C
ơ thể tôi không khỏe
“Cơ thể tôi đau, chảy máu, nhức nhối, trầy trụa, đau đớn đến quằn quại. Đầu tôi như muốn nổ tung. Đôi chân tôi mỏi nhừ. Da tôi phồng rộp, lão hóa. Mắt mờ. Tai điếc. Thân thể tôi như đang mục nát dần...”. Tất cả điều này, cộng thêm bất cứ lời than vãn nào khác bạn có thể nghĩ ra, tôi nghĩ tôi đều đã từng nghe qua.
Các mối quan hệ của tôi không tốt
“Bọn họ khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, trống rỗng. Họ đòi hỏi ở tôi quá nhiều nhưng lại không hề giúp đỡ, lúc nào cũng chỉ trích mà không chút thương yêu. Họ không bao giờ để tôi yên. Họ chĩa mũi giáo vào tôi mọi lúc, nhưng lại không muốn tôi làm phiền họ. Họ đối xử tệ với tôi. Họ không bao giờ lắng nghe tôi nói...”. Tất cả điều này, cộng thêm bất cứ lời than vãn nào khác bạn có thể nghĩ ra, tôi nghĩ tôi đều đã từng nghe qua.
Tài chính của tôi gặp trục trặc
“Tài khoản của tôi hiếm khi còn tiền. Tiền không bao giờ là đủ. Tiền là thứ nằm ngoài tầm với của tôi. Tiền chi ra còn nhanh hơn thu vào. Tiền không đủ chi trả các hóa đơn. Tiền luôn trượt qua kẽ tay tôi…”. Tất cả điều này, cộng thêm bất cứ lời than vãn nào khác bạn có thể nghĩ ra, dĩ nhiên tôi đều đã từng nghe qua.
Cuộc đời tôi thật bế tắc
“Tôi không bao giờ đạt được thứ mình muốn. Tôi không làm hài lòng được bất cứ ai. Tôi thậm chí không biết mình muốn gì nữa. Tôi bận tối mắt tối mũi. Những thứ tôi cần, những điều tôi mong mỏi thì chẳng bao giờ có được. Tôi chỉ làm điều này để làm vui lòng người ta. Tôi cứ như miếng thảm lót chân. Chẳng ai quan tâm tôi muốn gì. Tôi chẳng có tài gì, cũng chẳng làm việc gì ra hồn. Tôi chỉ biết trì hoãn. Không có gì tốt đẹp xảy đến với tôi cả…”. Tất cả điều này, cộng thêm bất cứ lời than vãn nào khác bạn có thể nghĩ ra, dĩ nhiên tôi đều đã từng nghe qua.
Bất cứ khi nào tôi hỏi một bệnh nhân mới rằng cuộc sống của họ đang như thế nào, tôi thường nhận được một, thậm chí là nhiều câu trong những câu trả lời ở trên. Họ tưởng họ biết nguyên nhân của vấn đề, nhưng tôi biết những lời phàn nàn này chỉ là kết quả bên ngoài của những khuôn mẫu suy nghĩ bên trong của họ mà thôi. Nằm sâu bên dưới những khuôn mẫu suy nghĩ ấy mới thực sự là khuôn mẫu nền tảng, cốt lõi của mọi vấn đề.
Tôi lắng nghe từng lời họ nói khi đặt ra cho họ một số câu cơ bản như:
- Điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn?
- Tình hình sức khỏe của bạn thế nào?
- Bạn làm nghề gì để sống?
- Bạn có yêu thích công việc của mình không?
- Tình hình tài chính của bạn thế nào?
- Đời sống tình cảm của bạn ra sao?
- Mối quan hệ gần đây nhất vì sao lại kết thúc?
- Và mối quan hệ trước đó vì sao lại kết thúc?
- Hãy kể ngắn gọn về tuổi thơ của bạn.
