Nếu một người hiểu việc, hiểu đạo lý, biết học đạo và biết học hỏi người khác về những việc mà mình không biết thì được coi là người có “hiểu biết”; song để được gọi là một người có “hiểu biết chân chính” thì như vậy thôi chưa đủ, mà thực tế người đó còn cần phải thấu hiểu chính bản thân mình nữa.
Trong xã hội hiện nay, cho dù có những người rất thông minh, am hiểu về chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, thiên văn, địa lý, v.v. nhưng mà họ “biết” càng nhiều thì lại càng thấy mình còn có nhiều điều chưa rõ. Có câu rằng: “Chưa hiểu được chuyện lớn (sinh tử đời người) thì day dứt không nguôi”, tương tự nếu không hiểu được chính mình thì cũng coi như là không hiểu biết gì hết. Chỉ một câu hỏi đơn giản: “Con người sống từ đâu đến, chết lại đi về đâu?”, vậy mà trải qua hàng ngàn năm qua, ngoại trừ chư Phật, Bồ tát và A la hán, xem ra vẫn chẳng có mấy ai có thể trả lời được vấn đề này. Nếu chúng ta đã không thể hiểu được chính mình thì làm thế nào có thể biết được người khác, làm thế nào có thể tinh thông mọi việc và nắm bắt hết đạo lý chứ?
Hiện nay có rất nhiều người mặc dù có kiến thức phong phú nhưng vì nhận thức không đúng đắn nên đã khiến hiểu biết của họ trở nên sai lầm. Khi nhận thức đã lệch lạc thì sẽ trở thành “ngu si”, bởi vì ngu si nên con người ta mới không thể thấy biết được chân tướng thế gian. Dưới con mắt của một người ngộ đạo, mọi việc trên đời này thực ra là một thế giới điên đảo, một xã hội ngu muội, một cuộc đời đầy si mê lầm lạc và mọi người khắp nơi đều đang tự mình chuốc lấy phiền não.
Để trừ bỏ sự ngu muội, Phật giáo đưa ra phương pháp đó là vận dụng trí tuệ Bát nhã, chẳng hạn như: Hiểu rõ nhân và duyên có thể loại bỏ si mê; hiểu được tất cả sự vật hiện tượng là “không” thì có thể tiêu trừ ngu muội; liễu ngộ “vô ngã” có thể dứt sạch vô minh; chứng ngộ chân lý thì có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử. Dẫu cho Bát nhã luôn hiện hữu trên thế gian, nhưng nếu ngay đến chính mình bạn còn không thể hiểu thì làm sao có thể nhận biết được Bát nhã?
Hiểu được người đã khó, hiểu hết tường tận mọi việc càng khó và hiểu thấu đạo lý lại càng khó hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là mọi người phải tự hiểu mình để sửa đổi khuyết điểm, để phát huy hết tài năng của bản thân. Vấn đề của hầu hết mọi người nằm ở chỗ không hiểu được mối quan hệ giữa ta và người; bởi vì không hiểu đạo lý “đồng thể cộng sinh”, do đó ta không thể khởi dậy tâm từ bi; không hiểu được trạng thái “tâm cảnh tương thông” nên không thể “hợp nhất tâm cảnh”, do đó tâm bị ngoại vật làm cho biến đổi, chịu làm nô lệ cho ngoại vật. Chính vì bản tâm này đang từ địa vị làm chủ, nay lại trở thành nô lệ, bởi thế cho nên con người ta mới không thể nào hiểu được chính mình.
Thực ra, bản tính con người vốn thuần khiết, không bị nhiễm bẩn. Chân như tự tính của chúng ta vốn trong sáng thanh tịnh, nhưng vì nhất thời không tự nhận thức được nó nên chúng ta quên của mình, để rồi từ đó đắm chìm trong biển khổ. Con người được sinh ra bởi “ái”, từ “ái” lại sinh ra “thủ”, “hữu”, v.v. và vì đắm chìm trong ái cho nên bị phiền não trói buộc, không thể tự giải thoát, không hiểu được sinh tử luân hồi.
Bát nhã tâm kinh nói: “Bởi trong lòng không có điều ngăn ngại, không có ngăn ngại nên xa lìa điên đảo mộng tưởng”. Nếu một người có thể hiểu chính mình thì trong lòng không có chướng ngại, bởi lẽ chỉ có hiểu rõ bản thân mới có thể có cuộc sống viên mãn.
Người không hiểu được mình, cũng giống như mắt có thể nhìn thấy những thứ cách xa hàng trăm bước, nhưng lại không thể tự nhìn thấy lông mi. Hiện nay, có biết bao người hàng ngày chỉ mải mê đố kỵ, toan tính hơn thua với người, thường chỉ trích người khác không đúng mà quên mất ước mơ lý tưởng khởi lên trong tâm mình; nếu bản thân họ không hiểu lý tưởng, trách nhiệm và sứ mệnh của chính mình thì họ vẫn sẽ sống mãi trong cuộc đời tẻ nhạt, không làm được một việc gì cả. Vì vậy, chúng ta cần phải tự quán chiếu chính mình, có hiểu rõ được bản thân thì mới có thể sáng suốt và trở thành một con người hoàn thiện.