HÃY ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP CÓ SỨC CẠNH TRANH SỐ MỘT
Ở phần trước, chúng ta đã nói về một vài chỉ số đánh giá giá trị của cổ phiếu. Đó là tỉ lệ lợi nhuận trên giá cổ phiếu, tỉ lệ phân chia cổ tức, giá trị tài sản ròng trên từng cổ phiếu và năng lực cạnh tranh của nhà quản lý, văn hóa doanh nghiệp, mô hình kinh doanh độc đáo. Lấy những chỉ số này làm chuẩn và loại dần sẽ tìm ra được công ty số một trong ngành.
Công ty số một thì có lợi ở nhiều mặt. Thị phần cao, tài sản nhiều nên nguồn lực đầu tư cũng dồi dào. Những yếu tố này tạo nên một cơ cấu tuần hoàn an toàn và khả năng cao là có thể duy trì vị trí số một trong tương lai. Và có thêm một ưu điểm nữa là những công ty như thế sẽ vững vàng trước khủng hoảng. Những lúc khủng hoảng thì những doanh nghiệp yếu thế sẽ sụp đổ và sau khủng hoảng thì khả năng chi phối thị trường của các doanh nghiệp số một càng mạnh hơn.
Dĩ nhiên không phải là không có trường hợp hoán đổi vị trí giữa công ty hạng một và hạng hai nhưng điều này không phải diễn ra thường xuyên. Vì thế, tôi khuyên những nhà đầu tư cổ phiếu nên đầu tư “vào công ty số một”. Trước đây, tôi cũng có đầu tư vào công ty hạng hai, hạng ba nhưng bây giờ tôi chỉ đầu tư vào những danh mục công ty hạng một hoặc hai.
Công ty Mỹ phẩm Pacific là một ví dụ cho thấy uy lực của doanh nghiệp số một. Vào tháng 6 năm 2006, công ty này đã tách ra thành công ty mẹ là Pacific và công ty sản xuất và kinh doanh Amore Pacific. Cho đến những năm 1990, những doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước như công ty Mỹ phẩm Pacific, công ty Mỹ phẩm Hàn Quốc, công ty Mỹ phẩm Koreana đã giữ được vị trí của mình và duy trì sức cạnh tranh trong thị trường. Dĩ nhiên, công ty số một là công ty Pacific và có một khoảng cách nhất định với các doanh nghiệp hạng hai, ba. Nhưng khi khủng hoảng xảy ra thì diện mạo đích thực của doanh nghiệp số một thể hiện rõ ràng hơn.
Khi cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra, các ngân hàng bắt đầu thu hồi vốn vay. Đối với công ty có cơ cấu tài chính vững như công ty Pacific thì việc hoàn vốn cho ngân hàng không khó khăn gì nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì khác. Họ bị áp lực về việc xoay xở nguồn vốn và những rắc rối vây quanh. Nếu nguồn vốn ở công ty bị thiếu thì việc nghiên cứu phát triển, mở rộng mạng lưới kinh doanh, dịch vụ khách hàng cũng không được thuận lợi. Sự khó khăn của các doanh nghiệp cạnh tranh đã giúp cho thị phần của công ty Pacific dần dần được nâng cao.
Công ty Pacific đã không bỏ lỡ cơ hội này và tăng cường nghiên cứu phát triển. Đầu những năm 2000, để đón đầu thời đại truyền thông kỹ thuật số, công ty đã áp dụng vào sản xuất và quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm. Khi quay quảng cáo công nghệ kỹ thuật số, những người mẫu không còn lo ngại về nếp nhăn, tàn nhang nhỏ như thời quay bằng công nghệ Analoge. Công ty Pacific đã thật thấu hiểu sự cần thiết này. Đây là chiến lược khiến cho phụ nữ sẽ nhanh chóng chuyển sang sử dụng mỹ phẩm mà những người mẫu sử dụng, giống việc áo hay giày mà người mẫu sử dụng luôn được thịnh hành và lan rộng nhanh chóng.
Chiến lược của công ty Pacific đã chính xác. Công ty này sau đó phát triển mạnh, giá cổ phiếu đầu những năm 2000 là 12.000 won nay đã tăng lên 160.000 won.
Những đối thủ cạnh tranh khác trong ngành mỹ phẩm thì chỉ dừng lại ở mức giá 9.000 won và 1.000 won thôi, điều này cho thấy công ty Pacific đã tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua. Sự lãnh đạo tài tình của những nhà quản trị, khả năng đọc được sự thay đổi của thị trường, cơ cấu tài chính ổn định là những yếu tố tiêu biểu của một doanh nghiệp hàng đầu. Hiện tại, công ty Pacific đang đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc, một thị trường lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp hàng đầu nào cũng là nơi đáng tin cậy để đầu tư. Tiêu chuẩn quan trọng là ngành nghề của doanh nghiệp đó có phải là trào lưu chính hay không. Đặc biệt là những ngành nghề đang có xu hướng thoái trào thì dù là doanh nghiệp hàng đầu đi chăng nữa cũng không có ý nghĩa gì đặc biệt cả.
Năm 2004, tôi có quan tâm đến hai doanh nghiệp. Một là doanh nghiệp số một trong ngành máy móc nông nghiệp là công ty Daedong và hai là công ty Hyundai, doanh nghiệp số một trong ngành đóng tàu. Hai công ty đều có kinh nghiệm lâu trong lĩnh vực của mình và đang được vận hành rất tốt. Sau một thời gian suy tính thì tôi đã chọn công ty Daedong. Dĩ nhiên là tôi đã học hỏi và tìm hiểu kỹ về công ty này. Vì công ty Daedong là một công ty có công nghệ tốt và trong quá khứ họ đã từng có kế hoạch bước vào ngành công nghiệp ô tô. Và vì họ làm về ngành máy nông nghiệp nên một nông dân như tôi có thể dễ hiểu họ hơn. Còn công ty Đóng tàu Hyundai, mặc dù họ là doanh nghiệp số một trong nước nhưng so với các công ty đóng tàu trên thế giới thì tiêu chuẩn của họ cũng khó xác định được và lại có nhiều yếu tố biến động tỉ giá khi xuất khẩu nên tôi thấy hơi phức tạp. Và tôi đưa ra kết luận về tầm nhìn tương lai đối với công ty Hyundai là “không hiểu rõ”. Nên tôi quyết định đầu tư vào công ty tôi hiểu rõ. Đầu tư như thế mình sẽ không phải bất an và không bất an nên mình mới có thể chờ đợi lâu được.
