chúng tôi đã nói nhiều về các vấn đề này. Người Maori, giống như tất cả những dân tộc bị đô hộ trên thế giới, đã phải chịu rất nhiều sang chấn mang tính lịch sử. Hậu quả xuyên thế hệ từ việc bị chiếm đất, trở thành thuộc địa, bị diệt chủng văn hóa và phân biệt chủng tộc có sức tàn phá khủng khiếp. Tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói, nghiện rượu, bạo lực gia đình, sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất nói chung ở người Maori cao hơn nhiều so với mức chung của dân New Zealand (85% dân số New Zealand là người da trắng). Đặc điểm tương tự cũng có thể thấy được ở người bản địa và người da màu trong các hệ thống giáo dục đặc biệt, sức khỏe tâm thần, các hệ thống tư pháp hình sự và luật pháp vị thành niên ở Úc với thổ dân châu Úc cùng cư dân quần đảo Torres Strait, ở Canada với những dân tộc đầu tiên, ở Hoa Kỳ với người da đen, người gốc Latin và người Mỹ bản địa. So với mô hình y học của tôi, khái niệm “bệnh” của người Maori giải thích được tốt hơn những khác biệt này. Việc thực dân hóa chủ ý chia rẽ các gia đình, sự gắn kết cộng đồng và văn hóa; và sự mất kết nối đó chính là tâm điểm của sang chấn.
Yếu tố cốt lõi của tất cả các phương pháp chữa lành truyền thống được người Maori gọi là whanaungatanga. Từ này đề cập đến các mối quan hệ qua lại, họ hàng, và ý nghĩa của kết nối gia đình. Từ những trải nghiệm và thách thức chia sẻ cùng nhau, cảm giác kết nối và thân thuộc sẽ xuất hiện. Nhiều nghi thức và cách thực hành chữa bệnh có liên quan đến việc tái kết nối – trình bày rõ ràng nguồn gốc của sự kết nối. Điều này liên quan đến việc chia sẻ những trải nghiệm như một cuộc săn hoặc vây bắt, sau đó tái kết nối theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng với gia đình, cộng đồng và thế giới tự nhiên.
Các trưởng lão luôn làm rõ rằng họ không từ chối những tiến bộ di truyền học, miễn dịch học hoặc sinh lý học, họ hợp tác chặt chẽ với các bác sĩ được đào tạo kiểu phương Tây làm việc trong cộng đồng của mình. Nhưng họ cảm thấy rằng quan điểm tách rời sự phức tạp của một con người thành các bộ phận cấu thành – được điều trị bởi bác sĩ xương, bác sĩ mắt, bác sĩ não,... – đang bỏ sót mất các yếu tố cốt lõi của sức khỏe. Nếu sự kết nối – whanaungatanga – không được giải quyết, hiệu quả tiềm năng của các biện pháp can thiệp kiểu phương Tây sẽ bị giảm sút.
Khi chuyến thăm gần kết thúc, tôi đứng cạnh vị trưởng lão trên bờ dốc nhìn ra đại dương. Gió thổi qua mặt nước, sóng vỗ đá ì oạp. Tiếng sóng vỗ rất lớn, mạnh mẽ và nhịp nhàng. Tôi cảm ơn trưởng lão đã dành nhiều thời gian cho mình. Bà quay sang, mỉm cười, áp lòng bàn tay lên trái tim tôi và nói “Chúng ta là những người chữa lành”. Vào thời điểm đó, bởi cái tôi bác sĩ phương Tây của mình, tôi nghĩ rằng bà muốn nói bà và tôi là những người chữa lành. Nhưng giờ tôi hiểu bà đang cố gắng nói với tôi, một lần nữa, rằng tất cả “chúng ta” là cả một cộng đồng chữa lành. Tất cả chúng ta đều là những người chữa lành.
Khi trở về từ New Zealand, tôi quyết tâm hiểu rõ hơn “sức khỏe mối quan hệ” của những đứa trẻ mà mình tiếp xúc. Tôi tò mò muốn biết liệu có thể tìm thấy bằng chứng về mối tương quan giữa sức khỏe với sự kết nối hay không. Bước đầu tiên là nhận ra rằng tôi thực sự đã chưa hỏi đến một số khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đời bọn trẻ. Chúng đã sử dụng thời gian như thế nào trong suốt cả ngày? Bạn bè của chúng là ai, người kề cạnh chúng là ai? Chúng cảm thấy an toàn ở đâu? Và điều gì xảy ra trên đường đời đã dẫn chúng đến bác sĩ tâm lý? Tôi đã quá tập trung vào việc chúng “bị làm sao” – những vấn đề, triệu chứng, thất bại ở trường cần giải quyết. Các tiêu chuẩn của chúng tôi đánh giá loại và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Chúng tôi đã không đánh giá bản chất và chất lượng các mối quan hệ của các em. Cách tiếp cận điều trị của chúng tôi không hướng đến trọng tâm của việc chữa lành – whanaungatanga.
Timothy, 10 tuổi, là một trong những bệnh nhân đầu tiên tôi nói chuyện sau khi từ New Zealand trở về. Cậu bé đã đến phòng khám của chúng tôi được khoảng chín tháng, theo giới thiệu của một bác sĩ nhi khoa địa phương sau khi có một số hành vi bùng nổ tức giận và hung hăng với bạn cùng lớp. Cậu bé bị chẩn đoán mắc ADHD và rối loạn thách thức chống đối (ODD), và được giới thiệu đến phòng khám của chúng tôi vì các loại thuốc được kê đơn để “điều trị chứng rối loạn” không cải thiện được các triệu chứng.
Khi xem lại hồ sơ, tôi tìm thấy nhiều manh mối cho những vấn đề hiện tại của cậu bé này. Bắt đầu từ lúc ba tuổi, Timothy đã bị dượng của mình bạo hành về thể xác. Cuộc sống bạo lực và ngược đãi diễn ra trong khoảng ba năm, cho đến khi mẹ cậu rời bỏ người đàn ông bạo hành nọ, và họ ngay lập tức rơi vào cảnh nghèo đói. Mẹ cậu gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm một công việc tử tế. Trong ba năm tiếp theo, họ chuyển đến ba thành phố khác nhau – đồng nghĩa với ba ngôi trường mới, ba khu dân cư mới và những người hàng xóm mới. Cuối cùng, sau khi chuyển đến Texas, mẹ cậu bé đã có công việc ổn định, họ dần dần có lại được phần nào sự vững vàng kinh tế và xã hội. Nhưng những gì trải qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả hai người.
