Paris, thủ đô nước Pháp, tháng 3 năm 1975.
Thời tiết đã chuyển sang Xuân nhưng không khí lạnh vẫn làm cho người ta khó chịu. Nhưng trái ngược với thời tiết, không khí trong các sa lông chính trị lại nóng bỏng vì các tin tức từ miền Nam Việt Nam lan ra.
Tiếng súng ở chiến trường Việt Nam đã vang dội đến Washington, Bắc Kinh, Paris và các trung tâm tình báo nước ngoài. Một số chính khách và quan chức cũ của chế độ Sài Gòn sống lưu vong ở Paris nghĩ đã đến lúc họ sẽ có thể nhảy về Việt Nam kiếm chác vài vị trí chủ chốt trên chính trường. Có lẽ đây là cơ hội lớn cho họ trở lại bàn cờ chính trị với những quyền bính mà họ hằng mơ ước sau nhiều năm sống lưu vong.
Trần Văn Hữu, cựu Thủ tướng Quốc gia Việt Nam(1) và các đệ tử của ông ta, đang toan tính lật ngược tình thế, hy vọng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu trao quyền lực cho họ ở miền Nam Việt Nam.
(1) Thể chế Quốc gia Việt Nam (1949-1955) do Pháp lập ra; quốc trưởng là Bảo Đại.
Trần Văn Hữu gọi Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đến nhà riêng của ông ta ở Paris. Ông già 80 tuổi trông còn khá tráng kiện, béo tốt, nhưng hai má đã chảy sệ, tóc bạc lơ thơ chải gôm mượt ra phía sau, vẫn hào hứng ham hố quyền lực vàng son thuở nào. Trần Văn Hữu chậm rãi nói với Lê Quốc Túy, “đệ tử” thân tín và là cháu rể của ông ta:
- Toa(2) khẩn trương về Sài Gòn thực hiện kế hoạch như chúng ta đã bàn nhé! Đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta để trở về Việt Nam.
(2) Toi - tiếng Pháp, nghĩa là anh, mày, bạn.
Túy đang tuổi trung niên, râu kẽm, trông như tây lai, rất phấn khởi, nhanh nhảu trả lời:
- Dạ! Thưa cụ, tôi đã sẵn sàng.
Trần Văn Hữu là con một vị hương cả, chức sắc đứng đầu ở làng Long Mỹ, bên bờ sông Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long(1). Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc này là Trần Văn Hương, ít hơn dăm, bảy tuổi, cũng cùng quê với Trần Văn Hữu.
(1) Nay là xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long.
Sinh năm 1895, Trần Văn Hữu được cha cho học trường tây. Lớn lên, Hữu sang Pháp du học và tốt nghiệp kỹ sư canh nông. Nhưng khi về nước, Trần Văn Hữu lại chuyển nghề làm ở ngân hàng địa ốc và sống ở thành phố Sài Gòn.
Tướng mạo khá cao ráo, đạo mạo, lại được đào tạo tại Pháp và có tài ăn nói, Trần Văn Hữu lọt vào mắt xanh của Bảo Đại và cận thần. Tháng 12 năm 1946, Trần Văn Hữu trở thành bộ trưởng Tài chính trong nội các Chính phủ Nam Kỳ tự trị thuộc Liên hiệp Pháp, với thủ tướng là Lê Văn Hoạch. Năm 1947, được Pháp hậu thuẫn, cựu Hoàng Bảo Đại về nước lập chính quyền lâm thời bù nhìn ở miền Nam Việt Nam, Trần Văn Hữu trở thành phó thủ tướng và sau đó được Pháp giao chức Thủ hiến Nam Kỳ(2).
(2) Chức “Thủ hiến” là vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp của bộ máy cai trị của Pháp ở miền Nam lúc đó.
Trong thời kỳ này, có một sự kiện có dính đến vai trò của Trần Văn Hữu. Đó là cuộc đàn áp dã man học sinh, sinh viên của chính quyền do Trần Văn Hữu chỉ đạo.
Cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn yêu cầu sử dụng tiếng Việt thay cho tiếng Pháp nổ ra từ tháng 10 năm 1949 kéo sang đầu năm 1950. Sinh viên, học sinh giành được sự ủng hộ của trí thức Sài Gòn và nhân dân cả nước. Ngày 9 tháng 1 năm 1950, trong lúc phong trào đấu tranh lên cao, khoảng 2.000 học sinh, sinh viên kéo đến dinh Thủ hiến ở Sài Gòn đòi thả 12 học sinh bị chính quyền Trần Văn Hữu bắt trong cuộc bãi khóa trước đó. Đe dọa và nuốt lời hứa thả 12 học sinh, Thủ hiến Nam Việt Trần Văn Hữu ra lệnh cho cảnh sát đàn áp cuộc biểu tình bằng vũ lực. Một học sinh là Trần Văn Ơn bị cảnh sát bắn chết, nhiều người khác bị thương và bị bắt.
Sau này, sự kiện này được nhớ tới và trở thành ngày truyền thống của học sinh sinh viên Việt Nam.
Mấy tháng sau đó, Trần Văn Hữu trở thành thủ tướng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp, cũng núp dưới trào cựu hoàng Bảo Đại.
Dưới thời Thủ tướng Trần Văn Hữu, Pháp thua trận khắp nơi ở miền Nam. Trong thời gian này, Mỹ tăng cường dính líu, can thiệp, “đầu tư” vào miền Nam Việt Nam và trên thực tế đã thay Pháp làm ông chủ chính quyền bù nhìn ở miền Nam. Năm 1952, Trần Văn Hữu không còn được lòng Mỹ. Tất nhiên, Mỹ “đá” Hữu, nhưng đến tháng 3-1952, Hữu lại được cất nhắc trở lại chức “thủ tướng”, lý do Mỹ chưa tìm được người thích hợp.
Năm 1954, Pháp thất bại khắp nơi ở Việt Nam, Trần Văn Hữu lại bị “đá”, Hoàng thân Bửu Lộc lên thay. Không lâu sau đó, Mỹ hất cẳng Pháp làm “ông chủ” chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu mới sau khi hậu thuẫn Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại bằng một cuộc trưng cầu dân ý trá hình. Quốc gia Việt Nam thực chất là chính quyền bù nhìn của Pháp đã bị thay thế bằng chế độ do Mỹ dựng lên gọi là Việt Nam Cộng hòa với tổng thống là Ngô Đình Diệm. Nhiều quan chức, sĩ quan quân đội của Quốc gia Việt Nam chuyển tiếp sang làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa. Các tay chân thân cận của Bảo Đại thấy khó sống trong chính quyền mới ở miền Nam dù họ cũng mang tư tưởng chống cộng, nhiều người trong số họ đã chạy sang Pháp sống lưu vong. “Thủ tướng” Trần Văn Hữu nằm trong số đó.
Khi Hiệp định Geneva về Đông Dương ký kết, Trần Văn Hữu hy vọng sẽ trở lại chính trường nên công khai tán thành hiệp định. Năm 1955, Hữu về Sài Gòn để vận động Cao Đài, Hòa Hảo và các lực lượng khác ủng hộ để ông ta đứng đầu một chính phủ lâm thời theo đường lối trung lập ở miền Nam Việt Nam chung sống hòa bình với miền Bắc. Tuy nhiên, ý định của Trần Văn Hữu không thành vì phe thân Pháp thất thế trước phe thân Mỹ do Ngô Đình Diệm đứng đầu.
Sự có mặt của Trần Văn Hữu vào thời điểm đó không được Ngô Đình Diệm hoan nghênh. Trần Văn Hữu bị cho là có thể đe doạ đến quyền lực anh em Diệm – Nhu và là cái gai trong mắt Diệm. Mật vụ của Diệm – Nhu đã chặn đường Trần Văn Hữu không cho lên Tây Ninh gặp giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc và buộc ông ta quay trở lại Sài Gòn.
Thấy khó có thể thực hiện mưu đồ, Trần Văn Hữu quay trở về Pháp sinh sống.
Hữu tìm một biệt thự ở Neuilly, ngoại ô Paris vừa làm kinh tế vừa nuôi mộng trở lại chính trường. Khu vực Neuilly tiếp giáp với thành phố, nổi tiếng là ngoại ô giàu có và đắt đỏ nhất Paris, là khu vực mở rộng đô thị Paris. Sinh sống ở đây phần lớn là những người giàu có, với các khu biệt thự sang trọng, có các khu chung cư chọn lọc và cũng có nhiều công ty chọn Neuilly đặt trụ sở.
