Con người, sống phải có hứng thú và đam mê, cuộc đời mà không có hứng thú và đam mê thì sống thật tẻ nhạt!
Đam mê có thể hiểu như là một loại sở thích. Đam mê đôi khi là do bẩm sinh, như một số người sinh ra đã thích văn học, âm nhạc, thể thao, v.v. Đam mê có lúc đến từ quá trình mài giũa, luyện tập, ví dụ như có một số bậc cha mẹ nuôi dưỡng tài năng của con trẻ như chơi đàn piano, hội họa, khiêu vũ, v.v. từ khi còn nhỏ. Đam mê đôi khi là yếu tố cân nhắc chính để một người lựa chọn chuyên ngành học tập hoặc làm việc cho mình; ví dụ một người ưa thích du lịch, đi đây đi đó có thể sẽ lựa chọn làm hướng dẫn viên du lịch hay tiếp viên hàng không. Có những người lại biến trách nhiệm, lòng từ bi trở thành đam mê; ví dụ như có người muốn đem đến lợi ích cho xã hội mà tham gia các đội ngũ tình nguyện viên, hoặc là vì giáo hóa thế gian mà lập chí nguyện làm giảng sư thuyết pháp.
Trong cuộc sống, không ít trường hợp vì muốn tăng thêm hiểu biết cho bản thân nên một số người nuôi dưỡng sở thích đọc sách, viết lách, thư pháp, v.v. lâu dần thành ra đam mê từ lúc nào không biết. Đôi khi đam mê chỉ đơn giản là được làm những thứ mình thích, như sưu tập tem, chơi cờ, nuôi thú cưng, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh, xem phim, dạo phố, mua sắm, v.v.
Những đam mê, thú vui thường ngày cũng có thể phản ánh nên hoàn cảnh hay tính cách của một người; ví dụ như những người giàu lại có niềm đam mê sưu tập đồ cổ, tiền xu; hay một người thường xuyên thực hành đời sống tâm linh, thì đam mê của họ có thể là tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, sao chép kinh sách, v.v.
Đôi khi, bởi vì ta ngưỡng mộ những thành tích xuất sắc của một người hoặc một lĩnh vực nào đó mà lấy đó làm đam mê, từ đó lập chí học tập và phát triển để có được thành tích như vậy; một số người nhờ đam mê mà phát hiện được tài năng của mình, điều này không chỉ giúp bản thân được thành tựu mà còn mang lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng.
Cho dù đam mê của bạn được hình thành như thế nào thì điều quan trọng là không được để bản thân đắm chìm vào những thói quen xấu, sở thích xấu, chẳng hạn như đam mê cờ bạc, nghiện rượu, cho tới ham ăn, mê ngủ, nghiện hút thuốc, nghiện ma túy, hay đi la cà, thích chửi mắng, ưa nói dối, v.v. Đây đều là những thói hư tật xấu, không thể gọi là sở thích được.
Trên thực tế, chúng ta tuyệt đối không thể để tình trạng “ham mê thành nghiện” hay “vì ham chơi mà đánh rơi ý chí” xảy ra. Ví dụ, học sinh nghiện chơi điện tử hay internet mà bỏ bê bài vở ở trường; hay các vị quan chức bỏ bê nhiệm vụ của mình chỉ vì mê chơi golf, v.v. Làm người ai cũng có sở thích nhưng tuyệt đối không thể vì sở thích đó mà khiến người khác phải chịu khổ; ví dụ như có người hết mực cưng chiều thú cưng, nhưng đến khi không còn hứng thú nữa liền bỏ rơi chúng, khiến những con vật đáng yêu đó trở thành chó mèo hoang lang thang đầu đường xó chợ, không ai chăm sóc, không nơi để về; điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội mà còn cho thấy sự vô nhân đạo trong đó.
Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày, ngoài việc ăn, ngủ, làm việc, ta còn phải biết thư giãn một cách chính đáng để cân bằng cuộc sống. Vì vậy, giáo dục học đường hiện đại chủ trương chú trọng tất cả các yếu tố “đạo đức, trí tuệ, thể chất, tinh thần tập thể, vui chơi giải trí”. Có thể thấy, thư giãn giải trí cũng là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Nếu một người có thể trưởng dưỡng niềm đam mê chân chính thì người đó sẽ được sống một cuộc đời an nhàn, vui vẻ.
Đam mê chính là nguồn động lực để mỗi người phát huy tiềm năng của bản thân, là chỗ dựa cho việc an hưởng tuổi già và là căn cứ để điều chỉnh nhịp sống hàng ngày. Nếu một người có thể theo đuổi công việc phù hợp với sở thích và đam mê của mình thì đó quả là điều may mắn, còn nếu không được như ý nguyện thì phải học cách tự tìm thấy đam mê từ công việc ấy; có thể tận hưởng niềm vui của mình trong mọi hoàn cảnh, đây mới là điểm ta cần chú ý đến để bồi dưỡng niềm đam mê.