Người mẹ kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, suy nhược nhưng vẫn gắng gượng làm việc. Timothy có các triệu chứng liên quan đến sang chấn điển hình: tình trạng tăng cảnh giác bị nhầm thành ADHD, các vấn đề về giấc ngủ, kiệt sức vì các vấn đề giấc ngủ và phản ứng thái quá liên tục với căng thẳng. Rồi còn cả sự non nớt về mặt xã hội. Mặc dù đã 10 tuổi nhưng Timothy có rất ít cơ hội được “thực hành xã hội”. Việc luôn là đứa trẻ mới đến cùng với khả năng học hỏi kém hiệu quả bởi sang chấn đã dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong phát triển cảm xúc xã hội của đứa trẻ này. Timothy giống như một đứa trẻ 5 tuổi trong hình hài 10 tuổi. Cậu bé bị phớt lờ hoặc bị trêu chọc. Cậu bé bị loại trừ. Cậu điều hòa được tốt nhất khi ở một mình hoặc ở với mẹ. Cậu muốn hòa nhập với người khác nhưng không biết phải làm sao. Khi mới chuyển đến Texas, Timothy đã kết bạn với một đứa trẻ 6 tuổi trong khu nhà, nhưng cha mẹ của cậu bé này không thoải mái với sự chênh lệch tuổi tác và không khuyến khích các em, sau đó cấm hẳn việc chơi chung.
Tại phòng khám, tôi và Timothy ngồi cùng bàn, song song với nhau, vẽ và tô màu.
“Cháu biết không, chú nhận ra là chú chưa bao giờ hỏi về bạn bè của cháu”, tôi đánh bạo.
Timothy tiếp tục tô màu, không nói lời nào, như thể không nghe thấy, nhưng tôi biết cậu bé đang sử dụng phản ứng né tránh.
“Bạn thân nhất của cháu là ai?”.
Không do dự, cậu bé nói: “Bạn thân nhất của cháu là Raymond”.
“Hình như cháu chưa từng nhắc về Raymond nhỉ”.
“Bạn ấy rất tốt. Chúng cháu đi bơi cùng nhau. Và bắt được mấy con ếch. Bạn ấy thích Ninja Rùa giống cháu”. Dù thường thu mình và có vẻ ngoài buồn bã nhưng giờ đây Timothy lại khá hoạt bát và nhiệt tình.
“Các cháu học cùng lớp à?”.
Timothy dừng lại, dường như đang suy nghĩ. “Cháu không biết. Cháu không hỏi”.
Tôi bối rối: “Cậu ấy có học trường của cháu không?”.
“Không. Bạn ấy sống ở Kansas”.
“À. Các cháu thường gặp nhau chứ?”.
“Chỉ mùa hè năm ngoái thôi. Chắc cháu sẽ gặp lại bạn ấy vào hè năm sau, khi đi cắm trại”, Timonthy nuối tiếc nói, trở lại vẻ buồn bã thường trực của mình.
Tôi cũng thấy rất buồn. Đứa trẻ này đang nói với tôi rằng bạn thân nhất của nó là người mà nó mới gặp một lần ở khu cắm trại và chỉ mới cùng chơi trong vài ngày. Cậu bé này không có bạn bè, thực sự. Đại gia đình của Timonthy sống ở một thành phố khác, cậu bé là con một, không thuộc một cộng đồng tôn giáo nào, và ở trường thì bị gạt ra vì những hành vi thiếu chín chắn và bốc đồng của mình. Cậu bé bị coi là đứa trẻ “kỳ quặc”. Mẹ của cậu đã làm việc rất vất vả, một mình lo cho con. Bản thân cô ấy lúc nào cũng có vẻ buồn bã.
Sự tương phản giữa thế giới của họ với cộng đồng Maori rất đậm nét. Cộng đồng Maori có nhiều người ở nhiều độ tuổi, mỗi người lại có những điểm khác biệt đem lại sự đa dạng về các mối quan hệ và nhận thức trong quá trình phát triển – trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh niên, người lớn và người già đều ở trong cùng một chỗ, di chuyển, hát, nói, ăn, cười. Tôi tưởng tượng cảnh Timothy chạy quanh marae cùng những đứa trẻ khác, chốc chốc lại chào hỏi, trò chuyện với các cô, chú và ông bà. Hoặc lại cắm trại và đuổi ếch cùng người bạn Raymond của mình. Hình dung cảnh ấy khiến tôi mỉm cười. Rồi, trở về thực tế, tôi hình dung cảnh cậu bé tìm khắp căn tin trường để có một chỗ an toàn, rồi em ngồi một mình ăn trưa; đi bộ từ trường về một căn hộ trống; chờ đợi người mẹ yêu thương mệt mỏi của mình trở về; giết thời gian bằng trò chơi điện tử và TV.
Sang chấn đã ảnh hưởng đến cả hai mẹ con Timothy. Cả hai đều đang trải qua sự nghèo nàn về mối quan hệ. Họ không có mạng lưới trị liệu của những mối quan hệ tích cực, những mối quan hệ cần thiết để chữa lành. Timothy và mẹ cậu bé cần sự kết nối – họ cần whanaungatanga.
Trong những tuần tiếp theo, chúng tôi gặp mẹ con Timothy thêm vài lần và thay đổi phương pháp điều trị. Đầu tiên, chúng tôi đưa cả người mẹ vào việc chữa trị. Lạ lùng là có rất ít phòng khám nhi đồng thời phục vụ người lớn. Xét đến tần suất sang chấn xảy ra trong gia đình và liên thế hệ, đây là một ví dụ hùng hồn về sự phân mảnh có tính hủy hoại giữa các hệ thống cục bộ của chúng ta. Chúng tôi tìm cho Timothy một cố vấn trong trường, đăng ký cho cậu bé tham gia chương trình sau giờ học với Câu lạc bộ Nam & Nữ trong khu phố, và ngừng tất cả các loại thuốc. Chúng tôi khuyến khích mẹ Timothy tham gia một nhóm của nhà thờ địa phương dành cho bố mẹ đơn thân; cô ấy vốn là tín đồ Giáo hội Trưởng Lão nhưng vẫn chưa thực sự tìm được nhà thờ tạo cho cảm giác thân thuộc để đến sinh hoạt ở Texas. Chúng tôi đã gặp một số giáo viên của Timothy trong khuôn khổ chương trình giáo dục cá nhân (IEP). Sau khi biết được những nguyên do đằng sau hành vi của cậu bé, các giáo viên đã hiểu hơn nhiều, trong đó một giáo viên đặc biệt quan tâm đến cậu. Timothy từng vô hình và tất cả các giáo viên đều bị quá sức. Nhưng bây giờ cậu đã được nhiều người ở trường “nhìn thấy” hơn.
Sáu tháng sau, Timothy đã tiến bộ trông thấy. Cậu bé không gặp vấn đề gì về hành vi ở trường nữa và đã hoàn thành nội dung học tập của cả năm. Cậu đã có một người bạn thân mới, chơi cùng nhau mỗi tuần. Cậu hoạt bát trong trường học, sau giờ học và cả trong cộng đồng tôn giáo mới của mình. Mẹ của Timothy cũng thế. Cô nhận thấy nhóm phụ huynh đơn thân rất hữu ích và cô cũng đang hình thành những tình bạn mới. Cô từng rất đau lòng vì việc Timothy phải chật vật, vậy nên sự tiến bộ của cậu bé là liều thuốc bổ cho cô. Và việc mẹ hạnh phúc hơn cũng tự nhiên thúc đẩy cậu bé hạnh phúc hơn. Các mối quan hệ tương hỗ tích cực và cảm giác thân thuộc mới đã giúp chữa lành gia đình nhỏ này. Và đó chính là bước khởi đầu giúp tôi khám phá sức mạnh của sự kết nối.
