Chương 2Tìm kiếm sự cân bằng
Bạn nghĩ về trái tim mình nhiều đến mức nào?
Ngay từ trước khi ta chào đời, cỗ máy thần kỳ ấy đã cần mẫn, đều đặn bơm năng lượng sống đi khắp cơ thể. Ngày này qua ngày khác, mỗi ngày, trái tim đập ít nhất 115 .000 nhịp với mục đích duy nhất là giữ cho ta được sống.
Nhưng ngoài nhiệm vụ thể lý – bơm chuyển dưỡng chất thiết yếu đến từng tế bào, mô và cơ quan – nhịp tim của ta còn có khả năng điều hòa cảm xúc. Nhịp tim khỏe và đều mang đến cho chúng ta cảm giác bình tĩnh. Nhịp tim nhanh, ngắn, ngắt quãng có thể gây nên cảm giác hoảng sợ cho cả những người khỏe mạnh nhất.
Những năm gần bước sang tuổi 50, tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi trong trái tim của mình – tim tôi đập nhanh hơn. Tôi lập tức nghĩ đến tình huống xấu nhất. Một đêm nọ, tôi thức giấc bởi tim mình đập quá dồn dập. Lần đầu tiên trong đời tôi tưởng như mình sắp chết.
Phải mất sáu tháng sau tôi mới hiểu chuyện gì đã thật sự xảy ra. Bên ngoài phòng thu The Oprah Winfrey Show có một cuốn sách, và cuốn sách ấy cho biết: nhịp tim nhanh có thể là một phần của thời kỳ mãn kinh. Bác sĩ của tôi đã xác nhận điều đó và rằng cơ thể tôi đang trải qua những thay đổi thời mãn kinh, và bạn không tưởng tượng được tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào đâu. Nhẹ nhõm và kính phục. Với tôi, thông điệp từ trái tim là một trong những kết nối mạnh mẽ nhất tôi có với cơ thể sinh học độc nhất của mình. Chúng là bằng chứng cho niềm tin của tôi, rằng cơ thể tôi luôn lên tiếng.
Điều này cũng đúng cả với bạn. Suốt từ lúc lọt lòng, trái tim đã liên tục gửi thông điệp về tình trạng sức khỏe. Nó gắn bó mật thiết với từng thay đổi nhỏ nhất trong sức khỏe thể chất và cảm xúc của ta, và khi nó gửi đi cảnh báo, mọi bộ phận cơ thể ta đều có thể cảm nhận.
Kể từ chuyện đó, tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc hệ thống báo động bên trong của mình – cái hệ thống luôn cảnh giác và cảnh báo khi có điều không ổn. Vào những lúc căng thẳng, sự thay đổi trong nhịp điệu trái tim quả là một món quà vô giá.
Nhưng, tôi đã biết được từ Tiến sĩ Perry rằng, việc liên tục ở trong trạng thái cảnh giác cao độ có thể tàn phá sức khỏe thể chất và cảm xúc tổng thể của chúng ta. Mối tương quan giữa căng thẳng kéo dài với các các chứng lo âu, trầm cảm, đột quỵ, bệnh tim và tiểu đường là hoàn toàn có thật.
Hai mươi tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi phải đối mặt với việc nghiêm túc điều chỉnh trạng thái căng thẳng của mình. Công việc của tôi là phóng viên, và tôi đã phải làm việc cả trăm giờ mỗi tuần. Tôi muốn trở thành một phóng viên giỏi, một thành viên tốt của nhóm, nhưng tôi càng ngày càng cảm thấy lạc lõng. Như đã giải thích, những sự kiện đau thương thời thơ ấu của tôi – một gia đình không “bám rễ”, rày đây mai đó; bị lạm dụng tình dục; bị đánh đập thường xuyên – đã khiến tôi trở thành kẻ luôn cố gắng chiều lòng mọi người, kể cả khi việc đó khiến tôi hoàn toàn cạn kiệt năng lượng. Và thế là, khi cảm nhận những dấu hiệu căng thẳng mà cơ thể gửi đến, tôi chọn phớt lờ, tôi chọn cách tự vỗ về bản thân bằng loại chất gây nghiện dễ tìm nhất: thức ăn. Cuộc sống của tôi càng lạc nhịp, tôi càng tìm cách dập tắt các tín hiệu.
Tôi đã dần khôn ngoan hơn, để biết rằng tôi đang “phụ bạc” chính mình. Tôi biết tôi chỉ có một lượng năng lượng nhất định, và nó cần được bảo toàn và phục hồi. Tôi phải mất tận mấy thập kỷ mới hiểu được cách làm sao để sống theo nhịp điệu của riêng mình.
Giờ đây, mỗi khi nhen nhóm cảm giác quá tải hay choáng ngợp, tôi sẽ lùi lại. Tôi học cách nói không. Khi ở gần người có khả năng khiến tôi kiệt sức, tôi dựng ngay rào chắn – một bức tường vô hình giữ năng lượng tiêu cực của người đó tránh xa.
Tôi còn tạo cho mình một không gian thiêng liêng, xem Chủ Nhật là khoảng thời gian tái tạo, để tôi có thể ngồi lại với bản thân, đơn giản là chính mình. Khi khoảng thời gian đó bị xen ngang hoặc khi trạng thái yên bình của tôi bị xâm phạm, tôi sẽ rất dễ cáu kỉnh, lo âu và buồn bực về việc ra quyết định – và đó không còn là con người mà tôi muốn trở thành. Cách nhanh nhất để tôi có thể trở lại với nhịp điệu của riêng mình là đi dạo ngoài thiên nhiên, chỉ tập trung vào hơi thở, nhịp tim, sự tĩnh lặng của một cái cây hay sự phức tạp trong cấu trúc của chiếc lá. Đó là việc có thể giúp tôi hòa vào sự toàn vẹn của vạn vật.
Âm nhạc, cười đùa, nhảy nhót (kể cả bữa tiệc chỉ có một người), đan lát, nấu nướng – những điều có khả năng vỗ về một cách tự nhiên ấy sẽ không chỉ giúp ta điều hòa nhịp tim và sắp xếp lại mớ hỗn độn trong tâm trí mà còn có thể giúp ta mở lòng với những điều tốt đẹp ở mình và ở thế gian.
