Luôn không ngừng nỗ lực
Tôi hẹn với Tổng giám đốc Thôi lúc 7 giờ 30 phút tối ở một hội quán để trao đổi về luận văn MBA của ông. Vì lo giờ cao điểm có thể bị tắc đường nên tôi xuất phát sớm, cũng may là đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, đến điểm hẹn trước hẳn một tiếng.
Tôi gửi tin nhắn cho Tổng giám đốc Thôi, nói rõ rằng mình đang đợi ở địa điểm đã hẹn trước, ông ấy làm việc xong thì đến đó là được. Lúc 7 giờ 29 phút, tôi nhận được tin nhắn trả lời của ông ấy, bảo rằng “Được”, sau đó liền trông thấy ông ấy tiễn một vị khách khác rồi đi thẳng đến chỗ hẹn.
Hơn 10 năm trước, Tổng giám đốc Thôi bắt đầu lập nghiệp, hiện tại doanh nghiệp của ông đã có bốn công ty con phân bố ở các địa phương trên cả nước. Ông nói rằng bản thân chưa từng học đại học, hay được đào tạo bài bản về kinh doanh, vì thế nhờ tôi giúp đỡ cùng nghiên cứu xem nên viết luận văn như thế nào. Trước lúc gặp mặt, Tổng giám đốc Thôi đã nói rõ thời gian chúng tôi thảo luận kéo dài từ lúc 7 giờ 30 đến 9 giờ 15 phút. Sau đó, chúng tôi thảo luận vừa đúng trong khoảng thời gian này, không hơn không kém dù chỉ một phút. Trong lòng tôi trào lên một cảm xúc nể phục, doanh nhân tài ba đúng là khác xa những người trẻ tuổi. Họ quản lý thời gian tỉ mỉ và vô cùng chính xác.
Sau khi buổi trao đổi kết thúc, Tổng giám đốc Thôi kể cho tôi nghe về con gái ông.
Con gái Tổng giám đốc Thôi hiện đang là sinh viên đại học năm thứ hai tại Mỹ. Khi học lớp Chín cô đã đến đây du học, và từ năm lớp Mười hai cô đã không nhận học phí và sinh hoạt phí từ gia đình. Lúc đầu Tổng giám đốc Thôi không hiểu được quyết định của con gái, mặc dù cô bé đã từng theo ông lập nghiệp, nếm trải không ít vất vả, khó nhọc. Nhưng một bé gái mới chỉ mười mấy tuổi đã không cần đến trợ cấp của gia đình thì làm sao có thể sống độc lập ở nước Mỹ?
Nhưng sau khi biết được suy nghĩ thật sự của con gái, Tổng giám đốc Thôi quyết định tôn trọng sự lựa chọn của cô.
Con gái Tổng giám đốc Thôi tên là Tiểu Nam, là một cô gái vùng Giang Nam có vẻ đẹp vô cùng dịu dàng.
Năm lớp Mười hai, một hôm Tiểu Nam dậy sớm hơn thường lệ ba tiếng đồng hồ để đến một nơi rất xa tham dự buổi gặp mặt của các du học sinh Trung Quốc. Cô cứ nghĩ rằng mình đi sớm như vậy thì trên đường hẳn sẽ không có lấy một bóng người chứ đừng nói đến chuyện có cửa hàng bán đồ ăn sáng mở cửa. Nhưng thật bất ngờ, khi cô ra khỏi nhà vào đúng năm giờ sáng thì trên đường đã có rất nhiều người đang qua lại vội vã, tấp nập. Ở ngã ba gần nhà cô có một đôi vợ chồng trung niên người Trung Quốc mở cửa hàng bán quẩy và sữa đậu nành, trên chiếc bàn trong cửa hàng đã có người ăn sáng xong, bát đũa vẫn để ở đó chưa kịp thu dọn.
Nơi Tiểu Nam sống là khu vực có khá đông người Trung Quốc định cư, vì thế hầu như bất cứ lúc nào cũng có thể ăn các món ăn Trung Quốc chính thống. Một số người Mỹ bản địa thích đồ ăn Trung Quốc cũng thường xuyên đến đây. Tiểu Nam nhìn đồng hồ, thấy vẫn còn thời gian để ăn sáng nên đi đến cửa hàng của hai vợ chồng người Trung Quốc, gọi hai cái quẩy và một cốc sữa đậu nành ngũ cốc có đường.
Có lẽ đôi vợ chồng người Trung Quốc này cũng nhập gia tùy tục, khách chưa ngồi vào bàn thì không để sẵn quẩy đã rán từ trước, mà là rán nóng ngay tại chỗ. Nhân cơ hội này, Tiểu Nam liền bắt chuyện với họ.
“Các bác vừa mới mở hàng ạ?” Tiểu Nam hỏi.
“Không đâu cô bé, chúng tôi đã mở hàng được hơn một giờ, chỉ lát nữa thôi là đã phải dọn hàng rồi.” Người chồng vừa rán quẩy vừa tươi cười trả lời.
“Chúng tôi phải dậy tương đối sớm để kịp về nhà trước lúc con gái đi học. Hơn nữa mỗi ngày chúng tôi chỉ chuẩn bị một số lượng phần ăn nhất định, bán xong là về thôi.” Người vợ đang thu dọn bát đũa ở bên cạnh tiếp lời.
Tiểu Nam nghĩ thầm, thì ra mỗi buổi sáng lúc mình thức dậy thì họ đã bán hàng xong và về đến nhà rồi. Lúc trước, cô cứ nghĩ mình vất vả vì phải sinh sống ở nơi đất khách quê người, phải học một ngôn ngữ mới và những kiến thức chuyên ngành khô khan… Nhưng thực tế, trong cuộc sống này còn có rất nhiều người vất vả hơn cô.
Cô từng oán trách cha mẹ vì để cô sống một mình ở Mỹ. Tuy rằng đó là vì tương lai của cô, nhưng thực ra cũng là vì cha mẹ mải lo chuyện làm ăn nên không còn thời gian chăm sóc cho con gái. Nhưng cô đã hiểu ra, khi còn nhỏ cha không có tiền để được học tập ở môi trường giáo dục tốt nhất, vì thế bây giờ chỉ có thể cố gắng kiếm tiền để tạo điều kiện học tập tốt cho con gái, mong cho con có điều kiện phát triển tốt nhất. Chỉ có như vậy thì con gái mới không phải lo lắng về cuộc sống, không phải đi quá nhiều đường vòng giống như mình.
Kể đến đây, Tổng giám đốc Thôi tỏ vẻ xấu hổ, nói: “Con gái tuổi còn nhỏ mà suy nghĩ và ý thức đã hơn hẳn tôi.” Tổng giám đốc Thôi đúng là muốn cho con gái một môi trường học tập tốt nhất, nhưng mục đích trực tiếp của ông là mong con tìm được công việc tốt. Ông cho rằng, nếu không thể xây dựng được cho mình một doanh nghiệp nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thì ít nhất cũng phải tạo điều kiện cho con gái làm được điều này, không để uổng phí thời gian, không để tài năng đổ ra sông ra biển.
Thế nhưng ông lại quên mất một điều rằng, những người có thân phận và địa vị kém ông rất xa kia cũng nỗ lực, cố gắng không hề thua kém ông. Trong lòng họ tràn đầy nhiệt tình với công việc của mình, không mơ ước viển vông, cũng không tự ti, coi thường bản thân. Họ chăm chỉ, cần cù làm việc, xứng đáng với từng giây từng phút nỗ lực, cố gắng của mình. Xét từ một góc độ nhất định, những người có thân phận hết sức tầm thường kia lại luôn có giá trị tồn tại lớn hơn chúng ta rất nhiều. Thử nghĩ mà xem, nếu sáng sớm bạn vừa xuống máy bay mà nhân viên sân bay đã tan ca về nhà nghỉ ngơi, chỉ mình bạn cô đơn lạnh lẽo ở đó thì bạn có cảm thấy lo lắng hay không? Khi bạn đi du lịch, tham quan danh lam thắng cảnh với tâm trạng vui vẻ, nhưng nhà vệ sinh công cộng lại không có người dọn dẹp nên bốc mùi, thì sự vui vẻ của bạn có chuyển thành chán nản, bực dọc hay không? Khi cơn bão tuyết qua đi, mặt đường ngập đầy tuyết vì chưa có người đến xúc đi, bạn có cảm thấy việc di chuyển là vô cùng khó khăn hay không?
Trong cuộc đời đều luôn có người nỗ lực hơn chúng ta, chạy nhanh hơn chúng ta. Lúc này, nếu dừng chân nghỉ ngơi hoặc bước chậm lại, bạn đã bị đối phương bỏ lại phía sau một đoạn rất xa rồi.
Phấn đấu không phân biệt trước hay sau, nỗ lực không bàn đến mạnh hay yếu. Chúng ta đều thấy có rất nhiều người đang cần mẫn làm công việc của họ. Trước mỗi đích đến mà chúng ta cho là thành công kia, cũng luôn có những người mạnh mẽ đang chạy như bay về phía nó. Cái gọi là công việc chính là những gì chúng ta có được nhờ lao động, mỗi công việc đều có giá trị của nó, và mỗi giây phút làm việc là vô giá.
Trên đường về nhà, theo thói quen tôi gọi taxi Didi6. Tài xế lập tức nhận chuyến, đồng thời gọi điện cho tôi, xác nhận lại vị trí của với thái độ vô cùng lịch sự. Sau đó lái xe đến đón tôi với tốc độ nhanh nhất. Trên đường đi, chúng tôi nói chuyện với nhau, người tài xế này rất khéo miệng.
6 Didi: Một hãng taxi công nghệ.
“Muộn thế này mới đặt xe, cậu vừa mới làm thêm giờ xong sao?” Tài xế hỏi.
Tôi trả lời: “Cũng không hẳn là làm thêm giờ, tôi đi gặp một nhân vật quan trọng để bàn một số việc, vừa mới nói chuyện xong.”
“Cậu nghĩ xem, cuộc sống thật đẹp biết bao, có công việc để làm, có bạn bè để gặp gỡ, lại có cả chuyện để nói. Chỉ cần trong lòng mình tràn đầy năng lượng, thì cả thế giới và cuộc sống đều sẽ rất đẹp đẽ.” Hình như tài xế đang nhớ lại những việc mà mình cho là đẹp đẽ, sắc mặt bừng sáng.
Trò chuyện một lúc, tôi mới biết rằng người tài xế này vừa thanh toán xong khoản tiền trả góp mua nhà cuối cùng. Vợ anh đi làm với mức lương trung bình, còn anh lái taxi, có thể chọn làm ca ban ngày hoặc ban đêm. Công việc cũng không vất vả lắm, mỗi tháng kiếm 6-7.000 tệ không thành vấn đề. Cứ như vậy, người tài xế này lái taxi năm năm, kiếm được khoản tiền đầu tiên để mua nhà trả góp, rồi lại lái xe tiếp năm năm nữa để trả nốt khoản còn lại.
Người tài xế bảo rằng, anh ta không có khả năng kiếm được nhiều tiền, nhưng lại vô cùng hài lòng và vui vẻ với cuộc sống hiện tại.
“Trong suốt cuộc đời, con người không bao giờ theo đuổi được những thứ không phù hợp với thực tế, bởi vì làm như vậy sẽ rất mệt. Mình có khả năng đến đâu thì hãy kiếm bấy nhiêu tiền thôi, chỉ cần là đồng tiền mình kiếm được một cách chân chính, thì khi tiêu sẽ cảm thấy thanh thản trong lòng. Không được coi thường bản thân, bởi vì nếu không có chúng tôi rong ruổi trên đường bất kể ngày đêm, thì lúc các cô các cậu muốn về nhà sẽ về bằng cách nào đây?”
Nhờ những lời nói của người tài xế, tôi nhận ra cuộc sống thật quý báu, ngay lập tức bao nhiêu ấm ức, nhọc nhằn trong tôi đều tan biến hết. Có người bảo rằng tôi không phải là người có logic, nói ra, viết ra những điều họ không hiểu được. Nhưng tôi có nhất thiết phải khiến cho những người này hiểu suy nghĩ của mình hay không? Họ kiếm cớ biện hộ cho việc họ không tư duy được như tôi, nhưng khi xưa sếp cũ của tôi đã phát biểu rất chân thành trong một hội nghị rằng: chỉ có tôi là người duy nhất có thể hiểu được suy nghĩ của ông ấy và tổ chức hội nghị này một cách chu toàn.
