Chú tâm đến những thứ quan trọng
Trong mấy năm thực hiện kế hoạch doanh nghiệp, tôi đã từng nghiên cứu rất kỹ về tâm lý người tiêu dùng.
Rất nhiều người khi đi mua sắm vốn chỉ định mua những thứ cần thiết nhưng bị ngoại cảnh tác động mà sẽ mua thêm những thứ lặt vặt khác không có trong dự định. Ví dụ khi trông thấy những người xung quanh đều mua một mặt hàng nào đó, nhiều khả năng họ cũng sẽ mua theo. Hoặc là họ nghĩ rằng lúc này mình chưa cần món đồ ấy nhưng biết đâu sẽ có lúc dùng đến, vì thế nên phải mua ngay. Trong khâu tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi gọi đây là “người bị lừa gạt”.
Ví dụ, chúng ta rất cần mua một mặt hàng nào đó, nhưng trong lúc chuẩn bị mua thì phát hiện rất nhiều người xung quanh đang dùng sản phẩm này. Khi đó trong lòng ta bắt đầu nảy sinh suy nghĩ: Không mua, sẽ không có gì để dùng; mua, sẽ chỉ giống như những người khác, mình chẳng có gì đặc biệt cả. Thông thường, những mặt hàng thiết yếu đều rất khó lọt vào mắt, thay vào đó là một loại khác có tính năng tương tự, sẽ thỏa mãn nhu cầu về sự “khác lạ” của người tiêu dùng.
Khi đi mua sắm, bạn sẽ nghe thấy người bán mời chào bằng những câu đại loại như: “Làm gì có hàng nào so được với hàng của chúng tôi chứ?”, “Hàng tốt như thế này không phải ai cũng có được đâu, bây giờ nếu không mua ngay thì sau này không có mà mua nữa đâu!”…
Con người ai cũng có niềm tự hào trong lòng. Đó không phải là tự cao tự đại mà là âm thầm khẳng định bản thân. Khi va vấp với thế giới bên ngoài, gặp gỡ nhiều người khác nhau sẽ nảy sinh tâm lý so sánh.
Tâm lý so sánh không phải là căn bệnh chung của những người trưởng thành, mà nó là một loại tâm lý xuất phát từ tổn thương do xã hội tác động.
Một đứa trẻ khi bị định kiến xã hội xâm nhiễm sẽ bắt đầu hình thành tư tưởng so sánh: A thấy B có một chiếc đồng hồ định vị, liền đòi người nhà mua cho mình một cái giống như vậy hoặc thậm chí là đẹp hơn. Tuần nào C cũng được cha mẹ đưa đi ăn ở nhà hàng cao cấp, D thấy vậy cũng sẽ đòi cha mẹ đưa mình đi.
Có phải bạn nhỏ B kia cần đồng hồ định vị không?
Có phải bạn nhỏ D kia thật sự thích ăn ở nhà hàng cao cấp không?
Câu trả lời có thể là không. Chưa chắc chúng đã thật sự muốn những điều đó, chẳng qua là do bị ảnh hưởng, trông thấy người khác có nên mình cũng muốn có mà thôi. Khi đã có rồi thì lại bỏ sang một bên không thèm động đến, như vậy cũng tức là không còn giá trị sử dụng nữa.
Khi muốn có thứ gì đó, bạn phải chắc chắn rằng bản thân thật sự cần đến nó, nếu không sẽ vô cùng lãng phí và vô trách nhiệm.
Hãy nhìn lại phòng ở, phòng làm việc của mình, bạn thấy những nơi đó gọn gàng, sạch sẽ hay đồ đạc chất đống như núi?
Nhu cầu sinh ra tiêu dùng, tiêu dùng sinh ra sự kích thích muốn mua sắm nhiều hơn, kết quả là căn nhà của bạn liền biến thành nơi tập kết hàng hóa. Bất kể món đồ đó có cần thiết hay không, cứ mua về đã rồi tính sau.
Mua sắm là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Nếu rất nhiều đồ dùng gia đình thiết yếu đồng loạt tăng giá thì chi phí dành cho chúng có thể còn lớn hơn tiền lương cả năm của bạn.
Một chuyên gia đã nhận định: Ở Mỹ, bình quân mỗi gia đình đều sở hữu không ít hơn 300 nghìn vật phẩm khác nhau. Đây là một con số rất lớn, thể hiện ngụ ý bên trong và biểu tượng bên ngoài. Nó chỉ ra một sự thật hiển nhiên - sự sống ban cho con người sức mạnh vô hạn, và đồng thời con người cũng có ham muốn vô hạn. Sau đó, việc thực hiện ham muốn được gửi gắm vào hành động mua sắm, lấp đầy không gian sinh sống.
Rốt cuộc chúng ta cần bao nhiêu đồ vật mới có thể lấp đầy khoảng trống kia?
Trương Du vừa tốt nghiệp đại học được vài năm, mới “chập chững” đi làm. Cô sống một mình tại Thượng Hải. Cuộc sống rất ung dung, tự tại, ngoài ra hàng tháng còn có thể gửi sinh hoạt phí cho bà nội tuổi đã cao. Cô không phải mẫu phụ nữ giỏi giang trong công việc, cũng không phải người có phong thái mạnh mẽ; cô cũng chưa có bạn trai. Tóm tắt xong những nét chính về cô gái này, hẳn bạn cho rằng chắc chắn lương của cô phải rất cao thì mới có thể sống cuộc sống “sang chảnh” như vậy.
Thực tế không phải vậy, Trương Du chỉ là một người mới đi làm, cô không hề có thói quen quản lý tài sản, nhưng lại có một ưu thế vô cùng nổi bật, đó chính là biết cách chi tiêu.
Túi xách LV, nước hoa Dior, kem dưỡng da Lancome, giày Gucci và Prada, quần áo Hermes… Một người mới đi làm, thu nhập chỉ 6.000 tệ/tháng, làm sao có thể mua sắm những món đồ hiệu xa xỉ như vậy? Có phải cô ấy mua hàng giả hay không?
Sự thật hoàn toàn ngược lại, những món đồ xa xỉ kia của cô đều là “hàng thật giá thật”.
Vậy thì lý do là gì?
Túi xách chỉ cần một chiếc là đủ, giày mỗi mùa một đôi là phù hợp. Quần áo chất lượng tốt dù đã cũ thì khi mặc lên vẫn thấy thoải mái, nước hoa “xịn” thì chỉ xịt một chút cũng thơm rất lâu.
Không chỉ chú trọng đến chất lượng của trang phục, phụ kiện mà Trương Du cũng rất chú trọng đầu tư cho những món đồ dùng hàng ngày. Cô nói: “Nồi phải tốt thì mới nấu được những món ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Chiếc giường ấm áp có thể giúp cơ thể thư giãn, ngủ một giấc thật sâu để hôm sau cơ thể tỉnh táo, sẵn sàng bắt đầu một ngày mới.”
Có một số người không hiểu rõ về thói quen mua sắm của Trương Du, cho rằng cô sĩ diện, chạy theo thời trang, không thực tế, thiếu lý trí.
Nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta hãy xem cuộc sống những người tự nhận là trọng chiều sâu, thiết thực và có lý trí kia như thế nào.
Tiểu Tế là cô gái làm gì cũng đều cẩn thận, tỉ mỉ từng li từng tí. Cô bằng tuổi Trương Du nhưng có một công việc tốt hơn rất nhiều, đó là làm thư ký cho chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty niêm yết. Cô đã phải nỗ lực hết mình, vượt qua hơn 200 nghìn sinh viên khác để có được công việc này. Khi đi làm, cô rất chăm chỉ, chịu khó, xử lý công việc quy củ, gọn ghẽ, vì thế đồng nghiệp đều nghĩ rằng có lẽ cuộc sống cá nhân của cô cũng ngăn nắp, trật tự hệt như công việc của cô vậy.
Một hôm, vì cần lấy hộ một tài liệu mà Tiểu Tế để quên ở nhà, đồng nghiệp Trương Hoa may mắn được tận mắt thấy căn hộ của cô. Ngay lúc vừa mở bước vào, Trương Hoa lập tức trông thấy các loại giày, dép khác nhau chất thành đống dưới nền nhà, chiếc đứng, chiếc nằm, chiếc thì không thể nhìn thấy chiếc còn lại ghép thành một đôi ở đâu. Hóa ra Tiểu Tế khi ở nhà không hề gọn gàng, chỉn chu như ở công ty.
