Năm 2015, trong chương trình Super Soul Sunday, tôi có phỏng vấn một người tên là Shaka Senghor . Shaka bị kết tội giết người cấp độ hai khi mới 19 tuổi và đã ở tù tổng cộng 19 năm, bao gồm 7 năm biệt giam. Thời gian đầu chịu án, Shaka bùng nổ giận dữ và bạo lực, và nhanh chóng bị nhấn chìm trong một hệ thống không hề quan tâm chuẩn bị những điều cần thiết để anh có thể hòa nhập với thế giới bên ngoài, khi đến lúc. Nhưng sau sáu năm, Shaka bắt đầu thay đổi. Trong phòng giam chỉ hơn 3m2, anh bắt đầu thiền, đọc sách và viết nhật ký.
Hồi ký Writing My Wrongs (tạm dịch: Viết về những sai lầm) của anh sau này đã trở thành một trong những cuốn sách bán rất chạy. Lúc thấy ảnh Shaka trên bìa sách, tôi có chút hoài nghi. Kẻ giết người, bị kết án, xăm trổ, tóc bện dreadlocks này thì có gì để dạy tôi?
Nhưng cuộc trò chuyện của chúng tôi hóa ra lại là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất tôi từng có.
Câu chuyện của Shaka dần được mở ra sau hơn hai giờ trò chuyện cùng nhau. Và hiểu biết của tôi cũng thế. Tôi hiểu thêm về ý nghĩa của việc không đạt được kỳ vọng, ý nghĩa của việc lầm đường lạc bước và ý nghĩa thực sự của việc “được” môi trường nhào nặn.
Shaka, tên khai sinh là James White, lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Detroit. Bố anh là một thành viên của Lực lượng Dự bị Không quân Hoa Kỳ và làm việc cho bang Michigan. Mẹ thì ở nhà với James cùng năm anh chị em của anh. Khi còn bé, James là một học sinh hạng A với ước mơ trở thành bác sĩ.
Nhìn bề ngoài, gia đình nhà White trông chẳng khác gì một gia đình Hoa Kỳ lý tưởng. Nhưng Shaka nói rằng, theo những gì anh nhớ được, mẹ anh rất nóng nảy và thường trút giận lên đàn con.
“Anh có cảm thấy được yêu thương mà lớn lên không?”, tôi hỏi.
“‘Mẹ yêu mày nên mẹ mới làm thế’, tôi cứ nghe thế suốt”, anh đáp. “Nhưng tôi luôn phải chịu đòn hay bị trách phạt”.
Tôi lập tức có cảm giác “quen quen”.
Shaka kể rằng, một ngày năm anh lên chín, anh đi học về mà không giấu nổi vẻ hớn hở vì bài kiểm tra được điểm xuất sắc. Anh hy vọng được cùng mẹ chia sẻ niềm vui ấy. Nhưng không. Mẹ anh ném một chiếc nồi về phía anh, mạnh đến nỗi vỡ cả gạch lát tường.
Tôi hỏi anh có biết vì sao bà ấy lại bực đến thế không.
“Tôi đâu biết”, anh nói. “Mẹ tôi lúc nào cũng bực mình”.
Tôi lắng nghe mà trái tim tan nát, Shaka và hàng triệu người khác đã thường xuyên phải nếm trải nỗi sợ đến tê người khi ở nhà. Bi kịch không chỉ ở cảm giác sợ hãi ngay lúc đó mà còn ở việc họ đã học cách chôn vùi cảm xúc và chấp nhận những hành vi mình phải hứng chịu.
Ngoài việc bị mẹ ngược đãi về mặt thể chất, Shaka cũng cho biết, năm năm cuối cùng trong cuộc hôn nhân của cha mẹ anh cũng không được ổn định. Họ cứ thay đổi mòng mòng. Anh suy sụp khi cha mẹ ly thân rồi lại vui mừng lúc họ tái hợp, rồi lại suy sụp, rồi lại mừng vui theo mỗi lần chu kỳ lặp lại. Cuối cùng thì họ cũng ly hôn. Mệt mỏi vì bị những người mình thương yêu nhất phản bội, Shaka đã dựng lên một bức tường cảm xúc để rồi tìm kiếm sự bảo vệ và chấp nhận từ đường phố. Anh bắt đầu đổ đốn: lao vào đánh đấm, không chịu học hành, bỏ nhà đi bụi.
Điều khiến tôi nhức nhối nhất trong câu chuyện của Shaka là trong suốt quá trình thay đổi ấy – từ một học sinh hạng A thành trẻ đường phố – chẳng có ai hỏi “Chuyện gì đã xảy ra với con vậy? Sao con lại hành xử như vậy?” lấy một lần. Xem ra không một người lớn nào nhận thấy hay quan tâm đến một cậu bé đã hoàn toàn lạc lối.
14 tuổi, Shaka đã bán ma túy, đột nhập gia cư và trộm cắp đồ tại các cửa hàng. Sau khi bị bắn ở tuổi 17, anh bắt đầu mang súng kè kè. Anh rơi vào thứ văn hóa và môi trường cổ súy quan niệm rằng giá trị của một thằng đàn ông được xác định bởi tiền bạc, sự chú ý và “cái tiếng trai hư”.
“Trong không gian đó tôi cảm thấy được chấp nhận”, Shaka nói. “Tôi tụ bạ với đám trai trẻ đổ vỡ, mong manh khác, chúng tôi bám lấy nhau với điểm chung là gia đình đổ vỡ. Tôi nghĩ: Đây là sự hỗ trợ. Đây là tình yêu. ‘Tao ủng hộ mày dù bất kể thế nào’”.
“Nhưng chẳng phải anh là người giỏi giang từng muốn làm bác sĩ sao?”, tôi hỏi. “Tại sao anh lại muốn trở thành bác sĩ?”.
Shaka ngập ngừng chừng hai, ba giây – trên truyền hình như thế là rất lâu. Tôi có thể nói rằng đây là điều Shaka chưa từng thực sự suy nghĩ đến. “Mẹ luôn tử tế lúc đưa tôi đi bác sĩ”, cuối cùng anh cũng cất lời. Rồi anh im lặng, mắt ngân ngấn nước. “Có lẽ tôi đã nghĩ rằng, nếu tôi trở thành bác sĩ, mẹ sẽ tử tế với tôi”. Đó là khoảnh khắc hết sức xúc động với cả hai chúng tôi: một chàng trai trẻ, hoang mang và bị những người nuôi dạy mình chối bỏ, chỉ muốn tìm kiếm sự công nhận và tình yêu thương của mẹ mình.
Năm 19 tuổi, lựa chọn sống nguy hiểm của Shaka đạt đỉnh. Một đêm, trên đường từ một bữa tiệc trở về, anh đã cãi cọ với một người tên là David. Trong lúc ẩu đả, Shaka lôi súng ra và bắn chết David.
Trong tù, Shaka tìm thấy môi trường quen thuộc của mình, nơi của bạo lực và thống trị. Anh không ngừng tự đẩy mình vào xà lim biệt giam với đủ thứ tội danh, từ tấn công quản ngục đến mưu toan vượt ngục.
Điều khiến anh tỉnh ra là lá thư từ con trai.
“Bố ơi”, thư viết. “Mẹ bảo rằng bố đang ở tù vì giết người. Bố ơi, bố đừng giết người nữa nhé. Chúa Jesus theo dõi những gì ta làm đấy. Bố hãy cầu xin Chúa rồi người sẽ tha tội cho bố”.
“Đó chính là điều khiến tôi vỡ ra”, Shaka nói. “Tôi nghĩ, không thể để lại những thứ này làm di sản cho con mình được. Tôi quyết định rằng sẽ không bao giờ quay lại bóng tối và rằng tôi phải tìm ra ánh sáng. Tôi phải tìm ra ánh sáng vì tôi nợ con tôi điều đó”.
Từ ngày ra tù vào năm 2010, Shaka đã trở thành tiếng nói ủng hộ cải cách tư pháp hình sự. Anh trò chuyện với thanh niên nước Mỹ, chia sẻ câu chuyện của mình và khích lệ các chàng trai tránh xa cuộc sống đường phố. Anh dạy ở đại học Michigan và trở thành một thành viên của MIT Media Lab. Trọng tâm của mỗi điều anh làm là niềm tin rằng chúng ta không nên để những sai lầm trong quá khứ định nghĩa mình và rằng ta hoàn toàn có thể chuộc tội.
Đa phần những người đang trên hành trình tìm kiếm lý do khiến họ làm những gì đã làm vào một lúc nào đó đều sẽ vấp phải sự phản đối. “Anh đang đổ lỗi cho quá khứ”. “Quá khứ không phải là cái cớ”.
Đúng thế. Quá khứ không phải là cái cớ. Nhưng nếu đó là một lời giải thích, để ngẫm nghĩ về những câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta tự hỏi: Tại sao mình lại cư xử như cách mình đang cư xử? Tại sao mình lại cảm nhận theo cách mình đang cảm nhận? Đối với tôi, chắc chắn rằng, điểm mạnh, điểm yếu và cách phản ứng đặc thù của ta là biểu hiện của những gì đã xảy ra với ta.
Rất thường xuyên, những điều đã xảy ra mất rất nhiều năm trời mới bộc lộ. Cần phải có dũng khí để đối mặt với hành động của mình, bóc dần từng lớp tổn thương của đời mình và phơi bày sự thật trần trụi trong quá khứ. Đó là nơi hành trình chữa lành bắt đầu.
–Oprah
OPRAH: Khi chúng ta lần đầu nói về sang chấn, hơn 30 năm về trước, chưa có nhiều người ý thức được tác động của nó tới nhiều mặt của cuộc sống. Mọi chuyện đến nay đã khác đi chưa? Khi nhìn vào trường học, hệ thống chăm sóc sức khỏe, hệ thống tư pháp hình sự – thực ra là bất cứ đâu – ta đều thấy một hiện thực rằng những người chịu ảnh hưởng của sang chấn vẫn đang bị hiểu lầm và đôi khi còn bị sang chấn thêm bởi chính hệ thống lẽ ra phải giúp họ.
