“Không ai có thể cho bạn sự bình yên ngoài chính bản thân bạn.”
- Ralph Waldo Emerson -
(“Nobody can bring you peace but yourself.”)
Chúng ta đã cùng nhau đi đến cuối hành trình Chữa lành tâm trí mà tôi muốn giới thiệu với các bạn. Có thể sẽ có một vài người hỏi tôi rằng: “Tôi vẫn chưa nhìn thấy một phương pháp cụ thể nào cho chính mình để bắt đầu thực hiện chữa lành tâm trí theo lời cô nói cả.” Tôi rất xin lỗi khi phải nói rằng, tôi không phải một bác sĩ hay một tư vấn viên chuyên về tâm lý học để giúp đỡ cho từng người, từng đối tượng riêng biệt. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng khi bạn nhìn lại tất cả những gì bản thân đã trải qua từ khi bắt đầu Chữa lành tâm trí đến tận hôm nay, dù ít hay nhiều, bạn cũng sẽ phát hiện ra chính mình đã thay đổi, đã không còn giống bạn của quá khứ, của khoảng thời gian đau lòng, suy sụp, tự ti hoặc thất vọng xưa kia nữa. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, và tôi thật sự rất tự hào nếu bạn đọc của tôi đều có quyết tâm thải độc tâm trí của mình, từ bỏ lối sống tiêu cực để hướng đến sự yên bình đích thực.
Vì tôi không thể gặp gỡ từng người để cùng các bạn trao đổi kinh nghiệm chữa lành tâm trí cũng như thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chữa lành, thế nên tôi muốn dùng chương cuối cùng này để chia sẻ với các bạn một số phương pháp liên quan hoặc có khả năng hỗ trợ cho quá trình chữa lành được diễn ra một cách dễ dàng hơn. Hy vọng bạn sẽ nhìn thấy câu trả lời cho các vấn đề cũng như thắc mắc mà bạn đang gặp phải trong thực tế.
PHƯƠNG PHÁP NGỦ NHANH NHƯNG VẪN NGỦ SÂU
Một trong những vấn đề mà tôi thấy nhiều người gặp phải nhất, chính là vấn đề về giấc ngủ. Rất nhiều bạn tuy còn rất trẻ nhưng vẫn cảm thấy vô cùng khó khăn với giấc ngủ của mình: ngủ không sâu hoặc trằn trọc khó đi vào giấc. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chữa lành tâm trí của họ, bởi vì giấc ngủ là vô cùng quan trọng đối với những ai đang muốn giải phóng khỏi tâm trí mình những điều tiêu cực, tâm trí họ cần được nghỉ ngơi, thả lỏng hoàn toàn, nhưng thời gian ngủ của họ lại quá ít. Giấc ngủ không chất lượng thậm chí còn gây tác dụng ngược, khiến họ dễ cáu gắt, dễ mất khống chế đối với cảm xúc của mình.
Hãy thử áp dụng phương pháp ngủ nhanh mà tôi đã tìm hiểu và thử nghiệm thành công lên chính bản thân tôi. Đây là phương pháp giúp ngủ nhanh được áp dụng lần đầu vào Thế chiến thứ II cho hải quân và phi công Mỹ. Sau sáu tuần áp dụng với tỷ lệ thành công là 96%, những người lính có thể ngủ trong vòng chưa đầy 2 phút, bất kỳ điều kiện môi trường nào, bất kể ngày hay đêm, ngay cả sau khi uống cà phê và có tiếng súng nổ.
Bước 1: Thư giãn từng phần các bộ phận trên cơ thể
- Hít thở nhẹ nhàng, đều đặn, sâu và chậm rãi.
- Nhắm mắt và tập trung sự chú ý vào các cơ mặt, hình dung mọi cơ bắp đang từ từ giãn ra. Thả lỏng cơ mặt bằng cách di chuyển các cơ liên tục trong 2 – 3 giây sau đó thả lỏng hoàn toàn.
- Khi thở ra, bạn nên thở chậm kết hợp với việc thư giãn cơ miệng, khu vực má, lưỡi và xương hàm.
- Thư giãn mắt, có thể tưởng tượng mắt đang chìm sâu vào hốc mắt.
- Từ từ thả lỏng các cơ ở vai, cổ rồi dần đi xuống cánh tay, ngón tay, ngực, phần thân, đùi, chân và lòng bàn chân. Trong lúc thả lỏng cơ thể kết hợp hít thở nhẹ nhàng.
