NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 1: HÃY XEM ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN CŨNG NHƯ NGHỀ NÔNG
Cách nói rằng “Tôi mua cổ phiếu” hay “Tôi đầu tư cổ phiếu” đều không có gì sai cả. Nhưng theo tôi, nếu nghĩ như vậy thì tỉ lệ thất bại cao. Bạn hãy thử tưởng tượng việc bạn đầu tư cổ phiếu là một nghề nông và bạn là một người nông dân xem sao nhé. Như thế thì bạn sẽ thấy rõ bản chất của cổ phiếu. Và như thế thì tỉ lệ thất bại cũng giảm rất nhiều.
Trước hết, chúng ta hãy thử so sánh việc tìm danh mục đầu tư với việc người nông dân chọn hạt giống để trồng vào mùa xuân nhé. Với những người trồng lúa thì người nông dân đã nghĩ đến hạt giống sẽ trồng từ năm trước. Nếu năm trước người nông dân bị mất mùa vì trời lạnh nhiều thì họ sẽ chọn loại hạt giống chịu lạnh tốt, nếu năm ngoái, người nông dân bị mất mùa do hạn hán thì họ sẽ chọn loại hạt giống có thể sống tốt dù có ít nước.
Việc tìm hạt giống tốt là việc làm không bao giờ ngừng nghỉ đối với người nông dân. Hạt giống đóng vai trò quyết định hơn một nửa sự thành bại của mùa màng. Vì thế, không có người nông dân nào lựa chọn một cách thiếu suy nghĩ hay đợi tới ngày gieo mạ rồi mới chạy đi tìm hạt giống.
Giống như việc người nông dân liên tục suy nghĩ, tìm tòi học hỏi để lựa chọn loại giống phù hợp với thời tiết và ruộng của mình, trong đầu tư cổ phiếu, khi chọn danh mục đầu tư thì bạn phải liên tục suy nghĩ, tìm tòi học hỏi rồi sau đó hãy quyết định. Đâu có người nông dân nào không biết hạt giống mà họ gieo là hạt gì, mạnh hay yếu với loại côn trùng nào đúng không? Người nông dân phải biết tất cả những thông tin đó thì mới gieo trồng thành công được.
Tuy nhiên rất nhiều nhà đầu tư gieo hạt giống mà mình không biết nó là giống gì, chỉ biết là người khác mua với giá rẻ nên mua. Gieo như thế nhưng lại kỳ vọng sẽ thu hoạch được nhiều lúa tốt như kỳ tích. Hạt giống bạn gieo mà bạn không biết nó là gì, có thể là hạt lúa, cũng có thể là hạt đậu và trường hợp xấu nhất cũng có thể là hạt cỏ dại.
Bạn có thể tưởng tượng ra hình ảnh một người nông dân gieo hạt rồi bỏ đó và không thăm ruộng đồng không? Chắc chắn là không rồi đúng không? Người nông dân sẽ đi thăm ruộng từng ngày, quan sát và quản lý xem nước có đủ không, có sâu bệnh không. Nếu mưa nhiều thì khai đường mương cho nước chảy ra, hết mưa thì chặn mương lại. Nếu trời hạn hán thì bơm nước cho đủ lượng nước để cây lớn. Trong giai đoạn này, người nông dân chỉ tập trung vào việc chăm sóc ruộng đồng. Người nông dân tin tưởng chắc chắn rằng đến mùa thu thì sẽ thu hoạch nhưng không vội vàng.
Những nhà đầu tư cổ phiếu cũng thế, sau khi mua cổ phiếu xong thì không được buông tay. Phải liên tục theo dõi xem doanh nghiệp mà tôi “gieo trồng” có đang tăng trưởng không, có khó khăn gì không. Phải làm như thế thì mới có thể biết được những chuyện xảy ra trên khắp thế giới có ảnh hưởng tốt hay xấu đến doanh nghiệp đã đầu tư. Vào mùa mưa, người nông dân thường kiểm tra đường nước và khai thông khi mưa nhiều. Làm như thế có thể tránh được những thiệt hại do ngập lụt. Trong kinh tế cũng có tình trạng ngập lụt. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn cầu là một trong những ví dụ điển hình. Ngoài cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 thì tất cả các cuộc khủng hoảng khác đều có những tín hiệu trước.
Trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á diễn ra vào năm 1997 thì kinh tế của các nước châu Á đang thời hoàng kim. Nhưng mà mặt khác thì nợ ngân hàng đầu tư nước ngoài rất nhiều. Kinh tế phát triển nhưng thực chất là phát triển trên nền tảng không vững chắc. Phần lớn nợ nước ngoài là nợ ngắn hạn. Nợ vay ngắn hạn từ nước ngoài thì phải đầu tư vào nơi có thể xoay tiền ngắn hạn. Nhưng các doanh nghiệp của các nước đang phát triển phải đầu tư dài hạn vào nghiên cứu hoặc đầu tư trang thiết bị để tăng trưởng. Nói một cách dễ hiểu là tiền vay một tháng phải trả mà lại đầu tư vào nơi đến một năm sau mới sinh lời. Nợ vay ngắn hạn và đầu tư dài hạn là miếng mồi ngon cho các quỹ phòng hộ.
Lúc ấy tình hình của các nước Đông Nam Á thì giống nhau nhưng tôi xin lấy ví dụ Thái Lan là quốc gia bị khủng hoảng đầu tiên. Khi kinh tế Thái Lan phát triển thì giá trị của đồng baht được nâng cao. Lúc này, các quỹ phòng hộ bán số đồng bath mà họ đang nắm giữ và mua đô dự trữ. Như vậy thì đương nhiên giá đồng Bath so với đồng đô la bị giảm. Lúc này các ngân hàng đầu tư yêu cầu trả nợ vay trong thời gian qua. Mặc dù không có chứng cớ chi tiết nhưng đa số các nhà kinh tế đều giải thích rằng việc các ngân hàng đầu tư yêu cầu trả nợ lại có liên quan mật thiết với các quỹ phòng hộ.
Những doanh nghiệp không dự trữ tiền đô phải bán tiền baht ra và mua đô. Vì thế mà giá của đồng baht so với đồng đô la Mỹ cứ liên tục giảm và cuối cùng là kinh tế của Thái Lan lâm vào tình trạng hỗn loạn. Không những đồng baht mà cả giá cổ phiếu, trái phiếu đều tuột dốc. Và thế là những quỹ phòng hộ mua lại đồng baht, cổ phiếu, trái phiếu với mức giá không thể tưởng tượng được.
Hàn Quốc cũng gặp tình trạng giống như Thái Lan và gặp phải “cuộc khủng hoảng IMF”. Giá trị đồng won giảm mạnh. Nếu trước đây 800 won có thể mua được 1 đô la thì nay phải có 1.900 won mới mua được 1 đô la. Giá cổ phiếu của công ty Điện tử Samsung sụt giảm xuống còn 30.000 won 1 cổ phiếu. Và cũng giống như Thái Lan, đồng won, cổ phiếu, trái phiếu mất giá rơi vào tay những nhà đầu tư nước ngoài. Cuộc khủng hoảng xảy ra đến nay đã hơn 20 năm rồi. Nếu bạn vẫn còn sở hữu cổ phiếu của công ty Điện tử Samsung mà bạn mua lúc đó thì giờ đã tăng lên mấy chục lần rồi.
Từ đầu năm 1997, đồng baht có những dấu hiệu bất thường và đến ngày 2 tháng 7 năm 1997 thì giảm 18%. Tất cả điều này chính phủ Hàn Quốc cũng biết trước là khả năng các quỹ phòng hộ sẽ tấn công đồng won. Không những chính phủ mà cả những người quan tâm đến kinh tế thế giới và có kiến thức kinh tế phong phú cũng biết rõ.
Mặc dù đã có dấu hiệu rõ ràng về “khủng hoảng ngoại tệ Thái Lan” nhưng nhiều người vẫn không đối phó. Cuối cùng thì “căn bệnh truyền nhiễm” tên là “Khủng hoảng ngoại tệ” đã lây lan sang Malaysia, Indonesia và tháng 11 năm 1997 đã nhiễm sang cả Hàn Quốc.
Lúc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ cũng thế. Từ năm 2006, Mỹ đã bắt đầu tăng lãi suất. Và lãi suất đã tăng 17 lần lên đến 6,5%. Người ta dự đoán rằng ngành bất động sản là ngành phát triển tốt nhờ lãi suất thấp sẽ gặp nhiều khó khăn. Những người biết rõ điều này và chuẩn bị đối phó đã trở nên giàu có còn những người không hiểu rõ và không chuẩn bị đối phó đã phải lao đao trong cơn khủng hoảng này. Giống như việc người nông dân chuẩn bị trước thì khi có ngập lụt xảy ra, họ chỉ cần kiểm tra một cách đơn giản là được. Nhưng còn những người không đào sẵn đường mương thoát nước thì sau khi “vỡ bờ” rồi mới hối hận.
