Đ
ến đây, chúng ta đã đề cập đến nhiều nội dung khác nhau và đã sàng lọc ra những điều ta cho là VẤN ĐỀ. Bây giờ, chúng ta sẽ đi gần hơn đến điều tôi cho là VẤN ĐỀ THẬT SỰ. Ta luôn cảm thấy bản thân không giỏi giang, và thiếu yêu thương bản thân. Theo cách nhìn cuộc sống của tôi, nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra, thì đó chắc chắn là do hai điều trên. Vậy hãy thử tìm hiểu xem do đâu mà tôi tin như vậy.
Vì sao từ một cô cậu bé con biết mình và cuộc sống là hoàn hảo, chúng ta lại trở thành một người luôn có những vấn đề, cảm thấy mình vô giá trị, không được yêu thương ở mức này hay ở mức khác? Lẽ ra những người biết yêu thương bản thân thì càng biết yêu bản thân nhiều hơn nữa chứ.
Hãy nghĩ đến một đóa hồng, từ khi còn là một chiếc nụ xinh xắn cho đến khi bung nở hoàn hảo về sắc hương, thậm chí đến khi cánh hoa cuối cùng rụng xuống, nó vẫn luôn đẹp, luôn hoàn hảo và không ngừng biến đổi. Chúng ta cũng vậy, chúng ta đẹp, chúng ta hoàn hảo và chúng ta không ngừng thay đổi. Chúng ta đã luôn làm tốt nhất những gì có thể với sự hiểu biết, ý thức và trí tuệ của bản thân. Khi ngày càng tích lũy nhiều hơn những điều đó, chúng ta sẽ hành động hoàn toàn khác.
Dọn dẹp tinh thần
Giờ là lúc dành thời gian xem xét lại quá khứ của ta một chút, để xem những niềm tin nào trong quá khứ đã và đang hủy hoại chúng ta. Nhiều người có thể cảm thấy bước dọn dẹp tinh thần này rất đau khổ, nhưng đó là điều rất cần thiết. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào những điều cần dọn dẹp trước khi bắt tay tiến hành.
Giống như khi muốn dọn dẹp thật sạch sẽ một căn phòng, bạn cần cầm nắm và xem xét kỹ lưỡng từng thứ trong căn phòng ấy. Gặp món đồ yêu thích, bạn sẽ lau chùi, hoặc đánh bóng để mang lại cho nó vẻ đẹp tươi mới. Nhìn thấy thứ gì cần hoàn thiện hoặc sửa chữa, bạn sẽ ghi chú lại để thực hiện sau. Song, có những thứ hoàn toàn không còn hữu dụng với bạn nữa, vậy thì đã đến lúc bỏ chúng đi. Với sách báo hay tạp chí cũ, bạn chỉ cần nhẹ nhàng cho vào sọt rác, không có gì phải căng thẳng hay tức giận khi dọn phòng cả.
Dọn dẹp “căn nhà” tinh thần cũng tương tự, không nên tức giận chỉ vì một vài niềm tin trong ta cần phải được bỏ đi. Hãy để chúng qua đi nhẹ nhàng như khi ta dọn dẹp thức ăn thừa sau bữa ăn. Có lẽ nào bạn lại đào bới túi rác cũ hôm qua để nấu bữa tối cho mình, đúng không? Thế nên, chắc hẳn bạn cũng sẽ không bới lại “túi rác” tinh thần cũ kỹ để tạo dựng những trải nghiệm tương lai nhỉ?
Một khi niềm tin và tư tưởng không còn hữu dụng với bạn nữa, hãy từ bỏ nó! Không có một đạo luật nào quy định rằng chỉ vì đã từng một lần tin vào điều gì đó, bạn phải giữ niềm tin đó mãi mãi.
Hãy cùng xem xét một vài niềm tin hạn hẹp để tìm ra xem chúng đến từ đâu:
NIỀM TIN HẠN HẸP: “Tôi không giỏi giang.”
NGUỒN GỐC: Một người cha không ngừng bảo con mình là đồ ngu.
