THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA BẠN
Có lẽ rất nhiều người sẽ xa lạ với góc nhìn: “Thị trường chứng khoán là niềm hy vọng của bạn”. Có người còn nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản là cái gì đó rất độc ác, gom sạch cả túi của những người dân nghèo. Thật ra chủ nghĩa tư bản không phải là một chế độ hoàn hảo. Nhưng tôi đồng ý với rất nhiều quan điểm cho rằng cần phải hướng đến một chủ nghĩa tư bản ấm áp, có thể bao dung được những tác dụng phụ phát sinh trong quá trình phát triển. Dù là chủ nghĩa tư bản ấm áp, hay là gì đi nữa thì một sự thật là chúng ta đang sống trong xã hội chủ nghĩa tư bản. Do đó, niềm hy vọng liên quan đến đồng tiền, ít ra phải tìm thấy trong xã hội tư bản.
Nếu chúng ta đang sống trong thời đại mà việc làm được đảm bảo, chỉ cần chăm chỉ làm việc và tiết kiệm thôi cũng không phải lo cho tuổi già và khi về già có con cái chăm lo thì việc đầu tư hay không là một sự lựa chọn. Hoặc là nếu chúng ta đang sống trong thời đại mà sự thịnh vượng của hộ gia đình và của doanh nghiệp hầu như ngang bằng nhau thì việc đầu tư cũng là một sự lựa chọn. Tuy nhiên, ngày nay đã khác đi rất nhiều. Thời gian làm việc ngắn lại, tuổi già dài ra, phụng dưỡng cha mẹ trở thành một việc xa vời với rất nhiều người, thậm chí có nhiều gia đình, cha mẹ già còn phải nuôi các con đã trưởng thành nữa.
Đồng tiền hiện nay đang tập trung chính vào trong các doanh nghiệp. Nếu bạn là người có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống, kể cả đời sống dài sau khi về hưu và bạn hài lòng với mức sống đó mà không muốn nỗ lực để sung túc hơn thì không có gì để bàn ở đây cả.
Nhưng nếu bạn chưa có một kế hoạch cuộc sống mà bạn cảm thấy hài lòng thì bạn phải tìm ra con đường đúng đắn để đi. Nếu đó là việc bạn nhất định phải làm chứ không phải là sự lựa chọn làm cũng được không làm cũng không sao; hay là nếu phải quyết định sẽ sống cả đời này với tư cách là một nhà đầu tư chứ không phải là làm giàu trong chớp nhoáng thì thái độ với thị trường chứng khoán cần phải khác đi. Sự khác biệt giữa một người thử vào thị trường để xem có “hốt bạc” được hay không với một người biết rằng dù thế nào cũng phải học và đầu tư một cách nghiêm túc là rất lớn.
Tiền của bạn phải đi làm việc hiệu quả. Nơi mà tiền của bạn có thể làm việc hiệu quả đó chính là doanh nghiệp. Nếu thế thì nơi mà tiền của bạn sẽ đến làm việc đã được định sẵn trong xã hội này rồi. Đó là doanh nghiệp. Nhưng nói thế không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp đều làm ra tiền một cách hiệu quả. Vì thế, nếu tiền làm việc hiệu quả thì thị trường chứng khoán trở thành niềm hy vọng của bạn, còn nếu mà tiền lao vào thị trường một cách khinh suất thì có thể trở thành ác mộng đối với bạn. Nếu bây giờ bạn hiểu được rằng tiền là những chiến binh đi làm, sau đó mang tiền về cho bạn thì dù có tiếc nuối thời gian đã qua không cho tiền đi làm thì tôi mong bạn cũng đừng hấp tấp. Khi bạn không hấp tấp thì bạn mới có thể nhìn thấy được những doanh nghiệp tốt đang chờ bạn đầu tư vào.
Tôi mong rằng từ giờ bạn đừng mất thời gian oán trách chủ nghĩa tư bản thế này, thế nọ nữa mà hãy dùng thời gian đó tìm hiểu kỹ về nguyên lý hoạt động của đồng tiền và sống đời tự do khỏi tiền. Nếu muốn thế thì cần phải học và hiểu sâu sắc hơn về sự vận hành của đồng tiền.