Một cô gái từng làm việc với tôi đã nói rất chân thật rằng tôi có một điểm thiếu sót đáng tiếc, nó cũng là điều mà bản thân họ không thể đạt đến được. Con người ta ai cũng có một phần ích kỷ, khi một ai đó cho rằng bạn có thể sẽ trở thành mối đe dọa đối với họ, họ sẽ chọn cách gièm pha bạn để bảo vệ bản thân theo bản năng. Tuy nhiên, họ quên mất rằng người bị gièm pha đang chạy băng băng về phía trước còn mình vẫn đứng yên ở vị trí cũ. Như vậy, liệu họ có thể thành công hay không?
Có nghịch cảnh gọi là “nỗi đau trưởng thành”
Cậu con trai nhà hàng xóm năm nay 11 tuổi. Một hôm, theo mẹ đi chợ về thì gặp tôi, cậu bé chào tôi rất lễ phép, sau đó chúng tôi cười với nhau rồi ai về nhà nấy. Lúc đi ngang qua nhau, tôi nghe thấy cậu bé nũng nịu nói với mẹ: “Mẹ ơi, chân con đau quá, con không bị ngã cũng không va đập vào đâu mà không biết tại sao lại đau như vậy.” Người mẹ vỗ về cậu bé: “Không sao đâu con, đó là hội chứng “nỗi đau trưởng thành”, ai lớn lên cũng đều phải trải qua giai đoạn này. Giống như khi mầm cây đâm chồi khỏi mặt đất, cây cũng đau mà mặt đất cũng đau. Giống như lúc con mọc răng, lợi sẽ đau đến mức sưng tấy cả lên con ạ.”
Cậu bé gãi đầu như thể đang suy nghĩ, không biết có hiểu được những lời mẹ giải thích hay không. Còn tôi dù lúc đó đã đi một đoạn khá xa rồi vẫn rất đồng tình với cách giải thích của người mẹ này.
Sở dĩ gọi là “nỗi đau trưởng thành” là bởi quá trình trưởng thành sẽ gây ra đau đớn, nếu không đau đớn sẽ không lớn lên được. Tôi có quen một cô gái, sau khi tốt nghiệp đại học liền vào làm việc cho một công ty niêm yết lớn. Bắt đầu với vai trò là thư ký ở cấp cơ sở, bất kể gió mưa bão bùng, cô cũng chưa từng đi làm muộn dù chỉ một lần. Chúng ta đều biết rằng, để hình thành một thói quen đòi hỏi phải bỏ ra rất nhiều thời gian, nhưng ngay cả thói quen lâu dài nhất cũng có thể bị yếu tố bên ngoài tác động mà thi thoảng sẽ lệch khỏi quỹ đạo. Tuy nhiên, cô gái này chưa bao giờ như vậy.
Đồng nghiệp đoán rằng chắc chắn nhà cô gái này phải ở rất gần công ty, nếu không thì tại sao lại chưa bao giờ đến muộn. Hơn nữa, khi hết giờ làm việc cô ấy cũng không hề tỏ ra nôn nóng muốn nhanh chóng về nhà.
Trong quan hệ với đồng nghiệp, cô luôn cư xử vô cùng nhã nhặn. Bất kể là nhân viên của bộ phận nào nhờ cô viết bài, lập bảng biểu hay thiết kế slide PowerPoint, cô cũng đều mỉm cười nhận lời, không hề phàn nàn hay trách móc. Chúng tôi cũng thường xuyên trông thấy cô luôn là người rời khỏi văn phòng muộn nhất. Ngày nghỉ cuối tuần, trong khi các đồng nghiệp khác đều ra ngoài đi chơi, ăn uống thì chỉ có cô ấy ghé qua văn phòng để kiểm tra xem có còn công việc nào mà mình hoặc đồng nghiệp bỏ sót chưa hoàn thành hay không. Nếu có công việc còn chưa làm xong, thì cho dù đó là việc của ai, cô ấy cũng đều chăm chỉ hoàn thiện để tránh bỏ lỡ công việc của tuần sau.
Cô gái ấy chăm chỉ, nỗ lực như vậy nhưng vẫn thường xuyên bị cấp trên trực tiếp phê bình, bảo rằng việc này cô làm chưa tốt, để xảy ra sai sót quá nhiều lần… Một số đồng nghiệp từng được cô giúp đỡ thấy vậy không đành lòng, gặp riêng an ủi cô: “Hay là để tôi trao đổi với sếp của bộ phận tôi, xin cô về làm việc ở chỗ tôi, khỏi phải suốt ngày bị ức hiếp như vậy.” Cô gái trả lời đồng nghiệp hết sức lễ độ: “Cảm ơn chị nhiều, nhưng không sao đâu, tôi rất ổn và không cảm thấy uất ức gì cả. Những điều sếp phê bình đều đúng, đó là do tôi làm việc chưa đủ tốt, sau này sẽ phải không ngừng cố gắng hơn nữa!”
Tinh thần lạc quan của cô dần dần cảm hóa được các đồng nghiệp ở cùng bộ phận cũng như ở các bộ phận khác. Dưới ảnh hưởng của cô, bầu không khí trong toàn công ty trở nên tràn đầy năng lượng tích cực. Khi công ty bầu lãnh đạo cấp cao nhiệm kỳ mới, sếp của cô được bổ nhiệm làm giám đốc kinh doanh cấp cao, vị trí cũ của ông ấy vẫn đang bỏ trống. Cổ đông trong hội đồng quản trị hỏi ông ấy thấy ai phù hợp để thay thế vào vị trí của mình, ông ấy lập tức đề bạt cô gái kia tiếp quản vai trò của mình với thái độ vô cùng tự tin.
Khi đó, cô ấy mới chỉ tốt nghiệp đại học được hai năm, nhưng cương vị mà cô chuẩn bị đảm nhiệm lại là điều các nhân viên kỳ cựu thiết tha mơ ước cũng chưa thể đạt được. Tại hội nghị ra mắt ban lãnh đạo mới, vị sếp cũ của cô gái đánh giá về cô như sau:
“Trong quá trình làm việc, không ai có thể tránh khỏi việc mắc phải sai lầm, nhưng chúng ta phải luôn luôn tránh mắc một sai lầm nhiều lần. Khi phê bình X (tên cô gái kia) đến lần thứ ba, tôi vốn định hỏi cô ấy rằng tại sao lại liên tục phạm phải sai lầm giống nhau như vậy. Nhưng đúng vào lúc chuẩn bị phê bình thì tôi mới phát hiện ra rằng, đúng là cô ấy có phạm sai lầm nhưng tất cả đều không phải là những sai lầm lặp đi lặp lại, hoặc là do cô ấy làm việc không nghiêm túc. Hoàn toàn không phải như vậy. Theo tôi, trong lòng rất nhiều người chúng ta đang có mặt ở đây đều công nhận rằng, cô ấy đã làm việc chăm chỉ và nghiêm túc không hề thua kém bất kỳ ai. Vậy thì tại sao một người làm việc nghiêm túc như vậy lại vẫn phạm sai lầm? Sau một thời gian quan sát, cuối cùng tôi đã phát hiện ra vấn đề nằm ở đâu, đó là bởi vì những việc cô ấy làm luôn vượt xa rất nhiều so với chức trách và phạm vi công việc của cô ấy, cũng tức là rất nhiều người đã giao công việc của mình cho cô ấy làm. Khi công việc phải làm vừa nhiều vừa phức tạp thì xác suất cô ấy phạm sai lầm đương nhiên cũng cao hơn. Điều này cũng lại cho thấy một điểm khác, đó là bản thân cô ấy càng trưởng thành nhanh hơn. Hẳn là các vị đều cho rằng hàng ngày cô ấy đến sớm nhất và về sau cùng là bởi vì nhà cô ấy ở gần công ty phải không? Thật ra không phải như vậy, nhà cô ấy ở cách xa công ty, mỗi lượt đi về đều phải đổi xe buýt ba lần, mất 2 tiếng 40 phút, nếu nhân đôi thời gian này lên thì sẽ là bao nhiêu? Vì thế, hàng ngày cô ấy đều luôn tính dư thêm một khoảng thời gian, đề phòng trên đường đi làm có thể xảy ra bất kỳ tình huống nào, sau đó xuất phát sớm hơn. Như vậy, nếu thật sự xảy ra việc ngoài ý muốn cũng vẫn không bị muộn giờ làm. Điều tôi muốn nói chính là hai điểm này, đồng thời cho rằng, chỉ hai điểm này cũng đã đủ để chứng minh cô ấy hoàn toàn có thể đảm đương tốt trọng trách của tôi.”
Ông vừa dứt lời, toàn thể nhân viên trong công ty đều đứng dậy vỗ tay, dành tặng cho cô gái kia những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tôi tin rằng, đây đều là những lời chúc chân thành. Sau những vất vả và nỗ lực bỏ ra, cuối cùng cô gái trẻ cũng nhận được sự đền đáp xứng đáng. Người xưa có câu: “Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng”, nghĩa là phải chịu muôn ngàn khó khăn, gian khổ thì mới đạt được công danh phú quý. Trong cuộc đời, chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn, vất vả thì mới có thể lột xác trở thành người tài giỏi, xuất chúng. Giống như con sâu phá kén chui ra, dang cánh thành con bươm bướm xinh đẹp, đó là nỗi đau đớn giúp nó thay da đổi thịt, và cũng là nỗi đau đớn không thể tránh khỏi trong quá trình trưởng thành và phát triển.
Cuộc sống không bao giờ mang đến cho chúng ta chỉ toàn khó khăn hoặc thuận lợi, mà luôn luôn có cả hai. Gặp thuận lợi giúp chúng ta trưởng thành nhanh hơn, nhưng khó khăn lại là thời kỳ giúp ta bứt phá, có thể gặp được bước ngoặt của cuộc đời.
Vì vậy, khi đứng trước khó khăn, bạn không được nản lòng, nhụt chí, càng không được mất niềm tin vào cuộc sống. Hãy dùng thời gian đó để đối phó với thách thức. Có thể lúc đó bạn sẽ phát hiện ra rằng, cảnh ngộ khó khăn cũng có một vẻ đẹp không kém gì chốn bồng lai tiên cảnh.
Câu chuyện của anh Từ và người vợ Thục Hoa là một giai thoại được nhóm bạn của tôi lưu truyền trong một thời gian dài.
Thục Hoa là một người phụ nữ gầy, bé, da hơi đen, nhan sắc không có gì nổi bật. Nhưng bù lại, cô có một khí chất rất tao nhã, đứng bên cạnh anh Từ rất ra dáng một cặp trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa. Anh Từ trông còn rất trẻ, không ai có thể đoán được rằng anh đã sắp bước sang tuổi 50. Anh làm CEO ở một công ty lớn, xung quanh có rất nhiều cô gái xinh đẹp, những chuyện liếc mắt đưa tình, thầm bày tỏ tình cảm xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên vài thứ mánh khóe này không làm anh để tâm đến. Anh Từ nghiêm khắc giữ mình, quyết không lay chuyển, vì thế khiến Thục Hoa vô cùng yên tâm.
Một số bạn bè trong nhóm không biết Thục Hoa, thường hay trêu chọc anh Từ: “Một CEO giàu có, điển trai như anh việc gì cứ phải ép buộc bản thân như vậy? Thi thoảng cũng nên thả lỏng một chút. Cứ sống một cách thận trọng, dè dặt như vậy anh không cảm thấy mệt mỏi sao?”
Một số bạn bè khác không biết anh Từ lại vô cùng “hâm mộ” Thục Hoa, bảo với cô rằng: “Xem cô hạnh phúc chưa kìa, lấy được một người đàn ông tốt nhất trên đời làm chồng. Người đâu mà thật thà đến thế, chắc cô phải được nước mưa gột rửa không biết bao nhiêu lần nên mới may mắn được như vậy!” Mỗi lần nghe thấy những lời này, Thục Hoa thường mỉm cười cho qua chứ không giải thích gì nhiều. Cô cho rằng tình cảm là chuyện riêng của hai người, người thứ ba không thể hiểu được và cũng không thể nhận thức được.