Sự khác biệt mang tính quyết định giữa người nông dân mới vào nghề và người kỳ cựu ở chỗ biết rõ về tiết trời hay không. Người mới vào nghề không biết phải gieo hạt khi nào, đến tháng 8 thì cây lớn được bao nhiêu, khi nào thu hoạch. Nhưng với những người nông dân kỳ cựu thì họ biết rõ quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Những nhà nông lâu năm có trực giác tốt về thời gian hơn cả lịch. Thường thì khoảng cuối tháng 7 đến tháng 8 lúa sẽ trổ bông. Nếu người nông dân không biết sự thật này thì sẽ không biết rõ rằng ruộng lúa của mình có đang tăng trưởng tốt hay không, có vấn đề gì không.
Doanh nghiệp cũng thế. Khi mua cổ phiếu thì phải biết rằng năm đầu là năm đầu tư, sau khoảng hai năm thì bắt đầu có kết quả đầu tư và sau ba năm thì mới chính thức thu hoạch. Nếu giai đoạn này được rút ngắn thì là một việc tốt nhưng nếu trễ hơn thì có thể có một vấn đề gì đó. Nếu không biết được những giai đoạn như vầy thì dễ chờ đợi trong bất an và bán đi khi mới đơm hoa.
Người nông dân không cày xới đất đi khi thấy cây trồng chậm lớn do sự thất thường nhất thời của thời tiết. Vì họ biết rằng những lúc như vậy nếu bón thêm phân hoặc ứng phó bằng một phương thức khác thì cây trồng sẽ tăng trưởng trở lại. Khi đầu tư cổ phiếu cũng có lúc “thời tiết thất thường”. Thỉnh thoảng cũng có những trận hạn hán hoặc mưa to kéo dài. Nhưng nếu tôi hiểu rõ doanh nghiệp tôi đầu tư và tin rằng doanh nghiệp đó có thể vượt qua được sự thay đổi của thời tiết thì sẽ không bán và chờ đợi.
Cuối cùng là thu hoạch. Người nông dân có nhiều kinh nghiệm hiểu rõ chuyện thu hoạch như chuyện gieo hạt giống. Nếu gieo hạt sớm quá thì có thể hạt sẽ bị hư úng trong đất, nếu thu hoạch sớm quá thì lúa chưa chín nên chất lượng lúa bị sụt giảm. Còn nếu thu hoạch trễ quá thì sẽ cho ra gạo không ngon và hạt gạo dễ bị vỡ. Và người nông dân gieo hạt lúa xong sẽ không chờ ra đậu hay ra táo. Người nông dân cũng không chờ hôm nay mới gieo hạt rồi tháng sau thu hoạch. Vì người nông dân hiểu rõ rằng phải đến mùa thu, nghĩa là phải chờ thời gian thì lúa mới chín.
Trong đầu tư cổ phiếu cũng thế. Bạn mới mua cổ phiếu trị giá 1.000 won và mong đợi nó tăng lên liền 10.000 won là không được. Giống như việc gieo lúa mà chờ ra táo, không có cổ phiếu nào tăng vài chục lần như thế. Cũng có những trường hợp đặc biệt nhưng nếu cứ kỳ vọng vào điều đó thì không được. Giống như việc đào được hũ vàng trên ruộng lúa là điều vô cùng hiếm.
Nhiều nhà đầu tư cổ phiếu thay vì gieo hạt và chăm sóc rồi thu hoạch thì lại cứ đi tìm những mảnh ruộng mà đã nở hoa hay đã có quả. Vì họ nghĩ rằng ruộng đó sắp thu hoạch và sẽ có thể cho lợi nhuận liền. Nhưng ở đó có quá nhiều nhà đầu tư nên giá đã lên cao lắm rồi. Bạn đừng nghĩ chỉ có mình bạn mới thông minh nhé. Cũng có lúc những cây mạ mới gieo trồng giống như cỏ dại nên bạn lo lắng rằng không biết tới chừng nào mới lớn để thu hoạch. Nhưng nếu lúa bắt đầu đơm bông thì ai cũng có thể thấy được. Vì vậy việc bạn nghĩ chỉ có bạn nhìn thấy lúa là điều không hợp lý. Những doanh nghiệp mà báo đài đưa tin và được sự quan tâm của nhiều người rồi thì phải xem như trăm hoa đã đua nở. Ruộng có chủ và chắc chắn chủ đó sẽ không bán cho bạn ruộng lúa sắp thu hoạch với giá rẻ đúng không? Bạn thu hoạch được đúng những gì bạn gieo và bỏ công chăm sóc, đó chính là nghề nông. Đầu tư cổ phiếu cũng là gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Bạn có thể học từ ruộng đồng của người khác nhưng bạn không thể thu được gì từ việc dòm ngó ruộng của người khác.
“Tìm ra doanh nghiệp tốt với một tấm lòng chân thành,
Tôn trọng đối tác với tất cả sự khiêm nhường trong mọi việc,
Tìm ra con đường cùng phát triển một cách thân thiện,
Lấy việc đầu tư dài hạn vào giá trị liên tục của doanh nghiệp làm nguyên tắc đầu tư,
Luôn đầu tư với lòng biết ơn về những lợi ích đạt được do đã nỗ lực hết mình.”
Đó là phương châm khởi nghiệp của công ty chúng tôi. Phương châm này được tóm gọn trong một câu: “Hãy đầu tư với tấm lòng của một nhà nông.” Việc đầu tư bằng tấm lòng của một nhà nông là triết lý đầu tư cốt lõi của tôi. Bạn hãy đầu tư như một nhà nông. Và rồi bạn sẽ trở thành một nhà đầu tư thành công và hạnh phúc.
NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 2: HÃY CÓ LÒNG BIẾT ƠN VỚI NHỮNG LỢI ÍCH MÀ BẠN CÓ
Thời kỳ thu hoạch cũng quan trọng như thời kỳ gieo hạt. Nếu thu hoạch quá sớm thì sẽ hái phải trái xanh, nếu thu hoạch quá muộn thì gặt phải trái bị thối. Thời kỳ thu hoạch trong làm nông thì dễ hơn trong đầu tư cổ phiếu. Những nhà nông thông thường chỉ cần nhìn thôi thì có thể biết khi nào là thời kỳ thu hoạch. Lúa thì phải chín vàng, còn táo thì phải chín đỏ mới thu hoạch. Nếu không chắc chắn lắm thì có thể hái vài trái ăn thử là có thể biết ngon hay không ngon.
Nhưng cổ phiếu thì không thể như thế được. Chúng ta hãy lấy ví dụ khi thị trường đang tuột dốc khiến ai cũng “xanh (mặt)”. Thời kỳ thu hoạch là khi “chín đỏ”. Trái cây mà chín quá thì sẽ bị thối nhưng cổ phiếu thì không như thế. Nếu tới lúc tham thì lúc nào trông cũng có vẻ đỏ rực. Khi thấy những danh mục “đỏ rực” chuẩn bị “xanh” ai cũng muốn bán ra. Đó là tâm lý chung của con người và cũng là sự tham lam dẫn đến thất bại.
Nếu muốn làm nông giỏi thì cần có một tiêu chuẩn đo lường của riêng mình. Nói cách khác, bạn cần phải có tiêu chuẩn rằng bạn sẽ thu hoạch khi quả đỏ đến một mức độ nào.
Một nhà nông cổ phiếu như tôi thì trước hết tôi lên kế hoạch làm nông trong một năm trước khi gieo hạt, nghĩa là trước khi mua cổ phiếu. Nếu không xây dựng được kế hoạch này thì tôi không gieo hạt. Ví dụ như tháng 5 gieo lúa giống xuống ruộng, tháng 6 làm mạ, tháng 7 cây lớn một mức độ nào đó và tháng 8 trổ bông, tháng 9 kết trái và tháng 10 thu hoạch.
Người nông dân khi gieo hạt thì tin chắc rằng nó có thể lớn lên. Người nông dân hiểu rõ rằng trong khi làm nông thì có thể có hạn hán và cũng có thể bị bão nhưng nếu đối phó tốt thì không ảnh hưởng gì lớn đến sản lượng. Chúng ta hãy cùng so sánh điều này với cổ phiếu nhé. Khi mua cổ phiếu thì chúng ta phải biết chắc là công ty đó sẽ tăng trưởng.
Nếu người không biết làm lúa thì thấy cây lúa trước khi trổ bông giống cây cỏ. Nghĩa là những người không hiểu về thị trường cổ phiếu hay không biết về doanh nghiệp mình đầu tư và cũng không biết tương lai doanh nghiệp đó trở nên ra sao. Chỉ có những người xem đầu tư cổ phiếu như một nghề nông thì mới nhìn thấy được tương lai của doanh nghiệp.
Giống như việc người nông dân dự đoán được mỗi tháng lúa sẽ lớn như thế nào, bạn cũng phải dự đoán được doanh nghiệp mà bạn đang đầu tư mỗi năm tăng trưởng ra sao. Phải như thế thì bạn mới biết khi nào nên thu hoạch. Những người nông dân chỉ nghe theo lời người khác bảo rằng giống này tốt lắm hay những nhà đầu tư mua những danh mục với giá cao những cổ phiếu mà ai đó bảo rằng vẫn còn lên cao nữa thì không thể nào không thất bại được.