TIẾN SĨ PERRY: Đó là một sự thật đau lòng. Phải mất rất lâu để thay đổi một con người – và thậm chí còn lâu hơn để thay đổi cả hệ thống. Dẫu vậy tôi vẫn rất lạc quan. Đã có nhiều thay đổi tích cực được thực hiện. Đã có nhiều người hơn nhận thức được mức độ bao trùm của chấn thương tâm lý, nhiều người đã hiểu rằng sang chấn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài, ta vẫn cần rất nhiều sự thay đổi của các chuyên gia và tổ chức để có thể giải quyết các tác động của sang chấn.
OPRAH: Anh đang nói về sự chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn?
TIẾN SĨ PERRY: Đúng và không. Như chị biết, tôi không thật sự thích thuật ngữ này. Tuy rất ấn tượng với những thành quả ở những nơi đang cố “chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn”, nhưng tôi nghĩ ngôn ngữ có vẻ đang cản trở sự phát triển. Xin phép giải thích vì sao.
Như ta đang bàn đến, sự phức tạp của sang chấn tác động đến toàn bộ các hệ thống của chúng ta, từ sức khỏe bà mẹ - trẻ em đến phúc lợi trẻ em, giáo dục, hành pháp, sức khỏe tâm thần và còn nhiều lĩnh vực nữa. Mỗi hệ thống lại là một thế giới riêng, với những chuyên gia riêng, cách nghĩ riêng và ngôn ngữ riêng. Ta đã nói về cách từng cá nhân phát triển thế giới quan độc đáo của riêng mình – thì điều tương tự cũng xảy ra với các hệ thống và tổ chức, họ cũng phát triển quan điểm chủ đạo riêng của họ. Trước đây, phần lớn quan điểm đều không bao gồm hiểu biết đáng kể nào về quá trình phát triển, căng thẳng hay sang chấn; hoặc hiểu biết về nhiều vấn đề liên quan đến nhau có thể gây ra đau khổ hoặc sang chấn như các định kiến ngấm ngầm, phân biệt chủng tộc và kỳ thị nữ giới. Nhưng với rất nhiều nghiên cứu mới xuất hiện về các lĩnh vực và vấn đề này, rõ ràng các hệ thống của chúng ta không thể bỏ qua chúng. Và vì mỗi hệ thống cứ khư khư bám lấy ý nghĩa của “hiểu biết về sang chấn”, họ dùng các lăng kính riêng – cách nhìn riêng để nhìn nhận vấn đề.
Kết quả là việc định nghĩa khái niệm đúng là thách thức. Giống như từ sang chấn, khái niệm này cũng được nhiều người và tổ chức khác nhau dùng theo những cách khác nhau. Việc gỡ rối có thể phải mất chút thời gian.
Thuật ngữ “chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn” (TIC) xuất hiện vào năm 2001 để khuyến khích các hệ thống sức khỏe tâm thần và phúc lợi trẻ em thừa nhận sang chấn là một yếu tố quan trọng nhưng bị hiểu sai trong cuộc sống của những người mà các hệ thống này đang phục vụ.
Dần dà, nhiều nhóm bắt đầu dùng thuật ngữ này mà không xác định rõ hay thật sự thấu suốt về chúng. Các tổ chức mở hội thảo kéo dài ba giờ rồi tuyên bố mình “hiểu biết về sang chấn”. Các thành phố tự phong danh hiệu này, thậm chí các quốc gia còn khao khát trở thành “quốc gia đầu tiên hiểu biết về sang chấn”. Thật lộn xộn. Rốt cuộc thì một thành phố “hiểu biết về sang chấn” là sao chứ? Chỉ là một “từ cửa miệng” được dùng vô tội vạ nhưng hiếm khi kết nối với các kế hoạch triển khai cụ thể hoặc các thay đổi trong dịch vụ, chương trình hoặc chính sách. Việc đào tạo TIC trở thành một ngành công nghiệp nhỏ, với hàng trăm tổ chức và “chuyên gia” muốn lấy tiền của chị để bảo đảm chị và tổ chức của chị có hiểu biết về sang chấn. Chất lượng của việc đào tạo đó, như chị có thể thấy, rất không nhất quán.
Đáp lại khởi đầu lộn xộn này, nhiều nước, bang, các tổ chức nghề nghiệp, ủy ban liên ngành và nhóm chuyên môn đã nỗ lực định nghĩa và áp dụng TIC. Không may là các nỗ lực rời rạc lại chỉ càng khiến tình hình thêm phức tạp. Như một ủy ban đã kết luận: “Bất chấp nhiều năm nỗ lực trong lĩnh vực này, vẫn không có một định nghĩa chung cho TIC”.
Hàng chục lối giải thích về các “yếu tố”, “nguyên tắc”, “trụ cột”, “thành phần”, “giả định”, “thành tố”, “lĩnh vực” và “phương châm chỉ đạo” của TIC đã được nêu ra. Dù cũng có một số khái niệm nhất quán nhưng sự biến hóa của chúng thật sự khiến tôi chóng mặt.
Cuối cùng ta chẳng thể biết người ta đang nghĩ đến lối giải thích nào về TIC khi họ dùng thuật ngữ. Đó là vì sao khi nói về thực hành, chương trình hay chính sách sang chấn, tôi luôn cố mô tả các khái niệm, nội dung hay mục tiêu đặc thù – thay vì dùng thuật ngữ TIC.
Nhân đây, tôi nghĩ rằng những nỗ lực này là thực sự quan trọng, và rằng chúng cũng có tiến triển. Rất nhiều tổ chức đang dạy về sang chấn, kêu gọi nâng cao nhận thức xã hội về sang chấn và hỗ trợ nghiên cứu để tìm hiểu thêm, nhiều tổ chức đang đánh giá và quảng bá những cách trị liệu đầy hứa hẹn. Vào năm 1989, Trung tâm PTSD Quốc gia được thành lập tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) để nghiên cứu sang chấn và hỗ trợ cựu chiến binh bị tác động chủ yếu bởi sang chấn liên quan đến chiến trận. Năm 2000, Trung tâm Sang chấn Trẻ em Quốc gia được thành lập. Mãi đến năm 2018 thì các chi nhánh CDC và SAMSHA chuyên nghiên cứu sang chấn mới đưa ra bảy nguyên tắc về TIC mà tôi ngờ rằng sẽ còn tiếp tục thay đổi khi lĩnh vực này phát triển.
Rất dễ để quên rằng ngành sang chấn học – ngành học chuyên nghiên cứu về sang chấn – còn non trẻ như thế nào. Và sang chấn học phát triển, trong tư cách một ngành học, lại càng non trẻ hơn. Ngay lúc này, các tổ chức và hệ thống chỉ mới bắt đầu vật lộn với chính những vấn đề mà ta đang bàn đến ở đây. Và họ thật sự phải vật lộn, vì sang chấn đã ngấm trong mọi khía cạnh cuộc sống, vang vọng qua nhiều thế hệ, gia đình, cộng đồng, thiết chế, văn hóa và xã hội, và thể hiện theo những cách rất phức tạp. Sang chấn có thể ảnh hưởng tới gene của ta, đến tế bào bạch cầu, tim, ruột, phổi và não, tới cách ta suy nghĩ, cảm nhận, hành xử, nuôi dạy con cái, giáo dục, huấn luyện, tiêu thụ, sáng tạo, quyết định, bắt bớ, kết án. Và tôi vẫn còn có thể kể thêm nhiều nữa.
Thành ra, tùy theo góc nhìn của chị – thế giới quan của chị – cùng tiền sử sang chấn và mất mát của bản thân, chị sẽ có cách hiểu riêng về thế nào là “hiểu biết về sang chấn”.
OPRAH: Nhưng về bản chất thì mọi người đang được tiếp cận với nhận thức rằng những chuyện đã xảy ra với ta là điều quan trọng, rằng chuyện ấy ảnh hưởng đến hành vi và sức khỏe của ta; rồi sau đó dùng nhận thức này để hành động phù hợp và đáp ứng đúng đắn – bất kể là phụ huynh, giáo viên, bạn bè, nhà trị liệu, bác sĩ, cảnh sát hay quan tòa.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng, chắc chắn rồi. Cái nhìn đó, cũng như bất kỳ tuyên bố nào khác, đã nắm bắt được bản chất của “hiểu biết về sang chấn”. Phần hành động phù hợp rất quan trọng. Cần lưu ý một điều là sang chấn có thể dẫn đến một số hành vi và vấn đề nhất định. Một câu hỏi khác phải đặt ra là: “Ta phải làm gì bây giờ?”.
Làm sao ta có thể tạo nên cơ hội chữa lành trong các hệ thống của chúng ta? Làm sao ta tránh được việc lặp lại những tác nhân gây căng thẳng không thể lường trước, không thể kiểm soát – thứ sẽ làm trầm trọng thêm các tác động của sang chấn? Làm sao ta bảo đảm được rằng mình không tiếp tục gây sang chấn cho ai đó bằng cách vô ý tiếp tục thực hiện những hành vi gạt bỏ, làm mất tính người, khơi dậy chính các vấn đề mà ta đáng lý phải giải quyết?
Tôi tin rằng nếu không nhận thức được các định kiến sẵn có trong bản thân và các định kiến cấu trúc trong hệ thống của mình – các định kiến liên quan tới chủng tộc, giới, xu hướng tính dục – ta sẽ không thể thực sự là người hiểu biết về sang chấn. Những người bị gạt ra ngoài lề – bị loại trừ, bị hạ thấp, bị làm nhục – là những nạn nhân của sang chấn, vì như ta đã nói, con người về căn bản là sinh vật sống dựa vào mối quan hệ. Bị loại trừ hay phi nhân hóa trong một tổ chức, cộng đồng hay xã hội sẽ đưa đến kết quả là căng thẳng kéo dài, không thể kiểm soát, tạo nên hệ thống ứng phó mẫn cảm (xem Hình 3). Bị gạt bỏ là một sang chấn nền tảng.
