Năm 1937
Dân số thế giới: 2,3 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 280 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 66%
Tôi viết những dòng này khi đã 94 tuổi, khi đã trải qua một đời với những trải nghiệm lạ thường mà mãi tới tận bây giờ tôi mới nhận ra nó phi thường đến dường nào. Tôi thấy mình thật may mắn khi được dành cả đời để rong ruổi khám phá mọi vùng đất hoang dã trên hành tinh và ghi lại những thước phim về đời sống của các sinh vật ở đó. Trong lúc làm nghề, tôi được đặt chân đến khắp mọi nơi trên thế giới, trực tiếp chứng kiến sự đa dạng và kỳ diệu của thế giới sinh vật cũng như chiêm ngưỡng nhiều cảnh tượng kỳ vỹ và những khung cảnh tuyệt mỹ bậc nhất trong tự nhiên.
Khi còn nhỏ, giống như bao cậu nhóc đồng trang lứa, tôi luôn ao ước được phiêu lưu đến những vùng đất hoang dã, xa xôi hẻo lánh để có thể nhìn ngắm thế giới tự nhiên trong trạng thái nguyên sơ của nó, hoặc thậm chí tìm ra các loài động vật mới lạ mà giới khoa học chưa hề biết đến. Đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thể tin nổi rằng mình đã dành phần lớn cuộc đời để biến giấc mơ ngày thơ bé thành sự thật.
Năm 1937
Dân số thế giới: 2,3 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 280 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 66%
Năm lên 11, tôi sống tại thành phố Leicester thuộc miền Trung nước Anh. Vào thời đó, việc một thằng nhóc cỡ tuổi tôi đạp xe lông nhông khắp các vùng quê, vắng nhà cả ngày là một chuyện hết sức bình thường. Lũ trẻ chúng tôi ưa khám phá mọi thứ xung quanh, ví dụ như lật một hòn đá lên và ngắm nghía những sinh vật bên dưới chẳng hạn. Về phần mình, chẳng điều gì có thể làm tôi mê mẩn hơn việc được quan sát cách thế giới tự nhiên xung quanh vận hành.
Anh trai tôi lại có niềm đam mê khác, đó là tham gia nhóm kịch nghiệp dư của thành phố Leicester. Nhóm kịch này thường tổ chức biểu diễn các vở kịch một cách khá chỉn chu. Thỉnh thoảng, anh ấy cũng có rủ tôi tham gia, nhưng năm thì mười họa tôi mới đồng ý nhận một vài vai phụ cùng dăm ba câu thoại. Trái tim tôi chẳng ở đó bao giờ.
Tôi khoái đạp xe đến khu vực phía Đông của quận vào những ngày tiết trời nắng ấm, tìm kiếm trên các khối đá những mẫu hóa thạch xinh xắn và hấp dẫn. Chúng không phải là các mảnh xương khủng long hóa thạch, bởi những khối đá vôi màu mật ong trong vùng này vốn là bùn cát lắng đọng dưới đáy một đại dương cổ đại, thế nên khó mà tìm được những dấu tích sót lại của những con quái thú trên cạn ấy. Thay vào đó, những thứ tôi tìm được chỉ là vỏ của các loài sinh vật biển như Cúc Đá (ammonite). Chúng có hình dạng xoắn ốc như sừng của lũ cừu đực, dài khoảng 15cm hoặc hơn. Số khác lại có kích cỡ chỉ bằng hạt phỉ, mặt trong là các khoang canxit (calcite) nhỏ có nhiệm vụ nâng đỡ những lá mang hô hấp của sinh vật cư trú bên trong. Với tôi, không gì sung sướng hơn việc chọn được một tảng đá trông có vẻ tiềm năng, sau đó dùng búa gõ một cách khéo léo để nó vỡ ra thành từng mảnh, và rồi một mảnh vỏ kỳ diệu sẽ lộ ra, sáng lấp lánh dưới ánh Mặt Trời. Những lúc ấy, tôi say sưa đắm chìm trong ý nghĩ rằng mình là người đầu tiên được tận mắt ngắm nhìn mẫu vật này.
Từ nhỏ, tôi đã sớm tin rằng tri thức quan trọng nhất chính là những kiến thức giúp con người hiểu biết tường tận về cách thế giới tự nhiên vận hành. Tôi quan tâm đến những nguyên lý chi phối đời sống các loài động thực vật hơn là các nguyên tắc mà con người định ra. Tôi thích thú với lẽ thật đã thống trị thế giới từ trước khi con người xuất hiện, hơn là lịch sử về các vị vua và hoàng hậu, hay quá trình phát triển của các loại ngôn ngữ qua các thời kỳ lịch sử của xã hội loài người. Tôi thường tự hỏi: Tại sao lại có nhiều loại Cúc đá như vậy? Tại sao chúng mang dáng vẻ khác nhau? Liệu rằng tập tính của chúng có khác biệt? Phải chăng chúng sống ở những khu vực khác nhau? Tôi sớm nhận ra rằng có rất nhiều người đã đặt ra vô vàn câu hỏi tương tự, và họ cũng tìm thấy vô số lời giải đáp. Khi kết hợp lại với nhau, những câu trả lời hoàn toàn có khả năng tạo nên một câu chuyện phi thường bậc nhất – câu chuyện về lịch sử của sự sống.
Trong câu chuyện trường thiên về sự phát triển của sự sống trên Trái Đất, hầu hết diễn tiến của các chương đều chậm chạp và ổn định. Mọi di cốt của các sinh vật được tôi tìm thấy trong đá đều từng dành cả đời vật lộn với các thử thách từ môi trường sống. Những cá thể thích nghi tốt với môi trường sẽ sống sót tốt và sinh sản nhiều hơn, giúp các đặc tính tốt được truyền lại cho các thế hệ sau. Và hiển nhiên, những kẻ không thích nghi nổi sẽ bị đào thải. Nhờ đó, qua hàng tỷ năm, các dạng sống chầm chậm biến đổi và dần dần trở nên phức tạp hơn, chuyên biệt hơn cũng như thích ứng và tận dụng hiệu quả hơn các yếu tố của môi trường. Tình tiết cụ thể về câu chuyện trường thiên này có thể suy ra được từ những mẫu vật tìm được trong đá. Thế nhưng các tầng đá ở vùng Leicestershire chỉ có thể kể lại một mẩu chuyện ngắn tũn trong toàn bộ câu chuyện, và các mẫu vật được trưng bày trong viện bảo tàng thành phố chỉ đủ khả năng hé lộ thêm vài chương khác. Chính vì vậy, nhằm mục đích tìm hiểu chuyên sâu hơn về mọi thứ, tôi hạ quyết tâm phải vào bằng được đại học.
Trên giảng đường đại học, tôi vỡ lẽ nhiều sự thật khác nữa. Câu chuyện trường thiên về quá trình biến đổi chậm chạp của sự sống từng bị đứt quãng một cách thô bạo tại nhiều thời điểm. Cứ sau vài trăm triệu năm, mặc kệ tất cả những nỗ lực chọn lọc và tiến hóa cẩn thận, thiên nhiên lại giáng xuống một sự kiện vô cùng thảm khốc – một cuộc đại tuyệt chủng.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau xuất hiện vào các giai đoạn khác nhau trong lịch sử Trái Đất mà môi trường sống bất ngờ bị thay đổi một cách sâu rộng và nhanh chóng trên toàn cầu, khiến nhiều loài sinh vật không tài nào thích nghi kịp. Cỗ máy hỗ trợ sự sống bắt đầu kêu cọc cạch, tổ hợp kỳ diệu gồm các mối liên kết mỏng manh có tác dụng giữ chặt các phần của cỗ máy sụp đổ, khiến cho vô số giống loài đột ngột biến mất. Số lượng giống loài còn sót lại là vô cùng ít ỏi, mọi nỗ lực tiến hóa trước đấy đều bị xóa sạch. Cuộc đại diệt chủng đã tạc vào đá các đường ranh giới địa tầng. Và nếu biết nơi để tìm và biết cách để nhận ra chúng, bạn sẽ nhận thấy phía dưới đường ranh có rất nhiều các dạng sống khác nhau, trong khi phía trên ta hầu như không thể tìm thấy bất cứ thứ gì.
Lịch sử 4 tỷ năm của sự sống đã phải hứng chịu 5 cuộc đại tuyệt chủng. Mỗi lần biến cố xảy đến, giới tự nhiên lại sụp đổ, chỉ chừa lại một lượng sinh vật vừa đủ để tái khởi động quá trình phục hồi. Trong cuộc đại tuyệt chủng gần đây nhất, người·ta giả thuyết rằng một thiên thạch có đường kính hơn 10km đã đâm vào bề mặt Trái Đất, gây ra vụ va chạm có tác động mạnh gấp 2 triệu lần sức công phá của một quả bom nhiệt hạch (bom Hydro) lớn nhất từng được thử nghiệm. Nhiều người tin rằng thiên thạch đã rơi xuống ngay mỏ đá thạch cao, hất tung một lượng lưu huỳnh khổng lồ vào bầu khí quyển. Lượng lưu huỳnh bị giải phóng vào không khí gây ra mưa axit trên khắp hành tinh, đủ sức giết sạch thảm thực vật và hòa tan lớp vỏ của các sinh vật phù du sinh sống ở bề mặt của các đại dương. Hơn nữa, đám mây bụi phát sinh từ cú va chạm đã ngăn cản ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống mặt đất, khiến cho tốc độ sinh trưởng của các loài thực vật bị đình trệ trong nhiều năm liền. Tàn lửa từ vụ nổ bắn ra tung tóe, tạo nên “trận mưa lửa” trút xuống bề mặt Trái Đất, gây bão lửa lan rộng khắp vùng Tây bán cầu. Hành tinh bốc cháy bừng bừng, tống thêm khói và khí Cacbonic vào bầu khí quyển vốn đã ô nhiễm, gây ra hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng thêm. Thêm nữa, vì thiên thạch rơi xuống gần bờ biển, nó còn gây ra những đợt sóng thần khổng lồ quét qua toàn cầu, phá hủy các hệ sinh thái vùng duyên hải và đẩy một lượng lớn cát biển vào sâu tít trong đất liền.
Sự kiện tuyệt chủng trên làm thay đổi hoàn toàn tiến trình lịch sử của tự nhiên. Nó quét sạch ¾ số loài, xóa sổ bất kỳ sinh vật trên cạn nào có kích thước lớn hơn một chú chó. Thảm họa này đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên thống trị của loài khủng long từng kéo dài 175 triệu năm. Sự sống sau đó buộc phải tự phục hồi.
Ròng rã 66 triệu năm sau thảm họa, thế giới tự nhiên cần mẫn tái lập lại thế giới sinh vật, tinh lọc và thiết lập lại sự đa dạng của các loài. Loài người chúng ta chính là một trong các thành phẩm từ công cuộc tái tạo sự sống này.
***
Quá trình tiến hóa của loài người cũng được ghi lại trong các tầng đá, nhưng hóa thạch của tổ tiên gần với chúng ta khó tìm hơn nhiều so với loài Cúc Đá. Nguyên do là bởi con người chỉ mới bắt đầu tiến hóa từ khoảng 2 triệu năm trước. Ngoài ra còn có một trở ngại nữa. Không giống sinh vật biển, hầu hết xác của các loài động vật trên cạn không được bao bọc bởi quá trình lắng đọng trầm tích, nên di cốt và di thể của chúng bị phân rã do sự hủy hoại mạnh mẽ từ sức nóng Mặt Trời, sương giá và những cơn mưa. Tuy nhiên, dù khó khăn là thế nhưng chúng ta vẫn tìm thấy các hóa thạch của tổ tiên. Những di chỉ khảo cổ ít ỏi được khai quật cho thấy dấu vết tiến hóa đầu tiên của tổ tiên loài người là tại châu Phi. Sau đó, kích thước bộ não không ngừng tăng lên giúp con người đạt được một trong những đặc điểm riêng biệt của giống loài: khả năng phát triển những loại hình văn hóa độc nhất vô nhị.
Theo góc nhìn của các nhà sinh học tiến hóa, thuật ngữ văn hóa mô tả việc con người sử dụng các hình thức giảng dạy hoặc mô phỏng để truyền đạt thông tin từ người này sang người khác. Bởi vì, so với các giống loài khác, con người có khả năng vượt trội trong việc sao chép ý tưởng hoặc hành động của người khác. Trong tự nhiên, chỉ một vài loài, ví dụ như tinh tinh và cá heo mũi chai, là có những hành vi cho thấy chúng cũng sở hữu những hoạt động văn hóa riêng, nhưng không loài nào có khả năng tạo nên các nền văn hóa độc nhất như loài người.
Văn hóa đã thay đổi cách loài người tiến hóa, mở ra một lối đi mới để chúng ta thích nghi với cuộc sống trên Trái Đất. Trong khi các loài khác phát triển nhờ vào sự thay đổi thể chất qua nhiều thế hệ, loài người chỉ cần nảy ra một ý tưởng đã có thể tạo ra sự thay đổi cho cả một thế hệ. Trong suốt cuộc đời mình, một người tối cổ có thể truyền dạy cho cả cộng đồng mọi kỹ năng như tìm kiếm các loài thực vật có thể lưu trữ nước trong mùa hạn hán, chế tạo công cụ bằng đá để lột da con thú đã chết, đốt lửa hoặc nấu ăn. Truyền tải văn hóa là một hình thức kế thừa hoàn toàn mới, không phụ thuộc vào nguồn gene mà mỗi cá nhân được thừa hưởng từ cha mẹ mình. Nhờ vậy, tốc độ tiến hóa của loài người tăng vọt. Bộ não của tổ tiên chúng ta được mở rộng với một tốc độ phi thường, cho phép họ có khả năng học hỏi, ghi nhớ và truyền đạt các ý tưởng. Nhưng dần về sau, sự phát triển thể chất trong cơ thể người gần như đứng chững lại. Khoảng 200.000 năm trước, Người hiện đại về mặt giải phẫu hay còn gọi là Người Tinh Khôn (Homo sapiens) xuất hiện. Họ có vóc dáng giống như chúng ta ngày nay. Sau Người Tinh Khôn, loài người biến đổi rất ít về thể chất, nhưng văn hóa của chúng ta vẫn phát triển một cách ngoạn mục.
Ngay từ thuở bình minh của nhân loại, con người đã chọn hình thức săn bắn và hái lượm làm lối sống chủ đạo. Tổ tiên chúng ta đặc biệt giỏi cả hai hình thức kiếm ăn này. Nhờ văn hóa chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết với nhau, tổ tiên chúng ta biết tự trang bị cho mình các công cụ cần thiết, chẳng hạn như lưỡi câu để bắt cá hoặc dao để xẻ thịt hươu nai. Họ cũng học được cách kiểm soát ngọn lửa để nấu ăn, sử dụng đá để tán nhỏ các loại hạt. Thế nhưng, dù thông minh, khéo léo như vậy, cuộc sống của người tiền sử cũng không hề dễ chịu bởi môi trường sống khắc nghiệt và khó lường: Nhìn chung, không khí lạnh hơn bây giờ khá nhiều, mực nước biển cũng thấp hơn nhiều, nước ngọt khó tìm hơn, nhiệt độ toàn cầu dao động với biên độ lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Thế nên dù có cấu tạo cơ thể và bộ não giống với chúng ta ngày nay, nhưng vì môi trường sống quá bất ổn, người tiền sử đã phải rất vất vả để sống sót. Số liệu từ các nghiên cứu di truyền ngày nay chỉ ra một thực tế: Những hiểm họa thời tiết ở niên đại 70.000 năm về trước từng đẩy nhân loại vào các biến cố suýt xóa sổ hoàn toàn giống loài. Dân số thế giới có thể đã từng giảm sút đến mức chỉ còn khoảng 20.000 người trưởng thành đủ sức khỏe sinh sản. Muốn tiếp tục phát triển xa hơn, loài người cần thêm sự ổn định, và sự tan rã của các dòng sông băng cuối cùng cách đây 11.700 năm đã mang đến cơ hội đó.
***
Thế Holocene, thế địa chất mà chúng ta thuộc về, là một trong những thời kỳ ổn định nhất trong toàn bộ lịch sử lâu dài của hành tinh. Xuyên suốt 10.000 năm, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng giảm không quá 1°C. Chúng ta vẫn chưa biết chính xác điều gì đã tạo ra sự ổn định này, nhưng chắc hẳn nó phải liên quan đến sự phong phú đa dạng của sự sống trên hành tinh.
Trái Đất ở thế Holocene ổn định nhờ đâu? Đầu tiên phải kể đến thực vật phù du – những loài thực vật cực nhỏ trôi nổi trong tầng nước bề mặt của đại dương, và những cánh rừng bạt ngàn trải rộng hầu khắp Bắc Bán cầu, đã cố định một lượng lớn Cacbon – chuyển đổi Cacbon thành Oxy và các hợp chất hữu cơ – giúp duy trì sự cân bằng của lượng khí nhà kính trong khí quyển. Trên đồng cỏ, những đàn thú ăn cỏ khổng lồ gìn giữ sự màu mỡ và trù phú của vùng thảo nguyên bằng cách thải phân vào đất, đồng thời việc gặm cỏ cũng kích thích sự sinh trưởng của thực vật thảo nguyên. Ở vùng duyên hải, các đầm lầy ngập mặn và rạn san hô nằm dọc theo bờ biển chính là những nhà trẻ coi sóc lũ cá con. Đến khi trưởng thành, bầy cá tỏa đi khắp các vùng biển rộng lớn, làm phong phú thêm hệ sinh thái đại dương. Những khu rừng mưa nhiệt đới rậm rạp, nhiều lớp nhiều tầng tạo thành một vành đai bao quanh đường xích đạo đã hấp thụ năng lượng Mặt Trời, đồng thời bổ sung thêm Oxy và độ ẩm cho các luồng không khí của toàn cầu. Tại hai vùng cực Bắc và cực Nam Trái Đất, lớp băng tuyết trắng toát, bao phủ diện rộng giúp phản xạ bức xạ Mặt Trời trở lại không gian, giữ vai trò làm mát toàn bộ Trái Đất giống như một chiếc điều hòa không khí khổng lồ.
Sự hưng thịnh trong đa dạng sinh học ở thế Holocene đã giúp điều hòa nhiệt độ trên Trái Đất, đặt thế giới sinh vật vào một nhịp điệu thường niên rất đỗi dịu dàng và đáng tin cậy – đó là sự luân phiên của các mùa trong năm. Tại các đồng bằng ở vùng nhiệt đới, mùa khô và mùa mưa xảy ra xen kẽ nhau, chính xác và đều đặn theo từng năm. Tại châu Á và châu Đại Dương, các luồng gió đồng loạt đổi hướng thổi vào cùng một thời điểm trong năm, báo hiệu sự chuyển tiếp giữa các mùa gió mùa. Tại những vùng phía Bắc, mùa xuân đến vào tháng ba, nhiệt độ tăng dần và trên 15°C. Nền nhiệt được duy trì ở mức cao cho đến khi bị hạ xuống vào tháng mười, tiết trời chuyển sang thu.
Thế Holocene chính là Vườn Địa Đàng của chúng ta. Nhịp điệu các mùa ở thế địa chất này quá sức ổn định, mang đến cho loài người những cơ hội vàng và chúng ta đã tận dụng rất tốt thời cơ đó. Gần như ngay khi môi trường đạt được sự ổn định, nhiều nhóm người sống ở Trung Đông dần từ bỏ việc hái lượm và săn bắn để chuyển sang một lối sống mới: họ bắt đầu làm nông. Sự chuyển đổi này không hẳn xuất phát từ chủ tâm của họ và cũng không hề được vạch ra sẵn. Con đường dẫn đến nền văn hóa nông nghiệp rất dài, mang tính ngẫu nhiên và tình cờ, phần nhiều xảy ra do may mắn hơn là do loài người biết nhìn xa trông rộng.
Tại vùng Trung Đông lúc bấy giờ, vùng đất này mang đầy đủ các đặc tính cần thiết cho mọi “bất ngờ” may mắn và đáng mừng như vậy xảy đến. Khu vực Trung Đông vốn nằm trên nút giao cắt giữa ba lục địa châu Phi, châu Á và châu Âu; do đó, trong hàng triệu năm, các loài động thực vật từ cả ba châu lục này đều đã từng đi vòng qua hoặc dừng chân tại đây. Bởi thế, các sườn đồi và đồng bằng ngập nước ở đây dần dần được phủ kín bởi những loài thực vật là tổ tiên hoang dã của nhiều loại cây trồng ngày nay như lúa mì, lúa mạch, đậu xanh, đậu Hà Lan và đậu lăng. Những giống cây này cung cấp các loại hạt rất giàu chất dinh dưỡng giúp người tiền sử có thể sống sót qua những mùa khô kéo dài. “Thức ăn” có sẵn theo từng năm như vậy đã thu hút sự chú ý của con người. Khi người tiền sử có thể thu lượm được số lượng hạt nhiều hơn nhu cầu, họ nhất định sẽ tích trữ chúng giống như cách chim chóc hoặc các loài động vật có vú khác dự trữ thức ăn để không bị đói trong mùa đông – thời điểm nguồn thức ăn trở nên khan hiếm. Dần dà, khi thời điểm chín muồi, những người săn-lượm sẽ chấm dứt chuỗi ngày lang thang săn bắt hái lượm và chọn sống quần tụ tại một nơi, yên tâm rằng số hạt trữ sẵn trong kho sẽ cung cấp đủ thức ăn cho họ – một sự cung dưỡng không dễ tìm được ở môi trường và lối sống cũ.