Thục Hoa là một người phụ nữ rất xuất sắc. Tốt nghiệp đại học xong, cô nhanh chóng kết hôn với anh Từ. Lúc đó anh rất nghèo, trên người không có lấy một xu, nhưng cô không tính toán so đo những chuyện này. Thứ cô yêu mến là con người anh chứ không phải tài sản của anh. Thục Hoa làm quản lý hành chính ở một công ty quốc doanh lớn, còn anh Từ lúc đó khá vất vả mới tìm được một công việc bán hàng. Anh Từ và Thục Hoa đều là mẫu người nỗ lực phấn đấu, vì thế cuộc sống của họ nhanh chóng trở nên khấm khá.
Nhờ nỗ lực cố gắng, anh Từ trở thành cố vấn cấp cao của một doanh nghiệp, sau đó lại được nhiều doanh nghiệp lớn trả lương cao để mời về làm việc. Nhưng lúc này, công việc của Thục Hoa lại không được thuận lợi. Công ty quốc doanh thay đổi nhân sự nên cô bị cho thôi việc, được đền bù một khoản tiền lớn. Thu nhập của một mình anh Từ có thể nuôi sống được hai vợ chồng nên ngay lúc này Thục Hoa không cần phải vất vả kiếm tiền. Nhưng cô vẫn lựa chọn tiếp tục làm việc, đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện bản thân, bắt đầu học Yoga để giúp thân thể khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, Thục Hoa cũng đi học một lớp nấu ăn. Cô nói rằng phải chăm lo tốt cho gia đình, trở thành một người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”.
Có thể người đời sẽ cho rằng, một người phụ nữ bình thường như Thục Hoa mà có được cuộc sống tốt đẹp và gia đình hạnh phúc như vậy đều là nhờ phúc phận từ kiếp trước. Chỉ có bản thân Thục Hoa biết rằng, có một “môn học” bắt buộc mà một người dù có học suốt cả cuộc đời cũng không thành thục được, đó là chăm sóc tốt cho bản thân, cho bạn đời, cho cha mẹ hai bên và cho con cái.
Thục Hoa và anh Từ đều đã từng phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, nhưng họ đều đã vượt qua được một cách suôn sẻ, hơn nữa còn không hề có một lời oán trách. Họ tin tưởng rằng, khó khăn gặp phải trong cuộc sống chỉ là tạm thời, chỉ cần giữ vững lòng tin, tiếp tục nỗ lực thì thuận lợi sẽ nhanh chóng thay thế. Người nào càng xuất sắc thì lại càng nỗ lực, người càng nỗ lực thì lại ngày càng tiến bộ hơn. Cuộc đời chưa bao giờ phụ ai, khó khăn bạn gặp phải có thể lại là thuận lợi của người khác, nhưng cũng có thể là điều kiện tốt nhất giúp bạn trưởng thành.
Cố lên bạn lòng của tôi, người chưa bao giờ chịu thua trước khó khăn!
Mọi tiếc nuối đều là do bạn chưa đủ nỗ lực
Hồi học tiểu học, ở lớp tôi có một bạn gái to cao, thường được chúng tôi gọi là “trung đội trưởng”. Xét về chức vụ có lẽ ngang bằng với lớp trưởng. Cô ấy rất mạnh mẽ, những vấn đề khó mà lớp trưởng không giải quyết được thì cô ấy đều có thể xử lý rất nhanh chóng, vì thế cô ấy được cả lớp coi là “chị cả”.
Cô ấy tên là Chu Lỗi, một nữ sinh xinh đẹp và khỏe mạnh. Hình như ông trời đã định trước chúng tôi là người của hai thế giới khác nhau, tốt nghiệp xong là hầu như không bao giờ xuất hiện cùng nhau. Tuy cô ấy và tôi cùng tham gia một nhóm chung trên mạng xã hội do nhóm bạn lập ra, nhưng bao nhiêu năm nay chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện, chưa bao giờ để lại lời nhắn hay nhấn “like” cho nhau.
Nhóm bạn của chúng tôi rất sôi nổi, đối với những người có mặt trong nhóm chung, bất kể họ có cập nhật trạng thái hay không, chỉ cần không “chặn” nhau thì mỗi khi muốn tìm đối phương cũng đều có thể lập tức liên lạc được.
Tôi thường thấy Chu Lỗi đăng trạng thái trong nhóm, biết được cô ấy hiện đã làm đến chức giám đốc chi nhánh cấp tỉnh của một công ty về Internet. Đội ngũ do một tay Chu Lỗi xây dựng nên đã có thành tích đứng đầu trong khu vực tỉnh đó. Trong chia sẻ của Chu Lỗi trên nhóm chung, tôi thấy cô ấy có gặp vất vả, gian nan trong công việc, có vui mừng khi đạt được thành tựu, có mịt mù khi gặp khủng hoảng, cũng có cả sự quật cường, không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn.
Đêm khuya hôm ấy, như thường lệ tôi lướt qua nhóm chung một lượt, thấy Chu Lỗi cập nhật trạng thái mới: Cảm thấy mình sắp sửa mệt muốn chết, ngày nào cũng phải đi sớm về khuya, bận rộn với công việc. Cuộc họp phải đợi đến sau khi tan làm rất lâu mới tiến hành được, không dám chiếm dụng dù chỉ một chút thời gian làm việc quý báu. Cuối cùng cũng về đến nhà, giờ này (lúc đó là 23 giờ 59 phút) chắc các bạn đều đã ngủ rồi. Ngủ được là tốt, sẽ không phải suy nghĩ chuyện công việc nữa. Mà thôi, không nói nữa, không nói nữa, người ta cũng phải đi ngủ đây. Chúc cả thế giới ngủ ngon.
Lúc 0 giờ đúng, tôi để lại cho Chu Lỗi một bình luận: Bạn có cả sắc đẹp và trí tuệ, có cả của cải và sức khỏe, tại sao phải bắt mình làm việc vất vả như vậy?
Trong suốt ba giờ sau đó, tôi và Chu Lỗi trò chuyện thâu đêm.
Chu Lỗi bảo rằng bây giờ trưởng thành rồi, không thể chìa tay ra xin tiền của gia đình được nữa. Cha mẹ cho tiền thì mình cũng không thể nhận. Bản thân có chân, có tay, có năng lực, thì phải kiếm sống bằng sức lực của chính mình.
Tôi rất vui vì được là bạn cùng lớp với Chu Lỗi từ thời tiểu học. Từ sâu thẳm trong ký ức, ánh sáng toát ra từ con người cô thi thoảng lại soi sáng cho chính bản thân tôi. Nói thật lòng, đứng trước người xuất sắc hơn mình, nỗ lực hơn mình, tôi luôn cảm thấy xấu hổ. Không phải tôi không nỗ lực, mà là khi tôi nỗ lực thì người ta còn nỗ lực hơn. Khi tôi nỗ lực hơn, thì khoảng cách giữa chúng tôi vẫn còn rất xa.
Từ trước đến giờ, so với những đứa trẻ thế hệ thứ hai của gia đình giàu có hoặc con cái nhà giàu mới nổi, điểm cuối nỗ lực của một đứa bé lớn lên trong gia đình bình thường như tôi cũng chỉ bằng điểm khởi đầu của bọn họ mà thôi. Suốt cả cuộc đời, tôi và họ không cùng đi trên một con đường.
Chu Lỗi kể rằng, ngay sau khi tốt nghiệp đại học cô vào làm cho công ty Internet này, liên tục đến bây giờ đã được 13 năm. Cô từng hỗ trợ 15 công ty con mới thành lập, mở rộng hạng mục cho gần 100 công ty chi nhánh, đi hết từ thành phố này sang thành phố khác. Đứng dưới ánh sáng rực rỡ của cầu vồng bảy sắc, cô nhận ra mình đã từng không ít lần đổ mồ hôi sôi nước mắt. Cô chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ hết những bận rộn hiện tại để trở về làm một cô con gái ngoan trong vòng tay cha mẹ. Cô bảo rằng đó không phải là cuộc sống của mình. Ông trời đã cho cô sinh ra trong một gia đình có nền tảng tốt, thì cô phải tự lập kế hoạch cho hành trình của mình sau khi trưởng thành.
Chu Lỗi muốn trả lại cha mẹ số tiền họ đã bỏ ra để mua cho cô căn hộ mới, nhưng khi trông thấy hợp đồng mua nhà cô mới phát hiện ra rằng khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của mình còn chưa đủ để mua căn phòng vệ sinh. Sau lần đó, Chu Lỗi nảy sinh cảm giác thất bại, cô nhận ra rằng mình có nỗ lực đến mấy cũng không thể theo kịp cường độ phấn đấu của cha mẹ. Từ đó, cô bắt đầu ngày càng nỗ lực làm việc, ngày càng ra sức kiếm tiền. Cô hiểu rằng cha mẹ đã tạo dựng cho cô và em gái một cuộc sống tốt đẹp, nỗi vất vả, cực nhọc họ đã trải qua không lời nào nói hết được.
Sau khi nỗ lực mới biết rằng những cố gắng đó còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Có kiên trì, nỗ lực mới hiểu được rằng thế giới bên ngoài vô cùng hào nhoáng, sang trọng kia đòi hỏi phải có nội tâm mạnh mẽ mới có thể bao dung được những mặt trái của nó. Những hoa văn chạm trổ đậm chất nghệ thuật, những bộ trang phục tao nhã, lịch sự kia, trên thực tế đều được tạo dựng bằng không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt.
Thế giới bạn cho rằng toàn diện kia thực ra không phải hoàn toàn tốt đẹp, nhưng cũng không phải hoàn toàn xấu xa. Tất cả mọi tiếc nuối xảy đến đều do bạn chưa đủ nỗ lực. Vất vả, khó nhọc bạn phải chịu đựng chưa thể “thanh toán” cho sự lười biếng của bạn. Nếu tất cả mọi thứ đều có thể dễ dàng có được, vậy thì còn cần phải nỗ lực, cố gắng làm gì?
Đừng bao giờ cúi đầu trước khó khăn
Đối với chuyện lập nghiệp, tôi cho rằng mấu chốt thành công là có quý nhân giúp đỡ. Khi chúng ta không cẩn thận vấp ngã, điều cần thiết nhất chẳng phải là có một bàn tay đưa ra, chân thành kéo chúng ta đứng dậy hay sao? Vì thế tôi cho rằng, trong rất nhiều câu chuyện về thành công kia, nếu được người khác giúp đỡ thì đó là điều may mắn. Nếu không thì cũng không thể oán trời trách đất, vì điều đó vốn thuộc về số phận của bạn, tự bản thân bạn phải nỗ lực thực hiện mục tiêu của mình.
Tôi thấy những người viết truyện ngắn trên mạng có những chia sẻ kinh điển và có tính khái quát cao hơn. Họ nói rằng thành công của một người phụ thuộc vào việc có cao nhân chỉ dạy, quý nhân giúp đỡ và tiểu nhân giám sát. Nhưng đương nhiên quan trọng nhất vẫn là bản thân phải cố gắng phấn đấu.
Được cao nhân chỉ dạy, bạn sẽ dễ dàng tìm ra phương hướng đúng đắn. Tìm được phương hướng đúng đắn, bạn sẽ ít nhiều tạo ra được thành tích. Còn nếu chọn sai phương hướng, dù bạn có nỗ lực đến mấy cũng sẽ đều tốn công vô ích.
Khi làm bất cứ việc gì, nếu được người khác giúp đỡ và ủng hộ là một điều vô cùng may mắn. Lúc này mọi khó khăn mà bạn gặp phải đều có người chia sẻ. Mọi vấn đề phức tạp mà bạn không hiểu đều có người giải đáp. Mọi sự thỏa mãn và hạnh phúc mà bạn cảm nhận được trong toàn bộ quá trình nỗ lực cũng đều có người cùng vui mừng. Người như vậy, việc như vậy, quá trình như vậy và kết quả như vậy thật đúng là vận may hiếm có nhất trong cuộc đời con người.
Chúng ta không thể đoán được đoạn đường phía trước bằng phẳng hay gập ghềnh, cũng không thể tính toán được đoạn đường không bằng phẳng kia còn xa bao xa, nhưng tất cả những điều này đều không thể ngăn cản chúng ta quyết tâm tiến về phía trước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số người có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ nỗ lực của chúng ta, thậm chí sẽ khiến chúng ta mất lòng tin vào cuộc sống, cho rằng dù có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể nào đạt được kết quả mong muốn. Chúng ta không có cách nào ngăn cản được việc người xấu gây rối, bởi vì bất kỳ kẻ tiểu nhân nào cũng đều có khả năng ngụy trang thành vẻ bề ngoài vô cùng cao quý để tiếp cận ta ở cự ly gần nhất, làm ta tổn thương nặng nề nhất. Nhưng thành công không thể tách rời những đóng góp của người xấu, chính nhờ có sự xuất hiện của họ mà điểm yếu của chúng ta mới càng bộc lộ ra chân thực hơn, để ta có cơ hội cải thiện nó. Đồng thời những người đó cũng giúp chúng ta biết thận trọng, biết cách ngăn chặn hậu họa khi nó chưa xảy ra, và biết cách trở thành một người mạnh mẽ.