Tôi cũng quan sát những chuyển động của cơ thể và những thay đổi trên khuôn mặt họ, nhưng chủ yếu tôi lắng nghe những lời họ nói. Suy nghĩ và lời nói sẽ tạo ra những trải nghiệm trong tương lai. Khi lắng nghe họ nói chuyện, tôi có thể dễ dàng hiểu được vì sao họ gặp phải những vấn đề này. Những từ ngữ họ sử dụng thể hiện lối suy nghĩ của họ. Đôi khi câu từ họ dùng lại không phù hợp với những trải nghiệm họ mô tả. Vì thế, tôi biết hoặc họ không thực sự hiểu được chuyện gì đang xảy ra, hoặc họ đang nói dối tôi. Một trong hai lý do trên đều là xuất phát điểm giúp chúng ta biết nên bắt đầu từ đâu.
Bài tập: TÔI PHẢI
Tiếp theo, tôi đưa cho họ giấy, bút và bảo họ viết ra giấy:
TÔI PHẢI
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
..............................................................................................
Tôi yêu cầu họ viết ra một danh sách khoảng năm hay sáu điều. Nhiều người cảm thấy khó khăn khi mới bắt đầu, một số lại cảm thấy có quá nhiều thứ để viết đến nỗi khó mà ngừng lại.
Sau đó, tôi bảo họ đọc to toàn bộ danh sách, bắt đầu mỗi câu bằng “Tôi phải…”. Mỗi câu họ đọc xong, tôi đều hỏi: “Tại sao?”.
Các câu trả lời hóa ra rất thú vị và tiết lộ được nhiều thứ, ví dụ như:
- Mẹ tôi bảo tôi phải như vậy.
- Bởi vì tôi không yên tâm nếu không làm điều đó.
- Bởi vì tôi phải trở nên hoàn hảo.
- À, mọi người đều như thế mà.
- Bởi vì tôi quá lười, quá thấp, quá cao, quá mập, quá ốm, quá ngốc, quá xấu, quá vô dụng.
Những câu trả lời trên cho thấy họ bị mắc kẹt như thế nào vào những gì họ tin và những gì họ nghĩ là giới hạn của họ.
Tôi không bình luận gì về các câu trả lời của họ. Khi họ đọc xong danh sách của mình, tôi nói về từ “phải”.
Tôi tin rằng từ “phải” là một trong những từ nguy hiểm nhất trong ngôn ngữ của chúng ta. Mỗi khi dùng từ “phải”, thực ra ta đang nói về việc mình “sai lầm”, nghĩa là ta đang, đã hoặc sắp phạm sai lầm. Và tôi không nghĩ chúng ta cần thêm nhiều lầm lỗi trong cuộc sống. Ta cần tự do trong lựa chọn. Tôi muốn xóa vĩnh viễn từ “phải” khỏi kho từ vựng. Tôi sẽ thay thế nó bằng từ “có thể”. Từ “có thể” cho phép chúng ta lựa chọn, và ta sẽ không bao giờ sai lầm nữa.
Rồi tôi bảo họ đọc lại danh sách từng dòng một, chỉ khác là lần này bắt đầu mỗi dòng bằng câu: “Nếu thực sự muốn làm, tôi có thể...”. Điều này giống như mang vấn đề ra, soi nó dưới ánh sáng hoàn toàn mới mẻ.
Và khi họ làm thế, tôi nhẹ nhàng hỏi họ: “Tại sao bạn không làm điều đó?”. Bây giờ, chúng ta sẽ nghe được câu trả lời khác hẳn:
- Tôi không muốn.
- Tôi ngại.
- Tôi không biết cách.
- Vì tôi không đủ giỏi.
- v.v…
Tôi thường nhận thấy họ đã tự nhiếc móc bản thân nhiều năm vì một việc nào đó mà ngay từ đầu họ chưa bao giờ muốn làm. Hoặc họ đã tự trách móc bản thân vì đã không làm một việc vốn ngay từ đầu không phải là ý của họ. Thường thì đó đều là những việc mà người khác bảo họ “phải” làm. Khi đã nhận ra, họ chỉ cần loại bỏ những thứ đó ra khỏi “danh sách việc phải làm”. Thật nhẹ lòng!
Hãy nhìn những người đang cố ép buộc bản thân nhiều năm liền làm một nghề nào đó họ không hề thích, chỉ bởi vì cha mẹ họ bảo rằng họ “phải” làm. Đã bao nhiêu lần ta cảm thấy bị thua thiệt chỉ vì được dạy rằng “phải” khôn ngoan hơn, “phải” giàu có hơn, hay “phải” sáng tạo hơn những người họ hàng khác.
