Trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Kế hoạch CM-12 (1984 – 2019) tại Hòn Đá Bạc, tỉnh Cà Mau, chúng tôi thật bùi ngùi, xúc động khi gặp lại những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ an ninh và đồng bào đã từng tham gia kế hoạch. Và thật vui được gặp lại cả những người một thời lầm lỡ nhưng đã kịp tỉnh ngộ và lập công chuộc tội trong những năm tháng cam go, hào hùng của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bùi ngùi vì cuộc gặp mặt vắng khá nhiều tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ mang trọng trách trong Kế hoạch CM-12 năm xưa không về Cà Mau tham dự được nữa vì họ đã trở thành người thiên cổ. Đó là Thượng tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ; Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm; Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thi Văn Tám, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Trần Tôn Thất; Thiếu tướng Tống Ngọc Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh và một số cán bộ, chiến sĩ khác.
Đặc biệt là không còn sự hiện diện của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phước Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, người cán bộ chỉ huy chủ chốt an ninh lão thành, người đã cho tôi cơ hội thu thập tư liệu và thể hiện giúp ông cuốn Kế hoạch phản gián CM-12 gần hai mươi năm trước.
Thời gian cứ trôi qua, lùi xa sự kiện đặc biệt này nhưng âm vang chiến công CM-12 vẫn thôi thúc tôi cầm bút viết tiếp những chuyện “bây giờ mới kể” sau hàng chục năm nằm trong hồ sơ và lớp bụi của thời gian.
Trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc, Kế hoạch CM-12 là một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc và tiêu biểu nhất của Công an nhân dân Việt Nam. Đã có nhiều bài báo hoặc cuốn sách viết về kế hoạch này được đăng công khai từ tháng 12 năm 1984 khi Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vụ án gián điệp biệt kích do Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh cầm đầu đến nay.
Tác giả cuốn sách này vốn là một chiến sĩ của lực lượng trinh sát kỹ thuật nghiệp vụ an ninh, rất may mắn và vinh dự được tham gia Kế hoạch CM-12 từ đầu và gần như đến khi kết thúc. Từ cuối năm 1980 và đầu năm 1981, khi vụ án mở ra, được tiếp cận với những thông tin và tài liệu ban đầu, với tư cách là một cán bộ nghiên cứu ở bộ phận tham mưu vừa trực tiếp chiến đấu vừa xử lý tin tức, tài liệu liên quan, được phép của các cấp lãnh đạo, chỉ huy, tôi đã thu thập và viết một cuốn tài liệu tham khảo nội bộ phục vụ công tác với tựa đề “Mưu đồ bị đảo ngược” khoảng vài trăm trang, mặc dù chưa đủ thông tin.
Đến tháng 12-1984, kết thúc giai đoạn một của Kế hoạch CM-12, tôi được Nhà xuất bản Công an nhân dân mời tham gia đoàn nhà văn, nhà báo do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tổ chức đi thực tế ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau để viết, làm phim về chiến công đặc biệt này. Trưởng đoàn là Đại tá Nguyễn Kim Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chính trị CAND, nguyên là một chiến sĩ tình báo nổi tiếng từ thời kỳ chống Pháp. Tham gia đoàn có các nhà báo, nhà văn, đạo diễn nổi tiếng như Đỗ Quảng (báo Nhân dân), Hải Nam (Sài Gòn Giải phóng), Huỳnh Bá Thành (báo Công an TP Hồ Chí Minh), nhà văn Tôn Ái Nhân, Lê Văn Hưu (Nhà xuất bản CAND), Phạm Hoài Nam (báo Công an nhân dân), đạo diễn điện ảnh Việt Tùng (Điện ảnh CAND), Lưu Đình Triều (báo Tuổi Trẻ), Trần Quang (Đài phát thanh TP Hồ Chí Minh)…
Khi tòa án đưa các tên gián điệp, biệt kích ra xét xử, ngoài các nhà báo trong nước, có cả các phóng viên của các hãng thông tấn nước ngoài tham dự và đưa tin. Tuy nhiên, lúc đó hầu hết các nhà văn, nhà báo đều không biết cuộc chiến đấu của lực lượng an ninh trong Kế hoạch CM-12 trên thực tế vẫn tiếp diễn. Những điều gì công khai thì cơ quan chức năng đã thông báo hoặc cho biết.
Mặt khác, có nhiều lý do khác, trong đó có điều kiện thu thập thông tin, hầu hết các tác giả những bài báo và cả những cuốn sách về kế hoạch CM-12 khó có thể phản ánh một cách đầy đủ về chiến dịch phản gián quan trọng này trong lịch sử đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Sau khi kết thúc giai đoạn một với trận đánh ngày 9-9-1984 tại Hòn Đá Bạc, Kế hoạch CM-12 tiếp tục giai đoạn hai với tên gọi là Kế hoạch ĐN-10. Thực chất, Kế hoạch ĐN-10 cũng là một bộ phận của Kế hoạch CM-12 và vẫn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12.
Năm 1999, trong một lần gặp gỡ với ông Nguyễn Phước Tân, một trong những người chỉ huy chủ chốt của Kế hoạch CM-12, chúng tôi trao đổi và ông đồng ý sẽ thực hiện cuốn hồi ký nghiệp vụ về Kế hoạch CM-12. Ông Nguyễn Phước Tân có trao đổi với Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an lúc bấy giờ là Bộ trưởng Lê Minh Hương, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn… và đều nhận được sự ủng hộ!