Bước 2: Tập trung vào tâm trí
Sau khi toàn bộ cơ thể được thư giãn trong 10 giây, bạn cần loại bỏ các suy nghĩ trong não bộ:
- Suy nghĩ về các hoạt động trong ngày như một hình ảnh lướt ngang qua não bộ nhưng không tập trung vào bất cứ hình ảnh nào, để các hoạt động trong ngày lướt nhanh qua não bộ.
- Tưởng tượng bạn đang nằm trên chiếc ca-nô nổi trên mặt hồ phẳng lặng, phía trên cao là bầu trời xanh, hoặc đang đung đưa trên chiếc võng bên cạnh dòng suối mát.
- Lẩm nhẩm trong đầu: “Đừng suy nghĩ, đừng suy nghĩ, đừng suy nghĩ” trong vòng 10 giây.
Bước 3: Luyện tập
Để đạt hiệu quả tốt nhất, những người bị mất ngủ hoặc khó ngủ nên kiên trì luyện tập mỗi tối, kể cả cuối tuần, ngày nghỉ và ngày lễ.
Bên cạnh việc thực hành phương pháp này, tôi có một vài lưu ý khác với bạn để đảm bảo việc vào giấc nhanh hơn và ngủ sâu hơn.
- Giảm nhiệt độ trong phòng ngủ. Nếu phòng quá ấm sẽ làm ảnh hưởng khả năng chìm vào giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ của bạn.
- Chỉ dùng giường để ngủ, không làm các hoạt động khác như xem tivi, chơi game trên giường để tránh nguy cơ rối loạn giấc ngủ.
- Không đặt đồng hồ cạnh giường. Bởi vì khi đó bạn có thể biết được thời gian bạn chưa thể chìm vào giấc ngủ là bao lâu, từ đó khiến bạn thêm căng thẳng.
- Tập thể dục. Nhưng đừng vận động mạnh trong khoảng 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ.
- Tránh đồ uống có caffein trước khi đi ngủ.
KHÔNG GIAN XUNG QUANH CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÂM TRÍ CỦA BẠN HAY KHÔNG?
Câu trả lời là Có, không những liên quan mà còn vô cùng liên quan. Bạn sẽ khó có thể chữa lành tâm trí một cách triệt để và hiệu quả nếu như không gian bạn đang sống hoặc không gian làm việc của bạn bừa bộn hay quá tải về đồ đạc. Một căn phòng ngủ lộn xộn, một ngôi nhà mà mỗi khi tan ca, bạn thậm chí còn chẳng muốn về, một chiếc bàn làm việc ngổn ngang giấy tờ mà bạn không thể nào tìm kiếm thứ mình đang cần ngay lập tức,… Tất cả đều có ảnh hưởng đến tâm trí của bạn, đặc biệt vào những ngày bạn cảm thấy khó chịu, cảm thấy không vui, nhìn thấy sự bừa bộn sẽ càng khiến tình trạng của bạn tệ hơn, bạn chẳng có động lực để thư giãn, chẳng muốn làm gì, cũng chẳng muốn tiếp xúc với bất kỳ ai.
Vậy, hãy bắt đầu dọn dẹp ngay từ bây giờ, những không gian mà bạn thường xuyên lui tới, việc nhìn thấy chúng gọn gàng, sạch sẽ, và được bài trí theo ý thích của mình, sẽ giúp cải thiện đáng kể những cảm xúc, tư duy cũng như thái độ đối với mỗi vấn đề diễn ra trong đời.
Phòng ngủ phải tạo cảm giác thư giãn
Điều bạn cần không phải là một chiếc giường thật lớn, mà là một chiếc giường khiến bạn thấy thoải mái. Bạn không quen nằm cứng? Hãy lót đệm dày. Bạn không quen nằm gối cao? Hãy sử dụng loại gối hơi êm ái. Bạn không thích chăn quá dày? Hãy đổi sang loại vải khác mỏng hơn?