Xung quanh các khu vực sinh sống của con người có rất nhiều loài bò, dê, cừu, lợn hoang dã, chúng bị con người bắt giữ và dần bị thuần hóa chỉ sau vài nghìn năm từ khi bắt đầu thế Holocene. Một lần nữa, giống như trồng trọt, hành trình thuần hóa động vật hoang dã cũng phải trải qua nhiều bước trung gian và chắc chắn là không hề được “mưu tính” từ trước. Những mảnh xương được giới khoa học tìm thấy xung quanh các di tích làng cổ tiết lộ rằng vào thuở ban đầu, cánh thợ săn chọn giết con đực và bỏ qua con cái đang mang thai nhằm duy trì số lượng cá thể đàn. Con người cũng xua đuổi các loài thú ăn thịt hoặc chấp nhận ăn chay tại nhiều thời điểm trong năm để duy trì số lượng các đàn thú hoang bắt được. Sau cùng, không chỉ tách các loài động vật hoang dã khỏi môi trường tự nhiên của chúng, con người còn nuôi nhốt bầy thú trong thời gian dài và bắt đầu nhân giống chúng. Và hiển nhiên, họ phải chọn những cá thể hiền lành và cam phận nhất trong đàn.
Theo thời gian, tất cả những đổi mới kể trên được gia tăng tính hiệu quả nhờ hàng loạt phát kiến như xây dựng kho chứa ngũ cốc, chăn nuôi gia súc, đào kênh tưới tiêu, xới đất trồng trọt, bổ sung phân bón. Nông nghiệp ra đời. Đây là thành quả tất yếu khi một chủng loài thông minh và sáng tạo như con người được sống trong một thời kỳ có khí hậu vô cùng ổn định như thế Holocene. Kết quả, nền nông nghiệp đã được hình thành một cách độc lập ở ít nhất 11 vùng riêng biệt trên toàn cầu, góp phần phát triển đa dạng các giống cây trồng quen thuộc ngày nay như khoai tây, bắp ngô, lúa gạo, đường mía; thuần hóa nhiều loại động vật như gà, lừa, lạc đà không bướu và cả ong.
***
Nông nghiệp làm biến đổi mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Con người dần thuần phục thế giới hoang dã, chế ngự môi trường tự nhiên từng chút một. Chúng ta xây dựng tường rào để che chắn cây trồng khỏi gió, trồng cây tạo bóng râm che chở vật nuôi khỏi nắng, dùng phân của gia súc để bón cho chính vùng đất chúng được chăn thả. Ngay cả trong mùa hạn hán, chúng ta vẫn đảm bảo cây trồng của mình sinh trưởng tốt tươi, được tưới tiêu đều đặn bằng cách xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước từ sông hồ. Chúng ta phủ kín các sườn đồi bằng những giống cây trồng hữu ích mà mình đặc biệt ưa thích, đồng thời loại bỏ hết tất cả các loài thực vật cạnh tranh với chúng.
Nông nghiệp cũng làm biến đổi tất cả mọi loài động thực vật được con người lựa chọn nuôi trồng. Khi trồng trọt, chúng ta dọn sạch cỏ dại trên các mảnh đất để cây lương thực của mình phát triển mà không còn bị cạnh tranh từ các giống thực vật khác. Cây trồng sẽ nhận đủ lượng Nitơ, nước và ánh nắng cần thiết để tạo ra các giống ngũ cốc mẩy hơn, trái cây to hơn và củ quả lớn hơn. Khi chăn thả, chúng ta bảo vệ đàn gia súc của mình tránh khỏi nguy cơ bị tấn công từ các loài ăn thịt, đám con đực cũng không phải tranh giành quyền giao phối với con cái. Hệ quả là, con người đã tước đi tính cảnh giác và hiếu chiến của những con vật bị bắt nuôi, khiến chúng trở nên dễ bảo hơn. Bởi thế, cho đến lúc trưởng thành, bầy vật nuôi vẫn duy trì những hành vi như khi còn là con non như cụp tai lại, cuộn đuôi vào, rên ư ử hoặc kêu be be. Chừng nào còn được con người – cha mẹ thứ hai của chúng – cung cấp thức ăn và ra sức bảo vệ, các loài vật nuôi vẫn sẽ tiếp tục “non nớt” và “bé bỏng” theo nhiều cách khác nhau. Loài người cũng không ngoại lệ, chúng ta cũng thay đổi. Từ một loài là tạo tác của thiên nhiên, chúng ta đã tự biến mình thành chủng loài mang “quyền năng” uốn nắn các loài khác sao cho phù hợp với các nhu cầu của mình.
Thuở ban đầu, nghề làm nông vô cùng vất vả, nông dân thường xuyên phải chịu nhiều cơn hạn hán và các vụ mùa đói kém. Nhưng sau đó, họ đã dần có thể tạo ra sản lượng cao hơn so với nhu cầu cơ bản của bản thân. So sánh với những người săn-lượm láng giềng, người nông dân có thể nuôi được nhiều miệng ăn trong gia đình hơn. Gia đình đông đúc với nhiều con trai con gái trong nhà thực sự rất hữu ích. Con cái có thể vừa đảm nhận coi sóc cây trồng và vật nuôi, vừa giúp gia đình mình duy trì quyền sở hữu ruộng đất. Nghề nông khiến đất đai giá trị hơn nhiều so với trạng thái hoang sơ của nó. Bởi thế, những người nông dân bắt đầu xây dựng nhiều khu quần cư lâu dài nhằm duy trì quyền sở hữu ruộng đất của mình.
Những mảnh đất khác nhau thuộc sở hữu của các gia đình khác nhau chắc chắn sẽ có sự sai khác về loại đất, nguồn nước sẵn có cũng như hình thái địa hình. Bởi vậy, cây trồng và đàn gia súc ở nơi này có thể sẽ phát triển vượt trội hơn những nơi khác. Đối với những gia đình có thu hoạch tốt, sau khi giữ lại phần nông sản đủ ăn cho mọi thành viên, người nông dân có thể đem sản lượng dư thừa còn lại đi đổi chác. Nông dân quy tụ thành những cộng đồng quần cư, mở ra các khu chợ để trao đổi hàng hóa. Họ đổi thức ăn lấy các loại của cải hoặc để học nghề. Nông dân cần đá, dây bện, dầu ăn, cá và các sản phẩm từ những người thợ mộc, thợ xây và thợ chế tác công cụ. Ở chiều ngược lại, cánh thợ từ các ngành nghề cần thức ăn từ nông dân. Nhờ trao đổi, những người thợ vẫn kiếm được thức ăn mà không cần phải bỏ thời gian chăm chút nuôi trồng. Khi lượng giao dịch tăng lên, các khu chợ dần phát triển thành thị trấn, rồi trở thành những thành phố nằm ven theo các dòng sông màu mỡ chảy ngang các thung lũng. Nếu một thung lũng đã ổn định với số lượng cư dân đông đúc, một số nông dân sẽ di chuyển đến các thung lũng lân cận nhằm khai phá những cánh đồng phì nhiêu mới. Mặt khác, khi các bộ tộc săn-lượm chung quanh đến trao đổi với nông dân, họ cũng từ bỏ việc săn bắt hái lượm và gia nhập luôn vào cộng đồng làm nông đang lớn mạnh này. Kết quả, tập quán canh tác nông nghiệp lan truyền với tốc độ chóng mặt, len lỏi trải rộng khắp mọi lưu vực sông.
Khi ấy, các nền văn minh xuất hiện, phát triển nhảy vọt qua từng thời thời kỳ và qua từng đợt cải tiến công nghệ. Năng lượng nước chảy, năng lượng hơi nước, điện khí hóa cùng tất cả những thành tựu mà chúng ta “nhẵn mặt” ngày nay lần lượt được ra đời và hoàn thiện. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển và tiến bộ trong lòng xã hội phức tạp của từng nền văn minh. Nhưng ở mỗi thời kỳ, sự đi lên của các nền văn minh chỉ có thể đạt được nhờ thế giới tự nhiên vẫn duy trì được sự ổn định, tiếp tục chu cấp mọi loại vật chất và điều kiện cần thiết cho con người. Sự đa dạng sinh học diệu kỳ của thế Holocene bảo đảm sự ôn hòa cho môi trường sống ở niên đại địa chất này. Môi trường lành tính đó chính là thành tố quan trọng bậc nhất đối với loài người chúng ta.
Năm 1954
Dân số thế giới: 2,7 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 310 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 64%
Sau khi học xong các môn khoa học tự nhiên ở trường đại học và hoàn thành nghĩa vụ quốc gia tại Hải quân Hoàng gia Anh, tôi phụ trách mảng thiếu nhi của kênh BBC Television Service. Bắt đầu hoạt động từ năm 1936, đây là kênh truyền hình đầu tiên trên thế giới. BBC Television Service sử dụng hai trường quay nhỏ đặt tại Cung điện Alexandra, phía Bắc London. Việc phát sóng bị ngưng lại khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai nổ ra. Đến năm 1946, kênh hoạt động trở lại, tiếp tục sử dụng dàn máy ghi hình và địa điểm trường quay cũ. Tất cả các chương trình đều được phát sóng trực tiếp dưới dạng phim đen trắng, và cũng chỉ người dân ở hai thành phố London và Birmingham mới có thể xem được. Công việc của tôi lúc bấy giờ là sản xuất các chương trình phi hư cấu. Nhưng khi sự đa dạng cùng số lượng của các chương trình được phát sóng vào mỗi tối tăng lên, tôi dần làm chuyên về mảng lịch sử tự nhiên.
Ở những số đầu, chúng tôi chiếu phim về những con vật được đem đến trường quay từ Sở thú London. Chúng đứng trên một cái bục được phủ thảm và thường bị kiểm soát bởi một nhân viên chuyên trách từ sở thú. Sự sắp đặt khiến các con vật trông vô cùng gượng gạo và kỳ khôi. Bởi thế, trong tôi dâng trào niềm khao khát được trình chiếu cho khán giả những thước phim thật hơn về các loài động vật trong môi trường tự nhiên, nơi hình dáng và màu sắc phong phú, đa dạng của chúng thật sự hòa hợp với thiên nhiên. Rốt cuộc, tôi cũng đã tìm ra cách để thực hiện điều đó. Cùng với Jack Lester, người phụ trách khu động vật bò sát ở Sở thú London, tôi đề ra một kế hoạch. Theo bàn bạc, Jack sẽ đến gặp Giám đốc Sở thú và trình bày về dự án bay đến một đất nước mà anh ấy biết rất rõ: Cộng hòa Sierra Leone thuộc Tây Phi. Tôi và một nhà quay phim nữa sẽ đi cùng Jack với nhiệm vụ quay lại những gì anh ấy sẽ thực hiện ở đó. Theo kịch bản, sau mỗi thước phim mô tả cảnh Jack vật lộn trong vùng hoang dã sẽ là phân cảnh anh ấy xuất hiện trong trường quay, trưng ra con vật bằng xương bằng thịt do chính tay anh bắt được và giảng giải đôi điều về lịch sử tự nhiên của nó. Đây chắc chắn là một cách tuyệt hảo để quảng bá Sở thú, đồng thời đài BBC cũng có thêm một chương trình mới về động vật. Chương trình sau đó được đặt tên là Zoo Quest. Chúng tôi có thêm một cộng sự, đó là nhà quay phim trẻ tuổi Charles Lagus – người từng làm việc tại dãy Himalaya. Cậu ấy sử dụng máy quay phim 16mm gọn nhẹ, đủ đáp ứng nhu cầu của công việc. Năm 1954, tôi cùng Jack và Charles khởi hành đến châu Phi.
Tập đầu tiên của chương trình được lên sóng vào tháng 11 năm 1954. Nhưng chuyện không may bỗng dưng ập đến. Chỉ một ngày sau khi chương trình được công chiếu, Jack đã phải nhập viện bởi một căn bệnh hiểm nghèo và không thể qua khỏi. Anh ấy sẽ không bao giờ có thể quay lại trường quay để ghi hình cho tập thứ hai sẽ phát sóng vào tuần kế tiếp. Trong tình cảnh đó, người duy nhất đủ sức lấp vào khoảng trống mà Jack để lại chỉ còn tôi. Do vậy, tôi nhận được chỉ thị rời khỏi khu vực điều hành – nơi điều khiển các máy quay ghi hình trực tiếp, để thay Jack bước vào trường quay, đánh vật với đám trăn, khỉ, tắc kè hoa và cả các loài chim quý hiếm do đội thám hiểm mang về. Kể từ đây, tôi bén duyên với sự nghiệp đứng trước ống kính.
Chương trình nhanh chóng gây được tiếng vang. Nhờ thế, tôi bắt đầu rong ruổi đến Guyana, Borneo, New Guinea, Madagascar, Paraguay và nhiều nơi khác trên thế giới để ghi hình cho các tập phim của Zoo Quest. Ở bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến: từ vùng duyên hải lấp lánh cho đến những cánh rừng bạt ngàn, hoặc những đồng cỏ rộng mênh mông, đâu đâu cũng là những vùng đất hoang sơ. Năm này qua tháng nọ, những chiếc máy quay trở thành người bạn đồng hành cùng tôi khám phá những miền hoang dã ấy, ghi lại mọi thước phim tuyệt diệu của thế giới tự nhiên và gửi về cho khán giả ở quê nhà. Khoảng thời gian đầu, những nhân viên phụ trách hỗ trợ, hướng dẫn đoàn phim Zoo Quest vượt qua các địa hình rừng rậm, hoang mạc luôn thắc mắc tại sao tôi lại gặp quá nhiều khó khăn trong việc lần theo dấu vết các loài vật – thứ luôn hai năm rõ mười bày ra trước mắt họ. Nhưng chỉ ít lâu sau, tôi đã biết cách tự trang bị cho mình đầy đủ mọi kỹ năng cần thiết để có thể sống sót và làm việc trong môi trường hoang dã.
Về sau, loạt phim đã tạo nên một cơn sốt thực sự. Nguyên do là bởi từ trước đến nay, khán giả chưa bao giờ được thấy bất kỳ con lười hoặc con tê tê nào trên tivi. Không những thế, chúng tôi còn mang đến cho họ cơ hội chiêm ngưỡng rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất thế giới đang sinh sống trên một hòn đảo nhỏ ở miền Trung Indonesia, và cả những thước phim đầu tiên ghi lại vũ đạo của loài chim thiên đường (birds-of-paradise) trong rừng New Guinea.
Thập niên 1950 là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa lạc quan. Cảnh tượng châu Âu hoang tàn đổ nát sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai lùi dần vào dĩ vãng, cả thế giới sục sôi khí thế cùng phát triển để bỏ lại quá khứ ở phía sau. Tiến bộ khoa học công nghệ bùng nổ mang đến cho nhân loại những trải nghiệm mới lạ, giúp đời sống con người trở nên dễ dàng hơn. Dường như không có bất kỳ trở ngại nào đủ sức kìm hãm bước tiến của thời đại. Tương lai sắp tới chắc hẳn vô cùng tuyệt vời, những gì chúng ta mơ ước đều hiện hữu ở đó. Nhưng liệu rằng một gã đi lang thang khắp thế giới với nhiệm vụ khám phá thiên nhiên như tôi có được phép lên tiếng phản bác lại tương lai đầy hứa hẹn ấy không?
Nhân loại lạc quan về một tương lai xán lạn bởi vì không một ai trong số họ mảy may nhận ra có điều gì đó không ổn.
Năm 1960
Dân số thế giới: 3,0 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 315 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 62%
Nhắc tới thiên nhiên hoang dã, hẳn bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều nghĩ ngay đến vùng thảo nguyên châu Phi rộng lớn cùng các loài voi, tê giác, hươu cao cổ, sư tử sinh sống ở đó. Tôi lần đầu có dịp đến thăm vùng đồng bằng này vào năm 1960. Mặc dù đời sống hoang dã ở đây vô cùng tuyệt diệu, nhưng chính quang cảnh trùng điệp của đồng bằng trải dài ngút mắt mới là điều khiến tôi choáng ngợp nhất. Trong tiếng Maasai – ngôn ngữ của một tộc người châu Phi, từ “Serengeti” mang ý nghĩa “đồng bằng trải dài bất tận” – một cách miêu tả quá đỗi phù hợp, đặc biệt khớp nghĩa khi đặt trong bối cảnh bạn đến thăm vùng đồng cỏ vào thời điểm không có bóng dáng của bất kỳ loài động vật nào. Nhưng hôm sau, khi bình minh vừa ló dạng, bỗng đâu xuất hiện một triệu con linh dương đầu bò, nửa triệu con linh dương Gazella và ¼ triệu con ngựa vằn. Và cũng chỉ vài ngày sau đó, bầy thú bất thình lình biến mất ở đường chân trời, mất hút khỏi tầm mắt bạn, đột ngột như cách chúng xuất hiện. Thế nên, sẽ không ai giễu cợt nếu bạn chớm nghĩ rằng vùng đồng bằng này dường như trải dài bất tận, vô thủy vô chung khi có thể nuốt chửng cả đàn thú khổng lồ.
Vào thời điểm đó, sẽ thật kỳ lạ nếu đâu đó xuất hiện ý kiến cho rằng vào một ngày không xa, loài người bé nhỏ sẽ có sức mạnh to lớn để trở thành mối đe dọa đối với vùng thảo nguyên hoang sơ bạt ngàn ở châu Phi. Tuy nhiên, đó chính xác là điều mà một nhà khoa học có tầm nhìn đi trước thời đại như Bernhard Grzimek lo ngại. Sau thế chiến, trong vai trò Giám đốc, ông có công hồi sinh lại Sở thú Frankfurt đổ nát, nơi vốn chỉ còn sót lại những chiếc lồng nuôi nhốt mục nát và chằng chịt hố bom. Đến thập niên 1950, Grzimek đã trở thành gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình Đức nhờ loạt phim giới thiệu về động vật hoang dã châu Phi. Không dừng lại ở đó, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Serengeti Shall Not Die (tạm dịch: Serengeti sẽ không chết), đã chiến thắng hạng mục Phim tài liệu tại lễ trao giải Giải thưởng Viện Hàn lâm năm 1959. Bộ phim ghi lại những nỗ lực của ông trong việc thiết lập bản đồ hành trình di cư của đàn linh dương đầu bò. Cùng với con trai Michael – một viên phi công được đào tạo bài bản, Grzimek sử dụng một chiếc máy bay cỡ nhỏ đuổi theo đàn thú đến tận chân trời, vẽ lại lộ trình di chuyển vượt sông, xuyên rừng hoặc dẫm qua mọi đường biên giới quốc gia của đàn linh dương. Nhờ thế, Grzimek dần hiểu rõ cách toàn bộ hệ sinh thái Serengeti vận hành và phát hiện ra điều đáng ngạc nhiên: các loài động thực vật thật sự cần nhau để sống. Hẳn ai cũng thừa biết thú ăn cỏ cần gặm cỏ để tồn tại, nhưng chắc hẳn không nhiều người biết rằng đồng cỏ cũng cần phải bị chén bởi các loài ăn cỏ thì mới có thể phát triển mạnh và trở thành tầng ưu thế sinh thái. Thảm thực vật đồng cỏ đã tiến hóa để thích nghi với hàng triệu bộ hàm háu đói luôn chờ chực gặm xén mình. Khi mấy cái miệng háu ăn gặm đến những phần nằm sát mặt đất, đám cỏ ngay lập tức sử dụng nguồn dinh dưỡng tích trữ trong bộ rễ dưới đất của chúng để mọc trở lại. Mặt khác, bộ guốc của đàn thú có tác dụng làm đất đồng cỏ tơi ra, khi những mầm cỏ rơi xuống lớp đất tơi xốp, những lứa cỏ tiếp theo sẽ dễ dàng mọc lên. Không dừng lại ở đó, những bãi phân do đàn thú di cư để lại cũng cung cấp dinh dưỡng cho thảm thực vật, giúp đám cỏ mọc lên nhanh chóng.
Vậy đấy, những tưởng mùa di cư của đàn thú ăn cỏ sẽ mang đến nguy cơ suy tàn cho thảm thực vật, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại: động vật ăn cỏ chính là mắt xích tối quan trọng trong vòng đời sinh trưởng của các loại cỏ. Nếu số lượng thú ăn cỏ quá ít, thảm cỏ sẽ mất đi, bị xâm lấn dưới bóng râm của các loài thực vật thân cao hơn.