Đây là lý do vì sao tôi tin rằng, một hệ thống thực sự hiểu biết về sang chấn phải là một hệ thống chống phân biệt chủng tộc. Những tác động hủy hoại của việc gạt chủng tộc nào đó ra ngoài lề là rất phổ biến và nghiêm trọng. Ở Bắc Mỹ, Úc và New Zealand chẳng hạn, trẻ con da màu và trẻ con thuộc cộng đồng người bản địa thường bị chẩn đoán và điều trị quá mức trong các hệ thống sức khỏe tâm thần; bị đưa khỏi nhà để gia nhập vào hệ thống an sinh trẻ em; bị đình chỉ hoặc đuổi học; ở trường thì bị buộc tội trốn học hoặc “tấn công” và kết quả là bị đưa vào hệ thống tòa án vị thành niên theo những cách không cân bằng.
Như ta đã nói, trẻ từng trải nghiệm sang chấn thường khó học hơn và thường phản ứng thái quá với các nhận xét và phê bình liên quan đến sự chật vật này. Điều đó có thể dẫn đến các vấn đề hành vi không được tích cực, rồi các hành vi lại thường bị hiểu sai.
Vì vậy, rất nhiều việc mà chúng ta và các hệ thống đã thực hiện với ý định tốt, thực sự lại gây thêm tổn thương cho những gia đình và những đứa trẻ mà họ đáng lý phải phục vụ.
OPRAH: Tôi muốn bàn sâu hơn về chuyện này. Trong cuộc trò chuyện của chúng ta ở chương trình 60 Phút, tôi nhận thấy rằng vẫn có rất nhiều những tổ chức từ thiện và tổ chức phi lợi nhuận đang cố khắc phục các vấn đề xã hội đương đại. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, họ thực chất chỉ đang giải quyết các vấn đề bề mặt. Họ khao khát xây dựng các cộng đồng nâng đỡ, nhưng phần nhiều lại bỏ qua nguyên nhân – phần căn cơ – của vấn đề mà họ đang cố gắng giải quyết.
Nếu một chương trình sau giờ học không hiểu lý do vì sao đứa trẻ lại mắc phải các vấn đề sức khỏe mạn tính hoặc khó theo kịp việc học ở trường; nếu một chương trình tìm việc làm không hiểu được vì sao một số người lại gặp khó khăn với cấp trên hoặc luôn giận dữ với người khác,... – những chương trình ấy sẽ không tạo ra được những thay đổi dài lâu. Nhờ anh cho chúng tôi biết thêm về các vấn đề như vậy, chúng đã phát triển và thể hiện như thế nào.
TIẾN SĨ PERRY: Hãy bắt đầu với trẻ nhỏ. Ta đã nói đi nói lại về vai trò quan trọng của các mối quan hệ đầu đời đối với sự phát triển của hệ thống ứng phó với căng thẳng và khả năng hình thành các mối quan hệ lành mạnh trong tương lai. Ta biết rằng khi trẻ trải nghiệm đau buồn và sang chấn – gồm cả đói nghèo, vô gia cư, bạo lực gia đình, ngược đãi – quá trình phát triển của chúng sẽ bị gián đoạn. Kết quả thường sẽ là xuất hiện “mảnh vụn” trong sự trưởng thành của các kỹ năng đặc thù, như ta đã đề cập trong Chương 6, phần liên quan tới việc bỏ bê. Vì vậy, một đứa trẻ năm tuổi có thể chỉ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ như trẻ lên hai và khả năng tự điều chỉnh như trẻ lên bốn. Với sự phát triển đứt đoạn này, đứa trẻ sẽ phản ứng quá tích cực và quá mức với căng thẳng (xem Hình 3 và 5).
Bây giờ, hãy hình dung đứa trẻ này đến học tại một trường mẫu giáo có những kỳ vọng, sự chuyển tiếp, quy tắc và chương trình giảng dạy được thiết kế cho trẻ năm tuổi bình thường. Một môi trường chưa có đủ hiểu biết về sự phát triển và sang chấn sẽ trông đợi đứa trẻ đáp ứng được mức kỳ vọng đó. Nhưng điều đó là không thể với một số em. Một ngày trôi qua sẽ đầy những khó khăn trong giao tiếp (do mức độ phát triển ngôn ngữ) và sự nóng giận thất thường (do khả năng tự điều hòa). Trong hoàn cảnh quá khốn khổ như vậy, đứa trẻ sẽ ngắt mạch hoặc bùng nổ. Dù là cách nào thì em cũng không nhận được đầy đủ lợi ích của việc học tập về mặt xã hội, tình cảm hoặc kiến thức. Em càng bị tụt lại phía sau. Em có thể bị đuổi đi. Trẻ ở lớp mẫu giáo bị đuổi học nhiều hơn bất kỳ cấp học nào khác; trẻ da màu, đặc biệt là trẻ em trai da màu, bị đuổi với tỉ lệ cao hơn gấp ba lần so với trẻ da trắng.
Từ đây, giữa khả năng của trẻ với những kỳ vọng không thực tế của hệ thống giáo dục (vốn rất thường thiếu nguồn lực, chưa có đủ hiểu biết về sự phát triển và mơ hồ về sang chấn) bắt đầu xuất hiện một khoảng chênh độc hại. Kể cả có được lên lớp đi nữa thì đứa trẻ vẫn bị tụt lại phía sau, và “được” chuẩn bị cho thất bại. Năm này qua năm khác chúng tụt lại càng xa. Vì chậm phát triển kỹ năng, cộng thêm các triệu chứng liên quan đến sang chấn, trẻ bắt đầu bị gán cho các vấn đề sức khỏe tâm thần (xem Hình 6). Tình trạng tăng cảnh giác từ phản ứng mẫn cảm với căng thẳng bị quy thành ADHD; các cố gắng tự điều hòa có thể lường trước của chúng như rung lắc, nhai kẹo cao su, vẽ nguệch ngoạc, mơ mộng, nghe nhạc, gõ bút chì,... đều bị cấm. Chúng sẽ bị dán nhãn, bị cấm đoán, bị loại trừ, bị trừng phạt, có lẽ bị đuổi học rồi sau đó thường là bị bắt. Khi cố tránh việc thường xuyên bị hạ nhục ở trường, chúng bị buộc tội trốn học; khi cố chạy trốn nhưng bị ngăn cản, hành vi xô xát khi chống cự dẫn đến cáo buộc hành hung – và những điều này lại góp phần làm tình hình trở nên tệ hơn. Một đường hầm dẫn thẳng từ nhà trường đến nhà tù.
OPRAH: Và thêm vào tất cả những điều đó là, thực tế các em cũng không hiểu nguyên nhân vì sao mình lại gặp phải khó khăn. Sau cùng các em chấp nhận cách nhìn của thế giới về mình: dốt nát, chậm chạp hoặc lười biếng. Đó là cái vòng lẩn quẩn của thất bại làm xói mòn lòng tự trọng cho đến khi các em đâm ra chán nản hoặc xấu hổ tới mức đầu hàng.
TIẾN SĨ PERRY: Chị đã nhắc đến một điểm rất quan trọng. Một đứa trẻ gặp khó khăn sẽ không nói: “Thầy giáo thật tội nghiệp khi không hiểu chức năng hoạt động phụ thuộc trạng thái và tác động của sang chấn đến khả năng học của em. Thầy nên giúp em điều hòa, chứ không phải là giúp em chia động từ”. Chúng chỉ nói: “Chắc là mình ngu ngốc thật”.
Một điều quan trọng nữa về nhà trường là: Có bao nhiêu trẻ em và thanh thiếu niên đang trải qua những thách thức trong học tập và hành vi liên quan đến sang chấn? Không phải chỉ có đôi ba trẻ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng có tới 30-50% trẻ tại các trường công lúc còn nhỏ đã gặp phải từ ba trải nghiệm bất lợi trở lên. Và như ta đã thảo luận, các tình huống này cũng gây tác động đáng kể.
Chị hãy hình dung, nhiều trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường có ký ức liên quan tới sang chấn và có thể bị kích hoạt bởi những dấu hiệu vô tình trong lớp. Hãy nhớ rằng những gì ta trải nghiệm trong hiện tại được “lọc” qua phần dưới của não trước khi lên tới được vỏ não. Toàn bộ cảm giác đầu vào trong thời điểm hiện tại đều chịu ảnh hưởng và được so sánh với ký ức từ những trải nghiệm cũ, và được xử lý trước hết ở vùng dưới của não – phần thiên về phản ứng trước khi đến được vùng suy nghĩ, lý trí.
Giả sử một đứa trẻ được nuôi dạy trong cảnh bạo lực gia đình thất thường, khi còn nhỏ đã thấy bố coi thường và đánh đập mẹ. Sự việc xảy ra vào giai đoạn phát triển quan trọng của não bộ, khi đứa trẻ đang tạo ra các ký ức ban đầu để hiểu về thế giới. Bộ não liên kết các đặc điểm của người đàn ông với sự đe dọa; giọng nói to, trầm của người đàn ông được liên hệ với nỗi sợ.
Năm năm sau khi những liên kết và ký ức đó hình thành, đứa trẻ có giáo viên tiếng Anh là đàn ông và chẳng may lại trông hơi giống ông bố hung hăng của em – cùng chiều cao, cùng màu tóc, cùng chất giọng trầm. Cậu bé không có khả năng tạo liên hệ một cách có ý thức, chỉ cần ngồi trong lớp học thôi thì em đã có cảm giác khó chịu rồi. Mọi thứ bắt nguồn ở phần dưới não, rồi mới đến vỏ não. Phần vô thức. Chị còn nhớ Sam, cậu bé có ông bố dùng sáp khử mùi Old Spice chứ? Người ta hiếm khi nhận thức được mình đang bị kích hoạt bởi một dấu hiệu khơi gợi.