Ông trời ban cho con người sức mạnh hữu hạn, nhưng lại cho họ ham muốn vô hạn. Thứ mà phụ nữ giỏi nhất chính là lần lượt định nghĩa những ham muốn này thành từng món đồ có thật, rồi sau đó mua chúng về, chất thành đống trong nhà. Nếu không phải con người trở nên cồng kềnh thì ngôi nhà cũng trở nên cồng kềnh, và đều dẫn đến một kết quả: Khi bạn cho rằng tất cả những món đồ này đều cần thiết, cần phải mua, thì thật ra chúng đã mất đi giá trị vốn có của mình rồi.
Kiên cường và lạc quan đối diện với khó khăn
Trương Thụy ly hôn vợ đúng vào kỷ niệm một năm ngày cưới của hai người. Đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất của anh trong cuộc đời này. Tuy nhiên, điều khiến Trương Thụy đau xót hơn cả chính là từ giây phút này trở đi, anh chỉ còn một thân một mình vật lộn với cuộc sống. Những lời thề hẹn gắn bó trọn đời, không rời xa nhau khi xưa, giờ đây khi đứng trước những phù hoa giả tạo sao trở nên mong manh, yếu ớt đến thế.
Trong thế giới của Trương Thụy, người thân là quan trọng nhất. Anh là người có ước mơ và hoài bão. Anh tin tưởng chắc chắn rằng chỉ cần bản thân được hạnh phúc, tất cả những hy vọng đều có thể đơm hoa kết trái.
Trương Thụy sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Gia đình anh không có ruộng đất, toàn bộ nguồn sống đều dựa vào người cha làm thuê ở thị trấn. Mẹ anh sức khỏe yếu, tiền lương của cha hầu như đều dùng để khám bệnh và mua thuốc thang cho mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mãi đến năm chín tuổi Trương Thụy mới đi học lớp Một. Đến năm lên mười thì cha anh đột ngột qua đời, cuộc sống của anh lại càng thêm khó khăn.
Một lần, giáo viên ra đề làm văn “Ước mơ của em”, bài văn của Trương Thụy bị điểm 0, nhưng đây là điểm 0 mà giáo viên đã viết trong nước mắt.
Quyển vở của Trương Thụy khi đó nhàu nát, dính đầy bụi bặm, bùn đất và lờ mờ những vệt nước mắt.
Nội dung bài văn của anh như sau:
Cha không còn nữa, gia đình như mùa đông không có lò sưởi, ban đêm không có ánh nến (nhà em nghèo nên chưa bao giờ dám dùng điện, hàng xóm biết hoàn cảnh gia đình em nên thường “tặng” cho chúng em những cây nến đã sử dụng gần hết). Thế giới vừa lạnh giá vừa tối tăm làm em rất sợ, nhưng em không được phép sợ hãi.
Bây giờ, em chính là trụ cột của gia đình, em phải đứng thẳng lưng, cố gắng trưởng thành thật nhanh để chống đỡ gia đình nghèo khổ này.
Trước lúc đi xa, cha lặng lẽ giúi vào tay em một viên kẹo, bảo rằng: “Thụy Thụy à, cha vô dụng, chỉ biết làm những việc lặt vặt để kiếm ít tiền, tiền ấy còn không đủ cho con được ăn no. Sau này cha không còn nữa, con phải chăm chỉ học tập để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ và cho thật nhiều người nghèo không có tiền khám bệnh nhé.” Sau đó, cha em từ giã cõi đời.
Làm bác sĩ có phải là ước mơ của em không? Không phải, đó là ước mơ của cha em.
Lúc trạng thái tinh thần tương đối tốt, mẹ hay nói với em rằng: “Con ơi, lớn lên con hãy làm lãnh đạo, làm trưởng thôn, chủ tịch thị trấn hay chủ tịch huyện, mở trường học cho những người nghèo không biết chữ. Họ chỉ làm được những công việc lao động chân tay nặng nhọc, hãy giúp họ học thêm kiến thức, kỹ năng để kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu như cha con có cơ hội được hưởng những điều này, ông ấy sẽ không ra đi sớm như vậy.” Mỗi lần nhắc đến cha, mẹ lại khóc rất lâu, sau đó sức khỏe bắt đầu xấu đi. Cứ tuần hoàn như vậy, bệnh của mẹ lúc thuyên giảm, lúc lại nặng hơn.
Làm công chức nhà nước có phải là ước mơ của em không? Không, đó là ước mơ của mẹ em.
Vậy ước mơ của em là gì? Em muốn làm một chú chó, nằm trước cửa trông nhà mỗi đêm cha đi vắng, giúp mẹ không còn phải sợ hãi đến nỗi không dám mở mắt vì trời tối. Mẹ rất nhát, càng những lúc sợ hãi thì tinh thần càng kém đi.
Mẹ em bảo rằng trong đêm sẽ có ma, mẹ rất sợ ma. Thật ra em cũng sợ ma, em muốn làm một chú chó bởi vì mẹ bảo rằng chó không sợ ma. Nếu có thể, em mong muốn ban đêm làm chó, bảo vệ mẹ và trông nhà. Ban ngày em trở lại làm người, chăm chỉ học tập, nhặt thêm nhiều phế liệu để bán lấy tiền khám bệnh và mua thuốc cho mẹ.
Mẹ anh không đợi được đến lúc đó, vào một đêm mưa to gió lớn bà đã nhảy xuống sông tự tử. Hôm đó, cách ngày giỗ của cha anh chưa đầy một tháng.
Năm mười tuổi đó, Trương Thụy phải trải qua “ba sự kiện lớn” là cha chết, mẹ chết và bỗng nhiên trở thành trẻ mồ côi. Anh một mình lớn lên, phải bước vào xã hội quá sớm, không làm bác sĩ, cũng không làm lãnh đạo, và tất nhiên cũng không thể làm một chú chó.
Cuộc sống vất vả và số phận tàn khốc đã không đẩy được cậu bé mười tuổi xuống vực sâu. Trương Thụy đã trưởng thành một cách kiên cường và lạc quan như vậy, nỗ lực bung nở như hoa hướng dương.
Về sau Trương Thụy gặp được một cô gái, hai người kết hôn, xây dựng gia đình, mọi thứ có vẻ như ngày càng tốt hơn. Thế nhưng khi biết được mẹ Trương Thụy từng bị bệnh tâm thần, người vợ liền vứt bỏ những lời thề non hẹn biển khi xưa. Cô ta nói rằng không muốn con của họ sau này cũng mắc căn bệnh ấy.
Trương Thụy từng tự hỏi bản thân rằng, có phải vì anh mang dáng vẻ của người sống đơn độc, trong lá số tử vi không có phần cha mẹ, vợ con, vì thế mới phải côi cút một thân một mình, tự làm tự sống hay không?
Rất nhiều người khi đứng trước mất mát đều sẽ có những khoảnh khắc sụp đổ, nhưng Trương Thụy không như vậy, trái lại còn mỉm cười tiếp tục sống. Anh làm công nhân trong một dây chuyền sản xuất linh kiện ô tô, do chưa được đào tạo và không có kỹ năng nên anh chỉ có thể bắt đầu từ công việc cơ bản nhất. Vì thông minh, chịu khó, nỗ lực học tập, dần dần từ vị trí công nhân phổ thông, Trương Thụy được lên làm tổ trưởng, rồi làm quản đốc phân xưởng. Năm Trung Quốc khởi động “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, Trương Thụy còn được nhà máy cử sang Đức tham quan dây chuyền sản xuất thông minh với tư cách là công nhân xuất sắc, sau đó lại được bồi dưỡng về lĩnh vực này. Anh cũng đã thi đỗ vào Đại học Phát thanh truyền hình hệ chính quy và tốt nghiệp đúng hạn.
Chỉ cần trong lòng có ước muốn thì sức sống sẽ tràn đầy. Trời đất không thể thay đổi, thế giới không có luân hồi, nhưng chính niềm tin ấy đang chỉ dẫn chúng ta nỗ lực đi về phía ánh sáng và hy vọng.
Hoa hướng dương đẹp vì nó luôn biết mục tiêu của mình ở đâu và kiên định đi theo phương hướng đã chọn, không tùy tiện thay đổi theo tác động của bên ngoài. Lòng tin sắt đá chẳng phải là câu trả lời đẹp đẽ nhất cho sự nỗ lực phấn đấu hay sao?
Trên thế giới này, không ai có thể dám chắc rằng cuộc sống của mình luôn thuận buồm xuôi gió. Không ai có thể khẳng định rằng trong tương lai chắc chắn mình sẽ đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió, được mọi người ngưỡng mộ. Cuộc sống vốn có quá nhiều thứ không xác định, muốn đứng vững thì nhất định phải có một trái tim mạnh mẽ, biết bao dung và biết tỏa sáng.