Câu chuyện về hành trình khám phá đặc tính tương hỗ giữa các loài ở trên chỉ là một trong số rất nhiều phát kiến khoa học được tìm ra nhờ sự phát triển nổi trội của các ngành liên quan đến Sinh thái học. Nếu như ở thế kỷ XIX, các nhà Động vật học hầu như chỉ chăm chăm vào nhiệm vụ đặt tên và phân loại sinh vật, thì đến thập niên này, họ chuyển hướng theo đuổi những mục tiêu khoa học mới hơn, đồng thời các lĩnh vực nghiên cứu của họ cũng dần trở nên chuyên biệt hơn. Ví dụ, một số nhà khoa học thuộc phân ngành Động vật học chọn nghiên cứu chức năng hoạt động của tế bào động vật. Họ sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và tia X để quan sát các cấu trúc tế bào nhỏ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Năm 1953, sau rất nhiều nỗ lực, các nhà khoa học đã khám phá ra cấu trúc DNA – vật liệu cốt lõi của cơ chế di truyền. Các nhà Sinh thái học thì lại phát triển các phương pháp thống kê và sử dụng nhiều thiết bị khảo sát vào nghiên cứu các quần thể, quần xã sinh vật ngoài tự nhiên. Tới khoảng năm 1950, họ bắt đầu nhìn thấu bản chất của mớ hỗn độn trong thế giới sinh vật quanh ta, tỏ tường cách kết nối của các dạng sống trong một mạng lưới sinh thái vô cùng đa dạng. Hệ sinh thái là nơi mối quan hệ tương hỗ giữa các thành phần trong hệ diễn ra; tại đây, các loài động thực vật tác động qua lại, gắn bó mật thiết với nhau. Tuy nhiên, dù các mắt xích liên kết với nhau khá chặt chẽ, nhưng cả mạng lưới sinh thái lại không phải lúc nào cũng đủ vững chắc để chống đỡ khi một mắt xích gặp vấn đề. Đôi khi, chỉ cần một cú “hắt hơi” khẽ từ một nhân tố bất kỳ cũng có thể làm cả quần xã chao động.
Grzimek hiểu rõ trạng thái ổn định tự nhiên của hệ sinh thái dễ bị tác động như thế nào, điều này đặc biệt đúng đối với một hệ sinh thái vô cùng lớn ở Serengeti. Những chuyến bay khảo sát của Grzimek đã hé lộ lý do thực sự giữ cho hệ sinh thái Serengeti không bị sụp đổ: kích thước khổng lồ của chính nó. Nếu không có không gian rộng lớn, các đàn di cư không thể di chuyển trên những quãng đường dài, thời gian giữa những lần các đồng cỏ bị càn quét bởi đàn thú ăn cỏ sẽ trở nên ngắn hơn – điều này đồng nghĩa với việc đồng cỏ sẽ không có đủ thời gian để phục hồi, và tình trạng này sẽ dẫn tới việc nguồn thức ăn bị thiếu hụt. Các đàn động vật ăn cỏ lúc này sẽ phải gặm sạch sành sanh thảm thực vật từ lá xuống rễ, không chừa lại một tí gì; và sớm thôi, chúng cũng sẽ chết đói bởi sự cạn kiệt nguồn cỏ. Một vài loài ăn thịt sẽ tạm thời được hưởng lợi bởi con mồi của chúng đã trở nên yếu ớt do tình trạng đói khát, nhưng sau một thời gian, chúng cũng sẽ chết bởi vì thú mồi đã hết sạch. Rõ ràng rằng, nếu không còn không gian rộng lớn, hệ sinh thái Serengeti sẽ lập tức mất cân bằng và đổ sụp.
Bởi thế, thông tin hai nước Tanzania và Kenya sắp sửa giành lại độc lập và nhiều khả năng sẽ chấp thuận các yêu cầu chuyển đổi vùng đồng cỏ thành đất nông nghiệp đã trở thành động lực thúc đẩy Grzimek thực hiện bộ phim tài liệu ấy cũng như có những hành động thiết thực, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho những người quan tâm đến việc bảo tồn vùng đồng cỏ và gìn giữ không gian tự nhiên hoang dã. Nhờ vậy, các quốc gia châu Phi với quyền tự quyết sau độc lập đã ban hành những chính sách mang tầm nhìn lâu dài. Chính phủ Tanzania nghiêm cấm người dân định cư bên trong đường ranh giới của khu bảo tồn Serengeti – một quyết định vấp phải nhiều sự phản đối từ người dân. Trong khi đó, chính phủ Kenya thiết lập các khu bảo tồn mới quanh khu vực sông Mara nhằm bảo vệ toàn vẹn hành trình di cư của các loài động vật ở đây.
Chính phủ các nước đã nhìn nhận thông điệp: “Thiên nhiên hoang dã không hề vô hạn, nó có hạn và cần được bảo vệ”. Chỉ sau vài năm, thông điệp ấy đã lan tỏa đến tất cả mọi người.
Năm 1968
Dân số thế giới: 3,5 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 323 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 59%
Trong quá trình ghi hình cho Zoo Quest ở những vùng đất xa xôi, tôi thường dành thời gian tìm hiểu về các cư dân bản địa cùng lối sống đặc trưng của họ. Nhờ thế, tôi không những học hỏi thêm được nhiều điều về phong tục tập quán cũng như cách người dân ở đấy nhìn nhận về cuộc sống, mà còn vỡ lẽ được rằng chính cuộc sống cùng góc nhìn, cảm quan của họ mới là thước phim vô giá mà tôi có thể mang đến cho khán giả ở quê nhà. Từ đó, nội dung trọng tâm của các tập phim lấy bối cảnh quay ở nước ngoài đã dần thay đổi. Tôi bắt tay vào sản xuất các nội dung xoay quanh đời sống và tập tục của các dân tộc sinh sống ở những nơi cách xa châu Âu như khu vực Đông Nam Á, châu Úc và các hòn đảo nằm ở Tây Thái Bình Dương. Chẳng mấy chốc, tôi mê mẩn và gắn bó với họ đến nỗi đã phải hạ quyết tâm làm mọi cách để thông hiểu nhiều hơn nữa về đời sống tín ngưỡng cũng như cách họ tổ chức cuộc sống của mình. Đài BBC sau đó chấp thuận cho tôi tạm ngưng vai trò Nhà sản xuất trong vài năm để theo học ngành Nhân chủng học tại Trường Đại học Kinh tế London. Đổi lại, song song với việc học, tôi cũng phải tranh thủ dành ra sáu tháng mỗi năm để làm phim cho nhà đài. Dường như mọi chuyện đã được dàn xếp quá đỗi tài tình, thế nhưng kế hoạch hoàn hảo ấy đã bị dẹp qua một bên chỉ sau một thời gian ngắn.
Như đã kể ở trên, truyền hình ở Anh quốc trước giờ chỉ được phát sóng dưới dạng phim đen trắng. Nhưng đến những năm 1960, khi công nghệ truyền hình màu xuất hiện, đài BBC nhận trách nhiệm giới thiệu truyền hình có màu tới công chúng Anh quốc một cách rộng rãi. Kênh BBC2 được lập ra nhằm thực hiện nhiệm vụ ấy. Truyền hình màu mở ra khả năng khai thác các chương trình tivi theo những phong cách cũng như những chủ đề mới toanh. Nhưng chính xác phải làm thế nào để khai thác những tiềm năng đó thì không một ai nắm rõ, vậy nên BBC2 rất cần một nhà quản lý đứng ra gánh vác trọng trách định hướng cho kênh. Công việc quản lý nội dung luôn mang lại sức hấp dẫn khó cưỡng đối với bất kỳ ai đam mê lĩnh vực truyền hình. Bởi thế, khi vừa nhận được lời đề nghị từ nhà đài, tôi gật đầu ngay. Năm 1965, tôi bỏ ngang chương trình học để quay trở lại đầu quân cho BBC trên cương vị quản lý điều hành.
Nhờ cơ duyên đó mà vào năm 1968, bốn ngày trước khi Lễ Giáng sinh diễn ra, tôi được góp mặt trong phòng điều hành quốc tế thuộc Trung tâm Truyền hình BBC để trực tiếp theo dõi những ảnh chụp đang được gửi về Trái Đất từ sứ mệnh Apollo 8. Hầu hết những người có mặt ở đó đều hiểu rõ Apollo 8 mang một sứ mệnh vô cùng đặc biệt, đó là sứ mệnh đưa con người lần đầu tiên rời khỏi quỹ đạo của Trái Đất và bay vòng quanh Mặt Trăng, đồng thời ghi lại nhiều bức ảnh về mặt bên kia của Mặt Trăng, “vùng tối” mà con người trên mặt đất không bao giờ thấy được, sau đó an toàn quay trở lại Trái Đất. Có thể xem Apollo 8 chính là tiền đề và bước đệm cho nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đặt chân lên Mặt Trăng mà ngài Tổng thống Kennedy đã định rằng phải thành công trong thập kỷ 60.
Mặc dù trọng tâm của sứ mệnh là về Mặt Trăng, nhưng không ai ngờ được những ảnh chụp về Trái Đất mới chính là điều chiếm trọn sự chú ý của mọi người lẫn phi hành đoàn. Ba phi hành gia Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders đã trở thành những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại bay vào không gian đủ xa để có thể tận mắt nhìn thấy toàn bộ Trái Đất – một khoảnh khắc quá đỗi phi thường. Ba tiếng rưỡi sau khi cất cánh, Jim Lovell gọi về NASA chia sẻ những cảm xúc của mình: “Xem thử bên ngoài cửa sổ chính có gì này, cả Trái Đất đang nằm trọn trong tầm mắt tôi đấy!”. Trên tàu, toàn bộ phi hành đoàn sững sờ, miệng không ngừng xuýt xoa cảm thán: “Đẹp thật!”. Anders lập tức chộp ngay chiếc máy ảnh trên tàu và trở thành người đầu tiên chụp được toàn bộ Trái Đất. Bức ảnh ghi lại khung cảnh vô cùng tráng lệ: Trái Đất mọc lên từ khoảng không tăm tối và choán gần hết khung hình, với khu vực Nam Mỹ đang phơi mình dưới cái nắng của mùa hè tháng 12. Và cũng như những hình chụp khác được ghi lại trong sứ mệnh lần này, cuộn phim gốc chưa được tráng vẫn nằm nguyên trong máy cho đến khi phi hành đoàn trở về. Thế nên, điều mà công chúng luôn mong ngóng – tấm ảnh mà các đài truyền hình trên khắp thế giới công bố – thật ra chỉ là phiên bản điện tử của bức ảnh huyền thoại ấy.
Thời điểm phát sóng dự kiến của chương trình trực tiếp từ tàu vũ trụ càng đến gần, lượng khán giả theo dõi trên khắp thế giới lại càng tăng thêm. Tự cổ chí kim, chưa có chương trình truyền hình nào thu hút được số lượng người xem tại một thời điểm lớn đến như vậy. Mở đầu chương trình, màn hình tivi xuất hiện khung cảnh bên trong khoang tàu vũ trụ, quả là một lời chào hỏi đầy bất ngờ dành cho cánh nhà đài chúng tôi. Sau dăm ba câu pha trò, Frank Borman giới thiệu với mọi người về cộng sự Anders đang vận hành máy quay phim. Lúc này, Anders đang hướng ống kính máy quay về phía cửa sổ và chờ đợi tàu vũ trụ “trôi” đến vị trí có thể quay được hình ảnh Trái Đất. Và rồi, anh mở lời: “Cảnh tượng mà chúng tôi muốn giới thiệu cho mọi người cùng chiêm ngưỡng sắp đến rồi.”
Nhưng ngay lúc đó, màn hình tắt vụt. Phòng Điều khiển sứ mệnh tại Houston tức tốc thông báo cho phi hành đoàn về sự cố mất hình ảnh. Khi ấy, mọi người trong phòng chỉ đành bất lực chờ đợi. Sau ít phút lo lắng trên sóng trực tiếp, phi hành đoàn báo lại rằng ống kính tele gặp trục trặc và Anders đã chuyển sang dùng một ống kính góc rộng khác. Nhưng mọi thứ chẳng có gì tiến triển. Có tiếng hỏi từ trung tâm Houston: “Này, các cậu đã tháo nắp đậy ống kính ra chưa thế?”. “Rồi”, Borman đáp cộc lốc, “mới kiểm tra xong”.
Lát sau, những tín hiệu đầu tiên đột ngột xuất hiện trên tất cả các màn hình. Một chiếc đĩa tròn dần hiện lên trong khuôn hình, trông khá nhỏ do được quay bằng ống kính góc rộng. Tuy nhiên, đó không phải là lỗi quá lớn, vấn đề nghiêm trọng hơn nằm ở độ phơi sáng. Trái Đất lúc này sáng bừng, chìm trong ánh sáng lóa mắt từ Mặt Trời. “Một đốm tròn sáng chói đang lừng lững xuất hiện trên màn hình”, tiếng từ trung tâm Houston.“Cũng khá khó để biết là chúng ta đang nhìn thấy cái gì”.
“Là Trái Đất”, Borman nói, giọng đầy hối lỗi.
Vì không tài nào cải thiện được chất lượng hình ảnh, phi hành đoàn đành dẫn công chúng tham quan một vòng bên trong khoang tàu vũ trụ. Sau đó, chúng tôi được theo dõi một bữa ăn trưa trong môi trường không trọng lực và được nghe cả lời chúc mừng sinh nhật từ Jim Lovell gửi đến mẹ anh. Trước khi buổi truyền hình kết thúc, Borman nhắn nhủ: “Hy vọng chúng tôi có thể sửa được mấy cái ống kính đó”.
Đến buổi phát sóng kế tiếp, chúng tôi dành cả ngày chờ đợi nhằm có thể chứng kiến một kỳ tích khác. Vào ngày 23 tháng 11, lượng khán giả toàn cầu dõi theo sự kiện không ngừng gia tăng và ước tính lên đến 1 tỷ người, đạt số lượng người xem cao nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó. Borman mở đầu thông báo trong niềm tự hào: “Xin chào Houston, đây là tàu Apollo 8. Máy quay truyền hình trên tàu đang hướng thẳng về Trái Đất”. Thật ra vào lúc ấy, vì không ai trong phi hành đoàn có kính ngắm, nên họ cũng hoàn toàn không biết đích xác điều gì sẽ hiện lên trong khuôn hình.
“Chúng ta đang bắt được một góc ngắm đẹp hết ý”, Houston nói. Nhưng ngay sau đó, hình ảnh Trái Đất rung lắc dữ dội rồi vụt biến mất. Phi hành đoàn trải qua những phút giây vật lộn căn chỉnh góc chụp. Dù ống kính tele vẫn hoạt động, nhưng bởi không có kính ngắm, nên họ buộc phải cố gắng tự mò mẫm điều chỉnh để chĩa ống kính hướng về phía Trái Đất trong trạng thái dập dềnh của con tàu ở độ cao gần 290.000km. Khuôn hình cứ hết “dịch qua phải một tí” lại “nhích sang trái một tẹo”.
Dẫu cho Trái Đất trên màn ảnh nhỏ cứ trượt lên trượt xuống, chao động qua lại, nhưng một phần tư nhân loại vẫn chăm chú dán chặt mắt vào từng khuôn hình, gần như không dám chớp mắt. Bởi đằng đó chính là hành tinh quê hương đang ôm trọn toàn thể nhân loại, ngoại trừ ba phi hành gia đang ghi hình nó từ tàu vũ trụ.
Năm 1968, chỉ với độc nhất một hình ảnh được phát sóng trên tivi vào đúng dịp lễ Giáng sinh, toàn nhân loại đã nhận ra một sự thật quan trọng nhất mọi thời đại, một lẽ thật vô cùng trực quan, sống động mà trước giờ con người không tài nào hình dung nổi – hành tinh của chúng ta vốn dĩ luôn bé nhỏ, đơn độc và dễ bị tổn thương. Nhưng đó chính là ngôi nhà duy nhất của con người, là nơi duy nhất mà sự sống có thể tồn tại đến tận bây giờ, là món quà độc nhất vô nhị và vô cùng quý báu.
Theo như lời Anders phát biểu: “Chúng tôi chuẩn bị tất cả mọi thứ nhằm mục đích tìm hiểu Mặt Trăng, nhưng kết quả, khám phá quan trọng nhất lại là về Trái Đất”. Quả thật, những ảnh chụp từ tàu Apollo 8 đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của người dân trên toàn thế giới. Con người nhất loạt nhận ra rằng ngôi nhà chung không hề rộng lớn như chúng ta hằng tưởng, và sự tồn tại của con người cũng có giới hạn trong vũ trụ bao la này.
Năm 1971
Dân số thế giới: 3,7 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 326 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 58%
Năm 1965, khi chấp thuận đảm nhận vị trí quản lý tại BBC, tôi đã đưa ra điều kiện rằng cứ sau mỗi hai đến ba năm, nhà đài phải cho phép tôi ra ngoài ít tuần để thực hiện một chương trình nào đó. Nhờ thế mà tôi vẫn giữ chắc tay nghề và có thể bắt kịp mọi sự thay đổi của công nghệ sản xuất truyền hình. Đến năm 1971, tôi nảy ra một dự án rất tiềm năng.
Chuyện là cho đến tận những năm đầu thế kỷ XX, các nhà thám hiểm châu Âu nếu muốn mạo hiểm bước chân ra khỏi châu lục của mình để dấn thân vào những ngóc ngách xa xôi, nguyên sơ của Trái Đất, họ phải đi bộ. Và nếu điểm đến là một xứ sở hoàn toàn xa lạ, họ phải thuê thêm nhiều người trung chuyển để vận chuyển thực phẩm, lều chiếu cùng tất cả những trang thiết bị cần thiết để có thể tự đáp ứng những nhu cầu cơ bản của bản thân dù ở bất kỳ nơi đâu. Nhưng sự phát triển của động cơ đốt trong vào thế kỷ XX đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng này; các nhà thám hiểm giờ đây đã có thể phóng trên những chiếc Land Rover hoặc Jeep, thậm chí lái cả máy bay hạng nhẹ hoặc trực thăng đến mọi nơi. Thế nhưng, tôi biết vẫn còn một xứ sở độc nhất vô nhị, nơi mà các khám phá tuyệt diệu chỉ có thể được tìm thấy bằng chính đôi chân trần của các nhà thám hiểm. Xứ sở ấy là đảo New Guinea.
Hòn đảo trải dài hàng nghìn ki-lô-mét này nằm ở phía bắc nước Úc. New Guinea có địa hình chủ đạo là những dãy núi trùng điệp cùng nhiều triền dốc dựng đứng, được phủ xanh bởi các cánh rừng nhiệt đới. Do địa hình trắc trở mà đến tận những năm 1970, vẫn còn rất nhiều khu vực trên đảo chưa bị người ngoài đặt chân đến. Chỉ có một cách duy nhất, khả dĩ nhất để khám phá nơi đó, chính là đi đường bộ cùng với một lực lượng người trung chuyển đông đảo. Đoàn thám hiểm dài ngoẵng, rồng rắn kéo nhau đi kiểu này chắc hẳn sẽ tạo nên một bộ phim lôi cuốn và hấp dẫn.
Vào lúc bấy giờ, nửa phía Đông của hòn đảo vẫn thuộc quyền quản lý của Úc. Nhờ liên lạc với những người bạn làm việc trong Đài Truyền hình Úc, tôi được biết có một công ty khai thác mỏ đã xin chính quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản tại một trong những khu vực nguyên sơ ấy. Tuy nhiên, theo quy định từ chính sách của chính phủ, họ không được cấp phép khai khoáng cho đến khi xác minh được rằng khu vực này không có người sinh sống. Quan sát những ảnh chụp từ trên cao, các bên liên quan không tìm thấy bất kỳ công trình xây dựng hay túp lều nào trong vùng, nhưng mọi người lại phát hiện một đến hai khoảnh rừng tí tẹo trông có vẻ như được phát quang bởi bàn tay con người. Trớ trêu là không khoảnh nào có diện tích đủ lớn để trực thăng đáp xuống, cho nên họ chỉ còn cách duy nhất là cử một đội tuần tra thám hiểm đi bộ tới đó để trực tiếp khảo sát. Và nếu muốn, tôi và tổ quay phim có thể đi chung với họ.
Tôi vạch ra một kế hoạch khá đơn giản. Trên đảo có một con sông lớn tên là Sepik. Dòng sông chảy về phía Đông, chảy song song với đường bờ biển ở phía Bắc của hòn đảo trước khi đổ ra biển Thái Bình Dương. Trên bờ sông, chính phủ cho xây dựng một trung tâm hành chính nho nhỏ có tên là Ambunti, đây cũng là nơi định cư của người châu Âu nằm gần với khu vực cần thám sát nhất. Laurie Bragge, nhân viên chính phủ sinh sống tại Ambunti, đồng thời là người dẫn đầu đội tuần tra thám hiểm đã tuyển mộ thêm nhiều người vận chuyển đồ đạc. Việc của chúng tôi chỉ là thuê một chiếc thủy phi cơ để có thể hạ cánh xuống mặt sông bên cạnh trung tâm hành chính của Laurie, rồi sau đó gia nhập vào đoàn thám hiểm.
Cái kế hoạch trông có vẻ dễ dàng ấy hóa ra lại là hành trình gian truân nhất mà tôi từng thực hiện. Đầu tiên, mặc dù Laurie đã cố gắng tập hợp hàng trăm người vận chuyển, nhưng tất cả vẫn không đủ sức để mang theo toàn bộ số thực phẩm mà cả đoàn cần dùng. Thế nên, sau khoảng ba tuần, đoàn thám hiểm sẽ được nhận thêm đồ tiếp tế từ máy bay trực thăng. Kế đó, chúng tôi còn phải băng cắt qua các địa hình tự nhiên để đến được nơi heo hút ấy. Đều đặn mỗi ngày, đoàn bắt đầu di chuyển từ tờ mờ sáng, phát cây cối để tạo thành lối đi xuyên qua khu rừng rậm rạp nhất mà tôi từng biết; nặng nhọc leo lên từng con dốc nhão nhoẹt bùn để leo đến đỉnh núi; sau đó đổ xuôi xuống những lùm cây ẩm ướt ở triền núi bên kia, rồi lội qua con sông nhỏ chảy uốn khúc ngoằn ngoèo. Đến bốn giờ chiều, cả đoàn dừng bước. Mọi người tranh thủ căng bạt, dựng lều dựng trại để tránh những cơn mưa tầm tã sẽ sớm trút xuống vào lúc năm giờ. Hành trình vượt qua các địa hình trắc trở cứ thế mải miết lặp đi lặp lại.