Trần Văn Hữu có một công ty chuyên sản xuất bìa cạc tông là LUSTUCRU. Sau này Hữu được cho là một trong những người Việt Nam giàu có nhất ở Pháp. Tuy vậy, cuộc sống dư thừa về vật chất ở xứ người không làm giảm mà ngược lại còn làm cho “máu chính trị” càng sôi trong con người ông. Ông ta vẫn chưa từ bỏ tham vọng trở lại nắm quyền lực ở Việt Nam.
Tháng 11 năm 1963, từ Paris, nghe tin Tướng Dương Văn Minh đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, Trần Văn Hữu gửi cho Tướng Minh một bức điện “khen ngợi” ông này đã giải thoát cho miền Nam khỏi một chế độ độc tài Trung cổ. Ông có ý mong muốn Dương Văn Minh nhớ đến vai trò của mình.
Cùng lúc này, Hữu thường lui tới một nhà thờ Tin lành Mỹ ở Paris với ý định nhờ một mục sư chuyển thông điệp lên Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy rằng ông ta tình nguyện đứng ra lập một chính phủ chuyển tiếp tại Sài Gòn, nhưng Washington đã lờ đi. Trần Văn Hữu cũng tìm cách quan hệ với cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris với danh nghĩa là một người Việt Nam sống lưu vong tại Pháp. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Trần Văn Hữu đăng ký và xin đến viếng cụ Hồ ở Paris.
Nuôi tham vọng trở lại chính trường, ông ta tìm mọi cách để quan hệ với vài người quen biết ở Pháp và Nhật có quan hệ ở Hà Nội để nắm tình hình và tạo chút ít vốn liếng chính trị sử dụng sau này. Mặt khác, Hữu thu hút, lôi kéo, tụ tập một số quan chức, sĩ quan từng phục vụ các chế độ ở Sài Gòn và một số thanh niên có gia đình ở miền Nam Việt Nam đang sinh sống tại Pháp, Nhật…, tập hợp thành một nhóm rình rập, chờ thời cơ nhảy ra thành lập “Chính phủ hòa hợp, hòa giải dân tộc” ở miền Nam sau khi có Hiệp định hòa bình Paris về Việt Nam. Trong số đó có mấy kẻ hăng hái Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Lại Hữu Tài,…
Nhiều năm trước, khi người Pháp nhận thấy không thể trực tiếp cai trị Việt Nam dài lâu, họ muốn dựng lên một chính quyền Việt Nam dưới sự bảo trợ của Pháp. Họ chọn một số thanh niên khỏe mạnh, biết tiếng Pháp đưa sang đào tạo quân sự ở trường Saint-Cyr; nếu đào tạo phi công thì đưa sang Marocco, sau đó đưa về căn cứ không quân Avord đào tạo tiếp. Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh được đưa đi đào tạo phi công với mục đích đó. Nhờ nghề lái máy bay, Mai Văn Hạnh trở thành thầy dạy lái máy bay quân sự của Nguyễn Cao Kỳ, người về sau trở thành Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa…
Người đàn ông có dáng cao to, mũi cao, tóc rậm chải bồng, ria mép dày tỉa tót công phu trông như Tây lai luôn mơ màng về một địa vị trên chính trường Việt Nam. Trong một giấc mơ, anh ta thấy mình chễm chệ trên ngai vàng… Một ông thầy bói khá nổi tiếng khi xem bói cho anh ta từng phán: “Anh có chân mệnh đế vương.” Vốn rất tin vào tử vi, bói toán, anh ta thường xuyên ám ảnh bởi lời của ông thầy bói, và anh ta quyết tâm thay đổi cuộc đời, bỏ hẳn nghề kinh doanh để dấn thân vào con đường hoạt động chính trị.
Vì thế Lê Quốc Túy xách cặp theo Trần Văn Hữu. Sau khi ly dị người vợ Pháp, Túy cưới Nhan Thị Kim Chi là cháu gọi Trần Văn Hữu bằng cậu ruột. Nhìn thấy tham vọng của Túy, lại là cháu con trong nhà, Hữu tin tưởng Túy sẽ giúp mình giành được quyền lực ở cố hương xa xôi.
Lê Quốc Túy sinh ngày 1-1-1934 tại An Bình, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Cha Túy là Lê Văn Năm tức Lê Văn Thiệt, thường gọi là Quản Lọ, chết vào ngày 20-7-1957. Ông Quản Lọ là một người khá giả, gốc gác ở Bến Tre, từng làm đại lý cho một số hãng tàu thuyền. Mẹ Túy là bà Vương Thị Đối, người An Bình, Hồng Ngự.
Thuở nhỏ Túy học tiểu học ở quê nhà Hồng Ngự, sau đó sang học ở Long Xuyên. Cuối năm 1948, Túy lên Sài Gòn học tại trường trung học tư thục Lycé Pétrus Ký và trường Vương Văn Cầu. Tháng 8-1950, Túy thi đậu Tú tài 1 rồi chuyển sang trường trung học tư thục Lê Tấn Thành. Vốn có tính ham chơi, không lo chuyên chú học hành, Túy thi rớt Tú tài 2 năm 1953.
Lê Quốc Túy có nhiều tham vọng, cá tính mạnh, độc đoán nhưng xốc nổi, ồn ào và hay khoa trương. Nói chuyện với đám “đàn em”, Túy hay văng tục như một kẻ võ biền.
Ngày 25-7-1953, Lê Quốc Túy tình nguyện gia nhập lực lượng không quân của Quốc gia Việt Nam thuộc Pháp. Túy được cử sang Marocco học phi công lái máy bay tại căn cứ 707, tỉnh Marakesh, sau đó chuyển tới căn cứ 702 tại Avord thuộc tỉnh Bourges, Pháp. Tháng 2 - 1955, Túy được thăng cấp từ trung sĩ 1 lên chuẩn uý phi công hiện dịch.
Vốn ham vui và có thói trăng hoa, Lê Quốc Túy thường ra ngoài ăn chơi và quen biết nhiều cô gái Pháp. Một trong số đó trở thành vợ của Túy. Cô gái này làm nghề thư ký tốc ký tên là Dupuis Jacqueline. Họ cưới nhau vào tháng 12 năm 1955, có ba đứa con, hai trai, một gái.
Trong thời gian học không quân, Túy bị kỷ luật “trọng cấm” 10 ngày vì tội đào ngũ. Ngày 6-5-1955, Túy làm đơn xin nghỉ phép 15 ngày, đơn vị chưa kịp cấp giấy phép thì Túy bỏ đi luôn đến 28-7-1955 mới trở về đơn vị. Trong thời gian này, đơn vị của y đã ra lệnh truy nã và truy tố trước tòa án quân sự. Túy bị buộc phải nghỉ việc.
Tháng 2 - 1956, Lê Quốc Túy về miền Nam Việt Nam phục vụ tại Đệ nhất Phi đoàn vận tải Tân Sơn Nhất. Thời gian đó, lực lượng không quân của chế độ Sài Gòn còn thiếu nhân sự và Túy được gọi làm việc ở Phi hành đoàn vận tải Tân Sơn Nhất đệ nhị. Tháng 3-1958, Lê Quốc Túy lại bị kỷ luật “trọng cấm” vì hay bỏ việc và trễ giờ. Sau đó bị buộc giải ngũ. Trong hồ sơ cá nhân, cấp trên của y ghi nhận xét: Kém về kỷ luật, tầm thường về chuyên môn, ham thích đời sống Pháp hơn là Việt Nam, cho giải ngũ sớm vì không cần thiết cho quân đội “Việt Nam Cộng hòa”.
Sau khi giải ngũ, Lê Quốc Túy xin làm huấn luyện viên phi công cho trường Aéro Club Sud Việt Nam. Y được Công ty hàng không miền Nam lúc đó cử sang Pháp tu nghiệp về lái máy bay dân sự. Nhưng trước khi sang Pháp, Túy phải một phen lao đao vì bị một phụ nữ là Phạm Thị Duyên ở số nhà 102 đường Sương Nguyệt Anh, Sài Gòn tố cáo Túy vay của bà ta 45 ngàn đồng không trả.
Cuối năm 1958, Túy và vợ con xuất cảnh sang Pháp, đến tháng 7-1961 Lê Quốc Túy xin nhập quốc tịch Pháp rồi ở luôn bên Pháp. Trong thời gian ở Pháp, ngoài việc học và làm việc cho Công ty hàng không Việt Nam (miền Nam) và hãng Air France, Túy còn học đại học và tốt nghiệp kỹ sư hóa học. Trong thời gian học tại trường Arts et Metiers, Lê Quốc Túy cho ra một tờ báo của sinh viên chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm.
