Cơ thể của một người nặng bao nhiêu? Từ 50kg đến 150kg đều có thể cân đo được! Vậy nhân cách nặng bao nhiêu? Lòng người thâm sâu thế nào? Chúng ta có biết được không? Vậy nên mới có câu:
Dò sông dò biển dễ dò,
Có ai lấy thước mà đo lòng người!
Giá trị của con người không phải phụ thuộc vào điều kiện vật chất mà phụ thuộc vào đạo đức và trí tuệ. Một người trong cuộc đời đóng góp được bao nhiêu cho gia đình và xã hội? Điều này tùy thuộc vào sự đánh giá và nhìn nhận của mọi người. Công tội hay thành bại của một người được quyết định như thế nào? Ấy là do lịch sử phân định chứ không phải do những lời lẽ anh tự tán dương mình.
Một người công nhân sau một ngày chăm chỉ làm việc chỉ kiếm được vài trăm đồng; còn đối với doanh nhân, chỉ cần vài câu nói thì đối tác có thể gửi hàng chục, hàng trăm triệu vào tài khoản; bạn nói xem giá trị của con người có thể đo đếm bằng tiền bạc được không? Có người vì theo đuổi lợi lộc, quyền cao chức trọng mà khi bị gọi một tiếng, họ phải lập tức có mặt; song cũng có người lại trốn tránh danh lợi mà tìm mọi cách lánh đời; vậy thì giá trị của những người này còn có thể nhìn từ sự tu dưỡng đạo đức của họ.
Đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, Viên Thế Khải ôm mộng đế vương, đã dùng mười vạn lượng bạc để yêu cầu Lương Khải Siêu đừng đăng bài báo Luận về quốc thể nhưng Lương Khải Siêu không vì vậy mà nghe theo. Khí chất và cốt cách của Lương Khải Siêu chả lẽ lại chỉ đáng giá có vài vạn lượng bạc thôi sao?
Trong lần lập pháp và ban hành hiến pháp đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, Hồ Thích được Tưởng Trung Chính mời làm tổng thống, nhưng Hồ Thích không để tâm đến chức vụ này nên đã khéo léo từ chối. Nhân cách của Hồ Thích đáng giá bao nhiêu, chắc chúng ta không cần phải bàn thêm lời nào nữa.
Trong quá khứ, các vị thiền sư đã chứng ngộ, đã thành Phật thành Tổ, còn chúng ta chưa làm được gì cả! Nhìn lại xã hội ngày nay, vì tranh giành tài sản của gia đình mà một số người quay ra trở mặt với anh em, đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán, thậm chí còn đưa nhau ra tòa; nhưng cũng có người im lặng nhẫn nhịn rồi bỏ đi xa xứ, không muốn hơn thua để giữ gìn hòa khí. Tiền bạc của cải, anh em hòa thuận, bên nào nặng bên nào nhẹ, chúng ta chắc đã thấy rõ.
Xưa kia, muốn dựng vợ gả chồng thì cần bao nhiêu của hồi môn? Cần bao nhiêu lễ vật mới có thể cưới về một người vợ? Nhưng thử hỏi tôn nghiêm của con người liệu có mua bán được không? Người dân nước Tề thà nhịn đói còn hơn ăn “thức ăn thừa”; chính từ trong hoàn cảnh đau khổ và thiếu thốn, người ta mới có thể thấy rõ nhất giá trị của sự chính trực và phẩm chất của một con người!
Tô Đông Pha, một trong tám nhà thơ lớn thời Đường - Tống, luôn được xem là tác gia có vị thế cao trong giới văn học, nổi tiếng là có rất nhiều công án với những nhà sư lỗi lạc. Có một lần, ông vì muốn thử cảnh giới ngộ đạo của Thiền sư Ngọc Tuyền nên đã cải trang thành một vị quan lớn đến gặp thiền sư, khi thiền sư nhìn thấy ông, liền bước tới và chào hỏi: “Xin hỏi đại quan tên gì?” Tô Đông Pha nhanh trí trả lời: “Ta họ Cân, nghĩa là muốn cân xem các vị trưởng lão trong thiên hạ nặng nhẹ bao nhiêu”. Thiền sư Ngọc Tuyền hét lên một tiếng, rồi sau đó bảo: “Xin hỏi tiếng hét này của tôi nặng bao nhiêu?” Tô Đông Pha không đáp được, thầm khâm phục thiền sư vô cùng.
Luận ngữ có câu: “Quân tử không trang nghiêm lễ độ thì không có uy đức”. Khi làm việc, nhất cử nhất động của ta đều cần phải nghiêm cẩn; khi nói năng, từng câu từng chữ của ta đều xử thế, đứng trước từng việc từng người đều phải hài hòa; trong cuộc sống, từng giây từng phút đều phải luôn tôn trọng chính mình và người khác. Nếu một người không tôn trọng bản thân thì làm sao có thể yêu cầu người khác phải tôn trọng mình? Nên cổ nhân có nói: “Tự mình không xem trọng mình thì người khác lại càng coi thường”. Vì vậy, trong khi giao tiếp, ứng xử đối với người xung quanh, chúng ta chẳng những không được kiêu ngạo tự cao, đồng thời càng không được tự hạ thấp thân phận và giá trị của bản thân!