Sau ba tuần rưỡi kể từ lúc khởi hành, một thành viên trong đoàn vận chuyển chợt phát hiện ra dấu chân người tại mép rừng xung quanh khu vực chúng tôi đã phát quang để dựng trại. Rõ ràng có người lẩn khuất đâu đó quanh khu trại, theo dõi động tĩnh của đoàn từ nhiều đêm trước. Để lần ra hành tung của họ, những đêm sau đó, mỗi khi dựng xong lều trại, chúng tôi đều bày biện ra một ít đồ như dao, muối viên và cả những chuỗi hạt thủy tinh để làm quà tặng; đồng thời cắt cử một người ngồi trên một gốc cây, cách dăm ba phút lại dõng dạc nói rằng đoàn chúng tôi muốn kết bạn và có mang theo quà tặng đến đây. Thế nhưng, chắc hẳn những người mà chúng tôi đang cố gắng tiếp cận kia không thể nào hiểu được những lời “rao” từ anh chàng, bởi lẽ có hơn một nghìn loại ngôn ngữ phức tạp được sử dụng ở New Guinea, ngay đến một nhóm thiểu số cũng sở hữu tiếng nói riêng cho mình. Rốt cuộc, mặc cho những lời mời gọi ra rả nối tiếp từ đêm này qua đêm khác, những món quà vẫn cứ trơ lì nằm tại chỗ tới sáng hôm sau.
Sau gần ba tuần, nhu yếu phẩm của đoàn lúc này đã dần vơi đi. Bởi thế, chúng tôi quyết định dừng lại hạ trại. Những người vận chuyển làm việc cật lực suốt hai ngày để chặt hạ hết những thân cây cao lớn xung quanh khu trại nhằm tạo ra khoảng trống đủ lớn để trực thăng có thể thả nhu yếu phẩm tiếp tế xuống. Nhờ những nỗ lực của họ, việc tiếp ứng diễn ra thành công và chuẩn xác. Cả đoàn lại lục tục lên đường, đội vận chuyển một lần nữa chẳng nề hà mang vác những kiện hàng nặng trịch, chẳng kêu ca nửa lời, bởi lẽ cả đoàn ai cũng phải mang vác lượng hàng hóa y như vậy. Sau bốn tuần tính từ lúc xuất phát, cả đoàn đã tiến gần tới địa điểm biệt lập được đánh dấu trên bản đồ, nhưng xem chừng chuyến thám hiểm cùng bộ phim của chúng tôi sẽ không có một kết thúc như thỏa nguyện.
Bẵng đi một thời gian, vào một buổi sáng nọ, khi mới vừa thức dậy, tôi đảo mắt ngó ra bên ngoài lều thì phát hiện một nhóm đàn ông dáng người nhỏ thó. Họ đứng cách tôi chỉ vài thước, không ai cao quá một mét rưỡi. Những vị khách mới đến hầu như trần truồng, chỉ mặc độc nhất một chiếc đai khổ rộng làm bằng vỏ cây, gắn trên đó là một nhúm lá được lèn chặt ở cả phía trước và phía sau. Ngoài ra họ còn đeo một số thứ mà mãi sau này tôi mới biết đó là răng dơi. Sau khi dùng vật nhọn đâm xuyên qua cả hai bên cánh mũi, họ lấy răng dơi xỏ khuyên vào những chiếc lỗ đó. Ngày ấy, trong đoàn có một nhà quay phim tên là Hugh, chàng ta lúc nào cũng giữ khư khư chiếc máy quay đầy pin trên tay kể cả khi đi ngủ và luôn trong tâm thế sẵn sàng ghi hình mọi lúc mọi nơi. Bởi thế, khi chúng tôi vừa chạm mặt thì máy quay đã ghi hình rồi. Lúc này, bọn họ trố mắt ra nhìn như thể trước giờ chưa hề nhìn thấy loại người nào giống như chúng tôi. Tương tự, tôi chắc hẳn cũng đã giương mắt nhìn chòng chọc vào họ, bởi lẽ tôi cũng chưa từng gặp bất kỳ nhóm người nào mang dáng vẻ như vậy.
Sau giây phút ngỡ ngàng là những phút giây ngạc nhiên khi tôi nhận ra mình có thể giao tiếp dễ dàng với họ. Khi ấy, tôi cố gắng sử dụng điệu bộ, cử chỉ để diễn đạt rằng cả đoàn đang bị thiếu thức ăn. Đáp lại, bọn họ chỉ tay vào miệng rồi gật gật đầu, sau đó mở túi đưa cho chúng tôi xem một lô một lốc rễ củ đã hái được, có vẻ là khoai tây. Tại New Guinea này, muối viên được sử dụng như một dạng tiền tệ, thế nên tôi chỉ tay vào những viên muối mình đang mang theo. Bọn họ chấp thuận, thế là cuộc trao đổi được tiến hành. Laurie sau đó hỏi họ về tên của những con sông gần đây nhất. Thông điệp lần này khó nhằn hơn lúc nãy, chúng tôi phải trầy trật mãi mới lột tả được hết nội dung, nhưng ơn trời là sau cùng bọn họ cũng hiểu thông và bắt tay vào liệt kê chúng ra. Làm thế nào họ có thể nhớ được có bao nhiêu con sông? Họ đếm các bạn ạ. Thoạt tiên họ đếm bằng cách lần lượt chỉ vào từng ngón tay, sau đó lần hồi chỉ lên cẳng tay, khuỷu tay; cứ thế tiếp tục cho đến hết cánh tay và sau cùng dừng lại ở cổ. Nhưng thực chất Laurie chả mặn mà hứng thú gì đến việc tìm hiểu xem những con sông được gọi là gì hay số lượng của chúng là bao nhiêu. Điều mà anh ấy muốn điều tra đó là họ dùng bộ điệu nào để biểu thị những con số. Laurie nắm rõ từng cử chỉ đếm số của mọi nhóm người trong vùng này, thế nên nếu xác định được cách đếm mà các vị khách nhỏ bé đằng kia sử dụng, anh sẽ đoán biết được họ có liên hệ trao đổi với những nhóm nào khác.
Sau khoảng chừng mười phút, bọn họ dần lộ vẻ chán chường và bắt đầu vẫy vẫy tay, tỏ ý sắp sửa rời đi. Chúng tôi vẫy tay đáp lại, cố gắng mời mọc họ quay lại vào sáng hôm sau và mang thêm nhiều thức ăn hơn, rồi hai bên tạm biệt nhau.
Sáng hôm sau, đúng như chúng tôi kỳ vọng, bọn họ lại lộ diện và mang theo nhiều rễ củ hơn. Đoàn thám hiểm sau đó ngỏ ý xin phép được ghé thăm nơi ở của họ và có nhã ý được gặp gỡ phụ nữ và trẻ em ở đó. Sau một chút bối rối, hoặc nói đúng hơn là hơi khiên cưỡng, cả nhóm cũng gật đầu đồng ý dẫn chúng tôi vào rừng. Cả đoàn lục tục theo sau họ, đi cách nhau chừng mấy thước. Chuyến đi cực kỳ vất vả bởi thảm thực vật rừng mọc rậm rì rậm rịt. Đến đoạn rẽ sau một cái cây khổng lồ thì chúng tôi bị mất dấu họ, cả đoàn đi vòng qua bên kia thân cây cũng hoàn toàn không thấy tăm hơi, tung tích nào để lại, những người dẫn đường đã biến mất. Mọi người cất tiếng gọi nhưng không hề nhận lại bất kỳ hồi âm nào. Phải chăng chúng tôi đã rơi vào ổ phục kích? Không ai trả lời được. Sau vài phút im ắng, cả đoàn dắt díu nhau trở về nơi dựng trại.
Sau lần tiếp xúc ấy, tôi đã mường tượng được lối sống mà loài người trước đây từng trải qua. Họ sống theo từng nhóm nhỏ để có thể tìm được tất cả mọi thứ mình cần trong thế giới tự nhiên xung quanh. Những nguồn tài nguyên mà họ phụ thuộc vào đều có khả năng tự phục hồi, đồng thời lượng chất thải họ sản sinh ra cũng vô cùng ít ỏi hoặc gần như không có. Các nhóm này theo đuổi lối sống cân bằng và bền vững với môi trường tự nhiên, thậm chí có thể kéo dài mãi mãi. Vài ngày sau đó, tôi quay về với cuộc sống ở thế kỷ XX, trở lại ngồi sau chiếc bàn của mình tại Trung tâm Truyền hình.
Năm 1978
Dân số thế giới: 4,3 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 335 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 55%
BBC2 là kênh truyền hình tiên phong tạo ra một kịch bản làm phim đặc sắc và đầy tham vọng. Kênh đã thực hiện loạt phim dài 13 tập, mỗi tập có thời lượng từ 50 đến 60 phút, chọn khai thác tỉ mỉ về một lĩnh vực có vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng rộng lớn. Ban đầu, loạt phim được sản xuất nhằm mục đích phô diễn chất lượng vượt trội của hệ thống hiển thị màu mới toanh mà BBC đang áp dụng. Nhờ hệ thống này mà các thước phim đã lột tả được hết mọi vẻ đẹp tinh túy nhất của các tác phẩm hội họa, điêu khắc, của những công trình kiến trúc nổi tiếng bậc nhất châu Âu trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Loạt phim được sản xuất dựa theo kịch bản được chấp bút bởi ngài Kenneth Clark, một nhà lịch sử học mỹ thuật, và cần tới ba năm để hoàn tất. Sê-ri phim sau đó được khán giả đón nhận tích cực, thu hút đến 2,5 triệu khán giả Anh quốc. Tại Mỹ, lượng người theo dõi chương trình thậm chí còn cao gấp đôi con số ở Anh. Thành công vang dội của loạt phim là tiền đề khiến tôi lập tức bắt tay vào chỉ đạo sản xuất cho những sê-ri tiếp theo, chủ đề lần này sẽ khai thác về Lịch sử khoa học phương Tây. Kết quả, một sê-ri về lịch sử đã được lên sóng, nhân dịp kỷ niệm 200 ngày lập quốc của nước Mỹ. Cứ theo đà như vậy, các sê-ri khác lần lượt nối đuôi nhau ra đời. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu rõ rằng một sê-ri phim tuyệt vời nhất phải là loạt phim kể về câu chuyện vĩ đại nhất – câu chuyện về lịch sử của sự sống. Đây chắc chắn là đề tài sáng giá bậc nhất mà bất kỳ ai cũng đều mong mỏi được thực hiện. Nhưng đổi lại, sê-ri cũng buộc nhà làm phim phải toàn tâm toàn ý dành toàn bộ thời gian cho nó, không thể kiêm nhiệm thêm bất kỳ việc nào khác. Bởi vậy, khi đã cảm thấy đủ sau 8 năm nắm giữ vị trí quản lý đài truyền hình, cộng với khao khát được chính tay thực hiện bộ phim về lịch sử sự sống, tôi một lần nữa đưa ra quyết định từ chức, sau đó trình bày dự án đang ấp ủ của mình đến nhà quản lý kế nhiệm.
Đề xuất của tôi cuối cùng đã được chấp thuận, đồng thời dự án phim cũng được thông qua và được đặt tên là Life on Earth (tạm dịch: Sự sống trên Trái Đất). Tôi đã dành kha khá thời gian để tập hợp đội ngũ sản xuất phim, rồi viết một mạch kịch bản cho khoảng 13 tập phim. Trong quá trình làm phim, cả đoàn tuyển mộ thêm nhiều tổ quay phim mới và cắt cử họ tới hơn 30 quốc gia nhằm mục tiêu ghi hình ít nhất 600 loài động vật khác nhau. Theo kịch bản, tôi thi thoảng sẽ xuất hiện trên khung hình nhằm dẫn dắt câu chuyện, giải thích những lý thuyết phức tạp và giới thiệu về những nội dung mới; hoặc có khi tôi sẽ thực hiện động tác rời khỏi lục địa đang đứng, dịch chuyển sang một khung cảnh hoàn toàn mới và trình bày rằng phần phim kế tiếp sẽ diễn ra ở châu lục tôi vừa đặt chân tới. Với vai trò là người dẫn chuyện, tôi cùng một nhóm cộng sự phải đặt chân đến hàng loạt các địa điểm khác nhau để ghi hình. Chúng tôi đã thực hiện hai chuyến đi dài hơi vòng quanh Trái Đất, di chuyển trên quãng đường xấp xỉ một triệu rưỡi dặm (hơn hai triệu tư ki-lô-mét). Trong lúc tôi miệt mài du hành khắp nơi, sáu tổ quay phim còn lại vẫn cần mẫn tác nghiệp tại những vùng đất xa xôi, mỗi nhóm phải quay ròng rã hàng tháng trời ở mỗi điểm đến. Không chỉ phải đi xa, họ còn phải thực hiện những cảnh quay hết sức khó nhằn, khó đến mức đòi hỏi mỗi nhà quay phim phải có kiến thức và kỹ thuật đặc biệt để ghi hình cho từng đối tượng sinh vật đặc thù như: sinh vật phù du trong đại dương, các loài nhện, dơi, chim ruồi, rạn san hô,… Loạt phim kể về lịch sử sự sống này chính là dự án phim lớn nhất mà tôi đảm nhận tính từ lúc bắt đầu làm truyền hình. Mỗi lần nghĩ tới viễn cảnh được dành trọn 3 năm để thực hiện bộ phim, lòng tôi lại háo hức không thôi.
Theo kịch bản, một trong những nội dung quan trọng nhất của bộ phim chính là phân đoạn mô tả quá trình tiến hóa của các loài linh trưởng dựa vào sự phát triển của vị trí ngón tay cái. Ngón cái nằm đối diện với những ngón tay còn lại chính là đặc điểm giải phẫu giúp cho loài khỉ có thể đu bám vào cành cây, cũng như mang đến cho con người khả năng sử dụng công cụ, thậm chí là cầm bút viết lách. Đây là đặc điểm sinh học giữ vai trò then chốt cho sự trỗi dậy của giống loài chúng ta và cho cả sự hưng thịnh của nền văn minh nhân loại. Dù đoàn chúng tôi có thể chọn quay bất kỳ loài khỉ hoặc loài vượn nào đó để minh họa cho luận điểm trên, nhưng đạo diễn John Sparks đã quyết định sẽ ghi hình khỉ đột, bởi ông cho rằng đây là sinh vật bệ vệ và gây được ấn tượng sâu sắc nhất. Bởi vậy, khi hay tin có một nhà sinh vật học cừ khôi người Mỹ tên Dian Fossey đang sống cùng một đàn khỉ đột núi quý hiếm tại Cộng hòa Rwanda, một quốc gia nằm ở miền Trung châu Phi, ông đã ngay lập tức liên hệ với bà. Nhờ sống cùng Dian mà đàn khỉ đột nơi đây đã trở nên quen thuộc với sự hiện diện của con người, thậm chí đến cả người lạ cũng có thể tiếp cận chúng ở khoảng cách gần, với điều kiện có bà đi cùng. Tuy nhiên, loài linh trưởng mà bà Dian nghiên cứu hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng gia tăng dân số đột biến ở Rwanda. Hệ lụy kéo theo là vùng núi rừng nơi bầy khỉ đột sinh sống bị người dân địa phương tàn phá để dành chỗ cho các trang trại trồng trọt, khiến cho số lượng cá thể khỉ đột trong vùng giảm xuống chỉ còn dưới 300 con. Với suy nghĩ rằng sự xuất hiện của đàn khỉ đột trên sóng truyền hình có thể thu hút sự chú ý của mọi người trên khắp thế giới về thảm trạng của chúng, bà Dian nhận lời giúp đỡ đoàn phim chúng tôi. Do đó, mọi người khởi hành đến Rwanda vào tháng 1 năm 1978.
Chúng tôi sau đó hạ cánh xuống một đường băng nhỏ ở thành phố Ruhengeri, nơi nằm gần khu trại nghiên cứu của bà Dian nhất. Từ Ruhengeri, cả đoàn sẽ phải mất vài giờ trèo qua một sườn núi lửa để có thể tiếp cận với vành đai rừng trên cao nơi bà Dian sinh sống. Cũng tại đây, chúng tôi được gặp nhà khoa học trẻ tuổi Ian Redmond, một cộng sự của Dian. Cậu ấy thông báo đến cả đoàn loạt tin cực xấu. Chú khỉ đực nhỏ tuổi mà Dian làm quen từ thuở mới lọt lòng và hết mực yêu quý đã bị sát hại, sau đó bị phanh thây một cách tàn độc. Bọn săn trộm đã bắn gục nó, rồi chặt rời đầu và hai chi trước ra để bán cho bọn buôn lậu, và chúng sẽ phù phép chú khỉ xấu số thành một món đồ lưu niệm. Sự việc khiến bà đau buồn khôn xiết. Thêm nữa, căn bệnh viêm phổi trở nặng khiến Dian không thể bước chân ra khỏi khu trại. Dẫu vậy, bà vẫn sẽ gắng hết sức để trợ giúp đoàn phim chúng tôi.
Hành trình leo lên đến khu trại của Dian quả thực vô cùng gian nan và xa xôi cách trở, nhưng sau cùng thì cả đoàn cũng đến nơi. Trong cabin của mình, Dian nằm trên giường và ho ra máu – bệnh tình của bà vô cùng nghiêm trọng, thế nhưng bà vẫn một mực cho rằng bà sẽ khỏe trở lại để dẫn chúng tôi đến chỗ của đàn khỉ đột.
Sang ngày hôm sau, vì Dian vẫn còn yếu nên người dẫn chúng tôi tiến vào rừng chính là Ian. Khu vực này hoàn toàn khác biệt so với những nơi tôi từng đặt chân đến: các thân cây ở đây khẳng khiu, dáng vẹo vọ ẩn hiện trong làn sương mù, vươn lên trên những khóm cây cần tây hoặc cây tầm ma cao ngang vai chúng tôi. Nhờ vậy, một khi đã phát hiện được dấu vết của bầy khỉ đột, chúng tôi có thể dễ dàng theo đuôi chúng dựa vào những lùm cây rậm rạp này. Khoảng một giờ sau, khi nghe thấy phía trước có tiếng động, chúng tôi biết rằng mình đang đến gần bầy khỉ. Trong lúc mọi người thận trọng tiến về phía trước, Ian bắt đầu phát ra một chuỗi những tiếng gầm gừ lớn nhằm báo hiệu sự hiện diện của chúng tôi. Điều tối quan trọng là không được khiến lũ khỉ giật mình, bởi nếu làm cho bọn chúng bị kinh động, chúng tôi có thể sẽ bị con đực đầu đàn tấn công. Khi cả đoàn đi tới một khoảng đất trống, Ian ra hiệu cho mọi người dừng lại và ngồi xuống để đàn khỉ có thể nhìn thấy cả nhóm. Nếu trông thấy Ian đi cùng chúng tôi, có thể bầy khỉ sẽ không cảm thấy bị đe dọa.
Sau vài phút nghỉ xả hơi, chúng tôi lại lên đường và nhanh chóng chạm mặt một gia đình khỉ đột. Chúng đang kiếm ăn, vốc từng nắm cỏ cây nhai ngấu nghiến. Mọi người ngồi mê mẩn ngắm nhìn lũ khỉ. Ít phút sau, chúng đứng dậy rồi nhẩn nha đi dạo. Lúc này, Ian bảo rằng bầy khỉ đã chấp nhận chúng tôi, mọi người có thể ghi hình vào lần tới.
Ngày tiếp theo, nhờ sự dẫn dắt của Ian, chúng tôi đã quay được cảnh bầy khỉ đi tìm thức ăn từ một khoảng cách có chừng mực. Thế nên đàn khỉ đột hầu như không đoái hoài gì đến sự có mặt của chúng tôi. Sau đó, John đề nghị tôi xuất hiện và nói đôi lời trước máy quay, miêu tả lại cảm xúc khi được ngồi gần bầy khỉ đột. Thế là chúng tôi bèn chầm chậm tiến về phía một nhóm khỉ đột đang bận tay bận chân kiếm ăn, tôi cẩn trọng di chuyển lại gần hơn nữa cho tới khi cảm thấy những chú khỉ đã lọt vào khung hình. Lúc bấy giờ, tôi mới nhìn về phía máy quay và mở lời.
