Tôi tham gia vào thị trường chứng khoán đến nay hơn 30 năm rồi. Lý do mà tôi viết quyển sách này là vì muốn tổng hợp lại những triết lý đầu tư của một nhà nông chứng khoán của tôi trong suốt thời gian qua để chia sẻ với nhiều người.
Và tiếp đó tôi cũng muốn chia sẻ về “những điều tiếc nuối” với tư cách của một nhà nông chứng khoán. Câu chuyện về “sự tiếc nuối” mà tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa đó là triết lý về đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thành quả của bạn.
Sự tiếc nuối đầu tiên đó là hình thức đầu cơ đang lan rộng trong thị trường chứng khoán. Vì có nhiều người không xem việc đầu tư chứng khoán là giúp doanh nghiệp phát triển và hưởng lợi ích từ đó mà chỉ nghĩ làm sao để “cho tiền vào và kiếm tiền”. Và từ đó có thêm thị trường các sản phẩm phái sinh. Chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn là những loại sản phẩm làm ra có chức năng giảm thiểu rủi ro trong đầu tư sản phẩm hiện có. Ở các nước tiên tiến thì chứng khoán phái sinh được phát huy rất tốt chức năng của nó nhưng ở Hàn Quốc thì đang bị bóp méo đi rất nhiều.
Tổng lượng tiền giao dịch trong thị trường KOSPI năm 2009 là 1.466 nghìn tỉ won. So với điều này thì thị trường chứng khoán phái sinh đạt 7.803 nghìn tỉ won, gấp năm lần so với việc giao dịch trong thị trường sản phẩm hiện có.
Nếu thử so sánh với thị trường nước ngoài thì chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, thị trường Hàn Quốc đang bị bóp méo đi rất nhiều. Thị trường sản phẩm hiện có của Hàn Quốc đứng hàng thứ 16 trên thế giới về tổng giá trị của cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, thị trường hợp đồng tương lai đứng thứ tư thế giới về quy mô giá trị giao dịch, thị trường hợp đồng quyền chọn đứng đầu thế giới. Điều này cho thấy rằng thị trường sản phẩm phái sinh đã đi xa hơn với chức năng cơ bản của chứng khoán và nhà đầu tư tham gia vào chỉ để đầu cơ.
Vì thế, đáng lý ra thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường phụ hỗ trợ cho thị trường sản phẩm hiện có phát triển thì nay đã trở thành thị trường làm ảnh hưởng đến thị trường sản phẩm hiện có. Đây chính là một hiện tượng “wag the dog”, nghĩa là cái đuôi làm cả người con chó ve vẩy, cái phụ đã làm cái chính dao động theo. Nếu càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung đầu cơ vào hợp đồng tương lai mà không đầu tư vào sản phẩm hiện có thì thị trường vốn khó có thể phát triển thuận lợi được.
Thị trường hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn mất đi chức năng giảm thiểu rủi ro thì có khác nào một canh bạc. Nhưng có rất nhiều người lầm tưởng là đang đầu tư chứng khoán và chạy theo thị trường này. Vì họ nghĩ rằng chỉ cần “chấm đúng điểm” là có thể “trúng mánh” trong một thời gian ngắn.
Đầu tư vào sản phẩm hiện có là một trò chơi mà tất cả mọi người cùng thắng, trong đó nhà đầu tư giúp cho doanh nghiệp có vốn và doanh nghiệp tăng trưởng, khi doanh nghiệp tăng trưởng thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Còn sàn giao dịch tương lai (Futures Exchange) là một zero-sum game (trò chơi có tổng bằng 0), trong đó có người thắng thì sẽ có người thua.
Tôi đã thấy có quá nhiều người tham gia vào game zero sum này và tài sản trở về zero. Có những thanh niên trẻ trung, thông minh lao vào thị trường này và hỏng cả cuộc đời.