–Tiến sĩ Perry
OPRAH: Anh nói rằng thế giới của chúng ta đang rơi vào tình trạng nghèo nàn sự kết nối. Ta sống trong những môi trường mà ta ngày càng ít gặp gỡ người khác hơn, nhưng ngay cả khi gặp ai đó và trò chuyện với họ thì chúng ta cũng không thực sự lắng nghe nhau hoặc thực sự hiện diện. Sự mất kết nối này đang khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn.
TIẾN SĨ PERRY: Tôi nghĩ đúng là vậy. Ngay cả khi đang sống trong một đất nước tuyệt vời đầy những người tốt nhưng tôi tin rằng, nhìn chung, chúng ta đã kém kiên cường đi. Khả năng chịu đựng các tác nhân gây căng thẳng của chúng ta đang giảm dần vì sự kết nối của chúng ta ngày càng giảm dần.
Sự nghèo nàn kết nối này đồng nghĩa với khả năng đệm đỡ khi gặp căng thẳng của chúng ta cũng kém đi. Chúng ta trở nên mẫn cảm hơn với bất cứ thứ gì ta cảm thấy có thể đe dọa được mình, chẳng hạn như những người có quan điểm chính trị khác biệt. Nhiều người phản ứng thái quá trước những thách thức tương đối nhỏ. Và khi quá mẫn cảm do hoạt động phụ thuộc vào trạng thái, chúng ta sẽ nhanh chóng chuyển sang cách suy nghĩ và hành động bớt phần lý tính mà thiên về cảm tính. Chúng ta đang mất dần khả năng bình tĩnh cân nhắc ý kiến của người khác, khả năng suy ngẫm và cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác.
OPRAH: Tôi luôn thấy chuyện như vậy. Khi ai đó phạm phải một sai lầm, hoặc khi điều mà ai đó đã nói từ rất lâu nay bỗng xuất hiện trở lại, văn hóa tẩy chay liền bùng lên. Không ai muốn nghe ai.
TIẾN SĨ PERRY: Điều trớ trêu là, toàn bộ giao tiếp của con người được biểu thị rõ nhất qua những khoảnh khắc hiểu lầm và không đồng bộ, nhưng sau đó thì chúng ta sửa đổi và kết nối lại với nhau. Như người bạn tốt của tôi, Ed Tronick, một nhà tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học phát triển, đã nói: Sự rạn nứt rồi hàn gắn giữa các cá nhân là điều tốt để xây dựng sự kiên cường. Những rạn nứt này là “liều thuốc” hoàn hảo cho sự căng thẳng vừa phải, có thể kiểm soát.
Chẳng hạn, các cuộc trò chuyện khuyến khích khả năng phục hồi, thảo luận và tranh luận khi gia đình ăn tối và các cuộc trò chuyện “nghiêm trọng” vừa phải với bạn bè – miễn có yếu tố điều chỉnh – sẽ giúp ta xây dựng tính kiên cường và trải nghiệm phát triển khả năng đồng cảm. Chúng ta không nên đùng đùng giận dữ rời khỏi một cuộc trò chuyện, mà nên tự điều hòa lại. Sửa lại những chỗ đứt gãy. Kết nối lại và phát triển. Khi bạn bỏ đi thì tất cả đều thua rồi. Chúng ta ai cũng đều cần phải lắng nghe, điều hòa và suy ngẫm. Điều này đòi hỏi khả năng tha thứ và sự kiên nhẫn. Tương tác trưởng thành giữa người với người cần đến nỗ lực để hiểu người khác mình. Nhưng nếu chúng ta không có bữa ăn gia đình, không có những cuộc chuyện trò sâu sắc và trực tiếp với bạn bè mà chỉ giao tiếp qua tin nhắn hoặc Twitter, chúng ta không thể tạo ra mô hình tương tác tích cực, lành mạnh giữa người với người.
OPRAH: Tất nhiên, những khoảnh khắc dễ chịu, tích cực là điều rất tuyệt vời. Nhưng anh đang nói rằng sự phát triển thực sự đến từ những khoảnh khắc khó khăn, những cuộc trò chuyện khó khăn. Và chúng ta cần trải qua những khoảnh khắc này cùng nhận thức về những điều đã xảy ra.
TIẾN SĨ PERRY: Thấu cảm là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, cả về mặt cảm xúc, để cảm nhận một chút điều họ có thể đang cảm thấy, lẫn về mặt nhận thức, để nhìn nhận tình huống từ góc độ của họ. Nếu tương tác với sự thấu cảm, ta sẽ ít có quan điểm tiêu cực về bất cứ điều gì đang diễn ra. Và điều đó cũng sẽ cho phép ta hiểu hơn về người kia, ngay cả khi đó là người mà ta đã biết; giúp ta hiểu hơn về câu chuyện của người khác, từ đó điều hòa được thêm một chút trong cách tương tác với họ.
Khi có người tỏ ra thô lỗ, phản ứng thường gặp của chúng ta là bị cuốn vào, bị “nhiễm” thứ cảm xúc ấy – chúng ta bị mất kiểm soát và rồi mô phỏng lại hành vi thô lỗ. Nhưng nếu tương tác từ lập trường chủ động kiểm soát và thấu cảm, phản ứng của ta sẽ thay đổi.
OPRAH: Và điều đó thay đổi mọi thứ. Anh cũng có nói rằng bộ não con người thực sự không được thiết kế cho thế giới hiện đại ngày nay. Hãy nói về điều này.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng, con người đã là con người – ở dạng di truyền này – được khoảng 250.000 năm. Và trong 99,9% thời gian đó, chúng ta sống trong các nhóm săn bắn hái lượm – nhóm đa gia đình tương đối nhỏ. Vì vậy, bộ não chúng ta đã quen thuộc với những thuộc tính xã hội và sự phức tạp của các nhóm nhỏ này. Trong gần như toàn bộ sự tồn tại của mình ở tư cách con người, mạng lưới xã hội của chúng ta rất nhỏ – chúng ta chỉ biết 60 đến 100 người. Chúng ta có thể có liên hệ với các nhóm người khác cùng chia sẻ một số mối quan hệ họ hàng và yếu tố văn hóa chung, nhưng chủ yếu thế giới của chúng ta khá nhỏ và gắn liền với thế giới tự nhiên. Sự đa dạng phát triển của chúng ta từng lớn hơn – người lớn, thanh niên và trẻ em ở trong cùng không gian với nhau suốt cả ngày. Sự gần gũi về thể chất lớn hơn, chạm nhiều hơn, kết nối nhiều hơn.
Hệ thống giác quan của chúng ta phát triển để theo dõi nhịp điệu thường ngày, màu sắc, ánh sáng và âm thanh của thế giới tự nhiên, cũng như những tín hiệu bằng lời và thậm chí không thành lời của các nhóm xã hội tương đối nhỏ nhưng phức tạp – tộc và họ của chúng ta.