DÙ SAO THÌ CUỘC SỐNG VẪN TIẾP DIỄN
Khi có dấu hiệu gì đó của một cuộc khủng hoảng thì nhiều người sẽ cho rằng lần khủng hoảng này có vẻ khác với trước đó. Họ thấy cuộc khủng hoảng đó như một tai nạn lớn không thể vượt qua được. Đọc lại những bài báo được viết trong thời gian qua, chúng ta thấy có vô số những bài báo với những tựa đề đầy lo lắng và bất an. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì chúng ta vẫn còn đi tới hôm nay. Nếu những cuộc khủng hoảng trong quá khứ là một quá trình trong hành trình chúng ta đi đến hôm nay thì cuộc khủng hoảng của hôm nay sẽ là một quá trình trong hành trình chúng ta đi đến tương lai. Cuộc sống được tiếp diễn như thế.
Vì thế, mỗi khi khủng hoảng đến (hình như khủng hoảng đều đến mỗi tuần), chúng ta không cần quá bất an. Nếu bạn là người chỉ đầu tư trong năm nay và năm sau không đầu tư nữa thì không nói nhưng nếu bạn là nhà đầu tư cả đời đồng hành cùng doanh nghiệp thì bạn có thể quan sát những đợt sóng gió trào dâng một cách điềm nhiên. Không phải chỉ là quan sát mà bạn còn tận hưởng được những đợt sóng đó nữa. Nếu bạn đầu tư vào doanh nghiệp ít nhất bốn, năm năm thì bạn có thể đứng nhìn những cơn sóng mà người ta cho rằng là những tai ương lớn thành những đợt sóng lăn tăn.
HÔM NAY, BẠN ĐÃ TÌM HIỂU BAO NHIÊU DOANH NGHIỆP?
Nhiều người đi tìm doanh nghiệp để đầu tư thật khó khăn. Hoặc là quá dễ dãi trong việc chọn doanh nghiệp. Những người đi tìm doanh nghiệp một cách khó khăn thì nghĩ rằng để đầu tư thành công thì cần phải có một bí quyết đặc biệt nào đó. Nếu nghĩ thế thì có khi cả đời cũng khó mà tìm được doanh nghiệp để đầu tư. Còn với người tìm doanh nghiệp dễ dãi quá thì họ sẽ chỉ nhìn vào bảng điện hiển thị giá mà quyết định đầu tư. Họ chọn những doanh nghiệp đầu tư chỉ bằng những chỉ số giao dịch, giá cả lên xuống trên bảng điện. Nghĩa là họ nhìn cái bóng của doanh nghiệp mà đầu tư nên không khỏi bất an.
Con người chúng ta nếu không quan tâm, hoặc nếu không biết thì dù cơ hội nằm ngay trước mắt cũng không nhìn thấy được. Tuy nhiên, nếu để ý một chút thì chúng ta biết rằng doanh nghiệp chính là đời sống quanh ta. Những sản phẩm được sản xuất trong doanh nghiệp làm nền tảng cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta ngủ trong chung cư do doanh nghiệp xây dựng, chúng ta mặc quần áo do doanh nghiệp sản xuất, chúng ta đi xe do doanh nghiệp chế tạo. Chỉ trong một chung cư thôi thì chúng ta thấy có doanh nghiệp xây dựng, có doanh nghiệp sản xuất xi măng, có doanh nghiệp sản xuất sắt thép, có doanh nghiệp sản xuất thang máy, có doanh nghiệp sản xuất trục thang máy... Nếu đi sâu vào nữa thì còn nhiều lắm.
Đầu tư không phải là đi đâu xa ra một thế giới khác. Chúng ta có thể tìm thấy cơ hội đầu tư trong những sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày mà mình ít để tâm. Nếu chúng ta quan tâm và bắt đầu tìm kiếm thì một ngày chúng ta có thể phát hiện ra số doanh nghiệp còn nhiều hơn số doanh nghiệp được niêm yết trên sàn. Nếu chúng ta tìm được đầu mối của những doanh nghiệp đó thì sẽ thấy cơ hội đầu tư.
Quyển sách bạn đang cầm trên tay có sự tham gia của những doanh nghiệp nào? Doanh nghiệp giấy, mực, in ấn, nhà xuất bản, nhà sách... Nếu tìm doanh nghiệp theo cách như thế này thì bạn sẽ thấy những cơ hội đầu tư nằm ngay trước mắt bạn.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn khuyên các bạn hãy đổi cách sử dụng của từ “cổ phiếu”. Thực ra để cho tiện thì tôi dùng từ “đầu tư cổ phiếu”, “đầu tư chứng khoán” chứ từ chính xác phải là “đầu tư doanh nghiệp.” Do đó, không phải chúng ta dành thời gian để tìm kiếm danh mục đầu tư cổ phiếu mà là tìm “doanh nghiệp để đồng hành”. Khi ngôn từ thay đổi thì suy nghĩ sẽ đổi thay. Và phải thay đổi tư duy sai lầm về đầu tư thì mới có thể đầu tư thành công được.
