So với tất cả những nơi tôi từng đặt chân đến, thành phố Pripyat ở Ukraine hoàn toàn khác biệt. Nơi đây chìm trong bầu không khí tăm tối và tuyệt vọng.
Thoạt trông, Pripyat dường như là một thành phố kiểu mẫu, là nơi đáng sống với nhiều con phố lớn, khách sạn, quảng trường, bệnh viện, bưu điện trung tâm, nhà ga xe lửa và các công viên đầy ắp trò chơi giải trí. Thành phố cũng có nhiều trường học, hồ bơi, quán cà phê, quán bar, cửa hàng, siêu thị, tiệm làm tóc, phòng tập thể thao, nhà hàng ven sông, nhà hát, rạp chiếu phim, vũ trường và một sân bóng đá kết hợp đường chạy điền kinh. Pripyat sở hữu mọi tiện ích để mang lại một cuộc sống thoải mái, tiện nghi.
Bao quanh khu vực trung tâm văn hóa và thương mại thành phố là 160 tòa nhà chung cư. Các tòa nhà nằm ngay ngắn trong hệ thống đường sá được quy hoạch bài bản. Từng tòa nhà đều có khu giặt ủi và từng căn hộ đều có ban công riêng. Trên nóc mỗi tòa chung cư, tòa cao nhất có đến 20 tầng, là hình búa liềm bằng sắt khổng lồ – biểu tượng của các nhà sáng lập nên thành phố.
Thành phố Pripyat được Liên Xô xây dựng vào thập niên 70 – giai đoạn mà các công trình mọc lên ở khắp nơi. Theo thiết kế, Pripyat là ngôi nhà chung hoàn hảo cho gần 50.000 người; là thành phố hiện đại, lý tưởng dành cho các kỹ sư, nhà khoa học xuất sắc nhất của Khối phía Đông (hay Khối Xô Viết) cùng gia đình họ. Những thước phim cũ đã cho thấy khung cảnh những năm 80 ở đây, người dân tươi cười, đẩy xe nôi, hòa mình vào dòng người tấp nập trên các đại lộ rộng lớn, tham gia các lớp học múa ba lê, bơi lội trong hồ bơi đạt chuẩn Olympic hoặc chèo thuyền trên sông.
Thế nhưng, ngày nay, tại Pripyat, tuyệt nhiên không một ai sinh sống. Các bức tường đổ sụp, cửa sổ hư hỏng, lanh tô gãy đổ. Tôi phải cẩn thận dò dẫm từng bước khi đi thăm dò những tòa nhà vắng tanh và tăm tối. Trong tiệm làm tóc, những chiếc ghế nằm chỏng chơ giữa những tấm gương vỡ và mấy cái máy uốn tóc bám đầy bụi. Trong siêu thị, đèn huỳnh quang rơi ra, treo lủng lẳng. Tại tòa thị chính, sàn gỗ mục nát, các mảnh gỗ nằm rải rác khắp cầu thang bằng đá cẩm thạch. Trong các lớp học, trên sàn nhà là la liệt các quyển vở vẫn còn những dòng chữ Kirin nắn nót bằng mực xanh. Bể bơi thành phố khô cạn. Trong các căn hộ, ghế sofa nghiêng ngả, giường ngủ mục nát. Mọi thứ bất động. Thời gian đứng yên. Không gian lặng ngắt như tờ. Chỉ một cơn gió rít cũng khiến tôi giật mình.