Tuy nhiên, sự phán đoán của tôi không phải là lựa chọn tốt nhất. Nếu tôi chọn đầu tư vào công ty Hyundai thì tỷ lệ lợi nhuận đầu tư đã tăng lên gấp bảy lần. Nói thế không có nghĩa là tôi đầu tư thất bại. Vì lợi nhuận đầu tư vào công ty Daedong không những không thấp mà tôi còn hiểu được nhiều về lĩnh vực nông nghiệp và máy nông nghiệp. Điều quan trọng nhất là thông qua doanh nghiệp này, tôi có thể củng cố vững chắc triết lý đầu tư cần phải có sự đồng hành và trao đổi thường xuyên. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng với giá trị tài sản hay sức cạnh tranh trong ngành và tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp thì công ty Daedong vẫn còn đang rất hấp dẫn để đầu tư. Vì thế, tôi hoàn toàn không có một sự hối hận nào khi đầu tư vào công ty Daedong.
Điều tôi muốn nói ở đây là dù doanh nghiệp hàng đầu nhưng là ngành nghề gì cũng ảnh hưởng đến kết quả đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần biết ngành nghề của doanh nghiệp đó đang suy thoái hay đang thịnh hành.
Doanh nghiệp hàng đầu nghĩa là sản phẩm mà doanh nghiệp đó tạo ra phải khiến cho người tiêu dùng yêu thích. Muốn khách hàng yêu thích thì sản phẩm phải tốt và dịch vụ phải xuất sắc.
Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là một doanh nghiệp hàng đầu không phải nằm ở chỗ hiện tượng “đứng đầu trong ngành” mà là những yếu tố làm nên sự đứng đầu của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp đứng đầu trong ngành là doanh nghiệp có công nghệ cao và hệ thống quản lý tối ưu. Còn doanh nghiệp hàng đầu không phải là doanh nghiệp có công nghệ cao và hệ thống quản lý tối ưu mà là nhờ có sự sáng tạo, nhiệt huyết và các giải pháp tối ưu để ứng phó với sự thay đổi mới tạo ra được công nghệ cao và hệ thống quản lý trở nên tối ưu hơn.
Lý do mà những yếu tố này trở nên quan trọng là vì cần phải loại ra những công ty chỉ có “hoa văn là hàng đầu”. Một doanh nghiệp hàng đầu ở hiện tại và muốn duy trì vị trí đó về lâu về dài thì phải duy trì và mở rộng được nhu cầu sử dụng sản phẩm công ty sản xuất ra. Nhưng với cái mác là công ty hàng đầu ở hiện tại nhưng không đầu tư nghiên cứu phát triển hoặc không tập trung nguồn lực để mở rộng mạng lưới kinh doanh thì trong tương lai không xa, doanh nghiệp đó sẽ phát sinh vấn đề.
Việc tìm ra doanh nghiệp hàng đầu trong ngành không khó. Nhưng điều quan trọng là tìm hiểu rõ về những yếu tố tạo nên vị trí hàng đầu của doanh nghiệp đó có đang vận hành tốt ở thời điểm hiện tại không. Cách duy nhất là học thật kỹ về doanh nghiệp đó, phải có một sự tìm hiểu lâu dài, đúc kết dữ liệu và kiến thức.
Nếu một tháng tập trung học và tìm hiểu về một doanh nghiệp thì trong năm năm có thể tích lũy được dữ liệu và kiến thức về 60 doanh nghiệp. Từ đó, chúng ta có thể học được hầu hết những doanh nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc. Nếu muốn học cho tốt về một doanh nghiệp thì nhà đầu tư cần phải biết triển vọng của ngành nghề đó và cả các đối thủ cạnh tranh. Như vậy thì xem như đã học được xu hướng của tất cả các công ty lên sàn. Những dữ liệu và kiến thức sẽ thành tiền. Nếu học như thế trong vòng năm năm thì có thể hiểu được toàn cảnh của các công ty lên sàn và có thể phán đoán được công ty nào hiện nay vẫn còn ở vị trí thấp nhưng trong thời gian nào đó sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu. Đây chính là sức cạnh tranh chân chính trong đầu tư chứng khoán.
Với những nhà đầu tư mới bắt đầu thì nên tập trung để ý vào những doanh nghiệp hàng đầu hoặc doanh nghiệp được xếp ở hạng cao. Nếu liên tục tìm hiểu thì sẽ học được tại sao những công ty đó nằm ở vị trí hạng cao. Dĩ nhiên như tôi đã nói ban đầu, không phải tất cả các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đều tốt để đầu tư. Ví dụ như tỷ lệ phân chia cổ tức thấp hơn lợi nhuận, doanh nghiệp tập trung quá nhiều vào lợi ích của chủ doanh nghiệp thì dù là doanh nghiệp hàng đầu nhưng không có lợi cho nhà đầu tư. Những doanh nghiệp như thế này thì giá cổ phiếu được đánh giá thấp hơn các chỉ số nên cần phải cẩn thận.
Tôi khuyên những người mới đầu tư cần có một tâm thế thư giãn. Hãy bắt đầu từ những danh mục ít rủi ro (low risk) và lợi nhuận thấp (low return) để có thời gian học hỏi, tìm hiểu rõ về thị trường chứng khoán. Quan trọng là trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ biết cách đánh giá thông tin, biết cách nhìn người. Nhà đầu tư mới thì cần phải có thời gian để học hỏi, nghiên cứu và làm quen với cách tiếp xúc và trao đổi cùng doanh nghiệp. Việc đầu tư “high risk, high return” từ từ sẽ tốt hơn.
HÃY ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP CÓ MÔ HÌNH KINH DOANH TỐT
Giá cổ phiếu tăng lên là Kết quả của việc giá trị doanh nghiệp tăng lên. Ngoài ra còn có sự lên xuống dựa vào những yếu tố bên ngoài nhưng cuối cùng thì vẫn quay lại với chính giá trị của nó. Nói một cách đơn giản là nếu trừ giá trị hiện tại trong giá trị tương lai thì sẽ có nhiều nguồn lực làm tăng giá cổ phiếu.
