Chương 1Hiểu về thế giới
Mỗi năm
trên thế giới có hơn 130 triệu đứa trẻ được sinh ra. Mỗi em lại đến thế giới này cùng những hoàn cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa riêng biệt. Một số được chào đón với lòng biết ơn và niềm vui, được nâng niu trong vòng tay cha mẹ, khiến gia đình ngất ngây trong hạnh phúc. Số khác thì giống tôi, bị chối bỏ bởi người mẹ trẻ đang mơ về một cuộc sống khác, bởi cặp vợ chồng bị đói nghèo đè nặng, bởi người cha không biết kiểm soát bản thân và quen thói bạo hành,. ..
Nhưng bất kể có được yêu thương hay không, mỗi đứa trẻ sơ sinh ngày nay hay ngày trước (là bạn và tôi đấy) đều chia sẻ một điểm chung hết sức quan trọng. Bất chấp vô số hoàn cảnh khác biệt, ta đều đến thế giới này cùng cảm giác tròn vẹn bẩm sinh Ta không bắt đầu cuộc đời bằng câu hỏi: Mình có cảm thấy đủ đầy? Mình có giá trị? Mình có xứng đáng hay đáng được yêu thương?
Không đứa trẻ nào trong giây phút nhận biết đầu tiên đã liền tự hỏi “Mình có quan trọng không?” Thế giới của tất cả đều là chốn diệu kỳ Và theo cùng những hơi thở đầu tiên, những sinh linh bé nhỏ bắt đầu cố tìm hiểu xung quanh Ai sẽ nuôi nấng và chăm sóc chúng? Thứ gì sẽ đem lại cảm giác thoải mái? Và đối với rất nhiều những con người nhỏ bé ấy, cuộc đời đã bắt đầu ra tay Những người chăm sóc bắt đầu bột phát bạo lực hoặc chỉ đơn giản là không đem đến cho các em giọng nói vỗ về hay cái chạm âu yếm Từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, trải nghiệm của mỗi chúng ta dần trở nên khác biệt.
Cảm giác bao trùm hơn cả mà tôi vẫn nhớ từ thời thơ ấu của bản thân là sự cô độc. Cha mẹ tôi chỉ gần nhau đúng một lần Đó là ở Kosciusko, Mississippi, dưới một gốc sồi già không xa ngôi nhà nơi mẹ tôi, Vernita, được nuôi lớn Cha tôi, Vernon, thường bảo rằng tôi sẽ không bao giờ được sinh ra nếu ông không tò mò về thứ bên dưới cái váy hồng lồng phồng của mẹ tôi. Chín tháng sau cuộc gặp gỡ độc nhất đó, tôi ra đời Từ lúc bắt đầu có nhận thức, tôi đã biết mình chẳng hề được mong chờ. Cha còn không biết đến tôi cho tới khi mẹ tôi gửi giấy khai sinh đến và đòi tiền mua quần áo.
Ngôi nhà của bà tôi là nơi trẻ con được coi sóc, nhưng không được lắng nghe. Tôi nhớ rõ đã từng bị ông dùng gậy xua đi chỗ khác, tôi không nhớ liệu ông có từng nói chuyện trực tiếp với mình bao giờ không. Sau khi bà qua đời, tôi chạy qua chạy lại giữa chỗ mẹ tôi, lúc này bà đã chuyển đến Milwaukee, với chỗ của cha tôi ở Nashville. Bởi cả hai đối với tôi đều xa lạ nên tôi đã phải chật vật tìm cách “bám rễ”, hay nói cách khác là kết nối với chính cha mẹ mình. Mẹ tôi nhận thù lao giúp việc 15 đô/tuần ở Fox Point, bờ Bắc Milwaukee. Bà làm mọi việc có thể để nuôi ăn ba đứa trẻ, vậy nên bà chẳng còn thời gian đâu mà chăm sóc, bảo bọc chúng. Tôi luôn cố không làm phiền hay khiến mẹ phải lo. Mẹ tôi xa cách và lạnh lùng trước những nhu cầu của đứa con gái này. Toàn bộ năng lượng của mẹ đều dồn hết vào việc ngoi đầu lên khỏi mặt nước – để sống sót. Tôi luôn cảm thấy mình là gánh nặng, một cái tàu há mồm. Tôi hiếm khi cảm thấy được yêu thương. Ngay khi vừa biết nhận thức, biết ghi nhớ, tôi đã biết mình cô độc.
Điều tôi được biết sau các cuộc trò chuyện với quá nhiều các nạn nhân phải chịu sang chấn, bị lạm dụng hoặc bỏ rơi là: sau khi thấm thía những trải nghiệm đau lòng, đứa trẻ bắt đầu cảm thấy đau. Khao khát được cần đến, được công nhận và được có giá trị bắt đầu lớn dần. Khi lớn lên, đứa trẻ thiếu mất khả năng đặt ra tiêu chuẩn cho những gì mình xứng đáng. Và nếu sự thiếu thốn ấy không được giải quyết, điều tiếp theo xảy đến sẽ là hành vi tự hủy hoại, bạo lực, lang chạ hoặc nghiện ngập.
Đó là nơi công việc của tôi bắt đầu – công việc đào bới cái gốc rễ đã ăn sâu từ lâu trước khi ta lên tiếng nói rõ chuyện đã xảy ra với mình.
Tiến sĩ Perry đã giúp tôi mở mang tầm mắt về cách mà những trải nghiệm đau đớn, cay nghiệt, đáng sợ hoặc cô lập có thể bị chôn sâu trong não bộ, dù chúng chỉ thoáng qua vài giây hoặc đã kéo dài nhiều năm. Khi bộ não ta phát triển và liên tục thu thập trải nghiệm mới để hiểu về thế giới xung quanh, mỗi khoảnh khắc đến sau lại chồng lên tất cả những khoảnh khắc đến trước.
Tôi luôn hiểu rõ câu nói trong hạt sồi có cây sồi . Và qua công việc của mình với Tiến sĩ Perry, tôi biết cả điều này cũng đúng: Nếu muốn hiểu cây sồi, ta phải trở lại với hạt sồi.
–Oprah
Khi chúng tôi mới biết nhau, tôi nhớ Oprah từng nói: “Anh là người nhìn mọi thứ qua lăng kính của bộ não. Có phải lúc nào anh cũng nghĩ về não bộ không?”. Câu trả lời của tôi là: “Gần như thế”. Tôi nghĩ rất nhiều về bộ não con người. Tôi được đào tạo để trở thành một nhà khoa học thần kinh, và tôi đã nghiên cứu về bộ não và hệ thống ứng phó với căng thẳng từ những ngày đầu bước chân vào cổng trường đại học. Tôi cũng là một nhà tâm thần học, đây là lĩnh vực tôi theo đuổi sau khi đã được học về khoa học thần kinh. Tôi thấy “góc nhìn từ bộ não” rất hữu ích khi tôi muốn tìm hiểu sâu về ai đó.
Là một bác sĩ tâm thần nhi, tôi thường được hỏi về những hành vi đáng e ngại. Tại sao đứa trẻ kia lại hành động như trẻ sơ sinh vậy? Sao bé không hành xử đúng với độ tuổi của bé? Tại sao một người mẹ lại có thể giương mắt nhìn bạn trai đánh con mình? Tại sao có người lại đi ngược đãi một đứa trẻ? Đứa trẻ ấy bị sao vậy? Người mẹ ấy bị sao vậy? Người bạn trai ấy bị sao vậy?