–Oprah
OPRAH: Tôi nhớ lần đi cùng anh trong khuôn viên OWLAG, anh đã làm việc với các học sinh ở đó hơn 10 năm. Khi nhìn các cô bé nhảy múa, ca hát và cười đùa với nhau, anh đã nói đại khái rằng: “Những việc ấy sẽ giúp các em học hỏi”. Và rồi ta trò chuyện với nhau về vì sao nhịp điệu lại rất quan trọng.
TIẾN SĨ PERRY: Nhịp điệu là điều thiết yếu tạo nên một cơ thể khỏe mạnh và một trí óc minh mẫn. Mỗi người trên thế giới này đều có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ về một thứ gì đó có tính nhịp nhàng: đi dạo, đi bơi, âm nhạc, nhảy múa, tiếng sóng vỗ bờ,...
OPRAH: Đó là vì sao ta đung đưa trẻ sơ sinh khi chúng khóc. Ta giúp chúng tìm lại nhịp điệu để chúng có thể bình tâm.
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác, và việc đó cũng giúp cả chính ta bình tâm. Cảm xúc rất dễ lây lan. Con trẻ khóc lóc có thể khiến ta buồn rầu, cáu bẳn. Vì thế nên ta đến chỗ bé, bế bé và bước đi. Ta bắt đầu bằng nhịp điệu có thể vỗ về ta, nếu không giúp bé cảm thấy thoải mái hơn, ta sẽ từ từ đổi sang nhịp điệu phù hợp với bé. Phản ứng của bé sẽ định hình cung cách vỗ về và nhịp điệu mà ta sẽ sử dụng.
Khi lớn lên, ta tự khám phá những nhịp điệu và những hoạt động điều hòa cho riêng mình. Đối với một số người thì đó là đi bộ. Đối với số khác lại là khâu vá hay đạp xe. Mỗi người chúng ta sẽ có những lựa chọn ưa thích riêng khi cảm thấy lạc nhịp, lo lắng hay nản lòng. Cái mà chúng ta đều có là nhịp điệu. Nhịp điệu là thứ điều hòa chúng ta.
OPRAH: Mọi người dùng từ mạnh khỏe để nói về sức khỏe tổng thể hoặc sự cân bằng trong tâm trí, cơ thể, tinh thần. Nhưng anh lại dùng từ được điều hòa . Xin hãy giải thích thêm về điều này.
TIẾN SĨ PERRY: Điều hòa có nghĩa là đưa mọi thứ về trạng thái cân bằng. Mỗi người chúng ta sở hữu các hệ thống khác nhau có nhiệm vụ liên tục theo dõi cơ thể và thế giới bên ngoài để đảm bảo rằng ta an toàn và ở trạng thái cân bằng – rằng ta có đủ thức ăn, nước uống, oxy,... Khi ta được điều hòa, các hệ thống ấy có được những thứ chúng cần.
Căng thẳng sẽ đến khi một nhu cầu hoặc thách thức khiến ta lệch ra khỏi các điểm điều hòa của bản thân. Khi lệch khỏi sự cân bằng ấy, ta bị mất kiểm soát, cảm thấy khó chịu hoặc buồn bực. Khi trở lại trạng thái cân bằng, ta sẽ cảm thấy tốt hơn. Việc hết buồn bực – cân bằng trở lại – sẽ kích hoạt mạng lưới tưởng thưởng của não bộ. Ta sẽ cảm thấy dễ chịu khi trở lại trạng thái cân bằng – từ lạnh sang ấm, khát sang hết khát, từ đói sang no.
OPRAH: Và điều hòa không chỉ là một khái niệm sinh học. Trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, ta cũng đều cố gắng tìm kiếm thứ mình cần để được ổn định, cân bằng và điều hòa.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng. Cân bằng là cốt lõi của sức khỏe. Ta cảm nhận và hoạt động tốt nhất khi các hệ thống trong cơ thể được cân bằng, đồng thời khi ở trạng thái cân bằng trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình, cộng đồng và tự nhiên.
OPRAH: Các bậc cha mẹ thực sự cần phải hiểu rõ điều anh vừa nói, việc học cách tự điều hòa lành mạnh thực sự bắt đầu từ thời thơ ấu. Trẻ khóc có nghĩa là chúng đang đói, khát, cảm thấy mệt, hoặc cần được thay tã hay cần được ôm ấp, vỗ về. Trẻ không thể tự ăn hay thay tã, nên khóc là cách chúng đưa mình trở lại trạng thái cân bằng – nhờ người chăm sóc làm những việc cần làm để chúng có được trạng thái ấy. Vấn đề là, khi người chăm sóc không đáp ứng những điều đó, thay vì trở lại cân bằng – được điều hòa – đứa trẻ sẽ càng thêm khó chịu.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng. Nếu tôi đói, tôi có thể đứng lên và làm ngay cho mình một ổ bánh mì – tôi đang tự điều hòa chính mình. Nhưng như chị nói, trẻ sơ sinh phải nhờ người lớn làm giúp. Người lớn chăm sóc, cung cấp sự điều hòa từ bên ngoài. Theo thời gian, những người lớn này sẽ giúp não bộ của trẻ bắt đầu phát triển khả năng tự điều hòa. Và như ta đã nhắc tới, một trong những công cụ mạnh mẽ nhất có thể điều hòa một đứa trẻ đang cảm thấy khó chịu là nhịp điệu.
TIẾN SĨ PERRY: Cả cuộc sống này đều liên quan đến nhịp điệu. Nhịp điệu của thế giới tự nhiên gắn liền với nhịp điệu của các hệ thống sinh học trong mỗi người. Điều này đã bắt đầu ngay từ khi chúng ta vẫn còn là một bào thai, khi nhịp tim của người mẹ tạo ra những âm thanh, áp lực và rung động nhịp nhàng, cung cấp thông tin đầu vào về nhịp điệu cho bộ não nhỏ bé đang được hình thành. Trải nghiệm này tạo nên các liên kết và ký ức mạnh mẽ, kết nối nhịp điệu của khoảng 60 đến 80 nhịp đập trong một phút (bpm) với sự điều hòa. 60-80bpm là nhịp đập trung bình của trái tim người trưởng thành khi nghỉ ngơi, đó là nhịp điệu mà thai nhi cảm nhận được và ứng với trạng thái cân bằng, ấm áp, no đủ, an toàn. Và khi ta đã được sinh ra, nhịp điệu ở tần số này có thể xoa dịu và vỗ về ta, đồng thời, việc mất nhịp hay các đầu vào cảm giác có cường độ mạnh, biến đổi và khó đoán sẽ được liên hệ với mối đe dọa.