Tôi rất phấn khởi và vinh dự nhận lãnh trách nhiệm thu thập tài liệu và thể hiện cuốn sách. Trong thư gửi Nhà xuất bản Công an nhân dân, ông Nguyễn Phước Tân có nêu rõ đồng chí Nguyễn Khắc Đức là “đồng tác giả” cuốn Kế hoạch phản gián CM-12!
Chúng tôi đã trở lại chiến trường xưa, gặp gỡ các đồng chí, đồng đội, đồng bào và nhân chứng trực tiếp tham gia Kế hoạch CM-12 để thu thập tài liệu, thông tin. Chúng tôi cũng được lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị quản lý hồ sơ nghiệp vụ tạo điều kiện thuận lợi thu thập, tham khảo các hồ sơ, tài liệu.
Cuối năm 2019, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công an cho tôi cùng tiếp ông Giăng-Lux, một người Pháp vốn có thiện cảm với cách mạng Việt Nam và từng là bạn thân của Mai Văn Hạnh thời kỳ ở Pháp và Algeria, ông cung cấp thêm một số thông tin về Mai Văn Hạnh trước và sau khi bị bắt và được ân xá rồi bị ám sát chết ở Mỹ như thế nào.
Năm 2003, cuốn hồi ký nghiệp vụ Kế hoạch phản gián CM-12 được Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản lần đầu và đến nay đã tái bản lần thứ 5. Đó là cuốn hồi ký nghiệp vụ duy nhất của lực lượng Công an nhân dân cho đến nay và chỉ được lưu hành trong nội bộ ngành Công an.
Mặt khác, với thể loại hồi ký nghiệp vụ, trong cuốn Kế hoạch phản gián CM-12 có rất nhiều chuyện, nhiều tình tiết hấp dẫn khác chưa được nêu hết. Hơn nữa, tham gia Kế hoạch CM-12 có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng an ninh với nhiều mảng công tác bí mật khác nhau. Trong các cuộc gặp mặt sau này, tôi lại được nhiều người trong số họ kể thêm cho nhiều tình tiết, tư liệu quý giá và phong phú, hấp dẫn… không nằm trong hồ sơ của các vụ án của kế hoạch phản gián có một không hai này.
Đến nay, Kế hoạch CM-12 đã kết thúc được hơn 30 năm (1988) và 40 năm kể từ khi bắt đầu (1980 – 2020). Có thể nói đã có một độ lùi đáng kể để nói được khá nhiều điều từ kế hoạch phản gián đặc biệt này. Hơn nữa, với các nguồn thông tin ngày càng mở rộng, tác giả cuốn sách đã đọc thêm một số hồi ký, hồi ức của nhiều cán bộ công an từng tham gia kế hoạch này và các chuyên án đấu tranh với gián điệp, phản động khác trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tác giả cũng nghiên cứu, tra tìm, tham khảo, chọn lọc thông tin từ nhiều phía trong hồ sơ hoặc các nguồn công khai từ nước ngoài…
Được sự động viên của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh và sự khích lệ đầy cảm hứng của các nhà văn, đồng đội, tôi viết cuốn truyện ký CM-12 - Phía sau kế hoạch phản gián này để hy vọng thể hiện đầy đủ hơn, sinh động hơn về chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Có một thực tế là, trong lịch sử quan hệ quốc tế, quan hệ giữa các quốc gia này với các quốc gia khác trải qua những giai đoạn thăng trầm, lúc là bạn, là đồng minh, nhưng cũng có lúc trở thành đối nghịch hoặc ngược lại, rồi thành đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện là điều bình thường và có thể hiểu được.
Tình hình quốc tế và khu vực hiện nay cũng đã thay đổi rất nhiều, một số quốc gia trước đây có chính sách thù địch với Việt Nam nay đã trở thành đối tác chiến lược, là bạn bè của Việt Nam. Tuy nhiên, với tinh thần tôn trọng lịch sử, trong cuốn sách này, những sự kiện, nhân vật lịch sử vẫn được thể hiện cơ bản như những gì đã diễn ra một cách trung thực, khách quan. Vì những lý do nhất định, tên tuổi của một số ít nhân vật đã được thay đổi.
Và trên hết, với tấm lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân; với niềm tự hào, vinh dự, tác giả cố gắng tái hiện phần nào những chiến công xuất sắc, sự hy sinh thầm lặng, bản lĩnh và trí tuệ tuyệt vời của lực lượng an ninh Việt Nam cũng như những âm mưu thâm độc, hành động điên cuồng của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn khó khăn và hào hùng của Kế hoạch CM-12.
Chắc chắn rằng, tác giả cũng không có tham vọng và không thể nêu hết tên tuổi và những thành tích, sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vào Kế hoạch CM-12.
Cũng xin được nói thêm rằng, cuốn truyện ký được hình thành trên những hồ sơ, tài liệu là chủ yếu và có sử dụng nhiều tư liệu cũng như kế thừa cuốn hồi ký nghiệp vụ Kế hoạch phản gián CM-12 đã được xuất bản.
Nguyễn Khắc Đức