TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC VAY NỢ ĐỂ ĐẦU TƯ
Tôi thường thấy có nhiều gia đình lâm vào khốn đốn do bị thiệt hại nặng nề từ việc đầu tư chứng khoán. Vì bực bội do nghĩ rằng “Tiền của tôi” bị biến mất đi đâu đó mà vợ chồng cãi vã. Trường hợp của một cặp vợ chồng mà tôi nghe gần đây là một ví dụ điển hình của việc đầu tư chứng khoán sai cách. Người chồng lén vợ đầu tư chứng khoán và vay nợ đầu cơ (leverage). Nếu mà mọi chuyện thuận buồm xuôi gió thì chồng có thể lên mặt với vợ nhưng mọi thứ không như người chồng nghĩ. Không những tài khoản bị trống rỗng mà còn nợ nần tứ phương. May mắn là trước khi quyết định ly hôn, anh chồng đã sửa đổi và ngăn chặn gia đình đổ vỡ.
Chứng khoán là đầu tư và luôn có những rủi ro mất đi tiền đầu tư gốc. Không ai có thể hoàn toàn thoát ra được những rủi ro này. Nếu không tự tin có thể chấp nhận được những rủi ro này thì chỉ có thể gởi tiền vào tiết kiệm mà thôi. Dù đã công nhận sự thật này rồi nhưng khi bị lỗ vẫn thấy đau lòng. Hơn nữa vì muốn đầu tư để kiếm tiền mà lại vỡ nợ nữa thì rất dễ sinh bệnh.
Sự thật là không có người nào không biết về việc “vay nợ đầu cơ là nguy hiểm”. Khi giá cổ phiếu giảm, nếu không thế chấp thêm thì nguy cơ trắng tay rất cao. Nhưng mà nhiều người vẫn áp dụng hình thức vay nợ đầu cơ này vì điều gì? Hơn hết thảy chính lòng tham là nguyên nhân căn bản nhất. Họ nghĩ đầu tư nhiều hơn vốn mình có sẽ được lợi nhiều hơn. Đáng lẽ ra họ cần phải phát triển nguồn vốn theo từng bước nhưng lại muốn làm “lướt sóng” nhanh chóng trong một lần nên mới gây ra những tác dụng phụ như vậy. Bước từng bước một có khi còn bị trượt chân nữa, vậy mà họ muốn nhảy nhanh bốn năm bước một lần nên dễ bị té đau. Khúc dạo đầu của những tai ương mà hạt giống “chắc ăn như bắp” được vào “ruộng tham lam” đã chiếm lĩnh hết tâm trí họ.
Trong số những người vay nợ đầu cơ, không có người nào nói: “Tôi không rõ lắm nhưng trước mắt cứ làm”. Ai cũng bảo là mình tin chắc. Họ bảo chỉ cần chờ vài tháng thôi, có một việc gì đó diễn ra thì giá cổ phiếu sẽ nhảy vọt lên. Nếu hỏi họ căn cứ vào đâu để nói thế thì họ bảo rằng: “Có một người đáng tin cậy nói”. Đa số những nhà đầu tư thông thường sử dụng việc vay nợ đầu cơ đều bảo là nghe thông tin chắc chắn từ ai đó. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói: “Tôi đã khảo sát, theo dõi liên tục và đồng hành trong thời gian lâu thì thấy rằng nó chắc chắn”.
Người thì bảo rằng nghe bạn nói, người thì bảo rằng nghe tỉ phú chứng khoán giới thiệu, người thì nói rằng nhân viên công ty chứng khoán “giới thiệu mạnh mẽ”. Thậm chí, có người mua cổ phiếu từ thông tin mà họ nghe được từ người bạn chí thân chí cốt nay làm quản lý công ty đó chia sẻ và cuối cùng bị trắng tay.
Chắc hẳn các độc giả đọc đến đây cũng có biết nhiều người kiếm được tiền từ việc vay tiền đầu cơ. Trong thị trường chứng khoán thì không có gì chắc chắn 100% cả, vì thế cũng không có nguyên tắc nào cho rằng việc vay nợ đầu cơ thì luôn luôn thất bại. Nhưng vay nợ đầu cơ chứng khoán là một cách mất nhiều hơn là được.