Qua nhiều năm, tôi hiểu được rằng, những hành vi tưởng chừng vô tri vô ý thực ra đều có lý do đằng sau. Và vì bộ não là phần giúp chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động, nên mỗi khi cố gắng hiểu ai khác, tôi đều băn khoăn về bộ não của người ấy. Tại sao họ lại làm như vậy? Điều gì khiến họ hành động như vậy? Có chuyện gì đó đã xảy ra, ảnh hưởng tới bộ não của họ và cách nó vận hành.
Lần đầu sử dụng lăng kính khoa học thần kinh để hiểu về hành vi của một người, tôi vẫn còn là một bác sĩ tâm thần trẻ, chưa kết thúc khóa đào tạo. Tôi tiếp nhận một người đàn ông lớn tuổi tên là Mike Roseman – một người thông minh, vui tính và tốt bụng. Mike là cựu chiến binh tham chiến tại Triều Tiên, từng kinh qua nhiều trận đánh khốc liệt. Ông có những triệu chứng điển hình của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): ông mắc chứng lo âu, khó ngủ, trầm cảm và những cơn hồi tưởng đứt đoạn khiến ông có cảm giác như ông thực sự vẫn đang ở trong trận đánh. Ông tìm đến rượu để tự điều trị và đã phải chật vật vì nghiện ngập. Điều đó tất nhiên đã góp phần gây nên những xung đột trong công việc và gia đình, rốt cuộc dẫn đến ly hôn và mất việc.
Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong khoảng một năm. Thói nghiện rượu của Mike đã được cải thiện khá nhiều, nhưng các triệu chứng khác vẫn còn.
Một hôm, ông gọi tôi, bối rối: “Bác sĩ, hôm nay tôi đến gặp anh được không? Quan trọng lắm. Cả Sally cũng muốn đến”. Sally là một giáo viên về hưu, Mike đang hẹn hò với người này. Ông đã nói rất nhiều trong các buổi trị liệu trước về việc “không muốn lần này đổ vỡ”. Cảm nhận được sự cấp bách của ông, tôi đồng ý.
Cuối buổi chiều hôm đó, họ đến văn phòng tôi và ngồi cạnh nhau trên ghế dài. Họ nắm tay nhau. Sally âu yếm thì thầm vào tai Mike, tôi có thể thấy rõ cô đang cố vỗ về anh. Mike thì có vẻ ngượng ngùng. Trông họ cứ như một cặp đôi thiếu niên vậy.
Mike mở lời. “Anh giải thích về PTSD cho cô ấy được không? Anh biết vì sao tôi làm rối tinh mọi chuyện mà”. Ông rưng rưng muốn khóc. “Tôi bị sao vậy? Chiến tranh Triều Tiên đã qua hơn 30 năm rồi”. Sally nghiêng người sang ôm Mike.
Tôi lúng túng, chần chừ. Tôi thực sự có thể giải thích được về PTSD không? “Cho tôi hỏi một chút được không, Mike à, tại sao lại là lúc này? Có chuyện gì đã xảy ra sao?”.
“Tối hôm qua, chúng tôi đi hẹn hò với nhau. Một bữa tối dễ thương, chúng tôi dạo phố, đi xem phim. Rồi đột nhiên, tôi ở ngoài đường, giữa mấy cái xe đang đỗ, nằm sấp xuống, ôm đầu, khiếp sợ. Tôi nghĩ chúng tôi bị bắn. Tôi đã nhầm, chắc vậy. Mãi tôi mới nhận ra đó là tiếng nổ ống pô của một chiếc xe máy. Nghe cứ như tiếng súng ấy. Gối quần tôi rách tươm, mồ hôi đầm đìa, tim đập loạn xạ. Tôi xấu hổ quá, cảm giác như ruột gan lộn hết ra ngoài. Tôi chỉ muốn về nhà uống thật say”.
Sally nói: “Mới phút trước chúng tôi còn tay trong tay, phút sau Mike đã lại kêu gào như trong chiến hào bên Triều Tiên. Tôi cố giúp nhưng anh ấy cứ đẩy tôi ra. Anh ấy còn đánh tôi nữa”. Bà im lặng một phút. “Mọi sự có lẽ chỉ diễn ra trong đôi ba phút, nhưng cảm giác phải như tới 10 phút. Hãy cho tôi biết tôi phải làm gì để giúp anh ấy”. Bà quay sang nhìn Mike. “Em sẽ không từ bỏ anh đâu”.
“Anh cho cô ấy biết tôi bị làm sao với”, ông nói như van nài.
Chuyện xảy ra vào năm 1985. Khi ấy, các nghiên cứu về PTSD vẫn còn chưa hoàn chỉnh, và tôi chỉ là một bác sĩ tâm thần 29 tuổi thiếu kinh nghiệm đang trong quá trình đào tạo. Tôi không biết phải trả lời như thế nào. “Tôi không biết liệu tôi có câu trả lời hoàn hảo không”, tôi đáp. “Nhưng tôi biết Mike không định làm đau bác đâu”.
“Tôi biết chứ”, Sally nhìn như thể tôi là một thằng ngốc – mà đúng là tôi ngốc thật. Nhưng dù chưa biết nhiều về công việc điều trị, tôi lại biết nhiều về bộ não, trí nhớ và phản ứng với căng thẳng. Tôi nghĩ đến việc Mike chạy nhảy loạn xạ để tìm chỗ nấp trên đường phố, nhưng không phải từ quan điểm của một bác sĩ lâm sàng mà từ quan điểm của một nhà khoa học thần kinh. Điều gì đã diễn ra trong bộ não của Mike khi ông nghe thấy tiếng pô xe? Tôi bắt đầu nhìn nhận vấn đề qua lăng kính não bộ.
“Tôi nghĩ, một phần của vấn đề là, nhiều năm trước, ở Triều Tiên, bộ não của Mike đã thích ứng với mối đe dọa thường trực – cả cơ thể và bộ não đều trở nên quá mẫn cảm và phản ứng quá mức trước mọi dấu hiệu liên quan đến mối đe dọa từ bên ngoài. Khi ấy, để sống sót, bộ não đã tạo ra những kết nối – về căn bản là một dạng trí nhớ chuyên biệt – giữa tiếng súng nổ, đạn pháo với việc kích hoạt phản ứng sinh tồn cực đoan”. Tôi dừng lời. “Tôi nói thế dễ hiểu chứ?”.
Sally gật đầu. “Anh ấy thất thường và hay lo sợ lắm”.
“Mike này, tôi đã nhiều lần thấy bác né tránh và giật mình trong văn phòng tôi khi cánh cửa sập lại hay có tiếng xe đẩy ngoài hành lang. Bác còn luôn nhìn quanh và dò xét căn phòng nữa. Bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong hoạt động, âm thanh, ánh sáng đều thu hút sự chú ý của bác”.