Nhưng con người ngày nay sống rất khác so với hàng ngàn năm trước. Chúng ta đã phát minh ra thế giới hiện đại. Và cứ mỗi khi thế giới này cùng những phát minh của nó kéo ta ra khỏi những ưu tiên và khả năng di truyền của mình, chúng ta lại gặp rắc rối.
Thách thức hiện tại là tốc độ phát minh đang vượt quá tốc độ mà ta có thể giải quyết vấn đề. Trong hai nghìn năm qua, tốc độ thay đổi trong thế giới của chúng ta – về nhân khẩu học, công nghệ, giao thông vận tải,... – đã bùng nổ. Như nhà văn kiêm nhà hóa sinh Isaac Asimov đã nói: “Khía cạnh đáng buồn nhất của cuộc sống ngày nay là khoa học thu thập kiến thức nhanh hơn xã hội thu góp được sự khôn ngoan”.
Một phần thách thức của việc chúng ta kéo mình xa khỏi thế giới tự nhiên và sở thích xã hội là việc đó sẽ gây căng thẳng cho các hệ thống thần kinh liên quan đến việc giám sát thế giới. Hệ thống ứng phó với căng thẳng của chúng ta bị kiệt lực bởi liên tục phải chạy theo những âm thanh “chướng tai” của thế giới hiện đại: âm thanh đường phố, giao thông, máy bay, radio, TV, tiếng rì rì của tủ lạnh, tiếng rù rù của quạt máy tính. Việc sống trong môi trường đô thị càng tăng thêm gánh nặng lên các hệ thống này. Mỗi khi nhìn thấy một người trên phố, bộ não của ta liền đặt ra câu hỏi: An toàn và quen thuộc không? Bạn hay thù? Đáng tin cậy không? – hết lần này đến lần khác. Ta quét đặc điểm của từng người và so sánh chúng với “danh mục riêng” về tiêu chuẩn “an toàn và quen thuộc” của mình. Việc giám sát môi trường xã hội liên tục này có thể tiêu tốn một phần đáng kể “băng thông năng lượng” của chúng ta.
Đồng thời, chúng ta còn nổi loạn chống lại tự nhiên. Chúng ta sử dụng ánh sáng nhân tạo để thức vào ban đêm. Thực phẩm chúng ta ăn được chế biến qua cực kỳ nhiều bước – rất khác với loại thực phẩm mà cơ thể chúng ta đã tiến hóa để tiêu hóa. Tất cả những điều này đều gây căng thẳng cho cơ thể, đặc biệt là não bộ.
Và căng thẳng còn tồi tệ hơn nữa nếu ta phải lo lắng về chuyện miếng ăn, chốn ở, hoặc việc làm. Tính bất an và không thể đoán trước của sự nghèo đói làm tiêu hao hệ thống ứng phó với căng thẳng theo những cách khiến cơ hội thoát nghèo trở nên cực kỳ khó tận dụng.
OPRAH: Chúng ta đã nói về việc nghèo đói có thể gây sang chấn như thế nào. Nhưng như anh đang chỉ ra, chúng ta không chỉ phải lo lắng về tình trạng nghèo nàn về kinh tế. Cô lập và cô đơn thật sự là một dịch bệnh.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng, tôi rất lo ngại về sự nghèo nàn các mối quan hệ trong xã hội hiện đại. Từ công việc của mình, chúng tôi nhận thấy yếu tố dự đoán tốt nhất về sức khỏe tâm thần là “sức khỏe mối quan hệ” hay sự kết nối. Sự kết nối này được thúc đẩy bởi hai yếu tố: các khả năng cơ bản mà ta đã phát triển để hình thành và duy trì mối quan hệ, và các cơ hội kết nối mà ta có trong gia đình, khu phố, trường học,...
Nói một cách đơn giản, cuộc sống hiện đại cung cấp ít cơ hội cho các tương tác kết nối hơn. Trong môi trường đa gia đình, đa thế hệ, các tương tác xã hội liên tục cung cấp một nguồn dồi dào khả năng điều hòa, tưởng thưởng và học hỏi. Và chúng ta từng sống như thế. Vào năm 1790, 63% hộ gia đình Hoa Kỳ có từ năm người trở lên; chỉ 10% có hai hoặc ít hơn. Ngày nay, các con số này về cơ bản đã đảo ngược. Năm 2006, chỉ 8% hộ gia đình có từ năm người trở lên; 60% có hai hoặc ít hơn. Trong một khảo sát gần đây với các cộng đồng đô thị được chọn ở Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, có tới 60% tổng số hộ gia đình chỉ có một người.
Thêm vào đó là tác động của thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Ở nhà, ở cơ quan, ở trường, chúng ta dành hàng giờ đồng hồ trước màn hình – trung bình đến hơn 11 tiếng một ngày. Những bữa ăn gia đình đang ít đi nhiều, kỹ năng giao tiếp của chúng ta đang mai một. Nghệ thuật kể chuyện và khả năng lắng nghe ngày càng sa sút. Kết quả tạo nên những con người chỉ biết đến bản thân, lo âu nhiều hơn, trầm cảm nhiều hơn – khả năng phục hồi kém hơn.
OPRAH: Anh có nghĩ rằng tất cả những điều này đang góp phần làm giảm sự thấu cảm?
TIẾN SĨ PERRY: Chà, khả năng thể hiện sự thấu cảm là một chức năng của các mạng lưới thần kinh quan trọng trong não, và các mạng lưới này được tổ chức dựa trên cơ sở mục đích. Nói cách khác, giống như sự trôi chảy về mặt ngôn ngữ đòi hỏi phải trò chuyện nhiều, tiếp xúc nhiều với những kích thích bằng lời, thì “dễ dàng thấu cảm” đòi hỏi đủ lần lặp lại những tương tác quan hệ yêu thương, quan tâm. Và thế giới hiện nay đang không cung cấp những cơ hội ấy cho con cái chúng ta.
Trong những tình huống cực đoan, nếu trẻ sơ sinh không nhận được sự chăm sóc nhất quán, an toàn, ổn định và đầy yêu thương thì khả năng hình thành và duy trì được các mối quan hệ lành mạnh sẽ không phát triển. Và tùy thuộc vào các trải nghiệm phát triển khác, một loạt vấn đề về sự thân mật cũng như về kỹ năng xã hội và hành vi giữa các cá nhân có thể phát sinh.
OPRAH: Tôi biết anh đã làm việc với những người chưa bao giờ phát triển khả năng thấu cảm.
TIẾN SĨ PERRY: Tôi nhớ, có lần tôi đã phỏng vấn một phụ nữ ở tù vì tội sát hại một người mẹ trẻ để cướp đứa trẻ sơ sinh về nuôi như con của mình. Khi tôi xem lại hồ sơ và trò chuyện với cô này, sự mất kết nối thể hiện rõ ràng đến đau đớn.