Giống như một bệnh nhân mắc chứng rối loạn tinh thần lưỡng cực, có nhiều nhân viên văn phòng bị hội chứng rối loạn cảm xúc trong ngày vì giá cổ phiếu lên xuống. Dù họ không vay nợ nhưng họ không thể điều tiết được tinh thần của họ, vậy với những người vay nợ thì sẽ ra sao? Họ sẽ chẳng có tâm trí nào mà làm việc cả. Họ phải mở màn hình máy tính ra để kiểm tra liên tục. Nếu không làm thế thì họ bất an không chịu được. Dù với lý do gì đi nữa thì việc đầu tư cũng đang làm trở ngại đến công việc hiện tại của họ. Tôi nghĩ rằng nhà đầu tư cần có một thái độ đúng đắn trong đầu tư để vừa làm tốt việc của mình mà vừa đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp và quốc gia, để từ đó họ được tận hưởng những quả ngọt.
Cổ phiếu về cơ bản là đầu tư dài hạn. Tôi đã giải thích rất nhiều lần rồi nhưng xin nhấn mạnh lại khi giá trị của doanh nghiệp được nâng cao thì giá cổ phiếu sẽ tăng và muốn như thế thì phải cần thời gian. Con người bị mắc nợ thì dễ dẫn đến đứng ngồi không yên. Mà đầu tư thì cần một sự tĩnh tâm, sáng suốt và ứng phó tốt với thị trường. Nếu tâm trạng luôn đứng ngồi không yên thì không thể ra những quyết định sáng suốt được. Vì vậy dễ dẫn đến sai lầm và tiền mất.
Cũng có thể kiếm tiền một, hai lần bằng cách đầu tư ngắn hạn qua việc vay nợ đầu cơ. Vì thế sẽ có người nghĩ làm một, hai vố đi rồi sau đó sẽ dùng tiền mình có đầu tư một cách bình tĩnh. Nhưng tâm con người không dễ dàng cương trực như vậy. Nếu một vài lần đầu mà thuận buồm xuôi gió thì khả năng họ sẽ tiếp tục vay nợ đầu cơ. Vì thế, nợ chồng thêm nợ. Trúng 10 lần nhưng một lần trật là xem như tài sản tiêu tan, đó chính là vay nợ đầu cơ.
Tôi không nghĩ rằng vay nợ đầu cơ là hoàn toàn xấu. Nếu bạn đồng hành với doanh nghiệp đó trong thời gian dài và bạn đánh giá chắc chắn rằng trong hai, ba năm nữa giá trị công ty sẽ tăng. Lúc đó, bạn sử dụng cách này trong phạm vi có thể chấp nhận được. Trong hai, ba năm tới dù doanh nghiệp đó không có thay đổi gì đặc biệt nhưng bạn vẫn có khả năng trả lãi và chờ đợi thêm năm, sáu năm nữa. Nếu bạn đủ tự tin làm được như thế thì bạn cũng có thể vay nợ đầu tư.
Tuy nhiên, nếu vay nợ đầu cơ và kiếm được tiền từ đó thì con người ta dễ bị lôi kéo làm tiếp. Họ dễ trở nên tự mãn nếu một lần thành công. Họ nghĩ họ là thiên tài và có thể làm tất cả. Chỉ sau khi trắng tay, họ mới ngộ ra được rằng trên đời này không có gì dễ dàng và đầu tư chứng khoán cũng không phải là việc ngồi mát ăn bát vàng. Vì thế, tôi muốn khuyên một lời khuyên chân thành rằng ngay từ đầu đừng vay tiền để đầu tư. Vì tôi đã từng trải nghiệm việc thất bại thảm hại do vay nợ đầu tư và tôi thấy vô số những trường hợp như vậy rồi.
Đầu tư chứng khoán phải dùng tiền nhàn rỗi. Phải như thế thì đầu óc mới thoải mái mà đầu tư dài hạn được. Chứ đầu tư mà nếu giá cổ phiếu tăng thì hốt bạc, còn giảm thì sạt nghiệp sẽ giống như đi trên tảng băng. Vậy thì làm sao có thể sống bình an và làm những việc khác chứ. Mượn nợ đầu tư chứng khoán là con đường ngắn nhất để bạn sớm bị tán gia bại sản.
Nếu là doanh nghiệp tốt thì thời gian trôi qua nhất định giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Điều mà chúng ta tin đó là những giọt mồ hôi, nước mắt của doanh nghiệp và các thành viên trong doanh nghiệp đó. Và điều này kết hợp với thời gian sẽ làm cho doanh nghiệp đó tăng trưởng. Người nông dân thông thái sẽ biết chờ đợi chứ không thấp thỏm cầu cho hoa mau nở, trái chín sớm. Người nông dân thông thái biết rằng để đơm hoa kết trái thì cây cần có thời gian. Do đó, họ biết rằng việc của mình là chăm chỉ bón phân, nhổ cỏ, bắt sâu.