“Nếu không thụp đầu xuống”, Mike nói, “tôi chết chắc. Nếu ban đêm không cảnh giác, tôi chết chắc. Nếu ngủ quên, tôi chết chắc”. Ông nhìn trân trân không chớp mắt vào khoảng không. Sau một lúc im lặng, ông thở dài. “Tôi ghét ngày 4 tháng 7. Ghét cả giao thừa. Pháo hoa làm tôi mất cả hồn vía. Cho dù biết sắp có pháo hoa đi chăng nữa, tôi vẫn giật bắn mình, tim tôi như muốn vỡ tung trong lồng ngực. Tôi ghét lắm. Tôi không tài nào ngủ nổi cả tuần sau đó”.
“Đúng. Là do ký ức của bộ não về thích ứng và tự vệ vẫn còn. Nó vẫn chưa biến mất”.
“Nhưng Mike đã không còn cần đến nó nữa”, Sally nói. “Nó quả thực đang khiến cuộc sống anh ấy khốn khổ. Liệu anh ấy có thể loại bỏ nó không?”.
“Đó là một câu hỏi hay”, tôi đáp. “Thật ra, oái oăm ở chỗ, không phải tất cả ký ức liên quan đến chiến trận đều là thứ mà bộ não của Mike có thể kiểm soát một cách có ý thức. Tôi sẽ giải thích như vậy nhé”.
Tôi lấy ra một mảnh giấy, vẽ một hình tam giác ngược và kẻ ba đường chia nó làm bốn phần. Đó là lần đầu tôi trình bày bộ não theo cách như vậy. 35 năm sau, chúng tôi vẫn dùng hình mẫu này để giảng dạy về bộ não, căng thẳng và sang chấn.
“Hãy nhìn tổ chức căn bản của bộ não. Nó giống như chiếc bánh bốn tầng. Trên cùng là vỏ não, phần ‘người’ độc đáo nhất của bộ não chúng ta”. Tôi bắt đầu ghi vào giấy những chức năng suy tư khác nhau của bộ não.
Vừa vẽ tôi vừa giải thích: “Phần trên cùng chịu trách nhiệm cho lời nói, ngôn ngữ, tư duy và dự tính; các giá trị và niềm tin của chúng ta cũng được lưu giữ ở đây. Và, hết sức quan trọng, đây là phần não có thể ‘biết thời gian’. Khi vỏ não đang ‘trực tuyến’ và hoạt động, ta có thể suy ngẫm về quá khứ và hình dung tương lai. Ta luôn biết việc gì đã ở quá khứ và việc gì là ở hiện tại, đúng chứ?”. Mike và Sally gật đầu.
“Được rồi. Giờ thì chúng ta nhìn xuống phần dưới cùng – thân não. Đây là phần não kiểm soát những chức năng ít phức tạp hơn, chủ yếu là điều hòa, như điều hòa thân nhiệt, hơi thở, nhịp tim,... Nhưng phần này không có mạng lưới nào để suy nghĩ hay xác định thời gian. Đôi khi phần này còn được gọi là não bò sát, các bác hãy thử nghĩ những việc mà thằn lằn có thể làm – chúng không dự tính hay suy nghĩ gì nhiều, chúng chủ yếu sống và phản ứng trong hiện tại. Con người chúng ta, nhờ có phần vỏ não trên cùng, nên có thể phát minh, sáng tạo, dự tính và ý thức được thời gian”.
Tôi nhìn cặp đôi trước mặt, xem họ có theo kịp không rồi nói tiếp.
“Tất cả các giác quan của ta là đầu vào tiếp nhận cảm giác – thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác – những cảm giác ấy đi vào vùng phía dưới trước tiên. Không tín hiệu cảm giác nào đi thẳng lên vỏ não được cả, mọi thứ trước hết đều được kết nối với phần dưới của não”.
Họ gật đầu.
“Khi tín hiệu đi vào thân não”, tôi hướng sự chú ý xuống đáy tam giác, “chúng sẽ được xử lý. Về cơ bản thì tín hiệu thu vào được so sánh với những trải nghiệm đã được lưu trữ sẵn ở đó. Trong trường hợp này, tiếng ống pô xe máy được so sánh với tiếng súng – bác còn nhớ những ký ức liên quan tới chiến trận chứ? Và vì phần thân não không thể nhận biết thời gian hay biết rằng chiến tranh đã qua nhiều năm rồi, nên nó kích hoạt phản ứng căng thẳng khiến bác bùng nổ phản ứng trước mối đe dọa. Bác cảm nhận và hành động như thể đang bị tấn công. Thân não của bác không thể nói: ‘Nào nào, đừng cuống lên, Triều Tiên đã là chuyện ba chục năm về trước rồi. Âm thanh đó chẳng qua là tiếng ống pô xe máy thôi’”.
Hình 1
MÔ HÌNH BỘ NÃO
TỔ CHỨC THỨ BẬC CỦA BỘ NÃO CON NGƯỜI
Bộ não có thể được chia thành bốn vùng kết nối với nhau: thân não, não trung gian, hệ viền, và vỏ não. Tính phức tạp về mặt cấu trúc và chức năng tăng dần từ vùng thân não đến vỏ não. Vỏ não đảm nhận những chức năng mang tính "con người" nhất như: giao tiếp và ngôn ngữ, nhận thức trừu tượng, khả năng hồi tưởng quá khứ và mường tượng tương lai ...
“Khi tín hiệu được truyền đến vỏ não, vỏ não mới có thể nhận biết chuyện đang diễn ra. Nhưng một trong những điều đầu tiên xảy ra khi phản ứng căng thẳng bị kích hoạt là hệ thống các phần trên của não, gồm cả khả năng nhận biết thời gian, đều tạm thời bị khóa lại. Thành ra thông tin về tiếng ống pô xe máy không lên đến vỏ não được ngay mà phải mất thêm một lúc. Khi vỏ não vẫn chưa nhận được tín hiệu về tiếng pô xe thì bác vẫn sẽ cảm thấy như mình đang ở Triều Tiên, và thế là mọi thứ rối mù. Bác phải mất cả đêm mới bình tâm lại được, đúng không?”.
“Tôi chẳng ngủ được chút nào”, Mike trông bộ kiệt sức nhưng đã nhẹ nhõm hơn. “Vậy là tôi không bị điên đúng không bác sĩ?”.
“Không hề. Bộ não của bác đã làm đúng những gì nó cần làm, căn cứ vào những chuyện bác đã phải trải qua. Nhưng quá trình ‘thích nghi đúng’ giờ đã trở thành ‘thích nghi sai’. Thứ đã giữ cho bác sống sót ở Triều Tiên bây giờ lại đang giết chết bác ở quê nhà. Ta phải tìm ra cách giúp các hệ thống ứng phó với căng thẳng của bác bớt phản ứng và bớt mẫn cảm đi”.
Vấn đề với Mike dĩ nhiên không phải chỉ có thế, nhưng chỉ cần hiểu được thứ ẩn dưới những hành vi của Mike thôi đã là niềm an ủi rất lớn với Mike và Sally rồi. Đối với tôi, nó đã khởi đầu một quá trình tích cực hơn nhiều trong việc tích hợp các nguyên tắc từ khoa học thần kinh vào thực hành điều trị. Nó đã minh họa cách các dấu hiệu gợi liên tưởng (như ánh sáng, âm thanh, mùi vị hay sự tiếp xúc) có thể kích hoạt ký ức sang chấn. Trong trường hợp của Mike, tiếng pô xe máy đã khơi dậy những ký ức phức tạp và khốc liệt về chiến trận. Và đó là một trong những ví dụ đầu tiên tôi chia sẻ với Oprah khi bắt đầu thảo luận về sang chấn.