Lê Quốc Túy vốn quen biết Trần Văn Hữu khi đi làm ở Paris. Sự hăng hái của Lê Quốc Túy lọt vào tầm ngắm của Hữu, rốt cuộc Túy được ông ta sử dụng như một tuỳ tùng, giao cho nhiều việc trong quan hệ, ngoại giao.
Cuối năm 1963, Lê Quốc Túy được giới thiệu sang Phnom Penh, Campuchia làm việc cho một cơ quan đại diện của Liên hợp quốc. Khoảng thời gian tháng 3-1965, Thái tử Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk có sáng kiến tổ chức Hội nghị nhân dân Đông Dương yêu chuộng hòa bình tại Phnom Penh. Hội nghị này có sự tham gia của nhiều đoàn đại biểu của các nước Campuchia, Việt Nam, Lào như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Cộng đồng xã hội bình dân Campuchia, Neo Lào Hắc-xạt, Lực lượng trung lập yêu nước Lào và cả một số đoàn thể, tổ chức khác gốc gác Đông Dương ở nước ngoài tham dự.
Trần Văn Hữu lập một “phái đoàn” bay sang Phnom Penh. Hữu gọi cho Túy giao nhiệm vụ liên hệ trước với Hồ Tấn Khoa, Bảo đạo Cao Đài đang sống tỵ nạn trong một ngôi thánh thất Cao Đài tại Phmom Penh.
Được dịp thể hiện, Lê Quốc Túy bèn đề nghị Hồ Tấn Khoa tổ chức một cuộc đón tiếp thật long trọng “phái đoàn” của Trần Văn Hữu tại thánh thất này để “nâng cao uy tín” cho Hữu trong hội nghị.
Cha con Hồ Tấn Khoa tổ chức đón tiếp “phái đoàn” của Trần Văn Hữu khá rình rang, hai bên nói chuyện với nhau như đã hiểu nhau. Hữu tỏ ý coi trọng lực lượng Cao Đài và nhắc lại chuyện cũ năm xưa từng muốn sang Campuchia gặp Hộ pháp Phạm Công Tắc và Bảo đạo Hồ Tấn Khoa để liên kết lực lượng nhằm lật đổ Ngô Đình Diệm.
Tại hội nghị nhân dân Đông Dương yêu chuộng hòa bình, Trần Văn Hữu và Lê Quốc Túy có ý đồ khác, dù không công khai bộc lộ quan điểm chống cộng. Kết thúc hội nghị, Trần Văn Hữu về Pháp còn Lê Quốc Túy vẫn ở lại Phnom Penh. Chính thời gian này, Túy xây dựng được mối quan hệ thân tình với cha con Hồ Tấn Khoa. Bảo đạo Cao Đài và con trai Hồ Thái Bạch đang sống tỵ nạn chính trị sau khi Hộ pháp Phạm Công Tắc, lãnh đạo tối cao của Cao Đài bị chính quyền Ngô Đình Diệm o ép sống lưu vong năm 1956.
Lê Quốc Túy cho Khoa biết Trần Văn Hữu trở lại Pháp sẽ tiếp tục vận động để trở về miền Nam Việt Nam nắm chính quyền. Trước khi Túy trở về Pháp, cả hai hứa hẹn với nhau sau này nếu có cơ hội sẽ cùng nhau hoạt động, mục tiêu là giành quyền lực ở miền Nam, xa hơn là cùng ‘chống cộng’. Sau đó Lê Quốc Túy viết thư cho Hồ Tấn Khoa, cho biết Trần Văn Hữu sang Mỹ vận động nhưng tình hình không khả quan lắm vì Mỹ đã ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền. Từ đó trở đi Lê Quốc Túy thỉnh thoảng gửi bưu thiếp cho Hồ Tấn Khoa để duy trì liên lạc.
Từ đầu năm 1967, Lê Quốc Túy được Trần Văn Hữu, lúc đó còn là ông chủ của hãng LUSTUCRU chuyên sản xuất bìa cạc tông ở Grenoble, gọi về cho làm giám đốc. Sau đó Túy còn làm giám đốc cho công ty GRAPHITE sản xuất mica ở ngoại ô Paris. Sau nhiều năm làm kinh tế, Lê Quốc Túy đã có được một số vốn kha khá. Túy cũng thường được các khoản hoa hồng khi bán bao bì, sản phẩm của nhà máy bìa cạc tông LUSTUCRU.
Là tay chân của Trần Văn Hữu, nhưng Túy nuôi tham vọng chính trị của riêng mình, y lợi dụng Hữu để nắm lấy các mối quan hệ của Hữu trong chính giới nước ngoài và ở Sài Gòn.
Tại Pháp, Túy thân thiết với Nhan Tòng, trước đây là Giám đốc Thương tín Ngân hàng Sài Gòn và em gái Tòng là Nhan Thị Kim Hoa, bà con của Nhan Thị Kim Chi. Kim Hoa có chồng là Trần Hữu Thế, Bộ trưởng Quốc gia giáo dục thời Ngô Đình Diệm. Hai vợ chồng Thế – Hoa sang Pháp sống và mở một hiệu thuốc tại Paris. Nhờ ảnh hưởng và sự giúp đỡ của Nhan Tòng và vợ chồng Nhan Thị Kim Hoa nên Lê Quốc Túy quen biết nhiều người Việt lưu vong có tư tưởng chống cộng ở Pháp. Trong số đó có Trần Văn Bá, từng đứng đầu “Tổng hội sinh viên Việt Nam” chống cộng. Trần Văn Bá là con của Trần Văn Văn, Tổng trưởng Kinh tế và Kế hoạch của chính phủ Bảo Đại, năm 1966 bị ám sát khi là dân biểu chế độ Sài Gòn.
Lê Quốc Túy có người chú họ bên ngoại là Phạm Đăng Lâm, Bộ trưởng Ngoại giao chế độ Sài Gòn, sau làm đại sứ cho Việt Nam Cộng hòa tại Philippines, có thời làm trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Cũng nhờ vậy mà Túy lân la, làm quen được với nhiều người Việt Nam có “máu mặt” ở Pháp.
Tại Paris, Lê Quốc Túy kết thân với Son Sann, tướng Dien Den và một số quan chức Khmer đỏ qua các cuộc gặp gỡ của số chính khách Đông Dương lưu vong ở Pháp.
Vào năm 1974, Lê Quốc Túy và Dupuis Jacqueline ly dị. Người vợ Pháp của Lê Quốc Túy là một phụ nữ khá đẹp và sung sức về sinh lý. Từ lâu, Túy đã không còn tin tưởng vào sự thủy chung của người vợ Pháp nữa vì trong thời gian làm việc ở Phnom Penh, Túy rất cay cú vì vợ y có mối quan hệ tình ái vụng trộm với một người Mỹ làm việc ở sứ quán Phnom Penh. Chính Túy đã bắt gặp vợ dan díu với người Mỹ này nên sau đó quyết định ly hôn.
Sau đó không lâu, năm 1976, Túy chính thức cưới Nhan Thị Kim Chi, cháu gọi Trần Văn Hữu bằng cậu ruột làm vợ, mặc dù Kim Chi kém Túy cả hai chục tuổi. Kim Chi từ Sài Gòn sang du học từ nhỏ. Vì biết Túy từ trước nên Kim Chi ủng hộ Túy hoạt động chính trị cùng với cậu ruột của mình. Lê Quốc Túy có thêm một con gái với người vợ thứ hai này và đặt tên là Lê Kim Linh.
Lê Quốc Túy có một người em trai là Lê Quốc Quân, sinh sống ở Sài Gòn, trước năm 1975 đã tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp, làm nghề dạy học. Quân còn có các tên khác là Quang, cậu Hai, cậu Năm hay “giáo sư Lộc”. Về ngoại hình, Lê Quốc Quân khá giống anh trai nhưng nhỏ con và thư sinh hơn. Lê Quốc Quân cũng nặng tinh thần chống cộng và mắc bệnh hay khoe khoang khoác lác như anh trai.
Trong nhóm của Trần Văn Hữu ở Pháp có Mai Văn Hạnh, bạn thân của Lê Quốc Túy từ khi còn học ở trường không quân Avord.