Điều cần lưu ý là trước khi đầu tư thì phải xác định được thời gian thu hoạch của mình. Và khi quyết định phải theo cảm xúc ban đầu không có lòng tham vô độ và sự tiếc rẻ. Năm 2010, trong số những công ty tôi đầu tư có công ty Phát triển Goryo. Cơ duyên mà tôi quan tâm đến công ty này là ngành xây dựng đang phát triển mạnh vào những năm 1990. Năm 1987, công ty Phát triển Goryo bị phá sản khi đang thực hiện dự án lấp vịnh Gohyun ở đảo Geoje và được tập đoàn Daelim mua lại. Nhưng sau đó công nghiệp nặng ở đảo Geoje phát triển và giá đất ở vịnh Gohyun tăng lên trở lại nên đã chuyển họa thành phúc. Lúc đó, công ty có vốn đầu tư là 30 tỉ won và lợi nhuận trên 10 tỉ won. Mệnh giá cổ phiếu lúc đó rất thấp và cổ tức luôn ở mức 500 won một cổ phiếu. Tỉ lệ phân chia cổ tức dựa trên mệnh giá là 10% và tỉ lệ phân chia lợi nhuận dựa trên thời giá là 15~20%.
Tôi tìm đến trụ sở chính của công ty ở quận Yongsan để tìm hiểu thì thấy rằng công ty được điều hành rất minh bạch. Công ty hầu như không có nợ và tôi tin tưởng chắc chắn rằng công ty có thể tạo ra được lợi nhuận ổn định. Thông qua số lượng lớn bất động sản mà công ty nắm giữ và sự quản lý của ngân hàng mà công ty có cơ cấu vững chắc về tài chính. Mức độ hài lòng về công ty của nhân viên cũng rất cao. Theo tôi đánh giá thì giá trị cổ phiếu của công ty lúc đó là khoảng từ 20.000 won đến 25.000 won.
Từ năm 2001, tôi bắt đầu mua cổ phiếu của công ty này. Lúc đó giá là 3.200 won đến 7.000 won. Nhưng khi cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ xảy ra, giá cổ phiếu của công ty đã rớt xuống còn 5.000 won. Tôi đã nắm bắt cơ hội này và mua số lượng lớn cổ phiếu.
Tôi rất tự tin. Tôi thường xuyên đến thăm công ty mẹ, dự án ở đảo Geoje và ở Cheonan. Mỗi lần đến thăm, tôi trực tiếp gặp những người quản lý dự án và trao đổi với họ, có khi tôi còn xem được giấy tờ về bất động sản của họ nữa.
Khi tôi lên “kế hoạch làm nông” thì giá trị của công ty này là trên 20.000 won nhưng giai đoạn thu hoạch của tôi là lúc giá cổ phiếu đạt 15.000 won. Tôi tin rằng giá còn lên nữa nhưng tôi đã bán ra một cách nhẹ nhàng. Vì đó là “kế hoạch làm nông” của tôi.
Nhiều người dễ bị quên kế hoạch ban đầu của mình nên khi thấy giá lên họ thường kỳ vọng rằng nó sẽ còn lên nữa, vì thế họ cứ chờ đợi. Nhưng có khi giá lại tuột dốc khiến họ phải hối hận. Trong đầu tư cổ phiếu, phải xác định lợi nhuận kỳ vọng ngay từ đầu và khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng rồi thì phải dừng lại với tất cả lòng biết ơn.
Lợi nhuận phát sinh sau đó là phần của người khác. Sau đó giá cổ phiếu của công ty Goryo mà tôi đầu tư đã tăng lên 40.000 won. Nếu nói là không tiếc nuối chút nào thì đó là lời nói dối. Nhưng phải biết bình tâm trước những tiếc nuối thì mới có thể “làm nông chứng khoán” thành công được.
Nếu tôi bán giá ở đỉnh cao thì chắc chắn sẽ có ai đó bị thiệt thòi. Mà có ai đó thiệt thòi vì những cổ phiếu tôi bán ra thì có gì vui đâu. Đó hình như không phải là tấm lòng của một nhà nông.
Khi lợi nhuận kỳ vọng ban đầu đã đủ thì thu hoạch rồi đi tìm đất khác để gieo hạt giống, đó chính là tâm thế của một nhà nông chứng khoán. Ngay khi bạn tiếc nuối “Giờ mình bán ra rồi giá tăng thì làm sao nhỉ?” là lúc việc canh tác của bạn đã thất bại. Trước khi đầu tư hãy lên “kế hoạch làm nông” rõ ràng. Và khi đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng rồi thì hãy thu hoạch không tiếc nuối. Trong thị trường chứng khoán có rất nhiều hạt giống và đất màu mỡ. Việc bạn liên tục tìm kiếm ra những mảnh đất màu mỡ mới và những hạt giống mới và gieo trồng chính là tâm thế của một “nhà nông chứng khoán” thực thụ.
NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 3: HÃY NGHĨ RẰNG MÌNH ĐANG ĐIỀU HÀNH CÔNG TY
Nếu giải thích về đầu tư cổ phiếu một cách dễ hiểu thì có thể nói rằng: “Đầu tư chứng khoán là việc chúng ta đưa tiền của mình cho người kinh doanh giỏi và sau đó cùng nhau chia sẻ thành quả”. Ai cũng có thể làm tốt nếu biết nỗ lực nhưng dù nỗ lực như nhau nhưng có người tạo ra thành quả tốt hơn.
Nếu không có một lý do gì đặc biệt thì tôi nghĩ nên đầu tư vào những doanh nghiệp đang kinh doanh tốt và chia sẻ thành quả cùng với họ sẽ an toàn và thông minh hơn là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp với tỷ lệ thành công cực thấp.
Có thể nội dung tới đây thì hầu như tất cả mọi người đều đồng ý. Nhưng điều thực sự quan trọng nhất bắt đầu từ đây. Có nhiều người bắt đầu đi lạc hướng từ đây. Lạc hướng nghĩa là sau khi đầu tư rồi mặc kệ mọi thứ ra sao thì ra, họ chỉ đứng nhìn mà thôi. Ngày nào họ cũng chăm chăm vào màn hình máy tính để xem bảng điện tử thể hiện giá cổ phiếu, nếu giá lên thì họ vui mừng, nếu giá xuống thì run bần bật. Giống như họ đang xem một trận bóng đá trên tivi. Khi xem tivi thì dù bạn có cổ vũ cuồng nhiệt đến mức nào hay bạn bực tức la mắng thì cầu thủ cũng không nghe được.
Nếu là một trận đấu bóng đá thì người bình thường như chúng ta chỉ có thể ngồi ở hàng ghế khán giả và la hét mà thôi. Nhưng cái mà tôi đang đề cập ở đây là một game về đầu tư cổ phiếu. Trong game này, bạn có thể tới ngồi gần huấn luyện viên trưởng, thậm chí bạn có thể nhảy ra sân chạy cùng với cầu thủ cũng không bị phạm luật.
Đầu tư cổ phiếu không phải là một game mà chúng ta bỏ tiền vào rồi cứ ngồi chờ một cách thụ động. Nó phải trở thành một game mà chúng ta là người chủ động tham dự vào. Chúng ta phải đầu tư với suy nghĩ mình đang điều hành chính công ty của mình, với tâm thế của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Bạn hãy thử tưởng tượng về những nhà lãnh đạo tài ba xem nhé. Họ luôn nghĩ về tương lai, xây dựng chiến lược, động viên nhân viên và không lười nhác trong việc thường xuyên đi thực tế. Vì họ biết rõ rằng phải như thế thì công ty mới phát triển được. Bạn có thấy doanh nghiệp nào phát triển mà nhà lãnh đạo chỉ bỏ tiền vào mà chẳng quan tâm gì đến công ty không? Trong khi bạn vừa là nhà đầu tư và là nhà kinh doanh mà bạn chẳng quan tâm đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp mà chỉ quan tâm đến giá cổ phiếu thôi thì có được không? Điều đó giống như giám đốc một công ty chẳng quan tâm gì đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà chỉ chăm chăm nhìn vào doanh thu vậy.
Tháng 2 năm nay tôi đã đề xuất với công ty Xe đạp Samcheonji và công ty con là công ty Chamjoeun Leisure như là một cổ đông của công ty. Công ty Chamjoeun Leisure vừa là công ty con của công ty Xe đạp Samcheonji, vừa là công ty mới mua lại công ty Chamjoeun Yoheng chuyên kinh doanh các sản phẩm du lịch, giải trí thể thao và xe đạp cao cấp MTB. Sau khi sáp nhập, tôi đã kỳ vọng lớn và quan sát cách họ làm nhưng đã không có hiệu quả như mong đợi.
Trong khi tôi đang suy nghĩ xem làm thế nào để phát huy hiệu quả của việc sáp nhập thì tìm được một giải pháp “rất đơn giản”. Đó là gộp chung sản phẩm của hai công ty lại. Nếu kết hợp sản phẩm xe đạp và sản phẩm du lịch lại thì sẽ có một sản phẩm mới đó là “du lịch bằng xe đạp”. Vì dạo gần đây nhu cầu sử dụng xe đạp để nâng cao sức khỏe, làm phương tiện đi lại và thể thao rất nhiều.
Có một số người dùng xe đạp để đi xuyên quốc gia. Nếu đưa vào khái niệm “đi du lịch bằng xe đạp” thì hai công ty này có thể mở rộng mạng lưới khách hàng thích sử dụng xe đạp để đi du lịch. Đề xuất của tôi được công ty chuyên doanh du lịch Chamjoeun Yoheng đánh giá cao và họ cho ra gói sản phẩm “du lịch bằng xe đạp”.
