Trong cuộc sống, có rất nhiều nguồn động lực có khả năng thúc đẩy sự tiến bộ của một con người, trong đó “khát vọng” là nguồn sức mạnh vô cùng quan trọng. Vì mang trong mình hoài bão trở thành bậc thánh hiền nên ta phải quyết tâm thực hiện nguyện vọng; khi có hoài bão phụng sự tổ quốc và nhân dân thì ta mới biết nỗ lực làm việc và phấn đấu hết mình. Chỉ có khát vọng, hoài bão mới có thể giúp ta đạt được mục đích của cuộc đời.
Khát vọng không phải là mưu mô toan tính vì lợi ích của bản thân, mà mục đích của khát vọng là thực hành hạnh nguyện cứu nhân độ thế, và phải là động lực hướng đến chân thiện mỹ thì mới không gây ra những việc làm sai trái.
Trên thế gian này, có người biết sẵn sàng phục vụ và thực hành những việc thiện lành để cống hiến cho xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người xung quanh; một số khác lại không tiếc hy sinh cả tính mạng và lợi ích riêng của mình để theo đuổi trung nghĩa và đạo đức. Ngược lại, người có tham vọng xấu thì sẽ thực hiện các việc làm bất thiện như tham nhũng, phạm pháp, lừa đảo, bắt cóc, cướp bóc, lợi dụng người khác để trục lợi cho mình, v.v.
Vì vậy, tùy theo khát vọng đó là thiện hay ác thì sẽ xuất hiện ngay ranh giới giữa quân tử và tiểu nhân; tùy theo khát vọng đó là tốt hay xấu, ta lập tức có thể phân biệt được ngay đâu là người trung tín và đâu là kẻ gian trá; khát vọng đó là lớn hay nhỏ cũng cho ta thấy ngay điểm khác biệt giữa bậc thánh nhân với người phàm phu.
Lòng khát vọng không thể khi không mà có được. Nếu chúng ta muốn đạt được những điều lớn lao thì nên bắt đầu lên kế hoạch cho mình và bắt tay vào hành động ngay lập tức, vì chỉ như vậy mới có thể biến điều ước thành hiện thực.
Từ xưa tới nay, biết bao nhiêu người công thành danh toại, đạt được những thành tựu to lớn là bởi vì họ sở hữu trong mình một hoài bão lớn lao, cao cả. Ví dụ: Ban Siêu nhờ có khát khao được đi sứ Tây Vực nên đã “gác bút tòng quân”, cuối cùng lập công ở quê người, tên tuổi được ghi vào sử sách; Hán Quang Vũ Đế “nuôi chí lớn” một lòng muốn thống nhất đất nước, nhờ động lực đó ông đã dẹp yên các thế lực phản loạn và đem đến sự bình yên cho quốc gia. Cũng vậy, bao nhiêu học trò nghèo xưa nay học hành chăm chỉ, miệt mài đèn sách, cuối cùng cũng được thành tựu là bởi vì họ có hoài bão đạt được công danh, làm rạng rỡ cho tổ tông. Hay như Võ Tắc Thiên, Chu Nguyên Chương nhờ ôm giấc mộng đế vương nên dù chỉ xuất thân là bậc thường dân áo vải, song vẫn có thể dựng nên nghiệp lớn, trị vì thiên hạ.
Những người nổi tiếng trong giới học thuật thời cận đại như Lý Viễn Triết và Cao Hy Quân, mặc dù xuất thân nghèo khó, nhưng vì nuôi dưỡng hoài bão trở thành một học giả để phục vụ đất nước, nên mới đạt được thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực khoa học và kinh tế. Lại có Ngô Tu Tề, Vương Vĩnh Khánh là những người nổi tiếng trong giới kinh doanh; Tề Bạch Thạch và Trương Đại Thiên nổi danh trong giới nghệ thuật; và các vị tổng thống như Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển trong giới chính trị cũng vậy; tất cả đều là những tấm gương mẫu mực cho hành trình khổ công rèn giũa trong gian nan thử thách mà làm nên thành tựu.
Người xưa dạy rằng: “Thời Hạ, Thương, Chu ai cũng sợ được người khác khen ngợi, nhưng rồi sau đó ai cũng thích nghe được ngợi khen”. Thời hiện đại thì chỉ sợ sống không có ước mơ, nếu không có ước mơ thì sẽ sinh ra lười biếng, dần dần trì trệ chán nản, sống cả đời mà không đạt được bất cứ thành quả gì. Vì vậy, làm người phải có hoài bão trở thành người tốt, trở thành người quân tử, trở thành bậc vĩ nhân hay trở thành một chuyên gia, một học giả; cần có ước mơ trở thành bậc thánh hiền và thành Phật, như vậy mới không lãng phí cuộc đời một cách vô nghĩa.