Đôi khi, bạn càng muốn thực hiện ước mơ của mình thì lại càng bị ngăn cản hoặc gặp phải vấn đề nào đó khó giải quyết. Muốn biến ước mơ thành hiện thực, đòi hỏi bạn phải có lòng kiên trì quyết không từ bỏ và nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Có như vậy, bạn mới làm chủ được cuộc đời mình.
Dọn dẹp cuộc sống, dọn dẹp tâm hồn
Con người phải biết cách chung sống với thế giới, hài lòng với số phận thì tấm lòng mới rộng mở, tâm trí mới trưởng thành.
Bạn cảm thấy bức bối, chật chội, cuộc sống sẽ tặng lại bạn nỗi trống trải và vô vị trong lòng. Bạn thấy cuộc sống có nhiều điều sâu sắc có thể lĩnh hội, cuộc sống sẽ dành cho tâm hồn bạn đầy đủ không gian để phát triển, trưởng thành.
Nếu sự sống là một con đường, thì tâm hồn và cuộc sống mỗi thứ chiếm giữ một đầu.
Cuộc sống bức bối thì tâm hồn trống trải, tâm hồn phong phú thì cuộc sống sẽ giản đơn. Tâm hồn con người sẽ dần trở nên mạnh mẽ sau khi tiếp xúc với nhiều gian khó. Nội tâm mạnh mẽ sẽ thu nạp được nhiều tinh hoa và tạo ra càng nhiều thành tựu. Ngược lại, nội tâm yếu ớt thì cuộc sống sẽ liên tục gặp rắc rối, cả cuộc đời khó gặp được thành công.
Tiểu Trung là một người phụ nữ luôn biết tìm niềm vui trong cuộc sống. Cô đã 34 tuổi mà trông như mới chỉ 24, còn tâm hồn thì trẻ trung và tràn đầy sức sống như thiếu nữ tuổi 14.
Tôi gặp Tiểu Trung lần đầu tiên tại lễ khai giảng khóa học MBA. Lúc đó cô đến báo danh với trang phục rất chỉnh tề đúng như theo yêu cầu. Tôi đến hơi muộn, nhưng vừa nhìn đã thấy ngay Tiểu Trung nổi bật ở vị trí chính giữa. Cô có một sức hấp dẫn nhưng không hề phô trương, điều đó thôi thúc tôi tìm cho mình một chỗ ngồi bên cạnh cô.
Có một số người như vậy, không cần làm gì vẫn có thể thu hút sự chú ý của người khác một cách tràn đầy năng lượng.
Tôi và Tiểu Trung nhanh chóng trở thành bạn bè. Sau khi tốt nghiệp đã nhiều năm, chúng tôi vẫn giữ được tình bạn gắn bó thân thiết.
Tiểu Trung có nhiều bạn. Theo tôi, một người có thể giao lưu, kết bạn một cách tự nhiên, thoải mái như vậy thì chắc chắn trong công việc và cuộc sống cũng sẽ có sức cuốn hút rất lớn.
Tiểu Trung là giám đốc khách hàng của một công ty chuyên cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cô rất giỏi tiếng Anh, đã có bằng TEM-85 từ hồi đại học.
5 TEM là viết tắt của Test for English Majors, là bài thi dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh ở Trung Quốc. Chương trình đào tạo chuyên ngành tiếng Anh kéo dài trong bốn năm, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn nền tảng (năm thứ nhất và thứ hai) và giai đoạn nâng cao (năm thứ ba và thứ tư). TEM-4 và TEM-8 là hai bài thi đánh giá năng lực của sinh viên vào cuối giai đoạn nền tảng và nâng cao.
Với công việc đang làm, Tiểu Trung không cần sử dụng tiếng Anh quá nhiều, chỉ cần giao tiếp đơn giản và viết e-mail cho đối tác, khách hàng. Dù vậy, trong xe của Tiểu Trung luôn có một quyển sách tiếng Anh. Cô nói rằng những lúc phải chờ đợi khách hàng hay bạn bè, cô sẽ đọc sách. Tiểu Trung cho rằng, chỉ khi nào bạn biến sở thích của mình thành thói quen thì bản thân mới ngày càng tiến bộ.
Tôi và Tiểu Trung còn có vài người bạn chung. Năm nào chúng tôi cũng cùng nhau đi du lịch, và lần nào Tiểu Trung cũng lo liệu việc này một cách vô cùng chuyên nghiệp và chu đáo. Cô lên kế hoạch và sắp xếp lịch trình cho cả nhóm rất chặt chẽ và hợp lý - từ chọn điểm đến, giờ bay, khách sạn, đến điểm tham quan, quán ăn, phương tiện di chuyển…
Một người phụ nữ mà cả sinh hoạt và công tác đều có kế hoạch như vậy, chắc chắn cuộc sống cá nhân cũng sẽ rất khoa học. Tôi rất mong muốn có cơ hội đến nhà Tiểu Trung để “kiểm chứng” điều này.
Giới trẻ bây giờ thường hay gặp nhau ở bên ngoài, rất ít khi tụ tập ở nhà, vì thế mãi đến tận ba năm sau khi quen biết Tiểu Trung, tôi mới có may mắn được cô mời về nhà chơi.
Căn hộ hai phòng ngủ với diện tích 90 mét vuông của cô rất rộng rãi, đồ đạc bày biện vô cùng phong phú nhưng cũng rất ngăn nắp, màu sắc và bố cục được phối hợp theo phong cách nghệ thuật châu Âu. Một điều đặc biệt trong nhà của Tiểu Trung đó là cô sử dụng các loại cốc, chén, ly khác nhau cho các loại đồ uống khác nhau. Tuy nhiên, bạn đừng hiểu lầm Tiểu Trung là người mắc chứng quá sạch sẽ hoặc thích phức tạp hóa vấn đề. Đây chỉ là quan niệm sống của cô.
Nhà không những là nơi để sống, để sinh hoạt mà còn là “mái ấm”. Nó là một phần sự sống của chúng ta, thể hiện sự hòa hợp cả trong thể xác lẫn tinh thần.
Có thể bạn sẽ hỏi rằng, tinh thần có liên quan gì tới không gian sống của một người hay không?
Đương nhiên là giữa chúng có mối liên hệ, hơn nữa còn là mối liên hệ vô cùng chặt chẽ.
Nhà là nơi phản ánh một cách chân thực nhất thế giới nội tâm của con người.
Trường Kinh doanh Havard (Harvard Business School) từng tiến hành nghiên cứu và đưa ra nhận định rằng: Những người có sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc đều có môi trường sống vô cùng ngăn nắp và sạch sẽ. Còn những người có hoàn cảnh không tốt, cả đời lận đận, không có thành tựu gì thì cuộc sống của họ luôn quẩn quanh với sự bừa bộn.
Xã hội là một tập hợp nhiều gia đình nhỏ tạo thành. Gia đình nhỏ như chiếc gương phản chiếu xã hội, cho ta nhìn thấy cuộc đời của những con người ngoài kia. Sự nghiệp và gia đình của người thành công đều sáng sủa sạch sẽ, còn trong sâu thẳm tâm hồn của người công việc gặp trắc trở luôn tồn tại một góc tối tăm.
Đời người cần phải được quét dọn. Một người cần phải có “khả năng dọn dẹp” cuộc đời.
Cuộc đời không được dọn dẹp cũng giống như căn phòng không được quét dọn. Người không có “khả năng dọn dẹp” chính là người có rất nhiều tham vọng nhưng lại không có tiềm lực hoặc trong lòng có khúc mắc nên không thể biến ước muốn thành hiện thực.
“Loại bỏ hết cặn bã, chắt lọc lấy tinh túy”, đó là câu nói nổi tiếng trong cuốn sách Bí quyết không cần bí quyết của Mã Nam Thôn. Cuốn sách chia sẻ nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề thuộc về phạm trù phát triển và trưởng thành của con người.
Nếu xóa sạch những thành tích trong quá khứ ra khỏi chỗ sâu thẳm trong tâm hồn, bạn sẽ để ra được một khoảng trống để tiếp nhận những thứ mới. Như vậy mới có thể không ngừng bứt phá giới hạn của bản thân.
Nói cách khác, nếu trong lòng bạn chứa đựng quá nhiều điều không vui, thì những niềm vui rời xa bạn sẽ càng nhiều hơn, bởi vì trái tim bạn không có chỗ chứa chúng. Nếu bạn không nỡ vứt bỏ bất kỳ thứ gì, thì sự tham lam và nỗi sợ hãi trong lòng bạn sẽ càng lớn lên. Tương tự như vậy, tình yêu và hạnh phúc cũng sẽ không có chỗ để đến với bạn.