–Tiến sĩ Perry
OPRAH: Khi nghe về câu chuyện của ông Roseman, điều đầu tiên tôi nhận thấy là ông ấy cảm thấy bản thân mình không ổn. Ông thậm chí còn nói “Tôi bị sao vậy?”. Nhưng anh đã tập trung vào câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra?” thay vì “Bác bị sao vậy?” – đó chính xác là bước chuyển đổi mà chúng ta đang cố gắng giúp mọi người cùng thực hiện.
Câu chuyện cũng giúp tôi thực sự hiểu được ý anh khi anh nói về tổ chức tuần tự của bộ não.
TIẾN SĨ PERRY: Toàn bộ trải nghiệm được xử lý từ dưới lên, tức là để lên đến đỉnh – phần “thông minh” của não – ta phải qua phần dưới “không thông minh cho lắm”. Quá trình xử lý tuần tự này có nghĩa là: phần phản ứng – phần nguyên thủy nhất của bộ não chúng ta – là nơi đầu tiên diễn giải và kích thích hành động dựa trên thông tin nhận được từ giác quan. Có thể kết luận là, Bộ não của chúng ta được tổ chức để hành động và cảm nhận trước khi suy nghĩ. Đó cũng là cách bộ não phát triển – tuần tự, từ dưới lên. Trẻ sơ sinh hành động và cảm nhận trước hết, rồi những hành động và cảm nhận đó mới cấu thành cách chúng tư duy, suy nghĩ.
OPRAH: Nhiều năm qua anh vẫn nói với tôi rằng những trải nghiệm đầu đời có tác động rất lớn bởi vì đó là giai đoạn bộ não phát triển nhanh nhất.
TIẾN SĨ PERRY: “Chuyện gì đã xảy ra?” không chỉ là câu hỏi then chốt nếu ta muốn hiểu thấu một ai đó; nó còn là câu hỏi quan trọng để ta hiểu về cách vận hành của não bộ. Nói cách khác, lịch sử của riêng ta – những người ta từng gặp và nơi chốn ta từng qua – có ảnh hưởng đến sự phát triển và vận hành của não bộ. Kết quả là, mỗi bộ não đều độc nhất. Những trải nghiệm trong đời định hình cách các hệ thống quan trọng trong não bộ tổ chức và hoạt động.
Thế cho nên mỗi người chúng ta sẽ quan sát và thấu hiểu thế giới theo những cách hoàn toàn riêng biệt.
Ví dụ về ông Roseman liên quan tới những trải nghiệm đau thương xảy ra vào năm ông 24 tuổi. Nếu bộ não của người 24 tuổi mà còn có thể bị ảnh hưởng và thay đổi như thế, chị có thể tưởng tượng được tác động của sang chấn đến bộ não một đứa trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới tập đi không, tác động còn có thể to lớn và sâu sắc đến nhường nào.
Từ trong bụng mẹ, bộ não đã dần phát triển và bắt đầu lưu giữ các phần của trải nghiệm sống. Sự phát triển của não bộ thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi một loạt yếu tố bao gồm: sự căng thẳng của người mẹ, ma túy, lượng cồn và nicotine người mẹ tiếp nhận vào cơ thể, chế độ ăn, những mô thức hành vi,... Trong chín tháng đầu tiên, sự phát triển của trẻ mang tính bùng nổ, có khi đạt tới tốc độ 20.000 tế bào thần kinh mới mỗi giây (so sánh với một người lớn, khả quan nhất cũng chỉ có 700 tế bào thần kinh mới trong một ngày mà thôi). Ở thời điểm mới được sinh ra, trẻ đã có 86 tỉ tế bào thần kinh; các tế bào này tiếp tục tăng thêm và kết nối với nhau tạo thành các mạng lưới phức tạp cho phép trẻ sơ sinh bắt đầu nhận biết thế giới. Tất cả những điều này cực kỳ phức tạp và còn chưa được các nhà nghiên cứu hiểu hết ngọn ngành, nhưng vẫn có một số nguyên tắc căn bản rất hữu ích về cách chúng liên quan tới sang chấn.
Các giác quan bên ngoài của chúng ta – thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác – theo dõi những gì diễn ra bên ngoài cơ thể. Để làm việc đó, chúng dựa vào các cơ quan thụ cảm – mắt, tai, mũi, lưỡi và da. Khi các cơ quan này bị kích thích bởi ánh sáng, âm thanh, mùi vị và sự tiếp xúc, các tế bào thần kinh chuyên biệt sẽ gửi tín hiệu về não.
Ta cũng có hệ thống thụ cảm cho biết những gì diễn ra bên trong cơ thể – gọi là nội cảm thụ (interoception), đem đến những cảm nhận như khát, đói hay hụt hơi. Tất cả những đầu vào cảm giác từ thế giới bên ngoài và thế giới bên trong đều liên tục được truyền đến não, kích hoạt các hệ thống chuyên trách phù hợp nhằm giữ cho ta khỏe mạnh và an toàn. Nếu khát, ta đi tìm nước; nếu đói, ta tìm thức ăn; nếu cảm nhận nguy hiểm, ta “huy động” hệ thống ứng phó với căng thẳng.
Bộ não phân loại tất cả các đầu vào cảm giác và gửi nó tuần tự đến các phần của não để tổng hợp và xử lý sâu hơn. Việc này tạo ra phiên bản ngày càng bao quát và chi tiết hơn về bất kỳ trải nghiệm nào, vì các đầu vào khác nhau được kết nối dựa theo cách chúng được phân loại và sắp xếp. Ví dụ, bộ não gửi một số hình ảnh (thị giác), âm thanh (thính giác), cảm giác chạm (xúc giác) và mùi (khứu giác) đến cùng một vùng khi chúng xảy ra cùng một lúc. Những cảm giác khác nhau đó – hình ảnh, âm thanh, mùi vị và chuyển động của cùng một trải nghiệm – được kết nối lại. Đó là khởi đầu của việc nhận biết thế giới.
Khi bộ não bắt đầu tạo ra ký ức và lưu giữ nó trong các kết nối này, một danh mục về các trải nghiệm sẽ được hình thành. Trong quá trình trưởng thành, tất cả chúng ta đều luôn cố hiểu những gì xảy ra quanh mình. Âm thanh này là gì nhỉ? Người này xoa lưng mình, vậy nghĩa là sao? Vẻ mặt như vậy là thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra khi có cái mùi đó?
Đối với một đứa trẻ, tiếp xúc bằng mắt có nghĩa là: “Ta quan tâm đến con, ta lo lắng cho con”. Với đứa trẻ khác lại có thể có nghĩa: “Tao sắp mắng mày rồi đấy”. Từng khoảnh khắc trong những ngày tháng đầu đời, bộ não đang phát triển của chúng ta sẽ sắp xếp và lưu giữ những trải nghiệm cá nhân, từ đó tạo nên “bảng mã” riêng giúp ta diễn giải thế giới. Chúng ta, ai cũng có một thế giới quan riêng được hình thành bởi trải nghiệm sống riêng của mỗi người.
