“Tôi phát hiện ra rằng tất cả những người thành công mà tôi từng nói chuyện đều có một bước ngoặt, và bước ngoặt đó là khi họ lập một quyết định rõ ràng, cụ thể, dứt khoát rằng họ sẽ không tiếp tục sống như thế này thêm nữa.”
- Brian Tracy -
(“I found that every single successful person I’ve ever spoken to had a turning point and the turning point was where they made a clear, specific, unequivocal decision that they were not going to live like this anymore.”)
Có rất nhiều người, sau khi thực hiện chữa lành tâm trí thì vấn đề còn lại khiến họ ngại ngùng băn khoăn chưa thể quay lại cuộc sống thường nhật của mình, chính là không thể đón nhận những điều mới mẻ đến từ bất cứ ai, thậm chí đối với cả những người xung quanh mình. Trong lòng họ luôn thường trực tâm lý e dè, sợ sệt, không còn muốn đặt niềm tin vào người khác vì lo lắng bản thân sẽ một lần nữa phạm phải sai lầm, một lần nữa vấp ngã, một lần nữa phải chịu tổn thương tương tự như trước đây. Bạn không đáng trách khi mang suy nghĩ như vậy, nhưng bạn biết không, suy nghĩ này sẽ làm lỡ mất của bạn rất nhiều cơ hội. Bạn có thể sẽ bỏ qua ai đó, hoặc sự kiện nào đó vô cùng tuyệt vời đang chờ đợi ở phía trước, mà đa phần trong số chúng, sẽ không quay lại với bạn lần thứ hai.
Vậy, chương này sẽ dành riêng cho việc làm thế nào để ở trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ bất cứ khi nào chúng xuất hiện.
Trước tiên, tôi biết mỗi người trong chúng ta đều có một ngưỡng chịu đựng đau đớn hoàn toàn khác nhau. Có thể đối với bạn, việc chia tay với người mình yêu không phải là chuyện gì quá đau lòng, nhưng với người khác, đó lại là một nỗi đau chấn động trời đất; có thể đối với bạn, việc thất bại trong kỳ thi đại học khiến bạn suy sụp và đánh mất niềm tin vào chính mình, nhưng đối với người khác, chung quy đó cũng chỉ là một cuộc thi bình thường mà thôi. Tương tự, ngưỡng chấp nhận của mỗi người cũng sẽ không giống nhau. Người khác có thể chấp nhận dễ dàng chuyện một ai đó đến với họ và xoa dịu trái tim cô độc của họ, nhưng bạn thì cảm thấy thật khó để mở lòng mình ra; người khác có thể không vực dậy làm lại từ đầu sau cú sốc nhìn thấy doanh nghiệp bản thân luôn tâm huyết bị sụp đổ, nhưng bạn cảm thấy không sao cả, vạn sự khởi đầu nan, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục cố gắng được. Như vậy, không thể áp đặt một công thức nhất định lên mọi người và đòi hỏi tất cả cùng sử dụng, chúng ta cần phải dựa trên ngưỡng chấp nhận của bản thân để tự mình xem xét đâu là điều có thể vượt qua một cách nhanh chóng, và đâu là điều chúng ta cần phải có thời gian để chầm chậm tháo gỡ.
ĐỪNG ÉP BẢN THÂN PHẢI ĐÓN NHẬN CÙNG MỘT LÚC
Tôi muốn chia sẻ một chút về khoảng thời gian tôi vừa mới quay về nhà sau khóa thiền tại Rolling Meadows, lúc đó, tinh thần của tôi đang ở trong trạng thái vô cùng sảng khoái, tôi nghĩ rằng mình đã sẵn sàng để lao vào một cuộc chiến mới, với những dự án mới, những công việc mới, những mối quan hệ mới, và niềm tin rằng với tâm thế này, tôi sẽ nhanh chóng phác thảo một kế hoạch kinh doanh mới triển vọng hơn.