Cuộc sống chính là sự phản ánh chân thực nội tâm mỗi người, là sự tinh túy mà bất cứ lời nói hay cử chỉ nào cũng đều không thể “bao che” được.
Nhà là nơi phản chiếu của cuộc sống, đó là ”mái ấm” của tâm hồn, là sự thể hiện ra bên ngoài của sự sống của con người.
Hãy tự hỏi bản thân, bạn có “khả năng dọn dẹp” ngôi nhà của mình không?
Có người nói rằng “quét dọn” trong “quét dọn nhà cửa” và “dọn dẹp” trong “khả năng dọn dẹp” là hai việc hoàn toàn khác nhau, nhưng tôi không cho là như vậy.
Quét dọn nhà cửa là thói quen không thể thiếu trong cuộc sống. Dọn dẹp “bụi bặm” trong nội tâm cũng là một thói quen mà mỗi người cần có. Nội tâm của bất kỳ ai cũng không thể “sạch không tì vết”. Nếu muốn lòng dạ trong sáng thì “khả năng dọn dẹp” này đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Một người có tấm lòng rộng mở thì dù diện tích nơi ở không lớn thì vẫn có thể sắp xếp, bài trí để có không gian sống thoáng đãng, ngăn nắp, trật tự. Một người tính tình ôn hòa thì nơi ở của họ chắc chắn sẽ đẹp đẽ và tràn đầy sức sống, làm người ta lưu luyến, không muốn rời đi, khiến tất cả niềm vui và hạnh phúc đều có chỗ để ở lại. Ngược lại, một người làm việc gì cũng tùy tiện, xốc nổi thì tâm hồn chắc chắn sẽ hẹp hòi, nơi ở cũng sẽ bừa bộn.
Xin đừng oán trách công việc của mình sao lắm khó khăn và phiền toái, cũng đừng hà tiện việc sắp xếp, dọn dẹp môi trường sống. Tất cả những biểu hiện bên ngoài này đều là sự phản ánh nội tâm của con người.
Tâm hồn yên bình thì cuộc sống mới đơn giản. Nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ thì tâm hồn cũng tự nhiên trở nên ôn hòa.
Giá trị của cuộc sống nằm ở sự giản dị
Giá trị của một bộ đồ làm bằng gỗ lim nằm ở công nghệ chế tác ra nó chứ không nằm ở chất liệu của nó. Sự tao nhã của một người thể hiện ở tu dưỡng bên trong chứ không phải ở trang phục hay cách trang điểm bên ngoài. Thứ mà danh dự thể hiện ra là sự cống hiến của nó chứ không phải là con số tiền thưởng. Trên thế gian có quá nhiều giá trị và bản chất thật sự bị làm cho lu mờ, làm cho biến chất vì những suy nghĩ sai lầm của con người.
Ý nghĩa của sự sống là khi dừng lại bạn có thể tĩnh tâm nhìn lại đoạn đường đã đi qua, những người đã gặp, những cảm xúc và tình cảm trong lòng. Nếu không có “bước nghỉ” này, có phải dòng suy nghĩ của bạn đã bế tắc từ lâu, có phải bạn luôn phải che giấu hư vinh của mình hay không?
Thực chất, phương pháp trang điểm đẹp nhất chính là để “mặt mộc”, nhan sắc đẹp nhất chính là “hình dáng tự nhiên”, mốt thời thượng nhất chính là “tiết kiệm”.
Vậy thế nào gọi là mốt?
Có người cho rằng mốt là khuôn mẫu xa hoa được tạo ra trong điều kiện cuộc sống giàu có. Cũng có người cho rằng mốt là sự đổi mới mang tính sáng tạo, đối lập rõ rệt với tầm thường và cũ kỹ. Tuy nhiên, một bộ phận phản đối lại cho rằng mốt là một hình thức tu dưỡng văn hóa đại chúng, không nên bị một nhóm nhỏ quy định thành hành động chạy theo số đông và so sánh khập khiễng theo cảm tính. Từ đó bắt đầu hô hào: Mốt không được xa hoa lãng phí, mà phải tiết kiệm và giản dị, đẹp một cách thuần khiết.
Bánh xe thời gian di chuyển đến đâu sẽ tạo ra một mốt hoàn toàn mới ở thời điểm đó. Nghĩa là mốt luôn không ngừng thay đổi, không tuân theo quan điểm của một cá nhân hay nhóm nhỏ nào. Trong mỗi thời kỳ nhất định, mốt luôn là yếu tố thịnh hành nhất, còn bạn chính là người giải thích và sáng tạo ra mốt.
Ngay từ bé, Du Nhiên đã là công chúa nhỏ trong mắt người thân. Từ trang phục đến cách mỉm cười của cô luôn toát ra khí chất khác hẳn người bình thường. Khi lên cấp Ba, được các bạn gái vây quanh Du Nhiên nhiều hơn. Bởi cô có cha làm cán bộ và mẹ làm giám đốc ngân hàng, điều quan trọng hơn là trên người cô luôn tỏa ra một thứ gọi là “mốt”. Bản thân Du Nhiên cũng luôn cho rằng cô cũng là “người phát ngôn của mốt” ở trong phạm vi xung quanh mình.
Tốt nghiệp cấp Ba, Du Nhiên quyết định đi du học tại Mỹ. Lý do cô lựa chọn đất nước này là bởi nơi đây được mệnh danh là cái nôi của thời trang. Được người thân và bạn bè gọi là “người phát ngôn của mốt”, Du Nhiên rất muốn được đặt chân đến nước Mỹ để trực tiếp cảm nhận bầu không khí thời trang cấp thế giới. Vì lẽ đó, Du Nhiên trở thành sinh viên chuyên ngành hoạt hình và truyện tranh của một trường đại học ở Mỹ.
Từ lâu Du Nhiên vẫn luôn cho rằng mốt chính là biểu hiện của vẻ bề ngoài cao quý và tao nhã. Tuy nhiên sau một thời gian học tập ở nước ngoài, quan niệm về mốt của cô đã hoàn toàn thay đổi.
Nhận thức của nước Mỹ về “mốt” rất trẻ trung. Nước Mỹ ra đời và phát triển cùng với cuộc cách mạng công nghiệp của Anh, vì thế mốt của Mỹ nghiêng nhiều về lĩnh vực công nghiệp hơn. Khoa học kỹ thuật của đất nước này luôn dẫn đầu thế giới, tiêu biểu là các trào lưu khoa học công nghệ cao như công nghiệp chế tạo ô tô, điện ảnh…, khác xa so với trào lưu về trang sức và may mặc được xây dựng trên nền tảng thủ công mỹ nghệ.
Mốt thời trang của Mỹ không hề thua kém kinh đô thời trang Paris của Pháp. Tuần lễ thời trang New York - tổ chức hai lần trong năm đã giúp Mỹ đứng vào hàng ngũ tiên phong trong lĩnh vực thời trang toàn cầu, thậm chí còn nhiều lần vượt qua cả kinh đô thời trang Paris.
Sau bốn năm học tập, Du Nhiên trở về nước với về ngoài vô cùng giản dị, làm các bạn cô không hiểu chuyện gì đã xảy ra, liền hỏi Du Nhiên: “Chẳng lẽ cậu học đại học ở vùng nông thôn của Mỹ à?”
Du Nhiên mỉm cười lịch sự, trả lời rằng hiện giờ cô rất thích phong cách thời trang bình dị như vậy. Nó giúp cuộc sống của cô được tự do, thoải mái, không phải chịu bất cứ ràng buộc gì. Mặc dù thời trang và khoa học công nghệ đang là những ngành nghề dẫn đầu thế giới, nhưng trong bốn năm du học ở Mỹ, cô lại có hứng thú với lĩnh vực công nghiệp. Theo lời Du Nhiên, cô không còn theo đuổi các trào lưu thời trang, mà thay vào đó là tập trung làm phong phú tâm hồn mình.
Không thể phủ nhận rằng theo đuổi những vẻ đẹp bên ngoài sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, nhưng liệu đó có phải là “mốt” duy nhất không? Câu trả lời là không. “Mốt” là tinh thần dũng cảm và giàu tính thách thức. Nó là sự kiên định bước tiếp cho dù phải đối mặt với thách thức không hề được báo trước. Nó cũng chính là sự tự tin mà ngay cả khi công việc không như ý muốn, ta cũng vẫn mỉm cười như không có chuyện gì xảy ra.
Người đời luôn tô vẽ quá mức cho “mốt” thời thượng, khiến cái đẹp vốn dĩ vô cùng giản dị dần dần trở nên biến chất. “Mốt” luôn thay đổi, nhất là trong thời đại phát triển như vũ bão hiện nay. Còn tâm hồn thuần khiết và luôn hướng về phía trước.