Khi ta đung đưa một đứa trẻ đang quấy khóc, chuyển động nhịp nhàng ấy sẽ kích hoạt ký ức về sự an toàn. Đứa trẻ sẽ cảm thấy cân bằng và bình tĩnh lại.
Hơn nữa, bằng việc đung đưa trẻ trong khi cho ăn, ủ ấm và yêu thương, người chăm sóc càng củng cố thêm mạng lưới kết nối ban đầu giữa nhịp điệu với sự điều hòa. Những tương tác yêu thương đó, kết hợp với những tương tác giữa người với người, giúp mở rộng “ký ức điều hòa” phức tạp của trẻ. Mùi hương, cái chạm, nụ cười và giọng nói của người chăm sóc cũng được kết nối với sự điều hòa, sự an toàn. Gốc rễ của sức khỏe là nhịp điệu và sự điều hòa. Khi ta kết hợp việc chăm sóc ân cần, đáp ứng và nuôi dưỡng, phần rễ và phần thân của Cây Điều Hòa trong bộ não của chúng ta sẽ dần được hình thành, tổ chức và sắp xếp (xem Hình 2).
OPRAH: Vậy là khi ta được lớn lên trong môi trường đầy yêu thương, được nuôi dưỡng, hỗ trợ, chăm sóc, được đáp ứng nhu cầu khi khóc, ta sẽ được điều hòa. Khi ta lớn lên với sự chăm chút yêu thương như thế, Cây Điều Hòa cũng lớn lên, và những mạng lưới này của não bộ cho phép ta điều hòa bản thân và kết nối với mọi người trong những mối quan hệ lành mạnh.
TIẾN SĨ PERRY: Chính xác. Và nó rất quan trọng, nó xứng đáng được quan tâm và xem xét kỹ càng hơn. Trước hết, như đã nói, ta có các mạng lưới thần kinh quan trọng tham gia vào việc điều hòa – gồm cả hệ thống ứng phó với căng thẳng. Thứ hai, ta có các mạng lưới thần kinh tham gia vào việc hình thành và duy trì những mối quan hệ. Cuối cùng, ta có mạng lưới thần kinh tham gia vào việc tưởng thưởng, có nghĩa là, khi được kích hoạt, mạng lưới ấy đem lại cho chúng ta sự dễ chịu. Khi ba mạng lưới này kết nối với nhau, chúng tạo cho ta những ký ức nền tảng, sơ bộ nhất – đó là lý do ta cảm thấy được điều hòa và được tưởng thưởng khi nhận được các tín hiệu ấm áp hay thể hiện sự chấp nhận từ người khác. Khả năng kết nối, điều hòa và được điều hòa, tưởng thưởng và được tưởng thưởng là chất keo gắn kết các gia đình và cộng đồng với nhau.
OPRAH: Điều hòa, mối quan hệ và tưởng thưởng.
Hình 2
CÂY ĐIỀU HÒA
Ghi chú: HPA= Trục hạ đổi - tuyến yên - thượng thận; ANS= Hệ thần kinh thực vật; CRN= Mạng điều tiết cốt lõi
Cây Điều Hòa gồm một tập hợp các mạng lưới thần kinh mà cơ thể ta dùng để xử lý và phản ứng lại với căng thẳng. Ta có xu hướng dùng từ stress – căng thẳng theo nghĩa tiêu cực, nhưng căng thẳng chẳng qua chỉ nhu cầu cần được đáp ứng của một hoặc nhiều hệ thống sinh lý của cơ thể mà thôi. Đói, khát, lạnh, việc tập luyện, thăng tiến trong công việc,.. tất cả đều là những yếu tố gây căng thẳng. Căng thẳng là một phần thiết yếu và tích cực của quá trình phát triển bình thường. Nó là yếu tố then chốt để ta học hỏi, làm chủ các kỹ năng mới và xây dựng phẩm chất kiên cường. Yếu tố then chốt trong việc xác định xem căng thẳng mang tính tích cực hay phá hoại là kiểu hình căng thẳng.
Ta có một tập hợp các mạng điều tiết cốt lõi (CRN), hay hệ thống thần kinh, xuất phát từ các phần bên dưới của bộ não và tỏa ra toàn não, phối hợp với nhau để giữ cho ta được điều hòa trước những tác nhân gây căng thẳng.
Cùng nhau, các nhánh của Cây Điều Hòa định hướng hoặc ảnh hưởng đến tất cả các chức năng của não (như suy nghĩ và cảm nhận) và cơ thể (tác động đến tim, dạ dày, phổi, tụy,..). Chúng cố gắng giữ mọi thứ ở trạng thái cân bằng, điều hòa, thăng bằng.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng. Khi người lớn chú tâm và đáp ứng đứa trẻ đang khóc, có hai quá trình rất quan trọng sẽ xảy ra. Đứa trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn – ngoài ra, trẻ sẽ được trải nghiệm hình ảnh, mùi hương, cái chạm, âm thanh và chuyển động của tương tác giữa người với người. Cảm giác yêu thương lan tỏa từ việc được người lớn chăm sóc sẽ được gắn với sự hài lòng. Trong hàng nghìn khoảnh khắc khi người chăm sóc đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ, bộ não sẽ kết nối mối quan hệ của đứa trẻ cùng người đó với sự tưởng thưởng và điều hòa. Vì vậy, khi ta chú ý, hòa hợp và đáp ứng trẻ là ta thực sự đang bện chặt ba mạng lưới kết nối mạnh mẽ này – ta đang tạo nên một bộ rễ khỏe mạnh cho Cây Điều Hòa đấy.
Hơn nữa, như chúng ta đã nói, những trải nghiệm gắn bó sẽ tạo nên thế giới quan của trẻ sơ sinh về con người. Người chăm sóc kiên nhẫn nuôi dưỡng sẽ giúp trẻ hình thành quan điểm rằng mọi người đều an toàn, quan tâm đến trẻ và có thể dự đoán được.