Nếu bạn muốn trở thành nhà nông chứng khoán thì phải hiểu được rằng việc của mình là chăm chỉ trao đổi với doanh nghiệp, chăm chỉ học về kinh tế và chờ đợi với một tâm trạng thư thái.
SỰ BIẾN ĐỘNG KHÔNG PHẢI DO THỊ TRƯỜNG MÀ DO TÂM LÝ CON NGƯỜI
Giá cổ phiếu luôn biến động. Nếu là những cổ phiếu chẳng ai ngó ngàng tới và không có một sự giao dịch nào cả thì mới đứng im, chứ một cổ phiếu có sự giao dịch thì chắc chắn sẽ lên xuống đôi chút. Có thể đây là một hiện tượng quá đỗi thông thường nên ngẫm nghĩ cũng thấy ngộ ngộ. Giá cổ phiếu là giá cả đánh giá giá trị của doanh nghiệp, mà giá trị của doanh nghiệp thì không thể nào thay đổi trong “ngày một ngày hai” được.
Dĩ nhiên nhiều cái ngày một ngày hai cộng lại thì cũng thành 10 năm, rồi 100 năm. Sự thật là một doanh nghiệp giỏi vượt qua từng ngày, từng ngày thì trong tương lai sẽ tăng trưởng vượt bậc. Dù thế nhưng khó thấy những nhà đầu tư nhận ra được sự thay đổi nhỏ này.
Chuyện giá cổ phiếu lên xuống đôi chút có khi hiểu được. Trong mỗi chúng ta, tiêu chuẩn giá trị về doanh nghiệp khác nhau. Điều này cũng là lý do hình thành nên thị trường. Nếu tất cả mọi người đều có một tiêu chuẩn thì thị trường không hình thành. Nhưng có những lúc đột nhiên giá cổ phiếu của một doanh nghiệp đặc biệt nhảy vọt lên mà không có một tín hiệu nào cho thấy kinh tế đang tốt lên, trong doanh nghiệp cũng không có sự kiện gì cả, thậm chí chính doanh nghiệp công khai rằng không có gì đặc biệt khiến cho giá cổ phiếu tăng đột biến như thế.
Lúc giá cổ phiếu rớt giá cũng thế. Có những loại cổ phiếu không có lý do gì đặc biệt cũng tăng, rồi chẳng có lý do gì cả cũng xuống. Có những cổ phiếu mới hôm qua thôi còn hồi hộp vì chờ mua không được mà hôm nay đã hồi hộp vì bán không xong. Làm thế nào mà mới hôm trước thôi giá đang ở trên trời vậy mà chỉ sau một hôm giá lại tuột xuống đất?
Nguyên nhân căn bản vì người ta đang nghĩ đầu tư cổ phiếu đơn thuần chỉ là mua và bán chứng khoán có giá. Nếu họ nghĩ rằng đầu tư cổ phiếu là họ đang đầu tư để người khác kinh doanh thay họ, nghĩa là công ty mà họ đang đầu tư vào chính là công ty của họ thì họ sẽ không làm thế. Chúng ta thử lấy ví dụ mở một nhà hàng nhé. Sau khi mở nhà hàng thì cũng có những ngày trời mưa bão, cũng có ngày tuyết giăng. Cũng sẽ có lúc lạnh và có lúc nóng. Hoặc có những ngày khách đi nghỉ mát xa không đến ăn. Những ngày như thế chắc chắn là nhà hàng sẽ ít khách. Vào những ngày như vậy, chúng ta có dẹp nhà hàng đi tìm chỗ để mở cửa hàng khác không? Nếu làm vậy, nhà hàng sẽ thất bại 100%. Chúng ta chỉ dẹp tiệm khi đầu bếp nấu ăn chẳng ngon, khách ăn một lần không bao giờ quay lại và dù thời tiết thế nào cũng không có khách. “Đầu bếp” mà chúng ta nói trong doanh nghiệp chính là nhân viên và nhà quản trị doanh nghiệp chúng ta đang đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư không có tư duy đang điều hành doanh nghiệp nên không thể nghĩ được rằng mình cần phải biết rõ về doanh nghiệp. Nếu giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm không phải do yếu tố nội tại của doanh nghiệp mà do những yếu tố từ bên ngoài thì đây là cơ hội để có thể mua lại với giá hời. Nhưng với những người không hiểu rõ về doanh nghiệp, những người không hiểu căn bản tại sao giá cổ phiếu lên hay xuống thì dễ dàng mua đổ bán tháo. Nếu không phải là vấn đề của công ty thì khi giá xuống hãy “cảm tạ” và mua ngay vào.