Mỗi lần bước qua một khung cửa, sự vắng quạnh càng thêm ám ảnh tâm trí tôi. Thứ duy nhất hiện hữu nơi này là không gian đìu hiu, không một bóng người. Tôi từng khảo sát nhiều tàn tích, các thành phố cổ như Pompeii, Angkor Wat, Machu Picchu; nhưng chỉ mỗi Pripyat mang lại cảm giác này. Những vết tích còn sót lại cho thấy mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, điều này không khỏi khiến người ta nghi ngờ về lý do thực sự dẫn đến sự hoang phế của thành phố. Các công trình kiến trúc, sự tiện nghi, vật dụng bị vứt lại tạo nên cảm giác cư dân Pripyat bất chợt tan biến đi. Từ mấy chiếc bảng đã lâu không ai ngó ngàng, cho tới những cây thước loga bị vứt xó trong lớp khoa học, và cả cây đàn dương cầm cũ nát trong quán cà phê; mọi thứ tại Pripyat đều toát lên nỗi vô vọng. Thành phố hoang tàn này là minh chứng cho việc con người rất dễ dàng bị tước đi mọi tiện nghi, tài sản mà họ trân quý. Con người, những kẻ cô độc trên Trái Đất, nắm trong tay quyền năng đủ mạnh để xây dựng cũng như phá hủy thế giới.
Ngày 26 tháng 4 năm 1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Vladimir Ilyich Lenin (Chernobyl) phát nổ. Nguyên nhân vụ nổ xuất phát từ những kế hoạch tệ hại và sai lầm của con người. Thiết kế lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được cho là yếu kém và có khiếm khuyết, nhưng các nhân viên điều hành không hề phát hiện được những sai sót chết người đó. Thêm nữa, họ không hề tuân thủ các quy tắc an toàn; họ làm việc một cách bất cẩn. Giải thích một cách xác đáng, thì thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra chính bởi những sai lầm của con người.
Thảm họa Chernobyl phát ra lượng vật chất phóng xạ lớn gấp 400 lần so với tổng lượng phóng xạ từ hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Đám mây bụi phóng xạ khổng lồ theo gió lan rộng ra nhiều quốc gia châu Âu. Vật chất phóng xạ theo hạt mưa, bông tuyết rơi xuống ngấm vào lòng đất, sông suối, các mạch nước ngầm gây ô nhiễm phóng xạ. Sau cùng, chúng len lỏi vào chuỗi thức ăn, làm thức ăn nhiễm xạ. Theo ước tính, dù vẫn còn gây nhiều tranh cãi, số người chết do phóng xạ phát ra từ vụ nổ lên đến hàng trăm nghìn người. Vụ nổ Chernobyl được xem là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.
Buồn thay, nhận định trên chưa hoàn toàn chính xác. Từ những thập niên đầu thế kỉ XX, bi kịch thực sự của thời đại vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên hành tinh, nhưng hiếm ai để ý đến. Nó cũng bắt nguồn từ những kế hoạch tệ hại và sai lầm của con người. Thảm họa này không đột ngột rơi xuống như một tai nạn xui rủi, nó lặng lẽ bắt nguồn từ những hành động vô tâm và vô minh của con người. Thảm họa cũng không bùng phát như một vụ nổ, mà nó lầm lũi tiến triển trước khi có bất kỳ ai trong chúng ta kịp nhận ra có gì đó không ổn. Nguyên nhân dẫn tới tấn bi kịch sắp diễn ra không gì khác ngoài chuỗi hoạt động phức tạp, đa dạng của con người trên Trái Đất. Những ảnh hưởng tiêu cực của nó không thể bị phát hiện bởi chỉ một công cụ đơn lẻ. Thay vào đó, ta phải tiến hành đồng thời hàng trăm nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu mới có thể kiểm chứng được hiểm họa đang diễn ra. Không đơn giản chỉ gây ô nhiễm đất và nước – điều đang xảy ra tại một số quốc gia kém may mắn, sức hủy diệt của nó còn tồi tệ, khủng khiếp và vượt xa hơn thế. Hiểm họa này dẫn tới sự bất ổn và mang sức mạnh kéo sập mọi thứ mà nhân loại vẫn đang dựa vào.