OPRAH: Những người đến và điều hòa tôi thì không phải là người xấu. Khi tôi cần điều gì, tôi sẽ được đáp ứng điều đó. Mọi người đều an toàn và ủng hộ tôi.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng, và đó là một thế giới quan vừa tuyệt vời vừa mạnh mẽ. Ta học được rằng việc kết nối với người khác có thể giúp ta có cảm giác được tưởng thưởng và được điều hòa. Nó khuyến khích ta gắn bó với thầy cô giáo, huấn luyện viên, bạn cùng lớp. Nó đưa đến ngày càng nhiều thêm những tương tác tích cực giữa người với người, bổ sung vào danh mục trải nghiệm bên trong. Bộ não là một cỗ máy tạo ý nghĩa, luôn cố diễn giải và thấu hiểu thế giới. Nếu ta nhìn thế giới với góc nhìn “mọi người đều là người tốt” thì ta sẽ thường dự đoán và thấy được những điều tốt đẹp từ mọi người. Ta thể hiện kỳ vọng ấy trong tương tác với họ, và vì vậy ta thực sự khơi gợi điều tốt đẹp từ họ. Cái nhìn từ bên trong ta về thế giới trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm – ta thể hiện ra điều mình mong đợi và điều đó giúp điều ta mong đợi thật sự nảy sinh.
Mùa đông nhiều năm trước, trên đường đến dự một hội nghị học thuật, tôi đã có dịp ghé đến sân bay O’Hare Chicago. Trời đổ tuyết và tất cả các chuyến bay đều bị hoãn. Ở cổng ra đầy những người bực tức, cáu bẳn, bao gồm cả ông bác lớn tuổi ngồi cạnh tôi. Ông mặc quần áo rất đắt tiền, đeo đồng hồ Rolex và tỏ thái độ bực bội thấy rõ. Mỗi khi nhân viên ở cửa ra thông báo tiếp tục hoãn chuyến bay, ông lại làu bàu tức tối và giận dữ dằn tờ báo trước khi đọc tiếp.
Tôi quan sát một cặp vợ chồng trẻ trông có vẻ mệt mỏi, thay phiên nhau đi theo sau con gái mình – một bé gái mới biết đi đang lần mò khám phá khu vực cửa ra. Sau nhiều giờ, những hành khách bị mắc kẹt càng lúc càng thêm cáu kỉnh nhưng đứa bé vẫn không ngừng cười, không ngừng khám phá và chạm vào mọi thứ em bắt gặp.
Một lúc sau, khi nhân viên thông báo chuyến bay lại tiếp tục bị hoãn, vị khách bên cạnh tôi bật dậy, gần như nhảy bổ về phía cô nhân viên và lớn tiếng yêu cầu gặp cấp trên của cô: “Tôi là khách hạng vàng đấy, người quen của tôi làm trong ban giám đốc đấy. Tôi sắp có một cuộc họp rất quan trọng và tôi phải đi Cleveland...”. Cả khu vực cổng ra im phăng phắc trong lúc ông gào thét.
Cô nhân viên tội nghiệp nhìn ra cửa sổ, chỉ vào màn tuyết rơi dày: “Xin lỗi, thưa ông. Chúng tôi đang cố hết sức, nhưng chúng tôi không thể kiểm soát được thời tiết”. Vị khách nọ hậm hực quay về chỗ.
Trong “mô hình tâm trí” của tôi về thế giới, những người có địa vị, thô lỗ, cư xử không tốt với người khác đều là kẻ xấu, nhưng khi tôi nhìn sang bé gái kia, đầu em nghiêng nghiêng như đang cố tìm hiểu tại sao mọi người lại im bặt. Trong mô hình của em về thế giới, lúc ấy mọi người ai cũng tốt cả – người đàn ông có làm gì thì ông ấy cũng vẫn là người tốt.
Cô bé bước đến ngay trước mặt người đàn ông ngồi cạnh tôi, đặt đôi bàn tay nhỏ bé lấm lem lên đầu gối ông và mỉm cười. Ông cau mày, giật tờ báo lên đọc, chắn ngay trước mặt cô bé. Thế giới quan của tôi càng được củng cố: “Ông ta chấp cả trẻ con sao? Đúng là hết nói nổi”.
Cô bé nhỏ khựng lại, rồi (hẳn em cho rằng đây là một trò chơi, vì chẳng phải mọi người đều tốt sao?), em cười và kéo tờ báo xuống, hớn hở nhìn người mà em nghĩ rằng sắp sửa cùng chơi với mình.
“Ôi, trời đất”, tôi nghĩ thầm, “thế này thì chết”.
Nhưng tôi đã nhầm.
Bé con đã đúng.
Cô bé cười toe toét. Và, lúc lắc đầu chịu thua, vị khách cười đáp lại. Điều tích cực đẹp đẽ được lan tỏa. Cô bé đã gợi được phần tốt đẹp nhất từ người đàn ông kia và thế giới quan của bé càng được củng cố. Trong 30 phút tiếp theo, hai người đã chơi đùa cùng nhau; ông nọ thậm chí còn bò ra – mặc kệ bộ đồ đắt tiền – cho cô bé cưỡi, quanh khu vực cửa ra đông đúc, bẩn thỉu.
Cô bé đã gợi nên những gì em nghĩ về thế giới, nhờ vào cái nhìn chủ quan đến từ hàng nghìn khoảnh khắc yêu thương khi cha mẹ, gia đình và những người chăm sóc em đã hiện diện, chú tâm và đáp ứng em với đầy tình yêu thương.
OPRAH: Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một đứa trẻ không được chăm lo hay không được đáp ứng một cách lành mạnh, tích cực? Giả dụ đứa trẻ ấy có một người mẹ đơn thân không ai giúp đỡ, hoặc mẹ em bị trầm cảm, hoặc mẹ em đang ở trong một mối quan hệ bạo hành? Người mẹ ấy có thể thực sự muốn yêu thương, đáp ứng con mình, nhưng chuyện đó có khả dĩ trong những trường hợp như vậy không?
TIẾN SĨ PERRY: Đó là một trong những vấn đề trọng tâm của xã hội chúng ta – có quá nhiều người không được hỗ trợ đầy đủ để chăm sóc con mình. Kết quả không ngoài dự đoán. Cha mẹ quá tải, kiệt sức, mất cân bằng sẽ khó mà điều hòa con theo cách nhất quán và có thể đoán được, và việc này có thể tác động tới đứa trẻ theo hai hướng.
Đầu tiên, nó ảnh hưởng đến hệ thống ứng phó với căng thẳng của trẻ cũng như sự phát triển của hệ thống đó (Hình 3). Người chăm sóc bị quá tải sẽ không thể đáp ứng và điều hòa một cách nhất quán cho một đứa trẻ sơ sinh đang đói, lạnh, sợ hãi – chính điều đó sẽ tạo ra các nhân tố kích hoạt không nhất quán và khó đoán kéo dài trong hệ thống ứng phó với căng thẳng của trẻ. Kết quả là hệ thống quan trọng này trở nên vô cùng nhạy cảm.