Người con nói rằng anh muốn thành công chỉ để cha anh có thể tự hào về anh. Nhưng tâm hồn anh chi chít những lỗ thủng vì những mặc cảm tội lỗi, khiến trong lòng anh cảm thấy oán giận. Thế là, tất cả những gì anh có thể tạo ra chỉ là những thất bại hết lần này đến lần khác. Cha anh quản lý tài chính giúp anh, nhưng cũng không khá hơn, họ tiếp tục thất bại và thất bại. Anh đã dùng những sự thất bại đó như là một cách trả đũa cha mình, khiến cha anh phải trả hết món nợ này đến món nợ khác. Như thế, anh quả thực là người thất bại.
NIỀM TIN HẠN HẸP: “Không yêu thương bản thân.”
NGUỒN GỐC: Cố gắng muốn được cha công nhận.
Trở thành một người giống cha có lẽ là điều cuối cùng cô mong muốn. Cha con cô không bao giờ đồng ý với nhau về bất kỳ vấn đề gì, giữa hai người luôn có sự tranh cãi. Cô muốn được cha công nhận, nhưng cái cô nhận được luôn là sự chê trách. Vì thế, cô luôn sống trong cảm giác đau đớn, khổ sở cả về tinh thần lẫn thể xác, và cha cô cũng chìm trong nỗi đau tương tự. Cô không nhận ra rằng những tức giận trong cô sẽ gây ra những nỗi đau, giống như những tức giận của cha cô sẽ gây ra nỗi đau trong ông vậy.
NIỀM TIN HẠN HẸP: “Cuộc sống quá nguy hiểm.”
NGUỒN GỐC: Một người cha luôn sống trong sợ hãi.
Một bệnh nhân khác của tôi nhìn cuộc sống như thể trong đó chỉ có những điều tàn nhẫn và khắc nghiệt. Với cô, mỉm cười vui vẻ không phải là một việc dễ dàng. Mỗi khi cười, cô luôn sợ rằng một điều xấu sắp đến, bởi cô đã được nuôi dạy bằng lời cảnh báo: “Đừng cười, nếu không sẽ có người lợi dụng con”.
NIỀM TIN HẠN HẸP: “Tôi kém cỏi.”
NGUỒN GỐC: Bị phớt lờ và ruồng bỏ.
Thật khó để khiến người này mở miệng trò chuyện hay bày tỏ nỗi lòng. Im lặng đã trở thành lối sống của anh. Anh tìm lối thoát trong nghiện ngập, rượu chè và đoan chắc rằng mình chỉ là đứa bỏ đi. Tôi được biết mẹ anh đã mất khi anh còn rất nhỏ, và từ đó anh được dì nuôi dưỡng. Dì anh hiếm khi nói chuyện với anh, trừ khi cần sai bảo anh gì đó. Và kể từ đó anh được nuôi dạy trong sự lặng lẽ. Thậm chí, khi ăn cơm cũng chỉ có một mình anh ăn trong im lặng và anh nhốt mình trong phòng ngày này qua ngày khác. Anh có người yêu cũng là một người lặng lẽ, hầu hết thời gian họ bên nhau cũng chỉ trong trầm lặng. Rồi người yêu của anh qua đời, một lần nữa, anh rơi vào cô độc.
Bài tập: NHỮNG THÔNG ĐIỆP TIÊU CỰC
Bài tập tiếp theo chúng ta cần làm là lấy một tờ giấy lớn, viết ra danh sách mọi điều cha mẹ từng nói với chúng ta, song lại không đúng với bản thân ta. Bạn có từng nhận được thông điệp tiêu cực nào từ họ không? Hãy dành thời gian để hồi tưởng lại càng nhiều càng tốt. Nửa giờ đồng hồ cũng có thể đủ cho bạn rồi đấy.
Hãy nhớ xem cha mẹ từng nói gì về tiền bạc? Họ từng nói gì về cơ thể bạn? Họ nói gì về tình yêu và các mối quan hệ? Họ nói gì về tài năng sáng tạo của bạn? Những giới hạn và sự cấm đoán họ từng nói với bạn là gì?
