Có câu: “Kiêu căng chuốc lấy thất bại, khiêm tốn được hưởng lợi ích”. Bông lúa càng chín thì càng uốn thấp xuống; còn với các loài cây, hoa tuy có thể hướng lên trên song quả thì luôn trĩu xuống dưới.
Người phương Đông rất chú trọng đến các cử chỉ khi chào hỏi người khác, trong đó có: cúi đầu, vòng tay, quỳ xuống hay rập lạy, v.v. Còn các nghi thức phương Tây ngày nay bao gồm: cởi mũ, bắt tay, ôm nhau, v.v. Tất cả những hành động trên chủ yếu để thể hiện tình giao hảo và sự khiêm tốn của bản thân. Cách chắp tay, hỏi thăm, lễ bái khi gặp nhau trong nhà Phật không chỉ thể hiện sự kính trọng dành cho nhau, mà còn là để tâm của mình hòa với tâm của chư Phật, chư Bồ tát.
Nhiều kinh Phật bắt đầu bằng câu “Khể thủ quy y” hay “Nhất tâm đảnh lễ”, tức là muốn thông qua sự kính lễ của thân, lời tán thán ở miệng, và lòng tôn kính trong tâm để bày tỏ sự khiêm nhường, giúp ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh.
Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường nghe một số câu khẩu hiệu kinh doanh như “khách hàng là trên hết”, “khách hàng là thượng đế”, v.v. tất cả đều thể hiện sự khiêm tốn của các hãng doanh nghiệp. Chính nhờ khiêm tốn mà sự cao thượng mới được biểu lộ.
Trong Phật giáo, câu chuyện “dầm tuyết chặt tay” của ngài Huệ Khả là đại diện cho lòng khiêm tốn cầu pháp; hay câu chuyện về nhà Lý học Du Thố và Dương Thời “đứng trong tuyết trước cửa nhà thầy” để học đạo, cũng đã cho ta thấy lòng thành kính của họ. Ngày xưa khi nghe pháp, các nhà sư chỉ ngồi trang nghiêm về một bên chứ không ngồi đối diện trước vị thầy giảng, đó cũng là biểu hiện của sự khiêm tốn; khi thỉnh cầu giới luật, đệ tử cần phải thực hiện ba lần thỉnh, ba lần đảnh lễ với thầy truyền giới, như vậy mới tỏ bày được sự khiêm cung của người cầu giới. Chính sự khiêm tốn của bản thân mới giúp cho truyền thống tôn sư trọng đạo được phát huy lâu dài.
Từ thời xưa, lý do khiến tên tuổi của các bậc thánh hiền như Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ được lan truyền và tồn tại ngàn năm là vì họ biết khiêm nhường. Cho đến việc Khổng Tử đã từng thỉnh vấn Lão Tử về “đạo”, điều này không có nghĩa là Khổng Tử không biết về đạo, mà chỉ là do ông là người có đức khiêm nhường mà thôi.
Ta vẫn nghe làm người phải biết khiêm tốn trước thầy cô, kính lễ trước cha mẹ, trước những bậc thiện tri thức. Nhưng đáng nói hơn là một số giáo viên còn khiêm nhường trước học sinh, điều đó thực sự đã thể hiện lòng bao dung của thầy cô; một số bậc phụ huynh tôn trọng con cái, càng cho ta thấy được lòng cao thượng của cha mẹ.
Đức Phật dù là bậc đã giác ngộ, là thầy của trời và người, nhưng Ngài vẫn thường tự tay đun thuốc và rót nước cho các đệ tử bị bệnh. Điều này không có nghĩa là Đức Phật không cao quý, mà thực chất đấy chính là lòng từ bi vĩ đại của Đức Phật.
Trong gia đình, hai vợ chồng nên nhường nhịn nhau để tình cảm thêm gắn bó; làm bạn bè cũng nên khiêm tốn để tăng thêm tình thân. Thông qua những câu chuyện về tình bạn tri âm tri kỷ của Bá Nha với Tử Kỳ; về việc kết nghĩa vườn đào của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi; về sự tích nhường lê cho anh của Khổng Dung, về tấm gương giả điệu bộ của một đứa bé làm cha mẹ vui của Lão Lai Tử; v.v. đều khiến ta có thể hình dung ra được phẩm hạnh khiêm tốn cao quý trong từng cử chỉ, hành động của người xưa.
Trong số các bậc hiền triết vĩ đại, những vị cao tăng thạc đức, những bậc đại sư phẩm hạnh cao quý mà chúng ta vẫn ca ngợi, không ai là không lấy sự khiêm tốn làm trọng. Vì vậy, chúng ta nếu mong muốn trở thành người vĩ đại thì nhất thiết không được quên đức tính này, bởi khiêm tốn là phẩm hạnh lớn nhất, là đức hạnh cao quý nhất.