“Giây phút mắt chạm mắt với chú khỉ ấy hàm chứa một ý nghĩa gì đó. Tôi chợt nhận thấy tôi và loài khỉ dường như đã hiểu thấu lẫn nhau, nhiều hơn bất kỳ loài động vật nào khác”, tôi trầm giọng. “Thị giác, thính giác, khứu giác của khỉ đột rất giống con người, đến mức cách chúng nhìn nhận thế giới chẳng sai khác chúng ta là mấy. Xã hội loài người và loài khỉ đột cũng có những điểm giống nhau, khi cả hai đều được xây dựng dựa trên những mối quan hệ đại gia đình khăng khít. Khỉ đột cũng đi lại trên mặt đất tương tự con người, và chúng khỏe hơn chúng ta rất rất nhiều. Giả như chúng ta có thể cởi bỏ thân phận con người và đến sống dưới gầm trời của một loài khác, thì chắc chắn đó phải là thế giới của khỉ đột. Ngoài ra, khỉ đực là sinh vật vô cùng mạnh mẽ, nhưng nó chỉ dùng sức mạnh này để bảo vệ gia đình mình, thế nên rất hiếm khi xảy ra tình trạng bạo lực trong đàn khỉ. Dường như đang có một sự thật quá đỗi bất công khi con người trước giờ vẫn xem khỉ đột là biểu tượng cho mọi điều hung hãn và tàn bạo – những đặc tính vốn dĩ không thuộc về loài này, mà thay vào đó là của loài người chúng ta”.
Tôi mong mọi người nhận ra rằng khỉ đột không phải là loài thú hoang dã, hung tợn như trong truyền thuyết, mà chúng có họ hàng gần gũi với con người, và lẽ ra phải nhận được sự quan tâm chăm sóc từ chúng ta. Có một sự thật kinh khủng đó là tiến trình tuyệt chủng mà tôi từng được chứng kiến trong các mẩu đá khi còn là một cậu nhóc lúc này đang diễn ra tại nơi đây, chung quanh nơi tôi đứng, nhắm vào loài vật mà tôi đã thân thiết và cũng là họ hàng gần gũi nhất của con người. Giống loài chúng ta phải chịu trách nhiệm cho chuyện này.
Ngày kế tiếp, chúng tôi tìm thấy bầy khỉ ở địa điểm nằm cách không quá xa nơi chúng tôi chia tay chúng, cả đàn đang tụ tập trên sườn dốc nằm phía bờ bên kia của một con suối nhỏ. Trong lúc Martin Saunders điều chỉnh máy quay của mình, kỹ thuật viên âm thanh Dicky Bird gắn lên áo sơ mi của tôi một chiếc micro nhỏ không dây. Xong xuôi, John nhắc tôi đã đến lúc trình bày đôi nét về ý nghĩa của sự tiến hóa khi ngón tay cái được đặt nằm đối diện các ngón tay còn lại.
Tôi rón rén men theo sườn dốc bên này, xuôi xuống con suối nhỏ, sau đó lội qua dòng nước rồi trèo lên triền dốc ở phía đối diện, hướng đến vị trí mà tôi đoán định rằng máy quay của Martin có thể bắt trọn hình ảnh của cả tôi lẫn đàn khỉ đột. John đưa ngón tay cái lên ra hiệu đã ổn. Nhưng chưa kịp nói được lời nào, có thứ gì đó bỗng ụp xuống đầu tôi. Quay lại phía sau, tôi phát hiện một cô khỉ đột lớn lù lù xuất hiện từ đám cây cối đằng sau. Cô nàng chầm chậm đặt tay lên đầu tôi, rồi cô nhìn thẳng vào tôi bằng đôi mắt màu nâu sâu thẳm. Sau khi nhấc bàn tay ra khỏi đầu tôi, cô khỉ còn nắm môi dưới của tôi kéo trễ xuống để ngắm nghía bên trong khoang miệng. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ đây không phải là thời điểm để thuyết trình về ý nghĩa của sự tiến hóa ngón tay cái. Bỗng lại có thứ gì đó quấn lấy hai chân tôi. Hóa ra là hai chú khỉ con, chúng đang ngồi trên bàn chân tôi và nghịch ngợm những sợi dây giày.
Trong niềm hạnh phúc lâng lâng, tôi thực sự không còn chút ý niệm nào về thời gian, không còn nhận thức được sự tương tác này diễn ra trong bao lâu, nhưng chắc hẳn đâu đó tầm vài phút. Chơi chán chê mấy sợi dây giày, hai chú khỉ con thong dong rời đi. Khỉ mẹ trông thấy thế, bèn nhổm dậy ậm ạch bước theo sau.
Tôi quay về chỗ mọi người, chếnh choáng về đặc ân kỳ diệu vừa rồi. Tới sáng hôm sau, đoàn phim phải rời đi. Lúc chào tạm biệt Dian, bà bắt tôi hứa phải ra sức gây quỹ để hỗ trợ bảo tồn loài vật tuyệt vời mà bà đang hết mực chăm nom. Và chỉ một ngày sau khi trở lại Luân Đôn, tôi đã thực hiện lời hứa của mình.
***
Sau khi hoàn thành phần phim về loài linh trưởng lớn nhất thế giới, tôi cho rằng bộ phim Life on Earth cũng nên có thêm những cảnh phim về cá voi – loài động vật lớn nhất từng tồn tại.
Cách đây hàng nghìn năm, những người đàn ông gan góc đã lái những con thuyền, không dùng gì khác ngoài mấy cây lao móc cầm tay để săn bắt những chú cá voi khổng lồ. Nhưng ngay từ lúc bắt đầu, cán cân ưu thế đã nghiêng hẳn về phía cá voi. Bởi vì ngoài kích thước quá khổ so với những người thợ săn, cá voi còn có thể lặn xuống những vùng nước sâu thẳm trong lòng đại dương chỉ trong vỏn vẹn vài giây để lẩn trốn họ. Tuy nhiên, đến thế kỷ XX, cán cân này đột ngột xoay chuyển theo chiều hướng ngược lại. Con người đã tìm ra cách thức theo dõi cá voi và chế tạo những cây lao gắn thuốc nổ ở đầu để tấn công chúng. Các xưởng chế biến mọc lên hàng loạt, cả trong đất liền lẫn ngoài khơi, để xử lý một số lượng lớn xác cá voi khổng lồ trong một ngày. Săn bắt cá voi trở thành một ngành công nghiệp. Vào thời điểm tôi ra đời, mỗi năm có khoảng 50.000 cá voi bị tàn sát để cung ứng dầu, thịt và xương cho thị trường.
Những con cá voi đầu tiên tiến hóa từ các sinh vật sống trên cạn. Trong khi kích thước của các loài động vật trên cạn bị giới hạn bởi sức bền cơ học của xương (nếu khung xương phải gánh chịu một sức nặng vượt quá ngưỡng chịu đựng, nó sẽ bị gãy nát), các loài sống dưới nước lại được sức nước nâng đỡ, nhờ vậy thân hình cá voi có thể phát triển to lớn hơn các loài trên cạn rất nhiều. Và quả thực chúng đã phát triển tới kích thước khổng lồ. Mũi của cá voi dịch chuyển lên nằm phía trên đỉnh đầu, các chi trước và đuôi biến đổi thành chân chèo, còn các chi sau bị tiêu biến. Trong hàng chục triệu năm, hàng trăm nghìn loài cá voi phân bố rộng khắp các vùng biển chính là những thành tố quan trọng trong các hệ sinh thái phức tạp của đại dương rộng lớn.
Vấn đề cốt lõi kiềm chế sự sống trên đại dương mênh mông chính là khả năng cung ứng của nguồn dinh dưỡng. Tại những nơi có điều kiện dinh dưỡng thuận lợi, các loài động thực vật sẽ sinh sống ở các vùng nước bề mặt; và khi chết đi, chúng sẽ chìm dần xuống tầng nước sâu bên dưới, hình thành hiện tượng “tuyết biển’’. Ngược lại, tầng nước mặt ở những vùng biển nghèo nàn chất dinh dưỡng gần như sạch bóng các loài sinh vật. Bởi lẽ, giống như các loài thực vật trên cạn cần nước, phân bón và ánh sáng Mặt Trời, thực vật phù du – vốn là nền tảng cho cho mạng lưới thức ăn dưới đại dương nhờ khả năng quang hợp của chúng, cũng cần dinh dưỡng từ các hợp chất Nitơ trong vùng nước bề mặt ngập nắng để sinh trưởng. Thêm nữa, tại một số nơi trong lòng đại dương sẽ có những dòng hải lưu chảy qua các rặng núi ngầm, làm khuấy động những mảnh vụn hữu cơ mục rữa từ xác sinh vật ở đó và cuốn chúng trôi ngược lên những tầng nước bên trên. Những vùng nước gần bề mặt có “tuyết biển” chính là nơi để sinh vật phù du cũng như các quần thể cá sinh sôi nảy nở. Tuy vậy, phần còn lại của đại dương rộng lớn vẫn là những hoang mạc xanh thẳm, quạnh vắng, trải dài mênh mông; là những nơi không dành cho cá voi. Với cơ thể đồ sộ của mình, mỗi lần cá voi lặn sâu xuống nước kiếm ăn hoặc ngoi lên mặt biển hít thở, chúng đều làm vùng nước xung quanh bị khuấy đảo rất mạnh, điều đó giúp giữ lại các chất dinh dưỡng ở những tầng nước gần bề mặt. Và khi cá voi thải phân, chúng lại bổ sung thêm rất nhiều dưỡng chất vào vùng nước gần đó. Bởi thế, loài cá này thường được gọi là “máy bơm cá voi” (whale pump), giờ đây được thừa nhận là một phần quan trọng trong việc duy trì nguồn dinh dưỡng phong phú ở đại dương. Quả thật, ngày nay ở một số vùng biển, người ta tin rằng cá voi đã đem lại nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho các lớp nước bề mặt, nhiều hơn cả lượng dưỡng chất được những con sông trong vùng mang theo ra biển. Bởi vậy, các đại dương ở thế Holocene nhờ có cá voi đã duy trì được sự đa dạng của mình. Thế nhưng trong thế kỳ XX, có gần 3 triệu con cá voi đã bị giết hại bởi con người.
Cá voi dĩ nhiên không tài nào chịu nổi tần suất săn bắt dày đặc như vậy trong thời gian dài. Trong điều kiện bình thường, chúng có thể sống rất lâu, ví như cá nhà táng có tuổi thọ lên tới 70 năm. Cá voi cái chỉ đạt đến độ trưởng thành về cơ quan sinh dục sau khoảng chín năm tuổi, quá trình mang thai của chúng thường kéo dài hơn một năm, mỗi lần sinh lại cách nhau từ ba đến năm năm. Chính vì vậy, khi ngành công nghiệp săn bắt cá voi ngày càng cải thiện kỹ thuật đánh bắt và bắt đầu nhắm vào những con lớn nhất vì lợi nhuận cao ngất mà chúng mang lại, quá trình sinh sản của cá voi không đủ nhanh để bù đắp vào số đồng loại bị giết.
Khi bắt tay vào lên kế hoạch quay phim cho Life on Earth, theo những gì chúng tôi có thể tìm hiểu thì chưa một ai quay được cảnh cá voi xanh bơi lội ngoài đại dương bao la. Bởi vậy, cả đoàn dự định sẽ đi quay chúng. Thế nhưng, số lượng cá voi xanh đã bị sụt giảm từ khoảng 250.000 con ở thời điểm trước khi hoạt động săn bắt công nghiệp bắt đầu, xuống chỉ còn vỏn vẹn vài nghìn con vào những năm 1970; cộng thêm việc cá voi xanh phân tán rộng khắp mọi vùng nước của đại dương mênh mông và luôn bị săn đuổi bởi cánh thợ săn, khả năng tìm thấy chúng gần như là không thể.
Thế nên thay vào đó, chúng tôi chuyển sang tìm kiếm những chú cá voi lưng gù ở vùng biển ngoài khơi Hawaii. Để lần ra cá voi, ê-kíp được cung cấp một máy định vị thủy âm vào bộ trang thiết bị của đoàn. Cuối những năm 1960, một nhà sinh vật học người Mỹ tên là Roger Payne đã chuyển hướng từ việc ghi lại tiếng kêu siêu âm của loài dơi sang nghiên cứu những báo cáo của Hải quân Hoa Kỳ về những giai điệu xuất hiện trong đại dương. Chuyện là khi lực lượng hải quân thiết lập các trạm vô tuyến điện để nghe ngóng động tĩnh từ tàu ngầm Liên Xô, chẳng hạn như âm thanh đặc trưng phát ra từ các cánh quạt, họ đã phát hiện được những âm thanh kỳ lạ nghe gần giống như nhạc điệu. Payne đã khám phá được tác giả chủ chốt của những “bài hát” này chính là gần 5.000 chú cá voi lưng gù sống ở thời điểm đó. Các bản ghi âm của ông còn hé lộ: Những bài hát của cá voi lưng gù dài và phức tạp, được phát ra ở tần số thấp đến nỗi có thể được truyền đi xa đến hàng trăm ki-lô-mét trong nước. Những con cá voi cùng cư ngụ trong một vùng biển sẽ học hỏi các bài hát của nhau. Mỗi bài hát có một chủ đề riêng biệt, dựa trên đó, mỗi con cá voi đực sẽ sáng tạo nên những biến tấu của riêng mình. Những bài hát này biến đổi theo thời gian, và không ngoa khi nói rằng cá voi sở hữu cả một nền văn hóa âm nhạc.
Đến những năm 1970, Payne cho phát hành các bản ghi âm của mình trên các đĩa than. Chúng sau đó trở nên cực kỳ phổ biển và đã làm thay đổi nhận thức của công chúng về cá voi. Những con thú từng bị coi là một nguồn cung cấp dầu động vật, không hơn không kém, nay đã trở thành những sinh vật có tính người. Những bài hát thê lương của chúng được cắt nghĩa như là những tiếng khóc than kêu cứu. Trong bầu không khí chính trị căng thẳng ở thập niên 1970, phong trào lương tâm bỗng dưng được khơi dậy và chia sẻ mạnh mẽ. Cuộc vận động chống nạn săn bắt cá voi ban đầu được khởi phát bởi một vài người nhiệt thành, sau đó nhanh chóng phát triển thành một hoạt động chính thống. Con người đã nhiều lần trong lịch sử đuổi cùng giết tận, đẩy các loài động vật đến bờ vực tuyệt chủng. Nhưng giờ đây, hình ảnh về một cuộc tận diệt đã xuất hiện rõ mồn một trong các thước phim tròng trành, run bần bật do những nhà hoạt động chống săn bắt cá voi dũng cảm tự tay quay lại. Việc thảm sát cá voi đã không còn được chấp nhận nữa. Bề mặt đại dương loang lổ máu đã không còn bị giấu giếm, những lò sát sinh trong các xưởng xẻ thịt đã không còn bị ém nhẹm. Săn bắt cá voi từ vị thế khai thác đại dương đã trở thành một hành động tội ác.
Không ai mong muốn các loài động vật bị tuyệt chủng cả. Công chúng giờ đây đã bắt đầu quan tâm hơn đến thế giới tự nhiên nhờ nhận thức của họ về thiên nhiên đã trở nên sâu sắc hơn. Và truyền hình chính là một phương tiện giúp khai mở thế giới quan đó cho khán giả trên toàn thế giới.
***
Sau ba năm quay dựng, loạt phim Life on Earth đã được phát hành vào năm 1979. Sê-ri sau đó đã được bán cho một trăm vùng lãnh thổ trên toàn cầu với lượng khán giả ước tính khoảng nửa tỷ người. Life on Earth mở đầu bằng tập phim mang tên “Sự đa dạng vô cùng tận”. Tập phim xoay quanh một cuộc khảo sát trên diện rộng về sự đa dạng của các loài động thực vật, qua đó khẳng định ngay từ những giây đầu tiên: sự đa dạng của các loài thực sự rất quan trọng đối với sự sống. Mười một tập tiếp theo tái hiện những bước ngoặt và ngã rẽ trong hành trình mang đến sự đa dạng đáng nể trên, và tập cuối cùng, tập 13 của loạt phim, chỉ tập trung khai thác về một giống loài duy nhất: loài người chúng ta.
Tôi không hề muốn nhìn nhận rằng, con người theo một cách nào đó đã tách mình ra khỏi thế giới động vật. Bởi lẽ, con người không hề có một vị thế đặc biệt nào cả. Chúng ta không được ấn định sẵn là giống loài thượng đẳng, không là nấc thang cuối cùng của sự tiến hóa; chúng ta chỉ đơn giản là một loài của cây sự sống. Tuy thế, con người đã phá vỡ được rất nhiều rào cản vốn vẫn đang ràng buộc các loài còn lại. Vì vậy, trong tập cuối cùng của loạt phim, tôi đã đứng ở Quảng trường Thánh Peter thuộc Rome, xung quanh ken đặc những Người tinh khôn đổ về từ khắp mọi nơi trên thế giới, để cố gắng bày tỏ quan điểm của mình.
“Các bạn và tôi”, tôi nói, “là những sinh vật chiếm ưu thế và phổ biến nhất trên Trái Đất. Từ những chỏm băng ở các cực cho đến các khu rừng nhiệt đới ở Xích Đạo, đâu đâu cũng bắt gặp con người sinh sống. Chúng ta lặn xuống lòng đại dương sâu hút, trèo lên những ngọn núi cao nhất, thậm chí còn bay ra khỏi Trái Đất và đặt chân lên cả Mặt Trăng. Chúng ta chắc chắn cũng là loài động vật đông đảo nhất. Vào những năm 70, dân số thế giới khoảng bốn tỷ người, và chúng ta leo đến cột mốc này chỉ trong vỏn vẹn khoảng 2000 năm. Có vẻ như chúng ta đã gỡ bỏ được những giới hạn vốn chi phối hoạt động cũng như số lượng của các loài động vật khác”.
Khi tôi bước sang tuổi năm mươi, dân số thế giới khi ấy đã tăng gấp đôi so với hồi tôi mới sinh ra. Chúng ta ngày một trở nên tách biệt hơn so với phần còn lại của sự sống trên Trái Đất, với lối sống vô cùng độc đáo, và khác biệt. Loài người đã tiêu diệt hầu hết những loài thú săn mồi đe dọa đến mình, kiểm soát được phần lớn các loại bệnh tật, phát triển nhiều phương thức để sản xuất lương thực theo nhu cầu và hưởng thụ cuộc sống hết sức tiện nghi. Khác hẳn với tất cả những giống loài còn lại trong tiến trình lịch sử sự sống trên Trái Đất, loài người đã thoát khỏi áp lực tiến hóa đến từ quá trình chọn lọc tự nhiên. Dù cơ thể loài người không có nhiều thay đổi lớn trong suốt 200.000 năm qua, nhưng các hành vi và hình thái xã hội thì lại biến cải theo khuynh hướng ngày một tách bạch loài người ra khỏi môi trường tự nhiên xung quanh. Không còn bất cứ điều gì có thể kìm hãm được chúng ta. Không còn bất cứ điều gì có thể ngăn cản được chúng ta. Trừ khi chúng ta tự thân dừng lại, bằng không mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất sẽ tiếp tục bị con người tiêu thụ đến cạn kiệt.
Những nỗ lực can trường của Dian Fossey, những thành tựu của phong trào chống săn bắt cá voi, công cuộc cứu loài ngỗng Hawaii thoát khỏi sự tuyệt chủng của Peter Scott, quá trình tái thả loài linh dương sừng thẳng Ả Rập về môi trường hoang dã, nỗ lực thiết lập các khu bảo tồn hổ ở Ấn Độ,… tất cả những hành động trên đều được thực hiện bởi đội ngũ các nhà hoạt động môi trường đang không ngừng lớn mạnh. Họ còn nhiệt huyết vận động gây quỹ hay thúc đẩy các chính sách bảo vệ các loài quý hiếm. Nhưng! Chừng ấy sự cố gắng vẫn là chưa đủ, toàn bộ môi trường sống vẫn sẽ sớm đến hồi diệt vong. Đó là một kết cục tất yếu gây ra bởi bản tính tham lam vô độ của Người tinh khôn chúng ta.
Năm 1989
Dân số thế giới: 5,1 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 353 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 49%
Tôi nhìn thấy đười ươi lần đầu tiên vào ngày 24 tháng 7 năm 1956, trong chuyến ghi hình lần ba cho chương trình Zoo Quest. Đó là một cuộc gặp gỡ đáng nhớ vô cùng. Loài vượn lớn đầu tiên mà tôi chạm mặt trong hoang dã là một chú đười ươi đực to lớn. Chú ta khoác lên mình bộ lông đỏ quạch, đung đưa trên cành và ngó chằm chằm xuống tôi, ánh mắt chứa đựng vẻ thích thú xen lẫn chút khinh mạn. Cảnh phim về đười ươi lần này khá tệ, cậu chàng không những bị ngược sáng mà còn bị che khuất mất nửa người. Nhưng không sao, dù gì thì hình ảnh về đười ươi chưa bao giờ được công chiếu trên các chương trình truyền hình trước đây. Những thợ săn bản địa, sống trong những căn nhà dài1 nơi đoàn phim đang lưu trú, nằm ở nửa bên kia sông Mahakam, phía Đông Borneo, là những người đã giúp chúng tôi tìm ra chú đười ươi này. Nhưng khi chúng tôi vừa rời đi, một người trong số họ đã giương súng bắn hạ nó. Tôi tức giận quay ngược trở lại, truy hỏi tại sao lại làm thế. Gã ta bèn kể rằng những con đười ươi khác đã vào quấy phá các loại cây mà gã trồng để nuôi gia đình mình. Tôi không thể lên giọng dạy bảo rằng không được làm như vậy. Bởi tôi chẳng là cái thá gì cả!
