“Nín dứt”, bà cảnh cáo, “khôn hồn thì ngậm cái mồm vào”.
Mặt tôi sắt lại. Tim cũng không còn đập dồn. Tôi cắn chặt môi để không thốt thành tiếng.
“Bà làm như vậy là vì bà yêu con”, lời biện hộ cứ lặp lại bên tai.
Hồi bé, tôi ăn đòn như cơm bữa. Ngày đó, người ta vẫn được quyền dùng đòn roi để khép một đứa trẻ vào khuôn phép. Và bà tôi, bà Hattie Mae, đã “dạy dỗ” tôi theo cách ấy. Nhưng ngay cả khi mới lên ba, tôi cũng biết việc đó là sai – những gì mà tôi phải nếm trải.
Một trong những trận đòn kinh khủng nhất mà tôi còn nhớ là trận đòn vào một sáng Chủ Nhật. Lúc ấy, đi lễ nhà thờ là một việc khá quan trọng. Ngôi nhà nông thôn nơi tôi sống cùng ông bà không có hệ thống ống nước dẫn vào trong, vậy nên, ngay trước giờ đi lễ, tôi đã phải đi bơm nước ở cái giếng sau nhà. Từ cửa sổ, bà thấy ngón tay tôi đang nhúng vào nước. Như mọi đứa trẻ khác, tôi chỉ lơ đãng, và vụng về, vậy mà bà vẫn tức giận; bà nổi trận lôi đình vì tôi đã thò tay vào nước sạch dùng để nấu ăn. Bà hỏi tôi có nghịch nước không, tôi đáp “Không”, và thế là bà đánh tôi túi bụi, những vết hằn trên da thịt tôi sưng cả lên. Khi tôi chật vật mặc chiếc váy trắng Chủ Nhật đẹp nhất của mình, máu thấm qua làm vải loang màu đỏ sẫm. Bà thấy thế lại nổi giận, phạt tôi tội làm dây máu ra váy, sau đó bắt tôi đến trường Chúa Nhật.
Ở nông thôn miền Nam nước Mỹ, trẻ con da đen được nuôi dạy theo cách ấy. Những người mà tôi biết, không một ai không lớn lên với những trận đòn tưởng chết.
Tôi bị đánh vì những lý do hết sức vặt vãnh. Làm đổ nước, làm vỡ cốc, không giữ trật tự. Tôi từng nghe một diễn viên hài da màu nói: “Đoạn đường đi lấy roi cho mình là đoạn đường dài nhất”. Tôi không chỉ phải đi lấy roi cho mình, mà nếu không có roi thì còn phải đi tìm một nhánh cây non mảnh, nhưng nếu nó quá mảnh, tôi phải chập hai, ba nhánh vào. Bà thường bắt tôi bện roi. Đôi khi những trận đòn được “để dành” đến tối thứ Bảy, khi tôi mới tắm xong, còn trần như nhộng.
Sau mỗi trận đòn, khi tôi vẫn còn chưa đứng vững, bà lại bắt tôi phải “dẹp cái vẻ mặt đó đi” và cười lên. Như thể chưa từng xảy ra chuyện gì.
Nhờ vậy mà tôi đã luyện được kỹ năng “đánh hơi” rắc rối rất nhạy bén. Tôi nhận biết sự thay đổi trong giọng nói hay ánh nhìn của bà, tôi biết ngay khi nào bà cảm thấy không vừa ý. Bà tôi không phải người xấu. Tôi tin bà thực quan tâm đến tôi và muốn tôi trở thành “cô gái ngoan”. Và tôi hiểu “ngậm mồm vào” hay im lặng là cách duy nhất để kết thúc nhanh sự trừng phạt và đau đớn. Trong 40 năm tiếp theo, mô thức phục tùng có điều kiện – kết quả của sang chấn đã bám rễ và ăn sâu vào tâm trí – là thứ xác định mọi mối quan hệ, tương tác và quyết định trong đời tôi.
Tác động lâu dài của đòn roi rồi bị buộc phải ngậm miệng hoặc thậm chí còn phải cười dù đau đớn đã biến tôi thành một “kẻ lấy lòng đẳng cấp thế giới” trong phần lớn cuộc đời. Nếu được dạy dỗ khác đi, tôi đã chẳng phải mất đến nửa đời người mới học được cách đặt giới hạn và tự tin nói “Không!”.