Khi biết chuyện gì đã xảy ra với cô ấy, chị sẽ hiểu vì sao chuyện thành ra như vậy. Bản thân cô này đã bị bỏ rơi khi mới 6 ngày tuổi, được đưa vào nhà tạm vài tháng – tại đây qua tay nhiều người chăm sóc – trước khi bước vào hệ thống chăm sóc thay thế. Như vậy là từ khi sinh ra, người này đã không có bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào. Cô không thuộc về bất cứ ai, bất cứ nơi đâu. Đến năm 16 tuổi, cô ta đã sống qua 7 tiểu bang, 12 thành phố, 26 địa chỉ khác nhau. Cô chưa bao giờ học cùng một trường trong hai năm liên tiếp, thời gian lâu nhất cô từng sống ở một nơi là tám tháng. Cô không có mối liên kết nào với gia đình, với cộng đồng, với nơi mình đã đi qua.
Người phụ nữ này không hề hối hận, không bày tỏ cảm xúc với người mẹ mà cô đã giết lẫn đứa trẻ sơ sinh mà cô đã cướp đi. Khi chúng tôi trò chuyện, cô ấy chỉ trống rỗng và lạnh lẽo. Cô không có sự đồng cảm. Nhưng như chúng ta đã thảo luận ở Chương 3, ta không thể cho đi thứ mà ta không có. Nếu không ai nói chuyện với ta, ta không thể nói; nếu chưa bao giờ được yêu, ta không thể yêu.
OPRAH: Nhưng ngoài những trường hợp cực đoan như người phụ nữ này, anh nói rằng đã có sự thay đổi trong khả năng thấu cảm của tập thể chúng ta – khả năng cảm nhận nỗi đau của người khác.
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác. Tôi đang nói về sự thấu cảm chưa phát triển hoặc chưa chín muồi. Khi trẻ nhỏ nghe ít từ hơn, chúng vẫn học nói được – chỉ là sẽ kém trôi chảy hơn. Theo cách tương tự, khi có ít tương tác từ các mối quan hệ hơn, trẻ vẫn sẽ phát triển các khả năng xã hội – chỉ là kém trưởng thành hơn, coi mình là trung tâm nhiều hơn, chỉ biết đến mình nhiều hơn. Đây là điều mà rất nhiều nghiên cứu đang chỉ ra, đã có thay đổi đáng kể trong các thước đo đồng cảm: người trong độ tuổi đại học điển hình “ít đồng cảm hơn” và chỉ biết đến mình hơn đến 30% so với 20 năm trước. Một nghiên cứu khác cũng đã ghi nhận: rối loạn tâm thần gia tăng đến 40% ở sinh viên đại học Mỹ trong 30 năm qua; và các tác giả cho rằng điều này có liên quan đến “sự thay đổi trong văn hóa hướng tới các mục tiêu bên ngoài như chủ nghĩa vật chất và địa vị, xa rời các mục tiêu nội tại, chẳng hạn như cộng đồng, ý nghĩa cuộc sống và sự gắn kết”. Nhưng như thế không có nghĩa là những người trẻ tuổi xấu xa hơn hay tồi tệ hơn, đây chỉ là một ví dụ rõ ràng về cách mà trải nghiệm sống hình thành nên con người chúng ta. Tất cả những gì đã xảy ra đều quan trọng, và tất cả chúng ta đều phản ánh ở một mức độ nào đó các đặc tính kết nối của gia đình, cộng đồng và văn hóa của mình.
Khi nghĩ về những thay đổi trong cấu trúc gia đình và văn hóa, tôi thường nghĩ đến bộ phim Avalon của Barry Levinson. Cảnh mở đầu là một đại gia đình nhiều thế hệ tụ họp vào dịp Lễ Tạ ơn. Căn hộ tương đối nhỏ, nhưng tất cả các thế hệ đều ở đó trong sự hỗn loạn ồn ào đầy yêu thương. Đến cảnh cuối cùng, vào Lễ Tạ ơn tiếp theo, sau khi “thành đạt” và chuyển đến vùng ngoại ô, một gia đình hạt nhân – từng là một phần của đại gia đình – ngồi như những đường thẳng song song, không nói chuyện, mỗi người một ghế, ăn bữa tối đông lạnh và xem TV.
Kết cấu xã hội xuyên thế hệ của xã hội chúng ta đang bị xói mòn. Chúng ta đang ngắt kết nối. Tôi nghĩ điều đó đang khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn trước nghịch cảnh và tôi nghĩ đó là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng lo âu, tự tử và trầm cảm như ta phải chứng kiến ở giai đoạn hiện tại, ngay cả trước đại dịch COVID-19.
OPRAH: Anh nghĩ là do mất kết nối.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng. Mất kết nối và cảm giác cô đơn có vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng cảm giác lo âu, các vấn đề về giấc ngủ, lạm dụng chất kích thích và tình trạng trầm cảm mà chúng ta đang thấy.
Trong một nghiên cứu gần đây tại đại học Harvard, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trong tất cả các yếu tố liên quan đến trầm cảm, yếu tố tác động mạnh nhất liên quan tới sự kết nối: “Tác dụng bảo vệ của kết nối xã hội được thể hiện ngay cả với những người có nguy cơ cao bị trầm cảm do tính dễ tổn thương về mặt di truyền hoặc đã phải chịu sang chấn ở giai đoạn đầu đời”. Những gì chúng tôi đã rút ra được từ công việc của mình chắc chắn cũng ủng hộ nhận xét này. Một trong những phát hiện chính của chúng tôi là, khi xác định tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại của một người nào đó, lịch sử về tình trạng sức khỏe của các mối quan hệ thời thơ ấu của họ – tính kết nối của họ – cũng rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả nghịch cảnh họ đã gặp phải trong quá khứ. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên đã trải qua sang chấn, yếu tố dự báo tốt nhất cho hoạt động sức khỏe tâm thần là sự kết nối trong hiện tại của các em.
Tôi nhớ đến những vị trưởng lão Maori và việc họ tin rằng sang chấn, lo âu, trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện “tất cả đều chỉ là một” – và tất cả đều liên quan đến sự kết nối của chúng ta, đến cảm giác thuộc về của chúng ta.
OPRAH: Tôi đồng ý. Tôi đã đề cập đến điều mà tôi đã nhận ra sau khi nghe hàng nghìn người chia sẻ câu chuyện của họ, rằng tất cả mọi nỗi đau đều giống nhau – chúng ta chỉ chọn những cách thể hiện khác nhau. Hơn thế nữa, tôi tin rằng tất cả chúng ta ở đây để học hỏi từ nỗi đau của nhau. Vì vậy, sự thiếu vắng một cộng đồng và cô lập về mặt xã hội mà tất cả đều cảm thấy là nguồn gốc của nỗi đau chung lớn lao.
TIẾN SĨ PERRY: Mất kết nối là bệnh. Tôi cho rằng các trưởng lão Maori đã đúng, và rằng có một số tương quan giữa tỷ lệ tự tử gia tăng với sự xói mòn gia tăng trong kết cấu xã hội của chúng ta.