Hai chủ thể đang dẫn đầu làm thị trường chứng khoán phái sinh bị bóp méo đó là các công ty vốn nước ngoài và các công ty chứng khoán. Cùng là đầu cơ như nhau nhưng người nước ngoài có ưu thế mạnh hơn nhà đầu tư tư nhân Hàn Quốc trong năng lực phân tích thông tin thị trường và vốn. Nếu ví như một canh bạc thì họ là những “ông trùm”. Mà những “con bạc tay ngang” thì làm sao thắng “những ông trùm”. Thêm vào đó còn có sự tác động của các công ty môi giới chứng khoán nữa. Giao dịch đầu cơ càng nhiều thì họ càng có nhiều lợi nhuận từ hoa hồng nên không có gì thiệt cho họ cả. Vì thế, họ đâu có thì giờ để nghĩ đến tương lai của thị trường vốn. Nói một cách dễ hiểu là “đừng can thiệp vào chuyện của người khác, chờ đến lúc có lợi cho mình thì tóm lấy thời cơ”. Cơ cấu lợi nhuận của các công ty môi giới chứng khoán hiện tại phần lớn đến từ hoa hồng môi giới, vì thế có thể những nhà đầu cơ giao dịch ngắn hạn là những khách hàng “béo bở” với họ hơn những nhà đầu tư dài hạn. Đó là một trong những lý do mà tôi thường đưa ra chủ trương rằng cơ cấu lợi nhuận của các công ty chứng khoán cần phải được thay đổi.
Cách đây không lâu, dự thảo luật quan trọng liên quan đến việc này đã được trình quốc hội. Đó là “Dự thảo sửa đổi luật đánh thuế giao dịch với những sản phẩm tương lai và quyền chọn chỉ số giá cổ phiếu”. Tôi nghĩ rằng đây là luật cần thiết trong việc tăng thu thuế và có hiệu quả làm giảm nhu cầu đầu cơ bằng cách đánh thuế giao dịch sản phẩm phái sinh. Chắc chắn sẽ có một số người phản bác cho rằng làm thế dẫn đến nhiều hậu quả như giảm lượng giao dịch và không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những sự thật bị bóp méo cần được nắm bắt kịp thời. Nếu cứ sợ những hậu quả nhất thời thì sau này sẽ phải trả giá rất đắt.
Tôi rất mong sớm có ngày thị trường được điều chỉnh theo đúng bản chất của nó. Vì có sự nỗ lực của chính phủ, sự đồng lòng của nhiều người trong thị trường đầu tư và cả những thay đổi của các công ty môi giới chứng khoán nữa. Nếu như vậy thì nguồn vốn tập trung vào các sản phẩm phái sinh sẽ quay về với thị trường sản phẩm hiện có, từ đó một cách tự nhiên cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt sẽ được đánh giá đúng mức, góp phần tạo thuận lợi cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một điều tiếc nuối nữa đó là tiếc cho những người hoàn toàn đối lập với hình thức đầu cơ. Họ là những người cho rằng đầu tư chứng khoán khó và nguy hiểm lắm. Về mặt an toàn thì họ giữ tiền an toàn hơn những người đầu cơ nhưng họ lại đang bỏ qua nhiều cơ hội có thể tận hưởng được sự thịnh vượng về kinh tế.
Sau các đợt khủng hoảng thì người ta nói nhiều về “tiền”. Trong đời sống của con người, tiền đóng vai trò rất quan trọng nhưng ít ai dám nói về tiền một cách thật lòng. Chỉ sau các đợt khủng hoảng thì người ta bắt đầu nói về tiền nhưng lại không nỗ lực để học về bản chất thật của đồng tiền. Đây là một mâu thuẫn lớn. Cha mẹ thiếu sự hiểu biết về tiền thì con cái cũng sẽ trở nên như thế.
Có một giai đoạn người ta đua nhau “dạy con làm giàu” nhưng cũng chỉ dừng lại ở “phong trào”. Hiện nay, các bậc cha mẹ chỉ tập trung cho con đi học kiến thức ở trường học. Điều này không có gì sai cả nhưng các con chỉ học giỏi kiến thức ở nhà trường thì khó thành công. Phải có sự hiểu biết đúng đắn và sâu rộng về kinh tế mới có thể thành công được.