Con người hiện đại, lạc quan, phóng khoáng sẽ luôn giữ một tâm hồn thuần khiết. Họ cũng không nhất thiết là vứt bỏ những bộ trang phục sành điệu hay phong cách trang điểm thịnh hành, bởi những vẻ đẹp bên ngoài cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chỉ có điều họ không nên phóng đại chúng một cách mù quáng. So với những vẻ đẹp bên ngoài, tâm lý tích cực hướng về phía trước, tính cách rộng lượng, phóng khoáng và bản chất đơn giản, bình dị là điều đi cùng ta lâu dài.
Nếu dùng trái tim để quan sát, học tập, bạn sẽ phát hiện ra rằng có rất nhiều điều giản dị trong cuộc sống của chúng ta. Sự sống ngoài kia có phức tạp đến mấy thì đến cuối cùng vẫn phải kết thúc một cách đơn giản. Chỉ điều giản dị mới là điều tồn tại mãi mãi không thay đổi. Chỉ có sống đơn giản mới có thể tồn tại bền vững. Bạn tích cực trong cuộc sống, nhận thức, hiểu rõ cuộc sống luôn đơn giản và bình dị, bạn vẫn sẽ vui vẻ như xưa. Nếu trong cuộc sống bạn giữ được tâm thái yên bình, biết cân bằng và biết thỏa mãn, thì cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc bền lâu, đạt đến giới hạn hoàn mỹ nhất.
Trì hoãn là vô trách nhiệm với bản thân
Tô Lai làm việc trong nhà máy chế tạo của nhà nước đã gần mười năm nhưng vào một buổi sáng cô đã gọi điện cho sếp của mình và xin thôi việc. Người nhà và đồng nghiệp đều không hiểu vì sao cô làm như vậy. Lý do cô đưa ra đó là muốn tìm kiếm con người thật của bản thân mình.
Vài tháng sau, Tô Lai vào làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngày đầu tiên đi làm, cô tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, đến giờ tan làm vẫn ngồi bên bàn làm việc cặm cụi ghi chép. Lúc đó, ở cách chỗ ngồi của cô không xa có một nhân viên tên là Na Na vừa thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về vừa lẩm bẩm: “Đi về thôi, tranh thủ thời gian tập Yoga nào!” Lúc này một cô gái chơi thân với Na Na đi đến trước mặt cô liếc mắt nói bóng gió: “Sếp còn đang nỗ lực làm việc mà tại sao cô đã tích cực ra về như thế, làm xong việc rồi hả?” Thật ra cô gái này đang “nhắc khéo” Na Na, ý bảo rằng: Sếp còn chưa về thì mình cũng không nên về đúng giờ. Hơn nữa đây lại là sếp mới nhậm chức, nên cẩn thận để tránh bị soi xét. Nhưng Na Na xem nhẹ điều đó, cô nói rằng: “Hôm nay tôi đã làm việc rất chăm chỉ, công việc cũng đã hoàn thành hết, không về thì còn ở đây đợi sếp mời đi dự tiệc hả?” Nói xong, cô liền xách túi rời khỏi văn phòng.
Lúc này, chiếc bút đã rơi khỏi tay Tô Lai từ lúc nào không hay. Na Na là cô gái trẻ vừa mới tốt nghiệp đại học, đi làm chưa lâu, ở độ tuổi này, tính cách thẳng thắn, bộc trực như vậy có vẻ cũng không có gì là xấu, nhưng lại khiến Tô Lai cảm thấy hơi khó chịu. Nhớ lại quãng thời gian mười năm làm việc trong công ty nhà nước, chuyện làm thêm giờ xảy ra đối với cô như cơm bữa. Nhưng nguyên nhân khiến cô phải làm thêm giờ là bởi công việc nhiều đến nỗi làm không hết hay là do cô đã không chăm chỉ, nỗ lực, tận dụng thời gian để hoàn thành công việc trong ngày?
Đúng vậy, ở bất kỳ doanh nghiệp hay công ty nào, hoàn thành công việc đúng hẹn và ra về đúng giờ là cách thức làm việc hiệu quả cao mà chúng ta nên thực hiện. Nhưng trên thực tế, có nhiều khi đã hết giờ làm việc nhưng chúng ta vẫn tiếp tục miệt mài với công việc của mình. Như vậy, ngoài chứng tỏ bản thân trong ngày đã không tích cực làm việc thì không nói lên được bất cứ điều gì khác. Không có công thức nào có thể chứng minh được rằng thời gian làm việc dài đồng nghĩa là kết quả làm việc tốt. Nhưng có một thực tế là khi cách thức làm việc của bạn có hiệu quả thấp thì bạn vừa tốn thời gian hơn người khác vừa khiến bạn lo lắng. Những người có cách làm việc như vậy rất có khả năng đã mắc phải căn bệnh trì hoãn.
Nhắc đến căn bệnh trì hoãn, tôi lại nhớ đến Diêm Thư - đồng nghiệp của tôi khi tôi còn làm biên tập viên ở nhà xuất bản. Cô vốn làm thiết kế mỹ thuật, nhưng sau đó được bổ sung làm công tác biên tập, hơn nữa lại còn là biên tập viên được cấp trên hài lòng nhất. Khi tôi vừa mới biết sử dụng những câu đại loại như “không có trật tự”, “lý tưởng chi phối thực tiễn” hay “bạn giúp tôi cũng tức là tôi giúp bạn” để làm mánh khóe kiếm cơm thì bài viết của cô đã vươn sang các lĩnh vực bất động sản, xe hơi, y tế, thời trang… Là biên tập viên “cao cấp” của nhà xuất bản, Diêm Thư thường xuyên lui tới các buổi tiệc tùng và các buổi họp báo của giới thượng lưu. Trong khi chúng tôi còn đang loay hoay với các công việc phỏng vấn, đặt bài, biên tập, sắp chữ, hiệu đính…, thì đối với Diêm Thư, những việc như vậy chỉ bé như hạt cát giữa biển khơi.
Văn chương chữ nghĩa cũng giống như con ngựa bất kham, hoặc là bạn mãi mãi phải chạy theo nó, hoặc là bắt nó ngoan ngoãn phục vụ mình. Theo nghiên cứu của tôi, những người tay trắng lập nghiệp và một bước lên mây kia đều phải dựa vào tài năng bẩm sinh và kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc sống thì mới có thể tạo dựng sự nghiệp riêng cho mình. Vì thế, khi tác phẩm của Diêm Thư liên tiếp gặt hái thành công, lần lượt giật giải bài viết xuất sắc hạng A, B và C, tôi và mấy biên tập viên khác đều chỉ biết lặng lẽ tự an ủi bản thân: “Cô ấy làm được như vậy là bởi cô ấy có chỉ số IQ cao.” Biên tập viên hàng đầu giống như Diêm Thư mới gọi là tài năng xuất chúng, ánh hào quang lấp lánh xung quanh, còn loại tầm thường như tôi thì cùng lắm cũng chỉ thi thoảng may mắn kiếm được chút thể diện mà thôi.
Cho đến một hôm, một việc vừa khẩn cấp vừa quan trọng bất ngờ xảy ra ngay trước mắt chúng tôi, trong lúc đang không biết phải làm thế nào thì Diêm Thư đã dùng chính hành động thực tế của mình giải thích cho chúng tôi hiểu rằng: Tài năng xuất chúng chỉ có thể có được nhờ chuyên tâm làm việc.
Hôm đó, chúng tôi gấp rút hoàn thành bản thảo xong liền cùng nhau ra ngoài ăn cơm. Nhưng đến khoảng nửa đêm thì lãnh đạo nhà xuất bản gọi điện thông báo rằng trong số bản thảo kia có một bài viết về cửa hàng ô tô 4S không đạt yêu cầu. Chúng tôi phải nhanh chóng viết một bài khác trong thời gian ngắn nhất, bởi sáng sớm hôm sau ấn phẩm này phải trưng bày ở đại sảnh các ngân hàng lớn và phòng chờ sân bay. Toàn bộ nhân viên xưởng in đã sẵn sàng đợi lệnh thức thâu đêm để làm việc.