OPRAH: Và vì không nhận thức được mối liên quan – những gì đã xảy ra ảnh hưởng đến các mối quan hệ của mình như thế nào – cậu bé ấy có thể có hàng loạt các mối quan hệ khó chịu và hủy hoại với những người có giới tính nam trong đời. Họ có thể là huấn luyện viên, giáo viên hay những người đàn ông khác vốn có thể làm tấm gương tích cực, nhưng cậu ấy lảng tránh hoặc từ chối các cơ hội kết nối, một cách vô thức.
TIẾN SĨ PERRY: Cũng giống như chị không hiểu vì sao lại sợ phải ở một mình vào ban đêm ấy. Chị không nhận thấy được những liên hệ mà bản thân đã tạo ra từ trước. Các hành vi của ta được định hình xoay quanh những quả mìn cảm xúc do sang chấn trước đây bỏ lại.
Nhưng xin nhớ rằng, bộ não luôn cố thấu hiểu thế giới, nên cậu bé kia sẽ cố tìm một lời giải thích. Có thể em cho rằng mình không thích môn tiếng Anh, hoặc bắt đầu nghĩ rằng giáo viên không ưa em, rằng giáo viên không tốt. Giáo viên thì chẳng hề hay biết gì chuyện đang xảy ra. Vì vậy, giả sử cậu học sinh đang gặp khó trong việc viết bài và thầy giáo đến với ý định giúp đỡ – thầy coi hành động giúp đỡ của mình là một việc tốt. Khi cúi xuống xem bài làm, thầy đặt tay trên vai cậu bé. Nhưng thay vì cảm thấy trấn tĩnh, cậu bé lại rụt lại, phản ứng hung hăng trước khi kịp suy nghĩ.
Lúc đó, não phía dưới lập tức lên tiếng “Nguy hiểm, nguy hiểm!” và kích hoạt hệ thống ứng phó với căng thẳng, hệ thống này ngay lập tức đóng luôn vỏ não lại. Vậy là không còn cơ hội để phản ứng một cách hợp lý, có suy xét.
Sau đó, nếu ta bảo cậu bé “Cháu không được chửi thầy”, em sẽ đáp “Cháu biết, như thế là không hay”. Nhưng thực ra, vào chính lúc “chửi thầy”, đứa trẻ không có khả năng suy xét. Càng hiểu thêm về sang chấn và phản ứng với căng thẳng, ta càng dễ hiểu được các hành vi mà ta gặp ở nơi làm việc, trong một mối quan hệ hoặc ở trường học.
OPRAH: Bộ não của đứa trẻ, bị kích động bởi mối liên hệ với bạo lực khi trước, gửi đi tín hiệu về mối đe dọa, và em phản ứng bằng cách chiến hoặc chạy. “Bỏ tay ra khỏi người tôi!”.
TIẾN SĨ PERRY: Có khi còn là “Bỏ tay ra khỏi người tao!”. Cơn bộc phát hung hăng bất chợt khiến thầy giáo hoàn toàn bị choáng. Thầy không hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra. Khi kể lại chuyện này cho người khác, thầy sẽ nói đại loại như: “Chẳng có lý do gì hết, nó cứ thế nổi khùng lên với tôi”. Đó là lời kể thường thấy nhất về những cơn bùng nổ hành vi liên quan tới dấu hiệu khơi gợi.
Bỗng dưng. Không đâu. Không hề báo trước. Các hành vi dường như không hề có lý do và cũng chẳng ai kích động.
OPRAH: Tôi lại vừa vỡ ra thêm một điều nữa. Ta rất hay dùng từ “lên cơn” khi không hiểu cơn giận đến từ đâu hay vì sao ai đó lại có phản ứng hung hăng. Giờ thì ta biết rồi. Đã có chuyện gì đó xảy ra và kích động một trong những ký ức sang chấn trong não. Và vì những phần phi lý trí của não phản ứng trước nhất, chúng lập tức thiết lập phản ứng căng thẳng sau đó đóng luôn phần lý trí. Và vì vậy “cơn” bùng phát bạo lực thực ra là kết quả của một số quá trình được phối hợp tổ chức trong não. Trong trường hợp này, điều đầu tiên nhà trường nói sẽ là “Đứa nhỏ này bị làm sao vậy?”.
Thầy giáo, lúc này đã tin rằng đứa trẻ “bị làm sao” hẳn sẽ báo cáo chuyện này lên văn phòng hiệu trưởng. Trong khi điều thầy ấy nên hỏi là: “Chuyện gì đã xảy ra với đứa trẻ này?”.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy. Đứa trẻ sẽ bị coi là có vấn đề. Và nếu điều đó còn tiếp diễn, em sẽ bị đưa đến phòng tư vấn tâm lý của trường, sau đó bị đình chỉ, sau đó bị đưa đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Và nếu không một ai trong hệ thống sức khỏe tâm thần hiểu rằng các vấn đề hành vi của em liên quan tới chuyện đã xảy ra với em và sang chấn của em, họ vẫn sẽ thực hiện cả loạt can thiệp với ý định tốt nhưng không hiệu quả gì.
Trái lại, nếu trường có nguồn lực và công cụ giúp giáo viên hiểu mức độ phổ biến của các tình huống bất lợi thời thơ ấu và tác động của sang chấn đến việc học, cộng với các chiến lược giúp tạo ra một lớp học điều hòa, an toàn và bảo đảm, các hành vi sẽ được nhìn nhận khác hẳn. Thay vì đình chỉ và dán nhãn đứa trẻ, nhà trường sẽ cố gắng tạo ra một quy trình để kết nối và thấu hiểu bé.
OPRAH: Nhưng điều đó chỉ bắt đầu nếu ta đặt câu hỏi: Không biếtchuyện gì đã xảy ra với đứa trẻ kia?
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác, nếu ta thay đổi cách mình tìm hiểu về một hành vi. Tin tốt là, khi các trường học tìm hiểu về tác động của sang chấn và tiến hành một vài thay đổi đơn giản trong cách đánh giá, hỗ trợ và giảng dạy, họ sẽ thấy những cải thiện vượt bậc trong thành tích học tập, giảm bớt hành vi thách thức và gây rối. Nếu lớp học sử dụng các chiến lược điều chỉnh, giáo viên được hỗ trợ và tôn trọng, các ưu nhược điểm của trẻ được xác định và giải quyết, kết quả sẽ tốt hơn nhiều.
Chúng tôi đã làm việc cùng nhiều trường học trên toàn thế giới, sử dụng Mô hình Tuần tự Thần kinh trong giáo dục (NME) để giảng dạy về nhiều khái niệm cốt lõi mà chị với tôi đang bàn luận. NME đưa ra các ví dụ về các chiến lược trong lớp học để áp dụng các nguyên tắc và khái niệm này. Kết quả đầy hứa hẹn. Tất cả giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh và trẻ em đều báo cáo về tác động tích cực. Các kết quả càng ủng hộ quan điểm đó.
Nhiều nhóm khác cũng đang giới thiệu các chương trình “hiểu biết về sang chấn” vào trường học. Giống như với việc định nghĩa TIC, yếu tố của các mô hình và chương trình ấy khác nhau rất nhiều. Nhưng tất cả các mô hình thành công đều có một điểm chung: nhấn mạnh vào việc điều hòa và kết nối.
OPRAH: Vì vậy, giúp trẻ em điều hòa là một điều cần làm, một điều rất quan trọng tại các ngôi trường “hiểu biết về sang chấn”. Điều hòa, kết nối, sau đó lý luận, đúng nhỉ? Rất cần hiểu được trình tự tương tác.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng. Thật không may là các trường học thường không hiểu về sang chấn và có khuynh hướng cấm nhiều hoạt động điều hòa mà ta đã nhắc đến: đi bộ, lắc lư, nghịch đồ vật trong lúc nghe giảng, nghe nhạc bằng tai nghe lúc làm bài. “Điều hòa cảm giác thân thể”, như các hoạt động nhịp nhàng mà ta đã nói, thực sự mở đường vào vỏ não, giúp ta tiếp cận đến các phần lý luận của não và từ đó dễ tiếp thu kiến thức hơn.
Các trường học còn có xu hướng giảm bớt những hoạt động có khả năng chữa lành và xây dựng khả năng phục hồi mạnh mẽ như thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Đây thường bị coi là các hoạt động lựa chọn hoặc bổ sung trong khi thực ra có thể là nền móng cho việc học văn hóa nhờ các đặc tính điều hòa và kết nối của chúng. Hoạt động có khuôn mẫu, nhịp nhàng, lặp đi lặp lại khiến các mạng lưới điều tiết cốt lõi hoạt động quá tích cực và quá mức trở lại cân bằng. Âm nhạc nằm trong số này – cả chơi nhạc lẫn nghe nhạc. Rồi cả các môn thể thao. Nhảy múa cũng thế. Và tất nhiên, mỗi hoạt động như vậy còn bao gồm các yếu tố rất quan trọng liên quan đến xây dựng, duy trì mối quan hệ. Ta học để biết khi nào cần chuyền bóng cho đồng đội, học cách di chuyển cùng bạn nhảy, hòa nhịp violin của mình với các thành viên khác trong dàn nhạc. Cuối cùng, thể thao, âm nhạc và các môn nghệ thuật khác còn nuôi dưỡng yếu tố nhận thức: chúng thu hút, kích hoạt và đồng bộ hoạt động trong toàn não, từ dưới lên và từ trên xuống. Đây là những hoạt động lành mạnh của toàn bộ não.