Giá trị tồn tại cao nhất của các yếu tố quan trọng bên ngoài chính là ở chỗ chúng phục vụ tốt hơn cho các yếu tố bên trong. Giá trị tồn tại của ba yếu tố: cao nhân chỉ dạy, quý nhân giúp đỡ và tiểu nhân giám sát sẽ giúp sự cố gắng phấn đấu của chúng ta càng có ý nghĩa hơn. Khi chúng ta phấn đấu, có thể thành công vẫn còn là một ẩn số, nhưng nếu không phấn đấu, bạn sẽ không thể biết được rằng đâu mới là thành công thật sự, vả lại càng không thể đúc rút được những bài học quý giá trong quá trình phấn đấu.
Mỗi con người sống trên đời đều có ý nghĩa tồn tại. Mỗi một hành trình nào đó trong cuộc đời con người cũng đều là sự tồn tại không thể thiếu trong thế giới tâm hồn bạn; nếu không, cuộc đời bạn chẳng phải chỉ đều là những mảnh vỡ vụn vặt hay sao!
Thành phố nơi tôi đang sống xây dựng rất nhiều bãi để xe đạp. Khi di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác, bạn có thể vào bãi và lấy xe để đi. Mỗi đoạn đường có thể đi một chiếc xe khác nhau, miễn là các bãi để xe này nằm trong cùng một hệ thống. Ngoài ra còn không cần phải mang theo khóa, không lo bị mất hay hỏng hóc. Thế nhưng người đi xe đạp luôn có một cảm nhận rằng cho dù xe của mình có đi nhanh đến mấy cũng không thể đuổi kịp những chiếc xe bốn bánh chạy tấp nập trên làn dành cho xe cơ giới kia. Họ lại nghĩ rằng, nếu các công ty cung cấp dịch vụ sử dụng xe gắn máy thì tốt biết mấy, tốc độ và cảm nhận của xe gắn máy chắc chắn ở một đẳng cấp khác so với xe đạp. Từ đây, bạn cũng phát hiện ra rằng, bệ đỡ có vai trò vô cùng quan trọng.
Rất nhiều người nói rằng thế giới này là “vương quốc” của đàn ông. Bất kể ở trong thời chiến hay thời bình, nhân vật chính của thế giới vẫn là đàn ông. Nhưng tôi thì không cho là vậy, đàn ông đã xuất sắc như vậy thì tại sao lại còn phải đi tìm phụ nữ để đồng hành? Điều này có nghĩa là vấn đề hợp tác có vai trò rất quan trọng trong mọi khía cạnh của đời sống.
Trong thể thao, một cá nhân xuất sắc không tạo nên chiến thắng của đội bóng. Đó là công sức thi đấu của tất cả các cầu thủ và chiến thuật tài tình, đúng đắn của huấn luyện viên. Điều này khiến bạn không thể không thừa nhận rằng, tập thể vô cùng quan trọng, sức mạnh cốt lõi của tập thể lại càng quan trọng hơn.
Nếu muốn có một sự bảo đảm đáng tin cậy, vậy thì hãy đào một cái giếng thay vì đợi đến lúc khát mới nghĩ đến chuyện đi mua một thùng nước. Điều này cho thấy rằng đường lối rất quan trọng. Có người cầu khấn Bồ Tát phù hộ cho mình và gia đình “Ngũ phúc lâm môn”7, nhưng bản thân họ lại không muốn tin rằng Bồ Tát thực sự tồn tại. Mọi việc có nguyên nhân thì tất yếu cũng phải có kết quả. Có đạo đức tốt thì sẽ được giao cho nhiệm vụ quan trọng, không bao giờ tồn tại trường hợp chỉ nhận mà không cho, điều này cho thấy bản chất của con người rất quan trọng. Những người nỗ lực cố gắng đều mong muốn được đền đáp bằng thành công. Nhưng chỉ khi nào trải qua nhiều lần thay đổi bản thân để thích ứng với môi trường xung quanh, thì bạn mới có thể tạo ra được những điều phi thường. Điều này cho thấy tâm thái của con người rất quan trọng.
7 “Ngũ phúc” bao gồm 5 loại phúc: trường thọ, phú quý, an khang, đức hạnh, thiện chung. “Ngũ phúc” hợp lại mới tạo thành một cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc, một khi tách rời thì không còn ý nghĩa.
Hai con ếch yêu nhau, nhưng sau khi kết hôn lại sinh ra một con cóc. Ếch bố vô cùng tức giận, cho rằng người vợ đã phản bội mình, tuy nhiên sự thật lại là: Ếch mẹ vốn dĩ chính là một con cóc. Đã ôm tham vọng quá cao thì cũng cần phải chuẩn bị tâm lý để chấp nhận sự thật về nó. Một con lừa cháu hỏi lừa ông: “Ông ơi, tại sao đều là gia súc nhưng khẩu phần tốt nhất của chúng ta chỉ là cỏ, còn bò sữa thì bữa nào cũng được ăn thức ăn chăn nuôi? Như vậy rất không công bằng. Cùng ở chung dưới một mái nhà, tại sao giữa hai loài lại có khoảng cách lớn như thế ạ?” Lừa ông không biết trả lời thế nào, đành an ủi đứa cháu: “Cháu ngoan, chúng ta dùng chân để kiếm sống, còn bò sữa dùng sữa để nuôi thân. Công sức hai loài bỏ ra vốn đã không giống nhau, vậy thì có lý do gì để chúng ta đòi hỏi được đãi ngộ giống như người ta chứ.” Điều này cho thấy, biết mình biết người là rất quan trọng. Vịt và cua thi chạy, bất phân thắng bại. Cuối cùng trọng tài đành cho chúng oẳn tù tì để phân định kẻ thắng người thua. Vịt không đồng ý, nó tức giận nói: “Ông nhìn xem, chân tôi có màng, còn cua bẩm sinh đã biết ra cái kéo. Bảo tôi oẳn tù tì với nó ấy à, chưa cần làm đã biết ai thắng ai thua rồi!” Điều này cho thấy ưu thế của bản thân rất quan trọng.
Người ta thường nói, chí hướng của một người lớn bao nhiêu thì cơ hội của họ cũng lớn bấy nhiêu. Tâm thái của một người tốt bao nhiêu thì vận số của họ cũng tốt bấy nhiêu. Một người nỗ lực nhiều bao nhiêu thì xác suất thành công của họ cũng cao bấy nhiêu… Tuy nhiên, thực tế lại luôn rất tàn khốc, những điều chúng ta tin là chân lý thì trong nhiều trường hợp lại không phải như vậy. Vì thế, chúng ta không nên đòi hỏi được trợ giúp từ bên ngoài, cũng không nên chờ đợi quý nhân xuất hiện. Chúng ta cần phải tin rằng cho dù không có những thứ đó chúng ta cũng vẫn lựa chọn con đường hiện tại, và cũng vẫn dốc hết tâm sức cho lựa chọn này.
Sự kiên trì sẽ đền đáp công sức của bạn
Tiểu Phàm là thư ký của Tổng giám đốc Hứa. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên tại một hội thảo nghiên cứu, rồi có duyên gặp gỡ thêm vài lần nữa. Tiểu Phàm nói với tôi rằng cô muốn nghỉ việc nhưng Tổng giám đốc Hứa không chấp nhận. Ông ấy bảo cô nói chuyện với tôi nhiều hơn.
Tôi hỏi Tiểu Phàm tại sao cô ấy lại muốn nghỉ việc, có phải vì không hài lòng với công việc hay không. Tiểu Phàm nói rằng cô rất hài lòng với công việc, nhưng lại cảm thấy đây không phải là công việc mình mong muốn. Tôi lại hỏi rằng đâu là công việc và cuộc sống mà cô muốn có. Cô trầm ngâm suy nghĩ rất lâu, nhưng vẫn không nghĩ ra được câu trả lời vừa ý.
Những câu hỏi tưởng như vô cùng đơn giản thật ra lại khiến bạn dù có vắt óc suy nghĩ cũng chưa chắc đã tìm ra được câu trả lời. Không phải bản thân câu hỏi quá khó, mà là những câu hỏi như vậy thường không có câu trả lời.
Tôi có cậu bạn tên Đại Duy. Buổi sáng thức dậy, tôi tiện tay mở điện thoại lên xem, thấy Đại Duy gửi cho mình một tin nhắn hết sức ngắn gọn. Cậu hỏi rằng con người sống trên đời suy cho cùng là vì cái gì. Đọc được câu hỏi này, tôi liền biết ngay chắc chắn Đại Duy đang gặp phải một chuyện gì đó mà không biết giải thích như thế nào, vì thế mới bắt đầu sinh ra nghi ngờ mục đích sống của con người.
Tôi gợi ý cho Đại Duy xem bộ phim tài liệu có tên Sức hút của nội tâm. Tôi bảo cậu ta rằng những lời khích lệ, an ủi dù có thân thiết, thật tâm đến mấy cũng không bằng cảm nhận của chính bản thân mình. Có rất nhiều việc chỉ hoàn toàn thấu hiểu mới đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Quả nhiên tôi đoán không nhầm, đúng là Đại Duy gặp phải vận đen mà bản thân cậu ta không tự mình vượt qua được.
Đại Duy bảo rằng, một năm trước cậu ta luôn nghĩ rằng mình có mọi thứ tốt đẹp nhất trên thế gian - tình thân, tình bạn, tình yêu, sự nghiệp và ước mơ, tất cả đều vẹn toàn. Nhưng một sự việc bất ngờ xảy ra đã khiến cậu ta phải lựa chọn ly hôn, một mình chịu đựng nỗi cô đơn. Đại Duy cho rằng buông tay là để giải thoát cho cả hai, đồng thời cũng cho rằng qua một năm là bản thân có thể quên đi người muốn quên. Thế nhưng, sau khi vô tình nghe thấy một số chuyện về người vợ cũ, cậu ta đã hoàn toàn sụp đổ.
Đại Duy nghĩ, ngày hôm nay cậu hoàn toàn chẳng còn gì cả, không có tư cách để đòi hỏi bất kỳ điều gì tốt đẹp. Có lẽ cuộc đời này của cậu ta sẽ mãi mãi chìm trong bóng tối. Tôi cười bảo cậu ta rằng, thành công hay thất bại, có được hay đánh mất đều không phải là việc mãi mãi không thay đổi. Ngược lại, tốt hay xấu đều có tính giai đoạn. Có rất nhiều thứ thuộc về ngày mai mà bất cứ ai cũng không thể lấy cắp vào ngày hôm nay hoặc ngày hôm qua.
Tôi không hiểu chuyện của Đại Duy thật ra là như thế nào, nhưng tôi tin rằng chỉ cần cậu ta vượt qua được nỗi bi quan hiện giờ thì mặt trời ngày mai sẽ vẫn rực rỡ, chắc chắn cậu ấy sẽ mỉm cười.
Trong buổi gặp mặt lớp nghiên cứu sinh của Tiểu Đồng, lớp trưởng nâng ly, nói những điều ý tứ sâu xa:
“Trong lớp ta, tôi khâm phục nhất một người. Cô ấy có công việc ổn định, nhưng vẫn không ngừng nỗ lực học tập những kiến thức mà bản thân cho rằng mình còn thiếu. Cô ấy có gia đình, nhưng ban đêm sau khi đã chăm sóc chu đáo cho chồng con, cô ấy lại đọc sách, luyện viết. Chúng ta đều có công việc phải làm, nhưng lại luôn kiếm cớ bận rộn để dừng lại và không chịu tiến bộ. Ở độ tuổi của chúng ta, hầu hết đều đã lập gia đình, nhưng sau khi có gia đình rồi, thường bỏ dở mơ ước, không có động lực theo đuổi như thuở ban đầu. Cô ấy là ai, không cần tôi phải nói nhiều thì các bạn cũng đều cảm nhận được ánh sáng tỏa ra từ con người cô ấy. Cảm ơn sự có mặt của cô ấy, cảm ơn quyết tâm nỗ lực biến ước mơ thành sự nghiệp của cô ấy đã lan tỏa đến tất cả những ai vẫn còn đang do dự, chưa quyết đoán trong chúng ta.”