LÝ DO TỒN TẠI CỦA DOANH NGHIỆP CHÍNH LÀ CUNG CẤP SẢN PHẨM CẦN THIẾT CHO ĐỜI SỐNG
Việc cung cấp những thứ cần thiết cho cuộc sống của con người chính là lý do tồn tại của doanh nghiệp. Lợi nhuận của doanh nghiệp chính là giá trị mà doanh nghiệp tạo ra những thứ cần thiết và cung cấp cho người cần dùng. Nếu có một doanh nghiệp nào đó sản xuất những mặt hàng rất tốt và giá rất rẻ nhưng chúng ta không cần dùng đến thì dần dần số người mua sẽ giảm. Doanh nghiệp như thế không thể gọi là doanh nghiệp tốt được. Hay là doanh nghiệp sản xuất ra một chiếc máy nhắn tin di động với thiết kế rất đẹp và tính năng vượt trội đi chăng nữa thì trong thời đại này cũng không ai mua. Nghĩa là dù cho doanh nghiệp sản xuất ra được một loại sản phẩm tốt đến mấy nhưng nếu ngành nghề đó đang trên đà suy yếu thì kết quả không khác được.
Giống như việc nghề nghiệp liên tục bị đào thải thì ngành nghề cũng bị đào thải theo thời gian. Nếu con người nghiên cứu và sản xuất ra được một loại chất liệu nào chắc hơn và giá rẻ hơn sắt thép thì ngành sắt thép sẽ bị đào thải. Nhưng đó là một việc còn rất xa trong tương lai. Tương lai cần cho một nhà đầu tư là khoảng năm năm sau. Công ty mà bạn quyết định đầu tư liệu có còn sản xuất những sản phẩm mà con người cần trong năm năm nữa không.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng đưa ra những nhận định theo kiểu cảm tính “ngành này chắc không đi tới đâu đâu” mà cần phải có sự nghiên cứu tìm hiểu kỹ và lắng nghe ý kiến của chuyên gia. Nếu là lĩnh vực mà bạn đang làm hay là lĩnh vực mà bạn quan tâm sâu sắc thì càng tốt. Như vậy, bạn sẽ dễ hiểu rõ ngành này đang như thế nào và có thể dễ nhận định xem ưu và nhược điểm của ngành đó là gì. Nếu bạn hiểu rõ ràng ngành nghề và doanh nghiệp mà bạn muốn đầu tư thì bạn có thể nhìn thấy rõ hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư thì không có thông tin nào quan trọng hơn những thông tin này.
PHẢI NHÌN THẤY MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN VÀ RÕ RÀNG NHƯ BÀN TAY
“Công ty có phát hành trái phiếu có quyền mua cổ phiếu (BW, bond with warrant). Năm nay hàng tồn kho tăng hơn năm ngoái. Doanh thu có tăng nhưng lợi nhuận giảm. Có nhiều công ty con”...
Nếu trong quá trình tìm hiểu về doanh nghiệp, chúng ta phát hiện ra một, hai hoặc tất cả những sự thật trên về doanh nghiệp thì đó là dấu hiệu tích cực hay tiêu cực?
Câu trả lời là: “Không thể nhận định chính xác chỉ dựa vào những thông tin trên”. Việc thường xuyên phát hành trái phiếu chắc chắn là một dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu việc phát hành trái phiếu là để mở rộng kinh doanh một cách hợp lý thì đó là tín hiệu tốt lành. Có trường hợp hàng phải bán trong năm nay mà không bán được thì hàng tồn kho sẽ tăng nhưng có khi hàng bán rất chạy nên phải trữ hàng trong kho để bán cho năm sau thì hàng tồn kho cũng tăng.
Nếu đầu tư vốn vào việc nghiên cứu phát triển thì lợi nhuận giảm. Khi giá nguyên liệu sản xuất tăng cũng làm cho lợi nhuận giảm. Nhưng hàng bán không chạy mà phải bán tống bán tháo thì lợi nhuận cũng giảm. Vì thế, chỉ nhìn trên con số thì không thể biết được thực tế của doanh nghiệp. Nếu có nhiều công ty con nhưng toàn là những công ty yếu ớt thì rất nguy hiểm, nhưng nếu là những công ty con vững vàng và có mối quan hệ tốt với công ty mẹ thì không vấn đề gì.