Chú thích:
1. Nhà dài (longhouse) là loại nhà chỉ có một phòng duy nhất, hẹp và dài đến hàng trăm mét. Đây là nơi ở của hàng trăm thành viên của một đại gia đình - BTV
Rừng mưa nhiệt đới là môi trường sống đặc biệt quý giá, bởi đây là nơi có mức đa dạng sinh học cao nhất Trái Đất, hơn một nửa số loài trên cạn được tìm thấy trong những cánh rừng xanh tốt um tùm nơi đây. Thực vật trong rừng được sinh trưởng trong miền nhiệt đới nóng ẩm, nơi luôn ngập tràn ánh nắng và nguồn nước dồi dào – hai yếu tố thiết yếu đối với hầu hết tất cả mọi loài thực vật. Nằm gần Xích Đạo, các khu rừng còn được Mặt Trời chiếu sáng đều đặn 12 giờ mỗi ngày, ổn định đến nỗi thời tiết trong năm ở đây hầu như không bị phân chia theo mùa. Các luồng không khí tập trung hơi nước bốc lên từ khắp vùng nhiệt đới, sau đó trút xuống các khu rừng, đẩy lượng mưa lên đến 4.000mm mỗi năm. Rừng mưa nhiệt đới cũng có chu trình nước riêng: vào mỗi sớm mai, dưới sức nóng của toàn bộ bức xạ Mặt Trời, hơi ẩm sẽ thoát ra từ hàng nghìn tỷ chiếc lá, hóa thành hơi nước bốc lên cao, sau cùng tụ thành mưa rơi xuống trở lại.
Sự cạnh tranh không gian sống xảy ra trên khắp Trái Đất, nhưng chỉ rừng mưa nhiệt đới là nơi có sự kèn cựa mạnh bạo và quyết liệt nhất, bởi đây là “vườn địa đàng” của mọi loài thực vật. Trong rừng có nhiều thân cây khổng lồ, vươn cao đến tận 40m, choãi những cành nhánh to sụ ra tứ phía để đón lấy ánh sáng. Những thân cây cao to sừng sững này cùng nhau dựng nên một môi trường sống cực kỳ hiếm gặp trên mặt đất, đó là môi trường sống trải rộng theo cả ba chiều không gian. Bên dưới tầng vòm cao ngút, các nhành cây đóng vai trò như những cung đường dành cho những loài không biết bay, len lỏi kết nối mọi ngóc ngách trong khu rừng. Sâu xuống phía dưới là tầng đáy tối tăm, nơi những bộ rễ to nhỏ đan xen, chằng chéo nhau giúp những thân cây khổng lồ đứng vững. Hàng ngàn loài thực vật ở đây tự mình thích nghi theo nhiều cách khác nhau. Một số quấn vào thân cây, bò từ dưới lên nhằm chiếm lấy vị trí có ánh sáng mặt trời chiếu rọi tới. Số khác lại bén rễ mọc trên những cành cây lớn, có lẽ hạt của chúng đã được chim chóc phát tán đến đây. Ngay cả gần mặt đất tối om cũng có nhiều dạng sống, chúng sinh trưởng một cách chậm chạp bởi chỉ có nguồn dinh dưỡng lấy từ đám lá chết rơi rụng.
Động vật dĩ nhiên phân bố rộng khắp thảm thực vật trong rừng. Các loài động vật kích thước nhỏ có số lượng nhiều áp đảo so với những loài to lớn. Chủng loài động vật ở đây cũng vô cùng đa dạng, từ động vật không xương sống cho đến động vật có vú nhỏ và cả chim chóc, cụ thể hơn là các loài chim ăn hạt, chim họ gõ kiến, thú gặm nhấm thân cây, các loài ăn hoa, hái quả, xén lá,... Mối quan hệ tương liên giữa các loài động thực vật chưa bao giờ thôi hấp dẫn các nhà sinh vật học, những người luôn cố gắng bóc tách chúng ra. Người ta có thể tìm thấy ở đây những chú ong bắp cày dành hầu hết đời mình sống bên trong những quả sung bé tí; thấy đám bù lạch cuộn tròn thân mình trong những bông hoa; hay nòng nọc bơi lội trong ấm của họ cây nắp bình; thằn lằn dùng những đường viền hoặc hoa văn loang lổ trên da để ngụy trang, giúp cơ thể hoàn toàn ẩn mình vào thân cây, không thể bị phát hiện đến khi chúng di chuyển. Rừng mưa nhiệt đới là nơi để những cuộc thử nghiệm cũng như các hình thức tiến hóa mới mẻ được diễn ra theo cách tự do và phóng khoáng nhất.
Thời tiết chỉ độc một kiểu ở vùng nhiệt đới giúp đem đến tính nhất quán cho rừng, qua đó thúc đẩy đa dạng sinh học. Cây cối giờ đây không còn bị trói buộc, phụ thuộc vào thời gian biểu của thời tiết, chúng có thể đơm hoa, kết trái, tạo hạt quanh năm suốt tháng. Một số loại cây ở đây gần như cho quả liên tục. Số khác sinh trưởng, phát triển kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, xen giữa đó là những đợt trổ hoa, tạo quả. Vậy nên, không giống như những khu rừng ở phía Bắc và phía Nam, quá trình thụ phấn, tìm hạt tích trữ, hái quả kiếm ăn trong rừng mưa nhiệt đới không còn là những hoạt động theo mùa. Thức ăn ở đây sẵn có quanh năm, mỗi đợt ra quả có thể cùng được tiêu thụ bởi hàng chục loài đến từ nhiều nhóm động vật khác nhau. Rừng nhiệt đới có đến hàng triệu loài sinh vật, nhưng vì hầu hết các loài sinh tồn với số lượng cá thể ít, có không gian sống hữu hạn; cho nên nhiều loài đã trở nên chuyên biệt hóa một cách sâu sắc. Ví như một loài côn trùng chỉ có thể sống dựa vào một loài thực vật duy nhất, đậu trên một loại cây duy nhất. Kết quả là sự kết nối trong mối quan hệ giữa các loài sẽ có những ràng buộc phức tạp, làm cho bất kỳ loài nào cũng đều là một mắt xích quan trọng trong tổng thể hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới.
Chú đười ươi từng ám ảnh tâm trí tôi là một ví dụ. Loài này phân bố rộng khắp các cánh rừng ở Borneo và Sumatra, giữ vai trò chủ chốt trong việc giúp phát tán hạt của nhiều loài cây tạo tầng vòm. Đười ươi mẹ dành ra mười năm để chăm sóc bầy con của mình, hướng dẫn chúng cách thu hái hàng chục loại hoa quả khác nhau. Vì là loài động vật to lớn và có chế độ ăn gần như chỉ toàn là thực vật, nên mỗi ngày chúng phải ngốn rất nhiều thức ăn. Do vậy đười ươi phải di chuyển liên tục để tìm kiếm các loại hoa quả chín. Sau khi bị ăn, các loại hạt có thể bị nhổ toẹt ra tại chỗ hoặc nằm lại nhiều ngày trong dạ dày đười ươi và được chúng mang đi xa đến vài ki-lô-mét, sau cùng bị tống ra ngoài cùng bãi phân. Cả hai cách trên đều giúp hạt giống gia tăng cơ hội nảy mầm; và trong nhiều trường hợp, đó là những điều kiện thiết yếu để cây mọc lên.
Sự phong phú đáng kinh ngạc của các chủng loại cây chính là bệ đỡ cho sự đa dạng sinh học tuyệt vời ở rừng mưa nhiệt đới. Nhưng đó cũng là những đặc tính đang dần bị chúng ta loại bỏ. Trong suốt nhiều năm làm các chương trình truyền hình, tôi đã được ghé thăm các khu rừng ở khu vực Đông Nam Á rất nhiều lần. Vào những năm đầu thập niên 60, Malaysia và sau đó là Indonesia bắt đầu biến những cánh rừng mưa nhiệt đới cùng sự đa dạng sinh học đến choáng ngợp của nó thành nơi trồng duy nhất một loại cây: cây cọ dầu. Năm 1989, khi tôi đến Malaysia thực hiện sê-ri phim Trials of Life (Tạm dịch: Bản thử nghiệm của cuộc sống), nơi đây chỉ có khoảng hai triệu héc-ta (ha) đất trồng cây cọ dầu. Khi ấy, tôi nhớ mình đã đi dọc theo một con sông để tìm kiếm những con khỉ vòi. Xung quanh chúng tôi lúc bấy giờ là những tán xanh thân thuộc, những chú chim cứ thi thoảng vài phút lại vụt bay ra từ những tán cây. Tôi tự nhủ với bản thân mình: “Chà, mọi thứ xem chừng vẫn ổn đấy chứ!”. Nhưng... khi quay trở lại trên một chiếc máy bay, tôi đã nhận ra dáng hình thực sự của mảng rừng này. Đó chỉ là một mảng rừng trải rộng khoảng chừng nửa dặm và được bao quanh bởi một dòng con nước, một dải rừng chật hẹp và phơi mình ra bên ngoài thế này chắc chắn sẽ dần bị suy thoái mỗi ngày. Và khi phóng tầm mắt từ trên không nhìn về phía bên kia cánh rừng, tôi chỉ thấy những hàng cây cọ dầu đơn điệu, chạy dài ngút ngàn.
Sự biến mất của những cánh rừng trù phú và diệu kỳ quả là điều cực kỳ khó chấp nhận. Cư dân Đông Nam Á đang hồn nhiên lặp lại những sai lầm mà người châu Âu và Bắc Mỹ đã từng phạm phải. Ảnh chụp vệ tinh đã cho thấy quan cảnh hiện nay của hai châu lục này: những khoảnh rừng xanh thẫm nhỏ xíu, bị chia cắt và cô lập giữa những mảnh đất canh tác nông nghiệp rộng lớn. Thật ra người ta luôn có động cơ kép thúc đẩy việc chặt hạ rừng. Con người trước tiên thu được lợi từ gỗ, sau đó lại tiếp tục hưởng lợi từ việc canh tác trên mảnh rừng đã được phát quang. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi con người chính là những kẻ phá rừng vô cùng bền bỉ và năng suất. Theo ước tính, hiện nay trên toàn thế giới đã mất đi gần 3 tỷ cây so với thời điểm nền văn minh nhân loại vừa chớm bắt đầu. Vậy nên những sự việc đang diễn ra ở đây chỉ là chương mới trong lịch sử phá rừng đã trải dài hàng nghìn năm trên quy mô toàn cầu.
Giờ thì đến lượt rừng mưa nhiệt đới. Và cũng giống như mọi phương diện khác ở nửa sau của thế kỷ XX, cũng là nửa sau cuộc đời tôi, hoạt động của con người diễn ra với quy mô ngày một lớn và tốc độ ngày một nhanh sau từng năm. Một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới trên thế giới đã biến mất. Đười ươi ở Borneo không thể sống tách rời khỏi rừng rậm, nên số lượng cá thể đã bị giảm đi ⅔ so với thời điểm cách đây hơn 60 năm, khi tôi lần đầu tiên chạm mặt một con trong số chúng. Tuy vậy, ngày nay chúng ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy đười ươi và ghi hình chúng. Nguyên nhân không phải do số lượng đười ươi vẫn còn nhiều, mà là vì hiện nay có rất nhiều con đang sinh sống trong các khu bảo tồn và các trung tâm phục hồi, được chăm sóc bởi các nhà hoạt động môi trường – những người đã thấy được thực trạng đáng báo động từ tốc độ suy giảm số lượng đười ươi.
Chúng ta không thể tiếp diễn việc chặt phá rừng nhiệt đới như thế, bởi vì cái gì không thể làm hoài làm mãi đều bị coi là không bền vững. Và nếu chúng ta cứ tiếp tục những hành vi không bền vững, thì những tổn hại cứ thế dần tích tụ, đến một mức độ nào đó sẽ làm cả hệ thống sụp đổ. Không có môi trường sống nào tránh được thiệt hại, dù cho chúng có rộng lớn đến cỡ nào đi chăng nữa.
Năm 1997
Dân số thế giới: 5,9 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 360 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 46%
Đại dương là môi trường sống lớn nhất thế giới, bao phủ 70% bề mặt Trái Đất và cung cấp đến 97% không gian sống trên hành tinh nhờ độ sâu của mình. Đại dương cũng gần như chắc chắn là nơi khởi nguồn của sự sống trên Trái Đất, có lẽ bắt đầu từ các vi sinh vật sống quanh các luồng nước nóng phun lên từ những lỗ thông hơi thủy nhiệt dưới đáy biển, nằm cách mặt nước vài ba ki-lô-mét. Ròng rã suốt 3,1 tỷ năm, chọn lọc tự nhiên cần mẫn tác động lên các sinh vật đơn bào đơn giản, đơn lẻ, biệt lập đó và dần hoàn thiện các chức năng bên trong tế bào của chúng. Các sinh vật đơn bào này mất 1,5 tỷ năm đầu để đạt được cấu trúc phức tạp như tế bào của chúng ta hiện nay, và mất hơn 1,5 tỷ năm nữa để có thể tập hợp lại thành tập đoàn sinh vật đơn bào, cùng hoạt động như thể một cơ thể đa bào.
Quá trình trao đổi chất của các vi sinh vật cổ đại này đã giải phóng khí mê-tan, lượng mê-tan này nổi lên trên mặt đại dương và dần làm thay đổi nhiệt độ của hành tinh. Trái Đất lúc bấy giờ lạnh giá hơn bây giờ rất nhiều. Khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí Cacbonic tới 25 lần, vì thế sự có mặt của nó trong bầu khí quyển đã giúp Trái Đất dần ấm lên, tạo điều kiện cho sự sống sinh sôi phát triển.
Sau đó vi khuẩn lam, hay còn gọi là tảo lam, xuất hiện và bắt đầu quang hợp, sử dụng năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời để xây dựng nên các mô của chúng. Quá trình quang hợp của tảo lam giải phóng khí Oxy, tạo nên một cuộc cách mạng thực sự. Oxy là nguyên liệu cơ bản giúp cho quá trình thu năng lượng từ thức ăn trở nên hiệu suất hơn rất nhiều, từ đó mở đường dẫn đến sự hình thành tất cả các dạng sống phức tạp sau này. Ngày nay, tảo lam vẫn chiếm một phần đáng kể trong số các loài thực vật phù du đang trôi nổi khắp các tầng nước nông trong đại dương. Điều này có nghĩa là, bạn, tôi và tất cả các loài động vật trên cạn đều là hậu duệ của các loài sinh vật biển. Bởi vậy, chúng ta nợ đại dương mọi thứ.
Vào cuối những năm 1990, các nhà làm phim của Ban Lịch sử Tự nhiên Đài BBC đã đề xuất thực hiện một sê-ri phim hoàn toàn mới về sự sống dưới biển với tên gọi là The Blue Planet (Tạm dịch: Hành tinh xanh thẳm). Biển cả không những là môi trường cam go và tốn kém nhất để ghi hình, mà còn là nơi khó nhằn nhất để quay lại các hành vi của động vật. Bởi bất kỳ ngày ghi hình nào cũng có thể bị hủy bỏ nếu điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn dưới nước kém hoặc những khó khăn khi truy vết các loài động vật trong lòng đại dương sâu hun hút và rộng mênh mông. Nhưng bù lại, đại dương cũng mang đến những cơ hội tuyệt vời để bắt được những khung cảnh choáng ngợp chưa từng có về thế giới tự nhiên. Người đầu tiên mang cảnh sắc dưới đại dương lên truyền hình là nhà sinh vật học đến từ thành phố Vienna tên là Hans Hass. Ông cùng với vợ mình là bà Lotte đã tiến hành quay hình ở Biển Đỏ. Tiếp sau Hans Hass, thuyền trưởng Cousteau cũng đã thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi khi từ năm này sang năm khác mang máy quay đi khắp các đại dương trên thế giới. Cousteau cũng là người phát minh ra van điều áp, thiết bị đến giờ vẫn là bộ phận đặc biệt quan trọng giúp thợ lặn có thể thở được dưới nước. Dẫu vậy, các thước phim của những người đi tiên phong ấy hầu như chưa thể lột tả được hết sự sống đa dạng ở đại dương, nơi trù phú hơn hẳn so với trên đất liền.
Quá trình thực hiện sê-ri The Blue Planet kéo dài gần 5 năm và được ghi hình ở ngót nghét gần 200 địa điểm. Nhiều cảnh tượng dưới nước đã được các nhà quay phim cự phách ghi lại, như cảnh bầy mực tán tỉnh nhau ngay trên rạn san hô; lũ rái cá lặn xuống những cánh rừng tảo bẹ để lùng sục nghêu, sò; những con cua ẩn sĩ vật nhau bên ngoài mấy chiếc vỏ rỗng; hay khung cảnh hàng ngàn con cá mập đầu búa cùng quy tụ về một ngọn núi ngầm dưới đáy biển để sinh sản. Trong số đó, thước phim kỳ công, vất vả nhất nhưng cũng ấn tượng nhất là cảnh đàn cá buồm và cá ngừ vây xanh đi săn mồi. Nhiều tàu chuyên dụng cho vùng nước sâu được huy động để tìm kiếm các loài sinh vật mới ở khu vực đồng bằng biển thẳm, hoặc để quan sát cảnh bầy lươn tranh nhau rỉa xác một con cá voi xám. Về phần mình, tôi nhận trách nhiệm viết lời thuyết minh cho những cảnh quay này.
Một nhóm khác bay ròng rã ba năm trời trên chiếc phi cơ siêu nhẹ để bắt được những khoảnh khắc thong dong của một chú cá voi xanh khi nó lướt đi giữa đại dương mênh mông, và đây cũng là phân cảnh mở màn cho cả sê-ri phim. Cá voi xanh tuy là loài động vật to lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất nhưng rất hiếm để có thể bắt gặp chúng ngoài tự nhiên, thế nên con người hầu như không biết gì nhiều về cá voi xanh. Tuy nhiên, đấy vẫn chưa phải là cảnh phim đắt giá nhất. Cảnh phim đáng giá bậc nhất trong cả sê-ri The Blue Planet chắc hẳn phải thuộc về “quả bóng mồi”. Đây là hiện tượng tự nhiên hết sức ngoạn mục, có thể sánh ngang với những khung cảnh hùng tráng ở Công viên quốc gia Serengeti. Ban đầu, đàn cá ngừ vây ráp xung quanh lũ cá mồi, áp sát chúng hướng về phía mặt nước. Chúng vờn tới vờn lui xung quanh, dồn những con mồi đang hoảng loạn của mình thành một khối cầu đặc kịt. Khi thời cơ chín muồi, chúng bắt đầu tấn công. Bầy cá ngừ từ bốn phương tám hướng phóng thẳng vào quả bóng cá mồi với tốc độ nhanh như chớp. Sau đó, cá mập và cá heo xuất hiện, chúng lao qua vùng nước đang sủi bọt sùng sục ấy và tham gia vào cuộc chơi. Cá heo xử trí vùng nước phía dưới. Chúng dùng một bức màn tạo từ các bóng khí để bao quanh đám cá, khiến cho lũ cá mồi tụ lại, vậy nên quả bóng càng thêm đặc quánh. Sau đó, ngay khi bạn vừa nghĩ rằng sự huyên náo ấy đã dịu xuống, thì đám ó biển bỗng xuất hiện và bổ nhào xuống từ trên không, đâm xuyên qua mặt nước và đớp lấy đớp để, tọng đầy cá vào miệng. Cuối cùng, một con cá voi có thể ập đến, hớp trọn phần bóng mồi còn sót lại vào khoang miệng khổng lồ của nó.
Dù những màn săn bóng mồi điên rồ như vậy xảy ra hàng nghìn lần mỗi ngày trên khắp các đại dương, thế nhưng trước giờ chưa từng có ai được quan sát cảnh tượng ấy từ dưới nước. Chúng là hiện tượng khó dự đoán nhất trong số tất cả các hiện tượng tự nhiên. Vậy nên, để có thể ghi hình được hiện tượng này, đoàn làm phim cũng phải thực hiện giống như những gì mà đám cá ngừ, cá heo, cá mập và chim ó biển đã làm: chờ đợi sự xuất hiện bất chợt và chóng vánh của một điểm nóng. Điểm nóng này chính là đám mây sinh vật phù du khổng lồ, sinh sôi nảy nở nhờ các luồng dưỡng chất dưới đáy biển sâu được các dòng hải lưu đẩy ngược lên vùng nước trên này. Những đợt “nở rộ” như vậy thu hút các loài cá nhỏ trong phạm vi hàng trăm ki-lô-mét tìm đến. Một khi những con mồi này quần tụ về đây với mật độ đủ lớn, những kẻ đi săn sẽ ra tay hành động. Chỉ trong chốc lát, đại dương điên cuồng dậy sóng. Những tổ quay phim luôn phải chơi trò mèo đuổi chuột khi cố gắng ghi lại những thước phim về hiện tượng này, họ phải quét mắt tìm khắp đường chân trời để phát hiện những đàn chim lặn xuống biển hoặc những đàn cá heo đi thành nhóm một cách có chủ đích. Các thành viên của sê-ri The Blue Planet thậm chí đã phải trải qua 400 ngày không tìm thấy được bất kỳ dấu hiệu nào. Rồi ngay khi mặt biển dậy sóng, họ phải tức tốc cập thuyền đến bên cạnh khu vực đó, nhanh chóng lặn sâu xuống bên dưới quả bóng mồi trước khi nó bị xâu xé đến mức chả còn lại gì. Quả là một công việc tiềm ẩn vô vàn rủi ro! Thế nhưng nếu ghi hình thành công, nó sẽ tạo nên những cảnh phim độc nhất vô nhị.