Kết luận lại là mọi thứ đều do tâm. Doanh nghiệp thì vẫn vậy nhưng chỉ có tâm con người thay đổi. Vì những hiện tượng như thế này nên có người cho rằng đầu tư cổ phiếu là một trò game tâm lý. Có nhiều nhà đầu tư vui vẻ mời rượu thịt cho bạn bè khi giá cổ phiếu lên dù trong tay họ không cầm được tiền từ việc tăng giá cổ phiếu. Ngược lại, có những người vì giá cổ phiếu xuống mà họ buồn bã hút thuốc và uống rượu. Nhất hỷ nhất bi họ đều có cớ để uống rượu mỗi ngày.
Tôi cũng không được tự do trong trò game tâm lý này. Mới hôm qua trông có vẻ triển vọng tốt nên bỏ tiền ra mua một mớ, ngày hôm sau xem lại thấy có gì đó bất an và lại thấy cổ phiếu của công ty khác tốt hơn. Kinh tế thế giới thì không có biến động gì, công xưởng của doanh nghiệp cũng không bị cháy. Vậy sao lòng người lại thay đổi thế? Cũng may là tôi hiểu được trò game tâm lý này nên tôi không dễ dàng mua bán cổ phiếu.
Thỉnh thoảng, tôi hay nghe có người hỏi: “Làm thế nào mà ông vẫn bình thản trong khi đầu tư rất nhiều tiền như thế?” Tôi thường đầu tư với một tâm trạng bình an. Dĩ nhiên, điều này không phải dễ làm. Nhưng tôi có niềm tin vì những công ty tôi đầu tư đều là những doanh nghiệp tôi quan sát, theo dõi và đồng hành với họ trong thời gian dài. Vì thế, tôi không dễ dàng “nhất hỷ nhất bi” với việc lên xuống của giá cổ phiếu. Dù thế, tôi vẫn có lúc dao động. Điều này vợ tôi lại nhìn ra chính xác hơn tôi. Có lẽ do sống chung lâu nên nhìn mặt tôi cô ấy bảo là biết tình hình thị trường.
Tôi là người thường xuyên đi thăm doanh nghiệp, gặp gỡ những nhà quản trị doanh nghiệp và nói chuyện với nhân viên của doanh nghiệp mà còn thế thì những người đầu tư không hiểu gì về doanh nghiệp sẽ thế nào? Chắc là một ngày họ lên thiên đường và xuống địa ngục không biết bao nhiêu lần.
Giá cổ phiếu luôn tăng giảm tùy vào tình hình thị trường hoặc tùy vào tâm lý của những người không hiểu nguyên nhân. Nếu chúng ta không giữ được thăng bằng thì dễ bị dao động bởi hành vi của người khác và không thể thoát ra việc đầu tư theo kiểu “chợ trời”. Tâm lý con người thì dễ lung lay. Nếu muốn làm chủ tâm lý lung lay đó, bạn phải hiểu rõ doanh nghiệp. Bạn phải đầu tư cổ phiếu với suy nghĩ rằng đó là doanh nghiệp của bạn, là doanh nghiệp sẽ đi cùng bạn, là doanh nghiệp sẽ cùng tăng trưởng với bạn. Nếu bạn không làm thế thì bạn rất dễ đánh mất khối tài sản quý giá của bạn vào trò game tâm lý phi hiện thực này.
CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG VIỆC BẠN NHẬN ĐƯỢC ĐÚNG VỚI NHỮNG GÌ BẠN NỖ LỰC
Ở văn phòng tôi có nhiều chậu cây kiểng. Đa số đều là quà tặng tôi nhận được và may mắn là chúng lớn rất tốt. Nguyên nhân chính là nhờ nhân viên của tôi thay phiên nhau tưới một lượng nước vừa đủ cho từng loại cây. Mỗi tối trước khi về, tôi thường chào những cái cây này. “Chúng tôi về nhé. Tối nay ở đây các bạn đừng đánh nhau. Mai gặp nhé”. Sáng nào tôi cũng chào: “Các bạn khỏe và suốt đêm không đánh nhau chứ?”. Tôi xem chúng nhưng những đứa cháu gái nhạy cảm và chào chúng mỗi ngày như thế. Và tôi có cảm giác rằng nhờ tôi chăm sóc như vậy mà chúng rất khỏe.