Giá cổ phiếu không được quyết định một cách đơn giản như thế này nhưng đây là điều cơ bản và cốt lõi.
Nếu vậy thì việc giá trị của doanh nghiệp gia tăng có ý nghĩa gì? Chúng ta không cần phải nghĩ ngợi gì quá khó khăn. Giá bất động sản bạn đang sở hữu cũng có lúc tăng lên nhưng cơ bản là vì bạn “giỏi kinh doanh”. Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh giỏi và kiếm được lợi nhuận từ đó nên nếu giỏi kinh doanh thì giá trị sẽ tăng và đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu sẽ tăng. Chuyện đơn giản vậy thì tôi nghĩ có cần phải giải thích dài đâu.
Vấn đề của nhà đầu tư là làm thế nào để tìm ra những doanh nghiệp kinh doanh giỏi. Nguyên lý cơ bản của việc này cũng đơn giản thôi. Trước hết, họ phải là người bán ra những sản phẩm mà nhiều người đang sử dụng và sẽ sử dụng trong tương lai. Để có doanh thu cao, sản phẩm họ làm ra phải chất lượng tốt hơn những đối thủ cạnh tranh. Tóm lại, chỉ những doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm mà nhiều người cần là doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt nhất. Vậy thì đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ về nguyên lý đơn giản này. Những cái đơn giản phải trở thành nền tảng cơ bản vững chắc thì sau này mới có thể đưa thêm những cái phức tạp vào được.
Trước hết hãy lấy việc tôi mua cổ phiếu của công ty T hủy tinh Samkwang vào tháng 9 năm 2006 và bán ra vào cuối năm 2007 làm một ví dụ. Công ty T hủy tinh Samkwang là một công ty sản xuất lọ thủy tinh và lon bia. Việc sản xuất lọ thủy tinh và lon bia thì không cần nhiều công nghệ độc đáo. Ngoài ra họ không phải bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng mà chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp nước giải khát. Khó có thể tìm thấy tính tăng trưởng trong doanh nghiệp này. Từ năm 2000 đến năm 2005, doanh thu doanh nghiệp này chỉ dừng lại ở mức 150 tỷ won và lợi nhuận nằm ở mức trên dưới 5 tỷ won, không có thay đổi đặc biệt gì cả. Đó là một doanh nghiệp không tăng trưởng. Giá cổ phiếu từ năm 1998 đến năm 2004 giậm chân tại chỗ với mức là 5.000 won.
Cho đến thời điểm này thì mô hình kinh doanh không được tốt. Nhưng sự thay đổi đã đến và công ty này đã có một sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi.
Từ khoảng năm 2005, GDP theo đầu người của Hàn Quốc đạt mức khoảng 20.000 đô la mỗi năm. Sự quan tâm đến sống khỏe bắt đầu gia tăng. Con người ta bắt đầu tìm những sản phẩm dù có mắc tiền một chút nhưng không gây hại cho sức khỏe hơn là những sản phẩm rẻ tiền. Lúc này, người ta bắt đầu đi tìm kiếm những sản phẩm được đựng trong chai thủy tinh hơn là những chai nhựa gây hại cho sức khỏe.
Công ty Samkwang tung ra thị trường sản phẩm “hộp thủy tinh Glass Lock” kịp thời và thắng đậm. Sản phẩm “hộp thủy tinh Glass Lock” đã vượt khỏi biên giới Hàn Quốc và có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada và được khách hàng rất yêu thích. Doanh thu của công ty Samkwang năm 2005 là 154,2 tỷ won và đạt mức 178,1 tỷ won vào năm tiếp theo. Lần đầu tiên kể từ sau khi thành lập, họ đạt doanh số ở mức hơn 170 tỷ won. Giá cổ phiếu tăng là đương nhiên. Từ một cổ phiếu cứ giậm chân tại chỗ ở mức 5.000 won, đến tháng 11 năm 2005 đã tăng đột biến lên 10.000 won.
Cho tới thời điểm đó, tôi chỉ quan tâm tới công ty này chứ không mua cổ phiếu của họ. Tôi không vội vàng mua mà tôi học hỏi và tìm hiểu về họ. Và tôi biết rằng đó là một doanh nghiệp vững mạnh. Công ty này là công ty con của tập đoàn OCI, có cơ cấu tài chính rất ổn định. Ngoài ra, họ còn sở hữu cổ phần của những công ty quan trọng trong ngành như công ty Bia Hite... Ngoài ra, nhà máy nằm ở một vị trí đắc địa với giá trị bất động sản cao. Tôi đánh giá rằng công ty Samkwang là một công ty có triển vọng cả lợi nhuận và về mặt tài sản sở hữu.
Khoảng tháng 9 năm 2006, lúc tôi bắt đầu mua thì giá cổ phiếu là 15.000 won. Trong một thời gian ngắn, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp ba lần và tôi biết chắc khả năng sẽ còn tăng nữa. Sống khỏe không phải là một trào lưu nhanh chóng đến rồi đi mà nó sẽ là sự thay đổi của phong cách sống. Tôi nghĩ rằng sản phẩm của họ được thị trường chấp nhận và cơ cấu tài chính cũng vững nên tôi nghĩ họ còn tăng trưởng nhiều hơn nữa. Sau một năm, tôi đã bán cổ phiếu với giá là 45.000 won. Sau đó, công ty liên tục tăng trưởng đạt mức doanh thu gần 250 tỷ won và lợi nhuận của công ty năm 2005 là 6,5 tỷ won đã tăng lên gấp 4,2 lần là 27 tỷ won vào năm 2009. Hiện tại giá một cổ phiếu của công ty đã hơn 50.000 won.
Lý do mà công ty Samkwang có thể “kinh doanh giỏi” đó là do họ đã tạo ra một thị trường mới phù hợp với xu thế chứ không phải thị trường mà các đối thủ cạnh tranh khác đã khai thác. Khi tạo ra một thị trường mới thì yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng.
Nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh giỏi và tăng trưởng mạnh thì thị trường của ngành đó phải lớn. Nhưng trong thị trường lớn thì đương nhiên là đối thủ cạnh tranh nhiều. Tôi thử lấy ví dụ với ngành về dao cạo râu dành cho đàn ông. Thị trường dao cạo râu rất đa dạng, từ dao cạo râu dùng một lần cho đến dao cạo râu bằng máy. Do đó, nếu muốn giành chiến thắng trong thị trường này thì cần có công nghệ đặc biệt và vượt trội. Trong số đó có công ty Gillette. Công ty Gillette là một công ty đã biến sản phẩm dao cạo râu dùng một lần thành sản phẩm dao cạo an toàn hai lớp và chiếm lĩnh thị trường, sau đó họ tiếp tục tung ra thị trường những sản phẩm dao cạo râu an toàn với ba lớp, bốn lớp và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành về dao cạo râu.
Nếu thị trường lớn, ít đối thủ cạnh tranh thì không còn gì bằng. Doanh nghiệp có mô hình kinh doanh thuộc nhóm này có công ty sản xuất phụ tùng ô tô Hyundai Mobis. Công ty Hyundai Mobix là một công ty con của tập đoàn Ô tô Hyundai.
Sau khi tập đoàn Ô tô Hyundai mua lại công ty Ô tô Kia, họ cần một nơi tập trung sản xuất tất cả các loại phụ tùng của xe ô tô. Ngoài ra, do nhu cầu thị trường mà họ cần đầu tư lớn và có một hệ thống sản xuất hiệu quả. Nơi đảm nhiệm vai trò này là công ty Hyundai Mobix. Kết quả sau một thời gian, tập đoàn Ô tô Hyundai tập trung nguồn lực thì tổng tài sản năm 2009 là 11,2 nghìn tỷ won, tăng gấp 4,7 lần, doanh thu đạt 10,6 nghìn tỷ won tăng 5,3 lần, lợi nhuận ròng là 1,6 nghìn tỷ won, tăng 14,2 lần (so với năm 2000). Có thể nói không có đối thủ cạnh tranh nào về phụ tùng ô tô trong thị trường với công ty Hyundai Mobix.
Dù không bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng nếu nắm giữ công nghệ cốt lõi thì sẽ có tiềm năng “kinh doanh giỏi”. Có một công ty tên là Inktech chuyên sản xuất ống mực thay thế. Nhu cầu về mực thì có nhưng là ngành có giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường nên công ty này phải đối đầu với sự cạnh tranh về giá. Trong tình hình như thế, từ giữa những năm 2000, công ty Inktech đã nghiên cứu phát triển ra mực điện tử dùng công nghệ nano. Đây là một công nghệ có bước ngoặt quan trọng, thay đổi xu hướng mới của việc sử dụng mực trong các sản phẩm điện tử. Và Inktech đã đạt được sự tăng trưởng cao trong ngành này.
Thêm một trường hợp doanh nghiệp nắm giữ công nghệ cốt lõi nữa, đó là công ty Hóa học LG. Khoảng ba năm trước, giá cổ phiếu của công ty Hóa học LG chỉ khoảng 55.000 won. Nhưng giờ thì bao nhiêu? Hơn 300.000 won rồi. Chỉ trong ba năm mà giá tăng gấp năm lần. Công ty Hóa học LG ký hợp đồng cung cấp cho những công ty như là Volvo, GM. Nếu xe hybrid trở nên phổ biến như xe chạy dầu thì việc giá cổ phiếu của công ty LG tăng chỉ là điểm khởi đầu.
Có nhiều trường hợp cần có sự hiểu biết về kỹ thuật trong khi tìm những mô hình kinh doanh tốt, tuy nhiên chúng ta có thể tìm thấy trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Giống như sản phẩm của công ty T hủy tinh Samkwang gây “chấn động thị trường” là do phong trào sống khỏe. Trong số chúng ta ít ai bị ảnh hưởng bởi phong trào sống khỏe này. Nhưng đó là do chúng ta không kết nối nó với việc đầu tư chứng khoán mà thôi. Trong chúng ta chắc không ai không biết sự thật rằng dầu sẽ càng ngày càng thiếu hụt. Do vậy, việc kinh doanh của công ty H óa học LG sẽ trở nên phát đạt đang trở thành “bí quyết mà ai cũng biết”.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những gợi ý về doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt. Hãy áp dụng “nguyên lý đơn giản” thì chúng ta có thể nhìn thấy được những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt xung quanh chúng ta. Và chúng ta tìm ra những doanh nghiệp hàng đầu trong số những doanh nghiệp đó, tìm hiểu những công ty đó thật kỹ thì chắc chắn sẽ tìm được cơ hội đầu tư tuyệt đỉnh.
HÃY ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP CÓ CƠ CẤU QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP (CG) VÀ CƠ CẤU TÀI CHÍNH KHỎE
Vào tháng 7 năm 2010, công ty thời trang Tomboy, một doanh nghiệp có lịch sử 33 năm trong ngành thời trang tuyên bố phá sản. Trước khi tuyên bố phá sản thì Tomboy đã phát hành bốn lần trái phiếu kèm chứng quyền (Bond with Warrant), hai lần tăng vốn, tính ra có tổng cộng sáu lần huy động vốn. Nhưng lúc đó việc huy động vốn không được thuận lợi. Kết cục là bị phá sản với số nợ gần 1,6 tỷ won. Nếu xem cơ cấu tài chính trước khi phá sản thì tỉ lệ nợ là 348%, tỉ lệ dự trữ là 14%.
Tình trạng xấu nhất trong đầu tư chứng khoán là trường hợp doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư bị phá sản. Tài sản quý giá của chúng ta sẽ trở thành mảnh giấy rác sau một đêm. Có nhiều trường hợp, việc phá sản không phải là tình huống xấu nhất nhưng điều đáng nói là gần như bị bãi yết trên sàn giao dịch. Hằng năm, có hàng trăm doanh nghiệp bị bãi yết trên sàn giao dịch. Việc bị bãi yết hay phá sản không diễn ra trong một sớm một chiều. Những doanh nghiệp như thế này có một số dấu hiệu đặc biệt. Như trường hợp của công ty Tomboy thì họ liên tục huy động vốn và thay đổi cả cổ đông lớn nhất nữa. Ngoài ra, họ còn bị liệt kê vào danh sách những công ty không công bố công khai thông tin doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp bị bãi yết trên sàn tất cả đều do những nhà quản lý không lành mạnh điều hành và cơ cấu tài chính cũng thế. Do đó, trước khi quyết định chọn doanh nghiệp đầu tư, việc đầu tiên cần làm là phải tìm hiểu kỹ về cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của việc cơ cấu tài chính khỏe không đơn thuần là để tránh phá sản hay bãi yết. Nếu tiền về tài khoản đều đặn thì ai cũng sẽ cảm thấy tự tin và thảnh thơi. Và từ đó mới có đầu óc để nhìn xa và hoạch định tương lai. Nhưng nếu không có tiền thì dù sao cũng dễ bị mất tự tin và tự nhiên cảm thấy sốt ruột. Không có sự khát khao với bất kỳ việc gì và chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt.