Khi lớn lên, tôi rất biết ơn khi có được những mối quan hệ lâu dài, nhất quán và yêu thương. Nhưng những trận đòn đầu đời, những đổ vỡ cảm xúc và sự đứt gãy mối quan hệ với những người thân quan trọng trong thời thơ ấu chắc chắn đã khiến tôi hình thành tính độc lập và thu mình lại theo cách cực đoan. Theo ngôn từ mạnh mẽ của bài thơ Invictus (Bất khuất), tôi là thuyền trưởng của tâm hồn mình và là chủ nhân của số phận mình.
Hàng triệu người đã bị đối xử giống như tôi lúc nhỏ đã lớn lên với niềm tin rằng cuộc đời mình chẳng có giá trị gì.
Những cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Bruce Perry cũng như với hàng nghìn người đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện cuộc đời họ trên The Oprah Winfrey Show đã dạy tôi một điều, rằng: Hành động của những người mà lẽ ra phải quan tâm, chăm sóc tôi đã gây ra tác động không chỉ về mặt cảm xúc mà còn đến các phản ứng sinh học. Và nhờ làm việc cùng Tiến sĩ Perry, tôi sáng tỏ được rằng: Bởi phải nếm trải sự ngược đãi và bị sang chấn khi còn nhỏ, não bộ tôi đã tìm được cách để thích nghi.
Chính vì vậy, vẫn còn đó hy vọng cho tất cả chúng ta – nhờ vào khả năng thích ứng độc đáo của bộ não diệu kỳ. Như Tiến sĩ Perry sẽ giải thích trong cuốn sách này, hiểu được cách bộ não phản ứng trước căng thẳng hay sang chấn đầu đời sẽ giúp ta hiểu rõ cách mà những điều đã qua có thể định hình con người ta, cách ta hành xử và lý do vì sao ta lại làm những việc mà ta đang làm.
Qua lăng kính này, ta có thể hình thành một ý thức mới về giá trị bản thân và sau cùng là điều chỉnh lại phản ứng của mình đối với các hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ. Nói cách khác, đó là bí quyết để ta định hình lại cuộc đời mình.
– Oprah Winfrey
Một buổi sáng năm 1989, tôi đang ngồi trong Phòng Thí nghiệm Khoa học Thần kinh Phát triển tại Đại học Chicago, xem kết quả của một vài nghiên cứu, thì anh trợ lý của tôi ló đầu vào: “Oprah gọi anh kìa”.
“Ờ, thì cậu nghe đi”. Tôi đã thức cả đêm để viết luận, và kết quả thí nghiệm thì lộn xộn hết cả lên. Tôi chẳng còn tâm trạng đâu mà đùa với cậu ấy.
Nhưng cậu chàng vẫn nhăn nhở: “Không, thật mà. Có người bên Harpo gọi đến mà”.
Oprah chẳng có lý do gì để gọi cho tôi cả. Tôi là một bác sĩ tâm thần nhi trẻ tuổi đang nghiên cứu tác động của căng thẳng và sang chấn đến sự phát triển của con người. Chỉ có vài người biết về công việc của tôi; hầu hết dân tâm thần học chúng tôi không thường nghĩ về khoa học thần kinh hay sang chấn tuổi thơ. Vai trò của sang chấn được nhìn nhận như một nhân tố chính trong sức khỏe thể chất và tinh thần khi ấy vẫn còn chưa được khai thác. Hẳn một anh bạn nào đó đang đùa tôi thôi. Nhưng tôi vẫn nhận cuộc gọi.
“Cô Winfrey sẽ tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo cấp quốc gia để trao đổi về chủ đề ngược đãi trẻ em, ở Washington, hai tuần nữa. Chúng tôi muốn mời anh tham gia”.
Nhiều tên tuổi và tổ chức nổi tiếng, có uy tín sẽ tham dự cuộc họp. Công việc của tôi – nghiên cứu tác động của sang chấn tới bộ não đang phát triển – hẳn sẽ mất hút giữa các đề tài nổi trội và có ý nghĩa chính trị hơn. Nghĩ thế, tôi bèn lịch sự từ chối.