Trong những trường hợp sang chấn kéo dài, các CRN của Cây Điều Hòa sẽ thay đổi và thích ứng để có thể đối phó tốt hơn với thách thức hiện tại. Hệ thống này ra sức hoạt động để giữ cho ta cân bằng, nhưng việc này có thể khiến ta cảm thấy khó khăn và kiệt sức. Trong những trường hợp như vậy, ngay cả khi thách thức đã qua đi, sự thay đổi trong các hệ thống vẫn tiếp tục được duy trì. Thái độ cảnh giác, rà soát khắp nhà để tìm mọi dấu hiệu đe dọa của một đứa trẻ phải sống trong cảnh bạo lực gia đình là cơ chế thích nghi đúng; nhưng trong lớp học, việc ấy có thể khiến đứa trẻ không chú ý đến giáo viên và kết quả là bị dán nhãn ‘mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý’ (ADHD) – rõ là cơ chế thích nghi không phù hợp.
Vấn đề lớn thứ hai liên quan đến quá trình tạo ra các mạng lưới kết nối liên quan đến các mối quan hệ. Nếu trong quá trình trẻ sơ sinh hình thành mô hình tâm trí về thế giới, người chăm sóc lại đáp ứng theo cách khó lường hoặc thường xuyên thô bạo, nóng nảy, lạnh lùng hay vắng mặt, trong trẻ sẽ bắt đầu hình thành một kiểu thế giới quan khác với những đứa trẻ được chăm sóc một cách đầy đủ, kiên nhẫn và đầy tình thương.
Chúng tôi từng thực hiện một dự án tại một trường mầm non, công việc của chúng tôi là quan sát tương tác giữa các học sinh với giáo viên. Trong một lớp học nọ, có một cô giáo trẻ nhiệt tình và rất chu đáo. Vào đầu năm học, cô giáo nồng nhiệt chào đón, ôm từng em và nở nụ cười thật tươi. Cô rất tận tâm với bọn trẻ.
Tuy nhiên, chúng tôi để ý thấy có một bé gái luôn tránh những tiếp xúc thân mật của cô giáo và không bao giờ nhìn thẳng vào mắt cô. Khi cô giáo ôm, bé chỉ đứng im mà không đáp lại. Cuối cùng, chúng tôi được biết rằng đứa trẻ này sống cùng một người mẹ kiệt sức và mắc chứng trầm cảm, ngoài ra không còn người lớn nào khác trong nhà.
Thời gian trôi đi, cô giáo vẫn luôn ấm áp và thân mật với những trẻ khác, nhưng dần dà đã giảm hẳn những tiếp xúc tích cực dành cho cô bé khép kín, buồn bã kia. Chị có thể hình dung thế giới quan của cô bé này là: Mình không quan trọng đến thế, mình không thể tin tưởng được ai.
Khoảng một tháng sau khi bắt đầu năm học, khi cả lớp đang sinh hoạt thì cô bé bỗng giơ tay xin giúp đỡ – đó là lần đầu tiên cô bé làm việc đó. Em giơ cao tay, vẫy vẫy. Nhưng cô giáo đang bận bịu với một nhóm trẻ khác nên không nhìn thấy em. Cô cười nói và chú tâm đến những đứa trẻ khác. Cô bé nhìn theo một lúc rồi từ từ hạ tay xuống, và từ đó cho đến hết năm học, em không bao giờ giơ tay nữa.
Sau khi dự án kết thúc, chúng tôi có trình chiếu lại đoạn video ấy cho cô giáo xem. Cô bật khóc. Cô cảm thấy có lỗi khủng khiếp.
Hình 3
CÁC KIỂU MẪU KÍCH HOẠT CĂNG THẲNG
Ảnh hưởng dài lâu của căng thẳng được xác định bởi kiểu mẫu kích hoạt căng thẳng. Khi các hệ thống ứng phó với căng thẳng được kích hoạt theo cách không đoán được, cực đoan hay kéo dài, chúng sẽ làm việc quá tích cực và quá mức – nói cách khác là trở nên mẫn cảm hơn. Qua thời gian, điều đó có thể dẫn đến việc các chức năng dễ bị tổn thương hơn, và vì các hệ thống ứng phó với căng thẳng cùng nhau lan tới tất cả các phần của não bộ và cơ thể, nên một loạt rủi ro về sức khỏe cảm xúc, xã hội, tinh thần và thể chất sẽ xảy ra. Trái lại, khi hệ thống ứng phó này được kích hoạt vừa phải, trong tầm kiểm soát và có thể dự đoán (chẳng hạn như các thử thách thích hợp tăng dần trong giáo dục, thể thao, âm nhạc...), khả năng ứng phó với căng thẳng của ta sẽ dần trở nên mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn – nói cách khác là ta dần trở nên kiên cường hơn.
Cô hoàn toàn không định phớt lờ cô bé kia. Nhưng tất cả chúng ta đều cần được phản hồi qua lại để tiếp tục gắn bó. Mô hình tâm trí của cô bé về thế giới – Mình chẳng là gì cả – đã trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Ta gợi nên những gì ta rọi vào thế giới. Nhưng những thứ ta mang theo mình vào cuộc đời lại dựa trên những điều đã xảy ra khi ta còn nhỏ.
OPRAH: Vậy là, vì người mẹ bị quá tải, đơn độc, kiệt sức và trầm cảm nên đã không thể ở bên, quan tâm, hòa hợp và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của bé gái này, nên em đã bị mất cân bằng. Và nếu kiểu chăm sóc này dần biến thành bỏ mặc – khi mà các nhu cầu cơ bản bị bỏ qua trong khoảng thời gian ngày càng dài, khi tiếng khóc than không được đáp lại hoặc “được” đáp lại bằng sự tức giận hay trừng phạt – thì đứa trẻ sẽ sống trong cảnh khổ sở triền miên. Dù thế nào thì nó cũng bị mất cân bằng.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng, đúng thế. Và có lẽ khía cạnh quan trọng nhất là kiểu mẫu kích hoạt căng thẳng. Nếu cha mẹ nhất quán, dễ đoán và đầy yêu thương thì hệ thống ứng phó với căng thẳng của trẻ sẽ trở nên kiên cường. Ngược lại, nếu các hệ thống ứng phó với căng thẳng bị kích hoạt theo cách cực đoan hoặc hỗn loạn, như trong những trường hợp bị ngược đãi hay bỏ bê, chúng sẽ trở nên mẫn cảm và thất thường.