Theo tôi thấy không có sách giáo khoa nào tốt bằng đầu tư chứng khoán trong việc học về kinh tế. Trước hết, các bậc phụ huynh học về thị trường chứng khoán và trở thành nhà đầu tư, sau đó cho con ít tiền để con cùng đầu tư và dạy con về kinh tế. Với những độc giả chưa có gia đình thì hãy học để đầu tư và tích lũy kinh tế cho mình và sau này dạy lại cho con.
Đầu tiên là hãy chăm chỉ trong công việc hiện tại bạn đang làm. Bên cạnh đó, học đầu tư chứng khoán góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và quốc gia thì bạn cũng được hưởng lợi từ đó. Nếu làm được như vậy thì ai cũng trở nên sung túc, đủ đầy.
Trước đó, chúng ta cần phải thay đổi tư duy phán xét về người giàu. Trong xã hội chúng ta có một văn hóa không thiện cảm với người giàu. Điều đó cho thấy nhiều người không thích người giàu. Nhưng lại có một mâu thuẫn là chính họ muốn trở thành người giàu. Bạn không thể trở thành người mà bạn không thích được. Vì thế, tôi mong rằng xã hội của chúng ta trở thành một xã hội tôn trọng người giàu. Lý do mà người giàu không được tôn trọng là vì thuyết “quả trứng và con gà”. Người ta thường nghĩ rằng người giàu họ luôn kiếm tiền bằng những cách không đúng đắn và không dùng tiền kiếm được để giúp đỡ cho xã hội. Ngoài ra còn có những người luôn đố kỵ với người giàu. Vì thế, hễ nghe đến chữ “người giàu” là người ta luôn có một cái nhìn tiêu cực.
Sự thật rằng vẫn có những người giàu không lương thiện và cũng có nhiều người luôn đố kỵ với người giàu. Nhưng nó chỉ là một mặt của vấn đề. Trong cuộc đời này có biết bao nhiêu là người giàu có và lương thiện, tại sao chúng ta không khen ngợi họ, không ngưỡng mộ họ để chúng ta cũng được giàu có như họ. Chúng ta phải thay đổi tư duy chọn góc nhìn tiêu cực sang tư duy chọn góc nhìn tích cực. Và chúng ta nỗ lực để trở thành người giàu có, lương thiện. Khi giàu có, chúng ta hết lòng quan tâm đến sự đóng góp cho xã hội thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự tôn trọng từ xã hội. Những người chưa giàu khác họ thấy chúng ta làm thế họ sẽ ủng hộ và nỗ lực giống chúng ta. Từ đó, chúng ta tạo nên một xã hội mà ai cũng giàu có, ai cũng đóng góp cho xã hội. Một xã hội mà mọi người luôn nỗ lực và tôn trọng lẫn nhau có phải tốt hơn một xã hội nghèo khó mà ở đó người ta luôn đố kỵ với nhau không?
Có thể bạn đọc sẽ cho rằng tôi đã lý tưởng hóa mọi thứ nhưng trong suốt thời gian viết sách này, tôi luôn cầu mong cho càng ngày càng có nhiều nhà nông chứng khoán như tôi. Mặc dù trông có vẻ nhà quê nhưng chính nhờ việc đầu tư chứng khoán như một nhà nông mà tôi đang tận hưởng được cuộc sống thịnh vượng như hôm nay.
Đầu tư chứng khoán chân chính không phải là một game mà tôi thắng người khác thua. Mà phải là một game tất cả mọi người đều thắng. Nếu nhà đầu tư đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp thì doanh nghiệp tăng trưởng do nguồn vốn ổn định và nhà đầu tư sẽ cùng với doanh nghiệp chia sẻ những thành quả từ đó.
Đầu tư chứng khoán mà tôi nghĩ đó là làm nông. Nếu đầu tư một cách chân thật và chăm chỉ như một nhà nông thì ai cũng có thể hưởng được mùa màng bội thu.
Tôi mong rằng những độc giả đọc sách này sẽ học và đầu tư chứng khoán với tấm lòng của một nhà nông. Và rồi các độc giả sẽ trở thành những người giàu có, lương thiện đóng góp cho sự phát triển của xã hội.