Bạn có tiền sử bệnh viêm xoang và không chịu được không khí quá lạnh? Đừng kê giường ngủ xoay trực tiếp về phía quạt điện hay điều hòa. Như vậy, phụ thuộc vào sở thích, thói quen cũng như nhu cầu cá nhân của bạn, bạn có thể mua sắm hoặc thay đổi nội thất trong phòng ngủ sao cho phù hợp. Cho dù lối sống tối giản thường đi kèm với sự tiết kiệm, tôi vẫn hy vọng bạn dành một sự đầu tư xứng đáng cho căn phòng ngủ của mình. Bởi vì chỉ khi có một không gian ngủ chất lượng, bạn mới có thể kỳ vọng sự thay đổi chất lượng giấc ngủ, và sau đó là chất lượng cuộc sống của mình.
Hãy giặt giũ rèm cửa, áo gối, chăn đệm và thảm trải sàn thường xuyên, hơn nữa, còn phải sử dụng loại nước giặt có mùi hương mà bạn thật sự yêu thích. Điều đó sẽ góp phần kích thích bạn có một giấc ngủ thoải mái nhất. Bên cạnh mùi hương, căn phòng của bạn còn cần có ánh sáng tự nhiên ấm áp từ thiên nhiên thay vì sử dụng đèn điện quá nhiều. Không khí trong lành sẽ hỗ trợ bạn trong việc thải độc tâm trí và khiến tinh thần bạn phấn chấn hơn.
Các vị trí sạc pin nên ở cách xa giường ngủ, càng xa càng tốt. Khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng sóng điện thoại – đặc biệt là trong lúc đang sạc pin – rất có hại cho não bộ của bạn. Tôi hy vọng, song song với việc từ bỏ đồ đạc, bạn có thể nỗ lực từ bỏ thói quen nghịch điện thoại trước khi lên giường ngủ của mình. Nó là một trong những thủ phạm gây mất ngủ, ngủ không ngon giấc và đôi khi, là chứng đau đầu buổi sáng của bạn. Ban đầu có thể chưa quen, bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhàm chán, nhưng lâu dần, bạn nhất định nhận thấy chất lượng giấc ngủ được cải thiện đáng kể ra sao, sau khi từ bỏ thói quen độc hại đó.
Bàn làm việc luôn gọn gàng
Bạn không nên đặt toàn bộ giấy tờ, sổ sách liên quan đến công việc của bạn lên chiếc bàn làm việc. Bởi điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải, thậm chí rối tung lên khi công việc bắt đầu trở nên dần phức tạp hoặc đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh. bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc trên nhiều loại bàn khác nhau, nhiều kiểu bàn khác nhau và nhiều phong cách sắp xếp, trang trí bàn khác nhau, tôi có thể khẳng định, một chiếc bàn với ít đồ đạc sẽ đem lại năng suất tốt hơn gấp nhiều lần với một chiếc bàn có quá nhiều đồ đạc khiến chúng ta bị phân tâm và khó tập trung vào một công việc duy nhất.
Tôi cần bạn luyện tập viết ra một danh sách các nhiệm vụ cần giải quyết, xếp theo mức độ khẩn cấp và quan trọng từ cao đến thấp. Tiếp theo đó, cần phải tập trung để giải quyết từng nhiệm vụ một, không làm song song hai hay nhiều nhiệm vụ một lúc, vì nếu như vậy, rốt cuộc bạn sẽ nhận ra mình chưa giải quyết được bất cứ một công việc nào. Muốn tập trung giải quyết triệt để một nhiệm vụ, sau đó mới lần lượt đến các nhiệm vụ tiếp theo, bạn chỉ nên mang những gì liên quan đến nhiệm vụ đó, đặt ở trên bàn, và chỉ tập trung vào chúng mà thôi, như thể đó là nhiệm vụ duy nhất bạn muốn hoàn thành trong cuộc đời vậy.
Giả sử, danh sách công việc cần giải quyết trong ngày của bạn gồm:
1) Nhập liệu danh sách nhân viên;
2) Tính bảng lương cho nhân viên;
3) Đặt mua các dụng cụ văn phòng;
Như vậy, khi bạn thực hiện công việc đầu tiên, thứ bạn cần là máy vi tính, và danh sách nhân viên bản cứng, chỉ vậy thôi. Bạn không cần mang sẵn máy tính cầm tay đặt trên bàn để dành cho công việc tiếp theo, bạn cũng không cần mẫu báo cáo công việc cho nhiệm vụ khác. Bạn sẽ tìm đến chúng sau khi hoàn tất nhiệm vụ thứ nhất. Sau khi hoàn thành, bạn bắt đầu cất danh sách đi và mang máy tính cũng như quy định về lương (dùng để tham khảo) đặt trên bàn. Vẫn là quy tắc cũ: chỉ đặt chúng ở trên bàn, những thứ liên quan đến nhiệm vụ mà bạn đã hoàn thành trước đó hãy cất vào vị trí ban đầu của chúng, và những thứ liên quan đến nhiệm vụ sau, thì không cần lấy ra. Cứ như vậy, lần lượt, tất cả công việc sẽ được hoàn thành với sự tập trung và hiệu quả tốt nhất, và sau khi hoàn thành xong, bạn cũng không rơi vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức vì sức tập trung bị phân tán quá nhiều.