Chị hãy hình dung 30 đứa trẻ ngồi thành hàng trong lớp, thụ động nghe giáo viên giảng bài. Đó hoàn toàn không phải là cách hiệu quả để thu hút phần phía trên của não bộ. Ta học nhanh hơn khi di chuyển và tương tác với người khác. Ta lưu giữ thông tin và truy xuất thông tin hiệu quả hơn cả khi tham gia vào một số hình thức kích hoạt cảm giác thân thể trong lúc học.
OPRAH: Sau khi học sinh lên cơn và bị trường đưa đến dịch vụ sức khỏe tâm thần, điều gì sẽ xảy ra nếu cơ sở đó không được đào tạo hay không có kinh nghiệm về sang chấn?
TIẾN SĨ PERRY: Không có gì tốt cả chị ạ. Nó thường khiến cho tình trạng của trẻ thêm tồi tệ. Chúng bị chẩn đoán sai và thường phải dùng thuốc quá nhiều. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em hiện tại của ta vừa thiếu nguồn lực vừa quá tải. Ta chẳng lạ gì cảnh những hàng chờ dài ở bệnh viện tâm thần công; đôi khi phải đặt hẹn cả tháng mới đến lượt, còn một lượt thăm khám có khi chỉ dài 15 phút. Số lần khám trung bình trước khi người ta thôi không đến nữa là khoảng ba lần. Các hệ thống sức khỏe tâm thần của ta có xu hướng tập trung vào khủng hoảng.
Nhưng cũng có nhiều đội nhóm điều trị đã tìm hiểu về sang chấn và đã làm rất tốt. Trong tình huống lý tưởng, trẻ sẽ được chẩn đoán dựa trên việc xem xét cả lịch sử phát triển của chúng – căn bản là một đánh giá về chuyện gì đã xảy ra. Một chẩn đoán tốt cũng sẽ xác định các nhu cầu và điểm mạnh của trẻ. Căn cứ vào đó, nhóm có thể đưa ra cách tiếp cận điều trị cá nhân tận dụng được thế mạnh của trẻ và nhắm vào các lĩnh vực cần thiết bằng các hoạt động bồi dưỡng, giáo dục hoặc trị liệu phù hợp.
Các nhóm này biết rằng không hề có một giải pháp có thể trị bách bệnh. Chị nghĩ xem, hễ ai đau ngực và ho cũng đều được cho dùng cùng một loại thuốc kháng sinh, thế có vô lý không. Nhưng đó là điều đang diễn ra ở nhiều bệnh viện chuyên về một “kỹ thuật” đặc thù. Tại một bệnh viện chỉ biết “Liệu pháp hành vi nhận thức tập trung vào sang chấn” (TF-CBT) – một phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng sang chấn – ai bị sang chấn cũng có thể “được” can thiệp kiểu này. Nhưng phương pháp này chỉ hữu ích với một số người chứ không phải tất cả.
Một nhóm điều trị thực sự hiểu biết về sang chấn có rất nhiều “công cụ” để sử dụng: liệu pháp phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, hỗ trợ khả năng ngôn ngữ và nói chuyện, liên lạc với nhà trường, giáo dục tâm lý cho gia đình và trẻ, đồng thời tham khảo một loạt kỹ thuật trị liệu như TF-CBT, tái xử lý và giải mẫn cảm chuyển động mắt (EMDR), can thiệp cảm giác cơ thể, liệu pháp dùng động vật hỗ trợ và nhiều cách khác. Dẫu là một lĩnh vực non trẻ, sang chấn học đã có bằng chứng sơ bộ về tính hiệu quả của nhiều kỹ thuật khi được sử dụng đúng lúc trong quá trình điều trị.
Điều đó có nghĩa là cách tiếp cận trị liệu hiệu quả phải tuân theo đúng trình tự tương tác, phải giải quyết các vấn đề điều hòa trước khi có thể thu được kết quả từ các liệu pháp quan hệ hoặc nhận thức. Đây là lý do tại sao tôi phát triển Mô hình Tuần tự Thần kinh (NMT) như đã viết trong cuốn sách đầu tiên với Maia Szalavitz – The Boy Who Was Raised as a Dog (tạm dịch: Cậu bé được nuôi dưỡng như một con chó).
Đối với tôi, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc chữa lành là ý thức được rằng quá trình ấy có thể cần đến nhiều phương pháp và kỹ thuật trị liệu. Chúng tôi biết rằng thành phần then chốt để chữa lành hiệu quả là dùng các mối quan hệ lành mạnh để thăm lại và thay đổi cái nhìn về trải nghiệm sang chấn. Nếu chị có một nhà trị liệu và hình thành được kết nối an toàn và ổn định, nhà trị liệu sẽ trở thành một phần quan trọng trong cái mà tôi gọi là “mạng lưới trị liệu”. Nhưng phải nhớ rằng các khoảnh khắc trị liệu có thể ngắn và tốt nhất nên trải dài trong suốt cả tuần chứ không phải chỉ một giờ mỗi tuần với nhà trị liệu. Quá trình này sẽ tạo ra các cơ hội kích hoạt ký ức sang chấn, gồm cả các hệ thống ứng phó với căng thẳng, theo cách vừa phải, trong tầm dự đoán và có thể kiểm soát. Việc này sẽ giúp ta nắm bắt được các hệ thống mẫn cảm, và, theo thời gian, khiến cho chúng trở nên “Điển hình về mặt thần kinh” hơn (xem Hình 3 và 5).
OPRAH: Nhưng nếu ta không có đủ nguồn lực để đi khám và trị liệu thì sao?
TIẾN SĨ PERRY: Câu hỏi rất hay. Phần lớn những người trải qua nghịch cảnh và sang chấn đều không được trị liệu, chứ đừng nói gì đến có hẳn một đội ngũ điều trị như tôi vừa mô tả. Nhưng chúng tôi đã biết được rằng, việc tiếp cận với những người có hiểu biết và thực sự quan tâm cũng sẽ dẫn đến kết quả tốt, đôi khi còn hơn cả việc đến chỗ nhà trị liệu. Mạng lưới trị liệu là tập hợp những mối quan hệ tích cực mà ta có cũng như các cơ hội thăm lại sang chấn có được từ các mối quan hệ ấy. Bác sĩ trị liệu có thể là một phần quan trọng trong việc chữa trị, nhưng không bắt buộc. Nhưng, nói như vậy cũng không có nghĩa trị liệu là vô ích, chỉ là, nếu chỉ trị liệu mà không có kết nối thì sẽ không mấy hiệu quả. Lý tưởng nhất là một đứa trẻ có thể kết nối với gia đình, cộng đồng và văn hóa, và đồng thời có một đội ngũ điều trị vừa hiểu biết về sang chấn vừa có đủ các “công cụ” điều trị.
Và, một lần nữa, nếu nhìn vào các phương pháp chữa bệnh bản địa và truyền thống, chị sẽ thấy người ta đã làm được một việc rất tuyệt vời là tạo ra trải nghiệm toàn diện lên cơ thể và tâm trí – các trải nghiệm ảnh hưởng đến nhiều hệ thống não bộ. Hãy nhớ rằng ký ức sang chấn trải rộng đến nhiều vùng của não, vì vậy, các phương pháp truyền thống sẽ bao gồm các yếu tố nhận thức, các yếu tố dựa vào mối quan hệ và cả yếu tố cảm giác. Ta kể lại câu chuyện; tạo ra hình ảnh của một trận đánh, cuộc săn, cái chết; ôm; massage; nhảy nhót; ca hát. Ta kết nối lại với những người thân yêu, với cộng đồng. Ta vui chơi, ăn uống và chia sẻ. Các thổ dân chữa bệnh bằng những trải nghiệm lặp đi lặp lại, nhịp nhàng, phù hợp, bằng những mối quan hệ, sự tôn trọng và tưởng thưởng – đây được biết là những thứ có hiệu quả trong việc thay đổi các hệ thống thần kinh liên quan đến phản ứng với căng thẳng. Phương cách này nổi bật vì có hiệu quả. Mọi người cảm thấy khá hơn và hoạt động tốt hơn, các yếu tố cốt lõi của quá trình chữa lành được củng cố và được truyền lại. Các nền văn hóa khác nhau về mặt thời gian và không gian đều có cùng những nguyên tắc chữa lành.
OPRAH: Nghĩ ra thì thấy đúng là kỳ diệu thật.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng mà. Tổ tiên chúng ta đã nhận thấy tầm quan trọng của sự kết nối và tác hại của sự loại trừ. Trái lại, lịch sử thế giới “văn minh” lại đầy rẫy chính sách và lề thói đề cao sự tách biệt và gạt bỏ – điều đó hủy hoại gia đình, cộng đồng và văn hóa. Chế độ thuộc địa, chế độ nô lệ, hệ thống phân cấp khu vực của Mỹ, các trường nội trú da đỏ ở Canada, thế hệ bị đánh cắp của Úc – những thứ ấy tàn phá rất nhiều thế hệ vì cố ý phá hủy các mối liên kết gia đình và văn hóa đã giữ cho con người ta gắn bó với nhau. Chúng tạo ra những con người bị tổn thương, mất kết nối trong những tình huống đau lòng, không thể tránh khỏi – tình cảnh mà, như ta đã nói, khiến cho con người ta phải phân ly để thích nghi và tồn tại. Và mặc dù là được phát triển để thích ứng, nhưng sự phân ly rốt cuộc lại dẫn đến sự thụ động và tuân phục, khiến những người bị tổn thương dễ dàng bị phi nhân tính và bóc lột thêm.
Dù một số người chưa nhìn ra được, nhưng tôi tin rằng một số hệ thống phúc lợi trẻ em, giáo dục, sức khỏe tâm thần và tư pháp vị thành niên hiện cũng đang làm điều tương tự. Họ chia rẽ gia đình, phá hoại cộng đồng và góp phần vào việc tách rời, hạ thấp và trừng phạt.