Tôi cũng đề xuất với công ty Xe đạp Samcheonji về chính sách bán hàng đảm bảo. Nghĩa là dù xe của hãng nào không quan trọng, cứ khách hàng mang xe đạp cũ đến thì sẽ được đổi thành xe đạp mới với giá ưu đãi. Cách làm này không những giúp cho khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm của hãng khác sẽ tự động chuyển sang sử dụng sản phẩm của công ty mình mà còn có thể trở thành một phương tiện hữu hiệu để marketing thương hiệu nữa.
Dĩ nhiên nếu làm thế thì việc xử lý xe đạp cũ và tái sử dụng sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư nên đối với doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên nó lại có hiệu quả trong việc nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp thành một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường bằng cách tái sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có và tạo thêm được công ăn việc làm.
Nhưng tiếc thay đề xuất này đã không được chấp nhận. Công ty trả lời rằng ý tưởng rất hay nhưng chưa phải là thời điểm có thể làm được điều đó nên cần phải chờ thêm chút nữa. Tôi cũng không kỳ vọng tất cả những đề xuất của tôi đều được chấp nhận. Vì tôi biết rằng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ về ngành nghề của họ hơn tôi. Đề xuất là phần của tôi, còn đón nhận hay không thuộc về doanh nghiệp.
Đề xuất của cổ đông thì không cần phải là cái gì đó ghê gớm lắm. Hãy giả định rằng bạn là cổ đông của công ty sản xuất nước ngọt. Một ngày nọ, bạn đến cửa hàng gần nhà và thấy sản phẩm của công ty mà bạn đầu tư nằm trên kệ khuất sâu bên trong và bám đầy bụi bẩn. Nếu cứ thế bỏ đi thì đó không phải là thái độ của một người chủ doanh nghiệp. Bạn có trách nhiệm gọi điện đến cho công ty để báo cho họ biết về điều này và bạn có quyền cho họ lời khuyên về việc cần cải tiến. Nếu bạn đã nhiều lần gọi điện rồi mà họ không có lời giải thích nào hợp lý và không có giải pháp cải tiến nào cả thì phải xem như là bạn đang có vấn đề trong việc trao đổi với công ty. Còn nếu ngay sau khi bạn gọi điện thoại mà họ tích cực sửa đổi, cải tiến thì chúc mừng bạn vì bạn đã trao đổi rất tốt với công ty.
Bạn có thể mời cơm nhân viên công ty. Bạn cũng có thể gọi điện hỏi thăm giám đốc công ty. Bạn có thể mua hàng của công ty và đưa ra những đề xuất cải tiến. Hay là bạn có thể giới thiệu sản phẩm của công ty bạn với những người xung quanh. Nếu thấy công ty có gì sai trái thì bạn có thể kiến nghị sửa chữa, nếu có ý tưởng gì hay thì bạn có thể đề xuất. Với tư cách là một nhà đầu tư, một nhà kinh doanh, chúng ta có rất nhiều việc có thể làm. Nói thế không có nghĩa là suốt ngày bạn phải làm việc đó. Lo cho công ty toàn thời gian là trách nhiệm của giám đốc điều hành. Còn bạn, bạn chỉ cần vừa làm việc của mình vừa dành chút thời gian nhất định để làm vai trò của một nhà kinh doanh là được.
Nhiều người đầu tư cổ phiếu chỉ như một người khách qua đường chứ không phải là chủ nhân. Không chỉ là đầu tư cổ phiếu, bất cứ bạn làm việc gì thì ý thức của một người chủ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên không ít người đang sống cuộc đời của mình như một người khách qua đường chứ không phải như là người chủ. Những người như thế không thể nào sống một cuộc đời thành công được. Mỗi người chúng ta phải trở thành chủ nhân của cuộc đời chúng ta. Cũng như mỗi nhà đầu tư phải trở thành chủ nhân của doanh nghiệp mà mình đang đầu tư. Bản chất của đầu tư cổ phiếu không phải là mua bán chứng khoán có giá. Việc tôi luôn đồng hành cùng doanh nghiệp mà mình đầu tư và cùng nhau phân chia thành quả từ việc đầu tư, đó mới chính là bản chất của cổ phiếu và lối tắt của việc đầu tư thành công.
NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 4: HÃY LIÊN TỤC QUAN SÁT VÀ TRAO ĐỔI VỚI DOANH NGHIỆP
Ở phần trước, tôi đã chia sẻ về việc mua cổ phiếu của doanh nghiệp tốt và đầu tư thời gian là thường thức của đầu tư cổ phiếu. Nhưng để chuyển thường thức này thành hành động là một điều không phải dễ dàng. Khi thấy giá cổ phiếu nằm bất động trong thời gian dài, nhà đầu tư sẽ bắt đầu nhấp nhổm. Khi thấy cổ phiếu vừa xuống giá thì lại bất an vì không biết nó có “rơi tự do” không. Có khi còn thấy giá cổ phiếu của công ty khác lại tốt hơn công ty mình đầu tư. Chỉ có quan sát và trao đổi mới giúp chúng ta chiến thắng được những yếu tố gây ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn.
Trước đây cứ nghe đồn tôi thắng lớn trong đầu tư thì nhân viên công ty chứng khoán thường tìm đến. Trên tay họ cầm đủ loại thông tin danh sách công ty “triển vọng để đầu tư”, tầm nhìn to lớn của những công ty này. Có nhiều lúc họ khuyên tôi nên đầu tư vào những công ty đó. Thường thì tôi sẽ hỏi họ: “Anh tới thăm những công ty đó chưa?”.
Và câu trả lời là: “Tôi chưa đến thăm những công ty đó.” Nếu tôi hỏi làm thế nào họ biết những công ty đó thì họ bảo rằng họ nhận thông tin từ ai đó và sau khi họ phân tích thấy “cũng được” nên giới thiệu với tôi. Những lúc như thế, tôi hay nói lại với họ: “Anh hãy tới công ty đó khoảng ba lần đi. Hãy xác thực công ty đó là công ty như thế nào, đừng chỉ xem qua giấy tờ. Sau đó, nếu anh thấy công ty đó đáng để đầu tư thì tôi sẽ đầu tư.”
Trong số nhiều người đến tìm tôi như thế thì hầu như không có ai quay trở lại kêu tôi đầu tư nữa. Khó có thể nói đây không chỉ là vấn đề của các nhân viên công ty chứng khoán. Nếu đã làm việc trong công ty chứng khoán thì không có thời gian để thăm doanh nghiệp và trao đổi với doanh nghiệp trong thời gian dài. Một phần cũng do cơ cấu lợi nhuận của các công ty chứng khoán Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào hoa hồng giao dịch. Còn với nhà đầu tư thì tôi nghĩ rằng nếu đã quyết định đầu tư thì việc trao đổi với doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Giống như người nông dân đi thăm đồng lúa và giao hòa với lúa của họ mỗi ngày, nhà nông chứng khoán cũng phải duy trì việc trao đổi với doanh nghiệp mình đã đầu tư. Nếu hiểu biết sâu sắc về doanh nghiệp thì mới có thể dành thời gian để chờ đợi, còn không thì khó lòng mà chờ đợi được.
Như câu chuyện của công ty Dược Boryung mà tôi đã trình bày ở phần trước, họ đã không tạo ra được lợi nhuận trong một thời gian dài, vì thế nên giá cổ phiếu cũng không tăng nhưng vì tôi thông hiểu được họ nên tôi đã chờ.
Có khi cũng có trường hợp ngược lại. Năm 2004, tôi có đầu tư vào công ty H sản xuất thiết bị CCTV. Tỷ lệ tội phạm ở Hàn Quốc ngày càng gia tăng nên nhu cầu lắp CCTV theo dõi để đảm bảo an toàn ngày càng lớn. Ở những nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu thì nơi nào cũng có lắp CCTV. Tôi dự đoán ở Hàn Quốc, nhu cầu lắp đặt thiết bị này cũng sẽ gia tăng nên tôi tìm những công ty CCTV để đầu tư. Và tôi thấy công ty H có mô hình kinh doanh cũng ổn. Quy mô xuất khẩu sang châu Âu hàng năm khoảng 130 tỷ won nên tôi nghĩ họ có trình độ kỹ thuật cao và khả năng kinh doanh tốt. Cơ cấu tài chính cũng tốt. Vì vậy, tôi đã đầu tư với một kỳ vọng lớn nhưng sau khi chờ được khoảng hai năm thì tôi đã bán tháo hết cổ phiếu đã đầu tư. Trong thời gian đó, công ty cũng không có chút khủng hoảng nào do sản lượng xuất khẩu sang châu Âu bị sụt giảm hay nhà máy bị cháy gì cả. Thực ra dù có những việc như thế này đi chăng nữa mà nếu ứng phó tốt thì có thể khắc phục dễ dàng nên đó không phải là vấn đề lớn. Vấn đề lớn nhất đối với tôi là tôi đã không có sự trao đổi và thấu hiểu công ty.