Nếu có thể, hãy nhìn vào những mục đó một cách khách quan và tự nhủ: “Vậy ra đây chính là xuất phát điểm của những niềm tin ấy”.
Bây giờ, hãy lấy thêm một tờ giấy khác và đào sâu hơn. Những thông điệp tiêu cực khác mà bạn đã nghe khi còn bé là gì?
Từ những người họ hàng:................................................. ...
Từ giáo viên:.........................................................................
Từ bạn bè:.............................................................................
Từ những người có thế lực:..................................................
Từ tín ngưỡng mà bạn theo:................................................
Hãy viết ra tất cả, cứ thong thả viết, đồng thời để ý đến những cảm xúc đang nảy sinh trong bạn. Những gì bạn đã viết ra trên hai mảnh giấy ấy chính là những gì bạn cần loại bỏ khỏi tâm trí mình. Có rất nhiều kiểu niềm tin khiến bạn luôn có cảm giác “Mình kém cỏi”.
Nhìn mình như trẻ thơ
Giả sử chúng ta đem một đứa trẻ ba tuổi nhốt vào một căn phòng và bắt đầu hét mắng nó, bảo với nó rằng nó là một đứa trẻ ngu ngốc và chẳng làm được điều gì nên hồn, bảo nó phải làm cái này và không được làm cái kia, soi mói mớ lộn xộn mà nó gây ra, hoặc thậm chí đôi lần còn đánh đập nó; thì đến cuối cùng, chúng ta sẽ tạo ra một đứa trẻ mang đầy nỗi sợ hãi, chỉ biết thu mình ngồi co ro trong góc phòng hoặc sẽ điên cuồng phá nát tất cả. Đó sẽ là một trong hai cách phản ứng của đứa trẻ ấy, và ta sẽ không bao giờ biết được tiềm năng của nó.
Thử với một đứa trẻ khác ở cùng độ tuổi, nếu ta nói với con rằng chúng ta yêu con nhiều như thế nào, quan tâm đến con ra sao và chúng ta yêu mọi điều con có, từ ngoại hình cho đến sự thông minh, hoạt bát của con và rằng chúng ta yêu cách con làm mọi việc. Chúng ta bảo con rằng con có thể phạm lỗi cũng không sao, song phải biết học hỏi từ những sai lầm của mình, và dù có bất kỳ điều gì xảy ra, chúng ta đều sẽ ở bên cạnh con. Kết quả là, những tiềm năng có thể phát triển từ con có thể khiến bạn cực kỳ kinh ngạc đấy.
Mỗi chúng ta có một đứa trẻ ba tuổi bên trong mình, tiếc là chúng ta thường dành phần lớn thời gian để la mắng đứa trẻ ấy. Rồi chúng ta tự hỏi tại sao cuộc sống của mình lại không suôn sẻ.
Nếu có một người bạn lúc nào cũng phán xét và chỉ trích, bạn có còn muốn ở cạnh họ nữa không? Có thể bạn đã từng bị đối xử tệ kiểu này khi còn là một đứa trẻ, điều đó thật đáng buồn; tuy nhiên, đó đã là chuyện từ rất lâu về trước, nếu bây giờ bạn vẫn lựa chọn cách ấy để đối xử với chính mình thì còn đáng buồn hơn.
Vậy, bây giờ bạn có trước mặt mình danh sách những thông điệp tiêu cực bạn từng phải nghe khi còn là một đứa trẻ. Những điều trong danh sách này tương ứng với những điều bạn cho là không đúng với mình như thế nào? Hay chúng gần như giống hệt nhau? Hẳn là vậy.
