T
ôi tin rằng chính chúng ta đã tạo ra cái gọi là bệnh tật trong cơ thể mình. Cơ thể, cũng giống như mọi thứ khác trong cuộc sống, đều là tấm gương phản chiếu suy nghĩ và niềm tin sâu xa trong chúng ta. Nếu để tâm lắng nghe, bạn sẽ nhận ra cơ thể luôn luôn có sự trao đổi với chúng ta. Mỗi tế bào đơn lẻ trong cơ thể bạn đáp lại từng suy nghĩ bạn nghĩ, từng lời bạn nói.
Kiểu suy nghĩ liên tục và nói chuyện không ngừng tạo nên trạng thái, bộ dạng và tình trạng sức khỏe của cả cơ thể. Một người có vẻ mặt luôn luôn cau có là bởi vì họ không có những suy nghĩ vui vẻ và mến thương. Gương mặt và cơ thể già nua của một người thể hiện một cách rõ ràng kiểu suy nghĩ của họ trong cả cuộc đời. Bạn nghĩ mình trông sẽ như thế nào khi về già?
Tôi đã gộp vào chương này bảng danh sách của tôi, liệt kê về những kiểu tinh thần có khả năng gây ra bệnh tật cho cơ thể, và cả danh sách những lối suy nghĩ mới có thể dùng để tạo ra một cơ thể khỏe mạnh. Danh sách này đã từng xuất hiện trong cuốn sách Heal Your Body của tôi. Để bổ sung cho danh sách ngắn này, tôi sẽ khảo sát qua một vài điều kiện phổ biến giúp bạn có được hướng để xác định nguồn gốc của những vấn đề trong cuộc sống.
Tất nhiên những vấn đề tinh thần thì chắc chắn không có ai hoàn toàn giống với ai, tuy nhiên, những liệt kê này cũng cho chúng ta một gợi ý để bắt đầu nghiên cứu ngọn nguồn những bệnh tật trong cơ thể. Rất nhiều người hoạt động trong ngành trị liệu đã thường xuyên sử dụng cuốn sách Heal Your Body để chữa trị cho các bệnh nhân của mình, và họ kết luận rằng có đến 90 – 95% các triệu chứng bệnh tật của cơ thể xuất phát từ tinh thần.
ĐẦU chính là bộ phận tiêu biểu đại diện cho mỗi chúng ta. Chúng ta phô bày bản thân thông qua nó và chúng ta cũng được nhìn nhận thông qua nó. Khi có gì đó không ổn với bộ phận này, nghĩa là chúng ta đang cảm thấy không ổn với cả con người mình.
TÓC đại diện cho sự khỏe mạnh. Mỗi khi chúng ta ở trong trạng thái căng thẳng hay sợ hãi, chúng ta thường có xu hướng hành hạ mái tóc của mình. Những sợi tóc mọc lên từ các nang tóc, khi có quá nhiều sức ép lên da đầu, những sợi tóc có thể bị ép quá chặt đến mức không “thở” được, nó sẽ chết và rụng. Nếu sức ép này vẫn tiếp tục, da đầu sẽ không được nghỉ ngơi. Những nang tóc còn lại trở nên quá hẹp và những sợi tóc mới không thể mọc từ đó. Kết quả dẫn đến sẽ là tình trạng hói đầu.
Tình trạng hói đầu ở phụ nữ đang tăng nhanh và thậm chí gần đây còn trở thành một cơ hội kinh doanh không tưởng – kinh doanh tóc giả. Chúng ta thường khó nhận biết những người phụ nữ nào bị hói đầu, vì tóc giả dành cho họ trông vô cùng tự nhiên và sống động. Không may là tóc giả dành cho các quý ông vẫn trông không thật và rất dễ bị phát hiện.
Căng thẳng thì không thể khỏe mạnh, căng thẳng là yếu đuối. Hãy thư giãn, thả lỏng và giữ lòng thanh thản, khi đó bạn sẽ trở nên khỏe mạnh và vững tâm. Tất cả chúng ta đều nên để cơ thể mình thư giãn nhiều hơn một chút và nhiều người cần để da đầu của họ thư giãn nữa. Hãy thử điều đó ngay bây giờ, để da đầu bạn được nghỉ ngơi, và cảm nhận sự khác biệt. Nếu bạn cảm nhận da đầu mình được thư giãn một cách rõ rệt, thì tôi khuyên bạn nên luyện bài tập nhỏ này nhiều hơn nữa, bởi vì điều đó cho biết bạn đang để da đầu mình chịu quá nhiều áp lực.
TAI thực hiện chức năng nghe. Khi tai có vấn đề, thường là vì có điều gì đó đang diễn ra mà bạn không muốn tiếp nhận. Chứng đau tai có thể là biểu hiện của việc bạn đã nghe điều gì đó khiến bản thân cảm thấy tức giận.
Chứng đau tai thường xảy ra nhiều ở trẻ em vì chúng thường xuyên phải nghe nhiều thứ mà chúng không muốn nghe trong chính ngôi nhà của mình. Ở nhà, người lớn thường cấm lũ trẻ bộc lộ sự tức giận, mà lũ trẻ thì bất lực không thể thay đổi được điều gì, những điều đó khiến chúng bị đau tai.
Bệnh điếc thường là do một người ở quá lâu trong trạng thái cự tuyệt việc lắng nghe người khác. Thử để ý một chút, hai người cùng làm việc với nhau, nếu một người cứ nói và nói liên tục, thì người còn lại sẽ không lắng nghe nữa.
MẮT là cơ quan quan sát. Khi mắt chúng ta có vấn đề, điều đó có nghĩa là đã có điều gì đó chúng ta không muốn nhìn thấy, hoặc là chúng ta không muốn nhìn thấy bản thân mình. Thậm chí điều này xảy ra khi chúng ta không muốn nhìn vào cuộc sống của chúng ta, không chấp nhận quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một đứa trẻ đeo kính cận, tôi biết là có những điều trong gia đình nó mà nó không muốn nhìn thấy. Nếu chúng không thể thay đổi những gì chúng đã trải qua, chúng sẽ phân tán tầm nhìn để không còn phải nhìn thấy rõ ràng những gì chúng không muốn thấy.
Rất nhiều người đã có những trải nghiệm vô cùng kịch tính trong quá trình trị liệu tâm hồn, khi họ sẵn sàng quay lại quá khứ và dọn dẹp ký ức về những gì họ không muốn nhìn thấy một hoặc hai năm trước khi họ bắt đầu phải mang kính cận.
Tôi có một vài câu hỏi rất thú vị muốn bạn xem xét. Bạn có đang phủ nhận những gì đang xảy ra ở hiện tại? Có phải bạn không muốn đối mặt, bạn sợ phải nhìn vào hiện tại và tương lai? Và nếu bạn có thể nhìn thấy rõ ràng, bạn có thể nhận thấy bản thân không muốn nhìn thấy điều gì không? Bạn có nhìn thấy bạn đang làm gì với chính mình không?
CHỨNG ĐAU ĐẦU đến từ việc vô hiệu hóa bản thân. Lần tới, khi bạn lại đau đầu, hãy chậm lại và tự hỏi bản thân như thế nào và bằng cách nào mà bạn đã khiến bản thân trở nên tồi tệ. Hãy tha thứ cho chính mình, để mọi thứ qua đi và cơn đau đầu sẽ tan biến vào hư vô, nơi mà nó được sinh ra.
Chứng đau nửa đầu xảy ra với những người luôn muốn trở nên hoàn hảo, họ tạo ra rất nhiều áp lực lên bản thân, kéo theo rất nhiều sự giận dữ bị kìm nén. Một điều thú vị là chứng đau nửa đầu có thể bị đẩy lùi bởi hoạt động tình dục và bạn cần thực hiện nó càng sớm càng tốt khi cảm thấy cơn đau nửa đầu đang kéo tới. Giải phóng tình dục có thể làm tan biến căng thẳng và những cơn đau. Trong cơn đau, bạn có thể không cảm thấy hứng thú với việc đó, nhưng chắc chắn đó sẽ là một cố gắng xứng đáng, bạn sẽ không uổng phí điều gì đâu.
VIÊM XOANG, bạn có thể cảm nhận chúng ngay trên mặt, gần mũi, chúng là hiện thân của việc bạn bị ai đó chọc cho phát cáu lên, nhất là những người thân thiết, gần gũi với bạn. Bạn có thể cảm thấy là họ đang cố làm bạn gục ngã.