Những lời đánh giá cao như vậy làm Tiểu Đồng chỉ biết mỉm cười tỏ ý mình không xứng đáng. Nhưng cô vẫn nâng ly mời lại mọi người, và nói một lời giản dị, một lần nữa cho mọi người lý do để tiếp tục phấn đấu.
Tiểu Đồng nói: “Tôi làm vẫn chưa đủ tốt, nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng, mong muốn cuối cùng sẽ có một ngày tài năng tương xứng được với mơ ước, có thể lấy lại được khoảng thời gian đã đánh mất.”
Thời gian quả thật là một thứ rất kỳ diệu, bạn không cần phải bỏ tiền mua mà đã có rất nhiều. Song, ngược lại, cho dù bạn có rất nhiều, rất nhiều tiền cũng không thể mua lại được khoảng thời gian đã đi qua, cho dù chỉ là một giây ngắn ngủi.
Nỗ lực, phấn đấu cần có thời gian, thành công hay thất bại cần có thời gian, nhưng suy cho cùng thời gian cho chúng ta những gì? Con người không ngừng nỗ lực vì lý tưởng của mình, bươn chải để tạo dựng sự nghiệp. Trong quá trình này, thời gian có vai trò gì?
Tôi đã tìm được đáp án cho câu hỏi này khi đi ngang qua cổng một trường tiểu học.
Một tốp học sinh tiểu học không rõ bao nhiêu em, nhanh chóng ào ra khỏi lớp gần như cùng lúc với tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi. Chúng không hề cảm thấy sân chơi chật hẹp, chỉ cần có chỗ đứng là đều có thể chơi. Giờ ra chơi chỉ gói gọn trong 10 phút ngắn ngủi. Có thể một trò chơi nào đó vừa bắt đầu thì tiếng chuông báo hiệu giờ vào học đã lại vang lên. Như thể đã bàn bạc từ trước, đám trẻ cùng lúc đứng thành đội hình, chuẩn bị quay trở về phòng học. Không có ai cảm thấy buồn vì sắp đến lượt chơi của mình mà lại bị tiếng chuông làm gián đoạn, cũng không có ai vì vừa mới chiến thắng mà tự coi mình hơn hẳn những người khác, đứng sang một bên tự chơi. Tất cả các em đều có tên gọi chung là “học sinh tiểu học”, cùng mặc bộ đồng phục giống nhau, không phân biệt thứ bậc, cũng không phân biệt giàu nghèo sang hèn.
Đối với học sinh, thời gian của các em hoặc là dùng để học tập, hoặc là dùng để vui chơi.
Vậy thì, thời gian của chúng ta đi đâu mất rồi?
Tiểu Phúc là sinh viên năm thứ ba của Học viện Thể dục Thể thao. Tận dụng thời gian nghỉ hè, cậu đến làm huấn luyện viên cho một câu lạc bộ thể thao trong khu dân cư. Ở đây, cậu gặp đủ mọi kiểu người đến tập luyện thể dục. Có học sinh thân hình cân đối nhưng cơ bắp hơi nhão. Có những người đã vào độ tuổi trung niên, lộ rõ bụng bia nhưng cánh tay lại không có bao nhiêu sức lực. Còn có cả các cụ già đã lớn tuổi nhưng vẫn không ngừng rèn luyện thân thể.
Trong số các hội viên của câu lạc bộ có một học sinh lớp Mười một, khi học lên lớp Mười hai đã không đến tập luyện nữa, trong khi chiếc thẻ ghi hội phí đóng cho cả năm mới chỉ dùng chưa đến năm lần. Điều này khiến Tiểu Phúc cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Thực chất, thời gian không phải là vấn đề, học tập dù bận rộn đến mấy cũng vẫn phải có thời gian nghỉ ngơi. Tập luyện thể thao cũng là một cách để cơ thể được thả lỏng, thư giãn, như vậy chẳng phải sau đó sẽ giúp cho trí não tiếp thu kiến thức tốt hơn hay sao?
Có một người đàn ông trung niên bụng bia đã kiên trì tập luyện được ba tháng. Ngày nào ông ấy cũng đến tập và lần nào cũng tập với Tiểu Phúc từ đầu đến cuối. Trong lúc tập ông ấy không bao giờ dừng lại sử dụng điện thoại. Tiểu Phúc cảm thấy người này rất biết tôn trọng người khác. Nhờ thường xuyên luyện tập, bụng bia của người đàn ông trung niên dần dần nhỏ đi, sức lực cũng tăng lên. Nhưng không biết tại sao, đến tháng thứ tư thì thời gian tập luyện của người này bắt đầu không ổn định. Có khi đến tập cách ngày, có khi một tuần chỉ đến tập một lần, rồi sau đó không đến nữa. Lý do của người này là ông ấy phải thường xuyên tham gia tiệc tùng xã giao, mỗi lần tiệc tùng là lại phải uống bia, rượu. Hôm nay bụng bia nhỏ đi, nhưng ngày mai lại to ra. Chịu vất vả để luyện tập, nhưng rồi vẫn phải đối diện với nó. Nếu cứ mặc kệ nó, không tìm giải pháp, chẳng phải là đã chấp nhận điều xấu sao?
Ngược lại, có một ông chú luôn duy trì thói quen rèn luyện thân thể. Không phải hôm nào ông cũng đến tập, nhưng một tuần ít nhất cũng tập năm buổi, hết sức đều đặn. Ông chú đó nói rằng, có rất nhiều việc chỉ khi tạo thành thói quen thì mới có thể kiên trì được. Nhưng nếu kiên trì làm một việc không thuộc về bản năng thì việc ngày nào cũng phải thực hiện nó là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta không được dễ dàng vứt bỏ việc đang làm chỉ vì lý do nó khó thực hiện, cần phải nghĩ ra biện pháp giúp bản thân kiên trì. Thật ra, bản thân ông cũng lo rằng mình không đủ kiên trì để luyện tập mỗi ngày, nên ông đã lập một “thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi” cho mình. Người đi làm mỗi tuần làm việc năm ngày thì ông cũng cho phép mình được nghỉ mỗi tuần hai ngày không tập thể dục.
Những ngày nghỉ này không cố định. Khi có việc cần thiết phải làm thì ông sẽ nghỉ tập, như vậy cũng không lo ảnh hưởng đến cả quá trình. Việc kiên trì tập luyện trong nhiều năm đã giúp ông khỏe mạnh hơn cả thanh niên. Cơ thể ông vô cùng săn chắc, khỏe mạnh. Đây là kết quả xứng đáng cho nỗ lực rèn luyện sức khỏe của ông.
Có khi vì bận làm việc A mà chúng ta buộc phải từ bỏ việc B vốn đã có trong kế hoạch, vì chúng ta cho rằng làm B sẽ ảnh hưởng đến A. Nhưng, cũng có khi chúng ta thực hiện xong việc A mới phát hiện ra giải quyết việc B sẽ rút ngắn thời gian làm việc A. Nếu chúng ta thực hiện việc B thì có lẽ đã chỉ cần làm ít mà thu hoạch còn hơn gấp nhiều lần.
Chưa bao giờ là muộn khi bạn phát hiện ra sai lầm của mình. Cho dù có phải đi một đoạn đường vòng nhưng chẳng phải bạn cũng đã được trông thấy cảnh vật trên đoạn đường đó hay sao? Vì thế, bạn đừng bao giờ hối hận về sai lầm của mình, cũng đừng oán trách bản thân vì phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian hơn người khác. Bạn cần biết rằng, đi xa hơn, làm nhiều hơn đều có thể đổi lại kinh nghiệm và thu hoạch, trên đoạn đường vòng mà bạn cho rằng uổng công vô ích kia, cuộc đời của bạn đã có thêm một phần tươi đẹp.
Kiểm soát tâm trạng của bản thân
Các nhà khoa học từng thực hiện thí nghiệm mở nhạc cho nước “nghe” trước khi nó đóng băng. Khi “nghe” tiếng nhạc du dương, trầm bổng, những hạt tinh thể nước đông kết lại vô cùng đẹp, trông giống như những bông hoa tuyết rực rỡ đang mỉm cười. Còn khi “nghe” tiếng nhạc nặng nề, trầm lắng, tinh thể nước đóng băng lại thành những hình thù méo mó, giống như bộ mặt nhăn nhó của ma quỷ.
Có nhà khoa học phân tích rằng, nếu chất lỏng có khả năng phân biệt âm luật, vậy thì dòng máu đang chảy trong cơ thể con người cũng sẽ có những phản ứng khác nhau trước các tác động của thế giới bên ngoài. Nếu tai chỉ nghe thấy toàn những lời độc địa, hoặc bản thân đang nổi giận với người khác, thì máu trong cơ thể sẽ bị tác động, từ đó lưu thông khó khăn, tạo thành cục máu tụ, chặn ở những đoạn quan trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Thực tế, con người là một cá thể vô cùng yếu đuối, chỉ cần một lời trách móc cũng làm tổn thương lòng tự trọng. Nếu một người không bị hoàn cảnh tác động, thì tâm thái của người đó chắc chắn sẽ mạnh mẽ vô cùng, không bị ngoại cảnh cám dỗ hay làm cho tha hóa.
Hoàn cảnh luôn thay đổi thất thường, tâm trạng tốt hay xấu đương nhiên cũng chịu ảnh hưởng. Chắc chắn bạn đã từng trải qua những ngày: khi trời mưa triền miên, sẽ rất muốn ở nhà ngủ một mạch; còn khi Mặt trời chiếu sáng rực rỡ, thì tâm trạng có đau buồn, chán nản đến mấy cũng đều sẽ tan biến chỉ trong nháy mắt.
Không thể phủ nhận rằng thời ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của con người. Nhưng chúng ta cũng không thể vì thế mà để cho tâm trạng phụ thuộc vào thời tiết. Chúng ta không thể điều khiển thời tiết, nhưng lại có thể lựa chọn và điều chỉnh tâm trạng của mình. Chính vì có thể tác động đến tâm trạng nên mọi điều trong cuộc sống của bạn đều là do chính bạn quyết định.
Khi bạn nghe thấy có người oán trách: “Thời tiết hôm nay sao tệ thế, chẳng thích hợp để đi gặp khách hàng chút nào cả!” Thật ra, điều ảnh hưởng đến việc người này đi gặp khách hàng không phải là thời tiết mà chính là tâm trạng của anh ta. Người không có tâm thái ổn định thì tâm trạng dễ bị hoàn cảnh phá hỏng, đến lúc đó, người bị động chính là bản thân anh ta.
Một hôm, đối tác gửi tin nhắn cho tôi, nhưng nội dung tin nhắn không phải là thăm hỏi thân tình mà là quở trách. Bởi vì một hạng mục chúng tôi hợp tác, khi đưa vào hoạt động không tạo ra được lợi nhuận như kỳ vọng. Khi cô ta gọi điện đến, tôi đang ăn lẩu (lẩu có lẽ là món tôi thích nhất trên đời, dù có việc quan trọng đến mấy nhưng đã ngồi cạnh nồi lẩu thì tôi đều quên hết), đây là lúc tôi có tâm trạng tốt nhất. Nhưng cô ta lại đột nhiên tác động tiêu cực đến nó, khiến tâm trạng của tôi không thể thoải mái được nữa. Tôi đành gác lại niềm vui với món lẩu, tiếp tục nghe đối tác phàn nàn mà trong lòng nặng trĩu áp lực.
Trong cuộc điện thoại này, tôi không nói được câu nào mà chỉ hoàn toàn đóng vai người nghe. Và có lẽ do tôi không biểu hiện thái độ gì nên đối tác cho rằng tôi chột dạ, vì thế mới không thể tranh luận lại với cô ta. Cô ta chỉ trích tôi ngày càng gay gắt, tâm trạng ngày càng hưng phấn và lý trí cũng ngày càng mất kiểm soát. Đến cuối cùng, những lời trách móc của cô ta đối với tôi đã chuyển thành cho rằng chính tôi đã hủy hoại tiền đồ của cô ta, khiến tôi hoàn toàn không thể nói được câu gì.