Tôi đã đến thăm công ty hai, ba lần gì đấy và chỉ có thể được nói chuyện với cấp trưởng phòng và chuyên viên. Việc gặp và trao đổi với những người đang làm việc tại hiện trường cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là phải gặp và trao đổi với những nhà lãnh đạo, người lèo lái con thuyền của công ty. Tôi cũng muốn gặp để trao đổi về tầm nhìn, chiến lược dài hạn của công ty nhưng ban lãnh đạo đã không cho tôi cơ hội để gặp. Tôi nghĩ rằng sẽ gặp được tại đại hội cổ đông nhưng khi tôi đến đó thì họ nhanh chóng nói vài điều rồi kéo nhau đi cả. Không biết họ có mắc phải chứng “sợ người” hay không mà nhất định không cho gặp. Khi tôi đến thăm nhà máy thì họ bảo là do vấn đề bảo an và không cho vào. Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn vì cấp lãnh đạo thì không muốn gặp cổ đông, nhà máy thì đang vận hành có vẻ mập mờ, cơ cấu tài chính không minh bạch. Tôi không thể tin tưởng vào công ty này. Và tôi đã bán hết cổ phiếu của công ty. Thực sự đó là một phán đoán rất đúng đắn của tôi. Giá cổ phiếu của công ty đó bây giờ vẫn đứng tại chỗ. Ngày tháng trôi qua nhưng công ty đó vẫn không phát triển.
Con người thay đổi và doanh nghiệp cũng đổi thay. Có nhiều khi tôi gặp lại những đứa bạn ngày xưa học rất tệ và kém cỏi nhưng giờ đã trở thành doanh nhân thành công. Ngược lại, tôi lại gặp những đứa bạn ngày xưa học rất giỏi, rất thông minh nhưng giờ thì trở thành kẻ chán đời. Nhưng nếu tôi dành nhiều thời gian duy trì mối quan hệ với các bạn đó thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vì tôi chứng kiến quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của người bạn học tệ ngày xưa và quá trình ăn chơi lãng phí thời gian của người bạn thông minh ngày ấy. Giống như cầu thủ thấp bé Park Ji Seong vào được câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của châu Âu là điều đáng ngạc nhiên đối với chúng ta nhưng lại là một việc “đương nhiên” đối với những người quan sát và theo dõi cầu thủ ấy.
Dù bạn đầu tư với số lượng cổ phiếu nhỏ cũng không cần phải e ngại gì cả. Mỗi người dân nắm giữ một cổ phiếu đi chăng nữa cũng là chủ nhân của doanh nghiệp. Nếu là công ty đàng hoàng, nhà lãnh đạo đàng hoàng thì phải có lòng biết ơn đối với những cổ đông liên tục quan tâm đến công ty. Nếu doanh nghiệp sẵn lòng với điều đó thì chắc chắn họ sẽ tạo ra được lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư.
NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 5: HÃY XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN GIÁ TRỊ CỦA RIÊNG MÌNH
Đại đa số đàn ông không thể hiểu được những phụ nữ thích túi xách hàng hiệu. Đối với đàn ông thì túi nào cũng chỉ là túi mà thôi. Nếu đem một cái túi hàng hiệu trị giá hơn 1 triệu won đấu giá tại một nơi chỉ có đàn ông thì chắc giá bán chỉ được bằng 1/10 giá gốc.
Lý do có hiện tượng như thế này là do tiêu chuẩn giá trị của mỗi người khác nhau mà thôi. Đối với người khỏe thì ăn sâm núi sẽ tốt nhưng không ăn thì cũng chẳng sao. Nhưng đối với người đang bị một căn bệnh hiểm nghèo, nếu bạn nói nó có hiệu quả đặc trị cao thì giá trị của sâm không thể đổi được bằng tiền. Điều đó cho thấy, dù cùng là một đồ vật nhưng tùy vào mỗi người mà giá trị được đánh giá có thể khác nhau.
Trong đầu tư cổ phiếu cũng thế. Thường thì người ta sẽ nói “cổ phiếu là cái nên mua lúc rẻ và đợi giá lên cao thì bán” nhưng điều này không dễ dàng. Giá cổ phiếu rẻ không có nghĩa là giá cổ phiếu của ngân hàng Kookmin 50.000 won thì rẻ hơn giá của công ty Điện tử Samsung 800.000 won. Nếu giá cổ phiếu được đánh giá cao hơn giá trị của doanh nghiệp thì đó là cổ phiếu đắt, còn ngược lại thì xem là giá rẻ. Thực tế là không có một công thức nào để tính chính xác giá cổ phiếu đắt hay rẻ.
Dĩ nhiên có những tiêu chuẩn phổ biến để đánh giá giá cổ phiếu đắt hay rẻ. Tiêu chuẩn cơ bản đó là hệ số P/E. Hệ số PER bằng giá thị trường chia cho lợi nhuận của một cổ phiếu. Ví dụ, giá thị trường của một cổ phiếu hiện tại là 40.000 won và lợi nhuận trên một cổ phiếu là 4.000 won thì tỉ lệ PER là 10. Chỉ số này càng thấp thì có thể giải thích là đang có tín hiệu tích cực.
Thông thường khi hệ số PER là 10 thì có thể nói rằng đó là giá phù hợp, nếu thấp hơn đó thì được xem là đánh giá thấp. Mỗi ngành nghề sẽ có một hệ số PER bình quân nên 10 không thể nói là tiêu chuẩn tuyệt đối được.
Ngoài ra, có thể lấy một ví dụ khác về tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu (Book Value Per Share - BPS) là giá trị được chia tài sản ròng của doanh nghiệp trên số cổ phiếu. Đầu tư cổ phiếu thì tiền vốn không được đảm bảo. Trong trường hợp xấu nhất thì công ty có thể phá sản. Lúc này, trong trường giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu thấp hơn giá cổ phiếu thì không thể lấy lại vốn được. Vì thế, giá trị tài sản ròng trên cổ phiếu còn được xem là giá trị thanh khoản. Ngoài ra còn có nhiều chỉ số khác.
Nếu chỉ đánh giá giá trị của cổ phiếu dựa trên những chỉ số được thể hiện bằng con số thì đầu tư cổ phiếu là một trong những phương tiện tài chính rất dễ dàng. Tuy nhiên như bạn đã biết, tiêu chuẩn đánh giá giá trị của cổ phiếu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như mô hình kinh doanh, năng lực và tính đạo đức của người lãnh đạo công ty, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai, văn hóa doanh nghiệp, năng lực của nhân viên, sức cạnh tranh so với những công ty khác, ý chí và khả năng chi trả cổ tức... còn nhiều lắm nếu liệt kê kỹ thì không có điểm dừng.
Lấy một ví dụ khác, đó là có một công ty điều hành bến xe container được thành lập hơn 30 năm. Giá trị tài sản đất của công ty này năm 2007 có quy mô là 82 tỷ won nhưng đột nhiên đã tăng lên rất nhiều. Để làm bến xe container thì cần đất thật rộng. Nhưng năm 2008 khi đánh giá lại tài sản thì giá trị đất tăng lên 501,2 tỷ won. Chỉ trong thời gian ngắn, tài sản ròng của đất đã tăng lên 419,2 tỷ won. Lúc này, giá trị tài sản ròng trên cổ phiếu tăng cao nên có thể nói đây là công ty tốt để đầu tư. Nhưng phán đoán đó vẫn còn sớm.
Phải xem doanh thu của công ty này. Năm 2007 chỉ tăng từ 23,1 tỷ won lên 27,7 tỷ won và dừng lại. Lợi ích kinh doanh từ 1,3 tỷ won lên 1,7 tỷ won, lợi nhuận ròng chỉ tăng từ 150 triệu won lên 220 triệu won. Điều này có nghĩa là chỉ có giá đất tăng nhưng sự tăng trưởng thực chất thì không có bao nhiêu.
Giá trị tài sản của doanh nghiệp quan trọng. Một công ty có lịch sử mấy mươi năm cứ tăng một số lợi nhuận hàng năm và từ việc tích lũy đó có tài sản ngày càng nhiều thì có thể nói đó là tín hiệu rất tích cực. Nếu trong 10 năm qua mà tỉ lệ tăng trưởng là 5% thì sau đó khả năng tăng trưởng cũng chỉ ở mức đó.
Tuy nhiên, điều này không thể trở thành giá trị tuyệt đối đánh giá giá trị của cổ phiếu. Nếu đó là ngành nghề đang bị lỗi thời hoặc đổi nhà lãnh đạo từ người cha tài ba sang người con chưa có kinh nghiệm thì câu chuyện sẽ khác. Nếu Steve Jobs đến làm CEO cho một doanh nghiệp kỹ thuật số thì giá trị doanh nghiệp đó có cao lên không. Hay là một người đã có kinh nghiệm dẫn dắt một doanh nghiệp vững mạnh về làm nhà điều hành cho doanh nghiệp đó thì thế nào. Để đánh giá giá trị của doanh nghiệp, cần phải tìm hiểu tất cả những yếu tố trong và ngoài doanh nghiệp, do đó có thể nói đầu tư chứng khoán là một nghệ thuật tổng hợp thông tin.
Nói thế nhưng không thể nói một cách nhẹ nhàng rằng: “Giá trị của cổ phiếu là giá trị chủ quan của từng người”. Trước khi nói chủ quan thì phải tìm hiểu về những sự thật mang tính khách quan. Ví dụ, hiện tại có một cổ phiếu giá 10.000 won nhưng một năm trước giá là 30.000 won. Vậy thì cổ phiếu đó có rẻ không? Trước hết chúng ta phải biết một năm trước và sau đó đã có chuyện gì xảy ra.