Chúng ta quên rằng chúng ta mới là người tạo ra hoàn cảnh, chúng ta làm mất đi năng lượng của bản thân bằng việc đổ lỗi cho người khác về những thất bại của mình. Không ai, không nơi chốn nào và không bất cứ điều gì có uy quyền đối với chúng ta hơn bản thân chúng ta. Chúng ta mới là chủ nhân của tâm trí mình. Chúng ta tự tạo ra trải nghiệm của mình, tự tạo ra thực tế của mình và mọi người chỉ là nhân vật phụ trong đó. Khi chúng ta tạo ra được sự thanh bình, hòa hợp và cân bằng trong tâm trí, chúng ta sẽ tìm thấy những thứ đó trong cuộc sống.
CỔ VÀ CỔ HỌNG là thứ vô cùng diệu kỳ, có hàng đống thứ “đi qua” nó. Cổ thể hiện khả năng linh hoạt trong quá trình suy nghĩ của ta, giúp ta nhìn thấy mặt khác của vấn đề, giúp ta đứng trên góc nhìn của người khác để nhìn. Khi cổ có vấn đề gì đó, điều đó biểu thị chúng ta đang quá cố chấp với quan niệm riêng của mình đối với hoàn cảnh nào đó. Khi tôi thấy một người lúc nào cũng cài chặt cổ áo của họ, tôi biết đó là một người rất cố chấp, luôn tự cho bản thân là đúng và không bao giờ chịu nhìn thấy những mặt khác của một vấn đề.
Virginia Satir là một bác sĩ cực kỳ tài năng, cô nói rằng cô đã thực hiện một vài “nghiên cứu ngớ ngẩn” và phát hiện ra có hơn 250 cách khác nhau để rửa chén, tùy thuộc vào người rửa và các thành phần dùng để tẩy rửa. Nếu chúng ta mắc kẹt trong niềm tin rằng mọi thứ chỉ luôn có một hướng đi duy nhất và một góc nhìn duy nhất, thế thì chúng ta đang dần đóng cửa cuộc đời mình lại.
CỔ HỌNG là đại diện cho khả năng cất tiếng nói của chúng ta, để yêu cầu thứ chúng ta muốn, để khẳng định chúng ta là ai. Khi cổ họng gặp vấn đề, nó thường là biểu hiện của việc chúng ta không cảm thấy bản thân có đủ quyền để làm điều gì đó. Chúng ta có cảm giác không xứng đáng và không chịu đứng lên vì bản thân mình.
Cổ họng đau là biểu hiện của sự giận dữ kéo dài, nếu kèm theo ho thì đó là do tâm trí đang có sự hỗn loạn. Chứng viêm thanh quản sẽ là biểu hiện của việc bạn quá giận dữ đến nỗi không thể nói được.
Cổ họng còn biểu hiện cho dòng chảy sáng tạo trong cơ thể. Đây là nơi những sáng tạo của chúng ta được biểu lộ, và một khi sự sáng tạo bị kìm nén, cổ họng sẽ phát sinh vấn đề. Chúng ta biết rất nhiều người sống cả đời chỉ vì người khác, họ chưa một lần làm điều họ muốn làm. Họ luôn sống và làm vui lòng bố mẹ, vợ hoặc chồng, người yêu, hoặc sếp. Viêm amidan và các vấn đề về tuyến giáp chính là sự mòn ý chí sáng tạo, nó là kết quả của việc không được làm những điều mình muốn làm.
Năng lượng trung tâm nằm ở cổ họng, tức luân xa thứ năm, là nơi cơ thể thực hiện những thay đổi. Khi chúng ta kháng cự lại những thay đổi, hoặc đang trong quá trình thay đổi, hay là đang cố gắng để thay đổi, thì cổ họng chúng ta hoạt động rất nhiều. Để ý những khi bạn ho xem, hoặc khi người khác ho. Điều đó thể hiện chúng ta đang muốn nói gì, đang phản ứng với điều gì? Có phải đó là sự kháng cự và kìm nén, hay đó là tiến trình diễn ra sự thay đổi. Tại nơi làm việc, tôi dùng ho như là một công cụ khám phá bản thân. Mỗi khi ai đó ho, tôi đề nghị người đó chạm tay vào cổ họng và nói to thành lời: “Tôi sẵn sàng để thay đổi” hoặc “Tôi đang thay đổi”.
CÁNH TAY đại diện cho năng lực và khả năng nắm giữ kinh nghiệm trong cuộc sống của chúng ta. Bắp tay hoạt động khi chúng ta cần ôm giữ, phần cẳng tay thể hiện những kỹ năng và kỹ xảo của chúng ta. Chúng ta lưu giữ những xúc cảm trong các khớp xương; và khớp ở cùi chỏ đại diện cho sự mềm dẻo, có thể xoay chuyển phương hướng. Bạn cảm thấy bản thân có phải là một người uyển chuyển có khả năng thay đổi phương hướng không, hay những xúc cảm cũ mòn luôn chôn chặt bạn, khiến bạn mắc kẹt ngay tại chỗ?
BÀN TAY nắm, giữ, ghì chặt. Đôi khi chúng ta giữ chặt một thứ gì đó quá lâu và đôi khi lại để nhiều thứ lọt qua kẽ tay. Chúng ta có thể là những người khéo léo hay vụng về, hào phóng hay keo kiệt. Chúng ta cũng phân phát sự bố thí. Chúng ta có thể giải quyết vấn đề của mình, chúng ta cũng có thể không giải quyết được gì cả.
Khi nhúng tay vào một vấn đề gì đó, kết quả có thể đến dễ như trở bàn tay, có thể phải buông tay giữa chừng, cũng có thể phải làm một chút thủ thuật. Đôi bàn tay là hiện thân của tất cả. Trong những mối quan hệ, chúng ta đưa tay giúp đỡ ai đó, có thể là sự gắn bó tay trong tay, có thể là cái nắm tay thiện chí, có thể là cái nắm tay lọc lừa, có khi là cái nắm tay ngoài tầm với. Đôi tay là trợ thủ đắc lực của tất cả chúng ta.
Đôi tay có thể mềm mại hoặc cứng rắn với những khớp chai sần, đến từ việc chúng ta suy nghĩ quá nhiều, cũng có khi là những ngón tay xương xẩu gầy gò mang theo chứng viêm khớp. Sự tham lam đến từ nỗi sợ hãi, sợ hãi những mất mát, sợ rằng sẽ không bao giờ là đủ, sợ rằng mọi thứ sẽ mất đi nếu chúng ta không biết nắm chặt.
Muốn giữ chặt trong một mối quan hệ chỉ khiến đối phương tuyệt vọng và tránh xa chúng ta hơn mà thôi. Cố ôm chặt lấy một thứ gì đó khiến chúng ta không bao giờ có được những cái mới hơn. Hãy thả lỏng cổ tay và vung tay thật thoải mái, sẽ cảm thấy phóng khoáng và cởi mở.
Đôi tay thuộc về bạn và không ai có thể cướp đi hay làm gì nó, vì vậy hãy thả lỏng nó một chút.
Mỗi NGÓN TAY đều có ý nghĩa riêng của nó và khi mỗi ngón tay xảy ra vấn đề, tức là một phần nào đó trong tâm hồn bạn cần được thư giãn hay buông bỏ. Nếu bạn cắt phải ngón tay trỏ, chứng tỏ trong bạn đang tồn tại sự tức giận hay sợ hãi. Ngón cái là tinh thần của bạn và thường là nơi bày tỏ sự lo lắng. Ngón trỏ là nơi thể hiện sự sợ hãi. Ngón giữa liên quan đến giới tính và bày tỏ sự giận dữ. Khi bạn giận dữ, hãy thử nắm lấy ngón tay giữa và chờ đợi cơn giận tan đi. Hãy nắm ngón giữa bàn tay phải nếu bạn đang tức giận một người đàn ông, nếu người khiến bạn tức giận là phụ nữ thì hãy nắm ngón giữa bàn tay trái. Ngón áp út lại là hiện diện của sự hòa hợp và nỗi tiếc thương. Cuối cùng là ngón út, liên qua đến tình cảm gia đình và sự giả vờ.