Bạn cho rằng tôi chẳng việc gì phải bận tâm đến tính khí đỏng đảnh của người khác ư? Nhưng tôi không rộng lượng được như vậy. Vấn đề đã xảy ra rồi thì nhiệm vụ trước tiên là phải giải quyết vấn đề, cố gắng hết khả năng để xoay chuyển tình thế, bù đắp tổn thất. Sau khi làm xong những việc này rồi sẽ tự kiểm điểm lại mình, rút kinh nghiệm từ sai lầm để giúp bản thân tránh vấp ngã, phạm phải những sai lầm tương tự trong tương lai.
Không ai có thể là đấng cứu thế của ai, và cũng không nhất thiết phải tỏ ra vui mừng trước sai lầm của người khác. Về phía mình, tôi bắt đầu chờ cho cô ta nói hết nhịp, sau đó lần lượt chỉ ra những sơ xuất của cô ta. Tôi không muốn là người đầu tiên vứt bỏ quan hệ khi có vấn đề xảy ra, nhưng dù sao cũng vẫn phải bày tỏ rõ ràng lập trường và thái độ của mình. Tôi đã chấp nhận thách thức của nhiệm vụ này thì cũng có đủ lý trí để xử lý khi có chuyện. Làm lại từ đầu cần phải có dũng khí, đồng thời cũng không thể thiếu trí tuệ.
Tôi hiểu được việc đối tác không kiểm soát được tâm trạng của mình, nhưng như thế không có nghĩa là tôi để mặc sức cho cô ta đổ tội. Một người không biết điều chỉnh tâm trạng như vậy thì sau này cũng không còn phù hợp để tiếp tục làm đối tác của tôi nữa. Mặc dù có rất nhiều việc tôi làm cũng không thật sự tốt, nhưng tôi có thể hạn chế hết mức việc để cảm xúc ảnh hưởng đến công việc. Trời có lúc nắng lúc mưa, thì tình cảm và trạng thái tinh thần đương nhiên cũng phải có lúc này lúc khác. Không phải tôi chưa từng có lúc nào cảm thấy bực bội, mà là tôi biết phải điều tiết và khống chế nó như thế nào.
Giữ vững sự kiên trì, vứt bỏ nỗi ám ảnh
Sau khi một bộ phim truyền hình được chuyển thể từ một bộ tiểu thuyết nổi tiếng trên mạng và giữ vị trí cao trong danh sách phim ăn khách trong một thời gian dài trên trang web của đài truyền hình, thu nhập của nữ chính thậm chí đã lên đến 1 triệu tệ/tập. Theo ý kiến của tôi, bộ phim truyền hình này không để lại cho tôi ấn tượng gì sâu sắc, nhưng có một từ khiến tôi nhớ mãi, đó là “ám ảnh”.
Trong triết học, “ám ảnh” được định nghĩa là: điều không hay luôn lởn vởn trong tâm trí, làm con người phải băn khoăn, lo lắng, không sao thoát ra được. Ám ảnh cũng giống như mặt trái của kiên định. Kiên định là sự nỗ lực, cố gắng đúng hướng, ám ảnh là tình cảm tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình nỗ lực này. Vì thế, chúng ta phải giữ vững sự kiên định tích cực, đó là vũ khí sắc bén giúp chúng ta trưởng thành mạnh mẽ hơn. Chúng ta cũng cần phải vứt bỏ ám ảnh, để cho tâm hồn được giải thoát khỏi mọi xiềng xích, được tự do tự tại và bay bổng.
Tôi học Đại học Sư phạm ở Thâm Quyến, nơi này tụ tập đông đảo sinh viên đến từ khắp các vùng miền, cuộc sống hết sức thú vị. Nhưng có một điều là ở ngôi trường này tôi biết được 10 người mắc bệnh về thần kinh, gồm có ba nam sinh học cùng lớp tôi, bốn nữ sinh ở cùng ký túc xá với tôi, ngoài ra còn có một nữ sinh ở khoa Công nghệ Thông tin cùng hai nam sinh ở khoa Hành chính và Pháp luật. Tôi không biết ngoài 10 sinh viên này ra còn có ai bị mắc bệnh về thần kinh mà mình chưa phát hiện ra hay không, nhưng chỉ riêng 10 người này cũng đã đủ cho tôi cảm thấy hoảng sợ.
Trong ba nam sinh học cùng lớp với tôi, có một người là lớp trưởng. Tôi đã chia sẻ câu chuyện về cậu ta ở một chương khác trong cuốn sách này. Ngoài ra còn một cậu bạn khác tên là Lý Hải Long, đúng rồi, đúng là cái tên Lý Hải Long này.
Lý Hải Long quê ở vùng Đông Bắc, là người bị bệnh nhẹ nhất trong số ba người mắc bệnh về thần kinh ở lớp tôi. Chúng tôi biết về bệnh tình của cậu ta vào lúc tình hình sức khỏe của cậu ta kém nhất, đến nỗi người thân phải đưa về nhà điều trị trong một học kỳ. Lúc trở lại trường thì cậu ta đã trở thành đàn em kém chúng tôi một khóa.
Tôi tiếp xúc với Lý Hải Long không nhiều, chỉ biết rằng cậu ta theo đuổi một bạn gái xinh đẹp ở lớp chúng tôi nhưng cô ấy đã có người yêu. Chuyện này bị người yêu của cô bạn kia phát hiện ra, Lý Hải Long bị đánh cho mấy trận rất đau. Thường thì sau một lần bị đánh, nếu cậu ta không kiếm chuyện nữa thì cũng không còn có lần tiếp theo. Nhưng Lý Hải Long lại là người vô cùng ngang ngạnh, bảo thủ, không điều gì có thể lay chuyển được cậu ta, vì thế mới càng làm cho người yêu của cô bạn kia nổi giận. Hai người này cùng nhau diễn một vở kịch tuyệt hay có tên là “Càng đánh càng bướng, càng bướng lại càng đánh”.
Lý Hải Long đem những cảm xúc của mình khi theo đuổi bạn gái kia viết thành truyện gửi cho tạp chí của trường đại học, rồi lại chuyển thể câu chuyện này thành kịch gửi cho đội kịch nói. Lúc đó tôi đang học việc ở đội kịch nói, đội trưởng nhận được cái gọi là “kịch bản gốc” kia liền gặp tôi, hỏi: “Lý Hải Long học cùng lớp em phải không?”
Tôi trả lời: “Vâng ạ!”
“Tinh thần của cậu ta có vấn đề à?”, đội trưởng cầm kịch bản trên tay, bực mình cằn nhằn với tôi. Tôi bật cười hì hì mấy tiếng. Cả tôi và đội trưởng đội kịch đều cho rằng “thần kinh của cậu ta có vấn đề” chỉ là một câu nói đùa. Không lâu sau, Lý Hải Long quả thật đã phải về nhà nghỉ ngơi, điều dưỡng vì trạng thái tinh thần của cậu ta không tốt.
Mỗi lần xuống nhà ăn, tôi luôn trông thấy một bạn gái cười ngây ngô, sau đó gọi đầy một bàn đồ ăn rồi một mình ngồi ăn điên cuồng. Ăn không hết cô ấy gói lại, nhưng thật buồn cười là cô ấy thường gói bằng giấy vệ sinh. Có lần, cô ấy không đủ giấy vệ sinh để gói thức ăn, liền đến trước mặt tôi, lúc đó đang ngồi ở bàn bên cạnh, hỏi tôi có giấy vệ sinh hay không. Rất nhiều sinh viên ngồi ăn xung quanh nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ quặc khiến tôi cảm thấy hơi căng thẳng, nhưng vẫn lấy giấy ăn đưa cho cô ấy.
Sau lần đó, tôi thường xuyên trông thấy nữ sinh này và cô ấy cũng luôn nhìn thấy tôi, bởi vì cô ấy luôn chọn ngồi ở bàn ăn gần với tôi nhất. Tôi nghĩ rằng chúng tôi cùng là bạn học, mặc dù có thể tinh thần cô ấy không tốt, nhưng nếu tôi chủ động trò chuyện thì cũng không có vấn đề gì.
Một hôm, do bận hoạt động ở đội kịch nên tôi đi ăn tối rất muộn, nhưng vẫn thấy nữ sinh kia ngồi ngơ ngẩn trong nhà ăn, không biết đang đợi ai. Tôi lấy cơm và thức ăn rồi ngồi xuống một góc, vừa ăn vừa nhắn tin cho một cô bạn ở ký túc xá. Bỗng nhiên tôi nghe thấy một tiếng thét chói tai xé tan bầu không khí vốn yên tĩnh trong nhà ăn. Một nam sinh vô cùng khỏe mạnh dùng một tay nhấc bổng nữ sinh có vấn đề về thần kinh kia lên, mặc cho cô ta giãy giụa, đi về phía tôi.
“Em thích anh ta phải không? Có phải em đã thay lòng đổi dạ rồi hay không?” Nam sinh này ném cô bạn kia xuống trước mặt tôi, mắt trừng trừng nhìn cô ta còn tay chỉ vào tôi, vừa quát tháo vừa hỏi.
Tôi sững người, đứng ngây ra như hóa đá, tưởng chừng như sắp bị mang ra thiêu cháy đến nơi. May mà đội trưởng đội kịch cũng đi ăn tối, thấy vậy liền kéo tôi chạy ra khỏi nhà ăn.
“Em nói xem vừa rồi xảy ra chuyện gì, làm sao mà lọt vào mắt xanh cả trai lẫn gái thế hả?”, đội trưởng chế nhạo tôi.
Tôi lườm anh ta một cái, miệng thở hổn hển, cũng chẳng thèm phản ứng.
Sau hôm đó, tôi không còn trông thấy nam sinh và nữ sinh kia nữa. Vào cuối học kỳ, một hôm ở khu ký túc nam của trường có rất nhiều người vây quanh chiếc xe cảnh sát đang hú còi inh ỏi. Đội trưởng đội kịch một tay đập bóng rổ một tay đập vào vai tôi, nói với tôi giống như kể chuyện:
“Em biết không, đôi trai gái chúng ta gặp ở nhà ăn hôm đó là hai người yêu nhau. Nhưng hình như cô gái kia rất có tình ý với em, bị người yêu phát hiện ra nên nhốt vào phòng ngủ của mình, đánh đập suốt ba ngày liền. Sau đó nam sinh kia tự nhiên mất tích, nữ sinh bị đánh sống dở chết dở dùng đầu đập vỡ cửa kính, nhờ vậy mới có người trông thấy và báo cho cảnh sát.”
Tôi nghe mà sởn hết cả gai ốc, về ký túc xá nằm mãi vẫn không tài nào ngủ được, cứ suy nghĩ mãi về Lý Hải Long, lớp trưởng, nữ sinh kỳ lạ này, và cả mấy bạn học thần kinh không bình thường khác nữa. Rốt cuộc thế giới nội tâm của họ bị dằn vặt hay bị kích thích đến mức nào mà lại có những hành vi ám thị gây ra những bi kịch đau xót đến vậy?
Có một dạo, tôi nghiên cứu về người mắc bệnh tâm thần, ngoài ra tôi có đọc một quyển sách tên là Thiên tài sang trái, người điên sang phải. Tôi hiểu được rằng những người có nguy cơ tiềm ẩn sinh ra bệnh tâm thần thì cũng có tố chất tiềm ẩn để trở thành thiên tài. Điểm khác biệt lớn giữa thiên tài và người bình thường là thiên tài kiên định với ước muốn của mình hơn người bình thường rất nhiều, vì theo đuổi ước muốn mà dốc hết mọi quyết tâm. Còn điểm khác biệt lớn giữa thiên tài và người mắc bệnh tâm thần là thiên tài kiên định với ước muốn của mình, còn người tâm thần luôn bị ám ảnh bởi ác mộng.
Chắc hẳn bạn đã từng gặp phải tình huống do chỉ được lựa chọn một thứ mà suy tính thiệt hơn, do buộc phải vứt bỏ một thứ mà tiếc nuối mãi không thôi. Thậm chí do một lần sai sót mà luôn canh cánh trong lòng. Cuộc sống không giống như kem, mịn màng, ngọt ngào, không thể biến cà phê đắng ngắt thành thứ thức uống ngọt dịu. Trong cuộc sống có đến tám, chín phần là những điều không như ý. Không ai là ngoại lệ trong cuộc đời này, vậy thì tại sao lại cứ nghĩ rằng thế giới đối xử không công bằng với bạn? Tôi luôn tin vào một câu nói: “Có mất tất phải có được, có được tất phải có mất.” Giữa được và mất, nếu cầm lên được thì phải cố gắng kiên trì giữ lấy, nếu không thì đừng ám ảnh về nó.