Bạn sẽ cảm thấy thư thái hơn sau khi loại bỏ được việc nào ra khỏi “danh sách những việc phải làm”?
Ngay khi chúng tôi cùng hoàn tất danh sách ngắn này, họ đã bắt đầu nhìn nhận cuộc đời mình một cách mới mẻ và khác biệt. Họ nhận ra rằng nhiều việc họ nghĩ mình phải làm lại chính là những việc họ không bao giờ muốn làm, và họ chỉ đang cố gắng thực hiện để làm hài lòng người khác mà thôi. Việc này xảy ra rất nhiều lần vì họ sợ, họ ngại hoặc họ cảm thấy bản thân mình không giỏi giang.
Bây giờ thì vấn đề đã bắt đầu chuyển hướng. Tôi bắt đầu giúp họ buông xả cảm giác “phạm sai lầm” vì thấy mình không phù hợp với tiêu chuẩn của ai đó.
Tiếp theo, tôi bắt đầu giải thích cho họ triết lý sống tôi đã đưa ra trong chương 1. Tôi tin rằng cuộc sống thực sự rất đơn giản. Cho đi điều gì, ta sẽ nhận lại điều đó. Vũ trụ hoàn toàn ủng hộ từng điều ta đã chọn để nghĩ và tin. Khi còn rất nhỏ, ta học cách cảm nhận về bản thân, về cuộc đời qua các phản ứng của người lớn xung quanh. Dù niềm tin này là gì thì chúng cũng sẽ biến thành kinh nghiệm sống theo đà trưởng thành của ta. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần giải quyết những khuôn mẫu tư duy rập khuôn và hiểu rằng sức mạnh luôn luôn hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại. Thế nên, ngay tại thời điểm này, ta có thể bắt đầu thay đổi.
Yêu thương bản thân
Tôi tiếp tục giải thích rằng dù cho vấn đề của họ là gì đi nữa, chỉ có một thứ lúc nào tôi cũng khuyên nhủ hiệu quả với bất kỳ ai, đó chính là yêu thương bản thân. Tình yêu là phép màu chữa lành mọi vết thương. Yêu thương bản thân sẽ tạo ra phép màu cho cuộc sống của chúng ta.
Ở đây, tôi không có ý nói đến sự kiêu hãnh, ngạo mạn hay hợm hĩnh, vì đó không phải là yêu thương bản thân mà chỉ là những nỗi sợ. Tôi muốn nói đến việc hết mực tôn trọng bản thân và có thái độ biết ơn đối với sự kỳ diệu của cơ thể và khối óc chúng ta.
Đối với tôi, “yêu” là sự cảm kích tràn ngập trái tim nhiều đến mức khiến trái tim như muốn bùng cháy và đầy tràn. Yêu có thể biểu hiện theo nhiều cách, tôi cảm nhận được tình yêu từ:
- Chính tiến trình của cuộc sống
- Niềm vui vì còn được sống
- Những vẻ đẹp tôi được chiêm ngưỡng
- Những người xung quanh
- Tri thức
- Cách xử lý thông tin của bộ não
- Cơ thể người và cách nó hoạt động
- Các loài động vật, loài chim, loài cá
- Mọi loài thực vật, cây cỏ
- Vũ trụ và cách nó vận hành
Bạn có thể thêm gì nữa nào?
Và hãy cùng tôi theo dõi một số cách thể hiện rằng bạn không yêu bản thân mình, như dưới đây:
- Không ngừng giày vò và trách mắng bản thân
- Ngược đãi bản thân bằng những thực phẩm độc hại,bia rượu và ma túy
- Chọn tin rằng chúng ta không đáng được yêu thương
- Ngại phải đưa ra giá cả thỏa đáng cho sự phục vụ của mình
- Tạo ra bệnh tật và đau đớn cho thân thể
- Chần chừ trước những thứ có lợi cho mình
- Sống trong mớ hỗn độn và rối tung
- Nợ nần và tạo ra những gánh nặng
- Quyến rũ và cặp kè với những kẻ coi khinh mình
Trong số này, đâu là cách làm của bạn?