Ngay tuần đầu tiên, tôi đã ngồi vào bàn và bắt đầu vạch ra các mục tiêu cũng như dự định cho những gì tôi sắp sửa làm, đồng thời gấp rút liên lạc lại với bạn bè, cộng sự trước đây của mình để gửi lời mời tiếp tục hợp tác. Tôi hiểu được rằng, có một vài mối quan hệ không tốt trong đời không có nghĩa tất cả các mối quan hệ khác đều xấu, hơn nữa tôi còn là người rất trân trọng các mối quan hệ thân quen, những người trước đây từng làm việc cùng tôi tại công ty BLUE IMPRINT, những người từng có lời mời hợp tác, hay kể cả những người bạn đã lâu không gặp, tôi đều tìm cách kết nối lại. Cảm giác này giống như, sau khi lọc sạch toàn bộ tạp niệm, những chuyện không vui, những người không xứng đáng, tâm trí tôi trở nên tươi mới và hoàn toàn thông thoáng. Thế nên tôi mới nôn nóng lấp đầy nó bằng hàng loạt những điều mới mẻ cùng một lúc.
Tuy nhiên, đây chính là điều tôi muốn cảnh báo với các bạn, hành động này rất dễ gây phản tác dụng. Khi cơn hưng cảm ập đến và thôi thúc bạn làm điều gì đó để thỏa mãn nhiệt huyết đang cuộn tràn trong cơ thể, bạn sẽ hiếm khi quan tâm đến hệ quả của những việc mình làm, hoặc giả sử bạn có quan tâm đi chăng nữa, tôi chắc rằng bạn sẽ nghĩ hệ quả đó chẳng có vấn đề gì, nó không thể khiến tâm trạng đang dâng cao của bạn bị giảm nhiệt một chút nào cả.
Sự thật lúc nào cũng ngược lại hoàn toàn.
Để tôi tiếp tục chia sẻ với bạn câu chuyện của tôi sau khi liên lạc lại với những người từng quen biết trước đây. Có một sự thật rằng bạn không bao giờ có thể lường trước được phản ứng của người khác trước những câu hỏi hay lời mời của bạn. Ví dụ như lúc tôi nhắn tin cho cô bạn X để ngỏ lời mời cô ấy cùng hợp tác trong kế hoạch khởi nghiệp lần thứ hai, cô ấy đã tỏ ra khá hoài nghi. Cô hỏi lại rằng tôi có nên cân nhắc một lần nữa trước khi tự làm bản thân suy sụp nhiều hơn. Một cô bạn khác trả lời cô ấy đã có công việc khác, cô bạn khác thậm chí chẳng muốn trả lời tin nhắn của tôi. Cách phản ứng thứ hai tôi nhận được là những lời khuyên chẳng hạn như tôi không hợp với việc khởi nghiệp đâu, tôi nên dành thời gian và tiền bạc cho việc khác thiết thực hơn; những câu hỏi liệu rằng tôi có muốn một công việc văn phòng nhàn nhã hay không, họ có thể giới thiệu cho tôi một vị trí trong công ty người quen của họ. Hầu như chẳng một ai tin rằng tôi có thể làm lại từ đầu sau lần vấp ngã trong quá khứ, họ cảm thấy nghi ngờ, hoặc thương hại ngay khi vừa mới nghe qua lời đề nghị của tôi.
Tất nhiên, phản ứng này khiến tôi bị hụt hẫng không ít, sự hào hứng và nhiệt tình ban đầu dần bị chúng kéo xuống đáy vực. Nếu nói tôi không buồn hay không thất vọng chút nào thì rõ ràng là nói dối, tôi không chỉ buồn hay thất vọng, mà còn có chút tự dè dặt với chính mình nữa. Quá nhiều người hoài nghi khiến chính tôi cũng không khỏi hoài nghi, liệu rằng có đúng như mọi người nói, tôi rốt cuộc cũng chỉ là một kẻ thất bại ảo tưởng tội nghiệp mà thôi? Đây chính là lý do tôi khuyên bạn không nên vui mừng quá sớm, càng không nên vội vàng lấp đầy tâm trí của mình ngay khi vừa giải phóng các suy nghĩ tiêu cực chẳng được bao lâu. Bởi vì, cũng giống như bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể, tâm trí của chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi, đặc biệt sau quá trình chữa lành đầy mệt mỏi.
Tôi cần bạn chậm lại một chút, đưa từng thông tin một vào trong tâm trí của mình, đừng quá vội vàng hấp tấp, đừng thúc ép nó phải đón nhận tất cả những điều mới mẻ ập đến cùng một lúc. Đây là một quá trình chọn lọc và quyết định cẩn thận, bạn nên bắt đầu từ những điều nhẹ nhàng, dễ chấp nhận nhất, sau đó kiên nhẫn chờ đợi tâm trí bạn thích nghi với nó. Đợi đến khi bạn thật sự xem điều mới mẻ ấy là một phần trong cuộc sống của mình, đó mới là lúc bắt đầu đưa một điều mới mẻ khác vào trong tâm trí của bạn. Cứ như vậy, hãy tuân thủ câu thần chú: “Đừng vội, chầm chậm thôi, từng chút một”, áp dụng cho mọi tình huống, mọi mối quan hệ và mọi dự định của bạn, không chỉ vào giai đoạn này, mà còn trong nhiều giai đoạn khác nữa.
Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Như tôi đã nói, hãy bắt đầu từ những điều dễ chấp nhận và khiến bạn thấy thoải mái nhất. Ví dụ như, bạn là một cô gái hướng ngoại, có rất nhiều bạn bè thân thiết – những người mà bạn tin tưởng rằng sẽ luôn ủng hộ các quyết định của bạn, mong muốn bạn được vui vẻ – thì sự lựa chọn ổn nhất trong trường hợp này là bắt đầu liên lạc với họ: bất ngờ gọi điện mời họ một bữa ăn trưa vào cuối tuần, đến nhà họ để cùng xem một bộ phim hài mà cả hai từng cùng nhau yêu thích, hoặc sôi động hơn là một bữa tiệc ngủ giữa các cô gái thân thiết từ thời trung học đã rất lâu không gặp. Từ việc gặp gỡ những người thân, bạn bè quen thuộc, làm những việc quen thuộc, dần dần hãy bắt đầu nói về các dự định mới, các kế hoạch mà bạn đang ấp ủ, hay thậm chí là ngỏ lời mời họ cùng tham gia. Lúc này xác suất nhận được sự tán đồng và ủng hộ sẽ cao hơn, bởi vì trước đó họ đã có một thời gian chứng kiến bạn thật sự bình tâm sau biến cố, vượt qua được tổn thương tinh thần để trở lại với cuộc sống thường nhật, họ sẽ không còn hoài nghi các kế hoạch của bạn là xuất phát từ sự bốc đồng, nôn nóng muốn khôi phục tổn thất về vật chất lẫn tinh thần mà bản thân phải chịu trong quá khứ.
Trong trường hợp bạn là một người cảm thấy công việc khiến bản thân dễ chịu, thoải mái, hãy bắt đầu từ những dự định liên quan đến công việc. Tuy nhiên, đừng vội vàng chia sẻ chúng một cách công khai với tất cả mọi người, hãy để chúng có thời gian sống trong tâm trí của bạn đủ lâu. Bạn có thể chầm chậm nuôi dưỡng chúng bằng cách mỗi ngày viết về chúng nhiều thêm một chút, chi tiết, cụ thể hơn một chút, cho đến khi chúng thật sự hoàn chỉnh, hoàn chỉnh đến mức chính bạn phải tin vào chúng, tin vào khả năng phát triển của chúng, lúc đó bạn mới có thể nói về chúng với những người xung quanh mình, mời gọi sự hợp tác hoặc hỗ trợ từ phía họ, và chuẩn bị đón nhận những điều mới mẻ hơn vào trong tâm trí của mình.
Nếu bạn thuộc kiểu người xem trọng tình yêu và đặt nhu cầu có một người ở bên cạnh chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống lên trên tất cả các nhu cầu khác, vậy giai đoạn đầu tiên tôi cần bạn mở rộng cánh cửa trái tim mình. Hãy đón nhận những điều mới mẻ về tình yêu bằng cách tham gia các câu lạc bộ, các hội nhóm có cùng sở thích, cùng quan tâm đến chủ đề mà cả bạn cũng quan tâm, bắt đầu một tình bạn đơn thuần với họ, trao đổi, trò chuyện, và tìm kiếm điểm chung giữa bạn và họ. Trong số đó nhất định sẽ có một vài người khiến bạn cảm thấy có ấn tượng đặc biệt hơn so với những người còn lại. Đây là lúc bạn nuôi dưỡng những cảm xúc ấy nơi tâm trí mình, một cách chậm rãi và cẩn trọng, để tình cảm ấy lớn dần lên bên trong bạn, bén rễ, nảy mầm, trở thành một nhánh cây, từ nhánh cây đó nở rộ một bông hoa nơi trái tim bạn, và rồi bạn sẽ lại yêu, và rồi bạn sẽ sẵn sàng đón nhận một người mới đến trong cuộc đời bạn.