Có người bảo rằng: “Người cầm lên được là người dũng cảm, người biết đặt xuống là người thông thái.” Tôi rất đồng ý với câu nói này. Cuộc đời con người, có vui vẻ cũng có đau buồn, có lên cao cũng có xuống thấp. Có thể hôm nay bạn cảm nhận một cách sâu sắc rằng “nghìn cân đang đè nặng trong lòng”, nhưng chỉ cần kiên trì, cố gắng thì ngày mai bạn sẽ nếm được mùi vị của thành công. Trong những tháng ngày còn trẻ dại, chúng ta thường cho rằng mình có thể cầm lên được thì chắc chắn cũng có thể đặt xuống được. Khi đã khôn lớn và trưởng thành, chúng ta mới phát hiện từ bỏ những thứ đã cầm lên rồi là một việc vô cùng khó khăn.
Dù khó đến mấy chúng ta cũng có thể làm được, bởi có một loại thành công gọi là buông bỏ được, có một loại thất bại gọi là cố chiếm giữ. Đã là một thanh niên thời đại mới thì phải vừa biết cầm lên, vừa biết đặt xuống.
Không hoàn mỹ mới là đẹp
Lưu Dung - tác giả nổi tiếng người Đài Loan, từng ghi lại một câu chuyện như sau:
Tôi có một người bạn, đã sống đơn độc gần nửa đời người, nhưng đến năm 50 tuổi lại bất ngờ kết hôn. Cô dâu tuổi cũng xấp xỉ bạn tôi, vô cùng yểu điệu, thướt tha. Bạn bè biết tin đều thầm thì to nhỏ rằng: “Người phụ nữ đó trước kia làm diễn viên, đã có hai đời chồng nhưng đều ly hôn, bây giờ sa sút rồi mới được ông ta cưới về.”
Không biết có phải là những lời này truyền tới tai người đàn ông kia hay không mà trong một lần gặp tôi, ông ta vừa cười vừa bảo rằng: “Con người tôi, ngay từ lúc còn trẻ đã mong muốn mua một chiếc xe Mercedes, nhưng khi đó không có tiền nên không mua được. Còn bây giờ, tôi vẫn không mua được một chiếc mới cứng, mà lại mua một chiếc đã qua hai đời chủ.”
Đúng là ông bạn tôi đang đi chiếc xe Mercedes cũ nát. Tôi quan sát kỹ lưỡng, hỏi: “Xe đã qua hai đời chủ rồi à? Trông vẫn rất tốt đấy chứ! Động cơ rất khỏe.”
“Đúng vậy!” Bạn tôi cười, “Xe cũ thì có gì không tốt chứ? Giống như vợ tôi đây này, đã từng lấy một người Tứ Xuyên, rồi lại lấy một người Thượng Hải, còn có hơn 20 năm làm việc trong giới giải trí, cảnh nào cũng đều đã trải nghiệm hết cả. Bây giờ cô ấy có tuổi rồi, không còn thướt tha, điệu đà như ngày xưa nữa, nhưng lại biết làm món Tứ Xuyên, Thượng Hải, còn biết cả sắp xếp, bài trí nhà cửa. Nói thật, tôi gặp được cô ấy đúng vào lúc cô ấy hoàn mỹ nhất đấy.”
Tôi nói: “Người khác thì không biết, nhưng quả thật tôi không nhận ra cô ấy lại là ngôi sao ngày ấy đâu.”
“Đúng đấy!” Ông ta vỗ vào vô lăng, “Thật ra thì chính bản thân tôi đây có hoàn mỹ đâu cơ chứ! Tôi cũng có vô vàn chỗ thiếu sót, từng gây ra nhiều chuyện phiền phức, làm nhiều việc bừa bãi. Chính vì chúng ta đều đã từng trải qua những điều này nên mới đều trưởng thành, biết nhường nhịn, biết nhẫn nại. Đây không phải là hoàn mỹ hay sao? Không, đây chính là hoàn mỹ!”
Đúng như lời Lưu Dung nói: “Nếu cái đẹp không có vài phần tiếc nuối, thì làm sao có được những hương vị khác nhau?”
Thật ra, chính bản thân cái không hoàn mỹ đã là một vẻ đẹp. Tượng nữ thần Venus vì không có hai cánh tay mà trở thành vẻ đẹp nghệ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới, mãi mãi là hiện thân của tình yêu và sắc đẹp trong tâm trí con người.
Người ta cho rằng nhạc sĩ phải luôn có đôi tai nhạy cảm với âm nhạc. Nhưng đối với nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven, từ năm 26 tuổi, thính giác của ông đã bắt đầu kém đi. Đến năm 46 tuổi thì ông bị điếc hoàn toàn. Tuy nhiên, khuyết tật về thể xác không thể khiến cho Beethoven từ bỏ việc sáng tác và theo đuổi âm nhạc. Các nhạc phẩm của ông như Bản giao hưởng số 3 mang tên Anh hùng, Bản giao hưởng số 5 mang tên Vận mệnh, Bản giao hưởng số 6 mang tên Điền viên… đều là những tác phẩm bất hủ được ông sáng tác sau khi bị điếc.
Mỗi sinh mệnh tồn tại trong cuộc đời đều đã từng gặp vận may, và cũng từng gặp thất bại. Có thể trông thấy ánh mặt trời rực rỡ, nhưng cũng cảm nhận được bóng tối lạnh lẽo. Mặt trăng kia sinh ra đã có khi tròn khi khuyết, mọi việc trên đời từ xưa đến nay vốn rất khó vẹn toàn. Vì thế, con người có lúc vui lúc buồn, lúc hợp lúc tan thì cũng đừng nên buồn phiền, trách móc. Thực tại luôn tàn khốc hơn mơ tưởng. Trên thế gian này dù là vương hầu khanh tướng hay tôi tớ sai dịch cũng đều phải trải qua khó khăn và tiếc nuối. Cái gọi là hoàn mỹ chỉ tồn tại trong tưởng tượng của chúng ta. Trong tiểu thuyết Đàn hương hình, nhà văn Mạc Ngôn đã viết một đoạn như sau:
“Mọi việc trên thế gian đều chẳng thể thập toàn thập mỹ. Hãy nhìn xem, Mặt trăng trên trời kia hễ cứ tròn đầy là lại lập tức phải thiếu khuyết. Quả trên cây kia hễ cứ chín nục là lại lập tức phải rụng xuống. Bất cứ việc gì cũng đều phải lưu lại một chút thiếu khuyết.”
Có một vòng tròn vì bị mất một góc nên cảm thấy thiếu khuyết, nó bèn khoác hành lý lên đường tìm lại chỗ thiếu khuyết kia. Vì thiếu một góc nên vòng tròn không còn “tròn” nữa. Tốc độ lăn trên mặt đất của nó cũng trở nên rất chậm, thi thoảng gặp chỗ gập ghềnh, nó phải cố gắng hết sức mới có thể vượt qua được để tiếp tục đi về phía trước.
Nhưng cũng nhờ lăn chậm mà vòng tròn được trông thấy hoa cỏ rực rỡ, ngát hương bên đường, được trông thấy đám trẻ nô đùa vui vẻ, được trông thấy ánh hoàng hôn đẹp đẽ vô cùng và mặt trời buổi sớm tràn đầy khí thế. Đây vẫn là con đường nhỏ mà trước kia vòng tròn đã lăn qua không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng đều lăn quá nhanh nên không kịp ngắm phong cảnh, cũng không ngửi thấy hương thơm được lâu, và càng không có thời gian để trò chuyện với côn trùng, ca hát với chim và nhảy múa với gió. Nhưng lần này, vòng tròn đã cảm nhận được sự vui vẻ và mãn nguyện chưa từng có. Suốt dọc đường đi nó thích thú cất tiếng hát, nó cảm thấy vô cùng yêu đời.
Thời gian vui vẻ trên đường luôn vô tình trôi qua rất nhanh. Sau đó vòng tròn tìm lại được một góc bị khuyết thiếu kia. Nhưng bỗng nhiên nó lại cảm thấy rằng cả thế giới này đều trở nên không còn đẹp đẽ và vui vẻ như trước nữa. Thế là vòng tròn vứt bỏ cái góc vừa tìm lại được, đi hết con đường vốn thuộc về nó với cơ thể bị thiếu khuyết. Nếu không bị khuyết mất một góc, vòng tròn sẽ không có cơ hội để đi chậm lại, để nhìn ngắm cuộc sống xung quanh. Có thể trong công việc nó rất tài giỏi, là nhân viên đắc lực của công ty, là trụ cột của gia đình, là nhân tài của xã hội, là rường cột của đất nước, nhưng nó lại không phải là bản thể vui vẻ kia. Vì tất cả mọi người, vòng tròn từng ra sức phấn đấu để không ai sánh bằng, nhưng nó lại chưa từng cảm thấy vui vẻ. Đương nhiên, người không cảm thấy vui vẻ thì chắc chắn sẽ không thể biết được niềm vui khiến người ta say mê và khó quên đến nhường nào.
Chính vì thiếu mất một góc nên vòng tròn mới lên đường tìm lại góc khuyết thiếu để bổ sung cho bản thân được hoàn mỹ. Nhưng cũng chính vì thiếu mất một góc mà nó mới tìm được rất nhiều cái đẹp vốn dĩ thuộc về nó nhưng lại luôn bị bỏ qua. Con người hoặc sự vật phải sau khi khuyết thiếu thứ gì đó mới cảm thấy đủ đầy và vui sướng. Vậy nên, ngày càng có nhiều người ý thức được rằng sự không vẹn tròn mới có thể tồn tại bền lâu.
Đời người là một vở kịch đầy rẫy những vui buồn yêu ghét, có thể không phải lúc nào cũng hoàn mỹ, nhưng đó chính là cuộc đời. Bạn cho rằng nếu thiếu khuyết thì ông trời sẽ cho bạn trải nghiệm càng nhiều hương vị của cuộc sống, và thế là bạn có một cuộc đời hoàn chỉnh. Trong rất nhiều trường hợp, mất mát và khiếm khuyết lại vô cùng có ý nghĩa.
Con người sẽ già đi, sắt thép rồi cũng gỉ, rêu xanh sẽ ngả vàng, vạn vật trên thế gian thậm chí còn phải trải qua nhiều nỗi đau đớn tột cùng. Còn bạn và tôi, chẳng phải là sau khi trải qua cay đắng, xót xa mới hiểu thấu được những ngọt ngào đằng sau đó sao?
Không phải là sau khi đã trải qua thất bại thì cuộc đời sẽ không còn hoàn mỹ nữa. Mỗi một đoạn đời chúng ta đã đi qua đều là kinh nghiệm. Sự rộng lượng, trưởng thành là giới hạn cao nhất của đời người mà ông trời ban cho chúng ta. Niềm vui lâu bền không thể tìm thấy trong hoàn cảnh thuận lợi, mà bạn cần phải trải qua khó khăn mới có thể có được nó.
Thời gian vô hạn nhưng đời người hữu hạn, không trọn vẹn mới càng đáng quý.
Con người sống trên đời, không nên ảo tưởng bốn mùa lúc nào cũng ấm áp như mùa xuân, cũng không nên ảo tưởng cuộc đời lúc nào cũng hoàn mỹ, không có khiếm khuyết. Cuộc đời bạn hoàn toàn phụ thuộc vào cách sống và thái độ sống của bạn. Chấp nhận sự không hoàn mỹ mới là cách sống thông minh của một người có cuộc đời hạnh phúc.
Kiên quyết đi trên con đường đã chọn
Cao thủ đấu với nhau, thứ đưa ra để so sánh là những khó khăn đã vượt qua, chứ không phải là những thành công đã đạt được.
Người Trung Quốc từ xưa đến nay luôn có thái độ yêu ghét vô cùng rõ ràng. Nếu đã có thể trăm miệng cùng lên tiếng thống nhất trước một vấn đề thì sẽ không chia thành hai phe phải trái để tranh cãi nhau.
Trong thời gian 30 năm công tác, huấn luyện viên trưởng Lang Bình của đội bóng chuyền nữ Trung Quốc đã nhận thức rõ ràng, sâu sắc về hai thái độ khác nhau một trời một vực ấy.