Mai Văn Hạnh sinh ngày 23-1-1928 tại Hà Nội trong một gia đình công chức thời Pháp. Cha của Hạnh là ông Mai Văn Hưng, gốc Mỹ Tho, làm nghề thú y; mẹ là một phụ nữ quê Hải Dương. Sau khi ly dị với người vợ đầu, ông Mai Văn Hưng nghỉ hưu, sang Pháp sinh sống và chết ở Pháp.
Năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn đã xé bỏ Hiệp đình lập lại hòa bình ở Đông Dương, không thực hiện cuộc tổng tuyển cử năm 1956 như hiệp định Geneva quy định. Đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền. Nhiều gia đình có con em tham gia chính quyền hoặc sinh sống ở hai miền Nam, Bắc. Gia đình Mai Văn Hạnh ở trong số đó.
Mai Văn Hạnh có 6 anh em trai. Người anh cả là Mai Văn Hớn, vốn làm nghề hàng hải, sang Pháp sinh sống rồi chết vì bệnh ung thư. Người anh kế là Mai Văn Hiến học hội hoạ tại Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1943 - 1945. Khi cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra thì chàng thanh niên Mai Văn Hiến tham gia phong trào sinh viên chống Pháp. Sau đó, ông tham gia kháng chiến và sớm lên chiến khu Việt Bắc, trở thành một hoạ sĩ trong quân đội cách mạng(1).
(1) Họa sĩ Mai Văn Hiến được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Ba người em khác của Mai Văn Hạnh ở miền Nam thì Mai Văn Hân là sĩ quan quân đội Pháp, sang Pháp định cư ở Grenoble; Mai Văn Hải mang hàm đại tá, tư lệnh trực thăng vùng 4 chiến thuật của quân đội Việt Nam cộng hòa, chạy sang Pháp mở tiệm cơm ở Paris; Mai Văn Hiền, sĩ quan kỹ thuật điện tử quân đội Sài Gòn, chạy sang Mỹ sinh sống ở Porland.
Thuở nhỏ Mai Văn Hạnh theo cha mẹ sống ở nhiều nơi mà ông Mai Văn Hưng làm việc như Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bà Rịa, Vĩnh Long. Sau đó, Hạnh được gia đình gửi một người chú cho ăn học ở Sài Gòn. Năm 1944, trường Lasan Taberd đóng cửa vì biến động và cha mẹ ly dị, Mai Văn Hạnh theo mẹ sống ở Sài Gòn. Do gia đình không đủ tiền chu cấp, Hạnh không học tới tú tài được mà phải đi học nghề để kiếm sống. Anh cả của Hạnh là Mai Văn Hớn làm nghề hàng hải đã đưa Hạnh vào học nghề và sau đó đi làm cho một công ty hàng hải của Pháp ở Nha Trang.
Năm 1952, nghe tin quân đội “Quốc gia Việt Nam” mở trường không quân ở Nha Trang, Hạnh liền bỏ việc thi vào trường này. Sau này, có lúc Mai Văn Hạnh bộc lộ là một phần bị chèn ép trong khi làm việc nên muốn chuyển nghề. Hạnh học kỹ thuật quân sự và lái máy bay trinh sát ở trường không quân. Tốt nghiệp, Mai Văn Hạnh được giữ lại làm huấn luyện viên với hàm là thiếu úy nhiệm chức. Năm 1953, Mai Văn Hạnh là thầy dạy lái máy bay của Nguyễn Cao Kỳ, một sĩ quan trừ bị của quân đội “Quốc gia Việt Nam” được phân vào lực lượng không quân. Năm 1953, Hạnh được thăng cấp trung úy. Năm 1954, Mai Văn Hạnh có đơn và được lực lượng không quân Pháp chọn đi học lái máy bay ở Marakech, Maroc, lúc này đang thuộc Pháp. Sau đó Hạnh sang học lái máy bay vận tải trong lực lượng không quân tại Avord, Pháp. Tại đây, Hạnh gặp Lê Quốc Túy, cùng chung một tiểu đội.
Mai Văn Hạnh cao, to, mũi cao và khoằm xuống kiểu diều hâu, có dáng dấp như người châu Âu. Hạnh là người có cá tính mạnh nhưng lại biết kiềm chế, ít nói song khá sâu sắc. Hạnh tự cho mình có tài và luôn theo dõi thời cuộc, đợi thời cơ tham gia chính trị sau những năm tháng chán ngán cuộc sống lưu vong làm thuê trên đất nước người.
Mặc dù tính cách có khác nhau, nhưng Túy và Hạnh khá thân nhau và cùng có một “chí hướng” với tham vọng hồi hương nắm quyền lực trên chính trường Việt Nam. Có một lần, cả hai được một ông thầy xem tướng rồi phán: “Hai anh có tướng làm vương.” Túy và Hạnh, mỗi người một tính cách nhưng đều nhớ như in lời phán của ông thầy bói nọ.
Cũng như Túy, Hạnh lấy vợ Pháp, vào quốc tịch Pháp. Sau khi học xong trường không quân Avord, Hạnh xin giải ngũ để ở lại Pháp. Vợ của Mai Văn Hạnh là Mary Vone Dagorne, một phụ nữ Pháp xinh đẹp. Họ có 3 con chung, một trai, hai gái. Con trai cũng học nghề phi công như bố, về sau thiệt mạng trong một tai nạn hàng không.
Có nghề lái máy bay vận tải quân sự, năm 1957, Mai Văn Hạnh giải ngũ khỏi quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, Hạnh đi học thêm lấy bằng phi công dân sự. Nhưng thời đó ở Pháp, người Việt Nam dù có quốc tịch Pháp cũng khó kiếm được việc làm trong ngành hàng không, đặc biệt là phi công.
Mai Văn Hạnh cùng vợ con dọn nhà xuống thành phố nhỏ Cannes sinh sống, chờ đợi cơ hội kiếm được việc làm đúng nghề. Hạnh phải làm nhiều việc để nuôi vợ con như bán xăng, bán ti vi, trong khi vợ làm điều dưỡng ở một bệnh viện…
Năm 1962, cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Algeria đã buộc Pháp phải trao trả độc lập cho quốc gia vốn là thuộc địa lâu đời của thực dân Pháp ở châu Phi. Chính phủ mới nước này cần nhân sự ngành hàng không dân sự, Mai Văn Hạnh xin làm việc cho hãng hàng không Air Algeria. Vợ con của Hạnh vẫn ở lại Pháp. Mỗi tháng Mai Văn Hạnh được về thăm gia đình một tuần.
Cuộc sống lẽ ra tương đối ổn định. Nhưng một diễn biến có tính bước ngoặt đã làm thay đổi cuộc đời Mai Văn Hạnh. Năm 1972, Hạnh được cha là Mai Văn Hưng nhắn tin về Paris ăn Tết Việt Nam. Hai cha con cùng đi chúc tết cựu “Thủ tướng” Trần Văn Hữu ở khu ngoại ô triệu phú Neuilly.
Mỗi năm Trần Văn Hữu tổ chức mở cửa một lần đón một số người Việt Nam sống ở Pháp đến chúc Tết. Hầu hết đó là những người thân tín của Hữu trong nhóm chính trị sa lông cơ hội đang chờ thời trở về Việt Nam. Tại nhà cựu “Thủ tướng” Trần Văn Hữu, Mai Văn Hạnh gặp lại Lê Quốc Túy sau 16 năm kể từ khi họ chia tay ở trường không quân Avord.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Túy hỉ hả cho Hạnh biết là y đang làm việc cho một nhóm với ý đồ tiến tới thành lập “Chính phủ hòa hợp, hòa giải dân tộc” do Trần Văn Hữu đứng đầu. Nhóm này muốn lợi dụng sự tiến triển của cuộc hội đàm Paris về Việt Nam, hy vọng có một giải pháp trung dung, nhảy về tiếm quyền với danh nghĩa “Chính phủ hòa hợp, hòa giải dân tộc”.
Túy nhỏ to với Hạnh là được “cụ” Hữu tin cậy, giao cho Túy “công tác” nhiều lần để tiếp xúc, vận động và tìm đường trở về miền Nam Việt Nam.
Cũng như những phi công dân sự khác, Mai Văn Hạnh chỉ mong bay đủ 20.000 giờ để đến khi nghỉ hưu được hưởng lương cao. Nhưng khi gặp Trần Văn Hữu và được Lê Quốc Túy mời mọc nhiệt tình, máu chính trị trong người Hạnh trỗi dậy, Hạnh bỗng mơ thấy mình đổi đời, thoát khỏi cuộc sống bình lặng ổn định đi về giữa Pháp và Algieria.