Vài tuần sau, tôi nhận được một cuộc gọi khác. “Oprah mời anh đến trang trại của cô ấy ở Indiana để nghỉ mát một ngày. Ngoài ra còn hai người nữa sẽ cùng tham gia. Chúng tôi muốn bàn về những giải pháp cho vấn đề ngược đãi trẻ em”.
Lần này, với cơ hội được thật sự đóng góp một cách đầy ý nghĩa, tôi nhận lời.
Tiếng nói nổi bật trong ngày hôm đó là của Andrew Vachss, một tác giả và luật sư chuyên đại diện cho trẻ em. Công trình tiên phong của ông cho thấy việc theo dấu những kẻ ngược đãi trẻ em là rất cần thiết, khi ấy những kẻ đó vẫn có thể di chuyển từ bang này sang bang khác, không cách nào kiểm soát được họ đang ở đâu hay có tuân thủ lệnh cấm đến gần trẻ em không. Cuộc gặp năm 1989 của chúng tôi ở Indiana đã dẫn tới sự ra đời của dự thảo Luật Bảo vệ Trẻ em Quốc gia nhằm thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về những kẻ ngược đãi trẻ em bị kết án.
Vào ngày 29 tháng 12 năm 1993, sau hai năm vận động gồm cả việc điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, “Dự luật Oprah” đã được thông qua.
Cái ngày năm 1989 đó đã tạo tiền đề cho nhiều cuộc trò chuyện ý nghĩa khác, một số diễn ra trên chương trình The Oprah Winfrey Show, thảo luận về những câu chuyện đặc biệt của trẻ và những chiến dịch nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của giai đoạn đầu đời đến sự phát triển trí não. Phần lớn những cuộc trò chuyện của chúng tôi khi ấy vẫn giới hạn trong bối cảnh Học viện Lãnh đạo Oprah Winfrey dành cho những em gái (OWLAG) mà Oprah sáng lập ở Nam Phi năm 2007. Cơ sở tuyệt vời này được thành lập để hỗ trợ, giáo dục và bồi dưỡng những em gái thiệt thòi nhưng có nhiều tiềm năng. Ý định rõ ràng là xây dựng một đội ngũ lãnh đạo tương lai. Nhiều em đã cho thấy được phẩm chất kiên cường và thành tích học tập cao bất chấp hàng loạt nghịch cảnh mà em phải trải qua như nghèo đói, mất mát đau thương, bị bạo lực cộng đồng hoặc trong nội bộ gia đình. Ngay từ sớm, nhà trường đã bắt đầu vận hành dựa trên nhiều khái niệm được bàn đến trong cuốn sách này, và ngày nay, OWLAG đã trở thành một hình mẫu cho các cơ sở giáo dục bởi sự nhận thức đầy đủ về phát triển và sự nhạy cảm với sang chấn của bản thân.
Năm 2018, tôi đã cùng Oprah tham gia chương trình 60 Phút với chủ đề “chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn”. Mặc dù cuộc trò chuyện của chúng tôi chỉ diễn ra có hai phút ở phần cuối, nhưng có hàng triệu người đã theo dõi và lắng nghe, và sự hào hứng của cộng đồng các chuyên gia trong lĩnh vực sang chấn là một cột mốc rất đáng để tự hào. Nhưng chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều nữa cần bàn đến.
Sự nhiệt thành dành cho cuộc trò chuyện của chúng tôi phần nào phản ánh sự nhiệt thành mà chính Oprah đã dành cho chủ đề này. Trong chương trình This Morning trên CBS, Oprah đã nói với Gayle King rằng: chị sẵn sàng nhảy trên bàn để thu hút, khiến mọi người chú ý tới tác động của sang chấn đến sự phát triển trí não của trẻ. Trong phần bổ sung của CBS News cho chương trình 60 Phút, Oprah đã gọi đó là câu chuyện quan trọng nhất đời mình.
Oprah đã nói về vấn đề ngược đãi, bị bỏ mặc và hành trình chữa lành trong suốt sự nghiệp của mình. Sự tận tâm dành cho giáo dục các chủ đề liên quan tới sang chấn là một nét son trong chương trình của chị. Hàng triệu người đã thấy Oprah lắng nghe, kết nối, an ủi và học hỏi từ những người đã trải nghiệm hoặc có chuyên môn về các loại sang chấn. Chị đã khám phá những tác động của mất mát đau thương, ngược đãi, lạm dụng tình dục, phân biệt chủng tộc, kỳ thị nữ giới, bạo lực gia đình, bạo lực cộng đồng, các vấn đề bản dạng giới và tình dục, án oan,... để từ đó giúp ta hiểu thêm về sức khỏe, quá trình chữa lành cũng như khả năng phục hồi và trưởng thành sau sang chấn.