Phủ nhận những điều tốt đẹp của bản thân cũng có nghĩa là không yêu thương bản thân. Tôi còn nhớ một bệnh nhân từng được tôi chữa trị, đó là một cô gái mang kính cận. Tôi cùng cô dành một ngày để giải thoát cô khỏi những nỗi sợ hãi đã ám ảnh từ tấm bé. Hôm sau, cô thức dậy, định tìm cặp kính sát tròng – thứ rất phiền phức mỗi lần mang vào, nhưng cô nhìn quanh và ngạc nhiên khi nhận ra thị lực của mình hoàn toàn hoàn hảo.
Tuy nhiên, cô lại mất cả ngày chỉ để nói câu: “Tôi không tin, không thể như thế được”, và ngày hôm sau, cô đã phải mang kính sát tròng trở lại. Tiềm thức của chúng ta là thứ không hề có khiếu hài hước. Cô không thể tin nổi bản thân cô vốn dĩ đã có một thị lực hoàn hảo rồi.
Thiếu lòng tự tôn là một biểu hiện khác của việc không yêu thương bản thân.
Tom là một họa sĩ tài năng, anh có một số khách hàng giàu có đặt hàng anh trang trí tường nhà. Nhưng chẳng hiểu sao anh luôn không đủ tiền để thanh toán các hóa đơn. Mức giá anh định ra về cơ bản không tương xứng với lượng thời gian anh phải bỏ ra để hoàn thành tác phẩm. Bất kỳ ai khi đưa ra một dịch vụ hoặc tạo nên một sản phẩm mang tính độc nhất vô nhị thì đều có thể lấy tiền thù lao ở mức mà họ muốn. Giới giàu sang thường thích trả nhiều tiền cho thứ họ muốn, điều này làm tăng giá trị của món hàng lên cao hơn.
Dưới đây là một số ví dụ khác:
- Bạn đời của ta hay mệt mỏi và ưa kêu ca cằn nhằn. Ta tự hỏi mình đã làm gì sai cho nên họ mới như vậy.
- Anh ấy hẹn hò mình một, hai lần và không bao giờ gọi lại nữa. Mình nghĩ chắc hẳn mình đã làm gì sai rồi.
- Khi cuộc hôn nhân kết thúc, chúng ta chắc chắn mình là kẻ thất bại.
- Ta ngại khi đề nghị được tăng lương.
- Cơ thể ta không đẹp như trong tạp chí Gentlemen’s Quarterly hay Vogue, thế là ta cảm thấy thấp kém, tự ti.
- Khi “không đạt doanh số”, “không đạt chỉ tiêu”, ta chắc rằng mình “không đủ năng lực”.
- Ta ngại sự thân mật và không cho phép bất cứ ai tiếp cận quá gần, vì ta sợ thứ tình cảm hư vô.
- Ta không thể đưa ra quyết định vì ta chắc rằng nó sẽ sai.
Còn bạn, bạn thể hiện sự thiếu tôn trọng bản thân mình dưới những hình thức nào?
Sự hoàn hảo của trẻ sơ sinh
Khi còn là một sinh linh bé bỏng, bạn hoàn hảo biết bao nhiêu. Trẻ sơ sinh không cần phải làm bất cứ điều gì để tỏ ra hoàn hảo, tự bé đã hoàn hảo sẵn rồi và bé cũng biết điều đó. Bé biết bé là trung tâm của vũ trụ. Bé không ngại đòi hỏi những gì bé muốn. Bé tự do thể hiện tâm trạng, cảm xúc. Bạn biết khi nào bé cáu gắt – và thực tế, ngay cả hàng xóm cũng biết. Bạn cũng biết khi nào bé vui vẻ, hạnh phúc, vì tiếng cười của bé như thắp sáng cả căn phòng. Bé luôn tràn đầy tình yêu thương.