Lao vào vòng xoáy suy thoái đa dạng sinh học chính là bi kịch thời đại mà hành tinh chúng ta đang phải đối mặt. Tính ổn định và đa dạng của các hệ sinh thái là điều kiện tiên quyết để sự sống trên Trái Đất được đảm bảo phát triển mạnh mẽ. Trái Đất chỉ vận hành trơn tru khi hàng tỷ tỷ cá thể sinh vật đơn lẻ trên hành tinh này tận dụng triệt để được mọi nguồn sống và cơ hội mà chúng có được, khi hàng triệu triệu loài hiện hữu cùng liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Đa dạng sinh học càng lớn, sự an toàn của mọi giống loài trên Trái Đất càng được đảm bảo, tất nhiên bao gồm cả loài người. Nhưng đáng buồn thay, lối sống con người hiện đại đang khiến đa dạng sinh học toàn cầu dần suy tàn.
Dù cho cả nhân loại phải chịu trách nhiệm cho những tác động xấu mà chúng ta gây ra, nhưng suy cho cùng lỗi cũng không hoàn toàn thuộc về chúng ta. Bởi lẽ chỉ trong vài thập kỷ gần đây, con người mới vỡ lẽ rằng thế giới mà mình sinh ra và lớn lên vốn dĩ đã tiềm ẩn sự bấp bênh. Nhưng một khi đã nhận thức được, chúng ta bắt buộc phải đưa ra sự lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên, chúng ta vẫn cứ vui vẻ tận hưởng cuộc sống, xây dựng gia đình đầm ấm, hối hả theo đuổi công danh sự nghiệp, bị cuốn vào guồng quay của đời sống hiện đại, đồng thời chấp nhận phớt lờ đi mối hiểm nguy chực chờ đổ ụp xuống đầu. Lựa chọn thứ hai, thay đổi!
Lựa chọn thứ hai rõ ràng là một quyết định không dễ dàng. Bởi lẽ, con người thường cố chấp giữ rịt những lề thói cũ hoặc thói quen trước giờ, đồng thời coi nhẹ hoặc né tránh những điều còn mập mờ, mới mẻ chưa có tiền lệ. Mỗi sớm bình minh trước khi thảm họa xảy đến, mỗi khi kéo rèm lên, mọi người dân Pripyat đều có thể nhìn thấy nhà máy điện hạt nhân khổng lồ gần ngay trước mắt. Cư dân thành phố hầu hết là những người làm việc tại Chernobyl, phần còn lại kiếm sống nhờ các nghề phụ trợ cho nhà máy. Chắc hẳn nhiều người trong số họ hiểu được mối nguy hiểm khi sống gần các lò phản ứng hạt nhân, nhưng liệu rằng có mấy đủ ai can đảm lựa chọn tắt chúng đi. Đơn giản vì Chernobyl mang lại cho họ một món quà quý giá – cuộc sống tiện nghi, phồn thịnh.
Tình cảnh chúng ta giờ đây chẳng khác gì người dân Pripyat khi xưa. Con người đang hưởng lạc trong thế giới đầy đủ tiện nghi bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đến tự nhiên. Những nỗ lực mang lại cuộc sống sung túc, tiện lợi đã đẩy thế giới tự nhiên vào tình thế ngặt nghèo, nguy hiểm. Hiển nhiên lối sống hưởng thụ này sẽ không thể tự thân dừng lại, cần có ai đó đưa ra những lập luận đủ sức thuyết phục để mọi người thay đổi hoặc đề xuất được các giải pháp thay thế đáng tin cậy. Đó là lý do vì sao tôi bắt tay vào viết cuốn sách này.
Thế giới tự nhiên đang dần mai một và héo tàn. Suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra rành rành ngay cạnh chúng ta. Tôi đã tận mắt chứng kiến và trải qua sự mất mát này trong suốt cuộc đời mình. Một khi sự đa dạng sinh học biến mất, nhân loại sẽ đi đến bờ diệt vong.
Song, chúng ta vẫn còn thời gian để tắt đi lò phản ứng và đưa ra lựa chọn thay thế tốt hơn.
Cuốn sách trên tay bạn sẽ kể một câu chuyện, câu chuyện nói về cách chúng ta tạo nên sai lầm lớn nhất lịch sử; và nếu thay đổi ngay bây giờ, ta vẫn kịp sửa sai.