Chúng ta không thể nhận định là doanh nghiệp đó tốt hay xấu nếu chỉ dựa vào một hoặc hai sự thật trước mắt.
Vậy thì phải tìm hiểu và học về doanh nghiệp đến mức nào? Chỉ cần học và hiểu rõ một cách thật đơn giản điều mà người khác cho là quá phức tạp. Phải như thế thì mới có thể nhận định chính xác về giá trị của doanh nghiệp. Và tuyệt đối đừng bị dao động bởi những lời đồn đại và những yếu tố bên ngoài. Bạn cần phải biết phân biệt đâu là điều kiện tốt hay xấu.
Trước khi đầu tư tiền, hãy đầu tư thời gian và năng lượng. Phải dành thời gian để đọc kỹ về những thông tin đã được công bố công khai trên thị trường và so sánh báo cáo tài chính trong mấy năm của doanh nghiệp sẽ đầu tư với những doanh nghiệp cùng ngành. Ngoài ra, cũng phải xem đánh giá của giới chuyên môn về doanh nghiệp đó như thế nào. Giống như đối với một học sinh học toán chăm chỉ thì vi tích phân là một vấn đề rất dễ nhưng đối với một học sinh không chăm chỉ học toán thì vi tích phân là một ẩn số khó giải. Nếu bạn thấy một doanh nghiệp còn nhiều ẩn số thì đừng vội đầu tư.
HÃY CHỌN NHÀ ĐIỀU HÀNH ĐÁNG TIN CẬY
Thông thường thì những nhà điều hành của doanh nghiệp là người chủ đối với nhân viên. Tuy nhiên khi đầu tư thì bạn chính là người chủ. Vì tất cả quyền quyết định nằm trong tay bạn. Bạn có quyền tìm nhà điều hành phù hợp và sa thải họ khi bạn thấy cần. Vì thế, tôi mong bạn hãy tận hưởng điều này với tư cách là một người có toàn quyền quyết định.
Chúng ta có thể xem được bảng thành tích của nhà điều hành doanh nghiệp thông qua bảng báo cáo tài chính, tin tức và những thông tin công bố trên thị trường. Chúng ta có thể xem thái độ của nhà điều hành trong các buổi họp đại hội cổ đông và chúng ta cũng có thể tìm thấy những thành tích của họ trong quá khứ. Nhìn vào chính sách trả cổ tức thì cũng có thể biết được họ đang nghĩ như thế nào về những nhà đầu tư như chúng ta. Nếu chúng ta không hài lòng thì chúng ta có thể không chọn họ, hoặc có chọn đi chăng nữa thì chúng ta cũng có thể sa thải họ bất cứ lúc nào.
Vị trí của nhà điều hành trong một doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Những nhà điều hành yếu kém, thiếu tầm nhìn thì chỉ trong vài năm thôi họ cũng có thể làm cho một doanh nghiệp mạnh trở thành một doanh nghiệp đi xuống. Những nhà điều hành vô đạo đức thì họ dễ biển thủ tài sản của cổ đông. Nếu bạn vẫn không hiểu rõ bản tính của nhà điều hành doanh nghiệp là người lừa đảo, là người thiếu năng lực, hay là người có tinh thần doanh nhân thực thụ mà đầu tư vào thì đó không phải là hợp tác làm ăn chung. Đó chỉ là một canh bạc nguy hiểm và mơ hồ.
HÃY PHÂN BIỆT SỰ THẬT VÀ SỰ KỲ VỌNG
Chúng ta không phải là một đạo sĩ. Vì thế trong quá trình đầu tư, tâm của chúng ta sẽ liên tục bị dao động. Việc chúng ta biết trước điều này vô cùng quan trọng. Sự sợ hãi, bất an và lòng tham liên tục gõ cửa tâm hồn bạn. Nếu giá cổ phiếu của doanh nghiệp khác mà chúng ta đã từng quan tâm nay đột nhiên tăng thì cũng muốn chuyển đổi danh mục đầu tư. Dù đã học hỏi, tìm hiểu về doanh nghiệp và nhà điều hành doanh nghiệp ấy trong thời gian dài nhưng nếu có một yếu tố bất lợi nào đó xảy ra thì chúng ta cũng có thể sinh tâm nghi ngờ. Từ sự nghi ngờ sẽ dẫn đến bất an và một lúc nào đó giật mình nhìn lại thấy mình đang chuẩn bị nhấn nút “bán”.