Nhà tắm thơm và sạch sẽ
Nhà tắm ẩn chứa trong đó những khả năng thần kỳ. Không ít người quen của tôi chỉ cần ngâm mình trong bồn tắm 30 phút mỗi buổi chiều là đã đủ lấy lại toàn bộ năng lượng và giảm bớt một cách đáng kể những căng thẳng, tức giận hoặc buồn bã mà họ trải qua trong suốt ngày hôm đó. Nếu bạn cũng thuộc trường hợp đó, tôi sẽ khuyến khích bạn hãy lau chùi, cọ rửa sàn nhà và bồn tắm định kỳ mỗi tuần, sử dụng nước rửa ít hóa chất và nếu có thể, hãy đặt nến thơm trong nhà tắm và thắp lên 30 phút trước khi tắm để nhận được hiệu quả thư giãn tốt nhất. Dù thế nào, cũng đừng để chai lọ ngổn ngang trong nhà tắm, đừng treo khăn và quần áo bẩn một cách lộn xộn, tôi tin rằng bạn không bao giờ muốn bước vào nhà tắm sau cả ngày làm việc mệt mỏi và nhìn thấy những con côn trùng hay những vệt bẩn ố vàng dưới sàn làm sự mệt mỏi của bạn tăng lên gấp nhiều lần hơn.
Không gian số trên máy tính và màn hình điện thoại cũng rất quan trọng
Thỉnh thoảng, bạn vẫn bắt gặp hình ảnh bản thân ngồi thẩn thờ trước màn hình máy tính mà chẳng muốn làm gì, hoặc đôi khi bạn bật máy tính lên và bỗng cảm thấy vô cùng căng thẳng dù chưa kịp bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Trong trường hợp này, hãy thử xem xét cách bạn tổ chức các thư mục trên máy tính của bạn như thế nào.
Bạn thường lầm tưởng rằng việc lưu toàn bộ tập tin, hình ảnh lên màn hình máy tính sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm, nhưng thật ra thì ngược lại. Mỗi khi lướt mắt qua một lượt toàn bộ ứng dụng mà tập tin ngập tràn trên màn hình máy tính của mình, bạn sẽ thấy nặng nề vì áp lực và cảm giác mình không thể kiểm soát nổi các dữ liệu và thông tin của bản thân, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành hết những dự án tồn đọng, tất cả suy nghĩ đó, biến thành nguồn năng lượng tiêu cực, gây giảm sút hiệu quả công việc và tinh thần làm việc của bạn.
Hãy học cách sắp xếp các tập tin theo từng thư mục, đặt tên chúng theo dự án, theo chủ đề liên quan đến nhau. Ví dụ:
Jobs: Bao gồm các tập tin lưu trữ liên quan đến công việc;
Game: Bao gồm các tập tin lưu trữ liên quan đến việc giải trí bao gồm trò chơi, video hài hước, sách điện tử,…
Memories: Bao gồm các tập tin hình ảnh, video, âm nhạc, thậm chí là nhật ký, gợi nhớ đến những kỷ niệm mà bạn trân trọng và muốn giữ lại để thỉnh thoảng ngắm nhìn;
Information: Bao gồm các tài liệu điện tử mà bạn nghiên cứu, bên trong thư mục này chứa các thư mục con, mỗi thư mục là một lĩnh vực khác nhau.