Dù ta không hề nhận ra, song ta vẫn liên tục cảm nhận và xử lý thông tin từ thế giới bên ngoài – dựa trên các thông tin đầu vào, bộ não và cơ thể ta phản ứng theo cách giúp cho chúng ta được kết nối, tồn tại và phát triển. Khi ta bị đẩy khỏi trạng thái điều hòa – mất cân bằng – một loạt hệ thống ứng phó với căng thẳng sẽ được kích hoạt để hỗ trợ và giúp đỡ ta.
Phần lớn mọi người đều đã quen với khái niệm “chiến hay biến” – một loạt các phản ứng có thể xảy ra khi ta hoảng sợ. Khi ấy, bộ não của ta sẽ tập trung vào mối đe dọa tiềm tàng và tạm thời ngắt hết các hoạt động trí óc không cần thiết (như suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc đời hay mơ mộng về kỳ nghỉ sắp tới). Ý thức về thời gian cũng tạm thời bị “dẹp sang một bên”, còn nhịp tim thì tăng lên, đưa máu đến các cơ bắp để chuẩn bị cho việc chạy trốn hoặc đánh trả, và adrenaline được bơm khắp cơ thể. Phản ứng này kích hoạt cơ thể ta.
Như sẽ còn nói thêm ở phần sau, phản ứng “đánh thức cơ thể” này không phải là cách phản ứng duy nhất trước mối đe dọa. Khi ta còn quá nhỏ, ta không những không thể chống trả mà cũng không thể bỏ chạy. Trong trường hợp này, bộ não và phần còn lại của cơ thể sẽ chuẩn bị để ta “sẵn sàng” chịu thương tích. Nhịp tim sẽ giảm xuống. Cơ thể sẽ tiết ra chất giảm đau opioid. Ta tách khỏi thế giới bên ngoài và tháo chạy vào thế giới bên trong. Thời gian như chậm lại. Ta có thể cảm thấy như đang ở trong một bộ phim, hoặc bay lên lơ lửng và quan sát những gì đang xảy ra với bản thân. Tất cả những phản ứng đó thuộc về một khả năng thích ứng khác – gọi là khả năng phân ly. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ rất nhỏ, phân ly là cơ chế thích ứng rất phổ biến – đánh trả hay chạy trốn không bảo vệ được chính mình, còn “biến mất” thì có thể. Ta học cách trốn vào thế giới bên trong. Ta ngắt kết nối với thế giới bên ngoài. Và theo thời gian, khả năng rút về thế giới bên trong – an toàn, tự do, có thể kiểm soát – càng ngày sẽ càng giỏi. Phân ly là một khả năng đến từ sự mẫn cảm của hệ thống ứng phó, và một phần quan trọng thuộc về khả năng này là trở thành kẻ chiều lòng mọi người. Ta thuận theo ý muốn của người khác. Ta làm mọi thứ để tránh xích mích, để bảo đảm rằng người đang tương tác với ta cảm thấy hài lòng. Và, cũng như mọi người khác, ta có xu hướng tìm đến những hoạt động điều hòa, nhưng chúng ta lại điều hòa bằng cách phân ly.
Việc tìm kiếm sự cân bằng có thể là một thách thức gây kiệt sức đối với bất kỳ ai có hệ thống ứng phó với căng thẳng bị biến đổi do sang chấn. Việc cố sức tránh né nỗi đau của cảnh khốn cùng có thể dẫn đến những cách điều chỉnh cực đoan, và ở mức độ cực đoan nhất, là hủy diệt.
OPRAH: Về cuộc chiến tìm cách giải tỏa sự mất cân bằng cảm xúc, một trong những cuộc trò chuyện đau lòng nhất mà tôi từng có là cuộc trò chuyện với diễn viên, danh hài người Anh Russell Brand. Tại thời điểm đó, cậu ấy đã cai nghiện được hơn 11 năm, nhưng cậu đã đăng một bài viết gây chấn động về việc cậu vẫn tiếp tục nghĩ đến heroin gần như mỗi ngày. “Ma túy và rượu không phải là vấn đề đối với tôi”, cậu ấy viết. “Hiện thực mới là vấn đề. Ma túy và rượu là giải pháp”.
Russell kể với tôi, khi còn nhỏ, cậu ấy luôn cảm thấy xa lạ với mọi người xung quanh. Được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân rất nghèo, cậu ấy mô tả mình là người ngại ngùng, cô độc và không biết cách xử lý cảm xúc của bản thân. Đã có những thời điểm cậu ấy “không phân biệt nổi đâu là nơi mình kết thúc và nỗi đau bắt đầu”, và cậu dần hình thành những thói quen nguy hiểm như ăn uống vô độ, nghiện phim khiêu dâm và cuối cùng là nghiện ma túy.
“Tôi không thể chịu nổi việc là chính mình”, Russell nói. Và trong những khoảnh khắc tăm tối, Russell nói cậu ấy thường cảm thấy biết ơn ma túy – nó đem lại cho cậu những giây phút nghỉ ngơi, giúp cậu thoát khỏi cái mà cậu ấy gọi là “cơn bão nội tâm giằng xé”.
Vào năm thứ 16 sau cai nghiện, Russell đã cảm ơn quá trình điều trị phục hồi nội trú, các nhóm hỗ trợ và cố vấn của mình. Cậu ấy nói: “Giờ tôi đã được tự do, và các bạn cũng có thể được tự do”.
Vị thầy tâm linh Gary Zukav có nói: “Khi bạn phát hiện được chứng nghiện của mình, đừng xấu hổ. Hãy vui đi. Bạn đã tìm được thứ cần chữa lành – thứ bạn đến Trái Đất này để tìm kiếm. Khi đối mặt và chữa lành chứng nghiện, bạn đang thực hiện công việc tâm linh sâu sắc nhất mà bạn có thể thực hiện trên Trái Đất này”.
Tất cả những điều này là để nói rằng, trong nhiều năm qua, chúng ta đã biết có mối tương quan giữa việc nghiện ma túy với sang chấn, nhưng số người chết vì điều này vẫn không ngừng tăng. Tiến sĩ Perry, qua những dự án của anh với nạn nhân sang chấn, chúng ta nhận thấy phần lớn người ta dùng ma túy hay các chất gây nghiện không phải vì những lý do như chúng ta vẫn nghĩ. Đó không hẳn là sự buông thả và tìm kiếm khoái lạc. Họ không chỉ chạy trốn hay né tránh cuộc sống này, mà hơn hết, họ còn trốn chạy khỏi nỗi đau và sự cùng quẫn của trạng thái mất cân bằng nữa. Đúng không anh?