LƯNG là hệ thống nâng đỡ chúng ta. Lưng không được khỏe thì thường là biểu hiện của việc chúng ta cảm thấy không được ủng hộ, nâng đỡ. Chúng ta thường xuyên cho rằng chúng ta chỉ được nâng đỡ và ủng hộ từ công việc, gia đình, hay vợ hoặc chồng. Sự thật là vạn vật trong vũ trụ và bản thân cuộc sống đều hoàn toàn ủng hộ và nâng đỡ chúng ta.
Phần lưng trên chịu trách nhiệm về cảm giác không được ủng hộ. Chồng/vợ/người yêu/bạn bè/sếp của tôi không hiểu và không ủng hộ tôi.
Phần lưng giữa chịu trách nhiệm cho cảm giác tội lỗi, đó đều là những gì đã qua và đã ở sau lưng chúng ta. Bạn có cảm thấy sợ phải nhìn thấy những gì bỏ lại sau lưng đó không, bạn có che giấu điều gì sau lưng không? Bạn có cảm thấy bị đâm sau lưng không?
Bạn có cảm thấy thật sự bị kiệt sức? Tài chính của bạn có đang gặp vấn đề hay bạn có đang gặp phải những lo lắng quá mức về nó không? Nếu có thì hẳn là phần lưng dưới đang quấy rầy bạn không ít. Không phải chuyện bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản mà chính việc túng thiếu, hoặc những nỗi lo lắng về tiền đã khiến lưng dưới xảy ra vấn đề.
Rất nhiều người trong chúng ta thường xem tiền bạc là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống và cho rằng chúng ta không thể sống mà không có nó. Điều đó không đúng. Có một thứ quan trọng và quý giá hơn tiền bạc rất nhiều, mà không có chúng, chúng ta mới không thể sống được. Đó là hơi thở.
Hơi thở là thứ căn bản và quý giá nhất trong cuộc sống của chúng ta. Và sự thật hiển nhiên là khi chúng ta thở ra thì hơi thở tiếp theo đã ở đó đợi chúng ta rồi. Nếu chúng ta không thở tiếp thì chúng ta không chịu được quá 3 phút. Giờ thì, nếu số phận cho bạn đủ hơi thở để sống đến cuối cùng, thì chúng ta có thể tin rằng những thứ khác mà chúng ta mong muốn rồi cũng sẽ dần đạt được.
LÁ PHỔI là hiện thân của khả năng cho và nhận của chúng ta. Phổi có vấn đề thường là biểu hiện của việc chúng ta e ngại tiếp nhận trong cuộc sống, hay do chúng ta cảm thấy mình không có đủ quyền để sống một cuộc đời đầy đủ, trọn vẹn.
Phụ nữ có truyền thống gò bó bản thân, e ngại cả việc hít thở sâu và thường có suy nghĩ cho rằng bản thân họ là những công dân hạng hai và họ không có quyền tìm một chỗ đứng cho mình trong xã hội, thậm chí không có quyền được sống. Ngày nay điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Phụ nữ ngày nay có thể đấu tranh cho vị trí của họ trong xã hội một cách hoàn toàn bình đẳng, họ hít thở sâu và sống đủ đầy.
Tôi rất vui khi nhìn thấy những người phụ nữ chơi thể thao. Phụ nữ đã từng phải luôn làm việc trên những cánh đồng, còn giờ đây phụ nữ đã tham gia thi đấu thể thao. Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy cơ thể tuyệt đẹp của họ nổi bật lên giữa đám đông.
Khí thũng và khói thuốc lá chính là những cách chối bỏ cuộc sống. Chúng khiến chúng ta có cảm giác rằng chúng ta hoàn toàn không xứng đáng tồn tại. Những lời quở mắng không làm thay đổi được thói quen hút thuốc, điều cần thay đổi trước tiên là niềm tin căn bản.
NGỰC là bộ phận đại diện cho việc sản sinh và nuôi dưỡng những nhân tố cơ bản. Khi có vấn đề xảy ra với ngực, tức là chúng ta đang đa mang quá nhiều về một vấn đề liên quan đến một người nào đó, một vật nào đó, một nơi chốn, hoặc một trải nghiệm nào đó.
Một phần của quá trình sinh dưỡng chính là cho phép đứa trẻ được phép “lớn lên”. Chúng ta cần biết khi nào thì nên buông tay để đứa trẻ tự bước đi, khi nào thì nên dỡ bỏ những bó buộc và để mọi thứ tự nhiên diễn ra. Việc bảo vệ quá mức một người, sẽ không cho họ có sự chuẩn bị tốt để xoay xở với những gì phải trải qua trong cuộc sống. Đôi khi, trong một vài tình huống, chính thái độ “bá đạo” của chúng ta thật sự sẽ làm mất đi nguồn dinh dưỡng cần thiết để đứa trẻ lớn lên.
Những người bị ung thư vú hẳn là những người chất chứa những oán hận sâu sắc không buông bỏ được. Hãy giải phóng nỗi sợ trong chúng ta, và hiểu rằng Đấng Toàn Tri vẫn luôn trú ngụ trong mỗi chúng ta.
TRÁI TIM, lẽ dĩ nhiên, là biểu trưng của tình yêu và máu, là đại diện của niềm hân hoan. Trái tim chúng ta trìu mến bơm vào cả cơ thể những niềm vui. Khi chúng ta chối bỏ tình yêu và sự vui vẻ, trái tim sẽ khô héo và lạnh lẽo. Kết quả là những dòng máu trong cơ thể trở nên uể oải, lờ đờ, chúng ta sẽ tự đưa mình tiến vào con đường dẫn đến bệnh thiếu máu, viêm họng và những cơn đau tim.
Thật ra trái tim không hề muốn làm đau chúng ta. Chúng ta bị tiêm nhiễm quá nhiều bởi những bộ phim và thường quên chú ý đến những niềm vui nho nhỏ khác vẫn ở quanh ta. Chúng ta tốn hàng năm trời chỉ để vắt kiệt niềm vui ra khỏi trái tim mình và kết cuộc là trái tim rơi vào những cơn đau. Những người bị chứng đau tim thường là những người không bao giờ cảm thấy vui vẻ. Nếu họ không dành thời gian để cảm nhận những niềm vui của cuộc sống, thì gần như chắc chắn họ phải chịu nhiều hơn nữa những cơn đau tim.
Bạn cảm thấy mình sở hữu thứ nào trong những thứ sau đây: một tấm lòng vàng (quả tim vàng), một trái tim lạnh lẽo, một trái tim rộng mở, một trái tim đen tối, một trái tim đầy yêu thương hay một trái tim nhiệt tình, tốt bụng?
BỤNG là nơi sắp xếp những ý tưởng mới và toàn bộ kinh nghiệm sống mà chúng ta có. Có ai hay điều gì làm bạn không thể “nuốt trôi” không? Điều gì tạo ra khí phách ở bạn?
Khi bụng có vấn đề tức là chúng ta đang không biết làm thế nào để tiêu hóa những trải nghiệm mới, chúng ta đang e ngại. Hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ cái thời khi mà những chuyến bay dân dụng đầu tiên xuất hiện. Và không nghi ngờ gì, việc ngồi bên trong một ống kim loại khổng lồ và để nó mang ta đi một cách an toàn qua những vùng trời khác nhau thật là một ý tưởng không thể nào “tiêu hóa” nổi.
Ở mỗi chỗ ngồi đều có một túi nôn, và hầu hết đều phải sử dụng nó. Chúng ta nôn vào túi ấy một cách thận trọng và kín đáo nhất có thể, gói nó lại và cầm trên tay cho đến khi đưa được cho cô tiếp viên, người mà đã phải dành rất nhiều thời gian chạy tới chạy lui trong khoang để thu gom chúng.
Ngày nay, trải qua rất nhiều năm, những cái túi nôn vẫn được trang bị tại mỗi chỗ ngồi, nhưng chẳng mấy ai phải dùng tới chúng nữa, chúng ta đã “tiêu hóa” được cái ý nghĩ về việc bay lượn này rồi.
U NHỌT không là gì hơn ngoài những nỗi sợ hãi – nỗi sợ hãi khác thường rằng bản thân không đủ tốt. Chúng ta sợ bản thân không đủ tốt với bố mẹ, không đủ tốt với cấp trên. Chúng ta không thể chịu đựng con người thật của mình. Chúng ta moi hết gan ruột mình ra chỉ để làm người khác vui lòng. Bất kể công việc của chúng ta quan trọng như thế nào, thì lòng quý trọng bản thân của chúng ta vẫn rất thấp. Chúng ta luôn sợ họ sẽ nhìn rõ mình.