Hãy dành ra một phút để hình dung những thay đổi đột ngột trong cảm nhận của trẻ sơ sinh. Thế giới vốn ấm áp, ổn định và tối đen, lúc lọt lòng lại thành ra dồn dập những hình ảnh, âm thanh; trẻ bị “phơi” ra ngoài không khí và nhiệt độ thì đột nhiên thay đổi. Não bộ con trẻ bị choáng ngợp bởi những kiểu đầu vào tạo cảm giác mới. Và vì có quá nhiều thứ mới mẻ, nên đó là lúc bộ não của ta tạo kết nối nhanh và ráo riết hơn cả. Trải nghiệm trong những năm đầu đời mạnh mẽ một cách cực đoan trong việc định hình cách tổ chức bộ não của ta.
OPRAH: Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi học được từ nghiên cứu của anh là trẻ nhỏ cảm thụ nhiều hơn hẳn so với suy nghĩ của chúng ta. Càng trẻ, ta càng nhạy cảm với môi trường cảm xúc. Người ta cảm thấy có thể chửi bới trước mặt trẻ nhỏ, họ cho rằng họ có thể sử dụng bạo lực trước mặt các em. Tôi đã thực hiện hàng trăm chương trình, các bà mẹ cứ nói: “Đợi con tôi lớn hơn, tôi sẽ rời bỏ người cha bạo hành của nó”. Họ nghĩ con họ còn quá nhỏ nên chưa hiểu gì, trong khi thực ra là ngược lại.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy, ngược lại hoàn toàn. Ta càng nhỏ thì càng phụ thuộc vào người chăm sóc mình – cha mẹ hay những người lớn khác – để có thể diễn giải thế giới. Theo một khía cạnh nào đó, trẻ nhỏ trải nghiệm thế giới qua bộ lọc của những người lớn này.
Trẻ quá nhỏ có thể không thật sự hiểu hết ý nghĩa của các từ ngữ, nhưng chúng vẫn có thể cảm nhận được phần phi ngôn từ của quá trình giao tiếp, như tông giọng. Chúng có thể cảm nhận sự gay gắt và thù địch trong câu nói giận dữ, chúng cũng có thể nhận biết sự kiệt quệ và tuyệt vọng của những lời than vãn muộn phiền. Và vì bộ não phát triển rất nhanh trong những năm đầu đời, tạo ra vô vàn liên tưởng về cách thế giới vận hành, nên những trải nghiệm ban đầu tác động rất lớn tới trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Ví dụ, khi đứa trẻ có người cha thô bạo, não của chúng sẽ liên hệ người đàn ông với sự đe dọa, giận dữ và sợ hãi. Thế giới quan của trẻ sẽ được xây dựng với hình mẫu đàn ông là kẻ nguy hiểm, đáng sợ, họ sẽ đánh ta và những người ta yêu. Nếu cách nhìn này đã ăn sâu, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi trẻ gặp giáo viên hoặc huấn luyện viên nam, hãy tưởng tượng trẻ sẽ nhìn nhận một người đàn ông lành mạnh, không thô bạo nào đó mới xuất hiện trong cuộc đời của mẹ mình như thế nào.
OPRAH: Khi ta chưa phát triển từ ngữ hay khả năng nhận dạng những gì ta trông thấy hay cảm nhận, ta chỉ hành động dựa vào rung cảm. Mà rung cảm trong ngôi nhà mà trẻ sống thật tệ.
TIẾN SĨ PERRY: Cái rung cảm đó, như chị mô tả, tương đương với sắc thái cảm xúc của môi trường.
OPRAH: Đúng, tôi tin rằng môi trường nào cũng có sắc thái, có bầu không khí chung Một người lạ, khi bước vào một ngôi nhà bất kỳ, dù không một ai nói tiếng nào, cũng hoàn toàn có thể cảm nhận bầu không khí ở đấy, rằng người ta có được yêu thương hay không Cũng giống như ta thường cảm nhận được nếu có gì đó không ổn Tuy ta có thể không biết cụ thể là điều gì không ổn, nhưng ta cảm nhận được.
TIẾN SĨ PERRY: Tương tự vậy, ta có thể bước vào một trường mầm non và nói: “Chà, môi trường này thật tuyệt vời”. Ta có thể cảm nhận bầu không khí, tinh thần chung, sắc thái cảm xúc tại đó. Nhưng, cũng tại ngôi trường đó, ta bước sang một lớp khác và có thể cảm thấy bối rối: “Ôi, ở đây đang có chuyện gì vậy?”. Nó mạnh lắm. Có những phần trong bộ não ta rất rất nhạy cảm với các dấu hiệu phi ngôn ngữ. Nhưng với xã hội chúng ta, đó là một khía cạnh không được đánh giá cao trong cung cách hoạt động của con người. Xã hội chúng ta có xu hướng chuộng lời lẽ – ngôn ngữ viết và nói mới quan trọng. Nhưng phần lớn, việc giao tiếp diễn ra mà không cần bất kỳ ai cất lời.
OPRAH: Anh chỉ ra rằng, trải nghiệm sang chấn trong những năm đầu đời, tức từ lúc lọt lòng đến khi lên hai – trước khi phát triển được khả năng giải thích sự việc – có thể tác động tới não bộ sâu sắc hơn so với khi ta đã có từ ngữ để giải thích.
Tôi nghĩ tới những đứa trẻ bị lạm dụng khi còn rất nhỏ – khi các em chưa có đủ ngôn ngữ để xử lý và kể lại những chuyện đã xảy ra. Trải nghiệm ấy bị khóa chặt trong não. Việc ấy sẽ không xảy ra nếu các em có thể diễn đạt thành lời.
TIẾN SĨ PERRY: Điều chị đang nói đến ở đây là một dạng ký ức. Ta hãy trở lại với mô hình tam giác ngược tôi đã vẽ cho ông Roseman.
Mỗi hệ thống sinh học trong cơ thể đều có khả năng thay đổi để phản ứng lại với trải nghiệm; có thể hiểu những thay đổi đó là bản ghi lại những trải nghiệm trong quá khứ – ta có thể gọi chúng là ký ức. Tế bào thần kinh cực kỳ nhạy cảm với trải nghiệm, và mạng lưới tế bào thần kinh trong mọi phần của não đều có thể tạo ra ký ức. Việc ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại hay nơi để chìa khóa là chức năng của mạng lưới ở vỏ não. Nhưng ta còn có cả ký ức cảm xúc nữa: một bài hát có thể gợi lên cảm giác, liên tưởng tới một trải nghiệm đã xảy ra từ nhiều năm trước; mùi gà quay hay bánh mỳ mới nướng có thể gợi lên cảm giác ấm cúng thân thuộc hoặc cảm giác u sầu về quá khứ đã qua. Những cảm giác này nảy sinh từ những liên kết trong mạng lưới của Hệ viền hay các vùng khác của não. Những ký ức vận động – thăng bằng (liên quan đến hệ thống tiền đình) – cuộn tròn trong tư thế bào thai thực chất là một hành động ghi nhớ – thì được lưu giữ trong các mạng lưới thậm chí thấp hơn của bộ não. Nhưng trải nghiệm sang chấn có thể tạo ra dấu vết ký ức phức tạp liên quan tới tất cả các vùng của bộ não.
Như đã đề cập, bộ não phát triển tuần tự, từ dưới lên trên và từ trong ra ngoài, từ các chức năng cơ bản của thân não đến các thành tựu phức tạp của vỏ não. Mỗi vùng não đều có khả năng tạo ra ký ức cũng như có khả năng thay đổi để phản ứng với các trải nghiệm rồi lưu giữ những thay đổi đó trong mạng lưới thần kinh riêng của nó.