Vào những năm 1950, những đội tàu thương mại quy mô lớn lần đầu tiên mạo hiểm tiến vào các vùng biển quốc tế. Về mặt pháp lý, những tàu này đang hoạt động tại những lãnh thổ vô chủ, đồng nghĩa với việc họ có thể đánh bắt bao nhiêu tùy thích mà không có bất kỳ hạn chế nào. Bởi thế, thời gian đầu đánh bắt ở những vùng biển rộng lớn và chưa được khai thác như thế này, họ đã khai thác được sản lượng vô cùng lớn và phong phú. Nhưng chỉ trong một vài năm, họ bắt đầu kéo về những mẻ lưới gần như trống tuếch ở một số địa điểm. Thế là những đội tàu này kéo nhau đến vùng biển khác. Nhưng liệu rằng đại dương có thực sự rộng lớn và vô hạn như vậy hay không? Nếu rà soát lại dữ liệu đánh bắt cá trong nhiều năm, bạn có thể nhận ra nguồn cá ở từng vùng biển cứ lần lượt nối đuôi nhau bị xóa sổ gần hết. Đến giữa những năm 1970, chỉ còn vùng biển ngoài khơi phía Đông Úc, phía Nam châu Phi, phía Đông Bắc Mỹ và Nam Đại Dương là còn lượng cá dồi dào. Tới đầu những năm 1980, ngành đánh bắt cá toàn cầu trở nên ảm đạm đến mức nhiều quốc gia đã phải hỗ trợ tài chính cho các đội tàu cá của nước mình. Nói đúng hơn, các chính phủ đang phải trả giá cho hoạt động đánh bắt quá mức. Đến cuối thế kỷ XX, 90% số lượng cá lớn trên trong các đại dương trên thế giới đã bị con người quét sạch.
Việc chăm chăm đánh bắt những con cá to nhất, giá trị nhất là hành vi nguy hại vô cùng. Bởi lẽ hành vi này không những loại đi những loài cá đứng đầu chuỗi thức ăn như cá ngừ hay cá kiếm, mà nó còn diệt trừ luôn những cá thể lớn nhất trong một quần thể, ví dụ như những con cá tuyết hay cá hồng lớn nhất. Trong quần thể, kích thước của các thành viên rất quan trọng. Khả năng sinh sản của cá cái liên hệ mật thiết với kích cỡ của nó, những con cá mẹ to lớn sẽ có tỷ lệ đẻ trứng cao hơn; và hầu hết cá trong đại dương đều tăng trưởng liên tục đến hết đời. Vậy nên khi cuỗm đi những con cá có kích thước lớn hơn tiêu chuẩn, chúng ta đã đồng thời cướp mất những cá thể duy trì giống nòi tốt nhất. Quần thể cá sẽ nhanh chóng sụp đổ. Ở những ngư trường bị tận diệt, không còn bất kỳ con cá lớn nào.
Đánh bắt cá chả khác gì trò chơi mèo đuổi chuột phiên bản cải biến qua nhiều thời kỳ bởi các cộng đồng đánh bắt cá tại các vùng duyên hải trên khắp thế giới. Như thông lệ, với khả năng giải quyết vấn đề siêu hạng của mình, con người đã phát minh ra vô số phương pháp để đánh bắt cá. Công cụ khai thác cũng được tinh chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện đánh bắt ở từng vùng biển, từng kiểu thời tiết cụ thể. Nhiều thiết bị dẫn đường ra đời, từ tấm bản đồ đơn giản cho đến những chiếc đồng hồ hàng hải có thể hoạt động một cách chính xác ngay cả khi bị vứt vào những vùng biển khắc nghiệt nhất. Chúng ta có thể dự đoán nơi xuất hiện điểm nóng tụ họp sinh vật biển dựa vào kinh nghiệm của những tay đánh cá lão làng hoặc dùng đến những thiết bị đo hồi âm1 công nghệ cao. Để truy quét cá, chúng ta đã tạo ra nhiều kiểu lưới: loại thả xuống mặt nước, loại nương theo dòng chảy, loại dùng để giăng quanh bãi cạn sau đó được cuộn vào trong từ phần đáy, loại được tung ra trên không trước khi chụp xuống nước, và cả loại lưới chìm sâu xuống cào vét đáy biển. Chúng ta đo đạc độ sâu của các đại dương và thiết lập các bản đồ địa hình thềm lục địa hay rặng núi ngầm dưới biển; nhờ đó có thể biết được nên đón lõng lũ cá ở nơi nào. Sau xuồng nhỏ và ca-nô, chúng ta sử dụng đến tàu thuyền lớn để có thể đi biển nhiều tháng ròng. Chúng ta dựng lên những tường lưới đánh cá trải dài hàng dặm trong đại dương để có thể kéo về hàng tấn cá mỗi mẻ.
Chú thích:
1. Thiết bị được sử dụng để xác định độ sâu của vùng nước. - BTV
Con người đã trở nên quá sành sỏi trong việc đánh bắt cá. Nhưng thay vì khai thác một cách từ tốn, chúng ta đã tận diệt nguồn lợi thủy sản một cách ồ ạt, không thua kém tốc độ săn bắt cá voi và tàn phá rừng mưa nhiệt đới là mấy. Tăng trưởng lũy thừa là đặc tính của quá trình tiến hóa văn hóa xã hội. Ở thời đại của chúng ta, các phát minh cũng được lũy tiến. Ví dụ, nếu bạn thử kết hợp một động cơ diesel, một máy GPS và một máy đo hồi âm lại với nhau thì sản phẩm tạo thành không dừng lại ở một dạng hợp thể duy nhất của cả ba, bạn sẽ nhận được vô số dạng khác. Thế nhưng, khả năng sinh sản của các loài cá lại không vô chừng như thế, hệ quả là nhiều vùng biển ven bờ đang bị đánh bắt quá mức.
Khai thác kiểu tận diệt các quần thể cá trong đại dương là một hành động vô cùng thiếu cẩn trọng, bởi lẽ các chuỗi thức ăn đại dương vận hành theo cách hoàn toàn khác biệt so với các chuỗi thức ăn trên cạn. Trên đất liền, một chuỗi thức ăn có thể chỉ gồm ba mắt xích: cỏ, động vật ăn cỏ và sư tử. Tuy nhiên, số mắt xích trong chuỗi thức ăn đại dương thường là bốn, năm mắt xích hoặc nhiều hơn thế. Trong chuỗi, các loại thực vật phù du có kích thước hiển vi bị ăn bởi động vật phù du, những loài cũng quá bé nhỏ để nhìn thấy được; sau đó động vật phù du lại bị tiêu thụ bởi cá nhỏ. Chuỗi thức ăn cứ thế phát triển theo hướng các mắt xích phía sau tăng dần về kích cỡ và khổ miệng. Bóng mồi mà chúng ta từng đề cập chính là phiên bản mở rộng đại diện cho những chuỗi thức ăn đa dạng kiểu này, chúng cũng có khả năng tự duy trì sự bền vững và tự điều tiết. Thế nhưng, nếu một mắt xích – một loài cá kích cỡ trung bình bị thó mất khỏi chuỗi chỉ vì chúng là món khoái khẩu trên bàn ăn của con người, thì những loài có kích cỡ nhỏ hơn sẽ sinh sôi đến thừa mứa, trong khi những loài nằm ở mắt xích phía trên có khả năng bị chết đói bởi chúng không thể tự ăn sinh vật phù du mà sống được. Khi những điểm nóng tuy xuất hiện ngắn ngủi nhưng mang đến sự cân bằng đầy tinh tế dần trở nên khan hiếm hơn, dưỡng chất từ vùng nước mặt chìm thẳng xuống vùng vực tăm tối bên dưới. Đây là một khoản lỗ ròng đến hàng nghìn năm cho những sinh vật ở vùng nước mặt. Và một khi những điểm nóng từ từ vãn đi, các đại dương rộng lớn cũng bắt đầu chết dần.
Theo thời gian, con người bị buộc phải nâng cao hiệu suất đánh bắt cá bởi sức ép từ sự gia tăng dân số. Nhưng sự thật là qua từng năm, chúng ta không những phải nuôi nhiều miệng ăn hơn, mà còn bị sụt giảm giảm sản lượng cá khai thác được. Các báo cáo và ghi chép về tình hình biển cả từ thời xưa, trong khoảng từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đã mô tả về một đại dương vượt xa khỏi những ký ức sinh động nhất, đó là một đại dương mà bạn không tài nào nhận ra nổi. Những bức ảnh xưa cũ khắc họa hình ảnh người ta đứng giữa cả đàn cá hồi cao ngấp nghé đến đùi. Những báo cáo từ New English từng mô tả những đàn cá đông nghịt và bơi sát sạt bờ biển đến nỗi người dân địa phương chỉ cần lội ra đó với một chiếc nĩa trên tay là đã có thể tóm được chúng. Tại Scotland, ngư dân chỉ cần giật loại cần câu có 400 lưỡi của họ lên là đã thu được hàng đống cá bẹt mắc kẹt vào đó, hầu như không sót lưỡi nào. Cách đây vài thế hệ, ông bà chúng ta chỉ đơn giản xách lưỡi câu và lưới sợi bông ra biển là có thể bắt được cá, không cần thêm bất kỳ ngư cụ phức tạp nào khác. Thế nhưng chúng ta ngày nay lại phải vật lộn để tóm con gì đó ăn được, mặc dù đã xài tới những công nghệ hoành tráng nhất.
Biển cả ngày nay thưa cá hơn rất nhiều, thế nhưng chúng ta hoàn toàn không nhận thức được điều đó. Đây là một hiện tượng được gọi là Hội chứng xê dịch đường định mức (shifting baseline syndrome). Cụ thể, mỗi thế hệ sẽ xác định điều gì là bình thường dựa trên những trải nghiệm ở trong chính thời kỳ đó. Thế hệ ngày nay không hề biết quần thể cá lúc trước trông như thế nào, vậy nên chúng ta đánh giá khả năng cung ứng của biển khơi dựa vào thực trạng số lượng cá đã biết ở giai đoạn hiện tại. Và thế là chúng ta ngày càng ít đặt kỳ vọng vào đại dương, bởi lẽ chúng ta chưa hề được biết thế nào là một đại dương giàu có, và cũng không rõ sự trù phú ấy có thể quay trở lại hay không.
***
Song song đó, cuộc sống của sinh vật biển ở những vùng nước nông cũng dần được hé lộ. Năm 1998, một đội làm phim Blue Planet phát hiện một hiện tượng mà lúc bấy giờ còn chưa được biết đến rộng rãi: các rạn san hô dần mất đi màu sắc thanh nhã của mình và chuyển sang màu trắng. Nếu nhìn thấy chúng lần đầu, chắc hẳn bạn sẽ cảm thán trước vẻ đẹp đó – từ cành nhánh đến lông hút, lá lược, mọi thứ đều trắng tinh giống như những tác phẩm điêu khắc tinh xảo bằng đá cẩm thạch. Thế nhưng sớm thôi, bạn sẽ nhận ra một hiện thực vô cùng bi thương. Bạn đang nhìn vào... những bộ xương. Vâng, chúng chính là xương của các sinh vật đã chết đi.
Các rạn san hô được hình thành từ những động vật bé xíu tên là polyp, một loại động vật có họ hàng với sứa. Cấu tạo cơ thể polyp khá đơn giản, nó chỉ gồm một ống thân bên trong chứa dạ dày, mặt trên có miệng được bao quanh bởi một vòng xúc tu. Các xúc tu này có các tế bào châm chích giúp polyp san hô bắt những con mồi siêu nhỏ và đưa xuống miệng. Sau đó polyp sẽ khép miệng lại để tiêu hóa những con mồi vừa bắt được. Xong xuôi đâu đó, nó lại há miệng ra sẵn sàng cho bữa ăn tiếp theo. Quần thể polyp cùng nhau tạo nên những mảng tường Canxi Cacbonat nhằm bảo vệ cơ thể mềm dẻo của chúng trước những kẻ săn mồi háu đói. Dần dà, chúng tạo nên những cấu trúc đá khổng lồ, và mỗi loại san hô có một dạng kiến trúc đặc trưng riêng. San hô phối hợp với nhau kiến tạo nên những rạn san hô vô cùng rộng lớn để có thể cùng nhau tăng trưởng. Trong số đó, rạn san hô Great Barrier (Đại Bảo Tiều) nằm ở phía Đông Bắc ngoài khơi Úc là quần thể san hô lớn nhất, đến mức có thể nhìn thấy từ ngoài vũ trụ.
Chuyến viếng thăm đời sống hoang dã ở rạn san hô nơi đây về cơ bản hoàn toàn khác biệt so với mọi nơi tôi từng đi qua trên đất liền. Ngay từ giây phút đầu tiên thả mình xuống nước, bạn đã không còn là “tù binh” của trọng lực nữa. Chỉ cần khẽ vẩy một chiếc chân nhái, bạn đã có thể lướt đi theo mọi hướng. Bên dưới, rạn san hô rực rỡ sắc màu và vô cùng tráng lệ đang thấp thoáng trong làn nước xanh thẳm; nơi đây nhộn nhịp đông đúc chẳng khác gì một thành phố nhìn từ trên cao. Tập trung kỹ hơn một chút, bạn sẽ nhìn thấy cư dân ở đây quy tụ những loài có đặc điểm độc đáo nhất: những chú cá sặc sỡ, bạch tuộc tí hon, hải quỳ, tôm hùm, cua, tôm trong suốt và hằng hà sa số những loài mà bạn không nghĩ là chúng có tồn tại. Hết thảy cư dân ở rạn san hô đều mang vẻ đẹp tuyệt mỹ và khiến bạn cảm thấy sướng rơn khi bơi lặn bên trên chúng. Mọi cư dân ở đây hoàn toàn không ngó ngàng gì tới sự hiện diện của bạn, ngoại trừ những sinh vật mà bạn bơi sát bên. Nếu bị chúng để mắt tới, bạn chỉ cần đứng yên; chúng có thể sẽ lân la tiếp cận, và thậm chí là nhấm nháp găng tay của bạn nữa.
Tính đa dạng sinh học của rạn san hô được sánh ngang với rừng mưa nhiệt đới. Quần xã rạn san hô cũng trải rộng theo cả ba chiều không gian, mang đến vô số cơ hội cho các dạng sống, tạo nên sự phong phú đa dạng không kém gì rừng rậm. Nhưng những cư dân ở đây sặc sỡ và bắt mắt hơn rất nhiều. Nếu phải lưu trú tại những cánh rừng nhiệt đới nhiều tuần, hẳn bạn sẽ bắt đầu ngó quanh kiếm mấy bông hoa hay vài chú vẹt chỉ để tạm thoát khỏi tấm nền xanh rì của rừng rậm và nhìn ngắm một chút sắc màu khác. Trong khi đó, cả cộng đồng rạn san hô gồm cá nhỏ, tôm, nhím biển, bọt biển và sên biển (các loài động vật thân mềm, không có vỏ, được bao phủ bởi tua cảm), đều trông như thể chúng đã được những cô cậu học sinh giàu trí tưởng tượng trang trí, tô vẽ, khoác lên mình đủ loại sắc màu sinh động như hồng, cam, tím, đỏ, vàng,...
Các polyp không tạo nên màu sắc cho san hô, loài tảo cộng sinh sống trong các mô của san hô có tên Zooxanthellae mới chính là thứ đem lại sắc màu ấy. Zooxanthellae có khả năng quang hợp giống như thực vật, thế nên trong mối quan hệ cộng sinh động-thực vật này, cả polyp san hô lẫn loài tảo nương nhờ trên thân nó đều cùng nhau hưởng lợi. Ban ngày, khi tổ hợp cộng sinh này phơi mình dưới ánh Mặt Trời, tảo sẽ sử dụng ánh sáng để tổng hợp ra đường, cung cấp đến 90% nguồn năng lượng cần thiết cho polyp san hô. Ban đêm, polyp tiếp tục bắt mồi. Nhờ những bữa ăn này, tảo chiết lấy phần dưỡng chất mà chúng cần để thực hiện các chức năng của mình, và polyp san hô có thể tiếp tục bồi đắp công trình Canxi Cacbonat ngày càng thêm cao rộng, giúp giữ vững địa thế của cụm san hô dưới ánh Mặt Trời. Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này đã cải biến những vùng nước nông ấm áp nhưng nghèo nàn dinh dưỡng thành những ốc đảo của sự sống. Nhưng cán cân lợi ích này khá bấp bênh.
Hiện tượng tẩy trắng mà các thành viên Blue Planet bắt gặp xảy ra khi san hô bắt đầu bị căng thẳng và trục xuất đám tảo ra ngoài, để lộ màu trắng của bộ xương Canxi Cacbonat. Khi không còn tảo cộng sinh, polyp san hô bị vơi đi, trong khi đó tảo biển bắt đầu xâm chiếm lấy khu vực, bao phủ và bóp nghẹt các khung xương san hô. Bằng một tốc độ đáng báo động, xứ sở san hô thần tiên đã chuyển mình thành một vùng đất hoang tàn.
Ban đầu, nguyên nhân khiến rạn san hô bị tẩy trắng là một ẩn số. Nhưng sau đó ít lâu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hiện tượng tẩy trắng thường xảy ra ở những vùng biển đang bị nóng lên nhanh chóng. Các nhà khí hậu học cảnh báo hành tinh sẽ còn ấm lên hơn nữa nếu chúng ta vẫn tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, phát thải thêm Cacbonic và các loại khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Những loại khí này có khả năng nhốt giữ năng lượng Mặt Trời ở gần bề mặt hành tinh, làm Trái Đất nóng lên. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng nhà kính. Sự biến động bất thường của hàm lượng Cacbon trong khí quyển là đặc điểm xuất hiện ở cả 5 cuộc Đại tuyệt chủng trong lịch sử Trái Đất, nó cũng là tác nhân chính gây ra sự kiện tuyệt chủng ở kỷ Permi cách đây 250 triệu năm, khiến tất cả sự sống trên Trái Đất gần như bị xóa sổ. Nguyên nhân chính xác gây ra sự biến đổi hàm lượng Cacbon hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên chúng ta biết rằng Trái Đất đã từng xảy ra một trong những sự kiện phun trào núi lửa kéo dài nhất và quy mô rộng nhất trong lịch sử hành tinh. Khi đó, núi lửa đã hoạt động mạnh dần lên trong suốt một triệu năm, làm 2 triệu km2 lãnh thổ Siberia ngày nay bị chìm ngập dưới lớp dung nham. Các dòng dung nham len lỏi qua các tầng đá, xâm nhập vào các vỉa than khổng lồ và đốt cháy chúng, giải phóng khí Cacbonic vào khí quyển. Lượng khí Cacbonic này đã đẩy nhiệt độ Trái Đất lúc bấy giờ lên cao hơn 6°C so với nền nhiệt trung bình thời nay và làm tăng tính axit của toàn bộ các đại dương. Đại dương ấm lên gây căng thẳng cho tất cả mọi hệ sinh vật biển, cộng thêm tác động từ nồng độ axit tăng cao, các loài sinh vật có lớp vỏ Canxi Cacbonat như san hô và các loài thực vật phù du chỉ có một con đường duy nhất: Diệt vong! Sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái là điều không thể tránh khỏi, 96% các loài sinh vật biển trên Trái Đất đã biến mất.
Đại dương đang chết đi, những diễn tiến đầu tiên đã dần được hé lộ trong quá trình làm sê-ri phim The Blue Planet vào những năm 1990. Đó là bằng chứng khủng khiếp cho thấy con người ngày nay đủ khả năng hủy diệt mọi sinh vật sống trên phạm vi rộng lớn. Đáng sợ hơn nữa là chúng ta không hề đặt chân đến biển nhưng vẫn có thể gián tiếp phá hoại đại dương. Không cần phải khổ sở dọn dẹp cây cối như khi tàn phá rừng mưa nhiệt đới, chúng ta chỉ việc ngồi đây thôi cũng đã gây tổn hại đến những hệ sinh thái xa xôi trên khắp thế giới. Không cần phải đến tận nơi, đám khí bụi mà chúng ta thải ra từ các hoạt động, dù cách xa đại dương cả nghìn dặm cũng đủ khiến nhiệt độ và tính chất hóa học trong đại dương thay đổi.
Hoạt động núi lửa chưa từng có ở kỷ Permi phải phun trào gần một triệu năm mới đầu độc đại dương. Nhưng con người chúng ta mất vỏn vẹn chưa tới hai trăm năm để đẩy đại dương vào thảm trạng giống như vậy. Chỉ trong vài thập kỷ đốt nhiên liệu hóa thạch, chúng ta đã giải phóng ra lượng Cacbon Dioxit được các loài thực vật tiền sử nhốt giữ trong hàng triệu năm. Sinh giới chưa bao giờ là đối thủ của hàm lượng Cacbon đột biến trong khí quyển. Sự phụ thuộc của con người vào than, dầu và khí đốt đã tước đi sự lành tính và ổn định của môi trường sống, kích hoạt những sự kiện dự báo cho một trận tuyệt chủng hàng loạt.