Doanh nghiệp cũng thế. Cơ cấu tài chính phải vững thì mới có thể phát triển nghiên cứu và có thể cung cấp dịch vụ tốt. Thông qua phát triển nghiên cứu mới có thể sản xuất ra những sản phẩm tốt và thư thái để hiểu lập trường của khách hàng, từ đó sẽ thu hút được càng nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không có tiền thì không thể dùng tiền vào việc cần. Để có giá trị gia tăng thì phải đầu tư nhiều năm, nhưng nếu cơ cấu tài chính không tốt thì chỉ lo chữa cháy dưới chân thôi mà không còn tâm trí nào đầu tư dài hạn. Và cuối cùng là rơi vào cái vòng luẩn quẩn.
Những độc giả chưa bắt đầu đầu tư thì có thể nghi vấn rằng: “Có ai lại bỏ tiền vào đầu tư mà không tìm hiểu xem tài sản của doanh nghiệp đó là bao nhiêu, nợ bao nhiêu?” Dĩ nhiên đa số nhà đầu tư sẽ tìm hiểu được tới mức đó. Vấn đề là chỉ dừng ở “mức đó” thôi. Tùy vào mỗi ngành nghề sẽ có sự chênh lệch nhưng thường thì tỉ lệ nợ đến 100% được xem là doanh nghiệp có cơ cấu tài chính tốt.
Bạn chỉ cần xem rằng nếu tỉ lệ nợ càng ngày càng cao hơn mức này thì độ nguy hiểm càng lớn. Một điều quan trọng nữa cần phải xem xét đó là tỉ lệ dự trữ, thể hiện số tiền mà doanh nghiệp đó tích lũy qua việc kinh doanh và số tiền mà doanh nghiệp đó huy động vốn là bao nhiêu. Tỉ lệ nợ và tỉ lệ dự trữ là hai chỉ số cơ bản nhất khi tìm hiểu về cơ cấu tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả.
Ví dụ một doanh nghiệp có vốn tự có là 5 tỷ won và nợ là 20 tỷ won. Tỉ lệ nợ là 400% nên chúng ta có thể khẳng định rằng đó là doanh nghiệp có cơ cấu tài chính xấu và khả năng vỡ nợ cao không? Nếu 20 tỷ won là số tiền nợ vay và mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả nhiều lãi suất cho các khoản này thì đó đúng là doanh nghiệp không tốt. Nhưng nợ không chỉ có nợ vay.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hay dùng từ “trả sau”. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp đó làm ra bán rất chạy thì họ phải giữ hàng sẵn trong kho. Vì thế, họ phải mua nguyên phụ liệu sản xuất từ các nhà cung cấp và trả sau các khoản tiền thì cho thấy đây là những món nợ có tín hiệu tích cực. Vì tạm thời họ có nợ nhưng chắc chắn sẽ chuyển đổi thành doanh thu sớm.
Ngoài ra, có thể họ đang đầu tư vào trang thiết bị. Thị trường cần hàng mà họ không có đủ năng lực sản xuất để cung cấp thì phải vay tiền về để xây nhà máy. Dẫn đến nợ cho đầu tư trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao sức mạnh tăng trưởng trong tương lai. Nợ phải trả lãi và nợ sắp thành doanh thu, tên gọi đều là nợ. Vì thế chỉ nhìn vào tên gọi mà không nhìn vào nội dung và đánh giá cẩu thả là không được.
Bên cạnh đó, cơ cấu tài chính tốt không phải lúc nào cũng là doanh nghiệp tốt. Tất cả sản phẩm đều có thời của nó. Vì thế để mang lại lợi nhuận ổn định thì phải đầu tư vào việc phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chỉ cất tiền vào tủ sắt. Đặc biệt trong thời buổi lãi suất ngân hàng thấp như ngày nay, chúng ta không thể đánh giá một doanh nghiệp có tín hiệu tích cực vì họ chỉ dùng tiền tự có để kinh doanh. Những doanh nghiệp như thế thì giá cổ phiếu vẫn cứ giậm chân tại chỗ theo thời gian.
Chúng ta có thể nói rằng nếu cơ cấu tài chính doanh nghiệp thể hiện sức khỏe của tự thân doanh nghiệp thì cơ cấu quản trị doanh nghiệp (CG) là sơ đồ có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp đó. Khi một doanh nghiệp lớn mạnh thì thường họ sẽ có thêm công ty con. Nếu doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư có cơ cấu tài chính rất tốt nhưng cơ cấu tài chính của công ty mẹ lại không tốt thì đó cũng là tín hiệu rất nguy hiểm.
Năm 2000, tôi đầu tư vào công ty D chuyên xử lý nước thải. Cơ cấu tài chính của công ty D này tốt và công nghệ cũng ổn. Tuy nhiên vấn đề xảy ra ở công ty mẹ của công ty D. Vào thời khủng hoảng tài chính năm 1997, công ty mẹ của công ty D đã huy động vốn nhưng không đầu tư vào ngành nghề chính. Họ bảo cần phải đa dạng hóa ngành nghề và họ nhúng tay vào ngành nghề mà họ không chuyên. Cuối cùng, họ bị phá sản và bán lại quyền kinh doanh cho công ty khác gây rất nhiều thiệt hại cho các công ty con.
Không phải lúc nào công ty mẹ cũng gây thiệt hại cho các công ty con. Công ty con cũng có thể “giữ bơm” riêng cho mình. Vì thế, khi đánh giá một doanh nghiệp cũng cần phải khảo sát kỹ về sự an toàn của những công ty có liên quan. Nghĩa là chúng ta cần phải tìm hiểu về chính doanh nghiệp đó, về những công ty có liên quan và cả những đối thủ cạnh tranh nữa.