BỘ PHẬN SINH DỤC đại diện cho phần nữ tính, bản chất đàn bà của người phụ nữ hoặc phần nam tính, bản chất đàn ông của người con trai, là đại diện của những nguyên tắc thuộc về nữ tính hoặc nam tính.
Chúng ta cảm thấy không được thoải mái khi là một người đàn ông hoặc là một người phụ nữ, hay khi chúng ta chỉ trích giới tính của mình, từ chối cơ thể mình hoặc xem nó là dơ bẩn, đầy tội lỗi, vậy thì chúng ta sẽ thường gặp vấn đề với bộ phận sinh dục. Chúng ta ít khi gặp được một người được nuôi nấng trong một gia đình mà mọi thành viên chịu gọi đúng tên và chức năng của cơ quan sinh dục. Tất cả chúng ta lớn lên với những lời nói giảm, nói tránh. Thử nhớ lại những từ nói tránh mà gia đình bạn từng dùng, ví dụ như “chỗ ấy”. Cách gọi tên như thế khiến bạn cảm thấy cơ quan sinh dục là nơi dơ bẩn và kinh tởm. Đúng vậy, tất cả chúng ta đều lớn lên với niềm tin là giữa hai chân mình là thứ gì đó rất tồi tệ.
Tôi cho rằng những cuộc cách mạng về giới tính những năm gần đây là con đường dẫn đến những điều tốt đẹp. Chúng ta đang thoát khỏi thái độ đạo đức giả. Đột nhiên việc có nhiều tình nhân trở thành một vấn đề bình thường và một người phụ nữ vẫn có thể có chuyện tình một đêm. Những cuộc hôn nhân đổi chác trở nên cởi mở hơn. Rất nhiều người trong chúng ta tận hưởng niềm vui và sự tự do của cơ thể mình theo một cách rất mới và cởi mở.
Bất kể mẹ bạn đã dạy bạn điều gì về Chúa Trời khi bạn mới ba tuổi thì điều đó vẫn tồn tại trong tiềm thức của bạn trừ khi bạn đã làm gì đó với ý thức của mình để giải phóng nó. Chúa có phải là một Người giận dữ và luôn có ý định báo thù? Nếu chúng ta tiếp tục mang những cảm giác tội lỗi cố hữu về giới tính và cơ thể của mình, vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ đi đến việc làm gì đó để trừng phạt chính mình.
Những bệnh liên quan đến BÀNG QUANG, HẬU MÔN, hay CHỨNG VIÊM ÂM ĐẠO và vấn đề với TUYẾN TIỀN LIỆT hay DƯƠNG VẬT đều xuất phát từ cùng một khu vực trên cơ thể. Chúng bắt rễ từ những niềm tin méo mó về cơ thể và về chức năng chính xác của từng bộ phận.
Mỗi bộ phận trên cơ thể cùng với chức năng riêng của chúng chính là biểu hiện cao quý của sự sống. Chúng ta đừng nghĩ rằng gan hay mắt của chúng ta là dơ bẩn hay đầy tội lỗi. Chúng ta lựa chọn niềm tin thế nào về cơ quan sinh dục của mình?
Hậu môn thật ra cũng là bộ phận đẹp đẽ như là đôi tai vậy. Không có nó, chúng ta không thể thải ra khỏi cơ thể những gì chúng ta không cần nữa, mà nếu vậy thì chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến cái chết. Mỗi bộ phận, mỗi chức năng trên cơ thể chúng ta là hoàn hảo, bình thường, tự nhiên và đẹp đẽ.
Tôi yêu cầu những khách hàng có các vấn đề sinh lý hãy bắt đầu hiểu và thông cảm với trực tràng, dương vật hoặc âm đạo của họ bằng tri giác yêu thương, hãy đánh giá đúng chức năng và vẻ đẹp của chúng. Nếu bạn cảm thấy khúm núm hoặc giận dữ khi đọc những dòng chữ này, hãy tự hỏi bản thân là tại sao. Ai bảo bạn phải phủ nhận bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể? Cơ quan sinh dục của chúng ta được tạo thành như là một bộ phận thú vị để mang lại cho chúng ta niềm vui. Chối bỏ chúng sẽ khiến chúng ta đau đớn và chịu sự hành hạ. Tình dục không chỉ bình thường, nó còn thú vị và tuyệt vời. Quan hệ tình dục cũng bình thường như việc chúng ta hít thở hay ăn uống vậy.
Thử bỏ ra một khắc để mường tượng về sự bao la rộng lớn của vũ trụ này. Nó vượt xa tầm hiểu biết của con người, thậm chí với khoa học hiện đại nhất cùng với những trang thiết bị tối tân nhất cũng không đo được kích cỡ của vũ trụ này. Giữa vũ trụ bao la có rất nhiều những dải ngân hà. Ở một trong những dải ngân hà bé nhỏ nơi xa xôi có một mặt trời. Xoay quanh mặt trời ở một khoảng cách nhất định là thứ được gọi là Trái đất. Và tôi thấy không thể tin được rằng Đấng Toàn Tri vĩ đại, phi thường đã tạo ra vũ trụ này, lại có thể chỉ là một ông già, ngồi vắt vẻo trên đám mây chỉ để nhìn… bộ phận sinh dục của tôi.
Vẫn còn rất nhiều người được dạy thứ khái niệm kỳ quặc này khi còn là đứa trẻ.
Vấn đề sống còn của chúng ta là phải giải phóng sự ngu dốt, loại bỏ những tư tưởng lạc hậu không thể nâng đỡ hay nuôi dưỡng chúng ta. Tôi có cảm nhận mạnh mẽ rằng thậm chí nếu quan niệm Chúa là một Người cụ thể nào đó thì Người cũng sẽ ủng hộ, chứ không phải chống lại chúng ta. Có rất nhiều tín ngưỡng khác nhau để ta có thể lựa chọn. Nếu tín ngưỡng bạn đang theo đuổi hiện giờ cho rằng bạn chỉ là giun dế hèn mọn, hay là sinh vật mang đầy tội lỗi, hãy từ bỏ và tìm cho mình một tín ngưỡng khác.
Không phải là tôi đang cổ súy cho việc mọi người suốt ngày đi đây đi đó và quan hệ tùy tiện. Tôi chỉ đang cố chỉ ra rằng một vài quy tắc của chúng ta thật chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó là lý do tại sao nhiều người phá bỏ quy tắc, sau đó trở thành những kẻ đạo đức giả.
Khi chúng ta loại bỏ những mặc cảm tội lỗi về giới tính và tình dục ra khỏi một ai đó, dạy họ cách yêu thương và tôn trọng bản thân, tự động họ sẽ đối xử tốt với bản thân và người khác theo những cách có thể mang lại những niềm vui tuyệt vời. Lý do của việc hiện nay chúng ta có quá nhiều vấn đề liên quan đến bản năng sinh dục là bởi vì quá nhiều người trong chúng ta tự bài trừ và ghê tởm bản thân, chính vì vậy mà ta đối xử với chính mình và những người xung quanh theo những cách hết sức tồi tệ.
Trường học chỉ dạy về chức năng của các cơ quan sinh dục là chưa đủ, chúng ta cần nâng lên một cấp độ khác, cần để những đứa trẻ nhớ rằng cơ thể chúng, cơ quan sinh dục và bản năng giới tính của chúng là những thứ đáng để hân hoan. Tôi thực sự tin rằng những người biết yêu thương cơ thể, biết yêu thương chính mình sẽ không bao giờ hành hạ bản thân hay ngược đãi người khác.
Tôi nhận ra rằng những vấn đề của BÀNG QUANG xuất phát từ việc ta thường xuyên nổi điên với những người xung quanh. Những thứ khiến chúng ta tức giận sẽ làm ảnh hưởng đến chất nữ tính hoặc nam tính trong chúng ta. Phụ nữ hay gặp các vấn đề về bàng quang hơn vì họ thường có xu hướng che giấu nỗi đau của mình.
VIÊM ÂM ĐẠO lại thường đi cùng với cảm xúc đớn đau do đối phương mang tới. Các bệnh ở TUYẾN TIỀN LIỆT của đàn ông thì có liên quan đến lòng tự trọng và niềm tin rằng khi lớn tuổi hơn thì khả năng nam giới càng ít đi.