Chúng ta đang nuôi dạy con cái và thế hệ trẻ trong môi trường nghèo nàn về kết nối nhưng lại quá tải về giác quan do sự phát triển các công nghệ trên màn ảnh.
OPRAH: Tất cả chúng ta đều như bị dán vào chiếc điện thoại. Thậm chí không ai giao tiếp bằng mắt.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy. Nhắn tin, tweet và đăng bài nhiều hơn, nhưng các cuộc trò chuyện trong thực tế lại ít hơn.
Tôi tin rằng chúng ta không có đủ những giây phút trò chuyện yên tĩnh để lắng nghe một người bạn mà không bị phân tâm. Kiểu tương tác đó dẫn đến chất lượng kết nối hoàn toàn khác giữa người với người. Một chiều sâu khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều “đói” điều này và nhiều người đã chuyển sang tìm kiếm nó ở mạng xã hội, nhưng cuối cùng những tương tác đó không đáp ứng được cơn đói của ta.
Trong khi đó, tỷ lệ tự tử, lo âu và trầm cảm đang tăng lên ở thế hệ trẻ. Nền văn hóa của chúng ta quá tiên tiến, chúng ta quá giàu có, sáng tạo và năng suất – tuy nhiên sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tất cả các hệ thống vẫn tiếp tục gạt bỏ, phân mảnh, làm suy yếu sự gắn kết giữa các cộng đồng và các nền văn hóa.
Chúng ta có thể có một hệ thống giáo dục công khá tốt, có những công nghệ tuyệt vời, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những nhu cầu quan hệ cơ bản của con cái hoặc của chính chúng ta. Vì vậy, nhiều người vẫn cảm thấy trống rỗng và khao khát được kết nối, và chúng ta thường tìm kiếm kết nối theo những cách thực sự không lành mạnh.
OPRAH: Điều đó xảy ra ở tất cả mọi cấp độ kinh tế xã hội. Sự giàu sang dường như chẳng giúp được bất kỳ ai tránh khỏi lo lắng hoặc trầm cảm.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng thế. Nhưng sống ở dưới đáy của sự chênh lệch quyền lực càng khó khăn hơn rất nhiều. Nếu chị không thuộc nhóm “ở trong”, việc chị bị gạt ra ngoài lề có thể góp phần tạo ra cảm giác không thuộc về một nơi nào cả.
Như chúng ta đã nói, não bộ liên tục dò quét môi trường xã hội để tìm các tín hiệu cho ta biết ta có thuộc về nơi đó hay không. Khi một người nhận được tín hiệu (nhiều tín hiệu trong số đó thuộc tiềm thức) cho thấy họ thuộc về một nơi nào đó, hệ thống ứng phó với căng thẳng của họ sẽ “bình tĩnh” lại, cho biết rằng họ đang an toàn. Họ cảm thấy được điều hòa và được khen thưởng. Nhưng nếu phải nhận những tín hiệu thông báo không thuộc về nơi đó, hệ thống ứng phó với căng thẳng sẽ được kích hoạt. Và các tín hiệu “không thuộc về” là lời đáp mặc định của chúng ta cho bất kỳ ai mình không biết, đặc biệt nếu họ không có những đặc điểm của nhóm mà ta quen thuộc. Ta xem người này là một mối đe dọa tiềm tàng.
OPRAH: Là “kẻ khác”.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy. Bây giờ hãy nghĩ về tác động của điều đó đối với thế giới hiện đại. Như đã đề cập, nếu sống tại khu vực thành thị, chị có thể nhìn thấy hàng trăm người mới mỗi ngày và bộ não của chị phải liên tục theo dõi hàng trăm người ấy. Bạn hay thù? Giúp tôi hay hại tôi? Việc này đè nặng, chiếm nhiều “băng thông cảm xúc”. Thông thường, người sống trong môi trường đô thị học cách hoàn toàn phớt lờ và tách biệt với người khác. Họ có thể đi ngang qua và coi chị như không khí. Kiểu tương tác ấy khiến chị cảm thấy mình như vô hình, nhưng đối với họ, đó có thể chỉ là một hình thức tự bảo vệ bản thân.
Nhiều người đã phải trải qua cảm giác kiệt sức sau một ngày di chuyển, ngay cả khi tất cả những gì họ làm là đứng xếp hàng và ngồi trên máy bay. Điều này xảy ra bởi vì bộ não đã phải liên tục theo dõi hàng nghìn kích thích mới. Hãy nhớ rằng: việc kích hoạt hệ thống ứng phó với căng thẳng, ngay cả ở mức độ vừa phải, trong thời gian dài sẽ gây mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần.
Vì vậy, một phần âu lo gia tăng trong thế giới hiện đại của chúng ta là do sự tấn công liên tục của những thứ lạ thường – đặc biệt là sự lạ thường của xã hội – và sự thiếu vắng kết nối với các mối quan hệ đối trọng.
OPRAH: Vậy là, khi thế giới của chúng ta mở rộng và chúng ta gặp ngày càng nhiều người, não bộ sẽ bị quá tải.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng, và kết quả là nó sẽ bắt đầu sử dụng đường tắt để quản lý tất cả những người mới này. Bộ não của ta chỉ có thể quản lý một số lượng giới hạn các mối quan hệ tương hỗ hoàn toàn. Thú vị ở chỗ, theo những gì chúng ta đã nói, con số này vào khoảng 80 đến 100 người – quy mô của một toán người săn bắn hái lượm lớn.
OPRAH: Phải mất rất nhiều năng lượng và thời gian để làm quen với một người mới, nhưng không gian trong não của chúng ta là có giới hạn. Có lẽ đây là lý do tại sao việc chuyển đến một nơi khác lại khó khăn đến thế.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy. Khi chị chuyển đến một cộng đồng mới, rời xa những điều quen thuộc, bộ não của chị sẽ liên tục cố gắng xem xét và quản lý tất cả những điều mới lạ. Và điều đó rất khó thực hiện nếu không có những chiếc neo là các mối quan hệ thực sự trong môi trường mới. Các mối quan hệ sẽ phát triển, nhưng cần có thời gian. Đây là lý do tại sao mọi người dễ bị tổn thương nhất trong sáu tháng đầu sau chuyển đổi lớn – sau khi rời bỏ sự an toàn, ổn định và bảo bọc lại phía sau để bắt đầu xây dựng một nhóm kết nối mới.
Hãy nghĩ đến những cô gái ở trường của chị. Họ là những cô gái trẻ tuyệt vời đến đáng kinh ngạc, nhưng đã bị đưa ra khỏi bối cảnh xã hội của mình, vào một môi trường hoàn toàn mới. Trước khi có thể xây dựng lại các kết nối, họ rất dễ bị tổn thương.
OPRAH: Đó là lý do tại sao tôi cố gắng tìm cho họ những gia đình bản xứ, để họ luôn có một nơi để về. Một không gian an toàn.
TIẾN SĨ PERRY: Đó là một việc làm thực sự thông minh, bởi vì sự kết nối là thứ giúp chúng ta kiểm soát việc chuyển đổi và điều chỉnh khi đối mặt với sự tấn công không ngừng của những điều mới mẻ.