Làm thế nào để nhận định rằng bạn vẫn còn tin tưởng vào doanh nghiệp?
Chỉ cần bạn nhớ lại xem bạn đã quyết định đầu tư vào doanh nghiệp đó vì điều gì. Khi bạn quyết định đồng hành cùng doanh nghiệp nào đó thì bạn đều có những yếu tố mang lại niềm tin cho bạn. (Nếu không có thì không phải là đầu tư mà là đầu cơ). Nếu những yếu tố đó vẫn còn nguyên vẹn thì bạn tiếp tục tin tưởng doanh nghiệp đó cũng không sao. Nếu một trong những yếu tố của niềm tin không còn nữa thì phải xem xét lại.
Lúc này, chúng ta cần phải biết phân biệt giữa sự thật và sự kỳ vọng. Ví dụ như bạn đã đầu tư vào một doanh nghiệp trong ba năm và hiện tại đang bị lỗ một phần. Những chi phí cơ hội và tổn thất trong ba năm có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nhận định. Những lúc như thế thì cần phải xem xét lại tình hình của doanh nghiệp như là một doanh nghiệp mới chưa từng đầu tư. Nếu tình hình càng ngày càng xấu đi mà bạn vẫn thờ ơ nghĩ rằng: “Nhà điều hành chắc biết xử lý chứ gì” thì bạn đang nhường vị trí của người chủ vào tay người khác.
CHỈ CẦN LÀM ĂN CHUNG VỚI năm DOANH NGHIỆP TỐT THÌ TUỔI GIÀ SẼ BÌNH AN
Chúng ta không sống cho tuổi già. Cuộc sống ở hiện tại là quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu tương lai của bạn mù mờ thì cuộc sống hiện tại cũng không thể bình an được.
Sự chuẩn bị cho tuổi già chỉ có ích khi ngày đó trở thành hiện tại nhưng để sống đời sống hiện tại một cách hạnh phúc thì chúng ta cần có sự chuẩn bị cho tương lai.
Điều kiện để có một tuổi già hạnh phúc là gì? Tiêu chuẩn của mỗi người mỗi khác. Tôi cũng chưa trải qua tuổi già nên chưa biết rõ lắm nhưng với tiêu chuẩn của tôi thì có thể đầu tiên đó phải là không cô đơn. Nếu bạn đạt đến cảnh giới không cô đơn dù ở một mình đi nữa thì tôi chưa biết thế nào nhưng với con người bình thường như chúng ta thì cần phải có ai đó xung quanh để chia sẻ buồn vui. Tôi phải có thời gian bên gia đình và có những mối quan hệ với những người cùng chí hướng.
Sức khỏe là điều không thể bỏ qua khi về già. Nếu đau khổ vì bệnh tật, không thể ra khỏi nhà, ăn không biết ngon thì không thể gọi là hạnh phúc. Vì thế, sức khỏe của tuổi già cần phải được chăm sóc tốt từ bây giờ. Và để quản lý sức khỏe thì ít nhiều cũng phải cần đến sự hỗ trợ của y học.
Nếu muốn duy trì tất cả những điều kiện của tuổi già như là sức khỏe, gia đình, mối quan hệ xã hội, bạn bè thì cần phải có tiền. Chúng ta cũng không thể nói có tiền thì nhất định tuổi già sẽ hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu không có tiền thì sẽ khó duy trì được tất cả những điều kiện này. Vì thế, tôi muốn thêm vào điều kiện cần cho tuổi già hạnh phúc đó là sự đồng hành cùng với năm doanh nghiệp tốt. Nếu bạn đồng hành cùng những doanh nghiệp tốt và được chia sẻ thành quả kinh doanh của doanh nghiệp đó thì điều kiện vật chất sẽ được đáp ứng để có tuổi già bình an.
Tôi nghĩ rằng nếu bạn có khát vọng về một tuổi già bình an chứ không phải là một tuổi già bất an thì cuộc sống hiện tại của bạn cũng sẽ tiến gần hơn đến với sự bình an và hạnh phúc. Tôi mong rằng bạn hãy sử dụng thị trường đầu tư như một công cụ để vun đắp niềm hy vọng cho tương lai của bạn.