Năm 1973, Túy được Trần Văn Hữu cử sang Algeria để gặp Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk và đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đang dự Hội nghị các nước không liên kết để vận động dần dần. Tuy nhiên, Túy đã không thực hiện được ý đồ vận động chính trị. Chuyến đi của Túy không có kết quả vì nhóm Trần Văn Hữu không đại diện cho ai cả và cũng chưa phải là một thế lực chính trị quan trọng của người Việt tại Pháp.
Túy tìm gặp Hạnh đang làm việc ở Algie. Túy nói với Hạnh:
- Tình hình chính trị ở Việt Nam có chiều hướng thuận lợi cho chúng ta. Khả năng khi thực thi Hiệp định Paris sẽ có chính phủ trung lập ở miền Nam. Đây là cơ hội vàng của chúng ta. Cụ Hữu tuy già rồi nhưng có vị thế là chính khách kỳ cựu, từng là thủ tướng, lại cũng có đến giao thiệp với cơ quan ngoại giao Việt cộng tại Paris với tư cách là Việt kiều. Cụ Hữu muốn trở về Việt Nam nắm quyền với tư cách là người đứng đầu chính phủ “Hòa hợp, hòa giải dân tộc” và sau đó sẽ chuyển dần quyền lực cho chúng ta.
Mai Văn Hạnh trầm ngâm suy nghĩ, không trả lời ngay. Tuy nhiên Hạnh hỏi kỹ Túy về phương cách thực hiện kế hoạch.
Túy rổn rảng nói:
- Cụ Hữu có chương trình sang Nhật tìm kiếm sự ủng hộ của Tokyo vào mùa hè năm sau. Moa(1) muốn toa đi cùng với cụ Hữu sang Nhật để thực hiện kế hoạch.
(1) Tiếng Pháo: Tôi.
Bình thường thì Lê Quốc Túy làm nhiệm vụ tùy tùng cho Trần Văn Hữu trong các chuyến đi, nhưng lần này Túy chuyển vai trò cho bạn để giới thiệu Mai Văn Hạnh với Hữu, mở đường cho Hạnh tham gia vào chính trường sau này. Mai Văn Hạnh nhận thấy đây là cơ hội tốt lưỡng tiện vừa thăm Nhật vừa tham gia “công việc” cùng với nhóm Trần Văn Hữu. Và thế là Hạnh nhận lời.
Mùa hè năm 1974, Mai Văn Hạnh xin nghỉ phép và bay sang Paris. Tháng 7/1974, Hạnh tháp tùng vợ chồng Trần Văn Hữu đi Nhật Bản với danh nghĩa “du lịch”.
Thực ra, trong chuyến đi “du lịch” này, Trần Văn Hữu có ý đồ sâu xa khác. Hữu muốn gặp ngay một người Việt Nam có quốc tịch Nhật tên là Thái để thăm dò xem chính phủ Hà Nội có đồng ý Hữu về miền Nam thành lập chính phủ dân sự hay không. Người có tên là Thái vốn có cha già ở Hà Nội nên thỉnh thoảng đi về Việt Nam.
Trần Văn Hữu không nhận được câu trả lời trực tiếp nào cả. Mai Văn Hạnh biết điều đó nhưng câu phán ‘chân mệnh đế vương’ của ông thầy bói thôi thúc Hạnh tiếp tục cộng tác với Trần Văn Hữu và Lê Quốc Túy, biết đâu tương lai kế hoạch thành công, Hạnh sẽ có quyền cao chức trọng trên chính quê hương!
Nhưng cô vợ Pháp của Hạnh không thích Hạnh dính vào chính trị. Tháng 9-1976, Hạnh xin chuyển sang hãng hàng không dân sự Royal Air Maroc với vị trí cơ trưởng. Hạnh tự hào vô cùng vì là người Việt Nam đầu tiên trên thế giới lái máy bay Boeing 747. Nhưng cũng năm đó, vợ chồng Hạnh đường ai nấy đi, lý do Mary Vone Dagorne có người khác.
Giờ đây, trong khi tin tức nóng bỏng từ chiến trường ở miền Nam Việt Nam dội sang Paris với những điềm báo không lành cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Mai Văn Hạnh cùng Lê Quốc Túy có mặt trong phòng khách nhà Trần Văn Hữu.
Họ bàn đến một giải pháp “cứu vãn tình thế”. Trần Văn Hữu giao nhiệm vụ cho Túy là “đặc phái viên” bay về Sài Gòn gặp Nguyễn Văn Thiệu để trình bày giải pháp “nhường”chính trường cho nhóm của Hữu.
Theo kế hoạch, Hữu sẽ vận động Nguyễn Văn Thiệu rút lui và trao quyền Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho Trần Văn Hữu. Sau khi thành lập chính phủ, Lê Quốc Túy sẽ giữ chức bộ trưởng Thanh niên, trong khi Mai Văn Hạnh sẽ phụ trách ngành hàng không. Tuy nhiên, Túy không muốn chỉ là anh bộ trưởng, y muốn chức phó tổng thống. Mai Văn Hạnh cũng muốn một chức cao hơn nhưng không nói ra.
Ngày 5-3-1975, Lê Quốc Túy bay về Sài Gòn mang theo bức thư của Trần Văn Hữu gửi cho Nguyễn Văn Thiệu. Nguyên văn bức thư viết tại Neuilly ngày 28-2-1975 như sau:
“ Kính Tổng thống,
Lời đầu tiên của tôi là để nhìn nhận công trận lớn lao của Tổng thống đối với miền Nam.
Dưới quyền chỉ huy của Tổng thống, Quân đội quốc gia đã giữ vững miền Nam trong vòng tự do, dưới lá cờ nền vàng nét đỏ.
Từ đây, mỗi công dân miền Nam đều có bổn phận tôn trọng quân đội, ủng hộ lá cờ quốc gia, noi gương Tổng thống…
Chưa đặng tiện về xứ, tôi giao cho bạn Lê Quốc Túy đặc phái đến trình với Tổng thống ý kiến với chúng tôi về phương cách đem lại hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc.
Tôi rất mong đây là một bước đầu để cùng nhau tiếp tục củng cố quyền lợi tối cao của nước nhà.”
Nhóm Trần Văn Hữu lợi dụng quy định của Hiệp định Paris vận động Nguyễn Văn Thiệu chọn phương án thành lập một chính quyền liên hiệp trong đó “lực lượng thứ ba” đóng vai trò chủ yếu. Sau này, Lê Quốc Túy huênh hoang với đám tay chân của y rằng, “lực lượng thứ ba” này chính là nhóm Trần Văn Hữu chứ không phải là “lực lượng thứ ba” do Trần Ngọc Liễng ở Sài Gòn đứng đầu.
Về Sài Gòn, Lê Quốc Túy ở tại khách sạn Palace, một khách sạn sang trọng ở trên đường Nguyễn Huệ, trung tâm thành phố. Túy nhanh chóng tìm cách tới dinh Độc Lập để xin gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Nguyễn Văn Thiệu tiếp Lê Quốc Túy một cách xã giao, không mặn mà gì.
Rời khỏi dinh Độc Lập, Túy điện thoại cho Lê Chơn Tình, một người quen cũ trong đạo Hòa Hảo tại Châu Đốc, hẹn gặp nhau để bàn bạc “công chuyện”. Lê Chơn Tình lên Sài Gòn, ở lại khách sạn Palace với Túy một đêm.
Lê Chơn Tình sinh năm 1928, hơn Túy 5 tuổi, quê Châu Đốc, An Giang, theo đạo Hòa Hảo. Trước Tình làm công cho ông bà Quản Lọ và được ông bà nhận làm con nuôi, thương như con đẻ. Khi Túy lên Sài Gòn học rồi đi học phi công ở Pháp, đều được Lê Chơn Tình giúp đỡ. Hai người đối với nhau khá thân thiết.
Lê Chơn Tình gia nhập quân đội Sài Gòn, lên đến thiếu tá, là nghị viên Hội đồng tỉnh Châu Đốc, Tỉnh trưởng Tỉnh đoàn Bảo an đạo Hòa Hảo Châu Đốc. Tình có mối quan hệ với các lãnh đạo Hòa Hảo như Lê Phước Sang và các quan chức Sài Gòn chống cộng. Dưới quyền Lê Chơn Tình còn có một trung đoàn bảo an Hòa Hảo.