Việc đón nhận những điều mới mẻ đến với bạn thật ra cũng rất cần theo một lộ trình và phương pháp rõ ràng, cho dù những điều mới mẻ ấy có tốt đẹp và đáng mong đợi như thế nào đi chăng nữa. Bởi vì, bạn biết đấy,bạn đang trong quá trình chữa lành, bạn đã rất vất vả để giải phóng những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí của mình, cũng mất không ít thời gian để hồi phục trái tim sau những biến cố trong quá khứ, bạn không thể vì bất cứ ai hay bất cứ lý do gì để bản thân phải chịu đựng những nỗi đau, sự thất vọng và suy sụp giống hệt như trước đây thêm một lần nào nữa. Tâm trí và trái tim của bạn tại thời điểm này không giống như một tờ giấy trắng, chúng rất dễ bị tổn thương, đồng thời sau nhiều tổn thương nối tiếp nhau, thời gian để chữa lành chúng sẽ càng dài hơn và khó khăn hơn nữa. Vì vậy, sự thận trọng và tỉnh táo khi đón nhận những điều mới mẻ, chính là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ tâm trí và trái tim của bạn khỏi các rủi ro khó lường.
NHỮNG GÌ ĐÃ QUA, ĐỪNG NGHĨ LẠI QUÁ NHIỀU
Một vài người quen trong lúc chia sẻ với tôi về quá trình đón nhận những điều mới mẻ đến với cuộc sống của mình, đột nhiên đặt cho tôi một câu hỏi như thế này:
“Nhưng nếu như điều mới mẻ đến với cuộc sống của tôi sau khi chữa lành tâm trí lại chính là những người cũ, chuyện cũ đã từng khiến tôi tổn thương thì tôi phải làm gì?”
Chà, cũng đáng để suy nghĩ đấy. Tôi cho rằng không ít người trong chúng ta gặp phải tình huống tương tự: những người cũ, chuyện cũ đã từng khiến chúng ta thất vọng, suy sụp, nay lại một lần nữa quay về, một lần nữa có dấu hiệu tái diễn. Chúng ta tất nhiên sẽ cảm thấy e dè bối rối. Cảm giác này cũng giống như, vào một buổi tối nọ bạn vô tình va vào một cái cây to khiến cả người đau đớn, bị thương không nhẹ, phải mất một thời gian dài mới khỏi hẳn. Sau này tuy rằng bạn không còn thấy đau nữa, nhưng bạn vẫn không thể tránh khỏi nhớ lại cảm giác khó chịu mỗi khi nhìn thấy cái cây đó, thậm chí bạn sẽ lựa chọn đi đường vòng để tránh mọi rủi ro có thể va vào nó bất cứ lúc nào.
Tôi cũng đã từng ở trong trường hợp đó.
Khoảng hai tháng sau khi tôi khôi phục lại tinh thần và bắt đầu lên kế hoạch mới cho sự nghiệp của mình, có một buổi tối tôi nhận được tin nhắn từ người bạn trai cũ đã từng phản bội tôi để kết hợp với cô bạn thân và cộng sự mà tôi tin tưởng nhất, sau đó lật đổ công ty mà tôi vất vả gầy dựng.
“Daisy, xin lỗi.” Anh ta nhắn.
Chỉ là vài ký tự ngắn gọn như thế, nhưng lại thành công khiến lồng ngực tôi nhói lên một cái, sau đó nặng nề như bị một tảng đá đè nặng. Cảm giác này hoàn toàn không phải bởi vì tôi vẫn còn tình cảm với anh ta, nhưng nó đến từ nỗi bất an lo lắng. “Anh ta lại muốn gì nữa đây?” Đó là tất cả những gì lặp đi lặp lại trong đầu tôi suốt cả đêm hôm đó. Không thể tin rằng anh ta vẫn có thể thản nhiên nhắn tin cho tôi sau tất cả những gì đã làm. Dù đó là một tin nhắn xin lỗi, tôi cũng vẫn không thể nào dễ dàng chấp nhận.
“Anh nghĩ rằng chỉ một lời xin lỗi là có thể hàn gắn tất cả những vết thương mà anh đã từng gây ra cho tôi hay sao?” Tôi cầm lấy điện thoại, gõ tin hồi âm lời trong sự phẫn nộ.
Tôi cảm thấy may mắn vì đã ấn xóa và không gửi nó đi.