OPRAH: Anh đã giải thích rất xúc động về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, sức mạnh hủy hoại và sang chấn khi cùng tôi đến Nam Phi thăm trường của chúng tôi. Chúng tôi đã xây dựng Học viện Lãnh đạo Oprah Winfrey dành cho những em gái vào năm 2007, 13 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc chính thức kết thúc và chính phủ dân chủ được thành lập ở Nam Phi. Lúc anh đến thăm, chúng tôi đang gặp khó trong việc tạo ra ý thức cộng đồng lành mạnh trong trường.
Các giáo viên da đen cảm thấy giáo viên da trắng dù chấp nhận họ nhưng vẫn tỏ ra “thượng đẳng”. Anh đã giúp chúng tôi vỡ ra nhiều khi giải thích về chuyện diễn ra giữa hai nhóm qua lăng kính phát triển não bộ, và rằng chuyện đó liên quan ra sao tới những định kiến và nạn phân biệt chủng tộc ngấm ngầm. Anh giải thích lại ở đây được chứ?
TIẾN SĨ PERRY: Tất nhiên. Chúng ta đã nói về cách bộ não của trẻ sơ sinh tiếp nhận các thông tin từ giác quan để hiểu về thế giới và hình thành các kết nối, ngoài ra, ta cũng đã nói về việc chúng ta là những sinh vật sống nhờ mối quan hệ, và bộ não đang phát triển của ta – trước hết từ các vùng thấp nhất – sẽ tạo ra ký ức về mùi hương, âm thanh và hình ảnh về “người của mình”. Những ký ức đó tồn tại ở một tầng vô thức rất sâu, trước vỏ não: cách người ta nói, cách họ ăn mặc, màu da của họ.
Giờ thì hãy nhớ rằng bộ não của ta luôn theo dõi thế giới của ta – cả bên trong lẫn bên ngoài – để bảo đảm cho ta sống sót. Khi não gặp phải bất kỳ trải nghiệm lạ hay một trải nghiệm không quen, động thái mặc định của nó là kích hoạt phản ứng căng thẳng. An toàn còn hơn phải hối tiếc – tốt hơn hết cứ coi cái mới là mối đe dọa tiềm tàng.
Giờ thì thêm vào đó sự thật rằng kẻ săn mồi chủ yếu của con người là con người. Phản ứng căng thẳng của ta đã tiến hóa để trở nên nhạy cảm về mặt mối quan hệ, thành ra khi ở bên những người có đặc điểm giống với “bầy đàn” của mình khi nhỏ, ta cảm thấy an toàn. Nhưng khi ta gặp những người có đặc điểm khác “người của mình”, bộ não mặc nhiên kích hoạt phản ứng căng thẳng. Khi điều này xảy ra, ta cảm thấy mất điều hòa, thậm chí còn thấy bị đe dọa.
OPRAH: Đó là lý do vì sao khi ta mới sinh con, việc mọi người cứ thế chuyền tay nhau để xem đứa trẻ sẽ khiến trẻ phát khóc. Não của đứa trẻ đang phản ứng với điều không quen.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng thế. Đối với trẻ sơ sinh, tất cả những người này đều xa lạ và áp đảo. Điều đó kích hoạt phản ứng với căng thẳng.
Nhưng não người trưởng thành cũng kích hoạt phản ứng căng thẳng với những người khác “bầy đàn” của mình. Lúc này, phần lớn kích hoạt chỉ nhẹ nhàng, tạo ra sự cảnh giác, thận trọng. Nhưng ở người có phản ứng mẫn cảm với căng thẳng hoặc đặc điểm của người mới đến quá khác lạ thì phản ứng có thể gay gắt hơn. Và khi điều đó xảy ra, ta lùi lại. Ta không lên được phần trên của não, phần lưu giữ các giá trị và niềm tin. Suy nghĩ và hành vi của ta bắt đầu bị điều khiển bởi những phần não nguyên thủy, phản ứng nhanh hơn.
Xin đưa ra một ví dụ. Tôi từng gặp một người, con gái bà là một thành viên của Tổ chức hòa bình. Cô bé đi từ làng này sang làng khác ở một vùng nông thôn châu Phi để tiêm phòng cho trẻ em. Cô bé đến từ Minnesota và trông đúng chất Scandinavia: cao, tóc vàng, da trắng.
OPRAH: Và cô ấy đến những ngôi làng nơi người ta chưa từng nhìn thấy người da trắng.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng. Cô gái trẻ tích cực, nhân hậu, yêu trẻ đó hăng hái đến các làng quê chống bệnh tật, cảm thấy mình đang giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng khi cô bước chân vào làng, bọn trẻ chỉ thoáng thấy cô là khóc thét, một số còn bỏ chạy. Chúng nghĩ cô ấy là ma. Thật khó để một cô gái trẻ quen được điều này. Mãi đến khi được mẹ kể cho nghe về một số công trình nghiên cứu của chúng tôi thì cuối cùng cô mới hiểu ra rằng những đứa trẻ đang phản ứng với điều “không biết” chứ không phải với con người cô. Bộ não của chúng không tạo ra bất kỳ liên kết tích cực nào với “da trắng” nên gặp cô là việc rất bất ngờ, từ đó kích hoạt căng thẳng.
Nhưng đó chỉ là phản ứng ban đầu thôi. Theo thời gian, cô gái trẻ yêu quý chúng, cưng nựng chúng, chăm lo cho chúng. Cô cho chúng ăn và giúp chúng điều hòa khi sợ hãi. Vì vậy, bọn trẻ hiểu được rằng cô gái da trắng này đang mang đến cho chúng tình yêu thương, sự âu yếm và hỗ trợ – cô vô hại và tốt bụng. Điều này in sâu trong não đến mức, vài năm sau gặp lại một người da trắng, chúng sẽ mặc nhiên xếp người mới đến này vào nhóm tích cực.
OPRAH: Kể cả người da trắng mới có không dễ mến đi nữa thì cũng không hoàn toàn ảnh hưởng đến hình mẫu ban đầu về một cô bé da trắng đến từ Minnesota, vì hình mẫu đó đã in sâu vào bộ não lúc chúng còn nhỏ.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy. Lần đầu gặp ai đó có các đặc tính khác với “người của mình” (như màu da chẳng hạn), chúng ta sẽ bắt đầu tạo ra những liên kết mới để hiểu thế giới vì thế giới của ta giờ đây đã có thêm người mới. Bộ não của ta sẽ sắp xếp, so sánh và phân loại người này. Đầu tiên, nó sẽ dùng cách phân loại mặc định sẵn có của bạn – người này có các đặc điểm là đàn ông, lớn tuổi hơn tôi, là một giáo viên. Nhưng càng ở lâu hơn bên người này, ta càng có thêm cơ hội xây dựng các liên kết mới với nhiều sắc thái hơn. Ta biết thêm các khía cạnh và sự phức tạp của người đó, chứ không đơn giản là “kiểu” của họ.
Tuy nhiên, bộ não đồng thời vẫn luôn sử dụng “đường tắt”. Những đường tắt ấy không phải lúc nào cũng đúng; chúng khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những định kiến và “nhóm” – đánh đồng đặc điểm của người khác dựa theo “danh mục” hay “kiểu” mà họ được xếp vào. Các kiểu mẫu mạnh hơn cả trong não ta đến từ những trải nghiệm đầu tiên, thường là trong những năm đầu đời, và các kiểu “phân loại” đó có xu hướng trở thành định kiến của ta.
Có lần làm việc cùng một đứa trẻ da đen, tôi hỏi em đã bao giờ gặp người da trắng chưa.
“Một lần”, cậu bé đáp.
Hóa ra người da trắng đầu tiên mà cậu bé này thực sự nhìn thấy ở khoảng cách gần – không phải trên TV – là một sĩ quan cảnh sát, người này đã dí súng, kéo bố em ra khỏi xe, quát nạt bố em, còng tay rồi ném bố em lên xe cảnh sát. Cậu bé bị bỏ lại trong xe, vô cùng sợ hãi, cho tới khi một nhân viên xã hội đến đưa em đi. Họ thậm chí còn không để em gặp mẹ cho đến khi mẹ em chứng minh được thân phận. Ta có thể hình dung hình ảnh người da trắng trong mắt cậu bé này rất khác với những đứa trẻ được cô tình nguyện viên chăm sóc.
Và cũng chính cậu bé đó, sau khi phải chứng kiến bố mình bị bắt một cách thô bạo, đã đến gặp tôi, một bác sĩ da trắng đang cố giúp em. Mối quan hệ của chúng tôi không bắt đầu từ điểm trung tính. Đứa trẻ cảm thấy sợ hãi, không tin tôi – phần vì tôi là người mới với em, phần vì tôi da trắng. Phải mất nhiều tuần làm việc nhẹ nhàng, kiên nhẫn, tích cực, mối quan hệ của chúng tôi mới có thể coi là trung tính. Chúng tôi rốt cuộc cũng kết nối một cách tốt đẹp, nhưng tôi là một ngoại lệ. Những trải nghiệm tiêu cực ban đầu của đứa trẻ với người da trắng, được củng cố bởi nhiều trải nghiệm liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc công khai và ngấm ngầm ở trường và trong cộng đồng vẫn còn đọng lại trong em. Những trải nghiệm về mối quan hệ sớm nhất sẽ có tác động mạnh mẽ và lâu dài nhất.