Túy và Tình gặp nhau tay bắt mặt mừng. Cả đêm Túy sôi nổi “nổ” với Lê Chơn Tình về sứ mệnh của mình khi về Việt Nam. “Lần này moa về đây là để vận động thành lập chính phủ “ba thành phần”, nhóm của moa là “thành phần thứ ba”. Moa cam đoan 99% thắng lợi. Vì sao moa dám nói vậy? Là vì trong hội đàm Paris, nhóm moa đã trực tiếp gặp bà Nguyễn Thị Bình, trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và một số quan chức khác trong phái đoàn. Họ “hứa” với moa là bằng mọi giá, “chính phủ ba thành phần” phải được thành lập để cứu vãn hòa bình tại Việt Nam. Cụ Hữu sẽ là tổng thống, vì cụ có kinh nghiệm chính trường, uy tín lớn. Còn moa làm gì toa biết không? Moa là phó tổng thống. Việc này các bên đã quyết rồi. Thắng lợi đã trong tầm tay. Cho nên toa phải giúp moa. Toa phải đưa khối Hòa Hảo vào trong lực lượng của moa, sau này moa sẽ dành cho toa một ghế xứng đáng!”
Lê Chơn Tình nghe hết bài diễn thuyết của Túy. Không suy nghĩ nhiều, Tình đồng ý đứng trong ‘thành phần thứ ba’ của Lê Quốc Túy.
Những ngày ở Sài Gòn, Túy nôn nao với tâm thế cờ sắp đến tay. Túy hăng hái tìm gặp bạn bè cũ như luật sư Luân thuộc đạo Cao Đài, một số trí thức khác để vận động họ ủng hộ nhóm Trần Văn Hữu trở về chấp chính.
Khoảng một tuần sau, Túy bay trở về Pháp báo cáo lại tình hình với Trần Văn Hữu. Nhìn vào thái độ của Nguyễn Văn Thiệu và tình hình chiến trường quân cộng sản ngày càng áp đảo, cả hai hiểu chẳng dễ dàng gì cho tham vọng của họ. Dù vậy, theo ý Hữu, Túy vẫn chạy đi chạy lại ở Pháp, tìm gặp người này người kia, chủ yếu là những người chống cộng, để tính toán âm mưu của riêng mình.
Ngày 10-3-1975, cộng sản tấn công Buôn Ma Thuột, quân cộng hòa tháo chạy khỏi Tây Nguyên...
Mỗi ngày coi tin tức, Hữu và Túy vô cùng sốt ruột. Trần Văn Hữu tìm cách liên lạc với các mối quen biết ở Mỹ vận động Washington chấp thuận cho nhóm ông ta thay nhóm Thiệu - Hương cầm quyền ở miền Nam.
Hữu lại gọi Túy đến và giao cho Túy về Sài Gòn một lần nữa. Lần này, Trần Văn Hữu cũng viết một bức thư gửi cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.
Bức thư đề ngày 29-3-1975. Nội dung của bức thư có những lời lẽ trịch thượng và có vẻ như là gây sức ép với Tổng thống Thiệu và ngầm cho biết nhóm Trần Văn Hữu đã được sự ủng hộ của các nước quan thầy:
“Trước tình hình nghiêm trọng tôi đến yêu cầu Tổng thống giữ vững tinh thần, đối phó tận lực với hoàn cảnh khó khăn.
Phần chúng tôi, lúc nầy hơn lúc nào khác, chúng tôi tận tâm hoạt động đem cho nước nhà cả phương tiện lập lại hòa bình cho dân chúng.
Bạn Lê Quốc Túy sẽ trình Tổng thống chương trình của chúng tôi để xin ý kiến của Tổng thống.
Chúng tôi chắc rằng các nước bạn miền Nam sẽ giúp đỡ Tổng thống đem lại an ninh cho nước nhà.
Kính chúc Tổng thống vạn an.”
Lần này về đến Sài Gòn, “đặc phái viên” Lê Quốc Túy xin gặp Nguyễn Văn Thiệu ngay. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, chiến trường thất thủ nhiều vùng, chính trường rối ren, Nguyễn Văn Thiệu muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài nên dành cho “đặc phái viên” của Trần Văn Hữu một cuộc tiếp ngắn tại dinh Độc Lập.
Lê Quốc Túy hý hửng vội đến dinh Độc Lập để gặp Thiệu theo lịch được hẹn trước vài giờ. Sau khi trình bức thư của ‘‘cụ Hữu”, Túy hào hứng tranh thủ trình bày kế hoạch cứu vãn tình thế của nhóm Hữu – Túy.
Thiệu nghe, nhưng không mấy tin tưởng về giải pháp từ Paris và càng không có hy vọng gì từ nhóm Trần Văn Hữu. Thực ra, Thiệu không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện quốc gia đại sự nữa. Tin tức thất bại liên tiếp của quân đội trên chiến trường làm cho ngài tổng thống điên đầu.
Sau khi trúng đòn hiểm hóc của quân giải phóng ở Buôn Ma Thuột, Thiệu ra lệnh triệt thoái khỏi Tây Nguyên. Sau đó, lần lượt các tỉnh miền Trung thất thủ.
Ngày 26-3-1975, Huế rơi vào tay quân giải phóng.
Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu I và Quân đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa khét tiếng cứng rắn nuốt lời thề “Việt Cộng phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô Huế” cùng đám tàn quân vội vã rút vào cố thủ ở Đà Nẵng. Chỉ ba ngày sau, ngày 29-3-1975, Đà Nẵng rơi vào tình thế hoảng loạn vì thế và lực của cách mạng ngút trời. Lực lượng 100.000 quân của Ngô Quang Trưởng hoàn toàn tan rã. Tướng Ngô Quang Trưởng tìm cách bơi ra tàu chiến đang neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng trong tình trạng vừa đói vừa mệt, khi lên tàu phải thở bằng máy và được máy bay trực thăng giải cứu đưa về Sài Gòn.
Tiếp đó, Phú Yên ngày 1-4, Lâm Đồng ngày 2-4, Nha Trang ngày 3-4… Nguyễn Văn Thiệu kêu gào Mỹ phải viện trợ để cứu chế độ Sài Gòn. Thế nhưng ngày 2, 3-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu đã lén lút cho chở tài sản và vợ con chạy trước sang Đài Loan, nơi anh trai Thiệu làm “đại sứ” của Việt Nam Cộng hòa.
Trở lại với câu chuyện Lê Quốc Túy. Mặc dù Túy cố gắng trổ tài thuyết khách với giọng khá hùng hồn, nhưng Thiệu khôn khéo từ chối. Ngày 3-4-1975 Thiệu ký thư gửi Trần Văn Hữu.
“Kính gởi Cụ cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu,
Tôi rất cảm kích nhận được hai thư Cụ gửi khích lệ tôi trong trách vụ lãnh đạo nhân dân miền Nam chống xâm lăng bảo vệ đất nước mang lại hòa bình công chính cho xứ sở.
Và cũng sau hai lần được ông T. đặc phái viên của Cụ trình bày rõ ràng lập trường của Cụ và các nỗ lực mà Cụ đã góp phần vào việc nước, tôi chân thành ngưỡng mộ lòng ái quốc của Cụ, dù tuổi già sức kém Cụ vẫn luôn luôn hướng về quê hương yêu quý và làm tất cả những gì làm được để giúp nước.
Tôi xác nhận với Cụ là tôi luôn luôn đón nhận mọi sự đóng góp của mọi người quốc gia yêu nước dù ở đâu muốn góp phần mình củng cố một miền Nam tự do, hòa bình... mà tôi nghĩ rằng trong số người đó, với khả năng và uy tín của Cụ, Cụ có thể góp phần không nhỏ.
Vì vậy mà tôi thành thật hoan nghênh và khích lệ mọi sự góp công của Cụ vào công cuộc vận động các nhân dân đồng minh của chúng ta tích cực giúp đỡ chúng ta đầy đủ phương tiện để bảo vệ độc lộc tự do, cũng như mọi sự góp công nào khác của Cụ vào việc thực hiện hòa bình công chính…
Sau cùng, bất cứ lúc nào Cụ thấy cần được rõ tình hình nước nhà hoặc gặp tôi thì Cụ cứ tin tôi biết, hoặc ngược lại tôi cũng không ngần ngại tin Cụ rõ.”