TIẾN SĨ PERRY: Vậy nên, khi hỏi “Chuyện gì đã xảy ra?”, ta sẽ có thể khám phá được lịch sử của sang chấn phát triển(*). Hầu hết những người sống với “nghịch cảnh phát triển” đều bị rối loạn điều hòa cảm xúc kinh niên – họ có khuynh hướng rối trí, lo lắng. Đôi khi họ cảm thấy sợ hãi đến mất hồn, hay như Russell Brant đã mô tả rất hay là “cơn bão nội tâm”. Ta sẽ nói kỹ hơn một chút, đó là lúc CRN của họ trở nên mẫn cảm.
(*) Sang chấn phát triển – developmental trauma: một thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến những chấn thương thời thơ ấu như bị ngược đãi mạn tính, bị bỏ rơi hoặc những nghịch cảnh khắc nghiệt khác – Chú thích của Biên tập viên (BTV)
Nếu chị lớn lên trong một gia đình hoặc cộng đồng có đặc tính khó lường, hỗn loạn và các mối đe dọa không ngừng xuất hiện, hệ thống ứng phó với căng thẳng của chị sẽ rất dễ bị biến đổi. Điều đó đặc biệt đúng nếu sự hỗn loạn hay bạo lực xảy ra trong nội bộ gia đình, khi những người đáng lẽ phải nuôi dưỡng và che chở chị lại là nguồn gốc của nỗi đau, sợ hãi hay ngược đãi.
Hãy nhớ những gì ta đã nói về kiểu mẫu kích hoạt căng thẳng: ngay cả khi không có các sang chấn lớn thì căng thẳng không lường trước và sự mất kiểm soát đi kèm với nó cũng đã đủ để khiến các hệ thống ứng phó với căng thẳng của ta trở nên mẫn cảm – phản ứng quá tích cực và quá mức – tạo ra cơn bão nội tâm.
Và cũng hãy nhớ rằng, cảm xúc rất “dễ lây lan” – ta luôn có thể cảm nhận được nỗi buồn phiền từ người khác. Hãy hình dung một đứa trẻ sống cùng người cha nóng nảy, giận dữ, không có triển vọng việc làm, bị cộng đồng khinh rẻ vì địa vị hay màu da, và về nhà với cảm giác bất lực, thất bại. Cơn bão nội tâm của người cha sẽ trở thành cơn bão của cả nhà. Sự hỗn loạn của anh ta cũng trở thành sự hỗn loạn của cả nhà. Anh ta có thể lạm dụng rượu hoặc ma túy để khỏa lấp nỗi buồn bực, và điều này sẽ tạo ra bầu không khí sợ hãi cho con cái. Dù họ có muốn che chở con mình đến đâu, dù có yêu con đến đâu thì hỗn loạn vẫn là hỗn loạn. Trẻ con tiếp nhận hết những thứ ấy mà lớn lên, chúng bị vùi lấp trong nỗi kinh hoàng. Và khi đứa trẻ lớn lên, khi chúng tự mình làm quen với ma túy và rượu, chúng có thể tìm được sự tĩnh lặng mà chúng chưa từng được nếm trải – niềm vui của sự giải thoát trở thành một phần thưởng lớn. Hãy nhớ: sự giải thoát khỏi khốn quẫn đem lại lạc thú. Chúng được thư giãn lần đầu tiên trong đời. Dù việc nghiện ma túy chịu ảnh hưởng bởi mức độ rối loạn của ta cũng như bản chất và sức mạnh của các nguồn tưởng thưởng khác trong đời, song sức lôi kéo của ma túy vẫn luôn rất mạnh mẽ.
Mỗi ngày, ta đổ đầy cái xô phần thưởng bằng các nguồn thưởng khác nhau; và không phải ngày nào cũng như ngày nào (xem Hình 4). Một số ngày, chiếc xô có thể sẽ được đổ đầy bởi bạn bè và gia đình ta; những ngày khác, ta lại có thể đổ đầy xô phần thưởng bằng cách xung phong giúp việc ở bếp ăn địa phương. Và, cũng có những ngày ta trống rỗng. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy chiếc xô của mình khó lấp đầy hơn trong đại dịch COVID-19, nhiều người lo lắng và chán nản hơn, và nhiều người đã sử dụng một số hình thức tưởng thưởng kém lành mạnh để cố gắng lấp đầy khoảng trống.
Thách thức là, một khi việc kích hoạt các mạch thưởng (đường dẫn truyền khoái cảm) của ta gặp phải trở ngại thì niềm vui trong ta sẽ nhạt dần. Khoái cảm chỉ tồn tại trong giây lát. Hãy nghĩ xem, sự thích thú khi chị ăn một miếng khoai tây chiên kéo dài trong bao lâu, lần gần đây nhất ấy. Chỉ vài giây. Sau đó chị lại muốn một miếng khác. Tương tự, một hơi nicotine. Hoặc thậm chí là nụ cười của người yêu dấu. Cảm giác tuyệt diệu đến trong thoáng chốc, và ta có thể nhớ lại và vui thêm chút nữa, nhưng cảm giác sung sướng của việc được tưởng thưởng đã phai nhạt đi rồi. Vì vậy nên mỗi ngày ta lại có thôi thúc phải đổ đầy xô phần thưởng của mình.
Cách lành mạnh nhất để làm việc này là dựa vào các mối quan hệ. Cảm giác kết nối sẽ điều hòa và tạo cảm giác tưởng thưởng cho ta. Tuy nhiên, sự góp mặt của chất kích thích có thể đẩy những người ta yêu quý ra xa. Không chỉ thế, nhiều biện pháp can thiệp dùng để xử lý việc lạm dụng thuốc còn mang tính trừng phạt và càng gia tăng phiền não. Sức hút của việc trở lại dùng thuốc lại càng mạnh thêm. Ngắt kết nối, gạt ra ngoài lề, coi ai đó như ma quỷ và trừng phạt chỉ càng khiến vấn đề lạm dụng chất kích thích thêm trầm trọng. Rối loạn điều hòa, tìm đến thuốc, cắt đứt quan hệ, thiếu tưởng thưởng dẫn đến lạm dụng thuốc nhiều hơn. Vòng xoáy cứ thế mà tiếp diễn.