Bởi vì trải nghiệm được xử lý tuần tự, cậu bé này sẽ luôn đánh giá yếu tố “da trắng” trước hết ở phần dưới của não. Khi gặp một người đàn ông da trắng, liên kết ban đầu – và vì vậy là mặc định – của cậu bé sẽ gán người này là mối đe dọa và kích hoạt căng thẳng – thứ có thể ảnh hưởng đến cách em cảm nhận, suy nghĩ và hành xử. Đó giống như một dấu hiệu kích động. Bộ não cậu bé đã kích hoạt sẵn phản ứng sợ hãi trước khi bất kỳ thông tin nào khác về người đàn ông da trắng có thể đến được vỏ não. Ở vỏ não của cậu bé có một chút ký ức tường thuật về những lần gặp gỡ tôi, thông tin được lưu giữ rằng: “Bác sĩ Perry là người da trắng, nhưng ông ấy được”. Nhưng trong thoáng chốc, với phản ứng sợ hãi, cậu bé không thể đến được phần thông tin này. Em sẽ nhìn người đàn ông da trắng mới đến và cảm thấy: “Nhưng đây không phải là bác sĩ Perry”. Những trải nghiệm đầu tiên của chúng ta tạo ra tấm màng lọc mà tất cả trải nghiệm mới đều phải đi qua.
Như ở Nam Phi, rất nhiều nền văn hóa cùng tồn tại trong một quốc gia. Và trong nhiều thế hệ, cộng đồng da trắng đã áp bức dã man người da màu. Các giáo viên da màu ở OWLAG đã lớn lên trong một thế giới mà việc tích cực phản kháng quyền lực da trắng cũng như các chính sách, lề thói và luật pháp phân biệt chủng tộc có thể dẫn đến án tử. Những mối liên hệ đến màu da trắng thường gợi lên nỗi sợ. Nhiều người da màu đã hình thành một chiến lược và cách thích ứng về cơ bản là phân ly – tránh xung đột, khi đối mặt thì tuân phục. Khả năng thích nghi ấy đã ăn sâu trong họ.
OPRAH: Rất nhiều giáo viên ở trường có thể đã vô thức có lối suy nghĩ và cách hành xử cũ đó.
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác. Vào năm 1994, khi nạn áp bức và phân biệt chủng tộc chấm dứt, não bộ của mọi người vẫn chưa thay đổi ngay được. Người da trắng vẫn bị gắn với sự thống trị và gạt bỏ. Mặc dù, về lý thuyết mà nói thì mọi việc đã thay đổi, nhưng khi những người lớn lên dưới chế độ apartheid – chế độ a-pac-thai – tương tác với nhau thì vẫn sẽ có sự tái lập chênh lệch quyền lực một cách vô thức, khơi gợi những kiểu thích ứng cũ. Các giáo viên da trắng cảm thấy thoải mái phát biểu và “dẫn dắt”; các giáo viên da màu thì lùi lại, tránh va chạm và nghe theo các đề xuất mà họ không hẳn đã ủng hộ. Điều đó đưa đến những vấn đề lớn trong trường học. Nhưng khi tôi nói chuyện với các giáo viên da trắng, họ vẫn chân thành nói rằng nạn phân biệt chủng tộc không liên quan gì đến những vấn đề ở trường.
Một trong những điều khó nắm bắt nhất về định kiến ngấm ngầm và phân biệt chủng tộc là niềm tin và giá trị của ta không phải lúc nào cũng thúc đẩy hành vi. Những niềm tin và giá trị được lưu giữ trong phần cao nhất, phức tạp nhất của bộ não – vỏ não. Nhưng các phần khác của não vẫn có thể đưa ra liên hệ – những liên hệ méo mó, không chính xác, phân biệt chủng tộc. Một người có niềm tin rất chân thành chống phân biệt chủng tộc, đồng thời vẫn có thể có định kiến ngầm dẫn đến bình luận hay hành động phân biệt chủng tộc. Rất cần hiểu được quy trình xử lý tuần tự trong não để nắm bắt điều này, cũng như hiểu rõ sức mạnh của trải nghiệm phát triển để đưa vào các phần não bên dưới các liên kết tạo nên thế giới quan của ta.
OPRAH: Chúng tôi nghe rất nhiều người da trắng nói: “Trong nhà tôi không có ai dùng tiếng lóng khinh miệt cả”. Nhưng vấn đề không chỉ là ngôn ngữ mà còn là cách bạn thấy bố mẹ bạn đối xử với những người không giống mình. Cách anh thấy họ trong các tương tác với người khác. Tất cả những điều nói lên con người họ. Cảm xúc của gia đình anh về “người khác”. Đó là những gì anh thu nhận từ lúc được sinh ra, vì thế chúng sẽ hình thành nên cách anh nhìn nhận những người không giống mình. Không quan trọng là có dùng tiếng lóng hay không. Có rất nhiều yếu tố có thể tạo ảnh hưởng.
TIẾN SĨ PERRY: Nhiều lắm. Khi ta còn nhỏ và trong giai đoạn hình thành những liên hệ ban đầu về cách thế giới vận hành, cha mẹ là những người chủ yếu ảnh hưởng đến ta. Và không hẳn là từ lời họ nói mà từ việc họ làm. Ngoài ra, ta còn chịu ảnh hưởng bởi những đứa trẻ và người lớn khác xung quanh. Nếu là một đứa trẻ da trắng chưa từng ở với trẻ da màu, ta sẽ không có được trải nghiệm cá nhân nào giúp xây dựng những liên kết quan hệ quan trọng đó cả.
Ta cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các phương tiện truyền thông. Ngay từ khi còn nhỏ, những hình ảnh thu nhận được từ truyền thông định hình hiểu biết của chúng ta về thế giới. Đối với nhiều người da trắng, trải nghiệm hoặc cảm nhận của họ về người da màu là hoàn toàn thông qua truyền thông. Trong giai đoạn trưởng thành của tôi, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập những định kiến tiêu cực về người da đen.
OPRAH: Tôi biết rất nhiều người da trắng chưa từng quen biết một người da đen nào cho đến khi gặp tôi. Và đã có thời một số người da trắng thuê người da đen làm việc cho mình nên họ có thể nói là có từng quen biết người da đen. Nhưng như anh nói, đối với nhiều người da trắng, liên hệ duy nhất của họ với người da đen là những gì thấy được trên bản tin hay trong phim ảnh.
TIẾN SĨ PERRY: Hồi tôi còn nhỏ, đàn ông thanh niên da đen trong phim hay trên TV thường bị miêu tả theo hướng tiêu cực – chẳng hạn như tội phạm chứ không phải thám tử, siêu anh hùng, nhà khoa học. Sự bóp méo đó tác động hết sức mạnh mẽ tới cách tổ chức của bộ não. Nó góp phần vào những liên hệ tiêu cực mà người da trắng tạo ra về người da màu, nó đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra định kiến ngầm.
Phiên bản thế giới mà tất cả chúng ta tạo ra đều có những méo mó riêng. Như tôi đã nói, những đường tắt của não khiến ta dễ bị sai lệch. Ai cũng đều có những định kiến ngầm – một kiểu bóp méo thế giới – dựa theo cách và nơi ta lớn lên. Chị cứ hình dung xem, khả năng mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo và dân tộc đều được trở thành một phần trong danh mục “an toàn và quen thuộc” của chị là bao nhiêu – chưa nói tới chuyện được tiếp xúc với tất cả những thứ đó trong vài năm đầu đời. Và vì vậy ta cần thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều mang định kiến ở mức độ nhất định.
OPRAH: Trong cuốn sách Caste (tạm dịch: Đẳng cấp), tác giả Isabel Wilkerson đã trích dẫn nghiên cứu từ một tổ chức cải cách tư pháp – tội phạm gọi là Dự án quyết định hình phạt, cho thấy: những tội ác có nghi phạm da đen và nạn nhân da trắng chỉ chiếm 10% tổng số tội ác đã diễn ra nhưng chiếm tới 42% tin tức trên truyền hình. Khi ta xem tin tức mà gần một nửa những gì thấy được là người da đen phạm tội chống lại người da trắng, cách nghĩ của ta về người da đen tất nhiên bị ảnh hưởng.
TIẾN SĨ PERRY: Hãy dành chút thời gian để nghĩ xem các định kiến ngầm đóng vai trò như thế nào trong tương tác giữa một cảnh sát da trắng thiếu kinh nghiệm với một thanh niên da đen lúc đêm khuya. Đó là vấn đề về hành động phụ thuộc trạng thái. Trước mối đe dọa, phần suy xét của não đóng lại, các phần phản ứng tiêu cực, cảm tính của não thay phiên nắm quyền. Giả sử chị là một người cảnh sát da trắng, chị cảm thấy bị đe dọa và chị lại có súng. Nếu phần bên dưới – phần phản ứng tiêu cực hơn – của não nắm quyền chỉ đạo nhận thức và hành vi khi cảm thấy bị đe dọa, và trong não chị lại có hẳn một danh mục phân loại “đàn ông da đen là tội phạm nguy hiểm”, nhiều khả năng chị sẽ sa vào hành vi dựa trên nỗi sợ – quát nạt, kích động, bóp cò – với thanh niên da đen nhiều hơn là với thanh niên da trắng. Bộ não của chị không có phân loại “thanh niên da trắng nguy hiểm”.
Về các hệ thống cần được đào tạo về sang chấn, lực lượng hành pháp phải đứng đầu danh sách này. Việc đào tạo về sang chấn, về não bộ, về sự căng thẳng và tình thế hiểm nghèo rất quan trọng đối với lực lượng phản ứng đầu tiên – đặc biệt là cảnh sát. Bất kỳ ai được giao trọng trách mang súng phục vụ xã hội đều phải được huấn luyện tăng cường những điều này.
OPRAH: Nhưng có sự khác biệt giữa định kiến ngầm với nạn phân biệt chủng tộc. Anh nghĩ ranh giới nằm ở đâu?