Trẻ sơ sinh sẽ chết nếu không được yêu thương. Khi lớn dần lên, ta học được cách sống mà không cần yêu thương, nhưng các bé sẽ không chịu đựng nổi điều đó. Các bé yêu mọi thứ trên cơ thể mình, kể cả phân. Các bé có lòng can đảm không thể tin nổi.
Bạn đã từng như thế. Tất cả chúng ta đều đã từng như thế. Thế rồi chúng ta học cách lắng nghe người lớn xung quanh, học cách tỏ ra sợ hãi đủ điều và bắt đầu chối bỏ vẻ đẹp lộng lẫy, tráng lệ của chính chúng ta.
Tôi chưa bao giờ tin vào những điều mà bệnh nhân cố buộc tôi tin – rằng họ khủng khiếp đến thế nào, hay đáng ghét ra làm sao. Công việc của tôi là mang họ quay về lại thời điểm khi họ thực sự biết yêu thương bản thân.
Bài tập: CHIẾC GƯƠNG
Tôi yêu cầu bệnh nhân lấy một chiếc gương nhỏ, tự nhìn thẳng vào mắt họ, nói to tên mình và câu: “Tôi yêu và chấp nhận bạn đúng như chính bản thân bạn”.
Với nhiều người, việc này quá khó. Hiếm khi tôi nhận được phản ứng bình tĩnh, chứ đừng nói là vui sướng qua bài tập này. Một số người đã òa khóc hoặc rơm rớm nước mắt, một số thì tức giận, một số tự xem thường gương mặt và các tính cách của mình, một số lại một mực cho rằng họ KHÔNG THỂ làm được. Thậm chí tôi từng gặp một người đàn ông đã ném chiếc gương và muốn bỏ chạy. Phải mất nhiều tháng sau anh ta mới bắt đầu dám nhìn nhận hình ảnh của mình trong gương.
Nhiều năm liền, tôi nhìn vào gương chỉ để chê trách những gì mình thấy. Nhớ lại mình đã mất hàng giờ chỉ để sửa lại cặp chân mày sao cho bản thân tạm chấp nhận được, tôi thấy thật buồn cười. Tôi còn nhớ tôi đã cảm thấy sợ đến như thế nào khi phải nhìn vào mắt của chính mình.
Bài tập đơn giản này đã cho tôi thấy được nhiều điều. Chỉ chưa tới một tiếng đồng hồ, tôi đã có thể tiếp cận một số vấn đề cốt lõi nằm ẩn bên dưới những vấn đề thể hiện bên ngoài. Nếu chỉ tập trung vào lớp vấn đề bên ngoài này, ta sẽ không thể nào giải quyết triệt để mọi chi tiết. Vào giây phút ta nghĩ rằng mọi thứ “đã ổn thỏa”, có lẽ lại có chuyện bất ngờ sắp sửa phát sinh.
Cái gọi là “vấn đề” hiếm khi thật sự là vấn đề
Có một cô gái rất bận tâm đến vẻ ngoài của mình, đặc biệt là hàm răng. Cô đi gặp hết nha sĩ này đến nha sĩ khác, song vẫn cảm thấy họ chỉ biết làm cho cô trông càng ngày càng tệ hơn. Cô đi sửa mũi và họ đã sửa thật tệ. Mỗi chuyên gia thẩm mỹ đều phản ánh trung thực niềm tin của cô rằng cô xấu xí. Vấn đề của cô không phải là bề ngoài, mà là việc cô cứ buộc bản thân tin rằng cô có gì đó không ổn.
Còn có một phụ nữ mang hơi thở có mùi kinh khủng. Ở gần bà, ai cũng cảm thấy khó chịu. Bà đang học để trở thành một mục sư. Bên ngoài bà rất là ngoan đạo và đức độ, nhưng bên trong là những cơn sóng ngầm dữ dội của sự giận dữ và ghen tỵ có thể nổ tung bất cứ lúc nào bà cảm thấy địa vị của mình đang bị đe dọa. Những ý nghĩ trong nội tâm bà thể hiện qua hơi thở, bà khó chịu, hằn học dù cho cứ phải giả đò là mình đang yêu thương – trong khi làm gì có ai đe dọa bà ngoài chính bản thân bà.