OPRAH: Và bây giờ, không có cộng đồng, mọi người sẽ làm gì? Họ nhìn vào thiết bị của mình. Khách quan mà nói thì việc này không sai, nhưng cuối cùng thì trong đó chỉ có các mối liên hệ rỗng.
TIẾN SĨ PERRY: Đôi khi tôi thấy các nỗ lực gần như điên cuồng để được kết nối bằng cách có thêm “bạn bè” hoặc “người theo dõi” hoặc “lượt thích”. Ta bị thu hút bởi cảm giác được thuộc về, để “tụm bầy”, nhưng như chị nói, các kết nối mạng xã hội thường rỗng.
OPRAH: Bởi vì đó không phải là những “người bạn” hay “người theo dõi” sẽ ở bên cạnh khi ta đau ốm, ly hôn hoặc khi ta cảm thấy cô đơn. Người ta không ngồi cùng bàn với hàng xóm – hoặc thậm chí, trong nhiều trường hợp, với gia đình của mình.
Tôi đang nghĩ lại những gì anh đã nói – tình trạng mất kết nối thật sự là một căn bệnh. Bị cô lập có thể được xem là một dạng sang chấn mới không?
TIẾN SĨ PERRY: Tôi thực sự nghĩ rằng, trong một số tình huống, sự cô lập và cô đơn có thể khiến hệ thống ứng phó với căng thẳng trở nên mẫn cảm. Theo cách đó, chúng có thể là một dạng sang chấn. Ví dụ như khi ta đưa một người nào đó vào phòng biệt giam. Thời gian cô lập cũng tạo nên sự khác biệt – hãy nghĩ đến người phụ nữ mà tôi gặp trong tù, người đã bị bỏ rơi khi còn là trẻ sơ sinh.
Tôi nghĩ, nếu ta xem sự nghèo nàn mối quan hệ – thiếu kết nối – là một nghịch cảnh thì cũng hoàn toàn hợp lý. Nghèo nàn mối quan hệ có thể phá vỡ sự phát triển bình thường, ảnh hưởng đến cách não bộ hoạt động, khiến ta có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần. Nó hoàn toàn không tốt.
OPRAH: Đặc biệt là đối với trẻ em.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng. Tất cả chúng ta đều muốn trở thành một phần của nhóm, nhưng rất nhiều trẻ em đã bị gạt ra ngoài lề, bị loại trừ hoặc bắt nạt. Việc này có thể hủy hoại các em. Việc bị bỏ rơi có thể có tác động sâu sắc và lâu dài.
Theo nhiều cách, kết quả của sự nghèo nàn các mối quan hệ của xã hội chúng ta là một dạng đói khát về mặt xã hội và tình cảm. Con cái của chúng ta đang đói khát.
OPRAH: Tôi nghĩ đây là một khái niệm khó hiểu với hầu hết mọi người, bởi vì trẻ em trong nền văn hóa hiện đại dường như có tất cả mọi thứ. Ý anh là gì khi nói rằng chúng đang đói khát?
TIẾN SĨ PERRY: À, có nhiều dạng “thức ăn” khác nhau. Một trong những điều mà các nền văn hóa phương Tây không đánh giá cao là tác động mạnh mẽ và quan trọng của xúc chạm đối với sự phát triển thể chất và cảm xúc.
OPRAH: Thú vị thật.
TIẾN SĨ PERRY: Da chạm da là điều rất thiết yếu cho sự phát triển thể chất và cảm xúc lành mạnh, chúng thiết yếu không kém gì calories và vitamin. Nếu trẻ sơ sinh không được bế hoặc đu đưa, không cảm nhận được sự ấm áp yêu thương từ những cái chạm hay kề da của người chăm sóc, chúng sẽ không phát triển. Trên thực tế, chúng có thể chết.
OPRAH: Chết theo nghĩa đen?
TIẾN SĨ PERRY: Hoàn toàn có thể đấy. Nhiều người trong xã hội của chúng ta, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên, đã bị “đói chạm”. Những tiếp xúc lành mạnh đã không được hiểu đúng. Thực sự có những ngôi trường đã không có phép trẻ chạm vào người khác, dẫu đứa trẻ nhỏ xíu mới chập chững có thôi thúc muốn chạy đến và ôm lấy một bạn học hoặc giáo viên; ngược lại, các giáo viên và người chăm sóc khác cũng không được phép chạm vào trẻ. Nhưng việc một đứa trẻ ba hoặc bốn tuổi trải qua tám tiếng đồng hồ mà không chạm hoặc ôm hoặc đùa giỡn với người khác là điều thực sự không hề lành mạnh.
OPRAH: Đó là một trong những điều khiến tôi vô cùng phiền lòng, khi nghe tin về việc các bậc cha mẹ bị tách khỏi con cái của họ tại biên giới Mexico – Hoa Kỳ. Colleen Kraft, cựu giám đốc Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, cho biết, điều khiến bà kinh ngạc là người chăm sóc không được phép chạm vào trẻ nhỏ. Những đứa trẻ gào thét và khóc lóc, trong khi những người chăm sóc lại được thông báo rằng không được phép chạm vào chúng. Họ cứ đưa đồ chơi, đưa đồ chơi, và chỉ đưa đồ chơi. Tôi biết là có cách cho phép sự tiếp xúc lành mạnh trong khi vẫn bảo vệ trẻ em khỏi sự đụng chạm không mong muốn.
TIẾN SĨ PERRY: Đây là một ví dụ kinh điển cho việc đưa ra các khuyến nghị hay chính sách với mục đích tốt nhưng lại thiếu hiểu biết về nhu cầu phát triển của trẻ em. Mục đích là để giúp đỡ trẻ em bằng cách giảm thiểu khả năng bị đụng chạm không phù hợp hoặc lạm dụng, đồng thời bảo vệ nhân viên khỏi mọi cáo buộc sai, nhưng thay vì suy nghĩ tìm cách hợp lý để đảm bảo sự tiếp xúc lành mạnh trong môi trường được giám sát tốt, người ta lại áp dụng một quy tắc “không chạm” chung chung.
Đây là một nét phổ biến trong văn hóa của chúng ta. Chúng ta phản ứng; chúng ta ưu tiên các giải pháp ngắn hạn, thuận tiện; chúng ta sợ rủi ro; và chúng ta sử dụng vật chất làm phần thưởng, thay vì các mối quan hệ. Đây, đồ chơi đây. Hãy ngoan đi rồi ta sẽ cho cháu một thứ gì đó. Đưa đồ chơi thay vì cái chạm trấn an là một hành động sai lầm đến đau đớn. Đó là kết quả của các chính sách thiếu hiểu biết về sự phát triển, thiếu hiểu biết về sang chấn – và là một ví dụ khác về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống của chúng ta.
OPRAH: Khi nghe điều đó, tôi đã khóc. Chúng ta thực sự cần phải làm tốt hơn. Chúng ta phải biết chứ. Chúng ta phải biết rằng sự tiếp xúc giữa người với người là lành mạnh. Chúng ta phải biết rằng thời gian ngồi trước màn hình không thể thay thế cho bạn bè, giáo viên, huấn luyện viên hoặc cha mẹ.
