Tâm niệm của con người nhanh như thác đổ, không ngừng miên man suy nghĩ. “Niệm” vô cùng quan trọng, niệm có thiện niệm và ác niệm. Thiện niệm và ác niệm giống như hai ngã rẽ trên đường đời, thiện niệm dẫn đến Cực lạc, ác niệm dẫn đến địa ngục.
Vậy ác niệm là gì? Đó chính là vọng niệm (ý nghĩ xấu xa), tà niệm (ý nghĩ mê lầm), dục niệm (ý nghĩ ham muốn). Thiện niệm là gì? Đó là chính niệm (ý nghĩ chân chính), đạo niệm (ý nghĩ tinh tấn) và tịnh niệm (ý nghĩ trong sáng). Phật giáo dạy chúng ta phải biết “gia tăng niệm lực”, có nghĩa là muốn chúng ta loại bỏ ác niệm và tăng trưởng thiện niệm.
Để con người thoát khỏi vọng tưởng, Phật giáo chủ trương thực hành pháp môn niệm Phật, nghĩa là chúng ta cần dùng “chính niệm” lúc niệm Phật để đối trị “vọng niệm” tham, sân, si, mạn, nghi trong tâm. Nhưng có một sự thực là, vọng niệm đương nhiên cần phải loại bỏ, nhưng cũng không thể quá chấp trước vào chính niệm, bởi vì chỉ cần “khởi niệm” lên thôi cũng là sai rồi, cho nên phải dùng “vô niệm” để phá chấp vào “chính niệm”. Pháp môn Tào Khê của Lục tổ Huệ Năng chủ trương “lấy vô niệm làm tông chỉ”; vô niệm có nghĩa là “niệm mà không niệm, không niệm mà niệm”. Vô niệm chính là không chấp trước, là cảnh giới cao nhất của tu thiền; nếu đạt đến vô niệm thì ta có thể tùy hỷ, tùy xả, tùy tâm, tùy duyên trong suốt đời mình!
Niệm không ngừng biến chuyển trong tâm chúng ta. Có thể nói, những người bình thường hàng ngày đều sống trong “vọng niệm”, chỉ biết nghĩ về điều đúng sai của ta và người, suy nghĩ về được mất có không; những suy nghĩ ấy không ngừng dẫn dắt chúng ta trôi nổi trong mười pháp giới. Một niệm thiện đưa chúng ta đến cảnh giới của chư Phật, chư Bồ tát, trời người; một niệm ác khởi lên tức thì hết thảy ác quỷ, súc sinh, cho đến mọi đau khổ đều xuất hiện. Bởi tâm không ngừng bị lôi kéo, do vậy thân của ta cũng không bao giờ được an nhiên tự tại.
Khi chúng ta nghỉ ngơi, mắt, tai, mũi, lưỡi và cơ thể sẽ ngừng vận động, nhưng tâm trí chúng ta vẫn lang thang khắp nơi, hết lên núi rồi xuống biển, không bao giờ dừng lại một giây phút nào. Để tu tập, chỉnh đốn và thanh lọc tư tưởng, Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta thực hành pháp môn “Lục niệm”, đó là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên; và cả “Tứ niệm xứ”, đó là: quán thân bất tịnh (nhận thức về thân bất tịnh), quán thọ thị khổ (nhận thức về khổ đau), quán tâm vô thường (nhận thức về tâm vô thường), quán pháp vô ngã (nhận thức về pháp vô ngã). Tất cả đều nhằm mục đích đối trị những suy nghĩ lệch lạc của cái tâm điên đảo phân biệt giữa ta và người.
Kinh dạy: “Tâm như oan gia, thân phải khổ lụy”. Kinh điển ví von suy nghĩ của con người giống như những tên trộm, những con ngựa hoang, voi dữ, v.v. nhất định phải được thuần phục. Vì vậy, có người vào sâu trong núi để tu khổ hạnh, cũng có người đóng cửa phòng dùi mài kinh sử, v.v. Biết bao nhiêu pháp môn tu tập khác nhau được bày ra chẳng qua cũng là chỉ nhằm để đối trị một niệm trong tâm này mà thôi.
“Nhuộm tình nhiễm cảnh”, có nghĩa là một khi tâm của chúng ta bị vấy bẩn thì tự nhiên sẽ dùng cái tâm vấy bẩn đó để đánh giá người khác. Ngược lại, nếu nhìn người bằng tâm Phật thì tất cả đều là Phật. Vì vậy, nếu lúc nào chúng ta cũng có thể tự mình “quán sát tâm trí”, giúp “gia tăng niệm lực,” hy vọng sẽ có thể thành bậc thánh hiền, thành Phật thành Tổ, cũng đồng thời là để cho những ý niệm an lành mãi được tiếp nối, tiến thêm một bước là đạt cảnh giới tâm không chấp trước và trở nên trong sạch thanh tịnh. Đây chính là đạo tu hành vĩ đại nhất!