Lê Quốc Túy rất thất vọng. Lời lẽ trong thư của Thiệu tuy vẫn nhã nhặn nhưng đã bộc lộ sự coi thường Trần Văn Hữu với hàm ý ông ta già yếu rồi, lại không nắm rõ tình hình trong nước thì đừng có mơ hão. Túy hiểu rằng, thầy trò mình chẳng còn hy vọng được Thiệu “nhường ngôi”.
Những tin tức từ Sài Gòn liên tiếp dội đến Paris càng làm cho Trần Văn Hữu nôn nóng. Nhưng Hữu lại chẳng nhận được tin gì của “phái viên” Lê Quốc Túy đang ở Sài Gòn.
Khoảng giữa tháng 4-1975, “ngài cựu Thủ tướng” không kiên nhẫn được nữa bèn gọi gấp Mai Văn Hạnh đang làm việc ở Marocco về Pháp. Hữu muốn Hạnh tháp tùng ông ta về nước. Trần Văn Hữu nói với Mai Văn Hạnh:
- Sau khi chúng ta đi Nhật về hồi tháng 9-1974, một vài tờ báo Pháp có đăng tin về việc chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ chấp nhận một chính phủ dân sự ở miền Nam không chống đối chính phủ ở miền Bắc.
Hữu nói thẳng: - Đây là câu trả lời cho chuyến đi của moa.
Nhưng vài ngày sau Hữu cho Hạnh biết là ông ta không thể về Sài Gòn được vì có sự cản trở. Vì vậy, Hữu giao nhiệm vụ cho Hạnh về Sài Gòn bắt liên lạc với Lê Quốc Túy nắm tình hình và tính toán kế hoạch lâu dài.
Theo ý đồ của Trần Văn Hữu, thì Hữu sẽ về Sài Gòn trong tháng 4 năm 1975. Lê Quốc Túy được Hữu giao nhiệm vụ bàn với giới chóp bu Sài Gòn, trong đó có “ông bạn già” đồng hương Trần Văn Hương để sắp xếp một cuộc đón rước ngài “cựu Thủ tướng” về tham chính. Nhưng đến đầu tháng 4, phái viên của Hữu phái về Sài Gòn bỗng mất hút.
Ngày 24-4-1975, Mai Văn Hạnh gấp rút bay về Sài Gòn trên một chuyến bay của hãng hàng không Pháp và đến gặp Lê Quốc Túy đang trú ngụ tại khách sạn Palace.
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng quân đội Việt Nam Cộng hòa dồn lại cố giữ vành đai mấy tỉnh quanh Sài Gòn, thì ngày 8-4-1975, dinh “Độc Lập” bị oanh tạc. Phi công Nguyễn Thành Trung đã sử dụng một chiếc F-5E do Mỹ viện trợ để oanh tạc vào chính dinh cơ tổng thống của mình.
Lê Quốc Túy nghe được tin này lại nhớ đến cái nghề phi công của mình, y càng nóng ruột…
Rạng ngày 21-4-1975, các tuyến phòng thủ cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở phía Bắc Sài Gòn tan vỡ. Tuyến phòng thủ Xuân Lộc do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy thất thủ. Lê Minh Đảo và tàn quân của Sư đoàn 18 chạy bán sống bán chết về Sài Gòn.
Chiều tối ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, trao quyền “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” cho Trần Văn Hương.
Ông già Hương giữ chức “tổng thống” được 7 ngày thì bị Mỹ ép phải trao quyền cho Đại tướng Dương Văn Minh, viên tướng có người em ruột là cộng sản.
Ngày 29-4-1975, tân Tổng thống Dương Văn Minh nhậm chức, kêu gọi quân đội “bảo vệ lãnh thổ”, “không buông vũ khí”. Dương Văn Minh vội vã thành lập chính phủ mới và vẫn hy vọng vào một giải pháp chính trị.
Không chờ đợi, nhưng Lê Quốc Túy vô tình chứng kiến những ngày thay đổi gấp gáp của chế độ Sài Gòn. Túy đề nghị Mai Văn Hạnh gặp trực tiếp Bảo đạo Cao Đài Hồ Tấn Khoa, người đã trở về Tây Ninh sau thời gian tỵ nạn tại Campuchia.
- Toa chịu khó gặp Hồ Tấn Khoa nhé. Toa cứ nói rõ tình hình là cụ Hữu không về trong bối cảnh này được. Hôm trước moa có trình bày kế hoạch đón cụ Hữu và định mời ông Khoa tham gia phái đoàn đón cụ. Nhưng tình hình bây giờ khác rồi. Ta tính kế hoạch khác vậy.
- Thì phải làm như vậy thôi. Hạnh trầm ngâm.
Lê Quốc Túy mời Hồ Tấn Khoa đến khách sạn Palace nhưng để Mai Văn Hạnh trực tiếp gặp, còn y lánh mặt.
Mai Văn Hạnh thông báo tình hình không thuận lợi cho Bảo đạo Cao Đài biết. Dù vậy Hạnh nói Khoa bình tĩnh, chờ đợi sau này sẽ có kế hoạch hoạt động mới. Hồ Tấn Khoa ghi nhận lời đề nghị của Mai Văn Hạnh và cho biết sẽ chờ đợi sự trở về của Túy - Hạnh.
Tiễn Hồ Tấn Khoa ra về, Hạnh liên lạc với hai em trai là Mai Văn Hải và Mai Văn Hiền đều là sĩ quan quân đội Sài Gòn đang ở Cần Thơ. Cả hai em của Hạnh cho biết là tình hình rất xấu, ở lại không an toàn nên muốn chạy ra nước ngoài. Hạnh đồng ý với kế hoạch “di tản” ra nước ngoài của hai em trước khi Sài Gòn sụp đổ. Sau đó Mai Văn Hải chạy sang Pháp, còn Mai Văn Hiền chạy sang Mỹ sống lưu vong.
Khoảng ngày 27-4-1975, tình hình Sài Gòn ngày càng hỗn loạn. Trong khi Mỹ ráo riết tổ chức cầu không vận đưa người của Mỹ và các tay chân thân tín thoát khỏi Sài Gòn thì Lê Quốc Túy xuất hiện cùng Đệ nhất tham vụ Tòa đại sứ Mỹ, cùng gặp Hồ Tấn Khoa tại nhà bác sĩ Đỗ Cao Minh.
Đỗ Cao Minh là con rể của Hồ Tấn Khoa và là anh trai của Trung tướng Đỗ Cao Trí, viên tướng chế độ Sài Gòn đã bị tai nạn trong một chuyến bay của trực thăng quân đội. Cuộc gặp chỉ có ba người: Hồ Tấn Khoa, “nhà ngoại giao” Mỹ và Đỗ Cao Minh.