BỆNH LIỆT DƯƠNG tăng cao do sự sợ hãi và đôi khi sợ hãi còn liên kết với lòng oán giận để chống lại những cuộc quan hệ vội vàng.
CHỨNG LÃNH CẢM đến từ nỗi sợ, và niềm tin sai lệch rằng tận thưởng những thú vui của cơ thể là tội lỗi và sai trái. Nó cũng đến từ việc tự kinh tởm bản thân và có thể gia tăng nếu đối phương là một người vô ý.
HỘI CHỨNG TIỀN KINH đã vươn tới tầm vóc của một căn bệnh dịch, nó tồn tại cùng với sự gia tăng của các phương tiện quảng cáo. Những quảng cáo ấy nhồi nhét vào phụ nữ những ý niệm rằng họ cần phải phun lên người, đắp lên mặt và tẩy rửa bằng vô số cách chỉ để cơ thể mình “tạm chấp nhận được”. Thời điểm mà phụ nữ bắt đầu giành vị trí bình đẳng của họ cũng là lúc họ bị tấn công dồn dập bởi những chất vấn rằng những quá trình biểu hiện nữ tính hoàn toàn không chấp nhận được. Quan niệm này, cộng với thói quen tiêu thụ một lượng lớn đường, đã tạo ra một vùng đất màu mỡ sản sinh ra hội chứng tiền kinh.
Những quá trình biểu hiện nữ tính, bao gồm kinh nguyệt và mãn kinh, đều là những quá trình bình thường và tự nhiên, chúng ta phải chấp nhận chúng theo cách của chúng. Cơ thể chúng ta là vật thể đẹp đẽ, lộng lẫy, diệu kỳ.
Theo tôi, BỆNH HOA LIỄU xuất phát từ những điều sai quấy dựa trên giới tính. Nó đến từ cảm xúc và tiềm thức thông thường rằng chúng ta không có quyền giải phóng bản thân về mặt giới tính. Những người mắc bệnh hoa liễu có thể có nhiều bạn tình, nhưng chỉ những người có tinh thần và hệ thống miễn dịch yếu mới mắc phải nó. Theo thống kê, những năm gần đây, nhóm tình dục dị tính đã làm tăng số lượng những ca bị mụn giộp. Đây là căn bệnh cứ trở đi trở lại để “trừng phạt” chúng ta, bởi vì chúng ta luôn cho rằng mình là kẻ xấu xa, tệ hại. Mụn giộp có xu hướng bùng phát dữ dội mỗi khi chúng ta rơi vào trạng thái suy sụp. Điều đó nhắc nhở chúng ta rất nhiều.
Giờ thì hãy dùng lý thuyết này với cộng đồng những người đồng tính nam, những người cũng mắc bao vấn đề giống như mọi người khác, thậm chí còn tệ hơn khi cả xã hội cứ chỉ trỏ vào họ và bảo họ là xấu xa tệ hại. Thông thường thì chính bố mẹ của họ cũng luôn luôn gọi họ là những kẻ xấu xa, tệ hại. Đây sẽ là một gánh nặng rất lớn và thật khó để yêu thương chính mình khi rơi vào hoàn cảnh như thế. Không quá ngạc nhiên khi những người đồng tính nam rơi vào nhóm những người có nguy cơ cao nhất mắc căn bệnh khủng khiếp nhất, bệnh AIDS.
Trong xã hội những người dị tính, rất nhiều phụ nữ kinh sợ việc già đi, bởi vì họ đang ở trong một xã hội chỉ tin vào sự huy hoàng của tuổi trẻ. Trong khi đó, già đi không phải là vấn đề gì quá lớn đối với đàn ông, họ chỉ khác đi một chút, với mái tóc hoa râm. Những người đàn ông lớn tuổi còn thường nhận được sự tôn trọng và mọi người có thể còn ngưỡng mộ ông ta.
Nhưng điều đó lại không đúng đối với hầu hết những người đồng tính nam, vì họ đã tạo dựng ra một loại văn hóa cực kỳ coi trọng tuổi trẻ và vẻ đẹp. Và trong khi mọi người đều có tuổi trẻ, thì chỉ số ít có đủ tiêu chuẩn để gọi là đẹp. Chú trọng quá nhiều vào dáng vẻ bề ngoài của cơ thể sẽ khiến những xúc cảm bên trong hoàn toàn bị phớt lờ. Ở cộng đồng ấy, nếu bạn không còn trẻ và không đẹp, thì bạn không là gì cả. Họ không quan tâm con người bạn thế nào, họ chỉ quan tâm cơ thể bạn ra sao.
Lối suy nghĩ này là sự hổ thẹn đối với nền văn hóa nhân loại. Nó cũng giống như một cách nói khác của câu: “Đồng tính thì không tốt”.
Do cách người này đối xử với người kia trong cộng đồng đồng tính nam mà rất nhiều người trong số họ học được rằng già đi là một điều gì đó cực kỳ khủng khiếp, họ cho rằng thà chết còn hơn là già đi. Và bệnh AIDS là thứ thường giết chết họ.
Những người đồng tính nam thường cho rằng khi họ già đi, họ sẽ trở nên vô dụng và không ai cần đến, nên tốt hơn là họ tự hủy hoại chính mình trước. Nhiều người đồng tính vì vậy mà đã cố sống một lối sống tự hủy hoại bản thân. Một vài quan niệm và thái độ được xem như là một phần lối sống của những người đồng tính ấy, như quan hệ chóng vánh, hoặc thái độ không ngừng phán xét, cự tuyệt sự tiếp cận của người khác, v.v… là rất ngu ngốc. Và AIDS là một căn bệnh rất tàn ác.
Những kiểu thái độ và lối cư xử ấy chỉ có thể tạo ra những tội lỗi ở mức độ rất nặng nề, bất kể chúng ta cố gắng “ngụy trang” bao nhiêu. Sự ngụy trang có thể mang đến nhiều niềm vui nhưng cũng có thể phá hủy mọi thứ, với cả người cho và người nhận. Nó là một cách thức khác để lảng tránh sự gần gũi hay thân mật.
Tôi hoàn toàn không có ý muốn đổ tội lên ai đó. Nhưng chúng ta cần phải nhìn vào những thứ cần được thay đổi, với mục đích làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành một hàm số của tình yêu, niềm vui và sự tôn trọng. Năm mươi năm trước, hầu hết những người đồng tính nam đều phải sống ẩn mình, nhưng giờ đây họ đã có thể tạo dựng một cộng đồng trong xã hội, nơi mà ít nhất họ có thể có những mối quan hệ rộng hơn. Tôi cảm thấy thật buồn khi những người đồng tính lại tạo ra quá nhiều nỗi đau cho nhau. Trong khi chúng ta thường cảm thấy thương xót cho cách những người đàn ông “thẳng” đối xử với những người đồng tính, mà quên rằng cách người đồng tính đối xử với người đồng tính còn bi kịch hơn nhiều.
Đàn ông thường có nhiều bạn tình hơn phụ nữ, và khi hai người đàn ông đến với nhau, dĩ nhiên hoạt động tình dục cũng nhiều hơn. Vài người đàn ông muốn có nhiều bạn tình để thỏa mãn nhu cầu chỉ vì lòng tự trọng chứ không vì thật sự tận hưởng niềm vui của chuyện đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta để mình say túy lúy mỗi đêm, hoặc tìm đến dịch vụ tình dục chỉ để chứng tỏ bản thân, thì chẳng có gì tốt đẹp cả. Chúng ta cần phải thay đổi nhiều hơn về mặt tinh thần.
Đây là lúc để chúng ta trị liệu, là lúc để tạo ra sự khỏe mạnh, không phải là lúc lên án hay kết tội. Chúng ta phải vươn ra khỏi giới hạn của quá khứ. Tất cả chúng ta đều là hiện thân của sự cao quý và đẹp đẽ của cuộc sống. Hãy khẳng định điều đó từ bây giờ.
ĐẠI TRÀNG tượng trưng cho khả năng buông bỏ, giải phóng những thứ không cần thiết với chúng ta nữa. Cơ thể chúng ta tồn tại trong nhịp điệu và dòng chảy của cuộc sống, cần phải có sự cân bằng giữa sự nạp vào, tiêu hóa và thải ra. Chỉ duy nhất nỗi sợ hãi là thứ đã khóa chặt việc loại bỏ những gì đã trở thành cũ kỹ.