Những bậc cao niên làm nông ở nông thôn thường bảo: “Cây cối nghe theo tiếng chân của chủ nhân mà lớn.” Có nghĩa là người nông dân sẽ được đáp đền bằng chính những gì anh ta làm hết lòng. Cây cối cũng như thế và con người cũng như thế. Cây cối sẽ lớn nhanh đúng với sự quan tâm của chủ nhân và chúng sẽ lớn khỏe không bệnh tật đúng với tình yêu thương mà chủ nhân mang lại. Những con người lớn lên trong tình yêu thương sẽ luôn tự tin, còn những người không được yêu thương luôn cảm thấy thèm khát tình yêu thương từ người khác nên lúc nào cũng bất an. Tất cả đều cần sự quan tâm và tình yêu thương.
Doanh nghiệp cũng không khác gì. Đối với những cổ đông hãy nói: “Biết ơn bạn đã vất vả. Hãy cố lên nhé!” thì không có nhân viên nào bảo rằng: “Ông phiền quá. Ông cứ xem như không biết đi.” Không có người nào mà không thích khích lệ và khen ngợi.
Dạo gần đây tôi mua nhiều cổ phiếu của một công ty ngành thời trang. Tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu trên 5%. Đối với những nhà quản trị đóng, họ thích làm theo ý mình thường giữ khoảng cách với những trường hợp như tôi. Họ nghĩ là chúng tôi đang dò xét quyền điều hành của họ. Tôi không quan tâm đến quyền điều hành. Triết lý đầu tư của tôi là thông qua ủy thác kinh doanh mà tôi cùng chia sẻ thành quả với doanh nghiệp chứ tôi không đến doanh nghiệp để giành quyền điều hành. Còn nhà quản trị của doanh nghiệp này thì thường nói với tôi: “Cảm ơn ông. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để không làm ông thất vọng.” Tôi đã đồng hành cùng doanh nghiệp này trong sáu năm. Vì vậy, nên tôi hiểu lòng của nhà quản trị này và ông ấy cũng hiểu lòng tôi.
Trên thực tế, vị trí của nhà quản trị là một vị trí đơn độc. Vì số phận của công ty tùy thuộc vào quyết định của nhà quản trị. Càng hiểu về điều đó thì nhà quản trị càng nỗ lực hết mình để làm nhưng sẽ không tránh khỏi cảm giác cô đơn trong vị trí đó. Sự quan tâm của cổ đông có thể tiếp thêm sức mạnh rất lớn với họ. Con người là động vật mang tính xã hội nên rất cần sự quan tâm. Càng quan tâm, càng động viên thì con người càng có thêm sức mạnh. Họ còn dám hy sinh vì người hiểu mình.
Nếu đầu tư cổ phiếu với thái độ “Các ông làm gì mặc kệ miễn tôi kiếm được tiền và rút chân ra là được rồi” thì sẽ khó mà thành công. Biết đâu họ vẫn kiếm được tiền từ đó nhưng khả năng cao là họ chỉ kiếm được một lần và tiền đó cũng không có ý nghĩa gì cả.
Tôi tin rằng trong đồng tiền cũng có sự sang hèn. Việc sử dụng tiền như thế nào cũng quan trọng nhưng việc làm ra tiền như thế nào cũng quan trọng không kém. Tôi vẫn tin rằng chúng ta phải kiếm tiền một cách có giá trị và sử dụng tiền một cách có giá trị thì xã hội mới tốt lên được. Việc khích lệ động viên và trao đổi liên tục với doanh nghiệp vừa là quyền lợi và vừa là nghĩa vụ của cổ đông.
Nếu chủ doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền thôi là đủ thì có cộng sự hay nhân viên nào làm việc hết lòng vì công ty đó không?
Tôi có điều kiện học về cổ phiếu và kinh tế nhiều hơn đa số các nhà đầu tư thông thường khác. Tôi đã từng làm việc ở viện nghiên cứu, công ty chứng khoán và cả công ty tư vấn đầu tư nữa. Thời gian tôi làm trong ngành chứng khoán đã hơn 20 năm. Kiến thức chuyên môn và doanh nghiệp mà tôi biết cũng nhiều. Dù thế, tôi vẫn tự hào rằng mình đang nỗ lực hơn đa số những nhà đầu tư thông thường.