Do nhiều lời đồn đại rằng có một công ty nào đó nghiên cứu phát triển ra công nghệ mới nên tăng trưởng rất nhanh nhưng sau đó có thể rớt xuống. Nếu lời đồn đại đó là thất thiệt thì giá 10.000 won một cổ phiếu cũng chính đáng nhưng nếu doanh nghiệp đã nghiên cứu ra công nghệ nhưng còn đang cần thời gian tại công đoạn sản phẩm hóa và trong nội bộ của doanh nghiệp đang nỗ lực để giải quyết điều này thì giá 10.000 won có thể là rẻ.
Trước khi đầu tư một doanh nghiệp nào đó, bạn cần phải biết một cách chi tiết lịch sử của công ty trong 10 năm qua. Bạn cần phải biết rõ những điều cơ bản như giá trị tài sản, giá trị lợi nhuận, phân chia cổ tức, tư cách nhà lãnh đạo, nhân viên, văn hóa doanh nghiệp, triển vọng của ngành nghề.
Sau khi tìm hiểu kỹ về những yếu tố này thì bạn mới có thể xây dựng cho mình một tiêu chuẩn giá trị chủ quan. Giá trị tài sản có thể giảm nhưng năng lực của nhà lãnh đạo rất tốt và bạn xem điều đó là quan trọng thì có thể đánh giá giá trị cao. Tỷ lệ phân chia cổ tức cao nhưng cơ cấu tài chính không ổn định, và bạn xem điều đó là quan trọng thì đánh giá giá trị thấp. Không thể nói cái nào là đúng, cái nào là sai. Tự thân mỗi người sẽ đánh giá tùy vào tiêu chuẩn giá trị mà mình có và đầu tư.
Trường hợp của tôi thì tôi luôn đặt nặng vào tăng trưởng an toàn hơn các yếu tố khác. Nên tôi chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tăng trưởng bền vững, tỷ lệ chia cổ tức theo thời giá ít nhất là 3~4%, người lãnh đạo có tư duy gợi mở và tôn trọng cổ đông, dù cổ đông đó sở hữu ít hay nhiều cổ phiếu.
NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 6: HÃY TẬP CÓ CÁI NHÌN SÂU SẮC VÀO THỊ TRƯỜNG SAU KHỦNG HOẢNG
Nếu không có bài học của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 thì tôi cũng không biết được mình sẽ phải ra quyết định như thế nào lúc cuộc đánh bom ngày 11 tháng 9 ở Mỹ diễn ra. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc nói riêng, cả thị trường chứng khoán thế giới nói chung đã rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nhiều người thi nhau bình luận rằng nước Mỹ đã đến hồi diệt vong, “chiến tranh màu xám”... đã làm cho chỉ số KOSPI sụt giảm 20% trong một thời gian ngắn.
Nhờ có bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 mà tôi tin chắc rằng dù cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 dù có lớn nhưng chắc chắn sẽ được khắc phục. Hơn nữa, khác với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đây là một cuộc khủng hoảng không phải do yếu tố kinh tế. Và tôi đã mua lại cổ phiếu của những công ty ít người quan tâm như công ty Dược Boryung, công ty Phát triển Goryo, công ty Xây dựng KCC và chờ đợi. Sau sáu tháng, thị trường chứng khoán hồi phục trở lại và những cổ phiếu tôi mua đã tăng cao hơn trước cuộc khủng bố. Tôi đã biến khủng hoảng thành cơ hội.
Chúng ta biết rõ có ba sự thật bất biến. Thứ nhất, khủng hoảng luôn hiện hữu. Trong khủng hoảng luôn có cơ hội. Khủng hoảng rồi cũng sẽ qua đi. Dù thế nhưng khi khủng hoảng xảy ra, có nhiều người đứng ngồi không yên vì không bán được cổ phiếu. Nói cho dễ hiểu là: “Chẳng có gì cả, hãy tận hưởng khủng hoảng đi”.
Trước hết, chúng ta hãy nhớ về các cuộc khủng hoảng mà chúng ta biết nhé. Cuối năm 1920, Mỹ đã rơi vào tình trạng đại khủng hoảng. Lúc đó, Hàn Quốc còn là nước bị thực dân đô hộ. Năm 1939, khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai thì cả thế giới có khoảng 60 triệu người chết, Nhật bị đánh bom. Đầu những năm 1950, chiến tranh Hàn Quốc nổ ra. Những năm 1970 và 1980 đã có hai lần xảy ra khủng hoảng dầu mỏ. Giá chứng khoán sụt giảm thảm hại. Sau đó đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, rồi đến cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và giờ thì thế nào? Mọi thứ đã được khắc phục hoặc đang trên quá trình khắc phục. Dù có những cuộc khủng hoảng tồi tệ và khủng khiếp đến thế nào đi nữa nhưng cuối cùng cũng được khắc phục. Đó là lịch sử của nhân loại cho đến ngày nay. Dù có chút rối loạn nhưng nhìn chung kinh tế thế giới vẫn đang vẽ đường đi lên.
Thực tế đã rõ ràng sao khủng hoảng xảy ra, người ta lại rối tung rối mù lên thế nhỉ? Nếu dùng một ví dụ ẩn dụ thì có thể thấy do chúng ta đứng sát với tường quá nên không thấy được những thứ khác. Khi bạn đứng cách bức tường 1cm và mở to mắt ra thì cũng chẳng thấy gì ngoài bức tường đúng không? Nhưng khi bạn lùi 1 bước, rồi 2 bước, 3 bước thì bạn sẽ thấy hóa ra bức tường chỉ cao có tí thôi.
Nếu đứng quá gần thì ta thấy bức tường quá cao và không thể vượt qua được nhưng nếu lùi ra xa thì thấy nó chỉ còn chút xíu mà thôi. Và tôi nghĩ rằng những cuộc khủng hoảng xảy ra chỉ như những bức tường. Nếu chúng ta giữ một khoảng cách nhất định thì có thể vượt qua được khủng hoảng. Nhưng vì chúng ta bị tâm lý chi phối nên không thấy được thế giới rộng lớn ngoài kia.
Những người có trải nghiệm vượt qua được khủng hoảng một vài lần, họ sẽ có thêm sức mạnh để “tận hưởng khủng hoảng”. Những người này luôn biết rằng trong khủng hoảng có cơ hội và khủng hoảng rồi chắc chắn sẽ qua đi. Những người có cái nhìn xa trông rộng biết biến khủng hoảng thành cơ hội trong khi những người khác đang bàng hoàng vì khủng hoảng. Vì thế, nếu muốn “tận hưởng khủng hoảng” thì cần phải có cái nhìn sâu sắc có thể nhận thức được rằng khủng hoảng chỉ là một quá trình trong sự phát triển của lịch sử mà thôi.
Cái nhìn sâu sắc này không phải chỉ được hình thành từ những kiến thức kinh tế. Cần phải có nhiều kinh nghiệm và đọc sách trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên đi du lịch để biết nhìn một cách khách quan nơi chúng ta đang đứng cũng như có được thế giới quan rộng lớn. Chỉ có thế thì ta mới có được khả năng quan sát tổng thể để đánh giá xem khủng hoảng đang đến hay khủng hoảng đang đi. Đây chính là điều mà việc học về chứng khoán và việc học về cuộc đời thông với nhau.
Để biến khủng hoảng thành cơ hội cần phải có một phẩm hạnh khác nữa đó chính là khả năng quyết đoán. Khi khủng hoảng tới, người ta bán đổ bán tháo cổ phiếu với giá hời thì phải biết cách mua vào. Nếu cứ lưỡng lự không biết có nên mua hay không thì rất dễ bỏ qua thời gian vàng để nắm bắt cơ hội.
Nói như thế không có nghĩa là mua đại tất cả những cổ phiếu tuột giá. Khủng hoảng thì chắc chắn sẽ qua đi nhưng luôn để lại những vết thương. Những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt, thiếu năng lực ứng phó thì dễ dàng sụp đổ trong khủng hoảng. Do đó, chúng ta không thể mua cổ phiếu của những doanh nghiệp tuột giá nhưng cũng không biết khi nào sụp đổ. Những doanh nghiệp số một thường trở nên tỏa sáng trong khủng hoảng và dĩ nhiên sẽ tỏa sáng hơn sau khủng hoảng. Vì một số những doanh nghiệp nhỏ và yếu bị giành thị phần thị trường, bị loại ra khỏi thị trường nên sức chi phối của các doanh nghiệp số một càng trở nên mạnh hơn.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn cầu xuất phát từ Mỹ năm 2008 đã làm cho thị trường chứng khoán cả thế giới bị chao đảo. Mỗi ngày tuột dốc khoảng 100 điểm và làm cho nhiều nhà đầu tư rất lo sợ. Dù đã dự đoán được phần nào nhưng tôi không thể tránh khỏi mối nguy hiểm đó. Lúc đó, tôi chủ yếu đầu tư vào những cổ phiếu công ty chứng khoán nhưng khi khủng hoảng tài chính thì những công ty chứng khoán và tiền tệ chịu ảnh hưởng lớn. Sau khi khủng hoảng qua đi thì cổ phiếu của những doanh nghiệp số một được dự đoán sẽ tăng mạnh. Tôi quyết định mua lại một phần cổ phiếu của các công ty chứng khoán và cổ phiếu của những doanh nghiệp số một ở các lĩnh vực khác.