Việc phải khẩn cấp chỉnh sửa, thay đổi bản thảo không phải là chuyện hiếm, nhưng viết một bài trong vòng hai tiếng trong điều kiện không có bài dự trữ sẵn quả thật không khác gì sét đánh ngang tai. Lúc này, Diêm Thư xung phong đảm nhận viết bài thay thế, cô còn an ủi để chúng tôi bớt lo lắng. Sau đó, Diêm Thư đặt liền mấy chuông báo thức trong điện thoại, mỗi lần cách nhau 45 phút. Cô yên lặng soạn thảo nội dung cho bài viết trong 45 phút đầu tiên. Sau đó lập tức quay trở về là con người sôi nổi, quay sang tán dóc với chúng tôi trong vòng 5 phút. Hết 5 phút, cô lại trở về trạng thái tập trung, tiếp tục viết bài trong 45 phút tiếp theo. Cảnh tượng này giống hệt như thời chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi tiếng chuông báo hết tiết học vang lên, học sinh lập tức ùa ra khỏi lớp như bầy ong vỡ tổ, đến khi có chuông báo vào tiết tiếp theo lại nhanh chóng trở về trạng thái say sưa học tập.
Chưa hết hai tiếng, Diêm Thư đã hoàn thành bài viết với văn phong hoa mỹ, từ ngữ chau chuốt, làm chúng tôi khâm phục sát đất.
Ở xung quanh chúng ta xuất hiện rất nhiều đối tượng khiến chúng ta phải ngưỡng mộ. Ví dụ như có học sinh rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa nhưng chưa bao giờ bỏ bê việc học tập. Hay như có đồng nghiệp nọ chưa bao giờ làm thêm giờ nhưng lại có thành tích cuối tháng vô cùng xuất sắc.
Trong con mắt của chúng ta, họ là những người thường hay ngâm nga hát, lướt mạng, gọi điện tán gẫu với bạn bè, nhưng lại hoàn thành nhiệm vụ học tập và công việc một cách ung dung, thoải mái. Thật ra, bạn mới chỉ nhìn thấy bề nổi chứ chưa thấy được rằng lúc làm việc họ vô cùng chuyên tâm.
Chuyên tâm là mấu chốt để hoàn thành công việc có chất lượng nhưng đồng thời cũng lại là “đỉnh Everest” vô cùng khó chinh phục. Hầu hết mọi người đều biết rõ vẫn còn rất nhiều công việc đang chờ mình thực hiện, tủ hồ sơ lộn xộn vẫn chưa được sắp xếp lại, một bưu kiện quan trọng cần phải được đóng gói và gửi đi, thậm chí là phải lập tức đi gặp khách hàng quan trọng…, nhưng trong lúc sốt ruột và lo lắng như vậy, họ lại vẫn vừa do dự không biết nên làm việc gì trước, việc gì sau, vừa tự an ủi bản thân rằng không việc gì phải sốt ruột, nghỉ ngơi một lát rồi làm tiếp cũng chưa muộn.
Đây chính là căn bệnh trì hoãn điển hình!
Có thể bạn cho rằng trong cuộc sống, thi thoảng trì hoãn không gây ra ảnh hưởng gì. Nhưng suy nghĩ “việc gì phải vội, cứ từ từ bình tĩnh” của bạn sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, hơn nữa không thể khắc phục được.
Bạn đã hoảng sợ chưa?
Bạn nên cảm thấy sợ.
Tuy trì hoãn rất nguy hiểm nhưng không phải là không thể chữa được. Vậy phải giải quyết căn bệnh “ác tính” này như thế nào?
Câu trả lời rất đơn giản, bạn hãy sắp xếp, phân chia thời gian làm việc một cách hợp lý.
Rất nhiều người luôn cảm thấy không có đủ thời gian để học tập hay làm việc, nhất là khi gần đến kỳ thi hoặc thời hạn hoàn thành công việc. Chiếc đồng hồ trong đầu bạn vẫn không ngừng “tích tắc” chạy như giục giã, tất cả mọi việc đều ở vào trạng thái vô cùng cấp bách. Lúc này, nếu lòng dạ nóng như lửa đốt thì sẽ làm việc không tốt và hiệu suất cũng ở mức thấp nhất. Vậy nên, biện pháp giải quyết tốt nhất ở thời điểm này không phải là tìm cách kéo dài thời gian, mà là sắp xếp thời gian hợp lý để nhanh chóng hoàn thành công việc.
Hãy nhớ lại lúc chúng ta còn đi học, nhà trường đã quy định mỗi tiết học kéo dài 40 phút, thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết là 10 phút. Đây là thời khóa biểu rất khoa học, sau một tiết học tập trung căng thẳng, não bộ và cơ thể của chúng ta cần được thư giãn để có thể tiếp tục tiếp thu kiến thức mới trong tiết tiếp theo.
Giống như cô đồng nghiệp Diêm Thư của tôi, đã thành một thói quen, bất kể nhiệm vụ khẩn cấp đến mấy, cô ấy cũng đều phân chia thời gian giải quyết rất hợp lý. Nhờ vậy công việc luôn được hoàn thành một cách đơn giản, nhanh chóng.
Biện pháp giải quyết vấn đề khó không phải là trì hoãn hay bỏ không làm, mà là đơn giản hóa và chuyên tâm thực hiện nó.
Vậy, bạn đã biết cách chữa khỏi căn bệnh trì hoãn của mình rồi chứ?
Cố gắng vì chính bản thân
Câu chuyện lập nghiệp của bất kỳ ai cũng đều có ít nhất một điểm sáng, soi rọi đến tận nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng ta, đồng thời tạo ra sự rung động mãnh liệt.
Trương Cường là một trong số những người lập nghiệp mà tôi quen. Anh có thể được coi là người lập nghiệp nghèo nhất, đến nỗi khoản tiền vốn 3.765 tệ dùng để khởi nghiệp cũng phải góp nhặt, vay mượn từ năm người bạn ở cùng phòng ký túc xá. Nhưng đồng thời, anh ấy cũng là người lập nghiệp giàu có nhất mà tôi biết, có thể kiên trì thực hiện ước mơ không phải ai cũng thực hiện được.
Sau khi gom góp được số vốn lập nghiệp ít ỏi, Trương Cường mở một cửa hàng kinh doanh trực tuyến, chủ yếu bán một số sản phẩm bản địa. Thời điểm ấy có rất nhiều cửa hàng trực tuyến có mô hình kinh doanh giống như anh, hơn nữa sản phẩm của họ rất đặc sắc, vì thế công việc của Trương Cường không hề dễ dàng. Để tìm được nguồn hàng chất lượng cao, anh ấy phải đến tận những nơi xa xôi, tìm kiếm nhà cung cấp. Do hay soi mói, bắt bẻ nên anh thường bị những người nông dân coi là đối thủ cạnh tranh đến chỗ họ để “do thám bí mật quân sự”. Có lần trong túi không đủ tiền mặt, anh phải chờ đến hôm sau gom đủ tiền mới quay lại thu mua hàng. Ngoài ra cũng thi thoảng xảy ra tình trạng bị người nông dân tự ý nâng giá. Trương Cường là kiểu người cố chấp, giống như lúc đầu đã quyết chí lựa chọn mở cửa hàng trực tuyến, lúc này anh cũng quyết tâm nhất định phải làm cho các sản phẩm bản địa của mình trở nên đặc sắc nhất.
Có một năm, vào mùa hè, Trương Cường đến vùng núi cao của tỉnh Tứ Xuyên mua măng khô. Nhưng không may năm đó không có lập xuân, mà người dân thường hay gọi đó là “năm đen”. Măng mất mùa, sản lượng giảm sút. Măng tươi thu được đã rất ít, đến khi phơi khô lại càng ít hơn, ước chừng khoảng 12kg măng tươi mới thu được 1kg măng khô. Nông dân vất vả lên núi hái măng tươi mang về phơi khô rồi mới đem bán, giá cả sẽ đắt hơn bình thường rất nhiều, hơn nữa số lượng cũng vô cùng ít.
Nhờ một người nông dân đã từng hợp tác lúc trước dẫn đường, Trương Cường lái xe lên núi tìm loại măng tươi chất lượng cao. Cho đến khi mặt trời dần dần khuất sau đỉnh núi, ánh đèn pha trên xe soi rõ từng giọt sương long lanh trên lá, họ mới tìm được loại măng tươi đáp ứng được tiêu chuẩn của Trương Cường.
Vì không chịu từ bỏ nên dù không có tiền, không có lãi, không gây được ấn tượng tốt, Trương Cường vẫn kiên trì với cửa hàng trực tuyến bán các sản phẩm bản địa đặc sắc, có chất lượng. Từ đêm khuya cho đến bình minh, Trương Cường không biết mình đã bao nhiêu lần tìm kiếm nguồn hàng như vậy, cũng không biết sẽ còn phải tiếp tục tìm kiếm bao nhiêu lâu nữa. Có người bảo rằng Trương Cường làm vậy chẳng có mục đích gì cả nhưng anh không nghĩ như thế. Bán hàng chất lượng cao chính là mục tiêu anh đã đặt ra khi mở cửa hàng trực tuyến. Trương Cường nói rằng, con người ta luôn phải đặt ra cho mình một số yêu cầu, không nhất thiết phải cứng nhắc theo khuôn mẫu, cũng không được phá vỡ nguyên tắc. Nếu không thì có khi cả đời cũng không thể vượt qua được chính mình.