Lang Bình từng được tặng “hoa tươi” cách đây hơn 30 năm. Lúc đó cô vẫn còn là một cầu thủ của đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, nhờ kỹ năng đập bóng xuất sắc nên được mệnh danh là “Búa sắt”. Đúng vào lúc người Trung Quốc gần như hoàn toàn tuyệt vọng về việc có được chiến thắng tại ba giải thi đấu bóng chuyền lớn thì Lang Bình và đồng đội của mình, với tư cách là đội bóng đầu tiên năm lần vô địch thế giới, đã thắp lại hy vọng cho người dân Trung Quốc. Kể từ đó, đội bóng chuyền nữ và tinh thần đội bóng chuyền nữ Trung Quốc giống như một chiếc đèn trời, gắn liền với vinh quang của người Trung Quốc.
Giành chức vô địch và được người hâm mộ ca tụng, sau khi giải nghệ sẽ tiếp tục ở lại ngành thể dục thể thao hoặc tham gia công tác chính quyền. Đây là một chu trình hợp logic và có lẽ cũng là hướng đi của hầu hết các vận động viên. Thế nhưng Lang Bình lại chọn cách giải nghệ đúng vào lúc sự nghiệp đang phát triển rực rỡ nhất. Đồng thời, cô từ bỏ tất cả mọi quyền lợi của bản thân, một mình lặn lội sang Mỹ du học theo diện tự túc nhưng với danh nghĩa nhà nước cử đi. Sau đó, để có tiền nộp học phí và trang trải cuộc sống, cô buộc phải đi “làm thuê”. Cô làm từ trợ lý huấn luyện viên rồi làm đến huấn luyện viên trưởng. Vào đầu thập niên 1990 cô còn trở về nước làm huấn luyện viên trưởng đội bóng chuyền nữ quốc gia một thời gian.
Người Trung Quốc không hoàn toàn bài xích việc Lang Bình làm huấn luyện viên cho quốc gia khác, bởi vì trên thế giới có quốc gia nào là không có huấn luyện viên người nước ngoài? Nhưng người ta bắt đầu cảm thấy khó hiểu và chỉ trích Lang Bình khi Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 diễn ra, lúc đó Lang Bình là huấn luyện viên trưởng đội bóng chuyền nữ của Mỹ.
Sự việc khiến Lang Bình khó xử nhất trong đời có lẽ là việc xuất hiện trên đấu trường chính của tổ quốc mình với tư cách là người dẫn dắt đội đối thủ. Hơn nữa đội bóng chuyền nữ của Mỹ do cô huấn luyện đã giành huy chương Vàng. Điều này vô tình khơi thêm nỗi đau của người dân Trung Quốc khi đội bóng chuyền nữ nước nhà chỉ xếp thứ tư. Vì thế, nhân dân cả nước sục sôi, nhưng có điều khác so với sự sục sôi ở nhiều năm trước là rất nhiều người hâm mộ trong nước bắt đầu chửi bới Lang Bình công khai trên mạng xã hội, họ gọi cô là “kẻ phản bội”.
Chắc hẳn khi đó Lang Bình đã phải rời tổ quốc với tâm trạng mất mát và vô cùng tủi thân.
Nhưng có những khi, sự tủi thân lại rất khó biểu đạt được bằng lời. Ban đầu, Lang Bình chỉ làm huấn luyện viên tạm thời cho đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia, là do phải “nhận nhiệm vụ lúc lâm nguy”, khi một lần nữa rời đi, cô mang theo cả niềm vinh dự. Bây giờ, không ai muốn trông thấy cục diện khó xử như thế này. Nhưng sự việc đã xảy ra rồi thì chắc chắn phải có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Hiển nhiên là Lang Bình đã chuẩn bị sẵn sàng để chịu trách nhiệm.
Năm 2013, khi đội bóng chuyền nữ quốc gia sa sút đến mức thấp nhất trong lịch sử, Lang Bình đã đứng ra gánh vác trọng trách. Cô không hề cảm thấy xấu hổ vì năm năm trước bị khinh thường, cũng không hề canh cánh trong lòng vì năm năm trước bị chửi rủa. Nhờ sự kiên trì của cô, bóng chuyền nữ đã có sự tiến bộ vượt bậc.
Một đội bóng mới đã ra đời và họ đã tạo ra hết kỳ tích này đến kỳ tích khác.
Tại Thế vận hội Rio de Janeiro năm 2016, khi quốc ca Trung Quốc vang lên trong giây phút đội bóng chuyền nữ nước nhà được trao huy chương Vàng, chắc hẳn sẽ không chỉ có một người Trung Quốc cảm động. Sự cảm động này thuộc về tất cả mọi người đang ở trên sân vận động, ở trước màn hình ti vi và cả trên mạng…
Trước làn sóng ca tụng rầm rộ, Lang Bình vẫn bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, giống hệt như khi bị chỉ trích tám năm về trước. Lang Bình chưa bao giờ bị thắng lợi và những lời ca tụng làm cho mê muội đầu óc. Cô vẫn nói với mọi người một cách rất lý trí:
“Thể thao là một môn giải trí, vì thế mọi người nên đón nhận việc thắng hay thua bằng một tâm thế thoải mái, không nên quan trọng hóa thể thao đến mức nói là có yêu nước hay không. Thắng lợi hôm nay là công sức của đội tuyển bóng chuyền nữ, nhưng giới truyền thông cũng đừng ‘tâng bốc’ chúng tôi lên quá cao.”
Lang Bình còn nhấn mạnh: “Không nên cứ hễ giành chiến thắng là liền nói đến tinh thần của đội tuyển bóng chuyền nữ, mà cũng cần phải thấy được quá trình nỗ lực, cố gắng của chúng tôi. Tinh thần đội tuyển bóng chuyền nữ lúc nào cũng có, nhưng chỉ dựa vào tinh thần thôi là chưa đủ, mà còn phải có kỹ thuật giỏi mới có thể giành được thắng lợi.”
Thể thao là hoạt động thi đấu mang tính giải trí, không nên đề cao một cách thái quá, coi đó là biểu hiện của “lòng yêu nước”. Có quan điểm như vậy nên trước những lời chỉ trích và những tràng vỗ tay tán thưởng, Lang Bình mới có thể bình thản đón nhận như vậy.
Trên thế giới này luôn tồn tại một mối liên hệ tất yếu giữa nguyên nhân và kết quả. Mặc dù ánh sáng của ngày hôm nay không thể soi sáng bóng tối của ngày mai, nhưng sau khi giông bão qua đi, ánh sáng chắc chắn sẽ lại hiện hữu.
Không phải tất cả các vận động viên chuyển sang làm huấn luyện viên đều có thể thành công. Điều này cũng giống như không phải tất cả các nhà khởi nghiệp đều có thể gây dựng được một doanh nghiệp lớn mạnh.
35 năm trước, thế hệ bóng chuyền nữ sáng lập ra tinh thần đội tuyển bóng chuyền nữ, nhưng 35 năm sau lại chỉ có Lang Bình vẫn theo nghề.
Tinh thần quả cảm giúp Lang Bình có dũng khí để vượt lên khỏi những chỉ trích, đi theo con đường bản thân đã lựa chọn. Dưới sự dẫn dắt của cô, tinh thần đội bóng chuyền nữ hiện nay đã mang một ý nghĩa mới, đó là thi đấu hết mình, chiến đấu đến cùng, kiên trì hơn đối phương dù chỉ một phút. Điều này đã trở thành biểu tượng sức mạnh của giới thể dục thể thao Trung Quốc.
Lang Bình đã thắng. Thắng lợi của cô cho thấy rằng “con người” trong xã hội loài người chắc chắn lớn hơn mọi tổ chức. Trong doanh nghiệp, lực lượng cạnh tranh nòng cốt chính là đội ngũ nhân tài mũi nhọn nắm giữ kỹ thuật chủ chốt. Chúng ta có lý do để tin rằng, trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp trong tương lai, chắc chắn sẽ có rất nhiều “tổ xung kích” giống như đội bóng chuyền nữ quốc gia Trung Quốc.
Ở Lang Bình, người ta không hề trông thấy dáng dấp của “người lập nghiệp”, ít nhất là so với Diêu Minh8 và Tào Yến Hoa9 trong giới thể thao. Cô giống như một nhà quản lý chuyên nghiệp, xuất sắc hơn.
8 Diêu Minh (1980): Siêu sao bóng rổ có chiều cao kỷ lục 2,29m, từng chơi cho đội tuyển Houston Rockets tại NBA- giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp nhà nghề Bắc Mỹ.
9 Tào Yến Hoa: Vận động viên bóng bàn từng giành được bảy huy chương Vàng vô địch thế giới.
Lang Bình có đầy đủ kiến thức và kỹ năng của một người trong nghề. Từ nhiều năm nay, cô chưa từng cúi đầu trước trở ngại. Cô có cá tính rõ ràng, dứt khoát, thạo việc tổng kết và lập kế hoạch, có khả năng kiên trì bền bỉ hơn đối thủ trên sân đấu, dám thử nghiệm cái mới. Những lúc gặp trắc trở trong sự nghiệp, cho dù khó khăn đến mấy cô cũng chưa từng từ bỏ nỗ lực, đặc biệt là trong cuộc đối đầu giữa đổi mới và truyền thống, giữa kiên trì và thỏa hiệp.
Lang Bình trước đây được đào tạo chuyên nghiệp. Cô có nhiều kinh nghiệm thi đấu trong giai đoạn đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc năm lần liên tiếp giành chức vô địch thế giới. Đồng thời cô lại có kinh nghiệm làm huấn luyện viên ở các đội tuyển quốc gia khác nhau. Tất cả những điều này giúp cô trở thành người tạo ra tinh thần hoàn toàn mới cho đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc.
“Người quản lý chuyên nghiệp” có năng lực và có cá tính như vậy quả thật vô cùng hiếm. Trong giới doanh nhân, nhân tài như Lang Bình có thể nói là vô cùng quý báu. Trí tuệ, lòng kiên trì, sự quả cảm, lòng tin và tinh thần đội tuyển bóng chuyền nữ ở cô xứng đáng được mọi doanh nhân học tập và noi gương.
Chúng ta biết rằng, là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cho dù không dốc sức lăn lộn ở tuyến đầu thì ít nhất cũng phải biết rõ tất cả tình hình ở đó. Quản lý không phải là người luôn đứng ở trên cao, nói những chuyện trên trời dưới bể. Người quản lý phải giữ mối quan hệ hài hòa thân thiết với nhân viên làm việc ở tuyến đầu, giống như giữa người bán hàng và khách hàng luôn giữ một mức độ gắn kết nhất định.
Từ hơn 30 năm nay, cho dù trên cương vị cầu thủ hay huấn luyện viên, bất kể ở trong nước hay ngoài nước, Lang Bình cũng luôn gắn bó với bóng chuyền, chưa từng rời xa nửa bước. Lang Bình rất giỏi sử dụng con người, rất giỏi phát hiện và phát triển nhân tài. Xét trong lĩnh vực “săn đầu người” cô cũng vô cùng xuất sắc, chắc chắn không kém gì Bá Lạc10 của Trung Quốc thời xưa.
10 Bá Lạc: Theo truyền thuyết, vị thần cai quản loài ngựa được gọi là Bá Lạc. Trong dân gian, người am hiểu về ngựa cũng được gọi là Bá Lạc. Người đầu tiên ở Trung Quốc được tôn xưng là Bá Lạc là Tôn Dương, sống vào thời Xuân Thu.
Trong cuộc đời nhiều năm làm huấn luyện viên ở nhiều quốc gia khác nhau, Lang Bình có sở trường huấn luyện cầu thủ đi lên từ “con số 0” một cách nhanh nhất, đồng thời đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng.
Trong xây dựng đội bóng, Lang Bình luôn giữ không khí hòa ái, đồng thời rất giỏi động viên, khích lệ, giúp cầu thủ luôn tràn đầy sức sống và sự tự tin, nhất là khi bước vào những giải đấu lớn. Dưới sự dẫn dắt của cô, các cầu thủ luôn có lòng tin vượt qua mọi áp lực, giành thắng lợi cuối cùng. Tinh thần phấn đấu không gì lay chuyển này chính là hạt nhân tạo nên tinh thần đội bóng chuyền nữ Trung Quốc.