Tương tự đối với không gian trong điện thoại di động. Hãy tránh để toàn bộ ứng dụng ngoài màn hình chính và chuyển trang liên tục để tìm ứng dụng mình cần. Thay vào đó, tôi muốn khuyên bạn chỉ để ra màn hình những ứng dụng mà bạn truy cập nhiều nhất. Còn lại, hãy nhóm vào từng ô vuông, mỗi nhóm là một mục đích sử dụng khác nhau, ví dụ như các ô Mạng xã hội, ô Giải trí, ô Ứng dụng mua sắm, ô Ứng dụng tài chính, hoặc ô Ứng dụng phục vụ công việc,… bạn có thể đặt tên từng ô theo ý thích. Nếu có thể, hãy tắt thông báo hoặc gỡ cài đặt đối với các ứng dụng mà bạn không còn dùng đến nữa. Có như vậy, mỗi khi bật điện thoại, bạn mới không cảm thấy bị thôi thúc phải ấn vào các ứng dụng không quan trọng, gây xao nhãng và mất tập trung trong khi bạn đang ở trong thời gian giải quyết công việc của mình. Với cách sắp xếp này, bạn sẽ luôn nhìn thấy một không gian số thật ngăn nắp và thông thoáng, việc tra cứu và tìm kiếm cũng trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn.
Dọn dẹp các mối quan hệ
Đây là bước cuối cùng nhưng đồng thời cũng là bước khó khăn nhất trong việc dọn dẹp không gian sống cá nhân của bạn. Bởi vì không giống như những món đồ đạc vô tri, các mối quan hệ luôn khiến bạn cảm thấy khó lòng dứt bỏ, đặc biệt là đối với những người trong quá khứ từng rất thân thiết nhưng đã quá lâu không còn liên lạc nữa. Sẽ như thế nào khi một ngày bạn quyết định sẽ chấm dứt liên lạc với một ai đó, nhưng rồi đúng lúc ấy họ lại xuất hiện, nhìn bạn mỉm cười và ôn lại một chút về quá khứ đã từng thân thiết giữa cả hai? Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng khó xử, thậm chí quyết định không tiếp tục đưa họ vào trong danh sách những mối quan hệ sẽ “dọn dẹp” của mình.
Có điều, tôi không phải đang nói về việc rà soát bạn bè trên mạng xã hội hay danh bạ điện thoại của bạn, mà là cách bạn giữ lại hay chấm dứt một mối quan hệ thực tế trong cuộc sống của mình. Đó không chỉ là một người đã từng tổn thương bạn hoặc cho bạn những nỗi đau tồi tệ trong quá khứ, mà còn có thể là một ai đó thường xuyên phán xét bạn, thường xuyên hạ thấp, xem thường bạn; một ai đó thường xuyên lợi dụng lòng tốt của bạn; một ai đó luôn truyền cho bạn nguồn năng lượng tiêu cực bằng cách than vãn, trách móc, kể lể về nỗi khổ tâm trong đời mình, phóng đại nỗi buồn chán của mình và làm cho bạn cũng phát chán lên đi được; những người như vậy bạn cũng không cần giữ lại trong đời mình để làm gì, họ chẳng thể hỗ trợ quá trình chữa lành tâm trí của bạn, ngược lại còn khiến bạn dần trở nên tiêu cực hơn, áp lực hơn, trong khi tất cả những gì bạn cần làm để chấm dứt tình trạng này, chỉ đơn giản là ngừng liên lạc, ngừng tiếp chuyện, ngừng cho họ cơ hội gặp gỡ và tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến bạn thêm nữa.
NHỮNG CUỐN SÁCH VỀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO
Như đã nói, tôi không phải là một bác sĩ hay chuyên gia về tâm lý, thậm chí tôi biết tuổi đời của tôi vẫn còn hơi trẻ để có thể giải đáp tất cả các vấn đề thuộc phạm trù thần kinh học hay tâm lý học. Vì thế, khi được hỏi những kiến thức tôi có là từ đâu, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng, tôi rút ra từ kinh nghiệm của bản thân, của những người thân, bạn bè xung quanh, và không ít kiến thức từ nhiều nguồn khác.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn vào khía cạnh tâm lý học, các bài nghiên cứu, phân tích hành vi, bệnh tâm lý hoặc liệu pháp chữa lành tinh thần chuyên nghiệp, tôi có thể đưa ra cho bạn một vài gợi ý về các tư liệu mà tôi đã tham khảo và cảm thấy thật sự hữu ích như sau:
Sang Chấn Tâm Lý - Hiểu Để Chữa Lành (tên gốc: The Body, Keeps the Score: Brain, Mind, and Body In the Healing of Trauma) của tác giả – Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk: Một tác phẩm kinh điển của tâm thần học hiện đại, là một công trình khoa học công phu và nghiêm túc, trải rộng trên nhiều lĩnh vực – tâm lý học thần kinh, tâm lý học phát triển, tâm bệnh học, tâm lý trị liệu – được đúc kết sau nhiều năm kinh nghiệm làm việc của chính tác giả, và dựa trên những câu chuyện có thật của các bệnh nhân mà tác giả có dịp tiếp xúc hoặc chữa trị.