Mỗi sáng sớm thức dậy, tôi quan sát xu thế của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Tôi nỗ lực để theo dõi sự thay đổi của văn hóa, kinh tế, chính trị trong nước. Tôi đi thăm các doanh nghiệp mà tôi đang đồng hành. Nếu đi một lần chưa đủ thì tôi đi nhiều lần và gặp gỡ với nhân viên của các công ty đó.
Trên đời này không có gì miễn phí cả. May mắn cũng chỉ một hoặc hai lần. Phải chăm chỉ học hỏi và trao đổi với doanh nghiệp. Thay vì ngồi dán mắt vào màn hình để theo dõi sự lên xuống của giá cổ phiếu, dùng thời gian đó đọc sách thì sẽ hiệu quả hơn cả trăm lần. Có nhiều người nghe giảng về chứng khoán thì không hề quan tâm gì đến triết lý đầu tư của diễn giả mà chỉ chờ hết giờ để hỏi danh mục đầu tư nào tốt. Nghe giảng thì tốt nhưng phải học được triết lý đầu tư của diễn giả chứ đừng chỉ quan tâm đến danh mục đầu tư. Nếu chỉ vì để tìm danh mục đầu tư thì thà rằng khoảng thời gian đó dành đi đến thăm và tìm hiểu về doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn. Làm như thế, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.
Như ông bà ta dạy rằng cây cối nghe tiếng chân của chủ nhân mà lớn. Doanh nghiệp cũng nghe tiếng chân của cổ đông mà lớn. Và nguồn vốn của bạn cũng nghe tiếng bước chân bạn mà lớn. Không có người nông dân nào thành công dù không ra ruộng thăm lúa mà chỉ nằm nhà quan sát ruộng đồng, không có người nông dân nào thành công chỉ nhờ vào việc chạy theo hỏi thăm những người nông dân nổi tiếng cả. Nếu muốn thu lợi nhuận hơn gấp hai lần những người khác thì bạn phải nỗ lực hơn gấp hai lần. Nếu bạn muốn thu lợi nhuận gấp 10 lần người khác thì bạn phải nỗ lực hơn họ 10 lần. Đó chính là đạo lý của thị trường chứng khoán và là đạo lý của cuộc đời.
HÃY NGHĨ LỚN VỚI MỘT TƯ DUY ĐÚNG ĐẮN
Cách đây không lâu trong thị trường chứng khoán có nổi lên một vụ việc liên quan đến một nghệ sĩ nổi tiếng. Nghệ sĩ ấy là cổ đông lớn đang nắm giữ 13% cổ phần của công ty quản lý. Vì trong công ty quản lý chỉ có hai người nên nhà đầu tư nghĩ rằng nghệ sĩ ấy chính là công ty. Nhưng sau đó nghệ sĩ ấy bắt đầu bán dần cổ phiếu ra và tỉ lệ cổ phần nắm giữ chỉ còn 4%. Điều bất ngờ là giá cổ phiếu từ 600 won đã tăng vọt lên 1.700 won do lượng giao dịch cao. Vậy là giá tăng 260%. Nhưng sau đó giá lại giảm xuống còn 400 và cuối cùng tỉ lệ cổ phần của người nghệ sĩ từng nắm giữ cổ phần cao nhất đó xuống còn 0%.
Có một sự thật đáng ngạc nhiên rằng, trước khi người nghệ sĩ này sang nhượng lại toàn bộ cổ phần, công ty đã huy động vốn khoảng 3,5 tỷ won thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi. Nghĩa là họ vừa giảm tỷ lệ cổ phần và vừa tăng vốn. Các công ty chứng khoán cho rằng nếu người nghệ sĩ đó thanh lý số cổ phần mình nắm giữ rồi mới tăng vốn thì không thể nào làm được như vậy. Tôi cũng không hiểu họ đã làm gì nhưng cảm thấy có điều gì đó đáng nghi ngờ.