Và, đây là một điều thú vị về việc sử dụng ma túy: đối với những người điều hòa khá tốt, đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, có các hình thức tưởng thưởng lành mạnh khác, việc dùng thuốc tuy có ít nhiều tác động nhưng sức hút của việc trở lại và dùng thêm thuốc đối với họ sẽ không quá mạnh. Chất gây nghiện có thể đem lại cảm giác thích thú nhưng không đẩy họ vào con đường nghiện ngập.
Hình 4
ĐỔ ĐẦY XÔ PHẦN THƯỞNG
Việc kích hoạt các mạng lưới thần kinh quan trọng của não bộ có thể sinh ra khoái cảm - cảm giác thích thú hoặc cảm giác được tưởng thưởng. Các đường dẫn truyền khoái cảm có thể được kích hoạt theo nhiều cách, bao gồm giải thoát khỏi buồn phiền (chẳng hạn dùng bia rượu để tự điều hòa hoặc dùng nhịp điệu để điều chỉnh lo âu được sinh ra bởi hệ thống ứng phó với căng thẳng đã bị biến đổi do sang chấn); những tương tác tích cực giữa người với người (mối quan hệ); trực tiếp kích hoạt các hệ thống tưởng thưởng bằng cách lạm dụng các loại thuốc như cocaine hay heroin (ma túy); ăn các thức ăn ngọt/mặn/béo; thực hiện những hành vi phù hợp với giá trị và niềm tin của bản thân (niềm tin).
Mỗi ngày, ta lại cần làm đầy xô phần thưởng của mình. Đường đứt nét đậm là mức tối thiểu ta cần để cảm thấy được điều hòa và tưởng thưởng thỏa đáng. Nếu cảm giác thích thú hằng ngày ở dưới mức này, ta sẽ cảm thấy buồn chán, thất vọng. Trên mức này, ta sẽ cảm thấy thỏa mãn và được điều hòa. Việc đổ đầy xô phần thưởng được mỗi người thực hiện theo cách phù hợp với riêng mình, ít nhiều mang tính cá nhân.
Nhiều người trong chúng ta có cơ hội có được những phần thưởng lành mạnh: nhiều tương tác với những người tích cực thông qua công việc, tôn giáo, hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện phù hợp với giá trị và niềm tin của mình (xô A). Nhưng việc thiếu vắng những mối quan hệ và sự kết nối chặt chẽ có thể dẫn đến việc dễ lạm dụng các hình thức tưởng thưởng kém lành mạnh (xô B). Sự kết hợp của các phần thưởng lành mạnh (chẳng hạn như có rất nhiều tương tác tích cực, làm công việc phù hợp với giá trị của bản thân, tình dục lành mạnh, duy trì điều hòa theo các cách lành mạnh) có thể giúp giảm sức hút của các dạng tưởng thưởng không lành mạnh như dùng chất kích thích hay ăn uống quá độ.
Nghiện ngập phức tạp lắm. Nhưng tôi tin rằng những người lạm dụng ma túy và rượu thực sự đang cố tự điều trị do đã phải trải qua nghịch cảnh và sang chấn khi mới lớn.
OPRAH: Thật thú vị khi nghe anh nói vậy bởi tôi biết nhiều người dùng thuốc để giảm bớt cảm giác lo lắng, trong khi những loại thuốc ấy chỉ khiến tôi ngủ lăn. Bởi đường cơ sở trong tôi đã sẵn bình lặng nên khi dùng thứ gì đó được cho là để thư giãn thì tôi ngủ luôn.
TIẾN SĨ PERRY: Đúng vậy. Lượng thuốc khiến chị buồn ngủ có thể là lượng hợp lý với bạn bè chị.
OPRAH: Một số còn dùng gấp đôi. Tôi cứ tự hỏi “Sao mọi người không buồn ngủ nhỉ?”. Nhưng nếu mức độ căng thẳng vốn đã cao thì họ cần nhiều thuốc an thần hơn để nó có thể xuống dưới mức cơ sở. Vậy cho nên, mặc dù người ta có thể không có vẻ như đang ở trạng thái rất cảnh giác hay lo lắng, về mặt sinh học họ vẫn có thể đang trong trạng thái kích động.
TIẾN SĨ PERRY: Vâng, và “thuốc” là thứ có thể xoa dịu điều đó. Nhưng đã đến lúc phải tìm ra giải pháp cho việc lạm dụng thuốc và thoát khỏi nó. Ta sẽ không bao giờ thực sự giải quyết được vấn đề chừng nào còn chưa bắt đầu tập trung vào chuyện gì đã xảy ra.
OPRAH: Vâng. “Chuyện gì đã xảy ra?” phải luôn là câu hỏi đầu tiên.
TIẾN SĨ PERRY: Đó là lý do vì sao một góc nhìn có hiểu biết, có ý thức về sang chấn lại quan trọng đến vậy đối với tất cả các hệ lĩnh vực bị ảnh hưởng hoặc liên quan tới việc dùng và lệ thuộc chất gây nghiện – giáo dục, sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất, thực thi pháp luật, tư pháp hình sự và vị thành niên, tòa án gia đình,... Không lĩnh vực nào trong xã hội của chúng ta thoát được vấn đề này. Ta có ý định tốt, con người tốt, ta đã chi rất nhiều tiền, nhưng lại không hiệu quả vì không hiểu cơ chế cơ bản dẫn đến việc dễ sa đà vào lạm dụng thuốc.
OPRAH: Cần hiểu rằng nạn nhân của sang chấn rất dễ sa vào các dạng nghiện ngập, vì đường cơ sở căng thẳng của họ.
TIẾN SĨ PERRY: Việc này lại đưa chúng ta trở lại với chứng rối loạn điều hòa. Con người chúng ta luôn có thôi thúc tự điều hòa, tìm kiếm sự thoải mái, làm đầy xô phần thưởng. Nhưng hóa ra phần thưởng mạnh mẽ nhất là các mối quan hệ. Tương tác tích cực với người khác chính là phần thưởng và là cách ta tự điều hòa. Không có kết nối với những người quan tâm đến mình, dành thời gian cho mình và hỗ trợ mình, ta gần như sẽ không thể tránh được các dạng phần thưởng và điều hòa không lành mạnh – bao gồm cả lạm dụng bia rượu, lạm dụng ma túy, ăn quá nhiều đồ ngọt và mặn, phim khiêu dâm, cắt rạch cơ thể hoặc dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử. Sự kết nối giữa người với người chống lại sức mạnh của nghiện ngập. Đó là chìa khóa.