Đối với những nhà đầu tư lâu năm mà không tìm hiểu về doanh nghiệp hay những độc giả chưa đầu tư chứng khoán có thể sẽ phản biện rằng “khó thế này thì làm sao mà đầu tư được”. Việc tìm hiểu cơ cấu tài chính, các công ty có liên quan và cả những đối thủ cạnh tranh không phải là điều dễ dàng. Vì vậy mới có nhiều cơ hội. Trên đời này không có gì là miễn phí và sẽ khó kiếm tiền trên những việc dễ dàng. Nếu mà là việc dễ ai cũng làm được thì không có ai thành công cả. Vì khó, vì không phải ai cũng thành công nên mới có người tìm hiểu kỹ và thành công.
HÃY ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP CỞI MỞ
Doanh nghiệp là một bộ máy giống như cơ thể. Các tế bào trong cơ thể của chúng ta có quan hệ mật thiết và tương tác với nhau thì các nhân viên trong công ty cũng có tương tác với nhau như thế. Những người khỏe sẽ làm việc hiệu quả, những công ty khỏe sẽ kinh doanh tốt và tạo ra được lợi nhuận để có thể chia sẻ cho cổ đông. Vậy làm thế nào để phân biệt được công ty khỏe và công ty yếu?
Có rất nhiều chỉ số để đánh giá nhưng đặc biệt có thể nói những “doanh nghiệp mở” là doanh nghiệp khỏe. Mở có nghĩa là giao thoa. Một doanh nghiệp có sự thoáng mở, có sự giao thoa thì sẽ phát triển. Điều này giống như tiêu chuẩn phân biệt sinh vật có sự sống và sinh vật không có sự sống vậy. Một sinh vật có sự sống sẽ không ngừng hô hấp và hấp thụ dinh dưỡng và bài tiết. Vì thế mà nó tăng trưởng. Ngược lại, sinh vật không có sự sống thì không hô hấp, không hấp thụ dinh dưỡng và cũng không bài tiết. Từ đó dẫn đến không tăng trưởng.
Chúng ta hãy nghĩ về một hòn đá nhé. Đá thì chỉ thay đổi khi có sự tác động từ bên ngoài chứ tự thân nó không thay đổi. Nếu nhà đầu tư không chú ý thì dễ dàng đầu tư vào những doanh nghiệp như những hòn đá vậy.
Vậy thì doanh nghiệp phải mở hướng về điều gì?
Đối tượng đầu tiên là khách hàng. Cách đây không lâu hãng Apple đã làm mất lòng khách hàng. Điện thoại iPhone của hãng Apple đã tạo ra một cuộc cách mạng thay đổi về khái niệm của điện thoại và thu hút được sự yêu mến của người tiêu dùng. Nhưng khi ra mắt sản phẩm iPhone 4 thì họ gặp vấn đề. Đó là vấn đề về phần bắt sóng nằm trên khung sườn của điện thoại nên tùy vào vị trí tay cầm điện thoại mà chất lượng sóng giảm đáng kể. Apple đã làm ngơ với người tiêu dùng theo kiểu “Vấn đề do tay bạn”. Họ thậm chí không làm dịu lòng người tiêu dùng mà còn làm cho người tiêu dùng càng phẫn nộ hơn. Nếu họ tiếp tục làm ngơ thì chắc hãng Apple sẽ đóng cửa mất rồi. Khi những cơn thịnh nộ của người tiêu dùng lên cao cùng với sự phản ánh của báo chí, người CEO thông thái của hãng iPhone, Steve Jobs đã xin lỗi người tiêu dùng với chủ đề “iPhones aren’t perfect” (iPhone không hoàn hảo).
Và họ giải quyết bằng cách tặng miễn phí vỏ xử lý vấn đề tiếp sóng, ngoài ra nếu vẫn không hài lòng thì sẽ hoàn tiền 100%. May mắn là họ đã nhanh chóng cởi bỏ sự ngạo mạn rằng “iPhone luôn hoàn hảo” xuống và với sự nhận lỗi khôn khéo của Steve Jobs mà mọi việc được êm xuôi.
Khách hàng đối với doanh nghiệp như là không khí vậy. Giống như sinh vật mà không hấp thụ được không khí thì sẽ chết, doanh nghiệp không giao hòa với khách hàng thì sẽ không thể tồn tại lâu dài. Tập đoàn Walmart của Mỹ có hai nguyên tắc ứng xử với khách hàng như sau. Nguyên tắc thứ nhất: “Khách hàng luôn đúng”. Nguyên tắc thứ hai: “Nếu thấy khách hàng không đúng thì hãy xem lại nguyên tắc thứ nhất”. Doanh nghiệp phải luôn tích cực lắng nghe ý kiến của khách hàng và đứng về phía của khách hàng, như vậy mới có thể phát triển được và thành quả của sự phát triển đó sẽ chia sẻ cho các cổ đông.
Đối tượng thứ hai là khách hàng nội bộ, chính là nhân viên. Trong một doanh nghiệp khỏe mạnh thì phải có những “bất mãn lành mạnh” được tự do thể hiện. Bất mãn vốn dĩ không tốt. Nhưng nếu đặt nó lên trên bàn họp thì sẽ trở thành giải pháp cải tiến cho doanh nghiệp. Vì thế, trong số những doanh nghiệp liên tục phát triển thì có nhiều nơi tưởng thưởng cho số lượng các ý tưởng cải tiến doanh nghiệp mà không quan tâm đến chất lượng của các giải pháp cải tiến.
Trong một doanh nghiệp không khỏe thì những sự bất mãn nội bộ chỉ chạy vòng vòng dưới bàn họp và nó làm hao mòn nguồn lực phát triển của doanh nghiệp. Nhân viên không tìm thấy một con đường để họ giải tỏa những bất mãn thì sẽ phỉ báng công ty trên bàn nhậu. Những bất mãn không được giải quyết thì năng suất lao động cũng giảm và không thể phát huy được tính sáng tạo. Nếu lấy ví dụ doanh nghiệp là một sinh vật sống thì điều đó có nghĩa là một số cơ quan trong cơ thể của sinh vật sống đó không hoạt động được. Nếu vậy thì không lâu sau cơ thể sẽ bị bệnh. Những doanh nghiệp có bệnh thì không thể tạo ra lợi nhuận để chia sẻ cùng với cổ đông.