Như vậy đó, trong thị trường chứng khoán có nhiều người nghĩ và làm theo kiểu ai sống chết mặc ai, doanh nghiệp ra sao thì ra miễn họ kiếm tiền bỏ túi là được. Một số người trong đó chuyên đi lan truyền tin đồn thất thiệt hay mua với số lượng đột biến để kiếm lời từ việc thị trường bị xáo trộn. Giống như câu nói “Con sâu làm rầu nồi canh”, họ đã làm cho những nhà đầu tư lương thiện hay nhà đầu tư cả tin bị thiệt hại. Nếu giá cổ phiếu dao động mà không có lý do đặc biệt thì cũng không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp cả. Tôi khẩn thiết mong rằng những độc giả đang đọc quyển sách này sẽ không trở thành những nhà đầu tư làm “ô nhiễm” thị trường vốn hay là nhà đầu tư chịu thiệt hại trong sự “ô nhiễm” đó.
Nếu so với những nhà đầu cơ khôn khéo thì tôi là một nhà đầu tư khá nhà quê. Nếu chỉ muốn kiếm nhiều tiền thì tôi sẽ canh chừng liên tục để khi giá cổ phiếu xuống thì mua, khi lên thì bán nhưng tôi không làm thế, tôi chỉ đầu tư. Lý do rất đơn giản. Đó là vì tôi đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà đầu tư trong suy nghĩ của tôi là người bỏ tiền vào doanh nghiệp và tăng trưởng cùng doanh nghiệp. Nghề nghiệp của tôi là nhà đầu tư, nếu tôi không đầu tư thì tôi có khác nào kẻ thất nghiệp đâu. Giống như là tôi đi đường vòng nhưng chính nhờ tư duy này mà tôi trở nên giàu có và sống một cách đường đường chính chính.
Tôi có đầu tư vào một công ty sản xuất máy nông nghiệp tên là Daedong. Trong hơn 10 năm, công ty không có sự tăng trưởng đặc biệt gì cả. Vậy mà tôi đã mua từng chút một và hiện tại đang nắm giữ tỉ lệ cổ phần là 13%. Có một thời gian những chuyên gia, những nhà quản lý quỹ cứ thắc mắc hỏi tôi: “Ông nghĩ gì mà lại mua cổ phiếu của công ty ấy?” Nếu là nhà đầu tư muốn có tiền liền thì sẽ không bao giờ đầu tư vào đó. Nhưng họ là một công ty đứng đầu thị trường về máy nông nghiệp và có công nghệ rất tiên tiến. Họ chỉ là chưa tạo ra được nhiều lợi nhuận mà thôi. Nền tảng nông nghiệp của Hàn Quốc còn kém. So với nước ngoài thì quy mô rất nhỏ. Máy móc canh tác đã hiện đại lên nhưng diện tích canh tác không nới rộng được là một giới hạn lớn trong ngành. Trong tình hình như vậy, họ không thể tham lam mà bán cho nông dân với giá cao được. Vì như vậy sẽ làm cho những người nông dân vất vả lại càng vất vả thêm. Dù thế nhưng nó vẫn là ngành cần thiết cho an ninh lương thực quốc gia nên doanh nghiệp này vẫn giữ lập trường đi từng bước chậm và chắc chắn.
Thực ra nông nghiệp là yếu tố cơ bản nhất để giữ cho sự ổn định của quốc gia. Vì thế, mới có khái niệm về an ninh lương thực. Nếu nhìn vào mặt này thì tỉ lệ tự cấp nông sản của Hàn Quốc trừ gạo ra chỉ có 5% là một vấn đề nghiêm trọng. Vì nếu nền tảng nông nghiệp bị sụp đổ thì giống như dầu, chúng ta phải nhập từ nước ngoài về với giá cao. Và nếu có một sự cố nào liên quan đến nhập khẩu lương thực thì quốc gia có thể gặp nguy biến.
Các nước tiên tiến đều rất ổn định về lương thực. Thậm chí quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc có tỉ lệ tự cấp lương thực là 75%. Tôi nghĩ Hàn Quốc ít nhất cũng phải đạt 50% tỉ lệ này. Muốn làm được điều đó thì cần phải cải tiến hóa nông nghiệp và cơ giới hóa nông thôn. Có lẽ, nhiều người vẫn chưa có sự cảm nhận sâu sắc về an ninh lương thực nhưng không xa nữa thôi nó sẽ càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đó chính là lý do mà tôi đánh giá cao công ty Daedong.
May mắn là gần đây tôi đã tìm ra được những tín hiệu tích cực. Tôi có dịp đi du lịch sang các nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Diện tích đất của Tây Ban Nha lớn hơn Hàn Quốc gấp 5 lần nhưng dân số ít hơn Hàn Quốc. Họ canh tác lúa mì, nho, ô liu và điều rất đáng ngưỡng mộ là diện tích canh tác của họ rất lớn. Tôi đã tưởng tượng đến cảnh những người nông dân Tây Ban Nha sẽ dùng máy nông nghiệp của công ty Daedong trên ruộng đồng của họ. Không phải chỉ là tưởng tượng thôi mà tôi tin chắc sẽ khả thi.