Suốt 25 năm, The Oprah Winfrey Show đã có cái nhìn đầy sâu sắc và thâm trầm về nghịch cảnh, thách thức, khốn khó, căng thẳng, sang chấn và sự kiên cường. Oprah đã giới thiệu đến thế giới chứng rối loạn nhân dạng phân ly vào năm 1989; tầm quan trọng của những trải nghiệm thời thơ ấu đến sự phát triển trí não vào năm 1997; quyền của trẻ được nhận nuôi vào năm 2005; tác động của việc bị bỏ mặc nghiêm trọng vào năm 2009; và còn nhiều hơn thế. Theo nhiều cách, chương trình của chị đã trải đường cho nhận thức lớn hơn, mang tính hệ thống hơn về các vấn đề này. Trong một chương trình gần đây nhất, có một tập có sự góp mặt của 200 người, có cả Tyler Perry, và họ đã tiết lộ với chúng ta những câu chuyện về lạm dụng tình dục. Oprah đã đang và sẽ tiếp tục là nhà vô địch, là người dẫn đường cho những người tưởng chừng như đã bị nghịch cảnh và sang chấn vùi lấp.
Oprah và tôi đã thảo luận về sang chấn, não bộ, khả năng phục hồi và chữa lành trong hơn 30 năm trời, và cuốn sách này, theo nhiều cách, là kết quả cuối cùng từ những cuộc trò chuyện đó. Chúng tôi sẽ dùng những cuộc trò chuyện và câu chuyện của mọi người để làm sáng tỏ cơ chế khoa học vốn luôn nằm bên dưới mọi trải nghiệm của chúng ta.
Sự phát triển, não bộ và sang chấn có quá nhiều khía cạnh để có thể gói ghém hết trong một cuốn sách, nhất là thể loại sách được viết thông qua những câu chuyện. Ngôn ngữ và các khái niệm dùng trong cuốn sách này được diễn dịch từ thành quả của hàng nghìn nhà khoa học, bác sĩ lâm sàng và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực từ di truyền học đến dịch tễ học, nhân chủng học. Đây là cuốn sách cho mỗi người và cho mọi người.
Câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra?” biểu thị sự coi trọng sức mạnh của quá khứ trong việc định hình mô thức hành xử của chúng ta hiện tại. Cụm từ này bắt nguồn từ nhóm tiên phong của Tiến sĩ Sandra Bloom, người đã phát triển Sanctuary Model (Mô hình trú ẩn). Theo lời Tiến sĩ Sandra Bloom:
Chúng tôi [nhóm điều trị của Sanctuary] gặp nhau vào khoảng năm 1991 tại đơn vị điều trị nội trú, đang cố gắng mô tả những thay đổi trong cách bản thân nhận biết và phản ứng trước vấn đề sang chấn, nhất là trước điều mà nay được gọi là “bất trắc tuổi thơ” – một vấn đề mang tính nhân quả tác động đến hầu hết những người chúng tôi đang chữa trị. Joe Foderaro, LCSW, vốn luôn giỏi đưa ra các nhận xét súc tích, đã nói: “Đó là vì chúng ta đã thay đổi câu hỏi đầu tiên của mình, từ ‘Bạn bị làm sao vậy?’ thành ‘Điều gì đã xảy ra vậy?’”.
Oprah và tôi tin chắc rằng câu hỏi cơ bản “Điều gì đã xảy ra?” có thể giúp mỗi chúng ta hiểu thêm một chút về cách mà những trải nghiệm – cả tốt lẫn xấu – định hình con người mình. Khi chia sẻ những câu chuyện và khái niệm khoa học này, chúng tôi hy vọng mỗi người đọc, theo từng cách riêng, sẽ có được những chiêm nghiệm riêng để từ đó có thể sống tốt hơn, trọn vẹn hơn.
–Tiến sĩ Bruce Perry