Một số người trẻ tuổi hiện nay chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài mà không coi trọng thực chất, đó gọi là: “Trông bề ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong lại mục ruỗng”. Có một câu chuyện cười minh họa cho sự vô nghĩa và vô giá trị của tâm ưa hư danh phù phiếm như sau:
Trên đường đang xảy ra một vụ tranh cãi vô cùng ầm ĩ, thấy vậy có mấy người háo danh kéo đến tụ tập xung quanh rồi ra vẻ khuyên ngăn.
Trước tiên, một người đàn ông có bộ răng giả bằng vàng tiến lại nói: “Các anh đừng cãi nữa, để tôi trao cho các anh nụ cười nhé!” Nói xong, anh ta liền mở miệng cười toe toét, lộ nguyên cả bộ hàm răng vàng.
Lúc này, có một người mặt thoa đầy kem phấn cũng nhanh chóng chạy tới, chỉ vào mặt và nói: “Làm ơn đừng cãi nhau nữa, hãy nhìn thẳng vào tôi, nể mặt chút đi!”
Một người khác đeo nhẫn vàng nắm chặt lòng bàn tay lại rồi nói: “Nếu mấy người còn cãi nhau nữa thì tôi sẽ cho mỗi người một đấm bây giờ!”
Còn người mang đôi giày da mới thì nói: “Nếu còn tiếp tục cãi nhau, tôi sẽ cho mỗi người một đá luôn đấy!”, rồi ông ta bắt đầu kéo ống quần, giơ chân lên làm điệu bộ.
Lại thêm một người đàn ông mặc một bộ quần áo mới thấy vậy cũng hăng hái bước đến, vỗ ngực mấy cái rồi hô to: “Xin các anh đừng tranh cãi nữa, mọi chuyện đã có tôi xử lý!”
Qua câu chuyện trên ta thấy, nhóm người ưa thích hư danh viển vông này vốn không thể dùng lý lẽ thuyết phục người khác, cũng không biết dùng đạo đức cảm hóa lòng người, chỉ biết dùng vật dụng tầm thường như quần áo, trang sức để khoe khoang mà thôi. Lẽ nào quần áo, giày dép cùng những thứ trang sức bên ngoài lại thể hiện được sự vĩ đại của một con người hay sao? Một số người không chỉ thích sử dụng hàng hiệu mà còn thích phô trương thể hiện mình, thích đánh bóng bản thân, thích được người khác tán dương ngưỡng mộ, v.v. Những thứ hào nhoáng tạm bợ và không đem đến lợi lạc này đều là biểu hiện của sự hư danh phù phiếm.
Thực ra, làm người cần phải thực tế, không cần cố chấp cưỡng cầu, cũng đừng nóng vội nhất thời để rồi đánh mất chính mình, mà hãy cần mẫn chu đáo trong mọi việc và phấn đấu cho tương lai lâu dài. Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật hòng phục quốc, Gia Cát Lượng náu mình ở Long Trung để đợi thời; bao nhiêu người miệt mài đèn sách, bao nhiêu người đồng lòng đồng sức, tất cả đều cho thấy chỉ có siêng năng kiên trì, bền chí cầu tiến mới có thể thành công. Ngược lại, nếu một người chỉ biết theo đuổi hư danh phù phiếm, thực tế lại không chịu phấn đấu thì giống như cây không có gốc rễ, rất dễ héo khô; giống như một tòa nhà có nền móng không vững chắc, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Vì vậy, chúng ta nên biết rằng hư danh chỉ là nhất thời, còn chuyên tâm vào thực chất mới là quá trình lâu dài. Câu “Không nói chuyện danh lợi, không làm chuyện phù phiếm” của Đại sư Huyền Trang chính là hình mẫu tốt nhất để chúng ta học tập và thực hành.