TIẾN SĨ PERRY: Một lần nữa, chúng ta đang phát minh ra thế giới theo tốc độ vượt xa khả năng hiểu được tác động từ những phát minh ấy. TV, trò chơi điện tử, điện thoại, máy tính – tất cả đều khá mới. Và chúng ta không hoàn toàn hiểu được tác động của những thiết bị ấy đến bộ não đang phát triển, đến cách con cái chúng ta suy nghĩ và xử lý trải nghiệm. Nhưng chúng ta đã bắt đầu hiểu tác động gián đoạn mà 11 tiếng đồng hồ trước màn hình có thể gây nên đối với sự phát triển xã hội. Tất cả đều đã thấy sự gián đoạn của tin nhắn văn bản hoặc cuộc gọi điện thoại trong bữa ăn tối gia đình hoặc cuộc trò chuyện với bạn bè; và tác động gây mất tập trung của việc lướt Internet khi đang “nghe” bài giảng ở trường hay “tham dự” cuộc họp tại nơi làm việc.
OPRAH: Tôi từng nghe anh sử dụng cụm từ “vệ sinh kỹ thuật”, và tôi khá thích nó. Anh sẽ giải thích ý nghĩa của nó chứ?
TIẾN SĨ PERRY: Cơ bản thì tôi tin rằng chúng ta cần phát triển các quy tắc thực hành xã hội về việc sử dụng các công nghệ mới vào lúc nào và như thế nào. Chúng ta luôn tạo ra các quy tắc mới khi tạo ra các công nghệ mới.
Lấy việc thực hành vệ sinh hiện tại làm ví dụ. Trong lịch sử y học, một trong những tiến bộ quan trọng nhất là nhận ra mối quan hệ giữa bệnh tật với vi khuẩn và chất thải. Chúng ta bây giờ nghe thì thấy khó tin, nhưng các bác sĩ phẫu thuật ngày trước từng tiến hành phẫu thuật mà không hề rửa tay; mọi người đi vệ sinh ở bất cứ nơi nào họ muốn, và cộng đồng đổ chất thải vào các nguồn nước uống. Nhưng khi đã hiểu hơn về vi khuẩn, nhiễm trùng và bệnh tật, mọi người nhận ra rằng mình cần phải quản lý mọi thứ tốt hơn. Một loạt quy trình vệ sinh đã được phát triển. Chúng ta dạy trẻ đi vệ sinh trong phòng vệ sinh, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Chúng ta giữ chất thải cách xa khỏi nguồn nước uống và sinh hoạt của mình.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng cần loại quy tắc phổ quát tương tự cho việc sử dụng công nghệ. Các khu vực không điện thoại và khoảng thời gian không điện thoại, “liều lượng” thích hợp và khoảng thời gian sử dụng thiết bị,... Chúng ta biết việc trẻ nhỏ tiếp xúc liên tục với màn hình là không tối ưu cho sự phát triển lành mạnh của các kỹ năng ngôn ngữ, sự chú ý hoặc sự tập trung, vì vậy, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến nghị về độ tuổi và giới hạn thời gian. Càng hiểu thêm về vấn đề, chúng ta càng có thể phát triển và sửa đổi các khuyến nghị “vệ sinh” ấy.
OPRAH: Có đúng là trẻ em dưới hai hoặc ba tuổi hoàn toàn không nên xem máy tính bảng hoặc màn hình vì điều đó không tốt cho sự phát triển của não bộ?
TIẾN SĨ PERRY: Có lẽ như vậy cũng không phải là tối ưu đâu.
OPRAH: Tại sao vậy?
TIẾN SĨ PERRY: Bộ não của chúng ta được tổ chức thiên về thị giác, mặc dù chúng ta có nhiều giác quan nhưng thị giác có xu hướng trội nhất. Hình ảnh có thể gợi lên phản ứng mạnh mẽ vì não của chúng ta thích những nội dung trực quan chuyển động và đầy màu sắc. Kết hợp hai loại nội dung như thế trên một màn hình sẽ hoàn toàn thu hút sự chú ý của người xem.
Điều đó không nhất thiết là xấu, nó chỉ xấu khi nó trở nên dễ chịu và hấp dẫn đối với não bộ đến mức chúng ta bắt đầu thích nó hơn các kích thích giác quan khác, từ đó các giác quan khác ít được kích thích hơn, ít bận rộn hơn. Trẻ ở độ tuổi sơ sinh hoặc mới tập đi phí phạm thời gian vào màn hình là đang bỏ lỡ các hình thức học hỏi quan trọng khác về thế giới. Trẻ nên khám phá xem mọi thứ khi chạm vào sẽ có cảm giác ra sao, có mùi ra sao, vị thế nào. Trẻ nên tìm hiểu thế giới bằng tất cả công cụ giác quan mình có.
Chị có thấy trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ luôn cho đồ vật vào miệng không? Chúng đang thử xem một bông hoa màu tím có mùi vị như thế nào. Chúng đang tìm hiểu thế giới. Nhưng nếu 75% thời gian trong ngày dành cho việc nhìn chằm chằm vào màn hình, không chạm, không cảm nhận, không chuyển động hoặc tương tác với người khác, thì căn bản ta đang không phát triển các phần não quan trọng, mà những phần não này lại tổ chức, phát triển nhanh nhất trong đoạn đời này.
Cách dạy ngôn ngữ cho trẻ tốt nhất không phải là đặt chúng ngồi trước màn hình mà là trò chuyện với chúng. Khi thực sự xem xét khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ, chị sẽ thấy sự trôi chảy liên quan đến số lượng từ được nói qua lại, tương tác, trò chuyện. Không phải là số lượng từ nghe được trên thiết bị.
OPRAH: Và chúng ta muốn trẻ em có được kết nối đời thực với những đứa trẻ và người lớn khác. Như anh đã nói, hệ thống thấu cảm trong não sẽ phát triển khi có nhiều cơ hội kích thích.
TIẾN SĨ PERRY: Vì vậy, lý tưởng nhất là khi một đứa trẻ được lớn lên trong ngôi nhà giàu mối quan hệ. Với nhiều cơ hội được tương tác an toàn, ổn định và bảo bọc, chúng sẽ xây dựng được sự kết nối và sự kiên cường. Tất cả các phương pháp nuôi dạy trẻ và chữa lành truyền thống, những hiểu biết này là điều tôi đã học được từ những trưởng lão bản địa.
Hiểu biết của họ về tính ưu việt của sự kết nối giữa con người với nhau phản ánh một sự thông thái đã bị mất trong thế giới hiện tại của chúng ta. Thật mỉa mai làm sao khi các nền văn hóa mà thế giới hiện đại đã gạt ra ngoài lề lại chính là các nền văn hóa chứa đựng sự thông thái, và sự thông thái ấy là thứ chữa lành được những nỗi thống khổ hiện đại của chúng ta.