Có một cậu bé chỉ mới 15 tuổi, mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết, được dự đoán chỉ còn có thể sống ba tháng nữa, được mẹ đưa đến chỗ tôi. Tôi có thể thông cảm khi thấy mẹ cậu vô cùng kích động và quá khó khăn để đối mặt với chuyện này, nhưng cậu bé luôn rạng rỡ, lanh lợi và khao khát được sống. Cậu sẵn sàng làm bất cứ điều gì tôi bảo, gồm việc thay đổi lối suy nghĩ và cách nói chuyện. Ba mẹ cậu đã chia tay vì luôn cãi nhau và cậu thực sự không thể có nổi một mái nhà êm ấm, ổn định.
Cậu cực kỳ muốn trở thành diễn viên. Nhưng sự mưu cầu danh vọng, tiền tài đã che lấp khả năng trải nghiệm niềm vui từ mơ ước đó. Cậu nghĩ chỉ khi mình có danh tiếng thì cậu mới được công nhận, mới là người có giá trị. Tôi dạy cậu biết yêu thương và chấp nhận bản thân, và cậu đã làm rất tốt. Giờ đây, cậu đã trưởng thành, trở thành diễn viên diễn xuất đều đặn ở nhà hát kịch Broadway. Khi cậu học cách trải nghiệm niềm vui của việc được là chính mình, thì mọi điều tốt đẹp cũng mở rộng vòng tay chào đón cậu.
Thừa cân là một ví dụ điển hình cho việc chúng ta đã lãng phí quá nhiều công sức để khắc phục một vấn đề vốn không thực sự là vấn đề. Nhiều người thường bỏ ra nhiều năm để giảm béo mà vẫn cứ béo phì. Họ đổ lỗi mọi vấn đề khó khăn của họ đều là vì béo phì. Thừa cân chỉ là kết quả bên ngoài của một vấn đề nằm sâu bên trong nội tâm. Theo tôi, vấn đề đó luôn luôn là nỗi sợ và là nhu cầu phòng vệ. Khi cảm thấy sợ, không an toàn, hoặc “không giỏi giang”, nhiều người chọn cách tăng thêm vài cân để yên tâm hơn.
Tiêu phí thời gian nhiếc móc bản thân vì quá mập, cảm thấy tội lỗi với từng mẩu thực phẩm ta ăn, cân đo đong đếm từng con số lúc ta tăng cân, tất thảy đều chỉ là những việc phí thời gian. Hai mươi năm sau, có lẽ ta vẫn giữ nguyên tình trạng này vì thậm chí ta còn chưa bắt đầu giải quyết vấn đề thực sự. Mọi điều ta đã làm chỉ khiến cho bản thân càng thêm sợ hãi, mất cảm giác an toàn, và thế rồi ta lại cần tăng thêm vài cân để vững bụng hơn.
Vì thế, tôi khuyên đừng nên tập trung vào việc giảm cân hoặc ăn kiêng. Ăn kiêng không hiệu quả. Cách ăn kiêng hiệu quả chính là kiêng khem về mặt tinh thần, tức kiêng cữ những suy nghĩ tiêu cực. Tôi nói với bệnh nhân: “Giờ chúng ta hãy để chuyện đó sang một bên và tập trung vào vài việc khác trước đã”.
Nhưng họ lại bảo tôi rằng họ không thể yêu thương bản thân vì họ quá mập. Tôi giải thích rằng họ mập là vì họ không yêu thương bản thân. Chỉ khi ta bắt đầu yêu thương và chấp nhận bản thân mình, cân nặng dư thừa sẽ tự động biến mất khỏi cơ thể ta.
Đôi lúc bệnh nhân cũng nổi đóa với tôi khi tôi giải thích rằng họ có thể thay đổi cuộc sống của họ đơn giản đến thế nào. Có lẽ họ cảm thấy tôi không hiểu được vấn đề. Một phụ nữ đã nổi giận nói: “Tôi đến để nhờ cô góp ý cho bài luận của mình, không phải để học cách yêu thương bản thân”. Theo tôi thấy, quá rõ ràng, vấn đề chính của cô là cô vô cùng chán ghét bản thân mình, cảm giác này đã lan tỏa tới từng ngóc ngách trong cuộc sống của cô, ngay cả trong bài luận văn cô viết. Cô không thể thành công ở bất cứ lĩnh vực nào nếu cứ tiếp tục cảm thấy bản thân mình vô dụng như vậy.