Có một sự thật là, việc tỏ ra giận dữ và đáp trả lại một cách gay gắt chỉ khiến đối phương nhận ra rằng bạn còn bị chuyện cũ làm cho dao động. Thông thường, chúng ta sẽ chỉ cảm thấy giận dữ với một ai đó hay một thứ gì đó khi nó còn có ảnh hưởng nhất định đến chúng ta. Đến đây, tôi sẽ chia ra làm hai trường hợp, thứ nhất, đối phương thành tâm muốn sửa chữa sai lầm, họ có thể nghĩ rằng bạn sẽ không thể tha thứ cho họ, họ chẳng còn cơ hội nào để hàn gắn mối quan hệ với bạn nữa; thứ hai, đối phương chỉ muốn dò xét tình trạng hiện tại của bạn, thì việc bạn phẫn nộ với họ có thể tạo cho họ cảm giác hả hê đắc ý, bởi vì bạn vẫn chưa thể quên được những gì họ làm, bạn vẫn chưa thật sự quên đi, vẫn chưa thật sự buông bỏ chuyện cũ và sống một cách thanh thản, an nhiên.
Vậy những lúc như thế, chúng ta nên xử lý như thế nào?
Vấn đề không nằm ở việc chúng ta nói gì, mà là chúng ta cảm thấy ra sao. Cuốn sách này của tôi chủ yếu hướng đến gì diễn ra ở bên trong tâm trí của các bạn, chứ không phải những thứ các bạn thể hiện ở bên ngoài. Tôi có thể đưa ra hàng chục cách để đáp trả người yêu cũ sao cho thật thâm thúy, hàng chục cách cư xử cứng rắn trước mặt người mà các bạn không có thiện cảm, nhưng suy cho cùng, những điều đó chẳng là gì cả nếu như trong lòng bạn không thật sự vui vẻ hay thoải mái. Sự trả đũa đôi khi chỉ khiến chúng ta sa đà vào những cảm xúc tiêu cực mỗi lúc một nhiều hơn. Tâm trí của bạn sẽ hình thành một lối suy nghĩ rằng, bạn nhất thiết phải dùng thái độ lạnh lùng cay nghiệt thì mới thấy dễ chịu, nhất thiết phải làm cho những người từng khiến bạn tổn thương gánh chịu hậu quả hoặc biết ăn năn hối cải thì mới cam lòng. Lâu dần, chúng trở thành quan điểm sống của bạn, trở thành thói quen của bạn, trở thành tính cách của bạn. Mà tính cách này, thật ra chẳng có gì đáng để giữ lại hay nuôi dưỡng cả.
Tôi thường nói đùa với những người bạn của tôi rằng, khi một người mà tôi không còn muốn gặp lại cứ liên tục nhắn tin làm phiền đến tôi, thì việc đầu tiên mà tôi làm không phải là nhắn tin trả lời họ, hay cho họ biết rằng họ phiền phức như thế nào, mà tôi sẽ… đi ngủ. Bởi tôi không nghĩ rằng phản hồi ngay lập tức, ngay sau khi nhận được tin nhắn, sẽ là một ý hay. Chúng ta thường có xu hướng nói hoặc làm rất nhiều điều ngớ ngẩn khi chúng ta tức giận, hay tệ hơn nữa, một số người thậm chí còn có thể đưa ra những quyết định khiến bản thân sau này phải ân hận. Cách tốt nhất vẫn nên là để cho mình có thời gian suy nghĩ, cân nhắc, đánh giá lại tất cả trước khi đưa ra một lời hồi đáp sáng suốt.
Bạn không nhất thiết phải đi ngủ giống như tôi – đó chỉ là một ví dụ – nhưng bạn cần để bản thân được thư giãn. Bạn có thể đặt tin nhắn phiền phức ấy sang một bên, đứng lên làm vài việc bản thân yêu thích, những việc có khả năng lôi cuốn tâm trí của bạn, khiến bạn tập trung vào chúng mà tạm quên đi việc bạn đang khó chịu với tin nhắn kia như thế nào. Đó có thể là 10 phút tản bộ, có thể là một cốc cà phê, có thể là 30 phút buôn chuyện qua điện thoại với mẹ, với chị gái hoặc với cô bạn thân nhất,… Bạn cần phân tán sự chú ý của mình đối với tin nhắn ấy, đối với cơn giận hoặc nỗi buồn khi đột ngột nhớ lại những chuyện liên quan đến chủ nhân của tin nhắn ấy. Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng, bạn đã đào thải toàn bộ suy nghĩ tiêu cực – về họ cũng như về mối quan hệ giữa bạn và họ – rằng bạn đã tự hứa sẽ không cho họ có cơ hội quấy nhiễu tâm trí của bạn, khiến bạn mệt mỏi hay đau lòng thêm lần nào nữa, và rằng bạn sẽ giải quyết tin nhắn này – không phải ngay bây giờ – một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng nhất có thể.