Thế nhưng, cho đến những năm 1990, có rất ít bằng chứng chắc chắn về một thảm họa bên ngoài đại dương đang đến gần. Dù cho đại dương ấm lên nhưng nhiệt độ không khí toàn cầu vẫn tương đối ổn định. Người ta dẫn ra một lập luận nghe khá sốc: nhiệt độ không khí không thay đổi bởi vì đại dương đang hấp thụ phần lớn nhiệt lượng dư thừa khi Trái Đất nóng lên. Điều đó đang lấp liếm đi những tác động mà chúng ta đang gây ra. Đến một thời điểm nào đó, không lâu nữa đâu, mọi thứ sẽ dừng lại. Những đợt tẩy trắng san hô chính là điềm báo “chim hoàng yến trong mỏ than”1, đánh động cho chúng ta về một vụ nổ sắp ập tới. Đối với tôi, đó là dấu hiệu đầu tiên và đáng tin cậy dự báo về một Trái Đất đang dần mất cân bằng.
Chú thích:
1. “Chim hoàng yến trong mỏ than” là thành ngữ nói về sự báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới. Nó xuất phát từ câu chuyện thực tế về các thợ mỏ thường mang chim hoàng yến xuống mỏ than. Loài chim này rất nhạy cảm với khí methane hay khí CO có thể rò rỉ trong mỏ. Một khi xảy ra rò rỉ, chim hoàng yến thường chết trước bất kỳ loài nào khác, từ đó thợ mỏ được cảnh báo và rời khỏi mỏ ngay lập tức – ND (Đây là ghi chú của người dịch)
Năm 2011
Dân số thế giới: 7,0 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 391 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 39%
Frozen Planet (Tạm dịch: Hành tinh băng giá) là bộ phim trọng điểm kế tiếp mà tôi tham gia sản xuất. Phim lấy chủ đề về Bắc Cực và Nam Cực, những xứ sở vô cùng hoang vu nằm ở hai đầu Trái Đất. Đến năm 2011, nhiệt độ trung bình trên thế giới đã cao hơn 0,8°C so với hồi tôi vừa mới sinh. Tốc độ ấm lên lúc này đã vượt xa bất kỳ tốc độ nào từng xuất hiện trong suốt 10.000 năm qua.
Tôi đã đến thăm các vùng cực trong nhiều thập kỷ. Khung cảnh nơi đây hoàn toàn khác biệt so với những nơi còn lại trên Trái Đất, và chúng cũng là mái nhà chung của những sinh vật đã thích nghi được với cuộc sống cực kỳ khắc nghiệt. Thế nhưng, xứ sở này đang dần thay đổi. Mùa hè ở Bắc Cực đang kéo dài hơn, nghĩa là quá trình tan băng xảy ra sớm hơn, đồng thời quá trình đóng băng diễn ra muộn hơn. Khi đến một vài địa điểm với kỳ vọng sẽ tìm được những dải băng biển ở đó, nhiều tổ quay phim lại chỉ thấy mênh mông toàn nước là nước. Có những hòn đảo cách đây chỉ vài năm vẫn còn bị nhốt trong băng biển, thì giờ đây đã có thể tiếp cận bằng thuyền. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy diện tích băng biển mùa hè ở Bắc Cực đã bị sụt giảm 30% trong vòng 30 năm. Nhiều sông băng trên khắp thế giới cũng đang tan với tỉ lệ cao kỷ lục.
Tốc độ tan chảy của băng mùa hè đang tăng lên nhanh chóng. Sự ấm lên của nhiệt độ không khí và của vùng nước vỗ quanh mép các tảng băng trôi đã khiến cho cho băng tan nhanh hơn. Khi băng tan mất, những mảng trắng ở hai cực bị thu hẹp hơn. Nước biển sẫm màu lúc này phải hấp thụ nhiều nhiệt lượng từ Mặt Trời hơn, chúng tạo thành một vòng lặp luẩn quẩn khiến cho tốc độ băng tan cứ thế tăng lên mãi. Ở lần cuối cùng Trái Đất ấm như thế này, lượng băng biển lúc đó vẫn ít hơn bây giờ rất nhiều. Quá trình tan chảy tuy có khởi đầu ì ạch và chậm chạp, nhưng một khi đã bắt được đà thì không có bất cứ thứ gì còn đủ sức cản nó lại được.
Băng rất quan trọng với hành tinh của chúng ta. Ở mặt dưới của băng biển, tảo duy trì và sinh sôi nhờ tiếp nhận những tia sáng mặt trời chiếu xuyên qua lớp băng. Thảm tảo được coi như “bãi chăn thả” của các loài động vật không xương sống và các loại cá nhỏ. Và những sinh vật này lại trở thành nền tảng cho chuỗi thức ăn ở cả Bắc Cực lẫn Nam Cực – những vùng biển đa dạng nhất trên thế giới – cung cấp thức ăn cho cá voi, hải cẩu, gấu, chim cánh cụt cùng nhiều loài chim khác. Con người cũng được hưởng lợi từ sự trù phú của những vùng biển băng giá này. Mỗi năm có hàng triệu tấn cá được đánh bắt ở hai vùng cực Bắc và cực Nam xa xôi, sau đó tỏa đi khắp các thị trường trên toàn thế giới.
Mùa hè ở các vùng cực nóng hơn khiến cho quãng thời gian không có băng biển bị kéo dài hơn. Điều này quả thực là thảm họa đối với loài gấu Bắc Cực, bởi băng biển phương Bắc chính là bệ đỡ mà chúng dựa vào để đi săn hải cẩu. Vậy nên trong suốt mùa hè không băng, gấu trắng chỉ đành tha thẩn đi lang thang trên các bờ biển Bắc Cực, sống cầm hơi nhờ lượng chất béo dự trữ và chờ đợi lớp băng hình thành trở lại. Khi thời kỳ không băng biển kéo dài, các nhà khoa học phát hiện ra một xu hướng rất đáng lo ngại: đám gấu non được sinh ra bởi gấu mẹ đang bị rút cạn chất béo sẽ có kích cỡ nhỏ hơn bình thường. Theo đà như vậy, cứ mỗi lần mùa hè kéo dài thêm một chút thì gấu mẹ lại sinh ra lứa gấu con gầy gò hơn. Đến một thời điểm, mùa hè trong năm diễn ra quá lâu khiến cho tụi gấu con được sinh ra còi cọc, ốm yếu đến mức chúng không thể nào sống sót qua mùa đông đầu tiên ở vùng cực. Kết quả là toàn bộ loài gấu Bắc Cực sẽ biến mất.
Các điểm bùng phát như thế này xảy ra nhan nhản trong hệ thống phức tạp của giới tự nhiên. Những dấu hiệu cảnh báo trước khi một ngưỡng giới hạn bị chạm tới thường rất không rõ ràng. Nhưng một khi ngưỡng giới hạn của điểm bùng phát bị vượt qua, nó sẽ gây ra những biến đổi bất thường và toàn diện, dẫn tới sự hình thành một trạng thái mới. Việc đảo ngược trạng thái vừa được thiết lập là điều không thể, bởi lẽ những biến động sau điểm bùng phát đã gây ra quá nhiều mất mát, đã đẩy quá nhiều thành tố rơi vào tình trạng mất ổn định. Chúng ta chỉ có duy nhất một cách để tránh khỏi những thảm họa như thế này, đó là để ý đến các dấu hiệu cảnh báo, chẳng hạn như sự suy giảm kích thước của những chú gấu Bắc Cực con, sau đó xác định được bản chất hiện tượng và mau chóng bắt tay vào hành động.
Men dọc theo bờ biển Bắc Cực thuộc Nga, chúng ta có thể tìm thấy một dấu hiệu tương tự. Moóc là động vật sống chủ yếu dựa vào loài trai cư trú ở một vài khu vực cụ thể dưới đáy biển Bắc Cực. Giữa những buổi đi săn cá, moóc thường quăng mình lên băng biển để nghỉ ngơi. Thế nhưng, những chốn nghỉ ngơi đó giờ đây đã tan chảy. Tình thế buộc chúng phải bơi vào các bờ biển thuộc những miền duyên hải xa xôi. Nhưng những nơi phù hợp với chúng thì lại hiếm hoi vô cùng. Kết quả là hàng chục nghìn cá thể moóc (⅔ số lượng moóc Thái Bình Dương) phải cùng nhau chen chúc trên một bãi biển duy nhất, khiến bờ biển trở nên đông nghẹt. Do đó, một vài con lần mò trèo lên triền dốc, leo tới tận đỉnh vách đá. Khi ra khỏi nước, thị lực của moóc rất kém, nhưng mùi vị biển cả thì chúng không thể nào nhầm lẫn được. Lũ moóc cảm nhận được biển đang ở dưới kia, ngay dưới chân vách núi, và chúng đã cố gắng quay về đó bằng con đường ngắn nhất! Cảnh tượng một con moóc nặng ba tấn rơi xuống từ vách núi dựng đứng và nhận lấy cái chết đau đớn sẽ là hình ảnh khó có thể quên được đối với mỗi người. Không cần là một nhà tự nhiên học, hẳn bạn cũng có thể nhận ra chúng ta đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng ở đâu đó.
Năm 2020
Dân số thế giới: 7,8 tỷ người
Cacbon trong khí quyển: 415 ppm
Vùng hoang dã còn lại: 35%
Tác động của con người hiện nay đã mang tính toàn cầu, cuộc tấn công mù quáng của chúng ta lên hành tinh đang làm thay đổi những quy tắc cơ bản của thế giới sinh học. Và dưới đây là hiện trạng hành tinh vào năm 2020:
Chúng ta đang khai thác hơn 80 triệu tấn hải sản từ các đại dương mỗi năm, khiến nguồn cá sụt giảm đi 30%, đẩy chúng vào tình thế nguy cấp. Hầu hết các loài cá lớn ở đại dương đã bị vơ vét sạch.
Trên toàn thế giới, hơn một nửa lượng san hô vùng nước nông đã biến mất và các đợt tẩy trắng san hô hàng loạt xảy ra gần như mỗi năm.
Các dự án phát triển vùng duyên hải cộng với các dự án nuôi trồng thủy sản đã làm suy giảm hơn 30% diện tích rừng ngập mặn và thảm cỏ biển.
Hạt vi nhựa ngập tràn khắp đại dương, hiện hữu từ vùng nước mặt cho đến những rãnh đại dương sâu nhất. Hiện có khoảng 1,8 nghìn tỷ mảnh nhựa đang trôi nổi trong một bể rác khổng lồ ở Bắc Đại Tây Dương, chúng bị mắc kẹt trong xoáy nước xoay tròn do các dòng hải lưu tạo nên. Bốn bể rác khác cũng đang manh nha hình thành trên những vòng xoáy tương tự ở các đại dương khác.
Nhựa đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn của đại dương, hơn 90% loài chim biển có các mảnh nhựa trong dạ dày. Năm 1983, tôi có dịp đặt chân lên đảo Aldabra trong quá trình thực hiện bộ phim The Living Planet (Tạm dịch: Hành tinh sống). Nơi đây là một khu bảo tồn thiên nhiên, có rất ít người được phép đến thăm hòn đảo. Lúc bấy giờ, chỉ có quả dừa biển Coco de mer khổng lồ đang dập dềnh ngoài bờ biển mới là những vật thể trôi nổi đáng chú ý. Nhưng gần đây, khi một đoàn làm phim khác cũng ghé đến hòn đảo thì đập vào mắt họ là những bãi rác trên bờ biển. Những con rùa khổng lồ trên đảo, nhiều con đã sống hơn một thế kỷ, giờ phải bò trên đống chai nhựa, can dầu, xô chậu, lưới nylon, cao su,… nằm lổn ngổn. Rác thải của chúng ta đã xâm chiếm mọi bãi biển trên hành tinh.
Chung cảnh ngộ với biển cả, các hệ thống nước ngọt cũng bị đe dọa. Hơn 50.000 con đập to lớn đã làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của hầu hết tất cả các dòng sông lớn trên thế giới. Chúng còn làm thay đổi nhiệt độ của nước, tác động đáng kể đến thời gian di cư và các mùa sinh sản của cá.
Các con sông không những trở thành bãi rác mà chúng còn gánh thêm phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất công nghiệp; những thứ mà chúng ta thải vào đất đai nơi chúng chảy qua. Nhiều con sông trên khắp thế giới đã trở thành những nơi ô nhiễm nhất của môi trường. Chúng ta dùng nước sông để tưới tiêu cho cây trồng, làm cho mực nước sông xuống thấp trầm trọng. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi tại một số thời điểm trong năm, nhiều con sông không còn đủ nước để đổ ra biển.
Công trình xây dựng mọc lên khắp các bãi bồi và vùng ven cửa sông. Nhiều vùng đất ngập nước bị chúng ta làm khô cạn đến mức diện tích của chúng giờ đây chỉ còn phân nửa so với lúc tôi ra đời.
Những tác động của chúng ta vào hệ thống nước ngọt đã làm giảm sút số lượng động thực vật cư trú trong môi trường này. Sự suy thoái của các loài động thực vật nước ngọt diễn ra nghiêm trọng hơn nhiều so với các môi trường sống khác. Tính trên toàn thế giới, chúng ta đã làm biến mất đến 80% số lượng động vật nước ngọt. Ví dụ, sông Mê-kông ở Đông Nam Á đóng góp một phần tư sản lượng cá nước ngọt được đánh bắt trên toàn thế giới và cung cấp lượng protein quý giá cho 60 triệu người. Tuy nhiên, tổ hợp tác động từ việc xây đập, gây ô nhiễm, khai thác quá độ và đánh bắt quá mức đã khiến cho sản lượng cá khai thác được giảm dần qua từng năm. Không chỉ sụt giảm về số lượng, khối lượng và kích cỡ cá đánh bắt được cũng teo tóp theo. Những năm gần đây, một vài ngư dân đã phải đem mùng ngủ ra để cố gắng vớt vát được vài thứ ăn được.
Hiện nay, có tới 15 tỷ cây xanh bị đốn hạ mỗi năm, phân nửa rừng mưa nhiệt đới trên toàn thế giới đã mất đi. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc phá rừng là xây dựng trang trại nuôi bò lấy thịt. Hoạt động chăn nuôi khiến diện tích rừng bị chặt phá cao gấp đôi so với tổng diện tích bị mất từ những lý do khác cộng lại. Chỉ tính riêng Brazil, quốc gia này đã dành ra 170 triệu héc-ta đất – diện tích rộng gấp 7 lần Vương quốc Anh, để làm bãi chăn nuôi gia súc. Và dĩ nhiên phần lớn diện tích đất này từng là rừng mưa nhiệt đới. Nguyên nhân thứ hai đến từ việc trồng đậu nành. Hoạt động này ngốn khoảng 131 triệu héc-ta đất, và phần lớn chúng nằm ở khu vực Nam Mỹ. Hơn 70% sản lượng đậu nành được sử dụng để làm thức ăn cho đàn gia súc nuôi lấy thịt. Nguyên nhân thứ ba là trồng cọ dầu. 21 triệu héc-ta đất được dùng để trồng cọ dầu và tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á.
Diện tích rừng còn lại bị cắt xẻ thành nhiều phần manh mún bởi những con đường chạy ngang dọc, xen kẽ những đồn điền và trang trại. 70% trong số đó là những khoảnh rừng lụn vụn có chu vi mép ngoài dài không quá 1km. Số lượng rừng sâu âm u còn sót lại là vô cùng ít ỏi.
Số lượng côn trùng trên toàn cầu giảm đi một phần tư chỉ trong vỏn vẹn 30 năm. Ở những nơi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, tỷ lệ này còn cao hơn thế. Những nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng Đức mất đi 75% côn trùng biết bay, Puerto Rico mất gần 90% côn trùng và nhện sống ở tầng tán rừng. Cho đến nay, côn trùng là lớp sinh vật đa dạng nhất trong tất cả các loài. Nhiều loài trong số chúng là các côn trùng thụ phấn, là mắt xích thiết yếu trong nhiều chuỗi thức ăn. Số khác là những loài ăn thịt, là nhân tố chủ chốt trong việc kìm hãm các quần thể côn trùng ăn thực vật gây dịch bệnh.
Một nửa diện tích đất màu mỡ trên Trái Đất đang được dùng để trồng trọt, và chúng ta thường xuyên khai thác chúng quá mức. Chúng ta hòa tan Nitrat vào nước tưới lên đất và bón phân Photphat vào đất đến thừa thãi, chăn thả gia súc quá mức, đốt đồng cải tạo đất, cấy vào đất hàng tá loại cây trồng không phù hợp, phun thuốc trừ sâu giết hại những loài động vật không xương sống vốn giúp duy trì sự phì nhiêu trong đất. Nhiều loại đất đang mất dần lớp đất bề mặt của nó, bị biến đổi từ một hệ sinh thái đất vô cùng đa dạng với cơ man nào là nấm, giun, vi khuẩn chuyên hóa và một lượng lớn các loại vi sinh vật khác thành những nơi khô cứng, cằn cỗi, bạc màu và không còn sinh vật đất. Khi nước mưa rơi xuống lớp đất mặt chai cứng, nó sẽ chảy trượt đi và gây ngập úng nặng. Thế nên, hiện nay nhiều vùng lõi của các quốc gia chuyên canh nông nghiệp thường xuyên bị nhấn chìm trong lũ lụt.
75% số lượng chim trên hành tinh là các loài gia cầm, trong đó đại đa số là gà. Cả thế giới tiêu thụ 50 tỷ con gà mỗi năm và bất cứ thời điểm nào cũng có 23 triệu con gà cùng tồn tại trên Trái Đất. Rất nhiều gà được nuôi bằng những loại thức ăn làm từ đậu nành có xuất xứ từ những mảnh rừng bị tàn phá.
Có một sự thật đáng kinh ngạc hơn nữa là con người và các loại gia súc gia cầm của mình chiếm tới 96% tỷ trọng khối lượng của tất cả các loài động vật trên Trái Đất, trong đó chỉ riêng con người đã chiếm đến ⅓ tổng số. Các loài động vật có vú được thuần dưỡng – chủ yếu là bò, lợn và cừu, chiếm hơn 60%. Vỏn vẹn 4% còn lại thuộc về tất cả các loài động vật có vú trong tự nhiên từ chuột, voi cho đến cá voi.
***
Kể từ những năm 1950, trung bình đã có hơn một nửa số lượng động vật hoang dã bị mất đi. Giờ đây, mỗi khi xem lại những thước phim cũ, dù vẫn có cảm giác như mình được hòa vào thiên nhiên ngoài kia, được lang thang trong thế giới tự nhiên còn nguyên sơ; thế nhưng tôi biết mọi thứ đều là ảo mộng. Những khu rừng, đồng bằng và biển đã kiệt quệ; nhiều loài động vật to lớn đã trở nên khan hiếm. Đường định mức đã bị dịch chuyển, khiến cho chúng ta nhìn nhận một cách sai lệch về tất cả sự sống trên Trái Đất. Chúng ta đã quên mất mình từng có những khu rừng ôn đới rộng đến mức phải mất nhiều ngày đường mới có thể đi xuyên qua, quên mất từng có những đàn bò rừng đông đến mức chỉ cần đứng im chờ chúng đi qua thôi cũng đã mất ngót nghét bốn giờ, quên mất mình từng có những đàn chim đông nghịt, ken đặc giăng kín không gian, khiến trời đất tối sầm lại. Nhưng những điều “bình thường” đó chỉ bình thường đối với những người thuộc thế hệ trước. Sự trù phú ấy giờ đây không còn nữa, và chúng ta đang dần cảm thấy “bình thường” đối với tình trạng nghèo nàn hiện có trên hành tinh của mình.
Chúng ta đã thay thế hoang dã bằng thuần hóa. Chúng ta coi con người là chủ nhân của hành tinh này. Trái Đất bị cai trị bởi con người, phải phục dịch cho con người. Phần còn lại dành cho thế giới sinh vật là vô cùng ít ỏi. Thế giới hoang dã thực sự – thế giới không có con người – đã biến mất. Chúng ta có mặt ở khắp mọi nơi trên Trái Đất.
Tôi tranh thủ dành những năm sau này để trình bày về sự bá quyền của con người ở mọi nơi có thể: từ Tổ chức Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho đến trước các nhà tài phiệt ở London và cả những người tham gia lễ hội ở Glastonbury. Tôi ước mình không phải tham gia vào cuộc đấu tranh này và nguyện rằng “cuộc chiến” này không cần phải diễn ra. Nhưng dù sao, tôi cũng đã cực kỳ may mắn khi cuộc đời hồng phúc cho phép tôi có cơ hội đứng lên tranh đấu. Nếu như dửng dưng trước những mối hiểm họa mà mình đã nhận ra, tôi chắc hẳn sẽ tự dằn vặt bản thân rất nhiều.
Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân về những việc khủng khiếp mà nhân loại đã làm với Trái Đất trong suốt khoảng thời gian tôi sinh sống trên hành tinh này. Dù rằng sau tất cả, nhịp sống thường nhật vẫn tiếp diễn một cách bình thường, Mặt Trời vẫn mọc lên vào mỗi sáng và những tờ báo vẫn đều đặn được quẳng vào thùng thư; thế nhưng hầu như ngày nào tôi cũng trăn trở với suy nghĩ: Liệu rằng chúng ta có đang vô thức bước đến thảm họa, giống như những người dân Pripyat tội nghiệp năm xưa?