Dù những người bị TÁO BÓN không hẳn là những người bủn xỉn, nhưng họ thường không bao giờ tin rằng những gì mình đang có là đủ. Họ giữ chặt những mối quan hệ xưa cũ khiến họ cảm thấy đau đớn. Họ không muốn vứt bỏ quần áo cũ được treo trong tủ năm này qua tháng nọ vì họ e rằng một lúc nào đó sẽ cần đến chúng. Họ mắc kẹt trong hàng tá công việc ngột ngạt và không mang lại bất kỳ niềm vui nào bởi vì họ phải tằn tiện cho những ngày mưa gió. Chúng ta không được lục lọi túi rác cũ của ngày hôm qua để nấu bữa ăn cho hôm nay. Chúng ta cần học cách tin rằng cuộc sống diễn tiến theo cách luôn mang đến cho ta những gì ta cần.
ĐÔI CHÂN đưa chúng ta tiến lên trong cuộc sống. Khi chân xảy ra vấn đề, chính là biểu hiện của nỗi sợ tiến về phía trước, hoặc không sẵn lòng tiến bước dưới một chỉ thị nào đó. Chúng ta chạy nhảy trên đôi chân của mình, chúng ta kéo lê nó hay rón rén bước đi, chúng ta có thể có đôi chân vòng kiềng hoặc ngón chân bồ câu (ngón chân quặp), và chúng ta có một cặp đùi to, mập mạp, nhức nhối, tất cả đều xuất phát từ những oán giận thời thơ ấu. Việc không muốn làm một điều gì đó thường sẽ phản ánh thành những vấn đề ở đôi chân. CHỨNG GIÃN TĨNH MẠCH là biểu hiện của việc chúng ta mắc kẹt trong một công việc mà mình ghét. Tĩnh mạch đánh mất khả năng chuyên chở niềm vui của nó.
Và bạn, bạn có đang đi theo đúng con đường mà bạn muốn không?
ĐẦU GỐI cũng giống như cổ, có liên quan đến sự mềm dẻo, linh hoạt. Chỉ có chúng là biểu hiện của sự khuất phục và lòng kiêu hãnh, của cái tôi và cả tính ngoan cố. Trong hành trình tiến về phía trước, chúng ta thường sợ hãi sự khuất phục, vì vậy chúng ta trở nên cứng rắn hơn, điều này làm xơ hóa các khớp xương. Chúng ta muốn tiến về phía trước, nhưng chúng ta không muốn thay đổi hướng đi của mình, đây là lý do khiến việc chữa trị cho đầu gối thường tốn nhiều thời gian, vì nó liên quan đến cái tôi, lòng kiêu hãnh và tính tự cho là đúng của chúng ta.
Lần tới, khi có bất kỳ vấn đề gì về đầu gối, bạn hãy tự hỏi bản thân xem đâu là điểm bạn luôn tự cho mình là đúng, đâu là điểm bạn cự tuyệt thỏa hiệp. Hãy vứt bỏ tính ngoan cố của bạn đi. Cuộc sống là một dòng chảy, cuộc sống vận động không ngừng, vì thế để sống thoải mái, chúng ta cần linh hoạt và di chuyển cùng nhịp với cuộc sống. Cây liễu uốn éo và lắc lư theo chiều gió, chính vì thế sự sống của nó rất duyên dáng và thanh nhàn.
BÀN CHÂN liên quan đến sự hiểu biết của chúng ta về bản thân và về cuộc sống – cuộc sống ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhiều người già gặp khó khăn trong việc đi đứng là bởi óc suy xét của họ đã bị bóp méo, họ thường xuyên cảm thấy không còn nơi chốn nào để đi. Trong khi những đứa trẻ luôn chạy nhảy trên đôi chân một cách vui vẻ, thì những người sắp đến tuổi già lại chỉ lê chân một cách miễn cưỡng.
LÀN DA đại diện cho tính cá nhân của chúng ta. Khi có vấn đề gì đó với làn da, nghĩa là bằng cách nào đó bạn cảm thấy tính cá nhân của mình đang bị đe dọa, bạn cảm thấy người khác đang có quyền lực chi phối mình. Bạn là một người rất dễ tự ái. Mọi dự báo đều nằm dưới làn da. Vì vậy, nếu bạn cảm nhận được sức sống của làn da, nghĩa là nghị lực của bạn tồn tại ngay dưới làn da của mình.
Một trong những cách nhanh nhất để chữa trị những bệnh về da là nuôi dưỡng chính mình bằng cách lặp đi lặp lại hàng trăm lần trong đầu mỗi ngày câu nói: “Tôi chấp nhận bản thân mình”. Hãy giành lại quyền lực của chính bạn đối với bản thân.
TAI NẠN thường không phải là tai nạn, chính chúng ta đã tạo ra chúng, giống như mọi thứ khác trong cuộc sống. Dĩ nhiên chúng ta không nói: “Tôi muốn bị tai nạn”, nhưng trong đầu chúng ta thường có những kiểu mẫu tư tưởng có thể thu hút các loại tai nạn. Một số người dường như có “thiên hướng” gặp tai nạn, trong khi những người khác có thể trải qua cả cuộc đời mà thậm chí không có một vết trầy xước.
Tai nạn là biểu hiện của giận dữ. Nó là biểu hiện của sự thất vọng liên tiếp đến từ việc cảm thấy thiếu tự do để lên tiếng cho chính mình. Tai nạn xảy ra cũng cho thấy xu hướng nổi loạn chống lại những người có thế lực. Chúng ta tức giận đến phát điên, chúng ta muốn làm tổn thương người khác, nhưng thay vào đó, chúng ta bị tổn thương.
Khi chúng ta cảm thấy giận dữ với chính mình, hay khi chúng ta cảm thấy tội lỗi, cảm thấy cần có sự trừng phạt, những tai nạn và rủi ro sẽ tìm được phương thức đáng ngạc nhiên để lo liệu những việc đó cho chúng ta.
Chúng ta thường cho rằng tai nạn xảy ra không phải là lỗi của chúng ra, rằng chúng ta chỉ là nạn nhân bơ vơ của trò đùa số phận. Tai nạn và rủi ro còn khiến chúng ta có được sự đồng cảm và chú ý từ người khác, chính chúng ta cũng chìm đắm và suốt ngày để ý đến những thương tích đó, chúng ta thường nằm nghỉ ngơi trên giường trong những khoảng thời gian rất dài. Nhưng chúng ta sẽ chỉ ngày một đau đớn hơn.
Khi một đau đớn nào đó xảy ra trên cơ thể, đó chính là manh mối của một điều gì đó mà chúng ta cảm thấy tội lỗi trong cuộc sống. Những mất mát trên thân thể cho thấy chúng ta trừng phạt bản thân đến mức nào và lời tuyên án phải kéo dài trong bao lâu.
Chứng BIẾNG ĂN hoặc CUỒNG ĂN là sự phủ nhận bản chất sự sống, là một dạng thức tiến hóa của việc căm ghét bản thân.
Thức ăn là sự nuôi dưỡng ở mức độ căn bản nhất. Tại sao bạn lại chối bỏ việc nuôi dưỡng chính mình? Tại sao bạn muốn chết? Cuộc sống của bạn có chuyện gì đến mức bạn muốn thoát ly hẳn với cuộc sống như vậy.
Việc căm ghét bản thân thật ra chỉ là căm ghét những suy nghĩ của bạn về bản thân mình, mà suy nghĩ thì có thể thay đổi.
Bạn cảm thấy điều gì ở bản thân là kinh khủng nhất? Gia đình của bạn, hậu phương của bạn có phải là nơi chỉ có sự chỉ trích và phê phán? Và bạn nữa, bạn có từng chỉ trích giáo viên của mình? Tôn giáo mà bạn theo đuổi gần đây có nói rằng bạn “không tốt” hay không? Chúng ta phải thường xuyên tìm hiểu những nguyên do có lý để giải thích tại sao chúng ta không được yêu thương và được chấp nhận như chính con người mình.
Chính sự ám ảnh về thân hình mảnh mai của ngành công nghiệp thời trang mà rất nhiều phụ nữ tự nhủ với chính mình: “Tôi không đẹp, tôi chẳng là gì cả”, và họ sử dụng cơ thể mình như là một trung tâm của sự tự căm ghét. Đến mức họ thường nói: “Nếu tôi không gầy đi, thì họ sẽ không thích tôi”. Nhưng việc gầy - ốm thật ra chẳng mang lại gì cả.
