Con người rất phức tạp, giữa người với người luôn tồn tại những sự khác biệt về vùng miền, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, tín ngưỡng, tư tưởng, sở thích, cho đến sở trường, sở đoản. Con người tuy có muôn vàn nhân duyên khác nhau như vậy, nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau, cần phải có “duyên” tương trợ. Vì vậy, nếu một người không có tấm lòng bao dung đối với người khác biệt với mình, thì người đó sẽ không thể lĩnh hội được sự hòa hợp nhân duyên trong Phật pháp, sẽ không thể hiểu được đạo lý về sự tương thân tương ái.
Có câu: “Biết dung chứa mới trở nên vĩ đại”. Nhờ có thể dung chứa nước trăm sông đổ về nên mới có biển cả ngày nay. Hư không chứa được muôn hình vạn trạng của sự vật hiện tượng trên thế gian, nên mới nói trên đời này không gì lớn bằng hư không. Làm người phải bao dung với người khác, thì khi đó nhân cách mới trở nên cao thượng. Vì vậy, trong cách đối nhân xử thế, nếu chúng ta có thể khoan dung nhường nhịn chừng nào, thì sẽ giảm bớt tranh đua ganh ghét chừng ấy, cho tới việc tha thứ với những lỗi lầm mà người khác vô ý mắc phải, cũng là một hành động tôn trọng đặc biệt dành cho nhau.
Dân gian có câu: “Ngoài trời này còn có trời khác”. Bao dung chính là làm cho bản thân trở nên cao thượng và là một phương cách tốt để thúc đẩy hòa bình cho nhân loại. Con người dù tốt đến đâu cũng có khuyết điểm, vậy nên chúng ta phải biết tha thứ và thấu hiểu lẫn nhau, “nhìn ưu không nhìn khuyết”, có vậy thì ta và người mới luôn hòa hợp, an vui. Và ngược lại, khi chúng ta coi thường, ghét bỏ người khác thì người đối diện hẳn nhiên cũng sẽ khinh thường chúng ta. Cho nên biết khoan dung, biết hòa giải mới có thể chung sức chung lòng. Nếu một người không có lòng khoan dung, không thể buông bỏ trước những người, những việc không thuận mắt sẽ phải chịu đau khổ giày vò, vì vậy nếu có thể “độ lượng bao dung” thì cuộc sống sẽ không còn “oán tăng hội khổ”1.
1 Tức là “nỗi khổ khi phải gặp mặt hoặc ở gần người mình oán ghét”, là một trong tám nỗi khổ của cuộc đời.
Khi làm việc thì nên học cách giải quyết những việc gây trở ngại cho ta, khi ứng xử thì nên học cách đối đãi với người gây khó dễ cho ta. Mỗi người lúc xử lý công việc bắt buộc phải có sự kiên nhẫn, bao dung. Bao dung là đức tính quý giá nhất trên thế gian, biển lớn có thể dung chứa tôm cá, đất mẹ có thể nuôi dưỡng muôn loài, hư không có thể chở che vạn vật, và lòng người lại càng có thể bao dung tất cả. Vì vậy, để làm người lãnh đạo không chỉ xem xét ở năng lực, mà điều quan trọng là có một tấm lòng dung hòa được tất cả, giống như trời đất rộng lớn ngoài kia vậy.
Làm người, đừng ép người khác phải giống với ta, mà cần biết trên đời luôn có nhiều quan điểm và trình độ khác nhau. Làm người, càng không được yêu cầu mọi thứ phải tuân theo ý ta; mắt, tai, mũi và lưỡi đều có nhiệm vụ riêng thì chức năng cơ thể mới được kiện toàn. Như ngày nay, đã có đường lớn rồi, vẫn cần xây thêm đường sắt, hoặc thậm chí đường cao tốc, v.v. mới đảm bảo được nhu cầu tham gia giao thông của người dân. Chỉ có phân công lao động, biết hỗ trợ lẫn nhau mới có thể phát huy được tối đa hiệu quả công việc.
Kinh Phật có dạy: “Tâm rộng lớn bao trùm cả hư không”, chỉ cần ta biết bao dung thì tâm này có thể chứa được ba ngàn thế giới; ngược lại, nếu ta thu hẹp càng nhiều thì mất đi càng nhiều. Một người có thể bao dung cả gia đình thì người đó trở thành chủ của gia đình; bao dung cả một thành phố thì trở thành người đứng đầu một thành phố; bao dung một quốc gia thì trở thành nhà lãnh đạo quốc gia; bao dung được cả trái đất, thậm chí ba ngàn thế giới thì có thể đồng nhất với chư Phật.
Mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật trong vũ trụ là không thể tách rời. Hãy xem như là một phần của nhau, đặt mình vào địa vị của người khác, từ đó sẽ biết thấu hiểu và bao dung cho nhau. Làm người đừng nói năng và hành động tùy hứng, làm việc đừng cạn tình cạn nghĩa mà đẩy người vào đường cùng, được như thế thì tình cảm giữa người với người tự nhiên sẽ hài hòa, xã hội sẽ an lạc hạnh phúc.