Trong giai đoạn khủng hoảng thì những cổ đông lớn gặp khó khăn về nguồn vốn nên họ đã bán ra rất nhiều. Giá cổ phiếu của một doanh nghiệp lớn đã giảm từ 25.000 won xuống còn 13.000 won nên tôi đã mua nó và tăng tỉ lệ góp vốn của mình lên 16%.
Những doanh nghiệp mà tôi chọn mua với số lượng lớn là những doanh nghiệp số một trong các lĩnh vực mà tôi đã có sự trao đổi với họ trong thời gian dài. Ví dụ, tôi đã mua cổ phiếu của công ty Ô tô Hyundai với giá 40.000 won, cổ phiếu của công ty hàng đầu về xe đạp với giá 3.000~4.000 won, công ty hạt giống sinh học với giá 3.000 won. Ngoài ra, tôi còn mua cổ phiếu của doanh nghiệp an ninh mạng, tivi kinh tế Hàn Quốc... với giá hời.
Và cuối cùng tôi đã đạt được thành công. Ba năm sau đó, giá cổ phiếu của các công ty tôi mua đã tăng gấp ba, bốn lần. Tại thời điểm đó, ai cũng bảo là khủng hoảng nhưng giờ nhìn lại thấy đó là cơ hội lớn. Tôi hay bảo rằng chúng ta đang sống trong cùng một cộng đồng. Cuộc sống của chúng ta sẽ luôn có ít nhiều những cuộc khủng hoảng lớn và nhỏ nhưng rồi mọi thứ sẽ đâu lại vào đấy. Mỗi khi có khủng hoảng, tôi luôn vững lòng tin rằng khủng hoảng chắc chắn sẽ được khắc phục và tôi mạnh dạn đầu tư vào những doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng.
Trong khi 90% nói rằng “nguy hiểm lắm”, “không được đâu” nhưng sự can đảm để có thể mua với số lượng cổ phiếu lớn nằm ở lòng tin. Tuy nhiên, nếu chỉ mua một cách ngẫu hứng thì sẽ dễ bị rơi rụng như lá mùa thu.
Với những doanh nghiệp mà bình thường bạn tìm hiểu và quan sát họ, những doanh nghiệp luôn tự tin nói rằng họ đã sẵn sàng để khắc phục khủng hoảng thì luôn có con đường để biến khủng hoảng thành cơ hội. Với những doanh nghiệp yếu đuối thì khủng hoảng chỉ là khủng hoảng chứ không thể trở thành cơ hội được.
NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 7: HÃY CHO TRỨNG VÀO MỘT CÁI GIỎ AN TOÀN
Người ta thường nói: “Đừng cho trứng vào một cái giỏ”. Lý thuyết về danh mục đầu tư bảo rằng hãy đầu tư phân tán để giảm bớt rủi ro. Điều này trở thành một lý thuyết chính thống nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Nếu chọn một danh mục tiêu biểu nào đó trong nhiều ngành nghề để đầu tư thì rủi ro của những doanh nghiệp riêng lẻ, ngành nghề riêng lẻ có thể bù đắp cho nhau. Nhưng không thể ứng phó được với sự rủi ro của toàn bộ thị trường.
Như tôi đã nói nhiều lần rằng chỉ số KOSPI không thể dự đoán được. Việc mà bạn kỳ vọng một cách thụ động rằng chỉ số KOSPI sẽ liên tục lên và tập trung vào đầu tư phân tán dựa vào lý thuyết thì không phải là một phương pháp thông minh. Tôi cũng đã nói nhiều lần rằng chúng ta không phải nhìn vào chỉ số KOSPI mà phải nhìn vào doanh nghiệp, dự đoán sự gia tăng của giá trị doanh nghiệp mà đầu tư.
Chúng ta hãy quay lại lý thuyết về danh mục đầu tư. Giỏ trứng có thể là từng doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của lý thuyết này là dù một cái giỏ bị bể thì cũng còn giỏ khác nên để cho an toàn thì phải đầu tư phân tán ra nhiều giỏ. Điều quan trọng là bạn đã có nhiều giỏ trứng nhưng trong số đó, bạn không biết rõ về giỏ nào cả. Dù là doanh nghiệp đó được đánh giá là doanh nghiệp số một nhưng nếu bạn không hiểu rõ về nó thì bạn không thể chờ được. Mà có chờ đi chăng nữa thì cũng chờ trong đau khổ. Bạn mang nhiều cái giỏ đi nhưng trong số đó bạn cảm thấy bất an vì không biết có cái giỏ nào bị thủng lỗ thì không thể trở thành nhà đầu tư hạnh phúc được. Biết đâu đang cầm mấy giỏ trứng đi mà do bạn lúng ta lúng túng nên làm rớt xuống đất và có thể bể hết nữa.
Đối với tôi, tôi thích một hoặc hai giỏ chắc chắn hơn là mười giỏ mà tôi chẳng biết gì về chúng. Ít để dễ mang đi và dễ quản lý. Thỉnh thoảng có thể kiểm tra được vấn đề của nó. Tôi có khoảng 30 giỏ. Đọc tới đây, bạn có thể than phiền rằng: “Tại sao ông khuyên độc giả sở hữu một hai giỏ thôi mà giờ ông nói ông có 30 giỏ như vậy, trước sau có mâu thuẫn không?”. Nhưng bạn hãy nhớ tôi là nhà đầu tư toàn thời gian. Ngoài tôi ra còn có nhân viên nữa. Và quy mô tài sản rất lớn. Đây không phải là do tôi muốn đầu tư phân tán nên chia ra nhiều như thế mà là do quy mô tài sản lớn nên số giỏ của tôi tự nhiên nhiều lên. Trong quá khứ, tôi cũng không đầu tư nhiều danh mục như vậy.
Theo tôi thấy nếu nguồn vốn được khoảng 100 triệu won thì nên đầu tư hai hoặc ba danh mục, nếu vốn là 20~30 triệu won thì đầu tư một hoặc hai danh mục. Phải như thế thì tỷ lệ lợi nhuận mới không bị phân tán và có thể tập trung được. Nếu bạn đồng cảm với lập trường của tôi từ đầu đến giờ rằng đầu tư phải đồng hành cùng doanh nghiệp, phải thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp, đầu tư với tâm tình của một nhà nông và ủy thác kinh doanh... thì tôi tin rằng bạn dễ dàng chấp nhận được. Nếu bạn vừa làm một việc khác và vừa đầu tư thì thực tế sẽ rất khó có thể trao đổi với nhiều doanh nghiệp được. Và cuối cùng thì bạn không thể có được kết quả mỹ mãn cho cả hai công việc. Điều đó giống như cầm giỏ đi và bị té ngã.
Khi bạn đầu tư một hoặc hai danh mục thì bạn học và tìm hiểu dự bị thêm ba hay bốn doanh nghiệp nữa. Khi bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, bạn có thể phát hiện ra những vấn đề mà bạn chưa từng thấy trước đó. Và khi chuyển hướng sang tìm hiểu doanh nghiệp khác thì sẽ mất thời gian. Do đó, bạn phải chuẩn bị sẵn trước thì mới có thể nắm bắt được cơ hội.
Ngạn ngữ có câu “Bánh của người khác luôn trông to hơn của mình”, vì thế, trong lúc bạn tìm hiểu về doanh nghiệp, bạn rất dễ bị cám dỗ rằng phải liên tục đầu tư lướt sóng trong thời gian ngắn thì mới tạo ra được nhiều lợi nhuận. Giống như việc bạn đi bắt thỏ trong rừng nếu cứ lo chạy theo con này, con kia thì cuối cùng không bắt được con thỏ nào cả. Bạn hãy tiết chế tâm mình để trở thành nhà đầu tư thông thái.
Sau khi nhận được lợi ích từ việc đầu tư thì bạn cần phải tích lũy để phát triển tài sản. Tôi thấy có nhiều người kiếm được tiền rồi bị mất trong thời gian ngắn. Do đó, khi bạn kiếm được lời thì để dành phần đó đầu tư vào doanh nghiệp có tỉ lệ phân chia cổ tức theo thời gian ổn định ở mức 3~4%. Và bạn có thể dùng một ít vốn ban đầu để tăng cường đầu tư mạnh vào một lĩnh vực mà bạn am tường. Việc bạn lên kế hoạch điều hành nguồn vốn theo hình dạng bậc thang như thế sẽ rất tốt.
Có nhiều trường hợp cố tình vẽ đường tăng trưởng trong kế hoạch tài chính đi lên nhưng do trật hướng nên đường tăng trưởng đó lại đổi hướng đi xuống. Như vậy, bạn có thể mất số tiền hàng trăm triệu won trong một sớm một chiều nhưng để tích góp lại số tiền đó sẽ mất rất nhiều thời gian.