Đối tượng thứ ba là cổ đông. Dù là số lượng cổ phiếu sở hữu ít hay nhiều, tất cả cổ đông đều là chủ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe thì luôn biết ơn và tiếp nhận những đóng góp, đề xuất của cổ đông và bày tỏ lòng biết ơn đó bằng nhiều cách mà một trong những cách tiêu biểu đó là trả cổ tức. Nhưng cũng có những doanh nghiệp thậm chí không trả cổ tức mà còn che giấu tình hình của công ty trong một cái hộp kín.
Tôi biết công ty J là một công ty “kinh doanh đóng”. Một công ty có bề dày lịch sử gần 50 năm và tổng tài sản năm 2009 là 150 tỷ won, tỉ lệ nợ chỉ có 41%, doanh thu 120 tỷ won, lợi nhuận ròng là 14 tỷ won. Nhìn vào thì thấy họ là một công ty tăng trưởng ổn định với cơ cấu tài chính tốt, là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, họ không cần đầu tư thiết bị mới và họ không sản xuất bán hàng tiêu dùng trực tiếp nên không chịu tác động lớn từ thị trường. Như vậy thì lợi nhuận ròng mỗi năm sẽ tăng và giá trị tài sản cũng sẽ tăng.
Nhưng cổ đông lớn của công ty không bao giờ xuất hiện tại đại hội cổ đông. Hầu như họ không chia cổ tức. Cổ đông lớn mua cả cổ phiếu quỹ. Do họ không có nhiều giao dịch nên không được định giá đúng, cổ đông phổ thông còn không được tự ý bán cổ phiếu ra.
Công ty này hiện tại đang giữ tỉ lệ cổ phiếu quỹ là 45%, cao nhất trong số những công ty niêm yết. Nói một cách ngắn gọn là cổ đông lớn của công ty thâu tóm hết tất cả thành quả của công ty. Để cho độc giả dễ hiểu, tôi đặt họ vào câu chuyện của đối tượng thứ ba nhưng nếu họ không cởi mở với khách hàng, không cởi mở với nhân viên thì họ không có gì để chia cho nhà đầu tư. Và nếu họ không cởi mở với nhà đầu tư thì nhà đầu tư chỉ có đầu tư vào mà không gặt hái được gì cả.
Nhìn vào những doanh nghiệp kinh doanh mở thì họ rất giống nhau ở chỗ, nhà quản trị kinh doanh đều là những người cởi mở. Ngược lại những doanh nghiệp “thi hành” việc kinh doanh đóng đều do những người khép kín điều hành. Vì thế, vai trò của nhà quản trị kinh doanh rất quan trọng. Chủ tịch tập đoàn LG là một hình mẫu cho một nhà quản trị thoáng mở.
Năm 1995, khi ông lên nắm giữ chức chủ tịch, ông đã đưa tập đoàn LG theo hướng mở và cải tiến nên đã gặt hái được nhiều thành quả. Ông ấy là người có một hình ảnh rất gần gũi. Ông cho rằng: “Phải có tư duy mở thì mới có thể tạo ra được Cổ phiếu có triển vọng, hãy tìm hiểu từ khi mới chớm 185 sản phẩm cách tân được”. Từ nền tảng tư duy mở này mà tập đoàn LG rất phát triển. Tất cả những công ty con của tập đoàn LG đều trở thành những công ty chủ lực trong nền kinh tế. Những nhà quản trị của các doanh nghiệp lớn thường phải đi hầu tòa nhiều nhưng với những nhà quản trị của tập đoàn LG thì chưa lần nào cả.
Thời đại này là thời đại tích hợp. Nếu muốn tích hợp tốt thì phải mở. Giống như các tế bào trong cơ thể chúng ta liên tục có sự kết nối với nhau thì doanh nghiệp cũng cần phải có sự cởi mở trao đổi với nhân viên, với khách hàng, với cổ đông thì mới khỏe được. Và doanh nghiệp khỏe là doanh nghiệp tốt để đầu tư.
Nếu lắng nghe người khác thì chúng ta sẽ hiểu được lòng họ. Trong thời đại tích hợp này thì việc lắng nghe là một đức tính quan trọng của nhà lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo thành công là những người luôn mở rộng lòng mình để lắng nghe những người xung quanh. Nếu nhà lãnh đạo không nghe được tiếng bất mãn mà nhân viên, khách hàng, cổ đông nói thì phải xem là doanh nghiệp đó đang ở trong giai đoạn báo động đỏ. Mặt khác, một doanh nghiệp và những nhà quản trị cởi mở thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp ấy là doanh nghiệp minh bạch.
Khi đầu tư cổ phiếu thì tiêu chuẩn “doanh nghiệp mở” là một tiêu chuẩn quan trọng. Doanh nghiệp phải mở một cách minh bạch thì nhà đầu tư mới có thể hiểu rõ về cổ phiếu để đầu tư. Nhà đầu tư không thể nhìn thấy có cái gì trong một cái hộp dán kín. Và vì không biết cái gì bên trong nên không thể “trả giá” được.
HÃY ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
Dạo gần đây khái niệm về trách nhiệm xã hội đang rất được đề cao. Tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến toàn bộ xã hội và việc doanh nghiệp có thể tạo ra được lợi nhuận cũng nhờ có xã hội. Vì thế, tôi đồng tình với suy nghĩ rằng doanh nghiệp phải thực hiện một vai trò nhất định với xã hội. Những doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm xã hội thì càng ngày sẽ càng có nguy cơ đánh mất chỗ đứng trong xã hội. Vì càng ngày càng có nhiều người muốn mua sản phẩm của doanh nghiệp có chính sách phù hợp với việc phân chia lợi ích của mình thông qua đóng góp xã hội. Và có nhiều người từ chối mua hàng của những doanh nghiệp không có đạo đức. Giáo sư Ahn Cheol Su, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Ahn Cheol Su là một doanh nhân tích cực nỗ lực để thực hiện trách nhiệm xã hội này. Khi ông Ahn còn đang mâu thuẫn với chính mình nên chọn trở thành bác sĩ hay nhà nghiên cứu phát triển lập trình thì ông ấy đã có suy nghĩ: “Bác sĩ thì nhiều nhưng nhà nghiên cứu phát triển lập trình thì không nhiều”. Từ khi mới thành lập viện nghiên cứu, ông đã đi theo hướng công ích. Có một doanh nghiệp an ninh mạng của nước ngoài đề nghị mua lại viện với số tiền là 10 triệu đô la nhưng ông đã từ chối. Đó là số tiền mà ông có thể dùng thoải mái trọn đời nhưng ông ấy trả lời lý do từ chối rằng: “Tôi không bán linh hồn vì tiền.”. Ông thấy rằng nếu bán cho doanh nghiệp nước ngoài thì nhân viên sẽ bị sa thải và những hạt giống về sự nghiên cứu ra vắc xin của Hàn Quốc sẽ bị khô héo. Ông ấy còn chia cổ phần miễn phí cho nhân viên trong viện của ông.