Hãy luôn nhớ rằng, sự hấp tấp thường không mang lại kết quả tốt, dù trong bất cứ tình huống nào. Thay vào đó, một khoảng thời gian thả lỏng đầu óc sẽ giúp bạn có được khả năng suy nghĩ sáng suốt hơn, khi đưa ra quyết định cũng sẽ ở trong trạng thái tinh thần minh mẫn nhất, tỉnh táo nhất, tránh mắc phải cùng một sai lầm giống như trong quá khứ, cũng như tránh để bản thân phải hối hận vì những lựa chọn nóng vội của mình. Tôi muốn chia sẻ dưới đây danh sách những việc bạn có thể làm để tránh cảm giác thôi thúc phải hồi đáp tin nhắn, hoặc phải xử lý vấn đề ngay lập tức.
NHỮNG VIỆC BẠN CÓ THỂ LÀM KHI ĐỘT NHIÊN NHẬN ĐƯỢC TIN NHẮN TỪ MỘT NGƯỜI ĐÃ TỪNG KHIẾN BẠN TỔN THƯƠNG VÀ KHÔNG BAO GIỜ MUỐN GẶP LẠI NỮA
• Dắt thú cưng đi dạo
• Nấu một món ăn ngon
• Chăm sóc cây trong vườn
• Ngồi thiền 30 phút
• Ngâm mình trong bồn nước ấm
• Nghe 5 bài hát ngẫu nhiên trong danh sách nhạc yêu thích
• Chơi game trên điện thoại
• Gọi cho một người thân thiết với bạn và cùng họ nói chuyện vài phút
• Đọc 10 trang của cuốn sách mà bạn đang đọc dở
• Xem lại cảnh phim đắt giá nhất mà thần tượng của bạn thủ vai
• Chép lại bài thơ bạn thích bằng một ngôn ngữ khác
• Sắp xếp lại tủ sách hoặc tủ quần áo của bạn
• Lái xe chở bố hoặc mẹ của bạn đi mua sắm vài món đồ gia dụng trong nhà
• Chụp một bộ ảnh mà tất cả đều mang cùng một màu sắc nhất định
• Viết thư cho một người đã lâu không liên lạc
• Đọc lại bộ truyện tranh bạn rất thích khi còn bé
• Tự tay pha một tách trà hoặc cà phê để nhâm nhi ngoài sân
• Đến spa chăm sóc da và tóc
• Chọn một mùi hương tinh dầu dễ chịu để thay đổi không khí trong phòng
• Đến phòng gym hoặc luyện tập yoga trong vòng 30 phút
• Chơi một môn thể thao
• Chơi trò giải ô chữ trên tạp chí hoặc trên máy tính
• Vẽ một bức tranh ngẫu hứng
• Ra ngoài ăn món ăn bạn yêu thích
• Xem lại những đoạn phim vui nhộn về bạn và người thân, bạn bè của bạn
• Tân trang phương tiện đi lại của bạn
• Tự làm một món đồ thủ công hoặc phụ kiện thời trang như vòng tay, khăn choàng, dây buộc tóc,…
• Hay chỉ đơn giản là đi ngủ một giấc thật sâu, giống như tôi đã từng làm.
Nếu như bạn có thêm bất cứ một ý tưởng nào khác, hãy viết xuống dưới đây và chia sẻ ý tưởng đó với tôi cũng như cộng đồng những người có mong muốn chữa lành tâm trí và loại bỏ suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống của mình.
...................................
...................................
...................................
Có vô số hoạt động mà bạn có thể xem xét và thực hiện để chuyển hướng sự tập trung của bản thân ra khỏi những suy nghĩ thuộc về quá khứ. Tôi không khuyên bạn nên im lặng và lờ đi tin nhắn phiền phức nọ – dù rằng nếu bạn quyết định như vậy, tôi cũng sẽ ủng hộ bạn thôi – nhưng tôi sẽ khuyến khích bạn tìm đến các hoạt động giúp bạn vui vẻ, thư giãn về thể chất hoặc tinh thần trước, rồi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện giải quyết vấn đề khiến bạn khó chịu sau.