Chúng ta gầy dựng cuộc đời dựa trên nền tảng những thông điệp đã nghe khi còn nhỏ. Chúng ta đều từng là trẻ thơ đáng yêu và ngoan ngoãn chấp nhận những gì “họ” nói với mình và tin tưởng đó là sự thật. Bạn sẽ dễ dàng đổ lỗi cho cha mẹ và tự xem mình là nạn nhân trong suốt phần đời còn lại. Thế nhưng, làm thế thì có gì vui đâu, vì hầu như chắc chắn điều đó sẽ không giúp giải thoát bạn khỏi tình thế bế tắc của mình.
Đổ lỗi cho gia đình
Đổ lỗi cho người khác là cách chắc chắn nhất khiến ta mắc kẹt trong VẤN ĐỀ, vì khi đổ lỗi cho người khác, ta đánh mất sức mạnh của bản thân. Hiểu được điều này sẽ giúp ta vượt lên trên vấn đề và kiểm soát được tương lai.
Quá khứ thì không thể thay đổi, còn tương lai lại được định hình từ những suy nghĩ ở hiện tại. Điều cốt yếu để được tự do là phải hiểu rằng cha mẹ chúng ta đã làm hết sức với sự hiểu biết, trí tuệ và kiến thức của họ. Bất cứ khi nào ta đổ lỗi cho ai, thì đó chính là lúc ta không biết chịu trách nhiệm cho chính mình.
Những người bạc đãi, đối xử tệ với chúng ta cũng chỉ là những người đang hoảng loạn, sợ hãi và cảm thấy không được giúp đỡ như chính bản thân ta vậy. Tất cả những gì họ có thể dạy bạn chính là những gì họ từng được dạy.
Bạn biết được bao nhiêu về tuổi thơ của cha mẹ mình, đặc biệt khi họ ở độ tuổi lên mười. Vẫn còn cơ hội cho bạn tìm hiểu điều đó, chỉ cần hỏi họ thôi. Nếu có thể tìm hiểu về tuổi thơ của cha mẹ, bạn sẽ dễ dàng hiểu được tại sao họ lại làm những điều ấy với bạn. Sự thấu hiểu sẽ khơi gợi lòng trắc ẩn trong bạn.
Nếu bạn không biết và cũng không thể tìm hiểu được tuổi thơ của cha mẹ, hãy thử tưởng tượng những gì có thể đã xảy ra với họ. Hãy tự hỏi, một tuổi thơ như thế nào mà lại hình thành một người trưởng thành như thế?
Bạn cần sự thấu hiểu này để mang lại tự do cho tâm hồn mình. Bạn không thể trả tự do cho chính bạn trừ khi bạn trả tự do cho họ trước. Bạn không thể tha thứ cho chính mình trừ khi bạn tha thứ cho cha mẹ trước. Nếu đòi hỏi sự hoàn hảo từ cha mẹ, bạn cũng phải đòi hỏi sự hoàn hảo từ chính mình và bạn sẽ sống khổ sở suốt đời.
Chúng ta chọn cha mẹ cho mình
Tôi tán đồng với thuyết cho rằng chúng ta chọn cha mẹ cho mình. Những bài học chúng ta đã học dường như hoàn toàn trùng khớp với “những khuyết điểm” của cha mẹ.
Tôi tin tất cả chúng ta đều đang đi trên một hành trình bất tận qua thời gian vĩnh cửu. Chúng ta đến Trái đất này để học những bài học cần thiết cho sự tiến hóa tinh thần và tâm linh. Chúng ta lựa chọn giới tính, màu da và đất nước mình, rồi chúng ta ngó quanh các cặp cha mẹ, tìm kiếm cặp cha mẹ hoàn hảo sẽ “phản chiếu” chuẩn xác con người mà chúng ta muốn trở thành trong cuộc sống.
Chuyến viếng thăm của chúng ta đến hành tinh này cũng giống như việc đến trường. Nếu muốn trở thành bác sĩ thẩm mỹ, bạn đến trường đào tạo bác sĩ thẩm mỹ. Nếu muốn trở thành thợ cơ khí, bạn sẽ đến trường cơ khí. Nếu muốn trở thành luật sư, bạn sẽ đến trường luật. Cha mẹ mà bạn đã chọn chính là cặp cha mẹ “chuyên gia” nhất trong lĩnh vực bạn chọn học.