Không có kết quả nào đến từ bên ngoài, chính sự tự phê chuẩn, tự chấp nhận mới là chìa khóa của mọi cánh cửa.
VIÊM KHỚP là căn bệnh đến từ thói quen phê phán không ngớt. Đầu tiên là phê phán bản thân, sau đó là phê phán người khác. Những người bị viêm khớp thường thu hút nhiều sự phê phán từ người khác bởi vì bản thân họ là kiểu người thích phê phán. Họ bị mắc phải lời nguyền của “chủ nghĩa cầu toàn”, luôn muốn sự hoàn hảo mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.
Trên hành tinh này, bạn có từng gặp người nào có thể gọi là hoàn hảo chưa? Tôi thì chưa. Tại sao chúng ta phải đặt ra những tiêu chuẩn trở thành những người vượt trội, chỉ để được tạm chấp nhận? Cầu toàn là một biểu hiện mạnh mẽ của lối tư tưởng “không đủ tốt”, là một gánh nặng vượt quá sức con người.
SUY NHƯỢC đến từ những yêu thương, bảo bọc sai cách, dẫn đến nhiều người cảm thấy họ không có quyền thể hiện bản thân. Những đứa trẻ suy nhược thường “có lương tâm” một cách thái quá. Chúng thường cảm thấy tội lỗi đối với bất kỳ sai trái nào xảy ra xung quanh, chúng cảm thấy không xứng đáng, cảm thấy có lỗi, và cần phải tự trừng phạt bản thân.
Sự thay đổi về địa lý thỉnh thoảng cũng giúp ích cho những người bị suy nhược, nhất là những người có gia đình tan vỡ.
Thông thường, những đứa trẻ bị suy nhược sẽ tự thoát ra khỏi tình trạng này. Nghĩa là khi chúng tìm được cách nào đó để rời khỏi nhà, như đi học, kết hôn, thì chứng suy nhược sẽ dần biến mất. Thường thì giai đoạn sau của cuộc sống, những trải nghiệm xảy đến trong đời sẽ “ấn” phải “nút khởi động” chứng suy nhược vốn có của họ, và họ lại bị công kích lần nữa. Khi họ bị suy nhược lần nữa, nguyên nhân thường không phải từ diễn biến của hoàn cảnh hiện tại, mà đúng hơn là những gì từng xảy ra từ thời thơ ấu của họ vẫn ảnh hưởng đến giờ.
NHỌT và VẾT BỎNG, VẾT CẮT, SỐT, NHỮNG CƠN ĐAU, CHỨNG MỆT MỎI SAU KHI ĂN, CÁC LOẠI VIÊM NHIỄM đều là sự biểu lộ của tức giận thông qua cơ thể. Sự giận dữ sẽ tự tìm cách để thể hiện ra bên ngoài dù cho chúng ta có cố gắng kìm nén nó bao nhiêu đi nữa. Hãy nhớ rằng khi hơi nước tích tụ lại, nó cần phải được thoát ra. Chúng ta sợ hãi sự giận dữ của mình, chúng ta sợ rằng chúng ta có thể hủy hoại mọi thứ, nhưng thật ra chúng ta có thể xóa bỏ sự giận dữ một cách đơn giản bằng cách nói to: “Tôi đang cảm thấy tức giận vì điều này đấy”. Thật vậy, chúng ta luôn có thể nói điều đó với sếp của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đấm lên giường, la hét trong xe, hay chơi tennis, đấy là những cách tự nhiên vô hại có thể giúp giải phóng những tức giận trong lòng.
Những người theo tâm linh thường tin rằng họ không nên giận dữ. Đúng vậy, chúng ta luôn cố gắng từng giờ, từng phút để đạt đến trạng thái không còn đổ lỗi cho người khác vì những xúc cảm của mình nữa. Nhưng trước khi đạt được điều đó, sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu chúng ta hiểu rõ cảm giác của mình trong từng khoảnh khắc.
UNG THƯ là căn bệnh có nguyên nhân từ những oán hận sâu sắc tích tụ lâu ngày trong lòng cho đến khi nó bùng phát và ăn mòn cơ thể. Điều gì đó xảy ra ở tuổi thơ có thể hủy hoại niềm tin ở chúng ta. Loại trải nghiệm đó là thứ không thể quên được, và người đó sẽ mãi sống trong cảm giác tự thương hại mình, cảm thấy thật khó khăn để phát triển những mối quan hệ lâu dài và nhiều ý nghĩa. Bởi vì hệ thống niềm tin ấy, mà người ta có thể cảm thấy cuộc sống là một chuỗi dài những thất vọng. Cảm giác tuyệt vọng, trạng thái bơ vơ và mất mát ngập tràn trong từng suy nghĩ, khiến cho chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của mình. Những người mắc bệnh ung thư còn là người hay tự phê phán bản thân. Với tôi, học cách yêu thương và chấp nhận bản thân chính là chìa khóa chữa lành căn bệnh ung thư.
THỪA CÂN là biểu hiện của việc một người có cảm giác cần được bảo vệ. Chúng ta thường tìm kiếm sự bảo vệ từ những đau đớn, từ cơ thể thon gầy, từ bản năng và những thúc đẩy tình dục, từ nỗi sợ cuộc sống nói chung và nói riêng trong một số trường hợp. Hãy xem trường hợp của bạn là đến từ đâu.
Tôi không phải là một người thừa cân; tuy vậy, qua năm tháng, tôi đã học được rằng khi tôi cảm thấy quá bấp bênh hoặc không thoải mái, tôi sẽ bị tăng một vài ký. Khi mối đe dọa qua đi, số cân thừa sẽ tự động biến mất theo cách của nó. Chống lại sự thừa cân là việc làm lãng phí thời gian và năng lượng. Ăn kiêng sẽ không giúp ích gì cả, ngay khi bạn ngừng ăn kiêng, cân nặng sẽ lại tăng lên. Cách ăn kiêng tốt nhất tôi từng biết là yêu thương và chấp nhận bản thân, tin tưởng vào những quá trình sống, nuôi dưỡng cảm giác an toàn bởi vì chúng ta đều biết sức mạnh của tâm trí mình. Hãy bắt đầu giảm cân bằng việc kiêng khem những suy nghĩ tiêu cực, và cân nặng của bạn sẽ tự biết cách điều chỉnh hợp lý.
Nhiều bậc cha mẹ cứ nhồi nhét thức ăn vào miệng con, bất kể những vấn đề có thể xảy ra. Nếu những đứa trẻ ấy lớn lên, hễ mở cửa cái tủ lạnh thì lại nói: “Tôi không biết tôi muốn ăn gì nữa”, tức là đã có vấn đề rồi đấy.
Đối với tôi, bất kỳ loại ĐAU ĐỚN nào cũng là biểu hiện của cảm giác tội lỗi. Tội lỗi thì luôn tìm kiếm sự trừng phạt, mà trừng phạt thì dẫn đến đau đớn. Những đau đớn mãn tính đến từ những cảm giác tội lỗi “mãn tính”, thường được chôn giấu sâu kín đến nỗi chúng ta không thể nhận ra chúng nữa.
Cảm giác tội lỗi là thứ xúc cảm hoàn toàn vô dụng với chúng ta. Nó không giúp thay đổi tình hình, cũng không bao giờ giúp bất kỳ ai đó cảm thấy tốt hơn.
Không ai phán xét bạn nữa, vì thế hãy giải thoát mình khỏi ngục tù. Khoan dung là cách duy nhất để buông bỏ.
ĐỘT QUỴ là do tắc nghẽn máu, do những xung huyết của hệ thống mạch máu vùng não, làm cắt đứt nguồn cung của máu lên não. Bộ não chính là cơ quan điều khiển trung tâm của cả cơ thể. Máu là niềm vui, động mạch và tĩnh mạch là những kênh chuyên chở niềm vui ấy. Mọi thứ trong cuộc sống đều hoạt động dưới quy luật và ảnh hưởng của tình yêu.
Từng mẩu nhỏ nhất của tri thức vũ trụ đều tồn tại tình yêu. Nếu không có được sự thương yêu và vui vẻ thì không ai, không một chức năng nào có thể hoạt động tốt được.
Suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến não chúng ta bị tắc nghẽn, khi đó sẽ không còn không gian để tình yêu và niềm vui lưu chuyển trong não một cách tự do, phóng khoáng nữa.
Nếu không được phép phát ra một cách hồn nhiên và tự do, tiếng cười sẽ không thể tồn tại. Tình yêu và niềm vui cũng vậy. Cuộc sống này không quá khắc nghiệt, trừ khi chúng ta khiến nó phải như vậy, cuộc sống này cũng không khắc nghiệt trừ khi chúng ta lựa chọn nhìn nhận nó theo cách đó. Chúng ta có thể gặp những bất hạnh thật sự từ những xáo trộn nhỏ nhất, hoặc ta có thể tìm được niềm vui từ những bi kịch lớn lao, tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn.
Đôi khi chúng ta cố ép cuộc đời mình đi theo một con đường nào đó trong khi đấy không phải là con đường tốt nhất cho chúng ta. Đôi khi chúng ta cố gắng gượng ép bản thân đi theo một hướng khác hoàn toàn, để đánh giá lại lối sống của mình.
SỰ XƠ CỨNG của cơ thể tượng trưng cho sự xơ cứng của trí óc. Nỗi sợ hãi khiến chúng ta bấu víu vào những con đường cũ và chúng ta thấy thật khó để trở nên mềm dẻo. Nếu chúng ta tin rằng “chỉ có duy nhất một con đường” để làm điều gì đó, thường chúng ta sẽ thấy bản thân mình trở nên cứng nhắc. Chúng ta luôn có thể tìm ra một cách khác để làm mọi chuyện. Hãy nhớ đến Virginia Statir và hơn 250 cách rửa chén bát khác nhau của bà.
PHẪU THUẬT có vị trí riêng của nó. Nó thích hợp trong những trường hợp như gãy xương, tai nạn và trong những điều kiện vượt quá khả năng của một người mới bắt đầu hóa giải. Các chứng bệnh này có thể được chữa khỏi nhờ phẫu thuật. Tuy nhiên, việc dùng các thiết bị kim loại trên bàn mổ chỉ có thể làm lành vết thương da thịt còn vết thương tâm hồn và cuộc sống thì hoàn toàn không.
Ngày càng có nhiều con người tuyệt vời trong nghề y thật sự tận tụy với việc cứu giúp nhân loại. Ngày càng có nhiều bác sĩ đang chuyển sang sử dụng những cách chữa trị toàn diện. Nhưng hầu hết các bác sĩ không giải quyết được nguyên nhân của bất cứ chứng bệnh nào, họ chỉ chữa các triệu chứng và hậu quả.
Họ làm việc này bằng một trong hai cách sau: họ đầu độc hoặc cắt xẻo. Nhiệm vụ của các bác sĩ phẫu thuật là cắt, nếu bạn đến gặp họ, thường thì họ sẽ đề nghị cắt. Nhưng nếu quyết định làm phẫu thuật, thì hãy tự chuẩn bị tâm thế cho trải nghiệm này để vượt qua trơn tru nhất có thể và bạn sẽ lành lặn sớm nhất có thể.
Hãy đề nghị bác sĩ và ban phẫu thuật hợp tác với bạn trong vấn đề này. Các nhà phẫu thuật và nhóm của họ trong phòng mổ thường không biết rằng mặc dù bệnh nhân không còn ý thức, nhưng họ vẫn có thể nghe và cảm nhận được mọi lời nói ở mức độ tiềm thức.
Tôi từng nghe một người lãnh đạo phong trào Thế hệ Mới (New Age) nói rằng có lần bà cần được phẫu thuật cấp cứu, trước khi ca mổ diễn ra, bà đã nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê. Bà nhờ họ bật nhạc nhẹ trong quá trình phẫu thuật, rồi còn yêu cầu họ nói liên tục với bà và nói với nhau những lời khẳng định tích cực. Bà nhờ người y tá trong phòng hồi sức làm điều tương tự, để ca phẫu thuật diễn ra thật êm xuôi, quá trình hồi phục cũng nhanh chóng và dễ chịu hơn.
Với các bệnh nhân của mình, tôi luôn đề nghị họ khẳng định rằng: “Mỗi bàn tay chạm vào tôi trong bệnh viện đều là một bàn tay chữa lành và chỉ thể hiện duy nhất tình yêu thương” và “Ca phẫu thuật sẽ diễn ra thật nhanh chóng, dễ dàng và hoàn hảo”. Một câu khác nữa: “Tôi lúc nào cũng hoàn toàn dễ chịu”.
Sau ca phẫu thuật, hãy nghe những loại nhạc nhẹ nhàng, êm dịu càng nhiều càng tốt và hãy tự khẳng định: “Tôi đang lành vết thương nhanh chóng, dễ chịu và hoàn toàn”. Hãy tự nói với mình: “Mỗi ngày tôi lại cảm thấy khá hơn”.
Nếu có thể, hãy tự thu âm những câu nói tích cực này. Nghe đi nghe lại đoạn băng ghi âm đó trong bệnh viện trong khi bạn nghỉ ngơi và hồi phục. Hãy chú ý đến cảm giác, đừng để ý đến cơn đau. Tưởng tượng rằng tình yêu đang chảy từ tim bạn, tràn xuống cánh tay, rồi đến bàn tay. Đặt bàn tay lên chỗ đang được chữa trị và nói với chỗ đó: “Tao yêu mày lắm và tao đang giúp mày khỏe lên”.
SƯNG PHỒNG trên cơ thể tượng trưng cho sự tắc nghẽn và ứ đọng trong tư duy cảm xúc. Chúng ta tạo ra những tình huống làm “đau” bản thân mình và chúng ta bám víu vào các ký ức. Sưng phồng thường thể hiện những giọt nước mắt bị kìm nén, cảm giác sa lầy và mắc bẫy, hay đổ lỗi cho người khác vì những hạn chế của mình.
Hãy buông bỏ quá khứ, để nó trôi đi. Hãy lấy lại sức mạnh. Đừng day dứt vì những điều bạn không muốn nữa. Hãy dùng trí óc của bạn để tạo ra những gì bạn “thật sự muốn”. Hãy thả trôi bản thân theo dòng đời.
UNG BƯỚU là những khối u giả tạo. Một con trai bị mắc một hạt cát nhỏ và để tự bảo vệ mình, nó bọc một lớp vỏ cứng và sáng bóng quanh hạt cát đó. Chúng ta gọi đó là ngọc trai và nghĩ rằng nó thật đẹp.
Chúng ta chịu một cơn đau và nuôi dưỡng nó, kéo theo một lớp vảy bao quanh, lúc đó chúng ta có một khối u.
Tôi gọi điều này là chiếu lại một cuốn phim cũ. Tôi tin rằng lý do khiến phụ nữ có quá nhiều khối u ở khu vực tử cung là vì họ phải chịu một cơn đau về cảm xúc, một cú đánh vào sự nữ tính của họ và dung dưỡng nó. Tôi gọi điều này là hội chứng “Anh ta xử tệ với tôi”.
Bạn thân mến, một mối quan hệ kết thúc không có nghĩa là có chuyện gì tệ hại xảy ra với chúng ta, điều đó cũng chẳng làm lòng tự trọng của chúng ta giảm đi.
Vấn đề không phải là chuyện đã xảy ra, mà vấn đề là chúng ta phản ứng với chuyện đó như thế nào. Mỗi người chúng ta đều chịu trách nhiệm cho tất cả những gì chúng ta trải qua. Bạn cần thay đổi những niềm tin nào về bản thân mình để có thể thu hút nhiều cách cư xử yêu thương hơn?
Trong cuộc đời vô tận
mà tôi đang sống,
tất cả đều hoàn hảo
và tốt đẹp tuyệt vời.
Tôi nhận ra cơ thể mình
là người bạn tốt nhất.
Mỗi tế bào đều có
sự thông tuệ thiêng liêng.
Tôi lắng nghe
những gì chúng mách bảo,
và tôi biết
những lời khuyên ấy thật mạnh mẽ.
Tôi luôn an toàn,
được bảo vệ và được dẫn dắt.
Tôi chọn
trở nên khỏe mạnh và thảnh thơi.
Trong thế giới của tôi,
mọi sự đều tốt đẹp.
“Tôi khỏe mạnh, lành lặn và viên mãn.”