Ở trẻ nhỏ, vỏ não còn chưa phát triển hoàn thiện. Ở trẻ dưới ba tuổi, mạng lưới thần kinh chưa đủ trưởng thành để tạo ra thứ gọi là ký ức tường thuật tuyến tính (nói cách khác là ký ức về ai, cái gì, khi nào và ở đâu). Tuy nhiên, ở các vùng thấp hơn của não, các mạng lưới thần kinh khác vẫn xử lý những trải nghiệm quá khứ, và cũng chính vì những trải nghiệm quá khứ ấy, các mạng lưới thần kinh ấy vẫn thay đổi. Các liên kết, hoặc ký ức, vẫn được tạo ra trong các mạng lưới thấp hơn đó, và điều này tác động rất lớn đến cách sang chấn được lưu giữ trong não bộ của những đứa trẻ còn rất nhỏ.
Nếu trẻ bị ngược đãi, não bộ trẻ có thể liên kết các đặc điểm của kẻ ngược đãi hoặc hoàn cảnh khi việc ngược đãi xảy ra – màu tóc và tông giọng của kẻ ngược đãi, tiếng nhạc khi ấy – với cảm giác sợ hãi. Những liên hệ phức tạp và lẫn lộn có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ trong nhiều năm sau này, chẳng hạn, trẻ có thể rơi vào hoảng loạn ở nhà hàng khi được phục vụ bởi một nhân viên có màu tóc giống kẻ ngược đãi. Nhưng vì không có hồi ức nhận thức – ký ức tường thuật tuyến tính, cơn hoảng loạn sẽ thường đến một cách ngẫu nhiên, không liên hệ tới bất kỳ trải nghiệm nào từ trước.
Sang chấn tuổi thơ có thể tạo nên một tập hợp niềm tin và mô thức hành vi kéo dài cả đời. Một trong những tình huống nghiêm trọng nhất – bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ – có thể đầu độc và hủy hoại các mối quan hệ thân mật, ngay cả khi chúng ta không thực sự nhớ hoàn cảnh cụ thể của vụ cưỡng bức.
OPRAH: Hai trăm mười bảy buổi quay về vấn đề lạm dụng tình dục của The Oprah Winfrey Show đã cho tôi thấy một sợi chỉ xuyên suốt ở hầu hết nạn nhân, kể cả chính tôi. Tuổi thơ được dạy và đe nẹt rằng phải nghe lời đã khiến chúng ta không thoải mái với mọi hình thức của sự chống đối – chúng ta chưa bao giờ được dạy rằng ta có quyền từ chối, ta đã được dạy rằng mình không thể nói “Không”. Ta đã bị cướp mất cái cảm giác rằng ta xứng đáng được đặt ra giới hạn cho chính mình. Nhiều người đã phản ứng bằng cách chôn vùi cảm giác đó, nuốt xuống tiếng nói “Không” để trở thành kẻ chuyên chiều lòng người khác. Tôi là minh chứng của trường hợp đó. Trong nhiều năm, tôi đã đồng ý với những điều mà tôi biết mình thực ra không muốn, hoặc tránh né những cuộc trò chuyện khó khăn vì không chịu nổi cảm giác “sai sai” khi phải lên tiếng bảo vệ chính mình. Và tôi cũng biết có một số nạn nhân sang chấn vẫn thường ngấm ngầm “phá hỏng mọi việc” cho tới khi bị người khác từ chối – nghĩa là các mối quan hệ của họ chấm dứt, một tình bạn trở nên độc hại hoặc họ bị cho thôi việc. Đó là điều tôi hiểu khi anh nói về những người có xu hướng hủy hoại các mối quan hệ thân mật.
Nhưng những trải nghiệm cực đoan như ta đã bàn đến – lạm dụng tình dục, ngược đãi, chiến tranh – không phải là những loại trải nghiệm duy nhất có thể gây sang chấn. Khái niệm “sang chấn” thực ra có thể liên quan đến cho một phổ rất rộng những sự việc có thể xảy ra trong cuộc sống.
Về việc này, với tôi, không có ví dụ nào tốt hơn câu chuyện của Kris và Daisy; họ là khách mời trong tập nói về những đứa trẻ phải trải qua cảnh bố mẹ ly hôn. Sự việc xảy ra khi Kris mới bảy tuổi, Daisy thì mười một. Hai đứa trẻ phải chịu đựng sang chấn không chỉ từ việc bố mẹ ly hôn mà còn bởi việc suốt nhiều năm không có liên hệ gì với mẹ. Chưa từng được gặp lại mẹ kể từ khi lên bốn, cậu bé Kris có một ước mong đau lòng. Cậu bé tin rằng nếu có thể mua nhẫn cho mẹ bằng số tiền dành dụm được, mẹ sẽ trở về với cậu. Câu chuyện ấy thật sự đã xé ruột xé gan tôi.
Mặt khác, tổn thương của Daisy bộc lộ thành cơn giận. “Có chồng rồi thì không được có bạn trai”, cô bé nói với tôi, ám chỉ mẹ mình. Người phụ nữ vốn phải là người thầy đầu tiên và vĩ đại nhất, người sẽ yêu Daisy vô điều kiện, đã biến mất khỏi cuộc đời cô bé. Daisy coi việc đó là “không thể chịu nổi”.
Trong chương trình, vị Rabbi(*) kiêm chuyên gia trị liệu gia đình M. Gary Neuman đã nói với tôi rằng: đối với hầu hết trẻ nhỏ, việc cha mẹ ly hôn thực sự giống như cái chết. Ông giải thích rằng trẻ nhỏ không nhìn nhận cha mẹ mình là những con người riêng biệt. Chúng thấy “một đơn vị phụ huynh” trong “một đơn vị gia đình”. Thành ra, ngay cả khi ly hôn là điều tốt nhất cho cả gia đình vào thời điểm đó thì trẻ vẫn cảm thấy như bị xé thành từng mảnh. Nếu một người không còn ở đó hoặc đột nhiên bước vào mối quan hệ mới trước khi trẻ kịp hình thành sự tin cậy, những vùng não liên quan đến việc xây dựng giá trị bản thân sẽ bị tác động một cách đáng kể. Ý thức về bản thân là thứ ảnh hưởng đến mọi mối quan hệ và mọi quyết định ta đưa ra trong đời; và khi trẻ cảm thấy không được tôn trọng bởi các quyết định của cha mẹ, niềm tin của chúng về giá trị bản thân sẽ sụp đổ.
Kris và Daisy là những đứa trẻ đầu tiên nói cho tôi biết: việc cha mẹ chia tay có thể gây ra sang chấn. Một số người tin rằng trẻ càng nhỏ càng dễ tiếp nhận mối quan hệ mới, song câu chuyện của Kris và Daisy đã khẳng định với tôi sự thật không hề như vậy.
Tôi biết nghiên cứu của anh cũng có ý tương tự. Nhờ anh giải thích từ góc độ thần kinh học điều sẽ xảy ra với não bộ của trẻ trong hoàn cảnh này.
(*) Rabbi: Tiếng Hebrew, có nghĩa là “thầy của tôi”. Trong cộng đồng Do Thái, Rabbi không chỉ được xem như một lãnh đạo tinh thần mà còn là cố vấn và nhà giáo dục.
