Đời người có rất nhiều yếu tố quyết định thành công hay thất bại; “quan niệm sống” thiện ác, đúng sai là một trong số đó. Một số người một lòng chỉ muốn kiếm tiền bởi theo quan niệm của họ thì tiền quan trọng hơn tất cả mọi thứ, họ xem tiền quý giá hơn cả nhân cách và đạo đức trên đời. Bởi vì trong tâm chỉ suy nghĩ đến tiền nên họ không thể thành tựu được việc lớn.
Gieo “quan niệm sống” cũng giống như gieo hạt, gieo hạt giống gì thì sẽ gặt hái quả đó. Nếu ta gieo quan niệm tốt thì có thể thành công và trở nên giàu có, thành bậc thánh hiền; còn nếu gieo quan niệm xấu thì sẽ chìm vào sự sa đọa và xấu xa. Một quan niệm tốt giống như một kho vàng ngọc châu báu có thể được sử dụng suốt cả cuộc đời mà không bao giờ hết. Dưới đây xin nêu ra một vài quan niệm sống:
“Một người phải biết giúp đỡ người khác mới là có giá trị; một người phải học tập xuất sắc mới được lưu danh sử sách”.
“Tiền mà dùng đến rồi mới là tiền của mình; có tiền là có được phúc lành, người biết sử dụng tiền đúng cách mới là người có trí tuệ”.
“Mỗi người trong lòng phải có “thần tượng”, từ đó ngưỡng vọng, học tập và noi theo, phát huy khả năng của bản thân để được vĩ đại như họ”.
“Hành trình dài ngàn dặm khởi đầu từ bước chân đầu tiên; muốn làm lãnh đạo thì trước hết phải biết làm nhân viên”.
“Nếu muốn có thu hoạch, trước tiên phải gieo giống; muốn người khác đối xử tốt với mình, thì trước tiên phải đối xử tốt với người”.
Sự trưởng thành của một người phụ thuộc vào việc tự mình đã hoàn thiện quan niệm sống đến đâu. Ngoài ra, nếu ta biết cách linh hoạt điều chỉnh ý niệm của mình để thích ứng trong mọi hoàn cảnh mới gọi là tiến bộ đúng nghĩa. Điều thiện ác trong “quan niệm sống” cũng là nền tảng của việc đối nhân xử thế, có thể phát huy năng lượng chính nghĩa hay không còn phụ thuộc vào việc liệu quan niệm sống của người đó có được mọi người chấp nhận hay không.
Quan niệm sống chính là tài sản vô giá. Giáo lý của Phật giáo đều là “pháp tài”, nhưng thật đáng tiếc vì xưa nay thường bị hiểu sai; nếu chúng ta có thể hiểu sâu hơn, xây dựng quan niệm sống đúng đắn trên nền tảng giáo lý Phật pháp, rồi thực hành theo chính pháp thì sẽ thành tựu nguồn pháp bảo vô giá dùng suốt đời không hết. Ví dụ, trong sáu pháp Ba la mật: “Bố thí” có vẻ như là đem đến cho người, nhưng thực ra lại là con đường làm giàu cho chính mình; “giữ giới” tưởng như là chịu gò bó theo khuôn phép, nhưng thực ra lại là con đường dẫn đến tự do và an lạc; “nhẫn nhục” có vẻ như chịu thiệt thòi, nhưng lại là con đường đem đến lợi ích cho mình và cho người; “tinh tấn” giống như ép mình khổ hạnh, nhưng thực sự lại là con đường dẫn đến hạnh phúc và thành công; “thiền định” có vẻ buồn tẻ cứng nhắc, nhưng trên thực tế là con đường rất sống động; “Bát nhã” tuy có vẻ sâu sắc cao xa, nhưng kỳ thực đó là con đường để thấu hiểu chính bản tâm mình.
Trong ngũ giới, gồm có: “Không sát sinh” tức không xâm hại mạng sống của chúng sinh khác; “không trộm cắp” tức không xâm phạm của cải của người khác; “không tà dâm” là không xâm phạm thân thể của người khác; “không nói dối” cũng có nghĩa không xúc phạm danh dự của người khác; và “không uống rượu” là không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của ta và người. Tuân thủ năm giới đó chính là ta đã thể hiện được ý nghĩa thực sự của tự do và dân chủ.
Trên đời, tất cả mọi chuyện đều chỉ xoay quanh một niệm. Nếu học được điều hay, điều thiện và có quan niệm sống tốt đẹp thì tự nhiên cuộc sống sẽ giàu có sung túc. Nếu ta có thể làm cho tư tưởng mỗi ngày của mình thực sự được giác ngộ, thì điều này nhất định sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao phẩm chất và đức hạnh của bản thân.
Chúng ta phải dựa vào đạo đức để duy trì mối quan hệ giữa người với người. Ý niệm đạo đức càng tốt thì nhân cách càng cao; suy nghĩ mọi việc theo hướng tích cực chính là sợi dây kết nối cho mối quan hệ giữa người với người và là nền tảng xây dựng một cuộc sống lành mạnh. Nếu một người có nhận thức sáng rõ, tư tưởng an lành và ý nghĩ từ nội tâm thanh tịnh, như ánh dương chiếu khắp thế gian, như sắc hoa tươi thắm tỏa hương cho đời, như dòng nước trong lành tưới mát cho người, thì chắc chắn sẽ có được một cuộc sống viên mãn.