Thế nhưng cô không thể chấp nhận lời tôi nói và rời đi trong nước mắt. Một năm sau, cô quay lại không những với cùng một vấn đề mà thậm chí còn kèm theo một loạt vấn đề khác. Có một số người chưa sẵn sàng, và điều đó không có gì đáng phê bình cả. Chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi bản thân vào đúng thời điểm, đúng không gian, đúng trình tự được dành cho mình. Riêng bản thân tôi, thậm chí tới tận năm tôi 40 tuổi, tôi mới bắt đầu thay đổi bản thân.
Vấn đề thực sự
Có một bệnh nhân chỉ mới nhìn vào một tấm gương nhỏ bé, vô hại đó thôi thì đã nổi khùng lên. Tôi vui vẻ cười và nói: “Tốt, giờ thì chúng ta hãy nhìn vào ‘vấn đề thực sự’; và giờ là lúc chúng ta có thể bắt đầu dẹp bỏ những thứ đang cản đường bạn”.
Tôi quan sát khuôn mặt họ khi hỏi họ có trách móc bản thân không. Phản ứng của họ cho tôi biết nhiều thứ:
- À, đương nhiên có chứ.
- Lúc nào tôi cũng tự trách mình.
- Giờ thì không nhiều như ngày xưa.
- Ôi, làm sao tôi có thể thay đổi được mình nếu không tự biết trách mình chứ?
- Không phải mọi người đều như vậy sao?
Sau cùng, tôi nói: “Chúng ta không nói về mọi người, chúng ta đang nói về chính bạn. Tại sao bạn lại trách móc bản thân? Chuyện gì xảy ra với bạn vậy?”.
Khi họ nói, tôi đã viết ra một danh sách. Những điều họ nói thường trùng hợp với “Danh sách những việc phải làm” của họ. Họ cảm thấy mình quá cao, quá thấp, quá mập, quá ốm, quá ngốc, quá già, quá trẻ, quá xấu (lạ lùng thay, những người đẹp trai, xinh gái nhất lại thường nói những câu này), hoặc họ dậy quá muộn, quá sớm, quá lười, v.v… Hãy chú ý đến từ “quá” luôn xuất hiện thường xuyên trước điều gì đó.
Cuối cùng, chúng tôi tập trung đến dòng cuối, họ nói: “Tôi không giỏi giang”.
Hoan hô, hoan hô! Cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện được vấn đề cốt lõi. Họ chỉ trích bản thân chỉ vì họ đã học cách tin rằng “Mình không giỏi giang”. Các bệnh nhân của tôi luôn ngạc nhiên về cách tôi phát hiện ra vấn đề nhanh như thế nào. Đến đây, chúng ta không cần phải lo ngại về bất kỳ phản ứng phụ nào khác, như vấn đề sức khỏe, vấn đề tình cảm, vấn đề tài chính, hay thiếu khả năng biểu đạt sáng tạo, mà hãy dồn hết năng lượng của mình để phá giải nguyên nhân của mọi vấn đề: KHÔNG YÊU THƯƠNG BẢN THÂN!
Trong cuộc đời vô tận
mà tôi đang sống,
tất cả đều hoàn hảo
và tốt đẹp tuyệt vời.
Bàn tay Tạo hóa sẵn sàng
chỉ đường và chở che,
khi tôi tự xét lại mình,
hay khi nhìn về quá khứ.
Cuộc sống vẫn đong đầy
trong tầm mắt,
chẳng có gì phải lo âu.
Đứng lên từ quá khứ,
sống cho một ngày mai,
vì phút giây hiện tại
là khởi đầu tương lai.
Mở lòng mình đón nhận
bằng những lời yêu thương,
chẳng chê trách muộn phiền,
tôi tìm lại chính tôi.
Trong thế giới của tôi,
mọi sự đều tốt đẹp.
“Quá khứ nào có sức mạnh gì với tôi.”