Khi lớn lên, chúng ta lại có khuynh hướng chỉ trích cha mẹ và than trách: “Chính cha mẹ đã khiến con trở thành thế này”. Nhưng tôi tin, chính chúng ta mới là người chọn cha mẹ mình.
Nghe lời người khác
Khi còn nhỏ, chúng ta thường rất thần tượng anh chị mình, nhưng họ lại thường xem chúng ta là nơi để trút giận. Họ thường nói với chúng ta những điều rất tệ như:
- Tao sẽ mách mẹ... (để kể tội chúng ta).
- Đồ con nít, mày không làm được điều đó đâu.
- Mày là đồ ngốc, không chơi với chúng tao được.
Giáo viên ở trường là những người ảnh hưởng đến chúng ta nhiều nhất. Năm học lớp Năm, giáo viên của tôi nói một cách dứt khoát rằng tôi quá cao, không thể trở thành vũ công được. Tôi đã tin cô và từ bỏ đam mê nhảy múa của mình cho đến khi quá muộn để có thể bắt đầu sự nghiệp vũ công.
Liệu bạn có hiểu được rằng những bài kiểm tra và điểm số chỉ là để ta thể hiện lượng kiến thức đã học vào một thời điểm nào đó, hay bạn cũng cho rằng khi còn bé, những điểm số và những bài kiểm tra ấy sẽ quyết định giá trị của mình?
Những người bạn thuở thiếu thời thường chia sẻ với chúng ta những điều sai lệch của chính họ về cuộc sống. Và có lẽ, những trẻ khác ở trường đã trêu ghẹo và để lại trong ta những tổn thương mãi mãi. Khi tôi còn bé, dù tên tôi là Lunney, những đứa trẻ khác vẫn hay gọi tôi là Lunatic (kẻ mất trí).
Hàng xóm cũng ảnh hưởng không ít đến tuổi thơ của chúng ta, không chỉ vì những nhận xét của họ, mà còn vì chúng ta có khuynh hướng để ý đến việc họ sẽ nghĩ gì về mình.
Hãy nhớ lại những nhân vật thế lực đã ảnh hưởng đến tuổi thơ chúng ta như thế nào.
Và dĩ nhiên, có một sự ảnh hưởng không nhỏ đến từ các quảng cáo trên tạp chí và truyền hình. Ví dụ, có rất nhiều sản phẩm được bán bằng cách cố tình quảng cáo khiến ta cảm thấy mình vô giá trị hay sẽ sai lầm nếu chúng ta không sử dụng sản phẩm của họ.
• • •
Tất cả chúng ta đều có mặt trên Trái đất này để vượt qua sự giới hạn thuở tấm bé của mình, bất kể nó là gì. Chúng ta ở đây để công nhận sự tráng lệ và thánh thiện của chính mình, bất chấp người khác nói gì đi nữa. Bạn và tôi, chúng ta đều có những niềm tin tiêu cực của riêng mình cần phải vượt qua.
Trong cuộc đời vô tận
mà tôi đang sống,
tất cả đều hoàn hảo
và tốt đẹp tuyệt vời.
Quá khứ nào có sức mạnh gì với tôi,
khi tôi luôn sẵn sàng
học hỏi và thay đổi.
Không để lãng phí
dẫu một phút giây,
tôi bắt tay dọn dẹp
ngôi nhà tinh thần của mình.
Công việc bắt đầu từ đâu
chẳng thành vấn đề,
dù đó có là điều nhỏ bé nhất
giữa những bộn bề,
tôi vẫn reo vui
khi ngắm nhìn thành quả.
Cuộc hành trình này
chẳng chờ đợi một ai,
đã qua đi là không trở lại.
Chuẩn bị sẵn sàng
tôi đi tìm sự giải thoát.
Trong thế giới của tôi,
mọi sự đều tốt đẹp.
“Sự thật là một phần không thể thay đổi trong ta.”