Chỉ cần có một người bạn hiểu mình vẫn tốt hơn là có 10 người bạn chỉ quen xã giao. Chỉ cần bạn đầu tư vào một doanh nghiệp mà bạn biết rõ vẫn hơn là 10 doanh nghiệp mà bạn không biết gì về nó cả. Việc bạn đầu tư phân tán một cách mơ hồ chỉ để giảm bớt rủi ro là một phương thức đầu tư thụ động. Chúng ta đầu tư, nghĩa là chúng ta là chủ doanh nghiệp, do đó chúng ta phải chủ động và tích cực.
Bạn nghĩ là “sẽ an toàn thôi” và đầu tư nhưng cũng chưa chắc an toàn, đó chính là thị trường chứng khoán. Dù bạn đầu tư phân tán đi chăng nữa thì bạn cũng phải quan tâm đủ nhiều, phải tập trung đủ sâu và ở trong phạm vi mà bạn có thể đối thoại và kiểm soát được.
NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ 8: HÃY THỰC HÀNH LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI GIÀU VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
Năm 2003, một thiếu nữ 16 tuổi người Anh đã trúng giải lô tô. Không đầy sáu tháng sau, cô bé ấy đã trắng tay trở lại. Vì sau khi trúng số, cô bé đã tổ chức tiệc tùng và vui chơi một lần gần cả 100 ngàn đô. Trong thời gian đó, cô bé còn nhiều lần định tự tử nữa.
Có lẽ có nhiều độc giả sẽ nhớ bài báo này. Và năm năm sau, cũng ở Anh, một phụ nữ đơn thân nuôi con cũng trúng giải lô tô. Sau khi vừa trúng giải, cô ấy đã trực tiếp lên đường sang Ethiopia để giúp những đứa trẻ đang bị đói. Đây là việc làm mà cô ấy quan tâm và mong muốn làm từ trước đó. Cô ấy cũng đóng góp vào trung tâm cứu hộ. Cô bày tỏ: “Lô tô đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Và giờ tôi muốn dùng tiền đó để thay đổi cuộc sống của người khác.”
Lý do đang nói chuyện cổ phiếu tự nhiên tôi chuyển sang kể chuyện trúng lô tô là vì tôi muốn nói về tâm điềm tĩnh. Đầu tư chứng khoán là kinh doanh và trong kinh doanh thì người kinh doanh phải duy trì tâm điềm tĩnh. Người kinh doanh bất an quá độ hay tự tin quá mức thì cũng không thể thành công được.
Trong hai người trúng lô tô trên thì một người khi mới cầm trong tay một số tiền lớn đã đánh mất đi tâm điềm tĩnh. Ngược lại, người mang tiền của mình đi giúp đỡ người khác thì vẫn duy trì sự giàu có và sống một đời sống bình an. Một người thì nghĩ rằng sự may mắn ấy chính là của mình còn người còn lại thì nghĩ cần phải sẻ chia sự may mắn ấy cho người khác. Sự khác biệt của suy nghĩ này đã thay đổi cuộc đời của họ.
Con người luôn yếu mềm trước tham dục. Đôi khi có người vẫn vững lòng trước một số tiền hàng trăm triệu won nhưng tôi nghĩ đó là trường hợp rất đặc biệt. Đa số con người khó duy trì tâm điềm tĩnh trước tiền bạc.
Tôi cũng không ngoại lệ.
Nếu bị mờ mắt vì tiền thì không còn nhìn thấy gì khác nữa. Con người ta dễ quên đi mục tiêu cuộc đời là hạnh phúc, tiền chỉ là một trong số những phương tiện thôi. Có người sau khi kiếm được nhiều tiền từ cổ phiếu thì đánh mất khả năng phân biệt đúng sai và cả tâm điềm tĩnh nữa.
Vì vậy, tôi luôn nhấn mạnh trách nhiệm xã hội khi trở nên giàu có. Đối tượng đầu tiên mà tôi nhấn mạnh đó chính là bản thân tôi. Tôi luôn biết ơn hệ thống xã hội đã giúp tôi không cần phải vất vả điều hành doanh nghiệp mà chỉ cần “trả một ít tiền hoa hồng và thuế giao dịch thôi” đã có thể trở thành chủ doanh nghiệp và được chia sẻ lợi nhuận. Nếu không có hệ thống xã hội như vậy thì ngày nay tôi không thể tận hưởng được sự đủ đầy về kinh tế. Và trách nhiệm xã hội cơ bản nhất mà tôi hướng đến đó là liên tục đầu tư chứng khoán.
Dù nền kinh tế tốt hay xấu, tôi vẫn muốn rót vốn vào cho doanh nghiệp cần tiền và cùng chia sẻ lợi nhuận phát sinh từ đó. Tôi đầu tư vốn vào giúp doanh nghiệp tăng trưởng và một cách tự nhiên thì việc làm cũng sẽ được gia tăng. Sự tuần hoàn này phải liên tục thì kinh tế mới sống còn được.
Chúng ta làm việc tại doanh nghiệp và sử dụng hàng hóa làm ra trong các doanh nghiệp để phục vụ cho sinh hoạt. Do đó có thể nói doanh nghiệp chính là cuộc sống của chúng ta. Tôi đang đầu tư chứng khoán với suy nghĩ rằng việc đầu tư vào doanh nghiệp là nghĩa vụ của tôi. Đối với tôi việc đầu tư cổ phiếu là hoạt động tạo ra lợi nhuận cho bản thân, đồng thời giúp cho doanh nghiệp.
Lần đầu tiên trong đời tôi đầu tư vào nơi không phải là doanh nghiệp, đó là đầu tư vào “Đoàn kịch Seoul”. Đây là một đoàn kịch tiếng Anh do các em sinh viên thành lập. Đoàn kịch này biểu diễn nhiều tác phẩm từ câu chuyện của anh chàng Hong Gil-dong, Simcheongjeon đến ước mơ đêm mùa hè và mỗi năm có hai tác phẩm tự sáng tác. Đoàn kịch mang câu chuyện tình lãng mạn của Hàn Quốc như là “Chun hyang jeo” đi biểu diễn ở Lễ hội Edinburgh Anh quốc, Lễ hội Văn hóa Nhi đồng Thế giới ở Ấn Độ và Lễ hội Fringe ở Canada.
Đây là một đoàn kịch đóng vai trò như một sứ giả mang văn hóa Hàn Quốc đi ra giới thiệu với bạn bè quốc tế. Dĩ nhiên, họ chưa có lợi nhuận, thậm chí nguồn vốn đang bị âm. Nếu suy nghĩ lạnh lùng, hay chỉ vì tiền thì không đầu tư vào đoàn kịch này là đúng. Nhưng khi nghĩ đến việc trong tương lai Hàn Quốc sẽ được nâng tầm và văn hóa Hàn Quốc sẽ ngày càng trở nên quan trọng thì tôi thấy sự đầu tư vào đoàn kịch là cần thiết. Dù không tạo ra được lợi nhuận nhưng lại rất có tiềm năng phát triển. Hiện tại thì rất khó nhưng khi thời gian trôi qua thì tôi tự tin rằng mình có thể hoàn vốn được.
Với cùng ý nghĩa đó, tôi cũng đang đầu tư cho công ty phân phối văn hóa “Mille 21”. Đây là một công ty tổ chức và tài trợ cho các lễ hội của trường đại học. Tôi đánh giá cao tính tiềm năng và ý nghĩa trong việc công ty xây dựng kế hoạch cho các sản phẩm liên quan đến chương trình biểu diễn.
Con người không phải là một thực thể có thể sống một mình được. Chúng ta đang liên kết với nhau. Nói một cách dễ hiểu là nhờ các đầu bếp mà tôi có thể ăn được những món ăn ngon mà tôi chưa thể tưởng tượng ra được trước đó. Và nhờ có những nhà khoa học và nhà phát minh mà chúng ta có thể nhấc điện thoại lên bất cứ lúc nào và nghe được giọng nói đang ở Mỹ, ở Singapore... Thỉnh thoảng, dù không nhiều nhưng việc đóng góp cho chỗ này, chỗ kia cũng vì tôi tin rằng chúng ta là một cộng đồng.
Trước khi xây nhà phải xây nền móng. Tòa nhà càng cao thì phải đào sâu xuống đất và xây móng cho thật vững. Chúng ta không sống dưới lòng đất nhưng nếu lòng đất không vững thì không thể xây nhà cao được.
Hành động đóng góp trách nhiệm xã hội thì tự thân nó không tạo ra lợi ích. Nhưng để xây cao ngôi nhà mang tên “nghề nông chứng khoán” thì cần phải xây dựng trách nhiệm xã hội, người giàu gắn với trách nhiệm xã hội một cách vững chắc. Phải như thế thì mới có thể xây được nhà không bị đung đưa. Nếu đầu tư cổ phiếu mà chỉ chạy theo đồng tiền thì giống như chúng ta xây nhà trên cát vậy. Nó sẽ liên tục bị nghiêng và cuối cùng sẽ bị đổ. Dù cho bạn nhạy bén và liên tục tạo ra được nhiều lợi nhuận nhưng cuộc sống như thế chưa chắc đã hạnh phúc, thành công. Chúng ta đã thấy đáp án ở phần trên rồi.
“Đầu tư cổ phiếu làm cuộc đời tôi thay đổi và được đủ đầy. Và giờ tôi muốn giúp thay đổi cuộc sống của những người khác.”