TIẾN SĨ PERRY: Khi một mối quan hệ mới xuất hiện, có hai điều sẽ xảy ra. Thứ nhất, đứa trẻ, gồm cả trẻ sơ sinh, bắt đầu thầm hỏi: “Người kia là ai, và chuyện này là sao?”. Thứ hai, chúng cảm thấy sự chú ý của cha mẹ dành cho mình đã bị chuyển sang cho người khác. Đến đây thôi ta cũng đã có thể thấy có chút bất ổn tiềm tàng rồi, ngay cả khi không có chút thù địch, hung bạo hay cưỡng ép nào đi nữa.
OPRAH: Nghĩa là ngay cả khi các mối quan hệ đều tương đối lành mạnh.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy. Kể cả khi người mới thực sự đáng mến, đáng kính thì trẻ cũng phải mất khá nhiều thời gian mới hiểu được sự thay đổi và trở lại trạng thái bình tĩnh, điều hòa. Như ta sẽ nói đến ở phần sau, mọi thứ mới mẻ đều kích hoạt hệ thống ứng phó với căng thẳng. Phản ứng mặc định của ta trước cái mới lạ là: “Trời ơi, cái gì đây?”. Cái mới luôn bị xem như mối đe dọa tiềm tàng, chỉ cho đến trước khi ta chứng thực được những điều mới lạ ấy là an toàn và tích cực. Đối với hầu hết mọi người, cái chưa biết là một trong những nguyên do chính gây nên cảm giác lo âu và choáng ngợp.
Tất nhiên là sẽ tệ hơn nếu mối quan hệ mới nảy sinh xung đột. Giả sử đứa trẻ bị bạn trai của mẹ quát mắng, trải nghiệm này được xử lý và lưu giữ trong vỏ não ở dạng ký ức tường thuật – ai, cái gì, khi nào, ở đâu: “Hôm thứ Hai, ông ấy đến nhà và quát mình”. Không chỉ thế, chuyện này còn được lưu giữ sâu hơn trong não. Việc quát mắng kích hoạt phản ứng căng thẳng của trẻ, các hệ thống điều tiết then chốt do phần não bên dưới điều khiển sẽ đẩy nhanh nhịp tim, làm căng cơ bắp và gửi tín hiệu cho cơ thể, đưa cơ thể vào cơ chế chiến hay biến. Nỗi sợ ngắt mạch suy nghĩ và khuếch đại cảm giác, đứa trẻ khiếp sợ. Và đồng thời, khi não bộ đang cố gắng diễn giải và kết nối toàn bộ trải nghiệm này, chúng cũng hình thành một ký ức sang chấn.
Về sau, khi đứa trẻ đối mặt với một kích thích hoặc dấu hiệu gợi cho bộ não nhớ tới trải nghiệm sang chấn kia, tim trẻ sẽ đập nhanh, tư thế của trẻ sẽ thay đổi, hormone trong cơ thể trẻ cũng thay đổi. Tựu trung, hệ thống điều tiết then chốt của cơ thể có thể vì các trải nghiệm sang chấn mà thay đổi. Một đứa trẻ phải đối mặt với căng thẳng cực độ hoặc không lường trước sẽ gặp phải vấn đề mà chúng ta gọi là chứng rối loạn điều hòa cảm xúc.
OPRAH: Và việc sống trong một môi trường không lành mạnh sẽ khiến cho các em phải tiếp tục sống với chứng rối loạn này.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng thế. Chẳng hạn, khi phải thấy cảnh ngược đãi bằng ngôn từ, lạm dụng cảm xúc hay thể chất lặp đi lặp lại ở cha mẹ, hoặc trực tiếp bị ngược đãi bởi tình nhân của cha hoặc mẹ mình, não bộ của trẻ sẽ kết nối tất cả các đặc điểm của kẻ ngược đãi với mối đe dọa. Những kết nối đó có thể ảnh hưởng đến cách trẻ trải nghiệm và diễn giải các mối quan hệ sau này khi lớn lên.
OPRAH: Và điều đó hình thành cái mà anh gọi là “danh mục cá nhân” – hoặc bảng mã định hình lăng kính nhận thức thế giới của ta.
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác. Những kết nối đầu đời mạnh mẽ và có sức lan tỏa một cách dị thường. Lần nọ, tôi làm cố vấn cho một trung tâm điều trị nội trú, nơi có chừng 100 cậu bé khoảng từ 7 đến 17 tuổi. Tất cả chúng đều là “con nhà nước” – những đứa trẻ được nhà nước giám hộ sau khi “được” tách khỏi gia đình bởi vì bị ngược đãi hoặc bỏ bê. Sau khi chật vật ở trung tâm nuôi dưỡng, những cậu bé ấy được đưa vào chương trình nội trú này, sống trong một cơ sở ký túc xá và hầu hết học tại trường ngay trong cơ sở.
Trong số các cậu bé tôi làm việc cùng, có một em tên là Samuel, 14 tuổi. Cả năm anh em đều bị bỏ mặc, Samuel đã phải chăm sóc và bảo vệ các em khỏi người cha say xỉn – cậu bé đã phải hứng chịu những cơn bạo lực bột phát dữ dội từ cha mình. Năm cậu bé lên 7, Cơ quan Bảo vệ Trẻ em (CPS) đã tách cậu cùng bốn bé nhỏ hơn ra khỏi gia đình. Sam được đưa vào một nhà nuôi dưỡng, những em nhỏ hơn được đưa vào một nhà nuôi dưỡng khác, và chuyện đó khiến Sam nổi điên – cậu bé liên tục trốn khỏi trung tâm để tìm các em. Sam bị chuyển tận 12 trung tâm và 12 ngôi trường trước khi được đưa vào cơ sở nội trú ở tuổi 11.
Tại đó, một trong những việc đầu tiên chúng tôi làm là để cậu bé kết nối lại với các em mình, chúng tôi sắp xếp các cuộc gọi hàng tuần và các chuyến thăm hàng tháng. Biết các em đã an toàn và được yêu thương, cậu bé mới yên lòng. Chỉ đến lúc ấy thì quá trình điều trị mới có thể thực sự bắt đầu.
Trong ba năm tiếp theo, Sam tiến bộ trông thấy; các kỹ năng xã hội của cậu được cải thiện, cậu đã kiểm soát bản thân tốt hơn khi nóng giận hay thất vọng, và cậu cũng tràn đầy hy vọng và tập trung hơn vào tương lai. Những hỗn loạn trong cuộc sống đã khiến Sam học chậm ba lớp so với bạn bè đồng lứa, song cậu đã bắt kịp các bạn và được chuyển sang lớp mới.
Giáo viên mới của Sam là một người năng nổ, dễ mến, dày dạn kinh nghiệm, và là đàn ông. Trong tuần đầu tiên ở lớp mới, Sam “bùng nổ” đến ba lần – hai trong số đó nhắm vào thầy giáo, hung hăng và bạo lực đến mức họ đã phải trấn áp thể chất em.
Về phía chương trình, đây là một cách can thiệp cực đoan; song ở phía Sam, đây cũng là hành vi hết sức bất thường. Không may rằng những cơn “bùng nổ” như thế vẫn cứ tiếp diễn. Mọi người hoang mang và nản lòng. Còn Sam thì ủ rũ và xấu hổ.