Tôi quan tâm đến Viện Nghiên cứu Ahn Cheol Su từ khi xảy ra cuộc khủng bố mạng 7.7 DDoS (cuộc tấn công phân tán từ chối dịch vụ diễn ra vào ngày 7 tháng 7 năm 2009). May mắn là lúc đó mọi việc được xử lý êm đẹp không để lại thiệt hại nhưng chính phủ và các cơ quan tiền tệ, doanh nghiệp gặp phải một sự hoảng loạn lớn.
Đó là một cơ hội để mọi người nhận ra rằng trong tình hình cả thế giới kết nối với nhau qua mạng mà khi có khủng bố xảy ra, không khéo sẽ gây thiệt hại lớn đến cả những vấn đề về an ninh nữa. Chính phủ ngay tức khắc kiểm tra lại tình hình ứng phó với khủng bố mạng của các tổ chức chính phủ và nhân dân. Chính phủ còn nhanh chóng đặt mua những thiết bị DDoS còn thiếu trong Bộ Hành chính. Ngày cuộc khủng bố mạng xảy ra, giá cổ phiếu của Viện Nghiên cứu Ahn Cheol Su đã có sự dịch chuyển nhẹ khoảng 2%. Và sau đó, giá cổ phiếu của viện này liên tục tăng.
Một mặt tôi quan sát xu thế của viện, mặt khác vào khoảng cuối tháng 7, tôi đến thăm viện. Mục đích chính của việc thăm viện là tôi xem viện ấy có đủ khả năng để ứng phó với khủng bố mạng hay không, điều thứ hai là xem họ có tầm nhìn chiến lược để tăng trưởng trong thời đại mà xu thế tăng trưởng đang chậm không. Kết quả đánh giá tôi thấy là họ đã bắt đầu sản xuất thiết bị DD OS và từ đầu năm 2009 đã có phát sinh doanh thu, họ có nỗ lực để tham gia vào lĩnh vực bảo an từ xa, một ngành có tiềm năng lớn.
Ngoài ra tỉ lệ lợi nhuận kinh doanh của viện năm 2009 đạt 20% và tỉ lệ nợ là 22%, tỉ lệ dự trữ là 2.400%, lượng tiền mặt dự trữ khoảng 60 tỷ won. Và tôi đánh giá được rằng họ có “tình trạng sức khỏe tốt”, động lực phát triển đầy đủ và quan trọng hơn nữa họ đi đầu trong việc nghiên cứu ra vắc xin trị bệnh nhưng những yếu tố đó chưa phản ánh đúng trong giá cổ phiếu của họ. Tôi đợi thị trường lắng xuống, từ tháng 9 năm 2009, tôi bắt đầu mua cổ phiếu và trở thành cổ đông của họ.
Niềm tin vào tương lai và triết lý về trách nhiệm xã hội của Viện Nghiên cứu Ahn Cheol Su là lý do chính khiến tôi đồng hành với họ đến bây giờ.
Hiện tại, vấn đề bảo an cho điện thoại thông minh đang là một nỗi lo của nhiều người. Tôi tin chắc rằng trong tương lai, Viện Nghiên cứu Ahn Cheol Su sẽ sở thành một doanh nghiệp hàng đầu luôn thực hiện hết trách nhiệm xã hội của mình.
Việc tìm hiểu tình trạng của một doanh nghiệp hiện tại không phải khó. Vấn đề là dự đoán tương lai. Những doanh nghiệp không có một bức tranh rõ ràng về một thế giới thay đổi nhanh trong tương lai thì đương nhiên chúng ta phải loại ra khỏi danh sách đầu tư. Nhưng một doanh nghiệp có bức tranh rõ ràng cũng chưa phải là tất cả. Vì kế hoạch của hôm nay không dễ gì có thể biết được là trong tương lai có thành hiện thực được hay không. Vì vậy, nhà quản trị là yếu tố quan trọng. Người lên kế hoạch đúng và thực hiện kế hoạch đó với một cách thức hợp lý chính là con người. Và trong số những con người ấy, người quan trọng nhất là nhà quản trị. Khi đầu tư vào Viện N ghiên cứu Ahn Cheol Su, tôi đã không lo về tư duy của nhà quản trị vì đã quá hiểu tư duy của vị này.
Tôi nghĩ rằng nếu một nhà quản trị có tư duy làm hết trách nhiệm xã hội thì trong nội bộ doanh nghiệp cũng hình thành văn hóa đó. Lý do mà tôi khuyên bạn nên đầu tư vào doanh nghiệp làm hết trách nhiệm xã hội là đây. Có câu rằng: “Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo được lòng người” nên việc hiểu được lòng của ai đó là một việc khó khăn vô cùng. Giống như việc một nhà quản trị đưa ra quyết định sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp, trong đầu tư cổ phiếu thì việc hiểu tư duy của nhà quản trị là quan trọng hơn cả. Nếu là một doanh nghiệp có nhà quản trị làm hết trách nhiệm xã hội một cách chân thành chứ không phải để phô trương, để đánh bóng tên tuổi thì có thể xem rằng doanh nghiệp đó là một doanh nghiệp khỏe mạnh.
Nhìn vào cách nhà quản trị thực hiện trách nhiệm xã hội, chúng ta có thể đoán được tư duy của nhà quản trị. Doanh nghiệp có nhà quản trị như thế thì có thể biến kế hoạch hiện tại thành hiện thực ở tương lai. Và như thế thì giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng lên và giá cổ phiếu cũng đương nhiên sẽ tăng theo. Việc có thi hành trách nhiệm xã hội hay không là một tiêu chuẩn quan trọng để có thể hiểu được tư duy của nhà quản trị.