Hồ Tấn Khoa là Bảo đạo Cao Đài, được chính quyền Sài Gòn cho phép trở về nước tháng 5-1970 sau 14 năm sống tỵ nạn ở Campuchia. Vừa về chiều hôm trước thì ngay sáng hôm sau, Đệ nhất tham vụ Đại sứ quán Mỹ đã đến “thăm” Khoa tại nhà con rể ông ta là Đỗ Cao Minh ở đường Công Lý. “Nhà ngoại giao” người Mỹ tự giới thiệu chức vụ và nói thêm “tôi là bạn của Lê Quốc Túy”. Chính từ đó, Hồ Tấn Khoa càng tin Lê Quốc Túy là nhân vật mới trong kế hoạch của Mỹ tại Việt Nam. Từ 1970 đến 1974, viên chức ngoại giao Mỹ nói tiếng Việt sành sõi nọ thỉnh thoảng đến thăm Hồ Tấn Khoa tại nhà riêng Đỗ Cao Minh hoặc tại Toà thánh Cao Đài Tây Ninh trong các dịp lễ cưới, lễ tang của chức sắc Cao Đài. Gần cuối năm 1974, “nhà ngoại giao” Mỹ hẹn gặp Hồ Tấn Khoa tại nhà của Đỗ Cao Minh ở Sài Gòn, đề nghị ông ta nhân danh Cao Đài ra một thông điệp hòa bình, kêu gọi Liên hợp quốc vào miền Nam ngăn cộng sản nắm quyền. “Nhà ngoại giao” Mỹ hứa sẽ “giúp đỡ cho Cao Đài tự trị 40 cây số vuông với quyền tự do tín ngưỡng”, đồng thời đề nghị ông ta “hiệp với các hội viên khác trong Hội đồng tôn giáo để ra một bản Tuyên ngôn hòa bình”. Hồ Tấn Khoa hỏi “việc này các hội viên khác có đồng ý hay không?” và người Mỹ cho biết là “đã có làm việc với họ rồi”. Lúc đó, Hồ Tấn Khoa hiểu rằng, Mỹ đã đuối ở Việt Nam nên tìm thế cứu vãn lần cuối cùng quyền lợi của Mỹ. Nhận thấy điều này cũng có lợi cho Cao Đài, nên Hồ Tấn Khoa đã bàn với Hiến pháp Cao Đài là sẽ giao thanh niên Cao Đài cho Liên hợp quốc lập lực lượng vũ trang bảo vệ vùng đất Liên hợp quốc đóng, lấy sân bay Trí Huệ Cung cho Liên hợp quốc sử dụng. Còn đất đai “rộng 40 cây số vuông tự trị” thì đề nghị Liên hợp quốc giúp phương tiện để phát triển nông nghiệp cung ứng cho nhu cầu của Tòa thánh. Dựa theo kế hoạch này, kỹ sư Nguyễn Ngọc Hòa đã dự thảo “Tuyên ngôn hòa bình”, nhưng Khoa thấy không đúng với ý của mình nên ông ta tự tay viết lại toàn bộ dự thảo khác. Tuyên ngôn này được Hiến pháp Cao Đài thông qua. Lễ ký “Tuyên ngôn hòa bình” được tổ chức tại “Giáo tông đường” ngày 15-1-1975, có một số chức sắc Cao Đài dự. Nhưng sau đó khi Hồ Tấn Khoa đưa “tuyên ngôn hòa bình” để chính phủ Mỹ vận động Liên hợp quốc thì lại chẳng có hồi âm gì. Ngày 22-2-1975, Mỹ đứng đằng sau tổ chức một “Hội nghị hòa bình” ở Lào để vận động “hòa bình” cho các nước Đông Dương, Hồ Tấn Khoa được mời nhưng không dự, chỉ gửi một bản “thông điệp” của Cao Đài để phổ biến tại hội nghị.
Lần này, giữa lúc bầu không khí Sài Gòn nóng rực vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, hẳn không ngẫu nhiên mà cả viên Đệ nhất tham vụ sứ quán Mỹ và Lê Quốc Túy đến gặp Hồ Tấn Khoa. “Nhà ngoại giao” Mỹ nói:
- Nếu cụ muốn xuất ngoại thì chúng tôi sẽ tổ chức đưa cụ và gia đình đi, sang Pháp hoặc Mỹ.
Hồ Tấn Khoa vốn chẳng tin gì Mỹ nên trả lời:
- Tôi già yếu rồi nên tôi ở lại.
- Bây giờ người Mỹ chúng tôi ra đi nhưng sẽ còn trở lại Việt Nam. “Nhà ngoại giao” nói.
Lê Quốc Túy nói: - Cụ ở lại hãy giục loạn trong nước làm cho chánh quyền cộng sản không rảnh tay để kiến thiết và củng cố xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho Mỹ dễ bề trở lại Việt Nam.
Sau khi bàn bạc, họ đề nghị Hồ Tấn Khoa cho lực lượng của ông ta phá loạn về quân sự và kinh tế trước, còn các mặt khác tính sau.
Hồ Tấn Khoa đồng ý chủ trương nhưng đề nghị “Để tôi tùy cơ ứng biến. Lúc nào cộng sản sơ hở chỗ nào thì sẽ phá ở chỗ đó trước.”
Đệ nhất tham vụ sứ quán Mỹ cho biết thêm Mỹ sẽ còn tổ chức chống phá lực lượng cộng sản ở Campuchia và Lào, đi đến “trung lập hóa” ba nước Đông Dương, mỗi nước có chế độ chính trị riêng để Đông Dương không “trọn vẹn” là chủ nghĩa xã hội. “Nhà ngoại giao” Mỹ bật mí có một “sợi dây liên lạc” sẵn của Mỹ với Khai đạo Cao Đài và Phạm Ngọc Trân, nếu Khoa thực hiện “kế hoạch” thì phải bàn trước với Khai đạo. Người Mỹ nói “đã có tổ chức các tôn giáo khác như Thiên Chúa, Phật giáo, Hòa Hảo “giục loạn” cùng với Cao Đài, đến khi nào lực lượng vũ trang bên ngoài kéo về thì đồng loạt đứng lên phản ứng”.
Lê Quốc Túy cho Hồ Tấn Khoa biết y có tổ chức lực lượng vũ trang bên ngoài gồm số người Việt “di tản”, có sự hỗ trợ của Mỹ và sự phối hợp với lực lượng trong nước của Hồ Tấn Khoa, họ sẽ lật đổ cộng sản chẳng mấy hồi…
Đúng lúc này, Dương Văn Minh lên làm tổng thống thay Trần Văn Hương. Minh là một viên tướng ‘thời Pháp’, nói tiếng Pháp. Thêm nữa người Pháp cũng đang muốn đóng vai trò trong vấn đề Việt Nam. Đại sứ Pháp tại Sài Gòn Mérillon đã bộc lộ ý đồ của Paris, thông qua Trung Quốc gây sức ép để cộng sản ngừng bắn và thành lập “chính phủ hòa hợp dân tộc” ba thành phần.
Một lần nữa, giải pháp “lực lượng thứ ba” lại khơi lên. Lê Quốc Túy liên lạc với Trần Văn Hữu, gợi ý Hữu đề nghị Dương Văn Minh kêu gọi trên đài phát thanh mời Trần Văn Hữu về nước tham chính, hai người sẽ hợp thành thế lực ‘nói chuyện’ với phía cách mạng. Trần Văn Hữu đồng ý và thúc giục Túy hành động.
Hậu trường sân khấu chính trị Sài Gòn rất náo động. Nhiều kẻ trong giới chính quyền và quân đội tìm cách tháo chạy, nhưng cũng có những kẻ cơ hội lại muốn nhảy vào kiếm chác tí chức tước!
Lê Quốc Túy bàn bạc với Mai Văn Hạnh, cả hai nóng lòng muốn gặp tân Tổng thống Dương Văn Minh để trình bày “giải pháp” cứu vãn tình thế.
Mai Văn Hạnh chợt nhớ Đề đốc Chung Tấn Cang, người bạn một thời của Hạnh khi còn làm chung hãng hàng hải từ đầu những năm 1950.
Từ tháng 3-1975, Chung Tấn Cang được Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm trở lại chức vụ Tư lệnh Hải quân thay Đề đốc Thiếu tướng Lâm Ngươn Tánh. Trong tình thế thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn, tân Tổng thống Dương Văn Minh giao quyền tự quyết tất cả các vấn đề của hải quân cho Chung Tấn Cang.
Mai Văn Hạnh nhờ Chung Tấn Cang đưa Túy và Hạnh vào dinh Hoa Lan, tư dinh rộng lớn của Dương Văn Minh ở số 98 đường Hồng Thập Tự(1) để nêu đề nghị của nhóm Trần Văn Hữu từ Paris. Nể tình bạn cũ, Chung Tấn Cang nhận lời đưa Hạnh và Túy đến gặp Dương Văn Minh.
(1) Nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Đối với tân Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh thì cựu “Thủ tướng” Trần Văn Hữu không hề xa lạ. Nhưng đề nghị của Túy, Hạnh có phần đường đột. Trong tình thế cần có thêm người ủng hộ từ bên ngoài, Dương Văn Minh ghi nhận lời đề nghị của Trần Văn Hữu thông qua “đặc phái viên” Lê Quốc Túy.
Rời dinh Hoa Lan, Túy, Hạnh mong ngóng tin tức từ Chung Tấn Cang từng giờ một. Nhưng trên thực tế, chẳng có hồi đáp nào từ viên đề đốc hải quân cả.
Túy và Hạnh tin rằng “có một sự cản trở nào đó” và thất vọng vô cùng. Ngay chính những người mà nhóm Hữu - Túy - Hạnh định nhờ vả giờ đây cũng không giúp gì được.
Khi Túy, Hạnh tìm đến Chung Tấn Cang, thì viên đề đốc hải quân đang tìm cách cho một số tàu chiến của hải quân tháo chạy sang căn cứ Subic của Mỹ ở Philippines. Không bao lâu, chính Cang cũng có mặt trên một trong những con tàu này. Đây là “chiến tích” đáng kể nhất của viên đề đốc trung tướng hải quân Sài Gòn.
Một ngày sau, buổi sáng 30-4-1975, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn bị buộc phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.