Tôi đã dự giờ để quan sát sự việc, cả thầy giáo và tôi đều không thấy bất kỳ yếu tố kích thích rõ ràng nào. Tôi không nhận thấy hành vi không phù hợp hay có khả năng khiêu khích từ thầy. Tuy vậy, Sam rõ ràng vẫn bị kích động bất cứ khi nào thầy giáo nói chuyện hoặc cố giúp cậu làm bài. Khoảng cách là yếu tố kích thích duy nhất mà tôi nhận thấy – thầy càng đến gần, Sam càng kích động. Dần dà, thầy giáo bắt đầu tránh tương tác – không tiếp xúc bằng mắt, không khích lệ bằng lời nói, không cười. Thầy tránh Sam cả về mặt cảm xúc lẫn thể lý. Tôi có thể thấy rõ là cả hai người cùng không thích nhau.
Một ngày nọ, khi tôi nói chuyện với Sam về việc này, lời giải thích duy nhất của cậu bé là: “Ông ấy ghét cháu. Cháu chẳng làm được việc gì vừa mắt cả”. Buổi điều trị bị cắt ngang vì một nhân viên nhắc Sam rằng sắp đến lúc gặp bố rồi. Các cuộc gặp như vậy đều phải có người giám sát, mà người giám sát lần này lại chưa đến nên tôi tình nguyện đi cùng em. Đến phòng gặp, tôi ngồi đợi ở một góc, còn Sam thì ngồi ở bàn, tay xếp các quân cờ đam, chờ đợi. Bố cậu bé đến muộn, như thường lệ. Cuối cùng, cánh cửa mở ra và người bố bước vào, ngồi đối diện với Sam. Hai bố con chào hỏi vài câu gượng gạo rồi bắt đầu chơi cờ. Suốt 10 phút tiếp theo họ chắc chỉ nói với nhau khoảng mươi từ. Không ai nhìn ai. Sự căng thẳng như thể sờ thấy được.
Tâm trí tôi trôi đi. Tôi nghĩ đến bố mình, đến những chuyến câu cá tít ở Canada, phía bắc Flin Flon. Bố đánh thức tôi khỏi giấc ngủ say vào lúc 5 giờ sáng để đi bắt cá rô. Bố khoác lên người chiếc áo săn flannel kẻ ca rô đỏ đậm mùi – cái mùi đặc biệt trộn lẫn mùi xì gà, mồ hôi và sáp Old Spice. Cái mùi thật ấm áp và an lòng. Tôi như chìm vào cảm giác an toàn và yêu thương tràn ngập. Khi tôi thoát khỏi giấc mơ ấy, mùi Old Spice như vẫn còn lẩn quất. Hay là thật thế? Tôi bước đến bàn cờ, cúi xuống giữa Sam và bố cậu: “Ván cờ sao rồi?”.
Người bố nói: “Nó đang thắng”. Tôi ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở ông, và ở đó có lẫn mùi Old Spice được dùng để át đi mùi cồn. Ông ta lẽ ra phải tỉnh táo để đến gặp cậu bé.
Sau chuyến thăm ấy, tôi tìm gặp thầy giáo. Thầy đang ở trong lớp, chuẩn bị cho buổi dạy hôm sau. “Tôi hỏi điều này có hơi kỳ cục”, tôi nói, “nhưng anh dùng sáp khử mùi nào vậy?”.
“Old Spice. Có gì không bác sĩ?”.
Tôi lấy giấy bút, vẽ mô hình não bộ, rồi nói về ký ức, những kết nối và những yếu tố kích thích trong vài phút. Tôi cho rằng mùi Old Spice là thứ kích động Sam (giống như tiếng pô xe đã kích động ông Roseman). Và thầy giáo đã đồng ý, thầy đồng ý đổi sang dùng loại sáp không mùi.
Chiều hôm đó, tôi bảo Sam ngồi lại với mình và giải thích những gì tôi nghĩ đã khiến cậu khó chịu và tức giận với thầy giáo. Tôi vẽ cho Sam hình tam giác ngược tương tự và nói chuyện về cách bộ não tìm hiểu thế giới thông qua việc kết nối các hình ảnh, âm thanh và mùi vị đi kèm. Cậu bé gật đầu, vỡ lẽ, rồi cho tôi những ví dụ khác mà cậu biết đã kích động mình: khi có người quát tháo, cậu chỉ muốn chạy trốn; khi có kẻ lớn bắt nạt nhỏ, cậu muốn tấn công, muốn đứng lên bảo vệ. Tôi hỏi Sam liệu em có sẵn lòng ngồi lại với thầy giáo để xem liệu cả hai có thể làm mới mối quan hệ của họ không.
Cả Sam lẫn thầy giáo đều đồng ý. Hơn một năm sau, quan hệ của họ đã trở nên bền chặt và Sam đã trở thành một học sinh gương mẫu.
Câu chuyện của Sam giải thích cho chúng ta rất nhiều về cách bộ não lưu giữ ký ức. Cả Sam và tôi đều có những trải nghiệm đầu đời, bộ não chúng tôi đều đã tạo ra ký ức liên quan tới mùi hương Old Spice. Mạng lưới kết nối của tôi gợi lên các cảm giác tích cực, nhưng của cậu bé thì khơi dậy cảnh tượng hiểm họa và nỗi sợ khôn cùng. Khi ta bước vào đời, vô số âm thanh, mùi vị và hình ảnh có thể chạm vào những ký ức đã được tạo ra từ trước. Những ký ức ấy có thể là hồi ức đầy đủ về một sự kiện đặc biệt hoặc cũng có thể là các mẩu vụn – một cảm nhận, một cảm giác déjà vu, một ấn tượng.
Khi gặp ai đó, ta hình thành ấn tượng ban đầu về họ (“Anh ấy có vẻ là người tốt”) dù ta thường chẳng có thông tin rõ ràng nào có thể xem là căn cứ. Đó là vì những đặc điểm của người này gợi lên trong ta thứ mà ta cho là thân quen và tích cực. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra (“Gã đó đúng kiểu cà chớn”) nếu một vài đặc điểm vô tình liên quan đến trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.
Từ gia đình, cộng đồng và văn hóa, cùng cả những gì truyền thông bày ra, bộ não của chúng ta tạo nên một danh mục rất nhiều thông tin đầu vào. Khi não bộ liên kết và diễn giải những thông tin đã được lưu giữ, thế giới quan của chúng ta sẽ bắt đầu hình thành. Nếu ta gặp người có đặc điểm không giống những gì đã liệt kê, phản ứng mặc định của ta là dè chừng, thủ thế. Trái lại, nếu bộ não chúng ta có đầy những “tài liệu tham khảo” dựa trên thành kiến do truyền thông nhồi nhét về kiểu thân hình lý tưởng, định kiến chủng tộc hoặc văn hóa chẳng hạn, ta sẽ thể hiện những định kiến ngấm ngầm (và có lẽ cả công khai nữa).
Có quá nhiều điều trong cuộc sống thường nhật liên quan trực tiếp đến quá trình não bộ tìm hiểu về thế giới. Đó là lý do vì sao câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ?” lại quan trọng đến thế trong việc hiểu được chuyện gì đang diễn ra với ta ngay lúc này.