Từ Nước Mắt Đến Nụ Cười - Tận Cùng Khổ Đau Đến Ngời Sáng Tâm Hồn (tên gốc: Tears to Triumph) của tác giả Marianne Williamson: Cuốn sách được xem là sự suy tư về nỗi đau của con người, căn nguyên của chứng trầm cảm, và đặc biệt là sự siêu việt mà nó mang lại cho chính chúng ta. Tác giả muốn hướng mọi người đón nhận và trưởng thành từ những nỗi đau thay vì né tránh như cách mà chúng ta hay làm. Cô cho rằng: càng phủ nhận những tổn thương, chúng ta càng kéo dài nỗi đau do chúng gây nên. “Chừng nào còn chưa được chữa lành, những vết thương ấy còn tiếp tục đưa cuộc sống của chúng ta đi theo những hướng bất lợi.”
Những Cảm Xúc Bị Dồn Nén (tên gốc: Repressed Emotions) của tác giả – nhà Tâm lý trị liệu Isador Henry Coriat: Một cuốn sách giúp bạn thấu hiểu chính mình. Một người chỉ trở nên mạnh mẽ và sáng suốt khi đã thực sự nhận biết và thấu hiểu tất cả những cảm xúc dồn nén của mình, những nỗi đau khổ và bất hạnh của mình, chấp nhận chúng và lôi chúng ra ánh sáng, chứ không phải tự ru mình bằng những lời hô hào suông về một thứ sức mạnh ý chí, tinh thần nào, hay bằng việc tìm đến trú ngụ trong những tổ chức cực đoan. Thông qua tác phẩm này, tác giả muốn nhắn gửi đến bạn đọc một thông điệp mạnh mẽ và tràn đầy cảm hứng: “Trước khi tìm đến nhà trị liệu, hãy trở thành nhà trị liệu của chính mình.”
Trí Tuệ Xúc Cảm (tên gốc: Emotional Intelligence) của tác giả – nhà Tâm lý học Daniel Goleman: Cuốn sách đưa ra một góc nhìn mới so với cách tiếp cận quá tập trung vào lý trí vô cùng phổ biến trước đây trong các khoa tâm lý học, đồng thời giải thích chi tiết tác động của cảm xúc lên cuộc sống hàng ngày của bạn, giúp bạn biết sử dụng các cảm xúc đúng để tạo nên những kết quả tích cực và trách được những tình huống bất lợi. Ngoài ra, trong sách tác giả còn trả lời những câu hỏi đầy thú vị như: Làm thế nào mà trí thông minh cảm xúc phát triển trong mỗi cá nhân và tại sao khả năng này lại vô cùng cần thiết cho toàn xã hội?
Sau cùng, tôi hy vọng cuốn sách nhỏ này của tôi có được một cơ hội nằm trong tủ sách của bạn. Có thể nó không ở trong hàng sách tâm lý, nhưng ít nhất cũng sẽ là một cuốn sách nhẹ nhàng, tựa như một người bạn, ở bên cạnh đồng hành với bạn vượt qua những biến cố trong cuộc sống. Bạn không cần phải chuẩn bị một nền tảng kiến thức về tâm lý hay hiểu biết các thuật ngữ cao siêu. Tất cả những gì bạn cần là một tinh thần sẵn sàng tiếp nhận, áp dụng và duy trì những thói quen tốt cho tâm trí của bạn, cùng một trái tim tràn đầy hy vọng vào sự thay đổi trong cuộc sống. Sự thay đổi này không nhất thiết phải là một điều gì đó kinh khủng, đột phá, hay đao to búa lớn, mà đó chỉ đơn giản là một bước chuyển mình, xóa đi những oán hận, những đau đớn, tủi thân, những nỗi thất vọng, ám ảnh về chuyện đã qua, để chỗ trống cho những niềm vui mới, những cơ hội mới, những hy vọng mới.
Tôi chắc rằng khi trong chúng ta tràn đầy niềm tin, sự lạc quan cùng tinh thần khỏe mạnh, hạnh phúc và bình yên rồi cũng sẽ đong đầy.