Chúng ta luôn có thói quen so sánh bản thân với người khác, cho rằng người khác có thể giành được vinh quang đặc biệt thì tại sao mình lại không có được điều đó. Rõ ràng người khác làm không tốt bằng mình mà tiền lương, tiền thưởng lại cao hơn mình. Trên thế gian này đầy rẫy bất công, một con người nhỏ nhoi không thể nào thay đổi được thế giới bao la.
Tuy không xoay chuyển được thế giới nhưng bạn vẫn có thể thay đổi được bản thân mình. Khi bạn cho rằng không thể điều khiển được cạnh tranh khốc liệt, không muốn thừa nhận người khác xuất sắc hơn mình, cầu mong tương lại xóa sạch những xa xỉ của hiện tại, tức là bạn đang thay đổi bản thân mình. Bạn cần nội tâm mình phải mạnh mẽ hơn, bao dung được những điều bản thân không vừa ý.
Chính vào lúc bạn liên tục oán trách, chán nản và hụt hẫng thì những người chạy phía trước và phía sau vẫn đang nỗ lực để vượt qua bạn. Nỗ lực chưa bao giờ đòi hỏi lý do, còn trì trệ, không chịu tiến lên lại luôn có muôn vàn điều bao biện. Nếu bạn cho phép mình “nghỉ ngơi” thì cuộc sống và ước mơ sẽ không bao giờ “làm thêm giờ” vì bạn.
Lần đầu tiên tôi và Doanh Doanh gặp nhau, cô mặc một chiếc áo gió chất lượng vô cùng tốt (sau này tôi mới biết chiếc áo ấy có giá hơn 3.000 tệ). Lúc đó lương tháng của chúng tôi chỉ được hơn 1.000 tệ một chút. Doanh Doanh ngoài tiền thuê nhà còn phải chi tiêu cho cuộc sống thường ngày, chiếc áo xa xỉ như vậy nếu không phải là bạn trai mua cho thì cũng là của người thân gửi tặng.
Sau đó, chúng tôi trở thành đồng nghiệp, trang phục đi làm của Doanh Doanh đều vô cùng lịch sự, hoặc là âu phục tinh tế, hoặc là váy vóc dịu dàng. Vài ba đồng nghiệp vui tính hỏi Doanh Doanh: “Hôm nào cô cũng ăn mặc đẹp như vậy, chắc là được bạn trai giao hết lương tháng cho rồi phải không?”
Doanh Doanh chỉ cười, bảo rằng mình chưa có bạn trai, cũng không tiêu tiền của người thân. Sau khi tốt nghiệp đại học luôn tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, hoàn toàn là mẫu con gái hiện đại.
Lần này, mọi người càng ngạc nhiên hơn. Sinh viên đại học vừa mới ra trường đi làm, lương tháng chỉ hơn 1.000 tệ, ngoài ra không có bất kỳ thu nhập nào khác mà lại có thể tự trang trải cuộc sống và mua được những bộ quần áo xa xỉ như vậy sao? Trước nghi ngờ của mọi người, Doanh Doanh không biết giải thích ra sao, vì thế cứ mặc kệ để câu chuyện qua đi như vậy.
Dần dần tôi đã hiểu tại sao Doanh Doanh có thể sống một cách thoải mái như vậy.
Với thu nhập 1.200 tệ/tháng, cô dành ra 500 tệ đóng tiền nhà, 300 tệ cho bữa tối và thi thoảng tụ tập bạn bè, còn bữa sáng và bữa trưa đều được công ty hỗ trợ, 400 tệ còn lại cô dùng để tiết kiệm. Đúng vậy, bộ quần áo nào cô mặc cũng đều rất đẹp, giá cũng không hề rẻ, tuy nhiên cô không thường xuyên đi mua sắm và khi mua cũng chọn lựa rất kỹ càng. Cô thà dành khoản tiền lương tích góp mấy tháng để mua một bộ quần áo đẹp, có chất lượng chứ không tùy tiện mua một bộ đồ rẻ tiền để khi mặc lên trông không sang trọng, tinh tế mà lại còn nhanh hỏng.
Tôi từng nghe một người bạn bảo rằng khí chất cao quý của công chúa phải qua ít nhất ba đời thừa kế mới hình thành được. Nhưng một số cô gái bên cạnh chúng ta mặc dù không có số mệnh công chúa nhưng lại có cuộc sống vô cùng thoải mái, tinh tế, rất giống với phong cách “hoàng gia”. Phong cách đó không thể học được, là bẩm sinh mà có.
Còn nhớ lần công ty chuẩn bị tổ chức một hoạt động quy mô lớn, chúng tôi bận rộn làm việc đến tận khuya, về nhà cũng chỉ ngủ được vài tiếng rồi lại dậy đi làm. Đến văn phòng, mọi người đều vẫn ở trong trạng thái ngái ngủ, hiệu quả làm việc trong buổi sáng rất thấp. Ai cũng mong mau chóng đến giờ nghỉ trưa để chợp mắt một chút. Nhưng Doanh Doanh lại vô cùng sôi nổi, vẫn chăm chỉ làm việc, chẳng bao giờ tỏ ra lười biếng. Buổi đêm ấy, về nhà cô chỉ tắm rửa, thay quần áo. Sáng, cô chợp mắt một lát, trang điểm nhẹ nhàng rồi đến nhà ăn của công ty sớm hơn mọi người, ăn sáng xong lại trở về văn phòng bắt đầu làm việc.
Tôi từng hỏi Doanh Doanh rằng sống như vậy cô có thấy mệt không.
Cô trả lời rất chân thật: “Không mệt!”
Nếu không có “số mệnh công chúa” nhưng lại muốn sống cuộc sống như công chúa thì chỉ có cách dựa vào nỗ lực, cố gắng phấn đấu của bản thân. Rất nhiều cô gái trẻ thích đi dạo phố, thưởng thức món ngon, xem phim, hát karaoke, mua túi xách và quần áo theo mốt mới nhất. Doanh Doanh cũng vậy, nhưng cô lại thích nỗ lực để con người mình trở nên ưu tú hơn. Cô hiểu rằng chỉ khi nào chống lại được sức cuốn hút của cuộc sống xa hoa, náo nhiệt thì mới có được mơ ước cao xa. Nhiều năm sau, Doanh Doanh trở thành CEO của công ty, có được địa vị và quyền lực rất cao.
Chí hướng quyết định tương lai của bạn
Một hôm tôi ra ngoài làm việc, về đến công ty vừa đúng giờ ăn trưa nên tôi đi thẳng xuống nhà ăn. Trông thấy chị đầu bếp đang nướng bánh, tôi liền trêu đùa: “Bà chị nướng cho em cái bánh to vào nhé, càng to càng tốt!” Nói xong, tôi vừa xoa tay ngồi vào bàn ăn vừa nháy mắt ra hiệu, cười với chị. Chị ấy lườm tôi một cái, nói: “Cứ cho là tôi muốn nướng cho cậu một chiếc bánh thật to, nhưng cậu cũng nên hỏi cái nồi này xem nó có chịu nướng cho cậu hay không? Bánh dù to đến mấy thì có thể to hơn cái nồi được hay không?”
Thật không ngờ một chị đầu bếp làm công việc hết sức bình thường lại nói ra được những lời có ý nghĩa sâu xa đến như vậy. Tuy giản dị, chân thật nhưng lại khiến người ta tỉnh ngộ.
Cái bánh ta đã ăn thuộc về quá khứ, cái bánh đang nướng thuộc về tương lai. Con người ai cũng đều mong mình nướng được cái bánh to nhất, nhưng kích thước của bánh lại phụ thuộc vào kích thước của nồi. Đó chính là ý chí của bạn. Muốn nướng được cái bánh to thì chí hướng của bạn bắt buộc phải đủ lớn.
Tôi thường hay nghe một số người phàn nàn rằng xuất phát điểm của bản thân quá thấp, cơ hội quá ít. Họ không bằng lòng với tình trạng hiện tại, nhưng cũng không nỗ lực, cố gắng hơn, cứ duy trì như vậy, cuối cùng không hoàn thành được bất cứ việc gì. Tôi không rõ đối với những người đó, cái gọi là “thấp” và “ít” được đánh giá dựa trên cơ sở nào. Họ có tự kiểm điểm lại xem tại sao mình lại cứ mãi thấp bé như vậy hay không?
Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Foxconn Quách Đài Danh từng nói rằng: “Năng lực, hành động và chí khí của con người lớn bao nhiêu thì cơ hội thể hiện mình của họ cũng lớn bấy nhiêu.”
Cho dù là tự thân lập nghiệp hay làm việc trong công ty, doanh nghiệp, nếu muốn biết trong tương lai một người có thể đi xa được đến đâu, thì trước tiên phải xem chí hướng của họ lớn đến đâu. Điều này quyết định đích đến mà sự nghiệp của họ có thể vươn tới. Những nhân tố mà bạn cho rằng đang hạn chế sự phát triển của mình, không phải là lời giáo điều được dạy trong trường học, cũng không phải là pháp luật hay pháp quy trong xã hội, hay tầm nhìn của công ty và văn hóa của doanh nghiệp, mà là ý chí của chính con người bạn. Trong lòng bạn hình dung ra tương lai của mình như thế nào thì cuộc đời bạn cũng sẽ có kết cục như vậy.
Chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh ra đời của mình, nhưng lại có thể quyết định quá trình trưởng thành sau này. Chúng ta không thể biết được mình sẽ sống bao lâu, nhưng chắc chắn có thể điều khiển được hướng đi và quyết định được những trải nghiệm của cuộc đời mình.
Khi tôi còn nhỏ, trong tiểu khu mà gia đình tôi sống có một cụ già. Khi thấy bọn trẻ con chúng tôi cùng chơi đùa, nghịch ngợm, cụ đã nói với chúng tôi những lời vô cùng thấm thía. Lúc đó tôi chưa thể hiểu được, sau này lớn lên mới dần dần ngẫm ra ý tứ sâu xa ẩn chứa trong những lời nói của cụ già, đó chính là lời giải thích về “ý chí” của con người.
Tôi còn nhớ, lúc đó mấy đứa trẻ chúng tôi dùng phấn vẽ lên mặt đất rất nhiều vòng tròn to, nhỏ khác nhau để chơi một trò chơi có tên là “Vòng tròn to bọc vòng tròn nhỏ”. Cụ già quan sát chúng tôi đứa nọ nối tiếp đứa kia nhảy từ vòng tròn này sang vòng tròn khác, liền nói: “Một đứa bé sẽ vẽ một vòng tròn bằng hết sức mình để bảo vệ các thành viên trong đội của mình. Một thanh niên sẽ vẽ một vòng tròn to hơn để chăm sóc cha mẹ, vợ con và anh chị em của mình. Một người trung niên sẽ vẽ một vòng tròn rất to, đối với họ có thể hơi quá sức nhưng họ vẫn cố gắng hết mình để vẽ to hơn. Bởi vì họ có tinh thần trách nhiệm lớn hơn, muốn đặt trọn vẹn lợi ích của chính họ và nhiều người khác nữa vào trong vòng tròn này.”
Mỗi người đều sẽ vẽ ra trong lòng mình một vòng tròn to nhất có thể, vòng tròn này chính là bộ phận trung tâm hình thành nên ý chí thực hiện mục tiêu của họ.
“Một bông hoa là một thế giới”, vấn đề là bạn nhìn nhận từ vị trí nào mà thôi. Ý chí giống như một thiếu nữ xinh đẹp, một thiếu niên nhanh nhẹn, không hề để tâm đến chuyện vinh nhục. Ý chí không lấy chuyện thắng thua để bàn về sở trường hay sở đoản của bạn, không lấy chuyện vinh dự hay nhục nhã để nói rằng bạn là vua hay là giặc. Từng bước đi trong cuộc đời con người cũng giống như các nước đi trên bàn cờ, điều quan trọng nhất không phải là kỹ thuật chơi cờ mà là khả năng chiến thắng. Chí hướng có lớn thì con đường phía trước mới ngày càng rộng mở hơn.
Bạn có còn nhớ nguyên lý thùng gỗ không? Có thể mọi người đều cho rằng nội dung của nguyên lý này đề cập đến lượng nước mà một chiếc thùng gỗ chứa được không do thanh gỗ dài nhất mà do thanh gỗ ngắn nhất trong thùng quyết định. Tôi cho rằng vẫn còn có một cách hiểu khác.
Đúng là trong điều kiện không bị rò nước thì độ dài của thanh gỗ ngắn nhất trong chiếc thùng gỗ chính là chiều cao thực tế của chiếc thùng này. Điều này cũng giống như chí hướng của một con người hay một doanh nghiệp. Ngoài ra, độ dài tấm ván gỗ ở đáy thùng đại diện cho bề rộng của ý chí, chiều dài trung bình của các tấm gỗ này càng lớn thì bề rộng càng ổn định, có thể không to ra nhưng cũng không bé đi. Còn thanh gỗ dài nhất trong chiếc thùng cũng có vai trò vô cùng quan trọng, nó quyết định không gian phát triển của chí hướng lớn đến đâu.
Ví dụ, trong đội ngũ kỹ thuật viên của công ty thuộc lĩnh vực chế tạo có 20% đạt trình độ cao cấp, 30% trung cấp và 50% sơ cấp. Do nhu cầu mở rộng của công ty và sự cạnh tranh ngày một quyết liệt trên thị trường, công ty có đề ra ba phương hướng phát triển như sau: Một là phát triển ổn định nhưng tốc độ chậm, thường xuyên ở trong tình trạng ngưng trệ hoạt động. Các kỹ thuật viên cao cấp có khả năng sẽ dần chuyển sang làm việc tại các công ty lớn hơn, còn kỹ thuật viên sơ cấp cần phải học tập, bồi dưỡng để nâng cao khả năng chuyên môn hoặc bị luân chuyển sang vị trí khác. Hai là phát triển mạnh mẽ, nhờ đó tỉ lệ kỹ thuật viên cao cấp ngày càng cao, tỉ lệ kỹ thuật viên sơ cấp và trung cấp ngày càng thấp, cuối cùng sẽ được nâng cấp hoặc bị thay thế. Ba là tụt dốc, kỹ thuật viên trung và cao cấp sẽ lần lượt nghỉ việc, đi tìm không gian phát triển khác phù hợp với mình hơn, còn kỹ thuật viên sơ cấp trở thành lực lượng trung thành tuyệt đối của công ty.
Đây là quy cách hoạt động của thế giới này. Người ta đánh giá nhân viên bậc thấp dựa vào tài năng, đánh giá nhân viên bậc trung dựa vào phẩm chất đạo đức, đánh giá nhân viên bậc cao dựa vào ý chí. Chí hướng không những ảnh hưởng đến thành công và cơ hội thể hiện của bạn, mà còn ảnh hưởng đến việc người khác đánh giá và thừa nhận bạn.
Thế giới bao la chúng ta đang sống có ba kiểu người chắc chắn không có tương lai, đó là: Người có lòng dạ hẹp hòi, người có tầm nhìn ngắn và người có kiến thức hạn hẹp. Với những người này, thế giới trong lời nói, trong lòng và trong mắt họ dần dần bị thu nhỏ lại. Đây cũng chính là nguyên nhân những người càng xuất sắc thì càng dám đối mặt với thách thức, còn những người có tâm thái không vững vàng thì lại ngày càng sa sút.
Người có ý chí lớn trong lòng chỉ hướng đến mục tiêu của đời mình, không quan tâm đến những được mất nhất thời. Nhiệt huyết tràn đầy trong lòng họ chính là vốn liếng để thực hiện ước muốn, là cơ sở để thành công trong sự nghiệp, là sức mạnh ý chí và trí tuệ “không sợ hãi khi có việc xảy đến bất ngờ, không tức giận khi bị người khác xúc phạm vô cớ”.
Mỗi người đều có ước muốn của riêng mình, nhưng trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ gặp phải khó khăn. Chỉ khi đủ lòng tin và kiên định, bạn mới có thể kiên trì, bền bỉ tiến về phía ước muốn của mình. Một người có ý chí mạnh mẽ không bao giờ dễ dàng cúi đầu trước khó khăn, và giới hạn khả năng của bản thân mình.
Không ai có thể luôn thuận buồm xuôi gió trong suốt cả cuộc đời. Bất kỳ dấu chân nào để lại cũng đòi hỏi bàn chân mềm mại kia phải dẫm lên vô số sỏi đá. Còn bàn chân của bạn, chỉ khi trải qua vô số lần chà xát mới tạo nên những vết chai sạn cứng rắn, giúp bước đi ngày càng vững chắc, thân thể ngày càng nhẹ nhàng. Nếu muốn đích đến ở gần ngay trước mắt, bạn cần phải ra sức nỗ lực nâng cao ý chí của mình, để nó dẫn dắt mơ ước, để mơ ước soi sáng hiện thực.