Hãy chắc chắn rằng tâm trí bạn đang thật sự thả lỏng trước khi trả lời những câu hỏi dưới đây:
Bạn cảm thấy như thế nào khi người cũ hoặc chuyện cũ (đã từng làm bạn tổn thương) lại tìm đến bạn trong hiện tại?
...................................
...................................
...................................
Tại sao bạn lại cảm thấy như vậy?
...................................
...................................
...................................
Bạn có thật sự muốn người ấy biến mất khỏi cuộc sống của mình, không bao giờ xuất hiện trước mặt mình nữa hay không?
...................................
...................................
...................................
Nếu bạn không muốn, vậy lý do là gì, hay bạn còn có khúc mắc gì muốn giải quyết với họ?
...................................
...................................
...................................
Bạn có nghĩ rằng bản thân có thể làm rõ lý do hay tự mình giải quyết khúc mắc đó hay không?
...................................
...................................
...................................
Bạn có muốn người ấy làm điều gì cho bạn hay không? Đó là gì? Và điều đó có khiến bạn cảm thấy ổn hơn không?
...................................
...................................
...................................
Bạn có muốn cải thiện mối quan hệ với họ, tha thứ và cho họ một cơ hội nữa hay không?
...................................
...................................
...................................
Nếu câu trả lời là Có, bạn cần có một kế hoạch để giảm thiểu những tổn thương có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Điều này không phải khiến bạn vĩnh viễn sống trong nghi ngờ, tôi chỉ muốn nhắc nhở bạn luôn tỉnh táo và sử dụng lý trí nhiều hơn trong mối quan hệ vừa cải thiện này để phòng tránh mọi rủi ro, cho đến khi đối phương có những biểu hiệu hay hành động đủ để lấy lại niềm tin nơi bạn.
Nếu câu trả lời là Không, đã đến lúc bạn chặn mọi cách thức liên lạc, công khai để người ấy biết rằng họ sẽ không bao giờ có được cơ hội ở bên cạnh bạn – dù với tư cách gì đi nữa. Sự dứt khoát lúc này là thật sự cần thiết, tuyệt đối không cho họ thấy sự dao động hay phân vân từ phía bạn, bởi đó sẽ là kẽ hở để đối phương tiếp tục quấy nhiễn bạn nhiều hơn.
Tôi sẽ không đưa ra những lời khuyên như “Hãy biết thứ tha”, “Hãy bao dung độ lượng”, “Hãy bỏ qua cho quá khứ cũng như lỗi lầm của mỗi người”, dù tôi biết chúng nghe có vẻ nhân văn và đúng đắn với tinh thần tích cực xuyên suốt cuốn sách này hơn. Nhưng không phải bất cứ trường hợp nào cũng có thể sử dụng những lời khuyên như thế. Trong một vài trường hợp, sự tha thứ vô điều kiện cho người không xứng đáng đồng nghĩa với việc bạn không biết quý trọng bản thân mình, để họ lại có cơ hội khiến bạn tổn thương.
Bạn không cần lựa chọn giữa thứ tha hay cố chấp ôm lòng thù hận, tất cả những gì tôi cần bạn làm, là tập trung vào hiện tại, nghĩ về quá trình thanh lọc và chữa lành mà bạn đã trải qua, từ đó hiểu được rằng, kỳ thực mấu chốt của việc chữa lành tâm trí nằm ở hai từ Buông bỏ. Buông bỏ điều bạn không thể làm, buông bỏ người bạn không thể nắm giữ, và buông bỏ cả cảm giác tức giận, đau đớn, khó chịu, mệt mỏi xưa kia, không nghĩ đến chúng nữa, không cố chấp tự hỏi tại sao trước đây họ đối xử tệ bạc với mình nữa, cũng không ngày ngày khao khát bước lên cổ máy thời gian để quay lại thời xa xưa nữa. Chúng ta đã rất vất vả để đào thải những suy nghĩ bi quan đã luôn giày vò, hành hạ chúng ta suốt thời gian qua, tất nhiên hiện giờ, chúng ta có quyền mong muốn tận hưởng một tâm trí thoải mái, nhẹ nhõm, không vướng bận bất cứ loại tạp niệm nào bên trong nữa.
Tất cả đều đã trôi qua rồi, hãy để tâm trí của chúng ta được bình yên.