Tôi cũng thấy được tia hy vọng này ở Trung Quốc. Trong buổi ăn tối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại Trung Quốc, tôi hỏi: “Sắp tới ngành nào sẽ phát triển ở Trung Quốc?”, câu trả lời là nông nghiệp. Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Và có ý kiến cho rằng để giải quyết vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực phát triển nông nghiệp ở nông thôn.
Công ty Daedong đã thành lập pháp nhân công ty tại Trung Quốc vào năm 2007 và năm 2010 đã hoàn thành giai đoạn xin giấy phép xây dựng nhà máy sản xuất với quy mô 10 hecta. Tuổi thọ của các sản phẩm máy nông nghiệp của Trung Quốc rất ngắn nên ấn tượng về thương hiệu máy nông nghiệp của công ty Daedong rất tốt. Ngoài ra, Daedong còn thâm nhập vào thị trường Mỹ, thị trường châu Âu, Úc, Newzealand nên tôi tin rằng chỉ cần marketing tốt thì sẽ tăng trưởng mạnh. Công ty Daedong rất phù hợp với triết lý nhà nông của tôi nên tôi nghĩ sẽ đồng hành cùng công ty này trọn đời.
Tương tự như vậy có công ty sản xuất xe đạp Samcheonji. Xe đạp là một lĩnh vực có giá trị công ích lớn. Nếu mọi người đi làm bằng xe đạp thì sẽ giảm rất nhiều về sự ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe. Nhưng xe đạp chưa được xã hội công nhận đúng giá trị của nó. Giá xe đạp hiện nay khoảng 200~300 ngàn won. Nếu những người đi làm bằng xe ô tô đổi sang đi xe đạp thì chỉ trong một tháng thôi cũng thu hồi đủ số tiền vốn mua xe đạp. Còn người đi làm bằng xe buýt hay tàu điện ngầm mỗi ngày chỉ cần để dành 2~3 ngàn won thôi thì sau ba tháng có thể mua được một chiếc xe đạp. Và từ sau đó sẽ không phải phải tốn tiền gì nữa cả.
Tôi có vài lần đề xuất tăng giá xe đạp với công ty Samcheonji. Cả nhà ra ngoài ăn tối thôi cũng tốn hơn trăm nghìn won, đằng này phương tiện giao thông chở chúng ta đi làm mà giá thấp quá cũng không xứng tầm. Thay vào đó, nhà sản xuất phải cải tiến chất lượng thật tốt, thật tiện lợi, dịch vụ thật chu đáo.
Nhưng công ty chưa chấp nhận lời đề xuất này. Ông C hủ tịch Kim bảo rằng triết lý kinh doanh của công ty là: “Tạo ra lợi nhuận là mục đích chính của doanh nghiệp nhưng điều quan trọng không kém đó là đóng góp xã hội”. Tôi không thể nào không tán thành với suy nghĩ của ông Kim nhưng nếu có một sự “thỏa đáng mang tính xã hội” thì ngành công nghiệp xe đạp sẽ có thể trở thành một ngành có giá trị cao.
Chắc chắn sẽ tới lúc những công ty như Daedong hay Samcheonji được đánh giá đúng với giá trị thực của họ. Và tôi nghĩ rằng tôi sẽ đồng hành và hỗ trợ họ cho đến lúc đó.
Những “nhà đầu tư khôn ngoan” có thể sẽ phê phán tôi hoặc tiếc cho tôi. Nhưng tôi tin rằng đây chính là con đường đạo lý trong đầu tư cổ phiếu. Sự thất bại của 10 năm trước và sự thành công trong suốt thời gian qua của tôi đã minh chứng rằng niềm tin của tôi là đúng đắn. Những doanh nghiệp nhất định cần cho xã hội thì phải giúp cho giá trị của họ được công nhận, phải biết chờ đợi cho đến khi năng lực nội bộ của họ đủ mạnh để tạo ra thành quả, không phải chỉ biết có lợi cho mình mà phải nghĩ đến những cái toàn thể, và phải liên tục trao đổi với doanh nghiệp... tất cả những điều đó chính là đầu tư mà tôi hướng đến và là cách đầu tư của một nhà nông chứng khoán.