Giao tiếp không chỉ là một kỹ năng, mà còn là một loại hình nghệ thuật và cũng là một công cụ để kết nối giữa người với người. Từ xưa đến nay, cả phương Đông và phương Tây đều có rất nhiều danh ngôn nói về tầm quan trọng của lời ăn tiếng nói, ví dụ như Luận ngữ có câu: “Một lời nói có thể làm cho cả một quốc gia thịnh vượng, nhưng một lời nói cũng đủ làm cho một quốc gia suy vong”. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Thượng đế cho con người hai mắt, hai tai và một miệng, là muốn con người cần phải nhìn sâu, nghe thấu và nói vừa đủ”. Tục ngữ có câu: “Lời hay tặng người thì quý hơn vàng; lời thương tổn trao người thì sắc như dao cắt”. Vì vậy, nói năng phải phù hợp với thân phận, đúng người, đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh. Nhất định đừng để một phút lỡ lời mà gặp phải tai họa, ngoài ra cũng đừng nói quá nhiều khiến người nghe khó chịu, hay nói lời giả dối mà bị coi thường, hoặc thậm chí bị sỉ nhục vì nói lời bất cẩn.
Mục đích của việc giao tiếp là để truyền đạt suy nghĩ và quan điểm của nhau. Qua cuộc nói chuyện, ta có thể đánh giá được nhân cách, cá tính và trình độ nhận thức của một người. Sau một cuộc trò chuyện, quan điểm và cách nhìn nhận của một người về một vấn đề như thế nào gần như biểu lộ ra hết. Vì vậy, suy nghĩ kỹ trước khi nói có thể giảm bớt những sai lầm không đáng có.
Tầm quan trọng của việc giao tiếp liên quan đến tương lai và sự nghiệp của một người. Nói một lời khen ngợi động viên người khác có thể khiến người nhận cảm thấy thân nhẹ tâm an, suốt đời tận tâm tận lực báo đáp; một lời nói làm tổn thương lòng người có thể khiến bạn bè tri kỷ nhiều năm trở thành kẻ thù. Vì vậy “uốn lưỡi trước khi nói” là một việc rất quan trọng mà mọi người cần phải ghi nhớ.
Khi giao tiếp, phải có thái độ chân thành, giọng điệu ôn hòa, khéo léo trong việc sử dụng từ ngữ sao cho lịch sự, không được ngạo mạn tự cao. Tốt nhất nên nói những câu khẳng định và ít dùng câu nghi vấn, ví dụ nói nhiều các từ như: “tất nhiên”, “rất tốt”, “không vấn đề gì”, v.v. sẽ giúp người nghe vui vẻ tiếp nhận.
Đặc biệt, thường ngày chúng ta nên học cách nói những lời chân thành khiến người cảm động, thay vì những lời mỉa mai; nên nói những điều người khác thích, thay vì nói những lời khiến họ khó chấp nhận; nên nói những lời khích lệ thay vì những lời khiến người khác mất hứng; nên nói những điều đem đến lợi ích cho người thay vì những lời vô nghĩa làm lãng phí thời gian của đối phương.
Trước khi nói ra điều gì cũng cần phải cân nhắc suy xét làm sao để đủ ý dễ hiểu, giúp mọi người đều cảm thấy vui vẻ. Lúc nói chuyện, phải biết để lại cho người khác đường lui, nhất định không được lấn át hay phán xét về người khác, càng không nên chỉ trích khuyết điểm của người và khoe khoang ưu điểm của bản thân.
Nói một câu cũng giống như bắn một mũi tên, mũi tên đã bắn ra thì không thể thu lại được, vì vậy nhất định phải luôn cẩn thận khi nói chuyện. Trong mười thiện nghiệp của đạo Phật, khẩu nghiệp đã chiếm tới bốn, đó là: không nói dối, không nói hai lời, không nói điều ác và không nói lời thêu dệt; nếu nói lời khiến người ta mất đi hy vọng thì cũng giống như là sát sinh vậy.
Con người ta vì vui nên mới đến thế gian này. Có câu: “Một lời nói chân thành cũng đủ sưởi ấm cả mùa đông lạnh giá”, bởi thế trước khi nói, ta cần suy nghĩ rằng: Một câu nói ra là để truyền đạt ý mình muốn nói và cũng mong đối phương có thể vui vẻ đón nhận, vì vậy cần học nói những lời hay ý đẹp. Người biết ăn nói khéo léo sẽ có thể mang lại niềm vui cho đối phương và đồng thời luôn nhận được sự chào đón từ mọi người.