TIẾN SĨ PERRY: Định kiến ngầm hiện hữu nhưng không thể hiện một cách rõ ràng – đôi khi chúng bộc lộ không chủ ý. Nạn phân biệt chủng tộc thì trái lại, là một tập hợp niềm tin công khai về sự vượt trội của chủng tộc này so với chủng tộc khác. Ở Mỹ, nạn phân biệt chủng tộc đã áp bức và gạt người da màu ra ngoài lề bởi những hệ thống do người da trắng tạo ra để ưu ái người da trắng. Có thể nói rằng nạn phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào phần trên, phần “suy xét” của não người, trong khi định kiến ngầm liên quan đến “bộ lọc” bị bóp méo ở phần dưới của não. Khi một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên tiếp xúc với niềm tin phân biệt chủng tộc công khai, có thể là ở nhà hoặc trong các nhóm ngang hàng, niềm tin đó có thể “cắm sâu” trong các màng lọc. Kết quả có thể là một tập hợp cảm giác và hành vi ăn sâu vào nhiều vùng não.
OPRAH: Tuy vậy, đó vẫn là điều có thể thay đổi. Có lẽ nên dẫn ra đây một cuộc trò chuyện mà tôi từng thực hiện vào năm 2018. Cuộc trò chuyện này đã khẳng định niềm tin của tôi rằng, bằng sự đồng cảm, ta vẫn có hy vọng thay đổi ngay cả những kẻ phân biệt chủng tộc nặng nề nhất.
Tôi đã nói chuyện với một người tên là Anthony Ray Hinton – một người da đen, người này đã trải qua 30 năm trong xà lim tử tù ở Alabama vì một tội không liên quan gì đến anh. Quy định của nhà tù là cách ly hết mức – chỉ có một mình anh ấy trong xà lim riêng, không thể thấy được bất kỳ tù nhân nào khác dù họ cùng bị giam ở khu đó. Không ai thực sự nói chuyện với ai, nhưng khi đêm đến có thể nghe thấy tiếng khóc lóc và rên rỉ – những con người đau khổ.
Một đêm nọ, Anthony nghe thấy tiếng khóc và cảm thấy bên trong mình có gì đó đảo lộn. Anh hỏi to: “Sao thế?”, và người kia bảo rằng mẹ anh ta vừa qua đời.
Anthony đã rất gần gũi với mẹ ruột của mình, nên trong khoảnh khắc đó, anh đồng cảm được ngay với con người đau khổ kia. Và, chỉ một câu hỏi, một hành động nhân ái đó, đã mở ra cánh cửa cho tất cả. Họ bắt đầu trò chuyện thường xuyên, chia sẻ những câu chuyện, hỗ trợ nhau. Anthony đặc biệt thân với một người tên là Henry. Về sau anh biết được bạn Henry của mình là Henry Hays, một thành viên KKK bị bỏ tù vì tội treo cổ một cậu bé da đen. Nhưng thay vì cắt đứt tình bạn, giữa những người tử tù đã hình thành mối liên kết, và họ vẫn là bạn thân của nhau.
TIẾN SĨ PERRY: Tôi dám chắc rằng bằng cách đó, Anthony có thể thay đổi Henry.
OPRAH: Cứ như thế cho đến đêm Henry lên ghế điện, những lời cuối cùng anh ta để lại là cuộc đời này anh ta đã sống trong sai lầm. Bố mẹ đã dạy anh ta một điều sai trái, rằng người da đen là kẻ thù. Và anh ta đã phải đến phòng giam tử tù mới học được thế nào là tình yêu.
TIẾN SĨ PERRY: Chà. Câu chuyện này thật sự, thật sự có tác động lớn quá. Đây là một ví dụ hoàn hảo về việc, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi hệ thống niềm tin phân biệt chủng tộc đầy hận thù.
Hãy nhớ rằng vỏ não là phần não dễ uốn nắn nhất, dễ thay đổi nhất. Niềm tin và giá trị nào cũng có thể thay đổi.
OPRAH: Định kiến ngầm thì khó thay đổi hơn, đúng không?
TIẾN SĨ PERRY: Định kiến ngầm thì khó hơn nhiều. Ta có thể thực sự tin rằng phân biệt chủng tộc là xấu, rằng mọi người đều bình đẳng. Nhưng những niềm tin đó nằm ở phần lý trí của não, còn định kiến ngầm vốn nằm ở phần não phía dưới thì vẫn cứ bộc lộ hằng ngày – trong cách ta tương tác với người khác, những chuyện tiếu lâm khiến ta cười, những điều ta nói.
Thật thú vị khi xem xét cách mà điều này liên quan đến phong trào Black Lives Matter. Sau khi George Floyd bị sát hại đã diễn ra rất nhiều cuộc trò chuyện về cấu trúc của nạn phân biệt chủng tộc, các định kiến ngầm và đặc quyền của người da trắng. Các cuộc trò chuyện này đã làm sáng tỏ nhiều hiểu lầm, rất nhiều nỗi đau đã được bày tỏ. Và tất nhiên cả sự chống chế nữa. “Tôi chưa bao giờ phân biệt chủng tộc”. “Trong người tôi không có tính phân biệt chủng tộc”. Thực ra thì vấn đề không nằm ở tính tình hay phẩm cách mà là ở bộ não của ta. Tất cả chúng ta đều có những định kiến đã in sâu vào não bộ, và ẩn giấu trong đó là những kết nối có tính phân biệt chủng tộc.
Thách thức của việc đối phó với định kiến ngầm trước hết là ta phải thừa nhận rằng mình hoàn toàn cũng có định kiến. Hãy ngẫm nghĩ về lúc mà định kiến của ta bộc lộ. Dự đoán xem định kiến của ta có thể bộc lộ vào lúc nào và ở đâu. Hãy dũng cảm dành thời gian với những người khác mình, những người có thể thách thức định kiến của mình. Việc này có thể không thoải mái, nhưng hãy nhớ là những căng thẳng vừa phải, có thể lường trước và trong tầm kiểm soát sẽ giúp ta xây dựng và phát triển khả năng phục hồi. Hình thành những kết nối mới, tạo ra những trải nghiệm mới. Hãy bước vào cuộc đời và ở cùng những người khác ta. Ta cần tạo ra những quan hệ thực chất, có ý nghĩa để làm quen với người khác dựa trên phẩm chất độc đáo của họ chứ không phải dựa trên các cách phân loại.
OPRAH: Đó là điều thực sự thay đổi cả định kiến ngầm lẫn nạn phân biệt chủng tộc.
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác. Và đó là lý do vì sao ta không thể ở trong một tổ chức và đối phó với vấn đề chỉ bằng cách bắt mọi người tham gia các khóa học chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc khóa đào tạo về nhạy cảm văn hóa. Ta không thể đào tạo sự nhạy cảm văn hóa được, ta phải dành thời gian đắm mình trong nền văn hóa, phải gần gũi với những người sống trong nền văn hóa ấy. Anthony Bourdain là một ví dụ tuyệt vời cho việc này. Ông khuyến khích mọi người trải nghiệm các nền văn hóa khác mình bằng cách dành thời gian với các đầu bếp, nấu nướng, ăn uống, kỷ niệm các sự kiện văn hóa với những người kỷ niệm chúng. Ta không thể trở nên nhạy cảm nhờ một cuộc hội thảo kéo dài ba giờ.
OPRAH: Có nghĩa rằng ta không nên đào tạo nhạy cảm về văn hóa?
TIẾN SĨ PERRY: Không phải như vậy, ý tôi là việc đào tạo nhạy cảm văn hóa, vốn có thể giúp đạt được các yếu tố tri thức của việc học hỏi, cần phải đi đôi với trải nghiệm thực tế và những mối quan hệ thực sự. Đó là thứ sẽ giúp ta thay đổi. Việc này sẽ rất khó thực hiện với nhiều người và chắc chắn không khắc phục được toàn bộ hệ thống, nhưng đó là điểm khởi đầu.
Giải pháp lâu dài là giảm thiểu sự phát triển của định kiến ngầm. Ta phải suy nghĩ về cách nuôi dạy con cái ta để chúng có nhiều cơ hội tiếp xúc với điều tuyệt vời của sự đa dạng nhiều hơn và sớm hơn. Và ta phải thay đổi các yếu tố định kiến cố hữu trong nhiều hệ thống của mình.
OPRAH: Anh có nghĩ rằng sang chấn đang khiến nhân tính thụt lùi?
TIẾN SĨ PERRY: Như ta đã nói đến ở trên, con người luôn phải sống với nhiều sang chấn. Vì vậy, bất chấp tất cả những thách thức vừa bàn đến, tôi vẫn lạc quan. Tôi nghĩ “nhân tính” của nòi giống chúng ta có lên có xuống, có lúc vượng và cũng có lúc suy. Nhưng nếu ta nhìn vào lịch sử loài người, tất cả các chỉ số chính liên quan tới sức khỏe và hạnh phúc, công bằng xã hội, tính sáng tạo và hiệu suất lúc này đều đang có xu hướng tăng.
Như vậy không phải để nói rằng bây giờ không phải là giai đoạn khó khăn. Đang có rất nhiều chia rẽ; nhiều người đang dùng nỗi sợ để định hình công luận. Các nhóm đang phân cực tức giận, không chịu lắng nghe, nhưng họ cũng đang nói lên nỗi sợ hãi, nỗi đau của mình và khao khát thay đổi.
Tôi hy vọng rằng bằng cách dạy về sang chấn và sức mạnh của sự kết nối, mọi việc sẽ được cải thiện. Ta có thể đầu tư xây dựng các khu dân cư, xây dựng các dịch vụ hiểu biết về sang chấn, hỗ trợ các nghệ sĩ, xây dựng hạ tầng, xây dựng các không gian nơi mọi người có thể tạo ra cộng đồng. Ta có thể có được bước nhảy vọt trong nhân tính. Chúng ta phải như vậy. Chúng ta có thể như vậy. Nhưng trước hết ta cần hiểu những tác động lan tỏa và phức tạp của sang chấn. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng còn chưa được khám phá.